[Truyện ngắn cổ trang] QUẺ BÓI
Một thiếu nữ lận đận tình duyên đã đến miếu Bà xin quẻ bói ngày qua ngày. Và rồi cho đến ngày kia...
"Đoán, đoán, đoán, lại bốc một quẻ nữa.
Vẫn là quẻ bói đó nhưng sao vẫn chưa buông xuống được...?"(*)
===================
Tất cả bắt đầu vào một buổi sớm như thế này, ở trong miếu Bà dưới chân cầu Khuê vang lên những chuỗi âm thanh ồn ào. Nào là tiếng gõ mõ tụng kinh, tiếng bàn luận khe khẽ, tiếng keo rơi xuống mặt đất và cả tiếng lách cách của những quẻ xăm trong ống xăm. Mùi nhang khói quẩn quanh, cay xè cả mắt mũi. Trong dòng người đến miếu vái lạy, một thiếu nữ tuổi mười bảy, đứng bên cửa đang chỉnh trang lại y phục và đầu tóc.
Nói chút về nàng thì nàng họ Điệp tên Dao, ái nữ độc nhất của thầy lang Điệp Tang nhà ở cuối làng, bao năm hành nghề y cứu người. Điệp Dao được phụ thân cho đi học, một điều có thể xem là vô cùng hiếm hoi thời bấy giờ, khi mà những quy củ của xã hội phong kiến vẫn còn đè nặng. Nàng học hành chuyên tâm lắm, may thay lớn lên cũng theo học phụ thân hành nghề y.
Dẫu là nữ tử trí thức nhưng Điệp Dao cũng như những những thiếu nữ tuổi cập kê khác, tức là cũng có người trong mộng, cũng trải qua nhung nhớ lẫn cảm giác phiền muộn khi tình duyên có đôi phần trắc trở. Nữ nhân khắp thế gian này đều muốn tìm được lang quân như ý, nàng nào đâu ngoại lệ. Điệp Dao có ý trung nhân rồi, là Ngô Văn, công tử dòng họ Ngô giàu nhất làng này.
Nghe đâu miếu Bà xin quẻ hỏi tình duyên rất linh ứng nên Điệp Dao cũng muốn đến cầu xin xem sao, nếu được thì thật tốt còn không được thì cũng có mất mát gì. Điệp Dao đi vào quỳ xuống cúi lạy Bà Thiên (tương truyền bà là người bảo hộ của làng), rồi nàng cầm keo áp trước ngực, miệng khấn vái. Hai tay buông ra, đôi keo rớt xuống đất, đúng một sấp một ngửa. Thế nghĩa là Bà ưng thuận cho xin quẻ. Nàng liền cầm ống xăm lắc lắc, nhắm mắt thành tâm cầu nguyện.
Rời điện thờ, Điệp Dao bước vào một gian nhà nhỏ, nơi đây được ghi là "Giải xăm". Lúc nàng đến nơi, cũng thấy có rất nhiều người ra vào, mang đủ mọi sắc mặt: hoan hỉ có, sầu muộn có. Chiếc bàn mộc kê cạnh cửa là nơi để gặp thầy giải xăm. Khi nhận giấy giải, nếu lòng chưa hiểu những lời được ghi thì thầy sẽ giải thích tỏ tường hơn. Nàng bước đến bên bàn vừa lúc một người đã rời đi, hơi cúi mặt khi nói ra số xăm vừa xin. Thầy giải xăm tìm từng cái hộc rồi rút một mảnh giấy. Lúc nàng toan đón lấy giấy thì đột ngột thay, lại nghe thầy cất tiếng hỏi:
- Cô nương đây ngày hôm qua đã vào đây xin giải xăm?
Thường, thầy giải xăm có bao giờ nhớ nổi mặt những người đến đây, ấy thế mà người này lại nhớ ra Điệp Dao. Lấy làm lạ, bấy giờ nàng mới ngước lên nhìn. Trước mặt, không phải thầy giải xăm cao tuổi mọi lần nữa mà là một nam nhân trạc đôi mươi, tóc búi cao và ăn vận tươm tất, trông mặt mũi xán lạn xem chừng cũng là học giả chứ chẳng phải thường. Chàng ta trông nho nhã, cử chỉ cũng điềm đạm. Người này thấy Điệp Dao cứ nhìn mình chăm chú, mới bảo:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm qua cũng gặp cô nương rồi.
Điệp Dao thiết nghĩ, bao nhiêu người ra ra vào vào, sao lại chỉ nhớ mỗi nàng?
- Thầy giải xăm lúc trước không còn ở đây nữa ư?
- Đó là thầy tôi. Độ nửa tuần trăng trước, thầy nhiễm phong hàn. Vì cao tuổi nên bệnh trở nặng hơn, thế là tôi đến đây thay thầy ấy.
Câu giải thích đó đã kết thúc cuộc trò chuyện ngẫu hứng này. Điệp Dao cầm lấy mảnh giấy và rời đi. Đôi ba lần trước cũng có nhờ thầy giải xăm nhưng nay gặp phải người lạ, lại còn nhận ra nàng ngày hôm qua, thành thử lòng có chút bối rối.
Trên đường trở về, Điệp Dao mở mảnh giấy xem xăm nói gì. Lại là "Hạ hạ", không phải một quẻ cát như nàng mong đợi. Đọc vài dòng thơ cùng lời giải, nàng cũng tự hiểu ra đôi phần. Vẫn là nàng với công tử họ Ngô chẳng có mấy cơ duyên. Nàng gấp mảnh giấy lại, buông tiếng thở dài buồn phiền.
Về đến nhà, Điệp Dao thấy phụ thân đang giã thuốc. Thầy lang Điệp nhìn nhi nữ mang dáng vẻ trầm tư, liền hỏi:
- Từ sáng đến giờ con đi đâu?
- Dạ... con ra chợ phiên mua ít đồ.
- Lại đến miếu Bà xin quẻ nữa phải không?
Nỗi buồn biến mất, đôi mắt Điệp Dao đầy sự ngạc nhiên. Nàng không muốn phụ thân lo lắng nên mỗi lần từ miếu trở về, đều viện cớ nói dối. Mà tính nàng lạ ở chỗ, nếu nói dối trót lọt thì thôi nhưng hễ bị phát hiện thì sẽ thành thật nói hết.
- Con cũng xin quẻ bình an cho người.
- Phụ thân rất khoẻ mạnh nên con đừng xin nữa. - Thầy lang Điệp lắc đầu nhìn nhi nữ - Người ta là công tử giàu có, rồi cũng sẽ lấy người môn đăng hậu đối, chứ đời nào chú ý đến một nhi nữ con nhà tầm thường.
- Con gái thầy lang có đến mức bị gọi là "tầm thường" không chứ...
- Phụ thân nói để con hiểu, nên chớ xảo biện này nọ nữa. Con à, nhà ta không thích với cao, con hãy cứ lựa chọn nam nhân phù hợp với mình.
- Quanh đây có ai đâu ạ? - Điệp Dao vẫn cố chấp.
- Có Đại Lương đấy thôi.
Điệp Dao thầm than thở, lại là tên Đại Lương ở nhà sát vách. Thuở nhỏ, nàng chơi đùa cùng hắn, thành thử được xem là "thanh mai trúc mã". Nói ra thì mẹ hắn đặt tên con trai cũng thật cao sang. Mỗi lần nghe mẹ hắn gọi cái tên "Đại Lương" khiến nàng không khỏi nghĩ đến nước Lương khai sinh do công tử Khang - con trai Tần Trọng, quân chủ thứ tư nước Tần - được Chu Bình Vương phong cho đất.
Sau cùng, nàng đành vờ cáo lui vào nhà bằng cách nói với phụ thân là nàng sẽ mang đống thuốc mới hái đem ra sân phơi nốt. Nàng không muốn nghe ông nhắc đến tên Đại Lương ấy cũng như nói rằng Ngô Văn rồi sẽ sớm có nữ nhân khác.
***
Dẫu tự nhủ bao nhiêu lần là không nên đến miếu Bà xin quẻ nữa, thế nhưng Điệp Dao chẳng thể làm được. Lòng nàng cứ mãi để tâm chuyện nhân duyên với công tử họ Ngô, và đôi chân nàng thì không tài nào nghe lời mà tự ý rẽ qua miếu khi nàng chỉ vừa bước xuống chân cầu Khuê. Lúc lấy lại được tâm thức, nàng phát hiện mình đã ở trong điện thờ tự lúc nào. Thấy người ta quỳ quỳ lạy lạy, thắp nhang cúng vái, nàng làm sao đành lòng quay lưng rời khỏi đây?
Thôi, chỉ duy nhất một lần này nữa, lần sau ta nhất định kiên tâm đến cùng! Tự hứa với lòng như thế, Điệp Dao đi vào quỳ lạy Bà Thiên rồi gieo keo xin quẻ. Ngặt cái là, mỗi lần xin keo đều cho một sấp một ngửa, cứ y như rằng Bà cho phép nàng hỏi chuyện tình duyên vậy. Rời điện thờ, nơi tiếp theo nàng đến dĩ nhiên là nhà "Giải xăm". Vừa hay nghĩ đến nam nhân hôm qua, nàng lại sợ bị phát hiện, liền lấy nón vải đội lên đầu. Mảnh vải thòng xuống che hết mặt, đố ai nhận ra ai?
Ấy vậy mà Điệp Dao nhầm tai hại. Thì cũng bởi lúc nàng vừa cầm lấy mảnh giấy giải xăm là đã nghe chất giọng kia cất lên, hỏi một câu:
- Là cô nương hôm qua đến xin xăm và hỏi về thầy tôi phải không?
Cái chuyện năm thuở mười thì, lần đầu tiên mới gặp một kẻ "cao tay" đến thế! Sao tên nam nhân này chỉ thấy nàng có đôi lần thế mà lại dễ dàng nhìn ra nàng trong khi chiếc mũ vải đội đầu kia đang che hết gương mặt? Chàng ta là cao nhân phương nào hay là... yêu tinh chăng? Lại bị phát hiện ra hành tung mờ ám, nàng buông một âm thanh dài thật dài, tay kéo chiếc nón vải xuống.
- Đúng là cô nương rồi. - Chàng ta tỏ vẻ hài lòng lắm.
- Sao thầy đây lại biết là tôi?
- Chiếc vòng cẩm ngọc cô đeo trên tay, để ý một lần rồi là lần sau nhận ra thôi.
Hoá ra vì người nam nhân này tinh mắt hơn Điệp Dao nghĩ, cũng còn may chàng ta không phải yêu tinh như nàng tưởng.
- Cô nương lại đến xin xăm hỏi về tình duyên à?
Bắt gặp đôi mắt dò xét ý nhị ấy, Điệp Dao không muốn thừa nhận mục đích mình đến đây, mới nói: "Tôi xin xăm cầu bình an cho phụ thân". Chàng ta chợt nhiên cười cười, vuốt nhẹ tay áo bằng vẻ điềm đạm:
- Xin xăm bình an thì làm gì phải che mặt vì sợ tôi phát hiện.
Không! Không đúng rồi! Rõ ràng người nam nhân ở trước mặt Điệp Dao đây còn ghê gớm hơn cả yêu tinh tu luyện ngàn năm ở trên núi.
- Nữ nhân ở tuổi này bận tâm đến tình duyên là lẽ thường tình.
Hình như chàng ta vừa ý nhị nói giúp cho nàng đỡ phải khó xử. Xem chừng chàng ta cũng không đến nỗi xấu xa. Rồi chẳng rõ thế nào nàng lại buột miệng hỏi:
- Xin mạo muội hỏi tên họ thầy là gì?
- Tôi họ Bách tên Du. Nhà tôi ở dưới chân núi, dòng họ tôi bao đời đều là nho sĩ.
- Thế thầy đang chờ khoa thi?
- Tôi đọc sách thánh hiền để giữ đạo làm người, không làm chuyện trái khuấy. Nhưng với thi cử thì chẳng ham thú, càng không muốn vào chốn quan trường ganh đua hãm hại. Nếu được thì tôi cứ làm thầy giải xăm ở miếu Bà đây.
- Nam nhân nào mà không mang chí lớn, cớ sao thầy chỉ muốn làm giải xăm?
- Người ta đến đây gieo quẻ, suy cho cùng, chỉ bởi lòng vướng bận nhiều điều. Nếu tôi có thể giúp họ giải đáp những ẩn tình ở trong các quẻ xăm, giải toả gúc mắc trong lòng họ dù ít hay nhiều, thì cũng xem như là làm một việc có ích.
Điệp Dao khẽ chớp mắt nhìn Bách Du, người mà nhìn thế nào cũng rất giống một thư sinh với tư chất thông minh, nếu chàng ta muốn vào chốn quan trường có lẽ không mấy khó khăn, nhưng lại chỉ muốn ở đây giải đáp những vướng bận trong lòng người khác. Người nam nhân này, thật đúng là hết sức kỳ lạ!
- Quẻ hôm nay vẫn là "Hạ hạ", xem chừng những điều cô nương mong muốn vẫn chưa thể có kết quả đúng với sở nguyện.
Điệp Dao nhìn mảnh giấy trên tay Bách Du, lòng lại chùng xuống khó tả. Đọc qua mấy lời thơ dẫn giải, thấy chỉ ra rằng người xin xăm này đang tự huyễn hoặc bản thân, biết rõ chẳng thể đạt được nhưng vẫn mãi cố chấp. Cầm lấy giấy, nàng cúi đầu nói lời cảm tạ, trước khi rời đi còn gửi lại Bách Du năm từ:
- Tên tôi là Điệp Dao.
... Điệp Dao vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Ngô Văn. Vào tiết thanh minh năm nay, nàng đi tảo mộ mẫu thân, lúc đi qua cầu thì trời đổ mưa lớn. Vừa hay có một nam nhân cầm ô đi ngang qua, bắt gặp nàng đang đứng bối rối chưa biết xoay trở ra sao, liền đi đến nghiêng nhẹ chiếc ô che cho nàng.
Nàng nhớ mãi khuôn mặt khôi ngô ẩn dưới chiếc ô cùng với nàng, cả nụ cười khẽ đọng trên vành môi ấy. Về sau nàng mới biết đấy là công tử họ Ngô, tên Ngô Văn, vừa đỗ Thám hoa và vinh quy về làng. Lần gặp đó, chàng cũng tặng nàng chiếc ô xem như một món quà ra mắt giữa hai kẻ có duyên.
Đôi ba lần nàng và Ngô Văn tình cờ gặp nhau trên đường, chàng cũng mỉm cười nhã nhặn nói chuyện với nàng dăm ba câu, rồi chào nhau. Chẳng rõ lòng công tử họ Ngô nghĩ gì về ái nữ của thầy lang Điệp, riêng nàng thì đã sớm mang bóng hình chàng ở trong tim. Kể từ lúc đó, nàng mới biết thế nào là tương tư thương nhớ một người. Rồi nàng hay tin một ái nữ con nhà khuê các trong làng vừa được định hôn ước với Ngô Văn. Nàng chẳng rõ sự tình thế nào, lại chẳng thể đến gặp chàng mà hỏi chuyện vì suy cho cùng hai người cũng đâu phải là gì của nhau. Tất cả tình cảm dành cho chàng đều là nàng tự nguyện từ một phía...
Những dòng hồi tưởng kết thúc khi Điệp Dao trông thấy Đại Lương ở trong vườn nhà đang trò chuyện với phụ thân nàng. Chung qui hắn không đến nỗi tệ gì, vẻ bề ngoài cũng chất phác chân thật, tuy không được học hành cao rộng nhưng lại chăm chỉ làm việc, nhờ thế mà nhà mẹ hắn được đỡ đần. Nếu nàng lấy một phu quân như vậy, kể ra cũng chẳng thiệt thòi.
Trông thấy Điệp Dao, Đại Lương hỏi han với vẻ ân cần, nhìn thế cũng biết hắn có tình ý với nàng. Thầy lang Điệp hỏi nhi nữ xuống chợ phiên mua ít đồ mà sao đi lâu thế. Điệp Dao nào dám nói mình vừa qua miếu Bà, lại đành nói dối do mải xem vải nên về trễ. Đôi mắt người phụ thân tinh ý nhận ra con đang che giấu, hẳn cũng biết sự tình nhưng ông không gặng hỏi làm chi.
- Con và Đại Lương lên núi hái thuốc cho phụ thân. Vào rừng sâu một thân một mình dễ gặp chuyện, con cứ để Đại Lương đi cùng để có gì còn giúp đỡ.
Điệp Dao chẳng còn cách nào khác đành vâng lời, còn Đại Lương thì nở nụ cười kín đáo. Hai người cùng rời khỏi nhà, đi về phía chân núi. Muốn hái những lá thuốc quý phải tìm ở nơi thâm sơn cùng cốc thế là nàng phải đi sâu vào rừng hơn. Đại Lương vẫn theo sau, vẻ như gặp khó khăn với việc trèo đèo lội suối này.
Mải đi mà Điệp Dao quên mất phải làm dấu để nhớ đường ra. Tâm trí nàng cứ vướng bận ở nơi đâu, đến lúc sực tỉnh thì đã muộn. Còn Đại Lương thì cứ mực tin rằng nàng biết đường về nên cũng đểnh đoảng chẳng để ý gì cả. Đến lúc màn đêm dần buông thì hai người mới hốt hoảng đưa mắt nhìn quanh.
Xoay trở một hồi lâu, Điệp Dao cảm thấy ngày càng bất lực, lý nào đêm nay phải ngủ lại trong rừng? Đứng bên cạnh nàng, Đại Lương cứ nhìn nháo nhác. Nàng bất giác nghe tiếng răng hắn va lập cập vào nhau, lấy làm lạ khi một nam nhân cường tráng thế kia mà lại sợ sệt quá mức. Nàng trông chờ thử hắn sẽ thể hiện bản lĩnh thế nào. Nhưng ông trời trêu ngươi khi thình lình có âm thanh "loạt soạt" trong bụi cây. Dù trấn an thế nào cũng khiến người ta nghĩ ngay đến thú dữ!
Nếu chẳng may gặp phải hổ báo hoặc chó sói thì làm sao thoát thân? Điệp Dao cố gắng tìm ra cách, tiếng động kia ngày một gần và lớn hơn, chứng tỏ con thú ấy không hề nhỏ. Nàng nghĩ đứng đây thì chỉ có chết, thôi thì nhân lúc này mà bỏ chạy, may ra còn đường thoát. Và lúc nàng quay qua bên cạnh đã không còn thấy Đại Lương đâu nữa! Hắn đã bỏ nàng ở lại và chạy giữ mạng rồi!
Tên Đại Lương ấy dám bỏ một nữ nhi chân yếu tay mềm ở lại chốn rừng sâu này ư? Điệp Dao mím nhẹ môi, sắc mặt nửa tức giận nửa lo lắng. Cùng lúc tiếng động kêu "soạt" khá lớn khiến nàng rùng mình kinh hãi. Có bóng dáng lao ra ngoài, đến lúc hoàn hồn lại thì nàng mới nhận ra đấy là người chứ không phải thú dữ.
- Là Điệp Dao cô nương phải không?
Điệp Dao cố nhìn tỏ hơn, nghe giọng là của nam nhân. Chàng ta mau chóng rời khỏi đêm tối mịt mùng, tiến về phía nàng. Lát sau mới biết, hoá ra là Bách Du.
- Sao thầy lại ở đây? - Nàng không khỏi an tâm vì nhận ra người quen.
- Nhà thầy tôi ở trên núi, hàn huyên thế nào mà lúc về trời đã tối mịt rồi. Còn cô nương, đêm tối như vậy ở trong núi làm gì?
Điệp Dao trả lời là đi hái thuốc, mải suy nghĩ mà quên đường ra. Nàng không nói gì về Đại Lương, nếu để người ta biết nàng bị một nam nhân bỏ lại đây do quá sợ hãi thì khéo cũng xấu mặt. Nhớ đến lời phụ thân bảo để hắn đi cùng có gì còn giúp đỡ, cuối cùng đỡ đần đâu chẳng thấy chỉ thấy bản chất hắn nhát cấy thế nào.
- Để tôi đưa cô xuống núi. Đêm tối thế này, thân nữ nhi dễ bề gặp nguy hiểm.
Điệp Dao nói một tiếng cảm tạ, chàng ta đến nhà thầy thăm nom, chí ít cũng biết đường xuống núi. Thế rồi hai bóng người đi trong đêm tối nơi rừng sâu, Bách Du dẫn đường phía trước, Điệp Dao nhanh nhẹn theo sau. Đến đoạn kia thì đột nhiên Bách Du kêu lên một tiếng rồi ngã xuống đất, Điệp Dao chưa rõ chuyện gì là đã nghe âm thanh "loạt soạt" khe khẽ trong bụi cỏ gần đấy. Giống như con gì đang trườn bò, phản xạ của người hành nghề y báo nàng biết đó là rắn!
- Thầy bị rắn cắn sao?
Điệp Dao thấy Bách Du dùng tay ôm chặt bắp chân, gật khẽ. Nguy quá, trời tối hơn hũ nút, ban nãy nhìn không rõ là rắn độc hay không! Thôi thì trước mắt cứ hút máu nơi vết thương ra trước. Nàng kéo giỏ thuốc ở sau lưng lên, may là chiều nay có hái vài lá mã đề, loại lá chuyên trị rắn độc cắn rất công hiệu.
- Đây, thầy mau nhai kỹ lá mã đề, nuốt phần nước còn bã lá thì đưa cho tôi!
Bách Du đưa nhúm lá vào miệng nhai, có vị ngọt, cảm giác thanh mát. Rồi chàng ngạc nhiên thấy Điệp Dao vén nhanh ống quần mình lên, mới hỏi nàng định làm gì? Nàng đáp, rủi thay là rắn độc thì phải mau hút máu độc ra.
- Nam nhân sao có thể để nữ nhân làm việc nguy hiểm như vậy? Vết thương lại nằm ở bắp chân tôi, làm thế thật mạo phạm cô nương!
- Hành nghề y như tôi không phân biệt nam nữ hay vết thương ở vị trí nào! Đến lúc nguy cấp thì phải dốc lòng cứu người!
Dứt lời và không để Bách Du ngăn cản thêm, Điệp Dao dứt khoát cúi xuống hút máu độc trên chân chàng ta. Không thể làm gì hơn, Bách Du chỉ đành ngồi yên, chốc chốc lại nhăn mặt vì đau. Quan sát hành động không do dự của Điệp Dao, chàng tự thấy cảm phục người nữ nhi quả quyết này. Bất giác lòng tự hỏi, rốt cuộc người nam nhân nào đã khiến nàng cứ ngày ngày đến miếu Bà xin quẻ?
Nhờ Điệp Dao hút máu độc và đắp bã lá mã đề mà Bách Du có thể đi xuống núi bình an. Canh khuya, tiếng người gõ mõ vang vọng. Chàng đưa nàng về đến tận nhà. Thầy lang Điệp nhác thấy bóng nhi nữ đứng ở cửa, liền vội vội vàng vàng chạy ra. Trông thế, chàng chẳng thể nói gì nữa ngoài việc xin cáo từ.
***
Điệp Dao có ý định đến miếu Bà, không phải xin quẻ mà là gặp Bách Du để hỏi thăm tình hình vết thương. Trùng hợp thế nào, nàng lại gặp chàng ta ngay trên chiếc cầu Khuê. Dường như Bách Du có ý chờ nàng nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên trước sự chạm trán tình cờ này. Nghe nàng hỏi về vết thương do rắn cắn thế nào, chàng bảo thời may là nó đỡ nhiều rồi.
- Cũng có thể đấy không phải rắn độc... - Điệp Dao bảo - Thấy thầy bình an, tôi cũng yên lòng. Bây giờ tôi phải ra chợ phiên, chào thầy.
- Gượm đã, tôi muốn cảm tạ cô nương vì đã cứu giúp.
- Cứu người là việc của thầy lang, há gì phải ơn nghĩa hả thầy.
- Thôi thì nếu cô nương không từ chối tôi muốn mời cô một bát vằn thắn.
Trước dáng vẻ chân tình của Bách Du, Điệp Dao thấy khó lòng từ chối. Dù gì cũng chỉ là một bát vằn thắn, đâu có to tát gì. Thế là nàng khẽ gật đầu.
Chọn cái quán tranh ở đầu chợ phiên, Bách Du và Điệp Dao ngồi vào bàn chẳng bao lâu thì ông chủ mang ra hai bát vằn thắn bốc khói thơm phức. Tách đũa, Điệp Dao cắm mặt vào bát ăn ngon lành. Được một lúc lại thấy phía đối diện, bát vằn thắn kia vẫn chưa ai ăn, nàng liền ngước mặt lên định hỏi Bách Du. Kỳ lạ thay, chàng ta đang ngồi yên nhìn nàng, dáng vẻ vẫn điềm đạm trầm tĩnh. Đôi mắt ấy tựa hồ như đã quan sát nàng khá lâu rồi, mang chút gì đó rất dịu dàng ân cần.
- Bát của thầy sắp nguội rồi.
Trông Điệp Dao hồn nhiên chỉ vào bát vằn thắn của mình, Bách Du khẽ cười.
- Cô nương cứ ăn xong phần mình, đừng bận tâm đến tôi.
- Nhưng thầy không đói sao?
- Trông thấy cô nương ăn ngon lành như vậy, tôi cũng thấy no.
- Nhìn người khác ăn mà bản thân vẫn thấy no bụng ư?
Bách Du đáp lại câu hỏi của Điệp Dao bằng một nụ cười ẩn tình khác. Chàng nhận thấy, cô thiếu nữ này hoá ra vẫn còn trong sáng lắm. Dù nàng cứ đến miếu Bà xin xăm hỏi về tình duyên, đoán rằng đã có ý trung nhân rồi, ấy vậy nàng vẻ như chưa hiểu hết được chữ "tình" và tâm tư con người.
Về phần Điệp Dao, nàng chỉ mơ hồ nghĩ rằng cái lý luận "nhìn người khác ăn mà mình cũng tự khắc no bụng" thật là khó hiểu! Vừa hay thế nào, nàng chợt nghe hai người ở bàn bên cạnh trò chuyện rất ồn ào.
- Nghe nói nhà họ Ngô đã định ngày lành tháng tốt để Ngô công tử thành thân.
- Là với ái nữ của nhà họ Giang phải không? Đúng là trai tài gái sắc.
Lồng ngực Điệp Dao trở nên nặng nề, tay cầm đũa bất giác buông lơi. Những làn khói cuối cùng của bát vằn thắn bốc lên, phải chăng vì vậy mà làm nhoè mắt nàng? Thế ra, chuyện thành thân của Ngô Văn cũng đã định đoạt, mà có lẽ sẽ diễn ra sớm thôi. Vì sao lại để nàng nghe được tin này khi đang ăn vằn thắn ngon lành chứ? Và vì sao, sự thật rành rành ra như thế nhưng nàng vẫn không muốn tin? Nàng liền cúi mặt ăn tiếp, vằn thắn bỏ vào miệng chỉ thấy vị mằn mặn xót xa.
Hiển nhiên, Bách Du dễ dàng phát hiện dáng vẻ khác thường của Điệp Dao. Chàng cũng biết, nàng trở nên như vậy là khi nghe hai người nọ đề cập đến cái hôn sự lớn sắp diễn ra giữa hai dòng họ giàu có nhất làng. Một nam nhân tinh ý như Bách Du, dường như bắt đầu hiểu ra sự tình. Lại còn vừa hay thế nào, ánh mắt chàng bắt lấy hình ảnh chiếc ô dưới chân ghế nơi Điệp Dao ngồi. Có dòng chữ thư pháp vẽ lên đó, qua những nếp gấp của chiếc ô, đọc rõ ra chữ "Ngô".
Rời khỏi quán tranh, Điệp Dao vẫn cúi mặt bước đi, tay cầm theo chiếc ô quý giá. Lẳng lặng đi bên cạnh, Bách Du âm thầm nhìn nàng, đến khi hai người dừng ngay trước cửa miếu Bà. Chàng trông nàng hình như buồn lắm, liền hỏi:
- Cô nương có vào xin một quẻ xăm...?
Điệp Dao thoáng lặng yên, lát sau thì lắc đầu. Thiết nghĩ, người ta đã định ngày thành thân rồi thì còn gieo quẻ hỏi làm gì nữa?
Đối diện, Bách Du muốn hỏi câu: "Ý trung nhân của cô nương có phải là Ngô công tử?" nhưng nhìn nàng thất thần như vậy, chàng chẳng nỡ hỏi điều ấy. Giả sử là đúng thì chỉ khiến nàng thêm đau lòng, còn chàng thì lại nặng lòng. Chuyện ái tình từ ngàn xưa nào đâu dễ được như sở nguyện... Để rồi chàng chỉ còn biết dõi theo bóng nàng hoà vào dòng người đang qua lại trong chợ phiên.
Và hôm ấy khi mặt trời sắp xuống núi thì trời đột ngột đổ mưa lớn. Bách Du không khỏi kinh ngạc bởi thấy Điệp Dao bước vào điện thờ miếu Bà với một tấm thân ướt rũ, hẳn là nàng đã dầm mưa từ nhà đến đây. Thần sắc trắng bệch, vải áo thấm đẫm nước và mỗi bước chân ấy cứ loạng choạng. Với đôi mắt trống rỗng thất thần, nàng dường như chẳng hề nhận ra sự hiện diện của Bách Du, chỉ lẳng lặng quỳ xuống trước bức tượng Bà Thiên, đôi tay run rẩy cầm đôi keo lên.
Hình ảnh Điệp Dao phản chiếu trong đáy mắt Bách Du trông đầy đau khổ, thê lương, bờ môi trắng tái không ngừng run lập cập lẩm bẩm khấn vái. Đôi tay run lẩy bẩy bởi cơn mưa đầu mùa lạnh lẽo liền buông nhẹ, đôi keo rớt xuống nền đất. Miếu Bà lúc này vắng lặng tĩnh mịch, chỉ nghe mưa rơi dữ dội ngoài sân. Ấy vậy cũng không lấn át được tiếng đôi keo va chạm xuống mặt đất, kêu lên thành một thứ thanh âm não nề. Và, cả hai đều là sấp.
Nếu không phải một sấp một ngửa thì nghĩa là, không được phép xin quẻ.
Yên lặng thoáng chốc, Điệp Dao khẽ khàng gom đôi keo lại rồi tiếp tục gieo. Lần thứ hai, ông trời vẫn không toại nguyện cho nàng khi lại cho ra đôi keo ngửa. Không từ bỏ, nàng vẫn cố chấp gieo keo lần ba, lần bốn, lần năm... Là vì Bà Thiên không ưu ái cho người thiếu nữ đang mang trái tim khổ đau kia hay bởi Bà muốn nói với nàng rằng: "Mọi thứ đều được an bài, chớ nên chấp niệm làm gì nữa"?
Điệp Dao không rõ bản thân đã cầm đôi keo rồi gieo xuống đất tất thảy bao nhiêu lần, điều duy nhất nàng nhớ là khung cảnh nhà họ Ngô treo lồng đèn kết vải đỏ ngoài cửa, là dáng vẻ hoan hỉ của Ngô Văn bên cạnh người nữ nhân xinh đẹp thướt tha sắp trở thành thê tử của chàng, là lúc nàng bật khóc quay lưng bỏ chạy dưới cơn mưa lớn để đến miếu Bà, còn là hình ảnh đôi keo ương ngạnh tàn nhẫn không thể cho nàng một kết quả thuận ý. Nàng thấy lạnh và đau vô vàn, nhưng sao lệ chẳng tài nào rơi nổi. Bàn tay run run toan gom lấy đôi keo để gieo tiếp thì nàng ngừng lại bởi đột ngột, một đôi bàn tay ấm áp khác nắm lấy chúng.
Điệp Dao chậm rãi xoay qua, Bách Du đang nhìn nàng, lặng lẽ pha chút thương cảm. Khuôn mặt ấy vô cùng trầm tĩnh, ánh mắt buồn vời vợi hệt như thấu hiểu tâm can đau đớn của nàng ngay lúc này. Chàng nhìn đôi keo nằm ngửa lặng yên dưới đất sau đó quay sang nhìn nàng, xót xa mà rằng:
- Cô nương hãy dừng lại đi... Thế này là đủ rồi.
Đôi mắt nhuốm màu mệt mỏi và thương tâm của Điệp Dao vẫn hướng vào Bách Du thật lâu, thật lâu. Để rồi tiếp đến, cái nhìn chợt nhoè đi, khung cảnh phía trước không khác gì ảo ảnh vô thực. Nàng muốn khóc, muốn được giải thoát khỏi tâm tư đang đè nặng này. Lệ chảy dài từng dòng, thấm đẫm gương mặt thanh tú nhưng đã mất thần sắc từ lâu rồi. Điệp Dao lướt mắt xuống đôi keo lần nữa, nhận ra dù có gieo bao nhiêu lần thì mọi chuyện cũng không thể thay đổi.
Keo rơi rồi gieo tiếp, rồi lại rơi xuống...
Bấy nhiêu lần mà chỉ duy nhất một lựa chọn. Đó là số mệnh!
"Vẫn là quẻ bói đó mà sao vẫn chưa buông xuống được...?"(*)
Khẽ khàng rút tay ra khỏi tay Bách Du, Điệp Dao nhặt đôi keo để lại trên manh chiếu rồi từ từ đứng dậy. Nàng lảo đảo suýt ngã nhưng vẫn kiên cường đứng vững mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào. Khẽ cúi đầu chào Bách Du, nàng bình thản rời khỏi điện thờ miếu Bà. Mặc bên ngoài mưa rơi ồ ạt, tàn nhẫn trút xuống thân hình người nữ nhi đang mang nỗi thương tâm ấy, nhưng kể từ thời khắc này nàng sẽ chấp nhận số mệnh, chấp nhận hai từ "an bài".
Bóng dáng mảnh mai mà đầy khổ đau của Điệp Dao bị màn mưa vùi lấp, ẩn hiện lấp loáng trong đôi mắt thăm thẳm của chàng nam nhân đang đứng trước cửa điện thờ. Cái nhìn đó cũng y hệt những lần trước, khi chàng âm thầm quan sát cô nương mà ngày ngày cứ đến đây gieo quẻ. Nỗi buồn nơi chàng dường như trải dài vô tận. Và nhiều ngày sau đó, chàng không thấy nàng đến miếu Bà nữa...
***
Cũng phải độ chừng gần một tuần trăng, Bách Du mới gặp lại Điệp Dao. Khi ấy cũng là lúc mặt trời sắp xuống núi, chàng có phần ngạc nhiên vì thấy nàng bước vào nhà "Giải xăm". Nhác thấy Bách Du, nàng liền chậm rãi bước đến và ngồi xuống. Như biết đối phương sẽ hỏi gì nên nàng tự khắc trả lời:
- Độ mấy ngày qua, nhiều người đến tìm phụ thân tôi chữa bệnh nên tôi bận đến đầu tắt mặt tối, hôm nay mới có dịp ghé qua thăm thầy.
Lẽ nào Bách Du không hiểu lời đấy chỉ là nguỵ biện. Một nữ nhân trải qua nỗi đau khổ từ mối lương duyên không thành, dĩ nhiên cần có thời gian tịnh tâm lại.
- Cô nương lại đến xin quẻ?
Hoạ chăng những lần trước nàng sẽ tìm cách chối, thế mà lúc này lại đáp:
- Người ta cũng đã thành gia lập thất rồi, Điệp Dao này còn vọng tưởng làm chi. Tôi là phận nữ nhi, cũng nên nghĩ đến chuyện hôn sự của mình thôi.
Trông khuôn mặt sáng như trăng rằm ấy mang nét tĩnh lặng, Bách Du bất giác yên lặng. Thoáng nghĩ gì đó, chàng liền lấy giấy bút ra, viết vào đấy mấy từ. Điệp Dao dõi mắt theo từng nét mực lên xuống kia rồi tiếp theo mới nghe chàng nói:
- Tôi xin đề tặng cô nương năm từ này.
Đón lấy mảnh giấy thẳng thớm từ tay chàng, Điệp Dao đọc lên năm từ: "Trân trọng người trước mắt". Nàng khẽ cau mày, đuôi mắt nheo lại thành một đường cong. Vẫn chưa hiểu ra ngụ ý trong đó, nàng ngước nhìn Bách Du, hệt muốn hỏi đây có nghĩa là gì? Chàng thư sinh họ Bách chăm chú nhìn nàng, tỏ bày:
- Lang quân như ý mà cô muốn tìm lắm khi chẳng ở đâu xa xôi mà gần ngay trước mắt. Nếu đã có người ở bên cạnh thì hãy nên trân trọng.
- Tôi nhìn trước nhìn sau cũng đâu có thấy nam nhân nào...
Điệp Dao vừa dứt lời thì bỗng dưng nghe giọng Bách Du trầm hẳn:
- Thế tôi không phải là nam nhân sao?
- Thầy nói gì...?
- Bách Du tôi đang ngồi ở trước mặt cô nương không phải là nam nhân ư?
Lúc đầu còn mơ mơ hồ hồ, mãi một thoáng sau Điệp Dao mới hiểu ra "ngụ ý" qua câu hỏi trầm giọng kia đồng thời cũng hiểu tâm tư mà Bách Du muốn truyền đạt đến nàng. Cứ như ban trưa nghe phải sấm sét, nàng trong phút chốc ngồi ngẩn người, cảm giác đường đột vô cùng. Dáng vẻ thẫn thờ của nàng khiến lòng Bách Du càng thêm trĩu nặng, sau cùng đành lên tiếng:
- Cô nương về đi.
- Nhưng ý thầy là...
- Tôi bảo cô nương về đi! Hôm nay tôi không có nhã hứng giải xăm cho cô...
Trước cảnh Bách Du mắt không nhìn mình còn miệng thì buông lời hờ hững, Điệp Dao chẳng còn cách nào khác đành đứng dậy, khẽ cúi đầu rồi xoay gót. Đi ra đến cửa mà đôi chân vẫn cứ ngập ngừng, dù vậy nàng biết lúc này không tiện để hỏi thêm gì nữa. Rất nhanh, bóng nàng khuất sau cánh cửa khép hờ.
Bên tai nghe tiếng bước chân xa dần, bấy giờ Bách Du liền nhìn qua mảnh giấy nằm lặng lẽ trên bàn, năm từ "Trân trọng người trước mắt" sao xót xa quá đỗi.
Trên đường trở về, tâm trí Điệp Dao không khỏi liên tưởng đến những lời bộc bạch của Bách Du. Thế hoá ra, chàng ta vốn từ lâu đã có ý với nàng ư? Còn nàng thì vô tư chẳng biết gì, một phần cũng bởi lòng nàng luôn nghĩ về Ngô Văn. Nàng tự hỏi, là từ khi nào Bách Du đã thầm thương trộm nhớ nàng? Có lẽ là lúc chàng thay thầy đến miếu Bà làm người giải xăm chăng.
Vừa hay, Điệp Dao lại hồi tưởng đến cái hôm hai người cùng ăn vằn thắn. Khi đó, ánh mắt Bách Du dành cho nàng đã rất khác lạ rồi. Và hẳn lúc này, bản thân nàng cũng đã hiểu ra cái chuyện "ngồi nhìn người khác ăn thôi mà bản thân cũng thấy no bụng". Tự dưng lại nghĩ, Bách Du có tâm ý với Điệp Dao nhưng biết rõ nàng có ý trung nhân, hẳn chàng ta cũng tự thấy đau lòng lắm.
Vừa nãy Điệp Dao còn hớ hênh buông một câu vô ý không khỏi làm Bách Du tức giận, thẳng thừng đuổi nàng về nhà... Buông tiếng thở dài, bỗng dưng Bà Thiên gieo cho nàng một "quẻ bói" khó lường thế này thì biết phải làm sao đây?
Trong khi Điệp Dao còn chưa rõ bản thân nên đối diện với chuyện này ra sao thì buổi tối hôm ấy, Bách Du đột nhiên đến nhà nàng. Lúc nàng bước ra đã thấy chàng ta đứng yên lặng trước cửa vườn nhà với dáng vẻ trông rất trầm tư, cơ hồ đang nghĩ ngợi điều gì đấy. Bóng chàng in xuống nền đất thật cô liêu.
- Khuya thế này, thầy đến tìm tôi có chuyện gì?
Trước câu hỏi có đôi phần ngập ngừng đó, Bách Du nghĩ mình có hơi hồ đồ vì chiều nay khi không tỏ vẻ hờn trách nàng. Suy cho cùng là tự chàng tương tư, người ta không biết âu cũng là lẽ thường tình. Chàng chậm rãi đưa một mảnh giấy.
- Đây là giấy giải xăm của cô nương... Thật có lỗi vì tôi đã hành xử không đúng. Cô nương cứ xem như chưa từng nghe gì. Trời đã khuya, tôi xin cáo từ.
Điệp Dao còn chẳng kịp lên tiếng là Bách Du đã quay lưng, loáng cái đã đi xa rồi. Nàng cúi xuống nhìn vào mảnh giấy, là một quẻ "Trung kiết", lại hay có một dòng thơ "Phi vân vọng nguyệt" mang hàm nghĩa "Vén mây nhìn trăng". Nghĩa là trước mắt có thể vẫn còn gặp nhiều chuyện không hay nhưng sau đó sẽ trời quang mây tạnh, mở ra một tia hi vọng mới. Phải chăng, khép lại mối tương tư không thành kia thì nàng sẽ gặp được lương duyên mới...?
Điệp Dao đưa mắt nhìn vào màn đêm, bóng người nọ đã mất hút từ lâu rồi.
***
Sáng hôm sau, Điệp Dao cứ đứng trước cửa miếu Bà với dáng vẻ ngập ngừng. Lần này, nàng không đến xin quẻ mà cốt để gặp Bách Du. Nàng muốn nói vài lời với chàng ta, dù chưa rõ đấy sẽ là những lời gì, nhưng chí ít nàng không thể yên lặng để mọi chuyện trôi qua như thế. Điệp Dao đã đứng đó đến lúc mặt trời sắp lên đỉnh đầu, thấy người ta ra vào miếu thưa thớt dần, mới can đảm đi vào trong.
Nhưng khi Điệp Dao bước vào gian nhà "Giải xăm" thì người ngồi ở nơi chiếc bàn mộc ngay lối ra vào lại không phải Bách Du mà là một sư thầy cao tuổi. Nhanh chóng đi đến, nàng hỏi về chàng nam nhân kia và nhận được câu trả lời rằng, Bách Du hôm nay không đến! Khó khăn lắm nàng mới lấy hết can đảm bước vào đây, ấy vậy lại không gặp được người muốn gặp. Cảm tạ sư thầy, nàng thất thểu rời khỏi.
Nheo mắt nhìn ánh mặt trời ban trưa, Điệp Dao tự nhủ, ngày mai sẽ lại đến nữa. Nhưng rốt cuộc là cái chuyện gặp mặt này cũng không thể thành...
***
Điệp Dao biểu lộ rõ dáng vẻ thẫn thờ bên mâm cơm đạm bạc. Tâm tư suốt nhiều ngày qua vẫn chẳng thể yên được, nguyên nhân cũng vì từ bữa đó cho đến hôm nay nàng chưa gặp lại Bách Du lần nào. Cũng mươi ngày rồi chứ ít gì đâu! Nàng không ngừng tự hỏi, chàng ta vì sao chẳng đến miếu Bà nữa? Là do gặp phải chuyện bất trắc hay bởi chàng định rời bỏ nàng sau khi đã bày tỏ những lời ấy?
- Con đang nghĩ gì mà thơ thẩn như vậy?
Điệp Dao bừng tỉnh, thấy nét mặt phụ thân đầy lo lắng, liền lắc đầu. Thầy lang Điệp ngỡ nhi nữ còn nhớ đến Ngô công tử nên thở dài buồn rầu:
- Công tử đã có thê tử mà con vẫn còn mộng tưởng sao?
- Con đâu có nghĩ về người đó nữa...
- Nếu thế thì tốt! Con cũng nên nghĩ cho hôn nhân đại sự của mình, đừng ở đó nghĩ vẩn nghĩ vơ. Vì con kén chọn mà một người cũng sắp có thê tử rồi đấy.
- Phụ thân nói ai cơ? Là... Bách Du à?
Thầy lang Điệp trông nét mặt hốt hoảng của nhi nữ, mới cau mày hỏi:
- Bách Du là ai? Phụ thân đang nói đến Đại Lương.
Điệp Dao liền thở phào một tiếng, thế ra không phải là Bách Du. Còn tên Đại Lương kia, hắn thành thân với ai thì liên quan gì đến nàng? Lần trước bị hắn bỏ rơi trong rừng giữa đêm tối là nàng đã chẳng trông chờ gì hắn nữa. Cũng chẳng rõ nữ nhân nào "vô phước" trở thành thê tử của cái tên nhát cấy đó. Rồi nàng chợt nghĩ, lỡ như Bách Du cũng sắp thành thân với nữ nhân khác thì phải làm sao? Thật là khiến người ta lo lắng đến chết mất thôi!
Dường như trời lại sắp có mưa, gió thổi lạnh lẽo còn mây đen thì giăng đầy. Điệp Dao đang ngồi thơ thẩn dưới hiên miếu Bà. Chiều muộn rồi mà nàng vẫn chưa muốn về nhà, cách đây nửa canh giờ nàng định ra ngoài chiếc cầu Khuê đổi gió nào ngờ chân bước thế nào cuối cùng lại rẽ vào đây. Sau khi Ngô Văn thành thân, nàng tự hứa không xin quẻ hỏi chuyện tình duyên nữa nhưng vì tâm tư đang rối bời nên cuối cùng nàng cũng vái lạy và gieo một quẻ.
Người giải xăm hôm nay cũng là sư thầy cao tuổi, lúc đón lấy mảnh giấy Điệp Dao thoáng nhiên bất động. Rồi nàng chẳng nói chẳng rằng mà đi ra ngoài, chưa về nhà vội chỉ muốn ngồi đây chờ đợi một người dù không rõ người ấy có đến.
Do mải nghĩ ngợi mà Điệp Dao không hay biết có một nam nhân tay cầm ô vừa bước vào cửa miếu. Trông thấy nàng thì đôi chân khựng lại, nhưng sau đó liền tiến đến chỗ nàng rồi ngừng bước, cất giọng điềm đạm:
- Cô nương đang chờ tôi sao?
Điệp Dao lập tức ngẩng mặt, vừa trông thấy Bách Du thì đã vui mừng đứng dậy.
- Bách Du, huynh đã đi đâu suốt những ngày qua?
- Nhà có việc nên tôi không đến miếu Bà. Giờ Ngọ hôm nay, sư thầy tạt ngang qua nhà nói rằng có một vị cô nương ngày ngày cứ đến hỏi về tôi.
- Đúng vậy, tôi chẳng biết huynh đã đi đâu, có gặp phải chuyện bất trắc gì không nên rất lo lắng, ngày nào cũng đến đây.
- Bây giờ gặp được rồi cô nương có điều gì muốn nói?
Đang mừng rỡ thì Điệp Dao mau chóng chuyển qua ngập ngừng. Kể cũng kỳ lạ, nàng vì lo lắng mà đến miếu Bà mỗi ngày, lòng chỉ sợ Bách Du rời khỏi làng không từ mà biệt. Nhưng khi đã gặp được chàng ta rồi thì nàng lại chẳng biết phải nói gì. Suy cho cùng, nàng có nhiều chuyện muốn nói chỉ là không rõ nên bắt đầu từ đâu.
- Trời sắp mưa rồi, để tôi đưa cô nương về nhà.
Lần nữa, Điệp Dao nhận ra Bách Du vừa ý nhị giải vây cho nàng. Có thể trên đường về, nàng sẽ dễ dàng bộc bạch tâm sự hơn. Lúc Bách Du quay lưng đi trước, nàng đã âm thầm nhìn theo bóng dáng ấy, lòng có chút xao động.
Mỗi người cầm một chiếc ô đi song song, vừa lúc qua cầu Khuê thì trời đổ mưa lớn. Tiếng mưa rơi lộp độp xuống mặt đất phần nào khoả lấp đi sự tĩnh lặng giữa hai người họ. Rõ ràng, người nào cũng có điều muốn nói nhưng lại chẳng thể mở miệng giãi bày với đối phương. Cứ ngỡ họ cứ như vậy cho đến lúc về đến nhà thầy lang Điệp, nào ngờ thời may lại xảy ra một sự việc.
Đó là sấm sét.
Tiếng sấm vang động nghe thật lớn khiến Điệp Dao giật mình, hoảng hốt thế nào lại buông rơi chiếc ô đồng thời nép sát vào người Bách Du. Sau khi định thần lại, nàng mới phát hiện mình đang ôm một người nam nhân. Nam nữ thọ thọ bất thân, cái chuyện thân mật này thật chẳng phải chút nào, nên nàng ngượng ngùng buông tay ra. Nhưng nàng chưa kịp quay qua tìm kiếm chiếc ô bị rơi thì thình lình Bách Du nắm lấy tay nàng giữ lại.
Điệp Dao chớp mắt nhìn gương mặt thanh tú đang ẩn dưới chiếc ô, đôi mắt hướng vào nàng trông đượm buồn nhưng bừng sáng.
- Lỡ tay bỏ đi, âu cũng là điều tốt, sao cứ phải ngoái đầu nhìn? Đã buông được rồi thì há cớ gì nhặt lại làm chi cho lòng thêm nặng nề?
Phải một hồi sau Điệp Dao mới hiểu Bách Du vừa nói đến điều gì. Khẽ khàng, nàng xoay qua nhìn chiếc ô mở đang nằm dưới màn mưa buốt giá. Là của Ngô Văn từng tặng nàng... Nhớ lại khoảnh khắc ban nãy, khi vừa nghe sấm sét, nàng đã vô tình buông tay để chiếc ô rơi xuống. Liệu có phải cũng là vì nàng đã chấp nhận buông bỏ thật sự? Nàng thấy trong lòng dâng lên nỗi xúc động và thiết nghĩ, bỏ được thì bỏ chẳng nên vấn vương nữa.
- Ta về nhà thôi.
Chất giọng trầm tĩnh của Bách Du lại cất lên, êm đềm như một cơn gió nhẹ. Lạ lùng quá đỗi, lương duyên của Điệp Dao luôn bắt đầu dưới những cơn mưa. Giống như buổi sáng thanh minh lần đó, và cả ngay lúc này. Nàng nhìn nam nhân bên cạnh mình lần nữa, người đang đứng cùng nàng dưới chiếc ô "duyên kỳ ngộ" này không phải công tử họ Ngô mà là Bách Du.
Điệp Dao mỉm cười gật đầu, cùng nắm tay chàng bước tiếp dưới cơn mưa lạnh.
Nàng sẽ nói chàng nghe về quẻ xăm xin được trong miếu Bà, là "Thượng kiết", một quẻ cát. Lời giải rằng, người xin quẻ này sẽ gặp được lang quân như ý, ví như nàng Thôi Oanh Oanh gặp gỡ chàng thư sinh Trương Quân Thuỵ, trong vở kịch Trung Hoa mang tên "Tây sương ký", viết bởi Vương Thực Phủ thời nhà Nguyên...
________________________________________________________
Một câu chuyện mà tôi tự thấy là có gì đấy hơi buồn cười, vẩn vơ một chút, nhưng cứ vương vấn điều gì mà bản thân tôi không rõ. Cũng như truyện ngắn cổ trang "Phong hoa tuyết nguyệt" đầu tiên, cảm hứng để tôi viết tác phẩm này là khi nghe bài hát "Quẻ bói" của Thôi Tử Cách (bản gốc là bài Hàn "La La La" do Suki trình bày). Những dòng đánh dấu sao là tôi trích trong bài hát.
Nghe chất giọng trầm buồn của Thôi Tử Cách, tôi rất thích, và "Quẻ bói" khiến tôi phải nghe đi nghe lại thật nhiều lần bởi chất nhạc khá tuyệt. Cô gái trong bài hát dường như bất hạnh hơn Điệp Dao, vì cuối cùng mối duyên của cô cũng không thành. Và do thói quen, tôi cần nghe nhạc suốt để có thể viết truyện. :D
Câu chuyện này chẳng mấy đặc sắc, cũng không cao trào dữ dội, chỉ êm đềm nhẹ nhàng như mưa rào (hệt những cơn mưa "duyên kỳ ngộ" của cô nương Điệp Dao) hi vọng sẽ mang lại chút thư thái cho mọi người sau khi xem xong.
Dĩ nhiên tôi sẽ vui nếu bạn thích nó một chút, một chút thôi...
Hẹn gặp lại các bạn ở truyện ngắn cổ trang tiếp theo nữa, những tác phẩm "thi" + "ca" (thi ca) haha, một kiểu viết truyện dựa trên chất nền nhạc Hoa mà tôi ấp ủ từ lâu. Và vì với tôi, đằng sau mỗi bài hát luôn là một câu chuyện.
P.s: Cảm ơn chị gái tôi đã đề xuất cái ý tưởng "Quẻ bói".
Võ Anh Thơ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top