trộm - jaykehoon
Bối cảnh làng quê Bắc bộ những năm 2000.
Có chửi bậy.
Sản phẩm của trí tưởng tượng.
-
Thằng Luân vừa được mẹ tắm xong, chạy tồng ngồng ra giữa sân hét ầm lên:
"Thằng kia, ai cho mày hái trộm xoài nhà tao! Tao thả chó cắn chết cha mày giờ"
Nó thấy hai đứa nào lạ hoắc ngồi vắt vẻo trên cây, mồm nhai tem tẻm mấy quả xoài cát chưa kịp chín. Chúng vặt trụi một bên cành, cái hướng ăn rủ về bên kia vườn mà thằng Luân ngày ngày ra ngó xem còn quả không.
Nghe thấy tiếng lanh lảnh vang lên, hai thằng trộm thản nhiên gặm nốt hột xoài, vứt vào chân Luân trêu ngươi.
Luân tức tối ngoạc mồm ra khóc, cả thân nó hồng rực cả lên. Mẹ nó thấy thế liền đi ra lôi vào nhà để mặc quần áo cho. Bé tí ranh con nhưng giữ của không ai bằng.
"Gớm có mấy quả xoài mà ngày nào cũng um tỏi lên. Kệ cho chúng nó ăn, vặt xuống mày cũng có ăn đâu"
"Xoài đấy để dành biếu thầy Xuân"
"Thôi vào trông em đi để tao đi nấu cơm, tắm cho hai anh em nhà mày hết cả buổi chiều"
Nhà Luân ở cuối xóm, có cái thửa vườn ai nhìn vào cũng thèm nhỏ rãi. Đã thế ông nó chết còn để lại cho mấy sào ruộng trên đống cạn, thóc ăn không hết đem bán thì ối tiền. Mấy bà trong ngõ cứ thì thào cả đêm lẫn ngày như thế, nhưng với một đứa trẻ tám tuổi như Luân thì đã biết đất cát, của cải là gì. Thứ nó quan tâm là đống xoài sai trĩu quả kia cơ.
Cơm nước xong xuôi, nó bế thằng Trinh em nó ra gốc xoài ngồi hóng mát. Thằng Trinh mới tám tháng mà béo trục béo tròn, bế sái cả tay.
"Ê nhìn kìa, quả xoài kia còn to hơn cả đầu mày luôn ấy Trinh"
Thằng nhỏ cười tít mắt, phun nước bọt tứ tung, nó quơ quơ cái tay rồi ú ớ chuyện như thật.
Luân nhìn ngược nhìn xuôi, đếm đi đếm lại trên cành chếch bốn mươi hai độ phảy rưỡi về hướng đông bắc gần nhà ông Báng, hiện có hai mươi hai quả xoài. Nó quay vào nhà, đi hai bước lại ngoái đầu canh chừng.
-
Sáng Chủ Nhật, gà gáy ba hồi thì bố mẹ nó lóc cóc dậy ra đồng đi cấy. Tiếng cuốc xẻng lịch kịch khắp xóm, họ tranh thủ trước khi mặt trời lên để đỡ vất vả.
Trước khi đi, mẹ thằng Luân vỗ vào đít nó, cái đứa đang ngủ say tít lự, dặn dò:
"Tí dậy nhớ cho em ăn bột, ăn xong gửi em sang nhà bà ngoại rồi vào nhà thầy Xuân học nghe chưa"
Nó mắt nhắm mắt mở dạ vâng vài câu rồi ngủ tiếp, thằng Trinh cũng nằm dãi thẻ ra chả biết trời đất trăng sao.
Nắng rọi qua khung cửa, chói mắt quá nên Luân tự tỉnh. Nó quay qua em mình, hôn hít mấy cái rồi leo xuống phản tìm cái ăn.
Tám rưỡi sáng, thằng Luân cầm quyển vở với cái bút đứng lấp ló trước cổng nhà thầy Xuân. Nhà thầy nuôi con chó béc-giê to tổ bố, nhỡ mà bị đợp cho phát thì toi đời.
Đứng một lúc thì có hai thằng cũng trạc tuổi nó đi đến, ôm vai bá cổ xem chừng là anh em chí cốt. Thằng cao hơn hất cằm hỏi Luân:
"Mày đến đây làm gì?"
"Học chứ làm gì nữa? Mắt để dưới đít à mà không thấy sách vở trên tay đây" - Thằng Luân ra cái vẻ ghê gớm để khỏi bị bắt nạt
"Lão Xuân không nhận mấy đứa học dốt đâu"
Thằng Huấn thấy thằng Trọng trọc bạn mình gọi thầy bằng lão liền huých vào tay nó mấy cái như bảo im mồm đi, nhưng bản tính ngông cuồng của Trọng bảo không.
Bóng người thầy trẻ thấp thoáng trong gian nhà cấp bốn, làm gì mà cứ để trò đợi mãi ở cổng thế. Bọn trẻ sốt ruột gọi ầm lên, lúc này thầy mới chợt nhận ra sáng nay có lớp, bèn thay vội cái áo bẩn do vừa phải quấy cám lợn.
"Xin lỗi mấy đứa, thầy ở trong bếp nên không để ý. Vào nhà đi"
Trọng nghe mẹ nó bảo thầy Xuân mới tốt nghiệp bằng xuất sắc trường sư phạm, không xin được công chức trên thành phố nên về quê trồng rau nuôi lợn.
Thầy Xuân phát cho mỗi đứa một cuốn sách giáo khoa Tiếng việt lớp 3, bọn chúng vui lắm, hí hửng lật ra xem.
Sách mới thơm mùi giấy, khiến đám trẻ tự dưng yêu thích con chữ và ham học. Thằng Huấn giở trúng đoạn trích "Xoài cát", mắt nó sáng như lên, vỗ vỗ vai thằng Trọng:
"Xoài này y hệt như hôm qua bọn mình trộm"
Thằng Luân im im nãy giờ, nó chỉ dỏng tai lên xem hai đứa kia định bày mưu tính kế gì. Nghe thấy xoài, nó quay phắt xuống tiếp chuyện:
"Tụi mày cũng đi trộm xoài à, ở đâu đấy cho tao đi với"
"Gì? Mày cũng quân trộm cắp à? Trông bé mà bướng phết nhỉ?"
Thực chất, thằng Luân chỉ muốn dụ cáo ra khỏi hang. Bọn này được cái to xác nhưng ngố tàu, hỏi vài câu chắc khai ra hết. Tuy thế, Luân không biết rằng Huấn là một thằng tỉnh cực kì, dù thằng Trọng ngu thật.
"Ui dào, mày biết cái nhà ông Sím cuối ngõ không? Nhà đấy trồng cây xoài to oạch mà chả ai buồn ăn, cuối tuần nào bọn tao chả leo lên ăn hộ"
Từ lúc gặp thằng Luân, Huấn có linh cảm chẳng lành, mà khổ nỗi không sợ kẻ địch mạnh chỉ sợ đồng đội ngu.
Luân ngộ ra và nó thản nhiên lạ thường. Sắp có trò hay để xem.
Thầy Xuân rèn chúng nó viết chính tả, đứa nào đứa nấy cũng sai, tay thì dính tèm nhem mực, dây cả ra quần áo.
Tan học, Huấn dắt Trọng về, vừa đi vừa chửi:
"Thằng ngu này nữa, chưa gì đã đi bô bô cái mồm ra rồi. Ngộ nhỡ nó đi mách lẻo thì sao?"
"Thì thôi, xã này thiếu gì chỗ có xoài. Chẳng qua xoài đấy ngon hơn"
Hai thằng cứ vừa đi vừa vùng vằng, đến đoạn rẽ thì mỗi đứa một ngả.
-
Mấy hôm nay thằng Trinh dở cơn sốt, nó khóc rạc cả người. Luân đút được ít sữa thì thằng nhóc chớ hết, đã thế còn sặc xây xẩm mặt mày.
Nó đi lấy ít vải xô nhúng nước ấm đắp cho em, một lúc sau thì đỡ.
Đến tối bố mẹ về thì sai Luân qua nhà ông Lực mua ít thuốc cho thằng bé con kẻo đêm lại trở cơn. Trời nhá nhem, đường vắng tanh lại còn nhiều chó dữ. Thằng Luân sợ đái ra quần nhưng vẫn phải đi.
Nó men theo con ngõ chỉ đủ một chiếc xe đạp đi qua, hai bên vệ đường cỏ dại mọc um tùm, ếch nhái, dế đồng kêu oàng oạc. Luân cầm đèn pin chạy một mạch, thế nào lại va vào thằng Trọng.
"Ma đuổi à mà chạy gớm thế?"
"Ôi bạn thân, đưa tao đến nhà ông Lực với, tao không biết nhà"
Thằng Trọng gãi gãi cái đầu trọc hếu của nó, không do dự gì mà dắt Luân đi. Kể ra, thằng này nhìn cục súc nhưng dễ gần hơn thằng Huấn.
"Ngày không đi, tối mờ mắt chó lại đòi đi. Bố dở"
"Này, đồng ý dẫn đi rồi thì ăn nói cho hẳn noi. Cái ngữ mày sớm muộn cũng bị ăn vả do ăn nói hàm hồ"
"Ờ. Toàn mẹ tao vả thôi còn người khác thì chưa. Hỗn có kỷ luật"
"Sao lâu thế? Đúng đường không đấy?"
"Đến rồi. Nhà ông ý cổng màu xanh, đi vào thì gọi to lên"
"Có chó. Hay mày đưa tao vào đi, tao sợ"
"Gớm chết. Thế mà đòi đi trộm xoài"
Xong xuôi, Luân cầm gói thuốc về vẫn thấy Trọng đợi mình. Nó đứng huýt sáo vẩn vơ, chân đá quăng mấy viên sỏi. Thế rồi hai thằng lại dắt nhau về.
"Sao mày với thằng Huấn quen nhau?"
"Hàng xóm. Nhà tao mới chuyển về đây, thuê trọ nhà nó"
"Ô thế mày người ở đâu?"
"Chả biết. Mẹ tao đi đâu thì tao đi đấy. Nhưng yên tâm bố tao giàu lắm, ông ý hứa bao giờ tao lấy vợ cho mảnh đất. Mà chắc còn khướt, lão ý giờ mất tăm mất tích rồi"
"Mày có buồn không?"
"Không. Tao chỉ cần lão gửi tiền về cho mẹ con tao thôi"
Thằng Trọng đáng thương hơn nó tưởng. Những đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương thường có vẻ ngoài gai góc, cách nói chuyện xù lông và một tâm hồn đầy vết rách.
Bỗng dưng Luân chẳng còn tiếc mấy quả xoài trên cây nữa. Nó đã chuẩn bị sẵn cái súng cao su, rình lúc hai thằng kia tới trộm thì sẽ bắn thủng đít quần chúng nó.
Kế hoạch thất bại đầy nhân văn.
-
Lớp của thầy Xuân vẫn diễn ra đều đặn ba buổi một tuần, nhưng nửa tháng nay chỉ thấy mỗi thằng Huấn đi học. Vì không có bạn, hai đứa nó đành mở mồm ra nói chuyện với nhau.
"Mày biết thằng Trọng đi đâu không?"
"Chịu. Mấy hôm trước bảo đi học nó kêu đau bụng, hết đau bụng lại đau chân. Mẹ nó thì đi chợ biền biệt ý, tao xuống gọi nó lên nhà ăn cơm cùng nó cũng không thèm lên"
"Hay học xong tao với mày vào nhà nó đi"
"Nhất trí!"
Xóm trọ ồn ào, đông đúc bởi họ phải dùng chung cái sân giếng để sinh hoạt. Huấn thản nhiên đi vào giữa sân, Luân lẽo đẽo theo sau.
Chậu quần áo nhà thằng Trọng nằm im lìm bên góc cửa, có vẻ như chúng đã khô trước khi kịp phơi. Huấn đập cửa gọi Trọng mấy câu, nó giả vờ điếc đuổi bạn về.
Cánh cửa gỗ ván bạc phếch, hai cái ốc trụ nhờn rít kêu ken két, đầu thằng Trọng dần ló ra. Mặt mày nó sưng hút, từ góc mắt bên trái tới thái dương tím bầm một mảng, khoé môi nó vẫn còn rướm máu.
"Thôi chết, mày làm sao thế này hả Trọng?" - Ánh mắt Luân trở nên xót xa khi thấy bạn mình thương tật.
"Chả chết được. Chúng mày kéo bày kéo lũ đến đây làm gì, đang ngủ"
Thằng Huấn cau mày, nó nắm lấy cằm người bạn chí cốt lật qua lật lại xem đau đớn thế nào.
"Ai đánh mày? Nói"
"Nói thì giải quyết được chắc. Mày đánh đấm thua tao đấy Huấn"
"Ngu lắm con ạ. Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại đánh chết mẹ tụi nó luôn"
Từng tia máu vằn lên trong con mắt một mí của Huấn như thể có ai đó đã động vào cái máu chó điên ẩn náu sau vẻ ngoài lãng tử của nó. Luân nghe đánh nhau liền hoa mắt chóng mặt, định can ngăn nhưng quay ra thấy chân tay thằng Trọng xước xát hết cả, tay nó tự động thu thành hình nắm đấm.
Sự vụ bắt nguồn từ lúc thằng Trọng đi tưới rau hộ mẹ nó, chẳng may đụng mặt hội thằng Vũ con ông Lực bán thuốc. Hai đứa này nổi tiếng chẳng ưa gì nhau, như kiểu bang chủ hai giáo phái đối lập trong phim kiếm hiệp.
Chiều nọ, Trọng đang chổng mông lấy nước dưới máng thì hội thằng Vũ đi qua đạp nó ngã chổng vó lên trời. Tức mình, Trọng đáp cả cái ô doa vào đầu thằng Vũ khiến nó u một cục. Xui xẻo rằng hội nó đông hơn, hai thằng đàn em xông vào dìm Trọng xuống máng, còn thằng Vũ thụi liên tiếp vào lưng vào mặt đối phương.
Thằng Huấn nghe xong thì máu dồn lên não, nó xăm xăm định lấy cái xẻng ra chiến luôn. Lý trí cuối cùng, Luân, ra sức ngăn cản bởi đổ máu là to chuyện.
"Hay chỉ ra nói chuyện nhẹ nhàng với chúng nó thôi, đánh nhau tao sợ thua" - Luân dè dặt nói.
"Như thế khác gì quỳ xuống xin lỗi chúng nó. Để chúng nó đánh một lần, chắc chắn có lần sau"
Nói rồi Huấn hùng hục lôi hai đứa kia đi đến con mương dài bất tận. Trưa trầy trưa trật, nắng lên tận đỉnh đầu khiến con mắt chúng không hé nổi.
Tụi ôn con đang chơi bắn bi dưới gốc đề, ngửa mặt lên thì thấy mấy đứa kia sáp đến. Thằng Vú đứng phắt dậy, vênh mặt lên hăm doạ:
"Bị tẩn cho chưa chừa à mà còn vác xác đến đây?"
"Sao mày đánh bạn tao" - Huấn dõng dạc lên tiếng
"Ngứa mắt"
"Bố mày làm thầy thuốc mà đéo chữa được tật cho mày à?"
"..."
Thằng Vũ bị chặn họng ngay lập tức, nó bắt đầu cáu kỉnh bước vài bước tới trước mặt Huấn, nhìn chằm chằm suy xét.
"Nói thì hay như đài nhưng đánh đấm thì thua bét. Giỏi thì hôm nay tỉ thí vài trận, biết mặt nhau ngay"
Một trận đo ván nảy nửa đã xảy ra và bất phân thắng bại.
Chúng nó đánh nhau hăng tới nỗi đám cỏ bị giẫm nát hết cả. Thằng Luân kinh hãi bỏ chạy trước, nhưng nó chạy về mách thầy Xuân. Ở quê, người có học là người có tiếng nói.
Lát sau, thầy Xuân ra can thì mặt đám trẻ đã biến dạng.
"Các trò làm xấu mặt ông bà bố mẹ! Các trò được nuôi cho khôn lớn, được cắp sách tới trường nhưng đạo đức lại bỏ quên ở xó xỉnh nào. Người có ăn có học không ai giải quyết vấn đề bằng nắm đấm"
"Ai là người đầu têu?"
Vẫn là im lặng, không đứa nào chịu ngẩng đầu lên đối chất với thầy.
"Được, nếu các trò không khai ra thì tôi sẽ báo lên hiệu trưởng, hạ hạnh kiểm từng đứa một rồi cho đúp hết một lượt"
Một thằng đàn em của Vũ sợ tái mét mặt, nó run run chỉ tay về phía hội thằng Huấn.
"Thưa thầy, là bọn nó gây hấn truớc ạ!"
"Đừng có mà mồm điêu. Chính chúng mày đánh thằng Trọng trước"
"Thằng không cha đánh là phải rồi!"
Người ta thường bảo thà để bị đâm vào tay mình một nhát rồi thôi, hơn là có cái gai nằm trong đó.
Thằng Vũ chọc đúng vào vết nhức mà ai ai cũng tránh.
Suốt lúc đi về, thằng Trọng không nói không rằng. Hai đứa kia tưởng nó buồn vì thầy Xuân trách phạt, nhưng ai biết được nó đã ghim hận trong lòng.
"Về nhà tao chơi đi" - Luân rủ
Ba đứa dù chẳng ai còn hứng, chúng nó vẫn lững thững theo sau Luân đi về hướng cuối làng, nơi bóng chiều dần buông.
Luân dẫn bạn mình ra gốc xoài, hai thằng kia tự dưng chột dạ, nửa mừng nửa lo.
Thằng Huấn quay ra hỏi:
"Mày biết bọn tao là trộm đúng không?"
"Ừ, mà chả sao. Mình tao ăn cũng chẳng hết. Tao ghét chúng mày lắm, nhưng tao không có bạn"
"Thực ra bọn tao biết nhà mày chả ai ăn nên mới tới ăn hộ. Với cả, vặt mấy quả xoài chả chết ai, không trộm xe, cắp tiền là được. Ở cái làng này trẻ con được nuôi lớn bằng hoa quả nhà hàng xóm"
"Thôi. Vào nhà cho mát. Từ giờ tao nhập hội với chúng mày rồi, đi đâu nhớ gọi tao theo với, đừng đánh đấm gì là được"
Chúng nó chơi với thằng Trinh cả chiều, mãi tới tối mịt mới về.
-
Thằng Trọng bị mẹ tẩn thêm trận nữa khi nghe ông Lực nói bóng nói gió ngoài đầu ngõ.
Mẹ nó đi chợ từ sáng sớm, vừa về thì hay tin con mình đánh con nhà người ta sứt đầu mẻ trán.
"Mày là thằng trời đánh, học thì không học chỉ suốt ngày đầu têu dở thói côn đồ. Để bao giờ tao gọi cho bố mày mang mày lên đấy mà ở, tao không nuôi được cái ngữ như mày. Mày đánh nó, nhớ nó chết ra đấy thì bán nhà đi cũng đéo có tiền mà đền"
Bình thường, Trọng ít khi tự ái nhưng cứ mỗi lần mẹ nó doạ rằng sẽ để bố mang nó đi, nước mắt nó cứ lăn dài trên gò má hõm rộc.
"Mẹ để con đi cũng được, chúng nó bảo con không cha bị đánh là đáng"
Hè cứ dần trôi, Luân, Huấn & Trọng rong ruổi khắp các cánh đồng, làng trên xóm dưới. Hôm chúng nó hẹn nhau đi thả diều trên con đê nhỏ, hôm chúng nó trốn ngủ trưa đi quay châu chấu ngoài ruộng.
Những con đường đất lấm lem in từng dấu chân bọn trẻ, hằn vào tâm trí chúng về một tuổi thơ tuyệt vời. Chúng nó chia nhau từng quả xoài, múi cam ngọt lành; xoa dịu những vết cháy nắng, bỏng da. Với chúng, chẳng gì hơn khi được tự do bay nhảy khắp chốn.
Miền Bắc không có mùa mưa nhưng cơn giông thì nhiều vô số kể, đám trẻ tắm mình dưới cơn thác đổ, đắm hồn trong giọt ngọc trời ban.
Hè năm ấy, ba đứa cùng khóc cùng cười. Dù có bị đánh, bị chửi nhưng vẫn vui thế, rằng chẳng gì quật ngã được chúng nữa rồi.
Năm học mới đang đến gần cũng là lúc thằng Trọng nói lời chia tay với Huấn và Luân. Bố mẹ nó về ở với nhau, nó theo gia đình chuyển đi nơi khác.
"Thằng chó, sao mày kêu ở đây đến khi tao lấy vợ"
Luân thút thít từ lúc mới ra bến tàu, tay nó vẫn cầm túi xoài cát nặng trĩu làm quà chia tay.
"Ôi trời, mày lấy được vợ đi rồi tính. Nhớ mời tao đấy chó con"
Mắt Trọng ngân ngấn một tầng nước, nhưng nó cố kiềm lại để không ai phải buồn khi nó đi. Chỉ có thằng Huấn cứ đứng đực ra, tay giấu đằng sau. Rồi nó dúi vào tay Trọng mấy đồng tiền xu mà trước đây nó quý như vàng.
"Cầm lấy. Mày mà làm mất thì liệu hồn tao"
"Thật à Huấn? Thôi mày giữ lại đi, mấy cái này mày bảo bác mày đem từ nước ngoài về mà"
"Cho thì lấy đi còn sĩ nữa"
Hai thằng nó như chó với mèo, chí choé đến tận cùng nhưng chắc cả đời này Trọng chẳng tìm được ai thương và bảo vệ nó như thằng Huấn.
"Hè năm sau tao lại về chơi với chúng mày, không được quên tao đâu đấy"
Tiếng còi tàu từ xa vọng lại, cột khói giương cao trước gió, chở theo giấc mơ của bao người.
Trọng ngoái đầu nhìn bóng hai thằng bạn chí cốt khuất dần, nó mỉm cười ôm chặt túi xoài và mấy đồng xu cho tới tận lúc ngủ thiếp đi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top