Chương 5

Tuổi thơ tôi tưởng chừng như một bức tranh màu hồng tươi sáng, nhưng thực tế lại chứa đựng những mảng tối đen, khiến tôi không khỏi xót xa cho đứa trẻ chỉ mới sáu tuổi lúc ấy.

Bố tôi rất ít khi về nhà. Tôi thường hay hỏi mẹ tôi rằng bố tôi đi đâu, nhưng mẹ tôi chỉ trả lời là "Bố đi làm ăn xa." Mỗi lần bố tôi về nhà như thể bóng tối bao trùm quanh căn nhà vậy, những tiếng cãi vã dữ dội của bố mẹ, những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ.

Tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng ngày hôm đó, bố mẹ tôi giằng co một sợi dây chuyền vàng:
- Đây là sợi dây chuyền mẹ em tặng cho em, anh định đem đi đâu? Anh lại định đem đi bán để lấy tiền trả nợ đúng không? Trả đây, sợi dây chuyền này là của em, anh không được lấy!
- Bỏ cái tay ra - Dứt lời, bố tôi hất tay mẹ tôi ra, đẩy mẹ tôi ngã huỵch xuống đất. Sau đó, ông đi ra khỏi nhà.
Mẹ tôi ngồi bất lực dưới mặt sàn. Tôi liền chạy ra ôm mẹ, tôi khóc nấc từng tiếng, nức nở:
- Mẹ...mẹ ơi, mẹ có sao không?
- Mẹ không sao? - Mẹ ôm chầm lấy tôi, tôi cảm nhận được những giọt nước mắt của mẹ cứ lã chã rơi.

Đó chưa phải cảnh tượng kinh khủng nhất mà tôi chứng kiến. Tôi nhớ có lần đi học về, từ xa tôi nhìn thấy trước cổng nhà mình có những người đàn ông lạ mặt, trên tay, trên cổ họ có nhiều hình xăm, họ dùng những lời lẽ thô tục chửi rủa bố tôi "Thằng khốn nạn kia, khi nào mày định trả tiền bọn tao đây?" Bố tôi chỉ trả lời "Các anh đợi em thu xếp mấy hôm nữa, em sẽ trả." "Lần nào mày cũng kêu thu xếp, xong không thấy tiền đâu, định quỵt tiền bọn tao à?" Họ nói xong, họ lao vào đấm vào mặt bố tôi, làm bố tôi chảy máu mũi, còn có một người khác lấy mũ bảo hiểm đập vào đầu bố tôi. Mẹ tôi từ trong nhà chạy vọt ra can ngăn. Những nhà xung quanh nghe thấy tiếng ồn cũng liền ra ngăn, tôi thấy cả mẹ Minh Nhật bế Minh Nhật đang khóc trên tay ra xem có chuyện gì xảy ra, có lẽ Minh Nhật bị giật mình bởi tiếng chửi lớn từ những người đàn ông kia. Tôi từ xa chứng kiến, mặt mũi tôi tái mẹt như tàu lá chuối, tay chân run rẩy, tôi quay bước chân chạy thẳng ra đầu ngõ, tôi đến tiệm tạp hoá nhà bác Oanh. Tôi ngồi co ro trên chiếc ghế xanh nhỏ được dựng trước cửa tiệm tạp hoá, bác Oanh thấy tôi liền hốt hoảng gặng hỏi "Trúc Vy, có chuyện gì vậy con? Bác tưởng con về nhà rồi sao lại ra đây ngồi?" Tôi nghe bác hỏi, nhưng tôi im bặt, tôi không mở miệng ra để nói được nữa rồi, đôi môi cứ mím chặt. Anh Gia Bách từ trong tiệm đi ra, anh liền lấy ghế ngồi ngay cạnh tôi, anh không hỏi han gì tôi cả, anh chỉ đặt tay lên vai vỗ về.

Tôi nhớ có cả những đêm khi tôi và mẹ tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng động lạ dưới cổng nhà. Lúc tôi và mẹ tôi đi xuống thì không còn thấy ai nữa rồi, chỉ có một mớ hỗn độn bốc mùi mắm tôm trộn lẫn với sân. Mẹ tôi liền bảo tôi đi ngủ trước, mẹ tôi một mình lau dọn mớ hỗn độn ấy. Mỗi lần nghĩ lại chuyện đó, tôi thấy thương mẹ tôi vô cùng. Có những đêm mùa đông lạnh buốt mà chỉ có một mình mẹ lau dọn, kì cọ những thứ dơ bẩn ấy. Tôi căm tức bọn chủ nợ của bố tôi - những kẻ đã ném những thứ dơ bẩn vào nhà tôi.

Những chuyện kinh khủng chỉ thật sự chấm dứt khi bố tôi qua đời vì ung thư gan. Trong suốt 3 ngày đưa tang bố, tôi không rơi một giọt nước mắt nào. Tôi đã từng nghe được những câu nói của người lớn như: "Con này không có tí tình cảm gì với bố nó nhỉ?" Nhưng họ đâu biết rằng, đã có những đêm tôi nhớ bố tôi rất nhiều, những đêm đó tôi vùi đầu vào lòng mẹ nức nở "Mẹ ơi, con nhớ bố lắm."

Dù bố tôi đã đối xử không tốt với mẹ tôi. Nhưng ông cũng đã từng là một người chồng tốt, một người bố tốt. Bố tôi trước kia làm thợ sửa xe máy, đối với tôi, bố không chỉ biết sửa xe máy mà bố tôi cái gì cũng biết sửa. Đồ trong nhà có hỏng hóc gì chỉ cần bàn tay vàng của bố là mọi thứ đều ngon lành. Có những hôm mẹ tôi đi làm về muộn, bố tôi luôn là người nấu cơm, bố tôi nấu cơm thậm chí còn ngon hơn cả mẹ. Tôi từng kể mỗi lần đi qua tiệm tạp hoá, mẹ tôi không cho tôi mua quá nhiều, tôi chỉ được chọn một món. Nhưng khi đi với bố, tôi thích ăn gì, tôi thích món đồ chơi nào, bố tôi cũng mua cho tôi hết. Vậy mà không hiểu sao sau một thời gian, bố tôi thay đổi nhanh đến chóng mặt, như biến thành một con người khác. Ông bỏ nghề sửa xe máy, ông bắt đầu uống nhiều rượu xong say mèm, về nhà lại mắng chửi mẹ tôi. Rồi ông bỏ nhà đi chơi bời, sa vào cờ bạc rồi nợ nần, từ một trụ cột trong gia đình, từ một người chồng, người bố tốt dường như ông đã trở thành gánh nặng cho mẹ con tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top