7.
Mỗi người có rất nhiều cái hồi đó.
Hồi đó tôi gia đình tôi ở trọ, ba làm điện nước, mẹ mở tiệm tạp hóa. Tiệm nhỏ nhưng bán đủ thứ, khách là dân xóm trọ, chủ yếu nhất vẫn là mấy đứa con nít. Ba, bốn tuổi, bảy, tám tuổi, tụi nó đòi bánh kẹo dữ lắm. Kế nữa là mấy người đàn ông làm ở tiệm bán cửa sắt gần đó; họ mua thuốc lá. Một bịch bánh tầm một, hai ngàn thôi; một gói cà phê Việt ba ngàn, cái trứng vịt, trứng gà có khi hai ngàn, hai ngàn rưỡi... Đồ lặt vặt, giá lặt vặt, người ta mua chịu. Thuốc hút thay vì bán cả gói hai mươi điếu, mẹ tôi bán lẻ luôn. Một, hai điếu, cũng mua chịu. Mẹ lấy tập tôi không xài làm sổ ghi nợ, có khi không ghi mẹ cũng nhớ, cộng trừ nhân chia tiền nhanh hơn tôi bấm máy tính.
Hồi đó nhà trọ hẹp. Hẹp là so với bốn mạng người ở, ở suốt mười năm; nhưng cũng rộng. Rộng là so với nhà trọ khác, tiền phòng rẻ hơn nhưng điện, nước mắc cắt cổ. Một kí điện giá Nhà nước lúc đó có ba, bốn ngàn mà bà chủ tính mười một ngàn. Nước một khối chín ngàn hơn. Ba tôi có lúc phải gian lận, cúp đồng hồ điện nước để bớt trả tiền. Đó giờ ba không gian dối vậy vì hồi xưa nghèo, bị họ hàng hiểu lầm: ghé thăm mà người ta tưởng ghé mượn tiền, hách dịch. Ba né hết mấy hành động đó cho sạch lòng nhẹ dạ. Nhưng tiền bạc nặng quá rồi cũng bị đẩy vô đường cùng, trái với lương tâm.
Hồi đó nhà chia làm ba. Bếp với sàn rửa chén, nhà vệ sinh liền một chỗ. May là còn cái cửa ngăn ra. Chỗ đó dơ lắm, dù có chà rửa vì máng xối bị lá bằng lăng làm ngẹt, mưa xuống là dơ. Cặp lưng nhà còn là xưởng cắt đá hoa cương, bụi ghê hồn. Nóc nhà lợp ngói toàn là mạng nhện. Ở lâu rồi tôi còn thấy rong rêu. Mùa mưa, ở nhà như ở ngoài lộ. Bốn người nằm trong mùng, mưa cứ lất phất bay, mền gối ẩm ướt hết.
Chỗ ngủ cũng là chỗ ăn, chỗ tiếp khách: chắc chưa được chín mét vuông gạch. Chị em tôi toàn nằm ườn ra học bài, kệ sách cách mặt đất được đâu một, hai chục xăng ti. Kế bên, nằm với tay cũng tới. Tối tối, cách cái mùng lưới mỏng te, tôi hay lấy chân đạp mấy cuốn sách giáo khoa cho đỡ muỗi.
Mùa mưa, bù hong bay đầy. Tụi tôi hay thức khuya học bài lắm, mà cứ vậy là bù hong bay đầy, ngập thành cái biển dưới đất, tanh rình. Lúc đó tôi học đội tuyển, thức tới hai, ba giờ sáng làm văn, hễ ngửi được mùi tanh của bù hong là cụt hứng.
Gian ngoài cùng ngăn với ở trong bằng hai cái tủ quần áo. Trên đầu tủ là bàn thờ. Đồ đạc của bốn người nhồi vô, tấm kính lót tủ nứt, vỡ. Ngăn kéo cũng sập.
Ở ngoài là chỗ mẹ để đồ tạp hóa với để xe. Nhà được hai chiếc xe máy, một chiếc suzuki ông nội mua cho ba tôi từ hồi năm chín mấy; một chiếc xe dream của bác ba bán lại cho mẹ tôi. Hai chiếc cứ hư hoài, nhẹ thì ba tôi tự sửa cho đỡ tốn, nặng thì đem ra tiệm. Sửa nhiều riết rồi biết chỗ nào chặt chém, chỗ nào không, thành mối quen. Hai chiếc xe đó còn xài tới bây giờ.
Ngoài đó ba đóng ba tầng kệ bằng ván cũ. Sắt với ván có cái mua, có cái đi lượm, đi xin. Trên đó để dây điện, đuôi đèn, đèn cà na, sắt, ống nước, ốc vít, giỏ đồ nghề, búa, đục... đủ thứ. Chỗ đó vừa muỗi, vừa chuột, vừa tắc kè. Tụi nó ở chơi rồi làm ổ, đẻ thành bầy, nửa đêm thường chạy lòng vòng dạo như chỗ không người. Riết cũng quen.
Có khi mẹ còn để dừa khô, hai, ba bao gì đó, mỗi lần mua dừa là phải soạn. Tôi bị viêm mũi dị ứng, da mẫn cảm, soạn vô chết lên chết xuống. Giờ mua dừa còn nhiều hơn, mỗi lần một tấn mấy, rồi cũng có chết đâu.
Hồi đó nhà tôi vui lắm. Nhỏ, hẹp, mà anh chị em họ cứ thích đến ở cùng một vài ngày, có khi là đêm. Ba tôi hay pha trò, mẹ thì nấu đồ ăn ngon gần chết, không thích cũng uổng. Bây giờ ba tôi cũng hay pha trò, mẹ tôi cũng nấu đồ ăn ngon nhưng anh chị em họ không đến nhà tôi nữa. Người ta lớn, ai cũng lớn, cũng già. Nhưng không phải vì thiếu người ta mà nhà tôi mất vui. Nhà tôi mất vui vì lẽ khác.
Hồi đó mẹ tôi hay nhớ bà ngoại, nói ước gì được về Sóc Trăng. Mỗi lần mẹ mệt, mẹ hay đùa giỡn với chị em tôi cho khuây khỏa. Giờ mẹ cũng nhớ ngoại, nhưng không ước được về đó nữa. Mẹ nói mẹ không đủ can đảm, về rồi làm khổ dòng họ, làm khổ chị em tôi. Mệt, mẹ cũng không giỡn nữa. Mẹ chỉ nằm đó, im lặng, khóc và cầu được giải thoát. Hoặc là thôi ba ra, nhưng mẹ chắc ăn ba không chịu, nên mẹ nói, chỉ còn cách tự giải thoát thôi. Rồi mẹ vẫn khóc, chị em tôi cũng khóc, vô dụng, bất lực.
Hồi đó tôi rất trông tới giờ cơm, không những được ăn ngon còn được nghe ba kể chuyện. Giờ tôi vẫn được ăn ngon, nhưng ba không kể chuyện nữa mà quát mắng. Mỗi ngày một cớ, không cái nào hợp lí, nhưng ai cũng nhịn.
Hồi đó ba mẹ cãi nhau vì ba có người bên ngoài, nửa đêm ba to tiếng quát nạt, đánh mẹ đến cái thau inox cũng móp. Mẹ bỏ ra chỗ để đồ tạp hóa nốc hết hai chai rượu nếp, say mèm, vừa khóc vừa kêu. Chuyện qua rồi, ai cũng còn ấm ức, nhất là mẹ. Bây giờ ba hay say xỉn, một tuần bảy ngày nhập sòng hết năm, sáu, hễ về đến nhà là gầm gừ, mắng chửi. Không ai đánh ai nữa, mẹ đóng cửa phòng không nghe, ba chửi vẫn chửi, những cái cớ ngày càng vô lí, lời lẽ ngày càng nặng nề, thóa mạ, sỉ nhục và tục tĩu đến đáng sợ.
Không phải cái hồi đó nào cũng vui, nhưng chuyện bây giờ, trừ vật chất tốt hơn, chẳng còn gì hơn xưa cả. Nhưng người ta vẫn hay nhớ về, hay so sánh để tự làm buồn, làm khổ nhau.
Thơ văn là thứ sở thích hoa mĩ mà bất lực. Tôi theo đuổi thế giới ngôn từ của mình, nhận ra càng lúc mình càng thi vị hóa những nỗi đau chung đó, biến nó từ thứ day dứt để đời thành thứ nửa vời, hờ hững. Cái buồn, cái khổ người ta tìm cho nhau dẫu có đẹp tới đâu nó vẫn nên là cái buồn khổ thuở khởi nguyên.
Tôi viết trên giấy trắng nhưng đầu óc cứ mơ hồ, tăm tối với đời thực. Hoài như vậy cũng mệt. Có hai kiểu, một là thoát li, hai là vạch trần. Cái nào tôi cũng không đủ khả năng, viết ra rồi cũng công cốc. Nó không khiến nhà tôi tốt hơn, ba thôi đay nghiến mẹ, chúng tôi thoát nợ nần và những việc cơ cực, lao lực. Sở thích của tôi đẹp mà vô nghĩa. Trong lúc chị tôi trưởng thành dần dần và hướng đến những cái thiết thực hơn, biết an ủi mẹ, thì tôi chỉ ngồi kìm nén nước mắt, lòng bời bời những thứ khôn tưởng. Tôi hoài nghi về bản thân nhiều lắm. Tôi cảm những thứ xung quanh làm gì mà chẳng viết nổi một tiếng kêu khổ của mẹ. Tôi nhìn đời bằng con mắt ưa săm soi làm gì mà không nhìn tới những khắc người thân đau đớn, mệt lả, muốn giải thoát cả thể xác lẫn tâm hồn.
Làm gì có chuyện người ta đọc một cái gì mà thôi đau buồn. Ngòi bút của một kẻ chỉ hữu dụng khi nó được viết từ phần chân chất nhất, bằng sự thật, hơn là sự tìm vui và khát cầu thoát li.
Cần Thơ,
29.09.2019
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top