22.

Không riêng gì bạn mình, chỉ cần những người quen biết chút ít với mình đều biết mình luôn khẳng định hai thứ: một là mình rất xấu tính, nhất là rất vị kỷ, thậm chí ích kỷ; hai là mình hiếm khi quên được việc đã qua.

Mình viết nhiều, và vu vơ đến độ nhiều ngày, nhiều tháng sau đọc lại thứ mình viết rồi bỏ dở, mình cũng phải ngạc nhiên mấy phút. Không phải vì viết hay, viết chăm, mà mình viết nhiều thứ vô nghĩa quá. Vô nghĩa lại có hai loại, hoặc là bản thân thứ ấy vốn không có ý nghĩa, hoặc là mình không trao trọn ý nghĩa cho thứ ấy.

Trong một truyện dạo gần đây mới viết, mình ghi thế này: "Không được việc là vô dụng, nhưng được một nửa của mười phần việc cũng hữu dụng rồi (...)". Sau nhiều năm, mình không quá rạch ròi với những câu hỏi nhớ hay quên, nên hay không, ghét hay thích. Tụi mình sẵn nghe về triết lý "âm dương" mà nhỉ? Thì, mọi sự đều lấy triết lý ấy làm gốc, nên hiếm khi người ta phân rõ rạch ròi hai mặt đối lập đến mâu thuẫn nhau, hai thái độ trái ngược nhau với một việc. Đôi khi người ta còn phải tận dụng ngược lại cái mong manh, lập lờ đó. Nhiều thứ không nên, hoặc không cần, hoặc vừa không nên vừa không cần hiểu rõ. Giống như não của bản thân có gì vậy. Ai rảnh mà tự mổ não mình ra chơi?

Dào, mình vẫn mắc cái tật lòng vòng.

Mình không biết vì sao hôm nay đột nhiên viết tiếp "Năm tháng dưới chân". Chắc vì được "Vũ trung tùy bút" và "Thượng kinh ký sự" xúc tác, và cũng vì lâu lắm rồi mình không đối thoại với con chữ bằng thể thức thật nhất của mình. Nếu mọi người có viết, có sáng tác, chắc mọi người cũng biết mỗi lần xây dựng một nhân vật (nhất là nhân vật chính) thì người viết lại phải sống khác đi, sống như người mình muốn viết. Chí ít, với mình là vậy. Những thứ mình gửi qua truyện dài truyện ngắn các thứ, kể cả những truyện viết về bản thân như "Bói cá" và "Trong tiếng hát Trương Chi", mình cũng phải xây dựng này kia cho hợp bối cảnh, nhân tiện mượn truyện để viết về thứ mình thích. Nói thật, vậy mệt lắm. Mặc dù mình thích viết, mình nghĩ mình sẽ viết tới cuối đời, nhưng cái chuyện không cách nào bộc lộ trọn vẹn bản thân như ý thích, khổ lắm. Với mình là khổ, với mọi người thì sao nhỉ?

Đấy. Việc viết rõ cũng là âm dương. Mình vừa thích vừa âm ỉ ghét, ghét cay ghét đắng. Thỉnh thoảng mình phải tự hỏi, sao mình nặng lòng với thứ khiến mình đau đầu dằn vặt ti tiện xấu xa đố kỵ đến thế làm gì (?).

Những thứ mình vừa nói là thật. Mình không tự hào về bản tính của mình, chỉ muốn giấu nhẹm đi, nhưng không phơi bày ở đây thì phơi bày ở đâu. Hi vọng không chỉ bản thân mình chấp nhận từ bỏ cái nhìn và sự phán xét rạch ròi. Cuộc đời vốn là một nồi cám.

Vừa nãy mình cũng có đăng trên tường nhà Wattpad, đại loại là người ta khó lòng từ bỏ những thứ thuộc về tính cách, bản ngã. Bây giờ phải chỉnh lại. Có khi mình dễ từ bỏ lắm, nhất là từ bỏ những tính tốt rèn hoài mới thành một nửa. Tỉ như là tha thứ. Tỉ như bớt phán xét chê trách bản thân đi. Tỉ như thôi dòm ngó người khác rồi so sánh và tự ti. Đấy, toàn tính tốt mà mình bỏ ngang ngon ơ, bỏ khi mình gặp một người mà mình biết người nọ giỏi hơn, tốt hơn mình, làm gì cũng được ủng hộ nhiều hơn, còn mình chỉ là cái bóng. Người khác sẽ gặp cái bóng và "đói bụng ăn quàng", trông bóng thành hình. Nhưng mình lại không ghét "người ta" hay cái "hình" che lấp mình và mình theo đuổi được, vì mình ghét bản thân lúc đó hơn.

Không đáng khoe lắm, rằng mình vừa trải qua một kỳ khủng hoảng. May thay mình lành lặn, dù nỗi sợ còn trong đầu. Mình sợ khủng hoảng ấy quay lại, dưới hình dạng khác, mà mình đoán là từ việc yêu ghét dùng dằng, hình hình bóng bóng ở trên.

Vì mục đích viết nên mình có tìm hiểu một ít những điều cơ bản về Phật pháp. Chắc mình, sao nhỉ, chắc là mình đần quá nên không ngấm được chút gì trừ "Bát khổ", đã thế mình cũng không hiểu hết "Bát khổ". Theo kiến giải cá nhân, thuyết "Bát khổ" của nhà Phật khuyên được mình, dạy cho mình về thái độ trung dung. Phải chấp nhận mọi thứ xung quanh và chấp nhận bản thân mình, không vui niềm vui nửa vời, không cố ý sầu cái sầu cố định (ví dụ như biết gặp người đó mình sẽ ghét, sẽ bực dù người ta chả làm gì, biết thế mà mình vẫn cố ý ghét hoặc cố ý gặp).

Này là thứ mình nhận ra thôi, chưa chắc đã liên quan đến "Bát khổ" nghen. Có điều, trung dung là đức tính tốt. Mình khẳng định với bản thân như thế, tựa như khẳng định việc con người luôn "không nhớ không quên" và lãng quên còn đáng sợ hơn chết. Trung dung, nói nghe "phỉ báng", tiêu cực chút xíu là lờ lợ, nửa đực nửa cái, hoặc ba phải. Nhưng thôi, bây giờ thấy mặt tích cực thì mình cứ học mặt tích cực đã. Trung dung theo nghĩa tích cực của mình là gạn lọc, cân bằng, làm hài hoà, không thiên về bên nào. Mình đoán nó là chìa khoá giải quyết vấn đề yêu ghét gì đó mình vừa nói ở trên ấy. Nếu mình không quá khắt khe giữa nhận và cho, không đặt tiêu chuẩn kép giữa công nhận và tự nhục, để mọi thứ lờ lợ như chính nó nên thế, có khi lại hay.

Mình mượn luôn một câu của người trong truyện để tạm kết (và khơi thêm) việc lạm bàn. Nghe hơi tự luyến, nhỉ; nhưng đây là số ít thứ mình dùng quan điểm của chính mình để viết, nói trắng ra là áp đặt cho nhân vật í.

"Đến cả cành mơ của chú còn nở theo trời, thì họ Trần có là gì. Tôi nhớ mấy trăm năm trước, ông Mãn Giác đời Nguyễn có viết "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Chủ tớ nhà chú thích mơ, trồng mơ, chắc cũng nghe rồi. Chúng mình là phường đọc sách mộ đạo, biết lẽ hưng suy tuần hoàn, đã không cáng đáng nổi còn khăng khăng điều ấy làm chi."

Cần Thơ,

09.08.2021

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top