"Chiếc lược ngà"- Nguyễn Quang Sáng.

"Yêu nhớ tặng Thu con của ba".

Hồi lớp chín, lần đầu đọc "Chiếc lược ngà", mình đã khóc rất nhiều khi biết rằng ông Sáu sẽ hy sinh trên chiến trường. Thậm chí, thuở ấy, tác phẩm khiến mình ấn tượng nhất trong sách giáo khoa tập 1 không phải là "Làng", "Bếp lửa",... hay một bài nào khác mà là truyện ngắn trên của Nguyễn Quang Sáng.

Trần Đăng Khoa từng viết: "Thơ hay là thơ giản dị, xúc động, ám ảnh." Mình thấy nhận định của ông đúng lắm. Bởi, chẳng bao giờ mình thật sự xúc động khi đọc tác phẩm đóng vai trò như một phát kiến nghệ thuật kì công, vĩ đại song mình lại dễ dàng rơi nước mắt trước những câu văn, những dòng thơ đơn giản nhưng "trực chỉ nhân tâm", chạy thẳng vào tâm hồn. Và câu văn "yêu nhớ tặng Thu con của ba" trong truyện "Chiếc lược ngà" chính là một dòng như thế.

Câu "Yêu nhớ tặng Thu con của ba" khiến mình xúc động vì bỗng dưng mình hiểu được nỗi niềm của ông Sáu. "Yêu" là thương, còn "nhớ" là ghi lại nỗi day dứt về hình bóng của sự vật hiện tượng nào đó tự trong lòng. Và khi nói "yêu nhớ", ông Sáu đã giãi bày cảm xúc dữ dội khi nghĩ về gia đình (cụ thể ở đây là con gái). Đó là thứ nỗi niềm của một người đi lính lâu không về thăm nhà, là cảm xúc nhung nhớ hãm sâu trong tâm trí mà cũng là khát vọng chờ thống nhất để được đoàn viên dẫu chẳng biết được đó là thời khắc nào. Trong hoàn cảnh tăm tối nhất, người ta vẫn nghĩ về những điều tươi sáng nhất.

Có lẽ mình không buồn thật nhiều nếu như bé Thu chẳng có bước chuyển đột ngột trong tâm lý. Cái hay của khi tác giả xây dựng bé Thu nằm ở chỗ bản thân nhân vật mang những đặc điểm tính cách rất đỗi mâu thuẫn. Bé Thu có thể là đứa trẻ lì lợm, ngoan cố và hỗn hào. Song, nó cũng có thể là đứa trẻ mang đầy tình thương với cha mình. Bé Thu có thể là đứa trẻ dữ dội thiên về hành động. Song, nó cũng có một thế giới nội tâm đầy phong phú, thậm chí là sâu sắc vì nó cũng biết "thở dài như người lớn". Giây phút bé Thu "hôn cùng khắp" người ba nó là khoảng lặng để lại trong mình nhiều nỗi niềm nhất. Bởi lẽ, mình nhận ra rằng: có những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng chứa đựng thứ tình cảm sâu xa, phức tạp mà có thể suốt cả một đời con người ta chẳng bao giờ nhận ra để bày tỏ, chẳng bao giờ ta dám nói lên nỗi lòng mình.

Người thể hiện tình cảm sâu sắc nhất trong câu chuyện là ông Sáu và bé Thu. Bé Thu còn nhỏ, khi còn nhỏ, người ta dễ dàng nói lên trạng thái tâm hồn của mình hơn. Còn ông Sáu là người đã trải qua chiến tranh, ông biết thế nào là cảnh tượng hủy diệt gắn liền với nỗi đau chia lìa. Hai nhân vật trên đây thể hiện nỗi niềm của mình trong một hoàn cảnh hết sức oái oăm. Nhưng, nó cũng thể hiện rõ ràng một thông điệp rằng thật khó để ta diễn giải nỗi lòng mình trong hoàn cảnh bình thường mà không có "chất xúc tác" bên ngoài. Chính hoàn cảnh chiến tranh tàn ác, chính những nỗi đau vì bom đạn gây ra khiến người ta trân trọng thực tại, biết quý những gì còn lại hơn.

Cuối tác phẩm, ông Sáu mất. Nhưng thứ cảm xúc mà Nguyễn Quang Sáng để lại trong lòng mình thì không mất đi. Thật sự, mình đã nghĩ ông Sáu là một anh hùng, một người "không ai nhớ mặt đặt tên" nhưng đã nỗ lực hết mình để làm nên đất nước. Mình khâm phục cái chết, hay nói đúng hơn là bản thân ông Sáu. Song, mình cũng hoài tiếc khi nghĩ về việc bé Thu sẽ trơ trọi... Hoặc có thể không, vì nó vẫn tiếp tục hành trình ở phía trước... hành trình dang dở của ông Sáu.

ảnh: Vnking (?).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top