NÀNG CÔNG CHÚA TÉ GIẾNG

Quan ngự y Phùng Thất ngần ngừ mãi khi đặt bút viết thêm vị thuốc cuối cùng. Phá cố chỉ. Liệu đơn thuốc này có giúp được gì cho nàng công chúa nhỏ?

Trước mặt ông, đệ tam phi yên lặng theo dõi từng cử chỉ. Ngồi trên chiếc đoản kỷ chạm xà cừ lấp lánh, nàng như đang ngồi trên một bụi gai. Đôi mắt to và đen dịu của nàng vẫn rất đẹp nhưng đầy mệt mỏi. Vẻ đau đớn câm nín này đã ở trên gương mặt nàng từ lâu, lâu lắm rồi. Vậy mà trong cung, người ta vẫn bảo trong ba người vợ chính thức của Hoàng đế, đệ tam phi Ngọc Bình là người được sủng ái nhất. Chẳng khó khăn gì mới nhận ra điều đó. Vì nàng trẻ hơn đức Hoàng đế đến hơn ba mươi tuổi, vì nàng đẹp như thế, vì cung Gia Ân của nàng luôn luôn được vinh dự đón Ngài đến nghỉ ngơi.

Nhưng lúc này đây quan ngự y Phùng Thất thấy rõ hơn bao giờ hết nỗi khổ tâm của Ngọc Bình. "Ông có tin lần này thuốc hiệu nghiệm không? Ngọc Ngôn đã uống nhiều thuốc lắm rồi mà bệnh không thấy giảm".

Phùng Thất cúi rạp đầu: "Xin lệnh bà tạm bình tâm. Con người có số mệnh". Ngọc Bình nghe vậy, nhắm mắt như có một cái gai rất dài đâm thấu tim. Nàng lảo đảo đứng dậy, đi về cung. Ngọc Ngôn, nàng công chúa lên sáu đang giãy giụa trong tay hai nhũ mẫu và một bầy thị nữ. Tất cả đang xúm vào giữ không cho cô bé xé quần áo trên người. Càng bị giữ, cô càng tức tối, quay qua xé áo bọn thị nữ, làm họ ré lên khiếp sợ, chạy tán loạn.

Ngọc Bình thấy cảnh tượng nhốn nháo, nàng vẫy tay ra hiệu cho hai nhũ mẫu lui ra, nhưng cả hai người đàn bà hầu như không nghe, cứ ra sức đè Ngọc Ngôn xuống. Ngọc Bình điên lên, lăn xả vào ôm chầm lấy con. Lúc ấy hai người đàn bà vạm vỡ mới chịu buông. Dường như vòng tay ấm êm của người mẹ dễ chịu hơn, Ngọc Ngôn bắt đầu dịu lại, cô bé như lả ra, cái đầu nhỏ ép sát vào ngực mẹ.

Hai nhũ mẫu quay đi, nhưng không đi xa, chỉ lùi lại sau bức mành. Cũng có thể họ lo rằng công chúa sẽ lên cơn phá phách trở lại, cũng có thể vì đối với đệ tam phi họ đã quen chỉ vâng lời chiếu lệ. Ngọc Bình biết hai nhũ mẫu đều là người của hoàng hậu, họ phục vụ mẹ con nàng nhưng trong lòng âm thầm khinh thường nàng. Cả cung điện này khinh thường nàng.

Khi Ngọc Ngôn ra đời đủ ba tháng mười ngày, theo lệ trong cung, nàng bồng con đến ra mắt vương hậu. Toàn bộ cung tần đều có mặt trong cung Khôn Thái. Nàng tiến vào, hai tay đưa con gái dâng lên cho vương hậu xem mặt. Tống nguyên phi, vừa được phong hậu nửa tháng trước, bồng đứa trẻ lên, rung rung âu yếm. Bỗng Nhị phi họ Nguyễn ngồi cạnh chợt như buột miệng: "Sao trông mặt công chúa giống...". Câu nói chỉ nửa chừng. Tống vương hậu lừ mắt, tất cả im thin thít. Ngọc Bình ngẩn ngơ không hiểu vì sao cả cung phòng chợt lặng đi ngột ngạt như thế. Sau này, nàng mới hiểu, trong cái lặng lẽ ghê sợ đó, trong óc mỗi người đều vang lên cùng một ý "Sao đứa con gái này mặt không giống nhà vua, mà lại giống hệt ngụy Toản?!".

***

Nhà vua cùng Tiền quân Nguyễn Văn Thành băng qua những công trình đang xây dở. Cung điện Phú Xuân xây dựng từ thời các chúa Nguyễn, được xây thêm nhiều cung phòng dưới triều Tây Sơn Nguyễn Huệ. Những cung phòng ấy làm vua Gia Long không ưng ý, vào thịnh thời của Quang Trung hoàng đế, tiền bạc không thiếu, nhưng triều Tây Sơn mới nổi chưa tạo được cho mình một tầng lớp quý tộc thực sự biết hưởng thụ cái đẹp. Trong mắt Gia Long, ông vua sinh ra và lớn lên trong đền chúa, những đường nét kệch cỡm nặng chất nông dân trong những cung điện xa xỉ xây thời Tây Sơn thật khó chịu. Đến thời Quang Toản, hơn mười năm chiến tranh làm kiệt quệ ngân khố, những dinh thự vốn đã không đẹp lại bị bỏ mặc, nên càng ủ ê thô thiển. Gia Long bảo Nguyễn Văn Thành:

- Mới xong binh lửa, lẽ ra còn nhiều việc phải lo. Nhưng cung điện không thể không xây lại. Cung điện cũ sẽ làm cho lòng người nhớ lại triều đại của Ngụy Tây, trẫm không cho phép điều đó. Lăng Đan Dương của ngụy Huệ đã bị tận phá, chỗ chết của y, ta còn không để lại dấu vết, huống hồ chỗ sống.

Nguyễn Văn Thành nói ngay, không lưỡng lự, chuyện mà ông đã nói với vua nhiều lần:

- Tâu bệ hạ, vậy mà vẫn còn một dấu tích sống của Ngụy triều, ngày đêm kề cận bệ hạ đấy thôi.

Nhà vua cười gượng, biết ông đang nói đến Ngọc Bình. Không biết là lần thứ mấy mươi, Nguyễn Văn Thành nói đi nói lại về số phận người đàn bà này. "Xin bệ hạ đừng quên, để ngụy hậu kề cận mình rồng là một việc quá liều lĩnh, chẳng những can hệ đến chuyện an nguy mà còn ảnh hưởng đến thanh danh của người nữa". Đáp lại thái độ căng thẳng của Nguyễn Văn Thành, nhà vua thường chỉ cười xuề xòa, làm như chẳng có gì quan trọng: "Khanh đừng lo, một người đàn bà chân yếu tay mềm làm gì được ta? Chẳng qua là một cọng cỏ thôi mà". "Nhưng còn thanh danh của bệ hạ? Đến nay hạ thần vẫn còn phải sai quân tướng lùng tìm dư đảng của ngụy Tây Sơn. Các bộ tướng của thần sẽ nghĩ sao khi thấy ngụy hậu vẫn nhởn nhơ ngay giữa cung đình?". Nghe nhắc đến thanh danh, nhà vua sa sầm mặt, không giữ được vẻ cố tình vô tư nữa. "Tại sao khanh cứ một tiếng ngụy hậu, hai tiếng ngụy hậu? Khanh đừng quên, tam phi vốn là công chúa nhà Lê. Quang Toản trước đây cưới nàng làm hoàng hậu là nhằm mục đích ve vãn đám công thần cũ của triều Lê thôi. Bây giờ trẫm dung nạp nàng, cũng chính vì mục đích ấy".

Nghe vua nói, Nguyễn Văn Thành im lặng một lúc, rồi không nhịn được, thốt lên:

- Tâu bệ hạ, vua Lê Hiển Tông có đến mấy chục con gái, cớ sao bệ hạ nhất định phải lấy một người?

Vua Gia Long tím mặt lại, nói dõng dạc từng tiếng:

- Trẫm là vua, cả giang sơn này là của trẫm, tại sao lại không thể định đoạt số phận một người đàn bà?

Biết không thể nói được nữa, Tiền quân Thành im lặng, cuộc chuyện trò giữa vua tôi bỗng gián đoạn. Cả hai sải từng bước dài qua những cung điện đang xây dở, chú mục nhìn vào thợ thuyền đang làm việc mà lòng trĩu nặng. Trẫm là vua, mấy tiếng ấy lâu nay vẫn thường chặn họng Tiền quân Thành những lúc ông nói năng sôi nổi quá. Trong lòng Nguyễn Văn Thành dấy lên một nỗi chua chát. Trẫm là vua. Ngày trước ông ta không nói thế. Ngày trước ông ta nói nhún nhường: "Quả nhân đức bạc, may nhờ chư tướng hết lòng phò tá...".

***

Tả quân Lê Văn Duyệt thì khác, không thường căng thẳng như Tiền quân Thành. Kể về quyền bính ông cũng ngang ngửa với Tiền quân, kể về thời gian theo vua, ông còn phò vua trước. Nhưng ông không bao giờ nói ngang trước mặt vua. Vốn xuất thân là hoạn quan trong dinh chúa Nguyễn, ông hiểu rõ những trò trái tính trái nết của vua chúa: đấy là một đặc quyền của đế vương, nếu không thì người ta xây bức thành cao ngất vây quanh che khuất Tử Cấm Thành làm gì?

Vốn là hoạn quan nên Tả quân Duyệt tiện việc ra vào nội cung, thường gặp Nhị phi trong viện Đoan Trang. Trước ba quân, ông là võ quan hét ra lửa, còn với Nhị phi thì ông vẫn là một ông Thái giám già để bà trút bầu tâm sự. Nhị phi theo vua từ lúc mười sáu tuổi, lúc vua đang còn bôn ba cơ hàn, mấy lần sanh xong phải bồng con chạy tránh nạn Tây Sơn, lúc nằm gai nếm mật chỉ mong cho đến ngày chiến thắng...

"Cực thịnh thành suy, người xưa dạy thế, quả không sai?". Nhị phi lẩm bẩm, nhìn Tả quân Duyệt như chờ một chia sẻ. Tả quân hôm nay được Nhị phi vời vào để tặng cho ít bánh gai cung nữ vừa làm, nhân dịp ngồi chơi vài ván tổ tôm, rồi câu chuyện lan man, Nhị phi kể chuyện hôm qua gieo quẻ Mai hoa bốc.

"Ông thấy có đúng không, cực thịnh thành suy. Những năm gian khổ chỉ mong đến ngày này. Tưởng là vinh hoa hạnh phúc, ai ngờ đến khi vui mừng tột bậc thì lại sinh mối lo buồn như thế".

Tả quân Duyệt đặt quân bài xuống chiếu, nói khỏa lấp:

- Lệnh bà lo buồn làm gì. Cơ nghiệp nay đã vững vàng trong tay bệ hạ, đó là điềm thịnh quá lớn. Chút chuyện nhỏ nơi phòng khuê sao có thể nói là suy?

Nói thế chứ Tả quân cũng biết thừa, với ai thì là chuyện nhỏ, chứ với Nhị phi thì là chuyện lớn, lớn vô cùng. Trước nay lòng luyến ái của nhà vua đối với bà thực sâu nặng. Những năm gian nan, Nguyên phi Tống thị vì là vợ cả, phải giữ phận làm dâu, ở lại phụng dưỡng mẹ chồng. Theo sát mình rồng trong những lúc bôn ba chỉ có Nhị phi. Thế rồi đến ngày vinh hoa phú quý thì một người đàn bà khác trẻ hơn, đẹp hơn, dòng dõi sang cả hơn bỗng xuất hiện, chiếm hết bao nhiêu sủng ái.

"Mà nào phải cao quý gì cho cam, cái phường phản chúa lộn chồng ấy. Nếu biết giữ gìn thể giá thì phải tự vẫn chết theo ngụy chúa mới phải?". Nhị phi nói, nỗi căm tức làm răng bà nghiến lại.

Tính Nhị phi mạnh mẽ. Không chịu ngậm hờn nuốt tủi trong lòng, có gì tức tối cứ thế mà tuôn ra. Lê Văn Duyệt thì không thể như vậy được, ông biết mình phải giữ mồm giữ miệng. Không muốn kẹt vào những chuyện rắc rối trong nội đình, ông nán đợi xong ván bài rồi tìm cớ rút lui. Làm đại tướng, làm đại thần, ông đâu có thời gian rảnh rỗi, nể Nhị phi lắm ông mới ngồi hết ba ván tứ sắc. Tả quân Duyệt đi rồi, Nhị phi càng thấy ấm ức trong lòng, thầm nghĩ: "Ông này hỏng. Bây giờ chỉ biết lo giữ tướng ấn, đức vua phải quấy gì cũng mặc không can ngăn".

Trong khi đó, Tả quân Duyệt sải những bước dài ra khỏi khu vực nội cung. Ông vừa đi vừa ngẫm nghĩ đến ván cờ quyền lực đang mở ra trước mắt. Hoàng hậu họ Tống đã lớn tuổi, không sinh nở được nữa, con trai là Hoàng thái tử Cảnh mất sớm. Nhưng Cảnh vẫn còn để lại hai con trai, sau này có thể kế thừa ngôi báu. Nhị phi cũng có hai con trai đã trưởng thành. Nhưng Nhị phi không phải là Hoàng hậu, con bà vẫn không thể xem là con đích. Giờ đây bà không phải là vợ cả, lại cũng không còn là vợ yêu. Vua đang sủng ái Ngọc Bình, nàng còn trẻ, có thể sẽ có con trai sau này. Tả quân Duyệt nghĩ thầm: Nhị phi không ăn ngon, ngủ yên, đâu phải chỉ vì ghen tuông thói thường của đàn bà. Tả quân chưa thấy mặt Ngọc Bình, nhưng cũng đoán chắc nàng đẹp lắm. Phải thế nào mới khiến một ông vua mẫu mực luôn nói đến đạo lý quân thần, phu phụ bỗng chốc quên hết những nguyên tắc của mình... Nhếch mép cười, Tả quân Duyệt bất giác ngâm khe khẽ câu thơ Hồ Xuân Hương: "Chúa dấu vua yêu một chút này...".

***

Hoàng thành xây xong, đẹp tráng lệ, dân Phú Xuân mê mẩn ngắm những vọng lâu lộng lẫy nhô cao giữa trời xanh. Kể từ đấy, thế giới sau những cánh cổng thành đóng kín trở nên hoàn toàn bí ẩn. Hồi mới hết chiến tranh, người ta còn nghe gia nhân, đầy tớ nhà các quan, lính thị vệ trong dinh vua kháo nhau những chuyện vua quan. Giờ đây đã có lệnh cấm bàn tán chuyện trong cung phủ, nên chẳng ai biết gì xảy ra sau những bức thành cao ngất.

Vua Nguyễn nương náu hơn mười năm ở phương Nam, quân tướng phần lớn chiêu mộ trong ấy, các hoàng tử công chúa ra đời rồi lấy vợ lấy chồng cũng trong ấy. Đương thời ở kinh đô, nghe giọng Nam là biết người sang, biết là nơi có thần có thế. Vì vậy nhiều người Huế cũng bắt chước nói giọng Nam lơ lớ, rốt cuộc cái giọng ấy trở thành một thứ thời thượng lúc bấy giờ.

Sáng hôm nay trong cung Khôn Thái của Hoàng hậu Tống thị, người nữ quan hầu đọc sách cũng đang đọc bằng cái giọng nửa Nam nửa Huế ấy. Tống hoàng hậu thích truyện, bà thường vời hết phi tần rồi cho nữ quan đọc những chuyện về phi hậu các đời để làm gương. Thị nữ dâng bánh gai, bánh gấc để dùng trà, đặt trên mấy chiếc mâm chân quỳ trên sập. Trên sập, Tống hoàng hậu ngồi uy nghi, chiếc kỷ kê thấp hơn là dành cho Nhị phi, một chiếc thấp hơn nữa dành cho Tam phi Ngọc Bình. Dưới nữa là cung tần trong các viện. Nhị phi đang nói điều gì đó với nữ quan. Nữ quan ngửa trông lên hoàng hậu:

- Bẩm hoàng hậu, đệ nhị cung muốn nô tỳ đọc truyện Ngu Cơ.

Hoàng hậu gật đầu, tán thành:

- Phải rồi. Truyện ấy, ta cũng thích. Hạng Vũ thất trận Bạch Đế thành, Ngu Cơ tuẫn tiết, hồn thành cỏ thơm.

Một cung tần khe khẽ thưa:

- Bẩm, truyện này hôm trước chúng thần thiếp đã nghe rồi.

Nhị phi bảo:

- Nghe rồi thì nghe lại. Chuyện trung hiếu tiết nghĩa phải nghe nhiều lần để lấy làm gương.

Hoàng hậu thì vô tình, mà Nhị phi thì hữu ý. Năm lần bảy lượt, Nhị phi luôn đòi nữ quan đọc hết truyện Ngu Cơ lại đến truyện Mỵ Ê. Ngu Cơ tự sát để khỏi rơi vào tay Hán vương, kẻ đánh bại chồng nàng. Mỵ Ê, vương phi Chiêm Thành, nhảy xuống sông để khỏi phải hầu hạ Lý Thánh Tông, người chiến thắng. Tất cả những tấm gương liệt nữ ấy được tấm tắc khen ngợi là nhằm làm cho Tam phi Ngọc Bình ngồi trên chiếc ghế cao kia mà như bị chôn xuống tận bùn đen.

Suốt cả buổi đọc truyện bao giờ nàng cũng ngồi chết lặng, khuôn mặt dài ra, tái nhợt. Nàng cũng đã từng tự tử, nhưng không thành. Cuộc tình duyên ngắn ngủi với Quang Toản không cho nàng đủ can đảm để tự tử lần thứ hai. Cô bé Ngọc Bình mười sáu tuổi là công chúa nhà Lê, nhưng nhà Lê lúc ấy có còn đâu, một mảnh cung điện cũng không còn, Ngọc Bình theo mẹ về làng ẩn trong trang trại ở quê ngoại. Nhưng cuộc chiến máu lửa đã lan về tận làng quê Phù Ninh xa xôi ấy. Quang Toản và triều đình Tây Sơn thất trận ở Phú Xuân, kéo nhau chạy ra Bắc, tính chuyện lâu dài để chống lại quân nhà Nguyễn. Theo lời quần thần hiến kế, Quang Toản tìm công chúa út của nhà Lê, lập làm hoàng hậu để tranh thủ sự ủng hộ của các cựu thần nhà Lê ở đất Bắc.

Mười sáu tuổi, Ngọc Bình bị lôi ra khỏi trang trại của mẹ, mặc áo thêu, đội mũ phượng ngồi bên mình ông vua trẻ mới hai mươi tuổi. Mọi nghi lễ vẫn cố giữ đầy đủ, thậm chí hơi khoa trương một chút, ồn ào một chút để cho bàn dân thiên hạ phải lưu tâm. Người ta bảo, xem ra triều Tây Sơn vẫn còn thịnh, đám cưới vua trẻ năm nay cũng chẳng kém huy hoàng so với đám cưới của đức Quang Trung hoàng đế và Ngọc Hân công chúa thuở trước. Nhưng người hiểu thời cuộc thì biết rõ, việc tuy giống mà nội tình chẳng giống chút nào. Thời cuộc đổi thay nhanh quá, mới ngày nào đức Quang Trung phò Lê diệt Trịnh, đại phá quân Thanh, uy danh lẫy lừng trong thiên hạ. Thoáng một cái, mới có hơn mười năm mà triều đại đã suy tàn, cả triều đình mục ruỗng như cây cột bị mọt đục đến tận tim.

Vị vua trẻ, sau những lần thất trận hãi hùng, luôn bị ám ảnh bởi viễn cảnh rùng rợn của hồi chung cuộc, không còn nhuệ khí của tuổi hai mươi. Đêm đầu tiên làm vợ, Ngọc Bình chưa hết run sợ sau lần đầu chăn gối, bỗng giật mình khiếp hãi khi nghe tiếng ken két vang lên ngay trong màn... Quang Toản đang nghiến răng, vật vã trong giấc ngủ. Ngọc Bình thu hết can đảm nhìn vào mặt người chồng mới cưới, khuôn mặt nhăn nhúm tuyệt vọng, những tiếng ú ớ phát ra cùng với hơi thở gấp, ông ta đang giẫy giụa, gào thét không thành tiếng trong cơn mê.

Chỉ ba tháng sau, quân Nguyễn vương đánh đến Bắc Thành. Triều Tây Sơn sụp đổ. Quang Toản bị giải về Phú Xuân rồi bị xé xác. Cái cực hình thảm khốc ấy, chắc chàng trai hai mươi tuổi đã mơ thấy trong đêm tân hôn của mình, ba tháng trước.

Ngọc Bình lặng đi vì những hồi ức thê thảm, nàng ngồi đó mà hồn để tận đâu đâu.

Nữ quan đọc dứt câu chuyện, Nhị phi lên tiếng:

- Hạng vương biết mình sắp bị diệt, khuyên Ngu Cơ khéo thờ người mới. Ngu Cơ lấy gươm tự sát để tỏ lòng trung thành với chồng. Thiệt là tấm gương cho chị em mình noi theo.

Đám cung tần im thít, trong đầu mỗi người đều liên tưởng đến Tam phi. Một vài cung tần thân tín của Nhị phi phụ họa:

- Nghe chuyện Ngu Cơ nhiều lần rồi, mà lần mô em cũng không cầm được nước mắt. Vừa thương vừa cảm phục.

Họ sợ uy hoàng đế nên không dám đá động gì đến Tam phi, chỉ hùa nhau ca ngợi Ngu Cơ để cho nàng phải nhột. Nhưng Ngọc Bình cứ thẫn thờ nhìn ra khoảng không phía trước, không thấy, không nghe gì cả. Nhị phi liếc nhìn mặt Tam phi, lòng không khỏi nghĩ thầm: "Quái lạ, ngụy nữ dạo này xuống sắc, mặt mũi bơ phờ, trông tiều tụy hẳn đi, sao hoàng thượng cứ ngự mãi ở tam cung không chán? Hay là nó có yêu thuật gì?".

Bà nghĩ vậy mà lo âu cho đấng quân vương. Ý tưởng ấy, Nhị phi không dám nói với nhà vua, chỉ thầm thì tâm sự với Tống hoàng hậu. Cả chuyện vì sao Ngọc Ngôn mặt mày chẳng giống vua mà nghe đâu lại giống ngụy Toản. Ý Nhị phi muốn mượn miệng Tống hậu nói lại với vua. Nhưng Tống hậu chỉ gạt đi:

- Phi lo xa quá... Sau khi ngụy Toản bị ta bắt đến sáu tháng sau Tam phi mới vào hầu hoàng thượng, một năm sau mới sinh Ngọc Ngôn. Làm sao mà có máu huyết của ngụy được.

- Tâu, biết đâu được, cũng có khi trời đất sinh sự dị thường. Chuyện Tần Thủy Hoàng ngày xưa nằm trong thai mười hai tháng mới sinh, chắc lệnh bà còn nhớ.

Tống hoàng hậu chỉ cười không nói. Bà hiểu tâm trạng Nhị phi. Làm gì mà chẳng hiểu. Hai mươi năm trước khi Nhị phi Nguyễn thị được tiến làm Tả cung tần cho Nguyễn vương, bà cũng đã xót xa đến chết đi sống lại. Bây giờ thì những xót xa đã chết hẳn. Bà tự biết cái đức lớn nhất mà tất cả những người vợ cả phải có, là không biết ghen. Vả lại, tự đáy lòng, bà cũng thấy thương nàng công chúa nhỏ. Từ lúc con trai bà, hoàng thái tử Cảnh mất, bà đã ngẫm nghiệm ra tất cả những hư vô của kiếp người và sự thảm khốc của chiến tranh.

Không được Tống hoàng hậu tán đồng, Nhị phi buồn bực về cung, lòng vẫn hậm hực: "Yêu nữ có thuật gì mà bệ hạ say mê nó đến thế?".

***

Đêm nay, cũng như rất nhiều đêm, cung Gia Ân lại được thắp đèn đuốc sáng choang, đón hoàng đế ngự đến.

Viên thái giám theo xe vua đến trước thềm cung, vẫy tay ra lệnh cho đoàn tùy tòng lui ra, rồi đứng nghiêm chầu hầu. Sau buổi tiệc khuya, những lồng đèn đã được tắt bớt, ánh sáng dìu dịu tỏa trên những hàng hiên chạm trổ. Bảo mẫu già bồng một đứa bé gái rón rén bước ra, đứa con gái nhỏ bị bịt miệng giãy giụa.

- Đi đâu? - Viên thái giám thì thầm hỏi.

- Đưa sang cung Khôn Thái. Hoàng hậu bảo nếu hoàng đế đến thì đưa công chúa qua bên ấy cho khỏi kinh động mình rồng.

Viên thái giám tránh sang bên cho bảo mẫu xuống thềm. Qua quan ngự y Phùng Thất, ông biết công chúa Ngọc Ngôn mắc chứng bệnh mà người ta thường gọi là bệnh té giếng. Nhà vua không thích nhìn thấy công chúa, bởi dù Hoàng hậu và Nhị phi không nói nhưng cũng đã lắm người trong tôn thất nói rằng công chúa trông giống ngụy Toản. Họ bảo: "Cái tà khí của ngụy còn sót lại trong bụng người mẹ đã ám ảnh thai nhi nên mới như thế". Ban đầu, ngài cười xòa gạt đi như khi nghe ai kể chuyện hoang đường. Nhưng một lần, hai lần, ba lần, ngài bắt đầu để vào tai.

Bảo mẫu đi rồi, cửa cung đóng lại. Như lệ thường, tất cả thị nữ lui ra ngoài, trong khi viên thái giám già lùi vào trong, túc trực trong hành lang sát bên trướng gấm. Dưới ngọn đèn lồng, bóng người thái giám già đổ dài, đơn độc.

Như mọi đêm ứng hầu ở cung Gia Ân, ông đã quen với tiếng hét hãi hùng của Tam phi. Giọng nhà vua ôn tồn: "Trẫm có làm nàng đau đớn đâu?". Không, nàng kinh sợ không phải vì đau, nhà vua là một người đàn ông trầm tĩnh, nhẹ nhàng và lịch lãm. Nhưng Ngọc Bình thét lên vì trong lúc ấy nàng vừa thấy Quang Toản hiện ra, người đầm đìa máu.

Sâu thẳm từ bên trong, nhà vua thấy một cảm giác khoái lạc kỳ lạ khi ở bên nàng, điều mà không người vợ nào đem lại cho ngài được. Không phải vì tuổi trẻ, sắc đẹp của nàng, cũng không phải vì cảm giác nhục thể. Cội nguồn sự thống khoái ấy hình như bắt rễ từ đâu đó sâu kín vô cùng, từ trong vô thức.

Có một lần trước đây ngài đã có được cảm giác như vậy, là khi đứng nhìn quân sĩ quật mộ ba vua nhà Tây Sơn. Cái cảm giác sướng khoái ngất trời, đã hóa giải hơn ba mươi năm cay cực gian nan trong đời ngài, kể từ lúc chín chúa tổ tiên nhà Nguyễn bị quân Tây Sơn hốt cốt đổ sạch xuống sông xuống biển.

Nhưng sự sung sướng khi quật mộ kẻ thù chỉ có một lần. Còn với Ngọc Bình... Những đêm ở bên nàng, vua tận hưởng niềm sướng thỏa của mình, ngài cố ý kéo dài nó, lần này sang lần khác. Nó đáp ứng những khao khát báo thù sâu thẳm trong lòng ngài, khiến ngài không thể sống thiếu nó, không thể nào dứt ra được.

***

Trong lúc đó, bên cung Khôn Thái, Tống hoàng hậu đã xong một ngày mệt mỏi. Địa vị đứng đầu tam cung khiến bà phải bận bịu từ sáng sớm cho đến bây giờ. Bà tự tay mở áo bào, tháo mũ phượng, trút bỏ đôi hài cánh trả thêu hoa lộng lẫy. Như lệ thường, mặc dù có thị nữ chầu hầu nhưng bà vẫn tự mình thay đổi y phục. Khi chỉ còn lại mấy người thân tín, bà khoác lên mình chiếc áo tràng lam, ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu trải giữa cung phòng.

Có tiếng động. Bảo mẫu đưa Ngọc Ngôn vào. Cô bé vẫn giãy giụa, bảo mẫu nhét khăn vào miệng cô để khỏi vang tiếng kêu ồn ào trong nội điện.

- Đưa hoàng nữ vào đây cho ta. - Hoàng hậu hé mở đôi mắt đang nhắm nghiền, bảo.

- Tâu lệnh bà, e hoàng nữ không chịu yên...

Tống hoàng hậu vẫy tay, bảo mẫu lại gần đặt Ngọc Ngôn xuống rồi lùi ra. Không biết vì cái uy của bậc mẫu nghi thiên hạ, hay vì dáng vẻ hiền hòa thương xót trong mắt người mẹ kia, mà thần trí cô công chúa nhỏ bỗng nhiên dịu lại. Cô bé ngồi xổm, mở thao láo đôi mắt nhìn vào hoàng hậu.

Tống hoàng hậu cầm hai bàn tay bé nhỏ trong tay mình. Bà nhớ lại bàn tay bé nhỏ của những đứa con mình đã mất. Bà nhớ lại tất cả những điêu linh, tan tác, oán thù trong nửa thế kỷ.

Cởi vòng tràng hạt trên tay mình, bà đeo vào cổ tay Ngọc Ngôn, miệng thì thầm:

"Xin Đức Phật từ bi chữa lành cho con tôi..."






Tác giả: Nhà văn Trần Thùy Mai


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top