Địa ngục biến tướng
ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG
Cảm nhận về ý nghĩa hình ảnh địa ngục xuyên suốt truyện ngắn "Jirokuhen" (Địa ngục trước mắt) của Akutagawa.
1. "Địa ngục" là một tác phẩm nghệ thuật.
"Địa ngục trước mắt" là câu chuyện kể về quá trình tạo tác một bức tranh của họa sĩ Yoshihide về hình ảnh địa ngục. Quá trình thực hiện tác phẩm ấy là một sự kiện kinh hoàng. Nhưng đến cuối cùng, người ta vẫn không thể phủ nhận sự "thần diệu" của nó. Vì lẽ nào bức tranh kia lại có thể tồn tại? Vì giá trị nhân văn nó đem lại, hay câu chuyện đằng sau đó?
2. Địa ngục là biểu hiện của khát khao sáng tạo được sinh ra từ hiện thực.
Bàn về bức tranh địa ngục trong tác phẩm, ta không thể bỏ qua lý do tồn tại của nó. Đức ông- một người có quyền lực đã sai Yoshihide vẽ bức tranh trên. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, có lẽ chính họa sĩ cũng có nhu cầu vẽ nên "cái khác biệt" như vậy. Không giống với những người nghệ sĩ đi theo lối sáng tạo truyền thống, Yoshihide luôn tạo nên những tác phẩm kì lạ như "họa tiên nữ Kichijo, hắn mượn hình thù gái đĩ thô bỉ, còn vẽ Đức Bất Động Minh Vương, hắn lại chọn hình ảnh một tên vô lại muốn ra tù". Điều đó chứng tỏ việc nhân vật luôn muốn đi ngược lại với quy luật thường thấy, phản kháng một lối thờ phụng đã cũ và dường như hắn cũng mong muốn giải thiêng những đại tự sự trong tác phẩm của mình. Vậy nên, Yoshihide vẽ bức tranh địa ngục. Hơn thế, bức tranh còn là khát khao sáng tạo nghệ thuật to lớn của hắn. Trong suốt quá trình vẽ, hắn không hề thăm con gái của mình dù rất yêu thương nó ("hễ con gái xin đồ trang sức đầu tóc, quần áo thì hắn không tiếc mảy may tiền bạc"). Đáng sợ hơn, Yoshihide đem những đứa học trò của mình trở thành công cụ như là hiện thực để vẽ. Hắn suýt khiến học trò của mình bị "con rắn ngoạm cổ" mà chẳng quan tâm. Hắn để con cú mổ đầu một đứa trẻ. Tất cả những hành động trên đều nhằm mục đích tạo hiện thực cho hắn sáng tác.
3. Địa ngục là ẩn dụ cho quá trình đấu tranh trong nghệ thuật.
Chính vì những nhu cầu sáng tác trái ngược với hiện thực của Yoshihide mà nhiều mâu thuẫn đã ra đời. Mâu thuẫn đầu tiên tồn tại là cái nhìn của nhiều người về Yoshihide - kẻ thì tôn sùng, kẻ hạ thấp. Mâu thuẫn thứ hai xuất hiện khi những người học "đạo" của Yoshihide bị hắn "lợi dụng". Nhưng mâu thuẫn lớn nhất có lẽ là việc nhìn nhận hiện thực và cuộc sống của nhân vật. Cuối câu chuyện, tác phẩm của Yoshihide hoàn thành, hắn ta có vẻ "mừng" khi thấy học trò bị tổn thương, thậm chí là khi đứa con gái của mình bị đốt để làm "tư liệu sáng tác". Trên thực tế, khát vọng sáng tạo, đi tìm hiện thực của Yoshihide đã thua cuộc trước tình cảm riêng. Hắn hy sinh nhiều thứ để đạt được mục tiêu cuộc đời, nhưng cũng chính vì đạt được nó mà mới mất đi tất cả những thứ khác. Sau này, Vũ Như Tô trong "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" cũng thất bại trước mộng lớn như thế. Điểm khác biệt lớn nhất là Yoshihide hoàn thành được "Địa ngục", còn Như Tô thất bại hoàn toàn trước sắc đỏ cháy mãi bên Cửu Trùng Đài. Nhưng dẫu hoàn thành được tác phẩm, Yoshihide cũng mất đi con gái, mất đi giá trị của cuộc đời mình ở một mặt nghĩa khác. Trong trí não và trái tim của hắn vừa tồn tại hạnh phúc vì tác phẩm vĩ đại, vừa đau khổ vì cái thiện, cái mà mình yêu thương bị tàn phá. Thông qua câu chuyện, tác giả đang đề cập đến hiện thực trong cuộc sống. Liệu nghệ sĩ có cần phải nhìn thấy hết tất thảy đớn đau của cuộc đời mới tạo tác nghệ thuật được hay không? Liệu có đáng để đánh đổi mọi thứ vì nhu cầu sáng tạo hay không? Câu trả lời không nằm trọn vẹn trong tác phẩm, mà cái hay là người kể chuyện "tôi" đã bỏ ngỏ rất nhiều đáp số cuối cùng.
4. Địa ngục là bức tranh tha hóa của lòng người.
Sau tất cả thì bức tranh địa ngục kia đã thực sự phản chiếu tất cả nhân vật. Đức ông- một nhân vật được "tôi" cho là luôn đối tốt với người hầu, có xuất thân "Đại Uy Đức Minh Vương đã hiện ra bên gối mộng của đấng từ thân.” lại là kẻ đốt một cô gái vì "lỗi sai" vô lý (mà ở đây có thể là nàng không chấp nhận thực hiện hành vi tính giao với ông ta). Ở nhân vật đức ông, người đọc luôn tồn tại một cảm giác rằng có vẻ hắn không tốt đẹp như lời người kể không đáng tin nói. Akutagawa đã giải thiêng tín ngưỡng của con người. Đó là hình ảnh người đứng đầu không toàn diện những đức tính thiện lương. Tác giả đặt hắn trong hoàn cảnh bất ngờ để thức tỉnh quá trình phản tư của độc giả. Mỗi nhân vật trong "Địa ngục trước mắt" đều hiện lên với vẻ ngoài, suy nghĩ khác nhau nhưng dường như trong ai cũng tồn tại một địa ngục. Địa ngục trong lòng người ở đây là sự phán xét, ghét bỏ, đánh giá, thù hằn người khác tột độ. Nhân vật "tôi" cũng không ít lần đánh giá cá nhân, quy chụp những điều mình không biết về Yoshihide. Yoshihide cũng mang lòng tham, sự tàn ác một cách "vô tâm" vì tác phẩm của mình. Và thậm chí trong chính cái địa ngục ấy, người ta tự cho mình cái quyền được "gắn mác" nhau dẫn đến sai lầm liên tiếp.
5. Địa ngục cũng phản chiếu nỗi đau và cái đẹp của con người.
Nếu chỉ nói về sự ích kỷ, cái xấu của các nhân vật thì đó có lẽ là một thiếu sót lớn. Tác phẩm "Địa ngục trước mắt" không chỉ nói về cái xấu của con người, mà đó còn là bi kịch về vẻ đẹp tồn tại xuyên suốt. Trong Yoshihide cũng tồn tại một khát khao chân chính và tình yêu thương đối với con mình. Trong người con gái của hoạ sĩ cũng tồn tại một vẻ đẹp thể xác và sự trong sáng về tâm hồn (khi cô cứu con khỉ). Hay trong chính cả nhân vật "tôi", hắn cũng nhìn nhận được vẻ đẹp của người khác. Mà nhìn nhận được vẻ đẹp của người khác là thể hiện được cái đẹp của mình. Những bi kịch luôn tồn tại đan xen với nhau, nhưng cũng giống như câu cuối cùng trong bộ phim điện ảnh Rashomon nổi tiếng được chuyển thể từ truyện ngắn trong tập "Trinh tiết", Akutagawa vẫn có "niềm tin'" vào phần nào đó của con người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top