Nàng thơ và Chàng thơ

Ánh đèn flash sáng lên, cuộc đời Cố được ghi lại...

Tặng Chanh.


Tôi thấy mình vút qua những cây cầu nhỏ bằng tốc độ đáng kinh ngạc. Lúc này đây, tôi ngỡ mình như một bóng ma hơn là một người bình thường đang hì hục chạy, và biết đâu có khi tôi đang mộng mị trong giấc mơ nào đó. Tôi cúi đầu tìm chân nhưng chiếc cổ hệt như một cỗ máy đã gỉ bị kẹt, tôi chỉ còn cách hạ tầm mắt xuống hết cỡ nhưng rồi chiếc máy ảnh màu đen to tướng treo trước ngực vừa vặn che mất. Đương lấy tay gạt qua thì một cảnh tượng lạ lùng làm tôi ngỡ ngàng.

Một chiếc ghế đá giữa cây cầu nhỏ, đặt cách thành cầu tầm hai tấc.

Tôi tên Cố, hai mươi bảy tuổi, là một...

Thật là một câu giới thiệu nhạt nhẽo. Tôi không ở đây để lặp lại sự nhàm chán mà tôi phải chịu đựng suốt cả đời mình. Tôi ở đây để viết, để bứt mình khỏi sự thật, để những câu chuyện nằm trên trang giấy ấy nhảy múa đến mất đi lí trí và rồi tôi sẽ cam tâm đốt chúng đi, để tất thảy đều hoá tro bụi.

Thật ra, tôi đã bỏ viết được hơn bốn năm, đúng hơn là bốn năm và bốn tháng. Tôi bắt đầu lại việc viết chỉ mới bốn ngày. Và tôi sẽ viết lại đời mình một cách thành khẩn nhất, tất nhiên. Con người ta trước hết phải thành thật với chính mình thì mới có thể viết. Quan điểm của tôi là vậy. Hơn bốn năm trước, chính xác là bốn năm và bốn tháng, tôi ra trường. Tiến vào thế giới khốc liệt của người lớn, tôi mơ hồ và ngu ngốc. Ai cũng thế thôi, khi người ta nhìn lại quá khứ, sẽ lắc đầu hỏi chấm vì sao mình lại thế nhỉ. Nói thế thì hiện tại đã rõ ràng và thông thái hơn à? Không, không phải thế. Dẫu là bây giờ hay tương lai, tôi biết rằng mình vẫn ngu ngơ về cuộc đời, cái khác là tôi biết mình ngu ngơ thôi.

Tôi nghĩ nhiều hơn mọi người xung quanh một chút và việc đó khiến tôi trở thành kẻ khác loài. Ngay cả chuyện đơn giản như giới thiệu bản thân, đến những người đang bập bẹ học ngoại ngữ cũng dễ dàng nói tên tuổi, nghề nghiệp, ấy nhưng với tôi mọi thứ lại khác. Tôi tự vấn mình cả hàng trăm lần, ngạc nhiên thay sau khi nghĩ thông, tôi vẫn nói lại y hệt, chỉ là thêm thắt một chút để thoả hiệp với cuộc đời. Bởi lẽ, tôi không thể nói thế này:

Tôi tên Cố, cái chữ "củng cố" ấy chứ không phải "cố nhân" gì hết, tuổi mười tám cộng, thợ viết.

Nhìn xem, nếu tôi nói vậy, người ta sẽ hiểu lầm tôi từ một kẻ lập dị sang một kẻ xấc láo, thế thì lại phiền lắm. Ở mọi mặt, tôi có thể tìm điểm cân bằng để thoả hiệp, trừ văn chương.

Tôi tên Cố, hai mươi bảy tuổi, là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư.

Mỗi lần nói xong câu này, tôi đều háo hức chờ xem phản ứng của mọi người. Tôi mong mỏi có người ồ lên vì phát hiện ra cái hay trong câu nói ấy. Lúc đầu, tôi đã phân vân giữa nhiếp ảnh gia và thất nghiệp. Tôi cho rằng nếu đã là nghề nghiệp thì trước hết công việc ấy phải kiếm được tiền nhưng nhiếp ảnh chưa từng đem lại cho tôi một đồng nào. Còn nếu tôi nói mình thất nghiệp thì việc tôi chăm chỉ vác chiếc máy ảnh to tướng màu đen đi khắp nơi để tác nghiệp xem như công cốc ư? Thế thì không chấp nhận được. Tôi muốn thành thật với người khác nhưng cũng không muốn phủ định chính mình, việc phải lựa chọn một trong hai khiến tôi gần như bế tắc. Sau khi đấu tranh không ngừng nghỉ, tôi đem việc này kể cho một người bạn thân thiết và câu trả lời ấy khiến tôi há hốc.

Cứ thêm "nghiệp dư" là được.
Khoảnh khắc ấy cho tôi biết được sự kì diệu của ngôn từ. Hai chữ ấy nếu không để ý kĩ sẽ dễ dàng bị bỏ qua, dù chỉ lẳng lặng đứng đó nhưng lại có thể nhẹ nhàng giải thoát tôi khỏi sự ràng buộc của các định nghĩa, cho tôi sự vẹn toàn mà tôi muốn. Cũng từ giây phút đó, ngoài nhiếp ảnh, tôi có thêm hứng thú với viết lách. Nhưng dần dà, tôi phát hiện ra người ta chú ý đến cái tên của tôi hơn. Câu hỏi chỉ quanh quẩn việc tôi có phải người gốc Hoa hay không và tên tôi có ý nghĩa xưa cũ như trong từ 'cố nhân' ấy hả làm tôi hụt hẫng. Khoảnh khắc tôi cho là kì diệu cũng phai nhạt.

Giờ đây, việc bắt gặp chiếc ghế đá giữa cây cầu nhỏ, đặt cách thành cầu tầm hai tấc khiến tôi loé lên một hi vọng nào đó. Ai nhỉ? Ai đã đặt chiếc ghế đá ở đây nhỉ? Ai lại làm thế? Người này phải chăng có mong muốn sâu sa, chiếc ghế đá sẽ là bệ phóng để người ta dễ dàng đứng lên gieo mình xuống. Hay chỉ đơn giản là để những người bộ hành mỏi mệt dừng chân ngồi nghỉ? Tôi khẽ cười và nảy ra mong muốn gặp được người đã đặt chiếc ghế đá này.

Lúc này, tôi biết mình nên nhắm mắt và vì thế tôi nhắm mắt. Gió mùa thu phà hơi lành lạnh, đem chút mùi tanh của sông làm cho thoang thoảng. Tôi ngỡ mình là đám bèo trôi đang dạt theo con nước. Chao ôi, tôi ước mùa thu độc chiếm cả năm. Bởi vì gió mùa thu dù thổi mạnh đến nhường nào cũng đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu chứ không gắt gao như mùa đông, cũng không khô khốc như mùa hè. Còn gió mùa xuân thì chỉ giống với gió bình thường, không đem lại cảm giác đặc sắc gì.

Thế rồi, tiếng đàn kìm vang lên trong đêm tối tĩnh lặng. Tôi cầm chiếc máy ảnh lên, canh góc chụp người con gái đang gảy đàn kìm ngồi đối diện phía bên kia cầu như mọi khi. Dưới bóng đèn vàng hiu hắt, dáng nàng ôm đàn với nửa mặt nghiêng nghiêng cùng mái tóc xoã đẹp hơn tranh. Giờ đây, tôi đã thấy rõ gương mặt nàng.

Khúc Tứ Đại Oán vang danh cứ thế ngang nhiên đứng giữa trời. Nốt nhạc nảy lên rồi rơi xuống, lần lượt theo đúng với nhịp điệu. Ở những khoảng lặng, dư âm như vẳng ra tiếng thở dài não ruột. Tôi ngỡ mình thấy được dáng hình của âm thanh. Réo rắt như suối chảy, bi tráng như núi rền, lạnh lùng như bụi tàn pháo hoa bay trong gió. Và rồi các nốt nhạc ấy xếp thành lưới, tung tôi lên trời để tôi hoà vào dòng chảy thời gian. Tôi thấy mình không là Cố cũng chẳng là ai, giờ phút này tôi chỉ là tôi, nằm trong tiếng đàn kìm, nằm trong khúc Tứ Đại Oán. Tôi tự do.

Tiếng cười khúc khích của hai đứa trẻ trong căn nhà gỗ đang vui đùa. Tôi cầm chiếc máy ảnh màu đen to tướng lên chụp. Khung cảnh này làm tim tôi như bông hoa vươn mình nở rộ để đón sương buổi sớm mai. Tôi hưởng thụ và muốn lưu giữ. Nghĩ đến đây, tôi nhớ về Nhân, tôi đã đến đám cưới cậu, chính là người đã chỉ tôi dùng hai từ "nghiệp dư" ấy. Tôi vẫn nhớ lần đầu gặp mặt ở kí túc xá đại học.
Tôi tên Cố, mười tám tuổi, năm nhất.

Cậu ấy hơi ngẩn ra, rồi cười xoà vỗ vai tôi. Cậu tên Cố, tôi tên Nhân, chúng ta ghép lại thành một đôi "cố nhân".

Chúng tôi có dịp đi du lịch với nhau một lần. Tôi còn nhớ lúc ấy, tôi đã ở trong lều giục Nhân dậy để cùng nhau đón mặt trời mọc. Bình minh của Sa Pa hùng vĩ đến mức tôi phải thảng thốt. Thiên nhiên làm con người thật nhỏ bé. Việc tôi tên gì, xuất thân từ đâu, là ai bỗng chốc không còn quan trọng. Ít nhất là ngay lúc ấy. Thế giới không có Cố, cũng không có Nhân, chỉ có hai tâm hồn đồng điệu. Tôi cầm chiếc máy ảnh màu đen to tướng lên chụp.

Nhân cười, bảo tôi không lo ngắm cảnh lại chúi đầu vào máy ảnh làm gì. Tôi không thể nói mình muốn lưu giữ khoảnh khắc này với cậu. Và dù thời gian làm kí ức lu mờ, chỉ cần nhìn tấm hình này sẽ gợi lại cảm giác lúc ấy ở cùng cậu. Tôi muốn hưởng thụ cảm giác này cả cuộc đời. Tôi không thể nói thế. Nhiếp ảnh giúp tôi nói lên tiếng lòng của mình khi ngôn từ không thể thốt nên lời.

Đã bao lâu chúng tôi không gặp? Hơn bốn năm, đúng hơn là bốn năm và bốn tháng. Chúng tôi ra trường và không giữ liên lạc. Ngày chia tay, cậu nhìn tôi buồn bã, chân thành nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi.

Ước gì cậu là con gái. Nếu thế, tôi và cậu có thể kết hôn.

Ngày ấy, tôi nhớ mình đã mỉm cười.

Sự hiện diện của tôi trong đám cưới cậu không khác gì hai chữ "cố nhân". Buồn, đầy tiếc thương nhưng bị hiện thực tàn nhẫn nhấn chìm. Tàn tiệc, cậu tiễn tôi. Để bầu không khí bớt gượng gạo, cậu ấy tỏ ý muốn xem những bức ảnh tôi chụp gần đây. Tôi đưa cậu những bức ảnh tôi chụp Nàng thơ. Nụ cười cậu tắt hẳn. Và rồi chân mày cậu nhăn lại cau có. Ánh mắt cậu toát lên vẻ ghê tởm. Có lẽ giây phút ấy, cậu đã ghen. Mà một người đang ở tiệc cưới của mình lấy tư cách gì để ghen? Hoặc có lẽ, cậu không chấp nhận được việc tôi vứt bỏ cậu, một Chàng thơ bị một Nàng thơ khác thay thế sẽ có cảm giác gì? Tôi không biết. Tôi chỉ mỉm cười tạm biệt rồi ra về.

Khúc Tứ Đại Oán được gảy nhanh hơn, tiếng cười trở nên riêng lẻ. Tôi có cảm giác không đúng lắm nên mở mắt ra nhìn. Một đứa trẻ im bặt đầy chết chóc và đứa còn lại thì vẫn cười. Rõ ràng tiếng cười ấy vẫn khúc khích như ban đầu giờ đây lại làm tôi rợn tóc gáy bởi sự quỷ dị.

Giá mà, giá mà...

"Giá mà" gì nhỉ? Tôi cố dỏng tai lên để nghe đằng sau hai chữ "giá mà" ấy là gì nhưng không thể, dường như hai chữ ấy vốn dĩ chỉ có thế, không có vế sau. Tiếng thủ thỉ "giá mà" ấy cứ vang lên, như song hành cùng với khúc Tứ Đại Oán, khóc than cho linh hồn đứa trẻ. Tôi nhìn chăm chăm vào đứa trẻ đang sống. Tôi không hiểu. Tại sao đứa trẻ kia cứ cười mãi? Nó không nhận ra điều khác lạ sao? Rằng cái u tối đã nhuốm xuống và nó nên khóc thét lên hoặc im lặng thì hơn. Nó không được cười và không có tư cách cười. Sự tồn tại của nó trong căn nhà gỗ thoáng chốc trở thành cái gai trong mắt của tôi, của căn nhà gỗ và của mọi người.

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ ước gì mình thoát khỏi đây, nơi xa lạ này.

"Giá mà", "ước gì", "cố nhân". Tôi ghét ba từ này. Nghe mới thật cô đơn làm sao.

Sau khi rời đám cưới, tôi bước đi lang thang trong thành phố tráng lệ mà tôi thuộc lòng từng ngóc ngách. Nơi tôi sinh ra và lớn lên, giờ phút này đã trở nên lạ lẫm. Tôi chuyển nhà về vùng ngoại ô đã được hơn bốn năm nên không quen ư?

Tôi đi ngang một cửa hàng làm bằng kính, hình ảnh phản chiếu của tôi là đôi mắt thờ ơ, sống mũi thẳng tắp nghiêm nghị đối lập hẳn với nụ cười mỉm. Tôi tiếp tục đi, vô thức dừng trước căn nhà gỗ đang được xây đúc bê tông bốn tầng. Trong khoảng sân có đặt một chiếc ghế đá, người con gái đang ngồi dưới bóng đèn vàng hiu hắt, dáng nàng ôm đàn với nửa mặt nghiêng nghiêng cùng mái tóc xoã đẹp hơn tranh. Khúc Tứ Đại Oán vang lên, réo rắt như suối chảy, bi tráng như núi rền, lạnh lùng như bụi tàn pháo hoa bay trong gió. Nàng có một đôi mắt thờ ơ, sống mũi thẳng tắp và nụ cười đang mỉm. Cặp anh em sinh đôi có gương mặt giống nhau như đúc cùng cười khúc khích trước căn nhà gỗ. Nụ cười ấy mở đầu bằng tươi vui nhưng dư âm hệt như văng vẳng sự thê lương của một tiếng thở dài não ruột. Tôi thấy mình vút qua những cây cầu nhỏ bằng tốc độ đáng kinh ngạc. Lúc này đây, tôi ngỡ mình như một bóng ma hơn là một người bình thường đang hì hục chạy. Tôi quyết định dừng lại trước chiếc ghế đá giữa cây cầu nhỏ, đặt cách thành cầu tầm hai tấc. Tôi biết mình nên nhắm mắt, và vì thế tôi nhắm mắt.

Biết đâu có khi tôi đang mộng mị trong giấc mơ nào đó, đời tôi chẳng phải là một giấc mơ đấy ư?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top