TAP TRUYEN NGAN
TAP TRUYEN NGAN ( 19 )
Thanh âm diệu kỳ
TTO - Đó là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham dự buổi trình diễn hài phục vụ cho các cụư chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn rất khít nên chỉ có thể tham diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép ông sẽ độc diễn rồi đi ngay.
Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý. Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Độc diễn xong ông vẫn đứng lại . Tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi cả nửa tiếng. Cuối cùng ông cũng cúi đầu chào lần cuối rồi rời sân khấu.
Tại hậu trường, một người hỏi ông: "Tôi ngỡ ông sẽ đi sau vài phút, chuyện gì xảy ra thế?". Jimmy trả lời: "Đúng là tôi sẽ đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Hãy nhìn vào hàng ghế trước".
Đó là hai người đàn ông bị cụt mất một cánh tay. Một người mất cánh tay phải, một người mất cánh tay trái. Cùng với nhau họ có thể vỗ tay một cách nhiệt tình.
HUỲNH THANH DUY (theo Những tấm lòng cao cả)
Cuộc sống là màu hồng
TTO - Tôi tham gia đào tạo cán bộ quản lý mỗi năm cho các cửa hàng bách hóa của một tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao cấp quốc gia. Trong số những chủ đề chúng tôi hướng vào là làm cách nào để biết và giữ lại những nhân viên đủ tiêu chuẩn. Trong thời gian những cuộc thảo luận này, tôi hỏi những người tham gia, "Nguyên nhân gì bạn ở lại lâu dài để trở thành một người quản lý?". Không lâu sau, một người quản lý mới trả lời câu hỏi chậm rãi với một giọng đứt quãng và khá lạ "Đó là một găng tay bóng chày".
Cynthia - người quản lý mới - nói với tập đoàn rằng, trước đây cô làm nhân viên bán hàng như một công việc tạm thời trong khi cô tìm một nghề khác tốt hơn. Rồi một ngày nọ cô nhận điện thoại từ Jessie, đứa con trai chín tuổi của cô. Cậu bé cần một găng tay bóng chày để đi thi đấu thể thao. Cô giải thích rằng, là một người mẹ góa, tiền lại rất khó kiếm trong giai đoạn ấy và cô ngăn ước muốn của con trai lại. Cô có thể mua găng tay bóng chày cho con được, nhưng nó đắt quá, đã gần ba tháng lương của cô!
Khi Cynthia đến làm việc vào sáng hôm sau, Patricia, người quản lý của cô gọi cô vào văn phòng. Cynthia tự hỏi chắc là cô đã làm một điều gì đó sai hoặc đã không hoàn thành công việc của ngày hôm trước. Cô lo lắng và bối rối.
Patricia trao cho cô một cái hộp và nói: "Tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa cô cùng con trai hôm qua và tôi biết rằng thật khó giải thích mọi thứ với cậu bé dễ dàng. Đây là một găng tay bóng chày cho Jessie vì cậu bé thật sự đang cần nó. Chúng tôi không thể tặng cho những người thích một cái gì đó nhưng chúng tôi luôn quan tâm đến những vấn đề đặc biệt và tôi muốn cô biết rằng cô quan trọng như thế nào với chúng tôi. Cô làm việc tốt, cần mẫn và có kiến thức. Tôi nghĩ, không bao lâu cô sẽ được cất nhắc...".
Sự sâu sắc, đồng cảm và tình thương của người quản lý đã chứng minh cho Cynthia một cách sắc sảo rằng, người ta nhớ nhiều về một người chủ quan tâm, chăm lo cho cuộc sống nhân viên hơn là chỉ tính toán và bóc lột nhân viên. Một cách làm việc đầy thiện chí, đầy tình người đã làm Cynthia quyết định ở lại và làm việc tốt hơn để phấn đấu là một người quản lý kế thừa như hiện nay.
Q. DŨNG (Theo Chicken Soup)
Mỗi chúng ta đã tự đánh mất bản thân như thế nào?
Khi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, sở dĩ người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào, bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa. Dưới đây là một vài nhận xét tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người chung quanh.
Bảy bước dẫn tới tha hóa
1. Sự kiếm sống hằng ngày là một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh, và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải thừa nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người. Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.
Nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, hẳn nhiều người phải công nhận là quanh mình số người hiền lành thánh thiện ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm.
Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không được như ta mong muốn. Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật, mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ, những thói xấu vẫn bị coi bỏ qua: xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay. Qua loa vô trách nhiệm...Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên. Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng chứ không dám nói sự thật...
Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành? So với con người lý tưởng mà ta muốn noi theo, khi bước vào đời, thì thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất....
2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi. Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gay thêm cho mình những phiền phức.
3. Có một điều thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng "Hơi đâu gái góa lo việc triều đình" - đây là lý lẽ của nhưng cái đinh ốc bé nhỏ.
4. Khái quát hơn, quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy. Mà thói quen trông trước trông sau mà sống lại đã ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc, lại càng sợ mang tiếng chơi trội, dám khác mọi người (!)
5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa để xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, lòng tốt của mình được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên - thì đành ngán ngẩm buông xuôi (Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ giãy giụa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống rất tàn bạo).
6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ, thì sau những lầm lỡ ban đầu, thì cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu chung chung. Nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo, và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.
7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra rằng "quen mất nết đi rồi", có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để giải hòa, ta xoay sang cầu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần. Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ có mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!
Quá trình tha hóa, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cài gì mất đi vĩnh viễn không lấy lại được nữa. Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?! Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ.
Về phần mình, tôi muốn đề nghị một cách nghĩ khác: Ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đã trưởng thành để lại cho các lớp kế tiếp. Và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sáng suốt hơn, không còn đánh mất mình, tức là ta đã trở nên hữu ích.
VƯƠNG TRÍ NHÀN (Báo Văn Nghệ)
Món quà Valentine cho Bà
TTO - Chúng tôi chỉ định đùa, một lối đùa mà theo chúng tôi nghĩ là vô hại. Không phải là bà cụ Hayes không đáng để bị trêu chọc. Bà ta thường hay dọa nạt và la hét mỗi lần chúng tôi hái những trái dâu dại của bà trồng, cứ như thể là chúng tôi ăn trộm vàng của bà không bằng.Cho nên chúng tôi nghĩ phải làm một điều gì đó để trả thù.
Đám trẻ chúng tôi rất hả hê khi thấy thằng George cuối cùng cũng buộc xong sợi dây màu đỏ vào hộp quà hình trái tim. Bọn tôi cười khúc khích khi thằng Ron dán thêm hai cành hoa hồng giả vào trên nắp hộp quà trống rỗng, món quà Valentine mà chúng tôi quyết định sẽ tặng cho bà cụ Hayes.
Tôi lên tiếng hỏi thằng George và Albert khi không cầm được tính tò mò, háo hức với trò đùa tàn nhẫn đang bày biện: "Hey, tụi mày nghĩ bà Hayes sẽ ngạc nhiên cỡ nào khi nhìn thấy hộp quà Valentine trên bậc cửa biết bay khi bà cúi xuống nhặt nó?"
Và chúng tôi cười bò ra khi nhìn thấy cảnh thằng George và Albert giả cảnh bà cụ Hayes chạy rượt đuổi theo gói quà mà chúng tôi dùng một sợi dây diều cũ buộc vào. Với cái tướng vạm vỡ của một đứa trẻ mười tuổi, thằng Albert bắt chước điệu bộ bà cụ Hayes rất tài tình, cái lưng khòm khòm, đôi chân khập khểnh, và nét mặt vốn dĩ hay cau có của bà. Càng phấn chí hơn, chúng tôi vỗ tay và huýt sáo khi Albert nhặt cây chổi lên, giả bộ cỡi lên nó và không quên hét lớn: "Ta là lão bà Hayes đây, là trái mận vừa già vừa khô đét nhất xứ sở này!"
Bất chợt thằng Ron nhìn thấy bố tôi xuất hiện ở lối cửa vào. Trong khoảnh khắc, cả bọn đồng loạt im lặng, trừ có thằng Albert vẫn còn hưng phấn quá đang chạy vòng vòng trong nhà xe nên không nhận ra bố tôi đang từ từ tiến đến gần.Mãi đến lúc nó chạy va vào cái thắt lưng của bố tôi và dừng lại. Cái nhà xe bỗng trở nên nghiêm trang đến lạ thường.
Bố tôi phá vỡ sự căng thẳng, đi thật chậm tiến về phía cái hộp kẹo trống rỗng đang nằm ngay dưới chân thằng Albert. Ông nhặt nó lên và thong thả gỡ sợi dây diều đang rối nhằng nhịt chung quanh cái hộp. Ông nhìn vào mắt cả bọn sáu đứa chúng tôi đang sợ hãi theo dõi thái độ của ông.
Bố tôi nói khi chậm rãi đặt gói quà xuống cái ghế dài: "Trước đây bố cũng đã từng một lần nghịch phá giống các con bây giờ". Tôi đang cố hình dung ra bố tôi cái ngày xa xưa ấy. Thật khó mà tưởng tượng được một người đàn ông đạo mạo và oai nghiêm thế kia lại có thể chơi cái trò ranh mãnh này. Nhưng tôi chợt nhớ ra, đã có lần tôi nhìn thấy hình của người khi trạc tuổi chúng tôi bây giờ, mái tóc đỏ hoe, khuôn mặt đầy tàn nhang, cặp mắt xanh lanh lợi và nụ cười tinh quái. Ồ thì ra vậy, tôi tự nghĩ: "Mọi cái đều có thể".
Tiếng bố tôi lại cất lên kéo tôi trở về với câu chuyện dở dang: "Ngày đó, bố và mấy người bạn đã quyết định sẽ trêu chọc bà nội Walker. Không phải vì bố không yêu bà. Bà là một người rất đáng yêu. Tất cả bọn trẻ quanh vùng đều thích gần gũi và nghe bà kể chuyện. Tuy nhiên cái tính ma quỷ thích trêu chọc của bố đã khiến bố và các bạn quyết định sẽ đem bà ra làm nhân vật chính cho trò đùa nhân dịp lễ Tình Yêu năm đó".
"Vào buổi sáng, bố và mấy người bạn đã lẻn đến nhà bà nội Walker với một lon sơn đỏ. Bà nội bị lãng tai, cho nên không nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài. Không bao lâu, bố và các bạn đã vẽ xong một hộp kẹo màu đỏ ngay trên bậc cửa. Những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng cũng dư sức đánh lừa được bà vì đã từ lâu bà không còn nhìn thấy rõ nữa".
"Sau khi vẽ xong, bố và cả đám bạn gõ thật mạnh vào cánh cửa nhà bà và ù chạy vào các bụi rậm để núp, chờ đợi những trận cười. Bà xuất hiện, mở cửa, và như đang thì thầm tự hỏi, ai có thể đến gõ cửa vào giờ sáng sớm như thế này. Cả bọn bố nín cười! Bất thình lình bà nhìn thấy một vật gì giống gói quà ngay dưới chân mình. Bà thốt lên: 'Ồ, tuyệt quá, thì ra là một món quà Valentine. Cứ ngỡ chẳng ai còn nhớ đến".
Nói rồi, bà cúi người xuống để nhặt lên cái gói quà tưởng tượng ấy. Cả đám trẻ và bố hồi hộp chờ đợi cái giây phút ấy thật lâu. Vậy mà không biết sao khi nhìn thấy bà mệt nhọc đứng dậy với nét buồn bã thất vọng trên gương mặt đã nhăn nheo, cả bọn đã chẳng thể cười được. Cái giây phút hồ hởi, tinh nghịch trước đó, vụt biến đi đâu mất".
"Bà vẫn gượng cười và lặng lẽ quay vào nhà.Vết sơn đỏ vô tình còn dính lại trên chiếc áo tạp dề màu trắng đã cũ kỷ của bà".
Bố tôi ngưng lại câu chuyện, và lần đầu tiên tôi thấy mắt của người như chợt ướt. Bố tôi thở dài và nói: "Năm đó, bà nội Walker đã qua đời. Và bố đã chẳng bao giờ có cơ hội để tặng cho bà một món quà Valentine thật sự cả". Nói xong, bố tôi quay người rời khỏi nhà xe, để mặc cho cả bọn con nít chúng tôi một khoảng không suy nghĩ.
Vào buổi chiều hôm đó, một hộp quà hình trái tim màu đỏ được cột bằng những sợi dây ruy băng, với hai cành hoa hồng trên nắp hộp được để trên thềm nhà bà cụ Hayes bởi sáu đứa chúng tôi. Chuông cửa nhà bà reo lên, chúng tôi núp phía sau những bụi cây phủ trắng bởi những trận tuyết sớm và chờ đợi... chờ đợi phản ứng của bà cụ Hayes khi nhận được gói quà, gói quà với những chiếc kẹo ngọt. Quà không biết bay !
NGUYỆT VIÊN (Theo Chicken Soup for The Soul)
Hãy ngẩng cao đầu
TTO - Khi còn là một đứa bé 15 tháng tuổi, tôi đoán chắc tôi cũng vô tư và hồn nhiên như trăm ngàn trẻ con khác trên thế gian này, cho đến một ngày tôi gặp phải cái tai nạn khủng khiếp ấy. Tôi vấp ngã! Một cú ngã đau và để lại thương tích cả đời.
Tôi trựơt chân và té úp mặt vào một con thỏ thủy tinh, những mảnh vỡ đã ghim sâu vào mắt khiến tôi không còn nhìn thấy. Để cứu vãn con mắt bị thương, các bác sĩ đã tìm cách chấp nối tròng mắt không còn nguyên vẹn, kết quả để lại một vết thẹo thật lớn giữa lòng mắt vốn trước kia xanh thẵm.
Trãi qua những cố gắng vô ích nhằm cứu lại con mắt tật nguyền, mẹ tôi nói, các bác sĩ cho biết, nếu tôi thay thế con mắt thật của mình bằng mắt giả, khả năng khuôn mặt có thể bị biến dạng cùng với thời gian. Vì thế tôi đã trưởng thành mang theo trên đường đời con mắt xấu xí, mù lòa, và mờ đục vì những vết thẹo. Rồi thì cũng chính con mắt định mệnh đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của tôi.
Mỗi bước chân đi đều kèm theo cái cúi đầu mặc cảm. Tôi không muốn mọi người nhìn thấy dung mạo xấu xí của mình. Nhiều lúc có những người vô ý nhận xét hoặc hỏi han một cách thiếu tế nhị về vết thương của tôi, tôi lại đau! Mỗi khi cùng bọn trẻ chơi đùa, tôi luôn luôn phải đóng vai qủy dữ. Tôi lớn lên mang theo bên mình ý nghĩ mọi người nhìn mình với ánh mắt ghê tởm, như thể là lỗi của tôi. Tôi luôn mặc cảm mình là người dị dạng.
Mẹ tôi hiểu được và ngay từ lúc tôi còn bé xíu, người vẫn thường ôm tôi trong cánh tay, vuốt ve mái tóc và nói, "Hãy ngẩng cao đầu con ạ và nhìn thẳng vào cuộc đời. Rồi mọi người sẽ nhìn thấy cái đẹp nơi tâm hồn con". Câu nói trở thành châm ngôn sống của tôi và tôi vịn vào nó để đi tới.
Tôi hiểu câu nói của mẹ tôi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Lúc còn bé, tôi nghĩ câu nói của người mang ý nghĩa: "Hãy cẩn thận kẻo lại vấp ngã, phải ngẩng đầu để ý những bước đi phía trước". Lớn lên, tôi nhận ra khi tôi không né tránh mọi người và gần gũi họ, họ sẽ yêu thích và không xa lánh tôi. "Hãy để mọi người khám phá khuôn mặt con, để họ nhận ra sự duyên dáng và nét đẹp phía sau con mắt bất hạnh ấy", thì ra ý của mẹ tôi là vậỵ
Vào trung học, tôi được bạn bè yêu mến. Tôi thành công trong cả lãnh vực học tập lẫn sinh hoạt cộng đồng. Tôi còn được bình chọn làm lớp trưởng. Tuy nhiên dường như trong sâu thẩm, nỗi ám ảnh mình xấu xí cứ lởn vởn. Tôi chẳng đòi hỏi gì, chỉ muốn mình được bình thường như mọi người. Nhiều lần không kềm được cảm xúc, tôi chạy về nhà, oà khóc với mẹ. Nâng cằm tôi và bằng ánh mắt thương yêu, người bảo: "Hãy can đảm lên con ạ, ngẩng cao đầu và đối diện với cuộc sống. Hãy tự tin để mọi người nhìn thấy nét đẹp không phải chỉ ở hình dáng bên ngoài".
Rồi tôi gặp anh ấy, người sau này trở thành chồng của tôi, chúng tôi đã nhìn vào mắt nhau và anh ấy nói: "Em rất đẹp, cả về dung mạo lẫn tâm hồn". Và tôi tin điều đó là thật. Tình yêu của mẹ tôi, của chồng tôi đã đem lại cho tôi sự tự tin và can đảm để bỏ lại sau mình nỗi mặc cảm đã từng theo tôi suốt cả khoảng đời khôn lớn. Tôi khắc phục được cảm giác tự ti và tin rằng cuộc đời vẫn đẹp, tôi vẫn may mắn và tôi biết san sẻ niềm hạnh phúc của mình với thế giới xung quanh.
"Hãy ngẩng cao đầu", câu nói giờ đây đã thành lẻ sống trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi vẫn thường khuyên bảo các con mình hãy mạnh dạn lên. Món quà qúy giá mẹ tôi để lại đã trở thành di sản được truyền nối cho những thế hệ kế tiếp.
NGUYỆT VIÊN (Theo Chicken Soup for The Soul)
Người thắng và kẻ thua
TTO - Người thắng luôn có cách giải quyết vấn đề, kẻ thua luôn gặp rắc rối khi giải quyết. Người thắng cuộc luôn có sẵn chương trình. Người bị thua luôn có sẵn lời bào chữa. Người thắng nói: "Để tôi thực hiện việc đó cho bạn", kẻ thua bảo: "Đó không phải là công việc của tôi". Người thắng nhìn thấy cách giải quyết cho mỗi trở ngại, kẻ thua nhìn thấy trở ngại trong mỗi lời giải.
Người thắng cuộc nói: "Có lẽ khó nhưng tôi có thể làm được", kẻ bị thua bảo: "Tôi làm được nhưng nó khó quá". Khi người thắng phạm sai lầm, anh ta nhận: "Tôi đã sai" còn khi kẻ thua phạm sai lầm, anh ta phân bua: "Đó không phải lỗi của tôi".
Người thắng thực hiện những lời cam kết, kẻ thua thực hiện những lời hứa hẹn. Người thắng có những ước mơ, kẻ thua có một âm mưu. Người thắng nói: "Tôi phải làm điều gì đó", kẻ thua nói: "Điều đó phải được làm".
Người thắng là một bộ phận của tập thể, kẻ thua nằm bên ngoài tập thể. Người thắng nhìn thấy lợi ích, kẻ thua nhìn thấy đau khổ. Người thắng nhìn thấy những khả năng, kẻ thua nhìn thấy trở ngại. Người thắng tin rằng tất cả mọi người sẽ chiến thắng, kẻ thua tin rằng họ chiến thắng những người thua cuộc.
Người thắng như là một máy điều nhiệt, kẻ thua như là cái nhiệt kế. Người thắng thích những điều mình nói, kẻ thua nói những điều họ thích. Người thắng sử dụng những lý lẽ cứng rắn bằng ngôn từ mềm mại. Kẻ thua sử dụng những lý lẽ mềm mại bằng ngôn từ cứng rắn.
Người thắng kiên định với những giá trị cao đẹp nhưng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, kẻ thua cứng rắn với những điều nhỏ nhặt nhưng bỏ qua những giá trị cao đẹp. Người thắng sống theo triết lý của sự cảm thông: "Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình", kẻ thua sống bằng lý lẽ: "Hãy làm điều đó trước khi nó làm cho mình".
DUY LINH (Theo Inspirational)
Tấm thiệp Lễ tình nhân
TT - Tỉnh giấc nửa đêm vì tiếng chuông điện thoại, tôi không khỏi khó chịu bởi sự quấy rầy của ai đó. Hóa ra người ấy là bố tôi, ông cụ sống tại trại dưỡng lão ở phía nam Georgia. Giọng ông nài nỉ khẩn trương: "Con phải giúp bố việc này, ngày mai xuống Miami... làm như thế... như thế...". Ông dặn đi dặn lại: "Việc gấp lắm, không được chậm trễ... nhớ câu cú thật tình tứ, nét chữ khỏe, thẳng và hơi tròn".
Sáng sớm, gọi điện đến công ty xin nghỉ rồi vội vã lái xe vượt hơn trăm dặm để thực thi cái việc mà bản thân tôi chỉ hiểu mù mờ. Nhưng tôi tin ở bố, mọi điều ông làm đều trong sáng và thiết thực.
Một tháng sau lên trại thăm bố, tôi mới được nghe kể tường tận câu chuyện...
Ở trại có cụ bà Maria nhiều năm không có người thân thích nào thăm viếng. Gần đây cụ lú lẫn và yếu lắm, ngày về nước Chúa đã kề... Chẳng biết ký ức thuở xưa nào trở lại trong trí óc khi tỉnh khi mê mà cụ hay lôi ra một tập ố vàng vừa thư vừa thiệp khoe khắp mọi người: "Của Paul gửi đấy, anh ấy tình cảm và chu đáo lắm...". Cụ lại hỏi ngày tháng rồi lẩm bẩm một mình: "Sắp đến lễ Valentine rồi sao chưa thấy gì nhỉ, thường thì mình vẫn nhận được thiệp trước lễ hai ba ngày...".
Sáng 14-2. Sau bữa điểm tâm, các cụ đông đủ tại phòng sinh hoạt. Một nhân viên bưu điện xuất hiện với bó hoa đỏ thắm: "Ai là cụ Maria? Xin nhận hoa và thiệp". Bà cụ hồ hởi hẳn lên, cố rướn người trên xe lăn ôm bó hoa vào lòng, rồi run run cầm tấm thiệp lật qua lật lại. Gắng chút hơi tàn cụ thều thào trong miệng: "Đúng dấu bưu cục Miami... Tôi đã bảo mà, anh Paul chẳng quên đâu...".
Cụ nhờ cô điều dưỡng đọc lớn nội dung cánh thiệp như thể muốn mọi người cùng chia sẻ: "Maria của anh! Nhân lễ Thánh Valentine, anh gửi tới em niềm yêu thương vô bờ. Trong lòng anh, em mãi mãi là người tình thủy chung, xinh đẹp...". Nhiều cụ ông cụ bà lau vội giọt nước mắt hiếm hoi...
Tối hôm ấy cụ Maria trút hơi thở cuối cùng. Những người kề cận lúc cụ lâm chung nói rằng cụ ra đi thanh thản, trên khuôn mặt nhăn nheo còn vương vất một nụ cười mãn nguyện... và vẫn ôm ghì bó hoa tươi. Người ta tìm thấy trong mớ giấy tờ của cụ mảnh báo cũ từ 50 năm trước, viết về một con tàu đánh cá mất tích ngoài khơi Florida giữa cơn dông bão. Trong số sáu người vĩnh viễn không trở về có một chàng trai tên Paul Fisher...
HOÀNG HIỆP (Theo Valentine)
Giọng nói
TTO - Khi tôi còn rất nhỏ, gia đình tôi có được chiếc điện thoại đầu tiên từ người hàng xóm của chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ ràng nó là một chiếc hộp màu đen, cũ kỹ nhưng vẫn còn bóng, được gắn lên tường. Ống nghe treo bên ngoài cái hộp. Tôi quá bé để với tới cái điện thoại, nhưng đã bao lần tôi như bị thôi miên khi nghe mẹ tôi dùng nó để nói chuyện.
Sau đó tôi khám phá ra một nhân vật rất thú vị - tên cô ấy là "Xin vui lòng cho biết". Không có gì mà cô ấy không biết. "Xin vui lòng cho biết" có thể cung cấp số điện thoại của mọi người và thời gian chính xác.
Và một lần nọ, khi mẹ tôi đi thăm người hàng xóm, tôi đã có một kỷ niệm không thể quên...
Trong lúc đang ở tầng hầm, tôi bất ngờ đánh mạnh chiếc búa gỗ vào ngón tay mình. Tôi đau điếng, nhưng không thể khóc bởi chẳng còn ai ở nhà để dỗ dành tôi cả. Ngậm ngón tay đau, tôi cứ đi vòng quanh trong nhà và rồi dừng lại ở chân cầu thang. "Điện thoại", tôi chợt nghĩ ra.
Tôi vội vàng chạy đến chiếc ghế để chân trong phòng khách và kéo nó lại chỗ cái điện thoại. Sau khi trèo lên chiếc ghế, tôi nhấc ống nghe lên và đặt nó vào tai. "Xin vui lòng cho biết", tôi nói vào chiếc ống nói vừa quá đầu mình.
Một hay hai tiếng lách cách và giọng nói nhỏ nhẹ, rõ ràng vang lên trong tai tôi "Quý khách cần biết gì ạ?".
"Em bị đau tay...", tôi than vãn vào chiếc điện thoại. Những giọt nước mắt sẵn sàng chảy ra bởi bây giờ tôi đã có một người biết mình bị đau tay.
"Không có mẹ em ở nhà sao?".
"Không có ai ngoài em cả", tôi bắt đầu khóc bù lu bù loa.
"Em có bị chảy máu không?".
"Không ạ, em đập cái búa gỗ vào ngón tay và nó bị đau".
"Em có thể mở tủ lạnh?". Cô ấy hỏi và tôi trả lời là có.
"Sau đó em lấy một miếng đá nhỏ và giữ nó với ngón tay đau của em", cô ấy tiếp tục nói.
Thời gian sau, tôi tiếp tục gọi "Xin vui lòng cho biết". Tôi đề nghị cô ấy giúp tôi học môn địa lý và cô ấy chỉ cho tôi biết Philadelphia ở đâu. Cô ấy bảo con sóc chuột mà tôi nhặt trước đó vài ngày ở công viên có thể ăn trái cây và quả hạch.
Một ngày kia, con chim hoàng yến Petey của tôi bị chết. Tôi gọi cho "Xin vui lòng cho biết" để kể cho cô ấy nghe câu chuỵên buồn ấy. Cô ấy nghe, rồi nói những điều mà những người lớn khác đã nói để xoa dịu một đứa trẻ.
Nhưng tôi không cảm thấy được an ủi. Tôi hỏi cô ấy "Tại sao con chim ấy hót quá hay và đem lại niềm vui cho mọi gia đình, mà giờ đây phải kết thúc chỉ còn là đống lông vũ nằm bẹp trong lồng?". Dường như cô ấy cảm thấy hết nỗi buồn của tôi, cô ấy trả lời một cách trầm giọng "Paul, em phải luôn nhớ rằng có những thế giới khác để ca hát". Tôi cảm thấy tốt hơn.
Lần nọ, tôi nói vào điện thoại "Xin vui lòng cho biết".
Một giọng nói quen thuộc "Quý khách cần biết gì ạ?".
"Làm sao chị có thể nói lần nào cũng như lần nào vậy?".
Năm tôi lên 9 tuổi, chúng tôi chuyển đến một làng quê ở Boston. Tôi nhớ người bạn của tôi rất nhiều. "Xin vui lòng cho biết" đã thuộc về chiếc hộp gỗ cũ kỹ ở ngôi nhà cũ, và tôi cũng chưa từng nghĩ đến một chiếc điện thoại mới, cao và sáng bóng sẽ có mặt trên bức tường nhà mình.
Khi tôi đến tuổi thiếu niên, tôi vẫn chưa quên những kỷ niệm về những cuộc nói chuyện thời thơ ấu đó. Những lúc bối rối hay nghi ngại, tôi muốn có được những cảm giác an tâm và nhẹ nhàng mà tôi đã từng có. Tôi thầm cảm ơn sự kiên nhẫn, hiểu biết và lòng tốt chia sẻ thời gian mà cô ấy đã dành cho một cậu bé như tôi.
Vài năm sau, trong một chuyến đi về miền Tây, máy bay của tôi hạ cánh xuống Seatle. Trong 30 phút nghỉ giữa chuyến, tôi dành 15 phút gọi điện thoại cho chị tôi đang sống gần đó. Sau đó, không suy nghĩ, tôi thử quay số gọi tổng đài thị trấn của tôi ngày trước và nói "Xin vui lòng cho biết".
Kỳ kạ thay, tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ, rõ ràng mà tôi đã quen thuộc "Quý khách cần biết gì ạ?". Tôi không đang bay, nhưng tôi nghe chính mình đang nói "Làm sao chị có thể nói lần nào cũng như lần nào vậy?".
Sau một hồi im lặng, một giọng nói dịu êm vang lên "Tôi từng giúp ngón tay của cậu được chữa lành". Tôi phá lên cười. "Thật sự là chị đấy ư! Tôi không biết chị có hiểu rằng chị có ý nghĩa như thế nào với tôi trong thời gian đó".
"Tôi biết. Và không biết cậu có hiểu rằng những cú điện thoại của cậu có ý nghĩa như thế nào với tôi lúc ấy. Tôi chưa từng có một đứa trẻ nào khác, và tôi đã chờ đợi những cú điện thoại của cậu".
Tôi kể cho cô ấy nghe tôi đã nghĩ về cô ấy thường xuyên như thế nào trong những năm qua và tôi hỏi có thể gọi lại cho cô ấy lần nữa khi tôi trở lại thăm chị tôi hay không.
"Vâng, cậu cứ gọi và hỏi cho gặp Sally".
3 tháng sau tôi mới quay lại Seatle. Một giọng nói khác trả lời "Quý khách cần biết gì ạ?". Tôi hỏi Sally.
"Cậu là một người bạn của cô ấy?", người trực tổng đài hỏi.
"Vâng, tôi là một người bạn đã quen cô ấy từ rất lâu". Tôi trả lời.
"Tôi rất buồn phải nói cho cậu biết điều này. Sally làm việc bán thời gian ở đây được mấy năm bởi vì cô ấy bị bệnh. Cách đây vài tuần, cô ấy đã qua đời".
Trước khi tôi cúp máy, cô ấy bỗng nói "Chờ một chút. Có phải cậu nói cậu tên là Paul?".
"Vâng"
"Sally có để lại cho cậu một mẩu giấy. Cô ấy đã viết nó trong trường hợp cậu gọi đến. Để tôi đọc nó cho cậu nghe. Sally đã viết: Hãy bảo cho cậu ấy rằng tôi vẫn luôn nói có những thế giới khác để ca hát. Cậu ấy sẽ hiểu."
Tôi cảm ơn cô ấy và cúp điện thoại. Tôi hiểu Sally muốn nói gì...
BÍCH DẬU (Theo Happyflying)
Chiếc đồng hồ của ông tôi
TTO - Trong phòng ăn của nhà ông tôi có một cái đồng hồ đứng thật to. Bữa ăn trong phòng ăn là lúc bốn thế hệ quây quần bên nhau. Cái bàn luôn luôn trải rộng đầy những thức ăn thật tuyệt vời với cách nấu ăn bao gồm tất cả tình yêu thương gia đình được "lồng vào" từng món ăn. Tiếng cười của mỗi người, những lời hỏi han nhau, những đứa trẻ hòa thuận là một phần cuộc sống gia đình. Và cái đồng hồ đứng luôn là người bạn thân thiết.
Khi là một đứa trẻ, cái đồng hồ cũ đã làm mê hoặc tôi. Tôi đã ngắm và lắng nghe chuông đồng hồ trong suốt bữa ăn. Điều kỳ diệu là cứ vào thời gian khác của một ngày, đồng hồ sẽ báo giờ bằng chuông ba lần, sáu lần hoặc nhiều hơn với tiếng vang tuyệt vời khắp nơi trong nhà. Tôi tìm thấy ở đồng hồ sự khuây khỏa. Một sự quen thuộc thường gặp. Năm này qua năm khác, đồng hồ cứ rung chuông, là một phần ký ức của tôi, một phần trong trái tim tôi.
Thậm chí kỳ diệu hơn khi tôi thấy cái đồng hồ là một phần thói quen hàng ngày của ông tôi. Ông kỹ càng lên dây chuông đồng hồ với một cái khóa đặc biệt mỗi ngày. Cái khóa ấy có ma thuật đối với tôi. Nó giữ tiếng chuông gây ấn tượng với tiếng kêu tích tắc và báo giờ bằng chuông, một phần của mỗi ngày nghỉ và như một tập tục quen thuộc hàng ngày.
Tôi nhớ đã nhìn ông tôi lấy cái khóa từ túi của ông và đã mở cửa phía sau của cái đồng hồ to lớn. Ông gài chìa khóa vào và lên dây chuông, lên không nhiều; không bao giờ ông lên dây đồng hồ quá chặt, ông nói với tôi phải làm cho đúng quy cách ấy và cũng không được hơn nữa. Ông không bao giờ để cho đồng hồ hết dây thiều và ngưng hẳn.
Khi những đứa trẻ chúng tôi lớn hơn một chút, ông chỉ cho chúng tôi cách mở cửa cái đồng hồ đứng và mỗi đứa chúng tôi tập lên dây thiều đồng hồ bằng cái khóa. Tôi nhớ lần đầu tiên làm, tôi run lắm, dù đã thấy ông làm trước đó.
Sau đó người ông yêu dấu của tôi qua đời, và từ trước đến sau đám tang cái đồng hồ đã im lặng!
"Mẹ ơi! Cái đồng hồ. Chúng ta lên dây thiều cho nó".
Nước mắt chực tuôn trào khi tôi vào phòng ăn. Cái đồng hồ bị bỏ rơi trong yên lặng. Yên lặng như đám tang vừa qua. Sự yên lặng khiến đồng hồ trông có vẻ không quan trọng. Không còn gây ấn tượng mạnh như lúc ông từng chạm tay vào. Tôi không thể chịu đựng được khi nhìn nó.
Trước kia và những năm sau này, bà tôi cho tôi cái đồng hồ và chìa khóa. Ngôi nhà cũ thật yên lặng. Không có tiếng lanh lảnh của quả lắc đồng hồ, không có tiếng cười trong bữa ăn tối, không tiếng tích tắc hoặc rung chuông của đồng hồ. Tất cả vẫn như những ngày buồn đã qua. Kim chỉ trên mặt đồng hồ đã đứng yên, một điều gợi nhớ thời gian trôi qua đã ngưng lại chính xác khi ông tôi đã kết thúc lên dây thiều cho nó.
Tôi lấy chìa khóa đang cầm trong tay và mở cửa đồng hồ. Bất thình lình, tôi như trở lại thời thơ ấu của mình, tôi nhìn thấy ông với mái tóc bạc trắng và đôi mắt xanh long lanh. Ông ở đây, cố ý không nhìn tôi, một cái gì đó huyền bí như ma thuật của đồng hồ, chiếc chìa khóa như có năng lượng đã làm đồng hồ "sống lại" trong thời gian đứng im vừa qua.
Tôi chậm chạp, kỹ càng như ông và đút vào chìa khóa rồi lên dây thiều đồng hồ. Cuộc sống và tiếng chuông rung đã mang lại hơi thở trong phòng ăn, trong ngôi nhà và trong trái tim tôi bởi tiếng tích tắc, tích tắc của đồng hồ. Kim đồng hồ chuyển động nghĩa là ông tôi đã sống một lần nữa...
QUỐC DŨNG (Theo Chicken Soup)
Hòa bình
TTO - Một vị vua ở vương quốc nọ đưa ra một giải thưởng lớn cho người họa sĩ nào có thể vẽ được bức tranh về sự hòa bình đẹp nhất. Rất nhiều họa sĩ đã dự thi. Nhà vua đã ngắm nhìn tất cả các bức tranh do những họa sĩ dự thi vẽ, nhưng chỉ có duy nhất hai bức tranh ngài thật sự thích, và nhà vua phải chọn một trong hai bức tranh đó để trao giải thưởng.
Bức tranh thứ nhất là cảnh hồ nước êm đềm. Mặt hồ phẳng lặng như gương với những ngọn núi cao chót vót bao xung quanh hồ nước, soi bóng xuống mặt hồ bình lặng. Phía trên là bầu trời xanh thẳm với những đám mấy trắng bồng bềnh.
Những người được ngắm bức tranh này đều cho rằng đó là bức tranh hòa bình hoàn hảo nhất. Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao chót vót, nhưng lại trơ trọi và lởm chởm. Phía trên là bầu trời xám xịt và mưa như trút nước. Bên sườn núi là thác nước chảy ào ạt, bọt tung trắng xóa. Bức tranh không có vẻ gì đang miêu tả sự thanh bình.
Nhưng khi nhà vua nhìn vào bức tranh, ngài thấy một bụi cây nhỏ đang lớn lên giữa khe đá phía sau thách nước. Trong bụi cây đó, con chim mẹ đang làm tổ. Và ở đó, giữa lúc dòng thác đổ ào ạt đầy giận dữ, con chim mẹ vẫn ngồi ấp trứng trong chiếc tổ của mình.
Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai là bức tranh đoạt giải thưởng và ngài đã giải thích cho mọi người hiểu rằng "hòa bình không có nghĩa là một cuộc sống không có sự ồn ào, sự lo lằng hay công việc nặng nhọc. Hòa bình nghĩa là dù sống giữa tất cả những điều đó nhưng ta vẫn giữa được một tâm hồn bình lặng cho chính mình." Đó mới là ý nghĩa thật sự của hòa bình.
TỪ NGỌC THẢO
Hoa hồng tặng mẹ
TTO - Một người đàn ông dừng lại trước cửa hàng bán hoa để đặt mua hoa và gởi điện hoa về cho mẹ, người đang sống cách anh 200 dặm. Khi bước ra khỏi ôtô, anh chú ý đến một bé gái đang ngồi khóc nức nở.
Anh đến để hỏi xem có điều gì không ổn và bé gái trả lời: "Con muốn mua tặng một bông hồng đỏ cho mẹ. Nhưng con chỉ có bảy mươi lăm xu, mà một bông hồng giá tới hai đô la lận"
Người đàn ông mỉm cười rồi nói: "Lại đây nào, chú sẽ mua cho con một bông hồng". Anh mua cho bé gái một bông hồng và đặt hoa gởi tặng mẹ anh. Khi họ chuẩn bị đi, anh đề nghị được đưa cô bé về nhà. Bé gái trả lời: "Vâng ạ. Chú có thể dẫn cháu đến gặp mẹ cháu". Cô bé chỉ đường cho anh tới một nghĩa trang rồi cô đặt bông hồng lên trên một phần mộ mới xây.
Người đàn ông quay lại tiệm hoa, hủy bỏ dịch vụ điện hoa, rồi cầm bó hoa và lái xe hơn 200 dặm để về nhà tặng mẹ anh.
DUY LINH (Theo Inspirational Stories
Hy vọng
TTO - Một buổi sáng khi tôi dùng buổi điểm tâm, tôi nghe lỏm được câu chuyện giữa giữa hai bác sĩ điều trị ung thư.
Một người than thở chua chát: "Bow, anh biết không tôi không hiểu nổi nữa. Chúng ta sử dụng cùng những loại thuốc, cùng liều lượng, cùng thời gian và cùng tiêu chuẩn. Vậy mà tôi chỉ có 22 phần trăm bệnh nhân có phản ứng tốt còn anh có tới 74 phần trăm. Điều chưa từng có trong việc điều trị bệnh ung thư di căn. Anh làm điều đó như thế nào?".
Bow, vị bác sĩ đồng nghiệp, giải thích: "Cả hai chúng ta đang sử dụng bốn loại thuốc Etoposide, Platinum, Oncovin và Hydroxyurea. Anh gọi nó là EPOH. Tôi bảo với những bệnh nhân tôi gởi cho họ HOPE, nghĩa là hy vọng".
DUY LINH (Theo Inspirational)
Lá thư không địa chỉ
TTO - Trong thời gian chiến tranh, căn cứ quân sự của tôi đóng quân được đặt trên một con tàu hải quân phục vụ cả hải quân và lục quân. Là một hải quân thâm niên hơn, hàng ngày theo thường lệ tôi dành mười hai đến mười sáu giờ để phân tích tình hình chiến sự. Và như tất cả những người sống xa nhà, chúng tôi trông chờ nhận thư từ của gia đình.
Kết quả của sự mong chờ được đền đáp khi những người lính chúng tôi đã nhận một số lượng thư từ khổng lồ. Đây là những lá thư gia đình gửi và cả những lá thư của những người dân viết thư động viên.
Tôi không bao giờ cầm bất kỳ lá thư nào ngoài những lá thư mà vợ và hai đứa con của tôi gửi. Tôi thỉnh thoảng viết một lá thư ngắn gửi đến lớp học của con gái tôi, và tôi không cảm thấy tôi có thời gian để viết cho một ai khác.
Sau năm hoặc sáu tháng chú ý những lá thư được sắp xếp gọn gàng không có người nhận, tôi quyết định cầm lấy một vài lá thư. Tôi lập kế hoạch rằng, trong thời gian cho phép, tôi viết một vài dòng để gửi lời cảm ơn cho sự hỗ trợ của những lá thư động viên ấy.
Tôi nhặt lên ba lá thư, và đặt chúng trong túi hàng hóa và tiếp tục làm việc. Vào khoảng tuần kế tiếp, tôi bắt đầu trả lời những lá thư. Khi đến thời gian trả lời lá thư thứ ba, tôi chú ý rằng nó không có địa chỉ trả lời, nhưng một dấu bưu điện Colorado làm tôi nghĩ về gia đình. Tôi đã bỏ lỡ ngày Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và Năm mới với gia đình tôi, và tôi cô đơn thật sự vào những ngày tháng đó.
Tôi mở tấm thiệp và bắt đầu đọc lá thư gửi kèm theo. Tôi nhìn lướt từ trên xuống và thấy khoảng ba đến bốn câu, rồi đọc: "Cha của tôi là một hải quân và ông đang ở tít xa tôi, nếu bạn đến được với cha tôi, hãy nói với cha tôi rằng: Cha ơi, con yêu và nhớ cha nhiều lắm". Những từ ngữ này thật sự chạm vào tôi và làm cho tôi nhớ gia đình hơn. Tôi nhìn xuống chữ ký - và sự yên lặng làm tôi ngồi choáng váng, đôi mắt tôi thấm đẫm nước.
Chris, đứa con gái yêu quý của tôi đã viết lá thư này. Thế sao nó không gửi người nhận là tôi. Có lẽ, nó muốn dành một sự bất ngờ nào đó...
Q. DŨNG (Theo Chicken Soup)
Mài "vũ khí"
TTO - Ngày xửa ngày xưa, có một tiều phu khỏe mạnh đến tìm gặp ông chủ xưởng gỗ để tìm việc làm và anh đã được nhận vào làm một công việc phù hợp với khả năng: đốn gỗ. Tiền lương được trả thật sự cao và điều kiện làm việc rất tốt. Chính vì lý do đó mà người tiều phu đã làm việc hết sức mình.
Ông chủ đưa cho ông một cái rìu và chỉ anh nơi để đốn gỗ. Ngày đầu tiên, người tiều phu mang về 18 cây.
"Thật tuyệt vời, hãy tiếp tục như thế", ông chủ khích lệ.
Nghe những lời khuyến khích của ông chủ, người tiều phu gắng sức làm việc trong ngày tiếp theo nhưng anh ta chỉ mang về có 15 cây. Ngày thứ ba anh cố gắng làm việc hơn nữa nhưng anh cũng chỉ mang về được 10 cây. Những ngày tiếp theo số cây anh mang về ngày càng ít hơn.
"Tôi đã đánh mất sức mạnh của mình", người tiều phu nghĩ thế. Anh tìm đến gặp ông chủ để nói lời xin lỗi và giải thích rằng anh không hiểu được tại sao lại như thế.
"Lần cuối cùng anh mài cái rìu của anh là vào khi nào", ông chủ hỏi.
"Mài rìu ư? Tôi không có thời gian để mài nó. Tôi đã rất bận trong việc gắng sức đốn những cái cây".
Cuộc sống của bạn cũng giống như người tiều phu kia, đôi lúc bạn rất bận rộn để hoàn tất công việc nhưng có vẻ như nó ngày càng tệ hơn. Hãy nghỉ ngơi và tìm cách mài lại "vũ khí" và bạn sẽ tìm thấy được sức mạnh của mình.
DUY LINH (Theo 7 Habits of Highly Effective People
Mãi yêu
TTO - Có lẽ bạn sẽ thấy trời quang mây tạnh và sự yên tĩnh trên thế giới này dù có khi bạn không hiểu. Có lẽ bạn biết đến nỗi đau và sự xung đột cho bạn kinh nghiệm sống và sức mạnh để đi hết cuộc đời, đối diện với từng hoàn cảnh mới bằng sự lạc quan và niềm phấn khích.
Luôn biết rằng có tình yêu và sự hiểu biết của ai đó đang chờ bạn dù bạn cảm thấy cô đơn nhất. Có lẽ bạn khám phá lòng tốt của ai đó, đủ để bạn tin trái đất này có sự thanh bình. Có lẽ một lời lẽ tử tế, sự khôi phục niềm tin, một nụ cười ấm áp sẽ là mỗi ngày của cuộc đời bạn - và bạn hãy đem đến mọi người những món quà này như bạn đã được nhận.
Hãy nhớ đến ánh mặt trời khi cơn bão vừa trôi qua. Hãy "dạy" người có lòng thù ghét biết cách yêu và để tình yêu ấy ôm ấp bạn khi bạn làm cuộc hành trình của đời người. Hãy nhớ, gặp gỡ mọi người là một phần của cuộc đời bạn, ngay cả khi sự chạm trán nhiều hơn điều bạn mong đợi.
Có lẽ bạn không thể trở thành trung tâm, nhưng hãy có lòng tốt mênh mông trong trái tim bạn. Nhận ra rằng mỗi người đều có những khả năng vô giới hạn, dù mỗi chúng ta có một cách sống khác nhau.
Những gì bạn cảm thấy mình không được hưởng, có lẽ sẽ được đền bù nhiều hơn cho người khác. Những gì bạn cảm thấy mình không có ở trong hiện tại, sẽ trở thành một phần sức mạnh của bạn trong tương lai.
Có lẽ bạn nhìn thấy tương lai của bạn bởi vì nó chứa đầy những hứa hẹn và khả năng, hãy học cách nhìn nhận mọi thứ xứng đáng với giá đã bỏ ra cho nó. Có lẽ bạn tìm thấy bạn có đủ nội lực để tự xác định giá trị của bạn, hãy đừng phụ thuộc vào sự phán xét của người khác với những điều bạn đạt được.
Với những điều này, bạn sẽ luôn cảm thấy mình được yêu...
BÍCH DẬU (Theo Sendafriend)
Những bông hoa trên chuyến xe buýt
TTO - Đó là mùa hè cách đây 33 năm. Chúng tôi đón xe buýt vào mỗi ngày. Suốt những buổi sáng sớm ngồi trên chuyến xe xuất phát từ vùng ngoại ô này, chúng tôi đều ngủ gà ngủ gật, cổ áo như sát tận đến mang tai. Một sự ủ rũ của nhóm người lầm lỳ, thuộc nhiều thành phần trong xã hội.
Có một người đàn ông nhỏ thó, da dẻ hơi xám xịt là hành khách của chuyến xe. Anh ta đón xe buýt mỗi sáng ở trung tâm dành cho những người thuộc tầng lớp trên. Với cái dáng hơi khom và nỗi buồn luôn phảng phất trên gương mặt, khi bước lên xe buýt, dáng vẻ anh ta có hơi bị khó khăn. Anh ta chọn một chỗ ngồi đằng sau người tài xế. Không ai quan tâm lắm đến anh ta.
Buổi sáng tháng 7 nọ, anh ấy nói chào buổi sáng với tài xế và mỉm nụ cười rạng rỡ với mọi người trên xe trước khi ngồi xuống. Người tài xế gật đầu có vẻ e dè. Sự nghỉ ngơi của chúng tôi tiếp tục rơi vào yên lặng.
Ngày kế tiếp, người đàn ông lớn tuổi ấy bước lên xe với dáng vẻ thật mạnh mẽ, mỉm cười và nói lớn: "Một buổi sáng rất tốt đẹp với tất cả các bạn!". Một số người trong chúng tôi nhìn lên, ngạc nhiên và xì xào trả lời "chào buổi sáng".
Những tuần kế tiếp, chúng tôi "cảnh giác" nhiều hơn. Người bạn của chúng tôi bây giờ đã diện một bộ quần áo tuy cũ nhưng còn đẹp và một cái cà-vạt lớn. Mái tóc mỏng được chải cẩn thận. Anh ta nói chào buổi sáng vào mỗi ngày với tất cả chúng tôi và chúng tôi đã dần dần gật đầu và nói chuyện với nhau.
Rồi một sáng kia, anh ta cầm một đóa hoa dại trên tay. Những bông hoa như muốn rũ ra trước sức nóng của chiếc xe buýt. Người tài xế quay lại và mỉm cười cười hỏi: "Anh có bạn gái rồi sao, Charlie?". Chúng tôi chưa từng biết tên anh ta là Charlies hay không, nhưng anh ta gật đầu một cách ngại ngùng và trả lời là có.
Những hành khách khác huýt sáo và vỗ tay hoan hô. Charlie cúi chào và giơ bó hoa lên phất với mọi người trước khi anh ta ngồi xuống.
Kể từ sau buổi sáng đó, Charlie luôn luôn mua hoa. Một số người khách quen thuộc bắt đầu đem những bó hoa đến cho anh ta, hích nhẹ Charlie và bảo "Đây!". Mọi người mỉm cười. Những người đàn ông bắt đầu đùa về chuyện này, nói chuyện với nhau và chia sẻ những tờ báo cho nhau.
Mùa hè trôi qua, mùa đông đang đến gần. Một sáng nọ, Charlie không đợi ở chỗ dừng thường xuyên của anh ấy. Khi anh ấy không ở đó ngày kế tiếp và ngày kế tiếp, chúng tôi bắt đầu tự hỏi anh ta có bị bệnh không hoặc hy vọng là anh ta đang đi nghỉ mát đâu đấy.
Mội lần, chúng tôi đến gần trung tâm dành cho những người thuộc tầng lớp trên, một hành khách yêu cầu tài xế chờ cho người nào đấy lên xe. Tất cả chúng tôi phải hít thật sâu để giữ bình tĩnh khi cô ấy bước lên xe.
Vâng, vị khách ấy nói, cô ấy biết chúng tôi đang nói chuỵên về ai. Một quý ông lớn tuổi tốt bụng, nhưng anh ta đã không đến trung tâm vào tuần đó. Người bạn rất thân của anh ta đã qua đời. Họ đã chờ anh ta quay lại vào thứ hai. Chúng tôi đã thật ngạc nhiên trong suốt đoạn đường đi làm.
Thứ hai kế tiếp, Charlie chờ ở chỗ dừng, dáng đi cúi xuống một chút, da dẻ xám một chút, và không thắt cà-vạt. Anh ta như một lần nữa thu người lại. Trong xe buýt, sự im lặng hiện lên như trong một nhà thờ.
Không ai nói chuỵên về điều đó, tất cả chúng tôi. Người đàn ông đã tạo một ấn tượng trong mùa hè ấy, giờ đây đang ngồi đấy, với những đôi mắt ngập tràn nước mắt của chúng tôi. Và một bó hoa dại trên tay chúng tôi.
BÍCH DẬU (Theo Inspirational)
Thưa bà, bà là người giàu có!
TTO - Chúng tụ tập bên trong cửa chống bão, đó là hai đứa trẻ mặc cái áo khoác quá lớn và mặc quần áo rách rưới. "Bà có thể cho chúng con xin bất kỳ tờ giấy cũ nào được không, thưa bà!".
Người phụ nữ đang rất bận rộn. Bà muốn nói không, cho đến khi bà nhìn xuống bàn chân của chúng, đôi dép mỏng, thấm cả mưa tuyết.
"Hai đứa vào nhà đi, cô sẽ làm một tách ca cao nóng các cháu dùng nhé!".
Không có cuộc trò chuyện nào, có lẽ chúng quá lạnh. Đôi dép sũng nước của chúng ướt đẫm đá nền của lò sưởi. Bà cho chúng ca cao nóng và bánh mì nướng để chúng ăn nóng, chóng lại cái lạnh lẽo bên ngoài. Rồi bà trở vào bếp và bắt đầu tính toán cho chi tiêu ngân sách của gia đình.
Gia đình bà đang cơn túng thiếu, gặp ngay mùa mưa tuyết nên không làm gì ra tiền. Vì vậy, tằn tiện từng đồng là bà có thể đỡ thêm từng ngày. Nhưng, nhìn bọn trẻ như thế bà không biết phải làm gì hơn.
Sự yên lặng trong phòng làm bà lo lắng. Bà nhìn vào nhà. Đứa bé gái đang giữ cái tách rỗng trong tay, nhìn vào đó thèm thuồng mong có thêm nữa. Đứa bé trai nói với bà một giọng dứt khoát:
"Thưa bà,... bà là người giàu có mà chúng cháu đã gặp".
"Cô mà giàu à? Không như thế đâu, cháu ạ!".
"Vâng, bà là người giàu. Vì bà cho chúng cháu ăn uống, cho chúng cháu sưởi ấm. Không có bà, chắc chúng cháu đang rét cóng ngoài trời".
Tôi nhìn vào khăn phủ bàn rách rưới của nhà mình. Giàu à!
Đứa bé gái cẩn thận đặt cái tách trong đĩa để chén như sợ làm rớt. Mưa cũng đã tạnh dần, hai đứa trẻ bó chặt những tờ giấy để chống lại cơn gió và tạm biệt người phụ nữ ra đi.
Bà đẩy hai cái ghế ở gần lò sưởi về phòng. Những vết lấm bùn đất của đôi dép hai đứa bé vẫn còn ẩm ướt trên nền lò sưởi. Bỗng nhiên bà tự hỏi: "Tại sao mình không kêu chúng ở lại ít lâu? Trời lạnh thế này biết chúng có về nhà được không? Chuyện dễ dàng thế mà mình không nghĩ ra".
Bà giàu, hiển nhiên là vậy. Bà không giàu vật chất nhưng tấm lòng bà luôn mở rộng, bao dung. Cuộc đời này đâu chỉ giàu vật chất mới gọi là giàu!
Q. DŨNG (Theo Chicken Soup)
Thư của mẹ gửi con trai bắt đầu vào nhà trẻ
TTO - George thương yêu của mẹ. Khi anh trai của con, con chó nhỏ và mẹ đi đến trường hôm nay, con không biết cảm giác mẹ như thế nào đâu. Riêng con, con đã rất hứng khởi, con xếp đồ rồi lại bỏ ra ngoài balô đến những mười hai lần.
Mẹ hoàn toàn không muốn làm việc những buổi sáng khi thấy anh và chị con đi đến trường, vì ngôi nhà trống trải lạ, mẹ buồn lắm. Mẹ ở lại với tách cà phê và tờ báo cùng với con. Con thì háo hức khi nhìn thấy những vạch kẻ trắng trên đường Sesame mỗi khi từ sườn đồi bước ra thị trấn.
Vì con là đứa con nhỏ nhất của mẹ, mẹ đã nhận ra một vài điều trong thời gian các con ra đời. Mẹ tìm thấy những ngày đã qua của thuở còn nhỏ bé các con thích tia chớp, thích mưa rơi... Thế mà trong nháy mắt, anh chị của con đã bắt đầu đến trường giống như sự háo hức của con sáng nay.
Mẹ thật hạnh phúc, mẹ có thể làm hoặc không làm việc. Thời gian vừa qua, con là sự nghiệp, là phần thưởng và là nguồn thu nhập gấp hai lần của mẹ. Con chưa đến tuổi đi học. Mẹ hy vọng con không gặp khó khăn sau này. Con học số đếm để giúp mẹ tính toán những thùng sô-đa dư rồi chúng ta trả lại cửa hàng bách hóa.
Mẹ không biết phương pháp Palmer đào tạo nhân tài, nhưng mẹ mong con có một nghề tốt làm ở thủ đô, có thể viết tên của con dưới một chức danh quan trọng. Và bằng cách học hỏi nhiều, con tìm thấy những nét khác nhau của ngôn ngữ, học được nhiều thứ tiếng.
Vừa mới ngày hôm qua thôi, con hỏi mẹ tại sao mẹ luôn gọi con là "con yêu" khi mẹ con ta đang đọc những câu chuyện và "chồi non" khi con giúp mẹ làm những việc lặt vặt hàng ngày. Mẹ giải thích sự khác nhau giữa một tâm trạng muốn được nâng niu và một cái gì đó thân thiết để con được vui lòng.
Mẹ công nhận rằng trong tâm trí của mẹ, chính mẹ tưởng tượng trong khi con đến trường sẽ bộc lộ khả năng đặc biệt của con. Mẹ luôn lưu vào tập ảnh những tấm hình của con và bắt đầu muốn viết những điều mới lạ, sự trưởng thành của con và cả những điều chưa tốt. Như kỷ nghỉ hè vừa qua, nhiều cuộc cãi vã nổ ra giữa con và anh chị của con, mẹ nhìn đến tương lai muốn các con tiến lên tốt hơn ngay hôm nay.
Và sau buổi sáng này, mẹ dẫn con băng qua sườn đồi để đến lớp học của con. Con biết tìm cái móc áo khoác với tên của con ở trong tủ và con tặng mẹ cái hôn thật lâu, siết thật chặt như chưa từng hôn.
Có lẽ một ngày nào đó khi con lớn hơn một chút, nhớ lại thời thơ ấu của mình, con sẽ cười toe toét với những ngày đầu đến trường. Khi con ra cửa vẫy tay tạm biệt, cha hoặc mẹ sẽ luôn là những cuộc nói chuyện giữa con với một người bạn mới. Khi con cười, con sẽ cảm thấy ấm áp trên gò má của con...
Và sau đó, con sẽ hiểu vì sao.
Mẹ của con.
Q. DŨNG (Theo Chicken Soup)
Thỏ Phục sinh
TTO - Khi tôi còn nhỏ, mỗi chủ nhật, sáu người trong gia đình tôi sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi đến trường dạy giáo lý ngày chủ nhật và sau đó đến nhà thờ. Những đứa trẻ trong lớp sơ cấp sẽ hát những bài hát khi gặp nhau, và sau đó chia ra từng nhóm.
Vào ngày Chủ nhật Phục sinh, tất cả những đứa trẻ chúng tôi được nghe kể về Thỏ Phục sinh với đôi mắt to và những câu chuyện dài về nó. Trong khi tất cả những đứa trẻ chăm chú lắng nghe câu chuyện với sự thích thú, thì một cậu bé, người mà tôi sẽ gọi là Bobby, ngồi buồn rầu. Một trong những mục sư chú ý điều này và nói với Bobby, "Thỏ Phục sinh mang đến cho con điều gì?". Bobby đáp, "Mẹ của con không có tiền, vì vậy Thỏ Phục sinh không thể mang đến điều gì được".
Những lời của Bobby được chúng tôi giữ làm những câu chuyện. Tuy nhiên, mẹ của tôi biết câu chuyện thật. Mẹ của Bobby là một người vợ góa, và bà biết rằng gia đình bà không thể có được Thỏ Phục sinh.
Sau khi rời trường giáo lý, mọi người đi tới nhà thờ. Khi cha tôi gặp mẹ con tôi cho biết rằng chúng tôi đi đến nhà của Bobby. Tại nhà, mẹ tôi giải thích để cho Bobby cảm thấy tốt hơn rằng chúng tôi cũng không đòi hỏi Thỏ Phục sinh. Sau đó chúng tôi làm một cải giỏ đựng thức ăn cho Bobby và để lại nhà thờ. Chúng tôi tặng một ít kẹo để vào giỏ, và mẹ treo giỏ vào móc rồi gắn vào đó một bức thư ngắn.
Bobby thân mến,
Ta xin lỗi con, ta tiếc là đã không đến nhà con vào tối hôm qua. Chúc lễ Phục sinh hạnh phúc.
Thân thương,
Thỏ Phục sinh.
QUỐC DŨNG (Theo Chicken Soup)
Tức cảnh
Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên
Dạ thâm bất cảm tràng thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên.
Dịch thơ:
Màn có trời cao, chiếu đất liền
Cùng trăng thanh thả giấc thần tiên
Suốt đêm nào dám vung chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng
(Bản dịch của Lê Văn Uông)
Bản dịch khác khuyết danh:
Trời làm màn gối, đất làm chiên
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
________________________________________
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top