19.

Người ta nghĩ thơ là gì?

Thầy dạy văn hiện tại của mình, thầy H, ban sáng chợt nhắc chuyện lũ trò giở ngón văn thơ trên facebook. Thầy bảo "lớp mình", tất nhiên trong đó có cả mình (và mình cũng nổi bật nhất) vì spam thơ ngày qua ngày, mùa qua mùa.

Bạn bè lúc ấy nhìn mình nhiều lắm, có đứa nhắc cả việc mình chơi kalimba. Mình ngại, ngại vô cùng, nỗi nhục nhã mơ hồ cứ vậy len lỏi. Rõ ràng vô cớ và vô lý, chẳng ai lấy làm hổ thẹn vì điều mình viết dù ý nghĩa nó ở tầng nào, miễn nó không làm người ta ghét bỏ (hay chí ít là chính mình không ghét bỏ). Mình chưa bao giờ thẳng thắn đón nhận danh nghĩa ấy trước mặt người khác, một phần vì mình kém, một phần vì sợ phán xét. Không biết đến bao giờ mình mới giác ngộ, rằng quá trình là thứ đẹp đẽ nhất chứ không phải kết quả (là một cái tên, một bút danh ai cũng biết; đầy tham vọng!).

Thầy không phán xét. Thầy không phê bình. Thầy cũng chẳng chỉ đích danh. Chỉ nhỏ nhẹ, thầy nói, thơ, đến mức điêu luyện cỡ nào vẫn cần có cảm xúc, cốt của nó vẫn được khai mở bởi đôi mắt như con trẻ và tâm hồn trong sáng.

Tựu trung, mình hiểu một phần, văn thơ trong cách hiểu của thầy H là một niềm đau cao khiết, sáng trong.

Mình không có được điều đó.

Mình vẫn hay nhắc nhở bản thân, mỗi người có một quy chuẩn riêng, không cần vay mượn của ai rồi làm khó bản thân mình cả. Nhưng không có nghĩa là mình được quyền bỏ qua hết thảy! Có nhiều chuyện, muốn lắm, nhưng người ta không làm được đâu. Ràng buộc xung quanh và lương tâm quá nhiều khiến người ta chùn chân, không dám chừa đất diễn cho chính bản thân dù bản thân mới là vai chính.

Mình rất xấu hổ. Thật lòng mà nói mình rất xấu hổ, nhất là khi nghe ai đó khen mình chuyện cầm bút. Mình chỉ nghuệch ngoạc ngây ngô và đầy bản năng thôi. Mình có cảm xúc, mình có niềm đau nhưng làm sao để soi thấu chúng dưới lăng kính trẻ thơ, mình không biết. Mình từng là con nít. Mình đã không nhìn nhận được day dứt và niềm đau trong câu chữ của những nhà thơ lớn. Bây giờ, cũng không. Một khi không là chính mình, không tự hiểu và dung hợp mình vào những lẽ xung quanh, có lẽ mọi thứ đều quá lớn để người ta đón nhận.

Viết có gì vui?

Với mình, viết rất vui. Vui bởi vì thay cho việc lạc lõng ở thế giới bên ngoài, trong những thứ mình viết ra mình sẽ được lạc lõng một cách có chủ đích. Nhưng bằng cái cách đáng thương nào đó, mình cảm giác cố gắng của mình bị chối bỏ, không được ưng thuận theo quy chuẩn chung.

Rốt cuộc, người ta nghĩ thơ là gì?

Cần Thơ,

04.05.2020

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top