KINH TẠP A HÀM

  KINH TẠP A HÀM
雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu­Na­Bạt­Đà­La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ


2
TẠP A-HÀM QUYỂN 1
KINH 1. VÔ THƯỜNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Các ông hãy quán sát sắc là vô thường[2]. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã
quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm[3]. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham[4]. Sự
dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát[5].
"Cũng vậy, các ông hãy quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Quán sát như vậy gọi là
quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì
dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát.
"Như vậy, Tỳ­kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa[6].'
"Cũng như quán sát vô thường, quán sát khổ, không, phi ngã cũng vậy."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 2. CHÁNH TƯ DUY[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các
Tỳ­kheo:
"Đối với sắc, các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô
thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ­kheo, đối với sắc mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách
như thật sắc là vô thường, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ
mà nói là tâm giải thoát.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một
cách như thật... thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ­kheo, đối với thức mà tư duy chân chánh,
quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường, thì đối với thức, dục tham được đoạn trừ.
Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.
3
"Như vậy, Tỳ­kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.'
"Cũng như tư duy chân chánh về vô thường, khổ, không, phi ngã cũng như vậy."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 3. VÔ TRI (1)[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục[9] thì không thể đoạn trừ khổ
não.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly
dục, thì không thể đoạn trừ khổ não.
"Này các Tỳ­kheo, đối với sắc, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ
não.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể
đoạn trừ khổ não."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 4. VÔ TRI (2)[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, tâm không giải thoát, thì
không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không lìa
tham dục[11], tâm không giải thoát, thì sẽ không thể nào vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già,
bệnh, chết.
4
"Tỳ­kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về
sanh, già, bệnh, chết.
"Này các Tỳ­kheo, người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì
có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, lìa tham
dục, tâm giải thoát, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 5. VÔ TRI (3)[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ai đối với sắc mà yêu thích[13], thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì
đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích
khổ, thì đối với khổ không được giải thoát.
"Này các Tỳ­kheo, ai đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với
khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
"Cũng vậy, ai đối với thọ, tưởng, hành, thức không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích.
Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
"Này các Tỳ­kheo, đối với sắc không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát.
Ai không giải thoát tâm tham, thì sẽ không thể đoạn trừ được khổ não.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức ai không biết, không rõ, không ly dục, tâm không giải
thoát. Tham tâm không giải thoát, thì sẽ không đoạn trừ được khổ não.
"Đối với sắc, nếu người nào biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có thể đoạn trừ được khổ
não.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể
đoạn trừ khổ não."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
5
KINH 6. VÔ TRI (4)[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với sắc, không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát thì sẽ không vượt
qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm
không giải thoát, thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.
"Này các Tỳ­kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt
qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 7. HỶ LẠC SẮC[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ai yêu thích sắc, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối với khổ không được giải thoát.
"Cũng vậy, ai yêu thích thọ, tưởng, hành và thức, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối
với khổ không được giải thoát.
"Này các Tỳ­kheo, ai không yêu thích sắc, thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì
đối với khổ sẽ được giải thoát.
"Cũng vậy, ai không yêu thích thọ, tưởng, hành, thức thì sẽ không thích khổ. Ai không thích khổ,
thì đối với khổ sẽ được giải thoát."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Vô thường và khổ không,
6
Phi ngã, chánh tư duy.
Có bốn kinh vô tri,
Cùng hỷ lạc nơi sắc.
KINH 8. QUÁ KHỨ VÔ THƯỜNG[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là sắc hiện tại. Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy:
'Không hồi tưởng sắc quá khứ, không tìm cầu sắc vị lai, đối với sắc hiện tại thì nên nhàm tởm, ly
dục, hướng thẳng đến diệt tận[17].'
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là... thức hiện tại.
Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy: 'Không hồi tưởng thức quá khứ, không mong cầu thức vị lai
và đối với thức hiện tại thì nên nhàm chán, ly dục, hướng thẳng đến diệt tận.'
"Vô thường, khổ, không, phi ngã cũng lại như vậy."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 9. YỂM LY[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng
chẳng phải sở hữu của ta[19]. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán[20].
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta.
Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh
quán.
"Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ nhàm tởm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm tởm nên
không ham muốn[21], vì không ham muốn nên được giải thoát. Đối với giải thoát, trí chân thật
phát sanh[22], biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm
xong, tự biết sẽ không tái sanh đời sau nữa.'"
7
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 10. GIẢI THOÁT[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng
chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta.
Chẳng phải ta tức chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.
"Thánh đệ tử quán sát như vậy giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Ta nói,
đó cũng là sự giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 11. NHÂN DUYÊN (1)[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc, chúng cũng vô thường[25]. Vậy, các sắc được
sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các thức, chúng cũng vô
thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
"Như vậy, các Tỳ­kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô
thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải
là sở hữu của ta. Thánh đệ tử quán sát như vậy, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành,
thức. Do nhàm chán nên không thích. Vì không thích nên giải thoát và có tri kiến về giải
thoát[26], biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự
biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
8
KINH 12. NHÂN DUYÊN (2)[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc cũng vô thường. Vậy, các sắc được sanh từ
nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Vậy, các thức được sanh ra từ nhân
và duyên vô thường làm sao có thể là thường được?
"Như vậy, các Tỳ­kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô
thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải
là sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán. Thánh đệ tử quán sát như vậy thì
sẽ giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành và thức. Ta nói, đó cũng là giải thoát khỏi
sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não như vậy."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 13. VỊ (1)[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu chúng sanh nào không nếm vị ngọt của sắc thì sẽ không nhiễm đắm sắc[29]. Vì chúng sanh
nếm vị ngọt của sắc cho nên bị đắm trước.
"Cũng vậy, chúng sanh nào không nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức thì chúng sanh ấy
không bị đắm nhiễm thức. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức cho nên chúng
sanh ấy bị nhiễm trước vào thức.
"Này các Tỳ­kheo, nếu sắc đối với chúng sanh không phải là sự tai hại[30], thì chúng sanh ấy
không nên nhàm chán sắc. Vì sắc là mối hại của chúng sanh cho nên những chúng sanh ấy nhàm
chán sắc.
"Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu không phải là mối hại thì chúng sanh ấy không
nên nhàm chán thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức là mối hại của chúng sanh, cho nên những chúng
sanh ấy nhàm chán thức.
9
"Này các Tỳ­kheo, nếu sắc đối với chúng sanh mà không có sự xuất ly[31], thì những chúng
sanh ấy không nên thoát ly sắc. Vì sắc đối với chúng sanh có sự xuất ly, cho nên những chúng
sanh ấy thoát ly sắc.
"Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức đối với chúng sanh không có sự xuất ly, thì những chúng
sanh ấy không nên thoát ly thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức đối với chúng sanh có sự xuất ly, cho
nên những chúng sanh ấy thoát ly thức.
"Này các Tỳ­kheo, nếu Ta đối với năm thọ ấm[32] này mà không biết một cách như thạât vị ngọt
là vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, thì Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­lamôn và các chúng trời, người đã không thể tự chứng, không được thoát, không vượt ra, không xa
lìa, vĩnh viễn an trú trong sự điên đảo, cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác[33].
"Này các Tỳ­kheo, vì Ta đã biết năm thọ ấm này một cách như thật rằng vị ngọt là vị ngọt, tai
hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, nên Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn và các
chúng trời, người đã có thể tự chứng, đã thoát, đã vượt ra, đã xa lìa, vĩnh viễn không an trú trong
sự điên đảo, cũng có thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 14. VỊ (2)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Trước kia Ta đã từng đi tìm kiếm vị ngọt của sắc[35]. Nếu khi cảm giác tùy thuận[36] vị ngọt
của sắc, thì đối với vị ngọt của sắc Ta dùng trí tuệ thấy rõ như thật.
"Cũng vậy, Ta đã từng đi tìm kiếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức. Nếu khi cảm giác tùy
thuận thọ, tưởng, hành, thức, thì đối với vị ngọt của thức Ta dùng trí tuệ thấy rõ như thật.
"Này các Tỳ­kheo, Ta đã từng đi tìm kiếm sự tai hại của sắc. Nếu khi cảm giác tùy thuận sự tai
hại của sắc, thì đối với sự tai hại của sắc Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
"Cũng vậy, Ta đã từng đi tìm kiếm sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức. Nếu khi cảm giác tùy
thuận sự tai hại của thức, thì đối với sự tai hại của thức Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
"Này các Tỳ­kheo, Ta đã từng đi tìm cầu sự xuất ly sắc. Nếu khi cảm giác tùy thuận sắc, thì đối
với sự xuất ly sắc Ta dùng trí tuệ để thấy rõ như thật.
10
"Này các Tỳ­kheo, nếu Ta đối với năm thọ ấm này mà không biết một cách như thạât vị ngọt là
vị ngọt, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, thì Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­lamôn và các chúng trời, người đã không thể tự chứng, không được thoát, không vượt ra, không xa
lìa, vĩnh viễn an trú trong sự điên đảo, cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác.
"Này các Tỳ­kheo, vì Ta đã biết năm thọ ấm này một cách như thật rằng vị ngọt là vị ngọt, tai
hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, nên Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn và các
chúng trời, người đã có thể tự chứng, đã thoát, đã vượt ra, đã xa lìa, vĩnh viễn không an trú trong
sự điên đảo, cũng có thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Quá khứ nói bốn kinh
Yểm ly và giải thoát
Nói hai kinh nhân duyên
Vị ngọt cũng hai kinh.
KINH 15. SỬ[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo nọ[38]
đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
"Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ một
mình ở chỗ vắng[39], tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý
do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình[40], chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm[41] cứu cánh phạm hạnh vô
thượng, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự
biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ­kheo kia:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, đã khéo nói những lời này: 'Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Ông đã nói như vậy phải chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!"
11
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
"Này Tỳ­kheo, nếu để sai sử theo sử, tức là chết theo sử[42]. Nếu chết theo sử là bị thủ trói
buộc[43]. Nếu Tỳ­kheo không bị sai sử theo sử, thì sẽ không chết theo sử. Không chết theo sử,
tức là giải thoát đối với thủ."
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ!"
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối trong pháp yếu mà Ta đã lược nói, nếu ngươi hiểu rộng nghĩa của nó thì phải như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, sắc sai sử theo sử, sắc chết theo sử[44]. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ
trói buộc.
"Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử
thì bị thủ trói buộc.
"Bạch Thế Tôn, nếu sắc không sai sử theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử
mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
"Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử
theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
"Như vậy, trong pháp yếu được Thế Tôn nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng như vậy."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay, lành thay, Tỳ­kheo! Trong pháp yếu được Ta nói tóm tắt, ý nghĩa được diễn rộng
như vậy.
"Vì sao?
"Sắc sai sử theo sử, sắc chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử thì bị thủ trói buộc.
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử, thì chết theo sử. Sai sử theo sử mà chết theo sử
thì bị thủ trói buộc.
"Này Tỳ­kheo, nếu sắc không sai sử theo sử, thì sắc không chết theo sử. Không sai sử theo sử mà
không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát.
12
"Cũng vậy, nếu thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử, thì không chết theo sử. Không sai sử
theo sử mà không chết theo sử thì đối với thủ được giải thoát."
Bấy giờ, vị Tỳ­kheo kia sau khi nghe Đức Phật dạy xong tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui. Vị
kia ở một mình nơi chỗ vắng tinh cần tu tập, sống không buông lung. Sau khi tinh cần tu tập
sống không buông lung rồi, vị kia tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc,
mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, ... cho đến, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa. Bấy giờ, vị Tỳ­kheo kia thành A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 16. TĂNG CHƯ SỐ[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo nọ
đi đến chỗ Phật thưa hỏi những việc như trên, nhưng có những sự sai biệt như sau:
"Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì cái đó tăng các số[46]. Nếu không sai sử theo sử mà
chết theo sử, thì không tăng các số."
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với những pháp mà Ta đã nói tóm tắt, ngươi hiểu rộng nghĩa của nó như thế nào?"
Tỳ­kheo kia bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, nếu sắc sai sử theo sử thì chết theo sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết theo sử, thì
cái đó tăng các số.
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sai sử theo sử thì chết theo sử. Cái gì sai sử theo sử mà chết
theo sử, thì cái đó tăng các số.
"Bạch Thế Tôn, nếu sắc không sai sử theo sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử theo sử
mà chết theo sử, thì không tăng các số.
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức không sai sử theo sử thì không chết theo sử. Nếu không sai sử
theo sử mà chết theo sử, thì không tăng các số.
"Bạch Đức Thế Tôn, trong những pháp đã được nói tóm tắt, con đã hiểu nghĩa rộng của nó như
vậy."
Như trên và cho đến ... 'đạt được A­la­hán, tâm được giải thoát'.
13
KINH 17. PHI NGÃ[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một vị Tỳ­kheo
từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, chắp tay bạch Đức Phật rằng:
"Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một
mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết
rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo kia:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, đã khéo nói những lời này: 'Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Ngươi đã nói như vậy phải chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Đúng vậy, bạch Thế Tôn."
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lắng nghe, lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Này Tỳ­kheo, pháp nào không thích ứng[48] đối với ngươi thì nên nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn
trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài[49]."
Tỳ­kheo kia bạch Phật rằng:
"Con đã hiểu, bạch Thế Tôn! Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ!"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với những pháp đã được nói tóm tắt, ngươi hiểu rộng ý như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng đoạn trừ.
Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với con, nên cần phải nhanh chóng
đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài. Cho nên, bạch Thế Tôn,
đối với pháp mà Thế Tôn đã nói tóm tắt con đã hiểu rộng nghĩa của nó như vậy."
14
Đức Phật dạy:
"Lành thay! Lành thay! Này Tỳ­kheo, đối với những pháp đã được nói tóm tắt của Ta, ông đã
hiểu nghĩa rộng của nó. Vì sao? Vì sắc chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần phải nhanh
chóng đoạn trừ. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là thích ứng đối với ông, nên cần
phải nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp này để được lợi, được ích, được an vui lâu dài."
Sau khi vị Tỳ­kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một
mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung. Sau khi siêng năng tu tập, sống
không buông lung, thầy tư duy về lý do mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc
pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng
nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những
việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
Bấy giờ, vị Tỳ­kheo kia thành bậc A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 18. PHI BỈ[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
"Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một
mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, chỉ vì để ngay trong đời này chứng nghiệm cứu cánh phạm hạnh vô thượng, biết
rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ­kheo kia:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, đã khéo nói những lời này: 'Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Ông đã nói như vậy phải chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!"
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
15
"Nếu có pháp nào chẳng phải là thiùch ứng của các ông và cũng chẳng phải là thích ứng của
người khác, thì hãy nhanh chóng đoạn trừ pháp ấy[51]. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích,
được an lạc lâu dài."
Tỳ­kheo kia, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, sắc chẳng phải là con, chẳng phải là thích ứng của con[52], cũng chẳng phải là
thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi,
được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là con, chẳng phải là
thích ứng của con, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn
trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cho nên đối với những pháp mà
Như Lai đã nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó như vậy."
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu nghĩa rộng của
nó. Vì sao? Này Tỳ­kheo, sắc chẳng phải là ta, chẳng phải là thích ứng của ta, cũng chẳng phải là
thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi,
được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta, chẳng phải là
thích ứng của ta, cũng chẳng phải là thích ứng của người khác. Pháp này cần nhanh chóng đoạn
trừ. Đoạn trừ pháp ấy để được lợi, được ích, được an lạc lâu dài."
Sau khi vị Tỳ­kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một
mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.'
Bấy giờ, vị Tỳ­kheo kia thành bậc A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 19. KẾT HỆ[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
16
"Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một
mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ­kheo kia:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, đã khéo nói những lời này: 'Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Ông đã nói như vậy phải chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!"
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
"Tỳ­kheo, pháp bị trói buộc bởi kết sử, hãy nhanh chóng đoạn trừ[54]. Đoạn trừ pháp ấy để được
lợi, được ích, được an lạc lâu dài."
Tỳ­kheo kia, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Đức Thế Tôn, sắc là pháp bị kết sử trói buộc[55]. Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng
đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi, sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ, tưởng,
hành, thức là pháp bị kết sử trói buộc. Pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn trừ.
Khi pháp kia đã được đoạn trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cho nên đối với
những pháp đã được Đức Thế Tôn nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa
rộng của nó. Vì sao? Vì sắc là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh
chóng đoạn trừ. Khi đã đoạn trừ rồi, sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài. Cũng vậy thọ,
tưởng, hành, thức là pháp bị kết sử trói buộc, pháp bị kết sử trói buộc này, nên nhanh chóng đoạn
trừ. Khi pháp kia đã được đoạn trừ rồi, thì sẽ được lợi, được ích, được an lạc lâu dài."
17
Sau khi vị Tỳ­kheo kia nghe những lời dạy của Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui; một
mình ở chỗ vắng, siêng năng tu tập, sống không buông lung, cho đến, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.
Bấy giờ, vị Tỳ­kheo kia thành bậc A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 20. THÂM KINH
Thâm kinh cũng nói như vậy[56].
KINH 21. ĐỘNG DAO[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, lễ Phật rồi đứng sang một bên, bạch Phật rằng:
"Lành thay, Thế Tôn! Nay xin vì con mà nói vắn tắt pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một
mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung. Khi tu tập không buông lung con sẽ tư duy về lý do
mà một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình, cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy Tỳ­kheo kia:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, đã khéo nói những lời này: 'Nay xin vì con mà nói vắn tắt
pháp yếu. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình nơi chỗ vắng, tu tập không buông lung... cho
đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Ông đã nói như vậy phải chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!"
Đức Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ông hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo léo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
"Này Tỳ­kheo, người nào dao động thì sẽ bị ma trói. Nếu người nào không động thì sẽ giải thoát
khỏi Ba­tuần[58]."
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ."
18
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông hiểu nghĩa rộng của nó như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, khi bị sắc làm dao động[59] thì bị ma trói buộc. Nếu không dao động thì giải
thoát khỏi Ba­tuần. Cũng vậy khi thọ, tưởng, hành, thức làm dao động thì bị ma trói buộc. Nếu
không dao động thì giải thoát khỏi Ba­tuần. Cho nên đối với những pháp đã được Đức Thế Tôn
nói tóm tắt, con đã hiểu được nghĩa rộng của nó."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Đối với những pháp đã được Ta nói tóm tắt, ông đã hiểu được nghĩa
rộng của nó. Vì sao? Khi bị sắc làm dao động, thì bị ma trói buộc. Nếu không động, thì giải thoát
khỏi Ba­tuần. Cũng vậy khi bị thọ, tưởng, hành, thức làm dao động, thì sẽ bị ma trói buộc. Nếu
không động, thì giải thoát khỏi Ba­tuần"... cho đến: '... tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
Tâm được giải thoát, thành bậc A­la­hán.
KINH 22. KIẾP­BA SỞ VẤN[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Kiếp­ba[61], đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Như lời Đức Thế Tôn đã dạy, 'Tỳ­kheo tâm khéo được giải thoát.' Bạch Thế Tôn, thế nào là
Tỳ­kheo tâm khéo được giải thoát[62]?"
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Kiếp­ba rằng:
"Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai về tâm khéo giải thoát. Lành thay, Kiếp­ba! Hãy
lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.
"Này Kiếp­ba, hãy quán sát biết rõ những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện
tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoăïc xa, hoặc gần; tất cả
những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì sắc ái liền được
trừ. Khi sắc ái đã được trừ rồi, thì tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức
hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc
xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô
thường rồi, thì thức ái liền được trừ. Khi thức ái đã được trừ rồi, thì Ta nói là tâm khéo giải thoát.
19
"Này Kiếp­ba, Tỳ­kheo có tâm khéo giải thoát như vậy, Như Lai nói là tâm khéo giải thoát. Vì
sao? Vì ái dục đã được đoạn trừ. Người nào ái dục đã được đoạn trừ, thì Như Lai gọi người đó là
tâm khéo giải thoát."
Sau khi Tỳ­kheo Kiếp­ba nghe những lời dạy của Đức Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui.
Bấy giờ, Tỳ­kheo Kiếp­ba, sau khi nhận lãnh những lời Phật dạy rồi, một mình ở chỗ vắng
chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung... cho đến '... tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.' Tâm khéo giải thoát, thành bậc A­la­hán.
KINH 23. LA­HẦU­LA SỞ VẤN (1)[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng trúc Ca­lan­đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả La­hầu­la đi
đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của con cùng tất cả
những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến,
ngã mạn[64]?"
Đức Phật dạy La­hầu­la:
"Lành thay! Lành thay! Phải chăng ngươi hỏi Như Lai rằng, 'biết như thế nào, thấy như thế nào
để cho thân thức này của con cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có
các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn'?"
La­hầu­la bạch Phật rằng:
"Đúng vậy, bạch Thế Tôn."
Phật dạy La­hầu­la:
"Lành thay! Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Này La­hầu­la, hãy quán sát, những gì thuộc về các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị
lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những
thứ đó đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau[65]; nên bằng tuệ bình đẳng[66]
mà quán sát như thật như vậy. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc
hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc xấu, hoặc tốt; hoặc xa, hoặc gần; tất cả
những thứ đó đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên bằng tuệ bình đẳng
quán sát như thật như vậy.
20
"Như vậy, này La­hầu­la, Tỳ­kheo nên biết như vậy, thấy như vậy. Người nào biết như vậy, thấy
như vậy, thì đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc cảnh giới bên ngoài
không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
"Này La­hầu­la, Tỳ­kheo nếu như vậy đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc
cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, thì Tỳ­kheo đó
được gọi là người đoạn ái dục, chuyển đi các kết sử, chân chánh hiện quán[67] đạt đến biên tế
của khổ."
La­hầu­la sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 24. LA­HẦU­LA SỞ VẤN (2)[68]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo La­hầula:
"Tỳ­kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để cho thân thức này của ta cùng tất cả những tướng
trạng thuộc cảnh giới bên ngoài không có các kết sử trói buộc là ngã, ngã sở kiến, ngã mạn?"
La­hầu­la bạch Phật rằng:
"Thế Tôn là chủ các pháp, là vị dẫn đường, là người che chở. Lành thay, Thế Tôn! Hãy vì các
Tỳ­kheo mà diễn nói nghĩa này. Các Tỳ­kheo, sau khi đã được nghe những lời Phật dạy, sẽ hoan
hỷ phụng hành."
Phật bảo La­hầu­la:
"Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói."
La­hầu­la bạch Phật:
"Thưa vâng, con xin vâng lời."
Phật bảo La­hầu­la:
"Hãy quán sát những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó chẳng phải
ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên dùng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy.
Cũng vậy thọ, tưởng, hành và thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những thứ đó chẳng phải
ngã, không khác ngã, không ở trong nhau; nên dùng tuệ bình đẳng quán sát như thật như vậy.
21
"Tỳ­kheo biết như vậy, phải thấy như vậy, đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng
thuộc cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
"Này La­hầu­la, Tỳ­kheo như vậy đối với thức thân này cùng tất cả những tướng trạng thuộc
cảnh giới bên ngoài không có kết sử trói buộc là ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, sẽ siêu việt nghi
tâm, xa lìa các tướng, tịch tịnh giải thoát. Đó gọi là Tỳ­kheo đoạn trừ ái dục, chuyển đi các kết
sử, chân chánh hiện quán, đạt đến chỗ tận cùng của mé khổ một cách chân chính."
La­hầu­la sau khi nghe những lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Sử, tăng chư số,
Phi ngã, phi bỉ,
Kết phược, dao động,
Kiếp­ba sở vấn,
Cùng La­hầu­la,
Hai kinh sở vấn.
KINH 25. ĐA VĂN[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, đi đến chỗ Phật, làm lễ Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Như Thế Tôn nói 'Đa văn'. Vậy thế nào là đa văn?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn hỏi Ta về nghĩa của đa văn phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật rằng:
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Tỳ­kheo, nên biết, nếu nghe pháp mà đối với sắc phát sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch
tĩnh[70], thì đó gọi là đa văn. Cũng vậy nếu nghe pháp mà đối với thọ, tưởng, hành, thức phát
sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là đa văn. Này Tỳ­kheo, đó gọi là đa văn mà
Như Lai nói."
22
Tỳ­kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
KINH 26. THIỆN THUYẾT PHÁP[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Như Thế Tôn nói 'Pháp sư.' Vậy thế nào gọi là Pháp sư[72]?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết những gì mà Như Lai đã nói về nghĩa Pháp sư phải
không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Nếu người nào đối với sắc mà nói pháp khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh[73], thì
đó gọi là Pháp sư. Nếu người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói pháp khiến sanh yểm ly,
ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là Pháp sư. Đó cũng gọi là những gì mà Như Lai đã nói về
Pháp sư."
Tỳ­kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
KINH 27. HƯỚNG PHÁP[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
kia, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt làm lễ, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Như Đức Thế Tôn nói 'Pháp thứ pháp hướng[75].' Vậy thế nào là Pháp thứ pháp hướng?"
23
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết Pháp thứ pháp hướng phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Này Tỳ­kheo, đối với sắc mà hướng đến yểm ly, ly dục, diệt tận, thì gọi đó là Pháp thứ pháp
hướng[76]. Cũng vậy đối với thọ, tưởng, hành, thức mà hướng đến yểm ly, ly dục, diệt tận, thì
đó gọi là Pháp thứ pháp hướng."
Tỳ­kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
KINH 28. NIẾT­BÀN[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo
khác, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói 'chứng đắc Niết­bàn ngay trong hiện tại[78].' Vậy, thế nào là
Tỳ­kheo chứng đắc Niết­bàn ngay trong hiện tại?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết về sự 'chứng đắc Niết­bàn ngay trong hiện tại'
phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Phật bảo Tỳ­kheo:
24
"Đối với sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân
chánh, thì đó gọi là Tỳ­kheo chứng đắc Niết­bàn ngay trong hiện tại[79]. Cũng vậy, đối với thọ,
tưởng, hành, thức mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát
chân chánh, thì đó gọi là Tỳ­kheo chứng đắc Niết­bàn ngay trong hiện tại."
Tỳ­kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
KINH 29. TAM­MẬT­LY­ĐỀ VẤN THUYẾT PHÁP SƯ[80]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Tam­mật­ly­đề đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật
rằng:
"Như Thế Tôn nói 'Thuyết pháp sư.' Vậy, thế nào gọi là Thuyết pháp sư?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Nay ngươi muốn biết về nghĩa Thuyết pháp sư phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng, bạch Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Nếu Tỳ­kheo nào, đối với sắc mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Thuyết pháp sư.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Thuyết
pháp sư."
Tỳ­kheo kia sau khi nghe những gì Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Kệ tóm tắt:
Đa văn, thiện thuyết pháp,
Hướng pháp và Niết­bàn.
Tam­mật­ly­đề hỏi:
Thế nào, Thuyết pháp sư?
25
KINH 30. THÂU­LŨ­NA (1)[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu­lũ­na[82], hằng ngày du hành đến núi Kỳ­xà­quật
và ghé chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, nói với Tôn
giả Xá­lợi­phất rằng:
"Có một số Sa­môn, Bà­la­môn đối với sắc vốn vô thường, biến dịch, không an ổn mà nói rằng,
'Ta hơn, ta bằng, ta kém.' Tại sao số Sa­môn, Bà­la­môn này lại có ý tưởng như vậy, mà không
thấy cái chân thật? Cũng vậy, một số Sa­môn, Bà­la­môn đối với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô
thường, biến dịch, không an ổn, mà nói là: 'Ta hơn, ta bằng, ta kém.' Tại sao số Sa­môn, Bà­lamôn này lại có ý tưởng như vậy, mà không thấy cái chân thật?
"Có một số Sa­môn, Bà­la­môn đối với sắc vốn vô thường, không an ổn, biến dịch mà nói rằng,
'Ta hơn, ta bằng, ta kém.' Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật? Cũng vậy đối
với thọ, tưởng, hành, thức vốn vô thường, biến dịch, không an ổn, mà nói rằng, 'Ta hơn, ta bằng,
ta kém.' Vậy, do quan điểm gì mà họ không thấy cái chân thật? Này Thâu­lũ­na, ý ông thế nào?
Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
"Này Thâu­lũ­na, nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?"
Đáp:
"Là khổ."
"Này Thâu­lũ­na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Ý ông thế nào? Là Thánh đệ tử
có nên ở trong đó thấy rằng sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, ý ông thế nào, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
26
"Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?"
Đáp:
"Là khổ."
"Này Thâu­lũ­na, thức nếu là vô thường là khổ, thì chúng là pháp biến dịch. Ý ông thế nào,
Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy rằng thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, nên biết rằng, sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc ấy đều không phải là
ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện
tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những
thứ ấy không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải
thoát tri kiến, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự
biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, Thâu­lũ­na, con trưởng giả, xa lìa được trần cấu,
được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, Thâu­lũ­na, con trưởng giả, thấy pháp, chứng đắc pháp,
không do từ ai khác, ở trong chánh pháp được vô sở úy, từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai
bên phải, quỳ gối chắp tay, bạch Tôn giả Xá­lợi­phất rằng:
"Nay, con đã được độ. Từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm Ưu­bà­tắc.
Từ hôm nay cho đến suốt đời con luôn thanh tịnh quy y Tam bảo."
Khi Thâu­lũ­na con trưởng giả đã được nghe những gì Tôn giả Xá­lợi­phất dạy rồi, phấn khởi
vui mừng, làm lễ mà lui.
KINH 31. THÂU­LŨ­NA (2)[83]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất ở trong núi Kỳ­xà­quật.
27
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu­lũ­na[84], hằng ngày du hành đến núi Kỳ­xà­quật
và ghé chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Thâu­lũ­na:
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật sự tập khởi của
sắc, không biết như thật sự diệt tận của sắc, không biết như thật con đường đưa đến sự diệt tận
của sắc[85]; Thâu­lũ­na, nên biết rằng Sa­môn, Bà­la­môn này không đủ khả năng để đoạn trừ
sắc. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật về thọ, tưởng, hành và thức;
không biết như thật về sự tập khởi của chúng, không biết như thật về sự diệt tận của chúng,
không biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của chúng, thì họ không đủ khả năng đoạn
trừ chúng.
"Này Thâu­lũ­na, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập
khởi của sắc, biết như thật về sự diệt tận của sắc, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận
của sắc; Thâu­lũ­na, nên biết rằng Sa­môn, Bà­la­môn này đủ khả năng đoạn trừ sắc. Cũng vậy,
này Thâu­lũ­na nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật về với thọ, tưởng, hành và thức,
biết như thật về sự tập khởi của chúng, biết như thật về sự diệt tận của chúng, biết như thật về
con đường đưa đến sự diệt tận của chúng; Thâu­lũ­na, nên biết rằng Sa­môn, Bà­la­môn này đủ
khả năng đoạn trừ chúng.
"Này Thâu­lũ­na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?"
Đáp:
"Là khổ."
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo:
"Nếu sắc là vô thường, là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy sắc là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?"
28
Đáp:
"Là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu là vô thường, thì có phải là khổ không?"
Đáp:
"Là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy chúng là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, nên biết sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; đối với tất cả sắc không là ngã, không khác
ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, Thánh đệ tử đối với sắc nên sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát
sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không
phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, Thánh đệ tử đối với chúng nên sanh tâm yểm ly, ly dục, giải thoát, giải thoát
sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não."
Khi Thâu­lũ­na đã nghe những gì từ Tôn giả Xá­lợi­phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà
lui.
KINH 32. THÂU­LŨ­NA (3)[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất ở trong núi Kỳ­xà­quật.
29
Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu­lũ­na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ­xà­quật và
ghé chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Thâu­lũ­na:
"Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật về sự tập
khởi của sắc, không biết như thật về sự diệt tận của sắc, không biết như thật về vị ngọt của sắc,
không biết như thật về sự tai hại của sắc, không biết như thật về sự xuất ly của sắc, thì sẽ không
đủ khả năng để siêu việt sắc. Cũng vậy, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật
về sự thọ, tưởng, hành và thức; không biết như thật về sự tập khởi của chúng, không biết như thật
về sự diệt tận của chúng, không biết như thật về vị ngọt của chúng, không biết như thật về sự tai
hại của chúng, không biết như thật về sự xuất ly của chúng, thì Sa­môn, Bà­la­môn này sẽ không
đủ khả năng để siêu việt chúng.
"Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận
của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì Sa­môn, Bà­la­môn
này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc. Cũng vậy, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như
thật về thọ, tưởng, hành và thức, về sự tập khởi của chúng, về sự diệt tận của chúng, về vị ngọt
của chúng, về sự tai hại của chúng, về sự xuất ly của chúng, thì Sa­môn, Bà­la­môn này có đủ
khả năng siêu việt khỏi chúng.
"Này Thâu­lũ­na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
"Vậy vô thường là khổ phải không?"
Đáp:
"Là khổ."
"Này Thâu­lũ­na, nếu sắc vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có
nên thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, ý ông thế nào? Như vậy thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
30
"Vậy vô thường là khổ phải không?"
Đáp:
"Là khổ."
"Này Thâu­lũ­na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có nên
cho là có ngã, khác ngã, ở trong nhau không?"
Đáp:
"Không."
"Này Thâu­lũ­na, nên biết rằng đối với sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc này không phải
là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc
trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không
phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
"Này Thâu­lũ­na, là Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán chân chánh là chẳng phải
ngã, chẳng phải sở hữu của ngã. Quán sát chân chánh như vậy đối với thế gian không có gì để
nhiếp thọ. Khi không có gì để nhiếp thọ, thì sẽ không có gì để chấp trước. Khi đã không có gì để
chấp trước, thì sẽ tự đạt được Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.'
Khi Thâu­lũ­na con của một trưởng giả đã được nghe những gì Tôn giả Xá­lợi­phất dạy rồi, phấn
khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 1. Tham chiếu Pāli, S. 22. 12­14. Aniccam.
[2]. Sắc vô thường 色無常. Pāli: rūpaṃ aniccaṃ.
[3]. Hán: yểm ly 厭離. Pāli: nibbindati, chán ghét, ghét bỏ.
[4]. Hán: Hỷ tham tận 喜貪盡. Pāli: varajjati/ virāga, không còn mê đắm, ly nhiễm, ly tham.
[5]. Pāli: virāgā vimuccati. vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti, do ly tham mà được giải
thoát. Khi giải thoát, có nhận thức là đã giải thoát.
31
[6]. Phát biểu của vị đã chứng quả A­la­hán: ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện,
tự tri bất thọ hậu hữu 我生已盡, 梵行已立, 所作已辦, 自知不受後有. Pāli: khīṇā jāti vusitaṃ
brahmacariyaṃ kataṃ karanīyaṃ nāparam itthatayāti pajānāti.
[7]. Tham chiếu, S. 22. 15­17. Yad aniccam.
[8]. Pāli, S. 22. 24. Parijānaṃ.
[9]. Hán: bất tri, bất minh, bất đoạn, bất ly dục 不知, 不明, 不斷, 不離欲. Pāli: anabhijānaṃ
aprijānaṃ avirājayaṃ appajahaṃ, không thắng trí, không biến tri, không ly tham, không xả trừ.
[10]. S. 35. 27. Parijānanā.
[11]. Ly dục tham, các đoạn trên: ly dục. Pāli: viraja, ly nhiễm. Đồng nghĩa với virāga, ly tham.
[12]. S. 22. 29. Abhinandanaṃ (hoan hỷ), và phần cuối 22.24. Parijānaṃ (biến tri).
[13]. Hán: ái hỷ 愛喜. Pāli: abhinandati, hoan hỷ, chào mừng, hoan nghinh.
[14]. S. 35. 27, Parijānanā.
[15]. S. 22. 29 Abhinandanaṃ.
[16]. S. 22. 9­11. Atītānāgatapaccupanna
[17]. Hán: chánh hướng diệt tận 正向滅盡. Pāli: nirodhāya paṇipanno, tu tập hướng đến sự diệt
tận (đối với sắc...).
[18]. Gần giống kinh số 2 trên, S. 22. 15. Yad aniccam.
[19]. Pāli: yad dukkhaṃ tad anattā; yad anattā tam netaṃ mama, nesoḥam asmi, na meso attāṭi,
cái gì khổ cái đó không phải là tự ngã. Cái gì không phải là tự ngã, cái đó không phải là của tôi,
cái đó, "nó không phải là tôi; nó không phải là tự ngã của tôi."
[20]. Pāli: evam etam yathābhūtam sammappaññāya daṭṭhabbaṃ, điều đó cần được thấy rõ một
cách như thực bằng trí tuệ chân chính như vậy.
[21]. Bất lạc 不樂; tức chỗ khác nói là ly dục, hay ly tham. Pāli: virāga.
[22]. Giải thoát giả chân thật trí sanh 解脫者真實智生. Pāli: vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ
hoti, trong sự giải thoát, biết rằng ta đã giải thoát. Xem cht. 5 kinh 1 trên.
[23]. Gần giống kinh số 2 và số 9. Pāli: S.22. 15 Yad aniccam.
[24]. S. 22. 18. Hetu (nhân).
32
[25]. Pāli: yo pi hetu yo pi paccayo rūpassa uppādāya so pi anicco, cái gì là nhân, cái gì là
duyên cho sự sinh khởi của sắc, cái đó cũng vô thường.
[26]. Giải thoát tri kiến, xem cht.22 kinh 9 trên.
[27]. Gần giống kinh 11 trên. Pāli, S. 22. 19­20. Hetu.
[28]. Pāli, S. 22. 28. Assāda.
[29]. Pāli: no cedaṃ bhikkhave rūpassa assādo abhavissa na yidaṃ sattā rūpasmiṃ sārajjeyyaṃ,
nếu (trước đó) đã không tồn tại vị ngọt của sắc, thì các chúng sanh không thể tham đắm nơi sắc.
[30]. Hán: hoạn 患. Pāli: adīnavo, tai họa, sự nguy hiểm.
[31]. Xuất ly 出離; cũng nói là xuất yếu; Pāli: nissaraṇa, sự thoát ly, thoát ra khỏi chỗ nguy
hiểm.
[32]. Thọ ấm 受陰, cũng nói là thủ uẩn. Pāli: upādānakkhanda.
[33]. Pāli: (...) sattā sadevakā lokā samārakā sabrahmakā sassamaṇabrāhamṇiyā pajāya
sadevamanussāya nissaṭā visamyuttā vippamuttā vimariyādikatena cetasā vaharanti, (do biết rõ
nên) các chúng sanh ấy, đối với thế giới này bao gồm Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn
cùng với trời và người, mà được thoát ly, tách ra khỏi, tự tại, an trú với tâm không bị câu thúc.
[34]. Gần giống kinh 13 trên. Pāli, S. 22. 26­27. Assāda.
[35]. Ư sắc vị hữu cầu hữu hành 於色味有求有行. Pāli: rūpassa assādapariyesanaṃ acariṃ, Ta
đã đi để tìm cầu vị ngọt của sắc.
[36]. Tùy thuận giác 隨順覺. Pāli: yad rūpassa assādo tad ajjhagamaṃ, Ta (đã) tiếp cận vị của
sắc.
[37]. Pāli, S. 22. 36. Bhikkhu; tham chiếu S. 22. 63­65. Upādiyāmano.
[38]. Hán: dị Tỳ­kheo 異比丘. Pāli: aññataro.
[39]. Độc nhất tĩnh xứ 獨一靜處. Pāli: eko vūpakaṭṭho, cô độc, cách biệt người đời.
[40]. Tín gia phi gia xuất gia 信家非家出家. Pāli: agārasmā anagāruyaṃ pabbajjati, từ bỏ gia
đình, ra đi sống không gia đình.
[41]. Hiện pháp tác chứng 現法作證. Pāli: diṭṭhw va dhamme sayaṃ abhiññā sacchikitvā, ngay
trong đời nay, bằng thắng trí, tự mình thể nghiệm.
33
[42]. Nhược tùy sử sử giả tức tùy sử tử 若隨使使者即隨使死. Hán dịch tối nghĩa. Có lẽ Pāli:
yaṃ kho bhikkhu anuseti tam anumīyati, nó thiên chấp theo cái gì thì nó suy lường theo cái đó.
Pāli: anuseti, nghĩa đen: nằm theo, tiềm phục, tùy miên; danh từ phát sinh là anusaya: tùy miên,
chỉ phiền não tiềm phục (tùy tùng miên phục). Bản Hán hiểu anseti là do động từ sevati: phục vụ,
nên dịch là tùy sử hay sai sử. Pāli: anumīyati (suy lường), do động từ mà: đo lường; nhưng bản
Hán hiểu là do động từ miyyati: chết, nên dịch là tùy tử (chết theo).
[43]. Tùy sử tử giả tắc vi thủ sở phược 隨使死者則為取所縛. Pāli: yam anumīyati tena
saṃkhaṃ gacchati, nó suy lường theo cái gì, nó được định danh theo cái đó. Xem them cht. kinh
16 dưới.
[44]. Pāli: rūpam... anuseti tam anumīyati, nó thiên chấp sắc, nó suy lường theo sắc.
[45]. S. 22. 35. Bhikkhu.
[46]. Tăng chư số 增諸數; không rõ nghĩa. Pāli: saṃkhaṃ gacchati, nghĩa đen: đi đến chỗ tính
toán; nghĩa bóng: được định danh, hay được định nghĩa. Tham chiếu S. 22. 35: yam anuseti tena
saṃkhaṃ gacchati: nó thiên chấp cái gì thì nó được định danh theo cái đó. Xem thêm cht. 43
kinh 15 trên.
[47]. S. 22. 68. Anattā, 69. Anattaniya.
[48]. Phi nhữ sở ưng chi pháp 非汝所應之法. Có lẽ Pāli: na­tumhākam, không phải của các
ngươi. Xem cht. 53 kinh 18 dưới.
[49]. Pāli: tam vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati, đoạn trừ pháp ấy sẽ dẫn đến lợi ích và an
lạc.
[50]. S.22. 33­34. Na­tumhākaṃ (không phải của các ông, so sánh dẫn Pāli cht.52 dưới).
[51]. Pāli: yam bhikkhave na tumhākaṃ, tam pajahatha, này các Tỳ­kheo, cái gì không phải là
của các người, hãy loại bỏ cái ấy.
[52]. Pāli: na hi no etam bhante attā vā attaniyam, bạch Thế Tôn, cái đó không phải là tự ngã
của con, cũng không phải là sở thuộc của tự ngã của con.
[53]. S. 22. 70. Rajanīyasaṇṭhitaṃ (sự cấu thành, hay tồn tại, bị ô nhiểm).
[54]. Pāli: yam kho bhikkhu rajanīyasaṇioḥitaṃ tatra te chando pahātabbo, Tỳ­kheo, cái gì là
môi trường cho sự ô nhiễm, nơi cái ấy người phải đoạn trừ sự ham muốn.
[55]. Pāli: rūpaṃ kho rajanīyasaṇṭhitaṃ, sắc là môi trường để bị tham nhiễm.
[56]. Nguyên văn trong bản Hán; theo đó, còn một kinh tên là "Thâm kinh" với nội dung hoàn
toàn như kinh trên.
34
[57]. S. 22. 63. Upādiyamāna; S.22. 64. Maññamāna.
[58]. Pāli: upādiyamāno baddho mārassa anupādiyamano mutto pāpimāto, khi chấp thủ thì bị
Ma trói chặt. Khi không chấp thủ thì thoát khỏi Ba­tuần (Ác ma).
[59]. Pāli: rūpaṃ upādiyamāno, khi chấp thủ sắc.
[60]. S. 22. 124­125. Kappo.
[61]. Kiếp­ba 劫波. Pāli: Kappo.
[62]. Câu hỏi của Kappa trong bản Pāli giống như của Rāhula, xem cht.64 kinh tiếp theo.
[63]. S. 22. 91. Rāhulo.
[64]. Pāli: kathaṃ nu kho bhante jānato kathaṃ passato imasmiñ ca saviñīaṇake kāye bahiddhā
ca sabbanimittesu ahaṅkāramamaṃkāramānānusayā na honti, Bạch Thế Tôn, do biết như thế
nào, thấy như nào mà trong thân có thức này cùng với các tướng bên ngoài không tồn tại các tùy
miên tác thành ngã, ngã sở và ngã mạn?
[65]. Phi ngã, bất dị ngã, bất tương tại 非我, 不異 我, 不相在. Pāli: n'etaṃ mama n'eso' ham
asmi na m' eso attā, cái này không phải của tôi, không phải là tôi; nó không phải là tự ngã của
tôi.
[66]. Bình đẳng huệ 平等慧. Pāli: sammappañāya, bằng chánh trí, hay nhận thức chân chánh.
[67]. Hán: chánh vô gián đẳng 正無間等: nghĩa đen: hoàn toàn không bị trở ngại. Trong các
kinh khác, nhóm từ này tương đương Pāli: abhisamaya: hiện quán, chỉ sự quán chiếu và chứng
ngộ bốn Thánh đế; xem thêm cht.18 kinh 105.
[68]. Pāli, S.22. 92. Rāhulo.
[69]. Không thấy Pāli tương đương.
[70]. Xem cht.73 kinh 26 dưới.
[71]. Pāli, S. 22. 115­116. Kathika.
[72]. Pháp sư 法師. Pāli: dhammakathiko.
[73]. Pāli: rūpassa ce bhikkhu nibbidāya virāgāya nirodhāya dhammaṃ deseti, nếu vị ấy nói
pháp dẫn đến sự yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc.
[74]. Pāli, S. 22. 39­41. Anudhamma.
35
[75]. Pháp thứ pháp hướng 法次法向, hướng đến pháp và thứ pháp, hay tu tập hướng theo tính
tuần tự của pháp; cũng nói là pháp tùy pháp hành. Pāli: dhammānudhamma­paṭipanno, thực hành
pháp và tùy pháp; thực hành tùy thuận theo pháp. Tập dị môn luận 6: "Thế nào là pháp tùy pháp
hành? Sự xuất ly được dẫn sinh bởi như lý tác ý, các pháp thiện thù thắng được phát sanh bởi
viễn ly, tu tập vững chắc, tinh cần không gián đoạn; như vậy gọi là pháp tùy pháp hành."
[76]. Pāli: rūpassa ce... nibbidāya virāgāya nirodhāya paṭipanno hoti, là sự thực hành dẫn đến
sự yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc.
[77]. Pāli, tham chiếu các kinh S.. 22. 155­116 Kathika, 33. 154. Kathika.
[78]. Đắc kiến (hiện) pháp niết bàn 得見法涅槃. Xem cht. dưới.
[79]. Pāli: rūpassa ce nibbidā virāgā nirodhā anupādā vimutto hoti, diṭṭhadhamme nibbānapatto,
do yểm ly, ly tham, diệt tận đối với sắc mà giải thoát không chấp thủ, đó là chứng đắc Niết­bàn
ngay trong hiện tại.
[80]. Pāli, tham chiếu S. 22. 115. Kathika.
[81]. Pāli, S. 22. 49. Soṇa.
[82]. Thâu­lũ­na 輸屢那. Pāli: Soṇo gahapatiputto.
[83]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
[84]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
[85]. Hán: sắc diệt đạo tích 色滅道跡. Pāli: rūpa­nirodhagāminiṃ­paṭipadaṃ, sự thực hành dẫn
đến diệt tận của sắc.
[86]. Tham chiếu kinh 30, cht.83 trên.
36
TẠP A­HÀM QUYỂN 2
KINH 33. PHI NGÃ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Sắc không phải là ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sanh và cũng không
thể có ước muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên ở nơi
sắc có bệnh, khổ sanh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như vậy đối với sắc.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Tỳ­kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Tỳ­kheo, nếu là vô thường, thì có phải là khổ?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
"Vậy, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy
là có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[2]?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Không nên, bạchThế Tôn."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Cho nên, Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã,
không phải khác ngã, hay không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy.
"Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử, đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật chúng là chẳng
phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như thật rồi, thì đối với thế gian không có gì phải chấp
thủ. Vì đã không có gì để chấp thủ, nên cũng không có gì để đắm trước. Vì đã không có gì để
đắm trước, nên tự giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.'"
37
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 34. NGŨ TỲ­KHEO[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại.
Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ­kheo:
"Sắc không có ngã[4]. Nếu sắc mà có ngã, thì bệnh, khổ không thể sanh nơi sắc được, cũng
không thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không như vầy đối với sắc được. Vì sắc là vô
ngã, cho nên nơi sắc bệnh, khổ sanh và cũng có thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không
như vầy được. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Tỳ­kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Là vô thường, bạch Thế Tôn."
"Tỳ­kheo, vô thường là khổ chăng?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Là khổ, bạch Thế Tôn."
"Tỳ­kheo, vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc có nên thấy
là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Không nên, bạch Thế Tôn."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Cho nên, Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát như thật tất cả
chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải là ngã sở. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Này Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật, thấy chẳng
phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với thế gian đều không có gì để thủ. Vì
không có gì để thủ, nên không có gì để đắm trước. Vì không có gì để đắm trước, cho nên tự giác
38
ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 35. TAM CHÁNH SĨ [5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tinh xá Trúc viên, tại Chi­đề.
Bấy giờ có ba vị Chánh sĩ[6] mới xuất gia. Đó là Tôn giả A­nậu­luật­đà[7], Tôn giả Nan­đề[8],
Tôn giả Kim­tỳ­la[9].
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm họ đang nghĩ những gì, nên răn dạy họ rằng:
"Tỳ­kheo, đây là tâm, đây là ý, đây là thức. Hãy tư duy điều này. Chớ tư duy điều này. Hãy đoạn
trừ dục này, đoạn trừ sắc này, tự thân tác chứng, thành tựu và an trụ.
"Tỳ­kheo, có sắc nào là thường còn, không biến dịch, tồn tại mãi không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch không, Thế Tôn."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Sắc là vô thường, là pháp biến dịch, yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh.
Sắc như vậy từ xưa tới nay, tất cả đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Khi đã biết như vậy rồi,
thì tất cả các lậu, hại, xí nhiên, ưu não đã từng duyên vào sắc này mà sanh ra, thảy đều bị đoạn
diệt. Khi đã đoạn diệt rồi, thì không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để chấp trước rồi,
thì sống an lạc. Khi đã sống an lạc rồi, thì đạt được Bát­niết­bàn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức
lại cũng như vậy."
Khi Đức Phật nói kinh này, ba vị Chánh sĩ lậu hoạêc không còn khởi lên nữa, tâm được giải
thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 36. THẬP LỤC TỲ­KHEO[10]
Tôi nghe như vầy:
Khi Đức Phật ở trong vườn xoài Tán cái, bên bờ sông Bạt­đề, nước Ma­thâu­la[11].
39
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy an trú nơi hòn đảo chính mình[12], an trú nơi nương tựa chính mình[13], an trú nơi hòn
đảo pháp[14], an trú nơi nương tựa pháp[15], chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nương
tựa nơi nào khác.
"Tỳ­kheo hãy quán sát chân chánh, an trú nơi hòn đảo chính mình, an trú nơi nương tựa chính
mình, an trú nơi hòn đảo pháp, an trú nơi nương tựa pháp, chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác,
hay nơi nương tựa nào khác.
"Do nhân gì mà ưu, bi, khổ, não sanh? Tại sao có bốn? Do bởi đâu bị cái gì trói buộc[16]? Làm
sao tự quán sát, ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh; ưu, bi, khổ, não đã sanh nay lại tăng trưởng
rộng?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con mà
nói, sau khi chúng con nghe xong, sẽ y như những lời dạy mà làm theo."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, có sắc, nhân sắc mà trói buộc vào sắc; tự quán sát ưu, bi, khổ, não chưa sanh
nay sanh, đã sanh rồi nay lại tăng trưởng rộng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Tỳ­kheo, có sắc nào là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi không?"
Đáp:
"Bạch không, Thế Tôn."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo, sắc là vô thường. Nếu thiện nam tử biết sắc là vô thường, khổ,
biến dịch, dục, diệt tận, tịch tĩnh; từ xưa tới nay tất cả sắc đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch;
biết rồi, nếu sắc là nhân duyên sanh ra ưu, bi, khổ, não, thì nên đoạn trừ chúng. Khi đã đoạn trừ
rồi, thì không còn gì để chấp trước. Vì không chấp trước nên sống an vui. Khi đã sống an vui rồi,
thì đó gọi là Niết­bàn. Đối với thọ tưởng, hành và thức lại cũng như vậy."
Khi Đức Phật nói kinh này, thì mười sáu Tỳ­kheo không sanh các lậu, tâm đạt được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
40
Trúc viên, Tỳ­xá­ly,
Thanh tịnh, chánh quán sát,
Vô thường, khổ, phi ngã,
Năm, ba và mười sáu.
KINH 37. NGÃ[17]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta không tranh luận với thế gian. Thế gian tranh luận với Ta. Vì sao vậy? Tỳ­kheo, nếu người
nào nói đúng pháp, thì người ấy không tranh luận với thế gian.
"Những gì người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có. Thế nào là người trí thế gian nói có, Ta cũng
nói có? Tỳ­kheo, sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói có, Ta cũng nói
có. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói
có, thì Ta cũng nói có.
"Những gì người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không. Thế nào là người trí thế gian nói
không, Ta cũng nói không? Tỳ­kheo, sắc thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi, là điều
người trí thế gian nói là không, thì Ta cũng nói là không. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là
thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi; là điều người trí nói không, thì Ta cũng nói
không. Đó gọi là người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không.
"Tỳ­kheo, có những pháp thế gian, ở trong thế gian[18], Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì
mọi người mà phân biệt, giảng nói, hiển thị, nhưng những kẻ mù không có mắt trong thế gian đã
không biết, không thấy, đó không phải là lỗi của Ta.
"Tỳ­kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì
mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết không
thấy? Tỳ­kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian.
Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.
"Tỳ­kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi
người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy.
Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
41
KINH 38. TY HẠ[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Người đời làm nghề thấp hèn, bằng đủ mọi cách mưu sinh tìm cầu của cải, mà được giàu sang;
điều đó người đời ai cũng biết. Như điều mà người đời biết, Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Chớ
nghĩ Ta khác người đời.
"Tỳ­kheo, giống như cùng một món đồ, có nơi người ta gọi là kiền­tỳ, có nơi gọi là bát, có nơi
gọi là chủy­chủy­la, có nơi gọi là giá­lưu, có nơi gọi là tỳ­tất­đa, có nơi gọi là bà­xà­na, có nơi
gọi là tát­lao[20], theo sự hiểu biết chỗ này hay chỗ kia. Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Đừng nghĩ
Ta khác người đời.
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, có pháp thế gian mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi
người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy.
Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được."
"Tỳ­kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì
mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không
thấy? Tỳ­kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian.
Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.
"Tỳ­kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự biết, tự thấy,... cho đến, những kẻ
mù không mắt, không biết không thấy, thì Ta làm gì được!"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 39. CHỦNG TỬ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có năm loại hạt giống. Năm loại đó là gì? Đó là, hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân, hạt giống từ
đốt[22], hạt giống tự rụng, hạt giống từ quả. Năm loại hạt giống này tuy không bị gián đoạn,
không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió[23], vừa chín, chắc hạt, có đất, nhưng
nếu không có nước[24], thì những loại hạt giống đó không thể sanh trưởng lớn mạnh được. Nếu
những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, tuy không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không
bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, nhưng nếu không có đất, thì chúng cũng không sanh
trưởng lớn mạnh được. Nếu những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, mà không bị gián
42
đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, có đất đầy đủ, thì những
hạt giống này sẽ sanh trưởng lớn mạnh.
"Tỳ­kheo, năm loại hạt giống này được ví cho các thọ ấm cùng hiện hữu với thức. Đất được ví
cho bốn thức trụ[25]. Nước được ví cho hỷ tham[26]. Bốn thủ[27] vin bám nơi thức mà trụ. Bốn
là những gì? Thức trụ ở trong sắc, vin bám sắc, hỷ tham được ướt nhuần, sanh trưởng lớn mạnh.
Cũng vậy, thức trụ trong thọ, tưởng và hành, vin bám thọ, tưởng, hành, hỷ tham được ướt nhuần,
sanh trưởng lớn mạnh.
"Tỳ­kheo, thức ở trong đó, hoặc đến, hoặc đi, hoặc hiện, hoặc mất, hoặc sanh trưởng lớn mạnh.
"Tỳ­kheo, nếu lìa sắc, thọ, tưởng, hành mà thức có đến, có đi, có hiện, có mất, có sanh, thì chỉ có
trên ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến thì sẽ không biết, càng làm cho si mê, vì không phải là cảnh
giới.
"Đối với sắc giới mà lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, sự trói buộc bởi ý sanh[28] và sự ngưng trệ
nơi sắc bị đoạn trừ[29]. Khi sự trói buộc bởi ý sanh[30] và sự ngưng trệ nơi thức bị đoạn trừ rồi,
thì sự vin bám bị cắt đứt[31]. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để
sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng và hành giới[32] lìa tham. Khi đã lìa
tham rồi, thì ý sanh xúc[33] và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ. Khi ý sanh xúc và sự ngưng trệ
nơi hành bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng
không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Vì đã không sanh trưởng cho nên không tác
hành[34]. Khi đã không tác hành, thì trụ vững[35]. Do an trụ vững mà tri túc. Do tri túc mà giải
thoát.[36] Do giải thoát mà đối với các thế gian không còn gì để thủ, không còn gì để chấp trước.
Khi đã không còn gì để thủ và không còn gì để chấp trước, do đó tự mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta,
sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh
đời sau nữa.'
"Ta nói thức này, không đi sang Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên, dưới. Nó không đi đến
đâu cả, mà chỉ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết­bàn, tịch diệt, thanh lương, thanh tịnh, chân
thật[37]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 40. PHONG TRỆ[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Phong trệ[39], thì không giải thoát. Không phong trệ, thì được giải thoát.
"Thế nào là phong trệ không giải thoát?
43
"Tỳ­kheo, thức vin bám vào bốn thủ ấm mà trụ. Bốn là những gì? Thức bị phong trệ bởi sắc mà
trụ. Cũng vậy, thức bị phong trệ bởi thọ, tưởng và hành mà trụ... cho đến chẳng phải là cảnh
giới.[40] Đó gọi là phong trệ nên không giải thoát.
"Thế nào là không bị phong tỏa trì trệ, thì giải thoát?
"Đối với sắc giới ly tham; với thọ, tưởng, hành mà ly tham... cho đến thanh lương, thanh tịnh,
chân thật. Đó gọi là không bị phong trệ, thì được giải thoát."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 41. NGŨ CHUYỂN[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có năm thọ ấm. Đó là sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ta đối với năm thọ ấm này, có
năm như thật tri[42]. Như thật tri về sắc, về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về tai hại của
sắc và về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, như thật tri về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức,
về vị ngọt của thức, về tai hại của thức và về sự xuất ly thức.
"Thế nào là như thật tri về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại sanh ra. Đó
gọi là sắc. Như vậy, như thật tri về sắc.
"Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của sắc? Đối với sắc mà có hỷ ái. Đó gọi là sự tập khởi
của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của sắc.
"Thế nào là như thật tri về vị ngọt của sắc? Do duyên vào sắc mà sanh ra hỷ lạc. Đó gọi là vị
ngọt của sắc. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của sắc.
"Thế nào là như thật tri về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi
là sự tai hại của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của sắc.
"Thế nào là như thật tri về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ
được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy, như thật tri về sự
xuất ly sắc.
"Thế nào là như thật tri về thọ? Có sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ nhãn xúc, thọ phát sanh từ tai,
mũi, lưỡi, thân và ý xúc. Đó gọi là sáu thọ. Như vậy, như thật tri về thọ.
"Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như
vậy, như thật tri về sự tập khởi của thọ.
44
"Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc duyên vào sáu thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt
của thọ. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thọ.
"Thế nào là như thật tri về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi
là tai hại của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thọ.
"Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thọ? Đối với thọ mà điều phục được dục tham, đoạn trừ
được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là lìa thọ. Như vậy, như thật tri về sự lìa thọ.
"Thế nào là như thật tri về về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh bởi nhãn xúc; tưởng
phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là tưởng. Như vậy, như thật tri về tưởng.
"Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của tưởng? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của tưởng.
Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của tưởng.
"Thế nào là như thật tri về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc do duyên vào tưởng mà sanh. Đó gọi là vị
ngọt của tưởng. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của tưởng.
"Thế nào như thật tri về sự tai hại của tưởng? Tưởng là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó
gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của tưởng.
"Thế nào là như thật tri về sự xuất ly tưởng? Đối với tưởng mà điều phục được dục tham, đoạn
trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa tưởng. Như vậy, như thật tri về sự
lìa tưởng.
"Thế nào là như thật tri về sự hiện hữu của hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh bởi nhãn xúc. Tư
phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là hành. Như vậy, như thật tri về hành.
"Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành.
Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của hành.
"Thế nào là như thật tri về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh. Đó gọi là vị
ngọt của hành. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của hành.
"Thế nào gọi là như thật tri về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch.
Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của hành.
"Thế nào là như thật tri về sự xuất ly hành? Đối với hành mà điều phục được dục tham, đoạn trừ
được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy, như thật tri về sự
xuất ly hành.
"Thế nào là như thật tri về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, thức của tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Đó gọi là thức. Như vậy, như thật tri về thức.
45
"Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của sắc là sự tập khởi của thức. Như
vậy, như thật tri về sự tập khởi của thức.
"Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên vào thức mà sanh. Đó gọi là vị
ngọt của thức. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thức.
"Thế nào là như thật tri về sự tại hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi
là sự tai hại của thức. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thức.
"Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thức? Đối với thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ
được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thức. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly
của thức.
"Tỳ­kheo, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, đối với sắc mà biết như vậy, mà thấy như vậy, thì do biết
như vậy, thấy như vậy người đó hướng đến ly dục, đó gọi là chánh hướng[43]. Nếu người nào
hướng đến chân chánh, thì ta nói người đó đã được thể nhập[44]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức
lại cũng như vậy.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật; do biết như thật, thấy
như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát. Nếu
người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhứt[45]. Người nào đã được thuần
nhứt, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế[46]. Đó gọi
là biên tế của khổ[47]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 42. THẤT XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bảy xứ thiện[48], với ba phương pháp quán nghĩa[49], hoàn toàn[50] ở trong trong pháp này
mà chứng đắc lậu tận[51], đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri,
tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì
cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Tỳ­kheo, thế nào là bảy xứ thiện? Tỳ­kheo biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của
sắc, về sự tận diệt của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai
hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về
sự tập khởi của thức, về sự tận diệt của thức, về con đường đưa đến sự diệt tạân của thức, về vị
ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức.
46
"Thế nào là biết như thật về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra. Đó
gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc? Ái hỷ là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết
như thật về sự tập khởi của sắc
"Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của sắc? Ái hỷ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc. Như
vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc? Là tám Thánh đạo: Chánh
kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh
định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường
đưa đến sự tận diệt của sắc.
"Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Hỷ lạc do duyên vào sắc mà sanh. Đó gọi là vị ngọt
của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.
"Thế nào là biết như thật về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi
là sự tai hại của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của sắc.
"Thế nào là biết như thật về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục
tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly
sắc.
"Thế nào là biết như thật về sự hiện hữu của thọ? Có sáu loại thọ: mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai,
mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sanh ra thọ, đó gọi là sự hiện hữu của thọ. Như vậy là biết như thật
về sự hiện hữu của thọ.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như
vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.
"Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của thọ? Khi xúc diệt, thì đó là sự diệt tận của thọ. Như
vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ? Là tám Thánh đạo: Chánh
kiến... cho đến chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của thọ. Như vậy là biết như
thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ.
"Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc do duyên thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của
thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.
"Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là biến dịch. Đó gọi là sự
tai hại của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thọ.
"Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thọ? Nếu ở nơi thọ mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục
tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thọ. Như vậy là biết như thật về sự lìa thọ.
47
"Thế nào là biết như thật về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng
phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của tưởng. Như vậy là biết như
thật về sự hiện hữu của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng? Tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như
vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng? Diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết
như thật về sự đoạn diệt của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng? Là tám Thánh đạo: Chánh
kiến... cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự đoạn diệt của tưởng. Như vậy là biết
như thật về con đường đoạn diệt của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc nhờ duyên vào tưởng mà sanh ra. Đó gọi
là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về sự tai hại của tưởng? Tưởng làø vô thường, khổ, là pháp biến dịch.
Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của tưởng.
"Thế nào là biết như thật về sự xuất ly tưởng? Nếu ở nơi tưởng mà điều phục dục tham, đoạn trừ
dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự
xuất ly tưởng.
"Thế nào là biết như thật về hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ
xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của hành.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành.
Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành.
Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo: Chánh
kiến cho đến chánh định. Đóù gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết
như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh ra, nên gọi là vị
ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.
"Thế nào là biết như thật về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó
gọi là sự tai hại của hành. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của hành.
48
"Thế nào là biết như thật về sự xuất ly hành? Nếu ở nơi hành mà điều phục dục tham, đoạn trừ
dục tham, vượt qua được dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy là biết như thật về sự
xuất ly hành.
"Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi
là sự hiện hữu của thức. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thức.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của
thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức? Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức.
Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức? Là tám Thánh đạo: Chánh
kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như
thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.
"Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt
của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.
"Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó
gọi là sự tai hại của thức. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thức.
"Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thức? Nếu ở nơi thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ
dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly thức. Như vậy là biết như thật về sự xuất
ly thức.
"Tỳ­kheo, đó gọi là bảy xứ thiện.
"Thế nào là ba phương pháp quán nghĩa? Nếu, Tỳ­kheo ở nơi hoang vắng, dưới gốc cây, hay nơi
đồng trống, quán sát ấm, giới, nhập[52] bằng phương tiện chân chánh[53] mà tư duy nghĩa của
chúng. Đó gọi là ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ­kheo.
"Đó gọi là bảy xứ thiện và ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ­kheo, hoàn toàn ở trong trong
pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà
tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng, 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những
gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 43. THỦ TRƯỚC[54]
Tôi nghe như vầy:
49
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chấp thủ nên sanh đắm trước[55]. Không chấp thủ, không đắm trước. Hãy lắng nghe và suy
nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói."
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng, chúng con xin theo lời dạy."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Thế nào là do chấp thủ nên sanh đắm trước? Phàm phu ngu si không học, đối với sắc thấy là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[56]; thấy sắc là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp
thủ, nếu sắc kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo[57]. Khi tâm đã chuyển
theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ[58]. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại
tâm loạn[59], do thủ trước[60] vậy.
"Phàm phu ngu si vô học, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau;
thấy thức là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu thức kia chuyển biến hay đổi
khác, thì tâm cũng chuyển theo. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm
mà trụ. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn; do thủ trước vậy. Đó gọi là thủ trước.
"Thế nào là không thủ, thì không đắm? Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy ngã, khác ngã,
hay ở trong nhau; ở nơi sắc không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở
để mà chấp thủ, khi sắc kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm
không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ,
không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy.
"Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi thức
không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi thức
kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không
sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng
ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy. Đó gọi là không thủ trước.
"Đó gọi là thủ trước và không thủ trước."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 44. HỆ TRƯỚC[61]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
50
"Nếu có sanh thì sẽ có trói buộc[62], nếu không sanh thì sẽ không có trói buộc. Hãy lắng nghe và
suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là nếu có sanh thì sẽ có trói buộc? Phàm phu ngu si vô học, không biết như thật về sự
tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối
với sắc mà ái hỷ, tán thán, thủ trước; ở nơi sắc thấy là ngã, là ngã sở mà chấp thủ. Khi đã chấp
thủ rồi, nếu sắc kia biến chuyển hay đổi khác, tâm theo đó mà biến khác. Vì tâm theo đó biến
khác, nên nắm giữ tâm mà trụ[63]. Vì nắm giữ tâm trụ nên sanh sợ hãi, chướng ngại, hoài
vọng[64]. Vì có sanh nên có sự trói buộc[65]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Đó gọi là có sanh nên có sự trói buộc.
"Thế nào là nếu không sanh thì không trói buộc? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi
của sắc, về sự tận diệt của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Vì
đã biết như thật, nên không ái hỷ, tán thán, thủ trước; không buộc chặt ngã và ngã sở, mà chấp
thủ. Vì không chấp thủ nên sắc kia nếu biến chuyển hay đổi khác, tâm không theo đó mà biến
khác. Vì tâm không theo sự biến khác, nên tâm không bị trói buộc, nắm giữ tâm mà trụ. Do
không nắm giữ tâm mà trụ, nên tâm không sợ hãi, chướng ngại, hoài vọng; vì không sanh nên
không trói buộc vậy. Đó gọi là không sanh, nên không có trói buộc.
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là không sanh, nên không bị trói buộc."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 45. GIÁC[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Nếu có những
Sa­môn, Bà­la­môn nào thấy có ngã, thì tất cả cũng đều ở nơi năm thọ ấm này mà thấy có ngã.
Các Sa­môn, Bà­la­môn thấy sắc là ngã, sắc là khác ngã, hay ngã ở trong sắc, sắc ở trong
ngã[67]; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, ngã ở trong thức, thức ở trong ngã.
"Phàm phu ngu si vô học vì vô minh nên thấy sắc là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau và nói
ngã là chân thật nên không xả. Vì không xả nên các căn tăng trưởng. Khi các căn đã tăng trưởng
rồi, thì sẽ sanh ra các xúc. Do bị xúc chạm bởi sáu xúc nhập xứ[68], do đó phàm phu ngu si vô
học khởi lên cảm giác khổ vui, từ xúc mà nhập xứ khởi lên. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ,
nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xúc nhập xứ.
"Như vậy, Tỳ­kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới. Kẻ phàm phu ngu si vô học, vì vô minh
xúc[69] cho nên khởi lên ý tưởng có, ý tưởng không, ý tưởng vừa có vừa không, ý tưởng ta hơn,
51
ý tưởng ta bằng, ý tưởng ta kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Những ý tưởng biết như vậy, những ý
tưởng thấy như vậy đều do sáu xúc–nhập xứ mà phát sanh.
"Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu xúc–nhập xứ này, xả bỏ vô minh mà sanh minh. Không sanh ra
ý tưởng về có, ý tưởng về không, ý tưởng về vừa có vừa không, ý tưởng hơn, ý tưởng bằng, ý
tưởng kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, thì những gì do vô
minh–xúc khởi lên trước kia sẽ bị diệt và cảm thọ phát sanh do minh xúc sau đó sẽ khởi lên."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 46. TAM THẾ ẤM THẾ THỰC[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào nhờ trí túc mạng tự biết rõ những đời sống trước của mình, thì việc
đã biết, đang biết, sẽ biết đều phát xuất từ năm thọ ấm này. Việc đã biết đang biết, sẽ biết về đời
quá khứ của ta đã từng trải qua, có sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức
như vậy.
"Cái gì có thể phân tán, trở ngại[71], thì cái đó gọi là sắc thọ ấm[72]. Như bàn tay, đá, gậy, dao,
bị trở ngại bởi ngón tay; hoặc do lạnh, nóng, khát, đói, hoặc do xúc bởi muỗi mòng, độc trùng,
mưa gió; đó gọi là trở ngại do xúc[73]. Cho nên, chướng ngại, đó là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc thọ
ấm này là vô thường, khổ, biến dịch.
"Những tướng cảm nhận, đó là thọ thọ ấm[74]. Cảm nhận cái gì? Cảm nhận sự khổ, cảm nhận sự
lạc, cảm nhận sự không khổ không lạc. Cho nên gọi tướng cảm nhận là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ
thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch.
"Các tưởng, là tưởng thọ ấm[75]. Tưởng cái gì? Tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng, hoàn
toàn không có gì tưởng là không có gì. Đó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này là vô
thường, khổ, là pháp biến dịch.
"Tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm[76]. Tạo tác cái gì? là tạo tác sắc, tạo tác thọ, tưởng, hành
và thức. Cho nên tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm.
"Lại nữa, hành thọ ấm này là pháp vô thường, khổ, biến dịch.
"Tướng phân biệt biết rõ là thức thọ ấm[77]. Biết rõ cái gì? Là biết rõ sắc, biết rõ thanh, hương,
vị, xúc và pháp, cho nên gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm là pháp vô thường, khổ, biến
dịch.
52
"Này các Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử kia đối với sắc thọ ấm kia phải học như vầy, 'Ta nay bị
sắc hiện tại ăn[78]. Quá khứ đã từng bị sắc kia ăn, như trong hiện tại.' Lại nghĩ như vầy: 'Nay ta
đang bị sắc hiện tại ăn, nếu mà ta ham muốn sắc vị lai, thì cũng sẽ bị sắc kia ăn như trong hiện
tại.' Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm sắc quá khứ, không ham muốn sắc vị lai, đối
với sắc hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt hết tai hại, hướng đến tịch diệt. Đa văn Thánh đệ tử đối
với thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm hãy học như vầy, 'Ta nay bị thức hiện tại ăn. Quá khứ đã từng
bị thức kia ăn, như trong hiện tại. Nếu mà ta ham muốn thức vị lai, thì cũng sẽ bị thức kia ăn như
trong hiện tại.' Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm thức quá khứ, không ham muốn thức
vị lai, đối với thức hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt tận[79], hướng đến tịch diệt. Ở đây, diệt chứ
không tăng, lui chứ không tiến, diệt chứ không khởi, xả chứ không thủ[80].
"Ở nơi cái gì diệt mà không tăng? Sắc diệt mà không tăng. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không
tăng.
"Ở nơi cái gì lùi mà không tiến? Sắc lùi mà không tiến. Thọ, tưởng, hành, thức lùi mà không
tiến.
"Ở nơi cái gì diệt mà không khởi? Sắc diệt mà không khởi. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không
khởi.
"Ở nơi cái gì xả mà không thủ? Sắc xả mà không thủ. Thọ, tưởng, hành, thức xả mà không thủ.
"Diệt chứ không tăng, tịch diệt mà an trụ. Lùi chứ không tiến, im lặng lui mà an trụ. Diệt chứ
không khởi, tịch diệt mà an trụ. Xả chứ không thủ, không sanh ra sự trói buộc. Không bị trói
buộc, nên tự mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc gì cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Đức Phật nói kinh này số đông các Tỳ­kheo không khởi các lậu, tâm được giải thoát."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Ngã, ty hạ, chủng tử,
Phong trệ, ngũ chuyển, thất (xứ thiện)
Hai hệ trước và giác,
Tam thế ấm thế thực.
KINH 47. TÍN[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
53
"Thiện nam có lòng tin, cần suy nghĩ như vầy: 'Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu
tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ,
tưởng, hành, thức.' Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều, về yểm ly đối
với sắc; an trụ với sự tu tập tu tập nhiều, về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với
sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly. Do yểm ly mà ly dục, giải thoát,
giải thoát tri kiến, biết rằng 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 48. A­NAN (1)[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Thiện nam tử có lòng tin, chánh tín xuất gia, sống không gia đình, tự nghĩ: 'Ta nên thuận theo
pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập
nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.' Thiện nam tử có lòng tin bèn an trụ với sự tu
tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập, tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ,
tưởng, hành, thức, nên đối với sắc được yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức được yểm ly[83].
Ta nói người ấy chắc chắn sẽ được thoát ly khỏi tất cả sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 49. A­NAN (2)[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu có trưởng giả hay người con trưởng giả nào có lòng tin, đến hỏi ngươi rằng, 'Ở nơi pháp
nào mà biết rõ được sự sanh diệt của nó?' thì ngươi sẽ trả lời như thế nào?"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu có trưởng giả hay con trưởng giả nào, đến hỏi con như vậy, thì con sẽ đáp
rằng, 'Biết sắc là pháp sanh diệt; biết thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt.' Bạch Thế Tôn,
nếu có trưởng giả hay con trưởng giả nào hỏi như vậy, thì con sẽ trả lời như vậy."
54
Phật bảo Tôn giả A­nan:
"Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Vì sắc là pháp sanh diệt; thọ, tưởng, hành,
thức là pháp sanh diệt. Biết sắc là pháp sanh diệt, thì đó gọi là biết sắc. Biết thọ, tưởng, hành,
thức là pháp sanh diệt, thì đó gọi là biết... thức."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 50. A­NAN (3)[85]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu có các ngoại đạo xuất gia đến hỏi ngươi rằng, 'A­nan, vì sao Thế Tôn dạy người tu các
phạm hạnh.' Được hỏi như vậy, nên đáp thế nào?"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia đến hỏi con rằng, 'A­nan, vì sao Thế Tôn dạy
người tu các phạm hạnh?' Thì con sẽ trả lời rằng, 'Vì để đối với sắc, tu tập yểm ly, ly dục, diệt
tạân, giải thoát, không sanh, nên Đức Thế Tôn dạy tu các phạm hạnh. Vì để đối với thọ, tưởng,
hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh.'
Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia hỏi như vậy, thì con cũng sẽ đáp như vậy."
Phật bảo Tôn giả A­nan:
"Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Thật vậy, Ta vì đối với sắc mà tu tập yểm
ly, lìa dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh. Và vì đối với thọ, tưởng,
hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 51. HOẠI PHÁP[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
55
"Nay Ta sẽ vì các ông nói pháp hoại và bất hoại[87]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các
ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, sắc là pháp hoại. Sắc kia diệt, Niết­bàn là pháp bất hoại[88]. Thọ, tưởng,
hành, thức là pháp hoại. Thức kia diệt, Niết­bàn, là pháp bất hoại."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 52. UẤT­ĐÊ­CA
Như trong Tăng Nhất A­hàm, phẩm Bốn pháp.
KINH 53. BÀ­LA­MÔN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân­thứ[89], phía Bắc tụ lạc Tát­la
thuộc nước Câu­tát­la[90].
Bấy giờ chủ tụ lạc Bà­la­môn Đại Tánh nghe đồn rằng, "Sa­môn dòng họ Thích, ở nơi dòng họ
lớn Thích­ca mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa, chánh tín xuất gia, học đạo, sống không gia đình,
thành Bậc Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thânthứ, phía Bắc tụ lạc Tát­la thuộc nước Câu­tát­la này. Lại nữa, Sa­môn Cù­đàm này, tướng mạo
danh xưng, công đức chân thật như vậy được cả trời và người ca tụng, tiếng đồn bay khắp tám
phương; là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở giữa các cõi,
chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn, với trí tuệ rộng lớn có thể tự mình chứng biết rõ
rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.' Ngài vì đời nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều toàn
thiện; có nghĩa, có vị đều thiện, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, diễn nói chánh
pháp vi diệu. Lành thay, nên gặp! Lành thay, nên đi đến! Lành thay, nên cung kính thừa sự!"
Nghĩ như vậy rồi, ông liền sửa soạn xe cộ, đem theo nhiều tùy tùng, bưng bình vàng, người cầm
lọng cán vàng, đi đến chỗ Đức Phật, cung kính phụng sự. Khi đến cửa rừng, xuống xe đi bộ đến
chỗ Đức Thế Tôn, hỏi thăm sức khỏe có an lành không? Rồi ngồi qua một bên, bạch Đức Thế
Tôn rằng:
"Thưa Sa­môn Cù­đàm, Ngài luận về cái gì? Và thuyết về cái gì?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta luận về nhân và thuyết về nhân."
56
Lại bạch Phật rằng:
"Thế nào là luận về nhân? Và thế nào là thuyết về nhân?"
Đức Phật bảo Bà­la­môn:
"Có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có
nhân, có duyên để thế gian diệt; có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian."
Bà­la­môn bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, thế nào là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi? Và có nhân, có duyên cho sự
tập khởi của thế gian?"
Đức Phật bảo Bà­la­môn:
"Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của
sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ái lạc
sắc, khen ngợi sắc, tâm nhiễm đắm mà trụ. Kia đối với sắc mà ái lạc nên sanh thủ; duyên thủ nên
có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó chính là sự tập
khởi của toàn bộ khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, lại cũng như vậy. Này Bà­la­môn,
đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế
gian."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Thế nào là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận? Và có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế
gian?"
Đức Phật bảo Bà­la­môn:
"Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của
sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật, đối với sắc không ái lạc, không
khen ngợi, không nhiễm đắm, không lưu trú. Không ái lạc, không lưu trú, nên sắc ái bị diệt; ái
diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, tử, ưu, bi, khổ,
não diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Này Bà­la­môn, đó gọi là có nhân, có
duyên để thế gian diệt tận; cũng gọi là có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.
"Này Bà­la­môn, đó gọi là luận nhân, đó gọi là thuyết nhân."
Bà­la­môn bạch Phật rằng:
"Thưa Cù­đàm, luận nhân là như vậy, thuyết nhân là như vậy. Tôi bận nhiều việc thế gian, nay
xin từ giã ra về."
57
Phật bảo Bà­la­môn:
"Nên biết đúng thời."
Phật nói kinh này xong, các Bà­la­môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, lễ dưới
chân rồi lui.
KINH 54. THẾ GIAN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba­la­nại.
Bấy giờ có Bà­la­môn tại tụ lạc Tỳ­ca­đa­lỗ­ca, đến chỗ Đức Phật, cung kính thăm hỏi, rồi ngồi
qua một bên, bạch Phật rằng:
"Thưa Cù­đàm, tôi có một đệ tử trẻ, biết thiên văn, biết chủng tộc, xem tướng tốt, xấu cho mọi
người; nói có, ắt là có; nói không, ắt là không; nói thành, ắt là thành; nói hoại, ắt là hoại. Thưa
Cù­đàm, ý ngài nghĩ sao?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Hãy gác qua việc đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc. Nay Ta hỏi ông, tùy theo ý
ông mà trả lời.
"Này Bà­la­môn, ý ông nghĩ sao, sắc vốn không có chủng loại chăng?"
Đáp:
"Đúng vậy, Thế Tôn."
"Thọ, tưởng, hành, thức vốn không có chủng loại chăng?"
Đáp:
"Đúng vậy, Thế Tôn."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ông bảo rằng đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người mà nói như vầy:
Nói có, ắt là có; nói không, ắt là không. Vậy cái biết cái thấy này không phải là không thật
chăng?"
Bà­la­môn bạch Phật:
58
"Đúng vậy, Thế Tôn."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ý ông nghĩ sao? Có loại sắc nào còn mãi trăm năm không? khác với sanh, khác với diệt chăng?
Thọ, tưởng, hành, thức còn mãi trăm năm chăng? Hay khác với sanh, khác với diệt chăng?"
Đáp:
"Đúng vậy, Thế Tôn.
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ý ông nghĩ sao? Đệ tử trẻ của ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người nói là thành chứ
không hoại; vậy cái biết, cái thấy này không phải là không thay đổi chăng?"
Đáp:
"Đúng vậy, Thế Tôn."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ý ông nghĩ sao? Pháp này và pháp kia; thuyết này và thuyết kia, quan điểm nào hơn?"
Bà­la­môn bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, ở đây là nói như pháp, như những gì Đức Phật đã nói, hiển bày, khai mở. Cũng
như có người bị chìm xuống nước được cứu hộ, người bị tù tội được giải thoát ra, người lạc
đường được chỉ nẻo đi, nơi tăm tối được đèn sáng. Hôm nay, Đức Thế Tôn khéo nói pháp thù
thắng, cũng lại hiển bày, khai phát như vậy."
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Tỳ­ca­đa­lỗ­ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy
hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ dưới chân rồi lui.
KINH 55. ẤM[91]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba­la­nại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay, Ta sẽ nói về ấm và thọ ấm.
59
"Thế nào là ấm? Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng được gọi chung là
sắc ấm.
"Tùy theo những gì là thọ, tưởng, hành, thức; tất cả được gọi chung là thọ, tưởng, hành, thức ấm.
Đó gọi là ấm.
"Thế nào là thọ ấm? Nếu sắc là hữu lậu, chấp thủ, thì sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị
lai, phát sanh ra tham dục, sân nhuế, ngu si và các thứ tâm pháp tùy phiền não[92] khác. Thọ,
tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thọ ấm."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 56. LẬU VÔ LẬU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân đọa xứ, nước Ba­la­nại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và vô lậu.
"Thế nào là pháp hữu lậu? Nếu sắc là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; sắc sanh ra ái và nhuế. Cũng
vậy, thọ, tưởng, hành, thức là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; thức kia sanh ra ái và nhuế. Đó gọi là
pháp hữu lậu.
"Thế nào là pháp vô lậu? Những gì sắc vô lậu, không bị chấp thụ[93]; sắc kia hoặc quá khứ, hoặc
hiện tại, hoặc vị lai, sắc kia không sanh ái, nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô lậu,
không chấp thủ; thức kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, không sanh ái, nhuế. Đó gọi là
pháp vô lậu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Hai tín, hai A­nan,
Pháp hoại, Uất­để­ca,
Bà­la và thế gian,
Trừ pháp lậu, vô lậu.
KINH 57. TẬT LẬU TẬN[94]
Tôi nghe như vầy:
60
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm
bát vào thành Xá­vệ khất thực. Sau đó, lại ôm y­bát, không nói với chúng, không bảo thị giả, một
thân một mình, đến quốc độ phương Tây, du hành trong nhân gian[95].
Bấy giờ, trong rừng An­đà có một Tỳ­kheo từ xa trông thấy Thế Tôn, không nói với chúng,
không bảo thị giả, một thân một mình. Sau khi thấy vậy, liền đến chỗ Tôn giả A­nan, thưa:
"Tôn giả biết cho, Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra
đi du hành."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói với Tỳ­kheo kia:
"Nếu như Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra đi du
hành, thì chúng ta không nên đi theo. Vì sao? Vì ngày hôm nay Đức Thế Tôn muốn ít bận rộn để
an trụ tịch diệt[96]."
Bấy giờ Đức Thế Tôn du hành về phương Bắc, đến trụ dưới tàn cây Bạt­đà­tát­la[97], trong rừng
cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba­đà[98] thuộc nước Bán­xà[99].
Sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, có một số đông Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả A­nan, thưa với Tôn giả
A­nan rằng:
"Ngài có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở nơi nào không?"
Tôn giả A­nan đáp:
"Tôi có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở về phương Bắc, dưới tàn cây Bạt­đà­tát­la, trong
rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba­đà thuộc nước Bán­xà."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo nói với Tôn giả A­nan rằng:
"Tôn giả biết cho, đã lâu rồi chúng tôi không gặp Đức Thế Tôn; nếu ngài không ngại cực nhọc,
thì có thể cùng chúng tôi đến chỗ Đức Thế Tôn, xin thương xót cho!"
Tôn giả A­nan biết đã đúng lúc, nên im lặng mà nhận lời.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan cùng số đông Tỳ­kheo chờ qua đêm, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành
Xá­vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, sắp xếp ngọa cụ, mang y bát, đi về hướng Tây du
hành trong nhân gian, rồi quay về hướng Bắc, đến khu rừng có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba­đà,
thuộc nước Bán­xà.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan cùng số đông Tỳ­kheo sắp xếp y bát, rửa chân xong, đến chỗ Đức Thế
Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì số đông Tỳ­kheo nói pháp, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, làm cho
an lạc[100].
61
Vào lúc ấy, giữa chúng có một Tỳ­kheo nghĩ rằng: "Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh
chóng chứng đắc lậu tận?"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ của Tỳ­kheo kia, nên bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu có Tỳ­kheo đang ở trong chỗ ngồi này nghĩ rằng: 'Biết như thế nào, thấy như thế nào để
nhanh chóng chứng đắc lậu tận[101]?' Ta đã từng nói pháp rằng: 'Hãy khéo léo quán sát các ấm;
đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám
Thánh đạo phần.' Ta đã từng nói những pháp như vậy để quán sát các ấm. Thế mà hiện nay vẫn
còn có thiện nam tử, không muốn nỗ lực siêng thực hành, không nỗ lực siêng vui thích, không nỗ
lực siêng suy nghĩ, không nỗ lực siêng tin tưởng, mà tự biếng lười, không nỗ lực tăng tiến để diệt
tận được các lậu! Lại nữa, nếu có thiện nam tử đối với những gì Ta đã nói, mà quán sát các ấm,
nỗ lực siêng ham muốn, nỗ lực siêng vui thích, nỗ lực siêng suy nghĩ, nỗ lực siêng tin tưởng, thì
có thể nhanh chóng chứng đắc lậu tận.
"Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã. Nếu thấy ngã, thì đó gọi là hành[102]. Hành
này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh và cái gì chuyển[103]? Ái được sanh bởi vô
minh xúc[104] và duyên vào ái nên khởi lên hành này.
"Ái này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Ái này lấy thọ làm nhân,
thọ là tập khởi; do thọ sanh, do thọ chuyển.
"Thọ này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Thọ này lấy xúc làm
nhân, xúc là tập khởi; do xúc sanh, do xúc chuyển.
"Xúc này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển?
Xúc này lấy sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ là tập khởi; do sáu nhập xứ sanh, do sáu nhập xứ
chuyển.
"Sáu nhập xứ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm; xúc thọ, hành thọ này
là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm[105].
"Người nào đã quán sát như vậy mà còn thấy sắc là ngã; hay không thấy sắc là ngã mà còn thấy
sắc là ngã sở; hay không thấy sắc ngã sở mà còn thấy sắc ở trong ngã; hay không còn thấy sắc ở
trong ngã mà thấy ngã ở trong sắc; hay không thấy ngã ở trong sắc mà còn thấy thọ là ngã; hay
không thấy thọ là ngã mà còn thấy thọ là ngã sở; hay không thấy thọ là ngã sở mà còn thấy thọ ở
trong ngã; hay không thấy thọ ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thọ; hay không thấy ngã ở
trong thọ mà còn thấy tưởng là ngã; hay không còn thấy tưởng là ngã mà còn thấy tưởng là ngã
sở; hay không thấy tưởng ngã sở mà còn thấy tưởng ở trong ngã; hay không thấy tưởng ở trong
ngã mà còn thấy ngã ở trong tưởng; hay không thấy ngã ở trong tưởng mà còn thấy hành là ngã;
hay không thấy hành là ngã mà còn thấy hành là ngã sở; hay không thấy hành là ngã sở mà còn
thấy hành ở trong ngã; hay không thấy hành ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong hành; hay
không thấy ngã ở trong hành mà còn thấy thức là ngã; hay không thấy thức là ngã mà còn thấy
thức là ngã sở; hay không còn thấy thức là ngã sở mà còn thấy thức ở trong ngã; hay không thấy
62
thức ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thức; hay không thấy ngã ở trong thức mà lại khởi lên
đoạn kiến, hoại hữu[106] kiến; hay không khởi đoạn kiến, hoại hữu kiến, nhưng không xa lìa ngã
mạn. Người nào không xa lìa ngã mạn, thì lại thấy ngã. Thấy ngã, đó là hành. Hành này, cái gì
làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? thì như trước đã nói, cho đến, ngã mạn.
"Người nào biết như vậy, thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 58. ẤM CĂN[107]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc mẫu, Đông viên, nước Xá­vệ. Bấy giờ, vào buổi chiều, sau
khi từ thiền tịnh dậy[108], Thế Tôn đến trước các Tỳ­kheo, trải tòa ngồi và bảo các Tỳ­kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm."
Bấy giờ, có một Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai bên phải, quỳ gối sát
đất, chắp tay bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, có phải đây là năm thọ ấm: sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy trở lại chỗ ngồi mà hỏi, Ta sẽ vì ngươi mà nói."
Tỳ­kheo kia sau khi lạy Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, năm thọ ấm này, lấy gì làm gốc, do gì tập khởi, do cái gì mà sanh, do cái gì mà
xúc?
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Năm thọ ấm này, lấy dục làm gốc, do dục tập khởi, vì dục sanh và vì dục mà xúc."
[109]Khi Tỳ­kheo kia nghe những gì Đức Phật vừa nói, hoan hỷ tùy hỷ, mà bạch Phật rằng:
"Thế Tôn đã vì chúng con nói, năm ấm là thọ[110]. Hay thay! những gì đã được nói. Nay con
xin hỏi lại. Bạch Thế Tôn, ấm là thọ hay năm ấm khác thọ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Chẳng phải năm ấm là thọ, cũng chẳng phải năm ấm khác thọ. Ở nơi đó mà có dục tham, thì đó
là năm thọ ấm[111]."
63
[112]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay, Thế Tôn! Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Có hai ấm tương quan[113] chăng?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đúng vậy! Đúng vậy! Cũng như có một người suy nghĩ như vầy: 'Ta ở đời vị lai sẽ được sắc
như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.' Đó gọi là ấm ấm tương
quan[114]."
[115]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là ấm[116]?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Những gì sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc
tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng gọi chung là ấm. Thọ, tưởng, hành, thức
cũng lại như vậy. Như vậy, này Tỳ­kheo, đó gọi là ấm."
[117]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì mà gọi là sắc ấm? Do nhân gì, duyên gì mà gọi thọ, tưởng,
hành, thức ấm?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Bốn đại là nhân, bốn đại là duyên; đó gọi là sắc ấm. Vì sao? Vì những gì thuộc về sắc ấm, tất cả
những cái đó đều là bốn đại, được tác thành do duyên bốn đại. Xúc là nhân, xúc là duyên sanh ra
thọ, tưởng, hành; cho nên gọi là thọ, tưởng, hành ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thọ,
tưởng, hành, thì tất cả chúng đều lấy xúc làm duyên. Danh sắc là nhân, danh sắc là duyên, đó gọi
là thức ấm. Vì sao? Vì nếu những gì thuộc về thức, thì tất cả chúng đều lấy danh sắc làm duyên."
64
[118]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Thế nào là vị ngọt của sắc? Thế nào là sự tai hại của sắc? Thế nào là sự xuất ly sắc? Thế nào là
vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức? Thế nào là sự tai hại của thức? Thế nào là sự xuất ly của
thức?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hỷ lạc duyên vào sắc sanh ra, đó gọi là vị ngọt của sắc. Nếu sắc là vô thường, khổ, là pháp biến
dịch, đó gọi là sự tai hại của sắc. Nếu đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham,
vượt qua khỏi dục tham, đó gọi là sự xuất ly sắc. Nếu hỷ lạc duyên vào thọ, tưởng, hành, thức
sanh ra, đó gọi là vị ngọt của thức. Nếu thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, khổ, biến dịch,
thì đó gọi là sự tai hại của thức. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà điều phục được dục tham,
đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham, thì đó gọi là sự xuất ly thức.
[119]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay! Những gì đã được. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Từ cái gì sanh ra ngã mạn[120]?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Đối với thọ,
tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Từ đây sanh ra ngã mạn."
[121]Tỳ­kheo bạch Phật:
"Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Bạch Thế Tôn, làm thế nào để đạt được không ngã mạn?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau. Ở nơi thọ, tưởng,
hành, thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau."
[122]Tỳ­kheo bạch Phật:
65
"Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ."
Lại hỏi nữa:
"Biết cái gì, thấy cái gì nhanh chóng chứng đắc lậu tận[123]?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, không
khác ngã, không ở trong nhau. Và thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Tỳ­kheo, biết như
vậy, nên thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận."
Bấy giờ, trong chúng lại có một vị Tỳ­kheo khác căn trí đần độn, không hiểu biết, vì vô minh che
lấp, nên khởi tà kiến ác, nghĩ rằng: "Nếu vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, vậy thì ai là người sẽ chịu
quả báo trong đời vị lai?"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm của vị Tỳ­kheo kia, nên liền bảo các Tỳ­
kheo:
"Ở trong chúng này, có người ngu si, vô trí, vô minh, nghĩ rằng: 'Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng,
hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?' Những điều nghi ngờ
như vậy, trước đây Ta đã giải thích. Thế nào Tỳ­kheo, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, vô thường."
Hỏi:
"Vô thường là khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Hỏi:
"Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác
ngã, ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
66
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, này các Tỳ­kheo, nếu những gì thuộc
về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc
tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải những gì thuộc
về ngã. Ai thấy như vậy được gọi là thấy đúng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Đa văn Thánh đệ tử quán như vậy, liền tu tập tâm nhàm chán. Đã nhàm chán rồi, thì ly dục. Do
ly dục mà giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng, 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những
điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Phật nói kinh này xong, phần nhiều các Tỳ­kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải
thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Ấm căn, ấm tức thọ,
Hai ấm cùng tương quan,
Danh tự, nhân, hai vị,
Ngã mạn, chóng lậu tận.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Bản Phật Quang quyển 4, kinh 79. Quốc Dịch quyển 3, phẩm 7. Đại Chánh, quyển 2, xem
cht. 33. Pāli, S. 22. 59. Pañca..
[2]. Bản Pāli: etaṃ mama eo'ham asmi eso attā ti, cái cày là của tôi; cái này là tôi; cái này là tự
ngã của tôi.
[3]. Pāli, S. 22. 59. Pañca.
[4]. Sắc phi hữu ngã 色非有我. Pāli: rūpam bhikkhave annatā.
[5]. Không có Pāli tương đương.
[6]. Đây chỉ ba công tử họ Thích.
[7]. A­nậu­luật­đà 阿[少/兔]律陀. Pāli: Anuruddha.
[8]. Nan­đề 難提. Pāli: Nandiya.
[9]. Kim­tỳ­la 金毘羅. Pāli: Kimbila.
[10]. Pāli, S. 22. 43. Attapīpa.
[11]. Ma­thâu­la 摩羅; Pāli: Mathurā. Bản Pāli, Sāvatthinidānaṃ, nhân duyên ở Xá­vệ.
67
[12]. Hán: tự châu 自洲. Pāli: attadīpa.
[13]. Hán: tự y 自依. Pāli: attasaeaṇā.
[14]. Hán: Pháp châu 法洲. Pāli: dhammadīpa, pháp là hòn đảo.
[15]. Hán: pháp y 法依. Pāli, dhammasaraṇā, pháp là nơi nương tựa.
[16]. Pāli: kiṃjātikā... kiṃpahotikā, do cái gì chúng sanh? Do cái gì chúng hiện?
[17]. Quốc Dịch, phẩm 8, quyển 3. Pāli, S. 22. 94 Puppha (bông hoa), hay Vaddha (tăng
trưởng).
[18]. Thế gian thế gian pháp 世間世間法. Pāli: loke lokadhamma, pháp thế gian trong thế
gian.gian.
[19]. Pāli, S. 22. 94. Puppha (hay Vaddha).
[20]. Kiền­tỳ 揵茨, chủy­chủy­la 匕匕羅, giá­lưu 遮留, tỳ­tất­đa 毘悉多, bà­xà­na 婆闍那, tátlao 薩牢, không rõ phiên âm từ gì.
[21]. Pāli, S. 22. 54. Bīja.
[22]. Năm loại giống theo Pāli: mūlabīja, từ rễ; khandhabīja, từ thân, aggabīja, từ cành, hay
ngọn, phalubīja, từ đốt; bījabīja, từ hạt giống.
[23]. Pāli: avātāpahatāni, không bị làm hư bởi gió, nóng.
[24]. Bản Pāli: pathavī ca nāassa āpo ca jnāssa, không có địa giới, và không có thủy giới.
[25]. Tứ thức trụ 四識住. Pāli: catassa vññāṭṭhitiyo, bốn điểm lập cước, bốn sở y của thức.
[26]. Hỷ tham 喜貪. Pāli: nandirāga.
[27]. Tứ thủ 四取. Pāli; cattāri upādāni: kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ, sīlabbatūpādānaṃ,
attavādūpadānaṃ, dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Xem D. 33. Saīgīti.
[28]. Xem cht. 20 kinh 64.
[29]. Ư sắc phong trệ 於色封滯. Pāli: rūpupayaṃ, tiếp cận sắc, bị lôi kéo vào sắc, bị phong tỏa,
vây khổn bởi sắc. Xem thêm cht.39 kinh 40.
[30]. Ý sanh, 意生, xem cht.20 kinh 64.
68
[31]. Phan duyên đoạn 攀緣斷. Pāli: vocchijjatārammanaṃ, sở duyên bị đoạn trừ.
[32]. Hành giới 行界. Pāli: saṅkhāradhātu.
[33]. Xem cht. 20 kinh 64.
[34]. Tác hành 作行. Pāli: abhisaṅkhāra, hành vi, hành sử, tác động.
[35]. Pāli: viññānaṃ avirūḷhaṃ anabhisaṅkhāraṃ vimuttaṃ, thức không sanh trưởng, không tác
hành, được giải phóng.
[36]. Pāli: vimuttattā ṭhitaṃ; ṭhitattā santusitaṃ; santusitattā na paritassati, do giải thoát mà trụ
vững, do trụ vững mà thỏa mãn; do thỏa mãn mà không sợ hãi.
[37]. So sánh kinh 64.
[38]. Pāli, S. 22. 53. Upāya.
[39]. Phong trệ 封滯, phong tỏa và trì trệ, bị vây khốn. Pāli. upāyo, và sớ giải:
taṇhāmānadiṭṭhivasena pāicakkhandhe upagato, do thế lực của ái, mạn, kiến và bị hãm trong năm
uẩn. Xem thêm cht.29 kinh 39.
[40]. Xem kinh 39.
[41]. Pāli, S.22.56. Upādānaṃ parivaṭṭaṃ (Thủ chuyển).
[42]. Năm như thật tri về sắc: sắc 色, sắc tập 色 集, sắc vị 色 味, sắc hoạn 色患, sắc ly 色 離.
Pāli: Catuparivaṭṭam, bốn chuyển: rūpaṃ (sắc), rūpasamudāyam (sắc tập), rūpanrodhaṃ (sắc
diệt), rūpanirodhayāminiṃ paṭipadam (sắc diệt đạo tích).
[43]. Chánh hướng 正向; Pāli: sammāpaṭipanno, thực hành chân chánh. Bản Pāli: supaṭipanno,
thiện hành, thực hành tốt, thiện xảo.
[44]. Pāli: ye supsṭipannā te imasmiṃ dhammavinaye gādhanti, những ai thực hành chân chánh
(khéo thú hướng), những người ấy xác lập trong pháp và luật này.
[45]. Thuần nhất 純一. Pāli: kevalin, con người toàn thiện, đấng độc tôn.
[46]. Hán: ly tha tự tại 離他自在.
[47]. Khổ biên 苦邊. Pāli: dukkhānta, biên tế của khổ, sự chấm dứt của khổ.
[48]. Thất xứ thiện 七處善: ngũ uẩn cùng với tập, diệt, đạo, vị, hoạn, ly. Pāli: sattaṭṭhānakusala, sự thiện xảo (khéo léo) trong bảy trường hợp.
69
[49]. Tam quán nghĩa 三觀義: tức ba khoa uẩn, xứ và giới. Pāli: tividhūpaparikkhī, ba phương
pháp quán sát. Xem cht.52 dưới.
[50]. Nguyên Hán: tận 盡; có lẽ dịch chữ kevalin: thuần nhất, độc nhất. Xem cht.45.
[51]. Pāli: imasmiṃ dhammavinaye kevalī susitā, ở trong chánh pháp và luật này mà được độc
tôn (chỉ A­la­hán), xác lập.
[52]. Pāli: dhātuso, āyatanaso, paṭiccasamuppādaso, giới, xứ, duyên khởi.
[53]. Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn. Pāli: sammāvayāma.
[54]. Pāli, S. 22. 7 Upādāparitassanā.
[55]. Hán: thủ cố sanh trước 取故生著. Xem thêm cht.62 kinh 44. Pāli: upādā paritassanaṃ,
chấp thủ và kinh sợ (do chấp nên có sợ hãi).
[56]. Ngã... tương tại; Pāli: rūpaṃ attato samanupassati rūpavantaṃ vā attānaṃ, attāni rūpaṃ
rūpasmiṃ vā attānaṃ, nó quán sát, sắc là ngã, ngã có sắc, sắc trong ngã, ngã trong sắc.
[57]. Pāli: rūpavipariṭāmānupavatti viññānaṃ, sắc biến chuyển, thức vận chuyển theo.
[58]. Praitassanā dhammasamuppādā citaaṃ pariyādāya tiṭṭhanti, sự sợ hãi và sự sanh khởi của
các pháp chiếm cứ tâm đã bị biến dị theo sắc mà trú. Sớ giải nói: paritassanā dhammasamuppādā
ti taṇhāparitassanā ca akusaladhammasamuppādā ca, sự sợ hãi và sự sanh khởi của pháp, đó là sự
sợ hãi do khát ái và sự sanh khởi của pháp bất thiện.
[59]. Tâm loạn, có lẽ Pāli: cetaso pariyādāna (vipariyāsa: điên đảo), tâm bị chiếm cứ.
[60]. Tức do thủ và trước, Pāli: upādāya paritassati, do chấp thủ mà nó sợ hãi. Xem cht.55 trên.
[61]. Pāli, S. 22. 8. Upādāparitassanā.
[62]. Hán: sanh tắc hệ trước 生則繫著. Pāli: upādāpritassañ ca, chấp thủ và sợ hãi. Có lẽ trong
bản Hán đọc là: uppāda­paritassanā, Xem cht.55 kinh 43.
[63]. Xem cht.58 kinh 43.
[64]. Cố niệm 顧念; kinh 43: tâm loạn (?). Pāli: apekkhavā, hy vọng, hoài vọng.
[65]. Nguyên văn Hán: dĩ sanh hệ trước cố 以生繫著故. xem cht.62.
[66]. Pāli, S. 22. 47. Samanupassanā.
70
[67]. Sắc tại ngã, ngạ tại sắc 我在色, 色在我, trong các kinh khác, Hán dịch là tương tại. Xem
cht.65 kinh 23. Pāli: attāni vā rūpaṃ, rūpasmiṃ vā attānaṃ.
[68]. Xúc nhập xứ 觸入處, hay xúc xứ. Pāli: phassāyatana.
[69]. Vô minh xúc 無明觸, Pāli: aviijasamphassa, bị xúc động bởi vô minh. Bản Pāli nói:
avijjasamphassajena vedayitena phuṭṭhassa puthujjanassa, đối với phàm phu bị xúc chạm bởi
cảm thọ phát sanh do sự xúc động của vô minh.
[70]. Bị uẩn trong ba đời nhai nuốt. Pāli, S. 22. 79. Sīha.
[71]. Hán: khả ngại khả phân 可閡可分: có thể bị gây trở ngại, có thể bị chia chẻ.
[72]. Định nghĩa về sắc, xem Câu­xá 1: "vì nó biến hoại nên nói là sắc". Pāli: ruppatī'ti kho
bhikkhave tasmā rūpan' ti vuccati, này các Tỳ­kheo, nó não hoại (tức gây tổn hại), do đó nó
được nói là sắc.
[73]. Pāli: kena ruppati? sītenapi ruppati uṇhenapi ruppati... daṃsa­makasa­(....)­samphassena
ruppati, nó bị não hoại bởi cái gì? Nó bị não hoại bởi lạnh, bởi nóng,... bởi sự xúc chạm của
muỗi mòng...
[74]. Chư giác tướng 諸覺相. Định nghĩa thọ uẩn, xem Câu­xá 1: thọ tức lãnh nạp tùy xúc. Pāli:
vedayatī'ti kho bhikkhave tasmā vedanā ti, nó cảm nhận, do đó nó được nói là thọ.
[75]. Định nghĩa về tưởng thủ uẩn, Câu­xá 1: "tưởng thủ tượng vi thể", tự thể của tưởng là thâu
nhận các ấn tượng. Pāli: sañjānātī 'ti kho bhikkhave tasma saññā ti vuccati, nó tri giác (tri nhận),
do đó nó được nói là tưởng.
[76]. Định nghĩa hành uẩn, Pāli: saṅkhataṃ abhisaṅkharontī'ti kho bhikkhavve saṅkhārā' ti
vuccati, chúng tác thành pháp hữu vi, do đó chúng được nói là các hành.
[77]. Định nghĩa thức uẩn, Câu­xá 1: "thức vị các liễu biệt", thức là sự nhận thức từng đối
tượng cá biệt. Pāli: vijānātī' ti kho bhikkhave viññānan' ti vuccati, nó liễu biệt, do đó nó được
gọi là thức.
[78]. Pāli: ahṃ kho etarahi rūpena khajjami. Ta ở nơi đây bị sắc nhai nuốt.
[79]. Trong bản Hán: diệt hoạn 滅患.
[80]. Diệt nhi bất tăng, thoái nhi bất tiến, diệt nhi bất khởi, xả nhi bất 滅而不增, 退而不進,
滅而不起, 捨而不取. Pāli: apacināti no ācināti, pajahati na upādiyati, visineti na ussineti,
vidhūpeti na sandhūpeti, tổn giảm chứ không tích lũy; đoạn trừ chứ không chấp thủ; xa lánh chứ
không gần gũi; làm mất mùi chứ không xông ướp mùi.
71
[81]. Quốc Dịch, phẩm 9, quyển 3. Pāli, S. 22. 147. Kulaputtena­dukkhā, (khổ với thiện gia
nam tử).
[82]. Pāli. 22. 147. Kulaputtena­dukkhā.
[83]. Trong bản Hán: đắc ly 得離; trong kinh 93: đắc yểm 得厭.
[84]. Pāli, S. 22. 37­38. Ānanda.
[85]. Pāli, S. 22. 37­38. Ānanda.
[86]. Pāli, S. 22. 32. Pabhaṅgu.
[87]. Hoại bất hoại pháp 壞不壞法. Pāli: pabhaṅguṃ ca apabhaṅ guuj ca.
[88]. Pāli: yo tassa nirodho vūpasamo atthaṅgamo idaṃ appabhaṅgo, sắc ấy diệt, tịch tĩnh, tiêu
vong, ấy là pháp bất hoại.
[89]. Thân­thứ lâm 申恕林. Pāli: siṃsapā­vana, rừng cây siṃsapā.
[90]. Câu­tát­la 拘薩羅. Pāli: Kosala.
[91]. Pāli, S. 22, 48. Khandā.
[92]. Thượng phiền não tâm pháp 上煩惱心法; chỉ các tâm sở tùy phiền não.
[93]. Trong bản Hán: phi thọ 非受
[94]. Quốc Dịch, phẩm 10. Pāli, S. 22. 81. Pārileyya.
[95]. Chuyện xảy ra khi Phật trú tại Kiều­thưởng­di. Pāli: kosambiyaṃ viharati ghositārāme.
[96]. Hán: tịch diệt 寂滅; đây chỉ sự tĩnh lặng.
[97]. Bạt­đà­tát­la thị 跋陀薩羅樹. Pāli: bhadhasāla (cây sa­la hiền), một loại cây sa­la.
[98]. Ba­đà tụ lạc 波陀聚落. Pāli: Pārileyyaka, tên một khu rừng được bảo vệ
(rakkhitavanasaṇḍo, sớ giải) tại Kosambi.
[99]. Bán­xà quốc 半闍國. Pāli: Pañcala, nhưng bản Pāli không đề cập tên nước này.
[100]. Thị giáo lợi hỷ 示教利喜, thứ tự thuyết pháp của Phật. Pāli: samdassesi samādapesi
samuttejasi sampahaṃsesi.
[101]. Pāli: anantarā āsavānaṃ khayo hoti, vô gián lậu tận.
72
[102]. Hành 行. Pāli: saṅkhāro.
[103]. Nhân, tập, sanh, chuyển 因集生轉, tức bốn hành tướng của Tập đế trong Thánh đế hiện
quán (nhân, tập, sanh, duyên) của Hữu bộ, xem Câu­xá 23. Pāli: kiṃnidāno kiṃsamudayo
kiṃjātiko kiṃpabhavo.
[104]. Xúc sanh ái 觸生愛. Pāli: avijjasamphassajanea... vedayitena... uppannā taṇhā, khát ái
sanh bởi cảm thọ phát sanh từ sự xúc động (chạm) của vô minh.
[105]. Tâm duyên khởi pháp 心綠起法, pháp duyên vào tâm mà khởi. Pāli: aniccaṃ saṅkhataṃ
paṭiccasamuppannaṃ, (là pháp) vô thường, hữu vi, duyên khởi.
[106]. Hoại hữu 壞有, tức phi hữu, theo nghĩa hủy diệt, không còn tồn tại. Pāli: vibhava.
[107]. Pàli, tham chiếu các kinh, S. 22. 82. Puṇṇamā; M. 109. Mahapuṇṇama­sutta; 110.
Cūḷapuṇṇama­sutta.
[108]. Bản Pāli: tad uposathe pannarase puṇṇāya puṇṇamāya rattiyā, ngày Bố­tát, vào đêm trăng
tròn nửa tháng.
[109]. Theo kệ tóm tắt ở cuối phẩm, từ đây xuống, thuộc kinh khác, có tên là "Ấm tức thọ".
[110]. Thọ 受, tức thủ hay chấp thủ. Pāli: upādāna.
[111]. Pāli: yo tattha chandarāgo taṃ tattha upādānan ti, nơi nào có dục tham, nơi đó có chấp thủ.
[112]. Theo bài kệ tóm tắt cuối phẩm, từ đây trở xuống thuộc kinh khác, gọi là "kinh Hai ấm
tương quan".
[113]. tương quan 相關, có lẽ là tương ngại 相礙: hai ấm trở ngại nhau. Câu hỏi theo Pāli: siyā
pana bhante pañcupādānakkhandhesu chandarāgavemattā ti, có sự sai biệt của dục tham trong
năm thủ uẩn chăng? Xem thêm cht.116 dưới.
[114]. Xem cht.113.
[115]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống thuộc kinh "Danh tự".
[116]. Câu hỏi theo Pāli: kittāvatā nu kho khandhanaṃ khandhādhivacanan ti, cho đến mức nào
là danh xưng uẩn của các uẩn? Có lẽ câu này trong bản Hán được dịch là "ấm ấm tương quan"?
[117]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh "Nhân duyên".
[118]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh "Hai vị ngọt".
73
[119]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh "Ngã mạn".
[120]. Ngã mạn 我慢, phúc cảm tác thành tự ngã. Ở đây, Pāli: ahaṃkāra­mamaṃkāramānānusaya, ngã, ngã sở và mạn tùy miên.
[121]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh "Không ngã mạn".
[122]. Theo kệ tóm tắt, trở xuống là kinh "Chóng lậu tận".
[123]. Trong bản Hán: tận đắc 盡得 có lẽ chính xác là tật đắc 疾得
74
TẠP A­HÀM QUYỂN 3
Kinh 59. Sinh Diệt[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Hãy quán sát
năm thọ ấm này là pháp sanh diệt. Nghĩa là, 'Ðây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc; đây là sự
diệt tận của sắc. Ðây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của ...... thức này, sự diệt tận
của ...... thức này.'
"Thế nào là sự tập khởi của sắc? Thế nào là sự diệt tận của sắc? Thế nào là sự tập khởi của thọ,
tưởng, hành, thức? Thế nào là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức?
"Sự tập khởi của ái hỷ là sự tập khởi của sắc; sự diệt tận của ái hỷ là sự diệt tận của sắc. Sự tập
khởi của xúc là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành; sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của thọ, tưởng,
hành. Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức; sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của
thức.
"Này Tỳ kheo, như vậy sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, đó là sự tập khởi của sắc, sự diệt
tận của sắc. Như vậy sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành,
thức; đó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 60. Bất Lạc[2]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Lành thay! Tỳ kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước
sắc. Lành thay! Tỳ kheo không ưa thọ, tưởng, hành, thức, không khen ngợi ...... thức, không
chấp thủ ...... thức, không đắm trước ...... thức. Vì sao? Vì nếu Tỳ kheo không ưa sắc, không
khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc, thì đối với sắc sẽ không ưa thích, tâm
được giải thóat. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không ưa thức, không khen ngợi
thức, khộng chấp thủ thức, không đắm rước thức, thì đối với thức sẽ không ưa thích, tâm được
giải thóat.
"Nếu Tỳ kheo không ưa sắc, tâm được giải thóat. Cũng vậy, nếu không ưa thọ, tưởng, hành,
thức, tâm được giải thóat, không sanh không diệt, bình đẳng an trú xả với chánh niệm chánh trí.
75
"Tỳ kheo này đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, kiến chấp liên hệ biên tế quá khứ[3] vĩnh viễn
diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế quá khư vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, thì
kiến chấp liên hệ biên tế vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế
vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, thì kiến chấp liện hệ biên tế quá khứ và biên tế vị lai
cũng diệt tận không dư tàn, không còn gì ngăn che. Khi đa không còn gì ngăn che, thì đối với các
thế gian đều không có gì để chấp thủ. Không chấp thủ nên cũng không có gì để mong cầu.
Không có gì để mong cầu, nên tự mình chứng ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm
hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 61. Phân Biệt (1)[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Thế nào là sắc thọ ấm? Những gì là sắc, tất cả chúng đều là bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó
gọi là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc kia là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Nếu sắc thọ ấm này vĩnh
viễn bị đoạn trừ không dư tàn, rốt ráo xả ly, diệt tận, ly dục, tịch diệt, và các sắc thọ ấm khác
không tương tục, không xuất hiện, không khởi lên, thì đó gọi là vi diệu, cũng gọi là tịch tĩnh,
cũng gọi là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết­bàn.
"Thế nào là thọ thọ ấm? Ðó là sáu thọ thân. Những gì là sáu? Thọ phát sanh do xúc con mắt; thọ
phát sanh do xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ðó gọi là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô
thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết­bàn.
"Thế nào là tưởng thọ ấm? Ðó là sáu tưởng thân. Những gì là sáu? Tưởng phát sanh do xúc con
mắt; cho đến, tưởng phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này
là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết­bàn.
"Thế nào là hành thọ ấm? Ðó là sáu tư thân. Những gì là sáu? Tư phát sanh do xúc con mắt; cho
đến, tư phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là hành thọ ấm. Lại nữa, hành thọ ấm này là vô thường,
khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết­bàn.
Thế nào là thức thọ ấm? Ðó là sáu thức thân. Những gì là sáu? Thức thân con mắt; cho đến ý
thức thân, đó gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch,
cho đến, diệt tận, Niết­bàn.
"Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát, phân biệt, nhẫn thọ, đó
gọi là tùy tín hành, siêu thăng, ly sanh[5], vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả
Tu­đà­hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tu­đà­hòan.
76
"Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này, mà bằng tăng thượng trí tuệ, tư duy quán sát, nhẫn, thì
đó gọi là tùy pháp hành, siêu thăng, ly sanh, vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được
quả Tu­đà­hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tư­đà­hòan.
"Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát[6] như thật, ba kết
được biết là hoàn toàn đoạn trừ [7]; đó là, thân kiến, giới thủ, nghi. Tỳ kheo, đó gọi là quả Tu­đà­
hòan, sẽ không rơi vào đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác[8], bảy lần sanh qua lại giữa
Trời­người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ.
"Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu dùng trí tuệ chân chánh mà quán sát như thật, tâm sẽ không
khởi lên lậu hoặc, thì gọi là A­la­hán. Khi các lậu đã sạch rồi, thì những gì cần làm đã làm xong,
trút bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình[9], các kết sử hữu[10] dứt sạch, chánh trí, tâm
đạt được giải thóat."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 62. Phân Biệt (2)[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Kẻ phàm phu ngu si không
học, không trí tuệ, vô minh, đối với năm thọ ấm sanh ra ngã kiến buộc vào, khiến cho tâm bị
buộc vào mà sanh ra tham dục.
"Này Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử có trí tuệ, có minh, thì đối với năm thọ ấm này không bị buộc
chặt bỡi ngã kiến, khiến tâm bị trói buộc dính mắc, mà khởi lên tham dục.
"Vì sao kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, đối với năm thọ ấm, bị
ngã kiến trói buộc, khiến cho tâm bị trói buộc dính mắc mà sanh ra tham dục? Này Tỳ kheo, kẻ
phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, thấy rằng sắc là ngã, là khác ngã,
hay ở trong nhau. Cũng vậy, thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau.
Những kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt như vậy, đối với năm thọ
ấm nói là ngã và bị trói buộc vào, làm cho tâm bị trói buộc mà sanh ra tham dục.
"Vì sao Thánh đệ tử, có trí tuệ, sáng suốt, không cho là ngã trói buộc, khiến kết buộc tâm mà
sanh tham dục? Vì không thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, đối với thọ
tưởng, hành, thức không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong ngã. Như vậy, Thánh đệ tử, có trí tuệ,
sáng suốt, thì đối với năm thọ ấm không thấy ngã trói buộc, để khiến trói buộc tâm mà sanh ra
tham dục. Nếu những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì nên quán sát đúng tất cả
chúng đều là vô thường. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, hoặc là quá khứ, hoặc hiện tại,
77
hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì
cũng nên quán sát đúng tất cả chúng đều là vô thường."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 63. Phân biệt (3)[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Này Tỳ kheo, nếu có Sa­môn,
Bà­la­môn nào chủ trương có ngã, thì tất cả y trên năm thọ ấm này mà chủ trương có ngã. Những
gì là năm? Các Sa­môn, Bà­la­môn, ở nơi sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy,
ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Như vậy, kẻ phàm phu ngu
si không học, chấp ngã, vô minh, phân biệt mà quán sát như vậy, không lìa ngã sở[13] Do không
lìa nga sở, nhập vào các căn[14] Khi nhập vào các căn rồi thì sẽ sanh ra xúc. Sáu xúc duyên vào
những gì được xúc? Phàm phu ngu si không học sanh ra khổ vui, từ đó phát sanh ra cái này và
những cái khác, đó là sáu xúc thân. Những gì là sáu? Xúc nhập xứ của mắt; xúc nhập xứ của tai,
mũi, lưỡi, thân, ý.
"Này Tỳ kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới được chạm bởi vô minh xúc, phàm phu ngu si
không học nói là hữu, nói là vô, nói là vừa hữu vừa vô, nói là chẳng phải hữu chẳng phải vô, nói
là ta hơn hết, nói là tương tợ, ta biết, ta thấy.
"Lại nữa, này Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử, khi trụ vào sáu xúc nhập xứ mà có thể nhàm chán xa
lìa vô minh, có thể sanh ra minh. Người đó đối với vô minh mà ly dục, sanh ra minh, chẳng hữu,
chẳng vô, chẳng phải vừa hữu vừa vô, chẳng phải chẳng hữu, chẳng vô, chẳng phải có ta hơn,
chẳng phải có ta kém, chẳng phải có ta bằng, ta biết, ta thấy. Khi biết như vậy, thấy như vậy rồi
thì vô minh xúc khởi lên trước kia sẽ diệt, và minh xúc sau sẽ tập khởi."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 64. Ưu­Ðà­Na[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc­tử­mẫu trong Ðông­viên, nước Xá vệ.
Bấy giờ, buổi chiều, sau giờ Thế Tôn từ thiền tịnh dậy, đến giảng đường, vào trong nhà giảng,
trải tòa ngồi trước đại chúng. Rồi thì, Thế tôn nói kệ Ưu­đà­na:
Pháp không có tôi ta,
78
Cũng lại không của ta;
Cũng sẽ không có ta,
Của ta từ đâu sanh?
Tỳ kheo giải thóat[16] đây,
Ðoạn trừ hạ phần kết[17]
Bấy giờ, có Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay
bạch Phật rằng:
"Thế nào là không có tôi ta, cũng lại không của ta; cũng sẽ không có ta, của ta từ đâu sanh? Tỳ
kheo giải thóat đây, đoạn trừ hạ phần kết?"
Phật bảo Tỳ kheo:
"Phàm phu ngu si không học, chấp sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; đối với thọ, tưởng,
hành, thức cũng cho là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Ða văn Thánh đệ tử, không thấy sắc là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; cũng như không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã,
hay ở trong nhau; cũng chẳng phải là người biết, cũng chẳng phải là người thấy. Sắc này là vô
thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Sắc là khổ. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ. Sắc là
vô ngã. Thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã. Sắc này sẽ không tồn tại. Thọ, tưởng, hành, thức sẽ
không tồn tại. Vì sắc này sẽ hủy hoại[18] Thọ, tưởng, hành, thức hủy hoại. Cho nên, chẳng có
ngã, chẳng có ngã sở, ngã, và cũng sẽ chẳng có ngã, ngã sở. Nếu người nào giải thóat như vậy,
thì sẽ đọan trừ được năm kết sử hạ phần."
Bấy giờ, Tỳ kheo kia bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, khi đã đọan trừ năm kết sử hạ phần rồi, làm sao để ngay trong đời này tự biết, tự
tác chứng, thành tựu và an trú với sự diệt tận các lậu, vô lậu tâm giải thóat, tuệ giải thóat, biết
rằng: ' Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không
còn tái sanh đời sau nữa.'?"
Phật bảo Tỳ kheo:
"Phàm phu chúng sanh ngu si không học, nên ở chỗ không sợ hãi mà sanh ra sợ hãi. Phàm phu
chúng sanh ngu si không học sanh ra sự sợ hãi rằng không ngã, không ngã sở; cả hai sẽ chẳng
sanh.
"Do vin bám[19] mà có bốn trú xứ của thức[20]Thức trụ nơi sắc, vin bám sắc, ham muốn sắc, để
tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Thức trụ nơi thọ, tưởng, hành, vin bám hành, ham muốn hành,
để tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Tỳ kheo, thức ở nơi này, hoặc đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc
khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Nếu nói rằng lại có pháp khác ,và ở đó thức hoặc
đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn; thì đây chỉ có trên
ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến, thì sẽ không biết, chỉ tăng thêm ngu si, vì chúng chẳng phải là
cảnh giới. Vì sao? Vì Tỳ kheo, xa lìa tham dục của sắc giơi, thì triền phược của ý sanh[21] đối
với sắc cũng sẽ bị đoạn trừ. Khi triền phược của ý sanh đối với sắc bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám
của thức cũng sẽ bị đọan trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng tiến, sanh trưởng
79
rộng lớn trở lại. Khi triền phược của ý sanh đối với thọ, tưởng, hành giới, nếu đã lìa tham dục
rồi, thì sự vin bám của thức cũng sẽ bị đọan trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng
tiến, sanh trưởng rộng lớn trở lại. Vì thức không chỗ trụ, nên không tăng trưởng. Vì không tăng
trưởng nên không có gì để tác hành[22] Vì không có gì để tác hành cho nên được an trụ. Vì đã an
trụ nên biết đủ. Vì đã biết đủ nên được giải thóat.[23] Vì đã giải thóat nên đối với các thế gian
đều không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm trước. Vì
không có gì để đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh
đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Này Tỳ kheo, Ta nói thức không trụ[24] Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn bên, trên, dưới, ngoại trừ
ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết­bàn, diệt tận, tịch tĩnh, thanh lương."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt
Sanh diệt và bất lạc,
Và ba Kinh phân biệt,
Quán sát về tham trước,
Ðó là Ưu­đà­na.
Kinh 65. Thọ[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư[27], cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ
kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, thì trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như
thật. Thế nào là quán sát như thật? Ðây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của
sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của ...... thức, đây là sự đoạn tận của ......
thức.
"Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si vô học
nên đối với các thọ khổ, vui, không khổ­không vui, không quán sát như thật rằng đây là sự tập
khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì không
biết quán sát như thật, nên đối với thọ lại ưa thích tham đắm mà sanh ra chấp thủ, và thủ duyên
hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; khối lớn đau khổ như vậy từ tập
mà sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Ðó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
"Thế nào là sự diệt tận của sắc? Sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Ða văn Thánh đệ tử đối
với các thọ khổ, vui, không khổ­không vui, quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự
diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì quán sát như thật nên
đối với thọ sự ưa thích đắm trước bị đọan trừ. Vì sự đắm trước đã bị đọan trừ, nên chấp thủ cũng
80
bị diệt. Vì thủ đã bị diệt, nên hữu cũng bị diệt. vì hữu đã bị diệt, nên sanh cũng bị diệt. Vì sanh
đã bị diệt, cho nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng bị diệt; khối lớn đau khổ như vậy tất cả
đều diệt. Ðó gọi là sắc diệt. Ðó gọi là thọ, tưởng, hành, thức diệt. Cho nên này Tỳ kheo, hãy luôn
luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho tâm mình luôn tĩnh lặng. Tỳ kheo nào trụ vào thiền tư, thì
bên trong tâm luôn tĩnh lặng. Hãy nổ lực siêng năng phương tiện quán sát như thật."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, có 12 kinh[28] tiếp theo là Phân biệt, Chủng chủng phân
biệt, Tri, Quảng tri, Chủng chủng tri, Thân cận, Thân cận tu tập, Nhập, Xúc, và Chứng.
Kinh 66. Sanh[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho trong tâm mình tịch lặng. Vì sao? Vì nhờ tu tập
phương tiện thiền tư, trong tâm mình đã tịch lặng, để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như
thật? Quán sát như thật rằng đây là sắc ; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc. Ðây là
thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của ...... thức , sự diệt tận của ...... thức.
"Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức?
"Này Tỳ kheo, phàm phu ngu si không học, không quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, về vị
ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc, nên ưa muốn sắc kia, khen ngợi yêu đắm,
nên sắc sẽ tái sanh lại vào đời vị lai. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Khi
sắc kia sanh; thọ, tưởng, hành, thức sanh, mà đối với sắc không giải thóat; đối với thọ, tưởng,
hành, thức không giải thóat, Ta nói người đó sẽ không giải thóat sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ,
não; thuần khối lớn đau khổ. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành,
thức.
"Thế nào là sự diệt tận của sắc, và sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức?
"Ða văn Thánh đệ tử quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của
sắc, sự tai hại của sắc, sự xa lìa sắc, biết như thật. Do biết như thật nên không thích sắc, không
khen ngợi sắc, không ưa đắm sắc, cũng không sanh ra sắc vị lai. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức
cũng nói rộng như vậy. Sắc không sanh; thọ, tưởng, hành, thức không sanh, do đó đối với sắc
được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức được giải thóat. Ta nói người này giải thóat sanh,
lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ. Ðó gọi là sự diệt tận của sắc; là sự diệt tận
của thọ, tưởng, hành, thức.
"Cho nên, Tỳ kheo, nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, để bên trong tâm mình tịch lặng,
và tinh tấn siệng năng phương tiện quán sát như thật."
81
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chứng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Kinh 67. Lạc[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Hãy thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ kheo tu tập
phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật?
Biết như thật đây là sắc ; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc ; đây là thọ, tưởng, hành,
thức, sự tập khởi của ...... thức, sự diệt tận của ...... thức.
"Thế nào là sự tập khởi của sắc, và sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si
không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của
sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên ưa thích đắm trước vào
sắc kia, khen ngợi sắc. Vì ưa thích đắm trước sắc, khen ngợi sắc nên chấp thủ, thủ duyên hữu,
hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu, bi, não khổ; thuần khối lớn đau khổ như vậy sanh ra. Ðó
gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
"Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Ða văn Thánh đệ tử biết
như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về
sự xuất ly sắc. Vì biết như thật, nên không thích đắm sắc, không khen ngợi sắc. Vì không thích
đắm trước, khen ngợi sắc cho nên ái lạc bị diệt trừ. Ái lạc diệt nên chấp thủ cũng diệt. Thủ diệt
nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh diệt. Sanh đã bị diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ cũng bị
diệt; và như vậy thuần khối lớn đau khổ diệt.
"Thế nào là đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, và về sự tập khởi của
...... thức, về sự diệt tận của ...... thức, về vị ngọt của ...... thức, về sự tai hại của ...... thức, về
sự xa lìa ...... thức? Vì đã biết như thật về chúng, nên không thích đắm ...... thức kia, không
khen ngợi ...... thức. Vì không thích đắm ...... thức nên ái lạc diệt . Ái diệt , nên thủ diệt. Thủ
diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh cụng bị diệt. Sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ
diệt, như vậy thuần khối lớn đau khổ tất cả đều diệt. Này Tỳ kheo, đó gọi là sự diệt tận của sắc;
là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Tỳ kheo nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư
để cho nội tâm được tĩnh lặng."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chúng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
82
Kinh. 68 Lục Nhập Xứ[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng, thì mới quán sát
như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự
diệt tận của sắc; và đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của ...... thức, sự diệt tận
của ...... thức.
"Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc
nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái, cho đến
thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng
như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hiệp sanh xúc, duyên xúc sanh thọ,
duyên thọ sanh ái. Như vậy, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc,
là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
"Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên
thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, cho đến thuần khối lớn đau
khổ diệt. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự
hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt ...... cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt.
Ðó gọi là sự diệt tận của sắc là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Cho nên này các Tỳ kheo,
nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng."
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chứng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Bài kệ tóm tắt
Thọ và sanh và lạc,
Cũng nói lục nhập xứ,
Mỗi một mười hai thứ,
Kinh thiền định tam muội.
Kinh 69. Kỳ đạo[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
83
"Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân[33], và về con đường dẫn đến sự
diệt tận của hữu thân.
"Thế nào là con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân? Phàm phu ngu si không học, nên
không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại
của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ưa thích sắc, khen ngợi sắc, đắm trước sắc,
trụ vào sắc. Vì đã ưa thích sắc, khen nợi sắc, đắm trước sắc, trụ vào sắc, nên yêu thích chấp thủ,
thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; thuần khối lớn đau
khổ như vậy được sanh ra. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Ðó gọi là con
đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân. Tỳ kheo, nên biết, con đường dẫn đến sự tập khởi của
hữu thân, chính là con đường dẫn đến sự tập khởi của khổ.
"Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân? Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về
sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự
xuất ly sắc. Vì đã biết như thật nên đối với sắc không ưa, không khen, không đắm, không trụ. Vì
không ưa, không khen, không đắm, không trụ nên ái lạc sắc kia diệt. Ái lạc diệt, thì thủ cũng
diệt; thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần
khối lớn đau khổ như vậy diệt. Cũng như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Ðó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu
thân này cũng là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Cho nên nói là con đường đưa đến sự
diệt tận của hữu thân."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.[34]
Kinh 70. Thật Giác[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nay Ta sẽ nói về biên tế của hữu thân[36], về biên tế tập khởi của hữu thân[37], về biên tế diệt
tận của hữu thân[38] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
"Thế nào là biên tế của hữu thân? Là chỉ cho năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành,
thức thọ ấm. Ðó gọi là biên tế của hữu thân.
"Thế nào là biên tế tập khởi của hữu thân? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm
trước cái này hay cái kia[39] Ðó gọi là tập khởi của hữu thân.
"Thế nào là biên tế diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ,
đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ.
84
Ðó là biên tế sự diệt tận của hữu thân. Ðó là nói về biên tế hữu thân, về biên tế sự tập khởi của
hữu thân , về biên tế sự đọan diệt của hữu thân."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.
Kinh 71. Hữu Thân[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nay Ta nói về hữu thân[41], về sự tập khởi của hữu thân, về con đường dẫn đến sự diệt tận của
hữu thân[42] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
"Thế nào là hữu thân? Là năm thọ ấm, đó là: sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ðó gọi là
hữu thân.
"Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm
trước cái này hay cái kia[43] Ðó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
"Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm
trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Ðó gọi
là sự diệt tận của hữu thân.
"Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho Bát thánh đạo: Chánh kiến,
chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.
Ðó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
"Ðó là nói về hữu thân, về sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường
đưa đến sự diệt tận của hữu thân."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, han hỷ phụng hành.
Như kinh Ðương thuyết, 2 Kinh Hữu và Ðương tri cũng vậy.
Nhưng có sự sai biệt: "Tỳ kheo biết hữu thân, đoạn tập khởi của hữu thân, chứng diệt của hữu
thân, tu tập con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Ðó là tỳ kheo đoạn trừ các kết sử, triền
phược của ái dục, tu vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên."
Lại có sự sai biệt: "Ðó gọi là Tỳ kheo đã cứu cánh khổ biên, cứu cánh ly cấu, cứu cánh phạm
hạnh, là bậc thượng sĩ thuần tịnh."
85
Lại có sự sai khác: "Ðó gọi là Tỳ kheo A­la­hán, sạch hết các lậu hoặc, những gì cần làm đã làm
xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã đạt được mục đích của mình, dứt sạch các kết sử, chánh trí tâm
giải thóat."
Lại có sự sai biệt: "Ðó gọi là Tỳ kheo đã phá sập quan ải, vượt hào, siêu việt cảnh giới, đã phá
sập quan ải, dựng cờ Thánh pháp."
Lại có sự sai biệt: "Thế nào là đã phá sập quan ải? Là đã dứt bỏ được năm hạ phần kết. Thế nào
là vượt hào? Là vượt khỏi hào sâu vô minh. Thế nào là siêu việt khỏi cảnh giới? Là đến chỗ cùng
tột không đầu mối của sanh tử. Thế nào là đã phá sập quan ải? Là ái đã hết sạch. Thế nào dựng
cờ Thánh pháp? Là ngã mạn đã dứt sạch."
Lại có sự sai biệt: "Ðó gọi là Tỳ kheo đoạn năm chi, thành tựu sáu chi, thủ hộ một, y bốn thứ, xả
các đế, lìa các thứ mong cầu, tịnh các giác, thân hành tịch tĩnh, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải
thoát, thượng phạm hạnh thuần nhất đã lập."
Kệ tóm tắt
Kỳ đạo, có ba kinh,
Thật giác cũng ba kinh,
Hữu thân Kinh thuyết,
La­hán có sáu hạng.
Kinh 72. Tri Pháp[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Ta sẽ nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.[46] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà
nói.
"Thế nào là các pháp đã sở tri? Là năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ
ấm. Ðó gọi là những pháp sở tri.
"Thế nào là trí? Là sự điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, siêu việt dục tham. Ðó gọi là trí.
"Thế nào gọi là trí giả? Ðó là A­la­hán. A­la­hán chẳng phải tồn tại sau khi chết, chẳng phải
không, chẳng phải có không tồn tại sau khi chết, chẳng phải chẳng có không tồn tại sau khi chết.
Nói rộng ra vô lượng, các số đã vĩnh viễn dứt sạch. Ðó gọi là nói về các pháp sở tri, trí và trí
giả."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
86
Kinh 73. Trọng Ðảm[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nay Ta sẽ nói về gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh nặng, và người đang gánh nặng[48] Hãy
lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Thế nào là gánh nặng? Là năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Thế nào là thủ gánh nặng? Ðó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này
hay cái kia[49]
"Thế nào là xả gánh nặng? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái
này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ.
"Thế nào là người đang gánh nặng? Chính là con người[50] Con người này có tên như vậy, thọ
sanh như vậy, dòng họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tồn tại như vậy, thọ
mạng như vậy, giới hạn thọ mạng sống như vậy. Ðó gọi là gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh
nặng, và người đang gánh nặng."
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
Ðã vứt bỏ gánh nặng,
Không nên nhận trở lại.
Gánh nặng là khổ lớn,
Trút gánh là vui nhiều.
Ðoạn trừ tất cả ái,
Thì sạch tất cả hành.
Thấu triệt mọi cảnh khác,
Không còn luân chuyển hữu.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 74. Vãng Nghệ[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Phàm phu ngu si không
học không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc,
87
về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên đối với sắc có sự thích thú,
ngợi khen, đắm trước, bị dính mắc mà trụ; bị trói buộc bởi dây trói của sắc, bị trói buộc bởi dây
trói bên trong, không biết nguồn gốc, không biết biên tế, không biết xuất ly.
"Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, vì bị trói buộc nên sanh, vì bị trói buộc nên chết, vì bị
trói buộc từ đời này sang đời khác, nên người này sanh ra cũng vì sự trói buộc mà chết đi cũng vì
sự trói buộc.
"Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, bị Ma khống chế, vào trong lưới ma, theo ma biến
hóa[52], bị ma trói buộc, bị ma lôi kéo. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diêt tận của sắc, về vị
ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật, nên không tham vui sắc,
không ngợi khen, không bị dính mắc mà trụ; không bị trói buộc bởi dây trói của sắc, không bị
trói buộc bởi dây trói bên trong, biết nguồn gốc, biết biên tế, biết xuất ly.
"Ðó gọi là Ða văn Thánh đệ tử, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà sanh, không bị lệ thuộc
vào sự trói buộc mà chết, từ đời này sang đời khác cũng không bị lệ thuộc vào sự trói buộc từ đời
này sang đời khác; không Ma khống chế, không bị rơi vào tay ma, không Ma tạo tác[53], không
bị ma trói buộc, giải thoát sự trói buộc của ma, lìa khỏi sự dẫn dắt của ma. Ðối với thọ, tưởng,
hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hhoan hỷ phụng hành.
Kinh 75. Quán[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm. Này Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không
làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành,
thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng
Chánh Giác.
"Lại nữa, Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó
gọi là A­la­hán tuệ giải thoát. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt,
không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là A­la­hán tuệ giải thoát.
"Này Tỳ kheo, Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác và A­la­hán tuệ giải thóat có sự sai biệt nào?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
88
"Như Lai là gốc của pháp, là con mắt của pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin Ðức Thế Tôn
vì các Tỳ kheo mà nói rộng nghĩa này, các Tỳ kheo sau khi nghe xong sẽ thực hành theo."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
"Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự
thông đạt Vô thượng Bồ đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thinh văn trong đời vị lai, mà pháp đó là,
bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám Thánh đạo. Này
các Tỳ kheo, đó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác đạt được những gì chưa đạt, được những
cái lợi chưa từng được lợi, biết đạo, phân biệt đạo, nói đạo, thông suốt đạo; lại có thể thành tựu
cho các Thinh văn, truyền dạy, răn bảo; như vậy mà thuận theo thiện pháp, hoan hỷ thiện pháp.
Ðó gọi là sự sai biệt giữa Như Lai và A­la­hán."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 76. Dục[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Này các Tỳ kheo, hãy quán sát sắc. Sau khi quán sát sắc, thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong
nhau không?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thưa Không, Thế tôn."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Lành thay! Lành thay! Sắc là vô ngã. Cái gì vô ngã thì vô thường, vô thường thì khổ. Nếu khổ
thì kia tất cả đều chẳng phải ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Hãy quán sát như
vậy.
"Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Ða văn Thánh đệ tử thì đối với năm thọ ấm này quán sát là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở.
Khi đã quán sát như vậy rồi, thì đối với thế gian không có gì để chấp thủ. Khi đã không có gì để
chấp giữ thì sẽ không có gì để đắm trước. Khi đã không có gì để đắm trước thì sẽ tự giác ngộ
89
Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 77. Sanh (1)[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Hãy đọan trừ dục tham đối với sắc. Dục tham đã đọan trừ rồi thì sắc đoạn. Khi sắc đoạn rồi, thì
được biến tri về đoạn[57] Khi được biến tri về đoạn, thì gốc rễ bị đoạn. Như chặt ngọn cây Ta­la,
sau này không còn tái sanh được nữa. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, dục tham đoạn ...... cho
đến, đời sau không tái sanh được nữa."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 78.Sanh (2)[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nếu sắc khởi, trụ, xuất thì khổ ở đây khởi, bệnh ở đây trụ, già, chết ở đây xuất. Ðối với thọ,
tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Tỳ kheo, nếu sắc diệt, ngừng nghỉ, biến mất thì khổ ở đây diệt, bệnh ở đây dừng, già chết ở đây
biến mất. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 79. Sanh (3)[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
90
"Sắc quá khứ, vị lai còn là vô thường, huống nữa là sắc hiện tại. Ða văn Thánh đệ tử quán sát
như vậy rồi, không nuối tiếc sắc quá khứ, không cầu mong sắc vị lai, và đối với sắc hiện tại
nhàm chán, ly dục, diệt tận. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Tỳ kheo, nếu không có sắc quá khứ, Ða văn Thánh đệ tử không có việc không nuối tiếc sắc quá
khứ; vì có sắc quá khứ cho nên Ða văn Thánh đệ tử không nuối tiếc sắc quá khứ. Nếu không có
sắc vị lai, Ða văn Thánh đệ tử không có việc không cầu mong sắc vị lai rồi; vì có sắc vị lai cho
nên Ða văn Thánh đệ tử không cầu mong sắc vị lai. Nếu không có sắc hiện tại, Ða văn Thánh đệ
tử không có việc đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận; vì có sắc hiện
tại cho nên Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận.
Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 80. Pháp Ấn[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ.
"Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy: 'Tôi đối với tam muội Không[61] chưa có sở đắc, mà khởi
Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.' Thì đừng nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu đối
với Không chưa đạt được, mà nói là Tôi đã đạt được Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu
mạn, thì việc này sẽ không xảy ra.
"Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy, 'Tôi đã đạt được Không, có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô
sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.' Thì đây là lời nói chính xác. Vì sao? Vì nếu đã đạt được
Không rồi, thì sẽ có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn; điều này
chắc chắn có thể xảy ra.
"Thế nào là đối với kiến thanh tịnh của Thánh Ðệ tử?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Phật là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin hãy vì chúng con mà nói.
Các Tỳ kheo sau khi nghe pháp xong, sẽ thực hành theo lời dạy."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Nếu Tỳ kheo nào, ngồi dưới bóng cây, chỗ trống vắng, mà khéo quán sát sắc là vô thường, là
pháp ma diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp ma diệt, ly
dục. Quán các thọ ấm kia là vô thường, là pháp ma diệt, không bền chắc, biến dịch, thì tâm sẽ
91
được an lạc, thanh tịnh, giải thóat. Ðó gọi là Không. Quán sát như vậy cũng không thể lìa kiêu
mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
"Lại có tam­muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng
thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ðó gọi là vô tướng. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng
có tri kiến thanh tịnh.
"Lại có tam­muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu
si. Ðó gọi là Vô sở hữu. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
"Lại có tam­muội chánh tư duy, là quán sát ngã và ngã sở từ đâu sanh ra?
"Lại có tam­muội chánh tư duy, là quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết
mà sanh ra.
"Lại quán sát, do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân , duyên của thức kia là thường hay vô
thường?
"Lại tư duy do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân kia, duyên kia của thức đều là vô thường.
Lại nữa, nhân kia, duyên kia tất cả đều là vô thường, thức được sanh bởi đó làm sao là thường
được? Vô thường là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp họai diệt, là pháp ly
dục, là pháp đoạn tri[62] Ðó gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh.
"Ðó là nói rằng: 'Tỳ kheo Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh.' Ðược nói rộng như
vậy."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 81. Phú­lan­na[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong giảng đường Trùng­các, bên bờ ao Di­hầu, tại Tỳ­da­ly,
Bấy giờ có người Ly­xa[64] tên là Ma­ha­nam[65], thường ngày hay du hành đến chỗ đức Phật.
Ly­xa này bấy giờ tự nghĩ: 'Nếu ta đến sớm chỗ Phật, thì hiện giờ Ðức Thế Tôn và các Tỳ kheo
quen biết của ta đều đang thiền tư. Bây giờ ta nên đến chỗ ngoại đạo A­kỳ­tỳ nơi bảy cây Yêmla.' Rồi ông đến chỗ ở của Phú­lan­na Ca­diếp[66] này.
Hiện Phú­lan­na Ca­diếp đang là thủ lãnh chúng ngoại đạo gồm năm trăm người, đang vây
quanh trước sau, tiếng cười đùa huyên náo, bàn luận việc thế gian. Bấy giờ, Ca­diếp từ xa nhìn
thấy Ly­xa Ma­ha­man đang đến, liền bảo các quyến thuộc của mình nên giữ yên tĩnh, 'Các ông
nên giữ yên lặng, đó là Ly­xa Ma­ha­man, là đệ tử của Sa môn Cù­đàm. Ông ta là đệ tử tại gia
của Sa­môn Cù­đàm, và cũng là người đứng đầu ở Tỳ­da­ly. Ông ta luôn thích sự tĩnh lặng, và
92
khen ngợi sự tĩnh lặng; chỗ Ông ta đến là nơi đồ chúng tĩnh lặng, vì thế cho nên các ông nên giữ
sự yên lặng.'
Khi Ma­ha­nam đến chỗ đồ chúng Phú­lan­na, cùng với Phú­lan­na thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi
ngồi qua một bên. Bấy giờ, Ma­ha­nam hỏi Phú­lan­na rằng:
"Tôi nghe Phú­lan­na vì các đệ tử nói pháp rằng, sự cấu uế hiện có của chúng sanh không do
nhân, không do duyên và, sự thanh tịnh hiện có của chúng sanh cũng không nhân, không duyên.
Hiện thế gian đang truyền luận thuyết này. Ông nên xem xét lại, có phải đây là những lời hủy
báng nhau của người ngoài, hay người đời bày đặt ra? đó là pháp, hay phi pháp? Ông có cùng
tranh luận với người đời, bị nạn vấn, bị chỉ trích không?
Phú­lan­na Ca­diếp đáp:
"Thật sự, có luận thuyết này, chứ không phải là người đời ngoa truyền. Tôi đã lập ra luận thuyết
này. Ðó là luận như pháp. Tôi đã nói pháp này tất cả đều thuận theo pháp. Không có người thế
gian nào đến đây nạn vấn và chỉ trích. Vì sao? Ma­ha­nam, tôi thấy như vậy, nói như vậy: 'sự
cấu uế hiện có của chúng sanh là không nhân, không duyên, và sự thanh tịnh hiện có của chúng
sanh là không nhân, không duyên.'"
Khi Ma­ha­nam nghe những gì Phú­lan­na đã nói, lòng không vui, chỉ trích, rồi từ chỗ ngồi đứng
dậy ra về. Ông đến chỗ Ðức Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem tất
cả mọi chuyện đã bàn luận cùng Phú­la­na trình hết lên Thế tôn.
Phật bảo Ly­xa Ma­ha­nam:
"Ðó là nhừng lời nói không cân nhắc [67] của Phú­lan­na, không đáng để ghi nhớ. Như vậy,
Phú­lan­na là người ngu si, thiếu hiểu biết, không thiện xảo, khi chủ trương không nhân mà nói
như vầy: 'Sự cấu uế hiện có của chúng sanh là không nhân, không duyên, và sự thanh tịnh hiện
có của chúng sanh cũng không nhân, không duyên.' Vì sao? Vì có nhân, có duyên chúng sanh có
cấu uế; có nhân, có duyên chúng sanh thanh tịnh.
"Ma­ha­nam, do nhân gì, duyên gì mà chúng sanh có cấu uế?
"Này Ma­ha­nam, nếu sắc chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy lạc, không được
trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra sự ái lạc đắm
trước. Nhưng, này Ma­ha­nam, sắc chẳng phải chỉ một mực là khổ, không phải lạc, mà là tùy lạc,
được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm đắm sắc. Do nhiễm đắm
nên bị trói buộc; vì bị trói buộc, nên có phiền não.
"Này Ma­ha­nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy
lạc, không được trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra
sự ái lạc đắm trước. Nhưng, này Ma­ha­nam, vì ...... thức chẳng phải chỉ một mực là khổ, không
phải lạc, mà là tùy lạc, được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm
đắm ...... thức. Vì đã bị nhiễm đắm nên bị trói buộc; vì bị trói buộc nên sanh ra phiền não.
93
"Ðó gọi là có sự cấu uế của chúng sanh là có nhân, có duyên.
"Ma­ha­nam, vì nhân gì, duyên gì mà chúng sanh thanh tịnh?
"Này Ma­ha­nam, nếu sắc chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy khổ, chẳng phải
trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân sắc này mà sanh ra nhàm chán,
xa lìa. Nhưng, này Ma­ha­nam, vì sắc chẳng phải chỉ một mực là lạc, mà là khổ, tùy khổ, nuôi
lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì
nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thóat.
"Này Ma­ha­nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy
khổ, chẳng phải trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân nơi ...... thức
mà sanh ra nhàm chán, xalìa. Nhưng, này Ma­ha­nam, vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải chỉ
một mực là lạc, mà là khổ, tùy khổ, nuôi lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối
với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thóat.
"Này Ma­ha­nam, đó gọi là sự thanh tịnh của chúng sanh là có nhân, có duyên."
Khi Ma­ha­nam nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Tri pháp cùng trọng đảm,
Vãng nghệ, quán, dục tham.
Kinh sanh, và lược thuyết,
Pháp ấn, Phú­lan­na.
Kinh 82. Trúc Viên[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại tinh xá Trúc viên, Chi­đề.
Bấy giờ Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo :
"Ða văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì mà thấy vô thường, khổ?"
Các Tỳ kheo bạch Phật rằng:
"Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói.
Sau khi nghe xong các Tỳ kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
94
"Ða văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy là vô thường, khổ; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là vô
thường, khổ.
"Tỳ kheo, sắc là thường hay là vô thường?"
Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là vô thường.
"Tỳ kheo, vô thường là khổ phải không?"
Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là khổ.
"Tỳ kheo, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy thì Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế tôn, không."
"Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì là sắc, hoặc quá
khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế ; hoặc tốt, hoặc xấu;
hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Thọ,
tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán sát như vậy mà nhàm chán sắc,
nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Vì nhàm chán nên không còn thích; vì không thích nên được
giải thóat; vì đã được giải thoát cho nên biết rằng, 'Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 83. Tỳ­Da­Ly[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong giảng đường Trùng­các, bên bờ ao Di­hầu, tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ, Thế
Tôn, nói với các Tỳ kheo:
"Ða văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau
mà quán chánh xác bình đẳng như vậy, và tri kiến như thật?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
95
"Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói.
Sau khi nghe xong các Tỳ kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
"Ða văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau.
Ðó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Sắc là thường hay là vô thường?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là vô thường."
Lại bảo các Tỳ kheo:
"Vô thường là khổ chăng?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là khổ."
"Tỳ kheo , nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy thì là Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có
thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, không."
"Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì là các sắc, hoặc quá khứ,
hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa,
hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Ðó gọi là
quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán sát
như vậy đối với sắc được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát. Ta nói
người này giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, cùng tụ khổ thuần lớn."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 84. Thanh Tịnh[71]
Tôi nghe như vầy:
96
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Sắc là vô thường. Vô thường thì khổ. Khổ chẳng phải là ngã. Chẳng phải ngã là chỉ cho tất cả
kia chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau, biết như thật, thì gọi đó là chánh quán.
Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử, đối với năm thọ ấm này quán sát
chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với các thế gian cũng đều không có gì
để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm
nhiễn nên tự mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành
Kinh 85. Chánh Quán Sát[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Tỳ kheo, ở nơi cái gì mà không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói.
Các Tỳ kheo sau khi nghe xong sẽ y theo những lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Phải chăng ở nơi sắc không thấy có ngã, khác ngã, ở trong nhau? Thọ, tưởng, hành, thức cũng
lại như vậy?
"Tỳ kheo, sắc có phải là vô thường?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế tôn, là vô thường."
Phật bảo các Tỳ kheo:
"Có phải vô thường là khổ?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
97
"Thế Tôn, là khổ."
"Tỳ kheo, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, không."
"Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc sắc, hoặc quá khứ,
hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa,
hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Thọ,
tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Tỳ kheo, Ða văn Thánh đệ tử quán sát năm thọ ấm là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi
quán sát như vậy, thì đối với các thế gian đều không có gì để chấp thủ; vì không có gì để chấp
thủ nên không có gì để đắm; vì không có gì để đắm nên tự mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh
đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.'"
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 86. Vô Thường[73]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Nếu sắc vô thường mà có thường, thì sắc này không nên có bệnh, có khổ, và đối với sắc cũng
không nên có những sự mong cầu phải như thế này hay không như thế này. Vì sắc là vô thường,
nên đối với sắc có bệnh, có khổ sanh ra, và cũng không thể mong để được như thế này hay không
như thế này. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Tỳ kheo, ý ngươi nghĩ sao? Sắc là thường hay là vô thường?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là vô thường."
Này các Tỳ kheo:
"Vô thường có phải là khổ?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
98
"Thế Tôn, là khổ."
Này các Tỳ kheo:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay
ở trong nhau không?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế tôn, không."
"Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc
quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong , hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu;
hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, biết như thật. Thọ, tưởng,
hành, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử quán chánh xác sắc; khi đã quán sát chánh xác
sắc rồi thì sẽ sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát. Ðối với thọ, tưởng, hành,
thức cũng sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã
chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'"
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 87. Khổ[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp­cô­độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ kheo:
"Sắc là khổ. Nếu sắc không phải là khổ, thì đối với sắc sẽ không có bệnh, có khổ sanh ra, và
cũng không nên muốn như thế này hay không thể như thế này. Vì sắc là khổ, và vì sắc là khổ nên
bệnh sanh ra nơi sắc, đối với sắc cũng có thể muốn như thế, hay không khiến như thế. Ðối với
thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Tỳ kheo, sắc là thường hay là vô thường?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là vô thường."
Này các Tỳ kheo:
"Vô thường có phải là khổ?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là khổ."
99
Này các Tỳ kheo:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch; vậy Ða văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác
ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, không."
"Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc
quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu;
hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau,
quán sát như thật. Thọ, tưởng, hàng, thức lại cũng như vậy. Ða văn Thánh đệ tử đối với sắc sẽ
được giải thóat, đối với thọ, tưởng, hành, thức sẽ được giải thóat. Ta nói người này sẽ giải thóat
sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ khổ thuần lớn."
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
Ghi Chú:
[01] . Bản Ðại chánh, quyển 3, Kinh 59. Quốc dịch nhất thiết kinh, quyển 4 Kinh 96. Phật quang
quyển 3, Kinh 50. Pāli, S. 22. 5. Samādhi.
[02] . Bản Ðại chánh, Kinh 60. Pāli, S. 22. 5. Samādi.
[03] . Tiền tế , biên tế phía trước, chí quả khứ tối sơ: đời trước ta hiện hữu hay không hiện hữu?
[04] . Bản Ðại chánh, Kinh 61. Pāli, S. 22. Samādhi.
[05] . Siêu thăng ly sanh , cũng nói nhập chánh tánh ly sanh. Sát na đầu tiên chứng dự lưu, thể
nhập bản tính của Thánh, rời khỏi bản tính chúng sanh.
[06] . Nguyên Hán: đẳng quán, tức Pāli: Samanupassati.
[07] . Tận đoạn tri, hoặc nói la đoạn biến tri, hay biến tri đoạn: đoạn trừ rốt ráo, toàn diện.
[08] . Trong bản: Tam­bồ­đề, tức Pāli: Sambodhi.
[09] . Hán: đãi đắc kỷ lợi.
[10] . Hữu kết, phiền não dẫn đến tái sanh, trói buộc vào tái sanh. Pāli: Bhavasaṃyojana.
100
[11] . Bản Ðại chánh, Kinh 62.
[12] . Bản Ðại chánh, Kinh 63. Pāli, S. 22. 47. Samanupassanā.
[13] . Pāli: Samanupassanā asmi ti cassa avigataṃ, quán sát như vậy thì không rời khỏi ý tưởng
"Tôi hiện hữu" (ngã kiến).
[14] . Pāli: Avigata pañcanaṃ indriyānaṃ avakkanti, khi không rời, năm căn hiển hiện.
[15] . Bản Ðại chánh, Kinh 64. Pāli, S. 22. 55. Udānaṃ.
[16] . Hán: giải thoát . Pāli: Evaṃ muccamāno, khi lãnh hội (thắng giải) như vậy.
[17] . Hạ phần kết , chỉ năm phiền não dẫn tái sanh Dục giới. Pāli: orambhāgiyāni saṃyojāni.
[18] . Hán: Hoại hữu dịch sát. Pāli: rūpaṃ vibhavissati, sẽ hủy diệt, sẽ không tồn tại.
[19] . Hán: Phan duyên.
[20] . Tứ thức trú.
[21] . Ý sanh, cũng nói ý sở thành; đây chỉ thân được tác thành bởi ý khi tái sanh vào trong Sắc
giới
[22] . Xem cht. 36 Kinh 85.
[23] . Vô sở tác. Pāli: Anabhisaṅkhāra. Xem cht. 37 Kinh 85.
[24] . Bất trụ, Kinh 85 nói bất chí , không đi đến.
[25] . Quốc dịch, phẩm 12, quyển 4.
[26] . Bản Ðại chánh, Kinh 65. Pāli, S. 22. 5. Samādhi (Xem các Kinh 50­53); S. 22. 6.
Paṭisallāna.
[27] . Thiền tư. Pāli: paṭisallàna, sống cô độc tại một nơi thanh vắng; yên tọa, độc cư.
[28] . Trong bản Ðại chánh, ghi là 2 kinh. Theo các bản, Phật quang, Quốc dịch và Ấn Thuận,
đều đính chính là 12.
[29] . Bản Ðại chánh, Kinh 66. Pāli, S. 22. 7. Upādāparitassanā.
[30] Bản Ðại chánh, Kinh 67.
[31] . Bản Ðại chánh, Kinh 68.
101
[32] Quốc dịch, phẩm 13, quyển 4. Pāli, S. 22. 44. Paṭipadā.
[33] . Hữu thân tập thú đạo. Pāli: Sakkāyasamudayagāmini­paṭipadā.
[34] . Kinh này cũng được gọi là "đương thuyết" (sẽ nói), vì bắt đầu bằng 2 chữ như vậy. Hai
Kinh tiếp theo hoàn toàn đồng nhất với Kinh này, nên không chép. Ðây lời của người truyền
kinh.
[35] . Bản Ðại chánh, Kinh 70. 22. 103. Antè.
[36] . Hữu thân biên. Pāli: sakkayānata.
[37] . Hữu thân tập biên. Pāli: sakkāya­samudāyanta.
[38] . Hữu thân diệt biên. Pāli: sakkāya­nirodhānta
[39] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[40] . Bản Ðại chánh, Kinh 71. Pāli, S.22. 105: Sakkāya.
[41] . Hữu thân, Pāli: sakkāya.
[42] . Hữu thân diệt đạo tích.
[43] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[44] . Quốc dịch, phẩm 14.
[45] . Ðại chánh, Kinh 72. Pāli, S. 22. 23: Parññeyya.
[46] . Sở tri pháp, trí, trí giả; pháp cần được nhận thực toàn diện (Pāli: pariññeyya: ưng biến tri);
sự nhận thức toàn diện (pariññā: biến tri trí), và người có nhận thức toàn diện.
[47] . Gánh nặng. Bản Ðại chánh, Kinh 73. Pāli, S. 22. 22. Bhāra.
[48] .Trọng đảm, thủ đảm, xả đảm. Pāli: bhāra, bhāradāna,bhāranikkhepana, bharahāra.
[49] . Mong rằng trong tương lai ta sẽ như thế này, sẽ như thế kia.
[50] . Hán: sĩ phu; Pāli: puggala (bổ­đặc­già­la)
[51] . Bản Ðại chánh, Kinh 74. Pāli, S. 22. 117. Bandhana; 22. 65. Abhinnandamāna.
[52] . Ma sở hóa; đoạn dưới nói là "ma sở tác".
[53] . Xem cht. 49 trên.
102
[54] . Bản Ðại chánh, Kinh 75. Pāli, S. 22. 58. Sambuddha.
[55] . Bản Ðại chánh, Kinh 76. Pāli, S. 22. 118­119. Parimucchita.
[56] . Bản Ðại chánh, Kinh 77. Pāli, 22. 25. Chadarāga.
[57] . Ðoạn tri, hay đoạn biến tri, nhận thức toàn diện về sự đoạn trừ, tức đã đoạn trừ triệt để.
Pāli: pahāna­pariññā.
[58] . Bản Ðại chánh, Kinh 78. Pāli, S. 22. 30. Uppādaṃ.
[59] . Bản Ðại chánh, Kinh 79. Pāli, S. 22. 9­11. Atītānāgatapaccuppanna.
[60] . Bản Ðại chánh, Kinh 80.
[61] . Không, Vô tướng, Vô nguyện: Ba tam­muội môn.
[62] . Xem cht. 54 Kinh 70 trên.
[63] . Bản Ðại chánh, Kinh 81. Pāli, S. 22. 60. Mahāli.
[64] . Ly­xa. Pāli, Liccha, một thị tộc hùng mạnh thời Phật.
[65] . Ma­ha­nam: Mahānāma. Nhưng bản Pāli nói là Mahàāi.
[66] . Phú­lan­na Ca­diếp. Pāli: Pūraṇa Kassapa.
[67] . Xuất ý ngư. Pāli: Adhivitti pada
[68] . Quốc dịch, phẩm 7, quyển 2.
[69] . Ðại chánh, Kinh 82.
[70] . Bàn Ðại chánh, Kinh 83.
[71] . Bản Ðại chánh, Kinh 84. Pāli, S. 22. 45. Aniccā.
[72] . Bản Ðại chánh, Kinh 85. Pāli, S. 22. 46 Aniccā.
[73] . Ðại chánh, Kinh 86.
[74] . Ðại chánh, Kinh 87
103
TẠP A-HÀM QUYỂN 4
KINH 88. HIẾU DƯỠNG[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ. Bấy giờ có Bà­la­môn trẻ
tuổi tên là Uất­đa­la[2] đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui qua ngồi một bên, bạch
Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, con thường đi khất thực như pháp, đem cúng dường cho cha mẹ, khiến cho ông
bà được an vui, xa lìa khổ. Bạch Thế Tôn, việc làm của con như vậy có nhiều phước không?"
Phật bảo Uất­đa­la:
"Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ,
làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:
Như ngươi đối cha mẹ,
Cung kính và cúng dường,
Đời này lưu tiếng thơm,
Khi chết được lên trời.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 89. ƯU­BA­CA (1)[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ. Bấy giờ có một Bà­lamôn tuổi trẻ tên là Ưu­ba­ca[4] đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui ngồi qua một bên,
bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, các Bà­la­môn thường hay khen ngợi đại hội tà thạnh[5]. Còn Sa­môn Cù­đàm
có khen ngợi đại hội tế lễ không?"
Phật bảo Ưu­ba­ca:
"Ta không khen ngợi một chiều. Hoặc có đại hội tà thạnh Ta tán thán. Cũng có đại hội tà thạnh
Ta không tán thán."
104
Ưu­ba­ca bạch Phật:
"Những đại hội tế lễ nào có thể được khen ngợi và những đại hội tế lễ nào không được khen
ngợi?"
Phật bảo Ưu­ba­ca:
"Nếu có đại hội tế lễ nào mà cột trói cả bầy nghé, trâu đực, trâu cái, những con dê và những
chúng sanh nhỏ bé khác, tất cả đều bị sát hại; hành hạ áp bức những kẻ nô tỳ, người làm công,
đánh đập bằng chịu roi vọt, làm cho sợ hãi, buồn khổ, khóc la, kêu gào, không hoan hỷ, không
sướng, lao dịch khổ nhọc. Những đại hội tế lễ như vậy, Ta không khen ngợi, vì chúng gây nên tai
nạn lớn.
"Nếu những đại hội tế lễ mà không trói cột các súc vật, cho đến không khiến chúng sanh phải lao
dịch khổ nhọc; những đại hội tế lễ như vậy được Ta khen ngợi tán thán, vì nó không mang lại tai
nạn lớn."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Đại hội như tế ngựa,[6]
Gây nên tai họa lớn;
Các tà thạnh như vậy,
Đại tiên không khen ngợi.
Trói cột các chúng sanh,
Sát hại côn trùng nhỏ,
Chẳng phải lễ hội chánh,
Đại tiên không tùy thuận.
Nếu không hại chúng sanh,
Không gây các tai họa,
Thì gọi lễ hội chánh,
Đại tiên thuận tán thán.
Bố thí và cúng dường,
Đúng pháp thiết đại tế;
Người thí, tâm thanh tịnh,
Phạm hạnh ruộng phước tốt;
Những đại hội như vậy,
Gọi lễ hội La­hán.
Hội này được quả lớn,
Chư Thiên đều hoan hỷ.
Tự mình cung kính thỉnh,
Tự tay ban phát cho,
Mình người đều thanh tịnh;
Cho này được quả lớn.
Kẻ trí cho như vậy,
Tín tâm được giải thoát.
105
Cõi đời vui, không tội,
Người trí sanh nơi đó.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Ưu­ba­ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ,
làm lễ mà lui.
KINH 90. ƯU­BA­CA (2)[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ. Đức Phật cũng nói đầy
đủ như kinh trên[8], tuy nhiên có sự sai khác nơi bài kệ, Ngài đã nói:
Vô vi, không các nạn,
Khi tế lễ thanh tịnh,
Thuận hành theo như pháp,
Giữ gìn các phạm hạnh,
Tiếng thơm khắp thế giới,
Vượt lên trên phàm tục.
Đối với tế đàn thiện,
Phật khen ngợi lễ này.
Bố thí và cúng dường,
Tế lễ phải tùy thời,
Tịnh tín, cho bình đẳng,
Phạm hạnh ruộng phước tốt,
Người ban cho như vậy,
Là cúng ruộng La­hán.
Cho rộng lớn như vậy,
Chư Thiên sẽ khen ngợi,
106
Tự mình cung kính thỉnh,
Tự tay ban phát cho,
Mình người đều thanh tịnh;
Cho này được quả lớn.
Kẻ trí cho như vậy,
Tín tâm được giải thoát.
Cõi đời vui, không tội,
Người trí sanh nơi đó.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Ưu­ba­ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ,
làm lễ mà lui.
KINH 91. UẤT­XÀ­CA[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ. Bấy giờ có Bà­la­môn
tuổi trẻ tên là Uất­xà­ca[10] đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên,
bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để được lợi ích hiện tại và an
lạc ngay hiện tại[11]?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Có bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại. Đó là:
Phương tiện đầy đủ, Thủ hộ đầy đủ, Thiện tri thức đầy đủ, Chánh mạng đầy đủ.
"Thế nào là Phương tiện đầy đủ[12]? Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ
xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những
nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi. Đó gọi là Phương tiện đầy đủ.
"Thế nào là Thủ hộ đầy đủ? Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay
mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa,
tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu
không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư
hỏng. Đó gọi là người thiện nam khéo thủ hộ.
107
"Thế nào là Thiện tri thức đầy đủ? Có người thiện nam không mất điều độ, không buông lung,
không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ
chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui
thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để
mất. Đó gọi là người thiện nam thiện tri thức đầy đủ.[13]
"Thế nào là Chánh mạng đầy đủ? Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu
cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít;
như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới
thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang
nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít. Nếu người thiện nam không có
tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là 'quả ưu­
đàm­bát không có hạt giống'[14]; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người
thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: 'Người ngu si này như con
chó chết đói.' Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập
ngang nhau. Đó gọi là Chánh mạng đầy đủ. Như vậy Bà­la­môn, đây là bốn pháp thành tựu lợi
ích hiện tại và an lạc hiện tại."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, những người tại gia có bao nhiêu pháp để có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc
đời sau?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Có bốn pháp có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau. Đó là: Tín đầy đủ, Giới đầy đủ, Thí
đầy đủ, Tuệ đầy đủ.
"Thế nào là có Đức tin đầy đủ? Đối với Như­lai, người thiện nam có tâm kính tin, gốc rễ tín
vững chắc, mà chư Thiên, Ma, Phạm cùng với loài người[15] không thể phá hoại. Đó gọi là
người thiện nam có Đức tin đầy đủ.
"Thế nào là có Giới đầy đủ? Người thiện nam không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm,
không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là có Giới đầy đủ.
"Thế nào là có Thí đầy đủ? Người thiện nam với tâm không vấy bẩn bởi sự keo kiệt, sống đời tại
gia mà hành bố thí buông xả[16], thường tự tay mình cho, vui vẻ tu hạnh thí xả. Đó gọi là người
thiện nam có Thí đầy đủ.
"Thế nào là có Tuệ đầy đủ? Người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; biết như thật về
Tập, Diệt, Đạo Thánh đế. Đó gọi là người thiện nam có Tuệ đầy đủ.
"Nếu người thiện nam nào ở tại gia đình mà thực hành bốn pháp này, có thể thành tựu lợi ích
hiện tại và an lạc hiện tại."
Bấy giờ Đức Thế Tôn, lại nói kệ rằng:
108
Phương tiện[17], tạo dựng nghiệp,
Tích tụ phải giữ gìn,
Người thiện nam thân hữu,
Chánh mạng trong tự sống.
Tịnh tín, giới đầy đủ,
Bố thí lìa xan tật,
Thanh tịnh đường thăng tiến[18],
Đời sau được an lạc.
Nếu sống đời tại gia,
Thành tựu tám pháp này,
Suy nghiệm lời Phật dạy,
Những điều Phật giác tri,
Thì hiện tại an ổn,
Sống hiện tại hỷ lạc,
Đời sau cũng hỷ lạc.
Phật nói kinh này xong, Uất­xà­ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
KINH 92. KIÊU MẠN[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật từ nước Câu­tát­la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà,
nước Xá­vệ. Bấy giờ tại nước Xá­vệ có Bà­la­môn Kiêu Mạn[20], đang sống tại đây, dòng họ
cha mẹ đều thuần tịnh không một tỳ vết nào đáng bị chê trách;[21] bảy đời nối tiếp nhau, tất cả
đều thuần tịnh; là bậc thầy của các Bà­la­môn. Ngôn luận thông suốt; điển tịch các luận, có hàng
vạn tên, thảy đều biết rõ; hiểu pháp hơn thua, phân biệt[22] tự nghĩa,[23] ghi nhớ từng câu;
tướng mạo đoan chánh. Do tự cao về huyết thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự
cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang; ông không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, sư
trưởng. Khi ông nghe tin Sa­môn Cù­đàm đã từ nước Câu­tát­la du hành trong nhân gian đến
109
vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, thuộc nước Xá­vệ này, ông liền nghĩ: "Ta sẽ đến chỗ Sa­môn Cù­
đàm này. Nếu Sa­môn có nói gì, ta sẽ cùng Sa­môn bàn luận. Nếu không nói gì, ta sẽ im lặng ra
về."
Bấy giờ, Bà­la­môn Kiêu Mạn đi xe ngựa trắng, với các thiếu niên Bà­la­môn theo hầu trước sau,
cầm lọng cán vàng, tay ôm bình vàng, đến gặp Đức Thế Tôn. Khi tới cửa vườn, ông xuống xe đi
bộ vào. Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang nói pháp cho đại chúng vây quanh.[24] Thế Tôn không hề để
ý đến Bà­la­môn Kiêu Mạn. Bà­la­môn Kiêu Mạn tự nghĩ: "Sa­môn Cù­đàm không để ý đến
ta.[25] Thôi ta nên về."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Bà­la­môn Kiêu Mạn, nên nói kệ rằng:
Kiêu Mạn đã đến đây,
Bất thiện lại tăng trưởng.
Trước vì nghĩa mà đến,
Hãy tăng trưởng nghĩa ấy.[26]
Bây giờ, Bà­la­môn Kiêu Mạn lại nghĩ: "Sa­môn Cù­đàm đã biết tâm ta." Rồi ông sửa soạn hành
lễ.[27] Đức Thế Tôn bảo Bà­la­môn Kiêu Mạn:
"Thôi! Thôi! Không cần phải làm lễ. Tâm tịnh là đủ rồi[28]."
Lúc ấy, mọi người đều lớn tiếng xướng rằng:
"Lạ thay! Thế Tôn, là Bậc Đại đức, Đại lực. Nay, Bà­la­môn Kiêu Mạn này, do tự cao về huyết
thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang;
nên không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, sư trưởng, mà nay đối trước Sa­môn Cù­đàm lại
khiêm hạ, hạ mình, muốn lễ sát chân Phật."
Bà­la­môn Kiêu Mạn trước mọi người lớn tiếng bảo lặng, rồi nói kệ rằng:
Thế nào[29] chẳng khởi mạn?
Thế nào khởi cung kính?
Thế nào khéo an ủi?
Thế nào khéo cúng dường?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đáp kệ rằng:
Đối cha mẹ, huynh trưởng,
110
Hòa thượng, các sư trưởng,
Cùng các bậc tôn trọng,
Không nên sanh kiêu mạn.
Phải khéo lòng cung kính,
Khiêm hạ và hỏi thăm,
Tận tâm mà phụng sự,
Cùng các việc cúng dường.
A­la­hán lậu tận,
Tâm lìa tham, nhuế, si,
Chánh trí khéo giải thoát,
Điều phục tâm kiêu mạn;
Đối các Hiền thánh này,
Chắp tay cúi đầu lễ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà­la­môn Kiêu Mạn thuyết pháp bằng nhiều cách, khai thị, chỉ giáo,
soi sáng, khiến hoan hỷ.[30] Đức Phật nói pháp theo tuần tự, nói về bố thí, trì giới, công đức
sanh thiên, về vị ngọt, sự tai hại của ái dục, về sự phiền não, thanh tịnh, về xuất yếu viễn ly, về
các phần thanh tịnh; nói rộng như vậy.[31] Như tấm vải trắng sạch, chưa bị nhuộm đen, thấm
nhuộm màu nhanh chóng; Bà­la­môn Kiêu Mạn ngay tại chỗ ngồi hiểu rõ Bốn Thánh đế: Khổ,
Tập, Diệt, Đạo, chứng đắc hiện quán[32]. Bấy giờ Bà­la­môn Kiêu Mạn, thấy pháp, đắc pháp,
biết pháp, chứng nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, mà không do người khác độ thoát, ở
trong chánh pháp được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, rồi chắp tay
bạch Phật:
"Nay, con có được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ cụ túc chăng?"
Đức Phật bảo Bà­la­môn Kiêu Mạn:
"Nay, ông có thể ở trong chánh pháp xuất gia thọ cụ túc."
Bà­la­môn kia liền xuất gia, một mình âm thầm tư duy về lý do người thiện nam cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca­sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, cho đến, đắc A­la­hán, tâm khéo
giải thoát.
111
KINH 93. TAM HỎA[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật từ Câu­tát­la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước
Xá­vệ. Bấy giờ có Bà­la­môn Trường Thân tổ chức đại tế đàn[34] như vầy: đem bảy trăm con
trâu đực sắp hàng cột vào trụ, còn những con trâu cái, trâu con, những con dê tơ, cùng những
sanh vật nhỏ bé khác cũng đều bị trói cột. Rồi sửa soạn các món đồ ăn thức uống để bố thí một
cách rộng rãi. Các nhóm ngoại đạo khác nhau từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập trung đến đại
tế đàn này.
Bấy giờ, Bà­la­môn Trường Thân[35] nghe Sa­môn Cù­đàm từ Câu­tát­la du hành trong nhân
gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ này, thì tự nghĩ: "Nay, ta tổ chức đại tế
đàn, đem bảy trăm con trâu đực sắp hàng cột vào trụ, cho đến những sanh vật bé nhỏ khác, tất cả
đều bị trói cột. Các nhóm ngoại đạo khác nhau từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập về dự đại tế
đàn này. Nay, ta nên đến chỗ Sa­môn Cù­đàm hỏi về pháp tế tự, chớ để cho các phần số[36]
trong đại tế đàn mà ta tổ chức bị thiếu sót." Suy nghĩ như vậy rồi, đi xe ngựa trắng, dẫn theo
trước sau nhiều thiếu niên Bà­la­môn, cầm lọng cán vàng, ôm bình nước vàng, ra khỏi thành Xá­
vệ, đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính thừa sự. Khi đến cổng tinh xá, ông xuống xe, đi bộ đến
trước Phật. Sau khi chào hỏi xong, ông lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, nay tôi muốn tổ chức lễ hội lớn tế lễ, với bảy trăm con trâu đực sắp hàng cột vào
trụ, cho đến các loài sanh vật nhỏ bé khác, tất cả đều bị trói cột. Các nhóm ngoại đạo khác nhau
từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập về dự đại tế đàn này. Nay, tôi lại nghe Cù­đàm từ Câu­tát­la
du hành trong nhân gian đã đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ, nên tôi đến đây
để thỉnh vấn Cù­đàm về pháp tế tự và phần số của các phẩm vật, không để cho các phần số trong
đại tế đàn mà tôi tổ chức bị thiếu sót."
Đức Phật bảo Bà­la­môn:
"Có một thứ đại tế đàn, tuy người chủ thực hành việc bố thí làm phước nhưng lại sanh ra tội, gặt
hái quả báo bất thiện, bị đâm chém bởi ba thứ đao kiếm. Ba loại ấy là: đao kiếm bởi thân, đao
kiếm bởi miệng, đao kiếm bởi ý.
"Thế nào là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ? Như có một người chủ tổ chức đại tế đàn,
suy nghĩ: "Ta tổ chức đại hội tế tự, cần phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh, trâu cái, trâu con,
dê tơ, cùng nhiều loài sanh vật nhỏ bé khác." Đó gọi là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ.
Tuy người thí chủ có ý nghĩ là làm các việc bố thí và cúng dường như vậy, nhưng thật ra việc
làm ấy sanh ra tội.
"Thế nào là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ? Có một người chủ tổ chức lễ hội lớn,
bảo như vầy: "Nay, ta tổ chức lễ hội lớn tế lễ, các ngươi phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh,
cho đến ngần ấy sanh vật nhỏ bé khác." Đó gọi là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ.
Người chủ lễ hội lớn, tuy làm các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội.
112
"Thế nào là đao kiếm bởi thân, sanh ra các quả báo khổ? Có người chủ lễ hội lớn, tự tay mình
giết trâu đực, cho đến giết hại các loài sanh vật bé nhỏ khác. Đó gọi là đao kiếm bởi thân sanh ra
các quả báo khổ. Người chủ lễ hội lớn này, tuy nghĩ đến các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật
ra việc làm ấy sanh ra tội.
"Tuy nhiên, Bà­la­môn nào siêng năng tùy thời cúng dường ba thứ lửa, cung kính lễ bái, phụng
sự, mang lại sự an lạc. Những gì là ba? Một là lửa căn bản, hai là lửa cư gia, ba là lửa phước
điền.
"Thế nào là lửa căn bản, mà tùy thời cung kính, phụng sự, cúng dường, mang lại sự an lạc?
Người thiện nam, nhờ phương tiện có được tiền của, hay do sự cần cù khó nhọc chân tay mà có
được như pháp, đem phụng dưỡng cha mẹ, khiến cho họ được an lạc, đó gọi là lửa căn bản. Vì
sao gọi là căn bản? Vì người thiện nam do cha mẹ sanh ra, nên cha mẹ được gọi là căn bản.
Người thiện nam vì tôn sùng căn bản nên tùy thời cung kính, phụng sự, mang lại sự an lạc cho
họ.
"Thế nào là lửa gia cư, mà người thiện nam tùy thời nuôi dưỡng, đem lại sự an lạc? Người thiện
nam, nhờ phương tiện có được của cải, nhờ vào sự cần cù khổ cực của chân tay, có được như
pháp, rồi đem cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, người giúp việc, khách thương, tùy thời
mà cung cấp, với lòng tôn trọng, đem lại sự hạnh phúc cho họ. Đó gọi là lửa cư gia. Vì sao gọi là
gia? Vì người thiện nam sống đời tại gia, vui thì cùng vui, khổ thì cùng khổ, mọi sinh hoạt trong
gia đình đều tùy thuận lệ thuộc vào nhau, cho nên gọi là gia. Vì vậy, người thiện nam nên tùy
thời mà cung cấp và mang lại sự an lạc cho họ.
"Thế nào là lửa phước điền, mà người thiện nam tùy thời cung kính, tôn trọng cúng dường, mang
lại sự an lạc? Người thiện nam, phương tiện có được của cải, nhờ vào sự cần cù khổ cực của
chân tay, có được như pháp, rồi đem phụng sự, cúng dường cho các Sa­môn, Bà­la­môn nào đã
khéo điều phục tham, nhuế, si. Cúng dường những Sa­môn, Bà­la­môn như vậy là kiến lập
phước điền, càng lúc càng tăng tiến, hiện tại an vui được báo tốt, tương lai sẽ sanh về cõi trời. Đó
gọi là lửa phước điền. Vì sao gọi là điền? Vì đó là đám ruộng phước của thế gian, là nơi đáng
được cúng dường, cho nên gọi là điền. Do vậy, người thiện nam nên tùy thời cung kính, phụng
sự, cúng dường và mang lại sự an lạc cho họ."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
Căn bản và cư gia,
Lửa ruộng phước xứng đáng;
Luôn cúng dường lửa này,
Vui an ổn sung túc.
Cõi đời vui, không tội,
Người tuệ sanh về đó,
113
Của như pháp mở hội,
Cúng dường nơi đáng cúng;
Vì cúng dường đúng chỗ,
Nên tiếng thơm, sanh Thiên.
"Nhưng, này Bà­la­môn, người thiện nam, nay đối với với ba thứ lửa mà trước kia đã từng cúng
dường, hãy đoạn trừ, dập tắt. Những gì là ba? Lửa tham dục, lửa sân hận, lửa ngu si. Vì sao? Vì
lửa tham mà không được đoạn trừ, không bị dập tắt, thì sẽ tự mình hại mình, hại người; mình
người đều bị hại; hiện tại mắc tội, đời sau mắc tội, hiện tại và đời sau đều mắc tội. Vì duyên vào
những tội này nên sanh ra tâm pháp buồn lo, khổ não. Đối với lửa sân, lửa si cũng lại như vậy.
"Này Bà­la­môn, nếu người thiện nam phụng thờ thứ lửa do nhóm củi, thường xuyên phải khổ
nhục, thường xuyên phải nhen nhóm, thường xuyên lửa tắt; vì những nhân duyên này mà chịu
khổ."
Bấy giờ, Trường Thân Bà­la­môn, ngồi im lặng. Lúc ấy, có người con của Bà­la­môn tên là Uất­
đa­la đang ngồi trong hội. Trường Thân Bà­la­môn sau khi im lặng và suy giây lát, rồi bảo Uất­
đa­la:
"Con trở về chỗ lễ hội tế lễ, hãy thả những con trâu bị cột nơi trụ; cùng những sanh vật đã bị trói
cột, tất cả đều thả ra hết và nói lại với chúng rằng: "Trường Thân Bà­la­môn cho phép các ngươi
tùy ý tự tại nơi núi đồi, đầm ao, đồng hoang... mặc sức ăn cỏ tươi, uống các dòng nước trong,
gió mát bốn bề, hưởng thụ mọi sự khoái lạc."
Uất­đa­la bạch rằng:
"Con xin vâng theo lời thầy dạy."
Uất­đa­la liền đi đến chỗ lễ hội tế lễ, thả hết mọi sanh vật và nói với chúng rằng: "Trường Thân
Bà­la­môn đã cho phép các ngươi tùy theo sở thích đối với núi đồi, đầm ao, đồng hoang... ăn cỏ,
uống nước, gió mát bốn bề, tự theo ý thích."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Uất­đa­la đã hoàn thành công việc xong, liền nói pháp cho Bà­la­môn
Trường Thân, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, như cách thuyết pháp của các Đức Thế Tôn,
theo thứ tự trước sau nói về việc trì giới, bố thí và công đức sanh lên cõi trời; về vị ngọt và sự tai
hại của ái dục, về sự thanh tịnh của xuất ly, về sự thanh tịnh các phiền não[37]; khai thị, tỏ bày.
Giống như tấm lụa trắng sạch dễ thấm màu nhuộm, Trường Thân Bà­la­môn lại cũng như vậy,
ngay nơi chỗ ngồi thấy được Bốn chân đế, chứng đắc hiện quán.[38] Khi Trường Thân Bà­lamôn tự thân đã thấy pháp, đắc pháp, thâm nhập pháp, vượt qua khỏi những nghi hoặc, không do
người khác độ thoát, ở trong chánh pháp đạt được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y
phục, trịch áo vai hữu, chắp tay bạch Phật:
114
"Con đã được độ, bạch Thế Tôn. Con, từ ngày hôm nay cho đến suốt đời, xin quy y Phật, quy y
Pháp, quy y Tỳ­kheo Tăng, làm Ưu­bà­tắc. Ngưỡng mong Ngài chứng tri cho con. Ngưỡng
mong Đức Thế Tôn và đại chúng nhận bữa ăn con cúng dường."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Trường Thân Bà­la­môn biết Phật đã nhận lời mời,
làm lễ Phật, đi vòng bên hữu ba lần rồi lui. Trường Thân Bà­la­môn trở về lại chỗ tế lễ, sửa soạn
đồ vật cúng dường thanh khiết, ngon lành và bố trí giường ghế, chỗ ngồi xong, sai người đến
thỉnh Phật:
"Bạch Ngài đã đến giờ, xin Ngài biết cho!"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với đại chúng theo sau, đi đến chỗ lễ hội của
Trường Thân Bà­la­môn. Ngài ngồi trước đại chúng. Khi Trường Thân Bà­la­môn biết Đức Thế
Tôn đã ngồi an định rồi, tự tay dâng cúng các thứ đồ ăn thức uống. Khi Đức Phật và đại chúng ăn
xong; rửa tay, rửa bát xong, ông ngồi riêng ngay ngắn trên một chiếc ghế thấp đặt trước đại
chúng để nghe pháp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Trường Thân Bà­la­môn mà nói pháp bằng nhiều cách, chỉ dạy, soi
sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 94. MẶT TRĂNG[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ có một Bà­la­môn
tuổi trẻ tên là Tăng­ca­la đến chỗ Phật, cùng Đức Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, rồi ngồi
lui qua một bên bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, làm sao để có thể biết người nam bất thiện?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Giống như trăng."
Bà­la­môn lại hỏi:
"Làm sao để có thể biết người nam thiện?
Phật bảo Bà­la­môn:
"Giống như trăng."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Thế nào là người nam bất thiện giống như trăng?"
115
Phật bảo Bà­la­môn:
"Như trăng cuối tháng[40], ánh sáng mất, màu sắc cũng mất, sở hệ cũng mất, ngày đêm càng lúc
càng tiêu giảm[41], cho đến không còn xuất hiện. Cũng vậy, có người đối với Như Lai mà tín
tâm tịch tĩnh[42], thọ trì tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, nhường bớt phần mình để bố thí, chánh
kiến chân thật; nhưng sau đó lại thoái thất, tín tâm thanh tịnh đối với Như Lai, đối với sự trì giới,
bố thí, nghe nhiều, chánh kiến chân thật ngay thẳng[43]; đối với sự bố thí, trì giới, đa văn, chánh
kiến, tất cả đều bị đánh mất; ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến trong khoảnh khắc tất cả
đều bị quên mất. Lại nữa, này Bà­la­môn, nếu người thiện nam nào, mà không thân quen gần gũi
thiện tri thức, không thường xuyên nghe pháp, không suy nghĩ chân chánh, thân làm các hành vi
ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về những điều ác, thì vì những nhân duyên ác đã tạo ra này, nên khi
thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào trong đường ác, địa ngục. Như vậy, này Bà­la­môn, người
nam bất thiện được ví như trăng."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Thế nào là người nam thiện được ví như trăng?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Như trăng đầu tháng[44], ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho
đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng. Cũng vậy, người nam thiện đối với pháp luật của
Như Lai mà có được tín tâm thanh tịnh, cho đến, chánh kiến chân thật, chân tịnh càng tươi sáng,
giới tăng, thí tăng, đa văn tăng, tuệ tăng, ngày đêm càng lúc càng tăng. Rồi vào lúc khác, gần gũi
thiện tri thức, nghe thuyết chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, thân làm các việc lành,
miệng nói những lời lành, ý nghĩ những điều lành; nhờ vào những nhân duyên này mà khi thân
hoại mạng chung sẽ được hóa sanh lên cõi trời. Này Bà­la­môn, vì vậy cho nên người nam thiện
được ví như trăng."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Như trăng trong không bợn,
Chu du khắp hư không;
Trong tất cả tinh tú,
Ánh trăng sáng hơn hết.
Tịnh tín cũng như vậy,
Giới, văn, rộng bố thí,
Lìa bỏn sẻn trong đời,
116
Bố thí này sáng ngời.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Tăng­ca­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ
từ chỗ ngồi đứng dậy cáo lui.
KINH 95. SANH VĂN[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ có Bà­la­môn Sanh
Văn đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật
rằng:
"Bạch Cù­đàm, tôi nghe Ngài nói rằng: "Chỉ nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho
người khác; cúng dường cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác mà
được quả báo lớn. Nên cúng dường cho đệ tử của Ta, không nên cúng dường cho đệ tử người
khác; cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho đệ tử của
người khác mà được quả báo lớn." Bạch Cù­đàm, thế nào, những lời nói ấy có phải là lời nói thật
chăng? Chẳng phải là hủy báng Cù­đàm chăng? Nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói
theo thuận thứ của pháp, không bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách chăng?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Người nào nói những lời như vậy là hủy báng Ta; không nói đúng như thuyết, nói đúng như
pháp, nói theo thuận thứ của pháp, bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách. Vì sao? Vì Ta
không nói như vầy: "Nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho người; cúng dường
cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác là được quả báo lớn. Nên
cúng dường cho đệ tử của Ta, cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn; không phải
cúng dường cho đệ tử của người khác mà được quả báo lớn." Nhưng này Bà­la­môn Ta nói như
vầy, những lời nói như trên sẽ tạo ra hai thứ chướng ngại: chướng ngại cho việc cúng dường của
người thí chủ và làm chướng ngại cho người nhận đồ cúng dường.
"Này Bà­la­môn, cho đến bất cứ người nào, chỉ cần đem thức ăn trong khi rửa bát chén còn lại,
đổ ở trên đất sạch, khiến cho những sanh vật nơi đó được sự lợi lạc, thì Ta nói những người đó
đã được vào cửa phước rồi, huống chi là bố thí cho con người. Này Bà­la­môn, tuy nhiên Ta
cũng nói, người nào cúng dường cho người trì giới, quả báo đó sẽ không đồng với sự bố thí cho
người phạm giới."
Bà­la­môn Sanh Văn bạch Phật rằng:
"Thưa Cù­đàm, đúng vậy, tôi cũng nói như vậy, cúng dường cho người trì giới sẽ được quả báo
lớn, chứ không phải cúng dường cho người phạm giới."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
117
Hoặc đen, hoặc trắng tinh,
Hoặc đỏ, hoặc có màu,
Màu tạp cùng vàng ròng,
Thuần vàng cùng màu xám,
Những trâu cái như vậy,
Trâu con đẹp đẽ này,
Đầy đủ sức cường tráng,
Khéo huấn luyện, đi nhanh,
Chỉ khiến chuyên chở nặng,
Không hỏi màu sắc nó.
Con người cũng như vậy,
Tùy thuộc vào nơi sanh,
Sát­lợi, Bà­la­môn,
Tỳ­xá, Thủ­đà­la,
Hạ tiện Chiên­đà­la,
Nơi sanh thảy không đồng.
Giả sử giữ tịnh giới,
Lìa gánh nặng phiền não,
Thuần nhất tu phạm hạnh,
A­la­hán lậu tận,
Đấng Thiện Thệ trong đời:
Cúng các Ngài, quả lớn.
Người ngu không trí tuệ,
118
Chưa từng nghe chánh pháp:
Cúng kia không quả lớn,
Vì không gần bạn lành.
Nếu gần thiện tri thức,
Như Lai cùng Thanh văn,
Tín tịnh nơi Thiện Thệ,
Căn sanh, lực kiên cố,
Sẽ đi về đường lành,
Sanh vào dòng tôn quý,
Cứu cánh Bát­niết­bàn,
Đại Tiên nói như vậy.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Sanh Văn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ
làm lễ cáo lui.
KINH 96. DỊ BÀ­LA­MÔN[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, Xá­vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế
Tôn đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Lúc ấy, có Bà­la­môn[47] tuổi già sức yếu,
chống gậy, cầm bát, đi khất thực từng nhà một. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bà­la­môn:
"Nay ông đã tuổi già sức yếu rồi, sao lại còn phải chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà?"
Bà­la­môn bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, bao nhiêu tài vật có được ở trong nhà tôi, tất cả đều giao cho con trai, cưới vợ
cho con trai. Nhưng sau đó chúng lại đuổi ra khỏi nhà, nên phải chống gậy, cầm bát đi khất thực
từng nhà."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ông có thể học thuộc lòng một bài kệ của Ta, rồi trở về nhà, ở giữa mọi người Bà­la­môn, đọc
cho con trai của ông nghe được không?"
119
Bà­la­môn bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, có thể được."
Bấy giờ, Đức Phật liền nói bài kệ:
Sanh con lòng vui mừng,
Vì con tích chứa của,
Rồi cưới vợ cho con.
Nhưng mình phải bỏ nhà.
Đứa con quê mùa kia,
Nghịch, phụ ân cha mẹ,
Thân người, tâm La­sát,
Xua đuổi bậc già cả.
Như ngựa già vô dụng,
Bị cướp mất thóc lúa,
Con trẻ mà cha già,
Phải xin ăn từng nhà.
Gậy cong này hơn hết,
Ân ái hơn con đẻ,
Vì ta ngừa trâu dữ,
Tránh đất hiểm, được an,
Xua đuổi loài chó dữ,
Giúp ta qua chỗ tối,
Tránh hầm sâu, giếng thẳm,
Cây cỏ và gai gốc;
120
Nhờ sức oai cây gậy,
Đứng vững không té ngã.
Sau khi nhận bài kệ từ Đức Thế Tôn, người Bà­la­môn liền trở về giữa đám đông Bà­la­môn, đọc
lại cho con trai nghe. Trước hết ông cáo bạch mọi người: "Hãy nghe tôi nói." Sau đó ông đọc lại
bài kệ như trên. Người con trai vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền ôm choàng người cha mình đưa vào
nhà, tắm rửa lau mình, mặc áo quần sạch sẽ và lập làm gia chủ.
Rồi thì, Bà­la­môn tự nghĩ: "Ta có được dòng họ tôn quý như hôm nay, là nhờ ân đức của Samôn Cù­đàm. Như kinh điển của ta đã dạy: 'Là Thầy thì cúng dường như bậc Thầy; là Hòa
thượng thì cúng dường như là Hòa thượng. Những gì ta đã được hôm nay đều nhờ vào oai lực
của Sa­môn Cù­đàm, Ngài là Thầy của ta. Hôm nay ta sẽ đem chiếc y quí giá tốt đẹp nhất cúng
dường cho Cù­đàm."
Bấy giờ, Bà­la­môn đem chiếc y quí giá nhất đến chỗ Đức Thế Tôn. Trước mặt Thế Tôn, cùng
thăm hỏi sức khỏe rồi, sau đó ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, ngày nay gia cư của con được thành tựu là nhờ vào oai lực của đức Cù­đàm. Như
kinh điển bên con đã dạy: "Là Thầy thì cúng dường như là bậc Thầy, là Hòa thượng thì cúng
dường như là Hòa thượng." Ngày nay Cù­đàm là Thầy của con, xin thương xót con mà nhận
chiếc y này."
Vì thương xót mà Đức Thế Tôn đã nhận chiếc y.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà­la­môn mà nói đủ các pháp, chỉ dạy, làm sáng tỏ, làm cho vui
mừng.
Bà­la­môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ cáo lui.
KINH 97. KHẤT THỰC[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ vào buổi sáng sớm,
Đức Thế Tôn đắp y cầm bát vào thành Xá­vệ khất thực. Lúc ấy có một Bà­la­môn tuổi già sức
yếu, chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà. Bà­la­môn này từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn liền
tự nghĩ: "Sa­môn Cù­đàm chống gậy bưng bát, đi khất thực từng nhà. Ta cũng chống gậy ôm bát
đi khất thực từng nhà. Ta cùng Cù­đàm đều là Tỳ­kheo[49]."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để trả lời:
Được gọi là Tỳ­kheo,
121
Chẳng chỉ vì khất thực.
Kẻ trì pháp tại gia,
Sao được gọi Tỳ­kheo?
Đã lìa dục tai hại,
Tu tập các chánh hạnh,
Tâm mình không sợ hãi,
Đó gọi là Tỳ­kheo.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ
cáo lui.
KINH 98. CANH ĐIỀN[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật từ Câu­tát­la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất­na­la[51], tại
tụ lạc Nhất­na­la. Bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất­na­la khất thực. Rồi Thế
Tôn nghĩ: "Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực[52] của Bà­la­môn
làm ruộng là Bà­la­đậu­bà­giá[53]." Bà­la­môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát
ẩm thực. Từ xa Bà­la­môn cày ruộng Bà­la­đậu­bà­giá nhìn thấy Đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:
"Bạch Cù­đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy, Sa­môn Cù­đàm
cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Tôi không thấy Sa­môn Cù­đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay
Cù­đàm lại nói: "Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!"
Lúc ấy, Bà­la­môn cày ruộng Bà­la­đậu­bà­giá liền nói kệ rằng:
Người tự nói cày ruộng,
Mà không thấy cái cày;
122
Lại bảo tôi cày ruộng.
Xin cho biết phép cày.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:
Tín tâm là hạt giống,
Khổ hạnh mưa đúng mùa,
Trí tuệ là cày, ách,
Tàm quý là cán cày.
Tự gìn giữ chánh niệm,
Là người giỏi chế ngự.
Giữ kín nghiệp thân, miệng,
Như thực phẩm trong kho.
Chân thật là xe tốt,
Sống vui không biếng nhác,
Tinh tấn không bỏ hoang,
An ổn mà tiến nhanh,
Thẳng đến không trở lại,
Đến được chỗ không lo.
Người cày ruộng như vậy,
Chứng đắc quả Niết­bàn.
Người cày ruộng như vậy,
Không tái sinh các hữu.
Bấy giờ, Bà­la­môn cày ruộng Bà­la­đậu­bà­giá bạch Phật rằng:
"Cù­đàm rất giỏi cày ruộng! Cù­đàm cày ruộng thật hay!"
123
Rồi thì, sau khi nghe Đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà­la­môn cày ruộng
Bà­la­đậu­bà­giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn
không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:
Không vì việc nói pháp,
Nhận ăn thức ăn này.
Chỉ vì lợi ích người,
Nói pháp không thọ thực.
Nói rộng như đã nói rộng với Hỏa chủng Bà­la­môn ở trước như vậy.
Lúc này, Bà­la­môn cày ruộng Bà­la­đậu­bà­giá bạch Đức Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, giờ con đem thức ăn này để chỗ nào?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn, thiên thần, hay người thế gian nào,
mà dùng thức ăn này được an ổn được. Này Bà­la­môn, ông hãy đem thức ăn này để vào trong
nước không có trùng hay chỗ đất nào ít cỏ tươi."
Khi ấy, người Bà­la­môn này đem thức ăn đặt vào trong nước không có trùng, nước liền bốc
khói, sôi bùng kêu xèo xèo. Như hòn sắt nóng được ném vào trong nước lạnh phát ra tiếng kêu
xèo xèo; cũng vậy, thức ăn này được để vào trong nước không có trùng thì sôi bùng khói bốc lên
và phát ra tiếng kêu xèo xèo. Bà­la­môn tự nghĩ: "Sa­môn Cù­đàm thật là kỳ đặc, có oai đức lớn,
có oai lực lớn nên mới có thể làm cho đồ ăn thức uống thần biến như vậy." Khi Bà­la­môn thấy
thức ăn hiện điềm lành, lòng tin của ông càng tăng, lại bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, nay con có thể được phép ở trong chánh pháp xuất gia thọ cụ túc không?"
Đức Phật bảo Bà­la­môn:
"Nay ông có thể được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ cụ túc; được làm Tỳ­kheo."
Sau khi Bà­la­môn này xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy về lý do người dòng họ quý tộc cạo
bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa, chánh tín, xuất gia, học đạo, sống không gia đình, cho đến đắc quả Ala­hán, tâm khéo giải thoát.
124
KINH 99. TỊNH THIÊN[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại thành Vương xá. Bấy giờ có Tôn giả tên là Tịnh Thiên[55], từ nước Tỳ­
đề­ha du hành trong nhân gian đến trong vườn Am­la tại thành Di­hy­la. Sáng hôm ấy, Tôn giả
Tịnh Thiên đắp y mang bát vào thành Di­hy­la khất thực, theo thứ tự khất thực, đi lần đến nhà
cũ.
Cũng lúc ấy, mẹ của Tịnh Thiên, tuổi đã già, đang dâng lễ cúng thần lửa tại nhà giữa để cầu sanh
lên cõi Phạm thiên, mà không biết Tôn giả Tịnh Thiên đang đứng ngoài cửa. Bấy giờ, Tỳ­sa­môn
Thiên vương đối với Tôn giả Tịnh Thiên sanh lòng kính tin cực kỳ. Tỳ­sa­môn Thiên vương,
cùng với các hàng Dạ­xoa theo sau, đang nương vào hư không mà đi, thấy Tôn giả Tịnh Thiên
đang đứng ngoài cửa; lại thấy trong nhà giữa mẹ Tôn giả đang bưng đồ ăn thức uống dâng cúng
thần lửa, mà không thấy con mình đang đứng ngoài cửa. Thấy vậy, từ không trung hạ xuống, đến
trước mặt mẹ Tịnh Thiên nói kệ rằng:
Bà­la­môn­ni này,
Phạm thiên thật xa vời,
Vì muốn sanh nơi đó,
Ở đây thờ cúng lửa.
Chẳng phải đường Phạm thiên,
Thờ tự chi vô ích?
Này Bà­la­môn­ni,
Tịnh Thiên đứng ngoài cửa,
Cấu uế đã dứt sạch,
Là trời trong các trời.
Vắng lặng không có gì,
Một mình không tài sản,
Vì khất thực vào nhà,
Là người đáng cúng dường.
Tịnh Thiên khéo tu thân,
125
Ruộng phước tốt Trời, Người,
Xa lìa tất cả ác,
Không hề nhiễm, bị nhiễm,
Đức đồng với Phạm thiên.
Thân tuy ở nhân gian,
Mà không nhiễm pháp nào,
Như rồng đã thuần thục[56],
Tỳ­kheo sống chánh niệm,
Tâm mình khéo giải thoát.
Nên dâng nắm cơm đầu[57],
Là ruộng phước tối cao.
Nên đem tâm chánh tín,
Kịp thời cúng dường nhanh.
Nên dự lập hòn đảo,
Khiến vị lai an lạc.
Bà xem ẩn sĩ [58] này,
Đã qua dòng biển khổ.
Cho nên hãy tín tâm,
Kịp thời cúng dường nhanh;
Nên dự lập hòn đảo,
Khiến vị lai an lạc.
Thiên vương Tỳ­sa­môn,
Chỉ bày, bỏ thờ lửa.
126
Bấy giờ, Tôn giả Tịnh Thiên vì mẹ mình mà nói pháp bằng nhiều cách, soi sáng chỉ bày, làm cho
an vui, rồi trở ra đường mà đi.
KINH 100. PHẬT (1)[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ có một Bà­la­môn
đến chỗ Phật, cùng thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
"Bạch Cù­đàm, gọi là Phật, vậy thế nào là Phật? Là tên do cha mẹ đặt, hay là do Bà­la­môn đặt?"
Rồi Bà­la­môn liền nói kệ rằng:
Phật là tên hơn hết,
Vượt lên cả thế gian,
Là do cha mẹ đặt,
Gọi đó là Phật chăng?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:
Phật thấy đời quá khứ,
Thấy vị lai cũng vậy,
Cũng thấy đời hiện tại,
Tất cả hành khởi diệt,
Trí sáng biết rõ ràng,
Điều cần tu đã tu,
Điều nên đoạn đã đoạn,
Cho nên gọi là Phật.
Nhiều kiếp tìm lựa chọn,
Thuần khổ không chút vui,
127
Có sanh ắt có diệt,
Xa lìa dứt bụi nhơ,
Nhổ gốc gai kết sử,
Đẳng giác gọi là Phật.
Phật nói kệ xong, Bà­la­môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng
dậy ra đi.
KINH 101. PHẬT (2)[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu­tát­la, du hành trong nhân gian, ngồi nghỉ trưa[61] dưới một
bóng cây giữa hai thôn Hữu­tùng­ca­đế[62] và Đọa­cưu­la[63]. Lúc ấy có một Bà­la­môn thuộc
dòng họ Đậu­ma[64] đang đi trên con đường kia, đến sau Phật. Ông thấy dấu chân Phật hiện ra
như bánh xe ngàn căm, dấu chỉ rõ ràng, chỉ bên trong thì đều, vòng chỉ bên ngoài thì tròn, tất cả
đều đẹp đẽ và đầy đặn. Thấy vậy, liền tự nghĩ: "Ta chưa từng thấy người thế gian nào mà có dấu
chân như vậy. Giờ ta phải theo dấu mà tìm ra người này."
Ông liền theo dấu chân đưa đến chỗ Phật, thấy Đức Thế Tôn đang ngồi nghỉ trưa dưới một bóng
cây, dung mạo đoan nghiêm tuyệt thế, các căn vắng lặng, tâm Ngài an định tịch tĩnh, điều phục
đệ nhất, thành tựu chánh quán, ánh sáng rực rỡ, giống như núi vàng.
Sau khi đã thấy vậy rồi, liền bạch:
"Ngài là Trời chăng?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta chẳng phải là Trời."
Lại hỏi:
"Là Rồng, Dạ­xoa, Càn­thát­bà, A­tu­la, Ca­lâu­la, Khẩn­na­la, Ma­hầu­la­già, Nhân, Phi nhân
chăng?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta chẳng phải Rồng ... cho đến Nhân, Phi nhân."
Bà­la­môn bạch Phật:
128
"Nếu bảo rằng chẳng phải Trời, chẳng phải Rồng... cho đến chẳng phải Nhân, chẳng phải Phi
nhân, vậy thì Ngài là ai?"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:
Trời, Rồng, Càn­thát­bà,
Khẩn­na­la, Dạ­xoa,
A­tu­la không lành,
Những La­hầu­la­già,
Nhân cùng chẳng phải Nhân,
Đều do phiền não sanh.
Lậu hoặc phiền não này,
Tất cả, Ta đã bỏ,
Đã phá, đã diệt sạch,
Như hoa Phân­đà­lợi,
Tuy sanh từ trong nước,
Nhưng chưa từng dính nước.
Ta tuy sanh thế gian,
Chẳng bị nhiễm thế gian,
Nhiều kiếp thường lựa chọn,
Thuần khổ không chút vui.
Tất cả hành hữu vi,
Thảy đều bị sanh diệt,
Trừ nhơ, không lay động,
Đã nhổ sạch gai góc,
Cùng tột bờ sanh tử,
129
Cho nên gọi là Phật.
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Đậu­ma nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, rồi
tiếp tục mà đi.
KINH 102. LÃNH QUẦN ĐẶC[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ vào buổi sáng sớm,
Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, theo thứ tự khất thực, đến nhà Bà­
la­môn Bà­la­đậu­bà­giá[66]. Lúc ấy, Bà­la­môn tay cầm cái thìa gỗ đựng đầy thức ăn, sửa soạn
cúng dường lửa, đang đứng ở bên cửa. Từ xa trông thấy Phật đi đến, ông liền gọi Phật rằng:
"Hãy dừng lại! Dừng lại! Này gã tiện dân[67], chớ đến gần cửa tôi."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ông có biết tiện dân và pháp của tiện dân không?"
Bà­la­môn nói:
"Tôi không biết tiện dân và cũng không biết pháp của tiện dân. Vậy, Sa­môn Cù­đàm có biết tiện
dân và pháp của tiện dân không?"
Phật bảo:
"Ta biết rõ về tiện dân và pháp của tiện dân."
Ngay lúc đó Bà­la­môn để xuống những dụng cụ thờ lửa, vội vàng trải giường ngồi, mời Đức
Phật ngồi và thưa rằng:
"Bạch Cù­đàm, xin vì tôi mà nói về tiện dân và pháp của tiện dân."
Đức Phật liền ngồi vào chỗ ngồi và nói kệ rằng:
Tâm sân nhuế ôm hận,
Che giấu các lỗi lầm,
Khởi ác kiến, phạm giới,
Dối trá không chân thật;
130
Những con người [68] như vậy,
Nên biết, là tiện dân.
Hung bạo, tham, bủn xỉn,
Ác dục, keo, trá ngụy,
Tâm không hổ, không thẹn,
Nên biết, là tiện dân.
Loài một sanh, hai sanh,[69]
Tất cả đều sát hại,
Không có lòng thương xót,
Đó là hạng tiện dân.
Hoặc giết, trói, đánh, đập,
Thôn xóm cùng thành ấp,
Trách mắng cách vô đạo,[70]
Biết đó là tiện dân.
Ở, dừng và đi đường,
Dẫn đầu một nhóm đông,
Hành hạ người dưới tay,
Gây sợ hãi bức hiếp,
Thủ lợi về cho mình,
Biết đó là tiện dân.
Thôn xóm cùng đất trống,
Vật có chủ, không chủ,
Chiếm đoạt làm của mình,
131
Biết đó là tiện dân.
Tự bỏ bê vợ mình,
Lại không vào nhà điếm,
Mà xâm đoạt vợ người,
Biết đó là tiện dân.
Những thân thuộc trong ngoài,
Thiện tri thức đồng tâm,
Xâm phạm vật họ yêu,
Biết đó là tiện dân.
Nói dối lừa gạt người,
Gạt lây của không chứng,
Người đòi mà không trả,
Biết đó là tiện dân.
Vì mình cũng vì người,
Vì trách, hoặc vì tiền,[71]
Mà hùa theo lời người,
Nói dối, chứng cho người;
Người nói dối như vậy,
Biết đó là tiện dân.
Tạo nghiệp ác, bất thiện,
Không có người hay biết,
Ẩn giấu che tội ác,
Biết đó là tiện dân.
132
Nếu người hỏi nghĩa này,
Lại đáp bằng phi nghĩa,
Điên đảo lừa dối người,
Biết đó là tiện dân.
Thật trống, không có gì,
Mà khinh chê người trí,
Ngu si vì lợi mình,
Biết đó là tiện dân.
Cao mạn tự huênh hoang,
Đi chê bai người khác,
Kiêu mạn thật thấp hèn,
Biết đó là tiện dân.
Tự tạo các lỗi lầm,
Lại đổ lỗi người khác,
Nói dối chê thanh bạch,
Biết đó là tiện dân.
Trước nhận lợi dưỡng người,
Khi người ấy đến mình,
Không có lòng đền đáp,
Biết đó là tiện dân.
Sa­môn, Bà­la­môn,
Đến khất cầu như pháp,
Không cho mà quở trách,
133
Biết đó là tiện dân.
Nếu cha mẹ tuổi già,
Khí lực trẻ đã suy,
Không chăm lo phụng dưỡng,
Biết đó là tiện dân.
Cha mẹ, bậc tôn trưởng,
Anh em, quyến thuộc thân.
Thật không phải La­hán,
Tự hiện đức La­hán,
Là giặc lớn thế gian,
Biết đó là tiện dân.
Sanh dòng họ tôn quý,
Học sách Bà­la­môn,
Mà ở trong chỗ đó,
Tập làm các nghiệp ác,
Không vì sanh nơi quý,
Mà khỏi tội, thoát đường ác;
Hiện tại bị quở trách,
Đời sau vào đường ác.
Sanh nhà Chiên­đà­la,
Đời gọi Tu­đà­di[72],
Tiếng đồn khắp thiên hạ,
Chiên­đà­la không có;
134
Bà­la­môn, Sát­lợi,
Đại tộc, thảy cúng dường.
Theo đường lên Tịnh thiên[73],
Sống bình đẳng chân thật,
Không vì chỗ sanh chướng,
Mà không sanh Phạm thiên,
Hiện tại tiếng đồn tốt,
Đời sau sanh cõi lành,
Hai đời ông nên biết,
Như Ta đã chỉ bày,
Không vì dòng họ sanh,
Mà gọi là tiện dân.
Không vì dòng họ sanh,
Mà gọi Bà­la­môn.
Hành nghiệp, thành tiện dân;
Hành nghiệp, Bà­la­môn.
Bà­la­môn bạch Phật rằng:
Đại Tinh Tấn, đúng vậy!
Đại Mâu­ni, đúng vậy!
Không vì chỗ sanh ra,
Mà gọi là tiện dân,
Không vì chỗ sanh ra,
Gọi là Bà­la­môn,
135
Hành nghiệp, thành tiện dân;
Hành nghiệp, Bà­la­môn.
Bấy giờ, Bà­la­môn thờ lửa Bà­la­đậu­bà­giá càng được thêm tín tâm, bèn lấy bát đựng đầy thức
ăn thượng hảo dâng lên Đức Thế Tôn. Thế Tôn không nhận, vì nói bài kệ này mà có được, như
bài kệ đã nói trên.
Bấy giờ, Bà­la­môn thờ lửa Bà­la­đậu­bà­giá thấy thức ăn hiện ra điềm lạ (như kinh 98) lòng tin
của ông càng tăng, bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn, nay con có được phép ở trong Chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc không?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Nay ông được phép ở trong Chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc."
Sau khi được xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy (như trước đã nói ... cho đến đắc quả A­lahán, tâm khéo giải thoát).
Khi Bà­la­môn Bà­la­đậu­bà­giá đã đắc A­la­hán, tâm khéo giải thoát rồi, thì tự biết được hỷ lạc,
liền nói bài kệ rằng:
Trái đạo, cầu thanh tịnh,
Cúng dường tế thần lửa,
Không biết đạo thanh tịnh,
Như kẻ mù bẩm sinh.
Nay đã được an lạc,
Xuất gia thọ cụ túc,
Chứng đạt được ba minh.
Lời Phật dạy đã làm,
Trước Bà­la­môn khó,
Nay là Bà­la­môn,
Đã tắm, sạch bụi bẩn,
Vượt chư Thiên bờ kia.[74]
136
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Ấn Thuận Hội Biên, tiếp theo Tụng 5 Bát chúng, 21. Tương ưng Bà­la­môn (Đại Chánh
kinh 1151­1163, 88­102, 1178­1187). Đại Chánh, quyển 4, kinh 88, tương đương Pāli, S. 7. 19
Mātuposaka; Biệt dịch 100(88).
[2]. Uất­đa­la 鬱多羅; xem kinh 282. Pāli: Mātupasako brāhmaṇo: Bà­la­môn tên là
Mātupasaka.
[3]. Pāli, A.iv. 39 Ujjaya. Cf. Biệt dịch, 100 (89).
[4]. Ưu­ba­ca 優波迦. Pāli: Ujjayo brāhmaṇo: Bà­la­môn tên là Ujjaya.
[5]. Tà thạnh đại hội 邪盛大會. №100(89): đại tự 大祀. Pāli: (mahā)yañña.
[6]. Mã tự, loại tế đàn trong đó là vật hy sinh. Bản Pāli liệt kê: assamedham, hy sinh ngựa;
purisanedham, hy sinh người; sammāpāsam, lễ ném gậy; vājapeyya, lễ uống rượu (để thêm sức),
niraggaḷa, vô già hội (lễ rút then).
[7]. Pāli, A.iv. 40. Udāyi. Cf. Biệt dịch, №100(90).
[8]. Bản Pāli, người hỏi là Bà­la­môn Udāyi.
[9]. Pāli, A. viii. 55. Ujjaya. Cf. Biệt dịch, №100(91).
[10]. Uất­xà­ca 鬱闍迦. Pāli, Ujjaya brāhmaṇa.
[11]. Hán: hiện pháp an cập hiện pháp lạc 現法安及現法樂. Pāli: diṭṭhadhammahitaya
diṭṭhadhammasukhāya.
[12]. Hán: phương tiện cụ túc 方便具足. Pāli: uṭṭhānasampāda: thành tựu tinh cần.
[13]. Cf. Pāli: kalyāṇamittā... saddhasampannā, sīlasampannā, cāgasampannā, paññā­sampannā,
bạn tốt... là những người có tín, có giới, có thí xả, có tuệ.
[14]. Bản Cao­li: ưu­đàm­bát quả 優曇鉢果; bản Tống­Nguyên­Minh: ưu­đàm­bát hoa. Bản
Pāli: udumbarakhādīvāyam kulaputto bhoge khādātī ti, "thiện nam tử này thọ dụng như người ta
ăn quả sung. Sớ giải: như người rung cây sung chín, làm rụng nhiều quả, nhưng chỉ ăn vài quả ăn
được, còn thì vất bỏ hết.
[15]. Hán: cập dư thế nhân đồng pháp 及餘世人同法. Pāli: sadevamanussa, bản Hán hiểu tiền
tố sa­ (cùng với) là "đồng pháp". Xem kinh 647 ở sau.
[16]. Hán: giải thoát thí 解脫施. Pāli: muttacāga.
137
[17]. Hán, phương tiện, đây nên hiểu "tinh cần". Pāli: uṭṭhātā kammadheyyesu, hăng hái trong
các sự nghiệp.
[18]. Để bản: tốc đạo 速道 ; bản Nguyên­Minh: mê đạo 迷道; Ấn Thuận cũng hiệu chính là
"mê đạo". Hiệu chính nhầm. Pāli: niccaṃ maggam, thường đạo. Đây chỉ con đường sinh thiên.
[19]. Pāli: S. 7. 35. Mānatthaddha. Cf. №100(258).
[20]. Kiêu mạn Bà­la­môn 憍慢婆羅門. Pāli: Mānatthaddo nāma brāhmaṇo, người Bà­la­môn
tên là Mānatthaddha. №100(258): Cực Mạn ma­nạp 極慢摩納.
[21]. Nghĩa là, thuần chủng, không lai giống.
[22]. Để bản: phân minh 分明; Tống­Nguyên­Minh: phân biệt 分別.
[23]. Để bản: chư cú cú ký thuyết 諸句句記說; sau chữ chư 諸 , bản Nguyên Minh thêm: (chư)
tự tất tri vạn sự cửu viễn, bản mạt nhân duyên (諸)字悉知萬事九遠本末因緣. "...biết rõ căn
nguyên chung thủy, lịch sử lâu dài của vạn sự..."
[24]. Bản Pāli và №100(258) không có chi tiết này.
[25]. Pāli: nāyaṃ samaṇo gotamo kiñci jānati, "Sa­môn Cù­đàm này chẳng biết gì."
[26]. Pāli: yena atthena āgacchi, tam evam anubrūhaye, "Ông hãy nói, đến đây với mục đích
gì?"
[27]. Bản Pāli: Ông lễ dưới chân Phật và ôm hôn chân Phật.
[28]. Pāli: yato te mayi cittaṃ pasannaṃ, "Do đâu ông có tâm tịnh tín đối với Ta?"
[29]. Pāli: kesu, "đối với những ai". Bản Hán hiểu "đối với cái gì?"
[30]. Hán: thị, giáo, chiếu, hỷ.
[31]. Xem các kinh 1158, 1323. So sánh Pāli, định cú, D.i. 110 và rải rác: anupubbiṃ kathaṃ
kathesi... kāmānaṃ ādinavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānsaṃsaṃ pakāsesi, Phật thuyết
pháp theo tuần tự... nói về sự nguy hiểm của các dục, sự thấp hèn, sự ô nhiễm, nói về lợi ích của
sự xuất ly.
[32]. Nguyên Hán: vô gián đẳng 無間等; chỉ hiện quán hay hiện chứng bốn Thánh đế, giai đoạn
chứng đắc Dự lưu chi. Tham chiếu Pāli, định cú, S.v. tr. 415:... catunnaṃ ariyasaccānaṃ
yathābhūtaṃ abhisamayāya.
[33]. Pāli, A.vii.44 Aggi. Cf. №100(259).
138
[34]. Nguyên Hán: tà thạnh đại hội 邪盛大會; xem kinh 89 trên. Pāli: mahāyañña; xem thêm D.
i. 138sq.
[35]. Trường Thân 長身. Pāli: Uggatasarīra.
[36]. Tà thạnh pháp 邪盛法 (Pāli: tividhaṃ yaññasampadaṃ), chỉ ba nghi thức tế tự. Phần số
分數, chỉ mười sáu tư cụ hay đạo cụ cho tế tự (Pāli: soḷasaparikkhāraṃ). Tham chiếu Pāli,
Kūṭadantasutta, D. i. 129.
[37]. Xem cht. 31 kinh 92 trên.
[38]. Xem cht. 32 kinh 92 trên.
[39]. Cf. №100(260); N 26. 148 (kinh Hà Khổ, đoạn cuối); №125 (17.8); Cf. A.v. 31.
[40]. Hán: nguyệt hắc phần 月黑分, phần tối của tháng, phần nửa sau của mỗi tháng. Pāli: kālapakkha.
[41]. Để bản: diệt 滅. Đọc theo bản Tống: giảm 減.
[42]. Để bản: tín gia tâm 信家心. Tống­Nguyên­Minh: tín tịch tâm 信寂心. Đoạn dưới: tịnh tín
淨信.
[43]. Hán: chân trực 真直; đoạn trên: chân thật 真實.
[44]. Hán: nguyệt tịnh phần 月淨分, phần sáng của tháng. Pāli: sukka­pakkha.
[45]. A. iii. 57 Vacchagotta. Hán, №100(261).
[46]. S. 7. 14 Mahāsāla. Biệt dịch, №100(262).
[47]. Pāli: brāhmaṇamahāsālo, đại phú Bà­la­môn.
[48]. S.7. 20. Bhikkhaka. Biệt dịch, №100(263).
[49]. Pāli: Bhikkhako, người ăn xin, hành khất. Bản Hán hiểu là Bikkhu.
[50]. S. 7. 11. Kasi; Sn. 14. Biệt dịch, №100(264).
[51]. Nhất­na­la 一那羅. Pāli: Ekanālā.
[52]. Hán: tác ẩm thực xứ 作飲食處. Pāli: parivesanā, sự phân phối thực phẩm, hay sự dọn ăn.
[53]. Hán: canh điền Bà­la­đậu­bà­giá 耕田婆羅豆婆遮. Pāli: kasi­bhāradvāja­brāhmaṇa.
139
[54]. S. 6. 3. Brahmadeva. Biệt dịch, №100(265).
[55]. Tịnh Thiên 淨天. Pāli: brāhmaṇiyā brahmadevo nāma... pabbajito, con trai của một nữ Bà­
la­môn, tên là Brahmadeva, đã xuất gia.
[56]. Hán: thuần thục long 淳熟龍; nên hiểu là "voi chúa đã được khéo huấn luyện". Pāli:
nāgavo danto.
[57]. Nguyên bản: sơ Phật 初佛. Bản Tống: sơ đoàn 初揣.
[58]. Nguyên Hán: mâu­ni 牟尼.
[59]. Biệt dịch, №100(266).
[60]. A. iv. 36 Loke. Biệt dịch, №100(267), №125(38.3).
[61]. Nguyên bản: nhập tận chánh thọ 入盡正受. Theo bản Tống, sửa lại: nhập trú... 入晝. Pāli:
divāvihāra.
[62]. Hữu­tùng­ca­đế 有從迦帝. Bản Tống: Hữu­tỉ­ca­đế 有徙迦諦. Pāli: Ukkṭṭha.
[63]. Đọa cưu­la 墮鳩羅. Pāli: Setavya.
[64]. Đậu­ma chủng tánh 豆磨種姓. Pāli: Doṇo brāhmaṇo, Bà­la­môn Doṇa.
[65]. Sn. 1.7. Vasala. Biệt dịch, №100(268).
[66]. Bà­la­đậu­bà­giá 婆羅豆婆遮. Pāli: Aggika­Bhāradvāja, Bhāradvāja thờ lửa.
[67]. Nguyên Hán: lãnh quần đặc 領群特: gã chăn bò. Pāli: vasalaka, gã tiện dân, người hèn hạ.
Bản Hán đọc là vacchalaka.
[68]. Nguyên Hán: sĩ phu 士夫.
[69]. Nhất sanh, nhị sanh 一生二生. Pāli: ekajaṃ vā dvijaṃ; Sớ giải: trừ loài sanh trứng, còn lại
là loài một (lần) sanh. Hai lần sanh, là loài sanh trứng.
[70]. Pāli: niggāhako samaññāto, kẻ được gọi là áp bức. Bản Hán hiểu niggāhaka là kẻ trách
mắng.
[71]. Để bản: (...) cập tài dữ 及財與: hoặc vì người cho tiền (mà làm chứng dối). Ấn Thuận
theo Tống­Nguyên­Minh sửa lại là (...) cập vô trách 及無責 (không bị quở trách). Pāli:
dhanahetu.
140
[72]. Tu­đà­di 須陀夷; có lẽ đồng nhất với Mātaṅga của Pāli: Bồ­tát sanh làm người Chiên­đà­
la (giai cấp hạ tiện) tên là Mātaṅga, nhưng danh tiếng đồn vang, khiến các nhà đại tộc cũng phải
cung kính. Xem Mātaṅga jātaka (№497).
[73]. Tịnh thiên đạo 淨天道 , tức đường dẫn lên Phạm thiên.
[74]. Bản Hán, "21. Tương ưng Bà­la­môn" đến đây bị cắt ngang do sự rối loạn số quyển.
Tương ưng này được nối tiếp với kinh số 1178, quyển 44.
141
TẠP A-HÀM QUYỂN 5
KINH 103. SAI­MA[1]
Tôi nghe như vầy:
Bấy giờ, có số đông Tỳ­kheo Thượng tọa trú ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­xá­di[2]. Lúc ấy
cũng ở nước Câu­xá­di tại vườn Bạt­đà­lê[3] có Tỳ­kheo Sai­ma[4] thân mang trọng bệnh. Bấy
giờ, Tỳ­kheo Đà­sa[5] là người nuôi bệnh. Tỳ­kheo Đà­sa đến chỗ các Tỳ­kheo Thượng tọa, lễ
dưới chân các Tỳ­kheo Thượng tọa rồi đứng sang một bên. Các Tỳ­kheo Thượng tọa bảo Tỳ­
kheo Đà­sa rằng:
"Thầy trở về chỗ Tỳ­kheo Sai­ma nói rằng: 'Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn
chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chứ?'"
Lúc ấy, Tỳ­kheo Đà­sa vâng lời các Tỳ­kheo Thượng tọa trở về chỗ Tỳ­kheo Sai­ma, nói với Tỳ­
kheo Sai­ma rằng: 'Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn
không tăng lắm chứ?'
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
"Bệnh của tôi không bớt, thân không được an ổn, các thứ khổ bức bách càng tăng thêm, không
cứu nổi. Giống như người có nhiều sức mạnh bắt lấy người gầy yếu đuối, dùng dây trói chặt vào
đầu cùng hai tay, rồi siết chặt làm cho đau đớn vô cùng. Hiện tại sự thống khổ của tôi còn hơn cả
người kia nữa. Giống như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra; sự đau đớn
bụng con bò như thế nào có thể chịu nổi, còn hiện tại sự đau đớn bụng của tôi, hơn cả sự đau của
con bò kia. Như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên trên lửa rồi đốt hai chân họ, hiện nay
hai chân của tôi còn nóng hơn người kia."
Bấy giờ, Tỳ­kheo Đà­sa đến lại chỗ các Thượng tọa, đem những lời đã nói về bệnh trạng của Tỳ­
kheo Sai­ma bạch lại đầy đủ cho các Thượng tọa. Các Thượng tọa lại sai Tỳ­kheo Đà­sa trở về
chỗ Tỳ­kheo Sai­ma và nói với Tỳ­kheo Sai­ma rằng: "Đức Thế Tôn đã dạy có năm thọ ấm, đó
là: Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Tỳ­kheo Sai­ma, thầy có thể quán sát một chút về
năm thọ ấm này, không phải ngã, không phải ngã sở, được không?"
Tỳ­kheo Đà­sa vâng lời các Tỳ­kheo Thượng tọa dạy rồi trở về nói với Tỳ­kheo Sai­ma rằng:
"Các Thượng tọa nhắn lại thầy là: 'Thế Tôn đã từng dạy về năm thọ ấm, thầy có thể quán sát một
chút, không phải ngã, không ngã sở được không?'"
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
"Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở."
Tỳ­kheo Đà­sa trở lại bạch với các Thượng tọa rằng:
142
"Tỳ­kheo Sai­ma nói, 'Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải
ngã sở.'".
Các Tỳ­kheo Thượng tọa lại sai Tỳ­kheo Đà­sa nói với Tỳ­kheo Sai­ma rằng: "Thầy có thể đối
với năm thọ ấm quán sát về không phải ngã, không phải những gì thuộc về ngã như các bậc A­lahán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?"
Tỳ­kheo Đà­sa vâng lời các Tỳ­kheo Thượng tọa dạy, lại đến chỗ Tỳ­kheo Sai­ma, nói với Saima rằng: "Thầy có thể quán sát năm thọ ấm như các bậc A­la­hán đã đoạn tận các lậu hoặc được
không?"
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
"Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là Ala­hán đã đoạn tận lậu hoặc."
Tỳ­kheo Đà­sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, Tỳ­kheo Sai­ma nói, 'Tôi
có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là A­la­hán
đã đoạn tận lậu hoặc.'"
Bây giờ, các Thượng tọa bảo Tỳ­kheo Đà­sa, "ngươi hãy trở về nói với Tỳ­kheo Sai­ma: 'Thầy
nói là thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là Ala­hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.'"
Tỳ­kheo Đà­sa lại vâng lời dạy các Thượng tọa, đến nói với Tỳ­kheo Sai­ma là: 'Thầy nói là
thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A­la­hán
đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.'
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
"Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là
A­la­hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa
nhàm tởm, chưa nhổ ra hết."
Tỳ­kheo Đà­sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, là Tỳ­kheo Sai­ma xin thưa
rằng: 'Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng
phải là A­la­hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả
ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.'
Các Thượng tọa lại sai Tỳ­kheo Đà­sa nói với Tỳ­kheo Sai­ma rằng: 'Thầy nói có ngã. Vậy thì ở
chỗ nào có ngã? Sắc là ngã hay ngã khác sắc? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác
thức?'
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
143
"Tôi không nói sắc là ngã hay ngã khác sắc; thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức.
Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa
lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết."
Tỳ­kheo Sai­ma nói với Tỳ­kheo Đà­sa rằng:
"Sao dám làm phiền thầy phải chạy qua chạy lại! Thầy mang giùm cây gậy đến đây, tôi sẽ tự
chống gậy đến các Thượng tọa kia. Xin trao gậy cho tôi."
Tỳ­kheo Sai­ma liền tự chống gậy đi đến chỗ các Thượng tọa. Từ xa các Thượng tọa nhìn thấy
Tỳ­kheo Sai­ma chống gậy đi lại, liền trải tòa, sửa ghế ngồi, đích thân ra nghinh tiếp, vì thầy
mang giúp y bát và mời ngồi, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi các Thượng tọa nói với Tỳ­kheo
Sai­ma rằng:
"Thầy bảo ngã mạn; vậy chỗ nào thấy ngã? Sắc là ngã chăng? Ngã khác sắc chăng? Và thọ,
tưởng, hành, thức là ngã chăng? Ngã khác thức chăng?"
Tỳ­kheo Sai­ma bạch rằng:
"Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng
phải ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi có thể chưa đoạn
hết, chưa có thể biết rõ, chưa có thể xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.
"Giống như hương thơm của hoa Ưu­bát­la, Bát­đàm­ma, Câu­mâu­đầu, Phân­đà­lợi, có phải là
mùi hương của rễ? Hay hương khác rễ; là mùi hương tinh thô của thân, lá, cuống? Là mùi hương
khác tinh thô? Hay là tất cả những thứ đó chăng?"
Các Thượng tọa đáp rằng:
"Không phải đâu, Tỳ­kheo Sai­ma, chẳng phải rễ của hoa Ưu­bát­la, Bát­đàm­ma, Câu­mâu­đầu,
Phân­đà­lợi, là mùi hương và chẳng phải mùi hương khác rễ; cũng chẳng phải thân, lá, cuống,
tinh thô là mùi hương; cũng chẳng phải mùi hương khác tinh thô."
Tỳ­kheo Sai­ma lại hỏi:
"Vậy đó là những thứ hương gì?"
Các Thượng tọa đáp rằng:
"Là mùi hương của hoa."
Tỳ­kheo Sai­ma lại nói:
"Vậy thì ngã cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, ngã không lìa sắc và chẳng phải thọ, tưởng,
hành, thức là ngã, ngã không lìa thức; nhưng đối với năm thọ ấm, tôi thấy không phải ngã, không
144
phải ngã sở, mà đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa,
chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.
"Các Thượng tọa hãy nghe tôi nói thí dụ, vì người trí nhờ thí dụ mà được hiểu rõ. Giống như
chiếc áo của người nhũ mẫu giao cho người giặt. Họ giặt bằng nước tro, tuy có sạch bụi nhơ,
nhưng vẫn còn có mùi. Nếu muốn hết mùi này thì cần phải dùng các thứ hương thơm xông ướp.
Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa năm thọ ấm, quán sát chân chánh rằng không phải ngã,
không phải ngã sở, có thể đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa
biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán, nhưng đối với năm thọ ấm sau đó vị ấy tư duy thêm nữa,
quán sát sự sanh diệt của chúng, rằng: 'Đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc này, đây là sự diệt
tận của sắc này. Đây là thọ, tưởng, hành, thức này, đây là sự tập khởi... thức này và sự đoạn tận
của... thức này cũng như vậy. Đối với năm thọ ấm khi đã quán sát sự sanh diệt của chúng như
vậy rồi, thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tất cả đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân chánh
chân thật."
Khi Tỳ­kheo Sai­ma nói pháp này, thì các vị Thượng tọa xa lìa được trần cấu, được trong sạch
mắt pháp. Tỳ­kheo Sai­ma nhờ không khởi các lậu hoặc, nên tâm được giải thoát. Vì được an vui
lợi ích nơi chánh pháp nên những bệnh của thân tất cả đều được tiêu trừ.
Bấy giờ, các Thượng tọa nói với Tỳ­kheo Sai­ma rằng:
"Lần đầu chúng tôi được nghe những gì Nhân giả nói đã hiểu rõ và mừng vui, huống chi là được
nghe lại nhiều lần. Sở dĩ chúng tôi hỏi nhiều là vì muốn phát khởi biện tài vi diệu của Nhân giả,
chứ không phải có ý nhiễu loạn. Nhân giả là người có khả năng nói rộng chánh pháp của Như
Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác."
Sau khi các Thượng tọa nghe những gì mà Tỳ­kheo Sai­ma nói xong, tất cả đều hoan hỷ phụng
hành.
KINH 104. DIỆM­MA­CA[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Diệm­ma­ca khởi tà kiến ác nói rằng: 'Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết
giảng, thì vị A­la­hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.'
Lúc ấy, có số đông Tỳ­kheo nghe những lời này, liền đến đó nói với Tỳ­kheo Diệm­ma­ca rằng:
"Có thật thầy đã nói: 'Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A­lahán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa'?"
Đáp rằng:
"Thưa các Tôn giả, thật sự như vậy."
145
Các Tỳ­kheo nói với Diệm­ma­ca:
"Chớ nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời
này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi."
Khi các Tỳ­kheo đã nói những lời này rồi, mà Tỳ­kheo Diệm­ma­ca vẫn còn ôm chặt tà kiến ác
này, lại nói như vầy:
"Thưa các Tôn giả, chỉ có đây mới là sự thật, nếu khác đi thì là giả dối."
Thầy nói ba lần như vậy.
Khi các Tỳ­kheo không thể điều phục được Tỳ­kheo Diệm­ma­ca, liền bỏ ra đi, đến chỗ Tôn giả
Xá­lợi­phất, thưa Tôn giả Xá­lợi­phất rằng:
"Tôn giả biết cho, Tỳ­kheo Diệm­ma­ca kia đã khởi lên tà kiến ác nói như vầy: 'Theo chỗ hiểu
của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A­la­hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng
chung sẽ không còn gì nữa.' Chúng tôi đã nghe những lời nói này, nên đến hỏi Tỳ­kheo Diệmma­ca, có thật thầy đã nói: 'Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị
A­la­hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?' Thầy ấy đáp, 'Thưa các
Tôn giả, thật sự là như vậy, nếu khác đi thì là kẻ ngu nói.' Chúng tôi liền bảo rằng: 'Chớ nên hủy
báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên
từ bỏ tà kiến ác này đi.' Qua ba lần can gián, thầy vẫn ôm chặt tà kiến ác mà không bỏ, nên nay
chúng tôi đến chỗ Tôn giả, xin Tôn giả thương xót Tỳ­kheo Diệm­ma­ca, hãy làm cho thầy dứt
bỏ tà kiến ác."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Vâng, tôi sẽ làm cho thầy này dứt bỏ tà kiến ác."
Sau khi nghe những lời Tôn giả Xá­lợi­phất nói rồi, số đông Tỳ­kheo tùy hỷ vui mừng, trở về
chỗ ở của mình.
Bấy giờ, lúc sáng sớm, Tôn giả Xá­lợi­phất đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Ăn xong,
ra khỏi thành trở về tinh xá, cất y bát, rồi đến chỗ Tỳ­kheo Diệm­ma­ca.
Tỳ­kheo Diệm­ma­ca từ xa trông thấy Tôn giả Xá­lợi­phất đến, liền trải tòa, chuẩn bị nước rửa
chân, sắp đặt ghế ngồi, ân cần nghinh tiếp, mang giúp y bát, rồi mời ngồi. Sau khi Tôn giả Xá­
lợi­phất vào chỗ ngồi và rửa chân xong, nói với Tỳ­kheo Diệm­ma­ca:
"Có thật thầy đã nói: 'Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A­lahán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không còn gì nữa?'"
Tỳ­kheo Diệm­ma­ca bạch Tôn giả Xá­lợi­phất:
146
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, thật sự là như vậy."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Bây giờ tôi hỏi thầy, cứ theo ý thầy mà trả lời tôi. Thế nào, Diệm­ma­ca, sắc là thường hay vô
thường?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu là vô thường, thì là khổ chăng?"
Đáp:
"Là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch. Vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác
ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Lại hỏi:
"Thế nào Diệm­ma­ca, sắc là Như Lai chăng?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
Lại hỏi:
"Thế nào, Diệm­ma­ca, khác sắc là Như Lai chăng? Khác thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai
chăng?"
Đáp:
147
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
Lại hỏi:
"Ở trong sắc có Như Lai không? Ở trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
Lại hỏi:
"Trong Như Lai có sắc không? Trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
Lại hỏi:
"Phi sắc, thọ, tưởng, hành, thức[7] có Như Lai phải không?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
"Như vậy, này Diệm­ma­ca, Như Lai ngay trong đời này là chân thật, như thật, thường trú,
không thể nắm bắt, không thể giả thiết[8]; sao thầy lại có thể nói, 'Theo chỗ hiểu của tôi về
những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A­la­hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ
không còn gì nữa?' Nói như vậy đúng thời chăng?"
Đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, không."
Lại hỏi:
"Này Diệm­ma­ca, trước đây thầy nói: 'Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết
giảng, thì vị A­la­hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.' Tại sao nay
lại nói là không phải?"
Tỳ­kheo Diệm­ma­ca nói:
"Trước đây, vì vô minh tôi không hiểu, nên có tà kiến ác như vậy. Nay đã nghe Tôn giả Xá­lợiphất nói rồi, nên những gì không hiểu do vô minh, tất cả đều dứt sạch."
148
Lại hỏi:
"Nếu lại được hỏi: 'Tỳ­kheo, tuyên bố tà kiến ác trước đây, nay do biết gì, thấy gì, mà tất cả đều
bị loại bỏ?' Thầy sẽ đáp như thế nào?"
Diệm­ma­ca đáp:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, nếu có người đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vầy, 'A­la­hán lậu tận, sắc là
vô thường; vô thường là khổ. Khổ dứt thì vắng lặng, mát mẻ, lặng im. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy.' Nếu có người nào đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vậy."
Xá­lợi­phất nói:
"Lành thay! Lành thay! Tỳ­kheo Diệm­ma­ca, thầy nên đáp như vậy. Vì sao? Vì bậc A­la­hán
lậu đã hết, thì thấy sắc là vô thường, mà vô thường là khổ. Nếu vô thường là khổ, thì là pháp
sanh diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy."
Sau khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói pháp này, thì Tỳ­kheo Diệm­ma­ca xa lìa trần cấu, được mắt
pháp trong sạch. Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tỳ­kheo Diệm­ma­ca:
"Nay tôi sẽ nói thí dụ, mà người trí nhờ thí dụ thì sẽ hiểu rõ được. Thí như một trưởng giả, hay
con một trưởng giả giàu có, nhiều của cải, rất mong được nhiều người giúp việc để khéo giữ gìn
tài sản. Lúc ấy có kẻ thù độc ác, giả đến gần gũi giúp đỡ và xin làm tôi tớ, luôn luôn dò xét việc
ngủ nghỉ sớm muộn của chủ nhân, mà nhân đó hầu hạ hai bên, kính cẩn phục vụ; luôn thuận theo
lời chủ, khiến chủ nhân vừa lòng, xem như bạn thân, tưởng như con cháu, rất tin tưởng, không
nghi ngờ, nên không bao giờ tự đề phòng giữ gìn. Sau đó tên này dùng dao bén, giết chết người
chủ.
"Này Tỳ­kheo Diệm­ma­ca, thầy nghĩ thế nào về kẻ thù độc ác kia, bạn thân trưởng giả ấy; đó
chẳng phải là phương tiện ban đầu, với tâm hại luôn luôn dò xét tìm cơ hội, để dẫn đến cái chung
cuộc đối với người chủ sao? Trong khi trưởng giả không hay biết gì về cái hậu quả tai hại mà
mình phải gánh chịu hôm nay."
Đáp:
"Thật như vậy."
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo Tỳ­kheo Diệm­ma­ca:
"Thầy nghĩ thế nào về trưởng giả này, nếu biết người kia giả làm người thân để ám hại, thì ông ta
đã khéo tự đề phòng giữ gìn và sẽ không bị làm hại phải không?"
Đáp:
"Đúng vậy."
149
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo:
"Cũng vậy, Tỳ­kheo Diệm­ma­ca, kẻ phàm phu ngu si không học, đối với năm thọ ấm tưởng là
thường, tưởng là an ổn, tưởng là không bệnh, tưởng là ngã, tưởng là ngã sở. Đối với năm thọ ấm
này giữ gìn, nuối tiếc, cuối cùng thì cũng bị năm thọ ấm oan gia này làm hại, như trưởng giả kia
bị kẻ oan gia, giả làm người thân hại đi mà không hay biết.
"Này Diệm­ma­ca, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán sát như bệnh, như ung
nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở.
Đối với năm thọ ấm này vị ấy không thọ lãnh, không đắm trước. Vì không thọ lãnh nên không
đắm trước, vì không đắm trước nên tự giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói bài pháp này, thì Tỳ­kheo Diệm­ma­ca không khởi các lậu hoặc,
tâm được giải thoát. Tôn giả Xá­lợi­phất vì Tỳ­kheo Diệm­ma­ca nói pháp sáng soi, chỉ bày làm
cho vui vẻ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 105. TIÊN­NI[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, tại thành Vương xá.
Bấy giờ có một ngoại đạo xuất gia tên là Tiên­ni[10] đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, rồi ngồi
qua một bên, bạch Phật:
"Ngày hôm qua, có các Sa­môn, Bà­la­môn, Giá­la­ca[11], cùng nhau tập trung tại giảng đường
Hy hữu[12], khen ngợi như vầy: 'Phú­lan­na Ca­diếp[13], là người lãnh đạo đồ chúng, có năm
trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng
đến khi họ chết đi, không được xác nhận[14] là họ sẽ tái sanh ở đâu. Lại có Mạc­ca­lê Cù­xá­lợi
Tử[15] là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong số họ có
người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi, không được xác nhận là họ
sẽ tái sanh ở đâu. Cũng vậy, Tiên­xà­na Tỳ­la­chi Tử, A­kỳ­đa Xí­xá­khâm­bà­la, Ca­la­câu­đà
Ca­chiên­diên, Ni­kiền­đà Nhã­đề Tử[16] v.v... mỗi người đều có năm trăm đệ tử vây quanh
trước sau, như đã nói trên.'
"Sa­môn Cù­đàm lúc bấy giờ cũng được thảo luận trong đó, rằng: 'Sa­môn Cù­đàm là thủ lãnh
của đại chúng. Trong số đệ tử của Ngài nếu có ai mạng chung thì liền được ghi nhận là sẽ sanh
vào chỗ này, sẽ sanh vào nơi kia. 'Trước đây tôi có sanh nghi, vì sao Sa­môn Cù­đàm đạt được
pháp như vậy[17]?'"
Phật bảo Tiên­ni:
"Ông chớ sanh nghi ngờ. Vì có mê lầm nên sanh ra nghi hoặc. Tiên­ni nên biết, có ba hạng tôn
sư. Những gì là ba? Có một hạng tôn sư thấy đời hiện tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà
150
thuyết, nhưng không thể biết những việc sau khi chết. Đó là hạng thầy thứ nhất xuất hiện ở thế
gian. Lại nữa, này Tiên­ni có một hạng tôn sư, thấy đời hiện tại chân thật là ngã, sau khi chết
cũng thấy là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết. Lại nữa, này Tiên­ni có một hạng tôn sư, không
thấy đời hiện tại chân thật là ngã, sau khi mạng chung cũng lại không thấy chân thật là ngã.
"Này Tiên­ni, hạng tôn sư thứ nhất thấy đời hiện tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà
thuyết, thì đó gọi là đoạn kiến. Hạng tôn sư thứ hai, thấy đời hiện tại và đời vị lai chân thật là
ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là thường kiến. Hạng tôn sư thứ ba, không thấy đời
hiện tại chân thật là ngã và sau khi chết cũng không thấy ngã, thì đó là Như Lai, Ứng Cúng,
Đẳng Chánh Giác nói, hiện tại cắt đứt ái, ly dục, diệt tận, chứng Niết­bàn."
Tiên­ni bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, tôi nghe những gì Đức Thế Tôn nói càng thêm nghi ngờ."
Phật bảo Tiên­ni:
"Càng nghi ngờ thêm là đúng. Vì sao? Vì đây chính là chỗ sâu xa khó thấy khó biết, cần phải
quán chiếu sâu xa, vi diệu mới thấu đáo được, chỉ có bậc thông tuệ mới hiểu rõ, còn loại chúng
sanh thường tình thì chưa có khả năng biết được. Vì sao? Vì chúng sanh lâu đời có những kiến
giải dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sự mong cầu dị biệt, những ước muốn dị biệt."
Tiên­ni bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con đối với Thế Tôn có lòng tin thuần tịnh, xin Đức Thế Tôn vì con mà nói
pháp, để ngay nơi chỗ ngồi này tuệ nhãn của con được thanh tịnh."
Phật bảo Tiên­ni:
"Nay Ta sẽ tùy thuộc vào chỗ ưa thích của ông mà nói."
Phật bảo Tiên­ni:
"Sắc là thường, hay là vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
Đức Thế Tôn lại hỏi:
"Này Tiên­ni, vô thường là khổ chăng?"
Đáp:
"Là khổ."
151
Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên­ni:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác
ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Lại hỏi:
"Thế nào, Tiên­ni, sắc có phải là Như Lai không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Thọ, tưởng, hành, thức có phải là Như Lai không?"
"Bạch Thế Tôn, không."
Lại hỏi Tiên­ni:
"Ngoài sắc có Như Lai không? Ngoài thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Lại hỏi Tiên­ni:
"Trong sắc có Như Lai không? Trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Lại hỏi Tiên­ni:
"Trong Như Lai có sắc không? Và trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không?"
Đáp:
152
"Bạch Thế Tôn, không."
Lại hỏi Tiên­ni:
"Phi sắc, phi thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Phật bảo Tiên­ni:
"Các đệ tử của Ta nghe những gì Ta đã nói mà không hiểu nghĩa lý để khởi vô gián đẳng[18] đối
với mạn. Vì phi vô gián đẳng nên mạn không bị đoạn trừ. Vì không dứt trừ được mạn, nên khi bỏ
ấm này thì ấm khác tiếp nối sinh. Do vậy, này Tiên­ni, Ta ký thuyết cho các đệ tử, sau khi thân
hoại mạng chung sẽ sanh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao? Vì mạn còn sót lại.
"Này Tiên­ni, các đệ tử của Ta đối với những gì Ta đã nói, có khả năng hiểu rõ, thì đối với các
mạn mà đạt được vô gián đẳng. Nhờ đạt được vô gián đẳng nên các mạn dứt trừ; vì các mạn
được dứt trừ nên sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn có tương tục. Này Tiên­ni, những
người đệ tử này, Ta không bảo là khi bỏ ấm này rồi, họ sẽ sinh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao?
Vì không có nhân duyên để có thể ký thuyết. Nếu muốn Ta ký thuyết, Ta sẽ ký thuyết rằng, họ
đã đoạn trừ các ái dục, vĩnh viễn xa lìa kết sử hữu, chánh ý giải thoát, tận cùng mé khổ. Từ xưa
tới nay và ngay trong hiện tại, Ta thường nói, mạn quá, mạn tập, mạn sanh, mạn khởi; nếu đối
với mạn mà thường xuyên quán sát thì các khổ sẽ không sanh."
Khi Phật nói pháp này, Tiên­ni Sa­môn ngoại đạo[19] xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, Tiên­ni thấy pháp, đắc pháp, đoạn trừ các nghi hoặc, không do người khác mà biết,
không do người khác để được độ thoát. Ở trong Chánh pháp, tâm đạt được vô sở úy. Ông từ chỗ
ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con có được phép ở trong Chánh pháp xuất gia tu phạm hạnh không?"
Phật bảo Tiên­ni:
"Ông có thể xuất gia, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ­kheo ở trong Chánh pháp."
Sau khi Tiên­ni đã được phép xuất gia rồi, một mình ở nơi vắng vẻ tu tập không buông lung, tự
suy nghĩ về lý do nào mà người có dòng họ quý cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống
không gia đình, tu hành phạm hạnh, thấy pháp, tự biết đã chứng đắc: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Đã đạt được
quả A­la­hán.
Sau khi đã nghe những gì Đức Phật đã nói, hoan hỷ phụng hành.
153
KINH 106. A­NẬU­LA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, tại thành Vương xá[21].
Bấy giờ có Tỳ­kheo tên là A­nậu­la­độ[22] ở núi Kỳ­xà­quật. Lúc ấy, có số đông người xuất gia
ngoại đạo, đến chỗ A­nậu­la­độ. Sau khi họ đã chào hỏi thăm nhau, rồi ngồi sang một bên và,
bạch với A­nậu­la­độ:
"Chúng tôi có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh mà giải thích cho chúng tôi không?"
A­nậu­la­độ nói với các ngoại đạo:
"Tùy theo điều muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời."
Các ngoại đạo lại hỏi:
"Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết tồn tại chăng?"
A­nậu­la­độ nói:
"Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký[23]."
Lại hỏi:
"Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng?"
A­nậu­la­độ nói:
"Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký."
Lại hỏi:
"Như Lai sau khi chết tồn tại và không tồn tại; chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại
chăng?"
A­nậu­la­độ nói:
"Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký."
Lại hỏi A­nậu­la­độ:
"Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết là tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết
không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết là cũng tồn tại, cũng không tồn tại;
154
chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Thế nào, Tôn giả, Sa­môn
Cù­đàm không biết, không thấy chăng?"
A­nậu­la­độ nói:
"Đức Thế Tôn chẳng phải không biết, chẳng phải không thấy."
Bấy giờ, các ngoại đạo không hài lòng về những gì mà Tôn giả A­nậu­la­độ đã nói, bèn chỉ trích,
rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôn giả A­nậu­la­độ chờ cho các ngoại đạo đi rồi, đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng
sang một bên, đem những gì các ngoại đạo đã hỏi trình lên tất cả cho Phật:
"Bạch Thế Tôn, họ đã hỏi như vậy và con đáp như vậy, nói như vậy, có phù hợp với Chánh pháp
không? Con không mắc tội hủy báng Thế Tôn chăng? Là thuận theo pháp hay là trái với pháp?
Không khiến cho khi có người đến cật vấn mà bị bế tắc chăng?"
Phật bảo A­nậu­la­độ:
"Nay Ta hỏi ngươi, theo những gì Ta hỏi mà trả lời. Này A­nậu­la­độ, sắc là thường hay vô
thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
"Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Nói chi tiết như kinh Diệm­ma­ca, cho đến, thức là Như Lai chăng? Đáp là không.
Phật bảo A­nậu­la­độ:
"Nói như vậy là nói lời phù hợp[24], chẳng phải hủy báng Như Lai, chẳng phải vượt qua thứ lớp,
như những lời của Như Lai nói theo các pháp tùy thuận[25] không ai có thể đến cật vấn chê trách
được. Vì sao? Vì đối với sắc, Ta biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự đoạn tận của
sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Này A­nậu­la­độ, nếu bỏ qua những điều Như Lai
giải thích[26] mà bảo là Như Lai không biết, không thấy, thì đây chẳng phải là lời nói chính
xác[27]."
Phật nói kinh này xong, A­nậu­la­độ nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
155
KINH 107. TRƯỞNG GIẢ[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng sâu Lộc dã, tại núi Thiết­thủ­bà­la[29], thuộc nước Bà­kỳ[30]. Bấy
giờ có trưởng giả Na­câu­la[31] đã một trăm hai mươi tuổi, già nua, các căn suy nhược, yếu đuối
bệnh khổ mà vẫn muốn diện kiến Đức Thế Tôn, cùng các Tỳ­kheo thân quen đáng kính trước
đây. Ông đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nay con đã già nua, yếu đuối, bệnh khổ, tự gắng sức đến yết kiến Đức Thế Tôn
cùng các vị Tỳ­kheo thân quen đáng kính trước đây. Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến
cho con luôn luôn được an lạc."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo gia chủ Na­câu­la:
"Lành thay! Gia chủ, thật sự ông đã già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh hoạn, mà có thể
tự mình đến diện kiến Như Lai cùng các Tỳ­kheo thân quen đáng kính khác. Gia chủ nên biết, ở
nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn[32]."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì gia chủ Na­câu­la, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ[33] rồi
ngồi im lặng. Sau khi gia chủ Na­câu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ vui mừng, lễ
Phật mà lui.
Lúc ấy, Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi dưới một bóng cây cách Phật không xa. Gia chủ Na­câula đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên. Tôn giả Xá­lợi­phất
hỏi gia chủ:
"Hiện tại các căn của gia chủ vui vẻ, nhan sắc sáng tươi, có phải đã nghe pháp sâu xa từ nơi Thế
Tôn rồi chăng?"
Gia chủ Na­câu­la bạch ngài Xá­lợi­phất:
"Hôm nay Đức Thế Tôn vì tôi nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ; vì nước
pháp cam lộ rưới vào thân tâm tôi, cho nên nay các căn của tôi vui vẻ, nhan sắc sáng tươi."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi gia chủ:
"Đức Thế Tôn đã vì ông nói những pháp gì, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nhuần
thắm nước cam lộ?"
Gia chủ Na­câu­la bạch ngài Xá­lợi­phất:
"Con đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn rằng: 'Con đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, tự con đến diện
kiến Đức Thế Tôn cùng các Tỳ­kheo thân quen đáng kính.' Đức Phật bảo con: 'Lành thay! Gia
chủ, ông thực sự đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, mà có thể tự nỗ lực đến gặp Ta cùng các Tỳ­
kheo thân quen đáng kính trước đây. Bây giờ đối với thân khổ hoạn này, ông thường nên ở nơi
156
cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn.' Đức Thế Tôn đã vì con nói pháp như
vậy, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nước cam lộ nhuần thấm."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi gia chủ:
"Vừa rồi sao ông không hỏi lại Đức Thế Tôn, thế nào là thân bị bệnh khổ, là tâm bị bệnh khổ?
Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ?"
Gia chủ đáp:
"Vì lý do này nên con đến gặp Tôn giả, xin vì con nói tóm lược pháp yếu."
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo gia chủ:
"Lành thay! Gia chủ, nay ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói. Kẻ phàm phu ngu si không
học, đối với sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc, sự xuất ly
sắc không biết như thật. Vì không biết như thật nên ái lạc sắc, nói rằng sắc là ngã, là ngã sở, rồi
chấp thủ, nhiếp thủ. Khi sắc này hoặc bị hư hoại, hoặc bị biến đổi; tâm thức cũng tùy theo mà
biến chuyển, khổ não liền sanh. Khi khổ não đã sanh thì phát sinh sự sợ hãi, sự chướng ngại, sự
hoài vọng, sự lo nghĩ buồn khổ tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó
gọi là bệnh khổ của thân tâm.
"Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự
tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của
sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã, hay ngã sở. Sắc này nếu
biến dịch hay đổi khác đi nữa, thì tâm cũng không thay đổi theo mà sanh ra khổ não. Khi tâm đã
không biến chuyển theo mà sanh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc
nuối, lo nghĩ, buồn khổ, tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là
thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ."
Khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói pháp này, gia chủ Na­câu­la đạt được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ,
gia chủ Na­câu­la thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua được mọi sự hồ
nghi mà không do ai khác, ở trong chánh pháp tâm đạt được vô sở úy, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy
sửa lại y phục, chắp tay bạch Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Con đã vượt qua, đã được độ thoát. Nay con xin nương về Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, làm
người Ưu­bà­tắc; xin ngài chứng biết cho con. Nay con xin nguyện suốt đời nương về Tam bảo."
Sau khi gia chủ Na­câu­la đã nghe những gì Tôn giả Xá­lợi­phất nói rồi, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ
ra đi.
KINH 108. TÂY[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tụ lạc Thiên hiện của dòng họ Thích[35].
157
Bấy giờ có số đông Tỳ­kheo người phương Tây muốn trở về phương Tây an cư, đến chỗ Đức
Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì họ mà nói
pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách được khai mở, chỉ
dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, số đông Tỳ­kheo phương Tây từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay
bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, các Tỳ­kheo phương Tây chúng con, muốn trở về phương Tây an cư, nay chúng
con xin được từ giã."
Phật bảo các Tỳ­kheo phương Tây:
"Các ông đã từ giã Xá­lợi­phất chưa?"
Đáp:
"Bạch, chưa từ giã."
Phật bảo các Tỳ­kheo phương Tây:
"Xá­lợi­phất thuần tu phạm hạnh, các ông nên từ giã. Ông ấy có thể làm cho các ông được lợi ích
và an lạc lâu dài."
Các Tỳ­kheo phương Tây từ tạ mà lui và chuẩn bị đi. Lúc ấy Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi dưới
một bóng cây kiên cố[36] cách Phật không xa. Các Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, đảnh
lễ dưới chân, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Chúng tôi muốn trở về phương Tây an cư, nên đến đây xin từ giã."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi:
"Các ông đã từ giã Đức Thế Tôn chưa?"
Đáp:
"Thưa, đã từ giã rồi."
Xá­lợi­phất bảo:
"Các ông trở về phương Tây, mỗi quốc độ mỗi khác nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ
có người hỏi các ông. Hiện tại các ông đang ở chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng
thuyết, hãy khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì mọi
người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, để không phải là hủy báng Đức Phật chăng? Không để cho
các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc chăng?"
Các Tỳ­kheo bạch ngài Xá­lợi­phất:
158
"Chúng tôi vì muốn nghe pháp, nên đến chỗ Tôn giả. Xin Tôn giả vì thương xót chúng tôi mà
nói pháp đầy đủ."
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo các Tỳ­kheo:
"Người Diêm­phù­đề lợi căn thông minh. Hoặc Sát­lợi, Sa­môn, Bà­la­môn, hay gia chủ, có thể
họ sẽ hỏi các ông rằng: 'Đại sư của các ông nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để
truyền dạy cho các ông?' Thì các ông nên đáp: 'Đại sư chỉ nói điều phục dục tham và chỉ đem
pháp này để truyền dạy.'
"Họ sẽ hỏi lại các ông: 'Ở trong pháp nào mà điều phục dục tham?' Các ông nên đáp: 'Đại sư chỉ
nói ở trong sắc ấm kia mà điều phục dục tham; ở trong thọ, tưởng, hành, thức ấm kia mà điều
phục dục tham. Đại sư của chúng tôi nói pháp như vậy.'
"Họ sẽ lại hỏi: 'Dục tham có tai hại gì mà Đại sư lại nói ở ngay nơi sắc điều phục dục tham; nơi
thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?' Các ông nên trả lời: 'Nếu ở nơi sắc mà dục không
đoạn trừ, tham không đoạn trừ, ái không đoạn trừ, niệm không đoạn trừ, khát không đoạn trừ và
khi sắc kia biến đổi, hoặc khác đi, thì sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não; đối với thọ, tưởng, hành, thức
cũng lại như vậy. Vì thấy dục tham có những tai hại như vậy, nên ở nơi sắc phải điều phục dục
tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham.'
"Họ sẽ lại hỏi: 'Thấy có lợi ích gì trong việc dứt trừ dục tham, mà Đại sư nói ở nơi sắc phải điều
phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?' Các ông nên trả lời: 'Nếu ở
nơi sắc mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát, thì đối với sắc
nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi, khổ, não; và đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy. Thưa các ngài, nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện mà khiến
cho cuộc sống ngay trong hiện tại vẫn được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền
não, không nóng bức, thân hoại mạng chung được sanh vào nơi tốt lành, thì Đức Thế Tôn cuối
cùng đã không dạy: Hãy đoạn trừ các pháp bất thiện. Và cũng không dạy người ở trong Phật
pháp tu các phạm hạnh, để đạt được tận cùng của mé khổ. Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp
bất thiện nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại và chướng ngại, nhiệt não;
sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác. Cho nên Đức Thế Tôn dạy, hãy đoạn
trừ pháp bất thiện và ở trong Phật pháp phải tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình
đẳng giải thoát hết khổ. Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà ngay trong cuộc sống
hiện tại chịu khổ, chướng ngại, nhiệt não và sẽ đọa vào trong đường ác, thì Thế Tôn đã không
dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật pháp phải tu phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ,
bình đẳng giải thoát hết khổ. Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui,
không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng
chung sẽ sanh vào nơi tốt lành. Cho nên Đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các
pháp thiện, ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng của mé khổ, bình đẳng giải
thoát hết khổ."
Khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói pháp này, các Tỳ­kheo phương Tây không khởi lên các lậu hoặc,
tâm được giải thoát.
159
Sau khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói pháp này xong, các Tỳ­kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
KINH 109. MAO ĐOAN[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như hồ nước vuông vức năm mươi do­tuần, chiều sâu cũng như vậy, với nước tràn đầy. Lại có
người dùng sợi lông, dùng cọng cỏ, hay móng tay để hất nước. Này các Tỳ­kheo, ý các ông thế
nào? Nước do người kia hất lên là nhiều hay là nước hồ nhiều?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Nước mà người kia dùng lông, dùng cỏ, hay móng tay để hất lên là rất ít, không đáng để nói.
Nước hồ thì rất nhiều, gấp cả trăm ngàn vạn lần, không thể nào so sánh được."
"Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, các khổ được đoạn trừ do thấy Thánh đế, cũng như nước hồ kia,
vĩnh viễn không sanh lại trong đời vị lai."
Khi Đức Thế Tôn nói pháp này xong, bèn vào thất tọa thiền. Sau khi Đức Thế Tôn vào thất, bấy
giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi trong chúng, bảo các Tỳ­kheo:
"Thật là điều chưa từng được nghe, hôm nay Đức Thế Tôn khéo nói thí dụ về cái hồ! Vì sao?
Thánh đệ tử đầy đủ kiến đế[38], đạt được quả vô gián đẳng[39]. Nếu kẻ phàm tục nào khởi tà
kiến, thân kiến, căn bản thân kiến, tập thân kiến, sanh thân kiến, nghĩa là che giấu những cảm
giác lo âu, giữ gìn tiếc thương những điều vui mừng[40], nói là ngã, nói là chúng sanh, nói là kỳ
đặc, kiêu căng, tự cao. Các thứ tà như vậy tất cả đều bị trừ diệt, cắt đứt cội rễ như cây đa­la bị bẻ
gãy, khiến cho đời vị lai không còn tái sanh lại nữa.
"Này các Tỳ­kheo, những gì là các thứ tà kể trên bị đoạn trừ bởi Thánh đệ tử khi thấy Thánh đế,
vị lai vĩnh viễn không khởi lên lại nữa?
"Phàm phu ngu si không học, thấy sắc là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã;
thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong thức, là thức ở trong ngã.
"Thế nào thấy sắc là ngã? Chứng đắc chánh thọ nhập nhất thiết xứ về đất[41], sau khi quán, khởi
lên ý nghĩ, 'Đất tức là ngã, ngã tức là đất; ngã và đất chỉ là một chứ không phải hai, không phải
khác, không phân biệt.' Cũng vậy, chánh thọ nhập nhất thiết xứ về nước, lửa, gió, xanh, vàng,
đỏ, trắng[42], sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, 'Hành tức là ngã, ngã tức là hành, chỉ là một chứ
không phải hai, không phải khác, không phân biệt.' Như vậy, ở nơi các nhất thiết nhập xứ, mỗi
mỗi đều được chấp là ngã. Đó gọi là sắc tức là ngã.
160
"Thế nào là sắc khác ngã[43]? Nếu người kia thấy thọ là ngã; khi thấy thọ là ngã rồi thì thấy sắc
là ngã sở; hoặc thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì thấy sắc là ngã sở.
"Thế nào là thấy sắc ở trong ngã? Thấy thọ là ngã thì sắc ở trong ngã; nếu lại thấy tưởng, hành,
thức tức là ngã thì sắc ở trong ngã.
"Thế nào là thấy ngã ở trong sắc? Nếu thấy thọ tức là ngã thì nó hiện hữu trong sắc, nhập vào
trong sắc, phổ biến khắp tứ chi; hay nếu thấy tưởng, hành, thức là ngã thì nó hiện hữu ở trong sắc
và, biến khắp tứ chi. Đó gọi là ngã ở trong sắc.
"Thế nào là thấy thọ tức là ngã? Là sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ xúc của mắt. tai, mũi, lưỡi,
thân, ý. Sáu thọ thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã và ngã là thọ. Đó gọi là thọ tức ngã.
"Thế nào là thấy thọ khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thọ là ngã sở; và nếu tưởng, hành, thức là
ngã, thì thọ là ngã sở. Đó gọi là thọ khác ngã.
"Thế nào là thấy thọ ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì thọ ở trong nó; và nếu tưởng, hành, thức là
ngã, thì thọ ở trong nó. Đó gọi là thọ trong ngã.
"Thế nào là thấy ngã ở trong thọ? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn
thân; và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân. Đó
gọi là ngã ở trong thọ.
"Thế nào là thấy tưởng tức là ngã? Là sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng
phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tưởng thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó
gọi là tưởng tức là ngã.
"Thế nào là thấy tưởng khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì tưởng là ngã sở; và nếu thức là ngã, thì
tưởng là ngã sở. Đó gọi là tưởng khác ngã.
"Thế nào là thấy tưởng ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ,
hành, thức là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là tưởng ở trong ngã.
"Thế nào là thấy ngã ở trong tưởng? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu trong tưởng và biến khắp
toàn thân; và nếu thọ, hành, thức là ngã thì chúng hiện hữu trong tưởng và biến khắp toàn thân.
Đó gọi là ngã ở trong tưởng.
"Thế nào là thấy hành là ngã? Là sáu tư thân; tư phát sanh từ xúc của mắt; tư phát sanh từ xúc
của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tư thân này, mỗi mỗi được thấy ngã. Đó gọi là hành tức ngã.
"Thế nào là thấy hành khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì hành là ngã sở; và nếu thọ, tưởng, thức
là ngã, thì hành là ngã sở. Đó gọi là hành khác ngã.
"Thế nào là thấy hành ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì hành hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ,
tưởng, thức là ngã, thì hành hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là hành ở trong ngã.
161
"Thế nào là thấy ngã ở trong hành? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong hành và biến khắp
toàn thân; và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong hành và biến khắp toàn thân
thể. Đó gọi là ngã ở trong hành.
"Thế nào là thấy thức là ngã? Chỉ cho sáu thức thân: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân
thức và ý thức. Sáu thức thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là thức tức ngã.
"Thế nào là thấy thức khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thức là ngã sở; và nếu thấy thọ, tưởng,
hành là ngã, thì thức là ngã sở. Đó gọi là thức khác ngã.
"Thế nào là thấy thức ở trong ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thức hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ,
tưởng, hành là ngã, thì thức ở trong chúng. Đó gọi là thức ở trong ngã.
"Thế nào là ngã ở trong thức? Nếu sắc là ngã, thì nó ở trong thức và biến khắp toàn thân; và nếu
thọ, tưởng, hành là ngã thì chúng ở trong thức và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong
thức.
"Như vậy, Thánh đệ tử thấy Bốn chân đế sẽ đạt được quả vô gián đẳng và đoạn trừ các thứ tà
kiến, vĩnh viễn không khởi lên trở lại trong đời vị lai.
"Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc
tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, được tích tụ về một nơi, cần được quán như vầy: 'Tất
cả đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả là phi ngã, không nên ái lạc, thâu lấy,
chấp thủ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, không nên ái lạc, chấp thủ, bảo trì.'
Khéo quán sát như vậy, buộc tâm an trụ, không mê mờ đối với pháp, lại luôn luôn tinh tấn quán
sát, xa lìa tâm biếng nhác, thì sẽ đạt được hỷ lạc, thân tâm khinh an, tịch tĩnh, an trụ với xả[44];
đầy đủ các phẩm đạo, tu hành trọn vẹn, vĩnh viễn xa lìa các thứ ác; không phải không tiêu tan,
không phải không tịch diệt; diệt mà không khởi, giảm mà không tăng, đoạn mà không sanh,
không chấp thủ, không đắm trước, tự giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Tôn giả Xá­lợi­phất nói pháp này, sáu mươi Tỳ­kheo không khởi lên các lậu hoặc, tâm được
giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 110. TÁT­GIÁ[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở cạnh ao Di hầu tại Tỳ­xá­ly[46].
Bấy giờ, tại Tỳ­xá­ly có một Ni­kiền tử[47] thông tuệ, minh triết, hiểu rõ các luận và có sự kiêu
mạn của thông minh; trong các luận rộng rãi, trí tuệ đã đạt đến chỗ vi diệu[48]; nói pháp cho mọi
người, vượt hẳn mọi luận sư. Ông thường nghĩ rằng: 'Các Sa­môn, Bà­la­môn không ai địch lại
162
ta. Ngay cả đến với Như Lai ta cũng có thể cùng luận bàn. Bọn luận sư nghe đến tên ta thì trán
và nách đều toát mồ hôi, các lỗ chân lông đều chảy nước. Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp
cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng phục các loài rồng voi, huống chi là bọn luận sư ở thế
gian lại có thể đương đầu với ta ư!"
Lúc này, có Tỳ­kheo tên là A­thấp­ba­thệ[49], sáng sớm đắp y mang bát, oai nghi tề chỉnh, mắt
đoan chánh nhìn thẳng bước, vào thành khất thực. Bấy giờ, Ni­kiền tử Tát­giá[50] có chút việc đi
đến các làng xóm; từ cửa thành ra trông thấy Tỳ­kheo A­thấp­ba­thệ, liền đến chỗ Tỳ­kheo hỏi:
"Sa­môn Cù­đàm vì các đệ tử nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để dạy cho các đệ tử
khiến cho họ tu tập?"
A­thấp­ba­thệ nói:
"Này cư sĩ Hỏa chủng[51], Đức Thế Tôn nói pháp như vầy để dạy cho các đệ tử, khiến cho họ
theo đó mà tu học. Ngài dạy các Tỳ­kheo: 'Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng,
hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này phải siêng năng phương tiện quán
sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không,
chẳng phải ngã.'"
Ni­kiền tử Tát­giá nghe những lời nói này, tâm không vui, liền nói rằng:
"A­thấp­ba­thệ, chắc ông đã nghe lầm rồi! Sa­môn Cù­đàm hoàn toàn không nói những lời này.
Nếu Sa­môn Cù­đàm đã nói những lời này thì đó là thứ tà kiến. Tôi sẽ đến nạn vấn ông ấy để
khiến phải từ bỏ."
Bấy giờ, Ni­kiền tử Tát­giá đi đến các làng xóm, tại chỗ những người Ly­xa đang tụ hội, nói với
các Ly­xa rằng:
"Hôm nay tôi có gặp vị đệ tử thứ nhất của Sa­môn Cù­đàm, tên là A­thấp­ba­thệ, cùng nhau bàn
luận. Nếu đúng như lời ông ta nói, thì tôi sẽ đến chỗ Sa­môn Cù­đàm cùng bàn luận, làm cho
xoay chuyển tiến thoái đều theo ý của tôi.
"Giống như người cắt cỏ, tay nắm thân chúng đưa lên rũ bỏ đi những loại tạp uế; tôi cũng như
vậy, tôi cùng với Sa­môn Cù­đàm cật vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cốt yếu, rồi mặc ý xoay
tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
"Như người nấu rượu, cầm túi hèm rượu ép lấy nước tinh thuần và bỏ đi cặn bã hèm. Tôi cũng
như vậy, đi đến Sa­môn Cù­đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ thuần chân, rồi mặc ý xoay
tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
"Như thợ dệt chiếu, dùng chiếu đựng đầy vật nhơ, nên trước khi muốn đem ra chợ bán, phải tẩy
xóa những vết nhơ, loại bỏ đi những mùi hôi thối. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa­môn Cù­đàm nạn
vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cương lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết
uế tạp.
163
"Như người huấn luyện voi của nhà vua, dắt con voi say vào trong nước sâu, rửa thân thể nó, tứ
chi, tai, mũi; toàn thân thể của nó đều được tắm rửa, trừ bỏ các thứ bụi bẩn. Tôi cũng như vậy, đi
đến Sa­môn Cù­đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ yếu lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay
lui, loại bỏ các thuyết uế tạp. Các Ly­xa, các người cũng nên cùng tôi đến để xem sự hơn thua."
Trong nhóm Ly­xa có người nói rằng:
"Ni­kiền tử Tát­giá mà có thể cùng với Sa­môn Cù­đàm bàn luận, thì điều này không thể xảy ra."
Lại có người nói:
"Ni­kiền tử Tát­giá, là người lợi căn thông tuệ có khả năng luận bàn với Sa­môn Cù­đàm."
Lúc này, có năm trăm Ly­xa cùng Ni­kiền tử Tát­giá đi đến chỗ Đức Phật để luận bàn. Bấy giờ,
Đức Thế Tôn đang ngồi dưới bóng cây ở trong rừng Đại lâm, an trú nơi Thiên trụ[52]. Giờ này
có nhiều Tỳ­kheo ra khỏi phòng và đang đi kinh hành trong rừng, từ xa trông thấy Ni­kiền tử
Tát­giá đang đi đến. Đến chỗ các Tỳ­kheo, Tát­giá hỏi các Tỳ­kheo:
"Sa­môn Cù­đàm đang ở chỗ nào?"
Các Tỳ­kheo đáp:
"Đang ngồi dưới bóng cây trong Đại lâm, nơi ở của chư Thiên."
Ni­kiền tử Tát­giá liền đến chỗ Đức Phật, cung kính hỏi thăm, rồi ngồi sang một bên. Các gia
chủ Ly­xa cũng đến chỗ Đức Phật, có người cung kính, có người người chắp tay chào hỏi, rồi
đứng sang một bên. Bây giờ, Ni­kiền tử Tát­giá bạch Phật:
"Tôi nghe Cù­đàm nói pháp như vầy và dạy các đệ tử như vầy: 'Đối với sắc hãy quán là không
có ngã; với thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này phải siêng
năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô
thường, khổ, không, chẳng phải ngã.' Có phải Cù­đàm dạy như vậy hay không? Hay đây là
những lời tuyên truyền với mục đích là để hủy báng Cù­đàm chăng? Thuyết là như thuyết, hay
không như thuyết? Thuyết đúng như pháp chăng? Thuyết theo thuận thứ của pháp chăng? Không
có kẻ khác nào đến nạn vấn dồn vào chỗ bế tắc chăng?"
Phật nói với Ni­kiền tử Tát­giá:
"Như những gì ông đã nghe. Thuyết là như thuyết, là thuyết đúng như pháp, thuyết theo thuận
thứ của pháp, chứ chẳng phải là hủy báng và cũng không có nạn vấn nào khiến bị bế tắc. Vì sao?
Ta đã thật sự vì các đệ tử mà thuyết pháp như vậy, Ta đã thật sự luôn luôn dạy dỗ các đệ tử để
cho họ tùy thuận theo pháp giáo, khiến họ quán sắc là không ngã; thọ, tưởng, hành, thức là
không ngã. Quán năm thọ ấm này như là bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô
thường, khổ, không, phi ngã."
Ni­kiền tử Tát­giá bạch Phật rằng:
164
"Thưa Cù­đàm, bây giờ, tôi sẽ đưa ra một thí dụ."
Phật bảo Ni­kiền tử Tát­giá:
"Nếu thấy thích hợp."
"Ví như tất cả những gì được tạo tác ở thế gian đều nương trên đất; cũng vậy sắc là con
người[53], mọi việc thiện ác đều phát sanh từ đó[54]. Thọ, tưởng, hành, thức là con người, mọi
việc thiện ác cũng đều phát sanh từ đó.
"Thêm một thí dụ nữa, như cõi người, cõi thần[55], cỏ thuốc, cây cối, đều nương vào đất mà
được sanh trưởng; cũng vậy, sắc là con người. Thọ, tưởng, hành, thức là con người."
Phật nói:
"Này Hỏa chủng cư sĩ, ông nói sắc là con người[56]; thọ, tưởng, hành, thức là con người
chăng?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, đúng như vậy. Sắc là con người; thọ, tưởng, hành, thức là người. Ở đây tất cả
mọi người đều nói như vậy."
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Thôi, hãy lập luận theo luận thuyết của ông đi, việc gì phải đem mọi người ra."
Ni­kiền tử Tát­giá bạch Phật:
"Sắc thật sự là con người."
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ theo ý ông mà đáp. Như quốc vương, mà trong nước mình nếu có người
phạm tội, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi, hoặc đánh bằng roi, hoặc chặt tay chân. Hoặc nếu có
người có công thì vua sẽ ban thưởng voi, ngựa, xe cộ, thành ấp, tài sản, bảo vật cho. Tất cả vua
đều làm được, phải không?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, có thể làm được như vậy."
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Phàm là người chủ, ắt phải được tự tại chăng?"
165
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, đúng như vậy."
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Ông nói sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức là ngã, vậy có được tùy ý tự tại khiến nó như vậy hay
không như vậy chăng?"
Lúc này, Ni­kiền tử Tát­giá ngồi im.
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Nói ngay đi! Nói ngay đi! Tại sao im lặng?"
Ba lần hỏi như vậy, Ni­kiền tử vẫn cố im lặng. Ngay lúc đó thần lực sĩ Kim cương[57] đang ở
giữa hư không, cầm chày kim cương lửa bốc mạnh hừng hực, đặt trên đầu Ni­kiền tử Tát­giá,
bảo rằng: "Đức Thế Tôn đã ba lần hỏi, tại sao ông không trả lời? Ta sẽ dùng chiếc chày kim
cương đập vỡ đầu ông ra làm bảy mảnh." Vào lúc ấy, nhờ vào thần lực của Phật, nên chỉ khiến
cho một mình Ni­kiền tử Tát­giá thấy thần Kim cương mà thôi, ngoài ra không một ai thấy hết.
Ni­kiền tử Tát­giá thấy vậy sợ hãi quá, bạch Phật rằng:
"Thưa Cù­đàm, không phải như vậy."
Phật bảo Ni­kiền tử Tát­giá:
"Hãy chậm rãi suy nghĩ, sau đó mới nói rõ. Trước đây, ở giữa mọi người, ông bảo sắùc là ngã;
thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Nhưng bây giờ lại bảo là không phải. Trước sau mâu thuẫn
nhau. Trước đây, ông thường bảo rằng sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Này Hỏa
chủng cư sĩ, nay Ta hỏi ông, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, là vô thường."
Lại hỏi:
"Vô thường có phải là khổ không?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, là khổ."
Lại hỏi:
166
"Vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã,
hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, không."
"Và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Ông hãy suy nghĩ cho kỹ rồi sau mới nói."
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
"Nếu đối với sắc mà chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa niệm, chưa lìa ái, chưa lìa khát, khi sắc
này biến đổi, hoặc khác đi thì nó sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, đúng vậy."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
"Nếu đối với sắc mà lìa tham, lìa dục, lìa niệm, lìa ái, lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi,
thì kia sẽ không sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, đúng vậy, như thật không khác."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
"Này Hỏa chủng cư sĩ, như thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không
dứt, không vứt đi được, thì người kia được an vui chăng?"
Đáp:
"Thưa Cù­đàm, không."
Như vậy, này Hỏa chủng cư sĩ, khi thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này
không dứt, không vứt đi được, thì không được an vui.
167
"Này Hỏa chủng cư sĩ, như người mang búa vào núi, tìm những cây gỗ thật chắc, thấy cây chuối
to lớn, ngay thẳng, liền chặt rễ lá và lột bẹ của nó cho đến tận cùng, mà vẫn không thấy cái lõi
chắc thật. Này Hỏa chủng cư sĩ, ông cũng như vậy, đã tự lập ra luận thuyết, nhưng nay Ta đã
khéo léo tìm ra cái nghĩa chân thật của nó, mà vẫn không thấy được cái cốt lõi chân thật, nó
giống như cây chuối vậy. Thế mà ở giữa mọi người, ông dám đứng ra tuyên bố là: 'Trong đám
Sa­môn, Bà­la­môn, ta không thấy một ai có tri kiến có thể cùng đem bàn luận với tri kiến của
Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, mà không bị Ta chiết phục.' Và lại tự nói: 'Ta luận
nghĩa như gió có thể đè bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng phục các loài rồng voi, đến
nỗi có thể khiến cho họ toát mồ hôi trán, toát mồ hôi nách và các lỗ chân lông đều đẫm nước.'
Nay ông đã tự luận nghĩa cho chính mình, nhưng không tự lập lại những lời lẽ khoác lác trước
đây, là có thể chiết phục mọi hiện tượng này. Hiện tại ông đã đem hết khả năng lý sự thủ đắc của
mình, mà không thể làm lay động được một sợi lông của Như Lai."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa mọi người, vén Uất­đa­la­tăng bày ngực và chỉ:
"Mọi người hãy nhìn xem, có thể nào làm lay động được một sợi lông của Như Lai không?"
Lúc này, Ni­kiền tử Tát­giá im lặng, cúi đầu, hổ thẹn, thất sắc. Khi ấy ở trong chúng có một Lyxa tên là Đột­mục­khư[58], từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, cho phép con nói thí dụ."
Phật bảo Đột­mục­khư:
"Nếu thấy hợp thời."
Đột­mục­khư bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, thí như có người mang cái đấu, cái hộc vào trong một đống thóc lớn xúc ra hai,
ba hộc; thì hiện tại Ni­kiền tử Tát­giá cũng giống như vậy. Bạch Thế Tôn, giống như một gia chủ
giàu có, nhiều của cải, bỗng nhiên phạm vào tội lỗi, nên tất cả những tài vật đó đều bị sung vào
nhà vua, thì Ni­kiền tử Tát­giá cũng giống như vậy, tất cả mọi sự biện tài có được của ông, đều
bị Như Lai tóm thâu hết. Giống như cạnh làng xóm, thành ấp có con sông lớn, mọi nam nữ lớn
nhỏ đều vào trong dòng nước nô đùa. Họ bắt lấy con cua ở trong nước bẻ gãy chân rồi đem đặt
trên mặt đất; vì không có chân nên không thể trở lại dòng sông được. Ni­kiền tử Tát­giá cũng
giống như vậy, các biện tài của ông đều bị Như Lai bẻ gãy, để rồi không bao giờ dám trở lại
cùng Như Lai bàn luận đối địch nữa."
Lúc này, Ni­kiền tử Tát­giá vô cùng tức giận, thóa mạ Ly­xa Đột­mục­khư:
"Nhà ngươi là thứ thô lỗ; không biết gì hết sao lại rống lên? Tự ta cùng Sa­môn Cù­đàm bàn
luận, chứ có can hệ gì đến việc của ngươi đâu?"
Ni­kiền tử thóa mạ Đột­mục­khư rồi, lại bạch Phật:
"Hãy gác qua những lời nói của tên hạ tiện kia đi. Bây giờ riêng tôi có điều muốn hỏi."
168
Phật bảo Ni­kiền tử Tát­giá:
"Tùy ý ông cứ hỏi, Ta sẽ theo câu hỏi mà trả lời."
"Vì đệ tử, Cù­đàm nói pháp như thế nào để cho họ xa lìa nghi hoặc?"
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Ta nói cho các đệ tử rằng: 'Những gì thuộc về sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại, hoặc là vị
lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng
đều quán sát như thật, chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Và đối với
thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.' Kia học tập như vậy chắc chắn sẽ thấy được dấu vết
con đường[59], không bị đứt mất, có thể thành tựu tri kiến nhàm chán, canh giữ cửa cam lộ. Tuy
chẳng phải tất cả đều đạt được cứu cánh, nhưng tất cả đều hướng đến Niết­bàn. Đệ tử theo pháp
dạy của Ta như vậy, thì sẽ được xa lìa nghi hoặc."
Lại hỏi:
"Thưa Cù­đàm, Ngài dạy thế nào để cho các đệ tử, ở trong Phật pháp chứng đắc lậu tận, tâm vô
lậu giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'?"
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
"Chính bằng pháp này: 'Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc
trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều
được biết như thật, là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau; và thọ,
tưởng, hành, thức chúng cũng lại như vậy.' Đệ tử kia lúc bấy giờ thành tựu được ba thứ vô
thượng: Trí vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát vô thượng[60]. Khi đã thành tựu được ba vô
thượng này rồi, vị ấy đối với Đại sư mà cung kính, tôn trọng, cúng dường như là Phật, rằng: 'Thế
Tôn đã giác ngộ tất cả các pháp, rồi bằng pháp này, Ngài điều phục đệ tử khiến cho họ được an
lạc, khiến cho họ được vô úy, điều phục tịch tĩnh, cứu cánh Niết­bàn. Đức Thế Tôn vì mục đích
Niết­bàn nên nói pháp cho các đệ tử.'
"Này cư sĩ Hỏa chủng, các đệ tử của Ta ở trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, được tâm giải
thoát, được tuệ giải thoát, ở ngay trong đời này mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Ni­kiền tử Tát­giá bạch Phật:
"Thưa Cù­đàm, giống như một người khỏe mạnh bị những mũi đao nhọn rơi loạn xạ vào người,
còn có thể thoát ra được. Nhưng đối với thủ thuật luận bàn của Cù­đàm, thì thật khó có thể thoát
được. Như rắn nhiều nọc độc còn có thể tránh được; như lửa mạnh ở giữa đầm hoang còn có thể
tránh được; voi say hung dữ cũng có thể thoát được; như sư tử đói cuồng điên, tất cả đều có thể
169
thoát được hết, nhưng đối với trong thủ thuật luận bàn của Sa­môn Cù­đàm thì thật là khó có thể
thoát được. Không phải như bọn tầm thường chúng tôi, khinh suất, lỗ mãng, luận thuyết nửa vời,
mà có thể đến chỗ Cù­đàm để luận nghị được.
"Thưa Sa­môn Cù­đàm, Tỳ­xá­ly này là nước an lạc, thịnh vượng, lại có các tháp miếu Giá­balê, Tất­yêm­la­thọ, Đa­tử và Cù­đàm có thể ở tại tháp miếu Câu­lâu­đà, hay Ba­la­thọ­trì, hay
Xả­trọng­đảm, hay Lực sĩ Bảo­quan[61]. Thế Tôn sẽ an lạc ở nước Tỳ­xá­ly này, vì ở chỗ Thế
Tôn thường được cung kính, phụng sự, cúng dường bởi chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­lamôn cùng những người trong thế gian; và nhờ những việc làm này, sẽ khiến cho chư Thiên, Ma,
Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn luôn luôn được an lạc. Xin Ngài hãy dừng lại nơi này và sáng mai xin
Ngài cùng đại chúng nhận bữa ăn đạm bạc của con."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Ni­kiền tử Tát­giá biết Đức Thế Tôn đã nhận lời
mời rồi, tùy hỷ vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Trên đường về, Ni­kiền tử Tát­giá bảo các Ly­xa:
"Ta đã thỉnh được Sa­môn Cù­đàm và đại chúng để cúng dường trai phạn, các ông, mỗi người
hãy sửa soạn một món ăn đem đến chỗ ta."
Các Ly­xa mỗi người trở về nhà, ngay đêm hôm đó sửa soạn đồ cúng dường và sáng sớm đem
đến chỗ Ni­kiền tử Tát­giá. Sáng hôm ấy, Ni­kiền tử Tát­giá lo rưới nước, quét dọn nhà cửa, trải
chỗ ngồi, chuẩn bị nước sạch, rồi sai người đến Phật thưa là đã đến giờ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đắp y mang bát đến nhà Ni­kiền tử Tát­giá, Ngài ngồi
trước đại chúng. Ni­kiền tử Tát­giá tự tay dâng đầy đủ đồ ăn thức uống thanh tịnh cho đại chúng.
Sau khi thọ thực và rửa bát xong, Ni­kiền tử Tát­giá biết Phật và đại chúng đã hoàn tất xong mọi
việc, ông lấy một cái ghế thấp đặt ngồi trước Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni­kiền tử Tát­giá
mà tùy hỷ nói kệ:
Ở trong các lễ hội,
Thờ lửa là hơn hết.
Trong kinh điển Vi­đà,
Bà­tỳ­đế trên hết.
Con người, vua là nhất.
Các sông, biển là hơn.
Các sao, trăng là nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
170
Trong mười phương trời người,
Đẳng Chánh Giác là nhất.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni­kiền tử Tát­giá nói đủ các thứ pháp, soi sáng, chỉ dạy, làm cho an
vui rồi, trở về chỗ cũ. Trên đường trở về các Tỳ­kheo cùng nhau bàn luận về việc năm trăm Lyxa đã vì Ni­kiền tử Tát­giá mà đã sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường. Các Ly­xa này sẽ được
phước gì? Còn Ni­kiền tử Tát­giá sẽ được phước gì?
Khi các Tỳ­kheo đã trở về trú xứ, đem cất y bát và rửa chân xong đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ
dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Trên đường về chúng con cùng nhau bàn tán về việc năm trăm Ly­xa đã vì Ni­kiền tử Tát­giá
sửa soạn đồ ăn thức uống, cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Vậy năm trăm Ly­xa này sẽ được
phước gì? Và Ni­kiền tử Tát­giá sẽ được phước gì?"
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Năm trăm Ly­xa này đã vì Ni­kiền tử, sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường, thì sẽ tạo nhân
duyên được phước đối với chỗ Ni­kiền tử Tát­giá. Còn Ni­kiền tử Tát­giá thì sẽ được phước
công đức Phật. Các Ly­xa này được nhân duyên quả báo của bố thí nhưng có tham, sân, si; còn
Ni­kiền tử Tát­giá thì sẽ được nhân duyên quả báo bố thí nhưng không có tham, sân, si."
Bài kệ tóm lược nội dung những kinh trên:
Mười câu hỏi Đa­la[62],
Sai­ma, Diệm, Tiên­ni,
A­nậu­la, Gia chủ,
Tây, Mao đoan, Tát­giá.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 5. Quốc Dịch, quyển 5, phẩm 15. Pāli, S. 22. 89. Khema.
[2]. Câu­xá­di quốc Cù­sư­la viên 拘舍彌國瞿師羅園. Pāli: Kosambī, Ghositārāma.
[3]. Bạt­đà­lê viên 跋陀梨園. Pāli: Badarikārāma.
[4]. Sai­ma 差摩. Pāli: Khema.
[5]. Đà­sa 陀娑. Pāli: Dāsaka.
171
[6]. Pāli 22. 85. Yamaka (Diệm­ma­ca 焰摩迦).
[7]. Phi sắc... 非色, Pāli: arūpaṃ...
[8]. Pāli: ettha ca te āvuso yamaka diṭṭheva dhamme saccato thetato tathāgate
anupalabbahiyāmāne, ở chỗ này, ngay trong đời này, Như Lai chân thật, thường trú, vượt ngoài
khả năng nhận thức.
[9]. Pāli, S. 44. 9. Kutūhalasālā.
[10]. Tiên­ni 仙尼. Bản Pāli: Vacchagotto paribbājako, du sĩ (phổ hành Sa­môn) dòng họ
Vaccha.
[11]. Già­la­ca 遮羅迦. Pāli: caraka, du hành tăng, hay phổ hành sa­môn. Bản Pāli: paribbājaka,
đồng nghĩa.
[12]. Hy hữu giảng đường 希有講堂. Pāli: kutūhala­sālā.
[13]. Phú­lan­na Ca­diếp 富蘭那迦葉. Pāli: Pūraṇo Kasapo.
[14]. Bản Pāli nói ngược lại: được xác nhận: upapattīsu vyākarati.
[15]. Mạt­ca­lê Cù­xá­lợi tử 末迦梨瞿舍利子. Pāli: Makkhali­Gosāla.
[16]. Tiên­xà­na Tỳ­la­chi Tử 先闍那毘羅胝子, Pāli; Sañjaya­Belaṭṭhiputta. A­kỳ­đa­xí­xá­
khâm­bà­la 阿耆多翅舍欽婆羅, Pāli: Ajita­Kesakambala. Ca­la­câu­đà Ca­chiên­diên
迦羅拘陀迦栴延, Kakudha­Kaccāyana. Ni­kiền­đà Nhã­đề Tử 尼揵陀若提子, Pāli: NigaṇṭhaNātaputta.
[17]. Bản Pāli hơi khác: kathaṃ nāma samanassa gotamassa dhammo abhiññeyyo, pháp của Samôn Cù­đàm cần được thấu hiểu như thế nào?
[18]. Vô gián đẳng 無間等, Quốc dịch chú: Pāli là abhisamaya, thường được dịch là hiện quán
現觀hay hiện chứng 現証; có nghĩa là lý giải, thấu hiểu thông suốt.
[19]. Trong bản Hán: Tiên­ni xuất gia 仙尼出家, chỉ ngoại đạo xuất gia, hay du sĩ (Pāli:
paribbājaka) hay tu sĩ ngoại đạo.
[20]. Pāli: S. 22. 86. Anurādha.
[21]. Bản Pāli: vesāliyaṃ mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, ở Vesāli, trong giảng đường Trùng các
trong Đại lâm.
172
[22]. A­nậu­la­độ độ 阿[少/兔]羅度. Pāli: Anurādha.
[23]. Vô ký 無記 (Pāli: avyākata), thuộc loại không xác định, không được trả lời. Bản Pāli;
tathāgato aññatra imehi catūhi ṭhānehi paññāpayamāno paññāpeti, Như Lai ở ngoài giả thiết với
bốn trường hợp ấy.
[24]. Tống­Nguyên­Minh: chư thuyết 諸 説 Bản Cao­ly: chư ký 諸 記 (tùy thuận) các cách trả
lời.
[25]. Hán: chư thứ pháp thuyết 諸次法 説 Thứ pháp tức tùy pháp (Pāli: anudhamma), pháp tùy
thuận.
[26]. Như lai sở tác 如來所作; có thể do veyyakāraṇa: sự giải thích. Một số vấn đề Phật không
giải đáp vì được xem là không thiết thực nhưng rất nhiều vấn đề thiết thực khác được Phật giải
đáp.
[27]. (phi) đẳng thuyết (非)等說.
[28]. Pāli, S. 22. 1. Nakulapitā.
[29]. Thiết­thủ­bà­la sơn Lộc dã thâm lâm 設首婆羅山鹿野深林.Pāli: Susuṃmāragira
Bhesakalāvana Migadāya, trong núi Cá sấu, rừng Kinh sợ, chỗ nuôi hươu.
[30]. Bạt­kỳ quốc quốc 婆祇國. Pāli: Bhaggesu, ở giữa những người Bhagga.
[31]. Na­câu­la trưởng giả 那拘羅長者. Pāli: Nakulapitā gahapati, gia chủ, cha của ông Nakula.
[32]. Pāli: āturakāyassa me sato cittaṃ anāturaṃ bhavissatī ti evañ hi te gahapati sikkhitabban
ti, ta có thân bệnh khổ này; tâm ta sẽ không bệnh khổ; cần học tập như vậy.
[33]. Thị, giáo, chiếu, hỷ, 示教照喜 tức Thị, giáo, lợi, hỷ 示教和喜: thứ tự thuyết pháp của
Phật.
[34]. Pāli, S.22.2 Devadaha.
[35]. Thích thị thiên hiện tụ lạc 釋氏天現聚落, Pāli: devadahaṃ nāma sakyānaṃ nigamo, tại
làng Devadaha của những người họ Thích.
[36]. Kiên cố thọ 堅固樹, tên cây. Pāli: eḷagalābumba, cây ba­đậu (?)
[37]. Đầu sợi lông. Pāli, S. 13. 2. Pokkharaṇī (hồ sen).
[38]. Kiến đế cụ túc 具足見諦, chỉ sự thấy và chứng bốn Thánh đế. Pāli: diṭṭhisampanna, thành
tựu sự thấy, có đầy đủ sự thấy biết về Thánh đế.
173
[39]. Vô gián đẳng quả 無間等果, đây chỉ sự thành tựu Thánh đế hiện quán, tức quán sát bốn
Thánh đế để chứng quả Dự lưu. Xem cht.18, kinh 105. Pāli: abhisametvā (abhisamaya), sau khi
hiện chứng.
[40]. Ưu thích ẩn phú, khánh cát bảo tích 憂慼隱覆, 慶吉保惜; chưa rõ hết ý nghĩa.
[41]. Địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ 地一切入處正受, tức biến xứ định về đất; định (chánh
thọ hay chánh định, Pāli: samāpatti) được tu tập với đối tượng là tính phổ biến của đất. Pāli:
paṭhavi­kasiṇa­samādhi.
[42]. Mười đối tượng (Pāli: kammaṭṭhāna) của biến xứ định (Pāli: kasiṇa­samādhi): đất, nước,
lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng.
[43]. Sắc dị ngã 色異我, ở đây Pāli : rūpavantaṃ vā attānam (thấy rằng) tự ngã có sắc; tức là, tự
ngã sở hữu sắc như người sở hữu xâu chuỗi ngọc.
[44]. Thứ tự tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Pāli: satta
sambhojjhaṅgā: sati­sambojjhaṅgo, dhammvicaya­,viriya­, pīti­, passaddhi­, samādhisambhojjhaṅgo.
[45]. Pāli, M. 35. Cūḷasaccaka­sutta.
[46]. Tỳ­xá­ly, Di hầu trì trắc 毘舍離獼猴池側. Bản Pāli: vesāliyaṃ vihārati mahāvane
kūṭagārasālāyaṃ, trong Đại lâm, giảng đường Trùng các.
[47]. Pāli: Saccako Nigaṇṭhaputto, một Ni­kiền tử tên là Saccaka.
[48]. Bản Pāli mô tả: bhassappavādako paṇḍitavādo sādhusammato bahujanassa, là người ưa
khiêu chiến nghị luận, thông bác về các quan điểm, được nhiều người trọng vọng.
[49]. A­thấp­ba­thệ 阿濕波誓. Pāli: Assaji, một trong năm Tỳ­kheo đầu tiên.
[50]. Tát­giá Ni­kiền tử 薩遮尼揵子. Pāli: Saccaka Nigaṇthaputt.
[51]. Hỏa chủng cư sĩ 火種居士. Pāli: Aggivessana, họ của Saccaka.
[52]. Trú ư thiên trú 住於天住. Pāli: divāvihārāra, an trú ban ngày tức nghỉ trưa, nhưng bản
Hán đọc là Deva­vihāra: trú xứ của chư Thiên.
[53]. Sắc thị ngã nhân 色是我人. Pāli: rūpattāyaṃ purisapuggalo, con người cá biệt (này) lấy
sắc làm tự thể (tự ngã).
[54]. Pāli: rūpe patiṭṭhāya puññaṃ vā apuññaṃ vā pasavati, do an trú trên sắc mà phước thiện
hay phi phước thiện sanh khởi.
174
[55]. Nhân giới thần giới 人界神界. Pāli: bījagāmabhūtagāmā, chủng loại hạt giống và chủng
loại thực vật.
[56]. Pāli: rūpaṃ me attā, sắc là tự ngã của tôi.
[57]. Kim cang lực sĩ quỷ thần 金剛力鬼神. Pāli: vajirapāii yakkho, quỷ Dạ­xoa tay cầm chày
kim cang.
[58]. Đột­mục­khư 突目佉. Pāli: Dummukha.
[59]. Hán: kiến tích 見跡, hay nói là kiến đạo tích, chỉ vị đang thực hành hướng đến chỗ thấy
Thánh đế.
[60]. Thành tựu ba vô thượng: trí vô thượng, đạo vô thượng, giải thoát vô thượng. Pāli:
dassananuttariyena, paṭipadānuttariyena, vimuttānuttariyena, kiến vô thượng, đạo tích (thực
hành) vô thượng, giải thoát vô thượng.
[61]. Giá­ba­lê, Tất­yêm­la­thọ, Đa­tử, Câu­lâu­đà, Ba­la­thọ­trì, Xả­trọng­đảm, Lực sĩ Bảoquan 遮波梨, 漆菴羅樹, 多子, 瞿曇在拘樓陀, 婆羅受持, 捨重擔, 力士寶冠. Tên các chi­đề,
tức các linh miếu (Pāli: cetiya) nổi tiếng ở Vesali. Bản Pāli không nêu danh sách này.
[62]. Bỉ Đa­la thập vấn 彼多羅十問 có lẽ chỉ kinh tương đương Pāli S. 42. 13. Pātali, nhưng
bản Hán dịch này thiếu. Tham chiếu Đại №26 (20).
175
TẠP A-HÀM QUYỂN 6
KINH 111. HỮU LƯU[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma­câu­la[2]. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[3], vào buổi
chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Như Thế Tôn nói, 'hữu lưu'[4]. Vậy, thế nào gọi là hữu lưu? Và thế nào gọi là hữu lưu diệt[5]?"
Phật bảo La­đà:
"Hay thay câu hỏi của ông! Ta sẽ vì ông mà nói. Nói hữu lưu, tức là, những kẻ phàm phu ngu si,
không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc,
về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên, đối với sắc lại ái lạc, tán thán,
chấp chặt, đắm nhiễm. Do duyên ái lạc sắc nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có
sanh; duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não tăng trưởng; như vậy là tập khởi của
thuần một khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là hữu lưu.
"Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của
sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật nên, đối với sắc kia không khởi ái
lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Vì không ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm nên, sắc ái
diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên
già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thuần một tụ khổ lớn như vậy diệt. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy. Đó gọi là những lời dạy của Như Lai về hữu lưu và hữu lưu diệt."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 112. ĐOẠN TRI[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma­câu­la[7]. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[8], vào buổi
chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch, như Thế Tôn nói, 'Biến tri[9] sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức.' Bạch Thế Tôn, vậy thế
nào là biến tri sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức?"
Phật bảo La­đà:
"Hay thay câu hỏi của ông! Ta sẽ vì ông mà nói. Đối với sắc mà ưu, bi, khổ, não hết, ly dục, diệt,
tịch tĩnh; thì đó gọi là biến tri sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà ưu, bi, khổ, não hết, ly dục,
diệt, tịch tĩnh; thì đó gọi là biến tri thọ, tưởng, hành, thức."
176
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 113. ĐOẠN SẮC KHỔ[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả, cùng thăm hỏi nhau rồi, ngồi
lui qua một bên, hỏi Tôn giả La­đà:
"Vì sao thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
Tôn giả La­đà trả lời:
"Vì tôi muốn đoạn trừ khổ, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh."
Lại hỏi:
"Thầy vì muốn đoạn trừ những thứ khổ nào, nên phải theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm
hạnh?"
La­đà trả lời:
"Vì muốn đoạn trừ cái khổ về sắc, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh. Vì muốn đoạn trừ
cái khổ về thọ, tưởng, hành, thức nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả nói những lời như vậy, thì tâm họ không vui, liền từ chỗ
ngồi đứng dậy mắng chửi rồi bỏ đi.
Bấy giờ, Tôn giả La­đà biết các xuất gia ngoại đã ra đi rồi, liền tự nghĩ: 'Vừa rồi, ta đã nói những
lời như vậy, há không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói như đúng như thuyết chăng? Nói đúng như
pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho
bế tắc chăng?"
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Tôn giả La­đà đến chỗ Phật, làm lễ dưới chân Phật, rồi ngồi
sang một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, những gì con đã nói không lỗi lầm chăng? Không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói
như đúng như thuyết chăng? Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị
người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?"
Phật bảo La­đà:
177
"Những gì thầy nói đều là lời thật, không hủy báng Như Lai, nói như lời dạy của Ta, nói như
pháp, nói pháp và thứ pháp. Vì sao? Này La­đà, vì sắc là khổ, vì muốn dứt cái khổ này nên xuất
gia tu phạm hạnh; và đối với thọ, tưởng, hành, thức là khổ, vì muốn dứt những cái khổ này nên
xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 114. TRI KHỔ[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
La­đà trả lời:
"Vì mục đích biết khổ[12] nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các ngoại đạo nghe La­đà nói những lời như vậy, tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy
trách mắng rồi ra đi.
Bấy giờ vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi
lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Sắc là khổ. Vì để biết nó là khổ nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng,
hành, thức là khổ. Vì để biết thức là khổ nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 115. ĐOẠN ƯU KHỔ[13]
Tôi nghe như vầy:
178
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
La­đà trả lời:
"Vì đối với sắc muốn dứt hết ưu, bi, khổ, não, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu
phạm hạnh. Vì đối với thọ, tưởng, hành, thức muốn dứt hết ưu, bi, khổ, não, ly dục, diệt, tịch tĩnh
nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng
rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua
một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Này La­đà, sắc là ưu, bi, khổ, não. Vì muốn dứt hết nó nên theo Như Lai xuất gia tu
phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là ưu, bi, khổ, não vì muốn dứt hết chúng nên theo Như Lai
xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 116. NGÃ TẬN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[14].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
179
La­đà trả lời:
"Ở nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc[15], muốn dứt bỏ chúng, ly dục,
diệt, tịch tĩnh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc,
muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng
rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua
một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Ở nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc, vì muốn dứt bỏ chúng, ly
dục, diệt, tịch tĩnh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói
buộc, muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 117. ĐOẠN HỮU LẬU
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[16].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
La­đà trả lời:
"Sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thọ, tưởng,
hành, thức hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên
theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng
rồi ra đi.
180
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua
một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Vì sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh;
thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch
tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 118. THAM NHUẾ SI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[17].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
La­đà trả lời:
"Vì mục đích ở nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; ở nơi thọ
tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si nên theo Như Lai
xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng
rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua
một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
181
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Vì mục đích ở nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; ở nơi
thọ tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si nên theo Như Lai
xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 119. TẬN DỤC ÁI HỶ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà[18].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La­đà, cùng nhau thăm hỏi rồi
ngồi lui qua một bên, hỏi La­đà:
"Vì những lý do gì mà thầy theo Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
La­đà trả lời:
"Ở nơi sắc mà có dục, ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức
mà có dục, ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng
rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La­đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua
một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
"Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến
cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói
không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?"
Phật bảo La­đà:
"Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến
nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp.
Vì sao? Ở nơi sắc mà có ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức
mà có ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
182
KINH 120. MA (1)[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với La­đà:
"Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng do ma tạo ra; và
những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng
đều do ma tạo ra."
Phật bảo La­đà:
"Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu là vô thường, thì khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Lại hỏi:
"Này La­đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Phật bảo La­đà:
"Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các
pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không
183
có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 121. TỬ DIỆT[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Bấy giớ Thế Tôn nói với La­đà:
"Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều là pháp chết; những gì thuộc
về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều là pháp chết[21]."
Phật bảo La­đà:
"Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu là vô thường, thì khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Lại hỏi:
"Này La­đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là
ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
184
Phật bảo La­đà:
"Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các
pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không
có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 122. CHÚNG SANH[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la.
Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nói: 'chúng sanh'. Vậy thế nào là chúng sanh?"
Phật bảo La­đà:
"Ở nơi sắc mà nhiễm đắm triền miên, do đó gọi là chúng sanh[23]. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức
mà nhiễm đắm triền miên, nên gọi là chúng sanh."
Phật bảo La­đà:
"Ta nói, ở nơi cảnh giới của sắc, hãy phá sập, tiêu diệt. Ở nơi cảnh giới của thọ, tưởng, hành,
thức phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế
của khổ[24].
"Giống như trong làng xóm, những trẻ con trai gái chơi đùa, nhóm đất lại tạo thành nhà cửa,
thành quách. Tâm chúng yêu thích, say đắm. Khi tâm yêu thích chưa hết, ước muốn chưa tan,
nhớ nghĩ chưa dứt, thèm khát chưa tiêu, thì tâm chúng luôn luôn có sự yêu thích, giữ gìn và bảo
là thành quách của ta, nhà cửa ta. Đối với những đống đất kia mà lòng yêu thích hết đi, ước
muốn không còn, nhớ nghĩ đã dẹp, thèm khát đã tan, thì tay xô, chân đạp, khiến cho tiêu tán.
Cũng vậy, này La­đà, đối với sắc mà phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ
tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế của khổ."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 123. HỮU THÂN[25]
Tôi nghe như vầy:
185
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la.
Bấy giờ có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một
bên, bạch Phật:
"Lành thay, Thế Tôn! Vì con mà nói tóm lược pháp yếu. Sau khi nghe pháp rồi, con sẽ ở một
mình nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tâm suy nghĩ về mục đích mà người con trai
của tông tộc[26] cạo bỏ râu tóc, mình mặc nhiễm y[27], chánh tín xuất gia học đạo, sống không
gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác chứng, biết rằng:
'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Phật bảo La­đà:
"Lành thay! La­đà có thể ở trước Phật hỏi ý nghĩa này! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì
ngươi mà nói.
"La­đà, nên biết, hữu thân, sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường
đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Những gì là hữu thân? Đó là cho năm thọ ấm: sắc thọ ấm; thọ,
tưởng, hành, thức thọ ấm.
"Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Đó là đương lai hữu ái[28], câu hữu với tham và hỷ, ái lạc
nơi này nơi kia[29]. Đó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
"Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Đương lai hữu ái[30], câu hữu với tham và hỷ, ái lạc nơi
này nơi kia, hoàn toàn bị đoạn trừ, vất bỏ, nhổ sạch, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ[31]. Đó gọi là sự
diệt tận của hữu thân.
"Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho Bát chánh đạo: Chánh kiến,
chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.
Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Hữu thân, nên biết: sự tập khởi của hữu
thân nên đoạn; sự diệt tận của hữu thân nên chứng; con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân
nên tu.
"Này La­đà, nếu đa văn Thánh đệ tử, đối với hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn; đối với sự tập khởi
của hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn; đối với sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc chứng; đối
với con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc tu rồi, thì này La­đà, đó gọi là
đoạn trừ ái, xả ly ái, chuyển đổi kết sử, đình chỉ mạn, chứng đắc vô gián đẳng[32], cứu cánh biên
tế khổ."
Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy làm
lễ rồi cáo lui.
Sau khi Đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi, thì Tỳ­kheo La­đà một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh
suy nghĩ về mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa, chánh tín, xuất gia, học
đạo, sống không gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác
186
chứng, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.' Thành bậc A­la­hán, tâm khéo giải thoát.
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 124. MA (2)[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ­kheo La­đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo La­đà:
"Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là ma. Đối với
thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là ma.
"Này La­đà, ý ngươi nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Vô thường có phải là khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Cho nên này La­đà, đa văn Thánh đệ tử, đối với sắc sanh tâm nhàm chán; và đối với thọ, tưởng,
hành, thức sanh tâm nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên không thích, vì đã không thích nên giải
187
thoát và giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong,
tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 125. MA PHÁP[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ­kheo La­đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo La­đà:
"Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần tất cả chúng đều là ma, tạo tác của ma. Và đối
với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật bảo La­đà:
"Này La­đà, ý ngươi nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Vô thường có phải là khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã,
hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Vì vậy, này La­đà, đa văn Thánh đệ tử, đối với sắc nên sanh tâm nhàm chán. Vì đã nhàm chán
nên không thích, vì đã không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
188
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh thứ ba cũng như vậy, nhưng có chỗ khác là:
Phật bảo La­đà: Đa văn Thánh đệ tử ở nơi năm thọ ấm này mà quán sát là chẳng phải ngã, chẳng
phải ngã sở. Khi đã quán sát, thì đối với các pháp trên thế gian đều không có gì để mà chấp giữ.
Vì không có gì để chấp giữ nên không dính mắc, vì không dính mắc nên tự giác ngộ Niết­bàn:
"Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 126. TỬ PHÁP[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ­kheo La­đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo La­đà:
"Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là pháp chết.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Ngoài ra như đã nói kinh trên.
KINH 127. PHI NGÃ PHI NGÃ SỞ[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ­kheo La­đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo La­đà:
"Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là pháp
đoạn tận[37]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với sắc mà sanh nhàm chán; đối với thọ, tưởng, hành,
thức mà sanh nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên không thích, vì không thích nên giải thoát, giải
189
thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh "Ta quán sát pháp đoạn tận", các kinh tiếp theo cũng vậy, gồm: [38]
1. Quán sát diệt pháp,
2. Quán sát khí xả pháp (vứt bỏ),
3. Quán sát vô thường pháp,
4. Quán sát khổ pháp,
5. Quán sát không pháp,
6. Quán sát phi ngã pháp,
7. Quán sát vô thường­khổ­không­phi ngã pháp,
8. Quán sát bệnh pháp,
9. Quán sát ung pháp (ung nhọt),
10. Quán sát thích pháp (gai nhọn),
11. Quán sát sát pháp (giết hại),
12. Quán sát sát căn bản pháp,
13. Quán sát bệnh, ung (ung nhọt), thích pháp (gai nhọn), sát (giết hại), sát căn bản.[39]
KINH 128. ĐOẠN PHÁP (1)[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La­đà:
190
"Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô hoặc
tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận[41]. Đã
quán sát như vậy rồi, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Dục tham đã được đoạn trừ rồi, thì
Ta nói đó là tâm khéo giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, có mười bốn kinh, nội dung như trên.
KINH 129. ĐOẠN PHÁP (2)[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma­câu­la. Khi ấy có Tỳ­kheo thị giả tên là La­đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La­đà:
"Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô hoặc
tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận[43]. Đã
quán sát như vậy rồi, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Dục tham đã được đoạn trừ rồi, thì
Ta nói đó là tâm khéo giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo La­đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 130. CẦU ĐẠI SƯ (1)[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Muốn đoạn trừ năm thọ ấm, thì phải cầu Đại sư. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng,
hành, thức thọ ấm. Muốn đoạn trừ năm thọ ấm này, thì phải cầu Đại sư."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh "Đương đoạn", các kinh tiếp theo cũng vậy, có tên như sau:
­ Đương thổ (hãy nhả ra);
­ Đương tức (hãy đình chỉ);
191
­ Đương xả (hãy xả bỏ).
Cũng như kinh "Cầu Đại sư", các kinh sau đây có nội dung tương đồng (có năm mươi chín
kinh):
­ Cầu Thắng sư (bậc thầy cao cả),
­ Thuận thứ sư (bậc thầy thuận theo thứ lớp),
­ Giáo giới giả (người răn dạy),
­ Thắng giáo giới giả (người răn dạy hơn nhất),
­ Thuận thứ giáo giới giả (người răn dạy thuận theo thứ lớp),
­ Thông giả (người thông suốt),
­ Quảng thông giả (người thông suốt rộng rãi),
­ Viên thông giả (người thông suốt tròn đầy),
­ Đạo giả (người dẫn đường),
­ Quảng đạo giả (người dẫn đường rộng rãi),
­ Cứu cánh đạo giả (người dẫn đường rốt ráo),
­ Thuyết giả (người thuyết giảng),
­ Quảng thuyết giả (người thuyết giảng rộng rãi),
­ Thuận thứ thuyết giả (người thuyết giảng theo thứ lớp),
­ Chánh giả (người chân chánh),
­ Bạn giả (người đồng hành),
­ Chân tri thức giả (bằng hữu chân thật),
­ Thân giả (người thân cận),
­ Mẫn giả (người thương xót),
­ Bi giả (người từ bi),
192
­ Sùng nghĩa giả (người sùng nghĩa),
­ An ủy giả (người an ủi),
­ Sùng lạc giả (người sùng lạc),
­ Sùng xúc giả (người sùng xúc),
­ Sùng an ủy giả (người sùng sự an ủi),
­ Dục giả (người muốn),
­ Tinh tấn giả (người tinh tấn),
­ Phương tiện giả (người phương tiện),
­ Cần giả (người chuyên cần),
­ Dũng mãnh giả (người dõng mãnh),
­ Cố giả (người kiên cố),
­ Cường giả (người mạnh mẽ),
­ Kham năng giả (người có khả năng),
­ Chuyên giả (người tinh chuyên),
­ Tâm bất thoái giả (người tâm không thoái lui),
­ Kiên chấp trì (người giữ gìn chắc chắn),
­ Thường tập giả (người thường tu tập),
­ Bất phóng dật giả (người không buông lung),
­ Hòa hiệp giả (người hòa hợp),
­ Tư lương giả (người suy xét),
­ Ức niệm giả (người nhớ nghĩ),
­ Giác giả (người tỉnh giác),
­ Tri giả (người biết),
193
­ Minh giả (người sáng suốt),
­ Tuệ giả (người trí tuệ),
­ Thọ giả (người lãnh thọ),
­ Tư duy giả (người tư duy),
­ Phạm hạnh giả (người phạm hạnh),
­ Niệm xứ giả (người có niệm xứ),
­ Chánh cần giả (người có chánh cần),
­ Như ý túc (người được như ý túc),
­ Căn giả (người được căn),
­ Lực giả (người được lực),
­ Giác phần giả (người được giác phần),
­ Đạo phần giả (người được đạo phần),
­ Chỉ giả (người được chỉ),
­ Quán giả (người được quán),
­ Niệm thân giả (người được niệm thân),
­ Chánh ức niệm (người được chánh ức niệm).
KINH 131. TẬP CẬN[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào tập cận với sắc, bị ma chi phối[46], rơi vào tay ma, theo ước
muốn của ma, bị ma trói buộc, không thoát ra khỏi sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào không tập cận sắc, thì những Sa­môn, Bà­lamôn ấy không không bị ma chi phối, không rơi vào tay ma, không chạy theo ước muốn của ma,
194
sẽ không bị ma trói buộc, thoát sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh "Tập cận", các kinh sau đây có nội dung giống vậy:
­ Tập trước giả (quen thói đam mê),
­ Vị giả (hảo vị ngọt),
­ Quyết định trước giả (đam mê thành tánh cố định),
­ Chỉ giả (dừng nghỉ),
­ Sử giả (sai sử),
­ Vãng giả (đi đến),
­ Tuyển trạch giả (lựa chọn),
­ Bất xả (không xả),
­ Bất thổ (không nhả ra),
"Những Sa­môn, Bà­la­môn nào như vậy không bị ma chi phối" như nói ở kinh trên. Như đã nói
ở trên.
KINH 132. BẤT TẬP CẬN[47]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào không tập cận sắc, thì những Sa­môn, Bà­la­môn ấy không bị ma
chi phối, không rơi vào tay ma, không chạy theo ước muốn của ma, sẽ không bị ma trói buộc,
thoát sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cho đến "Thổ sắc" lại cũng như vậy[48].
195
KINH 133. SANH TỬ LƯU CHUYỂN[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do sanh khởi cái gì, do hệ lụy cái gì mà có kiến chấp ngã, khiến cho chúng sanh bị
vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển
trong sanh tử, không biết biên tế tối sơ là gì[50]?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin thương xót
mà nói rộng nghĩa này. Sau khi các Tỳ­kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, vì có sắc, sanh khởi sự của sắc, hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho
chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử,
lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, là khổ phải chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
"Như vậy này các Tỳ­kheo, nếu vô thường là khổ, thì do có cái khổ này mà sự ấy sanh khởi, hệ
lụy, thấy là ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường
dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như
vậy.
"Cho nên, này các Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải
ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy.
196
"Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ[51]; tất
cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến
dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh
tuệ.
"Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi,
không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều
chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[52] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải
ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ
nghi đối với Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là, Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo
nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định
hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 134. HỒ NGHI ĐOẠN (1)[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
Nội dung chi tiết như kinh trên. Sai biệt ở chỗ:
"Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[54] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải
ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì đoạn trừ hồ nghi đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo... cho đến,
rồi cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 135. HỒ NGHI ĐOẠN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
Nội dung chi tiết như kinh trên. Sai biệt ở chỗ:
197
"Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[55] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải
ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì đoạn trừ hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng, Khổ, Tập,
Diệt, Đạo... cho đến, rồi cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 136. SANH TỬ LƯU CHUYỂN[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do sanh khởi cái gì, do hệ lụy cái gì mà có kiến chấp ngã, khiến cho chúng sanh bị
vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển
trong sanh tử, không biết biên tế tối sơ là gì[57]?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin thương xót
mà nói rộng nghĩa này. Sau khi các Tỳ­kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, vì có sắc, sanh khởi sự của sắc, hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho
chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử,
lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, là khổ phải chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
"Như vậy này các Tỳ­kheo, nếu vô thường là khổ, thì do có cái khổ này mà sự ấy sanh khởi, hệ
lụy, thấy là ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường
198
dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như
vậy.
"Cho nên, này các Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải
ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy.
"Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ[58]; tất
cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến
dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh
tuệ.
"Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi,
không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều
chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[59] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải
ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ
nghi đối với Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo
nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định
hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 137
Kinh tiếp theo, nội dung cũng như vậy, chỉ sai khác ở chỗ: "Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ­
Tập­Diệt­Đạo."
KINH 138
Kinh thứ ba cũng như vậy, chỉ khác nhau ở chỗ: "Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật­PhápTăng và dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ­Tập­Diệt­Đạo."
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 6. Quốc Dịch xếp vào Tụng 1. Ấn Thuận xếp vào Tụng 7; "34. Tương
ưng La­đà", tổng thể có một trăm ba mươi ba kinh, nhưng chỉ có hai mươi hai kinh có nội dung
được truyền. Tương đương Pāli, S. 23. Rādhasamyuttam, Roman iii. 188. Phật Quang, quyển 6,
kinh 113. Quốc Dịch, đồng, kinh 192. Tương đương Pāli, 23. 3. Bhavaneti.
199
[2]. Ma­câu­la sơn 摩拘羅山. (Pāli: Makula), tên núi ở Kiều­thưởng­di. Bản Pāli nói:
Sāvatthinidānam, nhân duyên ở Sāvatthi.
[3]. La­đà 羅陀. Pāli: Rādha.
[4]. Hữu lưu 有流, dòng chảy của hữu hay tồn tại. Bản Pāli: bhavanetti, lưới của hữu.
[5]. Hữu lưu diệt 有流滅. Pāli: bhavanettinirodha, sự diệt tận của lưới hữu.
[6]. Pāli, S. 23. 4. Pariññeyyā.
[7]. Xem cht.2, kinh 111.
[8]. La­đà 羅陀. Pāli: Rādha.
[9]. Nguyên Hán: đoạn tri 斷知, chỉ cho sự đoạn trừ phiền não do nhận thức toàn diện về bốn
Thánh đế. Pāli: pariññeyya.
[10]. Không thấy Pāli tương đương.
[11]. Pāli, S. 35. 81. Bhikkhu.
[12]. Tri khổ 知苦. Pāli: dhukkassa pariññatthaṃ, vì mục đích biến tri khổ. Xem cht.9, kinh112.
[13]. Không thấy Pāli tương đương.
[14]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[15]. Ngã kiến, ngã sở, ngã mạn sử hệ trước 我見, 我所, 我慢使繫著. Pāli: ahaṃkāramamaṃkāra­mānānusayā, các tùy miên tác thành phức cảm cái tôi và của tôi.
[16]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[17]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[18]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[19]. Pāli, S. 23. 1. Māro.
[20]. Pāli, S. 23. 12. Māradhamma.
[21]. Ma pháp 死法. Pāli: māradhamma, ma pháp hay tử pháp, quy luật của sự chết.
[22]. Pāli, S. 23. 2. Satto.
200
[23]. Nhiễm trước triền miên 染著纏綿 định nghĩa từ "chúng sanh"; Pāli: rūpe kho rādha yo
chando yo rāga yā nandi yā taṇhā tatra satto tatra viatto tasmā sattoti vuccati, ở nơi sắc mà có dục
vọng, đam mê, khoái cảm, khát ái; ở đó đắm nhiễm, ở đó đắm nhiễm triền miên, do đó được gọi
là chúng sanh. Theo đây, chúng sanh, satta, được coi như là phân từ quá khứ của sajjati: đắm
nhiễm hay cố chấp, bám chặt vào. Thông thường, satta được cho là danh từ phát sanh của động
từ căn as: tồn tại, hiện hữu; nên satta được hiểu là "cái ở trong trạng thái đang tồn tại."
[24]. Hán: tác khổ biên 作苦邊. Pāli: dukkhassa antakaro, chấm dứt sự khổ.
[25]. Pāli, S. 23. 9­19. Chandarāgo.
[26]. Tộc tánh tử 族姓子, cũng nói là thiện nam tử, hay thiện gia nam tử. Pāli: kulaputta, con
trai của gia tộc; thiện gia nam tử, hay lương gia tử đệ.
[27]. Nhiễm y 染衣, áo nhuộm; đây chỉ ca­sa.
[28]. Đương lai hữu ái 當來有愛; Pāli: taṇhā ponobhavikā, khát ái về đời sống tương lai, khát
vọng tồn tại đời sau.
[29]. Bỉ bỉ ái lạc 彼彼愛樂, ước muốn sẽ tái sinh vào nơi này hay nơi kia. Pāli:
tatratatrābhinandī
[30]. Trong bản; đương hữu ái, tức đương lai hữu ái, xem cht.28 trên.
[31]. Pāli (S. iii. 138): yo tassāyeva taṇhā asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo,
khát ái ấy hoàn toàn được ly nhiễm, diệt tận, xả bỏ, xả ly, giải thoát, không chấp tàng.
[32]. Vô gián đẳng, xem cht.18 kinh 105; cht.39 kinh 109.
[33]. Pāli, S. 23. 11. Māro.
[34]. Pāli, S. 23. 23. Māro.
[35]. Pāli, S. 23. 24. Māradhamma.
[36]. Pāli, S.23. 19­22. Khaya.
[37]. Đoạn pháp 斷法. Pāli: khayadhamma.
[38]. Quốc Dịch, phẩm iii. Phẩm này gồm mười ba kinh, có đầu đề nhưng không có nội dung.
[39]. Các kinh này được cho là có nội dung tương đồng với các kinh Pāli S. 23. 20.
Vayadhamma; 21. Samudayadhamma; 22. Nirodhadhamma.
201
[40]. Quốc Dịch, phẩm iv. Phẩm này có tất cả mười lăm kinh, nhưng chỉ có hai kinh có nội
dung được truyền. Còn lại chỉ có đầu đề. Phật Quang, kinh 130. Pāli, S. 23. 31. Khaya.
[41]. Đoạn pháp 斷法, có lẽ dư chữ pháp. Trong đây, hai kinh liên tiếp, một kinh nói về đoạn,
một kinh nói đoạn pháp, tương đương Pàli là S.22. 31. Khaya và S. 22. 32. Khayadhamma.
[42]. Pāli, S. 23. 32. Khayadhamma.
[43]. Xem cht.41 kinh 128.
[44]. Pāli, S. 23. 35­46. Māro, v.v...
[45]. Phật Quang, kinh 133.
[46]. Hán: Tùy ma tự tại 隨魔自在. Pāli: Mārassa vasaṃ gacchanti, chúng nó đi theo quyền lực
của ma.
[47]. Phật Quang, kinh 134.
[48]. Tức là, chiếu theo kinh 131 và các kinh tiếp theo được liệt kê ở trên, các kinh tiếp theo
kinh 132 này có nội dung tương phản. Nghĩa là, tiếp theo kinh 131 là kinh "Tập trước", thì tiếp
theo kinh 132 ở đây là "Bất tập trước" cho đến, "Thổ" và tương phản là "Bất thổ".
[49]. Quốc Dịch, Tụng 1, "3. Tương ưng Kiến". Ấn Thuận xếp vào Tụng 7, "35. Tương ưng
kiến," tổng thể có chín mươi ba kinh, trong đây chỉ có sáu kinh có nội dung. Tương đương Pāli,
S. 24. Diṭṭhisamyuttam, Roman 3. 201. Pāli, S. 24. 2. Etaṃ mamaṃ (cái này là của tôi).
[50]. Pāli: kismiṃ nu kho bhikkhave sati kiṃ upādāya kiṃ abhinivissa evaṃ diṭṭhi uajjati: etaṃ
mama eso'ham asmi eso me attā ti, Do cái gì đang hiện hữu, do chấp thủ cái gì, do tham luyến
cái gì, mà khởi lên quan điểm này: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
[51]. Kiến văn giác thức cầu đắc tùy ức 見聞覺識求得隨憶. Pāli: diṭṭham sutam mutam
viññatam tattam anuvicaritam, cái được thấy, cái được nghe, cái được cảm nhận, cái được nhận
thức, cái sở đắc, cái sở cầu, cái được nhớ nghĩ.
[52]. Lục kiến xứ 六見處, sáu căn cứ để chấp ngã.
[53]. Phật Quang, kinh 136.
[54]. Xem cht.52, kinh 133 trên.
[55]. Xem cht.52, kinh 133 trên.
[56]. Phật Quang, kinh 138.
[57]. Xem cht.50 kinh 133 trên.
202
[58]. Xem cht.51, kinh 133 trên.
[59]. Xem cht.52, kinh 133 trên.
203
TẠP A-HÀM QUYỂN 7
KINH 139. ƯU NÃO SANH KHỞI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu
ưu, bi, khổ, não chưa khởi, thì khiến cho nó khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi, thì khiến cho nó càng
tăng trưởng rộng lớn thêm?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Thế Tôn nói rộng ra; các Tỳ­
kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Do có sắc, sanh khởi sắc, hệ lụy, đắm đuối sắc, nơi sắc thấy ngã, cho nên, ưu, bi, khổ, não chưa
khởi thì khiến cho khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi, thì khiến tăng trưởng rộng thêm. Đối với thọ,
tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Lại hỏi:
"Vô thường có phải là khổ chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, nếu vô thường là khổ. Vì có khổ này nên sanh khởi sự ấy[2], hệ lụy,
đắm đuối, thấy ngã, cho nên, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì khiến khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi
thì khiến cho tăng trưởng rộng lớn thêm. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
"Cho nên, này các Tỳ­kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải là
ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành,
thức lại cũng như vậy.
204
"Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc[3], cái được nhớ nghĩ, cái
được tùy giác, cái được tùy quán; tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong
nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, có đời khác, là pháp thường hằng,
không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi
là chánh tuệ.
"Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái tôi đời này, không phải cái của tôi đời
này[4], không phải là tôi trong tương lai, không phải là cái của tôi trong tương lai; thì tất cả
chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
"Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã
sở. Quán sát như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ nghi đối với
Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là, Tỳ­kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo nghiệp thân,
miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định hướng đến
chánh giác[5], bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 140
Kinh tiếp theo cũng như vậy, nhưng có sự sai biệt ở chỗ: Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ­
Tập­Diệt­Đạo.
KINH 141
Kinh tiếp theo cũng như vậy, nhưng lại có sự sai biệt ở chỗ: Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với PhậtPháp­Tăng và Khổ­Tập­Diệt­Đạo.
KINH 142. NGÃ NGÃ SỞ[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu
ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử[7] chưa khởi, thì khiến cho nó khởi; mà nếu ngã, ngã sở, ngã mạn
kết sử đã khởi, thì khiến cho càng tăng trưởng rộng lớn thêm?"
205
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Thế Tôn nói rộng ra; các Tỳ­
kheo sau khi nghe xong sẽ hoan hỷ vâng lời thực hành."
(...) chi tiết như kinh trên (kinh 139), cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 143 VÀ KINH 144
Hai kinh này dạy cũng như kinh trên (kinh 139).
KINH 145. HỮU LẬU CHƯỚNG NGẠI[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu
hữu lậu, chướng ngại, thiêu đốt, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì sanh khởi; hữu lậu, chướng ngại,
thiêu đốt, ưu, bi, khổ, não, đã sanh khởi thì khiến cho càng tăng trưởng rộng lớn thêm?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 146. TAM THỌ [9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà
khiến cho ba thọ chuyển hiện ở thế gian?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...)."
206
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 147. TAM KHỔ[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà
khiến cho ba khổ chuyển hiện ở thế gian?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 148. THẾ BÁT PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà
khiến cho tám thế pháp[11] chuyển hiện ở thế gian?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 149. NGÃ THẮNG[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
207
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Ta hơn, ta bằng, ta kém?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 150. THA THẮNG[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Cóù người hơn ta, có người bằng ta, có người thua
ta?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi sở y của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 151. VÔ THẮNG[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Không có người hơn ta, không có người ngang ta,
không có người thua ta?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
208
KINH 152. HỮU NGÃ[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Có ta, có đời này, có đời khác, là pháp thường hằng
không biến đổi, an trụ như vậy?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 153. BẤT NHỊ[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Như vậy, ta và cái kia[17], tất cả không phải hai,
không phải khác, bất diệt?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp (...)."
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 154. VÔ QUẢ[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Không có bố thí[19], không hội tế[20], không có chú
thuyết[21], không có nghiệp báo đường lành, đường ác, không có đời này, không có đời khác,
209
không có cha mẹ, không có chúng sanh, không có thế gian, trong thế gian không có A­la­hán,
không có bậc chánh hành, chánh hướng[22] để đời này hay đời sau, thấy pháp an trụ đầy đủ với
tự tri, tự tác chứng rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong,
tự biết không còn tái sanh đời sau nữa[23]?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 155. VÔ LỰC[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Không có lực, không có tinh tấn, không có lực tinh
tấn, không có phương tiện của con người, không tinh cần của con người, không có phương tiện
tinh cần của con người, không có tự mình làm, không có người khác làm, không có tự mình và
người khác làm; hết thảy con người, hết thảy chúng sanh, hết thảy thần, đều vô phương tiện, bất
lực, vô thế, vô tinh tấn, không khả năng, định phận, tương tục, chuyển biến, chịu khổ vui trong
sáu đường[25]?'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 156. TỬ HẬU ĐOẠN HOẠI[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy[27]: 'Những chúng sanh sống trong đời này, sau khi
chết đoạn hoại không còn gì. Con người do bốn đại hòa hợp, sau khi thân hoại mạng chung, thì
đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió, thành người thứ năm nằm trên
cáng, còn bốn người kia khiêng thây người chết đưa đến bãi tha ma, cho đến khi chưa thiêu đốt
210
thì có thể nhận biết, nhưng khi đã thiêu đốt rồi thì xương cốt trắng tinh như màu chim bồ câu.
Người kiêu mạn biết bố thí, người có một chút trí tuệ biết nhận lãnh: ai nói có sự việc ấy thì tất
cả những gì họ nói ra đó chỉ là những lời nói dối không thật[28]; hoặc dù ngu hay trí mà sau khi
chết qua đời khác, thì tất cả đều đoạn hoại không còn gì?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 157. VÔ NHÂN VÔ DUYÊN (1)[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Chúng sanh phiền não, không nhân, không
duyên[30]'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 158. VÔ NHÂN VÔ DUYÊN (2)[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Chúng sanh thanh tịnh, không nhân, không
duyên[32]'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
211
KINH 159. VÔ NHÂN VÔ DUYÊN (3)[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Chúng sanh không tri không kiến, không nhân,
không duyên'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp.(...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 160. VÔ NHÂN VÔ DUYÊN (4)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp.(...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 161. THẤT THÂN[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Có bảy thân, chẳng phải tạo tác, chẳng phải là được
212
tạo tác; chẳng phải biến hóa, chẳng phải là được biến hóa, là chắc thật, không dao động, không
giết. Những gì là bảy? Đó là: thân đất, thân nước, thân lửa, thân gió, khổ, lạc, mạng. Bảy loại
thân này chẳng phải tạo tác, chẳng phải là được tạo tác; chẳng phải biến hóa, chẳng phải là được
biến hóa, là chắc thật, không dao động, không giết, không chuyển, không biến, không bức bách
nhau; hoặc phước, hoặc ác, hoặc phước ác; hoặc khổ, hoặc vui, hoặc khổ vui; hoặc người bị bêu
đầu, hoặc người chém đầu, cũng không bức bách thế gian; hoặc mạng, hoặc thân, trong khoảng
bảy thân, chịu đựng đao đâm qua lại cũng không hại mạng; ở đây không giết, không người giết;
không trói buộc, không người trói buộc; không nhớ nghĩ, không người nhớ nghĩ; không dạy dỗ,
không người dạy dỗ[36]?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 162. TÁC GIÁO[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Làm, bảo làm, đoạn mạng, bảo đoạn mạng, nấu, bảo
nấu; giết, bảo giết, sát hại chúng sanh; trộm của người; hành tà dâm; biết mà nói dối; uống rượu;
khoét tường, bẻ khóa, cướp đoạt; đón đường, phá làng xóm, hại thành ấp, dùng kiếm cực bén
chém, chặt, cắt chất thành đống thịt lớn; học tập như vậy, làm như vậy, chẳng phải là nhân duyên
ác, cũng chẳng phải chiêu mời quả báo ác. Đi về phía Nam sông Hằng, sát hại. Đi đến phía Bắc
sông Hằng mở đại hội cúng tế; làm như vậy, chẳng phải là nhân duyên phước hay là ác và cũng
chẳng phải là chiêu mời quả báo phước hay là ác; bố thí, tự chế ngự, hộ trì, hành lợi, đồng lợi,
những việc làm ở đây cũng chẳng phải là làm phước[38]'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp.(...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 163. SANH TỬ ĐỊNH LƯỢNG[39]
Tôi nghe như vầy:
213
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Ở đây có mười bốn trăm ngàn cửa sanh[40], sáu
mươi ngàn, sáu trăm[41]; có năm nghiệp[42], ba nghiệp, hai nghiệp, một nghiệp, nửa nghiệp; sáu
mươi hai đạo tích[43], sáu mươi hai nội kiếp[44], một trăm hai mươi Nê­lê[45], một trăm ba
mươi căn[46], ba mươi sáu tham giới[47], bốn mươi chín ngàn loại rồng, bốn mươi chín ngàn
loại kim sí điểu, bốn mươi chín ngàn loại ngoại đạo tà mạng[48], bốn mươi chín ngàn loại ngoại
đạo xuất gia, bảy kiếp tưởng, bảy kiếp vô tưởng[49], bảy A­tu­la, bảy Tỳ­xá­giá, bảy trời, bảy
người, bảy trăm biển[50], bảy mộng, bảy trăm mộng, bảy vực thẳm, bảy trăm vực thẳm, bảy
giác, bảy trăm giác, sáu sanh[51], mười tăng tiến, tám đại sĩ địa. Ở trong tám vạn bốn ngàn đại
kiếp này, hoặc ngu si, hoặc trí tuệ, qua lại từng trải, rồi mới cùng tận mé khổ[52]. Ở đó không có
Sa­môn, Bà­la­môn có thể nói như vầy: 'Tôi luôn luôn giữ giới, nhận các khổ hạnh, tu các phạm
hạnh; để nghiệp chưa chín mùi khiến được chín mùi, nghiệp đã chín mùi rồi thì buông bỏ.' Tiến
thoái, không thể biết. Ở đây, khổ và lạc là thường trụ, sống và chết có giới hạn nhất định. Giống
như ống chỉ, ném vào giữa hư không từ từ rơi xuống dần, cho tới đất rồi dừng lại; việc sống chết
có giới hạn nhất định, trong tám vạn bốn ngàn đại kiếp cũng như vậy[53].'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 164. PHONG[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Gió không thổi, lửa không cháy, nước không chảy,
tên không bắn, mang thai không sanh, sữa không vắt, mặt trời mặt trăng mọc mà như lặn[55],
hoặc sáng hoặc tối, không thể biết'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
214
KINH 165. ĐẠI PHẠM[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Đại Phạm này là đấng tự tại, đấng sáng tạo, là cha
của chúng sanh?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 166. SẮC THỊ NGÃ (1)[57]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Sắc là ngã[58], ngoài ra chỉ là hư danh; không sắc là
ngã, ngoài ra chỉ là hư danh; sắc phi sắc là ngã, ngoài ra chỉ là hư danh; phi sắc phi phi sắc là
ngã, ngoài ra chỉ là hư danh; ngã là hữu biên, ngoài ra chỉ là hư danh; ngã là vô biên, ngoài ra chỉ
là hư danh; ngã là hữu biên và vô biên, ngoài ra chỉ là hư danh; ngã chẳng phải là hữu biên và
chẳng phải là vô biên, ngoài ra chỉ là hư danh; một tưởng, đa dạng thứ tưởng, nhiều tưởng, vô
lượng tưởng; ngã chỉ một mực là lạc, chỉ một mực là khổ, hoặc vừa khổ vừa lạc, không khổ
không lạc ngoài ra chỉ là hư danh'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 167. SẮC THỊ NGÃ (2)[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
215
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Sắc là ngã[60], ngoài ra chỉ là vọng tưởng; phi sắc
phi phi sắc là ngã, ngoài ra chỉ là vọng tưởng; ngã là hữu biên, ngoài ra chỉ là vọng tưởng; ngã là
vô biên, ngoài ra chỉ là vọng tưởng; ngã chẳng phải là hữu biên và chẳng phải là vô biên, ngoài
ra chỉ là vọng tưởng; một tưởng, đa dạng thứ tưởng, nhiều tưởng, vô lượng tưởng; ngã chỉ một
mực là lạc, chỉ một mực là khổ, hoặc vừa khổ vừa lạc, không khổ­không lạc ngoài ra chỉ là hư
danh'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 168. THẾ GIAN THƯỜNG[61]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Thế gian là thường; thế gian là vô thường; thế gian
là thường – vô thường; thế gian là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường[62]. Thế gian là hữu
biên, thế gian là vô biên; thế gian là hữu biên – vô biên; thế gian là chẳng phải hữu biên, chẳng
phải vô biên[63]. Mạng tức là thân, mạng khác thân khác[64]. Sau khi Như Lai mất là có, sau khi
Như Lai mất là không; sau khi Như Lai mất là vừa có vừa không; sau khi Như Lai mất là vừa
chẳng phải có vừa chẳng phải chăng[65]'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 169. THẾ GIAN NGÃ THƯỜNG[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Thế gian, ngã là thường; thế gian, ngã là vô thường;
216
thế gian, ngã là thường – vô thường; thế gian, ngã là chẳng phải thường chẳng phải vô thường;
ngã khổ là thường; ngã khổ là vô thường; ngã khổ là thường – vô thường; ngã khổ là chẳng phải
thường chẳng phải vô thường; thế gian, ngã là tự tạo; thế gian, ngã là cái khác tạo; thế gian, ngã
là tự tạo và cái khác tạo; thế gian, ngãø chẳng phải là tự tạo, chẳng phải là cái khác tạo, chẳng
phải tự cũng chẳng phải cái khác, không nhân tạo tác; thế gian, ngã khổ là tự tạo; thế gian, ngã
khổ là cái khác tạo; thế gian, ngã khổ vừa tự vừa cái khác tạo; thế gian, ngã khổ chẳng phải tự
cũng chẳng phải cái khác, không nhân tạo tác'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 170. NGỘ LẠC NIẾT­BÀN[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Nếu không khoái lạc ngũ dục, thì sẽ Bát­niết­bàn
ngay trong đời hiện tại. Nếu ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có lạc phát sanh do ly
dục, nhập vào Sơ thiền, cho đến, đệ Tứ thiền. Đó là đệ nhất nghĩa Bát­niết­bàn'?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 171. NGÃ CHÁNH ĐOẠN[68]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến
cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: 'Nếu sắc bốn đại thô đoạn hoại, không còn gì, thì đó
gọi là ngã bị đoạn diệt thật sự. Nếu ngã ở dục giới đoạn hoại, sau khi chết sẽ không còn gì nữa,
thì đó gọi là ngã bị đoạn diệt thật sự. Nếu ngã ở sắc giới, sau khi chết không còn gì nữa, thì đó
gọi là ngã bị đoạn diệt thật sự. Nếu đạt được không nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi
217
phi tưởng nhập xứ, sau khi chết ngã bị đoạn hoại không còn gì nữa, thì đó gọi là ngã bị đoạn hoại
thật sự.'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp. (...)"
Chi tiết như kinh trên. Theo thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).
KINH 172. ĐƯƠNG ĐOẠN[69]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu pháp là vô thường, thì nên đoạn trừ; khi đãø đoạn trừ được pháp này rồi, thì sẽ được nhiều
lợi ích và luôn luôn được an lạc. Pháp nào là vô thường? Sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành,
thức là vô thường."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 173. QUÁ KHỨ ĐƯƠNG ĐOẠN[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu pháp quá khứ là vô thường, thì nên đoạn trừ; khi đã đoạn trừ pháp này rồi, thì sẽ được
nhiều lợi ích và luôn luôn được an lạc. Pháp quá khứ nào là vô thường? Sắc quá khứ là pháp vô
thường, dục quá khứ là pháp vô thường, nên pháp này phải đoạn trừ; khi đã đoạn trừ pháp này
rồi, thì sẽ được nhiều lợi ích và luôn luôn được an lạc; đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng
như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, các kinh: Vị lai, Hiện tại, Quá khứ; Hiện tại­vị lai; Hiện tại­quá khứ; Vị lai­quá khứ;
Vị lai­hiện tại; chi tiết như kinh trên.
KINH 174. CẦU ĐẠI SƯ (2)[71]
Tôi nghe như vầy:
218
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Vì muốn đoạn trừ pháp vô thường, nên phải cầu Đại sư. Sao gọi là pháp vô thường? Sắc là pháp
vô thường, vì muốn đoạn trừ pháp này nên phải cầu Đại sư; đối với thọ, tưởng, hành, thức lại
cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, tám kinh sau đây:
­ Quá khứ,
­ Vị lai,
­ Hiện tại
­ Hiện tại­vị lai;
­ Hiện tại­quá khứ;
­ Vị lai­quá khứ;
­ Vị lai­hiện tại;
­ Nên cầu Đại sư như thế.
Các kinh sau đây[72], mỗi kinh thêm các chi tiết như tám kinh trên:
­ Chủng chủng giáo tùy thuận,
­ An,
­ Quảng an,
­ Châu phổ an,
­ Đạo (dẫn đường),
­ Quảng đạo (dẫn đường rộng rãi),
­ Cứu cánh đạo (dẫn đường rốt ráo),
­ Thuyết,
219
­ Quảng thuyết,
­ Tùy thuận thuyết,
­ Đệ nhị bạn,
­ Chân tri thức,
­ Đồng ý,
­ Mẫn,
­ Bi,
­ Sùng nghĩa,
­ Sùng an uỷ,
­ Lạc,
­ Sùng xúc,
­ Sùng an ổn,
­ Dục,
­ Tinh tấn,
­ Phương tiện,
­ Quảng phương tiện,
­ Kham năng phương tiện,
­ Kiên cố,
­ Cường,
­ Kiện,
­ Dũng mãnh,
­ Thân tâm dũng mãnh,
­ Nan phục nhiếp thọ,
220
­ Thường học,
­ Bất phóng dật,
­ Tu,
­ Tư duy,
­ Niệm,
­ Giác,
­ Tri,
­ Minh,
­ Tuệ,
­ Biện,
­ Tư lương,
­ Phạm hạnh
­ Như ý,
­ Chánh cần,
­ Căn,
­ Lực,
­ Giác,
­ Đạo,
­ Chỉ,
­ Quán,
­ Niệm thân,
­ Chánh ức niệm.
221
Như kinh "Đoạn nghĩa" các kinh sau đây cũng có nội dung như vậy:
­ Tri nghĩa,
­ Tận nghĩa,
­ Thổ nghĩa,
­ Chỉ nghĩa,
­ Xả nghĩa.[73]
KINH 175. CỨU ĐẦU NHIÊN THÍ[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, thì nên cần cầu bậc Đại sư. Vì muốn
đoạn trừ những pháp vô thường nào nên cần cầu bậc Đại sư? Vì muốn đoạn trừ sắc vô thường,
nên cần cầu bậc Đại sư; vì muốn đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường, nên cần cầu bậc Đại
sư."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh "Đoạn trừ vô thường," cũng vậy, các kinh sau đây[75] tương tự:
­ Quá khứ vô thường,
­ Vị lai vô thường,
­ Hiện tại vô thường;
­ Quá khứ, vị lai vô thường;
222
­ Quá khứ hiện tại vô thường;
­ Vị lai, hiện tại vô thường;
­ Quá khứ, vị lai, hiện tại vô thường như vậy.
Như tám kinh Thí dụ cứu lửa trên đầu đã nói chi tiết như trên.
Cũng như "Cầu bậc Đại sư", các kinh "Chủng chủng giáo", "Tùy thuận giáo", chi tiết như trên
đã nói[76].
Cũng ý nghĩa như "đoạn", các kinh có nghĩa "tận, thổ, chỉ, xả, diệt, một" cũng chi tiết như vậy.
KINH 176. THÂN QUÁN TRỤ (1)[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Vì để đoạn trừ vô thường, hãy tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân[78]. Những gì là
pháp vô thường? Sắc là vô thường. Vì để đoạn trừ vô thường, hãy tùy thuận tu tập an trụ quán
thân trên nội thân. Cũng vậy, thọ tưởng, hành, thức là vô thường. Vì muốn đoạn trừ chúng nên
hãy tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh "Vô thường," cũng vậy, với nội dung tương tự:
­ Sắc quá khứ là vô thường;
­ Sắc vị lai;
­ Sắc hiện tại;
­ Sắc quá khứ, vị lai;
­ Sắc quá khứ, hiện tại;
­ Sắc vị lai, hiện tại;
223
­ Sắc quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường. Vì muốn đoạn trừ chúng, nên tùy thuận tu quán
trụ nội thân trên thân. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Cũng như "Tùy thuận tu tập với sự quán trụ thân trên nội thân," có các kinh[79] với nội dung
tương tự:
­ Quán thân trên ngoại thân,
­ Quán thân trên nội ngoại thân;
­ Quán thọ trên nội thọ,
­ Quán thọ trên ngoại thọ,
­ Quán thọ trên nội ngoại thọ;
­ Quán tâm trên nội tâm,
­ Quán tâm trên ngoại tâm,
­ Quán tâm trên nội ngoại tâm;
­ Quán pháp trên nội pháp,
­ Quán pháp trên ngoại pháp,
­ Quán pháp trên nội ngoại pháp.
Cũng như kinh với nghĩa "Đoạn trừ vô thường, hãy tu bốn Niệm xứ." Cũng vậy các kinh: tri
nghĩa, tận nghĩa, thổ nghĩa, chỉ nghĩa, xả nghĩa, diệt nghĩa, một nghĩa nên tùy thuận tu Tứ niệm
xứ cũng dạy như trên.
KINH 177. THÂN QUÁN TRỤ (2)[80]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
224
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên
nội thân. Thế nào là để đoạn trừ lửa vô thường mà tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội
thân? Sắc là vô thường, vì muốn đoạn trừ nó, nên phải tùy thuận tu quán trụ thân trên nội thân.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, vì muốn đoạn trừ chúng, nên tùy thuận tu quán trụ
thân trên nội thân."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như vô thường, như quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai, hiện
tại là vô thường như vậy. Như tám kinh quán trụ thân trên nội thân, thì tám kinh quán thân trên
ngoại thân, tám kinh quán thân trên nội ngoại thân như đã thuyết ở trên.
Như hai mươi bốn kinh nói về thân niệm xứ, hai mươi bốn kinh nói về thọ niệm xứ, tâm niệm
xứ, pháp niệm xứ cũng thuyết như trên vậy. Như chín mươi hai kinh nói về đoạn trừ vô thường,
thì chín mươi kinh nói về nên hiểu biết (tri), nên nhàm chán (thổ), nên dứt trừ (tận), nên dừng
nghỉ (chỉ), nên buông xả (xả), nên diệt tận (diệt), nên bặt dứt (một) cũng thuyết như trên vậy.
KINH 178. ĐOẠN ÁC BẤT THIỆN PHÁP[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn
trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho tăng trưởng. Vì để đoạn trừ những pháp vô thường
225
nào, đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho
tăng trưởng? Vì để đoạn trừ sắc vô thường, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên đối
với pháp ác bất thiện đã sanh thì hãy đoạn trừ, khởi ý dục, tinh cần, nhiếp tâm khiến cho tăng
trưởng."
Chi tiết như kinh trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh vô thường, quá khứ là vô thường; vị lai là vô thường; hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lại, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai, hiện
tại là vô thường tám kinh cũng nói như trên vậy.
Như pháp ác bất thiện đã sanh ra cần được đoạn trừ. Pháp ác bất thiện chưa sanh sẽ khiến không
sanh. Pháp thiện chưa sanh sẽ khiến sanh ra và nếu đã sanh rồi, thì sẽ khiến tăng trưởng rộng,
khởi lên ý muốn tìm cách nhiếp tâm làm tăng trưởng, trong tám kinh cũng nói như trên vậy.
Như ba mươi hai kinh nói về đoạn trừ vô thường, ba mươi hai kinh nói về nên hiểu biết, nên
nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng nói đầy đủ
như trên vậy.
KINH 179. DỤC ĐỊNH[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu dục định đoạn hành thành tựu như ý
túc[83]. Vậy nên đoạn trừ những pháp vô thường nào? Để đoạn trừ sắc vô thường; đoạn trừ thọ,
tưởng, hành, thức vô thường; cho nên tu dục định đoạn hành thành tựu như ý túc."
Chi tiết như kinh đã nói (kinh 175)... cho đến:
226
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai
là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai, hiện tại
là vô thường tám kinh cũng nói như trên vậy.
Như kinh tu dục định, thì ba mươi hai kinh nói về tinh tấn định, ý định, tư duy định cũng như
vậy. Như ba mươi hai kinh nói về nên đoạn trừ, ba mươi hai kinh nói về nên hiểu biết, nên nhàm
chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng dạy như trên
vậy.[84]
KINH 180. TÍN CĂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu tín căn. Vậy nên đoạn trừ những
pháp vô thường nào? Đoạn trừ sắc vô thường, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường, nên tu
tín căn."
Nói chi tiết như vậy (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá
khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai, hiện tại là vô thường cũng dạy như trên.
Như tám kinh nói về tín căn, thì tám kinh nói về tu tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn cũng
dạy như trên vậy.
227
Như bốn mươi kinh nói về nên đoạn trừ, bốn mươi kinh nói về nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên
dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng thuyết như trên vậy.
KINH 181. TÍN LỰC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu tín lực. Vậy để đoạn trừ những
pháp vô thường nào phải tu tín lực? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu tín lực; đoạn trừ thọ, tưởng,
hành, thức vô thường nên tu tín lực."
Nói chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh dạy về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá
khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
Như kinh dạy về tín lực, tám kinh dạy về tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực cũng dạy như
trên vậy.
Như bốn mươi kinh dạy về đoạn trừ, trong mỗi một kinh của bốn mươi kinh dạy về nên hiểu biết,
nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng dạy như
trên vậy.[85]
KINH 182. NIỆM GIÁC PHẦN[86]
Tôi nghe như vầy:
228
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu niệm giác phần. Vậy để đoạn trừ
những pháp vô thường nào phải tu niệm giác phần? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu niệm giác
phần, đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu niệm giác phần."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh thuyết về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường;
quá khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ,
vị lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
Như tám kinh thuyết về niệm giác phần, trong mỗi một kinh của tám kinh thuyết về trạch pháp
giác phần, tinh tấn giác phần, hỷ giác phần, trừ giác phần, xả giác phần, định giác phần cũng
thuyết như trên vậy.
Như năm mươi sáu kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một kinh của năm mươi sáu kinh thuyết
về nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt
bặt cũng thuyết như trên vậy.[87]
KINH 183. CHÁNH KIẾN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
229
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu chánh kiến. Vậy để đoạn trừ những
thứ lửa vô thường nào phải tu chánh kiến? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu chánh kiến; đoạn trừ
thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu chánh kiến."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh thuyết về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường;
quá khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ,
vị lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
Như tám kinh dạy về chánh kiến, trong mỗi một kinh của tám kinh dạy về chánh chí, chánh ngữ,
chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định cũng dạy như trên.
Như sáu mươi bốn kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một kinh của sáu mươi bốn kinh dạy về
nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt
cũng thuyết như trên vậy.[88]
KINH 184. KHỔ TẬP TẬN ĐẠO
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu Khổ­Tập­Tận­Đạo. Vậy để đoạn trừ
những pháp vô thường nào phải tu Khổ­Tập­Tận­Đạo? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu Khổ­TậpTận­Đạo; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu Khổ­Tập­Tận­Đạo."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
230
Như kinh dạy về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá
khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng thuyết như trên vậy.
Như tám kinh dạy về Khổ­Tập­Tận­Đạo, trong mỗi một kinh của tám kinh dạy về khổ tận đạo
lạc, phi tận đạo lạc tận đạo cũng thuyết như trên vậy.
Như ba mươi hai kinh dạy về nên đoạn trừ, thì trong mỗi một kinh của ba mươi hai kinh dạy về
nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt
cũng thuyết như trên vậy.[89]
KINH 185. VÔ THAM PHÁP CÚ[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô thường, nên tu pháp cú không tham. Vậy để đoạn
trừ những pháp vô thường nào phải tu pháp cú không tham? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu pháp
cú vô tham; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu pháp cú vô tham."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh thuyết về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường;
quá khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ,
vị lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng thuyết như trên vậy.
Như tám kinh thuyết về nên tu pháp cú không tham, trong mỗi một kinh của tám kinh thuyết về
pháp cú chánh cú, các cú không nhuế, không si cũng thuyết như trên vậy.
231
Như hai mươi bốn kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một kinh của hai mươi bốn kinh dạy về
nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt
cũng thuyết như trên vậy.[91]
KINH 186. CHỈ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
'Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần
phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu chỉ. Vậy để đoạn trừ những pháp vô
thường nào phải tu chỉ? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu chỉ; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô
thường nên tu chỉ."
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh dạy về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá
khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị
lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
Như tám kinh dạy về tu chỉ, tám kinh dạy về tu quán cũng dạy như trên vậy.
Như mười sáu kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một kinh của mười sáu kinh dạy về nên hiểu
biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng
dạy như trên vậy.
"Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác
ngã, chẳng ở trong nhau, phải biết như thật và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Đa văn Thánh đệ tử phải chánh quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, đối với thọ,
tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán. Khi đã nhàm chán rồi thì sẽ không thích, vì đã không
thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa'."[92]
232
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như kinh dạy về vô thường, cũng vậy đối với dao động, chuyển xoay (toàn chuyển), lao hạch,
phá hoại, bệnh dật dờ, hủ bại, nguy đốn, không thường, không an, biến đổi, khổ não, tai hoạn, ma
tà, ma thế, ma khí, như bọt nước, như bong bóng, như cây chuối, như huyễn; yếu kém, tham
đắm, đánh giết, đao kiếm, ganh ghét, tàn sát nhau, tổn giảm, hao suy, trói buộc, đánh đập, ghẻ
chóc, ung nhọt, gai nhọn, phiền não, trách phạt, che giấu, chỗ tai hại, buồn rầu, ác tri thức; khổ,
không, chẳng phải ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã, oan gia, xích trôi, chẳng phải nghĩa,
chẳng phải an ủi, nhiệt não, không bóng mát, không hòn đảo, không che, không nương tựa,
không bảo vệ; pháp sanh, pháp già, pháp bệnh, pháp chết, pháp ưu bi, pháp khổ não, pháp không
sức, pháp yếu kém, pháp không thể muốn, pháp dụ dẫn, pháp nuôi dưỡng, có pháp khổ, pháp có
giết, pháp có não, pháp có nhiệt, pháp có tướng, pháp có thổi, pháp có giữ, pháp thâm hiểm, pháp
khó khăn, pháp bất chánh, pháp hung bạo, pháp có tham, pháp có nhuế (sân), pháp có si, pháp
không trụ, pháp đốt cháy, pháp chướng ngại, pháp tai ương, pháp tập hợp, pháp tiêu diệt, pháp
đống xương, pháp cục thịt, pháp cầm đuốc, pháp hầm lửa, như rắn độc, như mộng, như đồ vay
mượn, như trái cây, như kẻ mổ trâu (đồ tể), như kẻ giết người, như sương dính, như nước sâu,
như dòng chảy siết, như sợi dệt, như bánh xe đạp nước, như gậy sào, như bình độc, như thân độc,
như hoa độc, như trái độc, phiền não xung động cũng như vậy.
Cho đến: đoạn trừ quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, phải tu chỉ quán. Vậy muốn đoạn trừ
những pháp nào trong quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường cho đến dứt bặt, để phải tu chỉ quán?
Vì muốn đoạn trừ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, cho đến khi dứt bặt nên tu chỉ quán.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ,
hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa,
hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau phải biết như
thật. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
"Đa văn Thánh đệ tử phải quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán và đối với thọ, tưởng,
hành, thức cũng sanh ra nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên sẽ không thích, vì đã không thích nên
sẽ được giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 187. THAM DỤC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
233
"Vì thành tựu một pháp, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng,
hành, thức là vô thường. Một pháp được thành tựu là pháp nào? Tham dục, một pháp được thành
tựu, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
"Thành tựu một pháp gì[93]? Đó là thành tựu pháp không tham dục. Pháp không tham dục, có
khả năng nhận biết sắc là vô thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô thường."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như thành tựu và không thành tựu, đối với biết và không biết, gần và không gần, sáng và không
sáng, hiểu và không hiểu, quan sát và không quan sát, suy lường và không suy lường, che giấu và
không che giấu, gieo trồng và không gieo trồng, đè nén và không đè nén, che mờ và không che
mờ lại cũng như vậy. Biết (tri) như vậy, thức như vậy, hiểu rõ (giải) như vậy, chấp nhận (cho),
mong cầu, biện biệt, tiếp xúc, nhận thật lại cũng như vậy.
Như tham, đối với nhuế, si, sân, hận, mắng chưởi, chấp chặt, ganh ghét, keo kiệt, lừa dối, không
hổ, không thẹn, mạn, mạn mạn, tăng mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, tà mạn, ty mạn, kiêu mạn,
buông lung, kiêu căng, cống cao, quanh co, hình thức dối trá, dụ lợi, ác lợi, muốn nhiều, muốn
thường không cung kính, miệng ác, tri thức ác, không nhẫn, tham đắm, hạ tham, ác tham; thân
kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ, dục ái, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi, hôn túy,
quanh quẹo, mạnh bạo, lười biếng, loạn tưởng, nhớ nghĩ không đúng, thân nhơ, không ngay
thẳng, không dịu dàng, không khác; tầm cầu dục (dục giác), tầm cầu sân (sân giác), tầm cầu hại,
tầm cầu thân thuộc, tầm cầu bờ cõi, tầm cầu nhẹ dễ, tầm cầu yêu nhà người, sầu ưu, não khổ. Đối
với những thứ này tất cả cho đến: "bị che mờ, không có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc.
Pháp ấy là pháp nào? Là pháp khổ não, vì khổ não che mờ nên không có khả năng tác chứng sự
đoạn diệt sắc, không có khả năng tác chứng sự đoạn diệt thọ, tưởng, hành, thức. Có một pháp
không che mờ, nên có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc và có khả năng tác chứng sự đoạn
diệt thọ, tưởng, hành, thức. Pháp ấy là pháp nào? Là pháp khổ não, vì pháp này không che mờ
nên có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc và cũng có khả năng tác chứng sự đoạn diệt thọ,
tưởng, hành, thức.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 7. Phật Quang, kinh 141.
[2]. Xem kinh 133.
[3]. Trong bản Hán: khởi cầu 起求, kinh 133: cầu đắc 求得, Pāli: pattam pariyesitam.
[4]. Phi thử thế ngã, phi thử thế ngã sở 非此世我, 非此世我所, xem kinh 133: phi thử ngã, phi
thử ngã sở .
234
[5]. Nguyên trong bản Hán: tam­bồ­đề 三菩提.
[6]. Phật Quang, kinh 144. Pāli, S. 22. 150. Etaṃ mam; 24. 2. Etaṃ mama.
[7]. Pāli: ahaṃkāra­mamāṃra­mānābusaya, ngã, ngã sở, mạn tùy miên.
[8]. Phật Quang, kinh 147.
[9]. Phật Quang, kinh 148. Pāli, S. 22. 149. Ajjhattikṃ; 35. 105. Upādāya.
[10]. Phật Quang, kinh 149.
[11]. Tám thế pháp: đắc, thất, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc.
[12]. Phật Quang, kinh 151. Pāli, S. 35. 108. Seyyo.
[13]. Phật Quang, kinh 152.
[14]. Phật Quang, kinh 153.
[15]. Phật Quang, kinh 154. Pāli, S. 22. 151. Esottā; 24. 3. So attā.
[16]. Quốc Dịch, tụng 1, tương ưng 3, phẩm iii, Phật Quang, kinh 155.
[17]. Hán: bỉ 彼, đây chỉ Đại Phạm thiên 大梵天; theo triết học Veda­Upanishad, ta và
Brahman là một.
[18]. Pāli, S. 24. 5. Natthi (phần đầu).
[19]. Tức không có kết quả phước báo của sự bố thí. Pàli: natthi dinnaư.
[20]. Hán: hội 會, chỉ đại hội tế lễ. Pāli: yiṭṭham.
[21]. Hán: thuyết . Pāli: hutaṃ, vật cúng thần, con vật hy sinh; cũng chỉ lễ hiến tế hy sinh.
[22]. Nguyên Hán: chánh đáo chánh thú 正到正趣, chỉ các Thánh giả hữu học. Pāli: na'tthi
loke samaṇa­brāmanā sammaggata sammā­paṭipannā ye imañ ca lokaṃ parañ ca lokaṃ sayaṃ
abhiññā saccahikatvā pavedenti, trong đời này không có Sa­môn hay Bà­la­môn nào là những vị
chánh hành, chánh hướng mà tự thân chứng nghiệm thế giới này hay thế giới khác.
[23]. Chủ trương tà kiến, không tin nhân quả. Một phần trong thuyết hư vô của Ajito
Kesakambalī, một trong Lục sư ngoại đạo. Phần sau, nói ở kinh 158. Xem D. 2. Sāmañña­phalasutta.
[24]. Pāli, S. 24. 7. Hetu (nhân).
235
[25]. Một phần trong chủ trương của Makkhali­Gosālo, một trong Lục sư ngoại đạo; xem
Sāmañña­phala­sutta: (...) sabbe sattā (...) avasā abalā avīriyā niyati­saṅgati­bhāva­pariṇatā
chass'evābhijātisu sukha­dukkha paṭisaṃvedenti, tất cả chúng sanh... không tự chủ, bất lực,
không nghị lực, bị chi phối bởi định mệnh, chuyển biến theo bản tánh, để mà thọ khổ hay lạc
trong sáu chủng loại.
[26]. Pàli, S. 24. 5. Natthi (phần sau).
[27]. Phần sau trong chủ trương đoạn diệt của Ajita Kesa­kambali; phần đầu nói trong kinh
trên. D.i.55.
[28]. Tham chiếu Pāli: (...) bhassantāhutiyo; dattu­paññattaṃ yad idaṃ danaṃ, tesaṃ tucchaṃ
musā vilāpo ye keci atthika­vādaṃ vadanti, vật cúng thành tro, bố thí là chuyện bày đạêt của
người ngu; nói sau khi chết còn tồn tại là dối trá.
[29]. Pāli, S. 24. 7. Hetu.
[30]. Chủ trương của Makkhali­Gosāla, xem Sāmañña­phala­sutta (D.i.53): na'tthi hetu n'atthi
paccayo sattānaṃ saṃkilesāya, không có nhân, không có duyên cho sự nhiễm ô của chúng sanh.
[31]. Pāli, S. 24. 5. Hetu.
[32]. Chủ trương của Makkhali­Gosāla, xem Sāmañña­phala­sutta (D.i.53): na'tthi hetu n'atthi
paccayo sattānaṃ visuddhiyā, không có nhân, không có duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh.
[33]. Pāli, S. 24. 7. Hetu.
[34]. Phật Quang, kinh 162.
[35]. Pāli, S. 24. 8. Mahādiṭṭhi; tham chiếu Sāmañña­phala­sutta, D.i.56.
[36]. Chủ trương của Pakudha Kaccāyana.
[37]. Pāli, 24. 6. Karoto.
[38]. Chủ trương của Pūraṇa Kassapa, xem Sāmañña­phala­sutta, D.i.52.
[39]. Quốc Dịch, phẩm iv, quyển 7. Pāli, S. 24. 8. Mahādiṭṭhi.
[40]. 14 x 100 x 1.000 = 1.400.000 sanh môn, cửa thọ sanh hay sanh loại. Pāli: yoni­pamukkha,
cửa thọ sanh hàng đầu, hàng ưu sinh.
[41]. Câu này, trong bản Hán, vì được dịch sát theo tiếng Phạm, nên cần chấm câu lại để dịch
cho đúng. So sánh Pāli: imāni yoni­pamukkha­satasahassāni saṭṭthiñ ca satāni cha ca satāni: có
236
một triệu bốn trăm (1.400.000) sanh môn tối thượng và sáu ngàn và sáu trăm (sanh môn khác
nữa).
[42]. Bản Pāli: pañca ca kammuno satāni pañca ca kammāni, có năm trăm loại nghiệp và có
năm nghiệp...
[43]. Pāli: dvaṭṭhi paṭipadā, có sáu mươi hai đường lối hành đạo.
[44]. Pāli: antara­kappa: kiếp trung gian, trung kiếp.
[45]. Nê­lê 泥黎, tức địa ngục. Pāli: tiṃse niriya­sate, ba ngàn địa ngục.
[46]. Pāli: vīse indriya­sate, hai ngàn căn.
[47]. Pāli: Chattiṃsa rajo­dhātuyo, ba mươi sáu trần giới (cõi vi trần); bản Hán đọc là rāgadhātuyo: tham giới 貪界.
[48]. Pāli: ekūna­paññāsa paribbājaka­sate, bốn ngàn chín trăm du sĩ (xuất gia) ngoại đạo.
[49]. Pāli: satta saññī­gabbhā satta asaññī­gabbhā, 7 tưởng thai và 7 vô tưởng thai. Trong bản
Hán, đọc là (a)saññī­kappā (kiếp có tưởng).
[50]. Pāli: satta sarā, bảy hồ nước lớn.
[51]. Pāli: chābhijātiyo, sáu sanh loại ưu thắng, chỉ sáu giai cấp.
[52]. Pāli: sandhāvitvā saṃsaritvā dukkhass' antaṃ karissanti, lưu chuyển luân hồi (qua tất cả
thời gian và chủng loại kể trên, cuối cùng mới) sẽ cứu cánh khổ biên, hoàn toàn chấm dứt khổ.
[53]. Trên đây là một phần trong thuyết "Luân hồi tịnh hóa" (Pāli: saṃsāra­suddhiṃ) của
Makkhali­Gosala. Tham chiếu Sāmañña­phala­sutta, D.i.53­54.
[54]. Pāli, S. 22. 24. 1, 19, 45. Vātā.
[55]. Pāli: na candimasūriyā udenti vā apenti vā esikaṭṭhayiṭṭhitā ti, mặt trăng và mặt trời không
mọc hay lặn, mà đứng một chỗ như trụ đá.
[56]. Phật Quang, kinh 167.
[57]. Pāli, S. 24.. 37­44. Rūpī attā, v.v...
[58]. Pāli: rūpī attā hoti arogo paraṃ maraṇā ti, tự ngã có sắc, sau khi chết không bệnh.
[59]. Phật Quang, kinh 169.
[60]. Xem cht.58, kinh 166.
237
[61]. Pāli, S. 24. 9­18. Sassato loko v.v...
[62]. Đoạn này tương đương Pāli, S. 24. 9­10. Sassato loko v.v...
[63]. Đoạn này tương đương Pāli, S. 24. 11­12. Antavā v.v...
[64]. Pāli, S. 23. 13­14: taṃ jīvaṃ taṃ sarīraṃ.
[65]. Pāli, S. 24. 15­18: hoti tathāgato v.v...
[66]. Phật Quang, kinh 171.
[67]. Phật Quang, kinh 172.
[68]. Phật Quang, kinh 173.
[69]. Quốc Dịch, phẩm v. Ấn Thuận, "36 Tương ưng Tri" (Đại Chánh kinh 172­187). Phật
Quang, kinh 174.
[70]. Phật Quang, kinh 175.
[71]. Phật Quang, kinh 176.
[72]. Ấn Thuận liệt kê một trăm mười tám kinh.
[73]. Từ "Đoạn" đến "Xả" có tất cả sáu kinh.
[74]. Thí dụ chữa lửa đang cháy trên đầu. Quốc Dịch, phẩm vi.
[75]. Tất cả tám kinh.
[76]. Ấn Thuận liệt kê bốn trăm bảy mươi hai kinh (từ 2937­3408).
[77]. An trụ nơi thân quán. Phật Quang, kinh 178.
[78]. Tức tu tập bốn Niệm xứ.
[79]. Ấn Thuận phân tích thành một trăm mười tám kinh.
[80]. An trụ với sự quán thân.
[81]. Quốc Dịch, phẩm vii.
[82]. Phật Quang, kinh 181.
238
[83]. Bốn Như ý túc hay bốn Thần túc: dục định đoạn hành thành tựu như ý túc, hoặc nói: dục
tam­ma­địa thắng hành thần túc, "Như ý túc được thành tựu do không ngưng chuyên cần với
(bốn) Chánh đoạn để tập trung (định) trên một ước muốn (đối với một phép thần thông nào đó)."
Tiếp theo, tâm tam­muội, tinh tấn tam­muội và tư duy tam­muội, với công thức như dục tammuội.
[84]. Xem kinh 175. Ấn Thuận liệt kê và phân tích thành một ngàn một trăm ba mươi hai (1132)
kinh.
[85]. Xem kinh 175. Ấn Thuận: một ngàn một trăm bốn mươi (1140) kinh.
[86]. Tức niệm giác chi, trong bảy giác chi.
[87]. Ấn Thuận: một ngàn một trăm năm mươi sáu (1156) kinh.
[88]. Ấn Thuận: một ngàn một trăm sáu mươi bốn (1164) kinh.
[89]. Ấn Thuận: một ngàn một trăm ba mươi hai (1132) kinh.
[90]. Bốn pháp cú, hay bốn pháp tích, xem Tập Dị Môn Luận 6. Xem D. 33. Saṅgiti: cattāri
dhammapadāni: anabhijjhā dhammapadaṃ, avyāpādo dhammapadaṃ, sammā­sati
dhammapadṃ, sammā­samādhi dhammapdaṃ, vô tham pháp tích, vô sân pháp tích, chánh niệm
pháp tích, chánh định pháp tích.
[91]. Ấn thuận: một ngàn một trăm ba mươi hai (1132) kinh.
[92]. Đoạn này, Ấn Thuận tách thành một kinh riêng.
[93]. Để có khả năng nhận biệt sắc v.v... là vô thường.
239
TẠP A-HÀM QUYỂN 8
KINH 188. LY HỶ THAM[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Quán sát như vậy gọi là chánh kiến. Do chánh quán
nên sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên lìa hỷ, lìa tham. Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm chánh
giải thoát[2]. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lìa hỷ, lìa tham. Do lìa hỷ, lìa tham, Ta nói là tâm
chánh giải thoát. Tâm chánh giải thoát rồi, thì có thể tự tuyên bố: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh
đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
]
Như kinh nói về "vô thường", cũng vậy, nói về "khổ, không, chẳng phải ngã".
KINH 189. LY DỤC THAM[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với mắt, hãy tư duy chân chánh[4], quán sát là vô thường. Vì sao? Đối với mắt mà tư duy
chân chánh, quán sát là vô thường thì ở nơi mắt dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn
trừ, Ta nói là tâm chánh giải thoát. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, do tư duy chân
chánh, quán sát, nên dục tham được đoạn trừ. Do dục tham đã được đoạn trừ, Ta nói là tâm
chánh giải thoát. Như vậy, này các Tỳ­kheo, người nào được tâm chánh giải thoát thì có thể ký
thuyết: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 190. TRI (1)[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
240
"Nếu đối với mắt mà không phân biệt, không biết rõ, không đoạn trừ, không ly dục[6], thì không
thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này các
Tỳ­kheo, đối với mắt hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc ly dục, thì có thể chân
chánh diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ,
hoặc xa lìa dục, thì có thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 191. TRI (2)[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu đối với mắt mà không phân biệt, không biết rõ, không đoạn trừ, không ly dục[8], thì không
thể có khả năng vượt qua khỏi cái khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý
cũng lại như vậy. Này các Tỳ­kheo, đối với mắt hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc
ly dục, thì có thể vượt qua khỏi cái khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý
hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc xa lìa dục, thì có thể có khả năng vượt qua khỏi
cái khổ của sanh, già, bệnh, chết."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 192. BẤT LY DỤC (1)[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với mắt mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể có khả năng hoàn toàn diệt
tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể có
khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Này các Tỳ­kheo, đối với mắt nếu ly dục, tâm giải thoát, thì có
khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà ly dục, tâm giải thoát, thì có
thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 193. BẤT LY DỤC (2)[10]
Tôi nghe như vầy:
241
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với mắt và sắc mà không ly dục, tâm không giải thoát, thì không thể có khả năng vượt qua
cái khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không ly dục, tâm không giải
thoát, thì không thể có khả vượt qua cái khổ của sanh, già, bệnh, chết. Này các Tỳ­kheo, đối với
mắt và sắc nếu ly dục, tâm giải thoát, thì có khả năng vượt qua cái khổ của sanh, già, bệnh, chết.
Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà ly dục, tâm giải thoát, thì có thể có khả năng vượt qua cái khổ
của sanh, già, bệnh, chết."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 194. SANH HỶ[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ai ở nơi mắt mà sanh hỷ, thì đối với khổ cũng sanh hỷ[12]. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói
người đó không thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà sanh hỷ, thì đối với khổ
cũng sẽ sanh hỷ. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói người đó không thể giải thoát khổ.
"Này các Tỳ­kheo, ai đối với mắt mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối
với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói người đó có thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý
mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói
người đó có thể giải thoát khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 195. VÔ THƯỜNG (1)[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Tất cả đều vô thường. Thế nào là tất cả đều vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn
xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân
duyên là nhãn xúc, tất cả chúng đều là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy.
"Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy thì đối với mắt sẽ sanh nhàm tởm. Đối với sắc, nhãn thức,
nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi
nhân duyên là nhãn xúc, đối với chúng cũng sanh nhàm tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và
242
thanh, hương, vị, xúc, pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ
không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, đối với tất cả chúng cũng sanh nhàm
tởm. Do nhàm tởm nên không ái lạc, do không ái lạc nên được giải thoát, giải thoát tri kiến, biết
rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái
sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói về "vô thường," các kinh nói về "khổ, không, phi ngã" cũng nói như trên vậy.
KINH 196. VÔ THƯỜNG (2)[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Tất cả đều là vô thường[15]. Cái gì là tất cả? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc[16] và
thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là
nhãn xúc[17], tất cả chúng đều là vô thường. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý
xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân
duyên là ý xúc, thì chúng cũng vô thường.
"Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với mắt được giải thoát. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn
xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân
duyên là nhãn xúc, cũng được giải thoát. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý
xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân
duyên là ý xúc, cũng được giải thoát. Ta nói, người này giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu,
bi, khổ, não."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói "Tất cả là vô thường", cũng vậy, các kinh nói:
­ Tất cả là khổ.[18]
­ Tất cả là không.[19]
­ Tất cả chẳng phải ngã.[20]
­ Tất cả là pháp nghiệp hư dối.[21]
­ Tất cả là pháp phá hoại.[22]
­ Tất cả pháp sanh.[23]
243
­ Tất cả pháp già.[24]
­ Tất cả pháp bệnh.[25]
­ Tất cả pháp chết.[26]
­ Tất cả pháp sầu lo.[27]
­ Tất cả pháp phiền não.[28]
­ Tất cả pháp tập khởi.[29]
­ Tất cả pháp diệt tận.[30]
­ Tất cả pháp biết.[31]
­ Tất cả pháp phân biệt.[32]
­ Tất cả pháp dứt trừ.[33]
­ Tất cả pháp giác.[34]
­ Tất cả pháp chứng.[35]
­ Tất cả ma.
­ Tất cả thế lực ma.
­ Tất cả khí cụ ma.
­ Tất cả đang cháy.
­ Tất cả cháy bùng.
­ Tất cả thiêu cháy.[36]
Cũng đều nói chi tiết như hai kinh trên như vậy.
KINH 197. THỊ HIỆN[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong Chi­đề Thị­lợi­sa, tại Già­xà[38], cùng với một ngàn vị Tỳ­kheo mà
trước kia là những Bà­la­môn bện tóc.
244
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì một ngàn vị Tỳ­kheo thị hiện ba sự giáo hóa[39]. Những gì là ba? Đó
là, thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện tha tâm, thị hiện giáo giới.
Thị hiện thần túc là, Đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợpï mà thị hiện nhập thiền định chánh
thọ[40]; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa
tam­muội[41], rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước, lửa đều hiện;
hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung
quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó
gọi là thị hiện thần túc.
Thị hiện tha tâm là, như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia
như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như
vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.
Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn nói: 'Này các Tỳ­kheo, tất cả bị thiêu đốt[42]. Thế nào tất cả
bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay
cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt.
Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm
thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả cũng bị thiêu
đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già,
bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt."
Bấy giờ, một ngàn vị Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, không còn khởi lên các lậu hoặc,
tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 198. LA­HẦU­LA (1)[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trên núi Kỳ­xà­quật, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả La­hầu­la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên,
bạch Phật:
"Biết như thế nào, thấy như thế nào, để nơi nội thức thân của con[44] cùng ở nơi tất cả những
tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử[45]?"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo La­hầu­la:
"Lành thay, La­hầu­la! Ông đã có thể hỏi Như Lai về ý nghĩa sâu xa này."
Phật bảo La­hầu­la tiếp:
245
"Mắt hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt,
hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong
nhau, hãy biết như thật như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
"Này La­hầu­la, biết như vậy, thấy như vậy thì nơi nội thức thân của ta cùng ở nơi tất cả những
tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.
"Này La­hầu­la, như vậy, ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử không sanh, thì này La­hầu­la, đó gọi là
đoạn trừ kiến chấp ái trược, đắc chánh vô gián đẳng[46], cứu cánh biên tế của khổ."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như nói về "nội nhập xứ," cũng vậy, "ngoại nhập xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức; nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; thọ phát sanh bởi nhãn
xúc, thọ phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tưởng phát sanh bởi nhãn xúc, tưởng phát sanh
bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tư phát sanh bởi nhãn xúc, tư phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý
xúc; ái phát sanh bởi nhãn xúc, ái phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc" đều nói như trên.[47]
KINH 199. LA­HẦU­LA (2)[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, tại thành Vương xá.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La­hầu­la:
"Biết như thế nào, thấy như thế nào, để nơi nội thức thân này cùng ở nơi tất cả những tướng bên
ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử?"
La­hầu­la bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin
vì các Tỳ­kheo mà dạy đầy đủ nghĩa này. Các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực
hành."
Phật bảo La­hầu­la:
"Lành thay! Hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Những gì thuộc về mắt, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc
thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải
khác ngã, chẳng ở trong nhau, hãy quán sát chân chánh như vậy.
"Này La­hầu­la, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
246
"Này La­hầu­la, biết như vậy, thấy như vậy, nơi nội thức thân này cùng ở nơi tất cả những tướng
bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử."
"Này La­hầu­la, Tỳ­kheo như vậy vượt cả hai[49], xa lìa các tướng, tịch diệt, giải thoát.
"Này La­hầu­la, Tỳ­kheo như vậy đoạn trừ các ái dục, chuyển kết sử, cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như nói về "nội nhập," cũng vậy, "ngoại nhập," cho đến "ái[50] phát sanh bởi nhân duyên
là ý xúc," cũng nói chi tiết như vậy.
KINH 200. LA­HẦU­LA (3)[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả La­hầu­la
đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp, một mình con ở nơi thanh
vắng, chuyên tinh tư duy, không buông lung. Sau khi sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên
tinh tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử[52] cạo
bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu trì phạm hạnh, ngay trong đời
này, tự tri tự tác chứng, biết rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La­hầu­la tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể
nhận lãnh pháp tăng thượng được[53], nên hỏi La­hầu­la:
"Ngươi đã từng truyền dạy năm thọ ấm cho người chưa?"
La­hầu­la bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, chưa."
Phật bảo La­hầu­la:
"Ngươi nên vì người khác mà diễn nói năm thọ ấm."
Khi La­hầu­la nghe lời dạy của Phật rồi, sau đó vì người khác diễn nói về năm thọ ấm. Nói xong
trở lại chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn con đã vì người khác nói về năm thọ ấm rồi, xin Thế Tôn vì con mà nói pháp.
Sau khi con nghe pháp xong rồi sẽ ở một mình chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung
và... cho đến 'tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
247
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại xét thấy tâm của La­hầu­la Tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể
nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La­hầu­la:
"Ngươi đã vì người khác nói về sáu nhập xứ chưa?"
La­hầu­la bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, chưa."
Phật bảo La­hầu­la:
"Ngươi nên vì người khác diễn nói về sáu nhập xứ."
Rồi, vào một lúc khác, La­hầu­la lại diễn nói sáu nhập xứ cho người khác nghe. Sau khi nói sáu
nhập xứ xong, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con đã vì người khác mà diễn nói sáu nhập xứ rồi. Xin Đức Thế Tôn vì con mà
nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên tinh suy nghĩ, sống
không buông lung, ... cho đến 'tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La­hầu­la tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể
nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La­hầu­la:
"Ngươi đã vì người khác nói pháp Ni­đà­na[54] chưa?"
La­hầu­la bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, chưa."
Phật bảo La­hầu­la:
"Ngươi nên vì người khác mà diễn nói pháp Ni­đà­na đi."
Rồi, vào môt lúc khác, La­hầu­la lại vì người khác nói đầy đủ pháp Ni­đà­na xong, đi đến chỗ
Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui sang một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn vì con mà nói pháp, sau khi con nghe pháp xong, sẽ ở một mình nơi chỗ vắng
chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, ... cho đến 'tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La­hầu­la tuệ giải thoát vẫn chưa thuần thục, ... cho đến
bảo La­hầu­la:
"Ngươi nên đối với những pháp đã nói ở trên, ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh suy nghĩ, mà
quán sát nghĩa lý của chúng."
248
Bấy giờ, La­hầu­la vâng lời Phật dạy, như pháp đã nói, như pháp đã được nghe, suy nghĩ cân
nhắc, quán sát nghĩa lý của chúng, tự nghĩ: "Các pháp này, tất cả đều thuận hướng Niết­bàn, lưu
nhập Niết­bàn, cuối cùng an trụ[55] Niết­bàn.
Rồi, một lúc khác, La­hầu­la đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng sang một bên,
bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đối với pháp đã được nói, pháp con đã được nghe như trên, con đã ở một mình
nơi vắng vẻ, tư duy cân nhắc và quán sát nghĩa lý của chúng, thì biết những pháp này tất cả đều
thuận hướng Niết­bàn, lưu nhập Niết­bàn, cuối cùng an trụ Niết­bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La­hầu­la tuệ giải thoát đã được thuần thục, có thể nhận
lãnh được pháp tăng thượng, nên bảo La­hầu­la[56]:
"Tất cả đều vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn
xúc v.v... đều vô thường (chi tiết như các kinh trước)."
Tôn giả La­hầu­la sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Sau khi La­hầu­la đã vâng theo lời Phật dạy rồi, một mình ở nơi vắng vẻ, sống không buông
lung, chuyên tinh tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa,
chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, chuyên tu phạm hạnh cho đến... ngay trong đời
này, tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự
biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Thành bậc A­la­hán, tâm khéo giải thoát.
Phật nói kinh này xong, La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 201. LẬU TẬN[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo đi
đến chỗ Phật, làm lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận?"[58]
Đức Thế Tôn bảo Tỳ­kheo kia:
"Hãy quán sát chân chánh về vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc,
nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân
duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý hãy quán sát là vô
thường. Pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh
bởi nhân duyên là ý xúc, tất cả chúng cũng đều là vô thường. Này Tỳ­kheo, biết như vậy, thấy
như vậy thì để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận."
249
Khi Tỳ­kheo kia đã nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.
Như kinh Đức Phật đã dạy cho Tỳ­kheo trên, nhưng có điểm sai biệt ở chỗ:
­ Biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt dứt sạch các kết sử[59],
­ Đoạn trừ tất cả những hệ phược[60],
­ Đoạn trừ tất cả những sử[61],
­ Đoạn trừ tất cả những tùy phiền não[62],
­ Đoạn trừ tất cả những kết[63],
­ Đoạn trừ những lưu[64],
­ Đoạn trừ những ách[65],
­ Đoạn trừ những thủ[66],
­ Đoạn trừ những xúc,
­ Những ngăn che (cái) được đoạn trừ,
­ Đoạn trừ các triền phược,
­ Đoạn trừ những cấu uế,
­ Đoạn trừ những ái,
­ Đoạn trừ những ý,
­ Đoạn trừ những tà kiến, sanh chánh kiến,
­ Đoạn trừ vô minh sanh minh. (... )
"Này Tỳ­kheo, quán sát mắt là vô thường như vậy, cho đến... biết như vậy, thấy như vậy lần
lượt vô minh được đoạn trừ để sanh ra minh."
Khi Tỳ­kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy rồi vui mừng, làm lễ mà lui.
KINH 202. NGÃ KIẾN ĐOẠN[67]
Tôi nghe như vầy:
250
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo đi đến
chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát
sanh?"
Phật bảo Tỳ­kheo kia:
"Đối với mắt mà chánh quán vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ,
không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã.
Cũng vậy, cho đến, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân
duyên là ý xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã.
"Này Tỳ­kheo, biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến
phát sanh. Khi Tỳ­kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.
KINH 203. NĂNG ĐOẠN NHẤT PHÁP[68]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la[69] tại Tỳ­xá­ly. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu có Tỳ­kheo nào, đoạn trừ được một pháp, thì sẽ đạt được chánh trí[70] và có thể tự tuyên
bố: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái
sanh đời sau nữa.'"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin diễn nói. Các Tỳ­
kheo sau khi nghe xong sẽ vâng theo lời chỉ dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, thế nào là đoạn trừ một pháp cho đến... không còn tái sanh đời sau nữa? Đó
là vô minh, ly dục, minh phát sanh, đạt được chánh trí và có thể tự tuyên bố: 'Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa'."
Lúc ấy có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai hữu, đảnh lễ Phật, gối phải
quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để vô minh ly dục, minh phát sanh?"[71]
251
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc
thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường.
Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ­kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với vô
minh ly dục, minh phát sanh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 204. NHƯ THẬT TRI KIẾN[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la[73] tại Tỳ­xá­ly. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A­nan:
"Đối với mắt, hãy biết như thật, thấy như thật. Hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ
thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy biết như thật,
thấy như thật. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi đã biết như thật về chúng, đã
thấy như thật về chúng rồi, đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm
thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, cũng
sanh ra nhàm tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do nhàm tởm mà không ái
lạc. Do không ái lạc mà được giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã
lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 205. ƯU­ĐÀ­NA[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la[75] tại Tỳ­xá­ly. Bấy giờ
Đức Thế Tôn nói những bài kệ Ưu­đà­na rồi, bảo Tôn giả A­nan:
"Mắt là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, dễ phân[76]; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với
khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc; chúng cũng vô
thường, khổ, là pháp biến dịch, dễ phân. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn
Thánh đệ tử nên quán sát như vậy, đối với mắt sẽ được giải thoát; đối với sắc, nhãn thức, nhãn
xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn
xúc cũng được giải thoát. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ
thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, cũng sẽ được giải
thoát. Ta bảo người này sẽ giải thoát được sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A­nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
252
KINH 206. NHƯ THẬT TRI[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[78]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy chuyên cần phương tiện thiền tư[79] để được nội tâm tịch tĩnh.Vì sao? Này các Tỳ­kheo,
do phương tiện thiền tư, được nội tâm tịch tĩnh, nên tri kiến như thật, như vậy được hiển
hiện[80]. Hiển hiện như thật tri về cái gì? Hiển hiện như thật tri đối với mắt. Hiển hiện như thật
tri đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát
sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Các pháp này
là vô thường, hữu vi cũng được hiển hiện như thật tri như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 207. TAM­MA­ĐỀ[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[82]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy tu tập vô lượng Tam­ma­đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ. Vì sao? Vì do tu tập vô lượng
Tam­ma­đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ mà được như thật hiển hiện[83]. Như thật hiển hiện cái
gì? Như thật hiển hiện đối với mắt."
Chi tiết như trên... cho đến:
"Các pháp này là vô thường, hữu vi, cũng được hiển hiện như thật như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 208. VÔ THƯỜNG[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[85]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như
vậy, sẽ không hoài niệm mắt quá khứ, không ham cầu mắt vị lai và đối với mắt hiện tại thì nhàm
tởm, không ham muốn, ly dục, hướng đến chán bỏ[86]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại
như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
253
Như vô thường, đối với khổ, không, vô ngã cũng thuyết như vậy[87].
Như bốn kinh nội nhập xứ, thì bốn kinh ngoại nhập xứ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và bốn
kinh nội ngoại nhập xứ cũng thuyết như vậy[88].
KINH 209. LỤC XÚC NHẬP XỨ[89]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[90]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Có sáu xúc nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là, nhãn xúc nhập xứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập
xứ. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào đối với sáu xúc nhập xứ này mà không biết như thật về sự tập
khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly, thì biết rằng Sa­môn, Bà­la­môn này cách xa
pháp, luật của Ta như trời và đất."
Lúc ấy, có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
"Con có đầy đủ tri kiến như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly của
sáu nhập xứ này."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Bây giờ, Ta hỏi ngươi, hãy theo câu hỏi của Ta mà trả lời. Này Tỳ­kheo, ngươi có thấy nhãn
xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Đối với nhãn xúc nhập xứ này là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã,
chẳng ở trong nhau, người nào thấy, biết như thật, thì sẽ không khởi lên các lậu hoặc, tâm sẽ
không nhiễm đắm, tâm được giải thoát. Đó gọi là xúc nhập xứ đầu tiên đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã
đoạn trừ cội gốc của nó như chặt ngọn cây đa­la, đối với pháp vị lai, nhãn thức và sắc vĩnh viễn
không khởi lên lại.
"Ngươi có thấy tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
254
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ, chẳng phải là ngã, chẳng
phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, người nào biết, thấy như thật như vậy, thì sẽ không khởi lên
các lậu hoặc, tâm không đắm nhiễm, tâm đạt được giải thoát. Đó gọi là Tỳ­kheo đối với sáu xúc
nhập xứ, đã đoạn trừ được, đã biết rõ, đã đoạn trừ được cội gốc này như chặt ngọn cây đa­la, ý
thức và pháp sẽ không còn sanh trở lại ở đời vị lai nữa."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 210. ĐỊA NGỤC[91]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[92]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Chớ lạc, chớ khổ[93]. Vì sao? Có địa ngục gọi là Sáu xúc nhập xứ[94]. Chúng sanh sanh ở
trong địa ngục này, mắt chỉ thấy sắc không đáng ưa, chứ không thấy sắc đáng ưa; chỉ thấy sắc
không đáng tưởng nhớ, chứ không thấy sắc đáng được tưởng nhớ; chỉ thấy sắc không lành, chứ
không thấy sắc lành. Vì những nhân duyên này nên chỉ một mực nhận lãnh buồn khổ mà thôi.
Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối pháp cũng chỉ
thấy không đáng yêu, chứ không thấy đáng yêu; chỉ thấy việc không đáng nhớ, chứ không thấy
đáng nhớ; chỉ thấy pháp không lành, chứ không thấy pháp lành. Vì những nguyên nhân này nên
luôn luôn phải chịu buồn khổ.
"Này các Tỳ­kheo, có cõi trời gọi là Sáu xúc nhập xứ[95]. Chúng sanh sanh vào nơi này, mắt chỉ
thấy sắc đáng yêu, chứ không thấy sắc không đáng yêu; chỉ thấy sắc đáng nhớ, chứ không thấy
sắc không đáng nhớ; chỉ thấy sắc lành, chứ không thấy sắc không lành. Vì những nguyên nhân
này, nên luôn luôn chỉ cảm nhận vui thích mà thôi. Và tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi,
lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối với pháp là đáng yêu, chứ không phải không đáng
yêu; là đáng nhớ, chứ không phải không đáng nhớ; là lành, chứ không phải là không lành.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 211. THẾ GIAN NGŨ DỤC[96]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am­la của thầy thuốc Kỳ­bà Câu­ma­la tại Tỳ­xá­ly[97]. Bấy giờ
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Xưa kia, khi Ta chưa thành Chánh giác, ở một mình nơi thanh vắng, thiền định tư duy, quán sát
xem tự tâm phần nhiều hướng đến nơi nào? Tự tâm phần nhiều chạy theo năm công đức của dục
quá khứ, phần ít chạy theo năm công đức của dục hiện tại, lại càng rất ít chạy theo đời vị lai. Khi
255
Ta quán sát thấy tâm phần nhiều chạy theo năm dục quá khứ, bèn nỗ lực tìm phương tiện, tinh
cần tự giữ gìn, không để chạy theo năm công đức của dục quá khứ nữa.
"Do tinh cần tự giữ, nên Ta dần dần tiếp cận được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác[98].
"Này các Tỳ­kheo, các ông cũng phần nhiều chạy theo năm công đức của dục quá khứ, còn đối
với hiện tại, vị lai thì lại cũng rất ít. Hiện tại, các ông cũng nên vì tâm phần nhiều chạy theo năm
công đức của dục quá khứ đó, tăng cường tự phòng hộ, không bao lâu cũng sẽ chứng đắc lậu tận,
vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
Vì sao? Vì mắt thấy sắc làm nhân duyên sanh ra nội cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không
khổ không vui; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với pháp làm nhân duyên sanh ra nội cảm thọ,
hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Cho nên, các Tỳ­kheo, đối với những nhập xứ
này cần phải giác tri[99], khi mắt kia diệt, sắc tưởng sẽ lìa[100]; tai, mũi, lưỡi, thân, ý diệt thì
pháp tưởng sẽ lìa."
Phật nói cần phải nhận biết sáu nhập xứ rồi, liền vào thất tọa thiền.
Bấy giờ, có số đông Tỳ­kheo, sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, bàn luận như vầy:
"Thế Tôn đã vì chúng ta nói gọn pháp yếu, nhưng không phân tích đầy đủ mà đã vào thất tọa
thiền. Thế Tôn bảo rằng: 'Sáu nhập xứ cần phải giác tri; khi mắt kia diệt thì sắc tưởng sẽ lìa; tai,
mũi, lưỡi, thân, ý diệt thì pháp tưởng sẽ lìa.'
"Hiện tại, đối với pháp do Đức Thế Tôn đã nói gọn, chúng ta vẫn còn chưa hiểu. Nay ở trong
chúng này, ai là người có trí tuệ có thể vì chúng ta, đối với pháp đã được Đức Thế Tôn nói gọn
đó, mà vì chúng ta diễn nói đầy đủ nghĩa của nó?
"Họ lại nghĩ: 'Chỉ có Tôn giả A­nan, luôn luôn hầu Đức Thế Tôn, thường được Thế Tôn và các
vị phạm hạnh có trí khen ngợi. Chỉ có Tôn giả A­nan mới có thể vì chúng ta diễn nói lại nghĩa
pháp đã được Đức Thế Tôn nói gọn đó. Nay, chúng ta cùng nhau đến chỗ Tôn giả A­nan hỏi về ý
nghĩa quan trọng của chúng và theo những gì Tôn giả A­nan nói tất cả chúng ta sẽ phụng hành.'"
Bấy giờ, số đông chúng Tỳ­kheo, đi đến chỗ Tôn giả A­nan, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi qua
một bên, bạch Tôn giả A­nan:
"Tôn giả, nên biết cho, Đức Thế Tôn vì chúng tôi đã nói gọn pháp yếu, (chi tiết như đã nói ở
trên), xin Tôn giả vì chúng tôi nói đầy đủ nghĩa của chúng."
Tôn giả A­nan nói với các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các thầy mà nói về pháp đã được Đức Thế Tôn nói gọn
một cách đầy đủ nghĩa của chúng. Đức Thế Tôn đã nói tóm gọn chỉ cho việc diệt sáu nhập xứ,
còn những điều khác sẽ nói là nhãn xứ diệt thì sắc tưởng sẽ lìa; và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập xứ
256
diệt, thì pháp tưởng sẽ lìa. Đức Thế Tôn nói gọn pháp này xong vào thất thiền định. Nay tôi đã vì
các ông phân tích nghĩa này."
Tôn giả A­nan nói nghĩa này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Tôn giả đã nói, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 212. BẤT PHÓNG DẬT[101]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta không vì tất cả các Tỳ­kheo mà nói hành không buông lung[102], cũng chẳng phải không vì
tất cả các Tỳ­kheo mà nói hành không buông lung.
"Ta không nhắm đến những hạng Tỳ­kheo nào để nói hành không buông lung? Nếu Tỳ­kheo đã
chứng đắc A­la­hán, đã diệt tận các lậu, đã rời bỏ các gánh nặng, đã đạt được mục đích của
mình, đã tận trừ các kết sử hữu[103], tâm chánh giải thoát; đối với hạng Tỳ­kheo như vậy, Ta
không vì họ nói hạnh không buông lung. Vì sao? Vì các hàng Tỳ­kheo này đã hành không buông
lung, nên không thể nào hành buông lung nữa. Nay Ta thấy các Tôn giả kia đã đạt được quả
không buông lung, cho nên không phải vì họ mà nói hành không buông lung.
"Vì những hạng Tỳ­kheo nào mà nói hành không buông lung? Đó là hàng Tỳ­kheo còn ở học
địa, tâm, ý chưa được tăng thượng an ổn, hướng đến an trụ Niết­bàn. Đối với những hàng Tỳ­
kheo như vậy, Ta vì họ mà nói hành không buông lung. Vì sao? Vì hàng Tỳ­kheo này đang tập
học các căn, tâm còn ái lạc theo các phương tiện sinh sống, gần gũi bạn lành, chẳng bao lâu các
lậu được đoạn trừ, được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; ngay trong hiện tại tự tri tự tác
chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.'
"Vì sao? Vị kia, sau khi thấy sắc đáng được yêu thích và đắm trước được nhận thức bởi mắt; Tỳ­
kheo này thấy rồi, không vui, không khen ngợi, không nhiễm, không trói đắm vào. Vì không vui,
không khen ngợi, không nhiễm, không bị trói đắm vào, nên nỗ lực tinh tấn, thân tâm an chỉ, tịch
tĩnh, tâm tuyệt đối an trụ không quên, thường định nhất tâm, pháp hỷ không lường, sớm được
tam­muội Chánh thọ đệ nhất, không bao giờ bị thoái thất theo nơi mắt và sắc. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý và pháp cũng lại như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 213. PHÁP[104]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
257
"Ta sẽ vì các ông diễn nói hai pháp. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Hai pháp đó là gì? Nhãn và
sắc là hai: tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp là hai. Đó gọi là hai
pháp.
"Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào nói như vầy: 'Đây chẳng phải là hai. Hai pháp mà Sa­môn Cù­
đàm nói, đó thật sự không phải là hai[105].' Người kia nói hai pháp theo ý của mình, đấy chỉ có
trên ngôn thuyết; khi hỏi đến thì sẽ không biết, khiến sẽ tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đây
chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên vào mắt và sắc sanh ra nhãn thức, cả ba hòa
hợp duyên lại thành xúc, duyên vào xúc sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ
không vui. Nếu không biết như thật về sự tập khởi của cảm thọ, về sự diệt tận của cảm thọ, về vị
ngọt của cảm thọ, về sự tai hại của cảm thọ, về sự xuất ly cảm thọ này, thì sẽ gieo trồng tham dục
nơi thân xúc, sẽ gieo trồng sân nhuế nơi thân xúc, sẽ gieo trồng giới thủ về thân xúc, sẽ gieo
trồng ngã kiến nơi thân xúc; cũng gieo trồng và làm tăng trưởng các ác pháp bất thiện. Thuần
một tụ khổ lớn như vậy, đều từ sự tập khởi mà sanh ra. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp
làm nhân duyên sanh ra ý thức. Cả ba chúng hòa hợp sanh ra xúc, nói chi tiết như trên.
"Lại nữa, khi nhãn duyên vào sắc sanh ra nhãn thức, cả ba chúng hòa hợp sanh ra xúc và xúc làm
duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui. Khi đã biết về sự tập
khởi của cảm thọ, về sự diệt tận của cảm thọ, về vị ngọt của cảm thọ, về sự tai hại của cảm thọ,
về sự xuất ly của cảm thọ như vậy rồi, thì sẽ không gieo trồng tham dục nơi thân xúc, sẽ không
gieo trồng sân nhuế nơi thân xúc, sẽ không gieo trồng giới thủ nơi thân xúc, sẽ không gieo trồng
ngã kiến về thân xúc, sẽ không gieo trồng các pháp ác bất thiện. Như vậy các pháp ác bất thiện sẽ
bị tiêu diệt và thuần một tụ khổ lớn cũng bị tiêu diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp lại
cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 214. NHỊ PHÁP[106]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có hai nhân duyên sanh ra thức. Những gì là hai? Đó là: mắt và sắc; tai và mũi; lưỡi và vị; thân
và xúc; ý và pháp. Nói chi tiết như trên, cho đến... chẳng phải là cảnh giới của thọ.
"Vì sao? Vì mắt và sắc làm nhân duyên sanh ra nhãn thức, chúng là pháp hữu vi, vô thường, tâm
duyên mà sanh; ba pháp này hòa hợp sanh ra xúc, xúc rồi sanh cảm thọ, cảm thọ rồi sanh tư, tư
rồi sanh tưởng. Tất cả những pháp này là pháp hữu vi, vô thường, tâm duyên mà sanh, tức là:
xúc, tưởng, tư. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 215. PHÚ­LƯU­NA[107]
258
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả Phú­lưu­na
cùng các Tỳ­kheo đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch
Phật:
"Thế Tôn nói pháp hiện thấy, nói dập tắt sự rực cháy, nói không đợi thời, nói hướng đạo chân
chánh, nói chính nơi đây mà thấy, nói duyên tự tâm mà giác ngộ[108]. Vậy, bạch Thế Tôn thế
nào là pháp hiện thấy, cho đến duyên tự tâm mà giác ngộ?
Phật bảo Phú­lưu­na:
"Lành thay! Phú­lưu­na có thể hỏi những điều này. Này Phú­lưu­na, hãy lắng nghe và suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Này Phú­lưu­na, mắt thấy sắc rồi giác tri[109] sắc, giác tri sắc tham. Nếu bên trong ta có sự
tham ái đối với sắc được nhận thức bởi mắt, thì biết như thật rằng bên trong ta có sự tham ái đối
với sắc được nhận thức bởi mắt. Này Phú­lưu­na, nếu mắt thấy sắc rồi giác tri sắc, giác tri sắc
tham, biết như thật rằng bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Đó gọi là
pháp được hiện thấy[110].
"Thế nào là dập tắt sự rực cháy? Thế nào là không đợi thời? Thế nào là hướng đạo chân chánh?
Thế nào là chính nơi đây mà thấy? Thế nào là duyên tự tâm mà giác ngộ?
"Này Phú­lưu­na, mắt thấy sắc rồi giác tri sắc, nhưng không khởi giác tri sắc tham; biết như thật
rằng bên trong ta có sự tham ái đối với sắc được nhận thức nhưng không khởi giác tri sắc tham.
Nếu Tỳ­kheo, Phú­lưu­na, khi mắt thấy sắc, rồi giác tri sắc, không khởi giác tri sắc tham và biết
như thật về sắc, biết như thật là không khởi giác tri sắc tham; gọi đó là dập tắt sự rực cháy,
không đợi thời, hướng đạo chân chánh, chính nơi đây mà thấy, duyên tự tâm mà giác ngộ. Tai,
mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo Phú­lưu­na nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 216. ĐẠI HẢI[111]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nói biển lớn, đó là lời nói của người ngu nói, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Biển lớn
này chỉ là một ít nước thôi. Biển mà Thánh nói là cái gì? Đó là, sắc được nhận thức bởi mắt,
đáng mong muốn, đáng yêu thích, chìm đắm tham lạc liên hệ nghiệp thân, khẩu, ý[112]; đó gọi
là biển. Tất cả thế gian bao gồm chúng A­tu­la, cho đến trời, người tham lạc chìm đắm trong đó.
Như trong ruột chó, như đống cỏ loạn[113]; đời này và đời khác được nối kết chằng chịt lại cũng
259
như vậy. Đối với tiếng được nhận thức bởi tai, mùi được nhận thức bởi mũi, vị được nhận thức
bởi lưỡi, xúc được nhận thức bởi thân, đời này và đời khác được nối kết chằng chịt lại cũng như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như nói về nghiệp thân, miệng, ý; tham, nhuế, si, già, bệnh, chết cũng nói chi tiết như vậy.
Giống như ba kinh nói về năm căn, ba kinh nói về sáu căn cũng như vậy.
KINH 217. ĐẠI HẢI (2)[114]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nói biển lớn, đó là lời nói của người ngu nói, chứ không phải là lời nói của bậc Thánh. Bậc
Thánh nói mắt là biển lớn của con người và sắc kia là sóng cả[115]. Nếu người nào chịu nổi sắc
ba đào, thì sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng
độc hại và nữ quỷ La­sát. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; chúng là biển cả của con người, âm thanh, mùi
hương, vị, xúc chạm và pháp là sóng cả. Nếu ai kham chịu nổi pháp ba đào này, thì sẽ vượt qua
bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại và nữ quỷ Lasát."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đọc bài kệ:
Biển cả sóng cuồn cuộn,
Quỷ, ác trùng, ghê sợ.
Khó vượt nhưng vượt được;
Vĩnh viễn đoạn tập khởi,
Dứt trừ tất cả khổ,
Không tái sanh đời khác.
Vĩnh viễn trụ Niết­bàn,
Không còn buông lung nữa.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
260
KINH 218. KHỔ TẬP DIỆT[116]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ vì các ông mà nói về con đường dẫn đến tập khởi của khổ và con đường dẫn đến diệt
tận khổ[117]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là con đường dẫn đến tập khởi khổ? Do duyên con mắt và sắc, nhãn thức phát sanh; ba
sự hòa hợp sanh ra xúc; xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên
sanh, sanh duyên già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Khổ tập khởi như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là con đường tập khởi của khổ.
"Thế nào là con đường dẫn đến diệt tận khổ? Do duyên con mắt và sắc, nhãn thức phát sanh; ba
sự hòa hợp sanh ra xúc. Xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì
hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng diệt luôn,
thuần một tụ khổ lớn như vậy bị tiêu diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Đó gọi là
con đường đưa đến sự diệt tận của khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 219. NIẾT­BÀN ĐẠO TÍCH[118]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về con đường đưa đến Niết­bàn[119]. Vậy, thế nào là con đường đưa đến Niếtbàn? Quán sát mắt là vô thường. Quán sát sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi
khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; chúng cũng đều là
vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là con đường đưa đến Niếtbàn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 220. TỢ THÚ NIẾT­BÀN ĐẠO TÍCH[120]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có con đường tương tợ đưa đến Niết­bàn. Vậy, thế nào là con đường tương tợ đưa đến Niếtbàn? Quán sát mắt chẳng phải ngã. Quán sát sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và
261
phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, chúng cũng
được quán sát là vô thường[121]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là con
đường tương tợ đưa đến Niết­bàn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 221. THỦ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có con đường đưa đến tất cả thủ. Vậy, thế nào là con đường đưa đến tất cả thủ? Duyên con mắt
và sắc mà nhãn thức phát sanh; cả ba hòa hợp sanh ra xúc. Xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, thọ
duyên ái, ái duyên thủ, vì được chấp thủ bởi thủ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng vậy, vì
được chấp thủ bởi thủ. Đó gọi là con đường đưa đến tất cả thủ.
"Thế nào là con đường đoạn tận tất cả thủ? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; cả ba
hòa hợp nhau sanh ra xúc. Nếu xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt. Đối
với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 222. TRI THỨC[122]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nên biết tất cả pháp được liễu tri, tất cả pháp được nhận thức[123]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
Thế nào là tất cả pháp được liễu tri? Tất cả pháp được nhận thức? Này các Tỳ­kheo, mắt là pháp
được liễu tri, được nhận thức. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc
thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều là pháp được
liễu tri, được nhận thức. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 223. ĐOẠN (1)[124]
Tôi nghe như vầy:
262
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta không nói có một pháp không được liễu tri, không được nhận thức, mà có thể cứu cánh biên
tế khổ. Thế nào là không nói có một pháp không được liễu tri, không được nhận thức, mà cứu
cánh biên tế khổ? Ta không nói, đối với mắt không được liễu tri, không được nhận thức, mà có
thể cứu cánh biên tế khổ. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ
được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, Ta không nói không được liễu tri,
không được nhận thức, mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng
như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 224. ĐOẠN (2)[125]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ[126]. Vậy, thế nào là tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ? Mắt
là tất cả pháp dục cần phải đoạn trừ. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ
phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, chúng là tất cả pháp dục
cần phải đoạn trừ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 225. ĐOẠN (3)[127]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta không nói rằng một pháp không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế
khổ. Vậy, thế nào là không nói rằng một pháp không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể
cứu cánh biên tế khổ? Ta không nói mắt không được biết rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu
cánh biên tế khổ. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm
thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng, Ta không nói, không được biết
rõ, không bị đoạn trừ mà có thể cứu cánh biên tế khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 226. KẾ (1)[128]
263
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về sự đoạn trừ tất cả kế chấp[129]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các
ông mà nói.
"Thế nào là không kế chấp? Không chấp sắc thấy là ngã, không chấp mắt là ngã sở, không chấp
lệ thuộc vào nhau. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được
cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng không mê chấp lạc là
ngã, là ngã sở, không chấp là tương thuộc[130]. Không chấp tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy.
"Người nào không chấp như vậy, đối với các pháp thế gian thường không có gì để chấp giữ. Vì
không có gì để chấp giữ nên không có gì để đắm nhiễm. Vì không có gì để đắm nhiễm nên tự
mình giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong,
tự biết không còn tái sanh đời sau nữa'."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 227. KẾ (2)[131]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Kế chấp là bệnh, kế chấp là ung nhọt, kế chấp là gai nhọn[132]. Như Lai vì không trụ kế chấp
nên xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn. Cho nên này các Tỳ­kheo, nếu muốn cầu không
trụ kế chấp, để xa lìa bệnh, xa lìa ung nhọt, xa lìa gai nhọn, thì Tỳ­kheo các ông chớ kế chấp mắt
là ngã, là ngã sở, chớ kế chấp tương thuộc của mắt; chớ chấp sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ
thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc,
cũng không chấp cho là ngã, là ngã sở, hay ở trong nhau. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng
như vậy.
Này các Tỳ­kheo, người nào không chấp như vậy, đối với mắt sẽ không có gì để chấp giữ. Vì
không có gì để giữ, nên không có gì để đắm nhiễm. Vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình
giác ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như mắt... đã nói trên, còn tất cả những nội dung khác cũng như vậy.
264
KINH 228. TĂNG TRƯỞNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về pháp tăng trưởng và pháp tổn diệt. Thế nào là pháp tăng trưởng? Duyên con
mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh; cả ba hòa hợp nhau sanh ra xúc. Xúc làm duyên sanh ra cảm
thọ... (nói chi tiết đầy đủ cho đến...), thuần một tụ khổ lớn. Đó gọi là pháp tăng trưởng. Đối với
tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy, đó gọi là pháp tăng trưởng.
"Thế nào là pháp tổn diệt? Duyên con mắt và sắc mà nhãn thức phát sanh, cả ba hòa hợp nhau
sanh ra xúc. Xúc diệt thì thọ diệt, chi tiết cho đến... thuần một tụ khổ lớn bị diệt tận. Đối với tai,
mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy, đó gọi là pháp tổn diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như pháp tăng trưởng và tổn diệt, thì pháp khởi, pháp xứ, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp
diệt tận cũng dạy như trên.
KINH 229. HỮU LẬU VÔ LẬU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và pháp vô lậu. Vậy, thế nào là pháp hữu lậu? Sắc, nhãn thức và
cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân
duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và
phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc; thuộc thế tục, nên
gọi là pháp hữu lậu.
"Thế nào là pháp vô lậu? Là vượt ra ngoài thế gian ý, hoặc pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với
khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc,
thuộc xuất thế gian, nên gọi là pháp vô lậu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Ấn Thuận, tụng 2: Lục nhập xứ, một tương ưng duy nhất: "2 Tương ưng Nhập xứ", gồm
hai trăm tám mươi lăm (285) kinh (Đại Chánh hai trăm năm mươi sáu (256) kinh: 188­342).
265
Phần lớn tương đương Pāli, S. 35. Salāyatana­samyutta. Đại Chánh, quyển 8, kinh 188, tương
đương Pāli, S. 35. 157­158 Nandikkhaya; S. 35. 170­81. Yadanicca; 35. 185 Ajjhata.
[2]. Pāli: nandirāgakkhayā cittaṃ suvimuttan ti vuccati, do hỷ tham bị đoạn tận nên tâm được
nói là hoàn toàn giải thoát.
[3]. Pāli, S. 35. 157­158. Nandikkhaya.
[4]. Pāli: yoniso manasikāro, như lý tác ý.
[5]. Pāli, S. 35. 26­27. Parijānanā.
[6]. Bất thức, bất tri, bất đoạn, bất ly dục 不識,不知,不斷,不離欲. Pāli: anabhijānaṃ
aparijānaṃ avirājayaṃ appajahaṃ, không thắng tri, không biến tri, không ly dục, không đoạn
trừ.
[7]. Nội dung gần với kinh trên.
[8]. Xem cht.6 kinh 190.
[9]. Pāli, S. 35. 21­22. Uppādena.
[10]. Tham chiếu kinh 194.
[11]. Pāli, S. 35. 19­20. Abhinandena.
[12]. Pāli: yo bhikkhave cakkhuṃ abhinandati dukkhaṃ so abhinandati, ai thích sắc thì người
đó thích khổ.
[13]. Pāli, S. 35. 1­12. Anicca v.v...
[14]. Pāli, S. 35. 43. Anicca.
[15]. Trong bản Pāli: sabbaṃ bhikkhave aniccam.
[16]. Pāli: cakkhusam phasso anicco, xúc của con mắt là vô thường.
[17]. Pāli: cakkhusam phassa paccayā, do bởi duyên là xúc của con mắt.
[18]. Cf. S. 35. 44. Dukkha.
[19]. S. 35. 85. Suñña.
[20]. S. 35. 45. Anattā.
266
[21]. S. 35. 40. Vaya; Pāli: sabbam bhikkhave vaya­dhammam: tất cả đều là pháp hoại diệt. Bản
Hán hiểu là mayakammam (nghiệp hư vọng).
[22]. S. 35. 39. Khaya.
[23]. S. 35. 33. Jāti.
[24]. S. 35. 34. Jarā.
[25]. S. 35. 35. Vyādhi.
[26]. S. 35. 36. Maraṅa.
[27]. S. 35. 37. Soko.
[28]. S. 35. 38. Saṃkilesa.
[29]. S. 35. 41. Samudaya.
[30]. S. 35. 42. Nirodha.
[31]. S. 35. 46. Abhiññeyya (cần được thắng tri).
[32]. S. 35. 49. 47. Pariññeyya (Biến tri).
[33]. S. 35. 48. Pahātabba.
[34]. S. 35. 50. Abhiññāpariññeyya.
[35]. S. 35. 49. Sacchikātabba.
[36]. S. 35. 28. Āditta.
[37]. Pāli, S. 35. 28. Āditta.
[38]. Già­xà Thị­lợi­sa chi­đề. Pāli: gayāyaṃ viharati gayāsīse, trú tại thôn Gāya, trên núi
Gàyasìsa (Tượng đầu sơn).
[39]. Tam chủng thị hiện giáo hóa 三種示現教化; cũng gọi là tam thị đạo 三示道, Xem Tập Dị
Môn Túc Luận 3: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo; xem Trường A­hàm kinh
24. Xem D. 11. Kevaddha, tīṇi pāṭihāriyāni: iddhi­pāṭihāriyaṃ, ādesanā­pāṭihāriyaṃ, anusāsanipāṭihāriyaṃ.
[40]. Thiền định chánh thọ 禪定正受, hay tam­muội chánh thọ, tam­muội đẳng chí, chỉ năng
lực thiền định. Pāli: samādhi­samāpatti.
267
[41]. Hỏa tam­muội 火三昧, năng lực thiền định làm thân thể bốc lửa.
[42]. Pāli: sabbaṃ bhikkhave ādittaṃ.
[43]. Pāli, S. 18. 21. Anusaya (tùy miên); 22. 91. Rāhula.
[44]. Pāli: imasmiṃ savīññāṇahe kāye, trong thân có thức này.
[45]. Ngã ngã sở ngã mạn sử hệ trước, 我我所我慢使繫著. Pāli: ahaṃkā­mamaṃkāramānānusayā, các tùy miên tác thành ý tưởng về tôi, về của tôi.
[46]. Vô gián đẳng 正無間等. Pāli: abhisamaya, hiện quán hay hiện chứng; xem cht.67, kinh
23.
[47]. Gồm bảy kinh: 1. Ngoại nhập xứ; 2. Nhãn thức v.v...; 3. Nhãn xúc v.v...; 4. Thọ sanh bởi
nhãn xúc v.v...; 5. Tưởng sanh bởi nhãn xúc v.v...; 6. Tư sanh bởi nhãn xúc v.v...; 7. Ái sanh bởi
nhãn xúc v.v...
[48]. Pāli, S. 18. 22. Apagata; 22. 92. Rāhula.
[49]. Việt ư nhị 越於二; đây chỉ vượt qua hai mạn tùy miên: ngã mạn và ngã sở mạn. Pāli:
ahaṃkāra­mamaṃakāra­mānāpagtaṃ mānasaṃ hoti vidhā samatikkantaṃ santaṃ suvimuttnti, ý
thoát ly ngã mạn và ngã sở mạn, vượt ngoài các tướng trạng sai biệt, an tĩnh, giải thoát.
[50]. Trong để bản: thọ 受 . Theo kinh 198 trên, sửa lại cho đủ bảy kinh.
[51]. Pāli, S. 35. 121. Rāhula.
[52]. Trong bản, tộc tánh tử 族姓子.
[53]. Trong bản Pāli (S. 35. 121), Phật nhận xét: paripakkā kho rāhulassa vimuttaparipācaniyā
dhammā; yaṃ nūnāhaṃ rāhulaṃ uttariṃ āsavānaṃ khaye vineyyan ti, đối với Rāhula, các pháp
cần thành thục đã được thành thục; vậy Ta hãy hướng dẫn Rāhula vào trong lậu tận vô thượng.
[54]. Ni­đà­na 尼陀那. Pāli: nidāna, nhân duyên, hay nguyên nhân, mối quan hệ, hay nguồn
gốc phát sanh của một cái gì.
[55]. Nguyên bản: hậu trụ 後住, Ấn Thuận sửa lại tuấn thâu 浚收 chảy rót vào.
[56]. Xem cht.53 trên.
[57]. Pāli, S. 35. 53­59. Avijjā v.v...
[58]. Pāli, S. 35. 56: āsāva pahīyantīti, các lậu bị đoạn trừ.
268
[59]. Pāli, S. 35. 54. Saṃyojana­pahānaṃ, đoạn trừ kết sử.
[60]. Pāli, S. 35. 55. Saṃyojana­samugghātaṃ, đoạn triệt kết sử.
[61]. Sử 使, hay tùy miên 隨眠, Pāli: anusaya.
[62]. Tùy phiền não, 隨煩惱 , nguyên Hán: thượng phiền não 上煩惱. Pāli: upakilesa.
[63]. Kết, 結 đây chỉ bốn phược hay bốn thân hệ; Trường A­hàm, kinh 9, Tập Dị Môn Túc
Luận: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thủ thân hệ (ràng buộc với thân), thử thật chấp thủ
thân hệ (chấp thủ cái này là có thật); D. 33. Saṅgiti: cattā āro ganthā, abhijjhā­kāya­ganho,
vyāpādo kāya­gantho, sīlabbata­parāmāso kāyagantho, idaṃcābhiniveso kāyagantho.
[64]. Chư lưu 諸流 có lẽ chỉ bốn bộc lưu (dòng xoáy), Trường A­hàm kinh 9: "Chúng tập": dục
bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Pāli, D. 33. Saṅgitī: cattāro oghā, kāmogho
bhavogho diṭṭhogho avijjogho.
[65]. Có bốn ách: dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. Pāli: cattāro yogā, kāma­yogo,
bhava­yogo, diṭṭhi­yogo, avijja­yogo.
[66]. Bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Pāli: cattāri upādānāni,
kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ, sīlabbatūpādānaṃ, attavādūpādānaṃ.
[67]. Pāli, S. 35. 166. Attano.
[68]. Có thể đoạn một pháp. Pāli, S. 35. 79­80: Avijjāpahāna.
[69]. Kỳ­bà Câu­ma­la dược sư 耆婆拘摩羅藥師. Pāli: Jīvaka­Komāra­bhaccambavana, vườn
xoài của nhi khoa y sư Jīvaka.
[70]. Pāli: atthi... eko dhammo yassa pahānā bhikkhuno avijjā pahīyati, có một pháp mà Tỳ­
kheo nào đoạn trừ, vô minh bị đoạn trừ.
[71]. Pāli, S. 35. 79: avijjā pahīyati, vijjā uppajjati, vô minh bị đoạn trừ, minh sinh khởi. Bản
Hán đọc là: avijjāvirago, ly tham đối với vô minh.
[72]. Xem kinh 203 trên.
[73]. Xem cht.69, kinh 203.
[74]. Pāli: udāna, cảm hưởng, tự thuyết.
[75]. Xem cht.69, kinh 203.
[76]. Dị phần 異分. Pāli: aññathābhāvi (biến thái).
269
[77]. Pāli, S. 35. 160. Jīvakambavane; 35. 100. Paṭisallānā.
[78]. Trong bản Pāli, khu vườn này tại thành Vương xá: Rājagahe... Jīvakambavane.
[79]. Phương tiện thiền tư, 方便禪思 chuyên cần tu tập ở nơi thanh vắng, chuyên tâm tu tập
trầm tư mặc tưởng. Pāli: paṭisallāne bhikkhave yogam āpajjatha.
[80]. Như thật tri hiển hiện 如實知顯現. Pāli: yathābhūtaṃ pakkhayati, được hiển hiển một
cách trung thực (như thực).
[81]. Pāli, S. 35. 159. Jīvakambavane; 35. 99. Samādhi.
[82]. Xem cht.69, kinh 203.
[83]. Pāli: samāhito bhikkhave bhikkhu yathābhūtaṃ pajānāti, Tỳ­kheo tập trung tư tưởng, thì
nhận thức một cách như thật.
[84]. Pāli, S. 35. 10­12. Anicca,v.v...
[85]. Xem cht.69, kinh 203.
[86]. Hán: hướng yếm 向厭, Ấn Thuận sửa lại: hướng diệt 向滅, hướng đến diệt tận.
[87]. Pāli, hai kinh: S. 35. 8: Dukkham, 35. 9: Anattā.
[88]. Pāli, ba kinh: S. 35. 10: Bāhirāniccā; 35. 11: Bāhirādukkhā; 35. 12: Bāhirānattā.
[89]. Pāli, S. 35. 71­73. Chaphassāyatanikā (Sáu xúc xứ).
[90]. Xem cht.69, kinh 203.
[91]. Pāli, S. 35. 135. Saṅgayha (Chấp trước).
[92]. Xem cht.69, kinh 203.
[93]. Pāli: lābhā vo, bhikkhave, suladdhaṃ vo, bhikkhave, khaṇo vo paṭiladdho
brahmacariyavāsāya, các Tỳ­kheo, đây là điều lợi đắc của các ngươi; đây là điều thiện lợi của
các ngươi. Các Tỳ­kheo, các ngươi có cơ hội để sống cuộc đời phạm hạnh.
[94]. Lục xúc nhập xứ, 六觸入處, tên gọi một địa ngục. Pāli: diṭṭhā mayā bhikkhave
chaphassāyatanikā nāma nirayā. Này các Tỳ­kheo, Ta thấy có địa ngục tên là Sáu xúc xứ.
[95]. Pāli: chaphassāyatanikā nāma saggā.
[96]. Pāli, S. 35. 117. Lokakāmaguṇa.
270
[97]. Xem cht.69, kinh 203.
[98]. Trong nguyên bản, a­nậu­đa­la tam­miệu­tam­bồ­đề 阿耨多羅三藐三菩提.
[99]. Pāli: se āyatane veditabbe, các xứ này cần được biết rõ.
[100]. Pāli: cakkhu ca nirujjhati, rūpasaññā ca nirujjhati, mắt bị diệt và sắc tưởng bị diệt.
[101]. Không buông lung. Pāli, S. 35. 134. Devadahakhaṇa.
[102]. Pāli: nāhaṃ, bhikkhave, sabbesaṃyeva bhikkhūnaṃ chasu phassāyatanesu appamādena
karaṇīyanti vadāmi, các Tỳ­kheo, Ta không nói rằng hết thảy các Tỳ­kheo cần phải thực hành
không buông lung nơi sáu xúc xứ.
[103]. Hán: hữu kết, 有結 chỉ các phiền não dẫn đến tái sanh. Pāli: bhavasaṃyojana.
[104]. Pāli, S. 35. 92. Dvayaṃ.
[105]. Pāli: aham etaṃ dvayaṃ paccakhāya aññaṃ dvayaṃ paññapessamī ti, "Tôi loại bỏ qua hai
pháp này mà sẽ công bố hai pháp khác".
[106]. Pāli, S. 35. 93. Dvayaṃ.
[107]. Pāli, S. 35. 88. Puṇṇa.
[108]. Hán: hiện pháp, xí nhiên, bất đãi thời, chánh hướng, tức thử kiến, duyên tự giác 現法,
熾然, 不待時, 正向, 即此見, 緣自覺; các phẩm tính của Chánh pháp; định cú theo Pāli:
svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhikio akāliko ehi­passiko opnayiko paccattaṃ veditabbo
viññuhī ti. Hán dịch, Phẩm Loại Túc Luận 2: thiện thuyết, hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo,
cận quán, trí giả nội chứng; tham chiếu Du­già Sư Địa Luận 8 (Đại 30, tr.766c): hiện kiến, vô xí
nhiên, ứng thời, dẫn đạo, duy thử kiến, nội sở chứng.
[109]. Giác tri 覺知, tức được cảm thọ, cảm nhận. Pāli: vedayita.
[110]. Hiện kiến pháp 現見法, ở trên Hán dịch là hiện pháp. Pāli: sandiṭṭhiko.
[111]. Pāli, S. 35. 188. Samudda.
[112]. Pāli: cakkhuviññeyyā rūpā iṭṭhā (...) kāmūpasaṃhitā, sắc được nhận thức bởi mắt, khả ái...
liên hệ đến dục. Bản Hán đọc: kammūpasaṃhitā, liên hệ nghiệp.
[113]. Pāli: tantākulakajātā kulagaṇṭhikajātā muñjapabbajabhutā, giống như cuộn chỉ rối, như vật
sình thối được che đậy, như cỏ muñja, cỏ pabbaja.
271
[114]. Pāli, S. 35. 187. Samudda.
[115]. Pāli: tassa rūpamayo vego, dòng nước chảy xiết của nó được tạo thành bởi sắc.
[116]. Pāli, S. 35. 106. Dukkha.
[117]. Khổ tập đạo tích, khổ diệt đạo tích 苦集道跡, 苦滅道跡. Pāli: dukkhassa bhikkhave
samadayañ ca atthaṅgamañ ca dessāmi, Ta sẽ nói về sự nổi lên và sự chìm xuống (sanh khởi và
diệt tận) của khổ.
[118]. Pāli, S. 35. 146. Sappāya (thể nghiệm).
[119]. Niết­bàn đạo tích 涅槃道跡. Pāli: nibbānasappāyaṃ vo bhikkhace paṭipadaṃ dessāmi, Ta
sẽ nói về con đường dẫn đến thể nghiệm Niết­bàn.
[120]. Con đường tương tợ (gần giống) dẫn đến Niết­bàn. Pāli, S. 35. 147­149. Sappāya.
[121]. Trong nguyên bản: vô thường 無常, Ấn Thuận sửa lại là phi ngã 非我
[122]. Pāli, S. 35. 26­27. Parijāna.
[123]. Tri pháp, thức pháp, 知法, 識法. Bản Pāli: anabhijānaṃ, aparijānaṃ: không được thắng tri
(nhận thức rõ ràng), không được biến tri (nhận thức toàn diện).
[124]. Pāli, xem kinh 222.
[125]. Pāli, S. 35. 24­25. Pahāna.
[126]. Hán: nhất thiết dục pháp 一切欲法. Bản Pāli: sabbappahānāya vo bhikkhave dhammaṃ
dessāmi, Ta sẽ nói cho các ngươi pháp cần để đoạn trừ triệt để.
[127]. Pāli, xem kinh 224.
[128]. Tức phân biệt chấp trước. Pāli, S. 35. 90­91. Eja (dao động, bị kích thích bởi sự dụ hoặc).
[129]. Pāli: ejā, sự dao động. Sớ giải Pāli nói, ejā tức taṇhā (khát ái).
[130]. Hán: bất kế lạc tương lạc 不計樂相樂, xem kinh 227. Pāli: tasmimpi na maññeyya taṃ
meti na maññeyya: không ở nơi đây (khổ, lạc) mà tư duy; không y theo đây mà tư duy; cũng
không tư duy nó là của tôi.
[131]. Pāli, xem kinh 226.
272
[132]. Kế giả thị bệnh 計者是病. Pāli: ejā bhikkhave rogo ejā gaiḍo ejā sallaṃ, động tham (kích
thích bởi tham dục) là bệnh; động tham là gai nhọn; động tham là mũi tên độc. Xem cht.129,
kinh 226 trên.
273
TẠP A-HÀM QUYỂN 9
KINH 230. TAM­DI­LY­ĐỀ (1)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có một Tỳ­kheo tên
là Tam­di­ly­đề đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?"
Phật bảo Tam­di­ly­đề:
"Con mắt, sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được
cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý
xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi
nhân duyên ý xúc. Đó gọi là thế gian. Vì sao? Vì sáu nhập xứ tập khởi nên xúc tập khởi, như vậy
cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng tập khởi.
"Này Tam­di­ly­đề, nếu không có con mắt kia, không có sắc, không có nhãn thức, không có
nhãn xúc và không có cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong
phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc; không có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc và cảm
thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên
ý xúc, thì không có thế gian, cũng không thi thiết thế gian[2]. Vì sao? Vì sáu nhập xứ diệt nên
xúc diệt, cho đến thuần một tụ khổ lớn cũng diệt."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo Tam­di­ly­đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
Như thế gian, chúng sanh, cũng được thuyết như vậy.
KINH 231. TAM­DI­LY­ĐỀ (2)[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Tam­di­ly­đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, gọi là thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế gian?"
Phật bảo Tam­di­ly­đề:
"Mong manh tan vỡ[4], đó gọi là thế gian. Thế nào là mong manh tan vỡ?[5]
"Này Tam­di­ly­đề, mắt là pháp mong manh tan vỡ. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với
khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn
274
xúc, tất cả chúng đều mong manh tan vỡ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó là
nói rằng vì nó mong manh tan vỡ cho nên gọi là thế gian."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo Tam­di­ly­đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 232. KHÔNG[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Tam­di­ly­đề, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nói rằng 'Thế gian trống không[7].' Vậy, thế nào gọi là 'Thế gian trống
không'?"
Phật bảo Tam­di­ly­đề:
"Mắt là không; pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không; ngã sở là không[8]. Vì
sao? Vì tánh của nó tự là như vậy. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và
phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng
cũng không, pháp thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch là không, ngã sở là không. Vì sao? Vì
tánh của nó tự như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Đó gọi là thế gian
không."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo Tam­di­ly­đề nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 233. THẾ GIAN[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về thế gian, về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận thế gian, về con đường đưa
đến sự diệt tận thế gian. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
"Thế nào là thế gian? Đó là sáu nội nhập xứ. Những gì là sáu? Nhãn nội nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý nội nhập xứ.
"Thế nào là sự tập khởi thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước
vọng tái sanh chỗ này chỗ kia[10].
275
"Thế nào là sự diệt tận thế gian? Đó là tham ái đối hữu tương lai, đi đôi với tham và hỷ, ước
vọng tái sanh chỗ này chỗ kia, đã được đoạn trừ không dư tàn, đã xả bỏ, đã nhả ra, đã dứt sạch,
đã ly dục, tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ.
"Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận? Là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh
ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 234. THẾ GIAN BIÊN[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế của thế giới[12]. Ta cũng không nói là không
đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh tận cùng biên tế của khổ."
Ngài nói như vậy rồi vào thất thiền định.
Sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, thì bấy giờ có số đông Tỳ­kheo cùng nhau bàn luận:
"Đức Thế Tôn vừa rồi đã tóm lược nói pháp là: 'Ta không nói là có người đi đến tận cùng biên tế
của thế giới. Ta cũng không nói là không đi đến tận cùng biên tế của thế giới mà có thể cứu cánh
tận cùng biên tế của khổ.' Ngài nói như vậy rồi vào thất thiền định. Nay chúng ta chưa hiểu rõ ý
nghĩa của bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Ở trong các vị, ai là người có thể vì
chúng ta nói đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó không?"
Lại nói:
"Chỉ có Tôn giả A­nan là người thông minh, trí tuệ ghi nhớ tất cả; thường theo hầu bên cạnh Thế
Tôn và được Thế Tôn và các vị phạm hạnh có trí khen ngợi là đa văn, có thể vì chúng ta mà nói
đầy đủ ý nghĩa bài pháp mà Đức Thế Tôn đã nói tóm lược đó. Chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả
A­nan nhờ Tôn giả giải thích."
Rồi thì, số đông Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả A­nan, thăm hỏi nhau rồi ngồi qua một bên, đem hết
mọi chuyện trên hỏi Tôn giả A­nan.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các Tôn giả mà nói. Hoặc là thế gian, hoặc là danh của
thế gian, giác của thế gian, ngôn từ của thế gian, ngữ thuyết của thế gian, tất cả những thứ này
đều thuộc vào số mục của thế gian[13]. Thưa các Tôn giả, mắt là thế gian, là danh của thế gian,
là giác của thế gian, là ngôn từ của thế gian, là ngữ thuyết của thế gian, tất cả chúng đều thuộc
vào số mục của thế gian. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử đối với sáu
276
nhập xứ phải biết như thật về sự tập khởi, về sự diệt tận, về vị ngọt, về sự tai hại, về sự xuất ly
của chúng. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đã đến chỗ tận cùng của thế giới, biết được thế gian và
sức nặng của thế gian[14] và vượt qua khỏi thế gian."
Bấy giờ Tôn giả A­nan lại nói kệ:
Chẳng phải do bước đi,
Mà đến bờ thế giới.
Không đến bờ thế giới,
Thì không thoát khỏi khổ.
Cho nên Đức Mâu­ni,
Là Đấng Biết Thế Gian[15],
Đã đến bờ thế giới,
Các phạm hạnh đã lập.
Bờ thế giới chỉ có
Chánh trí mới biết rõ.
Giác tuệ đạt thế gian,
Nên nói vượt bờ kia.
"Như vậy các Tôn giả, vừa rồi Đức Thế Tôn đã tóm lược bài pháp, rồi vào thất thiền định. Nay
tôi vì các Tôn giả phân biệt nói đầy đủ."
Khi Tôn giả A­nan nói bài pháp này rồi, số đông các Tỳ­kheo nghe những lời nói xong, hoan hỷ
phụng hành.
KINH 235. CẬN TRỤ[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có thầy, có đệ tử gần gũi, là khổ đối với đời sống cô độc. Không thầy, không đệ tử gần gũi, là
an lạc đối với đời sống cô độc[17]. Thế nào là có thầy, có đệ tử gần gũi, là khổ đối với đời sống
cô độc? Duyên vào mắt thấy sắc, sanh ra các niệm tưởng ác bất thiện[18] câu hữu với tham,
277
nhuế, si. Nếu Tỳ­kheo nào thực hành pháp này, thì gọi là có thầy[19]; nếu trụ vào bên cạnh đó
thì gọi là đệ tử gần gũi[20]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.
"Như vậy nói là có thầy, có đệ tử gần gũi, thì thường khổ đối với đời sống cô độc.
"Thế nào là không thầy, không đệ tử gần gũi, thường an lạc đối với đời sống cô độc? Duyên vào
mắt thấy sắc, sanh ra niệm ác bất thiện câu hữu với tham, nhuế, si, mà Tỳ­kheo này không hành
theo, đó gọi là không thầy. Nếu không nương vào đó mà trụ thì gọi là không đệ tử gần gũi. Đó
gọi là không thầy, không đệ tử gần gũi, thường an lạc đối với đời sống cô độc.
"Nếu Tỳ­kheo nào, không thầy, không đệ tử gần gũi, thì Ta nói người này phước phạm hạnh. Vì
sao? Tỳ­kheo không thầy, không đệ tử gần gũi, thì Tỳ­kheo ấy đã kiến lập phạm hạnh ở nơi Ta,
có khả năng chân chánh diệt tận khổ, cứu cánh biên tế khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 236. THANH TỊNH KHẤT THỰC TRỤ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng sớm,
Tôn giả Xá­lợi­phất đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá,
cất y bát, rửa chân xong; cầm tọa cụ vào trong rừng, tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong,
Tôn giả Xá­lợi­phất đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức
Phật hỏi Xá­lợi­phất:
"Ngươi từ đâu lại?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại."
Phật hỏi Xá­lợi­phất:
"Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trụ thiền Không tam­muội[22]."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Lành thay! Lành thay! Xá­lợi­phất, hôm nay ngươi đã nhập thiền trú bậc thượng tọa mà tọa
thiền[23]. Nếu các Tỳ­kheo nào, muốn nhập thiền thượng tọa, thì phải học như vầy:
278
"Khi vào thành, khi đi khất thực, hoặc lúc ra khỏi thành, thì phải tư duy như thế này: 'Hôm nay
mắt ta thấy sắc, có khởi lên dục, ân ái, ái lạc, niệm tưởng, đắm nhiễm không?' Này Xá­lợi­phất,
Tỳ­kheo quán sát như vậy, nếu nhãn thức đối với sắc mà có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ­kheo này
vì để đoạn ác bất thiện nên phải phát khởi quyết ý tinh cần, có khả năng buộc chặt ý niệm để tu
học. Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, vì muốn dập tắt hết lửa, nên phải phát khởi nỗ
lực quyết tâm để dập tắt lửa. Tỳ­kheo này lại cũng phải như vậy, phải phát khởi quyết ý tinh cần,
buộc chặt ý niệm để tu học.
"Nếu Tỳ­kheo khi quán sát, hoặc ở giữa đường, hoặc đi khất thực ở trong làng xóm, hoặc đi ra
khỏi làng xóm, ngay trong lúc đó mà nhãn thức đối với sắc không có ái niệm, đắm nhiễm, thì Tỳ­
kheo này ước nguyện bằng thiện căn hỷ lạc này, ngày đêm tinh cần cột niệm tu tập. Đó gọi là
Tỳ­kheo đi, đứng, ngồi, nằm, với sự khất thực đã được thanh tịnh. Cho nên kinh này gọi là
Thanh tịnh khất thực trụ."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá­lợi­phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 237. TỲ­XÁ­LY[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ có gia chủ
tên là Úc­cù­lũ[25] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Vì sao có Tỳ­kheo nhập Niết­bàn ngay trong đời này và có Tỳ­kheo không nhập Niết­bàn ngay
trong đời này?"
Phật bảo gia chủ:
"Nếu Tỳ­kheo nào, đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm,
đắm nhiễm, thường y trên thức và bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết­bàn
ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.
"Nếu Tỳ­kheo nào, đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà không ái niệm, đắm nhiễm; vì không
có ái niệm, đắm nhiễm nên không y trên thức. Vì không bị xúc, không bị dính mắc, không bị
chấp thủ, nên các Tỳ­kheo này nhập Niết­bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý lại cũng như vậy.
"Cho nên, này gia chủ, có Tỳ­kheo nhập Niết­bàn ngay trong đời này và có Tỳ­kheo không nhập
Niết­bàn ngay trong đời này."
Như kinh Gia chủ hỏi, kinh A­nan hỏi và kinh Phật vì các Tỳ­kheo mà nói, cũng dạy như trên
vậy.
279
KINH 238. NHÂN DUYÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ có Tỳ­
kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, vì nhân gì, duyên gì mà nhãn thức sanh? Và vì nhân gì duyên gì mà tai, mũi,
lưỡi, thân, ý thức sanh?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Vì mắt do duyên sắc nên nhãn thức sanh. Vì sao? Khi nhãn thức sanh, là do tất cả mắt và sắc
làm nhân duyên. Tai và âm thanh làm nhân duyên, mũi và hương làm nhân duyên, lưỡi và vị làm
nhân duyên; ý và pháp làm nhân duyên nên ý thức sanh. Vì sao? Vì những gì là ý thức, tất cả
chúng đều do ý và pháp làm nhân duyên sanh ra.
"Này Tỳ­kheo, đó gọi là do nhân duyên sanh ra nhãn thức, cho đến do nhân duyên sanh ra ý
thức."
Phật nói kinh này xong, Tỳ­kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 239. KẾT[26]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về pháp bị kết buộc và pháp kết buộc[27].
"Thế nào là pháp bị kết sử trói buộc? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân
và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị kết sử trói buộc.
"Thế nào là pháp kết sử? Là dục tham[28]. Đó gọi là pháp kết sử."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 240. THỦ[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về pháp bị chấp thủ và pháp chấp thủ.
280
"Thế nào là pháp bị chấp thủ? Là mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và
xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị chấp thủ.
"Thế nào là pháp chấp thủ? Là dục tham. Đó gọi là pháp chấp thủ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 241. THIÊU NHIỆT[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Thế Tôn
bảo các Tỳ­kheo:
"Tỳ­kheo, phàm phu ngu si không học, thà dùng lửa đốt cháy que đồng rồi đem thui con mắt của
mình, khiến cho nó cháy thiêu, chứ không để nhãn thức chấp vào sắc tướng mà chấp thủ hình
dáng tốt đẹp. Vì sao? Vì chấp vào sắc tướng, chấp thủ những hình ảnh tốt đẹp, nên bị rơi vào
đường ác, như hòn sắt bị chìm.
"Phàm phu ngu si, không học, thà nung đỏ dùi sắt đem dùi lỗ tai mình còn hơn là dùng nhĩ thức
chấp vào âm thanh mà chấp thủ tiếng hay. Vì sao? Vì nhĩ thức chấp vào âm thanh mà chấp thủ
tiếng hay, thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.
"Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt mũi mình đi, còn hơn là dùng tỷ
thức chấp vào mùi mà chấp thủ hương thơm. Vì sao? Vì chấp vào hương mà chấp thủ mùi thơm,
thì khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong dường ác, như hòn sắt bị chìm.
"Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt lưỡi mình đi, còn hơn là dùng thiệt
thức chấp vào vị mà chấp thủ vị ngon. Vì sao? Vì chấp vào vị mà chấp thủ vị ngon, thì khi thân
hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.
"Phàm phu ngu si, không học, thà dùng thanh sắt cứng, cây giáo mũi nhọn đâm vào thân thể
mình, còn hơn là dùng thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái.
Vì sao? Vì chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái, thì khi thân hoại mạng
chung, sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.
"Này các Tỳ­kheo, ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người ngu, không lợi,
không phước[31]. Nhưng này các Tỳ­kheo, thà nên mê ngủ còn hơn là đối với sắc kia mà khởi
lên giác tưởng[32]. Nếu khởi lên giác tưởng ắt sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, có thể khiến
cho mọi người đưa đến việc làm phi nghĩa, không mang lại lợi ích và an lạc cho trời người[33].
"Đa văn Thánh đệ tử kia nên phải học như vầy: 'Nay ta thà nung đỏ cây thương bằng sắt đem
đâm vào con mắt, còn hơn là dùng nhãn thức để chạy theo sắc tướng thì chắc chắn sẽ bị rơi vào
ba đường ác phải chịu khổ lâu dài. Từ hôm nay, ta phải tư duy chân chánh, quán sát mắt là vô
thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc
thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả
281
chúng đều là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Đối với tai, mũi lưỡi, thân nhập xứ,
cũng phải học như vậy. Thà dùng cây thương sắt đâm thủng thân mình, còn hơn là đem thân thức
chấp vào sự xúc chạm mà chấp thủ cảm giác xúc chạm êm ái, thì sẽ rơi vào ba đường ác. Từ hôm
nay, ta phải tư duy đúng, quán sát thân là pháp hữu vi vô thường, tâm duyên sanh. Hoặc xúc,
thân thức, thân xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên
trong phát sanh bởi nhân duyên thân xúc, chúng cũng là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để
sanh.'
"Đa văn Thánh đệ tử nên học như vầy: 'Ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của
người không lợi, không phước. Ta không ham ngủ, cũng không khởi giác tưởng. Nếu khởi giác
tưởng thì sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, khiến cho mọi người làm những việc phi nghĩa,
không lợi ích, không đem lại an lạc.'
"Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc
và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân
duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng sanh ra nhàm tởm. Do nhàm tởm nên không yêu thích; vì
không yêu thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý lại cũng như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 242. TRI[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Đối với mắt mà không liễu tri, không nhận thức, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể
chân chánh diệt khổ. Đối với mắt, nếu liễu tri, nhận thức, đoạn tận, ly dục, thì có thể chân chánh
diệt khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như bốn kinh thuyết về mắt cho đến ý, hai mươi bốn kinh cũng thuyết như trên vậy.
KINH 243. VỊ[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Này các Tỳ­kheo, nếu nếm vị nơi mắt, thì nên biết, Sa­môn, Bà­la­môn đó không tự tại thoát
khỏi bàn tay của ma, bị ma trói buộc và lọt vào sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân,
282
ý lại cũng như vậy. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không nếm vị nơi mắt, thì nên biết Sa­môn,
Bà­la­môn đó không chạy theo ma, thoát khỏi bàn tay của ma, không lọt vào sự trói buộc của
ma."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như vị ngọt, đối với hoan hỷ, khen ngợi, đắm nhiễm, trụ vững, yêu thích, ghen ghét cũng thuyết
như vậy. Như bảy kinh Nội nhập xứ, bảy kinh Ngoại nhập xứ cũng thuyết như vậy.
KINH 244. MA CÂU[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Có sáu móc câu của ma. Những gì là sáu? Đó là, sắc được con mắt nếm vị, đó là móc câu của
ma. Tiếng được tai nếm vị, đó là móc câu của ma. Hương được mũi nếm vị, đó là móc câu của
ma. Lưỡi đắm vào vị ngọt của vị, đó là móc câu của ma. Xúc được thân nếm vị, đó là móc câu
của ma. Pháp được ý nếm vị, đó là móc câu của ma. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà mắt nếm vị
ngọt của sắc, thì nên biết là Sa­môn, Bà­la­môn ấy bị móc câu của ma móc vào yết hầu của họ,
đối với ma không được tự tại."
Nói uế, nói về tịnh, cũng chi tiết như trên.
KINH 245. TỨ PHẨM PHÁP[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nơi tụ lạc Điều phục bác ngưu, tại Câu­lưu­sấu[38], lúc bấy giờ Đức Thế Tôn
bảo các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ vì các ông nói pháp, ngôn ngữ phần đầu thiện xảo, ngôn ngữ phần giữa thiện xảo,
ngôn ngữ phần cuối cũng thiện xảo, nghĩa thiện xảo, vị thiện xảo, thuần nhất, thanh tịnh, phạm
hạnh thanh bạch. Đó là kinh 'Tứ phẩm pháp', hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà
nói.
"Kinh Tứ phẩm pháp là gì? Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích,
đáng say đắm. Tỳ­kheo thấy rồi thì hoan hỷ, tán thán, ái lạc, bám chặt vào đó. Có sắc được nhận
thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng
nhàm tởm. Tỳ­kheo thấy rồi thì sân hận, bất mãn. Những Tỳ­kheo như vậy không được tự tại
thoát khỏi ma,... cho đến sẽ không giải thoát khỏi sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý lại cũng như vậy.
"Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ­kheo thấy
rồi không hoan hỷ, không tán thán, không ái lạc mà bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi
283
mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm.
Tỳ­kheo thấy rồi thì không sân hận, không bất mãn. Tỳ­kheo như vậy, không bị ma tự tại chi
phối,... cho đến thoát khỏi mọi sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy. Đó gọi là kinh Tứ phẩm pháp của Tỳ­kheo."
KINH 246. THẤT NIÊN[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong núi Kỳ­xà­quật tại thành Vương xá[40]. Bấy giờ vào lúc sáng sớm Thế
Tôn đắp y bưng bát vào thành Vương xá khất thực. Lúc ấy[41] Thiên ma Ba­tuần nghĩ rằng,
"Vừa sáng sớm mà Sa­môn Cù­đàm đã đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Nay ta
nên đến đó làm nhiễu loạn ý đạo của ông ta." Bấy giờ, Ma Ba­tuần hóa làm một người đánh xe,
cầm roi đi tìm bò, mặc đồ rách rưới, đầu tóc rối bù, tay chân nứt nẻ, tay cầm roi bò, đến trước
Thế Tôn hỏi:
"Cù­đàm có thấy con bò của tôi ở đâu không?"
Đức Thế Tôn liền nghĩ, "Đây là ác ma, muốn đến gây nhiễu loạn Ta." Ngài liền nói với ma:
"Này ác ma, ở đâu có bò? Cần bò để làm gì?"
Ma liền nghĩ, Sa­môn Cù­đàm đã biết ta là ma rồi, bèn bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, nhãn xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là xe tôi
cưỡi."
Lại hỏi:
"Bạch Cù­đàm, Ngài muốn đi đến đâu?"
Phật bảo ác ma:
"Ngươi có nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nếu kia là chỗ không có nhãn
xúc nhập xứ, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ, thì chỗ đó không đến được. Ta đi đến
đó."
Bấy giờ Thiên ma Ba­tuần nói kệ rằng:
Ở đâu thường có ngã,
Chúng đều là của ta,
Tất cả thuộc về ta.
Cù­đàm đi đến đâu?
284
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:
Nếu ai nói có ngã,
Kia nói ngã là quấy.
Như vậy biết Ba­tuần,
Tự hãm vào bế tắc.
Ma lại nói kệ:
Nếu bảo rằng biết đạo,
An ổn đến Niết­bàn;
Ngài một mình đi đến,
Phiền gì dạy người khác?
Đức Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu có người lìa ma,
Hỏi đường qua bờ giác,
Vì họ nói bình đẳng,
Chân thật quyết không sót,
Tu tập không buông lung,
Thường khỏi ma chi phối.
Ma lại nói kệ:
Có đá tựa cục thịt,
Quạ đói đến muốn ăn,
Nó tưởng là mềm ngon,
Muốn lấp vào bụng trống.
Xong không được vị kia;
285
Mỏ gãy mà bay đi.
Ta nay giống như quạ,
Cù­đàm như cục đá,
Không được, thẹn mà đi.
Như quạ bay giữa trời,
Trong lòng ôm sầu độc,
Biến nhanh mất đường bay.
KINH 247. TẬP CẬN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong núi Kỳ­xà­quật tại thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mắt quen gần gũi[42] sắc, thì bị rơi vào chỗ tự tại của ma, cho
đến không giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào, mà mắt không quen gần gũi sắc, không bị rơi vào chỗ tự tại của
ma, cho đến, sẽ giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh quen gần gũi: trói buộc, đắm nhiễm, vị ngọt, chòm xóm láng giềng, (nếu) sai sử, trói
chặt, ngã sở, mong cầu, ham muốn, thuần, nồng hậu không bỏ, cũng thuyết như trên vậy.[43]
KINH 248. THUẦN­ĐÀ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại Kê lâm viên[44], nước Ba­tra­lợi Phất­đa­la[45]. Bấy giờ Tôn giả A­nan đến
chỗ Tôn giả Đại Thuần­đà[46], cùng nhau thăm hỏi xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ Tôn giả Anan thưa Tôn giả Thuần­đà:
"Có những điều tôi muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để giải đáp cho không?"
Tôn giả Thuần­đà nói với Tôn giả A­nan:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời."
286
Tôn giả A­nan hỏi Tôn giả Thuần­đà:
"Như Đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói, sắc do
bốn đại tạo được thi thiết, được hiển thị, rằng sắc do bốn đại tạo này là phi ngã. Như Lai Chánh
Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, cũng nói thức là phi ngã chăng[47]?"
Tôn giả Thuần­đà nói với Tôn giả A­nan:
"Tôn giả là đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay Tôn
giả xin vì tôi mà nói nghĩa này."
Tôn giả A­nan hỏi Thuần­đà:
"Nay tôi hỏi Tôn giả, hãy tùy ý mà trả lời. Thưa Tôn giả Thuần­đà, vì có mắt, có sắc, có nhãn
thức phải không?"
Đáp:
"Phải."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Do duyên vào mắt và sắc nên nhãn thức sanh phải không?"
Đáp:
"Đúng như vậy."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là thường hay là vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Nhân này, duyên này sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy thức
kia có trụ không?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả, không."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
287
"Theo ý Tôn giả thế nào, pháp kia hoặc sanh hoặc diệt có thể biết được, đa văn Thánh đệ tử ở
trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả A­nan, không."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Theo ý Tôn giả thế nào đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp; có ý, có pháp, có ý thức không?"
Đáp:
"Có."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Do duyên vào ý và pháp mà ý thức sanh chăng?"
Đáp:
"Đúng như vậy."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Nếu ý duyên pháp mà ý thức sanh; nhân này, duyên này là thường hay vô thường?"
Đáp:
"Là vô thường."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Hoặc nhân, hoặc duyên mà sanh ra ý thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy ý
thức có trụ không?"
Đáp:
"Không."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Theo ý Tôn giả thế nào, pháp này hoặc sanh hay diệt có thể biết, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó
có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
288
Đáp:
"Bạch Tôn giả A­nan, không."
Tôn giả A­nan nói với Tôn giả Thuần­đà:
"Cho nên, này Tôn giả, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã
nói, thức cũng vô thường.
"Giống như có người cầm rìu vào núi, thấy cây chuối, cho là có thể dùng được, liền chặt đứt gốc,
tách bỏ lá, lột bẹ để tìm lõi của nó. Nhưng lột đến chỗ tận cùng vẫn không thấy chỗ nào chắc cả.
Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử quán sát chân chánh nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Khi
quán sát chân chánh, không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để
đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình chứng ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi hai vị Chánh sĩ kia nói pháp trên, cả hai đều hoan hỷ và mỗi vị trở về chỗ ở của mình.
KINH 249. CÂU­HI­LA (1)[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả A­nan đến
chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có những điều muốn hỏi, Tôn giả có thì giờ vì tôi mà giải thích được không?"
Tôn giả Xá­lợi­Phất nói:
"Tùy theo những gì Tôn giả hỏi, nếu tôi biết thì sẽ trả lời."
Tôn giả A­nan hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả A­nan:
"Đừng hỏi rằng: 'Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa
không?'"
Tôn giả A­nan lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời Tôn giả A­nan:
289
"Cũng đừng nên hỏi rằng: 'Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh,
không còn gì nữa chăng?'"
Tôn giả A­nan lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì,
vừa chẳng phải còn vừa chẳng phải chẳng còn gì chăng?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời Tôn giả A­nan:
"Ở đây, cũng không nên hỏi rằng: 'Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch
tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa chẳng phải chẳng còn gì chăng?'"
Tôn giả A­nan lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Như những gì Tôn giả đã nói, sáu xúc nhập xứ, sau khi đã bị đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh,
không nên nói có, cũng không nên nói không, cũng không nên nói vừa có vừa không, cũng
không nói chẳng phải có chẳng phải không. Vậy thì, những lời nói này có nghĩa gì?"
Tôn giả Xá­lợi­phất bảo Tôn giả A­nan:
"Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì chăng? Đây là những
lời hư vọng. Hoặc không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc có và không còn gì
chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc chẳng phải có còn chẳng phải không còn gì chăng? Đây
cũng là những lời hư vọng. Nếu nói, sáu xúc nhập xứ sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch
diệt, thì xa lìa các hư ngụy, đạt được Niết­bàn. Đó là những lời dạy của Phật."
Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều hoan hỷ và mỗi người trở về chỗ của mình.
KINH 250. CÂU­HI­LA (2)[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Xá­lợi­phất, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la cùng ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng
nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời."
290
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, thế nào, mắt kết buộc sắc[50], hay sắc kết buộc mắt? Tai và âm
thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; ý kết buộc pháp hay pháp kết kết buộc ý?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc
pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, ở giữa hai cái đó, cái gì là dục
tham thì cái đó là kết buộc.
"Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái
ách. Có người hỏi, 'Bò đen buộc bò trắng hay bò trắng buộc bò đen?' Hỏi như vậy có đúng
không?"
Đáp:
"Không, Tôn giả Xá­lợi­phất, chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc
bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Cũng vậy, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc
mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết
buộc chúng. Thưa Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt và
cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, thì Thế Tôn đã không dạy người kiến lập
phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt
và cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên Đức Thế Tôn dạy
người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Thưa Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, Thế Tôn khi mắt
thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc
hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm
được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy."
Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều hoan hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.
KINH 251. CÂU­HI­LA (3)[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Xá­lợi­phất, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la cùng ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng
nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
291
"Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời:
"Là không biết. Không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô
thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt, đó gọi là không biết.
Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đối với sáu
xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không vô gián đẳng[52], ngu si, không sáng, tối
tăm, đó gọi là vô minh."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là minh, vậy thế nào là minh?"
Tôn giả Xá­lợi­phất trả lời:
"Là biết. Biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường;
mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại
cũng như vậy. Thưa Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết,
thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh."
Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.
KINH 252. ƯU­BA­TIÊN­NA[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà thành Vương xá. Bấy giờ có Tỳ­kheo tên là Ưuba­tiên­na ở trong khu Hàn lâm[54], giữa bãi tha ma, dưới chân núi Xà­đầu, hành xứ Ca­lan­đà
tại thành Vương xá[55]. Bấy giờ Tôn giả Ưu­ba­tiên­na đang ngồi thiền một mình trong hang đá,
có một con rắn rất độc, dài khoảng một thước, từ trên phiến đá rơi xuống trên người Ưu­ba­tiênna. Ưu­ba­tiên­na gọi Tôn giả Xá­lợi­phất đi nói với các Tỳ­kheo:
"Có con rắn độc rơi xuống trên người tôi. Thân tôi đang bị trúng độc. Các ông hãy đến nhanh
lên, khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu nát."
292
Lúc ấy, Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi dưới bóng cây gần đó, nghe Ưu­ba­tiên­na nói, liền đến
chỗ Ưu­ba­tiên­na nói với Ưu­ba­tiên­na:
"Nay nhìn sắc tướng của thầy, tôi thấy các căn vẫn bình thường không đổi khác, mà nói là trúng
độc, nhờ 'khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu.' Vậy
thì rốt cuộc là thế nào?"
Ưu­ba­tiên­na nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Nếu ai đó nói, 'Con mắt là tôi, là của tôi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tôi, là của tôi. Sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp là tôi, là của tôi. Địa giới là tôi, là của tôi. Nước, lửa, gió, không, thức giới
là tôi, là của tôi; đối với sắc ấm, chấp sắc ấm là tôi, là của tôi. Thọ, tưởng, hành, thức ấm là tôi,
là của tôi. Với người đó, sắc mặt và các căn có thể biến đổi khác đi. Nhưng hiện tại tôi không
như vậy. Mắt không phải là tôi, là không phải của tôi, cho đến, thức ấm không phải tôi, không
phải của tôi, vì vậy cho nên sắc mặt và các căn không có biến đổi khác đi."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Như vậy, này Ưu­ba­tiên­na, nếu thầy vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, khiến đoạn
tận gốc rễ của chúng như chặt ngọn cây đa­la, thì đối với đời vị lai vĩnh viễn không khởi lên trở
lại, vậy làm sao sắc mặt và các căn biến đổi khác đi được?"
Rồi thì, Tôn giả Xá­lợi­phất liền đi vòng qua dìu thân Tôn giả Ưu­ba­tiên­na ra khỏi hang. Thân
người bị trúng độc của Tôn giả Ưu­ba­tiên­na đang hủy hoại như một đống trấu nát.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất liền nói kệ:
Từ lâu, trồng phạm hạnh,
Khéo tu tám Thánh đạo,
Hoan hỷ xả bỏ thân,
Giống như vất bát độc.
Từ lâu, trồng phạm hạnh,
Khéo tu tám Thánh đạo,
Hoan hỷ xả bỏ thân,
Như người bệnh hết bệnh.
Từ lâu, trồng phạm hạnh,
Khéo tu tám Thánh đạo,
293
Như ra khỏi nhà lửa,
Lúc chết không lo tiếc.
Từ lâu, trồng phạm hạnh,
Khéo tu tám Thánh đạo,
Dùng tuệ quán thế gian,
Giống như cây cỏ thối,
Không còn mong gì nữa,
Cũng không tiếp tục nữa.
Sau khi cúng dường thi thể Tôn giả Ưu­ba­tiên­na xong, Tôn giả Xá­lợi­phất đi đến chỗ Phật,
đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu­ba­tiên­na bị con rắn nhỏ cực độc bằng chiếc thẻ tre trị mắt, rơi
xuống trên người và thân thể Tôn giả hủy hoại như đống trấu nát."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Nếu Ưu­ba­tiên­na tụng bài kệ này, thì sẽ không trúng độc và thân thể cũng không bị hủy hoại
như đống trấu nát được."
Tôn giả Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, tụng những bài kệ nào và văn cú của nó ra sao?"
Phật liền vì Xá­lợi­phất đọc kệ:
Thường thường thương xót chúng,
Kiên cố Lại­tra­la,
Thương Y­la­bàn­na,
Thi­bà­phất­đa­la,
Khâm­bà­la thượng mã,
Cũng thương Ca­câu­tra.
294
Cùng Cù­đàm đen kia,
Nan­đà, Bạt­nan­đà,
Thương xót loài không chân,
Và cả loài hai chân,
Bốn chân, cùng nhiều chân,
Cũng khởi lòng thương xót.
Thương xót các loài rồng,
Trên đất liền, dưới nước,
Thương tất cả chúng sanh,
Dễ sợ, không dễ sợ[56].
An vui cho tất cả,
Cũng lìa sanh phiền não,
Muốn cho tất cả hiền,
Tất cả chớ sanh ác,
Thường ở núi Xà­đầu,
Các ác không nhóm hợp.
Rắn hung hại ác độc,
Thường hại mạng chúng sanh,
Như lời chân thật này,
Đại Sư vô thượng dạy.
Nay Ta tụng kệ này,
Lời Đại Sư chân thật,
Tất cả các ác độc,
295
Không thể hại thân ta.
Tham dục, sân, nhuế, si,
Ba độc của thế gian,
Như ba ác độc này,
Vĩnh trừ gọi Phật bảo.
Pháp bảo diệt các độc,
Tăng bảo cũng hoàn toàn,
Phá hoại ác hung độc,
Nhiếp thủ hộ người lành,
Phật phá tất cả độc,
Nay vì phá rắn độc,
Nên nói chú thuật này.
Ô­đam­bà­lệ, đam­bà­lệ, đam­lục, ba­la­đam­lục, nại­tí, túc­nại­tí, chỉ­bạt­tí, văn­na­di, tam­madi, đàn­đế, ni­la­chỉ­thí, bà­la­câu­bế­ô­lệ, ô­ngu­lệ, tất­bà­ha[57].
"Này Xá­lợi­phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu­ba­tiên­na mà đọc bài kệ này, tụng những câu
này, thì chắc chắn rắn độc không rơi trúng người và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu
nát."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu­ba­tiên­na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe những câu
chú thuật này. Hôm nay Thế Tôn mới nói nó, mục đích chính là vì đời sau."
Sau khi nghe Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá­lợi­phất hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
KINH 253. TỲ­NỮU CA­CHIÊN­DIÊN[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ưu­đà­di[59] đi qua nước Câu­tát­la, du hành trong nhân gian, đến thôn Câubàn­trà[60], trú trong vườn Am­la của nữ Bà­la­môn dòng họ Tỳ­nữu Ca­chiên­diên.
296
Bấy giờ có những người đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên thị[61] đi nhặt
củi trong vườn Am­la, thấy Tôn giả Ưu­đà­di đang ngồi dưới bóng cây, tướng mạo đoan chánh,
các căn vắng lặng, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất; thấy vậy bèn đến chỗ ngài,
cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu­đà­di vì các thiếu nữ, bằng nhiều
hình thức, thuyết pháp, khích lệ họ xong, rồi im lặng. Sau khi nghe Tôn giả dạy, các thiếu niên
tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Các thiếu nữ vác củi trở về chỗ nữ Bà­la­môn Tỳ­
nữu Ca­chiên­diên thị, đặt củi xuống đất, rồi đến chỗ nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên thị,
thưa:
"Hòa thượng ni của chúng con biết cho, trong vườn Am­la có Sa­môn Ưu­đà­di, dòng họ Cù­
đàm đang ở nơi đó và nói pháp rất hay."
Nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên thị bảo các thiếu nữ:
"Các con hãy đến đó mời Sa­môn Ưu­đà­di dòng họ Cù­đàm ngày mai đến đây dùng cơm."
Bấy giờ, các đệ tử thiếu nữ vâng lời nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên đến chỗ Tôn giả Ưu­
đà­di bạch:
"Tôn giả biết cho, nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên, Hòa thượng của chúng con, mời Tôn giả
ngày mai đến dùng cơm."
Bấy giờ, Ưu­đà­di im lặng nhận lời. Các thiếu nữ biết Tôn giả Ưu­đà­di đã nhận lời mời rồi, trở
về chỗ nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên, thưa:
"Bạch Hòa thượng ni, chúng con đã vâng lời Hòa thượng ni mời Tôn giả Ưu­đà­di và Tôn giả
Ưu­đà­di đã im lặng nhận lời mời rồi, xin Hòa­ thượng­ni biết cho."
Qua khỏi đêm, sáng hôm sau, Tôn giả Ưu­đà­di đắp y mang bát đến nhà nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu
Ca­chiên­diên. Nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên từ xa trông thấy Tôn giả Ưu­đà­di lại, vội
vàng trải giường chõng mời ngồi; dọn các thứ đồ ăn thức uống ra, tự tay mình cúng dường các
món ngon đầy đủ. Sau khi ăn xong, rửa tay, rửa bát, rồi trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, nữ Bà­la­môn
Tỳ­nữu Ca­chiên­diên biết Tôn giả đã ăn xong, bà mang một đôi giầy tốt, lấy vải phủ đầu, để
riêng một cái ghế cao, tỏ vẻ khinh thường, ngạo mạn mà ngồi và nói với Tôn giả Ưu­đà­di:
"Tôi có điều muốn hỏi, ngài có rảnh để trả lời cho không?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Thưa chị, hôm nay không phải lúc."
Nói như vậy xong, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sáng hôm sau các đệ tử lại đến vườn Amla nhặt củi và nghe pháp và trở về lại bạch với Hòa thượng ni. Hòa thượng ni lại sai đi mời Tôn
giả thọ trai. Ba lần như vậy đến thỉnh pháp, vẫn trả lời là chưa đúng lúc, mà không nói pháp. Các
đệ tử thiếu niên lại bạch Hòa thượng ni:
297
"Ở trong vườn Am­la Sa­môn Ưu­đà­di nói pháp rất hay."
Hòa thượng ni nói:
"Ta cũng biết là ông ấy nói pháp rất hay. Nhưng qua ba lần mời đến cúng dường và hỏi pháp,
luôn luôn bảo là chưa đúng lúc, không nói mà bỏ đi."
Các đệ tử thưa:
"Hòa thượng ni mang giầy tốt, dùng vải che đầu, ngồi không cung kính, thì Tôn giả này làm sao
nói được. Vì sao? Vì Tôn giả Ưu­đà­di này rất cung kính pháp nên không nói mà bỏ đi."
Hòa thượng ni bảo:
"Nếu như vậy thì nên vì ta mời lại Tôn giả đi."
Các đệ tử vâng lời dạy, thỉnh cúng dường trở lại như trước.
Bấy giờ, Hòa thượng ni biết Tôn giả đã ăn uống xong xuôi, bà ta liền cởi giầy, sửa lại quần áo,
ngồi xuống một chiếc ghế thấp, cung kính bạch:
"Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh mà trả lời cho không?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Hôm nay, chị cứ hỏi, tôi sẽ nói cho chị nghe."
Cô ta liền hỏi:
"Có Sa­môn, Bà­la­môn nói: 'Khổ vui là do mình tự tạo.' Hoặc lại có người nói: 'Khổ vui là do
người khác tạo.' Hoặc lại có người nói: 'Khổ vui là do tự mình tạo và người khác tạo.' Hoặc có
người nói: 'Khổ vui chẳng phải do mình tạo cũng chẳng do ngưới khác tạo[62].' Vậy theo Tôn
giả thì thế nào?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Này chị, A­la­ha[63] nói khổ vui phát sanh bằng cách khác, chứ không phải nói như vậy."
Nữ Bà­la­môn lại hỏi:
"Nghĩa ấy như thế nào?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"A­la­ha nói, từ nhân duyên các khổ và lạc sanh."
298
Tôn giả Ưu­đà­di lại nói với nữ Bà­la­môn:
"Bây giờ tôi hỏi chị, tùy ý mà trả lời tôi. Ý chị nghĩ sao, có mắt không?"
Đáp:
"Bạch có."
"Có sắc không?"
Đáp:
"Bạch có."
"Có nhãn thức, nhãn xúc và các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi
nhân duyên là nhãn xúc không?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả Ưu­đà­di, có như vậy."
Tôn giả Ưu­đà­di lại hỏi:
"Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi
nhân duyên là ý xúc không?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả Ưu­đà­di, có như vậy."
Tôn giả Ưu­đà­di nói:
"Đó là điều mà các A­la­ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh."
Nữ Bà­la­môn bạch Tôn giả Ưu­đà­di:
"A­la­ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh, là như vậy chăng?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Nữ Bà­la­môn, đúng như vậy."
Nữ Bà­la­môn lại hỏi:
"Bạch Sa­môn, A­la­ha nói như thế nào, từ nhân duyên khổ vui, không khổ không vui diệt?"
299
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Bây giờ tôi hỏi chị, cứ tùy ý mà trả lời tôi. Này nữ Bà­la­môn, khi tất cả mắt, tất cả thời, diệt
không còn gì, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát
sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc?"
Đáp:
"Bạch Sa­môn, không."
"Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý và tất cả thời cũng diệt tận vĩnh viễn không còn gì hết, thì
bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân
duyên là ý xúc?"
"Bạch Sa­môn, không."
"Như vậy, này nữ Bà­la­môn, đó là điều mà bậc A­la­ha nói, từ nhân duyên khổ vui, không khổ
không vui diệt."
Khi Tôn giả Ưu­đà­di nói pháp này, nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên xa lìa trần cấu, được
con mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, nữ Bà­la­môn Tỳ­nữu Ca­chiên­diên, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt
qua khỏi mọi nghi hoặc không do ai khác; thâm nhập vào giáo pháp của Phật, đối với pháp đạt
được vô sở úy, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chắp tay bạch Tôn giả Ưu­đà­di:
"Hôm nay, con quyết định, ngay từ bây giờ con xin qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ nay
cho đến suốt đời con xin quy y Tam bảo."
Lúc bấy giờ Tôn giả Ưu­đà­di vì nữ Bà­la­môn nói pháp, soi sáng, chỉ bày, dạy bảo, làm cho vui
vẻ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 254. NHỊ­THẬP­ỨC­NHĨ[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà thành Vương xá. Bấy giờ có Tôn giả Nhị­thập­ứcnhĩ[65] ở núi Kỳ­xà­quật, thường tinh tấn chuyên cần tu tập pháp Bồ­đề phần. Rồi Tôn giả Nhị­
thập­ức­nhĩ một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: "Ở trong hàng đệ tử Thanh văn tinh tấn
chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng hôm nay ta chưa diệt tận được các
lậu. Ta là người thuộc dòng quý tộc, có nhiều của cải quí báu, nay thà hoàn tục để hưởng thọ ngũ
dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi còn tốt hơn nhiều."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nhị­thập­ức­nhĩ nên bảo một Tỳ­kheo:
"Ngươi hãy đến chỗ Nhị­thập­ức­nhĩ bảo là Thế Tôn cho gọi."
300
Tỳ­kheo này vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ­kheo Nhị­thập­ức­nhĩ, nói rằng:
"Đức Thế Tôn cho gọi thầy."
Nhị­thập­ức­nhĩ nghe Tỳ­kheo kia bảo là Đại Sư gọi, liền đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới
chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Nhị­thập­ức­nhĩ:
"Có thật ngươi ở một mình lặng lẽ thiền tư và nghĩ rằng: 'Ở trong hàng Thanh văn đệ tử tinh tấn
chuyên cần của Đức Thế Tôn, thì ta có trong số đó. Nhưng mãi đến hôm nay ta vẫn chưa diệt tận
được các lậu. Ta là người thuộc dòng dõi quý tộc, có nhiều của cải quí báu, ta thà hoàn tục để
hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi.' Có phải không?"
Khi ấy, Nhị­thập­ức­nhĩ nghĩ rằng: 'Thế Tôn đã biết tâm ta.' Vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lông
dựng đứng, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, thật như vậy."
Phật bảo Nhị­thập­ức­nhĩ:
"Nay Ta hỏi ngươi, ngươi cứ theo ý mình mà trả lời cho Ta. Này Nhị­thập­ức­nhĩ, khi ngươi còn
ở ngoài đời, ngươi đàn hay lắm phải không?"
"Bạch, đúng vậy."
Thế Tôn lại hỏi:
"Theo ý ngươi thì thế nào, khi ngươi khảy đàn, nếu sợi dây của nó căng quá, thì âm thanh có hòa
nhã và vi diệu không?"
"Bạch, không."
Thế Tôn lại hỏi:
"Thế nào, nếu sợi dây của nó chùng quá, thì âm thanh có phát ra hòa nhã và vi diệu không?"
"Bạch, không."
Thế Tôn lại hỏi:
"Thế nào, nếu biết điều chỉnh sợi dây đàn không căng quá cũng không chùng quá, thì sau đó mới
phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?"
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."
301
Phật bảo Nhị­thập­ức­nhĩ:
"Người nào tinh tấn thái quá thì sẽ tăng thêm điệu hối, còn người thiếu tinh tấn quá thì sẽ sanh ra
giải đãi. Cho nên, ngươi phải bình đẳng trong tu tập và nhiếp thọ, không đắm nhiễm, không
buông lung, không chấp tướng."
Sau khi được Thế Tôn dạy, Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ luôn luôn nghĩ về thí dụ cây đàn cầm của
Đức Thế Tôn đã nói. Tôn giả một mình lặng lẽ thiền tư, như trên đã nói, cho đến các lậu được
diệt hết, tâm được giải thoát, thành A­la­hán. Rồi Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ đạt được A­la­hán,
bên trong có cảm giác hỷ lạc giải thoát và tự nghĩ: 'Nay ta nên đến thăm viếng Đức Thế Tôn.'
Và Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch
Phật:
"Bạch Thế Tôn, trong pháp của Thế Tôn, đạt được A­la­hán, đoạn tận các lậu, việc cần làm đã
làm xong, rời bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình, dứt sạch các hữu kết, chánh trí tâm
giải thoát. Ngay lúc đó được sáu xứ giải thoát[66]ù. Những gì sáu? Đó là: ly dục giải thoát, lìa
nhuế giải thoát, viễn ly giải thoát, ái tận giải thoát, các thủ giải thoát, tâm không xao lãng giải
thoát.
"Bạch Thế Tôn, nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục[67] giải thoát, thì điều
này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật ly dục giải thoát.
"Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, thì
điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát.
"Nếu có người nào lại chỉ dựa vào sự tu tập để có lợi dưỡng mà bảo là đã viễn ly[68] giải thoát,
thì điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật xa lìa được giải
thoát.
"Đoạn tận được tham, nhuế, si, cũng gọi là lìa ái, cũng là lìa thủ, cũng gọi là lìa xao lãng[69] giải
thoát.
"Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu các Tỳ­kheo chưa được La­hán, chưa đoạn tận các lậu, thì đối với
sáu xứ này không được giải thoát.
"Lại nếu có Tỳ­kheo nào, còn ở nơi học địa, chưa được Niết­bàn an lạc tăng thượng, mà tu tập
hướng về an trụ tâm, bấy giờ thành tựu được học giới, thành tựu được học căn và sau đó lậu hoặc
sẽ được đoạn hết, được vô lậu tâm giải thoát, cho đến... 'tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
Ngay lúc bấy giờ được vô học giới, được vô học các căn. Như đứa trẻ mới sinh ngu ngơ, còn
nằm ngửa, sau đó một thời gian các căn của đứa bé mới được thành tựu và từ từ tăng trưởng; bấy
giờ mới thành tựu được các căn của người lớn. Người còn ở tại học địa lại cũng như vậy, khi
chưa được an lạc tăng thượng và cho đến, thành tựu vô học giới, vô học các căn.
"Nếu mắt thường phân biệt sắc, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý an
trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát và quán sát sanh diệt, cho đến vô thường.
302
Tai phân biệt âm thanh, mũi phân biệt mùi hương, lưỡi phân biệt vị, thân phân biệt xúc chạm, ý
phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc
chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt. Như núi đá lớn ở gần thôn
ấp, không chẻ đứt, không đập vỡ, không đục thủng nó được, vì núi đá dày đặc; giả sử như có gió
bốn phương thổi đến thì cũng không làm cho nó lay động được, không thể xuyên thủng qua
được. Người vô học kia cũng lại như vậy, mắt thường phân biệt sắc, cho đến ý thường phân biệt
pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên
trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt."
Bấy giờ, Nhị­thập­ức­nhĩ lập lại bằng bài kệ:
Ly dục, tâm giải thoát,
Không nhuế thoát cũng vậy;
Viễn ly, tâm giải thoát,
Tham ái quyết không còn.
Tâm giải thoát các thủ,
Và ý không mất niệm,
Rõ ràng nhập xứ sanh,
Ở kia tâm giải thoát.
Người kia tâm giải thoát,
Tỳ­kheo ý dừng nghỉ,
Đã làm những gì cần,
Không còn việc để làm.
Giống như núi đá lớn,
Gió bốn phương không động,
Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Và những pháp tốt xấu,
Thường đối sáu nhập xứ,
Không lay động tâm mình,
303
Tâm thường trụ vững chắc,
Quán sát pháp sanh diệt.
Khi Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ nói bài kệ này, tâm Đại Sư hoan hỷ. Các vị phạm hạnh có học nghe
những gì Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ nói cũng đều rất hoan hỷ.
Khi Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ nghe Đức Phật nói pháp, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Sau khi biết Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ đi không lâu, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Người có tâm khéo giải thoát, nên tuyên bố như vậy, giống như Nhị­thập­ức­nhĩ đã bằng trí tuệ
mà tuyên bố, không phải tự cao, cũng không phải coi rẻ người, nói đúng nghĩa của nó, không
phải như những người tăng thượng mạn, không đạt được nghĩa của nó, mà tự khen ngợi mình
được pháp hơn người, để tự mình phải chuốc lấy tổn giảm."
KINH 255. LỖ­HÊ­GIÀ[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên trú tại hang A­luyện­nhã, trong thôn Di hầu, bên cạnh
sông Thấp­ma­đà, nước A­bàn­đề[71]. Có Bà­la­môn Lỗ­hê­giá[72], cung kính phụng sự theo
pháp của một La­hán.
Bấy giờ là sáng sớm, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đắp y mang bát vào thôn Di­hầu­thất, theo
thứ tự khất thực, khất thực xong trở về, cất y bát, rửa chân rồi, vào thất ngồi thiền.
Khi ấy có các đệ tử thiếu niên của Bà­la­môn Lỗ­hê­giá đi nhặt củi, đến bên cạnh hang của Tôn
giả Ma­ha Ca­chiên­diên, cùng nhau cười đùa nói: "Có Sa­môn trọc đầu đang ở trong này. Ông
là người đen đủi, chẳng phải là hạng người đáng tôn quý, nhưng Bà­la­môn Lỗ­hê­giá lại tôn
trọng cúng dường, đúng như pháp La­hán?" Bấy giờ, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo các thiếu
niên:
"Này các cậu trẻ, các cậu chớ làm ồn!"
Các thiếu niên này trả lời:
"Chúng con không dám nói nữa."
Qua ba lần như vậy, chúng vẫn nói mãi. Lúc này Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên phải ra ngoài cửa
nói với các thiếu niên:
"Này các cậu trẻ, các cậu đừng làm ồn nữa. Bây giờ, ta sẽ vì các cậu mà nói pháp, các cậu hãy
lắng nghe."
304
Các thiếu niên nói:
"Vâng ạ, xin ngài giảng pháp cho, chúng con sẽ lắng nghe và lãnh thọ."
Bấy giờ, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên liền nói bài kệ:
Bà­la­môn xưa kia,
Tu tập giới thắng diệu,
Được sanh trí túc mạng,
An vui thiền chân thật,
Thường ở trong từ bi,
Đóng hết cửa các căn,
Điều phục lỗi về miệng,
Xưa kia hành như vậy.
Bỏ gốc hành chân thật,
Mà giữ việc hư dối,
Giữ tộc tánh buông lung,
Theo căn duyên sáu cảnh,
Đói khát ở gò mả,
Tắm ba (lần), tụng ba kinh,
Không giữ gìn cửa căn,
Giống như mộng được báu.
Bện tóc, khoác áo da,
Giới trộm, mình trét tro,
Áo thô dùng che hình,
Chống gậy mang bình nước,
305
Giả hình Bà­la­môn,
Vì tìm cầu lợi dưỡng.
Khéo nhiếp hộ thân mình,
Lắng sạch lìa trần cấu,
Không não hại chúng sanh,
Là đạo Bà­la­môn.
Bấy giờ, các thiếu niên Bà­la­môn, lòng sân hận không vui, bảo Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên là
đã hủy báng kinh điển họ, hủy hoại những gì kinh điển đã nói và nhục mạ Bà­la­môn, rồi ôm củi
trở về chỗ Bà­la­môn Lỗ­hê­giá, tâu lại với Bà­la­môn Lỗ­hê­giá rằng:
"Hòa thượng biết không, ông Ma­ha Ca­chiên­diên phỉ báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ
nhục Bà­la­môn."
Bà­la­môn Lỗ­hê­giá nói với các thiếu niên:
"Các con chớ nói những lời như vậy. Vì sao? Vì ngài Ma­ha Ca­chiên­diên giữ trọng giới đức,
không lý lại đi hủy báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà­la­môn?"
Các thiếu niên bạch:
"Nếu Hòa thượng không tin những lời của chúng con, thì nên tự mình đến đó xem sao?"
Khi ấy Bà­la­môn Lỗ­hê­giá không tin những lời nói của các thiếu niên, liền đi đến chỗ Tôn giả
Ma­ha Ca­chiên­diên, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe rồi, ngồi lui qua một bên, bạch với ngài Maha Ca­chiên­diên:
"Các đệ tử thiếu niên của tôi có đến đây không?"
Đáp:
"Có đến đây."
"Ngài có nói chuyện ít nhiều gì với chúng không?"
Đáp:
"Có cùng với chúng nói chuyện."
Bà­la­môn Lỗ­hê­giá bạch:
306
"Ngài đã cùng với các thiếu niên nói chuyện, vậy nay ngài có thể vì tôi mà nói lại hết mọi
chuyện."
Ngài Ma­ha Ca­chiên­diên liền kể lại đầy đủ câu chuyện.
Khi ấy, Bà­la­môn Lỗ­hê­giá cũng nổi sân nhuế, tâm không vui, nói với Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên:
"Trước đây, tôi không tin những lời của bọn trẻ, nhưng bây giờ thì đích thật là ngài đã phỉ báng
kinh điển tôi, nói những lời lẽ chê bai và mạ nhục Bà­la­môn."
Ngừng một lát, ông lại nói với Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Nhân giả đã nói về cửa. Vậy cái gì là cửa?"
Ma­ha Ca­chiên­diên nói:
"Lành thay, lành thay, Bà­la­môn! Điều ông hỏi là đúng pháp. Nay tôi sẽ vì ông mà nói về cửa.
Này Bà­la­môn, mắt là cửa, vì nó thấy sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa, vì nó nhận thức pháp."
Bà­la­môn nói:
"Kỳ diệu thay, ngài Ma­ha Ca­chiên­diên! Tôi hỏi về cửa thì ngài liền nói về cửa. Như những gì
ngài đã nói, không giữ gìn cửa. Vậy thế nào là không giữ gìn cửa?"
Ngài Ma­ha Ca­chiên­diên nói:
"Lành thay, lành thay, Bà­la­môn! Ông đã hỏi về việc không giữ gìn cửa, là câu hỏi đúng pháp.
Bây giờ tôi sẽ ông nói về việc không giữ gìn cửa. Này Bà­la­môn, kẻ phàm phu ngu si không
học, khi mắt thấy sắc rồi, nếu là sắc đáng nhớ thì khởi tâm duyên vào đắm nhiễm; nếu là sắc
không đáng nhớ thì khởi tâm sân nhuế, không an trụ vào thân niệm xứ, nên đối với tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, không biết như thật, ở nơi đó khởi lên các thứ pháp ác bất thiện, không đạt
được Vô dư Niết­bàn, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát có phương hại, không được đầy đủ.
Vì tâm giải thoát, tuệ giải thoát không đầy đủ, nên thân dẫy đầy những ác hạnh, không dừng
nghỉ, tâm không được tịch tĩnh. Vì nó không tịch tĩnh nên đối với các căn nó không điều phục,
không giữ gìn, không tu tập. Như mắt và sắc, tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân
và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy."
Bà­la­môn Lỗ­hê­giá nói:
"Kỳ diệu thay, kỳ diệu thay, ngài Ma­ha Ca­chiên­diên! Tôi hỏi về việc không giữ gìn cửa, thì
ngài liền vì tôi nói về việc không giữ gìn cửa. Vậy, bạch ngài Ma­ha Ca­chiên­diên, thế nào gọi
là việc khéo giữ gìn cửa?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói với Bà­la­môn:
307
"Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi tôi về việc khéo giữ gìn cửa. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
Tôi sẽ vì ông mà nói về nghĩa khéo giữ gìn. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật khi mắt thấy sắc
rồi, đối với sắc đáng nhớ thì không khởi lên tâm duyên vào đắm nhiễm; đối với sắc không đáng
nhớ, thì không khởi lên tâm sân nhuế, thường nhiếp tâm mình, an trụ vào thân niệm xứ, vô lượng
tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Những pháp ác bất thiện khởi lên ở nơi đó, thì hoàn toàn dứt bặt,
đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì được đầy đủ. Do đã giải thoát đầy đủ rồi nên những ác
hạnh của thân xúc tất cả đều được dừng nghỉ, tâm đạt được chánh niệm. Đó gọi là cửa đầu tiên
của việc khéo điều phục giữ gìn trong lúc tu tập. Như mắt và sắc, đối với tai và âm thanh, mũi và
mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp lại cũng như vậy."
Bà­la­môn Lỗ­hê­giá nói:
"Kỳ diệu thay, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên! Tôi hỏi về nghĩa giữ gìn cửa, ngài liền vì tôi nói về
nghĩa giữ gìn cửa. Giống như người tìm cỏ thuốc độc mà lại được cam lộ; nay tôi cũng như vậy,
ôm lòng sân nhuế đến ngồi nơi đây, mà lại được ngài dùng mưa pháp rưới lên thân tôi như mưa
cam lộ. Bạch Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, tôi đang bận nhiều công việc tại nhà, xin phép ngài
tôi cáo từ."
Tôn giả Ma ha Ca­chiên­diên nói:
"Bà­la­môn, nên biết đúng thời."
Sau khi nghe những gì Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, Bà­la­môn hoan hỷ, từ chỗ ngồi
đứng dậy ra về.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Pāli, S. 35. 65­68. Samiddhi.
[2]. Thi thiết thế gian 施設世間, giả thiết hay khái niệm về thế gian. Pāli: lokapaññatti.
[3]. Pāli, xem kinh 230; tham chiếu, S. 35. 82. Loka.
[4]. Nguy thúy bại hoại 危脆敗壞: mong manh, giòn, dễ tan vỡ. Pāli: lujjati; xem cht.5 dưới.
[5]. Pāli, S. 35. 82. Loka, câu này Phật trả lời cho một Tỳ­kheo (aññataro bhikikhu): lujjatī 'ti
kho, bhikkhu, tamsā lokoti vuccati, nó bị tan vỡ, do đó nó được gọi là thế gian. Theo định nghĩa
này, danh từ loka (thế gian) là do gốc động từ lujjati (tan vỡ, vì quá giòn, hay mong manh).
[6]. Pāli, S. 35. 65­85. Suñña.
[7]. Hán: thế gian không 世間空. Pāli: suñño loko. Trong bản Pāli, câu hỏi này do Ānanda.
[8]. Pāli, S. 35. 85: cakkhuṃ suññaṃ attena vā attaniyena vā, con mắt trống không, không ngã
hay ngã sở.
308
[9]. Pāli, S. 35. 107. Loka.
[10]. Đương lai hữu ái 當來有愛; Pāli: taṇhā ponobhavikā, khát ái về đời sống tương lai, khát
vọng tồn tại đời sau.
[11]. Pāli, S. 35. 116. Lokakāmaguṇa (phẩm chất dục lạc của thế gian).
[12]. Pāli: nāhaṃ, bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ, daṭṭheyyaṃ, patteyyaṃ
vadāmi, Ta không nói rằng, do đi mà có thể đến và thấy và biết tận cùng biên tế của thế giới.
[13]. Pāli: yena āvusao lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamānī – ayaṃ vuccati ariyassa vinaye loko,
cái mà do bởi nó người có khái niệm về thế gian, có suy tưởng về thế gian, cái đó trong Thánh
pháp luật được gọi là thế gian (= thế giới).
[14]. Thế gian sở trọng 世間所重.
[15]. Trí Thế Gian 知世間, tức Thế Gian Giải, một trong mười hiệu của Phật.
[16]. Cận trụ 近住, đây hiểu là nội trú: đệ tử hầu cạnh thầy. Pāli, S. 35. 150. Antevāsī.
[17]. Pāli: santevāsiko, bhikkhave, bhikkhu sācariyako dukkhaṃ na phāsu viharati.
Anantevāsiko, bhikkhave, bhikkhu anācariyako sukhaṃ phāsu viharati, Tỳ­kheo có đệ tử nội trú,
có thầy, sống không thoải mái. Tỳ­kheo không đệ tử nội trú, không thầy, sống an lạc.
[18]. Ác bất thiện giác 惡不善覺. Pāli: pāpakā akusalā dhammā sarasaṅkappā saṃyojaniyā, các
pháp ác bất thiện được tưởng nhớ, được ước vọng, dẫn đến sự trói buộc.
[19]. Hán: hữu sư 有師. Pāli: sācariyako, người có thầy: samudācaranti naṃ pāpakā akusalā
dhammāti, tasmā sācariyakoti vuccati, các pháp ác bất thiện dẫn nó đi, nên nó được nói là người
có thầy.
[20]. Hán: cận trụ đệ tử 近住弟子. Pāli: antevāsa, đệ tử nội trú.
[21]. An trụ nơi sự thanh tịnh của khất thực; sống với sự khất thực thanh tịnh. Pāli, M. 151.
Piṇḍapātapārisuddhi­sutta. Cf. №125 (45.6).
[22]. Pāli: suññatāvihārena kho ahaṃ bhante etarahi bahulaṃ vihārāmī ti, bạch Thế Tôn, ở đây
con phần nhiều an trú bằng sự an trụ nơi không tánh.
[23]. Pāli: mahāpurisavihāro eso, sāriputta, yadidaṃ suññaṃ, đây là sự an trụ của bậc Đại nhân,
này Sariputta, đó là an trụ không.
[24]. Pāli, S. 35. 124. Vesāli.
[25]. Úc­cù­lũ 郁瞿婁. Pāli: Ugga (Úc­già).
309
[26]. Kết 結, hay kết sử 結使 chỉ sự trói buộc của phiền não. Pāli, S.35. 109, 122. Saṃyojana.
[27]. Kết sở hệ pháp, kết pháp 結所繫法, pháp bị trói buộc bởi kết sử và kết sử. Pāli:
saṃyojaniye dhamme, saṃyojanaṃ.
[28]. Dục tham 欲貪. Pāli: chandarāgo.
[29]. Pāli, S. 35. 110, 123. Upādāna.
[30]. Thiêu nhiệt 燒熱, hay xí nhiên 熾然: rực cháy; ngọn lửa đang bùng cháy. Pāli, S. 35. 194.
Ādittena.
[31]. Pāli: sottaṃ kho... vañjhaṃ jīvitānaṃ... aphalaṃ jīvitānaṃ... momūhaṃ jīvitānaṃ vadāmi:
ngủ, Ta nói là sự không sanh sản của sinh mạng, là sự không kết trái của sinh mạng, là sự ngu
mê của sinh mạng.
[32]. Pāli: na tveva tathārupe vitakke vitakkeyya, không tư duy tầm cầu những tư duy tầm cầu.
[33]. Bản Pāli: (...) saṅghaṃ bhindeyya, còn có thể khiến phá hòa hợp Tăng.
[34]. Pāli, S. 35. 111­112. Pajāna.
[35]. Pāli, S. 35. 15­18. Assādena, v.v...
[36]. Móc câu của ma. Pāli, S. 35. 114­115. Mārapāsa.
[37]. Pāli, S. 35. 189. Bālisika.
[38]. Câu­lưu­sấu Điều phục bác ngưu tụ lạc拘留搜調伏駁牛聚落, tức Pāli: Kurusu
Kammāsadamma. Xem kinh 263 dưới.
[39]. Bảy năm. Pāli, S. 35. 24. Sattavassāni.
[40]. Bản Pāli: Phật trú tại Uruvela (Ưu­lâu­tần­loa), bên bờ sông Nerañjara (Ni­liên­thiền).
[41]. Bản Pāli: lúc bấy giờ, Ma Ba­tuần theo gót Thế Tôn suốt bảy năm.
[42]. Tập cận習近, Pāli: sevati, thân cận và phục vụ.
[43]. Tóm tắt mười bốn kinh.
[44]. Kê lâm viên 雞林園, cũng thường gọi là Kê viên. Pāli: Kukkuṭārāma.
310
[45]. Ba­tra­lợi Phất­đa­la quốc 波吒利弗多羅國, thường nói là Hoa thị thành. Pāli:
Pātaliputta.
[46]. Đại Thuần­đà 大純陀. Em trai của ngài Xá­lợi­phất. Pāli: Mahā­Cunda.
[47]. Tham chiếu, S. 35. 193. Udāyi: Yatheva nu kho, āvuso ānanda, ayaṃ kāyo bhagavatā
anekapariyāyena akkāto vivaṭo pakāsito – itipāyaṃ kāyo anttā ti sakkā evameva viññāṇaṃ pidaṃ
ācikkhituṃ desetuṃ paññaoetuṃ paṭṭhapetuṃ vivarituṃ vibhajituṃ uttānīkātuṃ – itipidaṃ
viññāṇaṃ anattā ti? Thế Tôn bằng nhiều phương tiện thuyết minh thân này, rằng thân này là vô
ngã. Theo như vậy, thì có thể thuyết minh, hiển thị, phân biệt, làm sáng tỏ về thức này, rằng thức
này là vô ngã, được chăng?
[48]. Pāli, A. 4. 174. Koṭṭhika.
[49]. Pāli, S. 35. 191. Koṭṭhika.
[50]. Nhãn hệ sắc, sắc hệ nhãn 眼繫色, 色繫眼. Pāli: kiṃ nu kho... cakkhu rūpānaṃ
saṃyojanaṃ, rūpā cakhussa saṃyojanan ti: Mắt là kết sử của các sắc, hay các sắc là kết sử của
mắt?
[51]. Pāli, A. 4. Koṭṭhika (hoặc Upavāṇa); M. 43. Mahāvedalla. Cf. №26 (211).
[52]. Tức không hiện quán, không lý giải chính xác.
[53]. Pāli, S. 35. 69. Upasena.
[54]. Hàn lâm 寒林, rừng lạnh, khu đất trống vất xác người chết, không thiêu. Pāli: sītavana.
[55]. Vương xá thành, Xà­đầu nham hạ Ca­lăng­già hành xứ 王舍城, 蛇頭巖, 迦陵伽行處.
Pāli: rājagahe viharati sītavane sappasoṇḍikapabbhāre, trú Vương xá, trong rừng Lạnh, trong một
hang đá trong núi Xà­đầu.
[56]. Bản Cao­ly: hữu lượng 有量 (lường được); Tống­Nguyên­Minh: hữu úy 有畏 (dễ sợ).
[57]. Chưa tìm thấy gốc tiếng Phạm.
[58]. Pāli, S. 35. 133. Verahaccāni.
[59]. Ưu­đà­di 優陀夷. Pāli: Udāyi.
[60]. Câu­tát­la quốc, Câu­bàn­trà tụ lạc 拘薩羅國, 至拘磐茶聚落. Pāi: kāmaiḍāyaṃ viharati
todeyyassa brahmanassa ambavane, trú ở Kāmaṇḍa, trong vườn xoài của Bà­la­môn Todeyya.
[61]. Tỳ­nữu Ca­chiên­diên thị Bà­la­môn ni 毘紐迦旃延氏婆羅門尼. Pāli: verahaccānigottāya
brāhmaṇiyā, của Bà­la­môn ni dòng họ Verahaccāni.
311
[62]. Câu hỏi trong bản Pāli: kismiṃ nu kho bhante arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti,
kismiṃ asati arahanto sukhadukkhaṃ paññapenti, do cái gì tồn tại và cái gì không tồn tại, các Ala­hán tuyên bố về khổ và lạc?
[63]. A­la­ha 阿羅訶. Pāli: ārahā, tức A­la­hán; ở đây chỉ chung các bậc Thánh được tôn sùng,
không phải riêng A­la­hán trong hàng Thanh văn của Phật.
[64]. Pāli, A. 6. 55. Soṇa.
[65]. Nhị­thập­ức­nhĩ 二十億耳. Pāli: Soṇa.
[66]. Giải thoát lục xứ 解脫六處. Pāli: cha ṭhānāni adhimutto hoti: nekkhammādhimutto,
pavivekādhimutto, avyāpajjādhimutto, taṇhakkhayādhimutto, upādānakkhayādhimutto,
asammohādhimutto, sáu thắng giải xứ, hay sáu trường hợp quyết tâm: quyết tâm xuất gia, quyết
tâm viễn ly (sống cô độc), quyết tâm không sân, quyết tâm đoạn tận ái, quyết tâm diệt tận thủ,
quyết tâm vô si.
[67]. Ly dục 離欲 ở đây chỉ xuất gia.
[68]. Viễn ly 遠離, ở đây chỉ đời sống ẩn dật, xa lánh thế tục.
[69]. Thất niệm 失念, tức quên mất chánh niệm. Trong bản Pāli: asammoha, không si.
[70]. Pāli, S. 35. 132. Lohicca.
[71]. A­bàn­đề quốc, Thấp­ma­đà giang trắc, Di hầu thất A­luyện­nhã quật 阿磐提國,
濕摩陀江側, 獼猴室, 阿練若窟. Pāli: avantīsu viharati makkarakate araññakuṭikāyaṃ, trú tại
Avanti, ngoài thị trấn Makkarakata (bản Hán đọc là Makkarakuṭikā), tại một thảo am trong khu
rừng vắng (Pāli: araññakuṭikāyaṃ, bản Hán đọc là arññakūṭāyaṃ).
[72]. Lỗ­hê­giá 魯醯遮. Pāli: Lohicca.
312
TẠP A-HÀM QUYỂN 10
KINH 256. VÔ MINH (1)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất và Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la ở tại núi Kỳ­xà­quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy,
Tôn giả Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài
lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Vô minh là không biết[2], không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô thường,
mà không biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt mà không biết như thật sắc là pháp
ma diệt[3]. Sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành,
thức là pháp vô thường mà không biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường. Thức là
pháp ma diệt mà không biết như thật thức là pháp ma diệt; thức là pháp sanh diệt mà không biết
như thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma­ha Câu­hi­la, đối với năm thọ ấm này mà không thấy,
không biết như thật, không có vô gián đẳng[4], ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh.
Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh."
Lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Minh là biết; biết gọi là minh."
Lại hỏi:
"Biết những gì?"
Đáp:
313
"Sắc là vô thường; biết như thật sắc là vô thường. Sắc là pháp ma diệt, biết như thật sắc là pháp
ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt, biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là vô
thường, biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Thức là pháp ma diệt, biết như thật
thức là pháp ma diệt. Thức là pháp sanh diệt, biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Tôn giả
Câu­hi­la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng,
đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh."
Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi
đứng dậy về chỗ ở của mình.
KINH 257. VÔ MINH (2)[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất và Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la ở tại núi Kỳ­xà­quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy,
Tôn giả Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài
lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Vô minh là không biết; không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Không biết như thật về
sắc; không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự
diệt tận của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; không biết như thật về sự tập
khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Ma­ha
Câu­hi­la, đối với năm thọ ấm này, mà không biết như thật, không biết, không thấy, không có vô
gián đẳng, ngu si, mờ tối, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này, gọi là vô minh.
Lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thế nào là minh? Ai có minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Gọi minh là biết, biết tức là minh."
314
Lại hỏi:
"Biết những gì?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường
đưa đến sự đoạn tận của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi
của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Câu­hi­la, đối
với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, thì đó gọi là
minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh."
Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi
đứng dậy về chỗ ở của mình.
KINH 258. VÔ MINH (3)[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất và Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la ở tại núi Kỳ­xà­quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy,
Tôn giả Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài
lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Không biết là vô minh.
"Không biết những gì?"
"Không biết như thật về sắc. Không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc,
về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng,
hành, thức. Không biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ,
tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức,
về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Ma­ha Câu­hi­la, đối với năm thọ ấm này, mà
315
không biết như thật, không thấy như thật, không có vô gián đẳng, mờ tối, hay ngu si, thì gọi là vô
minh. Ai thành tựu những điều này, thì gọi là vô minh."
Lại hỏi:
"Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Biết tức là minh.
Lại hỏi:
"Biết những gì?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của
sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như
thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị
ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ,
tưởng, hành, thức. Này Câu­hi­la, đối với năm thọ ấm này, biết như thật, thấy như thật, sáng tỏ,
có giác, có quán, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là
người có minh."
Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi
đứng dậy về chỗ ở của mình.
KINH 259. VÔ GIÁN ĐẲNG[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất và Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la ở tại núi Kỳ­xà­quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy,
Tôn giả Câu­hi­la đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài
lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
316
"Nếu có Tỳ­kheo nào, chưa đạt được pháp vô gián đẳng[8] mà muốn cầu pháp vô gián đẳng, thì
phải dùng phương tiện nào mà tìm cầu; phải tư duy những pháp nào[9]?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Nếu có Tỳ­kheo nào, chưa đạt được pháp vô gián đẳng, mà muốn tìm cầu pháp vô gián đẳng,
thì phải tinh cần tư duy, năm thọ ấm là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường,
khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đó là chỗ cần tư duy[10]. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với năm thọ ấm
này mà tinh cần tư duy, thì sẽ chứng được quả Tu­đà­hoàn."
Lại hỏi:
"Xá­lợi­phất, khi đã chứng được quả Tu­đà­hoàn rồi, mà muốn chứng được quả Tư­đà­hàm, thì
phải tư duy những pháp nào[11]?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Câu­hi­la, khi đã chứng được quả Tu­đà­hoàn rồi, mà muốn chứng được quả Tư­đà­hàm, thì
cũng phải tinh cần tư duy năm thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô
thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với năm
thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì sẽ chứng được quả Tư­đà­hàm."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la lại hỏi:
"Xá­lợi­phất, khi đã chứng được quả Tư­đà­hàm rồi, mà muốn chứng được quả A­na­hàm, thì
phải tư duy những pháp nào?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Câu­hi­la, khi đã chứng được quả Tư­đà­hàm rồi, mà muốn chứng được quả A­na­hàm, thì phải
tinh cần tư duy năm pháp thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường,
khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với năm thọ ấm
này mà tinh cần tư duy, thì cũng sẽ chứng được quả A­na­hàm. Sau khi đã chứng được quả Ana­hàm, mà muốn chứng được quả A­la­hán, cần phải tinh tấn tư duy về năm pháp thọ ấm này là
bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì đây là
chỗ cần tư duy. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với năm thọ ấm này mà tinh cần tư duy, thì cũng sẽ chứng
được quả A­la­hán."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Xá­lợi­phất, khi đã chứng được quả A­la­hán rồi, thì còn phải tư duy những pháp nào nữa?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
317
"Ma­ha Câu­hi­la, A­la­hán lại cũng tư duy năm thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là
sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì để được điều chưa được, để chứng pháp
chưa chứng, để có hiện pháp lạc trú[12].
Hai vị Chánh sĩ nghe lẫn nhau những điều được nói, hoan hỷ ra về.
KINH 260. DIỆT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất
đến chỗ Tôn giả A­nan, cùng thăm hỏi nhau, rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi Tôn
giả A­nan:
"Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh mà giải đáp cho không?"
Tôn giả A­nan đáp:
"Nhân giả cứ hỏi, nếu tôi biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi:
"A­nan, gọi là diệt. Thế nào là diệt? Ai có diệt này?"
Tôn giả A­nan nói:
"Xá­lợi­phất, năm thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước
kia, là pháp vô thường, diệt.[13] Pháp này diệt nên nói là diệt. Những gì là năm? Sắc thọ ấm là
cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt.
Pháp này diệt nên nói là diệt. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức là cái được tạo tác bởi hành trước
kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt.
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Đúng vậy! Đúng vậy! A­nan, như những gì Nhân giả đã nói, năm thọ ấm này là cái được tạo tác
bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên
nói là diệt. Những gì là năm? Sắc thọ ấm là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước
nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt. Cũng vậy thọ, tưởng,
hành, thức là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô
thường, diệt. Pháp này diệt nên nói là diệt.
"Này A­nan, năm thọ ấm này, nếu không phải là cái được tạo tác bởi hành trước kia, là cái được
ước nguyện trước kia, làm sao có thể bị diệt? Này A­nan, vì năm thọ ấm là cái được tạo tác bởi
hành trước kia, là cái được ước nguyện trước kia, là pháp vô thường, diệt. Pháp này diệt nên nói
là diệt.
318
Hai vị Chánh sĩ nghe lẫn nhau những điều được nói, hoan hỷ ra về.
KINH 261. PHÚ­LƯU­NA[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả A­nan ở trong vườn Cù­sư­la tại nước Câu­diệm­di[15], bấy giờ Tôn giả Anan nói với các Tỳ­kheo:
"Tôn giả Phú­lưu­na Di­đa­la­ni Tử[16], khi tuổi niên thiếu, mới xuất gia[17], thì thường hay nói
pháp sâu xa như vầy:
"A­nan, đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ngã, chứ không phải pháp không sanh khởi. Anan, thế nào là đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ta, chứ không phải pháp không sanh
khởi[18]? Sắc sanh khởi[19], sanh khởi là ta chứ không phải không sanh. Thọ, tưởng, hành, thức
sanh khởi, sanh khởi là ta, chứ không phải không sanh. Giống như người tay cầm tấm gương
sáng, hay dùng mặt nước trong, tự nhìn vào xem thấy mặt mình sanh ra. Vì có sanh nên thấy, chứ
không phải không sanh[20]. Cho nên, A­nan, sắc sanh khởi, vì có sanh khởi nên chấp là ngã, chứ
không phải không sanh khởi. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, vì có sanh khởi nên
chấp là ngã, chứ chẳng phải không sanh khởi. Thế nào A­nan, sắc là thường hay vô thường?
"Đáp:
"Là vô thường."
Lại hỏi:
"Vô thường là khổ phải không?"
Đáp:
"Là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã,
hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Thưa không."
Lại hỏi:
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?"
319
Đáp:
"Là vô thường."
Lại hỏi:
"Vậy, vô thường là khổ phải không?"
Đáp:
"Là khổ."
Lại hỏi:
"Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Đáp:
"Thưa không."
"A­nan, cho nên đối với sắc hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không
khác ngã, chẳng ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc
hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả
chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Cần phải biết như thật, quán sát
như thật. Quán sát như vậy rồi, Thánh đệ tử đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, xa lìa dục, giải
thoát: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.' Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán, xa lìa
dục, giải thoát: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Các Tỳ­kheo nên biết, vị Tôn giả này đối với tôi có rất nhiều lợi ích. Tôi nghe những gì từ Tôn
giả ấy rồi, liền xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Từ đó tới nay, tôi thường thuyết pháp
này cho bốn chúng, chứ không thuyết cho các người ngoại đạo xuất gia, Sa­môn, Bà­la­môn."
KINH 262. XIỂN­ĐÀ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, số đông Tỳ­kheo Thượng tọa, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã, nước Ba­lanại[22]. Phật vào Niết­bàn không bao lâu.
Bấy giờ, vào sáng sớm, trưởng lão Xiển­đà[23] đắp y mang bát vào thành Ba­la­nại khất thực.
Ăn xong, thu dọn y bát, rửa chân, rồi cầm chìa khóa cửa, đi từ rừng này đến rừng khác, từ phòng
320
này đến phòng khác, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành khác, chỗ nào cũng yêu cầu các
Tỳ­kheo:
"Xin chỉ dạy tôi, nói pháp cho tôi, để cho tôi biết pháp, thấy pháp và tôi sẽ biết như pháp và quán
như pháp[24]."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo nói với Xiển­đà:
"Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả
các pháp đều vô ngã. Niết­bàn tịch diệt[25].
Xiển­đà thưa các Tỳ­kheo:
"Tôi đã biết sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Tất cả các hành đều vô
thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết­bàn tịch diệt."
Xiển­đà lại thưa:
"Nhưng tôi không thích nghe tất cả các hành đều không tịch, bất khả đắc, ly dục, ái tận, Niếtbàn[26]. Ở trong đó làm sao có ngã mà nói là biết như vậy, thấy như vậy, đó gọi là thấy pháp?"
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Xiển­đà lại thưa:
"Ở đây, vị nào có khả năng nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp?"
Xiển­đà lại nghĩ: 'Tôn giả A­nan, hiẹân nay đang ở trong vườn Cù­sư­la nước Câu­diệm­di, đã
từng cúng dường gần gũi Đức Thế Tôn và được Phật khen ngợi; những bậc Phạm hạnh tất cả đều
biết rõ. Tôn giả ắt có thể vì ta mà nói pháp, khiến cho ta biết pháp, thấy pháp."
Buổi sáng sớm hôm sau, Xiển­đà đắp y mang bát vào thành Ba­la­nại khất thực. Ăn xong, thu cất
ngọa cụ, rồi mang y bát đến nước Câu­diệm­di. Người lần hồi du hành đến nước Câu­diệm­di.
Sau khi thu cất y bát và rửa chân xong, liền đến chỗ Tôn giả A­nan, cùng nhau thăm hỏi và ngồi
qua một bên.
Bấy giờ, Xiển­đà thưa Tôn giả A­nan:
"Một thời, các Tỳ­kheo Thượng tọa, trú ở Tiên nhân đọa xứ, trong vườn Lộc dã, nước Ba­la­nại.
Bấy giờ, vào sáng sớm, tôi đắp y mang bát vào thành Ba­la­nại khất thực. Ăn xong, thu dọn y
bát, rửa chân, rồi cầm chìa khóa cửa, đi từ rừng này đến rừng khác, từ phòng này đến phòng
khác, từ chỗ kinh hành này đến chỗ kinh hành khác, chỗ nào cũng yêu cầu các Tỳ­kheo: 'Xin chỉ
dạy tôi, nói pháp cho tôi, để cho tôi biết pháp, thấy pháp và tôi sẽ biết như pháp và quán như
pháp.' Khi ấy, các Tỳ­kheo nói pháp cho tôi rằng: 'Sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là
vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết­bàn tịch diệt.' Tôi
bấy giờ thưa các Tỳ­kheo: 'Tôi đã biết sắc là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường.
Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã. Niết­bàn tịch diệt. Nhưng tôi không
thích nghe tất cả các hành đều không tịch, bất khả đắc, ly dục, ái tận, Niết­bàn. Ở trong đó làm
321
sao có ngã mà nói là biết như vậy, thấy như vậy, đó gọi là thấy pháp?' Rồi suy nghĩ như vầy: 'Ở
đây, vị nào có khả năng nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp?' Tôi lại nghĩ: 'Tôn giả
A­nan, hiẹân nay đang ở trong vườn Cù­sư­la nước Câu­diệm­di, đã từng cúng dường gần gũi
Đức Thế Tôn và được Phật khen ngợi; những bậc Phạm hạnh tất cả đều biết rõ. Tôn giả ắt có thể
vì ta mà nói pháp, khiến cho ta biết pháp, thấy pháp.'
"Lành thay, Tôn giả A­nan, nay hãy nói pháp cho tôi, khiến tôi biết pháp, thấy pháp."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói với Xiển­đà:
"Lành thay! Xiển­đà, tôi rất hoan hỷ. Tôi chúc mừng Nhân giả, có thể đối trước người phạm
hạnh không che giấu, phá bỏ gai nhọn giả dối. Này Xiển­đà, kẻ phàm phu ngu si không có thể
hiểu sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường; tất cả các hành đều là vô
thường, tất cả các pháp đều là vô ngã, Niết­bàn là tịch diệt. Nay ngươi có thể nhận lãnh pháp vi
diệu hơn hết này. Thầy hãy lắng nghe. Tôi sẽ vì ngươi mà nói."
Lúc này, Xiển­đà tự nghĩ: "Nay ta rất vui mừng, có được cái tâm thù thắng vi diệu, được tâm
phấn khởi hoan hỷ. Nay ta có thể nhận lãnh được pháp vi diệu thù thắng này."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói với Xiển­đà:
"Chính tôi đã từng trực tiếp nghe từ Đức Phật dạy Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên: 'Người đời
điên đảo nương chấp vào hai bên: hoặc là hữu, hoặc là vô[27]. Người đời thủ các cảnh giới, tâm
liền phân biệt chấp trước[28]. Này Ca­chiên­diên, nếu không thọ, không thủ, không trụ, không
phân biệt chấp trước ngã; khổ này khi sanh thì sanh, khi diệt thì diệt[29]. Này Ca­chiên­diên, đối
với điều đó không nghi ngờ, không mê hoặc, không do ai khác mà tự mình biết, đó gọi là chánh
kiến mà Đức Như Lai đã giảng nói. Vì sao? Này Ca­chiên­diên, vì nếu quán sát như thật về sự
tập khởi của thế gian, sẽ không sanh ra kiến chấp thế gian là vô. Quán sát như thật về sự diệt tận
của thế gian, sẽ không sanh ra kiến chấp thế gian là hữu[30]. Này Ca­chiên­diên, Như Lai đã xa
lìa hai bên, thuyết ở Trung đạo, rằng: cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh;
nghĩa là duyên vô minh nên có hành và, cho đến sự tập khởi của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi,
khổ, não. Và rằng, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt; có nghĩa là vô
minh diệt thì hành diệt, cho đến sự diệt tận của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.'"
Khi Tôn giả A­nan nói kinh này xong, thì Tỳ­kheo Xiển­đà xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh
tịnh. Khi Tỳ­kheo Xiển­đà đã thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, khởi pháp, vượt qua khỏi mọi sự
hồ nghi, không do ai khác, đối với giáo pháp của Bậc Đại Sư, đạt được vô sở úy; rồi cung kính
chắp tay bạch Tôn giả A­nan:
"Cần phải như vậy, bậc trí tuệ Phạm hạnh, thiện tri thức, như vậy giáo thọ, giáo giới, nói pháp.
Hôm nay tôi từ chỗ Tôn giả A­nan nghe pháp như vầy: 'Tất cả hành đều không, đều tịch diệt, bất
khả đắc, ái tận, ly dục, diệt tận, Niết­bàn, tâm an vui, hoàn toàn an trụ giải thoát, không còn quay
lại, không còn thấy ngã, chỉ thấy chánh pháp."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói với Xiển­đà:
322
"Nay, thầy đã được cái lợi tốt nhất, ở trong pháp Phật sâu xa đã đạt được tuệ nhãn của bậc
Thánh."
Lúc này hai vị Chánh sĩ tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy, họ trở về chỗ ở của mình.
Bài kệ tóm tắt:
Ba kinh Thâu­lũ­na,
Vô minh cũng có ba,
Vô gián đẳng và diệt,
Phú­lưu­na, Xiển­đà.
KINH 263. ƯNG THUYẾT[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong xóm Tạp sắc mục ngưu[32], ở nước Câu­lưu[33].
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Ta do tri kiến mà diệt tận các lậu[34], chứ không phải không tri kiến. Thế nào là do tri kiến mà
diệt tận các lậu, chứ không phải không tri kiến? Nghĩa là: 'Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc
này, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của thức, đây là
sự diệt tận của thức.' Nếu không cần phương tiện, tùy thuận thành tựu, mà dụng tâm cầu mong
rằng: 'Mong ta diệt sạch được các lậu, tâm được giải thoát,' nên biết, Tỳ­kheo kia cuối cùng
không thể diệt sạch được các lậu để giải thoát. Vì sao? Vì không tu tập. Không tu tập những gì?
Không tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.
"Giống như gà mái đẻ ra nhiều trứng, nên không thể thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, mà
lại mong cho gà con dùng móng chân, dùng mỏ để mổ vỏ trứng chui ra an toàn. Nên biết, gà con
kia không đủ sức để dùng móng chân, dùng mỏ mổ vỏ trứng chui ra an toàn. Vì sao? Vì gà mái
kia không thể thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, nuôi lớn gà con.
"Cũng vậy, Tỳ­kheo không tinh cần tu tập, tùy thuạân thành tựu, mà lại mong diệt sạch hết các
lậu để giải thoát, thì việc này không thể có được. Vì sao? Vì không tu tập. Không tu tập những
gì? Không tu niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.
"Nếu Tỳ­kheo tu tập, tùy thuận thành tựu, thì tuy không muốn diệt sạch các lậu để giải thoát,
nhưng với Tỳ­kheo kia các lậu cũng tự diệt sạch, tâm được giải thoát. Vì sao? Vì nhờ đã tu tập.
Tu tập những gì? Tu niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.
323
"Giống như gà mái khéo nuôi dưỡng con mình, thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh, cho dù nó
không muốn gà con tìm cách tự mổ vỏ trứng để ra, nhưng các con của nó cũng tự tìm đủ cách để
thoát ra ngoài một cách an toàn. Vì sao? Vì gà mái thường xuyên ấp, điều hòa nóng lạnh.
"Cũng vậy, Tỳ­kheo khéo cần phương tiện, thì cho dù không muốn diệt sạch các lậu để giải
thoát, nhưng với Tỳ­kheo này các lậu tự hết, tâm được giải thoát. Vì sao? Vì đã nhờ vào sự
chuyên cần tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo.
"Giống như một người thợ khéo[35], hay học trò của người thợ khéo, tay cầm cán búa, cầm mãi
không rời, dần dần trên cán búa mòn đi, hiện rõ chỗ ngón tay cầm, nhưng chỗ mòn hiện ra vì quá
vi tế nên người kia không biết cán búa bị mòn.
"Cũng vậy, Tỳ­kheo tinh cần tu tập, tùy thuận thành tựu, thì sẽ không tự mình thấy biết là hôm
nay lậu hết chừng mức nào, hay ngày mai lậu hết chừng mức nào; nhưng Tỳ­kheo kia biết là hữu
lậu đã hết sạch. Vì sao? Vì nhờ đã tu tập. Tu tập những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc,
căn, lực, giác, đạo.
"Giống như chiếc thuyền lớn đậu bờ biển; trải qua tháng sáu mùa hè[36] bị gió xát, mặt trời
nung, dây cột đứt từ từ[37]. Cũng vậy, Tỳ­kheo tinh cần tu tập, tùy thuận thành tựu, thì tất cả
những kết, sử, phiền não, triền[38] dần dần sẽ được giải thoát. Vì sao? Vì nhờ khéo tu tập. Tu tập
những gì? Tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo."
Khi nói pháp này, thì sáu mươi Tỳ­kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 264. TIỂU THỔ ĐOÀN[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo nọ
trong khi đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: 'Có sắc nào là thường trú, vĩnh hằng, không
biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, vĩnh
hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?'
Vào buổi chiều, sau khi Tỳ­kheo này từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi
ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, trong khi con đang thiền tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: 'Có sắc nào là thường
trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Cũng vậy, có thọ, tưởng, hành, thức nào
là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?' Nay bạch Thế Tôn: 'Có sắc
nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không? Và có thọ, tưởng, hành,
thức nào là thường trú, vĩnh hằng, không biến dịch, tồn tại vĩnh cửu không?'
Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất nhỏ[40] hỏi Tỳ­kheo kia:
324
"Ông có thấy hòn đất trong tay Ta không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con đã thấy."
Phật lại nói:
"Tỳ­kheo, ngã nhỏ bằng một ít đất như vậy cũng là bất khả đắc. Nếu ngã là khả đắc, thì nó là
pháp thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi."
Phật nói với Tỳ­kheo:
"Ta nhớ lại đời trước, tu phước lâu dài, đã được quả báo thù thắng vi diệu, khả ái. Ta đã từng
trong bảy năm tu tập tâm từ, trải qua bảy kiếp thành hoại, không tái sanh vào thế gian này. Trong
bảy kiếp hoại Ta sanh lên cõi trời Quang âm, trong bảy kiếp thành Ta lại sanh vào trong cung
điện trống không trong cõi Phạm, làm Đại Phạm vương, thống lãnh ngàn thế giới, không ai hơn,
không ai trên. Từ đó trở về sau, ba mươi sáu lần Ta lại làm Thiên đế Thích, rồi lại trăm ngàn lần
làm Chuyển luân Thánh vương, thống lãnh bốn thiên hạ, dùng chánh pháp để giáo hóa và cai trị;
có đầy đủ bảy báu: báu xe, báu voi, báu ngựa, báu ma­ni, báu ngọc nữ, báu đại thần chủ kho
tàng, báu đại thần chủ binh. Ta có đầy đủ ngàn người con tất cả đều dõng mãnh. Ở trong bốn
biển, đất đai bằng phẳng, không có những thứ gai độc; chỉ dùng chánh pháp để điều phục, chứ
không dùng oai thế, hay bức bách.
"Pháp vua Quán đảnh[41], có tám vạn bốn ngàn long tượng đều được dùng các thứ báu để trang
sức trang nghiêm, lưới báu phủ lên, dựng cờ quý báu; ở đây tượng vương Bố­tát[42] dẫn đầu, hai
buổi sáng chiều tự động hội tụ trước điện. Lúc ấy Ta nghĩ: 'Bầy voi lớn này, mỗi ngày qua lại
đạp chết chúng sanh vô số. Ta ước sao bốn vạn hai ngàn voi, cứ một trăm năm trở lại một lần.'
và sở nguyện của Ta liền được như ý. Trong tám vạn bốn ngàn voi đó, có bốn vạn hai ngàn voi
cứ trăm năm đến lại một lần.
"Pháp vua Quán đảnh lại có tám vạn bốn ngàn con ngựa; cũng dùng hoàn toàn vàng ròng làm
dụng cụ để cưỡi, lưới vàng phủ lên. Ở đây mã vương Bà­la[43] dẫn đầu chúng.
"Pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn cỗ xe bằng bốn loại báu như xe vàng, xe bạc, xe lưu
ly, xe pha lê; dùng da sư tử, da cọp, da beo và vải tạp sắc khâm­ba­la[44] phủ lên trên; đứng đầu
là xe âm thanh Bạt­cầu tỳ­xà­da­nan­đề[45].
"Pháp vua Quán đảnh thống lãnh tám vạn bốn ngàn thành, nhân dân đông đúc, an lạc, phồn vinh.
Đứng đầu là thành Câu­xá­bà­đề[46].
"Pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn cung điện bằng bốn loại báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê,
ma ni; Do­ha[47] là trên hết.
325
"Này Tỳ­kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn giường bằng bốn loại báu vàng, bạc,
lưu ly, pha lê; cùng các loại nệm bằng lụa quý, được trải lên trên nó bằng loại ngọa cụ Ca­lănggià[48] và đặt lên những chiếc gối đỏ.
"Lại nữa, này Tỳ­kheo, pháp vua quán đảnh lại có tám vạn bốn ngàn y phục, gồm bốn thứ như y
ca­thi­tế[49], y sô­ma[50], y đầu­cưu­la[51], y câu­triêm­bà[52].
"Lại nữa, này Tỳ­kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, như nữ Sát­lợi, nữ tợ
Sát­lợi, huống chi là những người nữ khác.
"Lại nữa, này Tỳ­kheo, pháp vua Quán đảnh có tám vạn bốn ngàn đồ ăn thức uống đủ các hương
vị.
"Này Tỳ­kheo, trong tám vạn bốn ngàn ngọc nữ, chỉ có một người được vua chọn để hầu hạ;
trong tám vạn bốn ngàn y phục báu, nhà vua chỉ mặc một y; trong tám vạn bốn ngàn giường báu,
nhà vua chỉ nằm một giường; trong tám vạn bốn ngàn cung điện, nhà vua chỉ ở một cung; trong
tám vạn bốn ngàn thành, nhà vua chỉ chọn ở một thành, đó là Câu­xá­bà­đề; trong tám vạn bốn
ngàn xe báu, nhà vua chỉ đi có một xe đó là Tỳ­xà­da­nan­đề cù­sa[53], để ra khỏi thành du lãm;
trong tám vạn bốn ngàn ngựa báu, nhà vua chỉ cưỡi có một con, đó là Bà­la­ha, lông đuôi màu
xanh biếc; trong tám vạn bốn ngàn long tượng, nhà vua chỉ cưỡi một voi, đó là Bố­tát­đà để ra
khỏi thành du quán.
"Này Tỳ­kheo, ở đây nhà vua nhờ những nghiệp báo gì mà có được những oai đức tự tại như
vậy? Ở đây nhờ vào ba loại nghiệp báo. Những gì là ba? Một là bố thí, hai là điều phục, ba là tu
đạo. Tỳ­kheo nên biết, phàm phu vì quen đắm nhiễm ngũ dục nên không biết chán và đủ; còn
Thánh nhân vì đã thành tựu được trí tuệ đầy đủ nên thường biết đủ.
"Này Tỳ­kheo, tất cả các hành, quá khứ diệt tận, quá khứ biến dịch. Các vật dụng tự nhiên kia và
tên gọi của chúng, tất cả đều ma diệt. Cho nên này Tỳ­kheo, thôi hãy dừng lại với các hành[54],
hãy nhàm chán, đoạn trừ dục, giải thoát.
"Tỳ­kheo, sắc là thường hay vô thường?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, vô thường."
"Nếu vô thường thì khổ phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là khổ."
"Tỳ­kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
326
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, không."
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, vô thường."
"Nếu vậy, vô thường là khổ phải không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là khổ."
"Tỳ­kheo, nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, không."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Những gì thuộc về hữu sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không
khác ngã, không ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc
hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả
chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau.
"Tỳ­kheo, đối với sắc nên sanh tâm nhàm tởm. Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát. Cũng vậy,
đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nên sanh tâm nhàm tởm. Do nhàm tởm mà ly dục, giải thoát,
giải thoát tri kiến: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Khi Tỳ­kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui. Sau đó
luôn luôn nhớ về những lời dạy với thí dụ nhúm đất, một mình ở chỗ vắng vẻ, tinh tấn siêng
năng tư duy, sống không buông lung. Sau khi sống không buông lung, vị ấy tư duy về lý do mà
một thiện nam tử xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mình mặc pháp y, có lòng tin, từ bỏ gia đình, sống
không gia đình,... cho đến, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Lúc ấy, Tôn giả này cũng tự biết pháp, tâm đạt được giải thoát, thành bậc A­la­hán.
327
KINH 265. BÀO MẠT[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trú xứ A­tỳ­đà, bên bờ sông Hằng[56].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Giống như nước lớn sông Hằng cuộn lên, bọt nước theo dòng chảy mà tụ lại. Nếu như người
nào có mắt sáng quán sát, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát, phân biệt thật kỹ đó, sẽ thấy rằng
không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong
nhóm bọt nước nổi kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ,
hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa,
hoặc gần, Tỳ­kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc,
không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như
sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì sắc vốn không chắc thật.
"Này các Tỳ­kheo, giống như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt hiện chợt mất. Nếu người nào
có mắt sáng quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát tư duy, phân biệt thật kỹ đó sẽ
thấy rằng không có cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao?
Vì trong bong bóng nước kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về thọ, hoặc quá
khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc
xa, hoặc gần, Tỳ­kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền
chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn,
như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thọ vốn không chắc thật.
"Này các Tỳ­kheo, giống như cuối xuân, đầu hạ, không mây, không mưa, giữa trưa trời nắng gắt,
sóng nắng[57] chập chờn, người nào sáng mắt quán sát, tư duy, phân biệt kỹ càng và, khi quán
sát, tư duy, phân biệt kỹ càng thì sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là
chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong quáng nắng kia không có gì là chắc thật. Cũng
vậy, những gì thuộc về tưởng, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài;
hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ­kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt
thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là kiên cố; chúng
như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao?
Vì tưởng vốn không chắc thật.
"Này các Tỳ­kheo, giống như người mắt sáng muốn tìm gỗ cứng chắc, nên cầm búa bén đi vào
rừng núi. Thấy một cây chuối lớn, thân dài lớn ngay thẳng, y liền đốn gốc, chặt đứt ngọn nó, lột
bỏ hết bẹ, cuối cùng không có gì là chắc thật. Nếu người nào có mắt sáng thì sẽ quán sát, tư duy,
phân biệt và khi đã quán sát, tư duy, phân biệt rồi thì sẽ thấy rằng không gì có cả, không gì là bền
chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong cây chuối kia không có gì là
chắc thật. Cũng vậy những gì thuộc về hành, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ­kheo, hãy quán sát, tư
duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chân thật, không có gì là
kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi
ngã. Vì sao? Vì hành vốn không chắc thật.
328
"Này các Tỳ­kheo, giống như nhà ảo thuật, hay là học trò của nhà ảo thuật, ở giữa ngã tư đường,
huyễn hóa ra binh voi, binh ngựa, binh xa, binh bộ. Lúc này có người trí mắt sáng, quán sát, tư
duy, phân biệt kỹ và khi họ đã quán sát, tư duy, phân biệt kỹ, thì sẽ thấy rằng không gì là có,
không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có gì là chắc thật. Vì sao? Vì những hiện
tượng huyễn hóa kia vốn không chắc thật. Như vậy, này các Tỳ­kheo những gì thuộc về thức,
hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc
xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì Tỳ­kheo nên quán sát, tư duy, phân biệt kỹ và khi đã quán sát, tư duy,
phân biệt kỹ thì sẽ thấy rằng không gì là có, không gì là bền chặt, không gì là chân thật, không có
gì là chắc thật; chúng như bệnh hoạn, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường,
khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thức vốn không chắc thật."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại nghĩa này, nên nói bài kệ:
Quán sắc như bọt nước,
Thọ như bong bóng nước,
Tưởng như quáng nắng xuân,
Các hành như cây chuối,
Các thức pháp như huyễn,
Đấng Nhật thân[58] dạy vậy.
Tư duy kỹ khắp cả,
Chánh niệm khéo quán sát:
Không thật, chẳng kiên cố,
Không có ngã, ngã sở.
Đối thân khổ ấm này,
Đại Trí phân biệt dạy,
Xa lìa ba pháp này,
Thân thành vật vất bỏ:
Thọ, hơi ấm và thức.
Lìa chúng, phần thân khác,
Vĩnh viễn vùi gò hoang,
329
Như gỗ, không thức tưởng.
Thân này thường như vậy,
Huyễn dối dụ người ngu;
Như gai độc, như sát,
Không có gì chắc thật.
Tỳ­kheo siêng tu tập,
Quán sát thân ấm này,
Chuyên tinh luôn ngày đêm,
Chánh trí, buộc niệm lại,
Hành hữu vi ngừng nghỉ,
Vĩnh viễn chốn thanh lương.
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 266. VÔ TRI (1)[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với sanh tử vô thỉ, vì bị vô minh che khuất, ái kết[60] buộc ràng, luân hồi trong đêm dài
tăm tối, nên không biết được biên tế tối sơ[61] của khổ. Cũng như trăm thứ cỏ cây, lúa, thóc,
mọc trên mặt đất, tất cả đều bị khô héo vì lâu ngày không mưa. Này các Tỳ­kheo, vì bị vô minh
che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết không dứt, không chấm
dứt được khổ[62].
"Này các Tỳ­kheo, có khi nước trong biển lớn cũng khô cạn vì lâu ngày trời không mưa. Cũng
vậy, này các Tỳ­kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi.
Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.
"Này các Tỳ­kheo, có lúc, sau một thời gian lâu dài, núi chúa Tu­di[63] tất phải sụp đổ. Cũng
vậy, này các Tỳ­kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi.
Ái kết không dứt, không chấm dứt được khổ.
330
"Này các Tỳ­kheo, có lúc, sau một thời gian lâu dài, quả đất này bị tan hoại. Cũng vậy, này các
Tỳ­kheo, vì vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, nên chúng sanh sống chết luân hồi. Ái kết
không dứt, không chấm dứt được khổ.
"Này các Tỳ­kheo, giống như con chó bị cột vào trụ. Khi sợi dây chưa bứt, nó lâu dài đi quanh
cây trụ, chuyển động luân hồi. Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, vì chúng sanh ngu si không biết như
thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc,
về sự xuất ly của sắc, nên mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo sắc. Cũng vậy, nếu
không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự
diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ,
tưởng, hành, thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, thì sẽ mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị
chuyển vần theo thọ, tưởng, hành, thức.
"Này các Tỳ­kheo, nó bị chuyển theo sắc, chuyển theo thọ, chuyển theo tưởng, chuyển theo
hành, chuyển theo thức. Vì bị chuyển theo sắc nên không thoát khỏi sắc; vì bị chuyển theo thọ,
tưởng, hành, thức nên không thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Vì không thoát, nên không thoát
khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của
sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc; biết
như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự diệt tận của
thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ, tưởng, hành,
thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, nên không bị chuyển theo thọ, tưởng, hành, thức.
Vì không bị chuyển theo, nên thoát khỏi sắc, thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Ta nói vị ấy sẽ
thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 267. VÔ TRI (2)[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh, đối với sanh tử vô thỉ, vì bị vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, luân hồi trong lâu
dài, mà không biết được biên tế tối sơ của khổ.
"Này các Tỳ­kheo, giống như con chó bị dây cột vào trụ. Dây trói không đứt, nó xoay chuyển
quanh cây trụ, khi đứng, khi nằm, không rời khỏi trụ. Cũng vậy, chúng sanh phàm phu ngu muội,
đối với sắc không lìa tham dục, không xa lìa ái, không lìa niệm, không xa lìa khát, luân hồi theo
sắc, chuyển xoay theo sắc, khi đứng, khi ngồi, không rời khỏi sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức
cũng vậy, theo thọ, tưởng, hành, thức chuyển xoay, khi đứng, khi nằm không rời khỏi thức.
331
"Này các Tỳ­kheo, hãy khéo quán sát tư duy tâm. Vì sao? Vì trong lâu đời tâm bị tham dục làm
nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế. Này các Tỳ­kheo, vì tâm não nên chúng sanh não; vì
tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh[65].
"Này các Tỳ­kheo, Ta không thấy có một sắc[66] mà đa dạng như chim có sắc đốm[67], tâm
mình lại còn hơn thế nữa. Vì sao? Tâm chúng sanh kia đa dạng, nên sắc cũng đa dạng. Cho nên
này Tỳ­kheo, hãy tư duy quán sát rõ tâm mình. Này các Tỳ­kheo, trong lâu đời tâm bị tham dục
làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế. Này các Tỳ­kheo, vì tâm não nên chúng sanh
não; vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.
"Tỳ­kheo, nên biết, ngươi có thấy chim Ta­lan­na[68] có nhiều màu sắc không?"
Đáp:
"Thế Tôn, đã từng thấy."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Này các Tỳ­kheo, như loài chim Ta­lan­na có nhiều màu sắc, Ta nói tâm của chúng cũng có
nhiều như vậy. Vì sao? Vì tâm của chim Ta­lan­na đa dạng, nên màu sắc đa dạng[69]. Cho nên
này Tỳ­kheo, hãy tư duy quán sát rõ tâm mình. Này các Tỳ­kheo, trong lâu đời tâm bị tham dục
làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế. Này các Tỳ­kheo, vì tâm não nên chúng sanh
não; vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.
"Giống như người thợ vẽ, hay học trò của người thợ vẽ, khéo dọn sạch đất, rồi dùng các thứ màu,
theo ý mình vẽ nên các loại hình tượng khác nhau.
"Cũng vậy Tỳ­kheo, chúng sanh phàm phu ngu si, không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của
sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Không
biết như thật về sắc nên thích thú đắm nhiễm sắc. Vì thích thú đắm nhiễm sắc, nên lại sanh ra các
sắc vị lai. Cũng vậy, phàm phu ngu si, không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập
khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly
của thức. Không biết như thật nên thích thú đắm nhiễm thức. Thích thú đắm nhiễm thức, nên lại
sanh ra các thức vị lai. Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vị lai sẽ sanh nên đối với sắc không giải
thoát; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không giải thoát. Ta nói người này không giải thoát
khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
"Có đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị
ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Biết như thật rồi nên không đắm nhiễm
sắc. Không đắm nhiễm nên không sanh ra sắc vị lai. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về
sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự
xuất ly của thức. Biết như thật nên không nhiễm đắm thức, vì không đắm nhiễm nên không sanh
ra các thức vị lai. Không thích nhiễm sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên đối với sắc sẽ được giải
thoát và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sẽ được giải thoát. Ta nói những người này sẽ giải
thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não."
332
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 268. HÀ LƯU[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Giống như nước sông phát xuất từ khe núi, nước sâu chảy xiết, dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi
tất cả những vật chìm nổi. Hai bên bờ sông mọc um tùm nhiều loại cỏ cây, bị dòng nước lớn
cuốn rạp cả hai bên bờ. Nhiều người lội qua, số lớn bị nước cuốn trôi, theo dòng chìm đắm; gặp
sóng đẩy vào gần bờ, dùng tay chộp lấy cỏ cây, nhưng cây cỏ lại bị đứt và trở lại theo dòng nước
cuốn trôi.
"Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, nếu chúng sanh phàm phu ngu muội nào không biết như thật về
sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự
xuất ly sắc; và vì không biết như thật nên đắm nhiễm sắc, ở nơi sắc, nói sắc là ngã[71], nhưng rồi
sắc kia theo đó mà đoạn. Cũng vậy, không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức,... về sự tập
khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly
thức. Vì không biết như thật nên đắm nhiễm thức, nói thức là ngã, nhưng rồi thức kia lại theo đó
mà đoạn.
"Nếu đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị
ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc; và vì đã biết như thật nên không đắm nhiễm
sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt
tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng,
hành, thức, về sự xuất ly thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật nên không đắm nhiễm thọ, tưởng,
hành, thức. Không đắm nhiễm nên như vậy tự biết chứng đắc Bát­niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 269. KỲ LÂM[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Những pháp không thích ứng của các ông[73], thì hãy nên lìa bỏ hết. Nếu buông bỏ những pháp
này rồi, các ông sẽ được an vui lâu dài.
333
"Tỳ­kheo, những pháp nào không thích ứng của các ông, mà các ông phải nhanh chóng lìa bỏ?
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là pháp thích ứng của các ông, hãy lìa bỏ hết. Nếu dứt
sạch pháp này rồi các ông sẽ được an vui lâu dài.
"Giống như cây cối trong rừng Kỳ­hoàn[74]; có người đến chặt cành lá rồi đem đi, các ông cũng
chẳng lấy làm lo buồn. Vì sao? Vì những cây này chẳng phải ta, chẳng phải sở hữu của ta. Cũng
vậy, này các Tỳ­kheo, những gì không là thích ứng của các ông, hãy lìa bỏ tất cả. Nếu xa lìa hết
rồi, các ông sẽ được an vui lâu dài. Những gì không phải thích ứng của các ông? Sắc không phải
là thích ứng của các ông, phải lìa bỏ hết. Nếu xa lìa rồi thì sẽ được an vui lâu dài. Cũng vậy, thọ,
tưởng, hành, thức không phải thích ứng của các ông, hãy nhanh chóng lìa bỏ. Nếu buông bỏ các
pháp này rồi, sẽ được an vui lâu dài.
"Tỳ­kheo, sắc là thường hay vô thường?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, là vô thường."
Phật dạy:
"Tỳ­kheo, vậy vô thường là khổ phải không?"
Các Tỳ­kheo đáp:
"Thế Tôn, là khổ."
Phật bảo:
"Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy có ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không[75]?"
Các Tỳ­kheo đáp:
"Thế Tôn, không."
"Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?"
Đáp:
"Thế Tôn, là vô thường."
Phật bảo:
"Vô thường là khổ chăng?"
Các Tỳ­kheo đáp:
334
"Thế Tôn, là khổ."
Phật bảo:
"Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy có ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo đáp:
"Thế Tôn, không."
"Tỳ­kheo, cho nên, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong,
hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải
ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc
vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc
gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Thánh đệ tử
phải quán sát năm thọ ấm này chẳng phải ngã, chẳng phải sở hữu của ngã. Lúc quán sát như vậy,
đối với thế gian không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên tự đạt Niết­bàn: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'"
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 270. THỌ[76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Tu tập tưởng vô thường[77], tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử,
điệu mạn[78], vô minh[79].
"Giống như người làm ruộng, cuối hạ đầu thu, cày đất cho sâu, làm sạch hết cỏ. Cũng vậy, Tỳ­
kheo, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn,
vô minh.
"Tỳ­kheo, như người cắt cỏ, tay cầm ngọn cỏ, đưa lên và giũ sạch, tất cả cỏ khô héo đều rơi rớt
hết và lấy được những cọng cỏ dài. Cũng vậy, Tỳ­kheo tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có
thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
"Giống như trái Am­la[80] bám lơ lửng trên cây; một cơn gió mạnh thổi qua cành, quả rụng
xuống. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc
ái, điệu mạn, vô minh.
335
"Giống như bên trong lầu gác là nơi chứa các loại gỗ ván quí, bền chắc, để gìn giữ không cho
thất lạc. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc
ái, điệu mạn, vô minh.
"Giống như trong tất cả dấu chân của chúng sanh, dấu chân voi là lớn hơn, vì nó có thể chứa
nhiều dấu chân khác. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái,
sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
"Giống như tất cả các sông ngòi ở thế gian này đều đổ vào biển cả. Biển cả là hơn hết, vì nó
dung nạp tất cả. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc
ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
"Giống như mặt trời xuất hiện, có thể phá tan mọi sự tối tăm của thế gian. Cũng vậy, tu tập
tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô minh.
"Giống như Chuyển luân Thánh vương, so với các tiểu vương là tối thượng, tối thắng. Cũng vậy,
tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, điệu mạn, vô
minh.
"Tỳ­kheo, làm thế nào để tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái,
vô sắc ái, điệu mạn, vô minh?
"Nếu Tỳ­kheo ở chỗ đồng trống hay ở trong rừng cây, mà khéo tư duy chân chánh, quán sát sắc
là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường; tư duy như thế thì dứt hết tất cả dục ái, sắc ái, vô
sắc ái, điệu mạn, vô minh. Vì sao? Vì nếu người nào tu tập được tưởng vô thường, thì có thể tu
tập được tưởng vô ngã. Thánh đệ tử an trú ở tưởng vô ngã, tâm lìa ngã mạn, tùy thuận chứng đắc
Niết­bàn."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 271. ĐÊ­XÁ[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo tên là
Đê­xá[82], cùng với một số đông Tỳ­kheo khác tập hợp tại nhà ăn. Tỳ­kheo Đê­xá nói với các
Tỳ­kheo:
"Thưa các Tôn giả, đối với pháp tôi không thể phân biệt[83]. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa,
chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và nghi hoặc đối với pháp."
Bấy giờ trong chúng có một Tỳ­kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một
bên, bạch Phật:
336
"Thế Tôn, Tỳ­kheo Đê­xá, nhân lúc chúng tăng tập hợp tại nhà ăn, đã nói lên những lời như vầy:
'Đối với pháp tôi không thể phân biệt. Tôi không thích tu phạm hạnh nữa, chỉ thích ngủ nghỉ
nhiều và nghi hoặc đối với pháp.'"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Tỳ­kheo Đê­xá này là kẻ ngu si, không gìn giữ các căn, ăn uống không có chừng mực; đầu đêm,
cuối đêm, tâm không tỉnh thức, giải đãi biếng nhác, không nỗ lực tinh tấn, không khéo quán sát
tư duy pháp thiện. Tỳ­kheo này mà đối với phân biệt pháp, tâm thích tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự
ngủ nghỉ và ở trong chánh pháp mà xa lìa mọi sự nghi hoặc, thì việc này không thể xảy ra. Nếu
Tỳ­kheo giữ gìn các căn, ăn uống chừng mực; đầu đêm, cuối đêm, tỉnh thức tinh tấn, quán sát
pháp lành; với Tỳ­kheo ấy, sự yêu thích pháp phân biệt, ưa tu phạm hạnh, xa lìa mọi sự ngủ nghỉ,
tâm không nghi ngờ pháp, điều này có thể xảy ra."
Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ­kheo:
"Ngươi hãy đến nói Tỳ­kheo Đê­xá rằng Đạo Sư cho gọi."
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn, xin vâng."
Sau khi lễ dưới chân Phật, Tỳ­kheo kia đến chỗ Đê­xá bảo rằng:
"Trưởng lão Đê­xá, Đức Thế Tôn cho gọi ông."
Đê­xá vâng lời, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ,
Đức Thế Tôn nói với Tỳ­kheo Đê­xá:
"Này Đê­xá, có thật ngươi cùng với nhiều Tỳ­kheo tụ tập tại nhà ăn và tuyên bố những lời như
vầy: 'Thưa các trưởng lão, đối với pháp, tôi không thể phân biệt, tôi không thích tu phạm hạnh,
mà chỉ thích ngủ nghỉ nhiều và đối với pháp còn nghi hoặc'?"
Đê­xá bạch Phật:
"Đúng như vậy, bạch Thế Tôn."
Phật hỏi Đê­xá:
"Bây giờ Ta hỏi ngươi, hãy trả lời tùy ý.
"Ý ngươi nghĩ sao? Nếu đối với sắc mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa
nhớ nghĩ, không lìa khát vọng và sắc này nếu biến đổi hoặc khác đi thì ngươi nghĩ thế nào, ngươi
có sanh ra buồn lo, khổ não không?"
Đê­xá bạch Phật:
337
"Đúng vậy, bạch Thế Tôn. Nếu đối với sắc mà chẳng lìa tham, chẳng lìa dục, chẳng lìa ái, chẳng
lìa nhớ nghĩ, chẳng lìa khát vọng và sắc này nếu biến đổi hoặc khác đi, thì quả thật sẽ khởi lên
buồn lo, khổ não. Thế Tôn, thật như vậy, không khác."
Phật bảo Đê­xá:
"Lành thay! Lành thay! Đê­xá, cần phải thuyết pháp như vậy, về sự không ly tham dục.
"Này Đê­xá đối với thọ, tưởng, hành, thức mà chẳng lìa tham, chẳng lìa dục, chẳng lìa ái, chẳng
lìa nhớ nghĩ, chẳng lìa khát vọng và khi thức này nếu biến đổi hoặc khác đi, thì ý ngươi nghĩ sao,
ngươi có sanh ra buồn lo, khổ não không?"
Đê­xá bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy, đối với thức mà chẳng lìa tham, chẳng lìa dục, chẳng lìa nhớ
nghĩ, chẳng lìa khát vọng và khi thức này nếu biến đổi hoặc khác đi, thì thật sự sẽ khởi lên buồn
lo và khổ não. Bạch Thế Tôn, thật như vậy, không khác."
Phật bảo Đê­xá:
"Lành thay! Lành thay! Đê­xá, cần phải thuyết pháp như vậy, về sự không ly tham dục đối với
thức."
Phật nói với Đê­xá:
"Ý ngươi nghĩ sao? Nếu đối với sắc mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nhớ nghĩ, lìa khát vọng và sắc
này nếu biến đổi hoặc khác đi, thì có sanh ra buồn lo, khổ não không?"
Đê­xá bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không. Thật như vậy, không khác."
"Ý ngươi nghĩ sao? đối với thọ, tưởng, hành, thức lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nhớ nghĩ, lìa khát
vọng và thức này nếu biến đổi hoặc khác đi, thì có sanh ra buồn lo, khổ não không?"
Đê­xá bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không. Thật như vậy, chẳng khác."
Phật bảo Đê­xá:
"Lành thay! Lành thay! Đê­xá, bây giờ Ta sẽ nói thí dụ, người trí sẽ nhờ thí dụ mà hiểu được.
Như hai người bạn cùng đi trên một con đường, một người biết rành đường, một người không
rành đường. Người không biết nói với người biết như vầy: 'Tôi muốn đến thành phố kia, thôn ấp
kia, làng xóm kia, hãy chỉ đường cho tôi đến đó.' Khi ấy, người rành đường liền chỉ đường cho
338
người kia, nói rằng: 'Anh đi theo con đường này và sẽ thấy hai con đường ở phía trước; bỏ bên
trái đi theo lối phải tới trước, sẽ gặp hầm hố và dòng sông. Lại bỏ bên trái, theo lối phải, sẽ gặp
một khu rừng. Lại bỏ bên trái, theo lối phải, cứ như vậy, từ từ tiến bước về phía trước thì sẽ đến
thành kia.'"
Phật bảo Đê­xá:
"Thí dụ này như vầy: người không biết đường là ví cho kẻ phàm phu ngu si, còn người biết
đường là ví cho Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Hai con đường trước là chỉ cho
sự hồ nghi của chúng sanh. Con đường trái là chỉ cho ba pháp bất thiện: tham, nhuế và hại
giác[84]. Con đường bên phải là chỉ cho ba thiện giác: xuất yếu ly dục giác, bất sân giác, bất hại
giác[85]. Đi về đường bên trái là chỉ cho tà kiến, tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương
tiện, tà niệm, tà định. Đi về đường bên phải là chỉ cho chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Còn hầm hố và dòng nước là
chỉ cho sân nhuế, buồn lo, che lấp. Rừng cây là chỉ cho năm công đức của dục. Thành kia là chỉ
cho Niết­bàn."
Phật bảo Đê­xá:
"Phật là vị Đạo Sư, vì các hàng Thanh văn mà những gì cần làm đã làm xong. Như nay, vì lòng
thương xót nên đưa đến sự lợi ích, an vui; phận sự Ta đã làm xong. Hôm nay ngươi hãy làm
những việc phải làm. Hãy đến dưới bóng cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc trong hang núi, trải cỏ
làm chỗ ngồi, khéo tư duy chánh niệm, tu tập không buông lung, chớ để tâm hối hận về sau này.
Nay Ta dạy ngươi như vậy."
Bấy giờ, Đê­xá nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 272. TRÁCH CHƯ TƯỞNG[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, trong chúng xảy ra
một việc tranh cãi nhỏ. Thế Tôn vì sự cố ấy quở trách các Tỳ­kheo. Vào lúc sáng sớm, Đức Phật
đắp y mang bát vào thành khất thực. Sau khi ăn xong, Ngài xếp y bát, rửa chân, rồi đi vào rừng
An­đà, ngồi dưới một bóng cây, một mình tĩnh tọa tư duy, suy nghĩ như vầy: 'Trong chúng vừa
xảy ra một việc tranh cãi nhỏ, Ta đã quở trách các Tỳ­kheo. Nhưng trong chúng này có nhiều
Tỳ­kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không thấy Đại Sư, có thể họ sẽ khởi tâm hối, buồn
rầu không vui. Ta luôn luôn có lòng thương xót đối với các Tỳ­kheo; nay cũng vì lòng thương
xót, Ta nên trở về để nhiếp thủ đồ chúng này."
Bấy giờ, vua Đại phạm biết được ý nghĩ của Phật, như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc
đã biến mất khỏi cõi trời Phạm thiên, đến trước Phật bạch:
"Thật vậy, Thế Tôn! Thật vậy, Thiện Thệ! Thế Tôn đã quở trách các Tỳ­kheo vì một chút việc
tranh cãi nhỏ. Ở trong chúng kia có nhiều Tỳ­kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không
trông thấy Đại Sư, có thể họ sẽ khởi tâm hối, buồn rầu không vui. Thế Tôn luôn luôn vì lòng
339
thương xót, nhiếp thọ chúng Tăng. Lành thay, Thế Tôn! Hôm nay xin Ngài trở về để nhiếp thủ
các Tỳ­kheo."
Bấy giờ, Thế Tôn vì rủ lòng thương tưởng Phạm thiên, Ngài im lặng nhận lời. Khi ấy, trời Đại
phạm biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời rồi, đảnh lễ Phật và đi nhiễu bên phải ba vòng rồi biến
mất.
Vua Đại phạm đi chưa bao lâu, Đức Thế Tôn trở về vườn Cấp cô độc, trải tọa cụ ngồi ngay
thẳng, biểu hiện ra bên ngoài các tướng vi tế, khiến cho các Tỳ­kheo mới dám đến hầu gặp. Các
Tỳ­kheo đi đến chỗ Phật với vẻ mặt đầy hổ thẹn, sau khi đảnh lễ dưới chân Phật rồi, ngồi qua
một bên.
Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Người xuất gia có cuộc sống thấp hèn[87]; cạo tóc, ôm bát, khất thực từng nhà, giống như bị
cấm chú[88]. Sở dĩ như vậy, là vì muốn cầu mục đích cao thượng[89], muốn thoát khỏi sanh, già,
bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, tận cùng biên tế của khổ.
"Này các Thiện nam, các ông không vì vua, giặc sai sử, không vì mắc nợ người, không vì khủng
bố, không vì mất mạng mà xuất gia, mà chính vì muốn giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu,
bi, khổ, não. Các ông há không vì mục đích ấy mà xuất gia chăng?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, thật vậy."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Tỳ­kheo các ông, vì mục đích cao thượng như vậy mà xuất gia, vậy tại sao ở đây lại còn có kẻ
phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra nhiễm đắm quá mức, sân nhuế, hung bạo, biếng
nhác yếu hèn, mất niệm, không định, các căn mê loạn?
"Giống như người từ tối tăm vào tối tăm; từ mờ mịt vào mờ mịt; từ hầm phẩn ra rồi lại rơi vào
hầm phẩn; dùng máu rửa máu; lìa bỏ các việc ác, rồi trở lại nắm lấy các việc ác. Ta nói những thí
dụ này, Tỳ­kheo phàm phu cũng như vậy.
"Lại giống như củi thiêu tử thi, bị ném bỏ trên gò mả, không bị tiều phu thu gom. Ta nói thí dụ
này, thì đối với Tỳ­kheo phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra đắm nhiễm quá mức, sân
nhuế hung bạo, biếng nhác yếu hèn, mất niệm không định, các căn tán loạn cũng lại như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, có ba pháp bất thiện giác[90], đó là: tham giác, nhuế giác, hại giác. Ba giác
này do tưởng mà sanh khởi. Thế nào là tưởng? Tưởng có vô lượng thứ: Tham tưởng, nhuế tưởng,
hại tưởng[91]... Các pháp bất thiện giác từ đây sanh khởi. Này các Tỳ­kheo, tham tưởng, nhuế
tưởng, hại tưởng; tham giác, nhuế giác, hại giác và vô lượng thứ bất thiện, làm sao để diệt sạch
rốt ráo? Hãy buộc tâm vào bốn Niệm xứ, hãy an trụ nơi vô tưởng tam­muội, tu tập, tu tập nhiều;
pháp ác bất thiện từ đây diệt hết, dứt sạch không còn sót, là chính nhờ ở pháp này.
340
"Người thiện nam, người thiện nữ có lòng tin vui xuất gia, tu tập vô tướng tam­muội; tu tập, tu
tập nhiều, sẽ trụ trong cửa cam lộ, cho đến cứu cánh cam lộ Niết­bàn[92]. Ta không nói cam lộ
Niết­bàn này y cứ vào ba kiến. Những gì là ba? Có một hạng chủ trương như vầy, nói như vầy:
'Mạng tức là thân.' Lại có hạng chủ trương như vầy: 'Mạng khác thân khác.' Lại nói như vầy:
'Sắc là ngã, không hai không khác, tồn tại mãi mãi, không biến đổi.' Đa văn Thanh đệ tử tư duy
như vầy: 'Thế gian có pháp nào đáng để chấp thủ mà không có sai lầm tội lỗi?' Khi tư duy rồi,
họ không thấy một pháp nào khả thủ mà không có sai lầm tội lỗi cả. Nếu ta chấp thủ sắc, tức là
có sai lầm tội lỗi. Nếu chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức thì có sai lầm tội lỗi. Đã biết vậy rồi, thì
đối với các pháp thế gian không có gì để chấp thủ, vì không có gì để chấp thủ nên tự mìmh giác
ngộ Niết­bàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Bấy giờ, các Tỳ­kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt:
Ưng thuyết, tiểu thổ đoàn,
Bào mạt, hai vô tri,
Hà lưu, Kỳ lâm, thọ,
Đê­xá, trách chư tưởng.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 10. Theo bài kệ tóm tắt ở cuối kinh 262 quyển 10, thì các kinh từ số
256­262 là tiếp theo kinh Thâu­lũ­na (Đại Chánh, kinh 32). Trưởng lão Ấn Thuận, Tạp A­hàm
Kinh Luận Hội Biên, đưa các kinh này lên quyển 2 (Tụng 1, 1 Tương ưng Ấm) cho đúng với kệ
tóm tắt. Phật Quang Đại Tạng, Quốc Dịch Nhất Thiết Kinh (Nhật bản) cũng làm như vậy. Kinh
256, tương đương Pāli, S. 22. 126­128. Amudayadhamma, 129­130. Assāda.
[2]. Hán: bất tri 不知. Pāli: nappajānati, không nhận thức sâu sắc.
[3]. Pāli: samudayadhammaṃ rūpaṃ... vayadhammaṃ rūpaṃ, sắc là pháp tập khởi, là pháp
băng hoại.
[4]. Vô gián đẳng 無間等; Xem cht.67, kinh 23 trên; kinh 259, 260 dưới.
[5]. Pāli, S.22. 133­135. Koṭṭhika.
[6]. Pāli, S. 22. 131­134. Samudaya.
[7]. Pāli, S. 22. 122. Sīla.
341
[8]. Vô gián đẳng 無間等, không rõ Pāli. Theo nội dung của kinh, đây chỉ giai đoạn tu tập
trước khi chứng Dự lưu; do đó, có thể gọi là giai đoạn hiện quán Thánh đế (Pāli: saccaabhisamaya). Xem cht. 68, kinh 24 trên.
[9]. S. 22.122, Koṭṭhika hỏi: sīlavātavuso sāriputta bhikkhunā katame dhammā yoniso
manasikātabbā, Tỳ­kheo có giới cần tư duy như lý về những pháp nào?
[10]. Thị sở ưng xứ 是所應處. Pāli: yoniso manasi katabbā, Tỳ­kheo đã chứng quả Dự lưu cần
tư duy như lý những pháp nào?
[11]. Pāli: Koṭṭhika hỏi: sotāpannena... bhikkhunā katame dhammā yoniso katabbā, Tỳ­kheo đã
chứng quả Dự lưu cần tư duy như lý những pháp nào?
[12]. Bốn tư duy thắng tiến: 1. Để đắc pháp chưa đắc, chỉ quả Tu­đà­hoàn; 2. Lãnh hội pháp
chưa lãnh hội, chỉ Tư­đà­hàm; 3. Chứng pháp chưa chứng, chỉ A­la­hán; 4. Hiện pháp lạc trụ: Ala­hán không còn gì phải học nữa, nhưng luôn luôn tu tập tứ thiền để có hiện pháp lạc trú. So
sánh Pāli: ime dhammā bhāvitā bahulīkatā diṭṭhadhammasukhavihārā ceva saṃvuattanti
satisampajaññā cāti, những pháp này được phát triển, được thực hiện thường xuyên sẽ đưa đến
hiện pháp lạc trú, có chánh niệm và chánh trí.
[13]. Pāli: rūpamu kho ānanda aniccam sankhatam paṭiccasamuppadaṃ khayadhammaṃ
vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhammaṃ, sắc là vô thường, được tạo tác, do duyên
khởi, là pháp diệt tận, là pháp hủy hoại, là pháp xả ly, là pháp tiêu diệt.
[14]. Pāli, S. 22. 83. Ānando.
[15]. Câu­diệm­di quốc Cù­sư­la viên 拘睒彌國瞿師羅園. Pāli: Kosambī Ghositārāma.
[16]. Phú­lưu­na Di­đa­la­ni Tử 富留那彌多羅尼子. Pāli: Puṇṇa Mantā.
[17]. Văn Hán dịch hàm hồ, khiến có thể hiểu đây nói về Phú­lưu­na. Bản Pāli: (...)
mantāniputto amhākaṃ navaṃ bahūpakāro hoti, Mantāputta giúp ích chúng tôi những người mới
xuất gia rất nhiều.
[18]. Sanh pháp kế thị ngã, phi bất sanh 生法計是我, 非不生. Pāli: kiṃ ca upādāya asmi ti hoti,
no anupādāya, do chấp thủ cái gì mà nói rằng 'tôi hiện hữu', chứ không phải không chấp thủ?
Bản Hán, đọc là uppādāya (sanh khởi), thay vì upādāya (chấp thủ).
[19]. Hán: sắc sanh 色生. Pāli: rūpaṃ upādāya, do chấp thủ sắc. Xem cht. trên.
[20]. Pāli: (...) upādāya passeyya no anupādāya, (như người nhìn vào gương sáng), do chấp thủ
mà thấy, không chấp thủ thì không thấy.
[21]. Pāli, S. 22. 90. Channo.
342
[22]. Ba­la­nại quốc, Tiên nhân đọa xứ, Lộc dã uyển 波羅奈國仙人住處鹿野苑. Pāli:
Bāṛaiasiyaṃ Isipatane Migadāye.
[23]. Xiển­đà 闡陀. Pāli: Channo; cũng thường gọi là Xa­nặc.
[24]. Pāli: yathāhaṃ dhammaṃ passeyyan ti, tôi có thể như vậy mà quán sát pháp.
[25]. Pāli: sabbe saṅkhārā aniccā, sabbe dhammā anattā, không có câu chót như trong bản Hán.
[26]. Pāli: atha ca me sabbasaṅkhārasamathe sabbūpadhipaṭinissage taṇhakkhaye virāge nirodhe
nibbāne cittaṃ na pakkandati nappasīdati na satiṭṭhati nādhimuccati, nhưng, trong sự tĩnh chỉ của
hết thảy hành, trong sự xả bỏ sanh y, trong sự diệt tận tham ái, trong ly dục, tịch diệt, Niết­bàn,
tâm của tôi không thăng tiến, không minh tịnh, không an trú, không được thắng giải thoát.
[27]. Hữu vô 有無. Pāli: atthitā natthitā, tồn tại, không tồn tại, hay hữu thể và vô thể.
[28]. Pāli: upayupādānābhivinisesavinibandho, bị buộc chặt vào thành kiến và chấp thủ phương
tiện.
[29]. Pāli: dukkham eva uppajjamānaṃ uppajjati, dukkham niruṛṛhamānaṃ nirujjhati, na ka
ṅkhati na vicikicchati, khi có cái đang sanh thì khổ này sanh; khi có cái đang diệt thì khổ diệt; vị
ấy không hoài nghi, không do dự.
[30]. Pāli: lokasamudayaṃ kho kaccāna yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā loke natthitā
sā na hoti; lokaniradhaṃ... yā loke atthitā sā na hoti, nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát như
thực sự tập khởi của thế gian, thì đối với thế gian, không có ý niệm về vô. Quán sát sự tịch diệt
của thế gian... không có ý niệm về hữu.
[31]. Pāli, S. 22. 101. Vāsijaṭa.
[32]. Tạp sắc mục ngưu tụ lạc 雜色牧牛聚落 nghĩa đen: xóm nuôi bò vện (đốm). Dịch nghĩa từ
Pāli: Kammāsadhamma, một thị trấn ở nước Kuru mà Phật hay dừng chân. Trên, kinh 245, dịch
là Điều phục bác ngưu tụ lạc.
[33]. Câu­lưu quốc 拘留國. Pāli: Kuru.
[34]. Pāli: jānato ahaṃ bhikkhave passato āsavānaṃ khyaṃ vadāmi, "Ta nói, này các Tỳ­kheo,
do biết, do thấy, các lậu bị diệt tận".
[35]. Công xảo sư 工巧師. Pāli: palagaṇḍa: thợ đẽo đá, thợ xây dựng.
[36]. Hạ lục nguyệt 夏六月. Pāli: vassamāsāni udake pariyādāya, các tháng mùa mưa ở trên
nước.
343
[37]. Bản Pāli: mùa mưa thuyền ở trên nước, đến mùa đông, thuyền mắc cạn. Dây nhợ các thứ
dần dần bị đứt.
[38]. Các từ chỉ phiền não: kết hay kết phược (Pāli: samyojana), sử hay tùy miên (Pāli:
anusaya), phiền não (kilesa), triền hay triền phược (Pāli: pariyuṭṭhāna). Bản Pāli chỉ kể
samyojana.
[39]. Nắm đất nhỏ. Pāli, S. 22. 96 Gomaya (phân bò); 97. Nakkhasikhā (móng tay).
[40]. Tiểu thổ đoàn 小土摶. Pāli: S. 22. 96: gomaya: cục phân bò; S. 22. 97: parittaṃ
nakkhasikhāya paṃsuṃ, lấy một ít bụi bằng đầu móng tay.
[41]. Chỉ vào một tiền kiếp của Phật. Quán đảnh vương 灌頂王 thấp hơn Chuyển luân vương
một bậc. Pāli: rājā muddhāvasitto.
[42]. Bố­tát tượng vương 布薩象王 . Pāli: Uposatha­nāgarāja.
[43]. Bà­la mã vương 婆羅馬王. Pāli: Valāhaka­assa­rāja.
[44]. Khâm­bà­la 欽婆羅. Pāli: kambala, vải bằng lông thú.
[45]. Bạt cầu tỳ­xà­da­nan­đề 跋求毗闍耶難提. Pāli: Vejatanta, cỗ xe Chiến thắng của Đế­
thích, phát ra âm thanh khủng khiếp (Pāli: bakkula, Hán âm là bạt­cầu). Xem thêm cht.53 dưới.
[46]. Câu­xá­bà­đề 拘舍婆提. Pāli: Kusāvtī.
[47]. Do­ha 由訶 phiên âm của byūha: trang nghiêm. Pāli: Mahā­byūha­kūṭāgāra, đại lâu các
Trang nghiêm.
[48]. Ca­lăng­già 迦陵伽. Pāli: kadaliṅga: một loại sơn dương.
[49]. Ca­thi­tế y 迦尸細衣. Pāli: koseyya, vải lụa (quyến).
[50]. Sô­ma y 芻摩衣. Pāli: khoma, vải gai.
[51]. Đầu­cưu­la y 頭鳩羅衣. Pāli: dukūla, vải gai vàng (hoàng ma).
[52]. Câu­triêm­bà y 拘沾婆衣 không rõ vải gì. Bốn loại vải theo bản Pāli: khoma, koseyya,
kambala, kappāsika.
[53]. Tỳ­xà­da­nan­đề cù­sa 毘闍耶難提瞿沙. Pāli: Vejayanta­ghosa (? Âm thanh Chiến
thắng), xem cht.45 trên.
344
[54]. Vĩnh tức chư hành 永息諸行. Pāli: alam eva sabbasaṅkhāresu nibbindatum, thôi đủ rồi,
hãy nhàm tởm hết thảy các hành.
[55]. Bọt nước. Pāli, S. 22. 95. Pheṇa.
[56]. A­tỳ­đề­đà xứ Hằng hà trắc 阿毘陀處恒河側. Pāli: ayujjhāyaṃ viharati gaṅgāya nadiyā
tire.
[57]. Nguyên Hán: dã mã 野馬 (ngựa đồng); Pāli: marīcikā, quáng nắng; chỉ ảo ảnh bất thực,
như lầu sò chợ biển.
[58]. Hán: Nhật chủng tánh tôn 日種姓尊. Pāli: Ādiccabandhu, bà con với Mặt trời, chỉ dòng
họ Thích, được coi là có nguồn gốc từ Mặt trời.
[59]. Pāli, S. 22. 99. Gaddula (dây trói) (1).
[60]. Ái kết 愛結. Pāli: taṇhasaṃyojana.
[61]. Bản tế 本際. Pāli: pubbā koṭi.
[62]. Bất tận khổ biên 不盡苦邊. Pāli: na... dukkhassa antakiriyaṃ.
[63]. Tu­di sơn vương 須彌山王. Pāli: Sineru pabbatarājā.
[64]. Pāli, S. 22. 100 Gaddula (2).
[65]. Pāli: cittasaṃkilesā bhikkhave sattā saṃkilissanti; cittavodānā sattā visujjhanti, tâm ô
nhiễm nên chúng sanh ô nhiễm; tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.
[66]. Nhất sắc chủng chủng 一色種種; có lẽ Pāli: ekanikāyam pi... evam cittaṃ, một bộ loại đa
dạng như vậy.
[67]. Ban sắc điểu 斑色鳥. Bản Pāli nói: tiracchānagatā pāṇā, các sinh vật thuộc động vật.
[68]. Ta­lan­na 嗟蘭那 có lẽ phiên âm từ caraṇa, một loại tranh về đề tài "đức hạnh" (caraṇa),
vẽ để khuyên đời. Pāli: caraṇam nāma cittam; bức họa màu có tên là caraṇa.
[69]. Pāli: caraṇaṃ nāma cittaṃ cittena cittitaṃ, bức họa caraṇa ấy do tâm nên có nhiều màu
sắc. Trong bản Pāli, hai citta với hai nghĩa khác nhau: tranh vẽ màu và tâm. Trong bản Hán hiểu
hai từ đều là tâm cả.
[70]. Dòng sông. Pāli, S. 22. Nadī.
[71]. Pāli: rūpaṃ attato samanupassati, rūpavantaṃ vā attānaṃ; attāni vā rūpaṃ, rūpasmiṃ vā
attānaṃ, nó quán sắc là tự ngã, hay tự ngã của sắc, hay sắc trong tự ngã, hay tự ngã trong sắc.
345
[72]. Pāli, S. 22. 33­34. Natuṃākaṃ (không phải của các ông).
[73]. Phi nhữ sở ưng pháp 非汝所應法. Pāli: na­tumhākaṃ, không phải của các ông.
[74]. Kỳ­hoàn lâm 祇桓林 tức cũng thường nói là Kỳ thọ. Pāli: Jetavana.
[75]. Xem cht.71 kinh 268 trên.
[76]. Pāli, S.22. 102 Aniccatā.
[77]. Hán: vô thường tưởng 無常想. Pāli: anicca­saññā.
[78]. Điệu (trạo) mạn 掉慢. Pāli: amismāna, phúc cảm về cái tôi đang hiện hữu.
[79]. Pāli: kāmarāga, rūparāga, bhavarāga, avijja, asmimāna, dục ái, sắc ái, hữu ái, vô minh, ngã
mạn.
[80]. Am­la quả 菴羅果. Pāli: ambapiṇḍi, quả xoài.
[81]. Pāli, S. 22. 84. Tisso.
[82]. Đê­xá 低舍. Pāli: Tisso bhagavato pitucchāputto, Tissa, con trai của bà cô của Thế Tôn,
tức em cô cậu.
[83]. Pāli: dhammāpi maṃ na paṭibhanti, các pháp không được hiểu rõ ràng đối với tôi.
[84]. Ba bất thiện giác 三不善覺 cũng nói là ba bất thiện tầm, tức ba sự trầm tư hay suy tầm bất
thiện. Xem Trường A­hàm, kinh 9 Chúng tập. Pāli: tayo akusala­vitakkā. D. 33. Saṅgiti.
[85]. Ba thiện giác 三善覺 cũng nói là ba thiện tầm; xem Trường A­hàm, kinh 9 Chúng tập; D.
33. Saṅgīti.
[86]. Pāli, S. 22. 80. Piṇḍolyaṃ (khất thực).
[87]. Hán: ti hạ hoạt mạng 卑下活命. Pāli: anram idam jīvikānaṃ yadidam piṇdolyaṃ, đây là
nghề sinh sống rất thấp, đó là nghề xin ăn.
[88]. Pāli: abhisāpāyaṃ lokasmiṃ, trong thế gian có lời nguyền rủa này.
[89]. Nguyên Hán: thắng nghĩa 勝義
[90]. Xem cht.84, kinh 271.
346
[91]. Ba bất thiện tưởng, xem Trường A­hàm, kinh 9 Chúng tập. Pāli: tisso akusala­saññā:
kāma­saññā, vyāpāda­saññā, vihiṃsā­saññā; D. 33. Saṅgīti.
[92]. Chỉ Niết­bàn bất tử.
347
TẠP A-HÀM QUYỂN 11
KINH 273. THỦ THANH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo một
mình lặng lẽ tư duy: "Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?" Sau khi từ
thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ­kheo này đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một
bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: 'Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã?
Ngã trụ ở đâu?'"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp[2]. Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Thế nào là hai?
Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai
pháp.
"Này Tỳ­kheo, nếu có người bảo rằng: 'Sa­môn Cù­đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là
hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.' Người kia chỉ nói suông[3], nhưng nếu gạn hỏi
thì không biết và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên
mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.
"Này Tỳ­kheo, mắt này là hình thịt[4], là bên trong, là nhân duyên, là cứng[5], là thọ[6]. Đó gọi
là nội địa giới, hình thịt của mắt. Này Tỳ­kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân
duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, là thọ. Đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt. Này Tỳ­kheo,
nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, là thọ.
Đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt. Này Tỳ­kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong,
hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, là thọ. Đó là nội phong giới hình thịt của mắt. Này Tỳ­
kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức.
Ba sự này hòa hợp sanh ra xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng
phải thường, mà đó là cái ngã vô thường; chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, đó là cái ngã
biến dịch. Vì sao? Này Tỳ­kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.
"Này Tỳ­kheo, các hành như huyễn, như sóng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến
không thật đi. Cho nên Tỳ­kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy
niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống
không không có ngã, không có ngã sở.
"Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy. Cũng
vậy, Tỳ­kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các
hành. Trống không, không ngã và ngã sở, là các pháp (được coi là) thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ,
pháp không biến dịch. Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý
thức, ba sự hòa hợp thành xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này vô ngã, vô thường, chi
348
tiết cho đến không, vô ngã và ngã sở. Tỳ­kheo, ý ngươi thế nào? Mắt là thường hay là vô
thường?"
"Bạch Thế Tôn, vô thường."
Phật lại hỏi:
"Nếu vô thường là khổ chăng?"
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Phật lại hỏi:
"Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã,
khác ngã, hay ở trong nhau không?"
"Bạch Thế Tôn, không."
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm
tởm; nhàm tởm nên không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.' Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy."
Tỳ­kheo ấy nghe Phật thuyết về kinh thí dụ hai tay hợp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng,
tinh cần tư duy, sống không buông lung, ... tự biết không còn thọ thân sau, thành A­la­hán.
KINH 274. KHÍ XẢ[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
­ Những gì không phải là của các ông có, cần phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ hết pháp đó rồi, thì
được an vui lâu dài. Này các Tỳ­kheo, ý các ông thế nào? Ở trong rừng Kỳ­hoàn này, các thứ cỏ
cây, cành lá, nếu có người mang đi, thì các ông có nghĩ rằng: 'Những vật này là tôi, là của tôi,
người kia sao lại đem đi?'"
Các Tỳ­kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì những vật này chẳng phải ta, chẳng phải của ta."
"Tỳ­kheo, các ông cũng lại như vậy, đối với vật không phải của mình, phải xả bỏ hết; khi đã xả
bỏ những pháp này rồi, thì được an vui lâu dài. Những gì không phải sở hữu của các ông? Mắt,
không phải của các ông, nên xả bỏ; khi đã xả bỏ rồi, thì được an vui lâu dài. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
349
"Thế nào, Tỳ­kheo, mắt là thường hay là vô thường?"
Tỳ­kheo đáp:
"Bạch Thế Tôn, là vô thường."
Phật lại hỏi:
"Nếu là vô thường thì khổ phải không?"
"Bạch Thế Tôn, là khổ."
Phật lại hỏi:
"Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ này, nên
quán sát chẳng phải ta, chẳng phải của ta. Khi quán sát rồi, đối với các pháp thế gian không chấp
thủ. Vì không chấp thủ nên không đắm trước, do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niếtbàn: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái
sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 275. NAN­ĐÀ[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ, thì bấy giờ Đức
Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Có người nói: 'Người có sức mạnh nhất chỉ có Nan­đà.' Đây là lời nói chính xác. Có người nói:
'Người đẹp trai nhất cũng chỉ có Nan­đà.' Đây là lời nói đúng. Có người lại nói: 'Người ái dục
nặng cũng chỉ có Nan­đà.' Đây là lời nói đúng. Này các Tỳ­kheo, nhưng hiện tại Nan­đà đã đóng
cửa các căn, ăn uống điều độ, đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập, thành tựu chánh trí,
có thể suốt đời Phạm hạnh thanh bạch, thuần nhất viên mãn.
"Tỳ­kheo Nan­đà này đã đóng cửa các căn. Nếu mắt thấy sắc, thì không còn chấp giữ tướng dạng
của sắc, không chấp giữ vẻ đẹp riêng[9]. Nếu những gì khiến nhãn căn không được phòng
hộ[10], bị ngăn che bởi vô minh, tham ái thế gian; Tỳ­kheo khởi tâm phòng hộ[11], không để các
pháp ác bất thiện ấy tiết lậu vào tâm. Tỳ­kheo sanh các luật nghi để phòng hộ các căn mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân, ý[12]. Đó gọi là Tỳ­kheo Nan­đà đóng cửa các căn[13].
"Thế nào là ăn uống có điều độ? Tỳ­kheo Nan­đà đối với sự ăn có hệ số[14], không vì tự cao,
không vì buông lung, không vì sắc đẹp, không vì trang nghiêm, vừa đủ nuôi thân mà thôi, không
kể ngon dở, cốt trừ đói khát để tu phạm hạnh; vì để đối với những cảm giác khổ đã khởi lên
trước đây, liền làm cho dập tắt, những cảm giác khổ chưa khởi khiến cho không khởi; vì để
350
thành tựu được ý chí hướng thượng[15]; vì để khí lực an lạc, sống một mình không cần ai biết
đến[16]. Như người đi xe phải bôi dầu, không vì tự cao, (chi tiết như trên, cho đến) không vì
trang điểm, mà vì để vận tải. Cũng giống như xức ghẻ, không vì tham vị thuốc mà vì muốn hết
đau. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan­đà biết ăn uống có điều độ,... cho đến, sống một mình
không cần ai biết đến. Đó gọi là Nan­đà biết ăn uống có điều độ.
"Thiện nam tử Nan­đà đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập. Nan­đà ban ngày kinh
hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh; đầu đêm kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ
ấm chướng để cho thân thanh tịnh[17]; nửa đêm ra ngoài phòng rửa chân, rồi vào trong phòng
nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng, nghĩ tưởng đến
sự tỉnh dậy; cuối đêm từ từ tỉnh dậy, kinh hành, tọa thiền. Đó gọi là thiện nam tử Nan­đà, đầu
đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập.
"Thiện gia nam tử Nan­đà kia có thắng niệm, chánh tri[18]. Thiện nam tử Nan­đà quán sát
phương Đông, nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát. Quán sát phương Nam, phương Tây,
phương Bắc lại cũng như vậy. Nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát; người nào quán sát như
vậy, thì các pháp bất thiện, tham ưu ở thế gian không lọt vào tâm được.
"Thiện nam tử Nan­đà kia tỉnh giác khi các thọ sanh khởi, tỉnh giác khi các thọ đình trú, tỉnh giác
khi các thọ diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn; tỉnh giác khi các tưởng sanh
khởi, tỉnh giác khi các tưởng đình trú, tỉnh giác khi các tưởng diệt; tỉnh giác khi các giác[19]
sanh khởi, tỉnh giác khi các giác trú, tỉnh giác khi các giác diệt; luôn trú trong chánh niệm, không
cho tán loạn. Đó gọi là thiện nam tử Nan­đà thành tựu chánh niệm, chánh trí.
"Cho nên, các Tỳ­kheo nên học như vầy: 'Đóng kín cửa các căn như thiện nam tử Nan­đà; ăn
uống có điều độ như thiện nam tử Nan­đà; đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập như
thiện nam tử Nan­đà; thành tựu chánh niệm, chánh trí như thiện nam tử Nan­đà.' Như pháp
truyền dạy cho Nan­đà cũng nên được đem dạy cho người khác."
Khi ấy có Tỳ­kheo nọ nói kệ:
Khéo đóng cửa các căn,
Nhiếp tâm, trú chánh niệm,
Ăn uống biết điều độ,
Giác biết các tướng tâm,
Thiện nam tử Nan­đà,
Được Thế Tôn khen ngợi.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
351
KINH 276. NAN­ĐÀ THUYẾT PHÁP[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có chúng Đại
Thanh văn ni ở trong vườn vua nước Xá­vệ. Tên các Tỳ­kheo­ni này là Thuần­đà Tỳ­kheo­ni,
Dân­đà Tỳ­kheo­ni, Ma­la­bà Tỳ­kheo­ni, Ba­la­giá­la Tỳ­kheo­ni, Đà­la­tỳ­ca Tỳ­kheo­ni, Saima Tỳ­kheo­ni, Nan­ma Tỳ­kheo­ni, Cáo­nan­xá Cù­đàm­di Tỳ­kheo­ni, Ưu­bát­la­sắc Tỳ­kheoni, Ma­ha Ba­xà­ba­đề Tỳ­kheo­ni. Những vị này cùng một số Tỳ­kheo­ni khác đều ở trong vườn
vua.
Bấy giờ, Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề[21] cùng với năm trăm Tỳ­kheo­ni lần lượt trước sau đi
đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ­
kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề mà thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ [22].
Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ
lui về, bảo rằng:
"Tỳ­kheo­ni, thời gian thích hợp, nên đi!"
Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề nghe những điều Phật dạy, vui vẻ làm lễ mà lui.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ­kheo:
"Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ­kheo­ni thuyết pháp được. Tỳ­kheo Tăng
các người, từ nay các Thượng tọa tôn đức giáo thọ các Tỳ­kheo­ni."
Các Tỳ­kheo vâng lời Đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ­kheo­ni. Theo thứ tự,
đến phiên Nan­đà.
Bấy giờ, theo thứ tự, Nan­đà nên đi nhưng không muốn đi giáo thọ.
Bấy giờ, Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề cùng năm trăm Tỳ­kheo­ni trước sau lần lượt đến chỗ
Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, cho đến... xin được nghe pháp. Nghe xong họ vui
vẻ, đảnh lễ rồi ra về.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề đã về rồi, liền hỏi Tôn giả A­nan:
"Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ­kheo­ni?"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, các Thượng tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ­kheo­ni rồi, nay tới phiên Nan­đà,
nhưng Nan­đà không muốn giáo thọ."
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan­đà:
352
"Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ­kheo­ni, vì các Tỳ­kheo­ni mà nói pháp. Vì sao? Vì Ta đã đích thân
dạy dỗ các Tỳ­kheo­ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ­kheo­ni mà nói pháp, thì
ngươi cũng nên như vậy."
Bấy giờ, Nan­đà im lặng vâng lời.
Sáng sớm hôm sau, Nan­đà đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá,
thu cất y bát, rửa chân xong vào thất tọa thiền. Rồi tỉnh giác thiền tịnh, Nan­đà đắp y Tăng­già­lê
và dẫn theo một Tỳ­kheo đi đến vườn vua. Các Tỳ­kheo­ni từ xa trông thấy Tôn giả Nan­đà đến,
vội vàng trải chỗ ngồi và mời ngồi. Tôn giả Nan­đà an tọa xong, các Tỳ­kheo­ni cúi đầu đảnh lễ,
rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Nan­đà nói với các Tỳ­kheo­ni:
"Này các cô! Các cô có điều gì xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, thì
nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra,
nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại."
Các Tỳ­kheo­ni bạch Tôn giả Nan­đà:
"Ngày nay chúng con nghe Tôn giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: 'Các cô
nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý
mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại.' Chúng con
nghe được điều này, lòng rất vui mừng. Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được
hiểu."
Lúc đó Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau
không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau
không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Bạch Tôn giả Nan­đà, vì đối với pháp này chúng con đã
từng thấy biết như thật. Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như
vầy: sáu nội nhập xứ là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
353
"Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.
"Này các Tỳ­kheo­ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau
chăng?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng
quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô
ngã."
Tôn giả Nan­đà khen ngợi các Tỳ­kheo­ni:
"Tốt lắm! Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vầy: 'Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã. Nếu
duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong
nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là
ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát
như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Lành thay! Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu thức thân như thật
là vô ngã; duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải
là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
354
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc
này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như
thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý như vầy: Sáu xúc như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu xúc thân như thật là vô ngã.
Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có
phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên
thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thọ thân này chúng con đã từng quán sát
như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà lại bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu thọ thân này như thật là vô
ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì
tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
355
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên
tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán
sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Tỳ­kheo­ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu tưởng thân này
như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên
tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên
tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát
như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Tỳ­kheo­ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu tư thân này như
thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy
thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?'"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Hỏi tiếp:
"Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên
ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
356
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát
như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: 'Sáu ái thân này như thật là vô ngã.'
"Này các Tỳ­kheo­ni, ví như nhờ vào có dầu và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu
này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn cũng là vô thường. Nếu có
người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi,
không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không."
Tôn giả Nan­đà nói:
"Vì sao? Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim và cây đèn này đều là vô
thường. Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt
mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường.
Nếu có người bảo rằng 'Hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh; nó thường hằng,
thường trụ, không biến đổi, an ổn', thì lời nói này có đúng không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những
pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp
được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: Do những pháp kia làm duyên sanh
ra những pháp này; những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, thì các pháp được sanh ra này cũng
tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật."
"Này các Tỳ­kheo­ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá. Gốc chúng cũng là vô thường,
nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của
cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có
đúng không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng
là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh,
không lá, thì cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không."
357
Hỏi tiếp:
"Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường. Nếu bảo rằng 'hỷ lạc do nhân duyên sáu
ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi và an ổn,' thì lời nói này có đúng
không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả, không. Vì sao? Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những
pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp
được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật."
Tôn giả Nan­đà bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Lành thay! Các Tỳ­kheo­ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm
duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra
này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.
"Các cô hãy nghe tôi nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ. Như người đồ tể mổ trâu
một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con trâu, bằng cách
lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở
bên ngoài, kể cả viêïc mổ lột chân cẳng gân cốt con trâu, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở
lại. Nếu có người bảo rằng: 'Da thịt của con trâu này hoàn toàn không bị cắt rời.' Vậy, lời nói
này có đúng không?"
Các Tỳ­kheo­ni đáp:
"Bạch Tôn giả Nan­đà, không. Vì sao? Vì người đồ tể thiện nghệ này và học trò của ông ta tay
cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả
chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con trâu ấy. Nhưng da thịt đã bị cắt rời,
không phải là không bị cắt rời."
"Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con trâu dụ cho sắc thô của thân người,
như được nói chi tiết trong kinh Giỏ rắn độc. Thịt là chỉ cho nội lục nhập xứ. Da ngoài chỉ cho
ngoại lục nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy dấu[23]. Gân xương ở khoảng giữa da
thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham­hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén. Đa văn Thánh đệ
tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền
não. Cho nên, các cô nên học như vậy. Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm
trước, vì đểø đoạn trừ tham vậy. Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân
hận, vì để đoạn trừ sân vậy. Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si
vậy. Đối với năm thọ ấm phải quán sát sanh diệt. Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự
tập khởi và sự diệt tận. Đối với bốn Niệm xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần; khi
tu bảy giác phần rồi, thì đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với hữu
lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được
giải thoát. Các cô nên học như vậy."
358
Bấy giờ, Tôn giả Nan­đà, vì các Tỳ­kheo­ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều
cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc
ấy, Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề cùng đi với năm trăm Tỳ­kheo­ni quyến thuộc lần lượt đến
chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên, ... cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.
Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ­kheo:
"Thí như trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm trăng; trăng đã tròn hay chưa tròn?
Nên biết vầng trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan­đà vì năm trăm Tỳ­kheo­ni
chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo.
Nhưng những Tỳ­kheo­ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể
khiến cho họ sanh trở lại đời này."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Nan­đà:
"Hãy vì các Tỳ­kheo­ni mà nói pháp."
Lúc ấy, Tôn giả Nan­đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn giả mang bát vào thành khất thực.
Thọ trai xong, Tôn giả đi tới vườn vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi vì các Tỳ­kheo­ni nói pháp, làm
cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ,
rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.
Một hôm, Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề, cùng năm trăm Tỳ­kheo­ni trước sau lần lượt đến chỗ
Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật,... cho đến đảnh lễ ra về.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ­kheo­ni Ma­ha Ba­xà­ba­đề đã đi rồi, bảo các Tỳ­kheo:
"Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng
vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan­đà, đã vì các Tỳ­kheo­ni chân
chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ
sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ."
Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ­kheo­ni chứng quả thứ nhất[24].
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 277. LUẬT NGHI BẤT LUẬT NGHI[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bất luật nghi và luật nghi[26], các Tỳ­kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông
mà nói. Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ[27], thì nhãn thức
359
bị đắm sắc. Vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ. Vì khổ thọ nên không được nhất tâm[28]. Vì
không nhất tâm nên không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi
hoặc. Vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý
lại cũng như vậy. Đó gọi là bất luật nghi.
"Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ; khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm
không nhiễm trước[29]. Khi tâm đã không nhiễm trước thì thường trụ an vui. Vì tâm đã trụ trong
an vui nên thường được nhất tâm. Vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật. Vì đã thấy biết như thật
nên lìa nghi hoặc. Vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm và thường trụ trong an
vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 278. THOÁI BẤT THOÁI[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có pháp thoái chuyển, không thoái chuyển và sáu xúc nhập xứ.[31] Các Tỳ­kheo hãy lắng nghe
và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là pháp thoái chuyển? Khi mắt biết sắc, tri giác dục vọng phát sanh[32], Tỳ­kheo đó
vui mừng, khen ngợi, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết Tỳ­
kheo này đã thoái chuyển các pháp lành[33]. Thế Tôn nói đó là pháp thoái chuyển. Đối với tai,
mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
"Thế nào là pháp không thoái chuyển? Khi mắt biết sắc mà kết buộc của tri giác dục vọng không
sanh, Tỳ­kheo đó không vui mừng, không khen ngợi, không chấp lấy, không dính mắc và đối với
pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên biết Tỳ­kheo này không thoái chuyển các pháp
lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như
vậy.
"Thế nào là sáu thắng nhập xứ[34]? Khi nhãn thức duyên sắc, mà không sanh tri giác dục vọng
dẫn đến kết buộc ô nhiễm, thì nên biết Tỳ­kheo này đã thắng được nhập xứ kia[35]. Thế Tôn nói
đó là thắng được nhập xứ kia. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
"Nếu Tỳ­kheo nào, đối với sáu thắng nhập xứ đã thắng được rồi, thì sẽ đoạn trừ được kết sử
tham dục và sẽ đoạn trừ được kết sử ngu si, sân hận. Giống như ông vua đánh thắng oán địch và
được tôn là 'Ông vua chiến thắng', người đã đoạn trừ các kết sử rồi được gọi là 'Bà­la­môn
chiến thắng.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
360
KINH 279. ĐIỀU PHỤC[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với sáu căn này[37] mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì,
không tu tập, thì đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.
"Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì,
không tu tập, thì ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
"Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất
kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ[38]; các ác pháp bất
thiện tham ái của thế gian lọt vào tâm, những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi,
phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế đối với sáu căn, không
điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập thì ở đời vị lai sẽ chịu
quả báo khổ.
"Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập thì ở
đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung,
không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi.
Những pháp ác, bất thiện tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo
thủ hộ nhãn căn[39]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều
phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, thì ở đời vị lai sẽ được an vui.
Đức Phật liền nói bài kệ:
Nơi sáu xúc nhập xứ,
Trú vào không luật nghi;
Những Tỳ­kheo như vậy,
Mãi mãi chịu khổ lớn.
Đối với các luật nghi,
Luôn tinh cần tu tập,
Chánh tín, tâm không hai,
Các lậu chẳng vào tâm.
361
Mắt thấy những sắc kia,
Vừa ý không vừa ý;
Vừa ý, không sanh muốn,
Không vừa ý, chẳng ghét.
Tai nghe những âm thanh,
Có niệm và không niệm;
Đối niệm, không ưa đắm,
Không niệm, không khởi ác.
Mũi ngửi đến các mùi,
Hoặc thơm, hoặc là hôi;
Đối thơm, hôi, bình đẳng,
Không muốn, cũng không trái.
Đối các vị để ăn,
Chúng cũng có ngon, dở;
Vị ngon không khởi tham,
Vị dở không kén chọn.
Thân xúc tạo vui sướng,
mà chẳng sanh buông lung;
Xúc chạm bị khổ đau,
Không sanh tưởng oán ghét.
Khổ vui đều buông hết,
Chưa diệt khiến cho diệt.
Phải quán sát tâm ý,
362
Các tướng, các tướng kia,
Giả dối mà phân biệt,
Dục tham càng rộng lớn.
Giác ngộ các ác kia,
An trú tâm lìa dục.
Khéo nhiếp sáu căn này,
Sáu cảnh xúc không động,
Dẹp sạch các ma oán,
Vượt qua bờ sống chết.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 280. TẦN­ĐẦU THÀNH[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Câu­tát­la du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân­thứ[41],
phía bắc thành Tần­đầu[42].
Bấy giờ các Bà­la­môn, trưởng giả trong thành Tần­đầu đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu­tátla, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân­thứ, phía bắc thành Tần­đầu. Họ nghe vậy
rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đến rừng Thân­thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật,
rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật nói với các Bà­la­môn, trưởng giả thành Tần­đầu:
"Nếu có người hỏi các ông: 'Những hạng Sa­môn, Bà­la­môn nào không đáng cung kính, lễ bái,
thừa sự, cúng dường?' thì các ông nên đáp là: 'Nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào, mắt thấy sắc mà
chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm
không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng
như vậy, thì những hạng Tỳ­kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng
dường.' Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: 'Vì sao những Sa­môn này không đáng cung
kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?' Các ông nên trả lời: 'Chúng tôi mắt thấy sắc mà
không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh và đối
với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những Sa­môn, Bà­la­môn kia, khi mắt thấy
sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong
tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,
pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi
363
chỗ nào. Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Samôm, Bà­la­môn như vậy.'
"Nếu có người hỏi: 'Những Sa­môn, Bà­la­môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự,
cúng dường?' Các ông nên trả lời: 'Nếu những vị ấy mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa
khao khát, lìa niệm, trong tâm tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng,
việc làm không lôi thôi và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng
Sa­môn, Bà­la­môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.'
"Nếu lại hỏi: 'Vì sao những Sa­môn, Bà­la­môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự,
cúng dường?' Các ông nên trả lời: 'Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa tham, không lìa dục,
không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp,
hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những vị Sa­môn, Bà­
la­môn này lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng
pháp, hành động không thô tháo; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Ở đây,
chúng tôi tìm sự khác biệt và thấy và những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt,
nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa­môn, Bà­la­môn ấy.'
"Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: 'Những Sa­môn, Bà­la­môn này có hành vi gì, có hình
mạo thế nào và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa­môn, Bà­la­môn này lìa
tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều
phục lìa si?' Các ông nên trả lời rằng: 'Chúng tôi thấy Sa­môn, Bà­la­môn này có những biểu
hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn
ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền định tư duy; nếu ở những chỗ đó mà
không có sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm; và không có tiếng được nghe bởi tai
có thể sanh tâm tham đắm; mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham
đắm. Những Sa­môn, Bà­la­môn này có hành vi như vậy, có hình mạo như vậy và có dấu hiệu
như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa­môn, Bà­la­môn này lìa tham, hướng đến điều
phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si."
Khi ấy, các Sa­môn và gia chủ Bà­la­môn, bạch Phật:
"Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người
nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở
chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối. Cũng vậy, Thế Tôn không khen
mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa... cho đến, như lời Như Lai nói."
Các gia chủ Bà­la­môn ở thành Tần­đầu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ
ra về.
KINH 281. OANH PHÁT MỤC­KIỀN­LIÊN[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá.
364
Bấy giờ có Mục­kiền­liên búi tóc[44] xuất gia, đi đến chỗ Phật, cùng nhau hỏi thăm xong, ngồi
qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Mục­kiền­liên búi tóc:
"Ông từ đâu đến?"
Mục­liên liền bạch Phật:
"Tôi theo chúng ngoại đạo, Sa­môn, Bà­la­môn Giá­la­ca[45] xuất gia, vừa hội họp ở giảng
đường Vị tằng[46] để nghe pháp và từ rừng đó đến đây."
Phật bảo Mục­kiền­liên tóc búi:
"Ông vì những phước lực[47] gì mà nghe thuyết pháp từ các chúng Sa­môn, Bà­la­môn ngoại
đạo Giá­la­ca xuất gia kia?"
Mục­kiền­liên tóc búi bạch:
"Tôi thử nghe phước lợi mà họ luận nghị tranh hơn nhau, nghe phước lợi mà họ phản bác luận
nghị nhau."
Phật bảo Mục­kiền­liên:
"Từ xưa tới nay, các Sa­môn, Bà­la­môn ngoại đạo Giá­la­ca xuất gia, luận nghị tranh hơn nhau,
phản bác luận nghị nhau về phước lợi, phá hoại lẫn nhau."
Mục­kiền­liên tóc búi bạch Phật:
"Cù­đàm vì phước lợi mà nói những pháp gì cho các đệ tử, để cho các đệ tử nói lại cho người
khác nghe mà không phỉ báng Như Lai, không thêm, không bớt; nói chân thật, nói đúng pháp,
nói đúng theo thuận thứ của pháp, để không một người nào có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ
trích?"
Phật bảo Mục­kiền­liên:
"Vì phước lợi quả báo của minh, giải thoát, mà nói lại cho người nghe, thì không phỉ báng Như
Lai, không trái đạo lý, nói đúng pháp, đúng thuận thứ của pháp, không ai có thể đến so sánh, nạn
vấn, chỉ trích."
Mục­kiền­liên tóc búi bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, có pháp nào mà các đệ tử tu tập, thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên
mãn phước lợi, minh[48], giải thoát chăng?"
Phật bảo Mục­kiền­liên tóc búi:
365
"Có bảy giác phần, tu tập và thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi,
minh, giải thoát."
Mục­kiền­liên tóc búi bạch Phật:
"Có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bảy giác phần đầy đủ chăng?"
Phật bảo:
"Có bốn Niệm xứ, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến bảy giác phần được đầy đủ."
Mục­kiền­liên tóc búi lại bạch Phật:
"Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ chăng?"
Phật bảo Mục­kiền­liên tóc búi:
"Có ba diệu hành, tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ."
Mục­kiền­liên bạch Phật:
"Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ chăng?"
Phật bảo Mục­kiền­liên:
"Có luật nghi của sáu xúc nhập xứ[49], tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến ba diệu hạnh đầy đủ."
Mục­kiền­liên tóc búi bạch Phật:
"Thế nào là luật nghi của sáu xúc nhập xứ mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh
đầy đủ?"
Phật bảo Mục­kiền­liên tóc búi:
"Nếu sắc được nhận thức bởi mắt, vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, khiến
cho người hệ lụy; Tỳ­kheo kia, khi thấy sắc này, không hoan hỷ, không tán thán, không duyên
theo, không đắm trước, không trụ vào. Hoặc sắc được nhận thức bởi mắt, không vừa ý, không
đáng ưa, không đáng nhớ, đưa đến cảm giác khổ; các Tỳ­kheo này khi thấy, không sợ, không
ghét, không hiềm, không tức tối. Đối với sắc đẹp kia, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên
đắm. Đối với sắc không đẹp, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm, nội tâm an trụ bất
động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức pháp lại cũng
như vậy. Như vậy, đối với sáu xúc nhập mà tu tập, tu tập nhiều, thì đầy đủ ba diệu hành.
"Thế nào là tu ba diệu hành khiến đầy đủ bốn Niệm xứ? Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong
rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: 'Ác hành của thân này, đời này và đời sau
phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nản, hối hận, bị
366
người khác chê trách, Đại Sư cũng chê trách, những người phạm hạnh[50] cũng đúng pháp mà
chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung thì sẽ rơi vào địa ngục.' Đối với
ác hành của thân, thấy quả báo đời này, đời sau như vậy, cho nên phải dứt trừ ác hành của thân,
phải tu thân diệu hành. Đối với ác hành của miệng, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là đã tu tập ba
diệu hành. Được bốn Niệm xứ thanh tịnh đầy đủ.
"Thế nào là tu tập bốn Niệm xứ để được bảy giác phần đầy đủ? Này Mục­kiền­liên, như vậy, an
trụ với quán thân trên toàn thân. Khi an trụ với quán thân trên toàn thân, nhiếp niệm an trú không
xao lãng; bấy giờ, phương tiện[51] tu tập niệm giác phần. Khi đã phương tiện tu tập niệm giác
phần rồi, được niệm giác phần đầy đủ, ở nơi tâm niệm kia mà chọn lựa pháp, rồi suy tầm, suy
tưởng, tư lường; bấy giờ, phương tiện tu tập trạch pháp giác phần. Khi phương tiện tu tập trạch
pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần đầy đủ, chọn lựa pháp này, suy tầm, suy tưởng, tư
lường, phương tiện tu tập tinh tấn giác phần. Khi đã phương tiện tu tập tinh tấn giác phần rồi,
được tinh tấn giác phần đầy đủ, nhờ siêng năng tinh tấn nên sanh tâm hoan hỷ; bây giờ, phương
tiện tu tập hoan hỷ giác phần. Khi phương tiện tu tập hoan hỷ giác phần rồi, được hoan hỷ giác
phần đầy đủ; do tâm hoan hỷ, thân tâm tịch tĩnh; bây giờ, tu tập ỷ tức[52] giác phần. Khi đã tu
tập ỷ tức giác phần rồi, được ỷ giác phần đầy đủ, thân tâm tịch tĩnh, được tam­ma­đề[53]; bây
giờ, tu tập định giác phần. Khi đã tu tập định giác phần rồi, được định giác phần đầy đủ. Tức là
tâm chuyên nhất, tham ưu đình chỉ, nội tâm hành xả[54]; phương tiện tu tập xả giác phần. Khi đã
phương tiện tu tập xả giác phần, được xả giác phần thanh tịnh đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp
niệm xứ cũng nói như vậy. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, bảy giác phần được đầy đủ.
"Thế nào là tu tập bảy giác phần để đầy đủ minh, giải thoát? Này Mục­kiền­liên, nếu Tỳ­kheo tu
tập niệm giác phần, y viễn ly[55], y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả[56], tiến đến tu niệm giác
phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. (Chi tiết, cho đến) tu tập xả giác phần
cũng nói như vậy. Đó gọi là tu tập bảy giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên
mãn. Như vậy, Mục­kiền­liên, pháp pháp nương nhau từ bờ này mà đến bờ kia."
Sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Mục­kiền­liên tóc búi xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh
tịnh.
Lúc này, Mục­kiền­liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, hết những nghi ngờ mê hoặc,
không do ai khác mang đến. Ở trong Chánh pháp luật, tâm đạt được sự không sợ hãi, từ chỗ ngồi
đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, chắp tay bạch rằng:
"Nay con có được xuất gia, thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật không?"
Phật bảo Mục­kiền­liên:
"Nay ông đã được[57] xuất gia, được thọ Cụ túc giới trong Chánh pháp luật."
Sau khi được xuất gia rồi, Mục­kiền­liên chuyên cần tư duy, không buông lung, cho đến thành
A­la­hán.
367
KINH 282. CHƯ CĂN TU[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại Ca­vi­già­la Mâu­chân­lân­đà[59].
Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất­đa­la[60], là đệ tử của Ba­la­xa­na[61], đi đến chỗ Phật,
cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi Uất­đa­la:
"Thầy con là Ba­la­xà­na có dạy cho các con tu tập các căn không?"
Uất­đa­la trả lời:
"Bạch Cù­đàm, đã có dạy."
Đức Phật bảo Uất­đa­la:
"Thầy con dạy tu về các căn như thế nào?"
Uất­đa­la bạch Phật:
"Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng[62]; đó là tu về căn.
Phật bảo Uất­đa­la:
"Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới
không thấy sắc bằng mắt."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất­đa­la:
"Như lời của Ba­la­xà­na nói, thì người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới
không nghe tiếng."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A­nan:
"Khác sự tu căn vô thượng[63] trong pháp luật của Hiền thánh."
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Xin Đức Thế Tôn vì các Tỳ­kheo nói về sự tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh, để
cho các Tỳ­kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo."
Phật bảo A­nan:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
368
"Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với
chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không
nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý
không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do
duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai
với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không
vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với
chánh niệm chánh trí.[64]
"Như vậy, A­nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp[65] này, tâm khéo điều phục, khéo
đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, thì đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô
thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp cũng lại như vậy.
"Này A­nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh."
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, thế nào là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh?"
Phật bảo A­nan:
"Duyên và sắc, nhãn thức sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý
không vừa ý. Thánh đệ tử kia cũng phải biết như thật như vầy: 'Ta, duyên mắt và sắc, nhãn thức
sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch
diệt, đấy là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm[66]. Giống
như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay; cũng vậy, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh;
sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, trong chốc lát như vậy đều diệt hết, đạt
đến chỗ lìa bỏ nhàm tởm và không nhàm tởm, an trụ xả.'
"Cũng vậy duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã
sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: 'Ta, nhĩ thức nghe tiếng, cái đã sanh
vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đấy là tịch diệt, đây là thắng
diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong
khoảnh khắc khảy móng tay ra tiếng liền mất; cũng vậy, duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh
vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận, đó là xả. Đạt được xả
rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.'
"Duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý
không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: 'Ta, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã
sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đây là
thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Thí như hoa sen ở dưới
nước không nhiễm bùn; cũng vậy, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa
ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt hết. Có nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không
nhàm tởm.'
369
"Duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý
không vừa ý. Thánh đệ tử kia biết như thật như vầy: 'Ta, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh
vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Có
nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Như người lực sĩ nhổ hết vị ra không
còn gì nữa; cũng vậy, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý
không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, xa lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.'
"Duyên thân và thức, sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý,
sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: 'Ta, duyên thân và xúc sanh
thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt,
thắng diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như viên sắt đốt thật
nóng, rưới vào một giọt nước, giọt nước liền tiêu mất; cũng vậy, duyên thân và xúc sanh thân
thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả.
Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.'
"Duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi
đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: 'Ta, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh
vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, đó là tịch diệt, thắng
diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như người lực sĩ chặt ngọn
cây ta­la, cũng vậy, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý
không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.'
"Này A­nan, đó là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.
"Thế nào là vị hữu học thấy đạo[67] trong pháp luật Hiền thánh?"
Phật bảo A­nan:
"Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa
văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên nhau
sanh ra ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ
thẹn, ghét tởm. Này A­nan, đó gọi là hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền thánh.
"Này A­nan, đó gọi là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.
"Ta đã nói về sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh; đã nói hữu học thấy đạo
trong pháp luật Hiền thánh.
"Này A­nan, Ta vì các Thanh văn đã làm việc cần làm. Các ông cũng hãy làm những việc cần
làm. Nói chi tiết như kinh Giỏ rắn độc.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Ví dụ về tiếng và bàn tay. Đại Chánh quyển 11, kinh 273. Pāli, S. 35. 92­93. Dvayaṃ.
370
[2]. Xem kinh 215.
[3]. Hán: ngữ số 語數, Pāli: vācāvatthuka.
[4]. Hán: Nhục hình 肉形, chỉ khối thịt.
[5]. Chỉ thuộc địa đại, thể rắn.
[6]. Thọ 受, tức chấp thọ đại chủng, chỉ loại vật chất hữu cơ. Xem Câu­xá 1 (Đại 29, 2c13).
[7]. Pāli, S. 22. 33. Natumhākaṃ; 35. 101­102. Natumhākaṃ; 35. 137­138. Palāsinā.
[8]. Pāli, A. 8. 9. Nanda; 9. 4. Nandaka.
[9]. Hán: Tùy hình hảo 隨形好. Pāli: anuvyañjana, dấu hiệu riêng biệt hay đặc biệt.
[10]. Nguyên Hán: Tăng bất luật nghi 增不律儀, Xem kinh 277. Pāli: asaṃvuttaṃ (asaṃvara).
[11]. Nguyên Hán: Sanh chư luật nghi 生諸律儀. Pāli: tassa saṃvarāya paṭipajjati.
[12]. Hán: Phòng hộ ư nhãn... căn, sanh chư luật nghi 防護於眼耳鼻舌身意根生諸律儀. Pāli:
rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvara āpajjati: Thủ hộ nhãn căn, vị ấy thực hành sự
phòng hộ nơi nhãn căn.
[13]. Đoạn này nói về sự phòng hộ căn môn hay căn luật nghi của Tỳ­kheo (indriya­saưvara),
nhưng bản Hán rất tối khó dịch sát được.
[14]. Hán: Ư thực hệ số 於食繫數, ý nói, biết ước lượng việc ăn. Pāli: pṭisaṅkhā yoniso āhāraṃ
āhārati, (Nan­đà) ăn thức ăn với sự tư duy (ước lượng) chính xác. Pāli: paṭisaṅkhā: tư trạch hay
tư khảo, bản Hán hiểu là con số (do saṅkhā: con số).
[15]. Hán: Thành kỳ sùng thượng cố, 成其崇向故. Có lẽ Pāli: yātrā ca me bhavissati anavajjatā
và ở đây ta sẽ không có lỗi lầm (sẽ không trở thành hèn kém).
[16]. Hán: Vô văn độc trú 無聞獨住. Bản Cao­ly chép vô văn, Tống­Nguyên­Minh chép vô vấn
無問.
[17]. Pāli: āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti, tẩy sạch tâm khỏi những pháp che lấp.
[18]. Thắng niệm chánh tri 勝念正知. Pāli: satisampajañña, chánh niệm tỉnh giác.
[19]. Giác 覺. Pāli: vitakka, tầm, suy tầm.
371
[20]. Pāli, M.146. Nandakovāda­sutta.
[21]. Ma­ha Ba­xà­ba­đề 摩訶波闍波提. Pāli: Mahā­pajapatī.
[22]. Thị, giáo, chiếu, hỷ, 示教照喜. Xem cht.33 kinh 107.
[23]. Hán: học kiến tích, 學見跡. Xem cht. 38, kinh 109.
[24]. Tức Tu­đà­hoàn.
[25]. Pāli, S. 35. 97. Pamādavihārī.
[26]. Luật nghi, bất luật nghi 律儀, 不律儀. Pāli: saṃvara, asaṃvara, phòng hộ và không phòng
hộ.
[27]. Pāli: cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ, nhãn căn không được nhiếp hộ (phòng hộ).
[28]. Pāli: dukkhino cittaṃ na samādhiyati, vì khổ nên tâm không được tập trung (không thể
nhập định).
[29]. Pāli: cakkhundriyaṃ saṃvuttassa, bhikkhave, viharato cittaṃ na vyāsiñcati
cakkhuviññeyyesu rūpesu, an trú với sự nhiếp hộ nhãn căn, tâm không bị đọa lạc (mhiễm ô)
trong các sắc được nhận thức bởi mắt.
[30]. Pāli, S. 35. 96. Parihānaṃ.
[31]. Thoái, bất thoái, lục xúc nhập xứ 退,不退法,六觸入處. Đoạn dưới, nói là thắng nhập xứ.
Pāli: parihānadhammañca vo, bhikkhave, dessāmi aparihānadhammañca cha ca abhibhāyatanāni,
Ta sẽ nói pháp thoái chuyển, pháp không thoái chuyển và sáu thắng xứ.
[32]. Dục giác 欲覺. Pāli: cakkhunā rūpaṃ disvā uppajjanti pāpakā akusalā sarasaṅkappā
saṃyojaniyā, khi nhận thức sắc bởi mắt, các hoài niệm và ước vọng bất thiện, dẫn đến hệ lụy
sanh khởi.
[33]. Pāli: parihayāmi kusalehi dhammehi, ta đã thụt lùi khỏi các pháp lành.
[34]. Xem cht.31 trên.
[35]. Thắng bỉ nhập xứ 勝彼入處 môi trường (xứ) này đã bị chiến thắng (chinh phục).
[36]. Pāli, S. 35. 94. Saṅgayha.
[37]. Pāli: chayime bhikkhave phassāyatanā adantā aguttā arakkhitā asaṃvuttā, sáu xúc xứ này
không được chế ngự, không được canh gác, không được phòng vệ, không được nhiếp hộ.
372
[38]. Bất luật nghi chấp thọ trú 不律儀執受住. Quốc Dịch đưa từ trú xuống câu dưới. Đây theo
văn Pāli đưa lên câu trên. Pāli: cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ, sống với nhãn căn
không được phòng hộ (bất luật nghi).
[39]. Đoạn văn Hán này có nhiều chỗ tối nghĩa, cần tham chiếu thêm Pāli (D. ii. Sāmaññaphalasutta): yatvādhikaraṇanaṃ eṇaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ abhijjhā­domanassā
pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati, do nguyên nhân nào mà
nhân căn không được an trụ phòng ngự (Hán: bất luật nghi) để cho tham và ưu, các pháp ác bất
thiện tuôn chảy vào, vị ấy tu tập để phòng ngự nguyên nhân ấy.
[40]. Pāli, M. 150. Nagaravindeyya­sutta.
[41]. Thân­thứ lâm 申恕林; rừng cây siṃsapa. Bản Pāli: nagaravindaṃ nāma kosalānaṃ
brāmhmaṇānaṃ gāmo tad avasi, tạm trú tại một làng Nagaravinda, một ngôi làng Bà­la­môn của
người Kosala.
[42]. Tần­đầu thành 頻頭城. Pāli: Nagaravinda.
[43]. Đạo sĩ búi tóc. Pāli: Sikha­Moggallāna.
[44]. Hán: Oanh phát Mục­kiền­liên 縈髪目犍蓮. Pāli: Sikha­Moggallāna.
[45]. Giá­la­ca 遮羅迦. Pāli: caraka, chỉ du sĩ lang thang.
[46]. Vị tằng giảng đường, 未曾講堂. Xem kinh 975 ở sau.
[47]. Tức hỏi "Vì mục đích gì".
[48]. Minh 明, chỉ ba minh. Giải thoát 解 脫 , chỉ tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
[49]. Tức phòng hộ sáu căn môn.
[50]. Chỉ đồng phạm hạnh, tức bạn đồng tu.
[51]. Phương tiện, ở đây hiểu là tinh cần nỗ lực.
[52]. Ỷ tức giác phần 猗息覺分 , cũng nói là khinh an giác chi.
[53]. Tức được định tĩnh.
[54]. Hành xả 行捨 , tức xả đối với các hành; chỉ trạng thái quân bình (xả) đối với mọi hiện
tượng sanh diệt của các hành.
[55]. Sống xa lánh, ẩn mình nơi thanh vắng.
373
[56]. Nỗ lực xả bỏ trạng thái thấp để đạt trang thái cao hơn. Hán: y diệt xả 依滅捨, xem kinh
741: y diệt hướng xả 依滅向捨
[57]. Nguyên Hán: dĩ đắc 已得.
[58]. Tu tập các căn. Pāli, M. 152. Indriyabhāvanā­sutta.
[59]. Ca­vi­già­la Mâu­chân­lân­đà 迦微伽羅牟真鄰陀. Pāli: Kajaṅgala Mukkheluvana.
[60]. Niên thiếu Uất­đa­la 年少名鬱多羅. Pāli Uttara māṇva.
[61]. Ba­la­xa­na 波羅奢那. Pāli: Pārāsariya.
[62]. Pāli: cakkhunā rūpaṃ na passati; sotena saddaṃ na suṇāti, không thấy sắc bằng mắt,
không nghe tiếng bằng tai.
[63]. Vô thượng tu căn 無上修根. Pāli: ariyassa vinaye anuttarā indriyabhāvanā.
[64]. Đoạn kinh này, chi tiết có khác với bản Pāli. Xem thêm cht. dưới.
[65]. Ngũ cú 五句, Ấn Thuận Hội Biên, dẫn Du­già Sư Địa Luận, gọi đây là ngũ chuyển vô
thượng tu căn, theo đó là năm phẩm bậc tu căn của đệ tử mà Như Lai vừa ý hoặc không vừa ý.
[66]. Pāli: taṃ uppannam manāpaṃ uppannaṃ amanāpam uppanaṃ manāpāmanāpam
nirujjhati, upekkhā saṇṭhāti, cái đã khởi lên ấy khả ý, không khả ý, hay vừa khả ý vừa không khả
ý, thảy đều diệt, xả tồn tại.
[67]. Trong bản: giác kiến tích 覺見跡. Sửa lại là học kiến tích 學見 跡 , chỉ vị hữu học bắt đầu
thấy Thánh đế.
374
TẠP A-HÀM QUYỂN 12
KINH 283. CHỦNG THỌ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu đối với pháp kết sử hệ phược mà tùy thuận nếm vị, rồi đoái tưởng, tâm hệ lụy, thì ái
sanh[2]; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, khổ, não và tụ
tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy. Như người trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ yếu mềm,
cần yêu quí bảo vệ làm cho nó an ổn, vun bồi dất, tùy thời tưới nước, nóng lạnh điều hòa. Nhờ
những nhân duyên này nên cây mới lớn dần. Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, đối với các pháp kết sử
ràng buộc mà nếm vị, chăm sóc cho lớn, thì ân ái sanh; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên
sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Nếu đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán
vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, thì ái diệt; ái diệt thì
thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não
diệt và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt. Cũng giống trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ,
mềm yếu, mà không yêu quý bảo vệ, không làm cho nó an ổn, không vun bồi phân đất, không
tưới nước theo thời, không tạo sự thích hợp nóng lạnh, thì cây ấy sẽ không thể tăng trưởng. Lại
còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa
thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, thì này các
Tỳ­kheo, ý các ông thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt gốc rễ cây này, cho đến thiêu
đốt khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà tùy thuận quán vô thường,
quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ
lụy, thì ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 284. ĐẠI THỌ[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
375
"Nếu đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruổi, đuổi
theo danh sắc[4]; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái
duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập
thành một khối khổ lớn như vậy. Thí như gốc cây lớn, có rễ, có cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó
được trồng sâu, bền chắc, được vun đắp phân tro, dùng nước để tưới, thì cây ấy vững chắc, trọn
đời không bị mục hư. Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị,
tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruổi, đuổi theo danh sắc; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập
duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh
duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy.
"Nếu đối với pháp bị chấp thủ, mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục,
quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruổi chạy
theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc
diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt,
sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não sẽ diệt và như vậy thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng
sẽ diệt. Giống như trồng cây, nếu không tùy thời bảo vệ để cho cây an ổn, không bón phân đất,
không tùy thời tưới nước, để cho lạnh nóng bất thường, thì cây sẽ không tăng trưởng được. Lại
còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa
thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, thì này các
Tỳ­kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt cây này, cho đến thiêu đốt
khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ,
sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy,
thức không dong ruổi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì lục nhập diệt,
lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì
hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não sẽ diệt và như vậy
thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng sẽ diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 285. PHẬT PHƯỢC[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta nhớ về kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần
tinh tấn thiền định, tư duy, khởi nghĩ như vầy: 'Thế gian bị hãm nhập tai họa[6]; đó là sanh, già,
bệnh, chết, đổi dời, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại không biết như thật về bên trên và sở y[7]
của sanh, già, bệnh, chết.'
376
"Ta nghĩ rằng: 'Do có pháp gì nên có sanh, do pháp gì làm duyên nên có sanh?' Ta liền tư duy
chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức[8]: 'Do có hữu nên có
sanh, duyên hữu nên có sanh.'
"Ta lại tư duy: 'Do có pháp gì nên có hữu, do pháp gì làm duyên nên có hữu?' Ta liền tư duy
chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Do có thủ nên có hữu,
duyên thủ nên có hữu.'
"Ta lại nghĩ rằng: 'Thủ lại do duyên gì và vì có pháp gì nên có thủ, vì duyên pháp gì nên có thủ?'
Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Đối với
pháp bị chấp thủ mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Vì ái kia có nên có
thủ. Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não
và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.'
"Này các Tỳ­kheo, ý các ông nghĩ sao? Giống như nhờ dầu, tim đèn, nên đèn được đốt sáng, vậy
khi thường xuyên dầu và tim được thêm lên, thì ánh sáng ngọn đèn này có tồn tại lâu không?"
"Bạch Thế Tôn, tồn tại lâu vậy."
"Này các Tỳ­kheo, đối với sắc bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng
trưởng. Vì ái kia có nên có thủ. Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Lúc ấy Ta lại nghĩ: 'Do không có pháp gì mà không có lão, bệnh, tử này? Vì pháp gì diệt mà
lão, bệnh, tử bị diệt?' Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên
nhận thức: 'Vì không có sanh nên không có lão, bệnh, tử; và vì sanh diệt nên lão, bêïnh, tử diệt.'
"Ta lại suy nghĩ như vầy:'Vì không có pháp gì mà không có sanh? Do pháp gì diệt mà sanh
diệt?' Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Vì
không có hữu nên không có sanh; vì hữu diệt nên sanh diệt.'
"Ta lại tư duy: 'Vì không có pháp gì nên không có hữu? Vì pháp gì diệt nên hữu diệt?' Ta liền tư
duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Pháp bị chấp thủ là
vô thường, là sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì diệt
ái. Vì diệt ái nên thủ bị diệt; vì diệt thủ nên hữu bị diệt; vì diệt hữu nên sanh bị diệt; vì diệt sanh
nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng
diệt.'
"Này các Tỳ­kheo, ý các ông nghĩ sao? Thí như dầu, tim đèn, nếu không châm thêm dầu và sửa
tim, thì phải chăng ánh sáng của cây đèn này trong vị lai không còn nữa và nó sẽ bị tắt mất
chăng?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
377
"Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt,
ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, cho
đến luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 286. THỦ[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần
tinh tấn thiền định, tư duy. Nói đầy đủ như kinh trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:
"Ví như vác mười bó củi, hai mươi bó, ba mươi bó, bốn mươi bó, năm mươi bó, trăm bó, ngàn
bó, trăm ngàn bó, gom chất lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa lớn. Nếu có người
nào cho thêm củi và cỏ khô vào, thì các Tỳ­kheo, các ông nghĩ sao, lửa này có tiếp tục cháy mãi
được không?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có như vậy."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, đối với pháp bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy,
thì ái dục tăng trưởng. Ái này lấy thủ làm duyên. Thủ duyên hữu và cho đến tụ tập thuần một
khối khổ lớn.
"Này các Tỳ­kheo, nếu đống lửa đang cháy kia mà không thêm củi và cỏ khô vào, thì các Tỳ­
kheo nghĩ sao, lửa kia có bị tắt không?"
"Bạch Thế Tôn, có như vậy."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly
dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt. Ái diệt thì thủ diệt; nói đầy
đủ như vậy cho đến, khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập kia cũng diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 287. THÀNH ẤP[10]
Tôi nghe như vầy:
378
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng, tinh tấn chuyên cần
thiền định tư duy, khởi nghĩ như vầy: 'Do có pháp gì nên có già chết; duyên pháp gì nên có già
chết?' Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức[11]:
'Vì có sanh nên có già chết; vì duyên sanh nên có già chết; và đối với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục
nhập, danh sắc cũng như vậy.
"Do có pháp gì nên có danh sắc, vì duyên pháp gì nên có danh sắc?'Ta liền tư duy chân chánh và
như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Vì có thức nên có danh sắc, vì duyên
thức nên có danh sắc.' Khi Ta tư duy như vậy, ngang đến thức thì quay trở lại, không thể vượt
qua nó được[12]. Nghĩa là duyên thức nên có danh sắc. Duyên danh sắc nên có lục nhập. Duyên
lục nhập nên có xúc. Duyên xúc nên có thọ. Duyên thọ nên có ái. Duyên ái nên có thủ. Duyên
thủ nên có hữu. Duyên hữu nên có sanh. Duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ
tập thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Bấy giờ, Ta suy nghĩ: 'Do không có pháp gì nên không có già chết; do pháp gì diệt nên già chết
diệt?' Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Vì
không có sanh nên không già chết; vì sanh diệt nên già chết diệt.' Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ,
xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành cũng như vậy. Nói đầy đủ như kinh trên.
"Ta lại tư duy: 'Do không có pháp gì, nên không có hành; do pháp gì diệt nên hành diệt?" Ta liền
tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: 'Vì không có vô
minh nên không có hành; vì vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt; thức diệt nên
danh sắc diệt; danh sắc diệt nên lục nhập diệt; lục nhập diệt nên xúc diệt; xúc diệt nên thọ diệt;
thọ nên ái diệt; ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên
lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.'
"Bấy giờ, Ta nghĩ rằng: 'Ta đã gặp được con đường của cổ Tiên nhân, lối mòn của cổ Tiên nhân;
dấu chân của cổ Tiên nhân. Cổ Tiên nhân đã từng đi theo dấu này, nay Ta cũng đi theo[13].' Ví
như có người đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi,
người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn
cảnh, ao tắm, rừng cây sạch sẽ, người ấy nghĩ rằng: 'Bây giờ ta nên đến tâu cho vua biết.' Người
ấy vội vàng đi đến quốc vương tâu: 'Đại vương biết cho, tôi đang đi giữa đồng hoang, vạch lối
tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về
trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, suối rừng sạch trong. Đại
vương có thể đến đó nghỉ ngơi.' Quốc vương liền đến đó, cư trú nơi đó, rất an lạc, yên ổn và
nhân dân cũng được phồn thịnh.
"Nay Ta cũng như vậy, gặp được con đường của cổ Tiên nhân, lối mòn của cổ Tiên nhân; dấu
chân của cổ Tiên nhân; chỗ Tiên nhân xưa đã đi, nay Ta cũng đi theo. Con đường đó là tám
Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện,
chánh niệm, chánh định. Ta từ nơi đạo này mà thấy được lão, bệnh, tử; sự tập khởi của lão, bệnh,
tử; sự diệt tận của lão, bệnh, tử; con đường đưa đến sự diệt tận của lão, bệnh, tử; thấy được về
sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, thấy sự tập khởi của hành, sự diệt
379
tạân của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Ta đối với pháp này tự biết, tự giác ngộ,
thành tựu Đẳng chánh giác. Rồi khai thị, hiển phát, vì an lạc và lợi ích của các Tỳ­kheo, Tỳ­
kheo­ni, Ưu­ba­tắc, Ưu­bà­di và các Sa­môn, ngoại đạo, Bà­la­môn, tại gia, xuất gia, cả bốn
chúng, được nghe, chân chánh hướng theo, khởi lòng tin ưa, biết pháp lành, khiến cho phạm
hạnh thêm rộng."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 288. LÔ[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Khi ấy Tôn giả Xá­lợi­phất
và Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la cùng ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Xá­lợi­phất đến chỗ Tôn giả Ma­ha
Câu­hi­la, cùng nhau hỏi thăm, chúc tụng, rồi ngồi xuống xuống một bên, bạch Tôn giả Ma­ha
Câu­hi­la:
"Tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả có rảnh để giải đáp cho không?"
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đáp lời Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Nhân giả cứ hỏi, điều gì biết được tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, thế nào, có sự già không?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả Xá­lợi­phất, có."
Lại hỏi:
"Có sự chết không?"
Đáp:
"Có."
Lại hỏi:
"Thế nào, già chết là tự tác hay tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự chẳng phải tha mà
vô nhân tác chăng?"
380
Đáp:
"Bạch Tôn giả Xá­lợi­phất, già chết chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha
tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng do duyên sanh nên có già chết."
"Như vậy, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc có phải là tự tác, là tha tác, là tự và
tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả Xá­lợi­phất, danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha
tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng danh sắc này do duyên thức mà
sanh."
Lại hỏi:
"Thức này có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân
tác chăng?"
Đáp:
"Bạch Tôn giả Xá­lợi­phất, thức này chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha
tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng thức này do duyên danh sắc mà
sanh."
Tôn giả Xá­lợi­phất lại hỏi:
"Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, trước đây Hiền giả nói danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác,
chẳng phải tự và tha tác, chẳng phải chẳng tự và tha, vô nhân tác, nhưng danh sắc này duyên
thức mà sanh ra. Bây giờ, lại nói danh sắc duyên thức, vậy nghĩa này là thế nào?"
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đáp:
"Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là người trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng
lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững; nếu lấy ra một cây thì hai cây
kia cũng không đứng được; nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vững, vì chúng phải
nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa
lẫn nhau mới sanh trưởng được."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả Câu­hi­la là người trí
tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với
pháp cam lộ. Nghĩa là Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la có nghĩa biện tài[15] sâu xa như vậy, thì có thể
giải đáp tất cả các nạn vấn. Như ngọc quý vô giá, mà thế gian đội trên đầu; nay tôi cũng xin đội
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la trên đầu.
381
"Bạch Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, hôm nay tôi rất vui mừng vì đã được nhiều lợi ích từ nơi Tôn
giả. Còn những người phạm hạnh khác nhiều lần gặp được Tôn giả thì chắc chắn cũng được
thiện lợi, vì Tôn giả khéo thuyết pháp. Nay tôi sẽ đem những điều được nghe từ Tôn giả Ma­ha
Câu­hi­la thuyết pháp, dùng ba mươi cách tán thán mà khen ngợi, tùy hỷ.
"Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, nói già, chết là đáng ghê tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Pháp sư. Hay
nói rằng: Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức là đáng chán chê, ly dục, diệt tận,
thì đó cũng gọi là Pháp sư. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với già, chết mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly
dục, diệt tận, thì đó gọi là Pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục,
diệt tận, thì đó cũng gọi là Pháp sư. Nếu Tỳ­kheo nào, đối với già chết mà nhàm tởm, lo sợ, ly
dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là Pháp sư. Cho đến, đối với
thức mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là
Pháp sư."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, người có trí tuệ sáng suốt,
khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lộ.
Vì Tôn giả Xá­lợi­phất là người có khả năng hỏi những điều sâu xa của chánh trí. Giống như hạt
châu vô giá được người thế gian đội trên đầu. Ngày nay Tôn giả cũng vậy, được tất cả phạm
hạnh cung kính, phụng sự một cách trân trọng. Hôm nay tôi rất vui mừng, vì được nhiều lợi ích
nhờ cuộc đàm luận với Tôn giả về diệu nghĩa."
Hai vị Chánh sĩ tùy hỷ lẫn nhau, mỗi người trở về chỗ ở của mình.
KINH 289. VÔ VĂN (1)[16]
Tôi nghe như vầy:
Môt thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Phàm phu ngu si vô học[17], đối với thân bốn đại mà ghê tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ. Nhưng
không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối
với tâm, ý, thức, thì kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì
sao? Vì họ từ lâu đời ở nơi đây[18] mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ,
nói rằng 'Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau[19].' Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học
không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ được. Kẻ phàm phu ngu si
thà ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không thể ở nơi thức mà chấp là ngã, là
ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm,
ba mươi năm, cho đến trăm năm rồi thì tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức
này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc,
trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thoáng chốc ở nơi
này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm,
ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.
382
"Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên
sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia
diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ
sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ, biết như
thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra
cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Người ấy tư duy rằng: 'Thọ này sanh bởi xúc, lạc do xúc, hệ lụy
xúc. Do có lạc bởi xúc thế này thế kia mà có lạc bởi thọ thế này thế kia. Khi lạc do xúc chạm thế
này thế kia ấy diệt thì lạc do cảm thọ thế này thế kia ấy cũng diệt, mát mẻ, tịch tĩnh. Như vậy, đa
văn Thánh đệ tử đối với sắc sanh ra nhàm tởm; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm
tởm. Vì nhàm tởm nên không ưa thích. Vì không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: 'Ta,
sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời
sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 290. VÔ VĂN (2)[20]
Tôi nghe như vầy:
Môt thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Phàm phu ngu si vô học, đối với thân bốn đại mà ghê tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ. Nhưng
không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối
với tâm, ý, thức, thì kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì
họ từ lâu đời ở nơi đây mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng 'Đây
là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.' Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây
mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ được.
"Kẻ phàm phu ngu si thà ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không thể ở nơi
thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng
mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm rồi thì tiêu vong, hoặc kéo dài hơn
một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng
đêm, từng giờ, từng khắc, trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây
kia, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây
này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.
"Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên
sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia
diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ
sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ thì biết
như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh
ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.
383
"Ví như hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, hòa hợp sanh ra lửa. Nếu hai thanh gỗ rời nhau, thì lửa
cũng theo đó mà diệt mất. Cũng vậy, các thọ duyên xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà
tập khởi; nếu khi sự xúc chạm thế này thế kia mà tập khởi, thì những cảm thọ thế này thế kia
cũng tập khởi. Khi sự tập khởi của sự xúc chạm thế này thế kia diệt, thì sự tập khởi của cảm thọ
thế này thế kia cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.
"Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với sắc được giải thoát; và đối với thọ, tưởng, hành,
thức cũng được giải thoát; đối với sanh già bệnh chết ưu bi não khổ cũng được giải thoát. Ta nói
người này đối với khổ đã được giải thoát."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 291. XÚC[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Ta đã nói về nội xúc pháp[22], các ông có bắt nắm[23] không?"
Bấy giờ, có một Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, chắp
tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, pháp nội xúc được nói, con đã bắt nắm rồi."
Lúc Tỳ­kheo này ở trước Phật tự mình xác nhận như vậy, nhưng dù là như vậy Thế Tôn vẫn tỏ
vẻ không hài lòng. Bấy giờ, Tôn giả A­nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Phật bảo Anan:
"Nội xúc pháp theo như pháp luật của bậc Thánh, khác với những điều Tỳ­kheo này nói."
A­nan, bạch Phật:
"Nay thật đúng lúc, cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ­kheo mà nói về nội xúc pháp trong pháp luật của
Hiền thánh. Các Tỳ­kheo nghe xong sẽ lãnh thọ, thực hành."
Phật bảo A­nan:
"Này, A­nan, lành thay! Các Tỳ­kheo hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên tư duy như vầy: 'Có nhiều loại khổ khác nhau
của chúng sanh; khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc[24]? Lúc nắm bắt
như vậy, nên biết cái khổ này do nhân là ức­ba­đề[25], tập là ức­ba­đề, sanh bởi ức­ba­đề,
chuyển hiện[26] ức­ba­đề.'
384
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, với nội xúc pháp, lại nữa, ức­ba­đề do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái
gì sanh, cái gì chuyển hiện[27]? Vị ấy, trong khi nắm bắt, biết rằng, ức­ba­đề do ái là nhân, ái là
tập, do ái mà sanh, do ái mà chuyển hiện. Lại nữa này các Tỳ­kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp,
nên biết ái do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Khi nắm như vậy, thì
nên biết rằng sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ[28]; ở nơi sắc này, ái sanh khi sanh nơi đó,
ái hệ lụy khi hệ lụy nơi đó, ái cư trú khi cư trú nơi đó[29].
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào, đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng
là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh; tưởng là ngã, là ngã sở, thì ở nơi sắc
này ái càng tăng trưởng. Khi ái đã tăng trưởng thì ức­ba­đề tăng trưởng; ức­ba­đề tăng trưởng thì
khổ tăng trưởng. Nếu khổ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh,
chết, ưu, bi, khổ, não. Ta nói người này đối với khổ không giải thoát.
"Ví như ao nước trong mát ở bên đường, đầy đủ hương vị, có người lén lấy chất độc bỏ vào ao.
Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống
nước. Có người nói rằng: 'Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu,
nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống; nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như
sắp chết.' Những người khát nước này không tin lời, cứ uống; tuy được vị ngon, nhưng trong
chốc lát lại bị chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Cũng vậy, các Sa­môn, Bà­la­môn nào, đối với sắc
được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng
không bệnh; tưởng là ngã, là ngã sở, (chi tiết như trên, cho đến) sẽ không giải thoát khỏi sanh,
già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào đối với sắc đẹp đẽ được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán
sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, thì đối
với ái này chắc chắn được dứt lìa. Vì ái lìa nên ức­ba­đề lìa, ức­ba­đề lìa nên khổ lìa, khổ đã lìa
nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não lìa.
"Ví như bên đường có ao nước trong mát, đầy đủ hương vị, có kẻ lén dùng chất độc bỏ vào trong
nước. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến
uống nước. Có người nói rằng: 'Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc
màu, nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống; nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị
khổ như sắp chết.' Những người kia nghĩ thầm: 'Nước này có chất độc, nếu ta uống vào thì sẽ
chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Thôi ta cố chịu khát, ăn đỡ cơm khô, không dám uống nước.'
"Cũng như vậy, Sa­môn, Bà­la­môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán
sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho
đến... sẽ giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
"Vì vậy, này A­nan, đối với pháp này thấy như vậy, nghe như vậy, cảm nhận như vậy, nhận thức
như vậy; đối với quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng theo như đạo lý này nên quán sát như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
385
KINH 292. TƯ LƯƠNG[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Tư lương quán sát như thế để chân chánh diệt tận khổ, đạt đến nơi tột cùng của mé khổ? Khi tư
lương về tất cả những cái khổ khác nhau của chúng sanh; các khổ này do cái gì là nhân, cái gì là
tập, cái gì sanh, cái gì xúc[31]? Khi suy nghĩ thì biết rằng, do thủ làm nhân, thủ tập, thủ sanh, thủ
xúc. Nếu thủ này diệt, không còn sót, thì chắc chắn các khổ này cũng sẽ diệt. Vị ấy biết như thật
con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp[32]; đó gọi
là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thủ đã diệt.
"Lại nữa, Tỳ­kheo tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ;
khi ấy, tư duy thủ kia do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư duy, thủ này do ái
làm nhân, ái tập, ái sanh, ái xúc. Khi ái này vĩnh viễn diệt, không còn, thì thủ cũng theo đó mà
diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy
thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là ái đã diệt.
"Lại nữa, Tỳ­kheo tư duy quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ;
khi ấy, tư duy ái này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư lương ái là do thọ
làm nhân, thọ tập, thọ sanh, thọ xúc. Khi thọ này vĩnh viễn diệt, không còn, thì ái cũng bị diệt. Vị
ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận
pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thọ diệt.
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy thọ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết thọ này
do xúc làm nhân, xúc tập, xúc sanh, xúc duyên. Khi xúc này vĩnh viễn diệt mất, không còn sót,
thì thọ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành
hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy xúc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết xúc này
do sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ xúc. Khi sáu nhập xứ
này diệt, không còn sót, thì xúc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ
mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu
cánh biên tế khổ.
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy sáu nhập xứ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết
sáu nhập xứ này là do danh sắc làm nhân, danh sắc tập, danh sắc sanh, danh sắc xúc; nên khi
danh sắc này diệt hết, không còn sót, thì sáu nhập xứ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường
đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo
chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là danh sắc diệt.
386
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy danh sắc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết danh
sắc là do thức làm nhân, thức tập, thức sanh, thức xúc; khi thức này diệt không còn, thì danh sắc
cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng
đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thức
diệt.
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy thức này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết thức này
là do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Khi làm các phước hành[33], thì thiện thức
sanh; làm những hành không phước, không thiện thì thức bất thiện sanh; làm hành vô sở
hữu[34], thì thức vô sở hữu sanh. Vì cái thức này do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành
xúc; nên khi hành kia diệt, không còn thì thức cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa
đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ­kheo chân
chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là hành diệt.
"Lại nữa, này các Tỳ­kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của
mé khổ; tư duy hành này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết hành
này do vô minh làm nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc. Phước hành này do vô minh
làm duyên, phi phước hành cũng do vô minh làm duyên, phi phước phi phi phước hành cũng do
vô minh làm duyên. Nên biết hành này do vô minh là nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh
xúc. Khi vô minh này hoàn toàn bị diệt không còn, thì hành này cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật
con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là
Tỳ­kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là vô minh diệt."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Ý các ông nghĩ sao? Nếu không ái nhiễm vô minh mà sanh minh[35] thì người ấy còn duyên vô
minh này làm các phước hành, phi phước hạnh, hoặc làm vô sở hữu hành chăng[36]?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không vậy. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử không ái nhiễm vô minh thì sanh
minh; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, như vậy cho đến sanh, già, bệnh, chết,
ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng diệt."
Phật nói:
"Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ­kheo, Ta cũng nói như vậy, các Tỳ­kheo cũng biết như vậy.
Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên pháp này pháp kia; sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này
pháp kia, diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Đa văn Thánh đệ tử nếu ly nhiễm đối với vô minh
mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào[37], thì biết như thật
cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn
thọ mạng chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy;
khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết,
không còn sót.
387
"Ví như người lực sĩ lấy món đồ gốm vừa mới nung, còn nóng, đặt trên đất, chỉ trong chốc lát vật
này bị tan hoại, sức nóng cũng tan mất. Cũng vậy, Tỳ­kheo ly nhiễm đối với vô minh mà sanh
minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, thì biết như thật cảm giác về
cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng
chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân
hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không
còn sót."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 293. THẬM THÂM
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Ta đã vượt nghi, dứt trừ do dự, nhổ sạch gai tà kiến, không còn thoái chuyển, tâm không chấp
trước nữa, thì nơi nào có ngã? Ta vì các Tỳ­kheo thuyết pháp, Ta vì các Tỳ­kheo nói pháp tùy
thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái
kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,
duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có lục nhập xứ, duyên lục nhập xứ nên có xúc,
duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên
hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ
lớn như vậy, (chi tiết ....) cho đến, thuần khối khổ lớn tụ tập như vậy bị diệt.
"Thuyết pháp như vậy, nhưng Tỳ­kheo kia vẫn còn nghi hoặc, còn do dự. Trước chẳng đắc mà
tưởng đắc, chẳng đạt mà tưởng đạt, chẳng chứng mà tưởng chứng. Nay nghe pháp xong tâm sanh
lo khổ, hối hận, mê mờ, chướng ngại. Vì sao? Vì đây là chỗ sâu xa, tức là pháp duyên khởi. Lại
càng sâu xa, khó thấy gấp bội, đó là lìa tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết­bàn. Như hai
pháp này, là pháp hữu vi và vô vi. Hữu vi, hoặc sanh. hoặc trụ, hoặc dị, hoặc diệt. Vô vi, là
chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng dị, chẳng diệt. Này các Tỳ­kheo, đó gọi là các hành là khổ; Niếtbàn là tịch diệt. Nhân tập nên khổ tập; nhân diệt nên khổ diệt; cắt đứt các nẻo, diệt hẳn tương tục.
Tương tục diệt[38], đây gọi là khổ biên. Này các Tỳ­kheo, cái gì diệt? Đó là khổ hữu dư. Cái ấy
nếu diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh, nghĩa là đã diệt hết tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tịnh,
Niết­bàn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 294. NGU SI HIỆT TUỆ[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
388
"Kẻ phàm phu ngu si không học bị vô minh che lấp, ái duyên ràng buộc, nên có được thức
thân[40] này. Bên trong thân có thức này, ngoài thân có danh sắc. Hai nhân duyên này sanh ra
xúc. Bị xúc chạm sáu xúc nhập[41] này, phàm phu ngu si không học cảm nghiệm các cảm thọ
khổ lạc, nhân đây khởi lên các thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý xúc nhập xứ.
"Người có trí thông bác, bị vô minh che mờ, ái duyên ràng buộc nên có được thức thân này. Như
vậy, bên trong có thức thân, ngoài có danh sắc. Hai duyên này sanh ra sáu xúc nhập xứ. Bị xúc
chạm bởi sáu xúc, người trí cảm nghiệm các cảm thọ khổ và lạc, nhân đây khởi lên những thứ sai
biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.
"Người ngu tối và người trí tuệ, hai hạng người này ở nơi Ta tu các phạm hạnh, có cái gì sai khác
không?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, cúi
xin diễn nói, các Tỳ­kheo nghe xong, sẽ lãnh thọ và thực hành."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, đối với kẻ phàm phu ngu si không học vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng
buộc, nên có được thức thân này. Vô minh chẳng dứt, ái duyên chẳng hết, nên sau khi chết rồi lại
tái sanh. Vì trở lại thọ thân nên không được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu si vốn chẳng tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ,
tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết trở lại tái sanh. Bởi thọ thân trở lại nên không
giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não.
"Người trí tuệ vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Kia vô
minh dứt trừ, ái duyên hết sạch. Do vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch, nên sau khi chết không
còn tái sanh nữa. Vì chẳng thọ sanh trở lại nên giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ,
não. Vì sao? Vì người này trước đây đã tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận
cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết không tái sanh trở lại. Bởi không thọ thân nên giải
thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đó là chỗ sai khác giữa phàm phu và người trí
tuệ khi ở nơi Ta tu các phạm hạnh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 295. PHI NHỮ SỞ HỮU[42]
Tôi nghe như vầy:
389
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, nơi thành Vương xá Bấy giờ Đức Phật bảo các
Tỳ­kheo:
"Thân này chẳng phải sở hữu của các ông, chẳng phải là sở hữu của người khác. Nghĩa là sáu
xúc nhập xứ, vốn do ước nguyện mà tu hành trước kia[43] nên thọ được thân này. Những gì là
sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên
khởi mà khéo tư duy, quán sát chân chánh là có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu
tưởng thân, sáu tư thân này. Nghĩa là vì cái này có nên sẽ có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ,
não trong tương lai và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Đó gọi là có nhân có duyên để tập
khởi thế gian. Trái lại, nếu cái này không, thì sáu thức thân không; sáu xúc thân, sáu thọ thân,
sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng không. Nghĩa là vì cái này không, nên không có sanh, già, bệnh,
chết, ưu, bi, khổ, não trong tương lai, thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng diệt.
"Đa văn Thánh đệ tử, nếu đối với sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận của thế gian, mà chánh trí
như thật, khéo léo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập, thì đó gọi là Thánh đệ tử chiêu cảm được
pháp lành này, đạt được pháp lành này, biết pháp lành này, nhập pháp lành này; giác ngộ biết,
giác ngộ thấy được sự sanh diệt của thế gian; thành tựu được sự xuất ly của Hiền thánh, dứt sạch
khổ và đến nơi tận cùng của mé khổ một cách chân chánh. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử đã biết
như thật về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận của thế gian, nên khéo thấy, khéo tỉnh giác,
khéo thể nhập."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 296. NHÂN DUYÊN[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói pháp nhân duyên và pháp duyên sanh.
"Thế nào là pháp nhân duyên[45]? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành,
duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Thế nào là pháp duyên sanh[46]? Là vô minh, hành,... dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện
ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới[47]. Pháp này Như Lai đã tự giác tri,
thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: Duyên vô minh có hành, cho
đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
"Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp
giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển
bày rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
"Các pháp này, pháp trụ, pháp không[48], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng
khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp
390
duyên sanh[49]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó gọi là pháp duyên sanh.
"Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ
như thật, không truy tìm về đời trước[50] mà nói rằng: 'Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay
không có? Tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào[51]?' Không truy tìm
tương lai mà nói rằng: 'Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay không có? Tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?'
Bên trong chẳng do dự[52]: 'Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái
gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây mất rồi sẽ đi về đâu[53]?'
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào khởi các kết sử kiến[54] phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến,
kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu[55]. Khi
tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa­la, ở đời
vị lai thành pháp bất sanh. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên
sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 297. ĐẠI KHÔNG PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[56], Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng sau cùng đều thiện; thiện nghĩa,
thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch; đó gọi là kinh Đại không pháp. Các Tỳ­
kheo hãy lắng nghe, khéo tư duy. Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là kinh Đại không pháp? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là
duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,... cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.
"Vì duyên sanh nên có già chết. Nếu có người hỏi: 'Ai già chết, già chết thuộc về ai?' Người ấy
sẽ đáp: 'Ngã chính là già chết, nay già chết thuộc về ngã, già chết là ngã.' Điều được nói rằng:
'Mệnh tức là thân,' hoặc nói 'Mệnh khác, thân khác,' thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có
nhiều loại. Nếu thấy rằng 'Mệnh tức là thân', với người tu phạm hạnh, điều này không có. Hoặc
lại thấy rằng 'Mệnh khác, thân khác', với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với
hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung đạo. Hiền thánh xuất thế
chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là duyên sanh nên có già chết...
"Cũng vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, damh sắc, thức, hành; do duyên vô minh nên
có hành. Nếu lại hỏi: 'Cái gì là hành, hành thuộc về ai?' Người này sẽ đáp: 'Hành là ngã, hành là
của ngã.' Điều được nói rằng: 'Mệnh tức là thân,' hoặc nói 'Mệnh khác, thân khác,' thì đây chỉ
có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu thấy rằng 'Mệnh tức là thân', với người tu phạm
hạnh, điều này không có. Hoặc lại thấy rằng 'Mệnh khác, thân khác', với người tu phạm hạnh,
điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng
Trung đạo. Hiền thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là vô minh duyên
391
hành. Nếu các Tỳ­kheo, ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai già chết, già chết
thuộc về ai? Khi già chết đã dứt trừ, thì biết là đã dứt hẳn cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đala, đời vị lai không thể tái sanh.
"Nếu Tỳ­kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai sanh, sự sanh thuộc về ai,
cho đến ai hành, hành thuộc về ai? Khi hành đã chắc chắn dứt trừ, thì biết là đã dứt cội gốc của
nó, như chặt ngọn cây đa­la, đời sau không thể tái sanh.
"Nếu Tỳ­kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thời khi vô minh này diệt, hành cũng
diệt, cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn cũng bị diệt. Đó gọi là kinh Đại không pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 298. PHÁP THUYẾT NGHĨA THUYẾT[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ thuyết pháp, thuyết nghĩa[58] về pháp duyên khởi, các ông hãy lắng nghe, suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là thuyết pháp về pháp duyên khởi? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia
khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành... cho đến thuần một khối khổ lớn. Đó gọi là pháp
thuyết về pháp duyên khởi.
"Thế nào là thuyết nghĩa? Tức là, duyên vô minh nên có hành. Thế nào là vô minh? Nếu chẳng
biết tiền tế, chẳng biết hậu tế, chẳng biết cả tiền hậu tế; chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng
biết cả trong lẫn ngoài; chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo; chẳng biết
Phật, chẳng biết Pháp, chẳng biết Tăng; chẳng biết Khổ, chẳng biết Tập, chẳng biết Diệt, chẳng
biết Đạo; chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân; chẳng biết thiện, bất thiện, có tội,
không tội, tập, không tập; hoặc kém, hoặc hơn; nhiễm ô, hoặc thanh tịnh; phân biệt duyên khởi,
tất cả đều chẳng biết; đối với sáu xúc nhập xứ không giác tri như thật, đối với các pháp này
không thấy không biết, không hiện quán[59], bị si ám, không có minh, tối mù mịt, đó gọi là vô
minh.
"Duyên vô minh nên có hành. Thế nào là hành? Hành gồm có thân hành, miệng hành, ý hành.
"Duyên hành nên có thức. Thế nào là thức? Chỉ sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ
thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.
"Duyên thức có danh sắc; thế nào là danh? Chỉ bốn ấm vô sắc: thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức
ấm. Thế nào là sắc? Chỉ bốn đại, sắc do bốn đại tạo thành. Sắc này hợp cùng với danh đã nói ở
trên, gọi là danh sắc.
392
"Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ. Thế nào là sáu nhập xứ? Sáu nội nhập xứ; nhãn nhập xứ,
nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ.
"Duyên sáu nhập xứ nên có xúc. Thế nào là xúc? Chỉ sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân,
tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.
"Duyên xúc nên có thọ. Thế nào là thọ? Ba thọ: thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui.
"Duyên thọ nên có ái. Thế nào là ái? Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái.
"Duyên ái nên có thủ. Thế nào là thủ? Bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.
"Duyên vào thủ nên có hữu. Thế nào là hữu? Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
"Duyên hữu nên có sanh. Thế nào là sanh? Nếu mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại
thân kia[60], siêu việt, hòa hợp, xuất sanh[61], được ấm, được giới, được nhập xứ, được mệnh
căn. Đó gọi là sanh.
"Duyên sanh nên có già chết. Thế nào là già? Như tóc bạc đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay
chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm,
tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi. Đó gọi là già. Thế nào là chết?
Là mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại,
đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái ấm thân. Đó gọi là chết. Chết
này cùng già đã nói trước, gọi chung là già chết. Đó là thuyết nghĩa duyên khởi."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 299. DUYÊN KHỞI PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ có Tỳ­kheo đến chỗ Phật, cúi đầu
đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như
Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác
ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển
bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên
có hành, ... cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,...
cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
393
KINH 300. THA[62]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ có một Bà­la­môn đến chỗ Phật; cùng
Đức Thế Tôn đón chào vui vẻ. Sau khi vui vẻ chào hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, thế nào, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng[63]?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ta nói điều này không khẳng định. Tự mình làm và tự mình cảm thọ, điều này không được
khẳng định[64]."
Bà­la­môn hỏi:
"Bạch Cù­đàm, người khác làm và người khác cảm thọ chăng?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Người khác làm và người khác cảm thọ; điều này không khẳng định[65]."
Bà­la­môn bạch Phật:
"Tôi hỏi, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định. Tôi hỏi, người
khác làm và người khác cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định, nghĩa này như thế nào?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Nếu tự mình làm và tự mình cảm thọ thì sẽ rơi vào thường kiến. Nếu người khác làm và người
khác cảm thọ thì sẽ rơi vào đoạn kiến. Thuyết nghĩa, thuyết pháp là lìa hai bên này, Ta thuyết
pháp ở nơi Trung đạo. Tức là nói rằng: 'Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi,
duyên vô minh nên có hành... cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập. Nếu vô minh diệt thì hành
diệt, cho đến việc thuần một khối khổ lớn bị diệt.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 301. CA­CHIÊN­DIÊN[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nhà khách trong rừng sâu, xóm Na­lê[67]. Bấy giờ Tôn giả Tán­đà Ca­chiêndiên[68] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ, ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như Ngài nói 'Chánh kiến.' Vậy thế nào là chánh kiến? Bạch Thế Tôn, vì sao
Thế Tôn thi thiết chánh kiến?"
394
Phật bảo Tán­đà Ca­chiên­diên:
"Thế gian có hai sở y, hoặc có hoặc không[69], bị xúc chạm bởi thủ. Do bị xúc chạm bởi thủ nên
hoặc y có hoặc y không. Nếu không có chấp thủ này vốn là kết sử hệ lụy của tâm và cảnh[70];
nếu không thủ, không trụ, không còn chấp ngã, thì khi khổ sanh là sanh, khổ diệt là diệt, đối với
việc này không nghi, không hoặc, không do người khác mà tự biết; đó gọi là chánh kiến. Đó gọi
là chánh kiến do Như Lai thi thiết. Vì sao? Thế gian tập khởi, bằng chánh trí mà quán sát như
thật, thì thế gian này không phải là không[71]. Thế gian diệt, bằng chánh trí mà thấy như thật,
thế gian này không phải là có. Đó gọi là lìa hai bên, nói pháp theo Trung đạo. Nghĩa là, 'Cái này
có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là, duyên vô minh nên có hành,... cho đến,
thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành diệt,... cho đến, thuần một khối khổ lớn
diệt.'"
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán­đà Ca­chiên­diên nghe những gì Phật đã dạy, chẳng khởi
các lậu, tâm được giải thoát, thành A­la­hán.
KINH 302. A­CHI­LA[72]
Tôi nghe như vầy:
Khi Đức Phật ở núi Kỳ­xà­quật, thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y,
mang bát ra khỏi núi Kỳ­xà­quật, vào thành Vương xá khất thực. Bấy giờ, A­chi­la Ca­diếp[73]
có chút việc đi ra khỏi thành Vương xá, hướng về núi Kỳ­xà­quật, từ xa trông thấy Đức Phật,
vọâi vàng đi đến, bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho không?"
Phật bảo Ca­diếp:
"Nay không phải là lúc để bàn luận. Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho
ông nghe."
Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.
Ca­diếp lại bạch lần thứ ba.
"Bạch Cù­đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này?[74] Nay tôi có điều muốn hỏi,
xin Ngài giải đáp cho[75]."
Phật bảo A­chi­la Ca­diếp:
"Vậy thì tùy ý ông hỏi."
A­chi­la Ca­diếp bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, thế nào, khổ, lạc có phải do tự tác không?"
395
Phật đáp:
"Nói khổ, lạc do tự tác, điều này Ta không khẳng định."
Ca­diếp lại hỏi:
"Bạch Cù­đàm, thế nào khổ, lạc là do người khác làm ra chăng?"
Phật bảo Ca­diếp:
"Nói khổ do ngưới khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định."
Ca­diếp lại hỏi:
"Khổ, lạc do tự mình và người khác làm ra chăng?"
Phật bảo Ca­diếp:
"Nói khổ do tự mình và người khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định."
Ca­diếp lại hỏi:
"Bạch Cù­đàm, thế nào, khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác chăng?"
Phật bảo Ca­diếp:
"Khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác, điều này Ta cũng không khẳng định."
Ca­diếp hỏi:
"Bạch Cù­đàm, thế nào, tôi hỏi khổ tự tác chăng? Ngài đáp không ký thuyết. Tôi hỏi khổ tha tác,
tự tha tác chăng? Chẳng phải tự, tha, vô nhân tác chăng? Ngài cũng đáp là không ký thuyết. Vậy,
nay không có cái khổ này chăng?"
Phật bảo Ca­diếp:
"Chẳng phải không có cái khổ này, mà thật có cái khổ này."
Ca­diếp bạch Phật:
"Lành thay, bạch Cù­đàm! Ngài nói có cái khổ này. Vậy xin vì tôi thuyết pháp khiến cho tôi biết
khổ, thấy khổ."
Phật bảo Ca­diếp:
396
"Nếu thọ tức là tự cảm thọ[76], thì Ta mới có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu người khác thọ
người khác tức là thọ giả[77], thì Ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vừa tự thọ vừa cái khác
cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vừa do người khác làm, nhưng Ta cũng chẳng nói
như vậy. Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sanh ra khổ, Ta cũng chẳng nói như vậy.
Như Lai thuyết pháp lìa hai bên này mà nói Trung đạo; tức là 'Cái này có nên cái kia có, cái này
khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,... cho đến thuần một khối khổ lớn.
Nếu vô minh diệt thì hành diệt,... cho đến thuần một khối khổ lớn bị diệt."
Phật nói kinh này xong, A­chi­la Ca­diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, Achi­la Ca­diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do
người khác mà biết, chẳng do người khác độ thoát, đối với Chánh pháp luật, tâm được không sợ
hãi.
Ca­diếp chắp tay bạch Phật:
"Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y
Tăng, suốt đời làm Ưu­bà­tắc, xin Ngài chứng tri cho con."
A­chi­la Ca­diếp nghe Phật dạy xong, vui mừng, hài lòng làm lễ mà đi.
A­chi­la Ca­diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, thì bị một con nghé đực húc chết. Lúc mạng
chung, các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.
Bấy giờ, Thế Tôn vào thành khất thực. Lúc ấy cũng có nhiều Tỳ­kheo vào thành Vương xá khất
thực, nghe đồn A­chi­la Ca­diếp được nghe pháp từ Thế Tôn; sau khi từ giã Phật chẳng bao lâu
bị một con nghé đực húc chết, khi mạng chung các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Các Tỳ­
kheo khất thực xong trở về, thu cất y bát, rửa chân, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi
ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ­kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A­chi­la Cadiếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn một con nghé đực húc chết. Lúc
từ trần các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Bạch Thế Tôn, A­chi­la Ca­diếp sanh vào loài nào,
thọ sanh nơi đâu và có sở đắc gì?"
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp[78], không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bátniết­bàn. Các ông nên đến cúng dường thân A­chi­la Ca­diếp."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thọ ký A­chi­la Ca­diếp bậc nhất.
KINH 303. ĐIẾM­MÂU­LƯU[79]
Tôi nghe như vầy:
397
Một thời, Phật ở núi Kỳ­xà­quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn
đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, dọc đường gặp tu sĩ ngoại đạo tên là Điếm­mâulưu[80], có chút việc đi đến núi Kỳ­xà­quật, từ xa trông thấy liền đi đến chỗ Thế Tôn; hai bên
chào đón ân cần xong, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, tôi có vài điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho chăng?"
"Nay không phải là lúc để bàn luận; Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho
ông nghe."
Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.
Điếm­mâu­lưu lại bạch lần thứ ba.
"Bạch Cù­đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này? Nay tôi có điều muốn hỏi, xin
Ngài giải đáp cho."
Phật bảo Điếm­mâu­lưu:
"Vậy thì tùy ý ông hỏi."
Xuất gia ngoại đạo Điếm­mâu­lưu liền hỏi Sa­môn Cù­đàm:
"Bạch Ngài, khổ, lạc do tự tạo chăng?"
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm­mâu­lưu:
"Bảo khổ, lạc do tự tạo, điều này Ta không ký thuyết."
Lại hỏi Sa­môn Cù­đàm:
"Khổ, lạc có phải do người khác tạo chăng?"
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm­mâu­lưu:
"Nói khổ, lạc do người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết."
Lại hỏi Sa­môn Cù­đàm:
"Khổ, lạc tự người khác tạo chăng?"
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm­mâu­lưu:
"Nói khổ, lạc do tự người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết."
Lại hỏi Cù­đàm:
398
"Khổ, lạc chẳng phải do tự, chẳng phải do người khác, vô nhân tác chăng?
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm­mâu­lưu:
"Nói rằng khổ, lạc chẳng phải tự, chẳng phải người khác, vô nhân tạo, điều này Ta không ký
thuyết."
Phật dạy đầy đủ như kinh A­chi­la Ca­diếp ở trên, cho đến Thế Tôn thọ ký cho xuất gia ngoại
đạo Điếm­mâu­lưu đầu tiên.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Nguyên Đại Chánh quyển 12. Ấn Thuận xếp lại, đưa xuống quyển 13, Tương ưng nhập xứ
sẽ tiếp tục từ kinh 304, tụng iii Tạp nhân tụng. Quốc Dịch, cũng quyển 13, bắt đầu tụng iii. Nhân
duyên tụng. Tương đương Pāli, S. ii. Nidāna­vaggo. Tương ưng Nhân duyên, Ấn Thuận, Quốc
Dịch đồng, gồm các kinh, Đại Chánh: 283­303, 343­378. Tương đương Pāli, S. 12. Nidānasaṃyutta. Trồng cây, Phật Quang, kinh 321. Pāli, S. 12. 57. Taruṇa.
[2]. Pāli: saṃyujaniysu dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati. Sống với sự tìm
kiếm vị ngọt trong các pháp bị kết buộc, thì khát ái tăng trưởng.
[3]. Cây lớn. Pāli, S. 12. 55­56. Mahārukkha.
[4]. Pāli, upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati;
taṇhāpaccayā upādānaṃ, sống tìm kiếm vị ngọt trong các pháp bị chấp thủ thì ái tăng trưởng.
Duyên ái có thủ.
[5]. Pāli, S. 12. 10 Gotama.
[6]. Pāli: kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno, quả thật, thế gian này đang rơi vào khổ nạn.
[7]. Thượng cập sở y 上及所依; không rõ nghĩa. Pāli: atha ca panimassa dukkhassa nissaraṇaṃ
nappajānāti jarāmaṇassa, nhưng lại không biết sự thoát ly của khổ già và chết này. Trong bản
Hán, nissaraṇana (thoát ly), được đọc là nissaya, sở y.
[8]. Pāli: yoniso manasikārā ahu paññāya abhisamayo, bằng như lý tác ý, bằng trí tuệ, ta có
hiện quán (chứng nghiệm thực tế).
[9]. Pāli, S. 12. 52. Upādāna.
[10]. Pāli, S. 12. 65. Nagaraṃ.
[11]. Xem cht.8 kinh 285.
399
[12]. Pāli: paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā na paraṃ gacchati, rồi thức này
quay trở lại; nó không đi quá danh sắc.
[13]. Pāli: adhigato mayhaṃ maggo bodhāya, Ta đã đến con đường dẫn đến giác ngộ.
[14]. Lau sậy. Pāli, S. 12. 67. Naḷakalāpiya.
[15]. Nghĩa biện 義辯, hay nghĩa biện tài, một trong bốn biện tài hay vô ngại giải (Pāli:
paṭisambhidā).
[16]. Không nghe, chỉ phàm ngu không được nghe chánh pháp. Pāli, S. 12. 61. Assutavā.
[17]. Nguyên Hán: vô văn 無聞. Pāli: assutavā.
[18]. Tức ở nơi tâm, ý, thức.
[19]. Pāii: etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā ti, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự
ngã của tôi (là cái tôi của tôi: Hán dịch, tương tại?).
[20]. Pāli, S. 12. 62. Assutavā.
[21]. Pāli. S. 12. 66. Sammasaṃ.
[22]. Nội xúc pháp 內觸法, sự tiếp xúc bằng nội tâm. Pāli: sammasatha no tumhe bhikkhave
antaraṃ sammasanti, các ông có nắm bắt sự tiếp xúc của tâm ý chăng?
[23]. Thủ ?, lấy hay nhận lấy, ở đây hiểu là tư duy, nghiệm xét. Pāli: sammasati, tiếp xúc bằng
tâm ý, phán xét. Danh từ phát xuất: sammasa, Hán dịch là nội xúc.
[24]. Trong bản: xúc 觸, Theo văn đoạn dưới, nên sửa lại là chuyển 轉 . Xem chú thích 27 ở
dưới. Có lẽ chính xác là duyên ? , trong bốn hành tướng của tập đế, theo Hữu bộ (nhân, tập, sanh
duyên). Pāli: idaṃ kho dukkhaṃ kiṃnidānaṃ kiṃsamaudayaṃ kiṃ jātikaṃ kiṃ pabhavaṃ, khổ
này, cái gì là nguyên do (nhân duyên), cái gì là tập khởi, cái già là sanh, cái gì là hiện khởi.
[25]. Ức­ba­đề nhân 億波提因. Pāli: upadhi­nidānaṃ. Nghĩa gốc của upadhi là cơ bàn hay cơ
sở; theo nghĩa kinh, là sở y của tồn tại. Hán dịch: y, vật, sự, uẩn, tư, tham ái, phiền não.
[26]. Nhân, tập, sanh, chuyển 因集生轉. Pāli: nidānaṃ, sanudayaṃ, jātikaṃ, pabhavaṃ.
[27]. Trong bản: xúc 觸. Theo trên, sửa lại là chuyển. Pāli: taṇhānidānaṃ taṇsamudayaṃ
taṇhājātikaṃ taṇhāpabhavaṃ.
[28]. Trong bản: đế chánh chi sắc 諦正之色, Ấn Thuận sửa lại là đoan chánh chi sắc
端[06]政之色
400
[29]. Hán: ái sanh nhi sanh, hệ nhi hệ, trú nhi trú 於彼愛生而生. 繫而繫. 住而住.
. Pāli: etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati ettha nivisamānā nivasati.
[30]. Pāli, S. 12. 51. Parivīmaṃsana.
[31]. Xem cth.24 kinh 291 trên.
[32]. Hán: hướng thứ pháp 向次法. Pāli: tahā paṭipanno ca hoti anudhamamma­carī, thực hành
như vậy là người tùy pháp hành (tùy thuận pháp).
[33]. Có ba loại hành: phước hành và phi phước hành (thiện và bất thiện Dục giới) và bất động
hành (thiện thượng giới). Xem Trường A­hàm 7 (kinh Chúng tập); Pāli, D. 33. Saṅgīti, tayo
saṅkhārā: puññābhisaṃkhāro, apuññābhisaṃkhāro, āneñjābhisaṃkhāro.
[34]. Vô sở hữu hành 無所有行, tức bất động hành, thiện do tu tập thiền định. Pāli:
āneñjābhisaṃkhāra.
[35]. Pāli: so avijjāvirāgā vijuppādā, vị ấy, do ly nhiễm đối với vô minh và minh phát sanh...
[36]. Nghĩa là, có còn tạo các nghiệp thiện, bất thiện và phước báo do thiền định để tái sanh hay
không?
[37]. Pāli: kāyapariyantikam vedanaṃ vedayamāno.
[38]. Trong bản, in dư một chữ diệt 滅.
[39]. Pāli, S. 12. 19. Bālena paṇḍito.
[40]. Thức thân, chỉ thân có thức. Pāli: taṇhāya samyuttassa evamayaṃ kāyo samudāgato, do bị
hệ phược bởi ái, thân này sanh khởi.
[41]. Xúc nhập, tức xúc nhập xứ, hay xúc xứ. Pāli: phassa­āyatana.
[42]. Không phải của ngươi. Pāli, S. 12. 37. Natumha.
[43]. Pāli: purāṇaṃ kammaṃ, nghiệp đời trước.
[44]. Pāli, S. 12. 20. Paccaya.
[45]. Nhân duyên pháp, hay lý duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppāda.
[46]. Duyên sanh pháp, hay duyên dĩ sanh. Pāli: paṭiccasamuppanna dhamma, pháp đã sanh bởi
duyên.
401
[47]. Pāli: uppādā vā tathāgatānaṃ anuppādā vā tathāgatānaṃ, ṭhitā va sā dhātu dhammaṭṭhitatā
dhammaniyāmatā idappaccayatā, các Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, giới này (đạo lý
này) vốn thường trú; đó là tánh an trụ của pháp (pháp trụ tánh), tính quyết định của pháp (pháp vị
tánh) và tánh y duyên (tương y tương duyên).
[48]. Pháp trụ, pháp không 法住,法空, trong bản Pāli: dhammāṭṭhitatā (pháp trụ tánh),
dhammaniyāma (pháp vị tánh, pháp định tánh).
[49]. Pāli: katame ca, bhikkhave, paṭiccasamuppannā dhammā? jarāmaraṇaṃ, bhikkhave,
aniccaṃ saṃkhataṃ paṭiccasamuppannaṃ khayadhammṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ
nirodhadhammaṃ, các pháp duyên sanh (duyên sanh pháp) là gì? Già chết là vô thường, hữu vi,
do duyên mà khởi, chịu quy luật đào thải, tiêu vong, ly tham, diệt tận.
[50]. Hán: tiền tế 前際, Pāli: pubbantaṃ
[51]. Pāli: ahosiṃ nu kho ahaṃ atītamaddhānaṃ, nanu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ nu
kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kathaṃ nu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ hutvā kiṃ ahosi nu
kho ahaṃ aittāmaddhānaṃ: Quá khứ tôi hiện hữu hay không hiện hữu? Quá khứ tôi là gì, tôi là
thế nào? Quá khứ, do hiện hữu cái gì mà tôi hiện hữu?
[52]. Pāli: etarahi paccuppannaṃ addhānaṃ ajjhattaṃ kathaṃkathī bhavissati, hoặc ở đây trong
đời hiện tại mà bên trong có nghi hoặc.
[53]. Pāli: ahaṃ nu kho'smi, no nu kho' smi, kiṃ nu kho'smi, kathaṃ nu kho'smi, ayaṃ nu hko
sattā kuto āgato, so kuhiṃ gamissatī'ti, ta đang hiện hữu, hay không đang hiện hữu? Ta đang là
cái gì? Ta đang là thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Rồi nó sẽ đi đâu?
[54]. Hán: kiến sở hệ 見所繫. Pāli: diṭṭhi­saṃyojana.
[55]. Nguyên Hán:kỵ húy cát khánh kiến sở hệ 忌諱吉慶見所繫.
[56]. Điều ngưu tụ lạc 調牛聚落, chỗ khác dịch là Bác ngưu 博牛, Mục ngưu 牧牛
[57]. Pāli, S. 12. 1. Desanā; 2. Vibhaṅga.
[58]. Hán: nghĩa thuyết 義說. Pāli: vibhajjssāmi, Ta sẽ phân tích (phân biệt).
[59]. Nguyên Hán: vô vô gián đẳng 無無間等.
[60]. Bỉ bỉ thân chủng loại sanh 彼彼身種類一生. Pāli: taṃhi taṃhi sattanikaye jāti, sự sanh nơi
từng bộ loại của chúng sanh kia.
[61]. Pāli: sañjāti okkanti nibbatti abhinibbatti, xuất sanh, nhập thai, sản sanh, chuyển sanh.
[62]. Pāli, S. 12. 46. Aññataraṃ (Người khác).
402
[63]. Pāli: so karoti so paṭisaṃvedayati, tự tác tự thọ.
[64]. Vô ký 無記 . Pāli: ayaṃ eko anto, đây là một cực đoan.
[65]. Pāli: ayaṃ dutiyo anto, đây là cực đoan thứ hai.
[66]. Pāli, S. 12. 15. Kaccāyanagotta.
[67]. Na­lê tụ lạc thâm lâm trung đãi khách xá 那梨聚落深林中待賓舍; địa danh kinh 926: Nalê tụ lạc Thâm cốc tinh xá; kinh 1037: Na­lê tụ lạc Khúc cốc tinh xá. Pāli: Nadika
Giñjakāvasatha.
[68]. Tán­đà Ca­chiên­diên [跳­兆+散]陀迦旃延.
[69]. Pāli: dvayanissito... atthitañ ceva natthitañca, hai sở y... tồn tại và không tồn tại.
[70]. Tâm cảnh hệ trước sử 心境繫著使. Pāli: cetaso adhiṭṭhānaṃ abhinivesānysayaṃ, (vốn là)
tùy miên tham đắm nắm giữ chặt tâm.
[71]. Pāli: lokasamudayaṃ kho, kaccāna, yathābhūtaṃ sampaññāya passato yā loke natthitā sā
na hoti, bằng chánh trí mà quán sát như thật sự tập khởi của thế gian, thì thế gian không phải
không tồn tại. Hán dịch: Nhược thế gian vô giả bất hữu 若世間無者不有, tức Pāli: yā loke
natthitā sā na hoti, trong thế gian này không tồn tại cái không (nghĩa là: thế gian này có).
[72]. Pāli, S. 12. 17. Acela.
[73]. A­chi­la Ca­diếp 阿支羅迦葉 . Pāli Acela­Kassapa, Ca­diếp lõa thể.
[74]. Ý nói: đối xử không giống với người khác.
[75]. Bản Pāli: na kho... bahudeva pucchitukāmā ti, tôi không muốn hỏi nhiều đâu.
[76]. Thọ tức tự thọ giả 受即自受 者 . Pāli: sā vedanā so vedayatī 'ti (S. 12. 18), thọ tự nó cảm
thọ.
[77]. Pāli: aññā vedanā añño vedayatī ti(S. 12. 18), thọ là cái khác, cảm thọ là cái khác (thọ và
hành vi cảm thọ là hai cái khác nhau).
[78]. Pháp thứ pháp 法, 次法, tức pháp và tùy pháp. Pāli: dhammānudhamma.
[79]. Pāli, S. 12. 18. Timbaruka.
[80]. Điếm­mâu­lưu 玷牟留. Pāli: Timbaruka.
403
TẠP A-HÀM QUYỂN 13
KINH 304. LỤC LỤC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[2], Câu­lưu­sấu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hôm nay, Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện
nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Có sáu
pháp sáu[3]. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc
thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.
"Sáu nội nhập xứ[4] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ,
thân nhập xứ, ý nhập xứ.
"Sáu ngoại nhập xứ[5] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập
xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ. Sáu thức thân[6] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức
thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân[7] là những gì? Đó
là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân. Sáu thọ thân[8] là những gì? Đó là,
nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc
sanh thọ. Sáu ái thân[9] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp
xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.
"Nếu có người nói rằng 'mắt là ta'[10], điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu
mắt là ta thì ta này phải chịu sanh tử[11]. Cho nên nói mắt là ta, điều này chẳng đúng. Cũng vậy,
hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ta, thì điều
này cũng chẳng đúng. Vì sao? Vì thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu thọ do
mắt tiếp xúc sanh ra là ta, thì ta này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sanh ra là ta,
thì điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta. Cũng vậy, thọ do
nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải ta. Vì sao? Vì thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là
pháp sanh diệt; nếu là ta thì ta này phải chịu sanh tử, cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sanh ra là ta,
thì điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta.
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi
mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết­bàn. Thế nào là
thấy biết như thật về cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết­bàn?"
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, mắt chẳng phải ta. Nếu sắc, nhãn thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với
cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc[12]; kia cũng quán sát là chẳng phải
ta. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật về sự tác thành do
mắt, cho đến chánh hướng Niết­bàn. Đó gọi là kinh nói về Sáu pháp sáu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
404
KINH 305. LỤC NHẬP XỨ[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[14], Câu­lưu­sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hôm nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện,
thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là kinh Sáu phân biệt sáu
nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật;
sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn
xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm
nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn
xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến
tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng[15]; và tham ái hữu đương lai[16] câu hữu với
hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc[17], thân tâm thiêu đốt, thân tâm
hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ. Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên
sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối
khổ lớn.
"Này các Tỳ­kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ
với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật; vì thấy rồi,
nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý... pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý
không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ
lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp[18], không
ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu
tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc,
tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không
hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh,
già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn
cũng bị diệt.
"Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện,
chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh
đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ
rồi, thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực,
bảy Bồ­đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ;
pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ
chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập[19].
405
"Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải
dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát.
Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chánh quán.
"Nếu Tỳ­kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết,
nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên
biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; thì đó gọi là Tỳ­kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng
đắc vô gián đẳng[20], đạt đến cứu cánh của mé khổ.
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 306. NHÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo một
mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: "Tỳ­kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để
được thấy pháp?" Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: 'Tỳ­kheo nên
biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?'"
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo kia:
"Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên[21] cho đến)... những thứ
chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh
ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là
con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na­la, ma­nậuxà, ma­na­bà, sĩ phu[22], phước­già­la, kỳ­bà, thiền­đầu[23].
"Lại nói như vầy: 'Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi
chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.' Kia giả lập rồi nói như vầy: 'Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh
như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy,
thọ mạng như vậy.' Này Tỳ­kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết[24]; tất cả các pháp này
đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do
suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ
diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không
còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát
sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt
tận, Niết­bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,... thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra
406
xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con
người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết­bàn.
"Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư;
bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết
đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết­bàn.
"Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển,
đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ­kheo biết như vậy, thấy như vậy,
thì đó là thấy pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 307. KIẾN PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo ở một
mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: "Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi
là thấy pháp?" Suy nghĩ xong, từ nơi thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân
Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: 'Tỳ­kheo
biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?' Hôm nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải
thích cho."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh
ra nhãn thức... Nói đầy đủ như trên."
Tỳ­kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:
"Mắt, sắc, hai thứ duyên,
Sanh tâm và tâm pháp,
Thức, xúc cùng câu sanh,
Thọ, tưởng... đều có nhân.
Chẳng ngã, chẳng của ngã,
Chẳng phải phước­già­la,
Chẳng phải ma­nậu­xà,
407
Cũng chẳng ma­na­bà.
Đây là pháp sanh diệt,
Khổ ấm, pháp biến dịch,
Nơi pháp này giả tưởng,
Giả lập là chúng sanh.
Na­la, ma­nậu­xà,
Cùng với ma­na­bà,
Cũng còn nhiều tưởng khác,
Đều từ khổ ấm sanh.
Các nghiệp ái vô minh,
Ấm tích lũy đời khác.
Sa­môn các đạo khác,
Nói về hai pháp khác.
Nếu họ nói như vậy,
Nghe rồi càng nghi hoặc.
Tham ái dứt không còn,
Vô minh lặng, diệt hẳn,
Ái sạch, các khổ dứt,
Vô thượng, Phật nói rõ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 308. BẤT NHIỄM TRƯỚC
Tôi nghe như vầy:
408
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô
thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh,
mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi,
hoặc diệt mất, thì trời, người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của
sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật.
Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc
này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi,
sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết
như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt
tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa
hợp sanh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không
vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ
này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh. Ách ngại bị
diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết­bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và...
pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc
vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt
của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi,
pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn,
Niết­bàn."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
"Nơi sắc, thanh, hương, vị,
Xúc, pháp, sáu cảnh giới,
Một hướng sanh vui thích,
Ái nhiễm, vui đắm sâu.
Chư Thiên và Người thế,
Chỉ vì cái vui này,
Khi biến đổi, diệt mất,
Họ sanh ra khổ đau.
Chỉ có bậc Hiền thánh,
Thấy chúng diệt, an vui,
Cái vui của thế gian,
409
Quán sát đều là oán.
Hiền thánh thấy là khổ,
Thế gian cho là vui,
Cái khổ của thế gian,
Đối với Thánh là vui.
Pháp sâu xa khó hiểu,
Thế gian sanh nghi hoặc,
Chìm đắm trong tối tăm,
Mờ mịt chẳng thấy gì.
Chỉ có người trí tuệ,
Mở bày sự sáng tỏ,
Lời sâu xa như vậy,
Phi Thánh nào ai biết?
Không lại thọ thân sau,
Đạt xa lẽ chân thật.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 309. LỘC NỮU (1)[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết­già[26] tại nước Chiêm­bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu[27],
đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như Đức Thế Tôn đã dạy, "Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn
độc một mình[28]." Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?"
Phật bảo Lộc Nữu:
"Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này."
410
Phật bảo Lộc Nữu:
"Nếu sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục[29]. Nếu
Tỳ­kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan
hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà
bị ách ngại[30]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với
người thứ hai [31]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào giống như vậy, thì dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ,
cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Vì hỷ ái không đoạn, không diệt. Ái dục không được
đoạn trừ, không được biến tri, chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.
"Nếu có Tỳ­kheo nào đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng,
Tỳ­kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán
thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ. Do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm
sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan
hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; được gọi là sống đơn độc một
mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào giống như vậy, thì dù ở nơi lầu các, gác cao, cũng vẫn là
sống đơn độc một mình. Vì sao? Vì tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã
biến tri, chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình."
Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, đảnh lễ mà đi.
KINH 310. LỘC NỮU (2)[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết­già[33] tại nước Chiêm­bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi
đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ
vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa."
Phật bảo:
"Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói."
Phật bảo Lộc Nữu:
411
"Nếu có Tỳ­kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ­
kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do
hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng
dưỡng dục vọng, Tỳ­kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ
lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên
diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp lại cũng nói như vậy."
Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.
Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy,
sống không buông lung, cho đến đắc quả A­la­hán, tâm khéo giải thoát.
KINH 311. PHÚ­LAN­NA[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú­lanna đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần
tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ,
Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Nếu có Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ­
kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ;
do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị
ách ngại. Do đó cách xa Niết­bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Phú­lan­na, nếu Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng
dưỡng dục; Tỳ­kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc,
không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ,ï nên không hoan lạc;
không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận
Niết­bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú­lan­na muốn an trú chỗ nào?"
Tôn giả Phú­lan­na bạch Phật:
412
"Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân
gian đi về xứ Thâu­lô­na ở phương Tây[35]."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Người ở Thâu­lô­na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chưởi bới. Phú­lan­na, nếu
ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, thì ngươi sẽ như thế
nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu­lô­na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời
hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: 'Những người Thâu­lô­na ở phương Tây này
vẫn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họï ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục,
ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Người Thâu­lô­na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối
với ngươi, ngươi có thể tránh được. Nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ngươi
như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu­lô­na ở phương Tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi
nữa, thì con nghĩ rằng: 'Những người Thâu­lô­na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng tay
đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, thì sẽ như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: 'Những
người Thâu­lô­na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết
ta.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Giả sử những người này giết ngươi, thì sẽ như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu­lô­na phương Tây giết con, thì con nghĩ rằng: 'Các đệ tử
của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc
413
dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu­lô­na phương Tây này vẫn còn
tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải
thoát.'"
Phật bảo:
"Lành thay! Phú­lan­na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ngươi có thể đến ở lại Thâu­lô­na.
Ngươi nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niếtbàn khiến cho được Niết­bàn."
Bấy giờ, Tôn giả Phú­lan­na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi đi.
Sáng hôm sau Tôn giả Phú­lan­na đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Thọ thực xong, trở
ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu­lô­na phương Tây và an cư tại đó. Tôn
giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu­bà­tắc và kiến lập năm trăm Tăng­già­lam, cúng dường các
thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ. Trải qua ba tháng hạ, đầy đủ Tam minh, liền ở nơi ấy
nhập Vô dư Niết­bàn.
KINH 312. MA­LA­CA­CỮU[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Ma­la­cacữu[37] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ
vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: không còn tái sanh đời
sau nữa."
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma­la­ca­cữu:
"Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của Ta còn
không biếng nhác; huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với
pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt."
Ma­la­ca­cữu bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ
lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp
xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,... cho đến: tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa."
Ma­la­ca­cữu bạch như vậy ba lần.
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
414
"Hãy thôi đi!"
Ba lần nói như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma­la­ca­cữu:
"Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của Ta."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên
dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?"
Ma­la­ca­cữu đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng
nói như vậy."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Lành thay! Này Ma­la­ca­cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn[38]; cảm giác, do
cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn."
Và Phật nói bài kệ:
Nếu ngươi chẳng phải kia,
Kia cũng chẳng phải đây,
Cũng chẳng giữa hai bên,
Thì đây là mé khổ[39].
Ma­la­ca­cữu bạch Phật:
"Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?"
Ma­la­ca­cữu trình lên Phật bài kệ:
"Nếu mắt đã thấy sắc,
415
Mà mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng yêu nhớ.
Người giữ tướng yêu thích,
Tâm thường bị vướng mắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng sắc tập sanh.
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Khiến tâm mình sụt giảm,
Nuôi lớn thêm các khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết­bàn.
Thấy sắc chẳng chấp tướng,
Tâm mình theo chánh niệm,
Không nhiễm ái, ác tâm,
Cũng chẳng sanh hệ lụy.
Không khởi lên các ái,
Vô lượng sắc tập sinh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Chẳng thể hại tâm mình.
Ít nuôi lớn các khổ,
Lần lượt gần Niết­bàn.
Đấng Nhật Tôn đã nói,
Lìa ái, đạt Niết­bàn.
416
Nếu tai nghe các tiếng,
Tâm mất đi chánh niệm,
Cứ giữ tướng âm thanh,
Giữ chặt mà không xả.
Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,
Thân, xúc, ý nhớ pháp,
Quên mất đi chánh niệm,
Giữ tướng cũng như vậy;
Tâm mình sanh yêu thích,
Buộc đắm bám vững chắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Sụt giảm hại tâm mình,
Nuôi lớn các tụ khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết­bàn.
Chẳng nhiễm nơi các pháp,
Chánh trí, trụ chánh niệm,
Tâm mình chẳng nhiễm ô,
Lại cũng không thích đắm,
Chẳng khởi lên các ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham, sân, nhuế, hại, giác,
417
Chẳng lui giảm tâm mình,
Các khổ theo đó giảm,
Dần dần gần Niết­bàn.
Ái tận, Bát­niết­bàn,
Thế Tôn đã nói thế.
"Đó gọi là giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Vì như
ngươi đã nói kệ:
Nếu mắt thấy các sắc,
Quên mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng ái niệm.
Như trên, nói đầy đủ chi tiết.
Tôn giả Ma­la­ca­cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi.
Sau khi, Tôn giả Ma­la­ca­cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói
lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến
thành A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 313. KINH PHÁP[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có kinh pháp, mà các Tỳ­kheo sùng kính, hướng tới; tuy đối với kinh pháp, khác tín tâm, khác
sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả[41], nhưng có
thể bằng chánh trí mà nói rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
418
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế
Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ­kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành."
Đức Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, khi mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham đối với
sắc, vị ấy biết như thật rằng: 'Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng
hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.' Nếu Tỳ­kheo nào mắt đã thấy sắc
rồi, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: 'Ta trước kia
có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được
nhận thức bởi mắt.' Các ông nghĩ sao? Ở đây, người này có tín, có sở thích, có sở văn, có tư duy
sở hành, có kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?[42]"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, có như vậy[43]."
"Quy hướng trên pháp này, thì có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy
chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."
"Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp cũng nói như vậy."
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà các Tỳ­kheo sùng kính, hướng tới. Tuy đối với
kinh pháp này, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải
thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh
đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 314. ĐOẠN DỤC[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
419
"Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt
gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa­la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 315. NHÃN SANH[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết
xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng
diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể
nói: 'Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.'
Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể
muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói
như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 317. NHÃN KHỔ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể
muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên
420
phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó
phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 318. NHÃN PHI NGÃ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt
có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt
chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế
này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 319. NHẤT THIẾT[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, nói rằng 'tất cả', vậy thế nào là tất cả?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với
mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói
rằng: 'Đó không phải là tất cả, mà Sa­môn Cù­đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập
riêng tất cả khác,' thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ
tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy."
Bà­la­môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.
KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:
421
"Bạch Cù­đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?"
Phật bảo Bà­la­môn Sanh Văn:
"Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà­la­môn, ý ông thế nào, mắt là có
chăng?"
Đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Sắc là có chăng?"
Đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Này Bà­la­môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc,
hoặc không khổ không lạc chăng?"
Bà­la­môn Sanh Văn đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh
giới ấy."
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên
từ giã.
KINH 321. NHẤT THIẾT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?"
Phật bảo Bà­la­môn Sanh Văn:
"Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ,
hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc
làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả
pháp. Nếu có người lại nói: 'Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa­môn Cù­đàm nói là tất
422
cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,' thì người ấy chỉ nói trên ngôn
thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh
giới ấy."
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như ba kinh Bà­la­môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ­kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả
A­nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.
KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo đến chỗ
Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân
biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo này:
"Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy."
Lại bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế
nào ý là nội nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập
xứ."
Lại hỏi:
"Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ.
Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ."
Lại hỏi Phật:
423
"Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại
nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy."
Lại hỏi:
"Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại
nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là
xúc ngoại nhập xứ."
Lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể
thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
424
"Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị,
xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 325. LỤC THỨC THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức
thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 326. LỤC XÚC THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý
xúc thân. Đó là sáu xúc thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 327. LỤC THỌ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó
gọi là sáu thọ thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN
Tôi nghe như vầy:
425
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra
tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 329. LỤC TƯ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó
gọi là sáu tư thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 330. LỤC ÁI THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi
là sáu ái thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 331. LỤC CỐ NIỆM
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ
vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
426
KINH 332. LỤC PHÚ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu
giữ tâm che đậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như
vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm
tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.
Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ­kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa,
thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh
có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.
"Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược.
Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp
là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.
"Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là
hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.
427
"Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của
ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.
"Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là
hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy
đúng là hệ phược của vô minh.
"Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng?
là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư
duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo
tác nên gọi là nghiệp.
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái
là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó
gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện
vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe
và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ­kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến;
lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo
mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.
"Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh
duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại
nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt,
hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 336. LỤC HỶ HÀNH
Tôi nghe như vầy:
428
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ­kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy.
Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến
hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ­kheo gọi đó là sáu hỷ hành."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 337. LỤC ƯU HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu ưu hành[55]. Đó là, này các Tỳ­kheo, nếu mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó.
Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến
hành nơi pháp xứ này, các Tỳ­kheo gọi đó là sáu ưu hành."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 338. LỤC XẢ HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu xả hành[56]. Đó là, này các Tỳ­kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai
đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến
hành nơi pháp xứ này, thì đó gọi là sáu hành xả của Tỳ­kheo."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 339. LỤC THƯỜNG HÀNH (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành[57]. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không
khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị,
thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm,
chánh trí, thì đó gọi là sáu thường hành của Tỳ­kheo."
429
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 340. LỤC THƯỜNG HÀNH (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Tỳ­kheo thành tựu sáu thường hành này, là điều thế gian khó làm được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 341. LỤC THƯỜNG HÀNH (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Nếu Tỳ­kheo nào thành tựu sáu pháp thường hành này, là điều thế gian khó làm được, thì người
này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 342. LỤC THƯỜNG HÀNH (4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
430
"Nếu có Tỳ­kheo nào thành tựu được sáu pháp thường hành này, thì nên biết đó là Xá­lợi­phất
v.v... Tỳ­kheo Xá­lợi­phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh
niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với
pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Tỳ­kheo Xá­lợi­phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng
được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Kinh Sáu Sáu; Đại Chánh, quyển 13, kinh 304. Ấn Thuận xếp lại vào quyển 12. Quốc Dịch
quyển 11. Phẩm x, Tương ưng Lục nhập (tiếp theo kinh 282). Pāli, M.148. Chachakka­sutta.
[2]. Câu­lưu­sưu Điều ngưu tụ lạc 拘留搜調牛聚落, xem cht.38, kinh 245; cũng dịch là Điều
phục bác ngưu tụ lạc 調伏鉢牛聚落, kinh 247.
[3]. Lục lục pháp 六六法. Pāli: cha chakāni.
[4]. Nội nhập xứ 內入處. Pāli: ajjhatika āyatana.
[5]. Ngoại nhập xứ 外入處. Pāli: bāhira āyatana.
[6]. Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāya.
[7]. Xúc thân 觸身. Pāli: phassakāya.
[8]. Thọ thân 受身. Pāli: vedanakāya.
[9]. Ái thân 愛身. Pāli: taṇhakāya.
[10]. Pāli: cakkhu attā ti, mắt là tự ngã.
[11]. Pāli: attā me uppajjati ca veti cā ti, tự ngã của tôi sanh và diệt.
[12]. Pāli: cakkhuñca bhikkhave paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati samphassa;
samphassa­paccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, duyên
mắt và sắc, nhãn thức sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; do duyên xúc, cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi
lạc sanh.
[13]. Pāli, M. 149. Mahāsaḷāyatana­sutta.
[14]. Xem cht.2, kinh 304.
431
[15]. Pāli: tassa sārattassa samyuttassa samūḷhassa assādānupassino viharato āyatiṃ
pañcupādānakkhandhā upacayam gacchanti, vị ấy an trụ với quán sát vị ngọt, tham đắm, hệ
phược, mê muội; do vậy năm thủ uẩn tương lai được tích tập.
[16]. Đương lai hữu ái tham hỷ (...)當來有愛 (trong bản in nhầm thụ 受) 貪喜. Ấn Thuận thêm:
bỉ bỉ lạc trước彼彼樂著. Pāli: taṇhā cassa ponobbha vikā nandī­rāgasahagatā
tatratatrābhinandinī, khát ái hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú (sẽ sinh) chỗ này chỗ
kia.
[17]. Thân tâm bì ác 身心疲惡.Pāli: kāyikāpi darathā... cetasikāpi darathā pavaḍḍhanti, những
sự bất an của thân, của tâm đều tăng trưởng.
[18]. Xem lại đoạn trên: (...) không tương ưng.
[19]. Đối với bốn Thánh đế: Khổ nên biết, Tập nên đoạn, Diệt nên chứng, Đạo nên tu.
[20]. Nghĩa là thành tựu hiện quán Thánh đế, chứng đắc Tu­đà­hoàn.
[21]. Xem kinh 213.
[22]. Trong bản: sĩ kỳ 士其; đây sửa lại sĩ phu 士夫. Xem cht. dưới.
[23]. Các danh từ và ý niệm liên hệ tự ngã: na­la (Pāli: nara, con người, nói chung), ma­nậu­xà
(manussa, con người trong xã hội), ma­na­bà (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu (puggala, con người
nhân vị hay nhân xưng), phước­già­la (puggala, tức sĩ phu, hay con người), kỳ­bà (jīva, mạng,
sanh mạng hay linh hồn), thiền­đầu (jantu, sanh loại).
[24]. Hán: tưởng, chí, ngôn thuyết 想, 誌, 言說 , tức chỉ cho giả tưởng, giả tự xưng và giả ngôn
thuyết.
[25]. Lưới bắt nai. Tên người. Pāli, S. 35. 63. Migajāla.
[26]. Yết­già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.
[27]. Lộc Nữu Pāli: Migajāla.
[28]. Đệ nhị trú 鹿紐. Pāli: sadutiyavihārī, sống với người thứ hai. Nhất nhất trú 一一住. Pāli:
ekavihārī, sống một mình.
[29]. Pāli: kāmupasaṃhitā rajaniyā, (sắc bị) tham nhiễm liên kết với ái dục.
[30]. Ách ngại 阨礙 bị cái ách cùm cổ. Pāli: saṃyogo, sự kết buộc (buộc cổ hai con bò vào một
cái ách).
[31]. Tức người sống chung thứ hai.
432
[32]. Pāli, như kinh 309.
[33]. Yết­già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.
[34]. Pāli, M. 145. Puṇṇovāda­sutta.
[35]. Tây phương Thâu­lô­na 西方輸盧那. Pāli: Sunāparantaka; quê của Phú­lan­na.
[36]. Pāli, S. 35. 95. Saṅgayha.
[37]. Ma­la­ca­cữu 摩羅迦舅. Pāli: Mālukyaputta.
[38]. Kiến dĩ kiến vi lượng 見以見為量. Pāli: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sẽ chỉ thấy nơi cái
được thấy.
[39]. Pāli: tato tvaṃ, mākukyaputta, nevidha,nahuraṃ na ubhayam antarena. Esevanto
dhussā'ti, vì vậy, Māluhyaputta, ngươi đời này không có, đời sau không có, giữa hai đời không
có. Đây chính là chỗ tận cùng sự khổ.
[40]. Pāli, S. 35. 152. Atthinukhopariyāya.
[41]. Pāli: atthi nu kho, bhikkhave, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma bhikkhu aññtreva
saddhāya aññatra ruciyā, aññatra anussavā, aññatra ākāraparivitakkā aññatra
diṭṭhinijjhānakkhantiyā aññanaṃ vyākāreyya: khīṇā jāti..., có pháp môn nào, mà y trên pháp
môn đó, chứù không y nơi tín tâm, không y theo sở thích, không y nơi sự học hỏi, không y nơi
luận biện, y nơi sự đam mê suy lý huyền tưởng, mà Tỳ­kheo có thể tuyên bố: "sự sanh đã dứt".
[42]. Pāli: api nume bhikkhave dhammā saddhāa vā viditabbā, ruciyā vā veditabbā... No hetam
bhante, những pháp này có phải được do bởi có tín, do bởi có sở thích...? Bạch Thế Tôn, không.
[43]. Bản Pāli: trả lời "không phải".
[44]. Pāli, S. 27. 1. Cakkhu.
[45]. Pāli, S. 26. 1. Cakkhu.
[46]. Pāli, S. 35. 23. Sabba.
[47]. Pāli, như kinh trên; nhưng nội dung không hoàn toàn tương đồng. Hình như kinh này
riêng biệt của Hữu bộ, là cơ sở giáo lý về chủ trương "Nhất thiết hữu". Chú thích của Ấn Thuận.
[48]. Nhất thiết hữu 一切有.
[49]. Vô kiến, hữu đối 無見有對. Quan điểm về nội xứ của Hữu bộ. Xem Câu­xá luận 1 và 2.
433
[50]. Lục cố niệm 六顧念.
[51]. Lục phú 六覆.
[52]. Pāli, S. 35. 7­12. Anicca, v.v...
[53]. Tục số pháp 俗數法, tức pháp nói theo tục đế.
[54]. Lục hỷ hành 六喜行, Tập Dị Môn Túc Luận 15: sáu hỷ cận hành. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha
somanassūpavicārā: cakkhunā rūpaṃ dsvā somanassṭhāniyaṃ rūpaṃ upavicarati, sau khi nhận
thức sắc bằng con mắt vị ấy tư niệm (đi sát, tiếp cận) sắc tùy thuận với hỷ.
[55]. Lục ưu hành 六憂行, cũng nói là sáu ưu cận hành; sđd. như kinh trên.
[56]. Sáu xả hành 六捨行, hay sáu xả cận hành, xem sđd. như kinh 315 trên.
[57]. Sáu thường hành 六常行, cũng nói là sáu hằng trú; xem Tập Dị Môn Túc Luận 15. Pāli,
D. 33. Saṅgīti, cha satata­vihārā: bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā n'eva sumano hoti na dummano
upekkho viharati sato sampajāno, Tỳ­kheo khi thấy sắc bởi mắt mà không khoái ý cũng không
bất mãn nhưng an trụ xả với chánh niệm chánh trí.
434
TẠP A-HÀM QUYỂN 13
KINH 304. LỤC LỤC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[2], Câu­lưu­sấu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hôm nay, Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện
nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Có sáu
pháp sáu[3]. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc
thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.
"Sáu nội nhập xứ[4] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ,
thân nhập xứ, ý nhập xứ.
"Sáu ngoại nhập xứ[5] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập
xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ. Sáu thức thân[6] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức
thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân[7] là những gì? Đó
là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân. Sáu thọ thân[8] là những gì? Đó là,
nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc
sanh thọ. Sáu ái thân[9] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp
xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.
"Nếu có người nói rằng 'mắt là ta'[10], điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu
mắt là ta thì ta này phải chịu sanh tử[11]. Cho nên nói mắt là ta, điều này chẳng đúng. Cũng vậy,
hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ta, thì điều
này cũng chẳng đúng. Vì sao? Vì thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu thọ do
mắt tiếp xúc sanh ra là ta, thì ta này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sanh ra là ta,
thì điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta. Cũng vậy, thọ do
nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải ta. Vì sao? Vì thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là
pháp sanh diệt; nếu là ta thì ta này phải chịu sanh tử, cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sanh ra là ta,
thì điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta.
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi
mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết­bàn. Thế nào là
thấy biết như thật về cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết­bàn?"
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, mắt chẳng phải ta. Nếu sắc, nhãn thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với
cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc[12]; kia cũng quán sát là chẳng phải
ta. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật về sự tác thành do
mắt, cho đến chánh hướng Niết­bàn. Đó gọi là kinh nói về Sáu pháp sáu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
435
KINH 305. LỤC NHẬP XỨ[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[14], Câu­lưu­sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Hôm nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện,
thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là kinh Sáu phân biệt sáu
nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật;
sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn
xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm
nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn
xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến
tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng[15]; và tham ái hữu đương lai[16] câu hữu với
hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc[17], thân tâm thiêu đốt, thân tâm
hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ. Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên
sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối
khổ lớn.
"Này các Tỳ­kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ
với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật; vì thấy rồi,
nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý... pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên
trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý
không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ
lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp[18], không
ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu
tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc,
tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không
hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh,
già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn
cũng bị diệt.
"Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện,
chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh
đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ
rồi, thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực,
bảy Bồ­đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ;
pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ
chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập[19].
436
"Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải
dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát.
Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chánh quán.
"Nếu Tỳ­kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết,
nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên
biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; thì đó gọi là Tỳ­kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng
đắc vô gián đẳng[20], đạt đến cứu cánh của mé khổ.
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 306. NHÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo một
mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: "Tỳ­kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để
được thấy pháp?" Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: 'Tỳ­kheo nên
biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?'"
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ­kheo kia:
"Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên[21] cho đến)... những thứ
chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh
ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là
con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na­la, ma­nậuxà, ma­na­bà, sĩ phu[22], phước­già­la, kỳ­bà, thiền­đầu[23].
"Lại nói như vầy: 'Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi
chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.' Kia giả lập rồi nói như vầy: 'Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh
như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy,
thọ mạng như vậy.' Này Tỳ­kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết[24]; tất cả các pháp này
đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do
suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ
diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không
còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát
sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt
tận, Niết­bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,... thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra
437
xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con
người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết­bàn.
"Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư;
bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết
đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết­bàn.
"Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển,
đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ­kheo biết như vậy, thấy như vậy,
thì đó là thấy pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 307. KIẾN PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo ở một
mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: "Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi
là thấy pháp?" Suy nghĩ xong, từ nơi thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân
Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: 'Tỳ­kheo
biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?' Hôm nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải
thích cho."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh
ra nhãn thức... Nói đầy đủ như trên."
Tỳ­kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:
"Mắt, sắc, hai thứ duyên,
Sanh tâm và tâm pháp,
Thức, xúc cùng câu sanh,
Thọ, tưởng... đều có nhân.
Chẳng ngã, chẳng của ngã,
Chẳng phải phước­già­la,
438
Chẳng phải ma­nậu­xà,
Cũng chẳng ma­na­bà.
Đây là pháp sanh diệt,
Khổ ấm, pháp biến dịch,
Nơi pháp này giả tưởng,
Giả lập là chúng sanh.
Na­la, ma­nậu­xà,
Cùng với ma­na­bà,
Cũng còn nhiều tưởng khác,
Đều từ khổ ấm sanh.
Các nghiệp ái vô minh,
Ấm tích lũy đời khác.
Sa­môn các đạo khác,
Nói về hai pháp khác.
Nếu họ nói như vậy,
Nghe rồi càng nghi hoặc.
Tham ái dứt không còn,
Vô minh lặng, diệt hẳn,
Ái sạch, các khổ dứt,
Vô thượng, Phật nói rõ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 308. BẤT NHIỄM TRƯỚC
Tôi nghe như vầy:
439
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô
thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh,
mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi,
hoặc diệt mất, thì trời, người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của
sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật.
Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc
này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi,
sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết
như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt
tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa
hợp sanh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không
vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ
này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh. Ách ngại bị
diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết­bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và...
pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc
vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt
của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi,
pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn,
Niết­bàn."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
"Nơi sắc, thanh, hương, vị,
Xúc, pháp, sáu cảnh giới,
Một hướng sanh vui thích,
Ái nhiễm, vui đắm sâu.
Chư Thiên và Người thế,
Chỉ vì cái vui này,
Khi biến đổi, diệt mất,
Họ sanh ra khổ đau.
Chỉ có bậc Hiền thánh,
Thấy chúng diệt, an vui,
Cái vui của thế gian,
440
Quán sát đều là oán.
Hiền thánh thấy là khổ,
Thế gian cho là vui,
Cái khổ của thế gian,
Đối với Thánh là vui.
Pháp sâu xa khó hiểu,
Thế gian sanh nghi hoặc,
Chìm đắm trong tối tăm,
Mờ mịt chẳng thấy gì.
Chỉ có người trí tuệ,
Mở bày sự sáng tỏ,
Lời sâu xa như vậy,
Phi Thánh nào ai biết?
Không lại thọ thân sau,
Đạt xa lẽ chân thật.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 309. LỘC NỮU (1)[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết­già[26] tại nước Chiêm­bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu[27],
đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như Đức Thế Tôn đã dạy, "Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn
độc một mình[28]." Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?"
Phật bảo Lộc Nữu:
"Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này."
441
Phật bảo Lộc Nữu:
"Nếu sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục[29]. Nếu
Tỳ­kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan
hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà
bị ách ngại[30]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với
người thứ hai [31]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào giống như vậy, thì dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ,
cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Vì hỷ ái không đoạn, không diệt. Ái dục không được
đoạn trừ, không được biến tri, chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.
"Nếu có Tỳ­kheo nào đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng,
Tỳ­kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán
thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ. Do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm
sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan
hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; được gọi là sống đơn độc một
mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào giống như vậy, thì dù ở nơi lầu các, gác cao, cũng vẫn là
sống đơn độc một mình. Vì sao? Vì tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã
biến tri, chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình."
Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, đảnh lễ mà đi.
KINH 310. LỘC NỮU (2)[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết­già[33] tại nước Chiêm­bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi
đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ
vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa."
Phật bảo:
"Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ
kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói."
Phật bảo Lộc Nữu:
442
"Nếu có Tỳ­kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ­
kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do
hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng
dưỡng dục vọng, Tỳ­kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ
lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên
diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp lại cũng nói như vậy."
Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.
Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy,
sống không buông lung, cho đến đắc quả A­la­hán, tâm khéo giải thoát.
KINH 311. PHÚ­LAN­NA[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú­lanna đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần
tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ,
Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Nếu có Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ­
kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ;
do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị
ách ngại. Do đó cách xa Niết­bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
"Này Phú­lan­na, nếu Tỳ­kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng
dưỡng dục; Tỳ­kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc,
không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ,ï nên không hoan lạc;
không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận
Niết­bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú­lan­na muốn an trú chỗ nào?"
Tôn giả Phú­lan­na bạch Phật:
443
"Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân
gian đi về xứ Thâu­lô­na ở phương Tây[35]."
Phật bảo Phú­lan­na:
"Người ở Thâu­lô­na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chưởi bới. Phú­lan­na, nếu
ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, thì ngươi sẽ như thế
nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu­lô­na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời
hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: 'Những người Thâu­lô­na ở phương Tây này
vẫn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họï ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục,
ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Người Thâu­lô­na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối
với ngươi, ngươi có thể tránh được. Nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ngươi
như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu­lô­na ở phương Tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi
nữa, thì con nghĩ rằng: 'Những người Thâu­lô­na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng tay
đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, thì sẽ như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: 'Những
người Thâu­lô­na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết
ta.'"
Phật bảo Phú­lan­na:
"Giả sử những người này giết ngươi, thì sẽ như thế nào?"
Phú­lan­na bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu­lô­na phương Tây giết con, thì con nghĩ rằng: 'Các đệ tử
của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc
444
dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu­lô­na phương Tây này vẫn còn
tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải
thoát.'"
Phật bảo:
"Lành thay! Phú­lan­na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ngươi có thể đến ở lại Thâu­lô­na.
Ngươi nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niếtbàn khiến cho được Niết­bàn."
Bấy giờ, Tôn giả Phú­lan­na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi đi.
Sáng hôm sau Tôn giả Phú­lan­na đắp y mang bát vào thành Xá­vệ khất thực. Thọ thực xong, trở
ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu­lô­na phương Tây và an cư tại đó. Tôn
giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu­bà­tắc và kiến lập năm trăm Tăng­già­lam, cúng dường các
thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ. Trải qua ba tháng hạ, đầy đủ Tam minh, liền ở nơi ấy
nhập Vô dư Niết­bàn.
KINH 312. MA­LA­CA­CỮU[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Ma­la­cacữu[37] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ
vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: không còn tái sanh đời
sau nữa."
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma­la­ca­cữu:
"Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của Ta còn
không biếng nhác; huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với
pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt."
Ma­la­ca­cữu bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ
lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp
xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,... cho đến: tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa."
Ma­la­ca­cữu bạch như vậy ba lần.
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
445
"Hãy thôi đi!"
Ba lần nói như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma­la­ca­cữu:
"Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của Ta."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên
dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?"
Ma­la­ca­cữu đáp:
"Bạch Thế Tôn, không."
"Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng
nói như vậy."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Lành thay! Này Ma­la­ca­cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn[38]; cảm giác, do
cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn."
Và Phật nói bài kệ:
Nếu ngươi chẳng phải kia,
Kia cũng chẳng phải đây,
Cũng chẳng giữa hai bên,
Thì đây là mé khổ[39].
Ma­la­ca­cữu bạch Phật:
"Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?"
Ma­la­ca­cữu trình lên Phật bài kệ:
"Nếu mắt đã thấy sắc,
446
Mà mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng yêu nhớ.
Người giữ tướng yêu thích,
Tâm thường bị vướng mắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng sắc tập sanh.
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Khiến tâm mình sụt giảm,
Nuôi lớn thêm các khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết­bàn.
Thấy sắc chẳng chấp tướng,
Tâm mình theo chánh niệm,
Không nhiễm ái, ác tâm,
Cũng chẳng sanh hệ lụy.
Không khởi lên các ái,
Vô lượng sắc tập sinh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Chẳng thể hại tâm mình.
Ít nuôi lớn các khổ,
Lần lượt gần Niết­bàn.
Đấng Nhật Tôn đã nói,
Lìa ái, đạt Niết­bàn.
447
Nếu tai nghe các tiếng,
Tâm mất đi chánh niệm,
Cứ giữ tướng âm thanh,
Giữ chặt mà không xả.
Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,
Thân, xúc, ý nhớ pháp,
Quên mất đi chánh niệm,
Giữ tướng cũng như vậy;
Tâm mình sanh yêu thích,
Buộc đắm bám vững chắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Sụt giảm hại tâm mình,
Nuôi lớn các tụ khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết­bàn.
Chẳng nhiễm nơi các pháp,
Chánh trí, trụ chánh niệm,
Tâm mình chẳng nhiễm ô,
Lại cũng không thích đắm,
Chẳng khởi lên các ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham, sân, nhuế, hại, giác,
448
Chẳng lui giảm tâm mình,
Các khổ theo đó giảm,
Dần dần gần Niết­bàn.
Ái tận, Bát­niết­bàn,
Thế Tôn đã nói thế.
"Đó gọi là giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói."
Phật bảo Ma­la­ca­cữu:
"Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Vì như
ngươi đã nói kệ:
Nếu mắt thấy các sắc,
Quên mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng ái niệm.
Như trên, nói đầy đủ chi tiết.
Tôn giả Ma­la­ca­cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi.
Sau khi, Tôn giả Ma­la­ca­cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói
lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến
thành A­la­hán, tâm được giải thoát.
KINH 313. KINH PHÁP[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có kinh pháp, mà các Tỳ­kheo sùng kính, hướng tới; tuy đối với kinh pháp, khác tín tâm, khác
sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả[41], nhưng có
thể bằng chánh trí mà nói rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
449
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế
Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ­kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành."
Đức Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, khi mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham đối với
sắc, vị ấy biết như thật rằng: 'Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng
hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.' Nếu Tỳ­kheo nào mắt đã thấy sắc
rồi, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: 'Ta trước kia
có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được
nhận thức bởi mắt.' Các ông nghĩ sao? Ở đây, người này có tín, có sở thích, có sở văn, có tư duy
sở hành, có kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?[42]"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, có như vậy[43]."
"Quy hướng trên pháp này, thì có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy
chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."
"Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp cũng nói như vậy."
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà các Tỳ­kheo sùng kính, hướng tới. Tuy đối với
kinh pháp này, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải
thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh
đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 314. ĐOẠN DỤC[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
450
"Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt
gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa­la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 315. NHÃN SANH[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết
xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng
diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể
nói: 'Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.'
Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể
muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói
như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 317. NHÃN KHỔ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể
muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên
451
phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó
phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 318. NHÃN PHI NGÃ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt
có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt
chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế
này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 319. NHẤT THIẾT[46]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:
"Bạch Cù­đàm, nói rằng 'tất cả', vậy thế nào là tất cả?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với
mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói
rằng: 'Đó không phải là tất cả, mà Sa­môn Cù­đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập
riêng tất cả khác,' thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ
tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy."
Bà­la­môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.
KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:
452
"Bạch Cù­đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?"
Phật bảo Bà­la­môn Sanh Văn:
"Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà­la­môn, ý ông thế nào, mắt là có
chăng?"
Đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Sắc là có chăng?"
Đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Này Bà­la­môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc,
hoặc không khổ không lạc chăng?"
Bà­la­môn Sanh Văn đáp:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, có."
"Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh
giới ấy."
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên
từ giã.
KINH 321. NHẤT THIẾT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn Sanh
Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Sa­môn Cù­đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?"
Phật bảo Bà­la­môn Sanh Văn:
"Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ,
hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý... pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc
làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả
453
pháp. Nếu có người lại nói: 'Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa­môn Cù­đàm nói là tất
cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,' thì người ấy chỉ nói trên ngôn
thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh
giới ấy."
Phật nói kinh này xong, Bà­la­môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như ba kinh Bà­la­môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ­kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả
A­nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.
KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Tỳ­kheo đến chỗ
Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân
biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo này:
"Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy."
Lại bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế
nào ý là nội nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập
xứ."
Lại hỏi:
"Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ.
Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ."
Lại hỏi Phật:
454
"Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại
nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy."
Lại hỏi:
"Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại
nhập xứ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là
xúc ngoại nhập xứ."
Lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể
thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ
Tôi nghe như vầy:
455
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị,
xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 325. LỤC THỨC THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức
thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 326. LỤC XÚC THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý
xúc thân. Đó là sáu xúc thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 327. LỤC THỌ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó
gọi là sáu thọ thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
456
KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra
tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 329. LỤC TƯ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó
gọi là sáu tư thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 330. LỤC ÁI THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi
là sáu ái thân."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 331. LỤC CỐ NIỆM
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ
vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ."
457
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 332. LỤC PHÚ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu
giữ tâm che đậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như
vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm
tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy."
Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.
Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ­kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa,
thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh
có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.
"Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược.
Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp
là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.
458
"Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là
hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.
"Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của
ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.
"Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là
hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy
đúng là hệ phược của vô minh.
"Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng?
là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư
duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo
tác nên gọi là nghiệp.
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái
là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó
gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu­lưu­sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện
vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe
và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ­kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến;
lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo
mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi,
thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.
"Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh
duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại
nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt,
hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.
"Này các Tỳ­kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
459
KINH 336. LỤC HỶ HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ­kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy.
Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến
hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ­kheo gọi đó là sáu hỷ hành."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 337. LỤC ƯU HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu ưu hành[55]. Đó là, này các Tỳ­kheo, nếu mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó.
Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến
hành nơi pháp xứ này, các Tỳ­kheo gọi đó là sáu ưu hành."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 338. LỤC XẢ HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu xả hành[56]. Đó là, này các Tỳ­kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai
đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến
hành nơi pháp xứ này, thì đó gọi là sáu hành xả của Tỳ­kheo."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 339. LỤC THƯỜNG HÀNH (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
460
"Có sáu thường hành[57]. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không
khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị,
thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm,
chánh trí, thì đó gọi là sáu thường hành của Tỳ­kheo."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 340. LỤC THƯỜNG HÀNH (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Tỳ­kheo thành tựu sáu thường hành này, là điều thế gian khó làm được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 341. LỤC THƯỜNG HÀNH (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Nếu Tỳ­kheo nào thành tựu sáu pháp thường hành này, là điều thế gian khó làm được, thì người
này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 342. LỤC THƯỜNG HÀNH (4)
Tôi nghe như vầy:
461
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ­kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ,
không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với
xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Nếu có Tỳ­kheo nào thành tựu được sáu pháp thường hành này, thì nên biết đó là Xá­lợi­phất
v.v... Tỳ­kheo Xá­lợi­phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh
niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với
pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.
"Tỳ­kheo Xá­lợi­phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng
được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Kinh Sáu Sáu; Đại Chánh, quyển 13, kinh 304. Ấn Thuận xếp lại vào quyển 12. Quốc Dịch
quyển 11. Phẩm x, Tương ưng Lục nhập (tiếp theo kinh 282). Pāli, M.148. Chachakka­sutta.
[2]. Câu­lưu­sưu Điều ngưu tụ lạc 拘留搜調牛聚落, xem cht.38, kinh 245; cũng dịch là Điều
phục bác ngưu tụ lạc 調伏鉢牛聚落, kinh 247.
[3]. Lục lục pháp 六六法. Pāli: cha chakāni.
[4]. Nội nhập xứ 內入處. Pāli: ajjhatika āyatana.
[5]. Ngoại nhập xứ 外入處. Pāli: bāhira āyatana.
[6]. Thức thân 識身. Pāli: viññāṇakāya.
[7]. Xúc thân 觸身. Pāli: phassakāya.
[8]. Thọ thân 受身. Pāli: vedanakāya.
[9]. Ái thân 愛身. Pāli: taṇhakāya.
[10]. Pāli: cakkhu attā ti, mắt là tự ngã.
[11]. Pāli: attā me uppajjati ca veti cā ti, tự ngã của tôi sanh và diệt.
[12]. Pāli: cakkhuñca bhikkhave paṭicca rūpe ca uppajjati viññāṇaṃ, tiṇṇaṃ saṅgati samphassa;
samphassa­paccayā uppajjati vedayitaṃ sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, duyên
462
mắt và sắc, nhãn thức sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; do duyên xúc, cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi
lạc sanh.
[13]. Pāli, M. 149. Mahāsaḷāyatana­sutta.
[14]. Xem cht.2, kinh 304.
[15]. Pāli: tassa sārattassa samyuttassa samūḷhassa assādānupassino viharato āyatiṃ
pañcupādānakkhandhā upacayam gacchanti, vị ấy an trụ với quán sát vị ngọt, tham đắm, hệ
phược, mê muội; do vậy năm thủ uẩn tương lai được tích tập.
[16]. Đương lai hữu ái tham hỷ (...)當來有愛 (trong bản in nhầm thụ 受) 貪喜. Ấn Thuận thêm:
bỉ bỉ lạc trước彼彼樂著. Pāli: taṇhā cassa ponobbha vikā nandī­rāgasahagatā
tatratatrābhinandinī, khát ái hữu đương lai, câu hữu với hỷ tham, thích thú (sẽ sinh) chỗ này chỗ
kia.
[17]. Thân tâm bì ác 身心疲惡.Pāli: kāyikāpi darathā... cetasikāpi darathā pavaḍḍhanti, những
sự bất an của thân, của tâm đều tăng trưởng.
[18]. Xem lại đoạn trên: (...) không tương ưng.
[19]. Đối với bốn Thánh đế: Khổ nên biết, Tập nên đoạn, Diệt nên chứng, Đạo nên tu.
[20]. Nghĩa là thành tựu hiện quán Thánh đế, chứng đắc Tu­đà­hoàn.
[21]. Xem kinh 213.
[22]. Trong bản: sĩ kỳ 士其; đây sửa lại sĩ phu 士夫. Xem cht. dưới.
[23]. Các danh từ và ý niệm liên hệ tự ngã: na­la (Pāli: nara, con người, nói chung), ma­nậu­xà
(manussa, con người trong xã hội), ma­na­bà (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu (puggala, con người
nhân vị hay nhân xưng), phước­già­la (puggala, tức sĩ phu, hay con người), kỳ­bà (jīva, mạng,
sanh mạng hay linh hồn), thiền­đầu (jantu, sanh loại).
[24]. Hán: tưởng, chí, ngôn thuyết 想, 誌, 言說 , tức chỉ cho giả tưởng, giả tự xưng và giả ngôn
thuyết.
[25]. Lưới bắt nai. Tên người. Pāli, S. 35. 63. Migajāla.
[26]. Yết­già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.
[27]. Lộc Nữu Pāli: Migajāla.
[28]. Đệ nhị trú 鹿紐. Pāli: sadutiyavihārī, sống với người thứ hai. Nhất nhất trú 一一住. Pāli:
ekavihārī, sống một mình.
463
[29]. Pāli: kāmupasaṃhitā rajaniyā, (sắc bị) tham nhiễm liên kết với ái dục.
[30]. Ách ngại 阨礙 bị cái ách cùm cổ. Pāli: saṃyogo, sự kết buộc (buộc cổ hai con bò vào một
cái ách).
[31]. Tức người sống chung thứ hai.
[32]. Pāli, như kinh 309.
[33]. Yết­già trì 揭伽池. Pāli: Gaggarā pokkharaṇī.
[34]. Pāli, M. 145. Puṇṇovāda­sutta.
[35]. Tây phương Thâu­lô­na 西方輸盧那. Pāli: Sunāparantaka; quê của Phú­lan­na.
[36]. Pāli, S. 35. 95. Saṅgayha.
[37]. Ma­la­ca­cữu 摩羅迦舅. Pāli: Mālukyaputta.
[38]. Kiến dĩ kiến vi lượng 見以見為量. Pāli: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati, sẽ chỉ thấy nơi cái
được thấy.
[39]. Pāli: tato tvaṃ, mākukyaputta, nevidha,nahuraṃ na ubhayam antarena. Esevanto
dhussā'ti, vì vậy, Māluhyaputta, ngươi đời này không có, đời sau không có, giữa hai đời không
có. Đây chính là chỗ tận cùng sự khổ.
[40]. Pāli, S. 35. 152. Atthinukhopariyāya.
[41]. Pāli: atthi nu kho, bhikkhave, pariyāyo yaṃ pariyāyaṃ āgamma bhikkhu aññtreva
saddhāya aññatra ruciyā, aññatra anussavā, aññatra ākāraparivitakkā aññatra
diṭṭhinijjhānakkhantiyā aññanaṃ vyākāreyya: khīṇā jāti..., có pháp môn nào, mà y trên pháp
môn đó, chứù không y nơi tín tâm, không y theo sở thích, không y nơi sự học hỏi, không y nơi
luận biện, y nơi sự đam mê suy lý huyền tưởng, mà Tỳ­kheo có thể tuyên bố: "sự sanh đã dứt".
[42]. Pāli: api nume bhikkhave dhammā saddhāa vā viditabbā, ruciyā vā veditabbā... No hetam
bhante, những pháp này có phải được do bởi có tín, do bởi có sở thích...? Bạch Thế Tôn, không.
[43]. Bản Pāli: trả lời "không phải".
[44]. Pāli, S. 27. 1. Cakkhu.
[45]. Pāli, S. 26. 1. Cakkhu.
[46]. Pāli, S. 35. 23. Sabba.
464
[47]. Pāli, như kinh trên; nhưng nội dung không hoàn toàn tương đồng. Hình như kinh này
riêng biệt của Hữu bộ, là cơ sở giáo lý về chủ trương "Nhất thiết hữu". Chú thích của Ấn Thuận.
[48]. Nhất thiết hữu 一切有.
[49]. Vô kiến, hữu đối 無見有對. Quan điểm về nội xứ của Hữu bộ. Xem Câu­xá luận 1 và 2.
[50]. Lục cố niệm 六顧念.
[51]. Lục phú 六覆.
[52]. Pāli, S. 35. 7­12. Anicca, v.v...
[53]. Tục số pháp 俗數法, tức pháp nói theo tục đế.
[54]. Lục hỷ hành 六喜行, Tập Dị Môn Túc Luận 15: sáu hỷ cận hành. Pāli, D. 33. Saṅgīti, cha
somanassūpavicārā: cakkhunā rūpaṃ dsvā somanassṭhāniyaṃ rūpaṃ upavicarati, sau khi nhận
thức sắc bằng con mắt vị ấy tư niệm (đi sát, tiếp cận) sắc tùy thuận với hỷ.
[55]. Lục ưu hành 六憂行, cũng nói là sáu ưu cận hành; sđd. như kinh trên.
[56]. Sáu xả hành 六捨行, hay sáu xả cận hành, xem sđd. như kinh 315 trên.
[57]. Sáu thường hành 六常行, cũng nói là sáu hằng trú; xem Tập Dị Môn Túc Luận 15. Pāli,
D. 33. Saṅgīti, cha satata­vihārā: bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā n'eva sumano hoti na dummano
upekkho viharati sato sampajāno, Tỳ­kheo khi thấy sắc bởi mắt mà không khoái ý cũng không
bất mãn nhưng an trụ xả với chánh niệm chánh trí.
465
TẠP A-HÀM QUYỂN 14
KINH 343. PHÙ­DI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Tỳ­kheo Phù­
di[2] ở tại núi Kỳ­xà­quật. Lúc ấy có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả
Phù­di, cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chào hỏi và chúc tụng nhau, rồi ngồi qua một
bên, nói với Tôn giả Phù­di:
"Chúng tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ giải đáp cho không?"
Tôn giả Phù­di bảo các xuất gia ngoại đạo:
"Tùy theo những gì các vị hỏi, tôi sẽ trả lời các vị."
Lúc ấy, chúng xuất gia ngoại đạo hỏi Tôn giả Phù­di:
"Khổ lạc có phải là do tự tác không?"[3]
Tôn giả Phù­di đáp:
"Này các vị xuất gia ngoại đạo, nói 'khổ lạc là do tự tác'; điều này Đức Thế Tôn bảo, 'Ta không
khẳng định[4] '."
Lại hỏi:
"Khổ lạc có phải là do tha nhân tác không?"
Đáp:
"Khổ lạc là do tha nhân tác; điều này Đức Thế Tôn bảo 'Ta không khẳng định'."
Lại hỏi:
"Khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác không?"
Đáp:
"Khổ lạc là do vừa tự vừa tha nhân tác; những điều này Đức Thế Tôn bảo 'Ta không khẳng
định'."
Lại hỏi:
466
"Khổ lạc có phải là chẳng phải vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo không?"
Đáp:
"Khổ lạc là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, những điều này Đức Thế Tôn bảo
'Ta không khẳng định.'"
Chúng xuất gia ngoại đạo lại hỏi:
"Thế nào, Tôn giả Phù­di, khi chúng tôi hỏi có phải khổ lạc là do tự tác; thì bảo là không khẳng
định. Khi hỏi khổ lạc có phải do tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có
phải là do vừa tự vừa tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là
chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, thì bảo rằng không khẳng định. Vậy hiện tại Samôn Cù­đàm nói khổ lạc được sanh ra như thế nào?"
Tôn giả Phù­di đáp:
"Này chúng xuất gia ngoại đạo, Đức Thế Tôn bảo khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi."
Lúc ấy chúng xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn giả Phù­di nói, tâm không hoan hỷ, chỉ
trích, rồi bỏ ra đi.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất ở cách chỗ Tôn giả Phù­di không xa, đang ngồi dưới bóng cây. Lúc
ấy Tôn giả Phù­di biết chúng xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, mới đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, hai
vị cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chúc tụng rồi, Tôn giả đem những câu hỏi của
chúng xuất gia ngoại đạo trình lại đầy đủ cho Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi đã giải đáp như vậy, không mắc tội hủy báng Đức Thế Tôn chăng? Nói như thuyết chăng?
Nói như pháp chăng? Nói tùy thuận pháp, hành pháp chăng? Không bị những người khác nhân
nơi luận pháp đến nạn vấn chỉ trích chăng?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Này Tôn giả Phù­di, những điều thầy nói là đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai,
nói như những gì Phật đã nói, nói như pháp, pháp hành, pháp thuyết, không bị những người khác
nhân nơi luận nghĩa, mà đến cật vấn, quở trách. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn dạy khổ lạc được sanh
ra từ duyên khởi.
"Tôn giả Phù­di, những gì các Sa­môn, Bà­la­môn kia hỏi về khổ lạc là do tự tác, điều này cũng
sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có
được. Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, hay
bảo là vô duyên tạo, chúng cũng đều sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo không phải sanh ra từ
duyên khởi, điều này không thể có được.
"Tôn giả Phù­di, những gì mà các Sa­môn, Bà­la­môn kia nói về khổ lạc là do tự tác, chúng cũng
duyên xúc mà sanh ra; nếu bảo là chúng không sanh ra từ xúc, điều này không thể có được. Khổ
467
lạc là do tha tạo, là do tự tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác,
vô nhân tác, chúng cũng duyên vào xúc mà sanh ra. Nếu bảo không phải sanh ra từ xúc, điều này
không thể có được."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan đang ngồi dưới bóng cây cách Tôn giả Xá­lợi­phất không xa, nghe Tôn
giả Xá­lợi­phất cùng Tôn giả Phù­di bàn luận những việc như vậy. Sau khi nghe, từ chỗ ngồi
đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem những lời
bàn luận giữa Tôn giả Xá­lợi­phất cùng Tôn giả Phù­di bạch một cách đầy đủ lên Đức Thế Tôn.
Phật bảo A­nan:
"Lành thay! Lành thay! A­nan, Tôn giả Xá­lợi­phất có người đến hỏi, đã có thể tùy thời mà đáp.
Lành thay! Vì Xá­lợi­phất là người có trí ứng phó kịp thời, nên có người đến hỏi, liền có thể tùy
thời mà giải đáp. Hàng Thanh văn của Ta nếu gặp có người hỏi, thì cũng nên tùy thời mà đáp
như cách Xá­lợi­phất đã nói.
"Này A­nan, trước đây khi Ta ở trong núi tại Tiên nhân trú xứ, thành Vương xá, bấy giờ có
chúng xuất gia ngoại đạo đã đem ý vị như vậy, văn cú như vậy, nghĩa lý như vậy đến hỏi Ta. Ta
vì họ mà đem ý vị thế này, văn cú thế này, nghĩa lý thế này nói cho họ, giống như những gì Tôn
giả Xá­lợi­phất đã nói.
"A­nan, nếu các Sa­môn, Bà­la­môn cho rằng khổ lạc là do tự tác, Ta liền đến hỏi họ: 'Thật sự
các vị có nói khổ lạc là do tự tác không?' Họ đáp: 'Tôi nói như vậy' Ta liền nói với họ: 'Các vị
có thể chấp chặt lấy nghĩa này cho đây là chân thật, còn những gì khác đều là ngu dối. Ta không
chấp nhận như vậy. Vì sao? Vì Ta nói sự sanh khởi của khổ lạc khác hẳn với điều này.' Nếu họ
hỏi Ta: 'Cù­đàm nói sự sanh khởi của khổ lạc là khác như thế nào?' Ta đáp: 'Khổ lạc sanh ra từ
duyên khởi.' Cũng vậy nếu họ nói: 'Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, chẳng phải do tự,
chẳng phải do tha, vô nhân tạo, Ta cũng đến chỗ họ nói như trên.'"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Như nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, con đã hiểu. Có sanh nên có già chết, chẳng phải duyên nào
khác mà có sanh nên có già chết. Cho đến vì vô minh nên có hành, chẳng phải duyên nào khác
mà có vô minh nên có hành. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, bệnh, chết,
ưu, bi, khổ, não cũng diệt; và thuần một khối khổ lớn diệt."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A­nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 344. CÂU­HI­LA[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợi­phất và
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la đang ở tại núi Kỳ­xà­quật. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc,
468
Tôn giả Câu­hi­la đi đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng nhau chào hỏi. Sau khi chào hỏi, ngồi lui
qua một bên, nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi có điều muốn hỏi. Tôn giả có rảnh để giải đáp cho không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Nhân giả cứ hỏi. Nếu biết tôi sẽ trả lời."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Đa văn Thánh đệ tử, ở trong pháp luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh
kiến[6], thành tựu được trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật[7], thâm nhập Chánh pháp,
đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như
thật thiện pháp, biết như thật thiện căn.
"Thế nào là biết như thật pháp bất thiện? Các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý; đó gọi là
pháp bất thiện. Biết như thật pháp bất thiện là như vậy.
"Thế nào là biết như thật bất thiện căn? Ba căn chẳng lành, tham là gốc (căn) chẳng lành, sân là
gốc chẳng lành, si là gốc chẳng lành; đó gọi là bất thiện căn. Biết như thật bất thiện căn là như
vậy.
"Thế nào là biết như thật về thiện pháp? Các nghiệp lành của thân, miệng, ý; đó gọi là thiện
pháp. Biết như thật về thiện pháp là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về thiện căn? Ba căn lành không tham, không sân, không si; đó gọi là
ba thiêïn căn. Biết như thật về thiện căn là như vậy.
"Này Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, như vậy, đa văn Thánh đệ tử biết như thật pháp bất thiện, biết
như thật pháp thiện, biết như thật căn bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về thiện
căn; cho nên ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại
tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, về sự
diệt tận của thức ăn, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.
469
"Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn; đó là: Một là thức ăn nắm thô, hai là
thức ăn tế xúc, ba là thức ăn bởi ý tư và bốn là thức ăn của thức[8]; đó gọi là thức ăn. Biết như
thật về thực là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ
tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia[9]; đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Biết như thật về sự
tập khởi của thực là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ
tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều dứt bỏ không còn sót, xả bỏ, nhả ra, đoạn tận, ly
dục, diệt, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về sự diệt tận của thức ăn là
như vậy.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn? Tám Thánh đạo: Chánh
kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh
định; đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về con đường đưa đến
sự diệt tận của thức ăn là như vậy.
"Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức
ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của
thức ăn; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực
kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ
ngộ Chánh pháp này."
Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Lại còn có những pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về lậu[10], biết như thật về sự
tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt
tận của lậu.
"Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu[11], đó gọi là lậu.
Phải biết như thật về sự hiện hữu của lậu là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu? Vô minh tập khởi là lậu tập khởi. Biết như thật
về sự tập khởi của lậu là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu? Vô minh diệt là lậu diệt. Biết như thật về sự diệt
tận của lậu là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu? Tám Thánh đạo (nói như
trên). Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu là như vậy.
470
"Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết
như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu; cho nên
đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu
bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp
này."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la:
"Cũng có những pháp khác nữa. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập
khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận
của khổ.
"Thế nào là biết như thật về khổ? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán
ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thọ ấm là khổ; đó
gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ
tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia; đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập
khởi của khổ là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ
tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh; đó
gọi là sự diệt tận của khổ. Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ? Tám Thánh đạo như đã nói
ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Biết như thật về con đường đưa đến sự
diệt tận của khổ là như vậy.
"Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết
như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Như vậy
Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[12], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất
hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp
này."
Lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Thật chỉ có pháp này, còn có pháp nào khác nữa không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
471
"Còn có pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về già chết, biết như thật về sự tập khởi
của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt
tận của già chết. Như kinh Phân biệt đã nói ở trước.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh
diệt tận thì già chết diệt tận... Con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là gồm tám Thánh đạo
như trước đã nói. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với già chết này... cho đến, biết như thật
về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[13],
có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh
pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này."
"Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành. Thánh đệ tử
biết như thật về hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận
của hành.
"Thế nào là biết như thật về hành? Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành và ý hành. Biết như
thật về sự hiện hữu của hành là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Biết như
thật về sự tập khởi của hành là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt tận thì hành diệt tận. Biết như
thật về sự diệt tận của hành là như vậy.
"Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo như
trước đã nói.
"Này Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, đó gọi là Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự
tập khởi của hành, biết như thật về sự diệt tận của hành, biết như thật về con đường đưa đến sự
diệt tận của hành; trong pháp luật này[14], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu
bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp
này."
Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la lại hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Tôn giả Ma­ha Câu­hi­la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi Thầy cũng không thể đến chỗ
tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô
minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa!"
Sau khi đàm đạo xong, hai vị Chánh sĩ mỗi người trở về trú xứ của mình.
472
KINH 345. TẬP SANH[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả
Xá­lợi­phất:
"Như những gì Ta đã nói về những câu hỏi của A­dật­đa trong Ba­la­diên­da[16] bằng bài kệ:
Người đã thông pháp số[17],
Người thành các môn học[18],
Oai nghi, hạnh đầy đủ,
Vì con phân biệt nói.
"Này Xá­lợi­phất, học những gì? Những gì là pháp số[19]?"
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất im lặng, không đáp; lần thứ hai, lần thứ ba cũng im lặng.
Phật bảo:
"Xá­lợi­phất, thực thể[20]!"
Tôn giả Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo đối với thực thể[21] mà nhàm tởm, ly dục, hướng
đến diệt tận. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Tỳ­kheo đối với thức ăn mà sanh nhàm tởm,
ly dục, hướng đến diệt tận; đó gọi là thực thể diệt tận. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã
giác tri rồi, Tỳ­kheo này nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đó gọi là học.
"Lại nữa, Xá­lợi­phất, thực thể!"
Tôn giả Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ­kheo đối với thực thể mà nhàm tởm, ly dục, diệt tận,
chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Vị ấy, thức ăn
diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ­kheo này nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các
lậu, tâm khéo giải thoát. Đó gọi là pháp số."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Đúng thế, đúng thế! Như Xá­lợi­phất nói, Tỳ­kheo đối với thực thể mà sanh ra nhàm tởm, ly
dục, diệt tận, thì đây gọi là pháp số."
473
Nói như vậy rồi, Thế Tôn đứng lên đi vào thất tọa thiền. Tôn giả Xá­lợi­phất biết Đức Thế Tôn
đã đi, sau đó không lâu nói với các Tỳ­kheo:
"Chư vị, vì tôi không thể hiểu rõ câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn nên tôi im lặng. Sau một hồi,
Đức Thế Tôn lại vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được nghĩa của nó như vậy. Giả sử Đức
Thế Tôn trong một ngày một đêm hay cho đến bảy ngày đêm lại hỏi nghĩa này với những văn cú
khác, ý vị khác thì tôi cũng có thể giải thích, nói rộng nghĩa này với những văn cú khác, ý vị
khác suốt bảy ngày đêm."
Bây giờ, có một số Tỳ­kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng qua
một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá­lợi­phất đã nói những điều kỳ đặc chưa từng có. Ở trong đại chúng
đã nói lên tiếng rống con sư tử: 'Đối với câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn, tôi đã không thể trả
lời, vì không thể hiểu rõ, nên cho đến ba lần Ngài hỏi tôi đều im lặng, không đáp được. Sau đó
Đức Thế Tôn lại đã vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được. Giả sử Đức Thế Tôn trong một
ngày một đêm, hay cho đến suốt bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý
vị khác, thì tôi có thể giải thích với văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.'"
Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Quả thật, nếu Ta một ngày một đêm, cho đến bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những
văn cú khác, ý vị khác, thì Tỳ­kheo Xá­lợi­phất, trong ý nghĩa những điều được hỏi, cũng có thể
giải thích với câu khác, ý vị khác cho đến bảy ngày đêm. Vì sao? Vì Tỳ­kheo Xá­lợi­phất khéo
nhập vào pháp giới."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 346. TAM PHÁP[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Có ba pháp mà thế gian không yêu thích, không nhớ nghĩ, không vừa ý. Những gì là ba? Đó là
già, bệnh, chết. Thế gian nếu không có ba pháp không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ,
không vừa ý này thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian; thế gian
cũng không biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng Cúng,
Đẳng Chánh Giác. Vì thế gian có ba pháp già, bệnh, chết, không đáng yêu thích, không đáng nhớ
nghĩ và không vừa ý này, cho nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác mới xuất hiện ở thế
gian; thế gian biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng
Cúng, Đẳng Chánh Giác.
"Vì ba pháp chưa đoạn nên không thể thoát khỏi già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si.
474
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ,
nghi.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là
không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm
biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm[23], không chánh tri, loạn tâm.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó
là dao động[24], không luật nghi, chẳng học giới.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa dao động, không luật nghi, chẳng học giới. Ba
pháp đó là không tin, khó dạy, lười biếng.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa không tin, khó dạy, lười biếng. Ba pháp đó là
không muốn thấy bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp, thường hay tìm điều dở của người.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể xa lìa không muốn thấy bậc Thánh, không muốn
nghe pháp, ưa tìm cầu điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái,
quen theo bạn xấu.
"Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen
theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quý, buông lung. Vì ba pháp này không đoạn trừ
nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen bạn xấu. Vì sao? Vì do
không tàm, không quí nên buông lung; vì buông lung nên không cung kính; vì không cung kính
nên quen theo bạn xấu; vì quen theo bạn xấu nên không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe
pháp, hay ưa tìm điều dở của người; vì ưa tìm điều dở của người nên không tin, khó dạy, nói
năng ngang trái, lười biếng; vì lười biếng nên dao động, không luật nghi, không học giới; vì
không học giới nên thất niệm, không chánh tri, loạn tâm; vì loạn tâm nên không chánh tư duy,
thân cận tà đạo, tâm biếng nhác; vì tâm biếng nhác nên thân kiến, giới thủ, nghi; vì nghi nên
không lìa tham, nhuế, si; vì không lìa tham, nhuế, si nên không thể lìa được già, bệnh, chết.
"Nếu dứt được ba pháp này thì mới có thể lìa được già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si.
Ba pháp này dứt rồi mới có thể lìa già, bệnh, chết.
"Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi. Vì
dứt được ba pháp này nên có thể lìa được tham, sân, si.
"Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy,
thân cận tà đạo, khởi tâm biếng nhác. Vì dứt ba pháp này nên lìa thân kiến, giới thủ, nghi.
"Lại vì dứt ba pháp nên có lìa không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Ba pháp
đó là thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Vì dứt ba pháp này nên lìa được không chánh tư duy,
thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.
475
"Lại vì dứt được ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó
là dao động, không luật nghi, phạm giới. Vì dứt ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không
chánh tri, loạn tâm.
"Lại vì dứt ba pháp nên lìa được dao động, chẳng luật nghi, phạm giới. Ba pháp đó là không tin,
khó dạy, biếng nhác. Vì dứt được ba pháp này nên lìa được dao động, không luật nghi, phạm
giới.
"Lại vì dứt được ba pháp nên lìa được chẳng tin, khó dạy, biếng nhác. Ba pháp đó là không
muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Vì dứt ba pháp này nên có
thể lìa được không tin, khó dạy, biếng nhác.
"Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tâm không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp,
ưa tìm điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn
xấu. Vì dứt được ba pháp này nên lìa sự không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp,
ưa tìm điều dở của người.
"Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa chẳng cung kính, nói năng ngang ngược, tập theo bạn xấu. Ba
pháp đó là không tàm, không quí, buông lung. Vì sao? Vì do tàm quí nên không buông lung. Vì
không buông lung nên tâm cung kính, nói năng hòa nhã, làm thiện tri thức. Vì là thiện tri thức
nên ưa thấy Hiền thánh, ưa nghe Chánh pháp, chẳng tìm điều dở của người. Vì chẳng ưa tìm điều
dở của người nên sanh lòng tin, nói năng hòa nhã và tinh tấn. Vì tinh tấn nên không dao động, an
trú trong luật nghi, học giới. Nhờ học giới nên không thất niệm, an trú chánh tri, chẳng loạn tâm.
Nhờ không loạn tâm nên chánh tư duy, gần gũi chánh đạo, tâm không biếng nhác. Nhờ tâm
không biếng nhác nên không chấp trước thân kiến, không chấp trước giới thủ, vượt khỏi nghi
hoặc. Nhờ chẳng nghi nên chẳng khởi tham, nhuế, si. Nhờ lìa tham, nhuế, si nên có thể dứt già,
bệnh, chết."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 347. TU­THÂM[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ có các quốc vương, đại
thần, gia chủ, Bà­la­môn, cư sĩ và những người khác ở thế gian, cung kính tôn trọng, cúng
dường; Phật và chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng: y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.
Còn đối với các ngoại đạo tà giáo, họ hoàn toàn chẳng cung kính, tôn trọng, cúng dường các thứ
y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.
Bấy giờ, các ngoại đạo tụ tập tại giảng đường Vị tằng, bàn luận như vầy: 'Chúng ta từ trước đến
nay, thường được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung
kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ
cung kính, cúng dường Sa­môn Cù­đàm và đại chúng Thanh văn. Nay trong chúng này, ai là
476
người có trí tuệ, là bậc đại sĩ, có thể lén đến trong chúng Sa­môn Cù­đàm, xuất gia, nghe pháp
Sa­môn Cù­đàm, rồi trở về nói lại đầy đủ. Chúng ta sẽ dùng pháp được nghe đó để giáo hóa quốc
vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ khiến cho họ tin ưa, có thể họ sẽ trở lại cúng dường chúng ta như
trước?' Lúc ấy có người lên tiếng:
"Có một thiếu niên tên là Tu­thâm[26], thông minh, có trí tuệ, có thể lén vào trong chúng Samôn Cù­đàm xuất gia, nghe pháp Cù­đàm xong rồi trở về trình bày lại."
Bấy giờ, các ngoại đạo đi đến chỗ Tu­thâm bảo rằng:
"Hôm nay chúng tôi tập hợp đại chúng tại giảng đường Vị tằng bàn luận như vầy: 'Từ trước đến
nay chúng ta được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và những người khác cung kính, phụng sự,
cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, nhưng ngày nay bỗng bị dứt tuyệt. Nhà vua,
đại thần, gia chủ, cư sĩ và mọi người đều đua nhau phụng sự Cù­đàm và đại chúng Thanh văn.
Trong đại chúng này ai là người thông minh, trí tuệ có thể lén đến trong chúng Sa­môn Cù­đàm
xuất gia, học đạo, nghe pháp Sa­môn Cù­đàm rồi trở về nói lại và đem ra giáo hóa quốc vương,
các đại thần, gia chủ, cư sĩ để chúng của ta trở lại được cung kính, tôn trọng cúng dường?' Trong
chúng có người nói rằng: 'Chỉ có Tu­thâm thông minh trí tuệ, có thể lén đến trong pháp của Cù­
đàm xuất gia học đạo, nghe Cù­đàm thuyết pháp chắc chắn có thể lãnh hội được để trở về nói
lại.' Cho nên chúng tôi cùng nhau đến đây mời Nhân giả nên nhận lời đi."
Bấy giờ, Tu­thâm im lặng nhận lời, đi đến trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà tại thành Vương xá.
Lúc ấy có nhiều Tỳ­kheo ra khỏi phòng, đi kinh hành ngoài đất trống. Tu­thâm liền đi đến chỗ
các Tỳ­kheo bạch rằng:
"Bạch các Tôn giả, nay con có thể được ở trong Chánh pháp xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu phạm
hạnh không?"
Bấy giờ các Tỳ­kheo đưa Tu­thâm đi đến chỗ Đức Thế Tôn, thành kính đảnh lễ dưới chân Phật,
rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, hôm nay ngoại đạo Tu­thâm muốn cầu xin được ở trong Chánh pháp xuất gia,
thọ giới Cụ túc, tu phạm hạnh."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Tu­thâm, nên bảo các Tỳ­kheo:
"Các ông nên độ cho ngoại đạo Tu­thâm này được xuất gia."
Bấy giờ, các Tỳ­kheo giúp cho Tu­thâm xuất gia, trải qua được nửa tháng. Một hôm có vị Tỳ­
kheo nói với Tu­thâm[27]:
"Tu­thâm nên biết, chúng tôi đã chấm dứt sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong,
tự biết không còn tái sanh đời sau nữa."
Tu­thâm bạch Tỳ­kheo:
477
"Bạch Tôn giả, thế nào, có phải học ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát
sanh do viễn ly, thành tựu Sơ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?"
Tỳ­kheo đáp:
"Không phải vậy, Tu­thâm!"
Lại hỏi:
"Thế nào, có phải lìa có giác, lìa có quán, nội tịnh nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc
do định sanh, thành tựu Nhị thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?"
Tỳ­kheo đáp:
"Không phải vậy, Tu­thâm!"
Lại hỏi:
"Thế nào, có phải lìa hỷ, an trụ tâm xả, có chánh niệm, chánh tri, thân tâm thọ lạc, điều mà
Thánh nói đến là xả[28], thành tựu Tam thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?"
Đáp:
"Không phải vậy, Tu­thâm!"
Lại hỏi:
"Bạch Tôn giả, thế nào, có phải là lìa khổ dứt lạc, đoạn trừ ưu, hỷ từ trước, không khổ, không
lạc, xả tịnh, niệm nhất tâm[29], thành tựu đệ Tứ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải
thoát?"
Đáp:
"Không phải vậy, Tu­thâm!"
Lại hỏi:
"Chứng tịch tĩnh giải thoát[30], vượt sắc, vô sắc, tự thân tác chứng và thành tựu, phải chăng là
không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?"
Đáp:
"Không phải vậy, Tu­thâm!"
Lại hỏi:
478
"Thế nào, bạch Tôn giả, lời nói của Tôn giả chẳng đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Tại sao
không đắc thiền định nhưng lại tuyên bố như vậy[31]?"
Tỳ­kheo đáp:
"Tôi được tuệ giải thoát[32]."
Khi nói vậy rồi, các Tỳ­kheo đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Sau khi các Tỳ­kheo đi rồi, Tuthâm suy nghĩ: 'Những gì các Tôn giả này nói không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, đã nói
không chứng đắc chánh thọ[33], mà lại tuyên bố là tự thân tác chứng.' Suy nghĩ xong, đi đến chỗ
Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, các Tỳ­kheo kia ở trước mặt con đã tuyên bố: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã
lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.' Con liền hỏi Tôn giả
kia: 'Có phải được ly dục và pháp ác bất thiện... cho đến tự tri tự tác chứng, thì không còn khởi
lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?' Vị ấy trả lời con: 'Không phải vậy, Tu­thâm.' Con liền
hỏi: 'Những gì Tôn giả nói là bất đồng, trước sau mâu thuẫn, đã nói không nhập chánh thọ mà lại
tuyên bố là tự tri tự tác chứng?' Vị ấy đáp với con rằng: 'Tôi được tuệ giải thoát.' Nói như vậy
xong, mỗi người đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Hôm nay, con xin hỏi Thế Tôn, vì sao những
lời nói của họ không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, không đắc chánh định mà lại nói tự biết tác
chứng?"
Phật bảo Tu­thâm:
"Trước hết họ biết pháp trụ, sau đến biết Niết­bàn[34]. Các thiện nam ấy một mình ở nơi thanh
vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các
lậu, tâm khéo giải thoát."
Tu­thâm bạch Phật:
"Nay con không hiểu, trước hết phải biết pháp trụ, sau đến biết Niết­bàn. Các thiện nam tử kia,
một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến,
không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát."
Phật bảo Tu­thâm:
"Không luận là ngươi biết hay không biết, mà trước hết phải tự biết pháp trụ, sau đến biết Niếtbàn, như các thiện nam tử kia một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống
không buông lung, xa lìa ngã kiến, tâm khéo giải thoát đã."
Tu­thâm bạch Phật:
"Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con biết được trí pháp trụ, thấy được trí pháp
trụ."
Phật bảo Tu­thâm:
479
"Nay Ta hỏi ngươi, tùy ý mà đáp cho Ta. Tu­thâm nghĩ thế nào? Có phải vì có sanh nên có già,
chết; không phải lìa sanh mà có già, chết chăng?"
Tu­thâm đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có sanh nên có già, chết; không thể lìa sanh mà có già, chết được."
Phật bảo:
"Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng vậy. Có
phải vì có vô minh nên có hành; không phải lìa vô minh mà có hành chăng?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có vô minh nên có hành; không thể lìa vô minh mà có hành được."
Phật bảo Tu­thâm:
"Có phải vì không sanh nên không có già, chết; không thể lìa cái diệt của sanh, mà già, chết diệt
chăng?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không sanh nên không già chết và không thể lìa cái diệt của sanh
mà già chết diệt được."
"Như vậy cho đến không có vô minh, nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh
mà hành diệt chăng?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không có vô minh nên không có hành và không thể lìa cái diệt của
vô minh mà hành diệt được."
Phật bảo Tu­thâm:
"Người biết như vậy, thấy như vậy, có phải là ly dục và pháp ác bất thiện, cho đến tự thân tác
chứng an trụ đầy đủ chăng?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không phải vậy."
Phật bảo Tu­thâm:
480
"Đó gọi là trước hết biết pháp trụ, sau đến biết Niết­bàn, mà các thiện nam tử kia, một mình ở
nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi
lên các lậu, tâm khéo giải thoát."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tu­thâm xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, Tu­thâm thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thoát khỏi nghi, được niềm tin không do
ai khác, được độ không do người khác, ở trong Chánh pháp tâm được vô sở úy, cúi đầu lễ dưới
chân Phật và bạch:
"Bạch Thế Tôn, nay con xin sám hối. Con đã ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia, cho nên con
xin sám hối."
Phật bảo Tu­thâm:
"Thế nào là ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có nhiều người ngoại đạo đến chỗ con nói với con: 'Tu­thâm nên biết, chúng ta
trước đây được quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ và người thế gian đều cung kính, cúng
dường, mà nay bị đoạn tuyệt. Bởi vì họ đều cúng dường Sa­môn Cù­đàm và đại chúng Thanh
văn. Ngày nay ông hãy lén đến trong chúng Thanh văn của Sa­môn Cù­đàm xuất gia, thọ giới
pháp; khi đã thông đạt pháp của họ rồi, trở về nói cho chúng tôi nghe và đem giáo pháp đã nghe
đó giáo hóa thế gian khiến họ trở lại cung kính, cúng dường như trước.' Bạch Thế Tôn vì vậy
nên con đã ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia, hôm nay con xin sám hối. Xin Thế Tôn
thương xót cho phép con được sám hối."
Vì lòng từ bi nên Phật bảo Tu­thâm:
"Ta nhận sự sám hối của ngươi. Ngươi nên nói đầy đủ: 'Ngày xưa vì con ngu si, bất thiện, vô trí
nên ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia. Ngày nay ăn năn lỗi lầm, tự thấy tội, tự biết tội,
trong đời sau sẽ thành tựu luật nghi, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.' Vì sao?
Vì người có tội tự thấy, tự biết và ăn năn lỗi lầm nên ở đời sau luật nghi sẽ thành tựu, công đức
tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm."
Phật lại bảo Tu­thâm:
"Hôm nay Ta sẽ nói thí dụ, người trí tuệ nhờ thí dụ sẽ được hiểu. Ví như nhà vua có người tuần
canh, bắt được giặc cướp trói lại, đưa đến chỗ nhà vua tâu rằng: 'Bạch Đại vương, người này là
trộm cướp, xin Đại vương xử tội.' Vua ra lệnh: 'Đem tội nhân đi, trói ngược hai tay và hãy công
bố tiếng xấu khắp nước; sau đó đem tội nhân đến chỗ hành phạt ở ngoài kinh thành, dùng trăm
mũi giáo đâm khắp thân thể tội nhân.' Người đứng ra hành hình theo lệnh vua, bắt tội nhân này
trói ngược hai tay, loan tin xấu khắp thành ấp; sau đó đem tội nhân đến chỗ thọ hình ở ngoài
thành và dùng trăm mũi giáo nhọn đâm khắp thân thể tội nhân. Đến trưa vua hỏi: 'Tội nhân còn
481
sống không?' Các quan đáp: 'Còn sống.' Vua lại ra lệnh các quan đâm thêm một trăm mũi giáo
nữa; đến chiều lại đâm thêm trăm mũi giáo nữa, mà người kia vẫn không chết."
Phật hỏi Tu­thâm:
"Nhà vua trị tội dùng ba trăm mũi giáo đâm vào thân người tội này, vậy có còn chỗ nào toàn vẹn
bằng lòng bàn tay chăng?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không."
Lại hỏi Tu­thâm:
"Khi tội nhân này vì nhân duyên bị ba trăm mũi giáo đâm vào thân, người ấy phải chịu khổ cùng
cực phải không?"
Tu­thâm bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, khổ tột cùng! Nếu bị một mũi giáo đâm vào cũng đã là đau đớn, không chịu nổi,
huống chi là ba trăm mũi giáo mà có thể cam chịu được sao!"
Phật bảo Tu­thâm:
"Việc này còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu như ở nơi Chánh pháp luật mà có kẻ trộm lén
xuất gia, trộm thọ trì giới pháp rồi đem nói lại cho người, sẽ phải chịu thống khổ gấp bội hơn cả
người kia."
Trong lúc Phật nói pháp ấy rồi, ngoại đạo Tu­thâm nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 348. THẬP LỰC[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Như Lai thành tựu mười lực, được bốn vô úy, biết trú xứ của Phật trước kia[36], thường chuyển
Phạm luân[37], ở trong đại chúng phát lên tiếng gầm sư tử: 'Cái này có nên cái kia có, cái này
khởi nên cái kia khởi, có nghĩa là duyên vô minh nên có hành. Nói đầy đủ cho đến tập khởi thuần
một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn bị diệt.' Này các Tỳ­kheo, đây là giáo pháp chân
thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử; cho đến[38], người ấy tất khéo hiển hiện. Giáo pháp
chân thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử như vậy, đủ khiến cho người thiện nam phát lòng
tin, chân chánh xuất gia, phương tiện tu tập, sống không buông lung. Ở trong Chánh pháp luật,
tinh tấn chuyên cần khổ hạnh, dù da bọc xương, máu thịt khô kiệt, nếu chưa đạt được điều cần
482
phải đạt, thì không xả bỏ phương tiện ân cần tinh tấn, cứng rắn chịu đựng. Vì sao? Vì biếng nhác
thì an trụ với khổ, hay sanh ra các ác pháp bất thiện, nên kết sử hữu tương lai[39] bừng bừng,
làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; nghĩa lớn bị thoái giảm[40]. Người tinh
tấn vui đời sống cô độc, không sanh các ác pháp bất thiện đưa đến kết sử hữu tương lai, quả báo
khổ bừøng bừng; không làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; đây đủ nghĩa
lớn, đạt thành trường giáo pháp bậc nhất[41]. Đó là những người ở trước Đại sư, tự thân được
nghe nói pháp, tịch diệt, Niết­bàn, chánh hướng Bồ­đề, chánh giác của Thiện Thệ[42]. Cho nên
các Tỳ­kheo phải quán sát tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi, nên siêng năng tu học; rằng 'Ta nay xuất
gia không ngu, không mê, có quả có lạc[43]; những ai cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa
cụ, thuốc men, tất đều được quả báo lớn, phước lợi lớn'. Các ông nên học như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 349. THÁNH XỨ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Thiện lai Tỳ­kheo! Nếu khéo xuất gia, khéo được lợi mình, thì trong thời gian lâu dài lúc nào
cũng được sanh ra chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ, không ngu, không si, không câm ngọng
[44]; nói hay, nói dở đều có khả năng hiểu nghĩa.
"Ta nay trong đời này là Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, nói pháp tịch
diệt, Niết­bàn, chánh hướng đúng Bồ­đề, khéo đến Đẳng chánh giác
[45]. Tức là, 'Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh có
hành, duyên hành có thức... cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt thì
hành diệt... cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.'
"Này các Tỳ­kheo, các ông chỗ khó được đã được, sanh chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ... cho
đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt. Cho nên các Tỳ­kheo
phải học như vậy: Tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi; sự xuất gia như vậy, không ngu, không si, có
quả, có lạc, có quả báo lạc. Và người cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, chắc
chắn sẽ được quả báo tốt, phước lớn và lợi ích rộng lớn. Các Tỳ­kheo nên học như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 350. THÁNH ĐỆ TỬ[46]
Tôi nghe như vầy:
483
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Đa văn Thánh đệ tử không nên nghĩ rằng: 'Vì cái gì có nên cái này có, vì cái gì khởi nên cái này
khởi
[47]; vì cái gì không nên cái này không; vì cái gì diệt nên cái này diệt.' Nhưng đa văn Thánh đệ
tử nên biết rằng: 'Vì cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, tức là duyên vô
minh nên có hành... cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt nên hành
diệt... cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 351. MẬU­SƯ­LA[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Na­la, Tôn giả Mậu­sư­la, Tôn giả Thù Thắng và Tôn giả A­nan[49] đang ở
bên ao Tượng nhĩ tại nước Xá­vệ[50]. Bấy giờ Tôn giả Na­la nói với Tôn giả Mậu­sư­la:
"Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ
thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh không, tức là nói 'Do
sanh nên có già chết; không lìa sanh mà có già chết[51]'?"
Tôn giả Mậu­sư­la nói:
"Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ
thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: 'Vì có sanh nên
có già, chết, không thể ngoại trừ sanh mà có già, chết.' Có thuyết như vậy[52]."
"Bạch Tôn giả Mậu­sư­la, có tin tưởng khác... cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến
tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh, tức là nói: 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn[53]'
chăng?"
Tôn giả Mậu­sư­la đáp:
"Ngoại trừ tín,... cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy
phát sanh, tức là nói: 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn.'"
Tôn giả Na­la lại hỏi Tôn giả Mậu­sư­la:
"Nói rằng 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn;' vậy thì thầy có phải là A­la­hán đã dứt các lậu
chăng?'"
Tôn giả Mậu­sư­la im lặng, không đáp. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không đáp. Khi ấy Tôn
giả Thù Thắng nói với Tôn giả Mậu­sư­la:
484
"Thôi, Tôn giả cứ im lặng, tôi sẽ thay Tôn giả trả lời Tôn giả Na­la."
Tôn giả Mậu­sư­la nói:
"Tôi xin dừng nơi đây, Tôn giả hãy giải đáp giúp tôi."
Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na­la:
"Ngoại trừ tín,... cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy
phát sanh, tức là nói: 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn.'"
Bấy giờ, Tôn giả Na­la hỏi Tôn giả Thù Thắng:
"Ngoại trừ tín,... cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy
phát sanh, tức là nói: 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn; vậy nay Tôn giả là A­la­hán lậu tận'
chăng?"
Tôn giả Thù Thắng nói:
"Tôi nói 'Hữu diệt là tịch diệt, Niết­bàn,' nhưng tôi chẳng phải là A­la­hán sạch hết các lậu."
Tôn giả Na­la nói:
"Lời nói của Tôn giả không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Như Tôn giả nói 'Hữu diệt là tịch
diệt, Niết­bàn;' nhưng lại nói không phải là A­la­hán sạch hết các lậu, như vậy là thế nào?"
Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na­la:
"Bây giờ sẽ nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu liền. Như giữa cánh đồng vắng bên đường có
giếng nước, nhưng không có dây cũng không có gàu để lấy nước. Người đi đường lúc ấy bị cơn
khát bức bách, đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng không có gàu. Người ấy xem xét
kỹ nước giếng thấy biết như thật mà chẳng chạm vào thân. Cũng như thế tôi nói 'Hữu diệt là tịch
diệt, Niết­bàn,' nhưng tự mình chưa được là bậc A­la­hán sạch hết các lậu."
Khi ấy Tôn giả A­nan hỏi Tôn giả Na­la:
"Tôn giả Na­la nghĩ thế nào về điều Tôn giả Thù Thắng nói."
Tôn giả Na­la trả lời Tôn giả A­nan:
"Tôn giả Thù Thắng khéo nói và biết như thật, đâu còn gì để nói nữa."
Sau khi đàm đạo xong, các vị Chánh sĩ rời chỗ ngồi đứng lên, rồi ra đi.
485
KINH 352. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN (1)[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như
thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp,
thì người này chẳng phải là Sa­môn, chẳng được kể vào hàng Sa­môn, chẳng phải là Bà­la­môn,
chẳng được kể vào hàng Bà­la­môn. Người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa­môn hay Bà­la­môn
[55], ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những
gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Thế nào là chẳng biết như thật về pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự tập khởi của
pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự diệt tận của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về
con đường đưa đến sự diệt tận của pháp? Là đối với pháp già chết mà không biết như thật; và
không biết như thật về sự tập khởi đối với già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa
đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, không biết như thật đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc,
lục nhập xứ,... không biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập
xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Như vậy là không biết như thật về các
pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa
đến sự diệt tận của pháp.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật về pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về
sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì Sa­môn, Bà­la­môn này
được kể vào hàng Sa­môn, Bà­la­môn chân chánh, đúng với nghĩa Sa­môn, Bà­la­môn, ngay
trong đời này mà tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Biết như thật những pháp gì? Biết như thật những pháp gì, sự tập khởi của pháp gì, sự diệt tận
của pháp gì, con đường đưa đến sự diệt tận của pháp gì? Đó là pháp già chết nên biết như thật.
Nên biết như thật về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến
sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ nên biết như thật.
Nên biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập xứ, về con đường
đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Đó là biết như thật về các pháp; biết như thật về sự tập khởi
của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 353. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN (2)[56]
Tôi nghe như vầy:
486
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như
thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp,
thì người này chẳng phải là Sa­môn, chẳng được kể vào hàng Sa­môn, chẳng phải là Bà­la­môn,
chẳng được kể vào hàng Bà­la­môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa­môn, hay Bà­la­môn,
ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì
cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Không biết như thật về những pháp nào, không biết như thật về sự tập khởi của những pháp
nào, về sự diệt tận của những pháp nào, về con đường đưa đến sự diệt tận của những pháp nào?
Không biết như thật về pháp sáu nhập xứ; không biết như thật về sự tập khởi của sáu nhập xứ, về
sự diệt tận của sáu nhập xứ diệt, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ. Nhưng nếu
đối với xúc mà vị này lại biết như thật thì không thể được; đối với sự tập khởi của xúc, về sự diệt
tận của xúc, về con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà biết như thật, thì không thể có được.
Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà biết như thật thì cũng không thể có được.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào biết như thật về của sáu nhập xứ; biết như thật về sự tập khởi của
sáu nhập xứ, về sự diệt tận của sáu nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ,
thì việc biết như thật về sự hiện hữu của xúc, điều này có thể có được. Cũng vậy, biết như thật
đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết..., điều này có thể có được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 354. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN (3)[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
Nói như trên, chỉ có một vài điểm sai biệt như:
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn nào không biết như thật về sáu nhập xứ mà muốn vượt thoát khỏi
xúc, thì không thể có được; đối với sự tập khởi của xúc, sự diệt tận của xúc, con đường đưa đến
sự diệt tận của xúc mà muốn vượt thoát, thì cũng không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái,
thủ, hữu, sanh, già chết mà muốn vượt thoát khỏi chúng, điều này cũng không thể có được. Và
muốn vượt thoát khỏi sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự
diệt tận của già chết, điều này không thể có được.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào biết như thật sáu nhập xứ; biết như thật đối với sự tập khởi của sáu
nhập xứ, đối với sự diệt tận của sáu nhập xứ, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập
xứ, thì vượt thoát khỏi sự hiện hữu của xúc; điều này có thể có được. Cũng vậy, muốn vượt thoát
487
khỏi thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, điều này có thể có được,... muốn vượt thoát khỏi con
đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này có thể có được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, từ già chết... lục nhập xứ có ba kinh, từ già chết đến hành có ba kinh cũng nói như
vậy.
KINH 355. LÃO TỬ[58]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Hãy giác tri về già chết[59], giác tri về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về
con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy, cho đến giác tri về hành, về sự tập khởi của
hành, về sự diệt tận của hành, về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về già chết? Giác tri rằng duyên sanh nên có già chết, như vậy
gọi là giác tri về già chết.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi,
như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của già chết.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của già chết? Sanh diệt đi thì già chết cũng diệt,
như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của già chết.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết? Tám Thánh đạo,
đó là con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, như vậy gọi là giác tri lão về con đường đưa
đến sự diệt tận của tử.
"Cho đến, thế nào là hãy giác tri thế nào về hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành;
như vậy gọi là giác tri về sự hiện hữu của hành.
"Thế nào là hãy giác tri về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi; như vậy
gọi là giác tri về sự tập khởi của hành.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt đi thì hành cũng diệt, như
vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của hành.
"Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Tám Thánh đạo, đó
là con đường đưa đến sự diệt tận của hành, như vậy gọi là giác tri về con đường đưa đến sự diệt
tận của hành."
488
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 356. CHỦNG TRÍ[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn mươi bốn thứ trí
[61], hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Bốn mươi bốn thứ trí là gì? Đó là trí về già chết, trí về sự tập khởi của già chết, trí về sự diệt tận
của già chết, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với trí sanh, hữu,
thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về sự tập khởi của hành, trí về sự diệt tận
của hành, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Đây gọi là bốn mươi bốn trí."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 357. VÔ MINH TĂNG (1)[62]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ, thì bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Có bảy mươi bảy thứ trí, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thế nào là bảy
mươi bảy thứ trí? Đó là trí về sanh duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh làm
duyên mà có già chết
[63]; trí về sanh quá khứ làm duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh quá khứ làm
duyên mà có già chết; trí về sanh vị lai làm duyên nên có già chết; cùng với trí về pháp trụ, là trí
về vô thường, hữu vi, tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp
diệt, đoạn biến tri[64]. Cũng vậy, trí về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức,
hành; trí về vô minh duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh làm duyên mà có
hành; trí về vô minh quá khứ làm duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh quá
khứ làm duyên mà có hành; trí về vô minh vị lai làm duyên nên có hành, trí về sự chẳng phải
ngoài vô minh vị lai làm duyên mà có hành; cùng với trí pháp trụ là trí về vô thường, hữu vi, tâm
duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. Đó gọi
là bảy mươi bảy thứ trí."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
489
KINH 358. VÔ MINH TĂNG (2)[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có pháp tăng, pháp giảm, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Thế nào là pháp tăng? Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi, là do duyên
vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức... cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tậpï. Đó gọi
là pháp tăng.
"Thế nào là pháp giảm? Vì cái này không nên cái kia không, do cái này diệt nên cái kia diệt, là vì
vô minh diệt nên hành diệt... cho đến thuần một khối khổ lớn diệt. Đó gọi là pháp giảm."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như pháp tăng và pháp giảm. Cũng vậy, pháp sanh, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận
cũng nói như trên.
Như ba kinh đang nói, nên biết có ba kinh cũng nói như trên.
KINH 359. TƯ LƯƠNG (1)[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu để cho suy lường, để cho vọng tưởng sanh khởi, để cho kia sai sử, thì thức duyên níu mà
tồn tại[67]. Vì có chỗ duyên níu cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não
và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Nếu không suy lường, không vọng tưởng, không để cho kia sai sử thì thức không có chỗ duyên
níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ,
não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 360. TƯ LƯƠNG (2)[68]
Tôi nghe như vầy:
490
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử[69] khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có
chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có sanh, lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn.
"Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại.
Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào
danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai bị diệt và thuần một khối khổ lớn
như vậy bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 361. TƯ LƯƠNG (3)[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ
duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc[71]. Vì nhập vào danh sắc nên có qua lại.
Vì có qua lại nên có sanh tử. Vì có sanh tử nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai
và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.
"Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại.
Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào
danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng bị
diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 362. ĐA VĂN ĐỆ TỬ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có Tỳ­kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ­kheo đa văn?"
491
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói.
Các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, nếu có Tỳ­kheo nào nghe pháp già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt
tận, thì đó gọi là Tỳ­kheo đa văn. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ,
danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ­kheo đa văn. Đó là Như
Lai tuyên bố về Tỳ­kheo đa văn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 363. THUYẾT PHÁP TỲ­KHEO (1)[72]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Gọi là Tỳ­kheo thuyết pháp
[73]. Thế nào là Tỳ­kheo thuyết pháp? Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ­kheo thuyết
pháp?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói;
các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo nào nói về già, bệnh, chết, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó là Tỳ­kheo
thuyết pháp. Cũng vậy, nói các pháp sanh, thủ, hữu, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức,
hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ­kheo nói pháp. Các Tỳ­kheo, đó là Như
Lai nói về Tỳ­kheo nói pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 364. THUYẾT PHÁP TỲ­KHEO (2)[74]
Tôi nghe như vầy:
492
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Gọi là hướng đến pháp thứ pháp
[75], vậy này các Tỳ­kheo, thế nào là hướng đến pháp thứ pháp?"
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói;
các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo nào đối với già, bệnh, chết mà sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là
hướng đến pháp thứ pháp. Cũng vậy, từ sanh cho đến hành, mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng
đến diệt tận, thì đó gọi là hướng đến pháp thứ pháp. Đây cũng gọi là Như Lai thi thiết sự hướng
đến pháp thứ pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Pāli, S. 12. 24. Aññatitthiyā; 25. Bhūmija.
[2]. Phù­di 浮彌. Pāli: Bhūmija, lúc bấy giờ ở tại Sāvatthi (S. 12. 25).
[3]. Pāli: sayaṃkataṃ dukkhaṃ, khổ do tự mình tạo ra.
[4]. Hán: ký thuyết 記說.
[5]. Tham chiếu, Trung A­hàm kinh 9; Pāli, M. 9. Sammadiṭṭhi.
[6]. Pāli (M.9): Kittavatā nu kho, āvuso, ariyasāvako sammādiṭṭhi hoti, cho đến mức nào
Thánh đệ tử có chánh kiến.
[7]. Pāli: dhamme aveccappasādena samannāgato, thành tựu bát hoại tín ở trong pháp. Bất hoại
tín, hay bất động tín, cũng nói là chúng tịnh (Pāli: aveccapasāda). Có bốn chứng tịnh, được gọi là
bốn thành phần của Dự lưu quả: Phâït chứng tịnh, Pháp chứng tịnh, Tăng chứng tịnh, Thánh giới
chứng tịnh. Xem Trường A­hàm kinh 7; Pāli, D. 33. Saṅgīti : cattāri sotāpannassa aṅgāni, (...)
buddhe aveccapasādena samannāgato hoti (...), dhamme... saṅghe... ariya­kantehi sīlehi
samannāgato hoti.
[8]. Bốn loại thức ăn, hay tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực 麤摶食,
細觸食, 意思食, 識食. Pāli: cattaro āhārā; kabaliṅko āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso
dutiyo, mano­sañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.
493
[9]. Bỉ bỉ lạc trước 彼彼樂著: ham muốn đời sau ta sẽ sanh chỗ này, chỗ kia. Pāli:
tatratatrābhinandī (S. iii. 158).
[10]. Trong bản, bệnh  Theo nội dung trả lời dưới, sửa lại là lậu 
[11]. Ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu  xem Trường Ahàm kinh 7. Pàli, D. 33. Saígìti, tayo àsavà: kàmàsavo, bhavàsavo, avijjàsavo.
[12]. Trong bản: "Trong pháp luật của Ta".
[13]. Như cht. 12 trên.
[14]. Như cht.12 trên.
[15]. Pāli, S. 12. 31. Bhūtaṃ; 32. Kaḷāra.
[16]. Ba­la­diên­da A­dật­đa sở vấn 波羅延耶阿逸多所問. Pāli: vuttaṃ, sāriputta, pārāyane
ajitapañhe, điều đã được nói trong câu hỏi của Ajita trong (kinh) Pārayana (Suttanipāte pañcassa
Pārāyanavagassa Ajitapañhā, Kinh tập bộ, phẩm Pārāyayana, những câu hổi của Ajita).
[17]. Pháp số 法數. Pāli: sankhātadhamma, (người) đã truy cứu pháp, đã thấu hiểu pháp. Do
saṅkhāta: được tính toán, nên Hán dịch là pháp số. Bản Ấn Thuận sửa lại là pháp giáo 法教.
Quốc Dịch cũng vậy.
[18]. Pāli: ye ca sekkhā putthū idha, ở đây, những vị hữu học và các phàm phu.
[19]. Xem cht.17 trên.
[20]. Nguyên Hán: chân thật 真實. Pāli: bhūtam idanti sāriputta passasī ti? Này Sāriputta, đây là
sinh vật, ngươi có thấy chăng? Tiếng Phạm: bhùta, có nghĩa là chân thật (hình dung từ) và cũng
có nghĩa là sinh vật (danh từ), chỉ các loài có sự sống hay mầm sống.
[21]. Trong nghĩa này, Hán "chân thật" rõ ràng là sai. Xem cht. trên.
[22]. Pāli, A. 10. 76. Tayodhamma.
[23]. Thất niệm 失念, tức quên mất chánh niệm, xao lãng. Pāli: muṭṭhascca.失念
[24]. Hán: điệu, bất luật nghi, bất học giới 掉,不律儀,不學戒. Pāli: uddhaccaṃ asaṃvaraṃ
dusslīyaṃ. trạo cử, không phòng hộ, ác giới.
[25]. Pāli, S. 12. 70. Susima.
[26]. Tu­thâm (niên thiếu) 須深. Pāli: Susima­paribbājaka, Susima, ngoại đạo xuất gia.
494
[27]. Trong bản Pāli, Susima thấy thỉnh thoảng có nhiều Tỳ­kheo đến trước Thế Tôn tuyên bố
chánh trí, tức tự xác nhận đã chứng quả A­la­hán (bhgavato santike aññā vyākatā hoti). Susima
tò mò nên đi theo hỏi.
[28]. Hán: Thánh thuyết cập xả 聖說及捨. Pāli: yan taṃ ariyā ācikkhanti upekkhako
satimasukhāvihārī ti, điều mà các Thánh nói là xả, có chánh niệm, an trụ lạc.
[29]. Xả tịnh niệm nhất tâm 捨淨念一心. Pāli: upekkha­sati­pārisuddhiṃ, xả và niệm thanh
tịnh.
[30]. Đề cập tám giải thoát (Pāli: aṭṭha vimokhā); từ căn bản đệ Tứ thiền Sắc giới, vượt qua Sắc
và Vô sắc, cuối cùng nhập tưởng thọ diệt tận định. Pāli: ye te santa vimokkhatā atikkamma rūpe
ārppā te kāyena phusitvā viharati, tịch tĩnh giải thoát, siêu việt Sắc Vô sắc, sau khi xúc cảm bằng
thân, vị ấy an trụ.
[31]. Pāli: ida ñca veyyākaraṇaṃ imesañca dhammānaṃ asamāpatti, không có sự chứng đắc đối
với lời tuyên bố (ký thuyết) này và những pháp này.
[32]. Tuệ giải thoát 慧解脫, được giải thoát (đắc A­la­hán) do tuệ chớ không do định. Pāli:
paññāvimutta.
[33]. Chánh thọ 正受 (Pāli: samāpatti), nghĩa thường: đã đi đến nơi, thành tựu; nghĩa chuyên
biệt: đạt đến trạng thái thiền và định; theo nghĩa này, phiên âm là tam­ma­bát­để, hoặc dịch là
chánh thọ, định lực, đẳng chí. Trong ngữ cảnh đoạn văn này, nó chỉ có nghĩa chưa chứng đắc
(Pāli: asamāpatti).
[34]. Pāli: pubbe (...) dhammaṭṭhitiññāṇaṃ, pacchā nibbāne ñāṇaṃ, trước hết là pháp trụ trí, sau
đó là Niết­bàn trí.
[35]. Pāli, S. 12. 21­22. Dasabala.
[36]. Tri tiên Phật trú xứ 知先佛住處, tức là tự xác nhận ở vị trí của chư Phật quá khứ. Pāli:
āsabhaṃ ṭhānaṃ paṭijānāti, tự tuyên bố vị trí ngưu vương, tức tư xác nhận vị trí hướng dẫn
chúng sanh.
[37]. Chuyển Phạm luân 轉梵輪. Pāli: brahmacakkaṃpavatteti
[38]. Trong nguyên bản, tiết lược theo đoạn văn tương tự; nhưng từ trước, chưa tìm thấy đoạn
nào tương tợ.
[39]. Đương lai hữu kết 當來有結, kết sử dẫn đến hữu tương lai, tức dẫn đến tái sanh đời sau.
[40]. Thoái kỳ đại nghĩa, tức là đánh mất mục đích cao thượng, tổn thất ích lợi lớn. Pāli:
mahantañ ca sadatthaṃ parihāpeti, tổn thất đại lợi.
495
[41]. Đệ nhất giáo pháp chi trường 第一教法之場. Pāli: na, bhikkhave, hīnena agassa patti hoti.
aggena ca kho, bhikkhave, aggassa patti hoti, không bằng cái thấp hèn mà đạt đến cái cao thượng
(đệ nhất). Chính bằng cái cao thượng mà đạt đến cái cao thượng.
[42]. Tức pháp được khéo hiển hiện nên dẫn đến tịch tĩnh; dẫn đến Niết­bàn; dẫn đến Bồ­đề của
Thanh văn và Chánh giác của Phật.
[43]. Pàli: evaư no ayaư amhàkaư pabbajjà avaĩjhà bhavissati saphalà sa­udrayà, sự xuất gia của
ta như vậy sẽ không phải là vô tích sự, mà có kết quả, có thành quả.
[44]. Hán: bất tu thủ ngữ 不須手語, không cần nói bằng tay.
[45]. Xem cht. 42 trên.
[46]. Pāli, S. 12. 49. Ariyasāvaka.
[47]. Pāli: kiṃ nu kho kismiṃ sati kiṃ hoti; kissūppadā kiṃ uppajjati, trong khi cái gì hiện hữu,
cái đó hiện hữu? Do cái gì sanh mà cái gì đó sanh?
[48]. S. 12. 68. Kosambī.
[49]. Na­la 那羅 (Pāli: Nārada), Mậu­sư­la 茂師羅 (Musila), Thù­thắng 殊勝 (Paviṭṭha) A­nan
阿難 (Ānanda).
[50]. Bản Pāli: ở tại Kosambiyaṃ Ghositārāme.
[51]. Hán: dị tín, dị dục, dị văn, dị hành giác tưởng, dị kiến thẩm đế nhẫn
異信,異欲,異聞,異行覺想, 異見審諦忍. Pāli: aiñatreva (...) saddhāya aññatra ruciyā anussava
aññatra ākāraparivitakkā aññatra diṭṭhinijjhānakkhantiyā . Tiếng Phạn: aññatra, một cách khác
biệt, hay ngoại trừ; Hán dịch là dị, nên hiểu là trạng từ chứ không phải tính từ.
[52]. Pāli: paccattam eva ñāṇaṃ, tự mình có nhận thức như vậy.
[53]. Pāli: bhavanirodho nibbānan ti, sự diệt tận của hữu là Niết­bàn.
[54]. S. 12. 13. Samaṇ­brāhmaṇā.
[55]. Sa­môn nghĩa, Bà­la­môn nghĩa 沙門義, 婆羅門義. Pāli: sāmaññatthaṃ
brāhamaññatthaṃ, đối với mục đích của Sa­môn, Bà­la­môn.
[56]. S. 12. 14. Samaṇa­brāhmaṇā.
[57]. S. 12. 71­81. Samaṇa­brāhmaṇā.
496
[58]. Pāli, S. 12. 28. Bhikkhu.
[59]. Pāli: bhikkhu jarāmaraṇam pajānāti.
[60]. Pāli, S. 12. 33. Ñāṇavatthūni (1).
[61]. Tứ thập tứ chủng trí 四十四種智. Pāli:catucattārīaṃñāṇavatthūni, bốn mươi bốn sự kiện
của trí.
[62]. Pāli, S. 12. 34. Ñāṇavatthūni (2).
[63]. Pāli: asati jātiyā natthi jarāmaraṇanti, trí (nhận thức) về sự kiện, khi không có sanh thì
không có già chết.
[64]. Pāli: yampissa taṃ dhammaṭṭhitiñāṇaṃ taṃpi khayadhammaṃ vayadhammaṃ
virāgadhammaṃ nirodhadhamman ti ñāṇaṃ, nơi nào có pháp trụ trí, nơi đó cũng có trí (nhận
thức) về pháp tận diệt, pháp hủy hoại, pháp ly tham, pháp diệt.
[65]. Pāli, S. 12. 35­36. Avijjā­paccāya.
[66]. Pāli, S. 12. 38. Cetanā (1).
[67]. Pāli: yañ ca bhikkhave ceteti yañca pakappeti yañca anuseti, ārammaṇam etaṃ hoti
ñāṇassa ṭhitiyā, tư duy về cái gì, trù tính về cái gì, ấp ủ cái gì, thức sẽ vin níu vào cái đó mà trụ.
[68]. Pāli, S. 12. 39. Cetanā (2).
[69]. Hữu sử 有使; kinh 359: bỉ sử 彼使. Pāli: yañca anusevati: nó tiềm phục theo cái gì, nó
thầm nghĩ về cái gì. Bản Hán đọc là anusevati: theo phục vụ. Xem cht.67 kinh 359 trên.
[70]. S. 12. 40. Cetanā.
[71]. Pāli: tasmiṃ patiṭṭhe viññāṇe virūḷhe nati hoti; natiyā sati āgatigati hoti, khi thức an trụ và
tăng trưởng, nó có xu hướng. Do có xu hướng, có sự đến và đi.
[72]. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.
[73]. Pāli: dhammakathiko.
[74]. S. 12. 16. Dhammakathika.
[75]. Pháp thứ pháp hướng 法次法向, cũng nói là pháp tùy pháp hành 法隨行向. Pāli:
dhammānudhammā­paṭipanno, thực hành pháp và tùy pháp, thực hành tùy thuận theo tuần tự của
pháp.
497
TẠP A-HÀM QUYỂN 15
KINH 365. THUYẾT PHÁP[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Gọi là 'Bát­niết­bàn ngay trong đời hiện tại[2].' Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát­niết­bàn
ngay trong đời hiện tại?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi
xin vì chúng con mà nói về Niết­bàn ngay trong đời hiện tại. Các Tỳ­kheo nghe xong sẽ y theo
lời dạy mà thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Nếu có Tỳ­kheo đối với già, bệnh, chết
sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ­kheo
Bát­niết­bàn ngay trong đời hiện tại."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 366. TỲ­BÀ­THI[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đức Phật Tỳ­bà­thi[4] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn
thiền định tư duy và nghĩ như vầy: 'Tất cả thế gian đều nhập vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín,
tự diệt và tự chìm mất[5], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật về con đường xuất
thế gian, vượt qua khỏi già chết.' Ngài liền tự quán sát: 'Do duyên gì mà có già chết này?' Ngài
quán sát tư duy chân chánh như vậy, đạt được hiện quán như thật[6], khởi lên biết: 'Vì có sanh
nên có già chết này, vì duyên vào sanh nên có già chết.' Ngài lại chân chánh tư duy: 'Do duyên
gì nên có sanh này?' Ngài lại chân chánh tư duy nên đạt được hiện quán như thật, biết rằng: 'Do
duyên hữu nên có sanh.' Ngài lại chân chánh tư duy: 'Vì duyên gì nên có hữu?' Ngài lại chân
chánh tư duy, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: 'Do có thủ nên có hữu.' Ngài lại tư duy
chân chánh: 'Do duyên gì nên có thủ?' Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật,
quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên
498
biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão,
tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên
đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, thì đèn kia luôn sáng, thắp
sáng không ngừng.' Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây[7]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Phật Tỳ­bà­thi; cũng vậy Phật Thi­khí, Phật Tỳ­thấp­bà­phù, Phật Ca­la­ca­tôn­đề, Phật Cana­ca Mâu­ni, Phật Ca­diếp[8] đều nói chi tiết như trên.
KINH 367. TU TẬP[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Tỳ­kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì
Tỳ­kheo cần phải tinh tấn siêng năng phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng,
hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật[10],
sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết
được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành được hiển
hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành
được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 368. TAM­MA­ĐỀ[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nên tu vô lượng tam­ma­đề, chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng Tam­ma­đề, khi đã
chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như
thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường,
hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 369. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (1)[12]
499
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Thuở xưa Đức Phật Tỳ­bà­thi khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ­đề[13] không bao lâu thì
thành Phật. Rồi đến dưới cây Bồ­đề trải cỏ làm tòa ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi
suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: 'Do cái này có nên
cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành... cho đến, duyên sanh
nên có già chết và tụ tập thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt."
Đức Phật Tỳ­bà­thi sau đúng bảy ngày tịnh tọa, từ tam­muội tỉnh giác nói kệ này:
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên sanh.
Nếu biết nhân sanh khổ,
Biết các thọ diệt tận,
Biết pháp nhân duyên hết,
Thì biết hữu lậu hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết có nhân sanh khổ.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết các thọ diệt hết.
Các pháp sanh như thế,
500
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết hết các hữu lậu.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Chiếu sáng khắp thế gian,
Như mặt trời giữa không,
Phá tan các quân ma,
Biết các kết giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Phật Tỳ­bà­thi; cũng vậy Phật Thi­khí, Phật Tỳ­thấp­ba­phù, Phật Ca­la­ca­tôn­đề, Phật Cana­ca ­Mâu­ni, Phật Ca­diếp[14] cũng nói như vậy.
KINH 370. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tòa đại Bồ­đề[15], bên bờ sông Ni­liên­thiền, tại Uất­tỳ­la[16], thì sau đó một
thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ­đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết
già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.
KINH 371. THỰC[17]
Tôi nghe như vầy:
501
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí;
bốn là thức ăn của thức[18]. Bốn loại thức ăn này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc[19] gì? Bốn
loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, ái là sanh, ái là xúc. Ái này do nhân gì, tập gì, sanh gì,
xúc gì? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ là sanh, thọ là xúc. Thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì,
xúc gì? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc là sanh, xúc là xúc. Xúc này do nhân là gì, tập gì,
sanh gì, xúc gì? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ là sanh, sáu nhập
xứ là xúc. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tụ tập, thọ tụ tập thì ái tụ tập, ái
tụ tập thì thức ăn tụ tập. Vì thức ăn tụ tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai tụ
tập và thuần một khối khổ lớn tụ tập như vậy. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc
diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Vì thức ăn diệt nên sanh, lão, bêïnh,
tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai cũng diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập cũng bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 372. PHẢ­CẦU­NA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí;
bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ­kheo tên là Phả­cầu­na
[21] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn ai ăn thức này [22]?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
"Ta không nói có người ăn thức
[23]. Nếu Ta nói có người ăn thức, thì ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy
ngươi nên hỏi như vầy: 'Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?' Ta sẽ đáp: 'Thức ăn của
thức, có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho nó tiếp tục sanh; do có hữu nên có sáu nhập xứ;
do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.'"
Phả­cầu­na lại hỏi:
"Ai xúc?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
502
"Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: 'Ai xúc?' Ở
đây ngươi nên hỏi như vầy: 'Do nhân duyên gì mà sanh xúc?' Ta sẽ đáp như vầy: 'Do sáu nhập
xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.'"
Lại hỏi:
"Ai thọ?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
"Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, thì ngươi nên hỏi: 'Ai thọ?' Ở đây ngươi
nên hỏi: 'Do nhân duyên gì nên có thọ?' Ta sẽ đáp như vầy: 'Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ
làm duyên nên có ái.'"
Lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, ai ái [24]?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
"Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái, thì ngươi nên hỏi: 'Ai ái?' Ở đây ngươi nên
hỏi: 'Do nhân duyên gì nên có ái?' Ta sẽ đáp như vầy: 'Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên
nên có thủ.'"
Lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, ai thủ?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
"Ta không nói có người thủ. Nếu Ta nói có người thủ thì ngươi nên hỏi: 'Ai thủ?' Ở đây ngươi
nên hỏi: 'Vì duyên gì nên có thủ?' Ta sẽ đáp: 'Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có
hữu.'"
Lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, ai hữu [25]?"
Phật bảo Phả­cầu­na:
"Ta không nói có người hữu. Nếu Ta nói có người hữu thì ngươi nên hỏi: 'Ai hữu?' Ở đây ngươi
nên hỏi: 'Do duyên gì nên có hữu?' Ta sẽ đáp: 'Do duyên thủ nên có hữu; có thể chiêu cảm sự
chuyện hiện của hữu
[26] trong vị lai.' Đó gọi là do có hữu nên có sáu nhập xứ; sáu nhập xứ duyên xúc, xúc duyên
thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi,
503
khổ, não và thuần một khối khổ tụ tập như vậy. Ngược lại nếu lục nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc
diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt,
sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 373. TỬ NHỤC[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý
chí; bốn là thức ăn của thức.
"Tỳ­kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?
"Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con
đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực,
không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: 'Chúng ta có một đứa con rất mực là thương
yêu; nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu
chết!' Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt
con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ­kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con
há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, không phải vậy!"
Lại hỏi:
"Này các Tỳ­kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con để vượt qua khỏi đường hiểm
trong hoang mạc chăng?"
Đáp:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Phàm ăn thức ăn vo nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy thì thức ăn vo nắm được đoạn,
được biết; thức ăn vo nắm được đoạn, được biết
504
[28] rồi, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Đối với ngũ dục tâm tham ái đã
đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kết sử
nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.
"Tỳ­kheo quán sát thức ăn bằng xúc chạm như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi
nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì
bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng
ăn; nằm xuống đứng lên thường bị đau đớn thân mình. Như vậy, Tỳ­kheo đối với xúc thực nên
quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc
thực, thì ba thọ ắt sẽ đoạn trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì
cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.
"Tỳ­kheo quán sát thức ăn bằng ý chí như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa,
nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ,
hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: 'Nơi kia có lửa lớn, nhưng không
khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không
nghi gì nữa.' Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực
cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đoạn; người trừ được ý tư thực thì ba
ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm
nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.
"Tỳ­kheo quán sát thức ăn của thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính tuần phòng
bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu­thâm đã nói ở trước). Vì
nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức
thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì thức thực được đoạn, được biết. Thức thực đã
đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ được đoạn, được biết. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh
đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 374. HỮU THAM (1)[29]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý
chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ­kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì
thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc
[30]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ
tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tụ tập sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập
thuần một khối khổ lớn.
505
"Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn
không trụ, không tăng trưởng; vì thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào
danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng; vì hành không tăng trưởng
nên hữu đời sau không sanh, không lớn; vì hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi
sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và thuần một khối khổ đã tụ tập sẽ diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 375. HỮU THAM (2)[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một
đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ­kheo nào đối với bốn
loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn
này mà không tham, không hỷ, thì ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 376. HỮU THAM (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý
chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ­kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có
hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.
"Ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông,
ánh sáng chiếu trên vách phía Tây. Cũng vậy, Tỳ­kheo đối với bốn loại thức ăn này mà có tham,
có hỷ (như đã nói rộng ở trước cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn). Nếu đối với bốn loại thức
ăn này mà không tham, không hỷ... (như đã nói rộng ở trước cho đến thuần một khối khổ lớn tụ
tập diệt đi).
"Các Tỳ­kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở
hướng Đông sẽ chiếu vào đâu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
506
"Rọi vào vách phía Tây."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu không có vách phía Tây, thì mặt trời sẽ chiếu vào đâu?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Mặt trời sẽ chiếu sáng hư không, không có chỗ duyên vào."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì thức không
có chỗ trụ, cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 377. HỮU THAM (4)[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý
chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ­kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có
hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.
Này các Tỳ­kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời
mọc ở hướng Đông sẽ chiếu sáng hướng nào?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Sẽ chiếu sáng ở vách phía Tây."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Cũng vậy, đối với bốn loại thức ăn mà có tham, có hỷ, thời thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ
tập thuần một khối khổ lớn. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì thức
cũng không trụ, tăng trưởng; cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.
"Này các Tỳ­kheo, ví như họa sư và học trò của họa sư, gom các màu sắc muốn tô điểm vẽ vời
giữa hư không, thì có thể vẽ được không?"
507
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch không thể được. Vì sao? Vì hư không này không phải sắc, không có đối ngại, không thể
thấy. Cũng vậy, Tỳ­kheo đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì không có
thức tồn tại, tăng trưởng cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt như vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 378. HỮU THAM (5)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì
là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý
chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ­kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có
hỷ, thì thức trừ và tăng trưởng cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.
"Này các Tỳ­kheo, thí như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, muốn trang trí vẽ vời
những hình ảnh trên sắc chất. Các Tỳ­kheo, ý các ông nghĩ sao? Họa sư này hoặc đệ tử của ông
này có thể dùng màu sắc trang trí vẽ vời trên sắc chất được không?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy, họ có thể trang trí vẽ vời trên sắc chất."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Tỳ­kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng... cho đến
tụ tập thuần một khối khổ lớn. Này các Tỳ­kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không
tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng,... cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ
tập bị diệt. Này các Tỳ­kheo, ví như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, mà muốn
không cần sắc chất để trang trí vẽ vời các hình ảnh, thì có thể vẽ vời được không?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không thể được."
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì không
có thức tồn tại, tăng trưởng,... cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
508
KINH 379. CHUYỂN PHÁP LUÂN[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
năm vị Tỳ­kheo:
"Đây là Khổ Thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh
nhãn, trí, minh, giác
[34]. Đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là vốn pháp chưa từng nghe, khi
được tư duy chân chánh, thì phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ Thánh đế đã biết, cần phải biết
[35], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, cần phải đoạn, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy
chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, cần phải tác chứng; là pháp vốn chưa từng nghe, khi
được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, cần phải tu, là pháp vốn chưa từng nghe, khi
được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, Tỳ­kheo, đây là Khổ Thánh đế đã biết, đã xuất
[36], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn
[37], đã xuất; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí,
minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã tác chứng, đã xuất
[38]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, đã tu, đã xuất
[39]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
"Này các Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành
[40], Ta nếu không sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm,
Sa­môn, Bà­la­môn và các chúng nghe pháp[41], Ta không bao giờ được coi là đã giải thoát, đã
xuất ly và cũng không tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với bốn Thánh đế
này, với ba chuyển, mười hai hành, Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác; do đó, ở giữa
chư Thiên, Ma, Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn và các chúng nghe pháp, Ta đã đã giải thoát, đã xuất
ly và tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác."
Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, Tôn giả Kiều­trần­như
509
[42] cùng tám vạn chư Thiên xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh."
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiều­trần­như:
"Biết pháp chưa?"
Kiều­trần­như bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đã biết."
Lại hỏi Tôn giả Kiều­trần­như
[43]:
"Biết pháp chưa?"
Câu­lân bạch Phật:
"Bạch Thiện Thệ, đã biết."
Vì Tôn giả Câu­lân đã biết pháp cho nên gọi là A­nhã Câu­lân
[44].
Sau khi Tôn giả A­nhã Câu­lân đã biết pháp, Địa thần xướng lên rằng:
"Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại, đã ba
lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa­môn, Bà­la­môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa
từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa
lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho Trời, Người, làm tăng thêm số chúng cõi Trời, giảm bớt
chúng A­tu­la."
Địa thần xướng lên xong, vọng đến các thần hư không, vua trời Tứ thiên, trời Tam thập tam, trời
Diệm­ma, trời Đâu­suất­đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, lần lượt truyền xướng, trong khoảnh
khắc, lại vọng đến cõi Phạm thiên, nghe truyền vang âm thanh rằng:
"Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại đã ba lần
chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa­môn, Bà­la­môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng
chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi
và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho trời, người, làm tăng thêm số chúng cõi trời, giảm bớt
chúng A­tu­la."
Vì Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại chuyển pháp luân, cho
nên kinh này được gọi là kinh Chuyển pháp luân
[45].
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
510
KINH 380. TỨ ĐẾ (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 381. TỨ ĐẾ (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu Tỳ­kheo nào đối với bốn Thánh đế mà chưa hiện quán
[46], thì phải nên tu tập hiện quán, khởi ý muốn tăng thượng, nỗ lực tìm phương tiện, chánh
niệm, chánh tri, cần phải học[47]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 382. ĐƯƠNG TRI[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế nên biết, nên hiểu; đối với Khổ
tập Thánh đế nên biết, nên đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế nên biết, nên chứng; đối với con
đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế nên biết, nên tu
[49]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 383. DĨ TRI
Tôi nghe như vầy:
511
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu
[50]. Như vậy, Tỳ­kheo đoạn ái dục, cởi bỏ các kết sử, đối với mạn, chứng đắc hiện quán[51],
đến nơi tột cùng của mé khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 384. LẬU TẬN[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu
[53]. Như vậy, Tỳ­kheo này được gọi là A­la­hán, các lậu đã hết, việc làm đã xong, lìa các gánh
nặng, đã đạt được mục đích mình[54], hết sạch các kết sử, chánh trí, khéo giải thoát."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 385. BIÊN TẾ[55]
Tôi nghe như vầy:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu
[56]. Như vậy, Tỳ­kheo này đạt đến tận cùng cứu cánh, tận cùng lìa hết cấu nhiễm, tận cùng
phạm hạnh đã hoàn thành, thuần nhất trong sạch, được gọi là Thượng sĩ[57]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
512
KINH 386. HIỀN THÁNH (1)
Tôi nghe như vầy:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ­kheo không còn then khóa, san
bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng
ngọn cờ Thánh
[58]."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 387. HIỀN THÁNH (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
năm vị Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ­kheo không còn then khóa, san
bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng
ngọn cờ Thánh
[59]."
"Này các Tỳ­kheo, thế nào là không còn then khóa [60]? Năm hạ phần kết sử[61] đã lìa, đã biết;
đó gọi là không còn then khóa.
"Thế nào là san bằng thành hào [62]? Hào sâu vô minh đã đoạn, đã biết; đó gọi là san bằng thành
hào[63].
"Thế nào là vượt qua các hiểm nạn [64]? Giải thoát sanh tử, tận cùng mé khổ[65]; đó gọi là vượt
qua các hiểm nạn.
"Thế nào là cởi mở các ràng buộc [66]? Ái đã đoạn, đã biết[67].
"Thế nào là dựng ngọn cờ Thánh đạo [68]? Ngã mạn đã đoạn[69], đã biết; đó gọi là dựng ngọn
cờ Thánh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
513
KINH 388. NGŨ CHI LỤC PHẦN[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
năm vị Tỳ­kheo:
"Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập
Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa
đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Đó gọi là Tỳ­kheo đoạn năm chi, thành sáu
phần, thủ hộ một, nương dựa vào bốn, trừ bỏ các đế, lìa các đường ngả tư, chứng các giác tưởng,
tự chính mình tạo tác, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, thuần nhất trong sạch, đó gọi là
Thượng sĩ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 389. LƯƠNG Y
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có bốn pháp, nếu thành tựu thì được gọi là bậc Đại y vương, đầy đủ các chi phần cần phải có.
Những gì là bốn? Một là khéo biết bệnh; hai là khéo biết nguyên nhân của bệnh; ba là khéo biết
cách đối trị bệnh; bốn là khéo biết trị bệnh để về sau bệnh không còn tái phát nữa.
"Thế nào gọi là lương y khéo biết bệnh? Lương y biết rành các chủng loại bệnh như vậy, như
vậy; đó gọi là lương y khéo biết bệnh.
"Thế nào là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh? Lương y biết rành bệnh này do gió gây nên,
do đàm ấm gây nên, nước nhớt nước dãi gây nên, khí lạnh gây nên, do các sự việc hiện tại gây
nên, do thời tiết gây nên; đó gọi là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh.
"Thế nào là lương y khéo biết cách đối trị bệnh? Lương y biết rành các loại bệnh, nên thoa thuốc,
nên cho mửa, cho xổ, nên nhỏ mũi, nên xông, nên cho ra mồ hôi; và những cách đối trị đại loại
như vậy; đó gọi là lương y khéo biết cách đối trị.
"Thế nào là lương y khéo biết trị bệnh rồi về sau bệnh không còn tái phát nữa? Lương y khéo trị
tất cả các chứng bệnh, khiến dứt trừ hoàn toàn, vĩnh viễn không tái phát trở lại sau này nữa; đó
gọi là lương y khéo biết trị bệnh không còn tái phát nữa.
"Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác là Bậc Đại Y vương đã thành tựu bốn đức, chữa lành
bệnh chúng sanh cũng lại như vậy. Bốn đức là gì? là Như Lai biết như thật đây là Khổ Thánh đế;
514
biết như thật đây là Khổ tập Thánh đế; đã biết như thật đây là Khổ diệt Thánh đế, biết như thật
đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
"Này các Tỳ­kheo, các lương y thế gian không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh,
không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như Lai, Ứng
Cúng, Đẳng Chánh Giác là vị Đại Y vương, biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, lão,
tử, ưu, bi, khổ, não. Vì thế nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác được gọi là Đại Y
vương."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 390. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN (1)[71]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật
Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này,
không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, các Sa­môn, Bà­lamôn ấy chẳng phải là Sa­môn của Sa­môn, là Bà­la­môn của Bà­la­môn. Những người ấy, đối
với nghĩa của Sa­môn, nghĩa Bà­la­môn, không thể trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng
[72] 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái
sanh đời sau nữa.'
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về
sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh
đế về về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, thì nên biết các Sa­môn, Bà­la­môn ấy
chính là Sa­môn của Sa­môn, là Bà­la­môn của Bà­la­môn; những người ấy, đối với nghĩa của
Sa­môn, nghĩa Bà­la­môn, trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Cho nên, này các Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế hiện quán, nên khởi lòng mong muốn hơn lên,
tinh cần, nỗ lực, phương tiện tu học. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 391. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN (2)[73]
Tôi nghe như vầy:
515
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo
năm vị Tỳ­kheo:
Nói rộng như trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:
"Nếu không biết như thật bốn Thánh đế, nên biết Sa­môn, Bà­la­môn này chẳng phải Sa­môn số,
chẳng phải Bà­la­môn số
[74]. Nếu biết như thật đối với Thánh đế, thì Sa­môn, Bà­la­môn này..." cho đến...
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 392. NHƯ THẬT TRI[75]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật
Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này,
không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa­môn,
Bà­la­môn này không thoát được khổ.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự
tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế
về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa­môn, Bà­la­môn này thoát được khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như đối với Khổ không giải thoát và giải thoát, chi tiết như trên; cũng vậy: [76]
­ Đối với (xả) đường ác không giải thoát và giải thoát.
­ Có thể xả giới thoái giảm và không xả giới thoái giảm.
­ Có thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân và không thể tự tuyên bố đã chứng đắc
pháp thượng nhân.
­ Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt và không thể ngoài (chánh
pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt.
­ Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu bậc Đại sư và không thể ngoài (chánh pháp)
này mà tìm cầu Đại sư.
­ Không thể vượt qua khỏi khổ và có thể vượt qua khỏi khổ.
516
­ Không thể thoát khổ và có thể thoát khổ.
Như những kinh trên đều lập lại tiếp theo bằng kệ:
"Nếu không biết cái khổ
Và nhân các khổ này;
Và tất cả pháp khổ
Tịch diệt trọn không còn;
Nếu không biết dấu đạo,
Tư duy[77] tất cả khổ;
Không có tâm giải thoát,
Tuệ giải thoát cũng không,
Không thể v
ượt các khổ,
Để cứu cánh thoát khổ.
Nếu biết khổ nh
ư thật;
Cùng biết nhân các khổ;
Và tất cả các khổ
Tịch diệt hết không còn;
Nếu lại biết nh
ư thật,
Dấu đạo của dứt khổ,
Ý giải thoát đầy đủ,
Tuệ giải thoát cũng vậy,
Có thể v
ượt các khổ,
517
Cứu cánh được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 393. THIỆN NAM TỬ[78]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Nếu có thiện nam tử, chánh tín, không gia đình, xuất gia học đạo [79], thì tất cả điều cần làm là
cần biết pháp bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện
quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện tu tập hiện quán."
Cũng như chương cú này, tất cả kinh bốn Thánh đế, đều nên nói đầy đủ như vậy.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Các kinh với nội dung: Biết như vậy, thấy như vậy, hiện quán như vậy, cũng nói như trên. [80]
Lại nữa, cũng như kinh trên, với nội dung thêm bớt như sau:
"Đoạn tận ba kết, đắc quả Tu­đà­hoàn. Tất cả nên biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là
Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như
vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy
[81]. Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành."
(...)
"Nếu ba kết sử đã đoạn tận, tham, nhuế, si mỏng, chứng đắc Tư­đà­hàm. Tất cả đều biết như thật
đối với bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)"
[82] cũng nói như trên.
(...)
"Nếu năm hạ phần kết đã đoạn tận, chứng đắc A­na­hàm hạng Sanh Bát­niết­bàn
[83], không còn tái sanh vào cõi thế gian này nữa. Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là
bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)" cũng nói như trên.
(...)
518
"Nếu tất cả lậu đã đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời, tự tri tự tác
chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.' Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế,
Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy
như vậy và hiện quán như vậy. (...)" cũng nói như trên.
(...)
"Nếu chứng được đạo Bích­chi­phật, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là
Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như
vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)" cũng nói như trên.
(...)
"Nếu đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là
bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)" cũng nói như trên.
"Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành."
KINH 394. NHẬT NGUYỆT (1)[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như mặt trời mọc, ánh sáng hiện trước. Cũng vậy, chân chánh diệt tận khổ cũng có dấu hiệu
xuất hiện trước
[85]; tức là biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 395. NHẬT NGUYỆT (2)[86]
Tôi nghe như vầy:
Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ ở của Tiên nhân, nước Ba­la­nại, thì bấy giờ Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
519
"Nếu mặt trời, mặt trăng không xuất hiện giữa thế gian, tất cả các vì tinh tú cũng không xuất hiện
giữa thế gian này, thì ngày và đêm, nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả
đều không xuất hiện. Như thế, thế gian sẽ luôn luôn tối tăm, không có ánh sáng, chỉ có đêm dài,
thuần là một khối mù tối lớn hiện ra ở thế gian.
"Nếu Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian, không nói về Khổ
Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thế gian này sẽ mù
tối, không có ánh sáng chiếu rọi, như thế đêm dài thuần là bóng tối trùm khắp thế gian.
"Nếu mặt trời, mặt trăng xuất hiện ở thế gian, các tinh tú cũng xuất hiện, ngày và đêm nửa tháng,
thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều xuất hiện ở thế gian. Cũng thế, Như Lai,
Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì thế gian không còn tối tăm và đêm dài được soi
sáng, thuần nhất, trí tuệ sẽ hiện ra ở thế gian."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 396. THÁNH ĐỆ TỬ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như mặt trời xuất hiện, đi vòng khắp giữa không trung, phá tan mọi tăm tối, ánh sáng chiếu rõ.
Cũng vậy, Thánh đệ tử, có những pháp tập khởi, tất cả đều diệt hết rồi, xa lìa các trần cấu, sanh
được mắt pháp cùng sanh với hiện quán, đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này
đoạn tận, gọi là Tu­đà­hoàn, không rơi vào đường ác pháp, chắc chắn hướng đến Chánh giác,
bảy lần qua lại cõi trời, cõi người, rồi giải thoát được khổ. Thánh đệ tử kia, trong lúc đó tuy có
khởi lên ưu, khổ, chỉ nghe nói Thánh đệ tử kia ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có
hỷ lạc do viễn ly sanh, đầy đủ an trụ Sơ thiền; chứ không thấy Thánh đệ tử kia có một pháp
không đoạn, để có thể khiến tái sanh vào đời này. Ở đây, đệ tử của bậc Thánh này được nghĩa
lớn của mắt pháp. Cho nên các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán thì nên
siêng năng, tinh cần tìm phương tiện, khởi ý muốn tinh tấn tu học."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 397. KHƯ­ĐỀ­LA[87]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
520
"Nếu ai nói như vầy 'Tôi đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, chưa hiện quán,' mà lại nói 'Tôi sẽ đạt được hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh
đế'.
[88] Lời nói này không đúng. Vì sao? Vì không có điều này. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh
đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều
này không thể có được. Ví như có người nói: 'Tôi muốn lấy lá khư­đề­la[89] kết lại làm thành
món đồ đựng nước để mang đi.' Điều này không thể có được. Vì sao? Vì không có điều này. Hay
nói như vầy: 'Tôi đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán
mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế chưa hiện quán', điều này cũng không thể có
được.
"Nếu lại nói: 'Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, sẽ
chứng đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế', đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì việc này có thể
có được. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã được hiện quán rồi, mà
muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được. Ví như có người nói:
'Tôi lấy lá bát­đàm­ma
[90], lá ma­lâu­ca[91] kết lại thành đồ đựng nước mang đi', đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều
này có thể có được. Như vậy, nếu nói rằng: 'Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập
Thánh đế, Khổ diệt[92] Thánh đế, nay muốn đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế', đó là lời
nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Nếu đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, đã hiện quán và muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có
thể có được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 398. NHÂN­ĐÀ­LA TRỤ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như một cục bông gòn nhỏ, hay cục bông kiếp­bối, đặt ở ngã tư đường, khi bốn phương gió
thổi, thì tùy theo chiều gió mà bông bay về một hướng. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào
mà không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì nên biết Sa­môn, Bà­la­môn này thường hay nhìn mặt người
và thường hay nói theo người
[93]. Vì không biết như thật, nên nghe người khác nói, hướng theo lời nói đó mà thọ nhận, nên
biết người này đời trước không tu tập trí tuệ.
"Giống như cây trụ nhân­đà­la
[94] dùng đồng, thiếc làm nên, rồi đem cắm sâu xuống đất, dù bốn phương gió mạnh cũng không
thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào biết như thật Khổ Thánh đế; biết như
thật biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết Sa­
521
môn, Bà­la­môn này không xem mặt người, không nói theo người; vì Sa­môn, Bà­la­môn này là
người có trí tuệ vững chắc. Vì người này trước kia đã tùy tu tập nên không theo lời nói của
người. Cho nên các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, khởi ý
muốn tăng thượng, tinh tấn tu học."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 399. LUẬN XỨ[95]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Giống như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, được cắm sâu xuống đất tám khuỷu tay, dù bốn
phương có gió thổi cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết
như thật Khổ Thánh đế; biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích
Thánh đế, Sa­môn, Bà­la­môn này có đến các chỗ luận nghị mà không thể bị khuất phục, tâm
người này giải thoát, tuệ giải thoát, có thể khiến cho Sa­môn, Bà­la­môn khác ngược lại sanh ra
lo khổ. Biết như thật, thấy như thật như vậy đều là do tập hành của đời trước nên khiến trí tuệ
không thể khuynh động. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương
tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 400. THIÊU Y[96]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Giống như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, liền khởi ý muốn mãnh liệt
[97], khẩn cấp dập tắt[98]."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chớ nên nói như vậy
[99]! Hãy gác qua việc đầu và áo. Đối với bốn Thánh đế phải khởi ý muốn mãnh liệt, tinh tấn,
siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập
Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu chưa được hiện quán, thì phải
siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Vì sao?
522
"Này Tỳ­kheo, vì ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, luôn luôn bị thiêu đốt mà các Tỳ­kheo không
thấy đó là khổ cùng cực. Nếu như Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ
diệt đạo tích Thánh đế mà chưa được hiện quán, Tỳ­kheo này nên nhẫn chịu khổ, lạc, ưu, bi; đối
với bốn Thánh đế lại càng siêng năng tinh tấn tìm phương tiện, tu tập hiện quán, cần nên học như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 401. BÁCH THƯƠNG[100]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
cácTỳ­kheo:
"Giống như có người sống lâu trăm tuổi, có người nói với người ấy rằng: 'Ông nếu muốn nghe
pháp thì mỗi ngày ba thời phải chịu khổ: Sáng sớm chịu khổ của trăm mũi thương đâm vào; trưa,
chiều lại cũng như vậy. Trong một ngày, chịu khổ ba trăm mũi thương đâm; như vậy ngày nào
cũng tiếp tục cho đến trăm năm rồi sau đó nghe pháp, được hiện quán. Ông có thể chịu như vậy
được không?' Bấy giờ, người này vì muốn nghe pháp nên có thể chịu đựng tất cả. Vì sao? Vì con
người sanh ra ở thế gian luôn luôn chịu khổ ở trong ba đường ác, khi thì địa ngục, khi thì súc
sanh, khi thì ngạ quỷ, mà không cảm nhận các thứ khổ, cũng không nghe pháp. Cho nên nay vì
muốn được hiện quán, nên chẳng cho rằng cái khổ ba trăm mũi thương đâm vào người trọn đời
là cái khổ lớn. Thế nên các Tỳ­kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì phải
siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiẹân quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 402. BÌNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC[101]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Đối với bốn Thánh đế mà bình đẳng giác ngộ
[102], thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Những gì là bốn? Đó là Khổ tập Thánh
đế, khổ diệt Thánh đế, khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đối với bốn Thánh đế này, mà bình đẳng giác
ngộ thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Cho nên các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh
đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng,
tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
523
KINH 403. NHƯ THẬT TRI[103]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ma­kiệt­đà, du hành trong nhân gian. Giữa Vương xá và Ba­la­lị­phất
có một xóm Rừng trúc
[104]; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một
đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Ta cùng với các ông, đối với bốn Thánh đế mà không biết, không thấy, không tùy thuận giác
[105], không tùy thuận lãnh thọ[106], cho nên phải dong ruổi trường kỳ trong sanh tử. Những gì
là bốn? Đó là Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
"Nhưng vì Ta cùng các ông đối với Khổ Thánh đế này đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập
[107], nên dứt các dòng hữu[108], đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa; đối với Khổ tập Thánh
đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập,
nên dứt các dòng hữu, đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa. Cho nên, các Tỳ­kheo nếu đối với
bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn
tăng thượng, tu tập hiện quán."
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ta thường cùng các ông,
Trường kỳ lội sanh tử;
Vì không thấy Thánh đế,
Khổ lớn ngày càng tăng.
Nếu thấy bốn Thánh đế,
Dứt dòng biển hữu lớn,
Sanh tử đã trừ hết,
Không tái sanh đời sau.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 404. THÂN­THỨ[109]
Tôi nghe như vầy:
524
Một thời, Phật ở tại nước Ma­kiệt­đà, du hành trong nhân gian. Giữ Vương xá và Ba­la­lị­phất
có một xóm Rừng trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng
dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Các ông hãy cùng Ta đi đến rừng Thân­thứ [110]."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng Thân­thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy,
Đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ­kheo:
"Lá cây trong nắm tay này nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp
trăm, ngàn, vạn, ức lần cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.
"Cũng vậy, này các Tỳ­kheo, Ta thành Đẳng chánh giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên
thuyết
[111] cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này[112] có lợi ích cho nghĩa[113],
có ích lợi cho pháp, ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết­bàn. Cũng
nhiều như lá cây trong rừng lớn, chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng chánh giác,
không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế. Vì sao? Vì những pháp ấy[114] không lợi ích cho
nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng
Niết­bàn. Cho nên, các Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng
năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 405. KHỔNG[115]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Tỳ­da­ly khất thực. Sáng sớm hôm
ấy có đám đông thiếu niên Ly­xa
[116] từ trong thành đi ra đến cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh
xá[117]. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Tôn giả A­nan thấy vậy, lấy làm lạ,
thắc mắc "Các thiếu niên Ly­xa này có thể làm được một việc khó khăn như vậy!"
Sau khi Tôn giả vào thành khất thực trở về, cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh
lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y mang bát vào thành Tỳ­da­ly khất thực, gặp có
đám đông thiếu niên Ly­xa từ trong thành đi ra đến trước cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau
525
bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Con nghĩ thầm
'Kỳ diệu thật, các thiếu niên Ly­xa này, có thể làm được một việc khó khăn như vậy!'"
Phật bảo A­nan:
"Ngươi nghĩ thế nào? các thiếu niên Ly­xa tranh nhau bắn tên vào lỗ cửa và tất cả những mũi tên
đó đều trúng vào. Việc này là khó hay chẻ một sợi lông thành trăm phần, rồi bắn trúng vào một
phần sợi lông và tất cả những mũi tên đó đều trúng, là khó?"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Nếu chẻ sợi lông thành trăm phần, rồi bắn vào một phần sợi lông, mỗi một phát đều trúng, điều
này rất là khó."
Phật bảo A­nan:
"Chưa bằng đối với Khổ Thánh đế mà biết như thật, thì điều này mới thật là khó hơn. Cũng vậy,
đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà thấy biết như thật,
điều này mới thật sự là khó."
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:
Sợi lông chẻ trăm phần,
Khó bắn trúng một phần.
Quán mỗi một khổ ấm,
Là phi ngã, khó hơn!
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 406. MANH[118]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ­da­ly, thì bấy giờ Đức
Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Ví như đất liền đều biến thành biển lớn, có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp; trăm năm mới
trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng
nước theo gió trôi nổi Đông Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp
được cái lỗ hổng này không?"
Tôn giả A­nan bạch Phật:
526
"Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía Đông, thì khúc
gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía Tây, Nam, Bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ
gì gặp được."
Phật bảo A­nan:
"Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu
lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng
sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không
thực hành chân thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác.
Cho nên, các Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương
tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.
[2]. Kiến (=hiện) pháp Bát­niết­bàn 見法般涅槃. Pāli: diṭṭhadhammanibbānapatta, chứng đắc
Niết­bàn ngay trong thực tế được thấy, nghĩa là ngay trong đời này.
[3]. S. 12. 4­9. Vipassī.
[4]. Tỳ­bà­thi 毘婆尸. Pāli: Vipassī.
[5]. Pāli: kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno jāyati ca jīyati ca mīyati ca cavati ca uppajjati ca, quả
thật thế gian này bị rơi hãm vào trong khổ nạn, sanh ra, già cỗi, chết, tiêu vong, rồi tái sanh.
[6]. Nguyên Hán: như thật vô gián đẳng 如實無間等. Xem cht.67, kinh 23.
[7]. Xem kinh 287.
[8]. Thi­khí 尸棄. (Pāli: sikkhi); Tỳ­thấp­bà­phù 毘濕波浮 (Vessabhū); Ca­la­ca­tôn­đề
迦羅迦孫提 (Kakusandha); Ca­na­ca­mâu­ni 迦那迦牟尼 (Koṇagāmana); Ca­diếp 迦葉
(Kassapa).
[9]. S. 12. 83. Sikkhā; 84. Yoga.
[10]. Như thật hiển hiện 如實顯現. Pāli: (...) jarāmaraṇe yathābhūtaṃ sikkhā karaṇīyā, cần phải
học tập để có trí tuệ như thật về già chết.
[11]. Pāli, xem kinh 367.
527
[12]. Pāli, xem kinh 366.
[13]. Bồ­đề sở 菩提所, chỉ Bồ­đề đạo tràng (P. bodhimaṇḍa).
[14]. Xem cht.8 kinh 366.
[15]. Đại Bồ­đề sở, xem cht.13, kinh 369.
[16]. Uất­tỳ­la Ni­liên­thiền hà 鬱毘羅尼連禪河. Pāli: sông Nerañjarā, ở thôn Uruvelā, chỗ
Phật tắm trước khi thành đạo.
[17]. Pāli, 12. 11. Āhāra.
[18]. Tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực 麤摶食, 細觸食, 意思食, 識食.
Pāli: cattārome... āhārā (...): kabalīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo (thức ăn vật chất, thô hoặc tế);
phasso (xúc chạm), manosañcetanā (tư duy và ý chí), viññāṇaṃ (thức).
[19]. Nhân tập sanh xúc 因集生觸; nơi khác dịch: nhân tập sanh chuyển 因集生轉. Pāli: nidāna
nguyên do), samudaya (tập hợp sanh khởi) , jātika (sản sanh), pabhava (xuất hiện).
[20]. S. 12. 12. Phagguna.
[21]. Phả­cầu­na 頗求那. Pāli: Moḷiyaphagguna.
[22]. Pāli: ko nu kho, bhante, viññāṇāhāraṃ āhāretī ti, ai hấp thụ thức ăn của thức này?
[23]. Pāli: "āhāretī ti" na ahaṃ vadāmi, Ta không nói: "Nó ăn".
[24]. Pāli: ko nu kho tasatī ti, ai khát ái (khát vọng)?
[25]. Bản Pāli, từ chi này trở đi, không có câu hỏi như vậy.
[26]. Trong nguyên bản: đương lai hữu xúc 當來有觸; đây sửa lại là đương lai hữu chuyển 轉.
Xem cht.19 kinh 371.
[27]. Ăn thịt con. Pāli, S. 12. 63. Puttamaṃsa.
[28]. Đoạn tri 斷知, tức hoàn toàn đoạn trừ. Pāli: pariññāto hoti, được biến tri.
[29]. S. 12. 64. Atthirāgo.
[30]. Pāli: yattha paṭiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ virūḷhaṃ atthi tattha nāmarūpassa avakkan ti, nơi nào có
thức trụ và tăng trưởng, nơi đó danh sắc thác vào (hiện ra). Bản Hán: thức nhập danh sắc. Pāli:
danh sắc nhập thức.
528
[31]. Xem kinh 373 và các kinh sau.
[32]. Xem kinh 375, 376 trên.
[33]. Ấn Thuận, Tụng 3 Tạp nhân duyên, "4. Tương ưng đế", gồm một trăm năm mươi kinh,
nhưng chỉ sáu mươi lăm kinh có nội dung; Đại Chánh 379­443. phần lớn tương đương Pāli S.56.
Sacca­Samyutta. Pāli, S. 56. 11­ 12. Tathāgatena vuttā.
[34]. Pāli: idaṃ dukkhaṃ ariyasaccan ti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu
cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapaādi, paññāṇaṃ udapādi vijjā udapādi, āloko udapādi, Này các
Tỳ­kheo, đây là Khổ Thánh đế, trong các pháp mà trước đây Ta chưa từng nghe, phát sanh nhãn,
phát sanh trí, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.
[35]. Tri đương phục tri 智當復知.
[36]. Dĩ tri dĩ xuất 已知已出. Pāli: taṃ kho panidaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññeyyanti me,
(...), taṃ kho panidṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññātan ti me, Khổ Thánh đế này, cần biến tri, Ta
đã biến tri.
[37]. Dĩ tri dĩ đoạn xuất 已知已斷出. Pāli: (...) idaṃ dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ
pahātabban ti me (...) pahīnanti me; đây là Khổ tập Thánh đế cần phải đoạn, Ta đã đoạn.
[38]. Dĩ tri dĩ tác chứng xuất 已知已作證出. Pāli: (...) idaṃ dukkhanirodham ariyasaccaṃ
sacchikātabbanti me (...) sacchikatanti me, đây là Khổ diệt Thánh đế cần chứng, Ta đã chứng.
[39]. Dĩ tri dĩ tu xuất 已知已修出. Pali: (...) idaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ
bhāvetabbanti me (...) bhāvitanti me, đây là Khổ diệt đạo Thánh đế cần tu, Ta đã tu.
[40]. Tam chuyển thập nhị hành 三轉十二行. Pāli: tiparivattaṃ dvādasākāraṃ, ba vận chuyển,
mười hai hình thái (hành tướng).
[41]. Pāli: sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya,
trong thế giới gồm có chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, cùng giữa quần sanh loại gồm các Samôn, Bà­la­môn, các trời và con người.
[42]. Trong bản: Kiều­trần­như憍陳如, nhưng đoạn dưới, phiên âm là Câu­lân.Pāli: Koṇḍañña .
[43]. Trong nguyên bản: Câu­lân 拘鄰.
[44]. A­nhã Câu­lân 阿若拘鄰. Pāli: Aññāta­Koṇḍañña.
[45]. Chuyển pháp luân kinh 轉法輪經. Pāli: Dhamma cakkappa vattanasuttam.
[46]. Nguyên Hán: vô gián đẳng 無間等.
529
[47]. Nguyên bản: giác 覺. Trưởng lão Ấn Thuận sửa lại là học 學.
[48]. S. 56. 29. Abhiñeyyaṃ (cần được thắng tri).
[49]. Xem kinh 379 và các cht. 34­37.
[50]. Xem kinh 379 và các cht. 34­37.
[51]. Nguyên văn: ư mạn vô minh đẳng 於慢無明等 (đối với mạn và vô minh mà cứu cánh khổ
biên); Ấn Thuận sửa lại là ư mạn vô gián đẳng 於慢無間等, theo định nghĩa của kinh. Xem các
kinh 23, 24: đoạn trừ ái dục, chuyển khứ chư kết, chánh vô gián đẳng; kinh 107: ư mạn khởi vô
gián đẳng 於慢起無間等.
[52]. S. 56. 25. Āsavakkhayo.
[53]. Xem kinh 379 và các cht. 34­37.
[54]. Đãi đắc kỷ lợi 逮得己利.
[55]. Xem kinh 384 trên.
[56]. Xem kinh 379 và các cht. 34­37.
[57]. Thượng sĩ 上士. Pāli: uttamapurisa?
[58]. Tham chiếu Trung A­hàm kinh 200; Pāli, M. 200. Alagadūpama­sutta: ayaṃ vuccati,
bhikkhave, bhikkhu ukkhittapaligho itipi, saṃkiṇṇaparikkho itipi, abbūḷhesiko itipi, niraggaḷo
itipi, ariyo pannaddhajo pannabhāro visaṃyutto itipi, Tỳ­kheo như vậy được gọi là vị đã dẹp bỏ
chướng ngại vật, lấp bằng giao thông hào, nhổ bỏ cọc trụ, tháo bỏ then khóa. Xem giải thích kinh
tiếp.
[59]. Xem cht.58, kinh 386.
[60]. Vô hữu quan kiện 無有關鍵. Pāli: niraggaḷo, vị đã tháo bỏ then cửa.
[61]. Ngũ hạ phần kết, năm kết sử dẫn tái sanh Dục giới (hạ giới): thân kiến, nghi, giới cấm thủ,
tham, sân; xem Trường A­hàm kinh 7. Pāli, D. 33. Saṅgīti. pañc'oram­bhāgiyāni saṃyojanāni:
sakkāya­diṭṭhi, vicikicchā, sīlabbata­parāmāso, kāmacchando, vyāpādo.
[62]. Bình trị thành tiệm 平治城塹. Pāli: saṃkiṇṇa­parikkha, lấp đầy các hào rãnh.
[63]. Bản Pāli: saṃkiṇṇparikkho (...) ponobbhaviko jatisaṃsāro pahīno hoti, đã lấp đầy các hào
rãnh, là đã đoạn trừ vòng luân chuyển tái sanh.
[64]. Pāli: ukkhitta pāligho, đã dẹp bỏ chướng ngại vật.
530
[65]. Pāli: ukkhittapaligho (...) avijjā pahīna hoti, đã dẹp bỏ chướng ngại, là đã đoạn trừ vô
minh.
[66]. Giải thoát kết phược 解脫結縛. Pāli: abbhūḷhesika, đã nhổ bỏ cọc trụ.
[67]. Pāli: abbhūḷhesiko (...) taṇhā pahīno hoti, đã nhổ bỏ cọc trụ, là đã đoạn trừ khát ái.
[68]. Kiến lập Thánh tràng 建立聖幢. Pāli: ariyo pannaddhajo pannabhāro visaṃyutto, là vị
Thánh đã hạ cờ, trút gánh nặng, bứt ràng buộc.
[69]. Pāli: asmimāno pahīno, đoạn trừ phức cảm "tôi hiện hữu" (ngã mạn).
[70]. S. 56. 13. Khandha; 14. Āyatana.
[71]. S. 56. 12.Vajji (Koṭigāma).
[72]. Tham chiếu kinh 352. Pāli, tham chiếu S. 12. 13; 56.12, na me te, bhikkhave, samaṇā vā
brāhmaṇā vā samaṇesu vā samaṇasamatā brāhmaṇesu va brāhmaṇasamatā; na ca pana te
āyasmanto sāmaññatthaṃ vā brāhmaññatthaṃ vā diṭṭtheva dhamme sayaṃ abhiñīa sacchikatvā...
Các Sa­môn, Bà­la­môn này không phải những Sa­môn, Bà­la­môn chân chánh giữa các Samôn, Bà­la­môn; đối với mục đích của các Sa­môn, Bà­la­môn này, ngay trong đời này, không
bằng thắng trí mà tự mình chứng nghiệm (...)
[73]. Xem kinh 390.
[74]. Phi Sa­môn số, phi Bà­la­môn số 非沙門數, 非婆羅門數. Pāli: na (...) samaṇasaṃkhyā,
brāhmaṇasaṃkhyā, không đúng danh nghĩa Sa­môn, Bà­la­môn.
[75]. Xem kinh 390.
[76]. Tóm tắt bảy kinh.
[77]. Nguyên bản: tư 子. Ấn Thuận nghi là chữ tức 息: dập tắt.
[78]. Pāli, S. 56. 3­4. Kulaputta.
[79]. Chánh tín phi gia xuất gia học đạo 正信, 非家, 出家學道. Pāli (định cú): agārasmā
anagāriyaṃ pabbajati.
[80]. Tóm tắt có hai kinh.
[81]. Tóm tắt có ba kinh.
[82]. Tóm tắt có ba kinh.
531
[83]. Sanh Bát­niết­bàn; năm hạng Bất hoàn, đây chỉ nêu một.
[84]. Pāli, S. 56. 38. Suriyapamā.
[85]. Pāli: yato ca kho, bhikkhave, tathāgato loke uppajjati (...) atha mahato ālokassa pātubhāvo
(...): Như Lai xuất hiện trong đời, ánh sáng vĩ đại xuất hiện (đó là bốn Thánh đế).
[86]. Pāli, như kinh 394.
[87]. S. 56. 32. Khadira.
[88]. Hán: ...vị vô gián đẳng ...未無間等. Pāli: ahaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ
anabhisamecca,... dukkhanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisamecca,
sammā dukkhassantam karissāmīti, tôi chưa chân thật hiện quán Khổ Thánh đế,... chưa chân thật
hiện quán đạo tích diệt Khổ Thánh đế, nhưng tôi sẽ chân chánh diệt tận khổ.
[89]. Khư­đề­la 佉提羅. Pāli: khadira, loại cây gỗ rất cứng (Acacia Catechu),nhựa dùng làm
thuốc.
[90]. Bát­đàm­ma diệp 缽曇摩葉. Pāli: padumapatta: lá sen. Nguyên bản chép nhầm là thuần­
đàm­ma diệp 純曇摩葉.
[91]. Ma­lâu­ca 摩樓迦. Pāli: māluvā (một giống khoai); Hán âm theo Skt. māluka, một loại cây
(Acimum Sanctum).
[92]. S. 56. 39. Indakhīlo.
[93]. Pāli: te aññassa samaṇassa vā brāhmaṇassa vā mukhaṃ ullokenti, 'ayaṃ nūna bhavaṃ
jānaṃ jānāti passaṃ passatī'ti: các Sa­môn Bà­la­môn không có nhận thức ấy trông nhìn mặt mà
nói, 'vị tôn giả này biết và đang biết, thấy và đang thấy'.
[94]. Nhân­đà­la trụ 因陀羅柱. Pāli: indakhīla, cột nêu ở cổng chợ.
[95]. S. 56. 40. Vādino (Vāditthika).
[96]. S. 56. 34. Cela.
[97]. Tăng thượng dục 增上欲. Pāli: adhimatto chando, ý muốn mãnh liệt.
[98]. Nguyên bản có thiếu: Phật hỏi các Tỳ­kheo, phải làm thế nào. Tỳ­kheo trả lời: khẩn cấp
dập tắt. Phật nói tiếp.
[99]. Nguyên bản, câu này có vẻ thừa.
532
[100]. Một trăm mũi giáo. Pāli, S. 56. 35. Sattisata.
[101]. S. 56. 23. Sammāsambuddha.
[102]. Bình đẳng chánh giác 平等正覺. Pāli: abhisambuddhata, giác ngộ siêu việt.
[103]. S. 56. 21. Vajji.
[104]. Pāli gọi là xóm Koṭigāma.
[105]. Tùy thuận giác 隨順覺. Pāli: anubodha, được giác ngộ một cách phù hợp, được giác tri,
liễu giải, nhận thức chính xác.
[106]. Vô tùy thuận thọ 無隨順受. Pāli: appaṭivedha, chưa được quán triệt, thông đạt.
[107]. Thuận nhập 順入; ở trên nói: tùy thuận thọ 隨順受.
[108]. Hữu lưu 有流 dòng xoáy của hữu; Pāli: bhavogha. Nhưng bản Pāli: ucchinnā bhataṇhā,
cắt đứt khát ái đối với hữu.
[109]. Pāli, S. 56. 31. Siṃsapā.
[110]. Thân­thứ lâm 申恕林; rừng cây siṃsapā (loại cây Dalbergia Sissoo).
[111]. Trong bản: định thuyết 定說. Có lẽ tuyên 宣 mà chép nhầm.
[112]. Chỉ pháp được tuyên thuyết.
[113]. Ích lợi cho mục đích . Pāli: atthasaṃhitaṃ, liên hệ đến mục đích (giải thoát).
[114]. Những pháp không được công bố.
[115]. Lỗ khóa. Pāli, S. 56. 45. Vāla (cọng lông).
[116]. Ly­xa đồng tử 離車童子. Pāli: Licchavikumāraka, con trai người Licchavi.
[117]. Tinh xá môn khổng 精舍門孔. Pāli: Āḷacchigaḷena, xuyên qua lỗ khóa.
[118]. Con rùa mù.
533
TẠP A-HÀM QUYỂN 16
KINH 407. TƯ DUY (1)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ có số đông Tỳ­kheo
tụ tập tại nhà ăn, tư duy những điều thế gian tư duy[2]. Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các
Tỳ­kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa ngồi, rồi bảo các Tỳ­kheo:
"Này các Tỳ­kheo, cẩn thận chớ tư duy những điều thế gian tư duy. Vì sao? Vì những điều tư
duy của thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng
phải giác, không thuận Niết­bàn[3]. Các ông nên chân chánh tư duy, 'Đây là Khổ Thánh đế, đây
là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.' Vì sao? Vì
tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niếtbàn.
"Vào thời quá khứ có một người ra khỏi thành Vương xá, đến bên bờ ao Câu­hy­la[4], ngồi tư
duy về sự tư duy của thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân
chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều vào trong một cái lỗ của ngó sen[5].
Thấy vậy, người đó liền nghĩ: 'Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta
thấy có.'
"Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ
đám đông, nói rằng: 'Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có
mà tôi thấy có.' Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát
điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có."
Phật nói các Tỳ­kheo:
"Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chân thật. Vì sao? Vì lúc ấy
cách ao Câu­hy­la không xa có các vị trời và A­tu­la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư
không. Lúc ấy, các vị trời đắc thắng, quân A­tu­la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen
trong hồ này.
"Cho nên, Tỳ­kheo, các ông hãy cẩn thận chớ nên suy nghĩ về thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế
gian chẳng lợi ích gì cho nghĩa[6], chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh,
chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết­bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh đế. Những
gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh
đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
534
KINH 408. TƯ DUY (2)[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: 'Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô
thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô
thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian
chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau
khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai
sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi Thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nên nghe tiếng bàn luận
của các Tỳ­kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại
chúng và bảo các Tỳ­kheo:
"Các Tỳ­kheo ở đây tụ tập để bàn nói việc gì vậy?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này bàn luận, 'Hoặc nói hữu thường, hoặc
nói vô thường.' Nói đầy đủ như trên."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Các ông chớ bàn luận nghĩa như vậy.[8] Vì sao? Vì sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp,
chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết­bàn.
Này các Tỳ­kheo, nên luận nghị như thế này, 'Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế,
đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.' Vì sao? Vì luận nghị này có lợi
ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết­bàn. Cho nên, Tỳ­kheo, đối
với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý
muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 409. GIÁC (1)[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, số đông Tỳ­kheo
tụ tập nơi nhà ăn, có người có giác tưởng tham giác, có người có giác tưởng sân giác, hoặc có
người có giác tưởng hại giác[10]. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ­kheo, nên đi
đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ­kheo:
535
"Các ông chớ khởi giác tưởng về tham giác, chớ khởi giác tưởng về nhuế giác, chớ khởi giác
tưởng về hại giác[11]. Vì sao? Vì những giác tưởng này chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích
gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải chánh trí, chẳng phải chánh giác, không
chánh hướng Niết­bàn. Các ông nên khởi giác tưởng về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì sự giác tưởng đối với bốn Thánh đế này
có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh
hướng Niết­bàn. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, phát
khởi ý muốn tích cực, chánh trí, chánh niệm, tinh tấn tu học."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 410. GIÁC (2)[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời... nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:
"Khởi giác tưởng về bà con thân thuộc; khởi giác tưởng về quốc thổ nhân dân; khởi giác tưởng
về không chết, cho đến nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành."
KINH 411. LUẬN THUYẾT[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy[14]: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc
cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế
gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng
thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ­kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa
cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ­kheo:
"Này các Tỳ­kheo, các ông tụ tập để bàn luận việc gì?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua..." Nói đầy đủ như trên.
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Các ông chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua... cho đến, không hướng
đến Niết­bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh
536
đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho
pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết­bàn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 412. TRANH[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, nói với nhau như vầy: 'Tôi biết pháp luật, các ông không biết; những gì
tôi nói là thành tựu, những gì tôi nói là hợp lý; những gì các ông nói là không thành tựu, không
hợp lý; cái đáng nói trước thì lại nói sau, cái đáng nói sau thì nói trước. Thế rồi tranh luận nhau.
Luận của tôi đúng; luận của các ông không bằng. Ai trả lời được thì trả lời đi!'
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng các Tỳ­kheo tranh
luận... Nói đầy đủ như trên cho đến, "bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì phải siêng năng tìm
phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 413. VƯƠNG LỰC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: 'Vua Ba­tư­nặc và vua Tần­bà­sa­la[16], vua nào có
thế lực lớn, vua nào giàu có hơn?'
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ­
kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ­
kheo:
"Các ông đang bàn luận việc gì?"
Bấy giờ các Tỳ­kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ với Thế Tôn.
Phật nói với các Tỳ­kheo:
"Các ông bàn những việc về thế lực lớn, về sự giàu sang của các vua làm gì? Này các Tỳ­kheo,
chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại lợi ích gì cho nghĩa, pháp, phạm hạnh,
cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết­bàn[17]. Các ông nên bàn Khổ
537
Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn
Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác,
chánh hướng Niết­bàn. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì
nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 414. TÚC MẠNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: 'Đời trước các ông làm những thứ nghề nghiệp gì,
công xảo gì và lấy gì để tự sống?'
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ­
kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ­
kheo:
"Các ông đang nói những gì?"
Lúc ấy, các Tỳ­kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Này các Tỳ­kheo, các ông chớ bàn những việc đã làm đời trước. Vì sao? Vì việc này không
đem lại nhiều lợi ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh[18], cũng chẳng phải trí, chẳng phải giác,
chẳng đưa đến Niết­bàn. Này các Tỳ­kheo, các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi
ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết­bàn. Cho nên, Tỳ­
kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát
khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 415. ĐÀN­VIỆT[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ­
kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: 'Đàn­việt mỗ giáp kia làm thức ăn thô sơ, chúng ta ăn
xong không thấy ngon, không thấy khỏe. Chi bằng chúng ta bỏ thức ăn thô này mà đi khất thực.
Vì sao? Vì các Tỳ­kheo đi khất thực thường được thức ăn ngon, lại thấy sắc đẹp, có lúc lại nghe
tiếng hay, có nhiều người quen biết, cũng được y phục, ngọa cụ, thuốc men."
538
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ nghe tiếng bàn luận của các Tỳ­
kheo, liền đi đến nhà ăn... Nói đầy đủ như vậy, cho đến, "hướng đúng Niết­bàn."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 416. THỌ TRÌ (1)[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Các ông có thọ trì bốn Thánh đế mà Ta đã dạy không?"
Khi ấy, có một Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch
Phật:
"Kính vâng, bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đã thọ trì."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ngươi thọ trì bốn Thánh đế đó như thế nào?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Như lời Thế Tôn đã dạy: 'Đây là Khổ Thánh đế', con liền thọ trì; 'đây là Khổ tập Thánh đế, đây
là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.' Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế
Tôn đã dạy như vậy, con liền thọ trì."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Ta đã dạy về Khổ Thánh đế, ngươi đã thọ trì chân thật. Ta dạy Khổ tập
Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, ngươi đều thọ trì chân thật."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 417. NHƯ NHƯ[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
539
"Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?"
Lúc ấy có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai phải, vì Phật mà làm lễ, rồi
chắp tay bạch Phật:
"Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ngươi đã thọ trì như thế nào về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn nói khổ Thánh đế, con đều đã thọ trì, là như như, không lìa như, không khác như, chân
thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh[22]. Đó là Khổ Thánh đế.
Thế Tôn dạy về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là như như,
không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của
bậc Thánh. Đó gọi là bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đều đã thọ trì."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Ông đã thọ trì chân thật về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy là như như,
không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo. Đó gọi là Tỳ­kheo
thọ trì chân thật bốn Thánh đế của Ta."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 418. THỌ TRÌ (2)[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?"
Khi ấy có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật mà làm lễ, rồi chắp tay bạch
Phật:
"Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì. Bốn đế
là gì? Như Thế Tôn đã dạy là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt
đạo tích Thánh đế, con cũng đều đã thọ trì."
Phật bảo Tỳ­kheo:
540
"Lành thay! Lành thay! Như những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế, ngươi đều đã thọ trì.
"Này các Tỳ­kheo, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào nói như vầy: 'Như những gì mà Sa­môn Cù­
đàm đã nói về Khổ Thánh đế, ta sẽ bỏ đi và sẽ lập lại Khổ Thánh đế khác.' Điều đó chỉ có trên
ngôn thuyết, nếu gạn hỏi đến thì họ sẽ không biết và càng làm tăng thêm sự nghi hoặc, vì đó
không phải là cảnh giới. 'Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế này
ta sẽ bỏ đi, rồi sẽ lập lại bốn Thánh đế khác.' Điều đó cũng chỉ có trên ngôn thuyết, nếu gạn hỏi
đến thì họ chẳng biết và càng tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đó không phải là cảnh giới của họ.
"Cho nên, Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm
phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 419. NGHI (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo nào đối với Phật có nghi, đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu đối với Pháp, Tăng có nghi thì
đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích
Thánh đế cũng có nghi. Nếu người nào đối với Phật không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế
cũng không nghi hoặc; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh
đế cũng không nghi hoặc. Nếu người nào đối với Pháp, Tăng không nghi hoặc, đối với Khổ
Thánh đế cũng không nghi hoặc; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh
đế cũng không nghi hoặc."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 420. NGHI (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào đối với Khổ Thánh đế có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối
với Pháp, Tăng có nghi. Đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối
với Pháp, Tăng có nghi. Nếu đối với Khổ Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không
nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi. Người đối với Tập, Diệt, Đạo Thánh đế không nghi, thì đối
với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi."
541
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 421. THÂM HIỂM[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Các ông hãy đi cùng Ta đi đến vách núi sâu nguy hiểm[25]."
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa vâng Thế Tôn."
Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng đến vách núi sâu nguy hiểm[26], trải tòa ngồi, sau khi đi quan
sát chung quanh hang núi sâu hiểm trở xong, rồi bảo các Tỳ­kheo:
"Hang núi này thật là sâu và nguy hiểm."
Lúc ấy có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, vách núi này thật là sâu hiểm, nhưng còn có thứ gì sâu hiểm cùng cực và đáng
sợ hơn nó không?"
Phật biết ý của Tỳ­kheo này nên đáp liền:
"Như vậy, này các Tỳ­kheo, vách núi này rất sâu hiểm, nhưng đối với nó còn có thứ sâu hiểm
đáng sợ hơn nữa, đó là Sa­môn, Bà­la­môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như
thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Những vị này hoan lạc
nơi các hành vốn là cội gốc của sự sanh[27]; hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự già,
bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, mà tạo tác các hành này, khiến cho các hành lão, bệnh, tử, ưu, bi,
khổ, não càng ngày càng tăng trưởng, để rơi vào chỗ sâu hiểm của lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não.
Như vậy, Tỳ­kheo, cái này rất sâu hiểm; nguy hiểm hơn cả cái kia. Cho nên Tỳ­kheo đối với bốn
Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu
học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 422. ĐẠI NHIỆT[28]
Tôi nghe như vầy:
542
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có địa ngục Đại nhiệt[29]. nếu chúng sanh nào sanh vào địa ngục này thì chỉ một mực chịu
nóng cháy."
Bấy giờ có một Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch
Phật:
"Như Thế Tôn đã dạy, địa ngục Đại nhiệt này vô cùng nóng bức. Bạch Thế Tôn, chỉ có đây là
cực kỳ nóng, hay còn có thứ nóng bức nào đáng sợ hơn, không còn đâu hơn?"
"Như vầy, Tỳ­kheo, địa ngục này tuy thật là nóng bức, nhưng cũng có thứ nóng bức đáng sợ hơn
địa ngục ấy và không còn gì hơn. Những gì được gọi là thứ nóng bức đáng sợ hãi hơn địa ngục
Đại nhiệt? Đó là Sa­môn, Bà­la­môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật
Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Như vậy, cho đến sanh, lão,
bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não là sự nóng bức thiêu đốt bừng bừng. Này Tỳ­kheo, đó gọi là sự nóng
bức thiêu đốt bừng bừng thật đáng sợ, không còn gì hơn. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh
đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học
hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 423. ĐẠI ÁM[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Có địa ngục vô cùng tối tăm, các chúng sanh sanh ra nơi đó không thấy được các phần thân thể
của mình[31]."
Bấy giờ, có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, địa ngục này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có chỗ nào tối tăm
hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa­môn, Bà­la­môn đối với
bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử,
ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng
năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
543
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 424. MINH ÁM (1)[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như mặt trời vận hành chiếu sáng các thế giới. Cho đến cả ngàn mặt trời, ngàn mặt trăng, chiếu
sáng ngàn thế giới, ngàn núi Tu di, ngàn Phất­bà­đề, ngàn Diêm­phù­đề, ngàn Câu­da­ni, ngàn
Uất­đơn­việt, ngàn Tứ thiên vương, ngàn cõi Tam thập tam thiên, ngàn Diệm­ma thiên, ngàn
Đâu­suất thiên, ngàn Hóa lạc thiên, ngàn Tha hóa tự tại thiên, ngàn Phạm thiên. Đó gọi là Tiểu
thiên thế giới. Khoảng giữa một ngàn thế giới này có chỗ tối tăm, dù có ánh sáng mặt trời, mặt
trăng chiếu sáng, có sức oai đức lớn cũng không thấy được. Những chúng sanh sanh ra những
nơi này không thấy các phần thân thể của mình[33]."
Bấy giờ, có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay, bạch
Phật:
"Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói, chỗ này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có
chỗ nào tối tăm hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa­môn, Bà­la­môn đối với
bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử,
ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng
năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 425. MINH ÁM (2)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
544
"Từ Tiểu thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Trung thiên thế giới.
Khoảng giữa Trung thiên thế giới có chỗ tối tăm..." như trên đã nói, cho đến, "đối với bốn
Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực,
tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 426. MINH ÁM (3)[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Từ Trung thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Tam thiên đại thiên
thế giới. Khoảng giữa các thế giới này là chỗ tối tăm. Dù có mặt trời, mặt trăng vận hành, chiếu
khắp thế giới đi nữa, nhưng những chúng sanh kia vẫn không thấy,..." cho đến "... rơi vào chỗ tối
tăm của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cho nên các Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu
chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện
quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 427. THÁNH ĐẾ[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nay Ta sẽ nói về bốn Thánh đế. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Bốn đế là gì? Đó là Khổ Thánh
đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đó gọi là bốn Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh "Đương thuyết" (Ta sẽ nói) trên, cũng vậy, các kinh:
­ Có (bốn Thánh đế);
­ Nên biết (bốn Thánh đế).
Cũng nói như trên.
545
KINH 428. THIỀN TƯ[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nên chuyên cần thiền định tư duy[38], phát khởi chánh phương tiện[39], để nội tâm tịch tĩnh.
Vì sao? Vì Tỳ­kheo nào thiền định tư duy, nội tâm tịch tĩnh đã thành tựu rồi, thì sẽ hiển hiện như
thật[40]. Hiển hiện như thật những gì? Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ
tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 429. TAM­MA­ĐỀ[41]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nên tu vô lượng Tam­ma­đề[42], chuyên tâm chánh niệm. Vì sao? Vì khi tu vô lượng Tam­ma­
đề, chuyên tâm chánh niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Hiển hiện như thật những gì?
Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ
diệt đạo tích Thánh đế."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 430. TRƯỢNG (1)[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc gốc chạm đất, hoặc thân
chạm đất, hoặc đầu chạm đất. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, không biết như thật về
Khổ Thánh đế; không biết như thật về Khổ tậïp Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích
Thánh đế, nên biết, Sa­môn, Bà­la­môn này, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc
đọa vào ngạ quỷ. Cho nên các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì phải
siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
546
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 431. TRƯỢNG (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc rơi xuống đất sạch, hoặc
rơi xuống đất không sạch. Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, không biết như thật về Khổ
Thánh đế; không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh
đế, vì không biết như thật, cho nên hoặc sanh vào đường lành, hoặc sanh vào đường ác. Thế nên
các Tỳ­kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, phải siêng năng tìm phương tiện, phát
khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 432. NGŨ TIẾT LUÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như cái bánh xe có năm tiết liên tục[44]. Một người đại lực sĩ có thể quay nhanh bánh xe này.
Cũng vậy, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào không biết như thật về Khổ Thánh đế, không biết như
thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, sẽ bị luân hồi trong
năm đường, xoay vần một cách nhanh chóng; hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh,
hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc Trời, hoặc Người, rồi lại đọa vào đường ác, trường kỳ luân chuyển.
Cho nên Tỳ­kheo nào đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm phương
tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 433. TĂNG THƯỢNG THUYẾT PHÁP
Tôi nghe như vầy:
547
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp tăng thượng[45]; nghĩa là bốn Thánh đế
được khai thị, được thi thiết, được kiến lập, được phân biệt, được diễn giải, bày hiển hiện, được
biểu lộ[46]. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ
diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì
nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 434. HIỆT TUỆ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Thế nào là hiệt tuệ[47]? Có phải là biết như thật về Khổ Thánh đế, về Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, hay không biết?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, theo như sự hiểu biết của chúng con về những lời dạy của Phật, đối với bốn
Thánh đế mà biết như thật, thì đó gọi là hiệt tuệ."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Nếu đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là hiệt tuệ. Cho nên,
Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện,
phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 435. TU­ĐẠT[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, gia chủ Tu­đạt­
đa[49] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời[50]?"
548
Phật bảo gia chủ:
"Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời."
Phật bảo gia chủ:
"Nếu có người bảo: 'Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán', lời nói này không đúng. Vì sao? Vì
đối với Khổ Thánh đế nếu chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế,
Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì điều này không thể có được. Cũng giống như
người lấy hai lá cây nhỏ[51] xếp lại làm đồ đựng nước mang đi thời không thể có được. Cũng
vậy, đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế,
Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,' thì điều này không thể có được.
"Như có người lấy lá sen kết lại làm đồ chứa nước đem đi, thì việc này có thể có được. Cũng
vậy, này gia chủ, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,' điều này có thể có được. Cho nên, gia
chủ, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát
khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 436. ĐIỆN ĐƯỜNG (1)[52]
Như điều trưởng giả Tu­đạt đã hỏi ở kinh trên, có Tỳ­kheo khác hỏi Đức Phật, cũng được nói
như vậy. Chỉ có sai biệt nơi thí dụ:
"Như có con đường bốn bậc thềm đi lên điện đường. Nếu có người nói: 'Không cần lên bậc thứ
nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên điện đường,' thì điều này không thể có được. Vì
sao? Phải do bậc đầu tiên rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến điện
đường. Cũng vậy, Tỳ­kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán', thì điều này không thể có
được.
"Này Tỳ­kheo, nếu có người nói: 'Bằng bốn bậc thềm đưa lên điện đường, nhưng phải do từ bậc
thềm đầu, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,' nói như
vậy thì mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm đầu tiên, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ
ba, thứ tư rồi lên được điện đường, việc này có thể có được. Cũng vậy Tỳ­kheo, nếu đối với Khổ
Thánh đế đã hiện quán rồi, thì tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt
đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,' nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện
quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh
đế hiện quán, việc này có thể có được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
549
KINH 437. ĐIỆN ĐƯỜNG (2)
Như Tỳ­kheo đã hỏi ở kinh trên, những điều Tôn giả A­nan hỏi, Đức Phật cũng dạy như vậy, chỉ
có thí dụ là sai khác, Phật bảo A­nan:
"Như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường. Nếu có người nói: 'Không cần nhờ vào bậc ban
đầu mà lên ngay bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư là lên được diện đường,' thì không thể có
được. Cũng vậy A­nan, nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,' điều này không thể có được.
Vì sao? Vì nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì không thể có được.
"Này A­nan, như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường, nếu có người nói: 'Phải do bậc đầu
tiên, sau đó mới lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên tới điện đường,' nói như vậy mới đúng. Vì
sao? Vì phải do vào bậc đầu tiên, tuần tự lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi mới tới điện đường,
thì điều này có thể có được. Cũng vậy, A­nan đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự đối
với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán;' điều
này có thể có được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 438. CHÚNG SANH[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như lấy hết cây cỏ trên quả đất này, dùng làm cây thương[54] và xâu hết tất cả các loài thủy vật
trong biển lớn; có thể xuyên suốt được tất cả không?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì những con vật ở trong biển lớn đủ các hình tướng,
chủng loại, hoặc có loài nhỏ quá, không thể xâu được, hoặc lớn quá, cũng không thể xâu được."
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đúng vậy, đúng vậy! Chúng sanh giới vô số vô lượng. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế
này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học
hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
550
KINH 439. TUYẾT SƠN[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn cầm
một cục sạn[56], rồi hỏi các Tỳ­kheo:
"Các ông nghĩ sao? Sạn trong tay Ta đây là nhiều hay sạn ở núi Tuyết lớn nhiều?"
Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, sạn trong tay của Thế Tôn rất ít, còn sạn ở núi Tuyết thì nhiều trăm, muôn ngàn,
ức, vô lượng, không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì ít như sạn ở trong tay Ta đang cầm. Còn những chúng
sanh kia mà không biết như thật đối với Khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế,
Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì nhiều như sạn ở núi Tuyết, nhiều đến vô
lượng. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm
phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 440. HỒ TRÌ ĐẲNG[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như ao hồ, sâu rộng năm mươi do tuần, nước đầy tràn. Nếu có người dùng một sợi tóc, hoặc sợi
lông, hoặc đầu ngón tay thấm vào nước hồ này cho đến ba lần, thì thế nào, này các Tỳ­kheo, giọt
nước thấm của người kia nhiều hay nước trong hồ nhiều?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nước trên sợi tóc, sợi lông, hay dầu ngón tay của người này rất ít, còn nước
trong hồ thì nhiều vô lượng, vô số cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được."
Phật bảo Tỳ­kheo:
551
"Nhiều như nước trong hồ lớn, nhiều vô lượng, là gốc rễ khổ bị cắt đứt như cây đa la bị chặt
ngọn, thành các pháp không tái sanh trong tương lai, mà đa văn Thánh đệ tử đoạn trừ khi thành
tựu kiến đế[58], đắc Thánh đạo quả. Những gì còn sót chưa đoạn tận, chỉ ít như nước đầu sợi tóc,
sợi lông, ngón tay của người kia mà thôi. Cho nên, Tỳ­kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa
hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như ví dụ hồ nước lớn, cũng vậy những ví dụ về hồ Tát­la­đa­tra­ca, Hằng­già, Da­phù­na, Tátla­du, Y­la­bạt­đề, Ma­hê[59], cùng bốn biển lớn cũng nói như trên.
KINH 441. THỔ[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay
cầm một hòn đất, lớn bằng trái lê[61], bảo các Tỳ­kheo:
"Thế nào, các Tỳ­kheo, hòn đất trong tay Ta nhiều hay đất trong núi Tuyết nhiều?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thưa, hòn đất trong tay Thế Tôn rất ít, còn đất tại núi chúa Tuyết thì thật nhiều, nhiều đến trăm
ngàn ức na do tha, cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng ít như hòn đất Ta đang cầm ở trong tay. Những
chúng sanh mà không biết như thật khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ
diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nhiều hơn đất ở núi chúa Tuyết. Cho nên, Tỳ­kheo,
đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý
muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như núi chúa Tuyết. Cũng vậy các ví dụ về núi Ni­dân­đà­la, Tỳ­na­đa­ca, Mã­nhĩ, Thiện kiến,
Khư­đề­la­ca, Y­sa­đà­la, Du­kiền­đà­la, Tu­di sơn vương[62] và đất đai trên đại địa cũng lại
như vậy. Như dụ trái lê, cũng vậy các ví dụ trái A­ma­lặc­ca, Bạt­đà­la, Ca­la­ca, quả đậu, cho
đến ví dụ tép tỏi cũng nói như vậy.
552
KINH 442. TRẢO GIÁP[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng
trong móng tay khự một ít đất, rồi nói với các Tỳ­kheo:
"Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô
lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Cũng như vậy, thân hình các chúng sanh mà có thể thấy được thì như đất trên móng tay; còn
thân hình của chúng sanh vi tế không thể thấy được nhiều như đất trên đại địa. Cho nên, Tỳ­
kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý
muốn tích cực, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như đất liền nói trên, về thủy tánh cũng lại như vậy.
Các kinh khác tương tợ:[64]
­ "Ít như đất trên móng tay, cũng vậy, những chúng sanh được sanh ra trong cõi người;
­ "Loại không được làm người cũng như đất đại địa.
­ "Những chúng sanh được sanh ra nơi có văn minh (đô thị) cũng như đất dính trên móng tay;
­ "Được sanh ra nơi biên địa cũng như đất trên đại địa.
­ "Người thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất trên móng tay;
­ "Người không thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh biết được pháp luật này, cũng như đất dính trên móng tay;
­ "Chúng sanh không biết pháp luật cũng như đất ở đại địa.
­ "Như biết, cũng vậy: biết bình đẳng, biết khắp tất cả, chánh tưởng, chánh giác, chánh giải, pháp
hiện quán cũng như vậy.
553
­ "Những chúng sanh biết có cha mẹ, thì cũng như đất dính trên móng tay;
­ "Số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa­môn, Bà­la­môn và làm những điều cần
làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên
đầu móng tay;
­ "Số chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa­môn, Bà­la­môn, làm những điều
phước cần ở đời này, đời khác, sợ tọâi lỗi thường bố thí, ăn chay, giữ giới thì cũng như đất ở đại
địa.
­ "Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không
nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt thì cũng như đất trên móng tay;
­ "Số chúng sanh không giữ gìn giới luật thì cũng như đất ở đại địa.
­ "Cũng vậy, những chúng sanh lìa tham nhuế, tà kiến và chúng sanh không lìa tham nhuế, tà
kiến cũng nói như vậy.
­ "Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không
uống rượu, ít như đất dính trên móng tay;
­ "Số chúng sanh không giữ gìn năm giới nhiều như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh giữ gìn tám giới thì cũng như đất dính trên móng tay;
­ "Số chúng sanh không giữ gìn tám giới thì cũng như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh giữ gìn mười điều lành thì cũng như đất trên móng tay;
­ "Số chúng sanh không giữ mười điều lành thì cũng như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh từ địa ngục, sau khi chết rồi được sanh làm người thì cũng như đất dính
trên móng tay;
­ "Số chúng sanh từ địa ngục sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ
thì cũng như đất ở đại địa.
­ "Những chúng sanh từ địa ngục sau khi chết được sanh lên cõi trời thì cũng như đất dính trên
móng tay;
­ "Số chúng sanh từ địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.
554
­ "Những chúng sanh ở loài người sau khi chết rồi sanh trở lại làm người thì cũng như đất dính
trên móng tay;
­ "Số chúng sanh ở loài người sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất
ở đại địa.
­ "Những chúng sanh từ cõi trời sau khi chết trở lại sanh vào cõi Trời thì cũng như đất dính trên
móng tay;
­ "Số chúng sanh ở cõi Trời sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở
đại địa."
KINH 443. TỨ THÁNH ĐẾ DĨ SANH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Trước kia, khi Ta chưa nghe pháp, đã có được chánh tư duy rằng, 'Đây là Khổ Thánh đế',
chánh kiến đã phát sanh; 'Đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt
đạo tích Thánh đế', chánh kiến đã phát sanh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói về đã sanh. Cũng vậy, đang sanh, sẽ sanh; kinh nói về khởi, tập, cận (gần), tu, tu
nhiều, xúc, tác chứng cũng như vậy.[65]
KINH 444. NHÃN DƯỢC HOÀN[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Như viên thuốc chữa mắt, rộng sâu một do tuần[67]. Nếu có người nào lấy viên thuốc này đặt
vào trong mỗi mỗi giới[68], có thể khiến cho hết nhanh chóng[69], nhưng đối với các giới kia
cũng không thể cùng biên tế của nó được. Nên biết, số lượng các giới nhiều đến vô lượng. Cho
nên, Tỳ­kheo, hãy học giới loại thiện. Đối với chủng loại sai biệt của giới thiện, hãy học như
vậy."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
555
KINH 445. BỈ TÂM[70]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ, thì bấy giờ Đức
Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[71]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội
cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện[72]. Khi
tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi
cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Cho nên, Tỳ­kheo, hãy học như vậy, chủng loại
sai biệt của giới thiện."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 446. KỆ (1)[73]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
Nói đầy đủ như trên, chỉ khác là nói thêm bài kệ này:
Thường hợp nên thường sanh,
Lìa nhau, thì sanh dứt.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác;
Siêng năng hạng thấp hèn.
Hiền thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
556
Thiền tinh tấn ân cần,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh cùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.
KINH 447. HÀNH[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ­
kheo:
"Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[75]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội
cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện. Khi tâm
hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng
thắng giới.
Bấy giờ, Tôn giả Kiều­trần­như cùng với nhiều Tỳ­kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là
những Đại đức, Thượng tọa, đa văn, xuất gia đã lâu, tu tập đầy đủ phạm hạnh.
Lại có Tôn giả Đại Ca­diếp cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều ít
muốn, biết đủ, đầu đà, khổ hạnh, không chứa đồ dư.
Tôn giả Xá­lợi­phất cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc
Đại trí biện tài.
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là
những bậc có sức thần thông lớn.
Tôn giả A­na­luật­đà cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều được thiên
nhãn sáng suốt.
557
Bấy giờ, cũng có Tôn giả Nhị­thập­ức­nhĩ, cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó.
Tất cả đều dõng mãnh, tinh tấn, chuyên cần tu hành.
Lại có Tôn giả Đà­phiêu cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều vì đại
chúng sửa sang các thứ cúng dường đầy đủ.
Tôn giả Ưu­ba­ly cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều thông đạt luật
hạnh.
Tôn giả Phú­lâu­na cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc
biện tài, thuyết pháp.
Lại có Tôn giả Ca­chiên­diên cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều có
khả năng phân biệt các kinh, khéo nói pháp tướng.
Khi đó cũng có Tôn giả A­nan cùng với nhiều Tỳ­kheo đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những
bậc tổng trì đa văn.
Lại có Tôn giả La­hầu­la cùng với nhiều Tỳ­kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều khéo giữ
gìn luật hạnh.
Khi đó cũng có Tôn giả Đề­bà­đạt­đa cùng với nhiều Tỳ­kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả
đều huân tập nhiều ác hạnh.
Đó gọi là Tỳ­kheo thường cùng đi và hòa hợp với nhau. Cho nên, Tỳ­kheo, nên khéo phân biệt
các giới loại sai biệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 448. KỆ (2)[76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Nói đầy đủ như kinh trên. Phật liền nói kệ:
Thường hợp nên thường sanh,
Lìa nhau, thì sanh dứt.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
558
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác;
Siêng năng hạng thấp hèn.
Hiền thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
Thiền tinh tấn ân cần,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh lùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.
KINH 449. GIỚI HÒA HỢP[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Nói đầy đủ như trên... cho đến,
"Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Khi sát sanh thì đi cùng giới sát
sanh. Khi tâm trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì đi cùng giới trộm cắp, tà dâm, vọng
ngữ, uống rượu. Khi tâm không sát sanh đi cùng giới không sát sanh. Khi tâm không trộm cắp,
không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu đi cùng giới không trộm cắp, không tà dâm,
không vọng ngữ, không uống rượu. Cho nên, Tỳ­kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai
biệt."
559
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 450. TINH TẤN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Khi bất tín thì đi cùng giới bất tín. Khi
phạm giới thì đi cùng giới phạm giới. Khi không tàm không quý thì đi cùng giới không tàm
không quý. Khi có lòng tín thì đi cùng giới có tín. Khi trì giới thì đi cùng giới trì giới. Khi tâm có
tàm có quý thì đi cùng giới có tàm có quý. Cho nên, Tỳ­kheo, phải khéo phân biệt các giới loại
sai biệt."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như tín hay bất tín. Cũng vậy: tinh tấn hay không tinh tấn, thất niệm hay không thất niệm, chánh
thọ hay không chánh thọ, đa văn hay thiểu văn, xan lẫn hay bố thí, ác tuệ hay thiện tuệ, khó nuôi
hay dễ nuôi, khó thỏa mãn hay dễ thỏa mãn, ham muốn nhiều hay ham muốn ít, biết đủ hay
không biết đủ, điều phục hay không điều phục, tất cả đều đi cùng giới đó. Như kinh trên đã nói
đầy đủ.[78]
KINH 451. GIỚI[79]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Hôm nay Ta sẽ nói về các chủng loại sai biệt của giới[80]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ
vì các ông mà nói.
"Thế nào là các giới? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ
giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức
giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các thứ giới."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
560
KINH 452. XÚC (1)[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các
chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt
thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.
"Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới...
cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.
"Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc... cho
đến, thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của
ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Do
duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, giới làm duyên nên
sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ sanh ra ý ái.
"Này các Tỳ­kheo, không phải do duyên các chủng loại sai biệt của ái nên sanh ra các chủng loại
sai biệt của thọ. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại
sai biệt của xúc. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại
sai biệt của giới. Chính là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai
biệt của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của
thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái. Này các
Tỳ­kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt
của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Do
duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 453. XÚC (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các
chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt
thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.
561
"Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới,...
cho đến, ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.
"Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; do
duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các thọ; do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên
sanh ra các chủng loại sai biệt ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải do
duyên nhãn xúc sanh ra nhãn giới, mà là duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn
xúc nên sanh ra nhãn thọ. Không phải duyên nhãn thọ sanh ra nhãn xúc, mà là duyên nhãn xúc
nên sanh ra nhãn thọ. Do duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Không phải duyên nhãn ái nên
sanh ra nhãn thọ, mà là duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân,
ý; duyên ý giới nên sanh ra ý xúc. Không phải duyên ý xúc sanh ra ý giới, mà là duyên ý giới nên
sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Không phải duyên ý thọ sanh ra ý xúc, mà
duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Không phải duyên ý ái sanh ra ý
thọ, mà duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Cho nên, Tỳ­kheo, không phải vì sanh các chủng loại sai
biệt ái sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Không phải vì duyên các thọ sanh ra các xúc, cũng
không phải vì duyên các xúc sanh ra các giới, mà chỉ có vì duyên các giới nên sanh ra các xúc.
Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ; vì duyên các chủng
loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái. Này Tỳ­kheo, đó gọi là nên khéo phân biệt
các chủng loại sai biệt giới."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 454. TƯỞNG (1)[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các
chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt
thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng. Do duyên các chủng loại sai biệt tưởng nên sanh ra
các chủng loại sai biệt dục. Do duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các giác[83]. Do
duyên các chủng loại sai biệt giác nên sanh ra các chủng loại sai biệt nhiệt; vì duyên các thứ
nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt cầu[84].
"Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám: Nhãn giới... cho đến pháp giới.
"Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc... cho
đến, duyên các thứ nóng bức nên sanh ra các mong cầu? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn
xúc; duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ; duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn tưởng; duyên nhãn
tưởng nên sanh ra nhãn dục; do duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn giác; duyên nhãn giác nên sanh
ra nhãn nhiệt; duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn cầu. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; do
562
duyên ý giới nên sanh ra ý xúc; duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ; duyên ý thọ nên sanh ra ý tưởng;
duyên ý tưởng nên sanh ra ý giác; duyên ý giác nên sanh ra ý nhiệt; do duyên ý nhiệt nên sanh ra
ý cầu. Này Tỳ­kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại
sai biệt xúc... cho đến, duyên các thứ nhiệt sanh ra các thứ cầu.
"Này Tỳ­kheo, không phải do duyên các thứ mong cầu nên sanh ra các thứ nhiệt. Không phải do
duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ giác. Không phải do duyên các thứ giác nên sanh ra các thứ
tưởng. Không phải vì duyên các thứ tưởng nên sanh ra các thứ thọ. Không phải do duyên các thứ
thọ nên sanh ra các thứ xúc. Cũng không phải vì duyên các thứ xúc nên sanh ra các thứ giới, mà
chỉ có duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc;... cho đến, duyên các
thứ nhiệt sanh ra các thứ mong cầu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 455. TƯỞNG (2)[85]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; duyên các chủng
loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng; duyên các chủng loại sai biệt tưởng
nên sanh ra các chủng loại sai biệt dục; duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các chủng
loại sai biệt giác; duyên các chủng loại sai biệt giác nên ra sanh các chủng loại sai biệt nhiệt;
duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu.
"Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến pháp giới.
"Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc,... cho
đến; thế nào là duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu?
Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải vì duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn giới,
mà chỉ vì duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc[86]. Duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn tưởng.
Không phải vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn xúc, mà chỉ vì duyên nhãn xúc nên sanh ra
nhãn tưởng. Duyên nhãn tưởng sanh ra nhãn dục. Không phải vì duyên nhãn dục nên sanh ra
nhãn tưởng, mà chỉ vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn dục. Duyên nhãn dục sanh ra nhãn
giác. Không phải vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn dục, mà chỉ vì duyên nhãn dục nên sanh ra
nhãn giác. Duyên nhãn giác sanh ra nhãn nhiệt. Không phải vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra
nhãn giác, mà chỉ vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn nhiệt. Duyên nhãn nhiệt sanh ra nhãn cầu.
Không phải vì duyên nhãn cầu nên sanh ra nhiệt, mà chỉ vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn
cầu.
563
"Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, vì duyên ý giới nên sanh ra ý xúc... cho đến duyên ý
nhiệt nên sanh ra ý cầu, cũng nói đầy đủ như vậy.
"Này Tỳ­kheo, đó gọi là duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc...
cho đến vì duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong cầu, chứ không phải duyên các thứ mong
cầu nên sanh ra các nhiệt,... cho đến không phải duyên các xúc nên sanh ra các giới, mà chỉ vì
duyên các giới nên sanh ra các thứ xúc,... cho đến, duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong
cầu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như nội lục nhập xứ, ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.[87]
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh, quyển 16. "Tạp nhân tụng" phẩm iii (phần 4) [tiểu mục trong nguyên bản Đại
Chánh]. Quốc Dịch đồng. Pāli, S. 56. 41. Cintā.
[2]. Pāli: lokacintaṃ cintento, tư duy về (tư duy) thế gian, suy nghĩ về thế giới.
[3]. Phi nghĩa nhiêu ích, phi pháp nhiêu ích, phi phạm hạnh nhiêu ích, phi trí, phi giác, bất
thuận Niết­bàn 非義饒益,非法饒益,非梵行饒益,非智,非覺,不順涅槃. Pāli: na hetaṃ
atthasaṃhitaṃ etaṃ ādibrahmacariyakaṃ etaṃ na nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na
upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṃvattati (S. v. p. 438), điều đó không
liên hệ mục đích (giải thoát), không thuộc căn bản phạm hạnh, không dẫn đến yểm ly, không dẫn
đến ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết­bàn.
[4]. Câu­hy­la trì 拘絺羅池. Pāli: sumāgadhā pokkharañī, hồ sen Sumāgadhā.
[5]. Ngẩu khổng 藕孔. Pāli: bhisamuḷāla, chồi non của sen.
[6]. Phi nghĩa nhiêu ích 非義饒益: chẳng ích gì cho mục đích.
[7]. S. 56. 8. Cintā.
[8]. Pāli: mā... pāpakaṃ ākusalaṃ cittam cinteyyātha, các ngươi chớ tư duy về tư duy ác bất
thiện.
[9]. Suy tầm, trầm tư. Pāli, S. 56. 7. Vitakkā.
[10]. Tham giác, sân (nhuế) giác, hại giác; đây gọi là ba bất thiện tầm, ba tư duy tầm cầu bất
thiện: ham muốn, thù hận, ý nghĩ ác hại. Pāli: kāmavitakkaṃ vyāpādavitakkaṃ
vihiṃsavitakkaṃ.
564
[11]. Pāli: mā, bhikkhave, pāpake akusale vitakke vitakkeyyātha, Tỳ­kheo, các ngươi chớ có tư
duy tầm cầu về các suy tầm ác bất thiện.
[12]. Pāli, xem kinh 409.
[13]. S. 56. 10. Kathā.
[14]. Các đề tài được gọi là súc sanh luận (Pāli: tiracchānakathā), vì vô nghĩa, vô ích.
[15]. Tranh cãi. Pāli, S. 56. 9. Viggāhikā.
[16]. Ba­tư­nặc 波斯匿王 (Pāli: Pasenadi), vua nước Câu­tát­la 拘薩羅 (Pāli: Kosala). Tần­bà­
sa­la Tần­bà­sa­la 頻婆娑羅王 (Pāli: Bimbisāra), vua nước Ma­kiệt­đà.
[17]. Như kinh 407.
[18]. Như kinh 407.
[19]. Tức thí chủ.
[20]. Pāli, S. 56. 15. Dhāraṇa.
[21]. S. 56. 20, 27. Tathā.
[22]. Như như, bất ly như, bất dị như... 如如,不離如,不異如. Pāli (S.v.430): cattārimāni
bhikkhave tathāni avitathāni aññatathāni.
[23]. S. 56. 16. Dhāraṇa.
[24]. S. 56. 42. Papāto.
[25]. Thâm hiểm nham; xem cht. dưới. Pāli: ayāma, bhikkhave, yena paṭibhānakūṭo ten'
upasaṃkamissāma divāvihārayā, này các Tỳ­kheo, chúng ta hãy đi lên ngọn Paṭibhānakūṭa (Biện
tài đỉnh) để nghỉ trưa.
[26]. Thâm hiểm nham 深嶮巖, vực thẳm sâu; bản Pāli: Thế Tôn lên ngọn Paṭibhāna, một Tỳ­
kheo thấy một vực sâu nguy hiểm, kêu lên: mahā vatāyaṃ bhante papāto subhayānako, Thế Tôn,
lớn thay, vực thẳm dễ sợ này.
[27]. Sanh bổn chư hành lạc trước 生本諸行樂著. Pāli: jātisaṃvattanikesu saṃkhāresu
abhiramanti, hoan lạc nơi các hành mà chúng dẫn đến sự thọ sanh.
[28]. Cực kỳ nóng. Pāli, S. 56. 43. Pariḷāha.
[29]. Đại nhiệt địa ngục 大熱地獄. Pāli: Mahāpariḷāha.
565
[30]. Cực kỳ đen tối. Pāli, S. 56. 46. Andhakāra.
[31]. Xem cht.33, kinh 424 dưới.
[32]. Xem kinh 423 trên.
[33]. Pāli: atthi, bhikkhae, lokantarikā aghā asaṃvutā andhakārā andhakāratimisā, yattham
imesaṃ candimasūriyānaṃ evaṃmahiddhikānaṃ evaṃ mahānubhāvānaqṃ ābhāya nānubhontī
ti, có một chỗ tối tăm, sâu thẳm tối tăm không đáy, ở khoảng giữa các thế giới, không có vòm
trời che; chỗ đó, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng vốn có thần lực như vậy, mà không chiếu tới
được.
[34]. Gần giống kinh 424 trên.
[35]. Gần tương đồng các kinh 424, 425 trên.
[36]. Pāli, S. 56. 29. Pariññeyyaṃ (cần được biến tri).
[37]. Pāli, S. 56. 2. Patisallāna (sống độc cư).
[38]. Đương cần thiền tư. Pāli: paṭisallāne bhikkhave yogam āpajjatha, hãy tu tập chuyên cần ở
nơi nhàn tĩnh độc cư.
[39]. Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.
[40]. Pāli (S.v.141): paṭisallāno...bhikkhu yathābhūtam pajānāti, Tỳ­kheo tịch tĩnh độc cư thì
liễu tri như thật (về bốn Thánh đế).
[41]. S. 56. 1. Samādhi.
[42]. Tức tu định. Pāli: samādhiṃ bhikkhave bhāvetha.
[43]. Cây gậy. Pāli, S. 56. 33. Daṇḍo.
[44]. Ngũ tiết tương tục luân 五節相續輪, bánh xe có năm nan.
[45]. Tăng thượng thuyết pháp 增上說法.
[46]. Các cách thuyết pháp của Phật, Pāli: ācikkananā (tuyên thuyết, công bố), desanā (giáo
huấn, chỉ thị), paññāpanā (thi thiết, quy định), vivaraṇā (khai thị, khai hiển), vibhajanā (phân
biệt, phân tích).
[47]. Hiệt tuệ 黠慧, nhận thức lão luyện, sâu sắc. Pāli: paṇḍita.
[48]. Tu­đạt, tên thật của ông Cấp cô độc. Pāli: Sudatta.
566
[49]. Tu­đạt trưởng giả 須達長者. Pāli: Sudatta­gahapati.
[50]. Tiệm thứ vô gián đẳng, đốn vô gián đẳng 漸次無間等, 頓無間等.
[51]. Tế diệp; xem cht.90, kinh 397.
[52]. Pāli, S. 56. 44. Kūṭāgāra.
[53]. S. 56. 36. Pājā.
[54]. Thương 鏘; trong Khang Hy, từ này chỉ tiếng khua của châu ngọc. Có lẽ là 槍. Pāli: sūla,
cây giáo, hay cái cọc nhọn.
[55]. S. 56. 49­50. Sineru.
[56]. Hán: thổ thạch 土石. Pāli, Phật so sánh bảy viên sỏi nhỏ bằng hạt cải (satta muggamattiyo
pāsāṇakkharā) và núi chúa Tu­di (Sineru).
[57]. Thí dụ về ao hồ và các thứ khác nữa. Pāli, S. 56. 52. Pokkharaṇī.
[58]. Kiến đế, thấy được Thánh đế. Pāli: ariyasāvakassa diṭihisampanassa puggalassa
abhisametāvino, đối với Thánh đệ tử đã thành tựu kiến, đã đắc hiện quán (Đây chỉ Thánh giả Tu­
đà­hoàn).
[59]. Tên các con sông lớn ở Ấn Độ: Sambejja, Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī.
[60]. Đất. Pāli, S.56. 55­60. Pathavī,v.v...
[61]. Pāli: satta kolaṭṭhimattiyo guḷikā, hòn đất lớn bằng hạt của quả táo.
[62]. Pāli, núi Tudi (Sineru) và 7 núi chung quanh: Nemindhara, Vinataka, Assakaṇṇa,
Sudassana, Karavīka, Īsadhara, Yugandhara.
[63]. Móng tay. Pāli, S. 56. 51. Nakkhasikho.
[64]. Tóm tắt có ba mươi kinh.
[65]. Tóm tắt có chín kinh.
[66]. Ấn Thuận, tụng iii Tạp nhân, "5. Tương ưng Giới", gồm ba mươi bảy kinh, Đại Chánh hai
mươi hai kinh: 444­465. phần lớn tương đương Pāli, S.14. Dhātu­saṃyutta, Viên thuốc chữa
mắt.
[67]. Ý nói, số lượng viên thuốc được tập hợp lại.
567
[68]. Chỉ cách tính số lượng: mỗi giới loại (chủng loại) đặt một viên.
[69]. Số viên thuốc hết nhanh, nhưng số giới chưa hết.
[70]. Tâm hèn mọn. Pāli, S. 14. 14. Hīnādhimutti (Ý chí hèn kém).
[71]. Pāli: dhātusova bhikkhave sattā saṃsandanti samenti, chúng sanh giao tiếp theo giới, tập
hợp theo giới. Ở đây, giới hay giới loại được hiểu là tính chất (đồng loại tướng quần).
[72]. Pāli: hīnādhimuttikā hīnādhimuttikehi saddhiṃ..., bản tánh thấp hèn thì đi với bản tánh
thấp hèn.
[73]. Pāli, S. 14. 16. Sagathā.
[74]. S. 14. 15. Kammaṃ.
[75]. Xem cht.71, kinh 445.
[76]. Như kinh 486.
[77]. S. 14. 12. Sanidānaṃ.
[78]. Tóm tắt mười một kinh.
[79]. S. 14. 1. Dhātu.
[80]. Chủng chủng giới 種種界. Pāli: dhātunānattaṃ, sự đa dạng của giới (loại).
[81]. S. 14. 2­5. Samphassa, v.v...
[82]. S. 14. 7. Saññā.
[83]. Giác, đây chỉ cho giác tưởng phân biệt, hay vọng tưởng phân biệt (Pāli: saṅkappa). Bản
Pāli: duyên đa dạng tưởng (saññānānattaṃ) sanh đa dạng tư duy (saṃkappanānattaṃ); duyên đa
dạng tư duy sanh đa dạng dục (chandanānattaṃ).
[84]. Pāli: duyên đa dạng dục (chandanānattaṃ) sanh đa dạng nhiệt não (pariḷāhanānattaṃ, nóng
bức, bực tức khổ não); duyên nhiệt não sanh đa dạng mong cầu (priyesanānānattaṃ).
[85]. Nội dung gần với kinh trên.
[86]. Trong bản, trên chữ duyên có chữ phi. Đây lược bỏ.
[87]. Tóm tắt có bốn kinh.
568
TẠP A-HÀM QUYỂN 17
KINH 456. CHÁNH THỌ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà thuộc nước Xá­vệ. Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu
nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, hữu diệt giới[2]."
Khi ấy có Tỳ­kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, chắp tay,
bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ
giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, diệt giới. Các thứ giới như
vậy do nhân duyên gì để có thể biết?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Quang giới kia do duyên tối tăm mà được biết. Tịnh giới do duyên bất tịnh nên biết. Vô lượng
không nhập xứ giới do duyên sắc mà biết. Vô lượng thức nhập xứ giới do không[3] mà được
biết. Vô sở hữu nhập xứ giới do duyên sở hữu[4] mà được biết. Phi tưởng phi phi tưởng nhạâp
xứ giới do duyên hữu đệ nhất[5] mà được biết. Diệt giới là do duyên hữu thân[6] mà được biết".
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, từ quang giới cho đến diệt giới này do vào chánh thọ[7] gì mà đạt được?"
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu
nhập xứ giới; các cõi này ngay nơi chánh thọ đang tự hành mà đạt được[8]. Phi tưởng phi phi
tưởng nhập xứ giới ở nơi chánh thọ của đệ nhất hữu[9] mà đạt được và diệt giới do chánh thọ của
diệt hữu thân[10] mà đạt được."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 457. THUYẾT[11]
Tôi nhge như vầy:
569
Một thời, Đức Phật ở tại giảng đường Lộc mẫu, Đông viên, nước Xá­vệ. Bấy giờ vào buổi chiều,
Đức Thế Tôn sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, đến trong bóng mát giảng đường, trải tòa, ngồi trước
đại chúng, nói những câu kệ Ưu­đàn­na, rồi bảo các Tỳ­kheo:
"Vì duyên giới mà sanh thuyết[12], chứ không phải không do giới. Duyên giới mà sanh kiến,
không phải không do giới, Duyên giới mà sanh tưởng, không phải không do giới. Duyên giới hạ
liệt[13], Ta nói, sanh thuyết hạ liệt[14], kiến hạ liệt, tưởng hạ liệt, tư hạ liệt[15], dục hạ liệt[16],
nguyện hạ liệt, hạ sĩ phu hạ liệt[17], sở tác hạ liệt, thi thiết hạ liệt, kiến lập hạ liệt, hạ bộ phận hạ
liệt, hạ hiển thị hạ liệt, hạ thọ sanh hạ liệt.
"Trung giới[18] cũng như vậy.
"Cũng vậy, đối với giới thù thắng[19]. Do duyên thắng giới, Ta nói kia sanh thuyết thù thắng,
kiến thù thắng, tưởng thù thắng, nguyện thù thắng, sĩ phu thù thắng, sở tác thù thắng, thi thiết thù
thắng, kiến lập thù thắng, bộ phận thù thắng, hiển thị thù thắng, thọ sanh thù thắng".
Bấy giờ có Tỳ­kheo Bà­ca­lị[20] đang đứng sau, cầm quạt hầu Phật, bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, nếu đối với Chánh đẳng Chánh giác, mà khởi lên kiến giải không phải Chánh
đẳng Chánh giác, thì các kiến giải này cũng duyên theo giới mà sanh chăng?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Đối với Chánh đẳng Chánh giác mà khởi kiến giải không phải Chánh đẳng Chánh giác[21],
cũng duyên theo giới mà sanh ra, không phải không duyên giới. Vì sao? Giới của phàm phu là vô
minh giới. Như trước Ta đã nói, duyên hạ giới sanh hạ thuyết, hạ kiến,... cho đến, hạ thọ sanh.
Duyên trung giới cũng như vậy, đối với thắng giới, cũng sanh thắng thuyết, thắng kiến, cho đến,
thắng thọ sanh."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 458. NHÂN[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có nhân sanh ra dục tưởng, chứ không phải không có nhân; có nhân sanh ra nhuế tưởng, hại
tưởng[23], chứ không phải không có nhân.
570
"Do nhân gì sanh dục tưởng? Do duyên dục giới. Duyên dục giới nên sanh ra dục tưởng, dục
dục, dục giác, dục nhiệt, dục cầu[24]. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên dục cầu rồi, chúng
sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện
tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng[25], có nóng bức; sau khi chết rồi
sanh vào trong đường ác. Đó gọi là nhân duyên sanh dục tưởng.
"Thế nào là nhân duyên sanh ra nhuế tưởng, hại tưởng? Đó là hại giới. Do duyên hại giới nên
sanh hại tưởng, hại dục, hại giác, hại nhiệt, hại cầu. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên sự mong
muốn làm hại, chúng sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà
vạy như vậy nên hiện tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức;
sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác.
"Này các Tỳ­kheo, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào đang an trú nơi sanh như vậy mà sanh tưởng
nguy hiểm[26], không tìm cách loại bỏ, không tỉnh giác[27], không nhả ra, thì hiện tại người ấy
ngay trong đời hiện tại an trú khổ; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết
rồi sanh vào trong đường ác.
"Ví như cách thành ấp, làng xóm không xa, có cánh đồng hoang, chợt bốc lửa lớn. Nếu không có
ai có sức mạnh để dập tắt lửa, nên biết, những chúng sanh ở trong đồng hoang đó chắc chắn sẽ bị
lửa hại. Cũng vậy, Sa­môn, Bà­la­môn đang an trú nơi sanh mà sanh tưởng nguy hiểm, sau khi
thân hoại mạng chung sanh vào đường ác.
"Này các Tỳ­kheo, có nhân sanh tưởng xuất yếu[28], chứ không phải không có nhân.
"Thế nào là nhân sanh tưởng xuất yếu? Đó là xuất yếu giới[29]. Do duyên xuất yếu giới sanh
xuất yếu tưởng, xuất yếu dục, xuất yếu giác, xuất yếu nhiệt, xuất yếu cầu. Nghĩa là người có trí
kia khi tìm cầu sự xuất yếu, chúng sanh này[30] phát sanh chánh hành qua ba chỗ là thân, miệng,
tâm. Kia sau khi do nhân duyên sanh chánh hành như vậy, ngay hiện tại sống an lạc; không khổ,
không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành. Đó gọi là
nhân duyên sanh tưởng xuất yếu.
"Thế nào là nhân duyên sanh tưởng không nhuế, không hại[31]? Đó là bất nhuế, bất hại giới. Do
nhân duyên bất hại giới sanh bất hại tưởng bất hại dục, bất hại giác, bất hại nhiệt, bất hại cầu
không hại. Nghĩa là người có trí kia khi tìm cầu sự bất hại, chúng sanh phát sanh chánh hành qua
ba chỗ là thân, miệng, tâm. Kia sau khi do nhân duyên sanh chánh hành như vậy, ngay hiện tại
sống an lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh
vào cõi lành. Đó gọi là nhân duyên sanh tưởng bất hại.
"Nếu các Sa­môn, Bà­la­môn an trụ nơi sanh mà sanh tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại
bỏ[32], không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng,
không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành.
"Ví như ven thành ấp, làng xóm, có cánh đồng hoang chợt bốc lửa lớn. Có người có khả năng
dùng tay, chân để dập tắt lửa. Nên biết, các chúng sanh sống nương cây cỏ đều không bị hại.
Cũng vậy, Sa­môn, Bà­la­môn an trụ nơi sanh mà sanh tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại
571
bỏ, không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không
nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 359. TỰ TÁC[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, có Bà­la­môn đến
chỗ Phật, sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:
"Chúng sanh không phải tự mình làm, không phải cái khác làm."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Với luận thuyết như vậy thì Ta và ông không gặp nhau. Ông nay tự mình đi đến đây mà lại nói
không tự mình làm, không phải cái khác làm."
Bà­la­môn bạch:
"Thế nào, bạch Cù­đàm, chúng sanh là tự mình làm hay cái khác làm?"
Phật bảo Bà­la­môn:
"Bây giờ Ta hỏi ông, tùy ý mà trả lời Ta. Này Bà­la­môn, ý ông nghĩ sao, có phương tiện
giới[34] của chúng sanh, nhờ đó các chúng sanh biết tạo ra phương tiện chăng?"
Bà­la­môn bạch:
"Bạch Cù­đàm, có phương tiện giới của chúng sanh đó, khiến cho các chúng sanh biết tạo ra
phương tiện."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Nếu có phương tiêïn giới nhờ đó mà các chúng sanh biết có phương tiện, thì đó là chúng sanh tự
mình làm hay là cái khác làm[35]?"
"Này Bà­la­môn, ý ông nghĩ sao, có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới[36] của
chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác chăng?"
Bà­la­môn bạch Phật:
572
"Có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là
có tạo tác."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Nếu có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh
biết là có tạo tác, thì đó là chúng tự mình làm hay là cái khác làm?"
Bà­la­môn bạch:
"Chúng sanh có việc tự mình làm, có việc người khác làm. Bạch Cù­đàm, vì ở đời có nhiều công
việc, bây giờ xin phép được cáo từ."
Phật bảo Bà­la­môn:
"Ở đời có nhiều công việc, ông nên đúng thời."
Sau khi nghe lời Phật dạy, Bà­la­môn hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 460. CÙ­SƯ­LA[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di[38]. Bấy giờ gia chủ Cù­sư­la[39] đi đến
chỗ Tôn giả A­nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A­nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả Anan:
"Nói là nhiều chủng loại giới[40]. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?"
Tôn giả A­nan bảo gia chủ Cù­sư­la:
"Nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về hỷ xứ[41]. Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp
sanh xúc. Do nhân duyên hỷ xúc sanh lạc thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như
vậy.
"Lại nữa, này gia chủ, có nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về ưu xứ. Hai nhân duyên sanh
thức. Ba sự hòa hợp sanh khổ xúc. Do nhân duyên khổ sanh khổ thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý pháp cũng nói như vậy.
"Lại nữa này gia chủ, nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về xả xứ. Hai nhân duyên sanh thức.
Ba sự hòa hợp sanh xúc, không khổ, không lạc. Do nhân duyên xúc không khổ, không lạc sanh
thọ, không khổ, không lạc. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như vậy."
573
Gia chủ Cù­sư­la sau khi nghe lời dạy của Tôn giả A­nan hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
KINH 461. TAM GIỚI (1)[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di[43]. Bấy giờ gia chủ Cù­sư­la đi đến chỗ
Tôn giả A­nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A­nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A­nan:
"Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?"
Tôn giả A­nan bảo gia chủ Cù­sư­la:
"Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói bài kệ:
Hiểu rõ về Dục giới,
Sắc giới cũng như vậy.
Bỏ tất cả hữu dư,
Được tịch diệt vô dư.
Nơi thân hòa hợp giới[44],
Đoạn tuyệt, chứng vô dư.
Đấng Chánh Giác[45] đã chỉ,
Dấu vô ưu, ly cấu[46].
Tôn giả A­nan nói kinh này xong, gia chủ Cù­sư­la hoan hỷ, tùy hỷ, rồi lui ra.
KINH 462. TAM GIỚI (2)
Tôi nghe như vầy:
574
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di[47]. Bấy giờ gia chủ Cù­sư­la đi đến chỗ
Tôn giả A­nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A­nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A­nan:
"Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?"
Tôn giả A­nan bảo gia chủ Cù­sư­la:
"Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Sắc giới, Vô sắc giới, Diệt giới[48]."
Bấy giờ, Tôn giả A­nan nói bài kệ:
Nếu chúng sanh Sắc giới,
Và trụ Vô sắc giới,
Mà không biết Diệt giới,
Thì lại thọ các hữu.
Nếu đoạn được sắc giới,
Không trụ vô sắc giới,
Diệt giới, tâm giải thoát,
Thì xa lìa sanh tử.
Khi Tôn giả A­nan nói kinh này xong, thì gia chủ Cù­sư­la tùy hỷ, vui mừng làm lễ mà lui.
KINH 463. TAM GIỚI (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di. Bấy giờ gia chủ Cù­sư­la đi đến chỗ Tôn
giả A­nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A­nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A­nan:
"Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?"
Tôn giả A­nan bảo gia chủ Cù­sư­la:
"Có ba thứ giới xuất ly, đó là xuất ly từ Dục giới cho đến Sắc giới và xuất ly từ Sắc giới cho đến
Vô sắc giới. Ở đây, tất cả các hành, tất cả những tư tưởng về giới đều dứt hết. Đó gọi là ba thứ
giới cần xuất ly, rồi Tôn giả nói bài kệ:
575
Biết xuất ly Dục giới,
Vượt luôn khỏi Sắc giới,
Tất cả hành tịch diệt,
Siêng tu, chánh phương tiện.
Đoạn trừ tất cả ái,
Tất cả hành diệt tận.
Biết tất cả hữu dư,
Không xoay chuyển lại hữu.
Khi Tôn giả A­nan nói kinh này xong, thì gia chủ Cù­sư­la tùy hỷ vui mừng làm lễ mà lui.
KINH 464. ĐỒNG PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan đi đến chỗ vị
Thượng tọa tên là Thượng Tọa[49]. Khi đến nơi ấy, Tôn giả cung kính thăm hỏi, rồi ngồi lui qua
một bên, bạch vị Thượng tọa tên là Thượng Tọa:
"Nếu có Tỳ­kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hay ở trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng
pháp gì để chuyên tinh tư duy?"
Thượng tọa đáp:
"Này Tôn giả A­nan, nếu người nào ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh, nên
dùng hai pháp này để chuyên tinh tư duy, đó là chỉ và quán[50].
Tôn giả A­nan lại hỏi Thượng tọa:
"Tu tập chỉ, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp gì? Tu tập quán, sau khi tu tập nhiều, sẽ
thành tựu được pháp gì?"
Thượng tọa trả lời Tôn giả A­nan:
576
"Tu tập chỉ, cuối cùng thành tựu được quán. Tu tập quán, cũng thành tựu được chỉ. Nghĩa là
Thánh đệ tử tu tập gồm cả chỉ và quán, chứng đắc các giải thoát giới."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Bạch Thượng tọa, thế nào là các giải thoát giới?"
Thượng tọa đáp:
"Này Tôn giả A­nan, đoạn giới, vô dục giới, diệt giới, đó gọi là các giải thoát giới."
Tôn giả A­nan lại hỏi Thượng tọa:
"Thế nào là đoạn giới cho đến diệt giới?"
Thượng tọa đáp:
"Này Tôn giả A­nan, đoạn tất cả hành, đó gọi là đoạn giới. Đoạn trừ ái dục, đó là vô dục giới.
Tất cả hành diệt, gọi là diệt giới."
Tôn giả A­nan, sau khi nghe Thượng tọa nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, rồi đi thẳng đến chỗ năm
trăm Tỳ­kheo, cung kính hỏi thăm, rồi ngồi lui qua một bên, bạch với năm trăm vị Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo nào trong lúc ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh tư duy, nên
dùng pháp gì để chuyên tinh tư duy?"
Bấy giờ năm trăm Tỳ­kheo trả lời Tôn giả A­nan:
"Nên dùng hai pháp chuyên tinh mà tư duy." Chi tiết, cho đến, "diệt giới," như vị Thượng tọa đã
nói trên kia.
Khi Tôn giả A­nan nghe năm trăm vị Tỳ­kheo nói như vậy, hoan hỷ tùy hỷ, liền đi đến chỗ Phật,
cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ­kheo ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy,
nên dùng phương pháp gì để chuyên tinh tư duy?"
Phật bảo A­nan:
"Nếu Tỳ­kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy, nên dùng
hai pháp để chuyên tinh tư duy." Chi tiết, cho đến, "diệt giới," như năm trăm Tỳ­kheo đã nói.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan bạch Phật:
"Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, Bậc Đạo Sư và các đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú,
đồng một nghĩa, đồng một vị. Hôm nay con đến Thượng tọa có tên là Thượng Tọa hỏi nghĩa này,
577
Tôn giả ấy cũng đem nghĩa này, văn cú này, vị này giải đáp cho con, như những gì Thế Tôn đã
nói hiện tại. Con lại đến chỗ năm trăm Tỳ­kheo cũng đem nghĩa này, văn cú này, vị này hỏi năm
trăm Tỳ­kheo, họ cũng đem nghĩa này, câu này, vị này mà đáp như những gì Thế Tôn đã nói hiện
tại. Cho nên biết rằng, Thầy và đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú, đồng một nghĩa,
đồng một vị."
Phật bảo Tôn giả A­nan:
"Ngươi có biết vị Thượng tọa này là Tỳ­kheo như thế nào không?"
A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết."
Phật bảo Tôn giả A­nan:
"Thượng tọa này là A­la­hán, các lậu đã giũ sạch, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được chánh trí, tâm
khéo giải thoát. Năm trăm vị Tỳ­kheo kia cũng đều như vậy."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A­nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 465. TRƯỚC SỬ[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La­hầu­la đi
đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của
cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[52]?"
Phật bảo La­hầu­la:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
"Nếu Tỳ­kheo nào đối với những gì thuộc địa giới, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc
trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, mà biết như thật, thì
tất cả những thứ đó đều không phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đối với thủy giới,
hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, lại cũng như vậy.
"Này La­hầu­la, Tỳ­kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với thức thân này của chính mình
và tất cả những tướng thuộc cảnh giới bên ngoài, thì không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.
578
"Này La hầu la, nếu Tỳ­kheo nào đối với thức thân này và tất cả những tướng của cảnh giới ở
bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn, thì đó gọi là dứt sự ràng buộc của ái, dứt các
kết sử, đoạn trừ ái, dừng kiêu mạn, đắc hiện quán, đến tột cùng của mé khổ."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 466. XÚC NHÂN[53]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La­hầu­la đi
đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của
cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[54]?"
Phật bảo La­hầu­la:
"Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Ba thọ này do nhân gì, tập gì,
sanh gì, chuyển gì? Tức là, ba thọ này, xúc là nhân, là tập, là sanh, là chuyển. Do xúc nhân như
thế này, thế kia sanh các thọ như thế này, thế kia. Nếu xúc thế này thế kia diệt, thọ thế này thế
kia cũng diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Biết như vậy, thấy như vậy thì ở nơi thức thân này
của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã
mạn."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 467. KIẾM THÍCH[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La­hầu­la đi
đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của
cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?"
Phật bảo Tôn giả A­nan:
579
"Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Quán sát lạc thọ mà khởi tưởng
là khổ; quán sát khổ thọ mà khởi tưởng là kiếm đâm; quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi
tưởng là vô thường. Nếu Tỳ­kheo quán sát lạc thọ mà khởi tưởng là khổ, quán sát khổ thọ mà
khởi tưởng là kiếm đâm, quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi tưởng là vô thường, hoại
diệt, thì đó gọi là chánh kiến."
Sau đó Thế Tôn nói bài kệ:
Quán vui, khởi tưởng khổ,
Khổ thọ như kiếm đâm,
Đối với không khổ vui,
Tu tưởng vô thường, diệt;
Đó gọi là Tỳ­kheo
Thành tựu được chánh kiến.
Đạo an vui tịch diệt,
Trụ nơi mé cuối cùng,
Vĩnh viễn lìa phiền não,
Dẹp tan chúng quân ma.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 468. TAM THỌ[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La­hầu­la đi
đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của
cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?"
Phật bảo Tôn giả La­hầu­la:
580
"Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi quán sát lạc thọ, vì muốn
dứt trừ tham sử[57] đối lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ sân nhuế sử[58]
đối với khổ thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ ngu si sử[59] đối với bất khổ bất
lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh.
"Này La hầu la, nếu Tỳ­kheo nào đối với kết sử tham nơi lạc thọ đã dứt trừ, đã biết; đối với kết
sử sân nhuế nơi khổ thọ đã dứt trừ, đã biết; và đối với kết sử si nơi bất khổ bất lạc thọ đã dứt trừ,
đã biết, thì đó gọi là Tỳ­kheo đã đoạn trừ ái dục, bứt các kết buộc, diệt kiêu mạn[60], đến tột
cùng của mé khổ[61]."
Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Khi cảm nhận lạc thọ,
Thì không biết lạc thọ
Bị tham sử sai khiến,
Không thấy đường xuất ly.
Lúc cảm nhận khổ thọ,
Thì không biết khổ thọ
Bị sân nhuế sai sử,
Không thấy đường xuất ly.
Thọ không vui không khổ,
Đấng Chánh Giác đã nói,
Nếu không khéo quán sát,
Quyết không qua bờ kia.
Tỳ­kheo cần tinh tấn,
Chánh tri không động chuyển[62],
Như tất cả thọ nàyï,
Người trí thường hiểu biết.
Người hiểu biết các thọ,
581
Hiện tại hết các lậu,
Người trí sáng mạng chung,
Không rơi vào các số[63],
Các số đã dứt tuyệt,
Thường nhập Niết­bàn lạc.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La­hầu­la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 469. THÂM HIỂM[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn
bảo các Tỳ­kheo:
"Biển lớn sâu hiểm[65]. Đó là cái sâu hiểm mà người ngu ở thế gian này thường nói, không phải
là sâu hiểm được nói trong pháp luật của Hiền thánh[66]. Những gì mà thế gian nói về sự sâu
hiểm thì đó chỉ là sự tích tụ số lượng nước nhiều mà thôi. Nếu các thọ phát sanh từ thân, các khổ
bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, thì đó mới gọi là nơi sâu hiểm vô cùng của biển lớn.
"Phàm phu ngu si không học, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn
quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà trường kỳ chìm đắm,
không chỗ dừng nghỉ.
"Đa văn Thánh đệ tử, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc
chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà không chìm đắm sanh tử, được
chỗ dừng nghỉ."
Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Thân sanh các khổ thọ,
Bức bách cho đến chết,
Sầu bi không chịu nổi,
Than khóc, phát cuồng loạn.
Tâm tự sanh khốn quẫn,
582
Chiêu tập các khổ tăng,
Mãi chìm biển sanh tử,
Nào biết chỗ dừng nghỉ.
Xả các thọ nơi thân,
Khổ não sanh từ thân,
Bức bách cho đến chết,
Không khởi tưởng buồn lo,
Không than khóc kêu gào,
Thường nhẫn thọ các khổ,
Tâm không sanh chướng ngại,
Chiêu tập các khổ tăng,
Không chìm đắm sanh tử,
Quyết được nơi an ổn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 470. TIỄN[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Phàm phu ngu si không học sanh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Đa văn Thánh đệ
tử cũng sanh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Này các Tỳ­kheo, như vậy giữa phàm
phu và Thánh nhân có gì sai khác?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
583
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi
xin nói đầy đủ, các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo tiếp:
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, phàm phu ngu si không học, vì thân xúc chạm sanh các thọ, tăng thêm các
khổ đau, cho đến bị cướp mất mạng sống, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu gào, tâm sanh cuồng
loạn. Ngay lúc đó hai thọ tăng trưởng, là thân thọ và tâm thọ. Như có người thân bị trúng hai mũi
tên độc, vô cùng đau đớn. Phàm phu ngu si không học lại cũng như vậy. Hai thọ tăng trưởng:
thân thọ, tâm thọ vô cùng đau đớn, khổ sở. Vì sao? Vì phàm phu ngu si không học này vì không
biết rõ, nên ở nơi ngũ dục mà phát sanh cảm xúc lạc thọ, lãnh thọ năm thứ dục lạc. Do lãnh thọ
năm thứ dục lạc nên bị tham sử sai khiến[68]. Vì xúc chạm cảm thọ khổ nên sanh sân nhuế. Vì
nổi sân nhuế nên bị nhuế sử sai khiến[69]. Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại và
xuất ly của hai thọ này mà không biết như thật; vì không biết như thật nên sanh cảm thọ không
khổ không lạc, bị si sử sai khiến. Nó bị lạc thọ trói buộc, mãi không thể lìa[70]; bị khổ thọ trói
buộc, trọn không thể lìa; bị cảm thọ không khổ không lạc trói buộc, cuối cùng không thể lìa.
"Cái gì trói buộc? Bị tham, nhuế, si trói buộc; bị sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trói
buộc."
"Đa văn Thánh đệ tử, thân xúc sanh khổ thọ, khổ lớn bức bách... cho đến cướp mất sanh mạng,
mà không khởi lo buồn, thán oán, khóc lóc, kêu gào, loạn tâm phát cuồng. Ngay lúc đó chỉ sanh
một thứ thọ, đó là thân thọ, chứ không sanh tâm thọ. Như người bị một mũi tên độc, không bị
mũi tên độc thứ hai, ngay khi đó chỉ sanh có một cảm thọ, đó là thân thọ mà không sanh tâm thọ.
Khi xúc chạm lạc thọ, không nhiễm dục lạc. Vì không nhiễm dục lạc nên đối với lạc thọ này,
tham sử không sai khiến. Khi xúc chạm khổ thọ không sanh sân nhuế. Vì không sanh sân nhuế,
nên nhuế sử không thể sai khiến. Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly
của hai sử này mà biết như thật; vì biết như thật cảm thọ không khổ không lạc, nên si sử không
thể sai khiến được. Đối với lạc thọ được giải thoát, không bị trói buộc; khổ thọ, không khổ không
lạc thọ cũng được giải thoát, không bị trói buộc.
"Không bị cái gì trói buộc? Tham, nhuế, si không trói buộc; sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ,
não không trói buộc."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Đa văn đối khổ vui,
Không phải không cảm giác.
So với kẻ không học,
Người này thật xa khác[71].
584
Thọ lạc, không buông lung,
Gặp khổ không tăng sầu;
Khổ vui thảy đều bỏ,
Không thuận cũng không trái.
Tỳ­kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không khuynh động[72],
Đối với các thọ nàyï,
Trí tuệ thường biết rõ.
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại sạch các lậu,
Khi chết không đọa lạc[73],
An trú Đại Niết­bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 471. HƯ KHÔNG[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các
Tỳ­kheo:
"Như giữa hư không, gió lộng từ bốn phương thổi đến như gió có bụi bặm, gió không bụi bặm,
gió tỳ­thấp­ba[75], gió tỳ­lam­bà[76], gió mỏng, gió dày, cho đến phong luân gió dậy. Gió cảm
thọ trong thân cũng như vậy. Đủ các thứ thọ khởi lên như lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc
thọ. Đó là những cảm thọ lạc của thân, cảm thọ khổ của thân, cảm thọ không khổ không lạc của
thân; cảm thọ lạc của tâm, cảm thọ khổ của tâm, cảm thọ không khổ không lạc của tâm; cảm thọ
thực vị lạc[77], cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm lạc thọ phi thực
vị, cảm thọ khổ phi thực vị, cảm thọ không khổ không lạc phi thực vị; cảm thọ lạc do tham, cảm
thọ khổ do tham, cảm thọ không khổ không lạc do tham; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất
ly, cảm thọ không khổ không lạc xuất ly."
585
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Như ở giữa hư không,
Các gió cuồng nổi dậy;
Gió Đông, Tây, Nam, Bắc,
Bốn phương đều như vậy.
Có bụi và không bụi,
Cho đến phong luân khởi.
Cũng vậy trong thân này,
Các thọ cũng dấy lên.
Hoặc lạc, hoặc khổ thọ,
Và không khổ không lạc,
Có ăn cùng không ăn,
Tham trước không tham trước.
Tỳ­kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không lay động[78],
Đối với các thọ này,
Trí tuệ thường biết rõ.
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại sạch các lậu,
Khi chết không đọa lạc[79],
An trụ Bát­niết­bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
586
KINH 472. KHÁCH XÁ[80]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Như nhà khách có đủ hạng người đến ở. Hoặc Sát­đế­lợi, Bà­la­môn, gia chủ, cư sĩ, người nhà
quê, thợ săn, người trì giới, người phạm giới, người tại gia, người xuất gia. Tất cả đều trọ ở trong
đó. Thân này cũng lại như vậy. Đủ các thứ thọ sanh khởi như khổ thọ, lạc thọ, không khổ không
lạc thọ; thân thọ lạc, thân thọ khổ, thân thọ không khổ không lạc; tâm thọ lạc, tâm thọ khổ, tâm
thọ không khổ không lạc; cảm thọ thực vị lạc[81], cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không
khổ không lạc; cảm thọ phi thực vị lạc, cảm thọ phi thực vị khổ, cảm thọ phi thực vị không khổ
không lạc; cảm thọ lạc do tham trước, cảm thọ khổ do tham trước, cảm thọ không khổ không lạc
do tham trước; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ không khổ không lạc xuất ly."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Như ở trong nhà khách,
Đủ hạng người ở trọ,
Sát­lợi, Bà­la­môn,
Gia chủ và cư sĩ,
Chiên­đà­la, dân quê,
Người trì giới, phạm giới,
Kẻ tại gia, xuất gia,
Nhiều hạng người như vậy.
Thân này cũng như vậy,
Các thứ cảm thọ sanh,
Hoặc vui, hoặc khổ thọ,
Và không khổ không lạc,
Thực vị, phi thực vị,
Tham đắm, không tham đắm.
587
Tỳ­kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với các thọ này,
Trí tuệ thường biết rõ,
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Khi chết không đọa lạc,
An trụ Bát­niết­bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 473. THIỀN[82]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ­kheo một
mình ở chỗ vắng[83], thiền tịnh, tư duy: 'Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không
lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?"
Tỳ­kheo này suy nghĩ như vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới
chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con ở chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh tư duy có nghĩ rằng: 'Thế Tôn nói ba thọ:
lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy, điều
này có nghĩa gì?"
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Ta, vì tất cả hành đều vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi nên nói những gì thuộc về thọ
thảy đều là khổ."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Biết các hành vô thường,
588
Đều là pháp biến dịch,
Nên nói thọ là khổ,
Chánh Giác biết điều này.
Tỳ­kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường biết rõ.
Biết rõ tất cả thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Khi chết không đọa lạc,
An trụ Bát­niết­bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 474. CHỈ TỨC[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả A­nan ở
một mình chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh nghĩ rằng: 'Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không
khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?'
Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật,
rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh tư duy rằng: 'Như lời Thế Tôn nói ba
thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy
điều này có nghĩa gì?"
Phật bảo A­nan:
589
"Ta, vì tất cả hành là vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều
là khổ. Lại nữa A­nan, Ta, vì các hành tuần tự tịch diệt[85], vì các hành tuần tự tĩnh chỉ[86], nên
Ta nói tất cả thọ đều là khổ."
A­nan bạch Phật:
"Thế Tôn vì các hành tuần tự tịch diệt mà nói, là nghĩa thế nào?"
Phật bảo A­nan:
"Khi nhập[87] Sơ thiền, thì ngôn ngữ tich diệt. Nhập Nhị thiền thì giác quán[88] tịch diệt. Nhập
Tam thiền, tâm hỷ tịch diệt[89]. Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tịch diệt. Nhập Không nhập
xứ[90], sắc tưởng tịch diệt. Nhập Thức nhập xứ[91], tưởng không nhập xứ vắng lặng. Nhập Vô
sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tịch diệt. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô
sở hữu nhập xứ tịch diệt. Nhập Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tịch diệt. Đó gọi là các hành dần
dần vắng lặng."
A­nan bạch Phật:
"Thế Tôn vì các hành tuần tự tĩnh chỉ mà nói, là nghĩa thế nào?"
Phật bảo A­nan:
"Khi nhập Sơ thiền, ngôn ngữ tĩnh chỉ. Nhập Nhị thiền thì giác quán tĩnh chỉ. Nhập Tam thiền,
tâm hỷ tĩnh chỉ. Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tĩnh chỉ. Nhập Không nhập xứ, sắc tưởng tĩnh chỉ.
Nhập Thức nhập xứ, tưởng không nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập
xứ tĩnh chỉ. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập
Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tĩnh chỉ. Đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ."
A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có phải đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ?"
Phật bảo A­nan:
"Lại có sự tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ
như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được."
A­nan bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, những gì là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô
thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được?"
Phật bảo A­nan:
590
"Đối với tham dục, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; với sân nhuế, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; đó
gọi là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như
vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A­nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 475. TIÊN TRÍ[92]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Phật Tỳ­bà­thi, khi chưa thành đạo, một mình ở chỗ thanh vắng thiền tịnh tư duy, bằng quán sát
thọ như vầy mà quán sát các thọ: 'Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi thọ? Thế nào là sự diệt
tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế
nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?' Như vậy quán sát, có ba thọ: khổ thọ, lạc
thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt thì thọ diệt. Nếu đối
với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi
của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, không đắm nhiễm, không hệ lụy, đó
gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị
ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của thọ. Nếu đối
với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
"Giống như Phật Tỳ­bà­thi; Phật Thi­khí, Phật Tỳ­thấp­bà­phù, Phật Ca­la­ca Tôn­đề, Phật Cana­ca Mâu­ni, Phật Ca­diếp và Ta là Phật Thích­ca Văn, khi chưa thành Phật, cũng lại tư duy
quán sát các thọ như vậy."[93]
KINH 476. THIỀN TƯ[94]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ­kheo, một
mình ở chỗ vắng vẻ, thiền tịnh, tư duy, quán sát các thọ như vầy: Thế nào là thọ? Thế nào là sự
tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của
thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự
tai hại của thọ? Thế nào là xuất ly thọ?
591
Bấy giờ, Tỳ­kheo này sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân
Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi chỗ vắng thiền tịnh, tư duy, quán sát các thọ: Thế nào là
thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa
đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt
của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?
Phật bảo Tỳ­kheo:
"Có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc
diệt tận thì thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là
con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm
nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà
sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai
hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly
thọ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 477. A­NAN SỞ VẤN[95]
Như kinh Tỳ­kheo hỏi ở trên, kinh này Tôn giả A­nan cũng hỏi như vậy.
KINH 478. TỲ­KHEO[96]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con
đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ?"
Các Tỳ­kheo bạch Phật:
"Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi
xin nói đầy đủ, các Tỳ­kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
592
"Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
"Này các Tỳ­kheo, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ
tập khởi; khi xúc diệt tận, thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ
lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn,
khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do
nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch,
đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham,
gọi đó là xuất ly thọ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 479. GIẢI THOÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu Ta không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự
diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ,
vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, thì Ta ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Samôn, Bà­la­môn và các chúng trời, người, không được giải thoát, xuất thọ, thoát khỏi các điên
đảo, cũng không phải Chánh Đẳng Chánh Giác[97]. Vì Ta biết như thật đối với các thọ, sự tập
khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự
diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất thọ, nên ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma,
Phạm, Sa­môn, Bà­la­môn và các chúng trời, người, Ta là Bậc Giải Thoát, là Bậc Xuất Ly, là
Bậc ra khỏi các điên đảo và đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 480. SA­MÔN BÀ­LA­MÔN[98]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
593
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối
với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường
đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này không phải
là Sa­môn, không phải là Bà­la­môn, không đồng với Sa­môn, Bà­la­môn, cũng không phải
nghĩa Sa­môn, cũng không phải nghĩa Bà­la­môn[99], ngay trong đời hiện tại không tự tri tự tác
chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.'"
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào mà biết như thật đối với các thọ; biết như thật đối với sự tập khởi
của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt
tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này là Sa­môn của Sa­môn, Bà­
la­môn của Bà­la­môn, đồng với Sa­môn, đồng với Bà­la­môn, đúng nghĩa Sa­môn, đúng nghĩa
Bà­la­môn, ngay trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
"Như Sa­môn, không phải Sa­môn. Cũng vậy, Sa­môn số[100] và không phải Sa­môn số cũng
đều như vậy."
KINH 481. NHẤT­XA­NĂNG­GIÀ­LA[101]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng Nhất­xa­năng­già­la[102], nước Nhất­xa­năng­già­la. Bấy giờ Đức
Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Ta muốn ở lại tại đây nửa tháng để ngồi thiền. Các Tỳ­kheo, chớ đi du hành nữa[103], trừ khi đi
khất thực và Bố tát."
Rồi tọa thiền, không du hành nữa.
Bấy giờ, qua nửa tháng, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ­kheo:
"Khi Ta, bằng một ít thiền phần của thiền pháp được tư duy khi mới thành Phật, nay trong tháng
này, tư duy rằng: Sự sanh khởi của tất cả cảm thọ của chúng đều có nhân duyên, không phải
không có nhân duyên.
"Những gì là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác[104] là nhân duyên, xúc là nhân duyên. Này
các Tỳ­kheo, nếu dục không được diệt tận[105], giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do
những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt
tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
594
"Nếu dục kia được diệt tận, nhưng giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên
này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của
chúng sanh phát sanh.
"Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, nhưng xúc không diệt tận, do những nhân duyên này
mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của
chúng sanh phát sanh.
"Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, xúc diệt tận; nhưng do nhân duyên kia mà cảm thọ của
chúng sanh phát sanh, là do nhân duyên cái kia diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
"Vì nhân duyên tà kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà kiến không diệt
tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà
phương tiện, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì
nhân duyên tà trí không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
"Do nhân duyên chánh kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh kiến
tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh chí, chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát và chánh trí
nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh trí tịch diệt nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh.
"Nếu dục này không được mà được, không thu hoạch mà thu hoạch, không chứng mà chứng, thì
cũng vì nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, vì nhân duyên cái kia tịch diệt
nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Đó gọi là vì nhân duyên không diệt tận, nên cảm thọ của
chúng sanh phát sanh; và vì nhân duyên diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, không biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên
duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường
đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này không phải là Sa­môn của Sa­môn,
không phải Bà­la­môn của Bà­la­môn, không đồng với Sa­môn của Sa­môn, không đồng với Bà­
la­môn của Bà­la­môn, không đúng nghĩa Sa­môn, không đúng nghĩa Bà­la­môn, đối với pháp
hiện tại không tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào, mà biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên
duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên và con
đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này là Sa­môn của Sa­môn, là
Bà­la­môn của Bà­la­môn, đồng với Sa­môn của Sa­môn, đồng với Bà­la­môn của Bà­la­môn,
đúng nghĩa Sa­môn, đúng nghĩa Bà­la­môn, đối với pháp hiện tại tự tri tự tác chứng: 'Ta, sự sanh
đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
595
KINH 482. HỶ LẠC[106]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, đang mùa hạ an cư,
gia chủ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Đức Phật vì gia chủ, bằng nhiều hình thức mà thuyết pháp, khai thị, soi sáng, chỉ dạy, làm cho
hoan hỷ. Sau khi được Phật khai thị, soi sáng, chỉ giáo, làm cho hoan hỷ, gia chủ đứng dậy sửa
lại y phục, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi chắp tay, bạch Phật:
"Cúi xin Thế Tôn và đại chúng từ bi thọ nhận lời thỉnh nguyện của con, trong ba tháng hạ, cúng
dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ."
Bấy giờ Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời. Khi ấy Cấp Cô Độc biết Phật đã im lặng nhận lời rồi,
đứng dậy từ giã trở về nhà mình. Qua ba tháng, ông đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui
qua một bên. Phật bảo Cấp Cô Độc:
"Lành thay, gia chủ! Ông ba tháng qua đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do
vào sự trang nghiêm tịnh trị thượng đạo[107] này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc.
Nhưng hiện tại ông không nên mặc nhiên thụ hưởngï sự an lạc này, phải tinh tấn lúc nào cũng
học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly[108]."
Bấy giờ, gia chủ Cấp Cô Độc nghe Phật dạy như vậy, tùy hỷ hoan hỷ, đứng dậy đảnh lễ ra về.
Lúc ấy, Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi giữa đại chúng, biết ông Cấp Cô Độc đã về rồi, liền bạch
Phật:
"Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Khéo vì gia chủ Cấp Cô Độc thuyết pháp khích lệ ông Cấp Cô Độc
rằng: 'Ông ba tháng đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do vào sự tịnh trị
thượng đạo này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại ông không nên mặc
nhiên thụ hưởngï phước báo này, phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác
chứng hỷ lạc do viễn ly.'
"Bạch Thế Tôn, giả sử Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, sở
đắc viễn ly năm pháp[109] và phải tu tập viên mãn năm pháp.
"Thế nào là viễn ly năm pháp? Đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi
dục, đoạn trừ xả được nuôi lớn bởi dục; đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi pháp bất thiện, đoạn trừ
ưu được nuôi lớn bởi pháp bất thiện. Đó gọi là năm pháp viễn ly.
"Thế nào là tu tập viên mãn năm pháp? Đó là tùy hỷ, hoan hỷ, khinh an[110], lạc và nhất tâm."
Phật bảo Tôn giả Xá­lợi­phất:
596
"Đúng thế, đúng thế! Nếu Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly,
sở đắc viễn ly năm pháp và phải tu tập viên mãn năm pháp."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 483. VÔ THỰC LẠC[111]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với
các Tỳ­kheo:
"Có niệm có thực vị, có niệm không thực vị[112], có niệm vừa không thực vị vừa có thực vị. Có
lạc có thực vị, có lạc không thực vị, có lạc vừa không thực vị vừa có thực vị. Có xả có thực vị, có
niệm không thực vị, có xả vừa không thực vị vừa có thực vị. Có giải thoát có thực vị, có giải
thoát không thực vị, có giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.
"Thế nào là niệm có thực vị? Niệm[113] sanh ra do năm dục làm nhân duyên.
"Thế nào là niệm không thực vị? Tỳ­kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện; có giác, có quán, có hỷ lạc
do viễn ly sanh, thành tựu và an trụ Sơ thiền. Đó gọi là niệm không thực vị.
"Thế nào là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị?ø Tỳ­kheo có giác, có quán, nội tĩnh nhất
tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và trụ Nhị thiền. Đó gọi là niệm
vừa không thực vị vừa có thực vị.
"Thế nào là lạc có thực vị? Lạc, hỷ, do năm dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là lạc có thực
vị.
"Thế nào là lạc không thực vị? Dứt có giác có quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán,
có hỷ lạc do định sanh. Đó gọi là vô thực lạc.
"Thế nào là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ­kheo lìa hỷ, tham, an trụ xả tâm với chánh
niệm, chánh tri, trụ an lạc, điều mà Thánh nói là xả. Đó gọi là lạc vừa không thực vị vừa có thực
vị.
"Thế nào là xả có thực vị? Xả do ngũ dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là xả có thực vị.
"Thế nào là xả không thực vị? Tỳ­kheo lìa hỷ tham, an trụ xả tâm, với chánh niệm, chánh tri, an
trụ lạc, điều Thánh nói là xả, thành tựu và an trú Tam thiền. Đó gọi là xả không thực vị.
597
"Thế nào là xả vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ­kheo xa lìa khổ, dứt lạc; ưu và hỷ trước đã
dứt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhất tâm, thành tựu và an trụ Tứ thiền. Đó gọi
là vừa không thực vị vừa có thực vị.
"Thế nào là giải thoát có thực vị? Hành cùng đi với sắc[114].
"Thế nào là vô thực giải thoát? Hành cùng đi với vô sắc.
"Thế nào là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ­kheo kia, giải thoát với tâm không
nhiễm tham dục, không nhiễm sân nhuế, ngu si. Đó gọi là giải thoát vừa không thực vị vừa có
thực vị."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 484. BẠT­ĐÀ­LA[115]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bạt­đà­
la[116] và Tôn giả A­nan đều ở vườn Cấp cô độc rừng cây Kỳ­đà. Khi ấy Tôn giả A­nan đi đến
chỗ Tôn giả Bạt­đà­la. Sau khi thăm hỏi sức khỏe xong, ngồi xuống một bên, rồi Tôn giả A­nan
hỏi Tôn giả Bạt­đà­la:
"Thế nào gọi là thấy đệ nhất[117]? Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là
tưởng đệ nhất? Thế nào là hữu đệ nhất[118]?"
Tôn giả Bạt­đà­la nói với Tôn giả A­nan:
"Có Phạm thiên, là đấng tự tại, tạo tác, biến hóa như ý, là cha của thế gian. Thấy được Phạm
thiên thì gọi đó là cái thấy đệ nhất.
"Này A­nan, có chúng sanh có hỷ lạc do viễn ly sanh thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm
giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi hỷ lạc phát sanh do viễn
ly. Chúng sanh này, sau khi xuất định, xướng lên giữa đại chúng: 'Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc
do viễn ly sanh này! Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này!' Nghe được âm thanh
này thì gọi là cái nghe đệ nhất.
"Lại nữa A­nan, nếu có chúng sanh ở nơi thân này có lạc do đã lìa hỷ thấm nhuần khắp mọi nơi,
mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi lạc do
đã lìa hỷ này. Đó gọi là lạc đệ nhất.
"Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A­nan, có chúng sanh vượt qua tất cả thức nhập xứ, nhập vô sở
hữu, thành tựu và an trụ vô sở hữu nhập xứ. Nếu khởi lên tưởng này, thì gọi là tưởng đệ nhất.
598
"Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A­nan, có chúng sanh vượt qua tất cả Vô sở hữu nhập xứ,
thành tựu và an trụ Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ. Nếu khởi hữu này, thì gọi là hữu đệ nhất."
Tôn giả A­nan nói với Tôn giả Bạt­đà­la:
"Có nhiều người thấy như vậy, nói như vậy; vậy thì Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi
dùng phương tiện hỏi Tôn giả, Tôn giả hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Tôn giả mà nói. Theo như cái
được quán sát này, mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái thấy đệ nhất. Theo như điều
được nghe mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái nghe đệ nhất. Theo như lạc được phát
sanh mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là lạc đệ nhất. Theo như điều được tưởng mà lần
lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là tưởng đệ nhất. Như thực quán sát, lần lượt diệt tận các lậu, thì
đó mới gọi là hữu đệ nhất."
Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ sau khi bàn luận xong, đứng dậy cáo từ.
KINH 485. ƯU­ĐÀ­DI[119]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ vua Bình­sa[120] đi
đến chỗ Tôn giả Ưu­đà­di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn giả Ưu­đà­di:
"Đức Thế Tôn nói có bao nhiêu thọ?"
Tôn giả Ưu­đà­di đáp:
"Tâu Đại vương, Thế Tôn nói ba thọ: thọ khổ, thọ lạc thọ không khổ không lạc."
Vua Bình­sa bạch Tôn giả Ưu­đà­di:
"Chớ nói như vậy, rằng 'Thế Tôn nói ba thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.'
Nhưng đúng ra phải nói có hai thọ là thọ khổ và thọ lạc. Thọ không khổ không lạc là tịch diệt."
"Nói ba lần như vậy."
Tôn giả Ưu­đà­di không thể xác lập ba thọ với vua và vua cũng không thể xác lập hai thọ. Cả hai
cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả
Ưu­đà­di bạch lại với Phật những sự việc trên một cách đầy đủ:
"Con cũng không thể xác lập được ba thọ và vua cũng không thể xác lập được hai thọ; nên nay
chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn, xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?"
599
Phật bảo Tôn giả Ưu­đà­di:
"Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi
sáu, cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ.
"Ta nói một thọ như thế nào? Như nói, 'Những gì là thọ đều là khổ.' Đó gọi là Ta nói có một
thọ.
"Ta nói hai thọ như thế nào? Nói, 'Thân thọ và tâm thọ.' Đó gọi là có hai thọ.
"Thế nào là ba thọ? Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui.
"Thế nào là bốn thọ? Thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô sắc giới và
thọ không hệ thuộc.
"Thế nào là nói năm thọ? Lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ.
"Thế nào là sáu thọ? Thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu
thọ.
"Thế nào là mười tám thọ? Thọ, theo sáu hỷ hành, sáu ưu hành và sáu xả hành. Đó gọi là mười
tám thọ.
"Thế nào là ba mươi sáu thọ? Hỷ y sáu tham trước, hỷ y sáu ly tham; ưu y sáu tham trước, ưu y
sáu ly tham; xả y sáu tham trước, xả sáu ly tham. Đó gọi là ba mươi sáu thọ.
"Thế nào là một trăm lẻ tám thọ? Ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai và ba mươi
sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một trăm lẻ tám thọ.
"Thế nào là vô lượng thọ? Như nói thọ này, thọ kia v.v... Này Tỳ­kheo, như vậy gọi là vô lượng
thọ.
"Này Ưu­đà­di, Ta bằng nhiều hình thức như vậy nói như thật nghĩa của thọ. Thế gian không
hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau, trọn không nắm được nghĩa chân thật trong
pháp luật của Ta, để tự dừng lại.
"Này Ưu­đà­di, nếu đối với nghĩa của nhiều loại thọ mà Ta đã nói đây, hiểu biết như thật, thì
không khởi tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau. Với tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi
lên, có thể bằng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó đình chỉ.
"Nhưng này Ưu­đà­di, có hai thọ: thọ dục và thọ ly dục. Thế nào là thọ dục? Thọ do nhân duyên
năm công đức của dục sanh ra, đó gọi là thọ dục. Thế nào là thọ ly dục? Tỳ­kheo ly dục và pháp
ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền, đó gọi
là thọ ly dục.
600
"Nếu có người nói: 'Chúng sanh nương vào Sơ thiền này, chỉ có đây là lạc, ngoài ra không còn
gì khác.' Điều này không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn cái lạc này. Đó là gì?
Tỳ­kheo lìa có giác, lìa có quán, nội tĩnh, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ Nhị thiền;
đó gọi là lạc thù thắng. Như vậy, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, càng lên càng thù
thắng hơn.
"Nếu có người nói: 'Chỉ có những xứ này, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng là cực lạc, không
còn chỗ nào khác.' Như vậy cũng lại không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn những
nơi này nữa. Đó là gì? Tỳ­kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng thọ diệt,
tự thân tác chứng thành tựu; đó là cái lạc thù thắng hơn cái lạc trên.
"Nếu có kẻ xuất gia dị học nói: 'Sa­môn Thích tử chỉ nói đến tưởng thọ diệt và cho là đã đến chỗ
tận cùng của lạc', điều này không đúng. Vì sao? Vì đây không phải là danh nghĩa thọ lạc mà Thế
Tôn đã nói. Danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn nói là, như nói: 'Này Ưu­đà­di, có bốn thứ lạc.
Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc Bồ­đề.'"
Phật nói kinh này xong, Ưu­đà­di và vua Bình­sa nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ
phụng hành.
KINH 486. NHẤT PHÁP (1)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu đối với một pháp, mà sanh chân chánh nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ chứng đắc lậu tận.
Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
"Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn
thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có
bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là
chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này,
thật sự nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ đến chỗ tận cùng mé khổ và giải thoát khỏi khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 488. NHẤT PHÁP (2)
Tôi nghe như vầy:
601
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt
tận, quán sát xả ly, sẽ tận trừ các lậu hoặc. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
"Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn
thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có
bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là
chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này,
chân chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả
ly, sẽ diệt trừ hết các lậu."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 489. NHẤT PHÁP (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt
tận, quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của mé khổ và giải thoát khỏi khổ. Đó là, tất cả chúng
sanh do thức ăn mà tồn tại.
"Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn
thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có
bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là
chín chỗ ở của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này, chân
chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận,
quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của mé khổ và giải thoát khỏi khổ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh quyển 17. "Tạp nhân tụng, phẩm iii, phần v" (tiêu mục trong nguyên bản Đại
Chánh). Ấn Thuận: "5 Tương ưng Giới" tiếp theo, trì kinh 444 (Đại Chánh quyển 16). Pāli, S.
14. 11. Sattimā.
602
[2]. Quang giới 光界, tịnh giới 淨界, vô lượng không nhập xứ giới 無量空入處界, vô lượng
thức nhập xứ giới 無量識入處界, vô sở hữu nhập xứ giới 無所有入處界, phi tưởng phi phi
tưởng nhập xứ giới 非想非非想入處界, hữu diệt giới有滅界. Pāli: sattimā, bhikkhave, dhātuyo.
katamā sattā? ābhādhātu, subhadhātu, ākāsānañcāyatanadhātu, viññāṇañcāyatanadhātu,
ākiñcaññāyatanadhātu, nevasaññānāsaññāyatanadhātu, saññāvedayitanirodhadhātu, có bảy giới
loại (ở đây: giới hệ hay cõi): giới loại ánh sáng, giới loại tịnh khiết, giới loại cảnh vực hư không
vô biên, cảnh vực thức vô biên, cảnh vực vô sở hữu, cảnh vực phi tưởng phi phi tưởng, cõi của
sự diệt tận tưởng và thọ.
[3]. Trong nguyên bản: duyên nội 緣內. Bản đời Nguyên: duyên nội không 緣內空. Ấn Thuận
đề nghị sửa lại là (hư) không. Pāli: ākāsānañcāyatanṃ paṭicca, duyên hư không vô biên.
[4]. Pāli: viññāṇañcāyatanaṃ paṭicca, duyên thức vô biên xứ.
[5]. Hữu đệ nhất, hay hữu đảnh, chóp đỉnh của hữu, cao nhất trong các cõi Hữu (Pāli:
bhavagga). Bản Pāli: ākiñcaññāyatanaṃ paṭicca, duyên vô sở hữu xứ.
[6] . Hữu thân 有身. Pāli: sakkāya. Bản Pāli: nirodhaṃ pṭicca, duyên diệt.
[7] . [Chánh thọ, hoặc đẳng chí, trạng thái tập trung, hợp nhất tư tưởng, có chín bậc định như
vậy: bốn sắc giới thiền, bốn vô sắc định và diệt tận định. Pāli: samāpatti.]
[8] . Bản Pāli: saññāsamāpatti pattabbā, y tưởng chánh thọ (đẳng chí) mà đạt được.
[9]. Bản Pāli: saṃkhārāvasesa­samāpatti pattabbā, đạt được do chánh thọ của hành hữu dư
(một ít hành uẩn còn tàn dư).
[10]. Hữu thân diệt 有身滅, diệt tận các thân kiến (hai mươi hữu thân kiến, hay tát­ca­da tà
kiến). Pāli: nirodhasamāpatti, do diệt chánh thọ.
[11]. Pāli, S. 14. 13. Giñjakāvasatha.
[12]. Pāli: dhātuṃ paṭicca saññā uppajjati, duyên giới sanh tưởng.
[13]. Trong nguyên bản chép nhầm là bất giới 不界. Đây sửa lại là hạ giới 下界. Pāli: hīnam
dhātum.
[14]. Pāli: hīnā vācā, ngôn ngữ thấp kém, hạ đẳng.
[15]. Pāli: hīnā cetanā, tư niệm hay ý chí thấp kém.
[16]. Pāli: hīnā patthanā, dục cầu hay hy vọng thấp kém.
[17]. Pāli: hī no puggalo, con người hay nhân cách thấp kém.
603
[18]. Như thị trung 如是中. Pāli: majjhimaṃ dhātuṃ paṭicca.
[19]. Pāli: paṇītā dhātu, giới vi diệu, thượng đẳng.
[20]. Bà­ca­lị 婆迦利. Có lẽ Pāli: Vakkali. Nhưng, bản Pāli: Kaccāna.
[21]. Pāli: asammāsabuddhesu sammāsambuddhā' ti, ở nơi những vị không phải là Chánh đẳng
Chánh giác mà thấy là Chánh đẳng Chánh giác.
[22]. PāIi, S. 14. 12. Sanidāna (có nguyên do). Tham chiếu, A. 6. 39. Nidāna.
[23]. Dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng; ba bất thiện tưởng, cũng là ba bất thiện tầm, ba tư duy
tầm cầu bất thiện. Pāli: tayo akusala­vitakkā: kāma­vitakko, vyāpāda­vitakko, vihiṃsā­vitakko.
Ba bất thiện tầm này cũng là ba bất thiện giới. Pāli: tissa akusala­dhātuyo. Xem Trường A­hàm,
N01(7); D. 33. Saṅgīti.
[24]. Pāli: kāma­dhātu, kāma­saññā, kāma­saṃkappo, kāma­chando, kāma­pariḷāho, kāmapariyesanā; dục giới, dục tưởng, dục tư duy, dục dục, dục nhiệt não, dục tầm cầu.
[25]. Hán: hữu ngại, hữu não 有礙有惱. Pāli: sa­vighātaṃ, sa­upayāsaṃ.
[26]. Nguy hiểm tưởng 危險想. Tham chiếu Pāli: upannaṃ visamagataṃ saññaṃ na
khippameva pajahati, không nhanh chóng loại bỏ ý tưởng bất chánh đang sanh khởi. Pāli:
visamagata, bất chánh, Hán đọc là visaṃgata, (bị chi phối bởi) độc hại.
[27]. Hán: bất giác不覺, có lẽ là na vinodeti, không bài trừ, nhưng bản Hán đọc là na vedeti:
không cảm giác.
[28]. Xuất yếu tưởng 出要想, ý tưởng thoát ly (xuất ly, xuất gia). Pāli: nekkhama­vitakka (tư
duy tầm cầu sự thoát ly ).
[29]. Xem Trung A hàm, N01(7): ba thiện giới: xuất ly giới, vô nhuế giới, vô hại giới; D. 33.
Saígìti: tisso kusala­dhàtuyo: nekkhama­dhàtu, avyàpàda­dhàtu, avihiưsà­dhàtu.
[30]. Pàli: đa văn Thánh đệ tử (sutavà ariyasàvako).
[31]. Bất nhuế, bất hại tưởng 不恚,不害想; Pàli: avyāpāda­vitakka, avihiṃsā­vitakka. Xem
cht.28 trên.
[32]. Nguyên Hán: bất giác. Xem cht.27 trên.
[33]. Pāli, A. 6. 38. Attakārī.
[34]. Phương tiện giới 方便界; ở đây, phương tiện đồng nghĩa gia hành (Pāli: payoga), chỉ sự
chuẩn bị phát khởi hành động. Bản Pāli: ārabbha­dhātu, phát khởi giới (xuất phát hành động).
604
[35]. Pāli: yaṃ kho, brāhmaṇa, ārabbhadhātuyā sati ārabbhavanto sattā paññāyanti, ayaṃ
sattānaṃ attakāro ayaṃ parakāro, cái gì mà trong khi khởi sự làm chúng sanh biết đang khởi sự
làm, cái đó là việc tự mình làm, cái đó là việc người khác làm, của chúng sanh.
[36]. An trụ giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới. Pāli: nikkamadhātu (xuất hành giới),
thāmadhātu (thế lực giới), ṭhitidhātu (an trụ giới), upakkamadhātu (công kích giới).
[37]. S. 35. 129. Ghosita.
[38]. Câu­diệm­di Cù­sư­la viên 拘睒彌國瞿師羅園, một tinh xá do Cù­sư­la (Pāli: Ghosita)
dựng ở Câu­diệm­di (Kosambī).
[39]. Cù­sư­la trưởng giả 瞿師羅長者. Pāli: Ghosita­gahapati.
[40]. Chủng chủng giới 種種界. Pāli: dhātunānattaṃ, sự đa dạng của giới.
[41]. Pāli: samvajjati... cakkhudhātu rūpā ca manāpā, có nhãn giới và sắc khả ái.
[42]. Tham chiếu It. 51.
[43]. Xem cht.38, kinh 460.
[44]. Pāli (Cf. It. 51): kāyena amataṃ dhātuṃ phusayitvā nirūpadhiṃ, bằng tự thân, chứng
nghiệm bất tử giới (cam lộ giới), chứng vô dư y.
[45]. Nguyên Hán: Tam­da­tam­phật 三耶三佛.
[46]. Hán: vô ưu ly cấu cú 無憂離垢句. Pāli (Cf. It.51): deseti sammāsambuddho asokaṃ
virajaṃ padan ti, Đấng Chánh Giác chỉ rõ dấu chân không ưu phiền, không cấu nhiễm.
[47]. Xem cht.38, kinh 460.
[48]. Cf. It. 51: tisso dhātuyo: rūpadhātu, ārūpadhātu, nirodhadhātu.
[49]. Thượng tọa Thượng Tọa danh giả 上座上座名者. Không rõ Pāli.
[50]. Chỉ và quán. Pāli: samatha, vipassanā (xa­ma­tha, tỳ­bát­xa­na).
[51]. S. 18. 21. Anusaya; tham chiếu S. 22. 91. Rāhulo.
[52]. Ngã, ngã sở kiến, ngã mạn hệ trước sử. Pāli: ahaṃkāramamaṃkāramāmānusayā, các tùy
miên ngã, ngã sở và mạn.
605
[53]. Ấn Thuận, tụng 3. Tạp nhân, 6. Tương ưng Thọ, gồm các kinh, Đại Chánh 466­489. phần
lớn, tương đương Pāli: S.36. Vedanāsaṃyutta. Đại Chánh kinh 466, Pàli, S.36.10 Phassa­mūlaka.
[54]. Xem cht.52 kinh 465.
[55]. Gươm đâm. Pāli, S. 36. 5. Daṭṭhabbena.
[56]. S. 36. 3. Pahānena.
[57]. Tham sử, tức tham tùy miên. Pāli: rāgānusayo.
[58]. Sân nhuế sử, hay sân tùy miên. Pāli: paṭighānusayo.
[59]. Si sử, hay si tùy miên. Pāli: avjjānusayo, vô minh tùy miên.
[60]. Mạn vô gián 慢無間. Pāli: mānābhisamaya, hiện quán mạn, hiểu rõ mạn, làm đình chỉ,
tiêu vong kiêu mạn.
[61]. Pāli: ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu niranusayo sammaddaso accheti taṇhaṃ vivattayi
saṃyojanaṃ sammā mānābhisamayā antamakāsi dukkhassā' ti. Đây gọi là Tỳ­kheo đã dứt sạch
tùy miên, hoàn toàn cắt đứt khát ái, trừ khử kết buộc, một cách chân chánh thấy rõ kiêu mạn (tiêu
diệt kiêu mạn), chấm dứt khổ.
[62]. Pāli: saṃpajaññaṃ na riñcati, không bỏ chánh trí. Pāli: riñcati, rời, chối bỏ, phủ nhận; bản
Hán đọc là iñjati: dao động.
[63]. Hán: bất đọa ư chúng số 不墮於眾數. Pāli: kāyassa bhedā dhamaṭṭho saṃkhyaṃ nopeti
vedagū ti, không thể mô tả bậc Pháp trí, vị Hiền trí, khi thân hoại (định danh).
[64]. Sâu thẳm, hiểm trở, chỉ vực thẳm. S. 36. 4. Pātāla.
[65]. Hán: đại hải thâm hiểm 大海深嶮. Pāli: atthi mahāsamudde pātālo'ti, trong biển cả có vực
thẳm.
[66]. Pāli: (...) asataṃ avijjamānaṃ evaṃ vācaṃ bhssāti (trong biển có vực thẳm), nói về cái
không hiện hữu, không tồn tại.
[67]. Mũi tên. Pāli, S. 36. 6. Sallattena.
[68]. Vi tham sử sở sử. Pāli: yo sukhāya vedanāya rāgānusayo so anuseti, tiềm phục tham tùy
miên đối với cảm thọ lạc.
[69]. Pāli: yo dukkhāya vedanāya paṭighānusayo so anuseti, đối với cảm thọ khổ, sân tùy miên
tiềm phục.
606
[70]. Pāli: so sukhañce vedanaṃ vedayati, saññutto naṃ vdayati; nếu nó cảm giác lạc. nó cảm
giác bị cái đó trói buộc.
[71]. Trong nguyên bản: đại văn 大聞; sửa lại là đại gián 大間: cách biệt rất lớn.
[72]. Xem cht.62, kinh 468.
[73]. Hán: bất đọa số, xem cht.63 kinh 468.
[74]. S. 36. 12. Ākāsa.
[75]. Tỳ­thấp­ba phong 毘濕波風; Pāli không có. Có lẽ Phạn: viśva­vāta, gió mạnh.
[76]. Tỳ­lam­bà phong 鞞嵐婆風; Pāli: verambha­vāta, não. Bản Pāli không kể.
[77]. Lạc thực thọ 樂食受. Pāli: sāmisāpi sukhā vedanā, cảm thọ lạc của da thịt, của vị ái nhiễm
(sa­āmisa: có thịt, nhục thể, xác thịt, vật chất).
[78]. Xem cht.62 kinh 468.
[79]. Xem cht.63 kinh 468.
[80]. S. 36. 14. Āgāraṃ.
[81]. Xem cht.77, kinh 471.
[82]. S. 36. 11. Rahogataka (Ẩn dật).
[83]. Độc nhất tĩnh xứ 獨一靜處. Pāli: rahogata, sống ẩn dật.
[84]. S. 36. 15­16. Santakam..
[85]. Tiệm thứ tịch diệt 漸次寂滅. Pāli: anupubbasaṃkhārāṇaṃ nirodho, sự biến mất của các
hành theo tuần tự.
[86]. Tiệm thứ chỉ tức 漸次止息. Pāli: anupubbasaṃkharaṇaṃ vūpasamoa, lần lượt đình chỉ, an
tĩnh.
[87]. Nguyên Hán: chánh thọ 正受, Pāli: samāpatti, danh từ; phân từ samāpanna thường được
dịch là đạt đến, hay nhập. Pāli: paṭhamaṃ jhānaṃ samāpanassa, khi chứng nhập sơ thiền.
[88]. Giác quán 覺觀, hay tầm tứ. Pāli: vitakka­vicāra.
[89]. Thiền thứ ba được gọi là "Ly hỷ diệu lạc địa" (thân cảm giác lạc vi diệu do đã loại bỏ hỷ).
607
[90]. Không nhập xứ, tức Không vô biên xứ định (hư không vô biên).
[91]. Thức nhập xứ, tức Thức vô biên xứ định.
[92]. Trí đời trước. Pāli, S. 36. 24. Pubbaññāṇa.
[93]. Tóm tắt sáu kinh.
[94]. S. 36. 23. Bhikkhu.
[95]. Những câu hỏi của A­nan.
[96]. Pāli: S.36.25 Bhikkhu.
[97]. Nguyên bản: A­nậu­đa­la tam­miệu tam­bồ­đề.
[98]. S. 36. 26­28. Samaṇa­brāhamaṇa.
[99]. Sa­môn nghĩa, Bà­la­môn nghĩa 沙門義, 婆羅門義. Pāli: sāmaññatthaṃ
brāhamaññatthaṃ, đối với mục đích của Sa­môn, Bà­la­môn.
[100]. Xem cht.74, kinh. 391.
[101]. Pāli, S. 54. 11. Icchānaṅgala.
[102]. Nhất­xa­năng­già­la lâm 壹奢能伽羅林. Pāli: Icchānaṅgalavāna.
[103]. Trong bản Pàli: trừ thị giả mang thức ăn đến, đừng ai đến chỗ Ta.
[104]. Giác, đây chỉ tầm, hay tư duy tầm cầu. Pāli: vitakka.
[105]. Tịch diệt, đây chỉ diệt tận. Pāli: nirodha.
[106]. Tham chiếu, Pāli, A. 5, 176. Pīti.
[107]. Nghĩa là, trang nghiêm và chỉnh sửa con đường sanh Thiên.
[108]. Viễn ly hỷ lạc 遠離喜樂 (Pāli:pavivekaja­pīti­sukha); đây chỉ hỷ lạc trạng thái sơ thiền.
Pāli: kinti may kālena kālaṃ paviveka pītiṃ upasampajja, làm sao tùy thời tôi chứng và an trú
với trạng thái hỷ do viễn ly này?
[109]. Viễn ly ngũ pháp 遠離五法. Pāli: pañcassa ṭhānāni tasmiṃ na honti, trong thời gian (học
hạnh viễn ly ) ấy, có năm trường hợp không xảy ra.
[110]. Nguyên Hán: ỷ tức 猗息.
608
[111]. Lạc phi vật chất. Pāli, S. 36. 29. Nirāmisaṃ.
[112]. Thực niệm vô thực niệm 食念無食念. Pāli: atthi sāmisā pīti atthi nirāmisā pitī, có hỷ do
vật dục (sāmisa: có thịt), có hỷ phi vật dục (nirāmisa: không có thịt).
[113]. Bản Pāli: pīti, hỷ.
[114]. Sắc câu hành. Pāli: rūpappaṭisaṃyutto vimokkho, giải thoát liên hệ với sắc.
[115]. Pāli, A. 5. 170. Bhaddaji.
[116]. Bạt­đà­la 陀羅. Pāli: Bhaddaji.
[117]. Kiến đệ nhất 見第一. Pāli: dassānaṃ aggaṃ, tối thượng trong những cái được thấy.
[118]. Hữu đệ nhất 有第一, chỉ cõi trời Hữu đảnh. Pāli: bhavānaṃ aggaṃ, tối thượng trong các
hữu.
[119]. S. 36. 19. Pañcakaṅgo.
[120]. Bình­sa vương 瓶沙王 (Pāli: Bimbisāra); vua nước Ma­kiệt­đà. Bản Pāli: Pañcakaṅgako
thapati (Ngũ chi vật chủ), một người thợ mộc.
609
TẠP A-HÀM QUYỂN 18
KINH 490. DIÊM­PHÙ­XA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Na­la[2], nước Ma­kiệt­đề.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất cũng ở xóm Na­la, Ma­kiệt­đề.
Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm­phù­xa[3], là bạn cũ của Xá­lợi­phất[4], đi đến chỗ
Tôn giả Xá­lợi­phất, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Xá­lợi­phất:
"Trong pháp luật của Hiền thánh có việc gì khó[5]?"
Xá­lợi­phất bảo Diêm­phù­xa:
"Chỉ có xuất gia là khó."
"Xuất gia, cái gì là khó?"
Đáp:
"Ái lạc[6] khó."
"Ái lạc, cái gì là khó?"
Đáp:
"Thường tu tập thiện pháp là khó[7]."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành[8] nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp
tăng trưởng không?"
Đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh
phương tiện, chánh niệm, chánh định."
Diêm­phù­xa nói:
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu
tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất,
610
nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận
được các hữu lậu."
Khi ấy hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Tương tự như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm­phù­xa, gồm bốn mươi kinh[9].
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[10]
"Thế nào là vị khéo thuyết pháp? Thế nào là vị chánh hướng trong đời[11]? Thế nào là vị thiện
thệ trong đời[12]?"
Xá­lợi­phất nói:
"Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị
khéo thuyết pháp. Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế,
hướng đến sự điều phục ngu si; đó gọi là chánh hướng. Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được
biến tri không dư tàn; sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; đó gọi là
thiện thệ."
Lại hỏi:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì có thể phát
khởi thiện thệ[13]?"
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định."
Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[14]
"Nói là Niết­bàn; thế nào là Niết­bàn?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Niết­bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn
tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết­bàn."
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì chứng đắc
Niết­bàn chăng?"
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định."
Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
611
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[15]
"Vì sao ở chỗ Sa­môn Cù­đàm xuất gia tu phạm hạnh?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa­môn Cù­đàm xuất gia
tu phạm hạnh[16]."
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có đoạn được tham dục, sân
nhuế, ngu si không?"
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định."
Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[17]
"Nói là hữu lậu đã đoạn tận. Thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Hữu lậu có ba[18]; đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã
trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì các lậu trừ hết không."
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[19]
"Nói là A­la­hán. Thế nào là A­la­hán?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, thì gọi là A­la­hán."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để chứng đắc A­la­hán không?"
Xá­lợi­phất đáp:
612
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[20]
"Nói là A­la­hán. Thế nào là A­la­hán?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A­la­hán."
Lại hỏi:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì chứng đắc A­la­hán không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[21]
"Nói là vô minh. Thế nào là vô minh?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế[22];
không biết Phật, Pháp, Tăng; không biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết thiện, bất thiện và vô
ký; không biết trong, không biết ngoài. Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị
ám chướng, đó gọi là vô minh[23]."
Diêm­phù­xa nói với Xá­lợi­phất:
"Đây là khối u ám vĩ đại."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đoạn trừ vô minh không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
613
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[24]
"Gọi là hữu lậu. Thế nào là hữu lậu?"
Như trên đã nói.[25]
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[26]
"Nói là hữu. Thế nào là hữu?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Hữu có ba; đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập và khi tu tập nhiều thì có đoạn trừ những hữu
này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[27]
"Nói là hữu thân[28]; thế nào là hữu thân?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Hữu thân, đó là năm thọ ấm. Thế nào là năm thọ ấm? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[29]
"Nói là khổ; thế nào là khổ?"
614
Xá­lợi­phất đáp:
"Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp
nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thọ ấm, thì đó gọi là khổ."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ những khổ này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[30]
"Nói là lưu[31]; thế nào là lưu?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu
này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[32]
"Nói là ách[33]; thế nào là ách?"
Ách cũng nói như lưu.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[34]
"Nói là thủ[35]; thế nào là thủ?"
Xá­lợi­phất đáp:
615
"Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ
này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[36]
"Nói là hệ phược[37]; thế nào là hệ phược?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược và ngã kiến phược."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những phược
này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[38]
"Gọi là kết; vậy thế nào là kết?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Kết có chín[39], đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết[40], nghi kết,
tật kết và xan kết."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những kết
này không?"
616
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[41]
"Gọi là sử, vậy thế nào là sử?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi
sử."[42]
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ
những sử này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[43]
"Gọi là dục, vậy thế nào là dục?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê
sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích,
đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.
"Này Diêm­phù­xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư
duy."
Bấy giờ, Xá­lợi­phất liền nói bài kệ:
"Tất cả sắc thế gian,
Không phải ái dục sử[44],
617
Duy chỉ là giác tưởng,
Đó chính là người dục[45].
Bao nhiêu hiện sắc này,
Thường ở tại thế gian,
Điều phục tâm ái dục,
Đó là người thông tuệ."
Diêm­phù­xa hỏi lại Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ
được những dục này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bà luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[46]
"Gọi là cái; thế nào là cái[47]?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ
được những cái này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[48]
"Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?"[49]
618
Xá­lợi­phất đáp:
"Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ
được ba kết sử này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[50]
"Nói là đạt đến sự nghỉ ngơi; thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Đạt đến sự nghỉ ngơi là ba kết sử đã bị đoạn, đã được biết."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[51]
"Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[52], vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế và ngu si[53]. Đó
gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[54]."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi
tối thượng không?"
619
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Tôn giả Xá­lợi­phất:[55]
"Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng[56]; thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn;
đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc
thượng."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi
tối thượng không?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[57]
"Nói là thanh lương[58], vậy thế nào là thanh lương?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch; tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân
nhuế."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần
kết này, để đạt đến thanh lương không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
620
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[59]
"Gọi là được thanh lương, vậy thế nào là được thanh lương?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Đối với năm hạ phần kết đã đoạn tận, đã niệm tri, đó gọi là được thanh lương."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[60]
"Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất
cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc
thượng không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[61]
"Nói là đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là đạt được thanh lương bậc thượng?"
Xá­lợi­phất đáp:
621
"Đạt được thanh lương bậc thượng là đối với tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri
không dư tàn; đối với sân nhuế và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn.
Đó gọi là đạt được thanh lương bậc thượng."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương bậc
thượng này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất[62]:
"Gọi là ái, vậy thế nào là ái?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể diệt trừ được ba ái
này không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[63]
"Gọi là nghiệp đạo[64], vậy thế nào là nghiệp đạo?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Nghiệp đạo. đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng
thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?"
622
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Diêm­phù­xa hỏi Xá­lợi­phất:[65]
"Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế và ngu si."
Lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể trừ được ba uế này
không?"
Xá­lợi­phất đáp:
"Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.
Như kinh Uế, cũng vậy các kinh nói về Cấu bẩn [32], Cấu ghét [33], Gai nhọn [34], Luyến [35]
và Hệ phược [36] cũng như vậy.
KINH 491. SA­MÔN XUẤT GIA SỞ VẤN[66]
Như kinh Diêm­phù­xa hỏi, kinh Sa­môn xuất gia hỏi cũng như vậy.
KINH 492. NÊ THỦY[67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá­lợi­phất nói với các Tỳ­kheo:
"Nếu có Tỳ­kheo nào[68] được vô lượng tam­muội[69], thân tác chứng, thành tựu và an trụ,
nhưng đối với Niết­bàn, sự diệt tận của hữu thân[70], mà tâm không hoan hỷ[71], luyến tiếc hữu
623
thân[72]. Giống như người tay dính keo mà nắm trên cành cây, thì tay liền bị dính trên cành
không gỡ ra được. Vì sao? Vì keo dính tay.
"Nếu Tỳ­kheo tự thân đã tác chứng vô lượng Tam­ma­đề[73], nhưng tâm không hoan hỷ[74] đối
với Niết­bàn, sự diệt tận của hữu thân[75]; luyến tiếc hữu thân, thì trọn không thể thoát ly, ngay
trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc mà
phải sanh lại cõi này; cuối cùng rồi cũng không phá được sự si ám. Như bên cạnh làng có ao bùn;
lớp bùn rất sâu. Lâu ngày trời không mưa, nước ao khô cạn, đất nứt nẻ ra[76]. Cũng vậy, Tỳ­
kheo ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không
sở đắc và sẽ trở lại đọa vào cõi này.
"Nếu có Tỳ­kheo nào được vô lượng tam­muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự
diệt tận của hữu thân, Niết­bàn, này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu
thân. Giống như người dùng bàn tay khô ráo, sạch sẽ, vịn vào cành cây, thì tay sẽ không bị dính
theo cây. Vì sao? Vì bàn tay sạch. Cũng vậy, nếu Tỳ­kheo nào được vô lượng tam­muội, tự thân
tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết­bàn này khi hoại diệt mà
tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân; ngay trong đời này tùy thuận giáo pháp, cho đến
khi mạng chung không còn sanh lại cõi này nữa.
"Cho nên Tỳ­kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh. Giống như bên cạnh làng có ao
bùn, nước từ bốn phía chảy vào, trời lại hay mưa, nước thường vào ao đầy dẫy, đồ dơ bẩn chảy
ra hết, ao nước này trở nên trong sạch. Cũng vậy Tỳ­kheo ngay trong đời này mà tùy thuận giáo
pháp; cho đến khi mạng chung sẽ không còn sanh trở lại cõi này. Bởi vậy, Tỳ­kheo phải siêng
năng phương tiện phá tan vô minh."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 493. THỪA THUYỀN NGHỊCH LƯU[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá­lợi­phất nói với các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo a­luyện­nhã[78], hoặc ở giữa đất trống, trong rừng, dưới bóng cây, nên học như
vầy: Quay vào bên trong mà tư duy, quán sát, tự biết trong tâm còn có dục tưởng không? Nếu
không tự biết được, thì ở nơi cảnh giới hoặc ở nơi tịnh tướng, ở đó sẽ có ái dục khởi lên, trái với
hạnh viễn ly[79]. Giống như người dùng sức chèo thuyền nghịch dòng đi lên, thân nếu hơi mệt
mỏi, biếng nhác, thì thuyền quay trở lại, xuôi dòng đi xuống. Cũng vậy, Tỳ­kheo khi tư duy tịnh
tưởng, trở lại sanh ra ái dục, trái với hạnh viễn ly. Tỳ­kheo này tu học, tu phương tiện thấp kém,
hành không thuần tịnh. Vì vậy lại bị ái dục cuốn trôi, không được pháp lực, tâm không tĩnh lặng,
tâm không chuyên nhất; đối với tịnh tướng kia theo đó mà sanh ái dục, trôi nổi lăn lóc, trái với
hạnh viễn ly. Nên biết Tỳ­kheo này, không dám tự xác nhận là đối với năm phẩm chất của dục
mà ly dục, giải thoát.
624
"Nếu Tỳ­kheo nào ở nơi đất trống, trong rừng hoặc dưới bóng cây, tư duy như vầy: 'Trong nội
tâm ta đã ly dục chưa?' Tỳ­kheo này sẽ ở nơi cảnh giới hoặc tiếp nhận tịnh tướng, mà biết tâm
mình đã xa lìa tướng ấy, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy. Giống như lông chim vào lửa thì bị
quắn lại, không có nở ra. Cũng vậy, Tỳ­kheo nào, hoặc tiếp nhận tịnh tướng mà tùy thuận viễn
ly, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy.
"Tỳ­kheo, nên biết như vầy, đối với phương tiện thực hành tâm không biếng nhác, chứng đắc
pháp, tịch tĩnh, tĩnh chỉ, an ổn, khoái lạc, thuần tịnh nhất tâm và tự nói: 'Ta sau khi tư duy, đối
với tịnh tướng, mà tùy thuận viễn ly, tùy thuận tu đạo, thì có thể tự xác nhận, đối với năm phẩm
chất của dục, đã ly dục giải thoát."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ, phụng hành.
KINH 494. KHÔ THỌ[80]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất đang ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát ra khỏi núi, vào thành Vương xá khất thực; thấy bên
lề đường một cây đại thọ khô liền đến bên cây này trải tọa cụ ngồi ngay thẳng và nói với các Tỳ­
kheo:
"Nếu có Tỳ­kheo nào tu tập thiền tứ, đạt được thần thông, tâm được tự tại, muốn biến cây khô
này thành đất, thì sẽ thành đất liền. Vì sao? Vì trong cây khô này có địa giới. Cho nên Tỳ­kheo
có sức thần thông, tâm muốn tạo ra đất, tức thì thành đất không khác. Nếu có Tỳ­kheo nào đạt
được sức thần thông, tự tại như ý, mà muốn khiến cây này thành nước, lửa, gió, vàng, bạc v.v...
tất cả đều thành tựu không khác. Vì sao? Vì cây khô này có thủy giới. Cho nên, thiền tứ được sức
thần thông, tự tại như ý; nếu muốn khiến cây khô này thành vàng, tức thì thành vàng không khác
và những vật khác cũng đều thành tựu như vậy. Vì sao? Vì cây khô này có các giới. Cho nên,
Tỳ­kheo thiền tứ, được sức thần thông, tự tại như ý, nến muốn làm thành các vật khác thì cũng
đều thành tựu không khác. Tỳ­kheo nên biết, khi Tỳ­kheo thiền tứ, cảnh giới thần thông không
thể nghĩ bàn. Cho nên, Tỳ­kheo phải tinh cần thiền tứ, học các thần thông."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 495. GIỚI[81]
625
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất đang ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất bảo các Tỳ­kheo:
"Người phạm giới, vì phá giới nên sở y sút giảm, tâm không an trú với sự an lạc[82]. Vì tâm
không an trú với sự an lạc nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam­muội tịch tĩnh; mất tri kiến như
thật[83], sự yếm ly, ly dục, giải thoát, vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết­bàn. Giống như
cây bị mục thì tất cả cành, lá, hoa, trái đều không thể thành tựu. Tỳ­kheo phạm giới lại cũng như
vậy, công đức sút giảm[84], tâm không an trú với sự an lạc. Vì tâm không an trú với sự an
lạc[85] nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam­muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật, sự yếm ly, ly
dục, giải thoát. Do thoái thất giải thoát nên vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết­bàn.
"Tỳ­kheo trì giới, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được
hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam­muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát.
Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết­bàn. Ví như gốc cây không bị mục thời
cành, lá, hoa, trái đều được thành tựu. Tỳ­kheo trì giới lại cũng như vậy, căn bản đầy đủ, sở y
đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tammuội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt
đến Vô dư Niết­bàn."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH 496. TRÁNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy Tôn giả Xá­lợi­phất bảo
các Tỳ­kheo:
"Nếu các Tỳ­kheo khởi lên tranh cãi với nhau, có Tỳ­kheo phạm tội, Tỳ­kheo cử tội. Nhưng Tỳ­
kheo này, nếu không bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, thì nên biết Tỳ­kheo này
ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng
sâu. Đối với những tội lỗi đã khởi lên, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại
được.
"Nếu Tỳ­kheo đã khởi lên việc tranh tụng, nhưng Tỳ­kheo phạm tội, hay Tỳ­kheo cử tội, bằng
vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, chịu khiển trách, thì nên biết Tỳ­kheo này không
ngang ngạnh lâu dài, không chống đối nhau và hận thù không còn tăng trưởng; đối với tội đã
khởi có thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn cho dừng lại.
"Thế nào là Tỳ­kheo bằng tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát? Tỳ­kheo nên tư duy như vầy:
'Ta thật sự không phải, không tốt, không nên tạo tội, để cho người khác bắt gặp mình. Nếu ta
626
không tạo tội này thì người kia sẽ không bắt gặp. Vì người kia bắt gặp ta phạm tội, khiến họ
không vui vẻ và hiềm trách nên cử tội. Còn những Tỳ­kheo khác nếu nghe cũng sẽ hiềm trách.
Cho nên việc tranh tụng xảy ra lâu dài, tính nganh ngạnh càng tăng và tranh cãi với nhau. Đối
với những tội đã khởi, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được. Nay ta tự
biết như mình đã nộp thuế[86].' Đó gọi là Tỳ­kheo đối với những tội đã khởi có thể tự quán sát.
"Thế nào là Tỳ­kheo cử tội có thể tự phản tỉnh quán sát? Tỳ­kheo cử tội nên nghĩ như vầy:
'Trưởng lão Tỳ­kheo này phạm tội không tốt khiến ta bắt gặp. Nếu vị ấy không phạm tội không
tốt đó thì ta đâu có bắt gặp. Vì ta đã bắt gặp tội của người này khiến không vui nên phải nói ra.
Còn những Tỳ­kheo khác nếu bắt gặp thì cũng sẽ không vui và cũng sẽ nêu tội. Sự tranh tụng cứ
như vậy kéo dài tăng trưởng không dừng, không thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn những
tội đã làm, khiến cho dừng lại. Từ ngày hôm nay ta tự mình từ bỏ nó, như mình nộp thuế.' Như
vậy Tỳ­kheo cử tội nên khéo y cứ vào tư duy đúng, để nội tĩnh quán sát.
"Cho nên, này các Tỳ­kheo, người có tội và người cử tội phải y cứ vào tư duy đúng, tự quán sát
đừng để cho sự ngang ngạnh tăng trưởng thêm lên. Này các Tỳ­kheo, không nên tranh tụng nữa,
nếu việc tranh tụng có khởi lên thì có thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn khiến nó dừng lại."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.
KINH 497. CỬ TỘI[87]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất
đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ­kheo cử tội muốn cử tội người khác, khiến cho tâm an trụ, thì cần có bao
nhiêu pháp để được cử tội người khác?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Nếu Tỳ­kheo nào khiến tâm an trụ, có đủ năm pháp được cử tội người khác. Năm pháp đó là:
Thật, chứ không phải không thật. Đúng thời, chứ không phải phi thời. Ích lợi, chứ chẳng phải
không ích lợi. Nhu nhuyến, chứ không thô bạo. Từ tâm, chứ không sân hận. Này Xá­lợi­phất,
Tỳ­kheo nào muốn cử tội thì phải đủ năm pháp này mới được cử tội người khác."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo bị cử tội, phải dùng bao nhiêu pháp để tự an được tâm mình?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo bị cử tội phải nhờ vào năm pháp khiến cho tâm mình được an. Phải nghĩ rằng, 'Người
này do đâu mà biết được? Hãy là sự thật chứ đừng là không thật. Mong cho đúng thời, chứ đừng
627
khiến phi thời. Mong cho vì ích lợi chứ đừng khiến không vì ích lợi. Mong nhu nhuyến, đừng
khiến thô bạo. Mong là từ tâm, đừng khiến sân hận. Này Xá­lợi­phất, người bị cử tội phải đủ
năm pháp này thì mới tự an được tâm mình."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con thấy có sự cử tội người khác mà không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời,
chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu
nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm. Bạch Thế Tôn, đối với Tỳ­kheo cử tội người khác mà
không đúng sự thật đó, phải dùng bao nhiêu pháp vì lợi ích khiến cho hối cải?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo cử tội mà không đúng sự thật, phải dùng năm pháp vì lợi ích khiến cho hối cải. Nên
nói với người ấy rằng, 'Trưởng lão, hôm nay Trưởng lão cử tội, không thật chứ chẳng phải thật;
Trưởng lão nên hối cải. Phi thời chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì
ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm; Trưởng lão nên hối cải.'
Này Xá­lợi­phất, đối với Tỳ­kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật, thì phải dùng năm
pháp vì lợi ích này, khiến cho hối cải, cũng khiến cho Tỳ­kheo trong vị lai không vì người khác
mà cử tội không đúng sự thật."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo bị cử tội không đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp để khiến cho
không bị hối hận[88]?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo bị cử tội không đúng, thì phải nhờ vào năm pháp để không tự mình phải hối hận.
Người này phải nghĩ như vầy, 'Tỳ­kheo kia cử tội không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời chứ
chẳng phải thời; không vì lợi ích chứ chẳng phải vì lợi ích, thô bạo chứ chẳng phải nhu nhuyến,
sân hận chứ không phải từ tâm. Ta thật sự không phải hối hận.' Tỳ­kheo bị cử tội không thật đó
phải nhờ vào năm pháp này để tự an tâm mình, không tự mình phải hối hận."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có Tỳ­kheo cử tội đúng sự thật, chứ không phải không thật; đúng thời chứ
không phải không đúng thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không
phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận; Tỳ­kheo cử tội đúng đó nên bằng bao nhiêu pháp
vì lợi ích để không bị hối hận?"
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo cử tội đúng sự thật, nên bằng năm pháp vì lợi ích để khiến cho không bị hối hận. Nên
nói như vầy, 'Trưởng lão, ngài đã cử tội đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ
không phải phi thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô
628
bạo; từ tâm chứ không phải sân hận.' Này Xá­lợi­phất, Tỳ­kheo nào cử tội đúng thì phải bằng
năm pháp lợi ích này để khiến Tỳ­kheo đó không bị hối hận và cũng để cho Tỳ­kheo vị lai cử tội
người khác đúng mà không bị hối hận."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối
hận?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng năm pháp lợi ích này để không bị hối hận. Nên nói như
vầy, 'Tỳ­kheo này cử tội đúng chứ không phải không đúng, ông chớ hối hận; đúng thời chứ
không phải phi thời; nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô
bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, ông chớ hối hận."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con thấy Tỳ­kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận. Bạch Thế Tôn, Tỳ­kheo bị cử
tội đúng mà sân hận, thì phải dùng bao nhiêu pháp để tự giải tỏa đối với sân hận?"
Phật dạy Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì phải dùng năm pháp để tự giải tỏa. Nên nói với
người ấy rằng, 'Trưởng lão, Tỳ­kheo cử tội ông là đúng sự thật chứ không phải không thật, ông
chớ sân hận... cho đến từ tâm chứ không phải sân hận.' Này Xá­lợi­phất, Tỳ­kheo bị cử tội đúng
mà khởi lên sân hận, thì nên dùng năm pháp này để đối với sân hận được giải tỏa."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, có người cử tội đúng, có người không đúng; đối với hai người này con tự an
tâm. Nếu kia đúng sự thật thì con phải tự biết. Nếu kia không đúng thì con phải tự hóa giải rằng,
'Điều đó không đúng, nay ta tự biết là không có lỗi này.' Bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như
những gì Thế Tôn đã dạy trong kinh Thí dụ xẻ gỗ[89], dạy các Sa­môn: 'Nếu có giặc đến bắt
ông, rồi dùng cưa, cưa xẻ thân ông. Các ông đối với giặc mà khởi lên niệm ác, nói lời ác, thì tự
sanh ra chướng ngại. Cho nên, Tỳ­kheo, nếu bị giặc dùng cưa, cưa xẻ thân các ông, các ông đối
với giặc chớ khởi lòng ác và nói lời ác, chỉ tự làm chướng ngại mình mà thôi. Đối với những
người đó nên sanh lòng từ bi, không oán hận; chứng nhập, thành tựu và trú với từ tâm cùng khắp
bốn phương cảnh giới.' Cho nên, bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như lời Thế Tôn đã dạy, đối
với cái khổ thân bị cưa xẻ mà còn tự an nhẫn; huống chi những cái khổ nhỏ nhặt, hay những lời
phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được. Vì mục đích của Sa­môn, vì ước muốn của Sa­môn,
muốn đoạn trừ pháp bất thiện, muốn tu tập pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn
trừ; và đối với pháp thiện thì nên phương tiện tu tập tinh cần, khéo tự phòng ngừa, buộc niệm tư
duy, không để buông lung. Hãy tu học như vậy."
Xá­lợi­phất bạch Phật:
629
"Bạch Thế Tôn, nếu con cử tội Tỳ­kheo khác, đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời
chứ không phải không đúng thời; có nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ
không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, nhưng có Tỳ­kheo bị cử tội kia vẫn ôm
lòng thù hận."
Phật hỏi Xá­lợi­phất:
"Tỳ­kheo loại nào khi nghe cử tội mà sanh tâm thù hận?"
Xá­lợi­phất bạch phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ­kheo kia cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác,
mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng
Sa­môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu
Niết­bàn; những người như vậy nghe con cử tội liền sanh sân nhuế."
Phật hỏi Xá­lợi­phất:
"Những hạng Tỳ­kheo nào nghe ông cử tội mà không sân hận?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ­kheo nào tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chánh tín,
biết hổ thẹn, tinh cần chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly,
kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa­môn, tôn sùng Niết­bàn, vì pháp xuất gia, không vì kế sống;
những Tỳ­kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống cam lộ. Như người nữ
dòng Sát­lợi hay Bà­la­môn tắm gội sạch sẽ, được hoa đẹp đẽ, yêu thích, đội lên đầu, cài lên đầu.
Cũng vậy, nếu Tỳ­kheo nào không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, chánh tín, có hổ thẹn, tinh
cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật,
trọng hạnh Sa­môn, siêng tu tập, tự tỉnh giác, vì pháp xuất gia, chí cầu Niết­bàn, thì Tỳ­kheo như
vậy khi nghe con cử tội vui vẻ nhận lãnh như uống cam lộ."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Nếu Tỳ­kheo nào cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm,
không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng hạnh Samôn, không cầu Niết­bàn, vì kế sống xuất gia, thì đối với Tỳ­kheo như vậy không nên dạy dỗ và
nói chuyện. Vì sao? Vì những Tỳ­kheo này phá phạm hạnh. Nếu Tỳ­kheo nào không cong vạy,
không giả dối, không lừa gạt, có lòng tin, hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ,
không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa­môn, chí sùng Niết­bàn,
vì pháp xuất gia, thì những Tỳ­kheo như vậy phải nên dạy dỗ. Vì sao? Vì những Tỳ­kheo này
thường tu phạm hạnh, có thể tự đứng vững."
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá­lợi­phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng
hành.
630
KINH 498. NA­LA­KIỀN­ĐÀ[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại Na­la­kiền­đà, trong vườn Am­la của người bán y[91]. Lúc bấy giờ, Tôn giả
Xá­lợi­phất đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ của các Sa­môn, Bà­la­môn dù là quá
khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ[92] của Thế Tôn, huống lại là hơn!"
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Lành thay! Lành thay! Xá­lợi­phất! Lành thay những lời nói hi hữu đệ nhất này, ở giữa đại
chúng rống lên tiếng rống sư tử, tự nói tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ có được của các Samôn, Bà­la­môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ của Thế Tôn,
huống lại là hơn!"
Phật hỏi Xá­lợi­phất:
"Ngươi có thể biết rõ về tăng thượng giới của Phật quá khứ chăng?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết."
Đức Phật lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Ngươi có biết pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy
chăng?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết."
Phật lại hỏi Xá­lợi­phất:
"Ngươi có biết rõ tăng thượng giới của Phật vị lai, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như
vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết."
Đức Phật hỏi Xá­lợi­phất:
631
"Ngươi có biết rõ giới tăng thượng của Phật hiện tại, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như
vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Nếu ông không biết trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại sở hữu các pháp đó, thì tại
sao ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tán thán như vầy: 'Con tin sâu xa về Thế Tôn
rằng: trí tuệ có được của các Sa­môn, Bà­la­môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không
bằng trí tuệ Thế Tôn, huống lại là hơn!'"
Xá­lợi­phất bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, con không biết giới hạn trong tâm[93] của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai,
hiện tại, nhưng con có thể biết giới hạn về pháp[94] của chư Phật Thế Tôn. Con nghe pháp được
Thế Tôn nói, càng lúc càng sâu xa, càng lúc càng thù thắng, càng lúc càng tăng thượng, càng lúc
càng vi diệu. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, khi biết một pháp tức thì đoạn một pháp, biết
một pháp liền chứng một pháp, biết một pháp tức thì tu tập một pháp, cứu cánh đối với pháp.
Cho nên đối với Đại Sư lòng tin được thanh tịnh và tâm được thanh tịnh. Thế Tôn là Bậc Đẳng
Chánh Giác.
"Bạch Thế Tôn, như quốc vương có thành trì ở biên giới, vòng thành vây quanh vuông vức, bốn
mặt kiên cố, chắc chắn, chỉ có một cửa, không có cửa thứ hai, sai người đứng giữ cửa; nhân dân
ra vào đều từ cửa này. Việc đi ra hoặc đi vào, tuy người giữ cửa này không biết số người nhiều
hay ít, nhưng biết nhân dân chỉ đi từ cửa này, không đi chỗ khác. Cũng vậy, con biết chư Phật,
Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ, đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn
tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết­bàn; đã an trú
bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chư Phật Thế
Tôn đời vị lai cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy
kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết­bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy
Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Ngày nay, chư Phật Thế Tôn, Như Lai,
Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác hiện tại cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm,
khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết­bàn; đã an trú bốn
Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác."
Phật bảo Xá­lợi­phất:
"Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá­lợi­phất, chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thảy đều đã đoạn
tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại,
không hướng đến Niết­bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô
thượng Chánh đẳng giác."
632
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá­lợi­phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực
hành theo.
KINH 499. THẠCH TRỤ[95]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợiphất ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Khi ấy có Tỳ­kheo Nguyệt Tử[96] là đệ tử của Đề­bà­đạt­đa[97], đến chỗ Tôn giả Xá­lợi­phất,
chào hỏi xong đứng qua một bên. Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi Tỳ­kheo Nguyệt Tử:
"Tỳ­kheo Đề­bà­đạt­đa có thường thuyết pháp cho chúng Tỳ­kheo nghe không?"
Nguyệt Tử thưa:
"Thưa, có thuyết pháp."
Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi Tỳ­kheo Nguyệt Tử:
"Đề­bà­đạt­đa thuyết pháp thế nào?"
Tỳ­kheo Nguyệt Tử thưa Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Đề­bà­đạt­đa thuyết pháp như vầy: 'Tỳ­kheo bằng tâm pháp mà tu tâm[98], Tỳ­kheo này có thể
tự xác nhận rằng, ta đã ly dục, giải thoát khỏi năm dục công đức.'"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tỳ­kheo Nguyệt Tử:
"Đề­bà­đạt­đa của ông sao không thuyết pháp như vầy, 'Tỳ­kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm,
lìa tâm dục, lìa tâm sân nhuế, lìa tâm ngu si, được pháp không tham, được pháp không sân và
không si, không trở lại pháp dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu; thì Tỳ­kheo ấy có thể tự xác nhận,
'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa'?"
Tỳ­kheo Nguyệt Tử thưa:
"Vị ấy không thể như vậy, thưa Tôn giả Xá­lợi­phất."
Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tỳ­kheo Nguyệt Tử:
"Nếu có Tỳ­kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và
tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ­kheo này có thể tự xác nhận:
633
'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.'
"Ví như gần thôn ấp có núi đá lớn, không thể cắt đứt được, không thể phá nát và xuyên thủng
được, nó dày đặc và kín mít. Giả sử có gió từ phương Đông thổi tới, không thể làm cho nó lay
động, cũng không thể vượt qua nó để đến phương Tây. Cũng vậy, gió từ phương Nam, Tây, Bắc
và bốn góc thổi đến cũng không thể làm cho nó lay động và vượt qua khỏi nó. Cũng vậy, Tỳ­
kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si,
được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ­kheo này có thể tự xác nhận: 'Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau
nữa.'
"Ví như cột đồng nhân­đà[99] được cắm sâu vào trong đất, đắp đất lên chặt kín, gió bốn phía có
thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ­kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể
xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không
si, thì Tỳ­kheo này có thể tự xác nhận: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Ví như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, cắm vào lòng đất tám khuỷu tay, gió bốn phương thổi
đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ­kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa
lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si,
thì Tỳ­kheo này có thể tự xác nhận: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã
làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'
"Ví như người đốt lửa chưa cháy, cháy rồi thì không đốt nữa. Cũng vậy, Tỳ­kheo với tâm pháp
mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham,
không nhuế và không si, thì Tỳ­kheo này có thể tự xác nhận: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã
lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.
KINH 500. TỊNH KHẨU[100]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá­lợiphất cũng đang ở đó.
Sáng sớm, Tôn giả Xá­lợi­phất đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Khất thực xong,
ngồi dưới bóng cây thọ trai. Trong lúc ấy có nữ ngoại đạo xuất gia Tịnh Khẩu[101] từ trong
thành Vương xá đi ra có chút việc, gặp Tôn giả Xá­lợi­phất đang ngồi ăn dưới bóng cây, bà tiến
đến hỏi:
"Sa­môn đang ăn phải không?"
634
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
"Vâng, đang ăn."
Lại hỏi:
"Sao, Sa­môn cúi mặt xuống[102] mà ăn."
Đáp:
"Thưa tỷ muội, không."
Lại hỏi:
"Ngửa mặt lên[103] mà ăn chăng?"
Đáp:
"Thưa tỷ muội, không."
Lại hỏi:
"Xoay mặt bốn phương[104] mà ăn chăng?"
Đáp:
"Thưa tỷ muội, không"
Lại hỏi:
"Xoay mặt bốn góc[105] mà ăn chăng?"
Đáp:
"Thưa tỷ muội, không."
Lại hỏi:
"Tôi hỏi Sa­môn đang ăn phải không, Sa­môn đáp là đang ăn. Tôi hỏi ngửa mặt lên mà ăn
chăng? Sa­môn đáp là không; hỏi cúi mặt xuống mà ăn chăng? Sa­môn đáp không; hỏi xoay mặt
bốn phương mà ăn chăng? Sa­môn đáp là không; hỏi xoay mặt bốn góc mà ăn chăng? Sa­môn
đều trả lời không. Những gì Sa­môn nói như vậy là có ý nghĩa gì?"
Tôn giả Xá­lợi­phất đáp:
635
"Này tỷ muội, những Sa­môn, Bà­la­môn có kiến thức về sự vật[106], có kiến thức về hoành
pháp[107], kiếm ăn một cách tà mạng; những Sa­môn, Bà­la­môn này cúi mặt mà ăn. Nếu Samôn, Bà­la­môn nào ngước mặt nhìn xem hiện tượng trăng sao, kiếm ăn một cách tà mạng như
vậy; Sa­môn, Bà­la­môn này ngửa mặt mà ăn. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào làm sứ giả cho người
khác, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa­môn, Bà­la­môn như vậy xoay mặt bốn phương mà
ăn. Nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh[108], kiếm ăn một cách tà mạng,
những Sa­môn, Bà­la­môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Này tỷ muội, tôi không thuộc vào
cách kiếm ăn theo bốn thứ tà mạng này, mà tôi chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống. Cho
nên, tôi nói là không phải là bốn cách ăn tà mạng đó."
Khi xuất gia ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá­lợi­phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ từ
giã, rồi bà đi đến chỗ ngã tư đường trong thành Vương xá, khen ngợi rằng: 'Sa­môn Thích tử
nuôi sống chân chính[109], tự nuôi sống rất chân chính! Nếu người nào muốn bố thí cúng
dường, thì nên cúng dường cho Sa­môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, thì nên đến Sa­môn
Thích tử tạo phước."
Lúc ấy các Sa­môn ngoại đạo nghe xuất gia nữ ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu khen ngợi Sa­môn họ
Thích, bèn khởi tâm tật đố hại bà ấy. Nữ ngoại đạo ấy bị họ hại chết, được sanh lên cõi trời Đâusuất, nhờ sanh lòng tin đối với Tôn giả Xá­lợi­phất.
KINH 501. THÁNH MẶC NHIÊN[110]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đại Mục­kiền­liên
đang ở trong núi Kỳ­xà­quật, thành Vương xá.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên bảo các Tỳ­kheo:
"Một thời, Thế Tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà; tôi đang ở trong núi Kỳ­xà­quật này, một
mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: 'Thế nào là sự im lặng của bậc Thánh?' Lại nghĩ tiếp: 'Nếu có
Tỳ­kheo mà giác và quán đã dứt[111], nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do
đinh sanh, chứng và an trú Nhị thiền, đó gọi là sự im lặng của bậc Thánh.' Lại nghĩ tiếp: 'Nay ta
cũng nên im lặng như bậc Thánh, với giác và quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không
quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú nhiều lần.' Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm lại khởi
có giác, có quán. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, tức thì Ngài biến mất ở tinh xá
Trúc viên và hiện ra trong núi Kỳ­xà­quật, trước mặt tôi. Ngài nói với tôi rằng:
"Này Mục­kiền­liên, ông nên im lặng như bậc Thánh, chớ sanh buông lung.
"Tôi nghe Đức Thế Tôn nói xong, liền xa lìa hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác,
không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trụ Nhị thiền. Ba lần như vậy, Phật cũng dạy tôi
ba lần: 'Ngươi nên im lặng như bậc Thánh chớ buông lung.' Tôi lại dứt hữu giác, hữu quán, nội
tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú Nhị[112] thiền.
636
"Nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật
pháp[113], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa
sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát,
tam­muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán
đảnh nhưng đã được vương pháp, không tinh cần phương tiện mà có thể được năm dục công đức.
Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát,
tam­muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi,
ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi."
Sau khi Tôn giả Mục­kiền­liên nói kinh này xong, các Tỳ­kheo hoan hỷ phụng hành.
KINH 502. VÔ MINH[114]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mụckiền­liên đang ở trong núi Kỳ­xà­quật, thành Vương xá.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên bảo các Tỳ­kheo:
"Khi Đức Thế Tôn ở thành Vương xá, tôi ở trong núi Kỳ­xà­quật, một mình ở chỗ vắng nghĩ như
vầy: 'Thế nào gọi là Thánh trụ?'[115] Lại nghĩ tiếp: 'Nếu có Tỳ­kheo nào không niệm tất cả
tướng, vô tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm[116], thì đó gọi
là Thánh trụ.' Tôi lại nghĩ: 'Ta nên ở nơi Thánh trụ này, không niệm tất cả tướng, tự thân tác
chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm,' và an trụ nhiều lần. Sau khi đã an trụ nhiều
rồi, tâm chấp tướng[117] lại sanh.' Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, trong khoảnh
khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, dùng sức thần thông biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra ở
núi Kỳ­xà­quật, đến trước tôi, nói tôi rằng: 'Này Mục­kiền­liên, ông nên trụ nơi sự an trụ của bậc
Thánh, chớ sanh buông lung.' Tôi nghe Đức Thế Tôn dạy xong, liền lìa tất cả tướng, tự thân tác
chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm. Ba lần như vậy; Thế Tôn cũng ba lần đến
dạy tôi: 'Ngươi nên an trụ nơi Thánh trụ, chớ sanh buông lung.' Tôi nghe xong, liền xa lìa tất cả
tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm.
"Các Đại đức, nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa
hưởng gia tài Phật pháp[118], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ
miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được
thiền, giải thoát, tam­muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy
chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được hưởng vương pháp, không tinh cần phương tiện, mà có
thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà
có thể được thiền, giải thoát, tam­muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần
dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi."
Sau khi Tôn giả Mục­kiền­liên nói kinh này xong, các Tỳ­kheo hoan hỷ phụng hành.
637
KINH 503. TỊCH DIỆT[119]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ các Tôn giả
Xá­lợi­phất, Đại Mục­kiền­liên, A­nan cùng ở chung một phòng nơi vườn Trúc, khu Ca­lan­đà,
tại thành Vương xá.
Bấy giờ, vào cuối đêm, trời gần sáng[120], Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Đại Mục­kiềnliên:
"Lạ thay, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên! Hôm nay Tôn giả trụ trong tịch diẹât chánh thọ[121], tôi
không nghe tiếng thở[122] của Tôn giả."
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên trả lời:
"Đó không phải là tịch diệt chánh thọ mà chỉ an trụ thô chánh thọ[123]. Thưa Tôn giả Xá­lợiphất, đêm nay tôi đã hầu chuyện với Đức Thế Tôn."
Tôn giả Xá­lợi­phất nói:
"Thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, Thế Tôn đang trú tại vườn Cấp cô độc, nước Xá­vệ, cách đây
rất xa, làm sao cùng nói chuyện? Hiện tại Tôn giả đang ở Trúc viên, vậy làm sao hầu chuyện?
Hay là Tôn giả đã dùng sức thần thông để đến chỗ Thế Tôn, hay Thế Tôn đã dùng sức thần thông
đến chỗ Tôn giả?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Tôi không dùng sức thần thông đến chỗ Đức Thế Tôn và Thế Tôn cũng không dùng thần thông
để đến chỗ tôi. Nhưng đối với những lời Phật ở trong thành Vương xá, nước Xá­vệ, tôi vẫn nghe
được; vì Thế Tôn và tôi đều có thiên nhãn và thiên nhĩ, nên tôi có thể hỏi Thế Tôn, được nói là
ân cần tinh tấn. Thế nào là ân cần tinh tấn? Thế Tôn trả lời tôi: 'Này Đại Mục­kiền­liên, ban
ngày nếu Tỳ­kheo nào đi kinh hành hay ngồi thiền, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh
tâm mình. Đầu hôm hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm
mình. Vào giữa đêm ra khỏi phòng, rửa chân, trở vào nằm nghiêng sang hông bên phải, hai chân
xếp lên nhau, cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ muốn trỗi dậy. Đến cuối
đêm, thức dậy từ từ, hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm
mình. Này Đại Mục­kiền­liên, đó gọi là Tỳ­kheo ân cần tinh tấn.'"
Tôn giả Xá­lợi­phất nói với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Tôn giả Đại Mục­kiền­liên thật là có sức thần thông lớn, sức công đức lớn, an tọa mà ngồi. Tôi
cũng có sức lớn, được cùng ở chung với Tôn giả. Thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, ví như núi
lớn có người cầm một hòn đá nhỏ ném vào, đá cùng màu vị với núi. Tôi cũng như vậy, được
cùng với sức lớn, đức lớn của Tôn giả, ngồi cùng chỗ ngồi. Cũng như vật đẹp đẽ tươi tốt của thế
gian được mọi người tôn trọng; đức lớn, sức lớn của Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cũng được
638
những người phạm hạnh cung kính tôn trọng. Nếu ai được gặp Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, qua
lại kết giao, cung kính cúng dường, người ấy được ích lớn. Nay tôi được cùng Tôn giả Đại Mụckiền­liên kết giao qua lại, cũng được thiện lợi."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói với Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Nay tôi được cùng với bậc Đại trí, Đại đức Xá­lợi­phất ngồi cùng chỗ ngồi, cũng giống như
cầm hòn đá nhỏ ném vào núi lớn, thì đá cùng màu với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với Tôn
giả Xá­lợi­phất ngồi cùng chỗ ngồi và làm bạn nhau."
Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ giã về chỗ của mình.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh quyển 18, "Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ phẩm". Quốc Dịch "Tụng iv". Ấn Thuận,
Tụng vi. Đệ tử sở thuyết và ghi chú: "Nguyên phụ vào 'Tạp nhân tụng'. Nhưng nguyên bản dịch
đã biệt lập, đề 'Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ'. Từ quyển 18­22; phân thành sáu Tương ưng, Ấn
Thuận: 28. Tương ưng Xá­lợi­phất (Đại Chánh kinh 490­500), 29. Tương ưng Mục­kiền­liên
(Đại Chánh kinh 501­534), 30. Tương ưng A­na­luật (Đại Chánh kinh 535­545), 31. Tương ưng
Đại Ca­chiên­diên (Đại Chánh kinh 546­555), 32. Tương ưng A­nan (Đại Chánh kinh 556­565),
33. Tương ưng Chất­đa­la (Đại Chánh kinh 566­575). Tương đương Pāli, cāc Samyutta:
S.38.Jambukhādaka, S.39. Sāmanadaka, S.40. Moggalāna, 41. Citta. Chú thích của Ấn Thuận
Hội Biên (hạ): "Xá­lợi­phất tương ưng, gồm tám mươi mốt kinh". Bảy mươi hai kinh đầu tương
đương Pāli các Samyutta: S.38, S.39. Đại Chánh, kinh số 490. Tương đương Pāli, S.38. 1­16.
Nibbāna và tiếp theo.
[2]. Na­la tụ lạc 那羅聚落. Pāli: Nālakagāmaka.
[3]. Diêm­phù­xa 閻浮車. Pāli: Jambukhādaka­paribbājaka.
[4]. Chú giải Pāli nói ông là cháu của Xá­lợi­phất (the rassa bhāgineyyo).
[5]. Đoạn đối thoại, tương đương Pāli, S.38.16 Dukkara.
[6]. Ái lạc 愛樂. Pāli: abhirati, đây chỉ sự vui thú đời sống xuất gia.
[7]. Bản Pāli: "thực hành pháp và tùy pháp là khó".
[8]. Hữu đạo hữu hướng 有道有向. Pāli: atthi maggo atthi paṭipadā, có đạo và đạo tích.
[9]. Thực tế bản Hán chỉ có ba mươi sáu.
[10]. Đoạn vấn đáp 2, Pāli, S.38.3 Dhammavādī.
[11]. Thế gian chánh hướng 世間正向. Pāli: loke suppaṭipanna, vị hành trì chân chánh, hay
khéo hành trì trong đời.
639
[12]. Thế gian thiện thệ 世間善逝. Pāli: loke sugata, vị đã khéo léo đi đến (Niết­bàn).
[13]. Bản Pāli: "Có con đường nào dẫn đến sự dứt trừ tham dục, sân nhuế, ngu si?"
[14]. Đoạn vấn đáp 3, Pāli S.38.1 Nibbāna.
[15]. Đoạn vấn đáp 4, Pāli S.38.4 Kimatthi.
[16]. Bản Pāli: dukkhassa pariññatthaṃ, "vì mục đích biến tri khổ".
[17]. Đoạn vấn đáp 5, Pāli, S.38.8 Āsavā.
[18]. Bản Pāli, ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tayo āsvā: kāmāsavo, bhavāsavo,
avijjāsavo.
[19]. Đoạn vấn đáp 6, Pāli, S.38.2 Arahattaṃ.
[20]. Đoạn vấn đáp 7, không có Pāli tương đương.
[21]. Đoạn vấn đáp 8, Pāli, S.38.9. Avijjā.
[22]. Tiền tế, hậu tế, trung tế 前際後際中際: giới hạn quá khứ khởi thủy, giới hạn tận cùng vị
lai, giới hạn trung gian.
[23]. Bản Pāli: dukkhe aññāṇaṃ dukkhasamudaye aññāṇaṃ dukkhanirodhe aññāṇaṃ
dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññāṇaṃ, ayaṃ vuccati avijjā, "không biết khổ, không biết
tập khởi của khổ, không biết sự diệt khổ, không biết con đường dẫn đến diệt khổ; đó được nói là
vô minh".
[24]. Đoạn vấn đáp 9, không có Pāli tương đương.
[25]. Xem đoạn 5 ở trên.
[26]. Đoạn vấn đáp 10, Pāli, S.38.13 Bhava.
[27]. Đoạn vấn đáp 11, S.38.15 Sakkāya.
[28]. Hán: hữu thân 有身, hay tự thân 自身. Pāli, sakkāya; f. S.ii., tr. 159: katamo bhikkhave
sakkāyo? pañcūpādāna­kkhandhā tassa vacanīyaṃ, "Thế nào là hữu thân? Năm thủ uẩn, được
nói là hữu thân".
[29]. Đoạn vấn đáp 12, Pāli, S.38.14 Dukkha.
[30]. Đoạn vấn đáp 13, S.38.11 Ogha.
640
[31]. Lưu 流; đây chỉ bộc lưu 瀑 流 dòng nước lũ. Pāli: ogha.
[32]. Đoạn vấn đáp 14, như trên.
[33]. Ách 扼; chính xác: 軛 chỉ gọng cày. Pāli: cattāro yogā.
[34]. Đoạn vấn đáp 15, S.38.12 Upādāna.
[35]. Thủ 取. Pāli: cattāri upādānāni kāmūpādānaṃ, diṭṭhūpādānaṃ. sīlabbatūpādānaṃ, attavādūpādānaṃ.
[36]. Đoạn vấn đáp 16, không có trong bản Pāli.
[37]. Phược 縛; tức Tập dị 8, tr. 399, thân hệ 身繫, có bốn: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm
thân hệ, thử thật chấp thân hệ. Pāli, D.iii, tr. 230: cattāro ganthā, abhijjhā kāyagantho, vyāpādo
kāyagantho, sīlabbataparrāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniviseso kāyagantho.
[38]. Đoạn vấn đáp 17, bản Pāli không có.
[39]. Xem Tập Dị 19, tr.446 a25
[40]. Tập dị 19, tr.446 b9: thủ kết 取結; "Hai thủ được gọi là thủ kết; kiến thủ và giới cấm thủ".
Pāli, parāmāsa, gồm diṭṭhiparāmāsa, sīlabbatapaāmāsa.
[41]. Đoạn vấn đáp 18, không có trong bản Pāli.
[42]. Sử 使; hoặc dịch là tùy miên 隨眠. Pāli, D.iii. 254, satta anusayā: kāmarāgānusayo,
paṭighānusayo, diṭṭhānusayo, vicikcchānusayo, mānāusayo, bhavarāgānusayo, avijjānusayo.
[43]. Đoạn vấn đáp 19, không có trong bản Pāli.
[44]. Ái dục sử 愛欲使; hay ái dục tùy miên; Pāli: kāmarāgānusaya.
[45]. Hán: sĩ phu dục 士夫欲.
[46]. Đoạn vấn đáp 20.
[47]. Cái 蓋, hay triền cái. Pāli, pañca nīvaraṇāni: kāmacchanda­, vyāpāda­, thīnamiddha­,
uddhaccakukkucca.
[48]. Đoạn vấn đáp 21, Pāli, S.38.5 Assāso.
[49]. Hán: an tức 安息. Pāli: assāsa, nguyên chỉ hơi thở vào, hơi thở điều hòa: trạng thái ngưng
nghỉ, an ổn.
641
[50]. Đoạn vấn đáp 22, như kinh trên Pāli, S.38.5 Assāsa.
[51]. Đoạn vấn đáp 23, Pāli, S.38.6 Paramassāna.
[52]. Hán: thượng an tức 上安息. Pāli: paramassāsa.
[53]. Pāli: assāso ... channam phassāyatanānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca
ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtam pajānāti, "đạt đến sự nghỉ ngơi là biết như thực về sự tập
khởi, sự tiêu diệt, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ".
[54]. Pāli: ... viditvā anupādā vimutto hoti, "sau khi biết, giải thoát với sự không chấp thủ".
[55]. Đoạn vấn đáp 24, không có trong bản Pāli.
[56]. Hán: thượng tô tức xứ 上蘇息處.
[57]. Đoạn vấn đáp 25, không có trong Pāli.
[58]. Thanh lương 清涼; hay trạng thái mát lạnh. Pāli: sītibhūta.
[59]. Đoạn vấn đáp 26, không có trong Pāli.
[60]. Đoạn vấn đáp 27.
[61]. Đoạn vấn đáp 28.
[62]. Đoạn vấn đáp 29, Pāli, S.38.10 Taṇhā.
[63]. Đoạn vấn đáp 30.
[64]. Hán: nghiệp đạo 業道. Pāli: kammapatha; bản Hán hiểu là kammapada.
[65]. Đoạn vấn đáp 31.
[66]. "Những câu hỏi của Sa­môn xuất gia". Nội dung gần giống các kinh trên.
[67]. "Ao bùn". Pāli, A.4.178 Jambāli.
[68]. Pāli: cattārome bhikkhave puggalā santo saṃvijjamānā lokasmiṃ, thế gian có bốn hạng
người.
[69]. Pāli: santaṃ cetovimutti, tâm giải thoát tịch tĩnh.
[70]. Hán: hữu thân diệt 有身滅. Pāli: sakkāyanirodha.
642
[71]. Hán: tâm bất lạc trước 心不樂着. Pāli: na pakkhandati: không tiến tới, hay không phấn
chấn.
[72]. Bản Pāli, A.ii, tr.165: sakkāyanirodhe cittaư na pakkhandati nappasīdati na santiṭṭhati
nādhimuccati, "(Vị ấy khi tác ý hữu thân diệt) đối với hữu thân diệt mà tâm không thăng tiến,
không trừng tịnh, không an trú, không quyết tín".
[73]. Xem cht.69 trên.
[74]. Xem cht.71 trên.
[75]. Bản Pāli: "Vị ấy khi tác ý sự diệt trừ vô minh".
[76]. Bản Pāli: ao đã bị bít, không thoát nước, lại lâu ngày không mưa, lớp bùn khô cứng không
thể vét cạn".
[77]. "Cỡi thuyền đi ngược dòng".
[78]. Hán: A­luyện­nhã tỳ­kheo 阿練若比丘. Pāli: araññaka­bhikkhu, tỳ­kheo sống trong rừng.
[79]. Trái với đời sống ẩn dật.
[80]. Pāli, A.6.41 Dārukkhandha.
[81]. Pāli, A.5.168 Sīla; 10.4 Upanisā; 11.4­5 Upanissā. Tham chiếu Hán, No26 Trung, 48 Giới
kinh.
[82]. Hán: sở y thoái giảm tâm bất lạc trú 所依退減心不樂住. Pāli: hatūpaniso hoti
sammāsamādhi, tư trợ (sở y) của chánh định bị tổn hại.
[83]. Pāli: sammāsamādhivipannssa hatūpanisaṃ hoti yathābhūtaññāṇadassanaṃ, do thoái thất
chánh định, tư trợ (sở y) của tri kiến như thật bị tổn hại.
[84]. Hán: công đức (thoái giảm) 功德 (退減). Đoạn trên dịch là sở y. Pāli: hatūpanisā. Xem
cht.82 trên.
[85]. Hán: bất tín lạc 不信樂: không còn tin tưởng.
[86]. Hán: thâu thuế 輸稅. Bản Tống: thâu di 輸移.
[87]. Pāli, A.5.167 Codanā.
[88]. Hán: biến hối 變悔. Pāli: avippaṭisāro.
[89]. Hán: Giải tài kinh 解材經; Không rõ xuất xứ.
643
[90]. Pāli, S.47.12 Nālandā. Tham chiếu, D.28 Sampasādanīya­suttanta.
[91]. Na­la­kiền­đà mại y giả Am­la viên 那羅揵陀賣衣者菴羅園. Pāli: Nālandāyaṃ viharati
pāvārikambavane, vườn xoài của nhà phú hộ Pāvārika là nghề (bán y) chứ không phải tên người.
[92]. Nguyên Hán: Bồ­đề 菩提. Pāli: Sambodhi.
[93]. Hán: bất tri... tâm chi phân tề 不知... 心之分齊. Pāli: cetopariyañāṇa n'atthi, "không có
nhận thức về tâm tư..." Bản Hán đọc ceto­paryanta (giới hạn của tâm tư) thay vì ceto­pariya
(động thái của tâm tư).
[94]. Hán: pháp chi phân tề 法之分齊. Pāli: dhammanvaya: tổng tướng (tính loại tợ) của pháp.
[95]. Pāli, A.9.26 Silāyūpa.
[96]. Nguyệt Tử Tỳ­kheo 月子比丘. Pāli: Candikaputta.
[97]. Đề­bà­đạt­đa 提婆達多. Pāli: Devadatta.
[98]. Hán: tâm pháp tu tâm 心法修心. Pāli: cetassā cittaṃ suparicitam, tâm hoàn toàn được
được tích tập bởi tâm ý.
[99]. Hán: nhân­đà đồng trụ 因陀銅柱. Pāli: indakhīla, cọc trụ trước cổng chợ để làm mốc. Bản
Pāli không dẫn thí dụ này.
[100]. Pāli, S.28.10 Sucimukhī.
[101]. Tịnh Khẩu ngoại đạo xuất gia ni 淨口外道出家尼; theo cách dịch này, đây không phải là
tên riêng. Pāli: Sūcimukhī.
[102]. Hán: hạ khẩu thực 下口食; chỉ sự kiếm ăn bằng tự canh tác. Pāli: adhomukha. Trong Pāli,
mukha, nghĩa là miệng; cũng có nghĩa là mặt.
[103]. Hán: ngưỡng khẩu thực 仰口食; kiếm ăn bằng sự xem thiên văn. Pāli: ubbhamukha.
[104]. Hán: phương khẩu thực 方口食: tu sĩ kiếm ăn bằng cách làm mai mối, thông sứ, liên lạc
viên cho cư sĩ. Pāli: disāmukha.
[105]. Hán: tứ duy khẩu thực 四維口食: kiếm ăn bằng sự bói toán. Pāli: vidisāmukha.
[106]. Hán: minh ư sự 明於事. Pāli: vatthuvijjā, được hiểu là môn học về đất đai, nhà cửa; trạch
địa minh, gia tướng học; một thứ phong thủy học. Chính xác, có lẽ là môn học về chú thuật trấn
yểm thổ trạch.
644
[107]. Hán: minh ư hoành pháp 明於橫法. Pāli: tiracchānavijjā, kiến thức về súc vật, bàng sanh
minh, hay động vật học. Chính xác, loại chú thuật về súc vật.
[108]. Pāli: aṅgavijjātiracchānavijjāya micchājivena jīikaṃ kappenti, "kiếm sống một cách tà
mạng bằng chiêm tinh học, súc sanh học".
[109]. Hán: tịnh mạng tự hoạt 淨命自活. Pāli: dhammikaṃ āhāraṃ āhārenti, "Họ ăn thức ăn
đúng pháp".
[110]. Ấn Thuận, Tụng 6. Đệ tử sở thuyết, "29. Tương ưng Mục­kiền­liên", gồm các kinh Đại
Chánh 501­534, phần lớn tương đương Pāli, S.40. Moggalāna­Samyutta. Đại Chánh kinh 501,
Pāli, S.21.1 Kolito. Xem thêm, S.40.1­6 Savitakka.
[111]. Hán: tức hữu giác hữu quán 息有覺有觀. Pāli, savitakka (hữu tầm) và savicāra (hữu tứ),
hai chi của Sơ thiền đã lắng xuống (vitakkavicārānaṃ vūpasamā) khi chứng Thiền thứ hai.
[112]. Bản Cao­ly: tam 三. Theo nội dung, đây sửa lại là nhị 二.
[113]. Hán: đắc Phật pháp phần 得佛法分.
[114]. Pāli, S.40.9 Animitto.
[115]. Thánh trụ 聖住: an trú của bậc Thánh, hay đời sống của Thánh giả. Có ba trụ, Pāli: tayo
vihārā dibbo vihāro, brahmavihāro ariyo vihāro, thiên trụ, phạm trụ và thánh trụ.
[116]. Hán: vô tướng tâm chánh thọ 無相心正受. Pāli: animittaṃ cetosamādhiṃ, vô tướng tâm
định.
[117]. Hán: thủ tướng tâm 取相心. Pāli: nimittānusāriviññāṇaṃ, thức hồi tưởng tướng.
[118]. Xem cht.113, kinh 501.
[119]. Pāli, S.21.3 Ghaṭo (vò nước).
[120]. Bản Pāli: vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc.
[121]. Hán: tịch diệt chánh thọ 寂滅正受. Pāli: santena... vihārena vihāsi, Tôn giả an trụ với sự
an trụ tịch tĩnh. Vihāra: an trú tịch tĩnh.
[122]. Bản Pāli: Xá­lợi­phất nhìn sắc mặt mà phát biểu.
[123]. Pāli: oḷārikena... vihārena vihāmi, tôi an trú với sự an trụ thô.
645
TẠP A-HÀM QUYỂN 19
KINH 504. XAN CẤU[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, trong thành Vương xá[2]. Bấy giờ Tôn giả Đại
Mục­kiền­liên ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Lúc bấy giờ, vua Thích Đề­hoàn Nhân[3] đang ở trên ngôi lầu Thượng diệu[4]. Đêm hôm đó,
ông đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Ánh sáng của Thích Đề­hoàn Nhân chiếu rực khắp cả núi Kỳ­xà­quật. Bấy giờ, Thích Đề­hoàn
Nhân ngồi xuống và đọc bài kệ:
Điều phục tánh keo kiệt,
Đại đức tùy lúc thí,
Là bậc hiền bố thí,
Đời sau thấy thù thắng[5].
Lúc này, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên hỏi Đế Thích:
"Này Kiều­thi­ca[6], thế nào là điều phục tánh keo kiệt, để thấy nơi thù thắng mà ông nói rằng:
Điều phục tánh keo kiệt,
Đại đức tùy lúc thí,
Là bậc hiền bố thí,
Đời sau gặp thù thắng.
Khi ấy, Đế Thích đáp:
"Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, đại tánh Bà­la­môn thù thắng, đại tánh Sát­đế­lị thù thắng, đại tánh
trưởng giả thù thắng, Tứ thiên vương thù thắng, Tam thập tam thiên thù thắng; tất cả đều kính lễ
con. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, con được đại tánh Bà­la­môn thù thắng, đại tánh Sát­đế­lị thù
thắng, đại tánh trưởng giả thù thắng, Tứ thiên vương thù thắng, Tam thập tam thiên thù thắng; tất
cả đều cung kính làm lễ. Do thấy quả báo này, nên nói bài kệ đó.
"Lại nữa, thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cho đến chỗ mà mặt trời đi khắp, chiếu sáng khắp
chỗ, đến ngàn thế giới, ngàn mặt trăng, ngàn mặt trời, ngàn núi chúa Tu­di, ngàn Phất­bà­đề­xá,
ngàn Uất­đa­la­đề­xá, ngàn Cù­đà­ni­ca, ngàn Diêm­phù­đề, ngàn Tứ thiên vương, ngàn Tam
646
thập tam thiên, trời Diệm­ma, trời Đâu­suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, ngàn Phạm thiên
gọi là tiểu thiên thế giới; và trong tiểu thiên thế giới này, không có cung điện nào sánh bằng cung
điện Tỳ­xà­diên[7]. Cung điện Tỳ­xà­diên có một trăm lẻ một lầu quán; quán có bảy lớp; lớp có
bảy phòng; phòng có bảy thiên hậu; mỗi thiên hậu có bảy thị nữ. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, ở
tiểu thiên thế giới không có đường quán trang nghiêm như Tỳ­xà­diên. Con thấy do điều phục
tánh keo kiệt, mà có được diệu quả này, nên con nói kệ đó."
Đại Mục­kiền­liên nói với trời Đế Thích:
"Lành thay, lành thay! Kiều­thi­ca, ông nhờ thấy được quả báo thắng diệu này nên nói bài kệ
vừa rồi."
Khi ấy Thiên đế Thích nghe Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, liền biến mất.
KINH 505. ÁI TẬN[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại thành Vương xá.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đang ở trong núi Kỳ­xà­quật, một mình nơi chỗ vắng thiền
tịnh tư duy và nghĩ rằng: Thuở xưa, có lần Thích Đề­hoàn Nhân, ở trong hang đá núi Giới
cách[9], đã hỏi Thế Tôn về nghĩa ái tận giải thoát[10]. Thế Tôn đã vì ông mà nói, nghe xong ông
đã tùy hỷ. Dường như ông ấy còn muốn hỏi lại nghĩa nào đó nữa[11]. Nay ta nên đi đến hỏi về ý
tùy hỷ của ông. Nghĩ như vậy rồi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, Mục­kiền­liên
biến khỏi núi Kỳ­xà­quật, đến cõi trời Tam thập tam và đứng không xa một cái ao Phân­đà­
lợi[12] mấy. Lúc ấy, Đế Thích cùng năm trăm thể nữ đang nô đùa nơi ao tắm và có cả âm thanh
mỹ diệu của các Thiên nữ. Bấy giờ Đế Thích từ xa trông thấy Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, liền
bảo các Thiên nữ:
"Đừng hát nữa! Đừng hát nữa!"
Các Thiên nữ liền im lặng. Đế Thích liền đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cúi đầu lễ dưới
chân Tôn giả, rồi lui đứng qua một bên.
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên hỏi trời Đế Thích:
"Trước kia, ở trong núi Giới cách, ông có hỏi Đức Thế Tôn về nghĩa ái tận giải thoát, khi nghe
rồi tùy hỷ, vậy thì ý ông thế nào? Vì nghe Phật nói xong tùy hỷ, hay là còn muốn hỏi nghĩa nào
khác nữa, mà ông tùy hỷ?"
Thiên đế Thích đáp:
"Thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cõi trời Tam thạâp tam của con, đa phần là say đắm buông
lung theo dục lạc; hoặc nhớ việc trước, hoặc có khi không nhớ. Đức Thế Tôn hiện ở vườn Trúc,
647
khu Ca­lan­đà, thành Vương xá. Tôn giả muốn biết những việc con hỏi khi ở trong núi Giới
cách, nay xin Tôn giả có thể đến hỏi Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy sao thì Tôn giả cứ theo đó
mà thọ trì. Bây giờ, ở chỗ này của con có một cung điện[13] tốt đẹp, mới làm xong chưa bao lâu,
mời Tôn giả vào viếng thăm."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên im lặng nhận lời, liền cùng với Thiên đế Thích đi vào cung
điện. Các Thiên nữ vừa thấy Đế Thích đến, liền trổi nhạc trời, ca múa. Đồ vật trang sức bằng anh
lạc trên thân họ phát ra âm thanh vi diệu hợp với ngũ nhạc, như âm thanh của những nốt nhạc
được trổi hay không khác. Các Thiên nữ chợt thấy Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, tất cả đều hổ thẹn,
trốn núp vào trong phòng. Khi ấy, Thiên đế Thích thưa với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Tôn giả xem đất của cung điện này rất bằng phẳng; tường vách, cột kèo, lầu gác, cửa nẻo, màn
lưới tất cả đều trang hoàng tốt đẹp."
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói với Đế Thích:
"Này Kiều­thi­ca, nhờ nhân duyên phước đức đã tu thiện pháp trước đây, nên mới thành tựu
được kết quả vi diệu này."
Đế Thích ba lần tự khen ngợi như trên, rồi hỏi Tôn giả Đại Mục­kiền­liên. Tôn giả Đại Mụckiền­liên cũng ba lần trả lời như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên liền nghĩ: Nay, Đế Thích này tự quá buông lung, đắm trước
nơi trú xứ của giới thần[14], ca ngợi đường quán này. Ta sẽ làm cho tâm ông sanh nhàm chán xa
lìa.
Tôn giả liền nhập định, dùng sức thần thông, dùng một ngón chân bấm vào ngôi đường quán
này, làm cho tất cả đều chấn động. Sau đó, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên liền biến mất. Các Thiên
nữ thấy đường quán bị đảo lộn, rung chuyển, thì hoảng hốt sợ hãi, vội vàng chạy đến tâu với
Thiên đế Thích:
"Đây là Đại Sư của Kiều­thi­ca, có sức công đức lớn như vậy ư?"
Đế Thích bảo các Thiên nữ:
"Vị ấy chẳng phải là Thầy của ta, mà là Đại Mục­kiền­liên, đệ tử của Đại Sư, là người có phạm
hạnh thanh tịnh và có công đức thần lực rất lớn."
Các Thiên nữ thưa:
"Lành thay! Kiều­thi­ca, có được người đồng học, mà có phạm hạnh, công đức, thần lực lớn lao
như vậy, huống gì là công đức, thần lực của Bậc Đại Sư thì không biết thế nào nữa!"
648
KINH 506. ĐẾ THÍCH[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trên tảng đá mềm xốp màu xám[16], tại cõi trời Tam thập tam, cách cây Ba­lê­
da­đa­la[17], loại cây đàn hương Câu­tỳ­đà­la[18], không xa. Phật an cư ở đó để thuyết pháp cho
mẫu thân và chư Thiên cõi trời Tam thập tam. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đang an cư ở
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Lúc bấy giờ, toàn thể bốn chúng cùng đến chỗ
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, lễ dưới chân, rồi cùng ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Mục­kiềnliên:
"Tôn giả có biết Đức Thế Tôn đang an cư ở đâu không?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Tôi nghe Thế Tôn đang ở trên tảng đá mềm xốp màu xám, tại cõi trời Tam thập tam, cách cây
Ba­lê­da­đa­la, loại cây đàn hương Câu­tỳ­đà­la, không xa. Phật an cư ở đó để thuyết pháp cho
mẫu thân và chư Thiên cõi trời Tam thập tam."
Sau khi nghe Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói như vậy, tất cả bốn chúng đều tùy hỷ, hoan hỷ,
đứng dậy làm lễ mà lui.
Bấy giờ bốn chúng đã qua ba tháng an cư, lại cùng nhau đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, cúi
đầu lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên vì bốn
chúng mà nói pháp, khai thị, chỉ giáo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo,
khích lệ, khiến cho hoan hỷ, Tôn giả ngồi im. Khi ấy, bốn chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ
và thưa với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nên biết, chúng tôi không được gặp Đức Thế Tôn đã lâu, lòng rất
khao khát muốn gặp Đức Thế Tôn. Xin Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nếu không mệt mỏi, hãy vì
chúng tôi mà lên cõi trời Tam thập tam, thay cho chúng tôi hầu thăm Đức Thế Tôn, có được ít
bệnh ít não, đi đứng an lạc, nhẹ nhàng không? Và Tôn giả bạch với Đức Thế Tôn là bốn chúng ở
Diêm­phù­đề mong muốn gặp Thế Tôn, nhưng vì không có thần lực để bay lên cõi trời Tam thập
tam kính lễ Đức Thế Tôn được, còn trời Tam thập tam vì có thần lực nên họ đi xuống nhân gian!
Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương xót trở lại cõi Diêm­phù­đề."
Tôn giả Mục­kiền­liên im lặng nhận lời. Khi bốn chúng biết Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã im
lặng nhận lời rồi, thì mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ ra về.
Bấy giờ Tôn giả Mục­kiền­liên biết bốn chúng đã đi, liền nhập định, trong khoảnh khắc như đại
lực sĩ co duỗi cánh tay, từ nước Xá­vệ biến mất, hiện ra trên tảng đá mềm xốp màu xám, tại cõi
trời Tam thập tam, cách cây Ba­lê­da­đa­la, loại cây đàn hương Câu­tỳ­đà­la, không xa.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp với vô lượng quyến thuộc của Thiên chúng cõi trời Tam
thập tam đang vây quanh. Tôn giả Mục­kiền­liên vừa trông thấy Đức Thế Tôn, liền hân hoan vui
649
mừng, nghĩ rằng: 'Nay Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng chư Thiên đang vây quanh, không
khác gì chúng hội ở cõi Diêm­phù­đề.'
Khi ấy, Thế Tôn biết được ý nghĩ trong tâm của Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, bèn nói với Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên:
"Này Đại Mục­kiền­liên, không phải là vì tự lực, mà khi Ta muốn thuyết pháp cho chư Thiên thì
chư Thiên kia liền vân tập đến và muốn khiến cho họ đi, thì họ lập tức trở về. Chư Thiên kia theo
tâm Ta mà đến, tùy tâm Ta mà đi."
Lúc bấy giờ, Tôn giả Mục­kiền­liên cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch
Phật:
"Có vô số đại chúng chư Thiên vân tập. Trong Thiên chúng này, phải chăng có vị đã từng nghe
pháp được thuyết từ Phật Thế Tôn, đã chứng đắc bất hoại tịnh[19], nên khi thân hoại mạng
chung lại sanh đến cõi này?"
Phật bảo Đại Mục­kiền­liên:
"Đúng vậy, đúng vậy! Trong hàng chư Thiên đang vân tập ở đây, có vị đời trước nghe pháp, đã
chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới,
nên khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này.
Khi ấy Thiên đế Thích thấy Thế Tôn và Tôn giả Mục­kiền­liên cùng khen ngợi, cùng nói chuyện
với các Thiên chúng, liền thưa với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, trong chúng hội chư Thiên ở đây, tất cả
đều từ đời trước đã từng nghe Chánh pháp, đã chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh
đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, nên khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này."
Lúc đó có một Tỳ­kheo, thấy Thế Tôn và Tôn giả Đại Mục­kiền­liên cùng Đế Thích trao đổi
những lời tốt đẹp, Tỳ­kheo ấy nói với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Đúng vậy, đúng vậy, thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, chư Thiên đến trong pháp hội này đều là
những người từ đời trước đã từng nghe chánh pháp, đã chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật,
Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, sau khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này."
Lúc ấy có một Thiên tử từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên hữu, chắp tay bạch
Phật:
"Bạch Thế Tôn, con cũng đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật, nên lại sanh đến đây."
Lại có Thiên tử nói:
"Con đã thành tựu được bất hoại tịnh đối với Pháp."
650
Có vị nói:
"Đã đạt được bất hoại tịnh đối với Tăng."
Có vị nói:
"Đã thành tựu được Thánh giới, nên lại sanh đến cõi này."
Vô lượng ngàn số chư Thiên như vậy, đến trước Thế Tôn mỗi người tự ký thuyết là đã đạt được
pháp Tu­đà­hoàn, tất cả ở trước Phật liền biến mất.
Khi ấy Tôn giả Đại Mục­kiền­liên biết chúng chư Thiên đi chưa bao lâu, liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, sửa lại y phục, trịch vai bên hữu, bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, bốn chúng ở cõi Diêm­phù­đề xin cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và kính hầu
thăm Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, đi, đứng an lạc, nhẹ nhàng không? Bốn chúng nhớ mong,
trông gặp Thế Tôn. Lại nữa, bạch Thế Tôn, bốn chúng ở nhân gian không có thần lực để bay lên
cõi trời Tam thập tam kính lễ Thế Tôn, nhưng chư Thiên có thần lực, công đức lớn nên có thể
bay xuống cõi Diêm­phù­đề! Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót bốn chúng, mà trở về cõi Diêmphù­đề."
Phật bảo Mục­kiền­liên:
"Ngươi hãy trở về nói với người cõi Diêm­phù­đề rằng: Sau bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời
Tam thập tam trở lại cõi Diêm­phù­đề, dưới cây Ưu­đàm­bát, phía bên ngoài cổng ngoài của
thành Tăng­ca­xá[20]."
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên vâng lời dạy Thế Tôn, liền nhập chánh định trong khoảnh khắc, như
lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi trời Tam thập tam biến mất, hiện đến Diêm­phù­đề, báo với bốn
chúng:
"Các người nên biết, sau bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời Tam thập tam trở lại cõi Diêmphù­đề, dưới cây Ưu­đàm­bát, phía bên ngoài cổng ngoài của thành Tăng­ca­xá."
Đúng như bảy ngày đã hẹn, Đức Thế Tôn từ cõi trời Tam thập tam trở lại Diêm­phù­đề, dưới cây
Ưu­đàm­bát, phía bên ngoài cổng ngoài của thành Tăng­ca­xá. Thiên long, Quỷ thần cho đến
Phạm thiên, đều theo Thế Tôn xuống nơi này. Ngay lúc ấy, gọi hội này là chỗ trời xuống[21].
KINH 507. CHƯ THIÊN[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
651
Bấy giờ có bốn mươi Thiên tử[23] đến chỗ Tôn giả Mục­kiền­liên, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui
qua một bên.
Bấy giờ, Đại Tôn giả Mục­kiền­liên nói với các Thiên tử:
"Lành thay! Các Thiên tử đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với
Pháp, Tăng; thành tựu Thánh giới[24]."
Bốn mươi Thiên tử từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai bên hữu, chắp tay thưa Tôn
giả Đại Mục­kiền­liên:
"Chúng con nhờ đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp,
Tăng và Thánh giới, nên được sanh lên cõi Trời."
Có một Thiên tử nói:
"Đối với Phật đã thành tựu bất hoại tịnh."
Có vị nói:
"Đối với Pháp đã thành tựu bất hoại tịnh."
Có vị nói:
"Đối với Tăng đã thành tựu bất hoại tịnh."
Có vị nói:
"Đã được thành tựu Thánh giới, nên khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi Trời."
Bốn mươi Thiên tử đều đến trước Tôn giả đại Mục­kiền­liên, mỗi người tự thuật lại sự thành tựu
của chính mình và tự xác nhận đã được quả Tu­đà­hoàn, rồi liền biến mất.
Như bốn mươi Thiên tử cũng vậy, bốn trăm, tám trăm, mười ngàn Thiên tử cũng nói như vậy.
KINH 508. ĐỒ NGƯU NHI[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên và Tôn giả Tỳ­kheo Lặc­xoa­na[26] cùng ở trong núi Kỳ­xà­
quật.
652
Sáng sớm, Tôn giả Lặc­xoa­na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, rủ Tôn giả Đại Mục­kiềnliên ra khỏi núi Kỳ­xà­quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên im lặng
nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mụckiền­liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc­xoa­na thấy Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên mỉm cười, liền hỏi:
"Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm
nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi mới
hỏi việc này. Lúc ấy Thầy hỏi tôi sẽ trả lời Thầy."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên cùng Tôn giả Lặc­xoa­na vào thành Vương xá khất thực
xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi
lui qua một bên.
Tôn giả Lặc­xoa­na hỏi Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Sáng nay tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ­xà­quật để đi khất thực, đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ
mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì, Thầy nói tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì
nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, thân to lớn như lầu các, đi giữa hư không, đang khóc lóc,
kêu gào, buồn lo, đau khổ. Thấy vậy, tôi chợt nghĩ chúng sanh này mang cái thân to lớn như thế
mà cũng bị buồn lo, đau khổ quá như vậy, nên tôi mỉm cười."
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa,
thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này
nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu
si ấy phải chịu khổ lâu dài."
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Thời quá khứ, chúng sanh có thân to lớn kia ở tại thành Vương xá này, làm người đồ tể giết trâu
bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm. Khi ra khỏi địa ngục, vì dư
báo tội giết trâu bò, nên phải chịu cái thân như vậy, thường chịu những sự buồn lo đau khổ như
vậy."
Như vậy, này các Tỳ­kheo, những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ.
653
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 509. ĐỒ NGƯU GIẢ[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên và Tôn giả Tỳ­kheo Lặc­xoa­na cùng ở trong núi Kỳ­xà­
quật.
Sáng sớm, Tôn giả Lặc­xoa­na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, rủ Tôn giả Đại Mục­kiềnliên ra khỏi núi Kỳ­xà­quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên im lặng
nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mụckiền­liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc­xoa­na thấy Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên mỉm cười, liền hỏi:
"Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm
nay, Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy
hỏi việc này. Lúc ấy Thầy có thể hỏi và tôi sẽ trả lời Thầy."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên cùng Tôn giả Lặc­xoa­na vào thành Vương xá khất thực
xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi
lui qua một bên.
Tôn giả Lặc­xoa­na hỏi Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Sáng nay, tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ­xà­quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ
mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì. Thầy nói, tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì
nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên trả lời Tôn giả Lặc­xoa­na:
"Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, gân với xương liền nhau, toàn thân nhơ bẩn, hôi hám đáng
tởm, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can, chó đói theo mổ ăn, hoặc moi nội tạng từ xương sườn ra
ăn; cực kỳ đau đớn, kêu la, gào thét. Tôi thấy vậy tâm liền nghĩ: Chúng sanh đã mang cái thân
như vậy, lại còn chịu sự thống khổ vô ích như vậy?"
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ­kheo:
654
"Lành thay! Lành thay! trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa,
thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này
nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu
si ấy phải chịu khổ lâu dài.
"Này các Tỳ­kheo, chúng sanh kia, thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là đệ tử của người
đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục, trải qua trăm ngàn năm chịu vô lượng
khổ. Vì dư báo tội giết trâu bò, nên ngày nay phải chịu cái thân này và phải tiếp tục chịu đau khổ
vô ích như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là như thật không khác. Các ông cần
nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 510. ĐỒ DƯƠNG GIẢ[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca­lan­đà, thành Vương xá.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên và Tôn giả Lặc­xoa­na[29] cùng ở trong núi Kỳ­xà­quật.
Sáng sớm, Tôn giả Lặc­xoa­na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, rủ Tôn giả Đại Mục­kiềnliên ra khỏi núi Kỳ­xà­quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên im lặng
nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mụckiền­liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc­xoa­na thấy Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên mỉm cười, liền hỏi:
"Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm
nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy
hỏi việc này. Lúc ấy Thầy có thể hỏi và tôi sẽ trả lời Thầy."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên cùng Tôn giả Lặc­xoa­na vào thành Vương xá khất thực
xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi
lui qua một bên.
Tôn giả Lặc­xoa­na hỏi Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
655
"Sáng nay tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ­xà­quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ
mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì. Thầy nói tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì
nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói với Tôn giả Lặc­xoa­na:
"Giữa đường tôi thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt,
đi trong hư không, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can chó đói rượt theo cấu xé để ăn, hoặc moi nội
tạng ra khỏi xương sườn để ăn; thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Tôi liền nghĩ: 'Chúng sanh
này đã phải mang cái thân như vậy, mà còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy.'"
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa,
thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này
nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu
si ấy phải chịu khổ lâu dài.
"Này các Tỳ­kheo, chúng sanh kia, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, đã làm nghề giết
dê. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay nó phải chịu
cái thân như vậy, vì dư báo tội này, nên ngày nay phải tiếp tục chịu đau khổ như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là như thật, không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH 511. ĐỒ DƯƠNG ĐỆ TỬ[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp:
"Giữa đường thấy một chúng sanh thân to lớn, không có da bao bọc, giống như một đống thịt đi
giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm đệ tử của người giết dê. Vì
tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay nó phải chịu cái
thân này, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
656
KINH 512. ĐỌA THAI[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến giữa đường thấy một chúng sanh thân to lớn
không da, giống như một đống thịt đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này này thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, tự phá thai. Vì tội này nên đọa vào
địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Vì dư báo này nên vị ấy phải chịu cái thân
như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 513. ĐIỀU TƯƠNG SĨ[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông; lông như cây kim lớn, mỗi cây kim đều có lửa cháy,
đốt ngược lại thân thể, đau buốt tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm nghề luyện voi. Vì tội này
nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo này nên nó phải
chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như người luyện voi, cũng vậy người luyện ngựa, luyện trâu bò, dèm siểm người và đủ
các thứ khổ bức hiếp người, lại cũng như vậy.[33]
KINH 514. HIẾU CHIẾN[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông bén nhọn như dao, rực lửa, trở lại cắt đứt chính
thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
657
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa thích chiến tranh, dùng đao
kiếm chém giết người. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng
khổ. Nay vì dư báo địa ngục này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 515. LIỆP SƯ[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông tua tủa như tên, tất cả đều bốc lửa, trở lại đốt cháy
chính toàn thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, đã từng làm thợ săn, bắn giết cầm
thú. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo
địa ngục này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 516. SÁT TRƯ[36]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông bén nhọn như chỉa như mâu, Tất cả đều bốc lửa
cháy trở lại thiêu đốt chính toàn thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ­
kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là kẻ đồ tể giết heo. Vì tội này
nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục này
nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
658
KINH 517. ĐOẠN NHÂN ĐẦU[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân thể to lớn, không có đầu, hai bên có mắt, trước ngực có miệng, thân thể thường
chảy máu, các loài trùng rúc rỉa, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa cắt đầu người. Vì tội này nên ở
trong trăm ngàn năm đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo nên nó phải chịu cái
thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là như thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như chặt đầu người, nắm đầu người cũng như vậy.
KINH 518. ĐOÀN ĐỒNG NHÂN[38]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh, dịch hoàn như cái lu nước[39], ngồi thì xoạc chân lên trên, đi thì phải vác lên vai...
cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm thợ đúc đồng, làm đồ giả, gạt
người[40]. Vì tội này nên đọa vào địa ngục. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân
như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như người thợ đúc đồng, cũng vậy người cân lường dối trá, kẻ thôn chủ, kẻ chủ chợ cũng lại như
vậy.
KINH 519. BỔ NGƯ SƯ
Tôi nghe như vầy:
659
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh lấy cái lưới đồng hoặc sắt tự quấn vào thân mình, lửa thường cháy đỏ trở lại đốt thân
người đó, đau đớn tận xương tủy, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bắt cá. Vì tội này nên
đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy,
tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Như người bắt cá, cũng vậy bắt chim, lưới thỏ lại cũng như vậy[41].
KINH 520. BỐC CHIÊM NỮ[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh[43] trên đầu có cái cối sắt, hừng hực lửa đỏ, xoay lại nghiền tán đầu của người đó, đi
giữa hư không, chịu vô lượng khổ... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là người nữ làm thầy bói đoán
tướng[44], chuyên hành nghề bói toán, dối gạt, mê hoặc người để mưu cầu tiền của. Vì tội này
nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như
vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 521. BỐC CHIÊM SƯ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh thân tự chuyển động xoay như gió xoáy, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các
Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bói toán mê hoặc
nhiều người để mưu cầu tiền của. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư
báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
660
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 522. HÁO THA DÂM[45]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục­kiền­liên giữa đường thấy một
chúng sanh lưng gù đi lom khom[46], bộ dạng như sợ hãi, đồ mặc toàn thân đều bốc lửa, trở lại
đốt thân, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa làm việc tà dâm. Vì tội này
nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như
vậy, tiếp tục chịu đau khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 523. MẠI SẮC[47]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại. Bấy giờ Tôn giả Đại
Mục­kiền­liên và Tôn giả Lặc­xoa­na vào buổi sáng sớm cùng vào thành Ba­la­nại khất thực.
Giữa đường Tôn giả Mục­kiền­liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả
Lặc­xoa­na thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Thường khi Đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài vui vẻ, mỉm cười là có duyên cớ. Vậy hôm nay
Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên bảo Tôn giả Lặc­xoa­na:
"Câu hỏi chưa đúng lúc. Chúng ta hãy đi khất thực xong, khi trở về trước Thế Tôn sẽ hỏi việc
này."
Bấy giờ, cả hai vào thành khất thực, ăn xong, trở về rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế
Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Khi ấy, Tôn giả Lặc­xoa­na hỏi Tôn giả Mục­kiền­liên:
661
"Sáng nay giữa đường vì lý do gì Thầy lại vui vẻ mỉm cười?"
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đáp Tôn giả Lặc­xoa­na:
"Giữa đường tôi thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân đầy máu mủ, hôi hám, dơ nhớp, đi giữa
hư không, bị chim, quạ, chó sói, chó đói rượt theo cấu xé để ăn. Kẻ ấy khóc lóc, kêu gào. Tôi
liền nghĩ: 'Chúng sanh này phải mang cái thân như vậy, mà còn phải chịu sự thống khổ như vậy,
sao mà đau đớn thay!'"
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như
Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.
"Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Ba­la­nại này, là người nữ buôn bán nhan sắc để
sanh sống. Bấy giờ có Tỳ­kheo theo Phật Ca­diếp xuất gia. Người con gái ấy đem lòng không
trong sạch mời vị Tỳ­kheo. Tỳ­kheo này trực tâm, nhận lời mời, không hiểu được ý cô. Cô gái
nổi giận, lấy nước bất tịnh tạt vào mình Tỳ­kheo. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng
khổ. Nay vì dư báo tội này, nên nó phải mang thân này, tiếp tục chịu đau khổ như vậy.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không khác.
Các ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 524. SÂN NHUẾ ĐĂNG DU SÁI[48]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, chỗ Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại... cho đến ta ở giữa
đường thấy một chúng sanh[49] thân hình to lớn, toàn thân lửa cháy, đi giữa hư không, khóc lóc
kêu gào, chịu đau đớn khổ não... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Ba­la­nại, là đệ nhất phu nhân của Tự tại vương[50].
Khi cùng ngủ với nhà vua, bỗng nổi lòng sân hận, lấy dầu thắp đèn rưới lên người vua. Vì tội này
nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này,
tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy, là chân thật không sai. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
662
KINH 525. TẮNG TẬT BÀ­LA­MÔN[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, chỗ Tiên nhân trú xứ, nước Ba­la­nại... cho đến Tôn giả Đại
Mục­kiền­liên nói ta ở giữa đường thấy một chúng sanh toàn thân nhơ nhớp, bôi đầy phẩn uế và
cũng ăn phẩn uế, đi giữa hư không, hôi hám khổ não, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các
Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Ba­la­nại, làm thầy Bà­la­môn của Tự tại vương. Vì tâm
tật đố nên khi thỉnh chúng Thanh văn của Phật Ca­diếp thọ trai, ông đã lấy phẩn uế bôi lên trên
thức ăn, thử xúc não chúng Tăng. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư
báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 526. BẤT PHÂN DU[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả Mục­kiềnliên nói, ta ở giữa đường thấy một chúng sanh to lớn, trên đầu đội một cái vạc bằng đồng lớn sôi
sùng sục, trào ra rưới khắp thân thể, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các
Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia ở chỗ Phật Ca­diếp, làm Tỳ­kheo tri sự.
Có nhiều thí chủ đem dầu đến cúng cho các Tỳ­kheo. Bấy giờ, có nhiều khách Tỳ­kheo. Vị tri sự
này không chia dầu đúng thời, đợi cho các Tỳ­kheo khách đi rồi mới chia. Vì tội này nên đọa vào
địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu
khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 527. ĐẠO THỦ THẤT QUẢ[53]
Tôi nghe như vầy:
663
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh, thân to lớn, có hòn sắc nóng ra vào từ
thân, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia trong pháp Phật Ca­diếp, làm Sa­đi giữ
vườn trái của chúng Tăng, trộm bảy trái đem dâng cho Hòa thượng. Do tội ấy cho nên bị đọa vào
địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu
khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải
nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 528. ĐẠO THỰC THẠCH MẬT[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, lưỡi rộng dài, thấy
có búa bén lửa đỏ rực, búa này cắt lưỡi người ấy, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... cho đến
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia làm Sa­di trong pháp Phật Ca­diếp, dùng
búa cắt đường phèn cúng dường chúng Tăng; đường phèn dính trên lưỡi búa, lấy cắp ăn. Do tội
ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái
thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải
nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 529. ĐẠO THỦ NHỊ BÍNH[55]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, có hai cái vòng sắt
ở hai bên hông, bốc lửa xoay vần trở lại thiêu đốt thân họ, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào...
cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia làm Sa­di trong pháp Phật Ca­diếp, đem
bánh ngọt cúng dường chúng Tăng, cắp lấy hai cái bánh kẹp vào nách. Do tội ấy cho nên bị đọa
664
vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục
chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải
nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 530. TỲ­KHEO[56]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà nước Xá­vệ ... cho đến Tôn giả Đại Mụckiền­liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, dùng một lá sắt quấn vào
thân, áo quần, chăn mền, giường nằm đều là sắt nóng, tất cả đều bị đốt cháy hừng hực, ăn hòn sắt
nóng, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào; cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Xá­vệ, xuất gia làm Tỳ­kheo trong pháp Phật Ca­diếp,
đi xin y áo và vật thực cho chúng Tăng; cúng dường Tăng xong, còn dư liền tự mình thọ dùng.
Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái
thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Tỳ­kheo, cũng vậy Tỳ­kheo­ni, Thức­xoa­ma­na, Sa­di, Sa­di­ni, Ưu­bà­tắc, Ưu­bà­di cũng
lại như vậy.
KINH 531. GIÁ THỪA NGƯU XA[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả Mục­kiền­liên
nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh to lớn, mang trên cổ chiếc xe sắt đang cháy, chặt đứt
gân cổ, tiếp đến chân tay, gân quấn quanh cổ họ, đi trên đất sắt nóng, đi giữa hư không, khóc lóc
kêu gào cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, đánh xe bò để sanh sống. Vì tội này nên đọa vào
địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu
khổ.
665
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các
ông cần nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 532. MA­MA­ĐẾ
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh, thân to lớn, lưỡi rộng dài, bị các cây
đinh sắt nóng đóng vào lưỡi, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào... cho đến
Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia làm Tỳ­kheo trong pháp Phật Ca­diếp,
làm Ma­ma­đế[58], quở trách các Tỳ­kheo rằng: 'Này các Trưởng lão, các ông nên đi khỏi chỗ
này, ở đây đạm bạc không thể cung cấp được. Mỗi người tùy ý tìm nơi sung túc, đầy đủ cơm áo,
giường chiếu thuốc men, chữa bệnh, chắc có thể đầy đủ không thiếu'. Các Tỳ­kheo ở trước đó
đều bỏ đi, còn khách Tăng nghe thế cũng không đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu
khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải
nên ghi nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 533. ÁC KHẨU HÌNH DANH
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh thân hình to lớn, hình tướng như Tỳ­
kheo, quấn tấm sắt làm y phục, toàn thân bị thiêu đốt, cũng lấy bát sắt đựng viên sắt nóng để ăn...
cho đến Phật bảo các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia làm Tỳ­kheo trong pháp Phật Ca­diếp,
làm Ma­ma­đế, bằng ác khẩu hình dung tên các Tỳ­kheo, hoặc nói đây là ông trọc xấu xa, đây là
ông tác phong xấu, đây là ông y phục xấu. Do những lời nói ác như vậy khiến cho các Tỳ­kheo ở
trước đó bỏ đi, các Tỳ­kheo chưa đến không muốn đến. Do tọâi này cho nên bị đọa vào địa ngục,
chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như những gì Đại Mục­kiền­liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải
nên ghi nhớ."
666
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 534. HẢO KHỞI TRANH TỤNG[59]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Phật bảo
các Tỳ­kheo:
"Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá­vệ, xuất gia làm Tỳ­kheo trong pháp Phật Ca­diếp,
ưa thích tranh cãi, làm rối loạn chúng tăng, lắm mồm mép, làm mất sự hòa hợp. Các Tỳ­kheo ở
trước chán bỏ đi, người chưa đến không muốn đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu
khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.
"Này các Tỳ­kheo, như Đại Mục­kiền­liên là thấy chân thật không sai. Các ông phải nên ghi
nhớ."
Phật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 535. ĐỘC NHẤT (1)[60]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả
A­na­luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm[61]. Tôn giả Đại Mục­kiền­liên ở nơi rừng Khủng bố[62]
nơi có nhiều cầm thú, trong núi Thất­thâu­ma­la[63], thôn Bạt­kỳ. Bấy giờ, Tôn giả A­na­luật ở
một mình chỗ vắng, thiền tịnh tư duy. Tôn giả nghĩ thầm: 'Có nhất thừa đạo[64] khiến cho chúng
sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được pháp chân như. Đó là bốn Niệm xứ. Những gì là
bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu người nào xa lìa
bốn Niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào
xa lìa Thánh đạo là xa lìa Pháp giải thoát. Người nào xa lìa Pháp giải thoát là không vượt qua
khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn Niệm xứ thì cũng tin ưa
Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là
tin ưa pháp cam lộ. Người nào tin ưa pháp cam lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ,
não.'
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên biết được ý nghĩ của Tôn giả A­na­luật, trong khoảnh khắc
như lực sĩ co duỗi cánh tay dùng thần lực biến khỏi rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi
Thất­thâu­ma­la, thôn Bạt­kỳ và hiện ra trước Tôn giả A­na­luật, tại tinh xá Tòng lâm nơi thành
Xá­vệ, bảo A­na­luật rằng:
"Phải chăng Thầy ở một mình nơi chỗ vắng, thiền tịnh, tư duy nghĩ rằng: 'Có đạo nhất thừa
khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được chân như. Đó là bốn Niệm xứ.
Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu
667
người nào xa lìa bốn Niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh
đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa Pháp giải thoát. Người nào xa lìa Pháp giải thoát là
không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn Niệm xứ
thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa
Thánh đạo là tin ưa pháp cam lộ. Người nào tin ưa pháp cam lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh,
chết, ưu, bi, khổ, não.'
Tôn giả A­na­luật nói với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Đúng vậy! Đúng vậy! Thưa Tôn giả."
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nói Tôn giả A­na­luật:
"Thế nào gọi là tin ưa bốn Niệm xứ?"
"Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, nếu có Tỳ­kheo nào đối với niệm xứ quán thân trên thân, tâm duyên
thân, an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Cũng vậy,
đối với quán niệm xứ thọ, tâm, pháp, mà an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch
tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, đó gọi là Tỳ­kheo tin ưa bốn Niệm
xứ."
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên bằng tam­muội chánh thọ như vậy, từ cửa tinh xá Tòng lâm
nước Xá­vệ, trở về rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất­thâu­ma­la nơi thôn Bạt­kỳ.
KINH 536. ĐỘC NHẤT (2)[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, tại nước Xá­vệ... cho đến Tôn giả
Đại Mục­kiền­liên hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Sao gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn Niệm xứ?"
Tôn giả A­na­luật nói với Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Nếu Tỳ­kheo, đối với nội thân khởi tưởng yểm ly; đối với nội thân khởi tưởng không yểm ly;
tưởng yểm ly, tưởng không yểm ly đều xả, an trụ với chánh niệm, chánh tri. Cũng vậy, ngoại
thân, nội ngoại thân, cảm thọ bên trong, cảm thọ bên ngoài, cảm thọ trong ngoài; tâm bên trong,
tâm bên ngoài, tâm bên trong ngoài, pháp bên trong, pháp bên ngoài, pháp trong ngoài, khởi
tưởng yểm ly, không khởi tưởng yểm ly, tưởng yểm ly và tưởng không yểm ly đều xả, an trụ với
chánh niệm, chánh tri. Như vậy, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, đó gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn
Niệm xứ."
668
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục­kiền­liên nhập tam­muội từ tinh xá Tòng lâm, nước Xá­vệ, nhờ sức
thần thông tam­muội, như lực sĩ co duỗi canh tay, trong khoảnh khắc đã trở về rừng Khủng bố
đầy cầm thú trong núi Thất­thâu­ma­la tại thôn Bạt­kỳ.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Pāli, M.37 Cūḷataṇhāsaṅkhaya­sutta. Chi tiết không hoàn toàn đồng nhất. Tham chiếu
№125(19.3).
[2]. Bản Pāli: tại Xá­vệ Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu.
[3]. Thích Đề­hoàn Nhân 釋提桓因. Pāli: Sakko devnaṃ Indo, Thiên chúa của chư thiên
Tāvatiṃa.
[4]. Thượng diệu đường quán 上妙唐觀. Trong bản Pāli, Sakka mời ngài Mục­kiền­liên lên
cung điện Chiến thắng (Vejayanta) №125(19.3) nói là Tối thắng giảng đường 最勝講堂
[5]. Bản Pāli không có bài kệ này. №125 (19.3) cũng không.
[6]. Kiều­thi­ca 憍尸迦. Pāli: Kosiya, tên tục của Thiên đế Thích 天帝釋.
[7]. Tì­xà­diên đường quán 毘闍延堂觀, cũng gọi là cung điện Chiến thắng hay Tối thắng
điện, Tối thắng giảng đường. Pāli: Vejayanta­vimāna, hay Vejayanta­sabha.
[8]. Pāli, M.37 Cūḷataṇhāsaṅkhaya­sutta. Tham chiếu, kinh trên; Hán, №125 (19.3).
[9]. Giới cách sơn 界隔山.
[10]. Ái tận giải thoát 愛盡解脫. Pāli: taṇhākkhayavimutti, giải thoát do tham ái đã được dứt
sạch.
[11]. Bản Pāli: không biết ông ấy có tin lời Phật hay không?
[12]. Phân­đà­lợi trì 分陀利池, tức ao sen.
[13]. Chỉ cung điện Tối thắng (Pāli: Vejayanta).
[14]. Hán: trước giới thần trú 著界神住, chỉ đắm trước nơi bốn đại chủng (hay xúc giác).
[15]. Pāli, S.40.10 Sakko. Tham chiếu, №125(36.5).
[16]. Thông sắc hư nhuyễn thạch 驄色虛軟石, một tảng đá rất lớn ở trên chóp đỉnh Tu­di.
[17]. Ba­lê­da­đa­la 波梨耶多羅, dịch là Trú đạc thọ, hay Viên sanh thọ, loại cây san hô che
mát cõi trời Tam thập tam. Pāli: pāricchattaka.
669
[18]. Câu­tỳ­đà­la hương thọ 拘毘陀羅香樹, một loại cây hắc đàn. Pāli: kovidāra.
[19]. Bất hoại tịnh 不壞淨, hay bất hoại tín, chứng tịnh, trừng tịnh; bốn chi phần của vị đã
chứng quả Dự lưu. Pāli: aveccappasāda.
[20]. Tăng­ca­xá thành 僧迦舍城, №125 (36.5): Tăng­ca­thi quốc. Pāli: Saṃkassa, một vương
quốc bên bờ sông Hằng, Trung Ấn.
[21]. Thiên há xứ 天下處. Pāli nói là lễ hội Mahāpavāraṇa (Đại tự tứ).
[22]. Pāli, S.55.18 Devacārika.
[23]. Bản Pāli: Tāvatiṃsakāyikā devatayo, chư Thiên thuộc Thiên chúng trời Tam thập tam.
[24]. Bản Hán sót bất hoại tín thứ tư. Y theo đoạn dưới thêm vào.
[25]. Pāli, S.19.1 Aṭṭhīpesi.
[26]. Lặc­xoa­na 勒叉那. Pāli: Lakkhaṇa.
[27]. Pāli, S.19.2 Pesi (Gāvaghāṭaka).
[28]. Pāli, 19.4 Nicchavi (orabhika).
[29]. Xem cht.26 kinh 508.
[30]. Tham chiếu các kinh trên.
[31]. Tham chiếu các kinh trên.
[32]. Người huấn luyện voi. Pāli, S.19.8 Sūciloma (sarathi).
[33]. Tóm tắt bốn kinh.
[34]. Pāli, S.19.9 Sūcako (người hay đâm thọc, gián điệp).
[35]. Thợ săn. Pāli, S.19.6 Satti (māgaviko).
[36]. Giết heo. Pāli, S.19.5 Asi (sūkariko).
[37]. Chặt đầu người. Pāli, S.19.16 Sīsachinno­coraghāṭako (đao phủ và cai ngục).
[38]. Người đúc đồng. S.19.10 Kumbhaṇḍa.
[39]. Hán: âm noãn như ung 陰卵如瓮, kumbhaṇḍa.
670
[40]. Bản Pāli: gāmakūṭako (tên lường gạt làng xóm, phán quan tham nhũng).
[41]. Các kinh tương đương Pāli, S.19.3 Piṇḍa (sākuniko).
[42]. Nữ nhân làm thầy bói. Pāli, S.19.14. Maṅgulitthi.
[43]. Bản Pāli: thấy một người nữ.
[44]. Hán: bốc chiêm nữ nhân 卜占女人. Pāli: maṅgulitthi ikkhamitthi. người đàn bà xấu xí làm
nghề bói toán.
[45]. Pāli, S.19.11 Paradāriko (lấy vợ người).
[46]. Hán: ủ thân tàng hành 傴身藏行.
[47]. Buôn bán sắc. Pāli, S.19.13 Nicchvitthī.
[48]. Vì giận, chế dầu lên người. Pāli, S.19.15, Okilini­sapattaṅgārakokiri.
[49]. Pāli: itthiṃ uppakkaṃ okiliniṃ, một người đàn bà bị cháy xém, bị nướng rám, bị xua
đuổi.
[50]. Tự tại vương 自在王. Pāli: Kaliṅgarājañño, vua Kaliṅga.
[51]. Người Bà­la­môn ganh tị. Pāli, S.19.12 Gūthakhādi­duṭṭhabraāmaṇo, người Bà­la­môn tà
ác ăn phân.
[52]. Không chia dầu.
[53]. Ăn trộm bảy trái cây.
[54]. Ăn trộm đường thẻ.
[55]. Trộm hai cái bánh.
[56]. Pāli, S.19.17­21 Bhikkhu.
[57]. Cỡi xe bò.
[58]. Ma­ha­đế, chủ chùa hay trụ trì. Pāli không có.
[59]. Thích gây tranh cãi.
[60]. Ấn Thuận, "30. Tương ưng A­na­luật", gồm các kinh, Đại Chánh 535­545. phần lớn
tương đương Pāli S.52. Anuruddhasamyutta. Đại Chánh kinh 535, Pāli, S.52.1 Rahogata.
671
[61]. Bản Pāli, trong tinh xá Cấp cô độc.
[62]. Khủng bố trù lâm 恐怖稠林. Pāli: Bhesakalā­vana.
[63]. Thất­thâu­ma­la sơn 失收摩羅山. Pāli: Suṃsumāragiri, núi Cá sấu.
[64]. Nhất thừa đạo 一乘道, con đường độc đạo, chỉ bốn niẹâm xứ. (Pāli: ekāyana­maggo =
cattāro satipaṭṭhānā).
[65]. Xem kinh 535 trên.
672
TẠP A-HÀM QUYỂN 20
KINH 537. THỦ THÀNH DỤC TRÌ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Đại Mụckiền­liên và Tôn giả A­na­luật ở bên hồ tắm Thủ thành[2], nước Xá­vệ.
Rồi Tôn giả Xá­lợi­phất[3] đi đến chỗ Tôn giả A­na­luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi
lui qua một bên. Tôn giả Xá­lợi­phất hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Hy hữu thay, A­na­luật! Có đại oai đức, đại thần lực[4], do công đức gì, tu tập, tu tập nhiều mà
được như vậy?"[5]
Tôn giả A­na­luật trả lời Tôn giả Xá­lợi­phất:
"Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.
Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh
tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; thọ
trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp,
nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi
là bốn Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này.
"Thưa Tôn giả Xá­lợi­phất, tôi đối với bốn Niệm xứ khéo tu tập, nên đối với tiểu thiên thế giới
chỉ tạo ít phương tiện[6] mà có thể quán sát khắp tất cả. Như người mắt sáng ở trên lầu nhìn
xuống, thấy mọi vật trên đất bằng. Cũng như vậy, tôi cũng chỉ tạo ít phương tiện mà có thể quán
tiểu thiên thế giới. Như vậy, tôi đối với bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức
thần lực lớn này."
Hai vị Tôn giả cùng bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 538. MỤC­LIÊN SỞ VẤN[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá­lợiphất, Đại Mục­kiền­liên, Tôn giả A­nan, Tôn giả A­na­luật cũng đều ở nước Xá­vệ[8].
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục­kiền­liên đến chỗ Tôn giả A­na­luật, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi
ngồi lui qua một bên.
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên hỏi Tôn giả A­na­luật:
673
"Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà đạt được oai đức, thần lực lớn như vậy?"
Tôn giả A­na­luật trả lời Tôn giả Đại Mục­kiền­liên:
"Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.
Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh
tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại, nội ngoại thân; nội thọ,
ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại
pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn
Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Đối với ngàn núi Tudi, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà có thể xem xét tất cả. Như người mắt sáng leo lên đỉnh núi
cao, nhìn xuống thấy ngàn rừng cây đa­la. Cũng vậy, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu tập
nhiều, nên thành tựu được oai đức, thần lực lớn này, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà thấy được
cả ngàn núi Tu­di. Như vậy, thưa Tôn giả Đại Mục­kiền­liên, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu
tập nhiều, nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này."
Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 539. A­NAN SỞ VẤN[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá­lợi­phất,
Tôn giả Đại Mục­kiền­liên và Tôn giả A­na­luật ở bên hồ tắm Thủ thành, nước Xá­vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A­nan đi đến chỗ Tôn giả A­na­luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui
qua một bên. Tôn giả A­nan hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà được thành tựu oai đức, oai lực và thần thông lớn như
vậy?"
Tôn giả A­na­luật trả lời Tôn giả A­nan:
"Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.
Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh
tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; nội
thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại
pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn giả
A­nan, đối với bốn Niệm xứ này tôi tu tập, tu tập nhiều, nên chỉ cần chút phương tiện, bằng thiên
nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, xem thấy các chúng sanh lúc sanh, lúc chết, tướng mạo
hoặc đẹp hoặc xấu, sắc cao quý, sắc hạ tiện, cõi lành, cõi ác, tùy theo nghiệp mà thọ sanh, tất cả
đều thấy như thật. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý đều tạo việc ác, phỉ báng Hiền thánh;
do nhân duyên tà kiến hủy báng Hiền thánh, nên khi thân hoại mạng chung, sanh vào trong địa
ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thành
674
tựu chánh kiến, do nhân duyên này nên khi chết được sanh lên cõi trời. Thí như người mắt sáng
đứng nơi ngã tư đường thấy mọi người qua lại, hoặc nằm ngồi. Tôi cũng vậy, đối với bốn Niệm
xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực thần thông lớn này; thấy tất cả chúng
sanh lúc sanh, lúc chết, cõi lành, cõi ác. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng
Hiền thánh, do nhân duyên tà kiến mà sanh vào địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý
làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thì vì nhân duyên chánh kiến này, khi thân hoại mạng
chung sẽ được sanh lên cõi trời.
"Như vậy, Tôn giả A­nan, đối với bốn Niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai
đức, oai lực, thần thông lớn này."
Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 540. SỞ HOẠN (1)[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­na­luật
đang ở tại tinh xá Tòng lâm[11], nước Xá­vệ, thân bị bệnh khổ.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả A­na­luật, cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi đứng lui
qua một bên, thưa Tôn giả A­na­luật:
"Thưa Tôn giả A­na­luật, bệnh của Tôn giả nặng hay nhẹ, có chịu đựng được không? Bệnh giảm
dần dần, không tăng thêm chăng?"
Tôn giả A­na­luật đáp:
"Bệnh tôi không yên, thật là khó chịu đựng, đau đớn toàn thân, càng lúc nặng thêm, không bớt."
Rồi Tôn giả nói ba thí dụ như kinh Sai­ma[12] ở trên đã nói; rồi tiếp:
"Dù thân tôi bị đau đớn như thế này, nhưng tôi vẫn chịu đựng được, với chánh niệm, chánh tri."
Các Tỳ­kheo hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Tâm an trụ ở chỗ nào mà có thể chịu đựng được cái khổ lớn như vậy với chánh niệm, chánh
tri?"
Tôn giả A­na­luật bảo các Tỳ­kheo:
"Tâm trụ bốn Niệm xứ nên mỗi khi tôi cử động, thân thể dù có bị đau đớn, cũng có thể chịu đựng
được với chánh niệm, chánh tri. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội
675
thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ, có thể chịu đựng tất cả
mọi đau đớn nơi thân, với chánh niệm, chánh tri."
Các Tôn giả cùng nhau bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 541. SỞ HOẠN (2)[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­na­luật
đang ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá­vệ, bệnh mới vừa giảm bớt chưa bao lâu.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ­kheo đến hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A­naluật:
"Tôn giả có được an ổn, cảm thấy an lạc[14] không?"
Tôn giả A­na­luật đáp:
"Tôi được an ổn, cảm thấy an lạc. Các thứ đau đớn nơi thân thể đều đã bớt dần."
Các Tỳ­kheo lại hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Tâm trụ ở chỗ nào mà những đau nhức của thân dần dần được an ổn?"
Tôn giả A­na­luật đáp:
"An trụ bốn Niệm xứ, nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn. Những gì là bốn Niệm
xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ
bốn Niệm xứ. Do an trụ bốn Niệm xứ này nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn."
Các Tôn giả bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 542. HỮU HỌC LẬU TẬN[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­na­luật ở
tại tinh xá Tòng lâm[16], nước Xá­vệ. Lúc ấy, có nhiều Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả A­na­luật,
cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A­na­luật:
676
"Nếu Tỳ­kheo còn ở địa vị hữu học[17] mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết­bàn an ổn;
Thánh đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm
giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa?'"
Tôn giả A­na­luật bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo còn ở địa vị hữu học mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết­bàn an ổn; Thánh đệ
tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập,
những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Hãy an trụ nơi bốn Niệm
xứ. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ,
tâm, pháp. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, tu tập nhiều, ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các
lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: 'Ta, sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.'"
Các Tỳ­kheo nghe Tôn giả A­na­luật nói xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra
đi.
KINH 543. A­LA­HÁN TỲ­KHEO[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­na­luật ở
tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá­vệ.
Lúc ấy, có nhiều Tỳ­kheo đến chỗ Tôn giả A­na­luật cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui
qua một bên, hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Nếu Tỳ­kheo đã dứt sạch các lậu, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, lìa các kết sử
hữu[19], bằng chánh trí tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ chăng?"
Tôn giả A­na­luật trả lời các Tỳ­kheo:
"Nếu Tỳ­kheo nào, các lậu đã dứt sạch, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã lìa các kết sử
hữu, bằng chánh trí tâm khéo giải thoát; vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ. Vì sao? Vì để đắc những gì
chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, hiện tại sống an lạc. Tại sao như thế? Vì tôi cũng đã lìa
các hữu lậu, đã đắc quả A­la­hán, việc làm đã xong, tâm khéo giải thoát, cũng tu bốn Niệm xứ,
để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, đến chỗ chưa đến,... cho đến hiện tại
sống an lạc."
Các Tôn giả bàn luận xong, đều tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy, ra đi.
677
KINH 544. HÀ CỐ XUẤT GIA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­na­luật ở
tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá­vệ.
Lúc ấy, có nhiều chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả A­na­luật cùng nhau hỏi thăm sức
khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A­na­luật:
"Thưa Tôn giả, vì cớ gì Tôn giả xuất gia ở trong pháp của Sa­môn Cù­đàm?"
Tôn giả A­na­luật đáp:
"Vì để tu tập."
Lại hỏi:
"Tu tập những gì?"
Đáp:
"Tu các căn, tu các lực, tu các giác phần, tu các niệm xứ. Các ông muốn nghe tu những gì?"
Lại hỏi:
"Căn, lực, giác phần, những danh tự ấy chúng tôi chưa biết; huống chi là lại hỏi nghĩa. Nhưng
chúng tôi muốn nghe niệm xứ."
Tôn giả A­na­luật bảo:
"Các ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các ông mà nói. Nếu Tỳ­kheo tu niệm xứ quán
thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán pháp trên pháp."
Bấy giờ, chúng xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả A­na­luật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người
từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 545. HƯỚNG NIẾT­BÀN[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­naluật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá­vệ. Khi ấy Tôn giả A­na­luật nói với các Tỳ­kheo:
678
"Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới, càng nghiêng sâu càng muốn đổ[22]. Nếu
chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống. Cũng vậy, Tỳ­kheo tu bốn Niệm xứ,
lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly, nhắm thẳng tới, đào sâu, vận
chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết­bàn[23]."
Tôn giả A­na­luật nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH 546. THÁO QUÁN TRƯỢNG[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở bên bờ ao Ô­nê[25], xóm Bạt­lan­na[26]. Lúc ấy có Phạm chí cầm gậy tháo
quán[27], đến chỗ Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một
bên, hỏi Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Do nhân gì, duyên gì, vua tranh giành với vua, các Bà­la­môn, cư sĩ tranh giành với nhau?"
Ma­ha Ca­chiên­diên trả lời Phạm chí:
"Vì do bị trói buộc bởi tham dục[28] nên vua tranh giành với vua; các Bà­la­môn, cư sĩ tranh
giành với nhau."
Phạm chí lại hỏi:
"Do nhân gì, duyên gì, những người xuất gia tranh giành nhau?"
Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Vì do bị trói buộc bởi kiến dục[29] nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia."
Phạm chí lại hỏi:
"Thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, có người nào lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa
được sự ràng buộc của những kiến dục này không?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Có, này Phạm chí, Đại Sư của tôi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,
Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế
Tôn, có thể lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục
này."
Phạm chí lại hỏi:
679
"Phật Thế Tôn hiện nay đang ở chỗ nào?"
Đáp:
"Đức Thế Tôn hiện tại đang ở giữa những người Ba­la­kỳ, nơi rừng cây Kỳ­đà, vườn Cấp cô
độc, thành Xá vệ, nước Câu­tát­la."
Bấy giờ, Phạm chí từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên hữu, gối phải quỳ sát
đất, hướng về nơi ở của Phật chắp tay tán thán: 'Nam­mô Phật! Nam­mô Phật Thế Tôn, Như Lai,
Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thể lìa mọi sự ràng buộc của tham dục, hoàn toàn xa lìa mọi sự
trói buộc của tham dục và các kiến dục, sạch hết cội gốc.'
Bấy giờ, Phạm chí cầm gậy tháo quán nghe Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, tùy hỷ hoan
hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 547. TÚC SĨ[30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Cachiên­diên đang ở bên bờ ao Ô­nê thôn Bà­la­na[31]. Bấy giờ, cùng với số đông Tỳ­kheo tụ tập ở
nhà ăn, vì việc thọ trì y. Lúc ấy, có Phạm chí chống gậy[32] tuổi già, các căn suy yếu, đến chỗ
nhà ăn, chống gậy đứng một bên. Sau một hồi im lặng, ông mới nói với các Tỳ­kheo:
"Này các Trưởng lão, tại sao các ông thấy người lớn tuổi, mà không chào hỏi, cung kính mời
ngồi?"
Lúc đó, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên cũng ngồi trong chúng. Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo
Phạm chí:
"Theo pháp của chúng tôi, khi có người già cả đến, đều chào hỏi cung kính, lễ bái, mời ngồi."
Phạm chí nói:
"Tôi thấy trong chúng này, không có ai già cả hơn tôi, mà chẳng có ai cung kính chào hỏi mời
ngồi. Thế sao ông nói rằng theo pháp của ông, nếu thấy có người lớn tuổi thì đều cung kính lễ
bái mời ngồi?"
Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Này Phạm chí, nếu có người nào già cả đến tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, mà
chỉ thành tựu được pháp thiếu niên, thì người này chẳng phải là bậc tôn túc[33]. Ngược lại, tuy là
người tuổi trẻ khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, hoàn toàn đẹp đẽ, mà thành
tựu được pháp của bậc cao niên, thì được kể vào hàng tôn túc."
680
Phạm chí hỏi:
"Tại sao gọi là người tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc răng rụng, lại thành tựu pháp thiếu niên,
còn người trẻ tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ, lại được kể vào
hàng tôn túc?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo Phạm chí:
"Có năm phẩm chất của dục, đó là sắc được nhận thức bởi mắt, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ
nghĩ; tiếng được nhận thức bởi tai; hương được nhận thức bởi mũi; vị được nhận thức bởi lưỡi;
xúc được nhận thức bởi thân, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ. Đối với năm phẩm chất của
dục này, mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa niệm tưởng, không lìa khát
vọng, thì này Phạm chí, nếu người nào như vậy, thì dù tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng
rụng, cũng gọi đó là thành tựu được pháp thiếu niên. Còn người tuy tuổi mới hai mươi lăm, da
trắng, tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng đối với năm phẩm chất của dục này, mà lìa tham, lìa
dục, lìa ái, lìa niệm tưởng, lìa khát vọng. Người như vậy, tuy tuổi mới hai mươi lăm, da tắng, tóc
đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng thành tựu được pháp của bậc lão nhân thì được kể vào hàng tôn
túc."
Bấy giờ, Phạm chí mới nói với Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Như ý nghĩa Tôn giả đã nói, nếu tự xét lại mình thì tuy tôi đã già mà lại nhỏ, còn các vị tuy trẻ
tuổi mà đã thành tựu được pháp của bậc cao niên.
"Thưa Tôn giả, thế gian bận nhiều việc, tôi xin cáo từ."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Này Phạm chí, ông tự biết đúng thời."
Phạm chí nghe Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, tùy hỷ, vui mừng rồi trở về nhà mình.
KINH 548. MA­THÂU­LA[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở trong rừng rậm[35]. Lúc ấy, quốc vương nước Ma­thâu­la là Tây Phương
vương tử[36] đi đến chỗ Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Người Bà­la­môn tự nói, ta là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Ta là trắng, kẻ khác là đen. Bà­la­môn
là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà­la­môn. Chính con Phạm thiên[37] từ miệng sanh ra, được
hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên[38], nên chúng là sở hữu của Phạm thiên.
Thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nghĩa này thế nào?"
681
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói với vua Ma­thâu­la:
"Đại vương, đây chỉ là ngôn thuyết của thế gian[39]. Người thế gian cho rằng Bà­la­môn là nhất,
kẻ khác là thấp hèn. Bà­la­môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà­la­môn là thanh tịnh, chứ không phải
phi Bà­la­môn. Chính Bà­la­môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ
Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Đại vương nên biết, nghiệp là chân thật; điều đó căn cứ
vào nghiệp.
Vua nói với Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Đó là những lời nói sơ lược, tôi không hiểu rõ. Xin giải thích phân biệt lại cho."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Bây giờ, tôi sẽ hỏi Đại vương, tùy theo câu hỏi mà Đại vương trả lời."
Tôn giả liền hỏi:
"Thưa Đại vương, ngài là vua Bà­la­môn[40], nơi đất nước của mình có bốn hạng người này là
Bà­la­môn, Sát­đế­lợi, cư sĩ, gia chủ, đều được gọi đến. Ngài dùng tiền của, thế lực khiến họ hầu
cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và các mệnh lệnh được chấp hành, tất cả đều được như ý
mình không?"
Vua đáp:
"Như ý."
Tôn giả lại hỏi:
"Tâu Đại vương, Sát­đế­lợi là vua, cư sĩ là vua, gia chủ là vua[41]. Nếu tại đất nước của mình có
bốn chủng tánh, đều được gọi đến. Nhà vua dùng của cải, thế lực, khiến họ hầu cận phòng vệ, họ
dậy trước ngủ sau và vua ra lệnh làm các việc, thì có được như ý vua không?"
Vua đáp:
"Như ý."
"Thưa Đại vương, như vậy bốn chủng tánh này, tất cả đều bình đẳng có sai biệt nào. Đại vương
nên biết, bốn chủng tánh này tất cả đều bình đẳng, không có sự sai biệt nào hoặc hơn hay bằng."
Vua Ma­thâu­la bạch Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Thưa Tôn giả đúng như vậy, bốn chủng tánh này đều bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn
hay là bằng."
682
"Cho nên, Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này theo ngôn thuyết của thế gian là có sai khác,
cho đến, căn cứ vào nghiệp, chân thật chứ không sai khác."
"Lại nữa, Đại vương trong đất nước này, nếu dòng Bà­la­môn có người trộm cắp thì nên hành xử
như thế nào?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Trong dòng Bà­la­môn nếu có người nào trộm cắp thì sẽ bị đánh bằng roi, bị trói, hoặc bị đuổi
ra khỏi nước, hoặc phạt tiền của, hoặc bị chặt tay chân, xẻo tai mũi; nếu là tội nặng thì sẽ bị giết
chết. Kẻ trộm đó dù là dòng Bà­la­môn cũng gọi là giặc."
Lại hỏi:
"Thưa Đại vương, nếu trong dòng Sát­đế­lợi, cư sĩ, gia chủ có kẻ trộm cắp, thì phải làm thế
nào?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Cũng bị phạt đánh roi, bị trói, bị đuổi ra khỏi nước, cũng phạt tiền của, bị chặt tay, chân, xẻo
tai, mũi; nếu tội nặng thì bị giết chết."
"Như vậy, thưa Đại vương, há không phải bốn chủng tánh đều bình đẳng sao? Hay có sự sai khác
nào chăng?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Ý nghĩa của chúng là như vậy. Thật ra không có bất cứ một sai biệt nào dù là hơn hay là bằng."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên lại nói với vua:
"Đại vương nên biết, về bốn chủng tánh này, ngôn thuyết của thế gian nói, Bà­la­môn là nhất, kẻ
khác là thấp hèn. Bà­la­môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà­la­môn là thanh tịnh, chứ không phải
phi Bà­la­môn. Chính Bà­la­môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ
Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Há không phải là y cứ vào nghiệp, chân thật y cứ vào
nghiệp chăng?"
Lại hỏi:
"Đại vương, nếu người Bà­la­môn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ác, hai lưỡi, nói
thêu dệt, tham, nhuế, tà kiến, tạo mười nghiệp đạo bất thiện thì sẽ sanh vào cõi ác hay cõi lành?
Từ nơi vị A­la­hán[42] vua đã nghe được những gì?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
683
"Bà­la­môn tạo mười nghiệp đạo bất thiện sẽ đọa vào đường ác. Từ nơi A­la­hán tôi nghe như
vậy. Sát­đế­lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.
Lại hỏi:
"Thưa Đại vương, nếu Bà­la­môn nào làm mười nghiệp đạo lành, xa lìa sát sanh cho đến chánh
kiến thì sẽ sanh vào nơi nào? Cõi lành hay cõi ác? Từ nơi vị A­la­hán vua đã nghe được những
gì?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Nếu Bà­la­môn làm mười nghiệp đạo lành thì sẽ sanh vào cõi lành. Từ nơi A­la­hán tôi nghe
như vậy. Sát­đế­lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy."
Lại hỏi:
"Thế nào Đại vương, bốn chủng tánh như vậy, là có bình đẳng không, hay có gì sai biệt dù là
hơn hoặc là bằng?"
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Theo nghĩa như vậy thì là bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng."
"Cho nên Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này đều bình đẳng không có gì sai biệt dù là hơn
hay là bằng. Theo ngôn thuyết thế gian mà nói, Bà­la­môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà­lamôn là trắng, kẻ khác là đen. Bà­la­môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà­la­môn. Chính Bà­
la­môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của
Phạm thiên. Nên biết là do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.
Vua thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Thật đúng như những gì đã nói đó, tất cả đều ngôn thuyết của thế gian nên nói Bà­la­môn là
nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà­la­môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà­la­môn là thanh tịnh, chứ
không phải phi Bà­la­môn. Chính Bà­la­môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa
sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nhưng đều do nghiệp là chân thật, là y cứ vào
nghiệp."
Vua Ma­thâu­la nghe Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, tùy hỷ vui mừng làm lễ rồi đi.
KINH 549. CA­LÊ[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở trong tinh xá Câu­la­la­tra, nước A­bàn­đề[44].
684
Sáng sớm, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đắp y, mang bát, vào[45] Câu­la­la­tra, tuần tự đi khất
thực, đến nhà Ưu­bà­di Ca­lê­ca[46].
Khi ấy, Ưu­bà­di trông thấy Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, liền sửa soạn chỗ ngồi, rồi mời ngồi,
đảnh lễ dưới chân Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên xong, đứng lui qua một bên, thưa Tôn giả Maha Ca­chiên­diên:
"Như những gì Đức Thế Tôn đã dạy, trả lời câu hỏi của đồng nữ Tăng­kỳ­đa[47]. Thế Tôn đã nói
trong bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng­kỳ­đa:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà không loạn[48].
Hàng phục quân dũng mãnh,
Sắc đẹp đẽ đáng yêu[49].
Một mình, chuyên thiền tứ,
Nếm Thiền lạc vi diệu,
Đó gọi là xa lìa,
Các bạn bè thế gian.
Các bạn bè thế gian,
Không gần gũi ta được.
"Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, bài kệ này của Thế Tôn, ý nghĩa như thế nào?
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên trả lời Ưu­bà­di:
"Này chị, có một Sa­môn Bà­la­môn nói: Biến xứ định về đất[50]; không còn gì hơn đây để cầu
mong quả này[51]. Này chị, nếu Sa­môn, Bà­la­môn nào đối với biến xứ định về đất, mà được
thanh tịnh trong sáng, thì sẽ thấy được căn bản của nó[52], thấy được sự tai hại, thấy được sự
diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy được cội gốc, thấy được sự tai hại,
thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân thật tại
tâm, tuy tịch diệt nhưng không loạn.
Này chị, cũng vậy biến xứ định về nước, biến xứ định về lửa, biến xứ định về gió, biến xứ định
về màu xanh, biến xứ định về màu vàng, biến xứ định về màu đỏ, biến xứ định về màu trắng;
biến xứ định về hư không, biến xứ định về thức là tối thượng để cầu mong quả này.
685
Này chị, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào cho đến, biến xứ định về thức, mà được thanh tịnh trong
sáng, thì sẽ thấy căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa
đến sự diệt tận. Vì thấy được căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy con đường
đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân tại tâm, tịch diệt mà không loạn, khéo thấy, khéo
nhập. Cho nên, Thế Tôn trả lời bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng­kỳ­đa:
Thật nghĩa ở tại tâm,
Tịch diệt mà không loạn.
Hàng phục quân dũng mãnh,
Sắc đẹp đẽ đáng yêu.
Một mình, chuyên thiền tứ,
Nếm Thiền lạc vi diệu,
Đó gọi là xa lìa,
Bạn bè của thế gian.
Các bạn bè thế gian,
Không gần gũi ta được.
"Này chị, vì tôi hiểu Thế Tôn bằng ý nghĩa như vậy mà nói kệ như vậy."
Ưu­bà­di thưa:
"Lành thay Tôn giả! Tôn giả đã nói nghĩa chân thật. Xin Tôn giả nhận lời mời thọ trai của con."
Bấy giờ, Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên im lặng nhận lời.
Ưu­bà­di Ca­lê­ca biết Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đã nhận lời mời rồi, liền sắm sửa các thứ đồ
ăn thức uống ngon lành, cung kính tôn trọng, tự tay dâng thức ăn. Khi Ca­lê­ca biết Tôn giả Maha Ca­chiên­diên đã thọ thực, rửa bát, súc miệng xong, liền sửa soạn một chỗ ngồi thấp trước
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, cung kính nghe pháp. Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên vì nữ cư sĩ
mà nói các pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến cho hoan hỷ, sau đó Tôn giả từ chỗ ngồi đứng
dậy ra về.
KINH 550. LY[53]
Tôi nghe như vầy:
686
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên cũng ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ.
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo các Tỳ­kheo:
"Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, là bậc Kiến giả[54], nói
sáu pháp ra khỏi chỗ khổ, đạt đến chỗ thù thắng, nói nhất thừa đạo khiến cho chúng sanh được
thanh tịnh, lìa mọi sự khổ não, dứt hết lo buồn, được pháp chân như[55]. Sáu pháp ấy là gì? Đó
là, Thánh đệ tử niệm tưởng pháp sở hành của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là pháp sở
hành thanh niệm[56]: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thánh đệ tử
do niệm pháp sở hành của Như Lai, nên lìa giác tưởng tham dục, lìa giác tưởng sân nhuế, lìa giác
tưởng não hại[57]. Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm
phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh
niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết­bàn.
Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ
nhất ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não,
diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm tưởng Chánh pháp, niệm: Pháp luật hiện tại của Thế Tôn[58],
lìa mọi nhiệt não, phi thời gian, thông suốt, thấy ngay trong hiện tại, duyên tự mình mà giác
ngộ[59]. Lúc Thánh đệ tử niệm Chánh pháp, không khởi giác tưởng tham dục, giác tưởng sân
nhuế, não hại. Như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm
phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh
niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết­bàn.
Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ
hai ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não,
diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Tăng pháp là bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng,
trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận, Đó là hướng Tu­đà­hoàn, đắc quả
Tu­đà­hoàn; hướng Tư­đà­hàm, đắc quả Tư­đà­hàm; hướng A­na­hàm, đắc quả A­na­hàm;
hướng A­la­hán, đắc quả A­la­hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế
Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước
điền Vô thượng của thế gian, là nơi xứng đáng cúng dường, cung kính, lễ bái[60]. Khi Thánh đệ
tử niệm Tăng, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, như vậy, Thánh đệ tử thoát
khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm
phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo,
tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết­bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng
Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ ba ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng,
khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như
thật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Giới đức, niệm: Giới không khuyết, giới không vỡ, giới thuần hậu,
giới không lìa, giới không trộm lấy[61], giới khéo rốt ráo, giới đáng khen ngợi, giới mà bậc
phạm hạnh không ghét bỏ. Nếu Thánh đệ tử khi niệm giới, tự nhớ nghĩ những giới đã được thành
687
tựu trong thân, ngay lúc ấy không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy là
Thánh đệ tử đã ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục.
Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí,
nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết­bàn. Đó gọi là Như Lai,
Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ tư ra khỏi khổ, đạt
đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn,
được pháp như thật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Thí pháp[62], tâm tự vui mừng: Nay ta đã lìa cấu uế xan tham; dù là
tại gia mà tâm bố thí với sự giải thoát, thường thí, xả thí, vui thí, thành tựu sự bố thí, bố thí bình
đẳng. Nếu Thánh đệ tử khi niệm thí pháp mà tự mình bố thí, không khởi giác tưởng tham dục,
sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó
là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an
trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến
Niết­bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất
thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi
mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Thiên đức[63], niệm: Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên,
Diệm­ma thiên, Đâu­suất­đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, với tín tâm thanh tịnh, khi
mạng chung ở nơi nay sẽ sanh lên các cõi trời. Ta cũng như vậy, với tín, giới, thí, văn, tuệ, mạng
chung ở nơi này sẽ được sanh lên các cõi trời. Như vậy, khi Thánh đệ tử niệm công đức chư
Thiên, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm
nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất
của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập
niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết­bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh
Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng,
khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như
thật."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói kinh này xong, các Tỳ­kheo nghe lời dạy xong, hoan hỷ phụng
hành.
KINH 551. HA­LÊ (1)[64]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên ở tại tinh xá họ Thích trong thôn Ha­lê.
Bấy giờ trưởng giả Ha­lê Tụ lạc[65] đến chỗ Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, cúi đầu đảnh lễ, rồi
ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Như bài kệ Thế Tôn trả lời những câu hỏi của Ma­kiền­đề trong kinh Nghĩa phẩm[66]:
688
Đoạn tất cả các dòng,
Lấp kín nguồn nước chảy;
Sống thân cận làng xóm,
Mâu ni không khen ngợi.
Năm dục đã trống rỗng.
Quyết không đầy trở lại;
Lời tranh tụng thế gian,
Chung cuộc không xảy nữa.
Thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, kệ này có ý nghĩa gì?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên trả lời gia chủ:
"Con mắt là dòng chảy. Tham phát khởi bởi thức con mắt. Nương vào giới con mắt mà tham dục
chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy[67]. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là dòng chảy tham phát khởi bởi ý
thức. Nương vào ý giới mà tham dục chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy."
Gia chủ lại hỏi Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Thế nào gọi là không chảy trào ra[68]?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
"Thức của con mắt; ái và hỷ y trên sắc được nhận thức bởi mắt mà phát sanh, nếu chúng dứt
sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diêt, thì đó gọi là không chảy trào ra. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý;
là ý thức; tham dục y trên pháp được nhận thức bởi ý mà phát sanh, nếu chúng dứt sạch, vô dục,
diệt tận, tịch tĩnh, tịch diẹât, thì đó gọi là không chảy trào ra."
Lại hỏi:
"Thế nào là nguồn[69]?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Duyên con mắt và sắc sanh ra thức con mắt. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm
thọ, hoặc thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Từ đó phát xuất dòng nhiễm trước. Tai, mũi,
lưỡi, thân, ý; ý thức, ý thức pháp, cả ba hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm thọ, hoặc thọ
lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Dòng ái hỷ y nơi thọ này phát xuất, đó gọi là nguồn của
dòng."
689
"Thế nào là lấp nguồn của dòng này?"
"Sự hệ lụy do giới con mắt tiếp nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục,
diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi là lấp nguồn của dòng. Sự hệ lụy do tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp
nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi
là lấp nguồn của dòng."
Lại hỏi:
"Thế nào là thân cận, tán thán nhau?"[70]
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên đáp:
"Tại gia, xuất gia thân cận nhau, cùng mừng, cùng lo, cùng vui, cùng khổ, việc gì cũng đều làm
chung; đó gọi là thân cận, tán thán nhau."
Lại hỏi:
"Thế nào là không khen ngợi?"[71]
"Là tại gia, xuất gia không cùng thân cận, không cùng mừng, không cùng lo, không cùng khổ,
không cùng vui; phàm làm việc gì cũng đều không cùng nhau vui vẻ tán thành; đó gọi là không
khen ngợi."
"Thế nào dục không trống không[72]?"
"Có năm phẩm chất của dục; sắc được nhận thức bởi mắt, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ,
đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Tiếng bởi tai, hương bởi mũi đối với hương, vị bởi lưỡi đối với vị,
xúc bởi thân đối với xúc, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Đối
với năm dục này mà không lìa tham, không lìa ái, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát, thì đó
gọi là dục không trống không."
"Thế nào gọi là dục trống không?"
"Là đối với năm dục này mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nhớ nghĩ, lìa khát khao, thì đó gọi là dục
trống không."
"Nói bị hệ lụy trói buộc bởi ngã, đó là khi tâm pháp trở lại đầy[73].
"Vị Tỳ­kheo A­la­hán kia, đã đoạn tận các lậu, cắt đứt gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây
đa­la, đời vị lai sẽ không sanh trở lại nữa, thì làm sao lại cùng với kẻ khác tranh tụng.
"Cho nên, Thế Tôn trả lời câu hỏi của Ma­kiền­đề trong kinh Nghĩa phẩm bằng bài kệ:
Đoạn tất cả các dòng,
690
Lấp kín nguồn nước chảy;
Sống thân cận làng xóm,
Mâu­ni không khen ngợi.
Năm dục đã trống rỗng,
Quyết không đầy trở lại;
Lời tranh tụng thế gian,
Chung cuộc không xảy nữa.
Đó gọi là sự phân biệt nghĩa lý bài kệ mà Như Lai đã nói."
Bấy giờ, gia chủ Ha­lê Tụ lạc khi nghe Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ,
làm lễ rồi ra về.
KINH 552. HA­LÊ (2)[74]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha­lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha­lê[75] đi
đến chỗ Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một
bên, thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Như lúc Đức Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Thiên đế Thích[76] rằng: 'Này
Kiều­thi­ca, nếu có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà giải thoát vô thượng với sự diệt tận ái[77], tâm
khéo chân chánh giải thoát, rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh
tịnh'. Làm thế nào mà ở trong pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh
phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
"Con mắt, thức con mắt, sắc được nhận thức bởi con mắt, nương nhau sanh hỷ. Nếu hỷ này đoạn
tận, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt
ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh. Tai, mắt, lưỡi, thân, ý, ý thức; pháp được
nhận thức bởi ý nhau sanh ra hỷ. Nếu hỷ này đoạn tận, vô dục, diệt tận, tịch diẹât, tĩnh chỉ, thì
ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât
đối thanh tịnh."
Gia chủ thôn chủ Ha­lê, sau khi nghe lời chỉ dạy của Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên, tùy hỷ hoan
hỷ, làm lễ ra về.
691
KINH 553. HA­LÊ (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha­lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha­lê đi đến
chỗ Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên,
thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Như khi Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Đế Thích rằng: Này Kiều­thi­ca, nếu
có Sa­môn, Bà­la­môn nào mà giải thoát vô thượng với sự dứt sạch ái, tâm khéo chân chánh giải
thoát, đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh. Làm thế
nào mà ở trong Pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, tốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât
đối thanh tịnh?"
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
"Nếu Tỳ­kheo nào, đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi
giới con mắt; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp
luật này mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh.
Đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý
giới; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp luật này
mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh."
Gia chủ thôn Ha­lê, nghe Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra về.
KINH 554. HA­LÊ (4)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở trong thôn Ha­lê của họ Thích. Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nghe gia chủ chủ
thôn Ha­lê mắc bệnh khổ. Sau khi nghe, vào buổi sáng sớm, đắp y mang bát vào thôn Ha­lê khất
thực, lần lượt đến nhà gia chủ thôn chủ Ha­lê. Gia chủ thôn chủ Ha­lê từ xa trông thấy Tôn giả
Ma­ha Ca­chiên­diên, ông muốn rời chỗ nằm đứng dậy. Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên thấy gia
chủ muốn đứng dậy, liền bảo gia chủ:
"Gia chủ chớ đứng dậy! May còn có chỗ ngồi, tôi có thể tự ngồi nơi đó."
Tôn giả lại nói với gia chủ:
"Thế nào gia chủ, tật bệnh có chịu đựng được không? Mọi thứ đau đớn của thân thể có thuyên
giảm không? Không tăng thêm chăng?"
Gia chủ đáp:
692
"Thưa Tôn giả, bệnh con rất khó nhẫn chịu. Những sự đau đớn của thân thể càng tăng thêm,
không bớt chút nào!"
Gia chủ liền nói ba thí dụ như kinh Xoa­ma Tỳ­kheo đã nói trước.
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
"Cho nên ông nên tu tập bất hoại tịnh đối với Phật, tu tập bất hoại tịnh đối với Pháp, tu tập bất
hoại tịnh đối với Tăng, tu tập và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy."
Gia chủ đáp:
"Bốn Bất hoại tịnh như Đức Phật dạy con đã thành tựu được tất cả. Hiện tại con đã thành tựu
Phật bất hoại tịnh, Pháp bất hoại tịnh, Tăng bất hoại tịnh và đã thành tựu Thánh giới."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
"Ông nên nương vào bốn pháp bất hoại tịnh này mà tu tập sáu pháp niệm. Nên niẹâm công đức
Phật: Ngài là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nên niệm công đức
Pháp: Đối với Chánh pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này, xa lìa các phiền não bức rức,
pháp được thông đạt, phi thời gian, duyên tự mình mà giác ngộ. Nên niệm công đức Tăng: Bậc
thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh
tùy thuận, Đó là hướng Tu­đà­hoàn, đắc quả Tu­đà­hoàn; hướng Tư­đà­hàm, đắc quả Tư­đà­
hàm; hướng A­na­hàm, đắc quả A­na­hàm; hướng A­la­hán, đắc quả A­la­hán. Như vậy, bốn
đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải
thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền Vô thượng của thế gian, là nơi cúng dường, cung
kính, lễ bái. Nên niệm công đức Giới: Tự giữ gìn chánh giới, không hủy, không khuyết, không
vỡ, không nát, là giới chẳng trộm lấy[78], giới cứu cánh, giới đáng khen ngợi, giới phạm hạnh,
giới không bị ghét bỏ. Nên niệm công đức Bố thí: Tự mình nghĩ đến bố thí, tự tâm cảm thấy hân
hoan, xả bỏ keo kiệt, tham lam; tuy ở tại gia nhưng tâm bố thí giải thoát, thường bố thí, vui vẻ bố
thí, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng. Nên niệm công đức chư Thiên: Niệm trời Tứ vương, trời
Tam thập tam, trời Diệm­ma, trời Đâu­suất­đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Chư Thiên này
với tín và giới thanh tịnh, khi chết ở cõi này được sanh về trong các cõi kia. Ta cũng như vậy,
nhờ tín, giới, trí, văn, tuệ thanh tịnh, nên được sanh về trong các cõi trời kia.
"Này gia chủ, như vậy nên biết nương vào bốn pháp Bất hoại tịnh và thêm sáu Niệm xứ nữa."
Gia chủ thưa Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên:
"Bốn pháp Bất hoại tịnh và sáu Niệm xứ mà Đức Thế Tôn đã nói, ở đây, tất cả con đều thành
tựu. Con đang tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên bảo gia chủ:
693
"Lành thay! Gia chủ có thể tự xác nhận là đắc quả A­na­hàm."
Bấy giờ, gia chủ thưa:
"Mời Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên ở lại đây thọ trai."
Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nhận lời mời. Gia chủ thôn chủ Ha­lê, biết Tôn giả đã nhận lời,
liền sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống ngon, tự tay cúng dường. Thọ trai xong, sau khi rửa bát,
súc miệng, Tôn giả vì gia chủ nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, xong Tôn
giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 555. HA­LÊ (5)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma­ha Cachiên­diên đang ở trong thôn Ha­lê của họ Thích. Lúc đó có gia chủ ở Bát thành[79] tên là Đà­
thí[80] thân bị bệnh khổ. Tôn giả Ma­ha Ca­chiên­diên nghe gia chủ Đà­thí mắc bệnh, sáng sớm
đắp y mang bát vào Bát thành khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ Đà­thí. Như kinh gia chủ Ha­lê
đã nói như vậy.
KINH 556. VÔ TƯỚNG TÂM TAM­MUỘI[81]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng An­thiền[82] tại thành Sa­kỳ[83].
Bấy giờ số đông Tỳ­kheo­ni đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một
bên. Đức Thế Tôn liền vì các Tỳ­kheo­ni nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ.
Khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Phật ngồi im lặng.
Các Tỳ­kheo­ni bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nếu vô tướng tâm tam­muội[84], không vọt lên, không chìm xuống[85], sau khi
giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam­muội này, Thế Tôn dạy nó
là quả gì, công đức gì?"
Phật bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Nếu vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau
khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam­muội này là trí quả, là trí công đức."
Khi các Tỳ­kheo­ni nghe Phật dạy xong, đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
694
Sau đó các Tỳ­kheo­ni đi đến Tôn giả A­nan, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua
một bên, thưa Tôn giả A­nan:
"Nếu vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau
khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam­muội này là quả gì, công đức gì?"
Tôn giả A­nan bảo các Tỳ­kheo­ni:
"Này các tỷ muội, nếu vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải
thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát. Thế Tôn nói là trí quả, là trí công đức."
Các Tỳ­kheo­ni đều nói:
"Lạ thay, Tôn giả A­nan! Đại Sư và đệ tử có cùng một câu nói, cùng một vị, cùng một nghĩa, tức
là Đệ nhất cú nghĩa. Hôm nay các Tỳ­kheo­ni có đến chỗ Thế Tôn, đem câu nói như vậy, vị như
vậy, nghĩa như vậy hỏi Thế Tôn. Thế Tôn cũng đã vì chúng con nói câu như vậy, vị như vậy và
nghĩa như vậy, giống như những gì Tôn giả A­nan nói không khác. Cho nên thật là kỳ đặc, Đại
Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng vị và cùng nghĩa."
Các Tỳ­kheo­ni sau khi nghe những gì Tôn giả A­nan nói, tất cả đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà
lui.
KINH 557. XÀ­TRI­LA[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cù­sư­la[87], thuộc nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan
cũng ở tại đó.
Khi ấy Tỳ­kheo­ni Xà­tri­la[88] đến chỗ Tôn giả A­nan đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi
Tôn giả A­nan:
"Nếu vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống[89], sau khi giải thoát rồi an
trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A­nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?"
Tôn giả A­nan bảo Tỳ­kheo­ni Xà­tri­la:
"Nếu vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau
khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn dạy nó là trí quả, trí công đức."
Tỳ­kheo­ni Xà­tri­la khen ngợi:
"Lạ thay! Thưa Tôn giả A­nan, Đại Sư và đệ tử nói giống nhau cùng một câu, cùng một ý vị,
cùng một nghĩa. Thưa Tôn giả A­nan, ngày trước, lúc Phật ở thành Sa­kỳ, trong rừng An­thiền,
lúc đó, có nhiều Tỳ­kheo­ni đi đến chỗ Phật hỏi nghĩa này, Thế Tôn đã nói cho các Tỳ­kheo­ni
695
nghe nói câu như vậy, ý vị như vậy, nghĩa cũng như vậy. Cho nên biết là kỳ đặc: Đại Sư và đệ tử
cùng nói một câu, cùng một vị và cùng một nghĩa. Đó gọi là Đệ nhất cú nghĩa."
Sau khi Tỳ­kheo­ni Xà­tri­la nghe những gì Tôn giả A­nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà
lui.
Như Tỳ­kheo­ni Xà­tri­la đã hỏi, Tỳ­kheo­ni Ca­la­bạt cũng hỏi như vậy.
KINH 558. A­NAN[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan cũng ở đó.
Lúc bấy giờ, có một Tỳ­kheo kia đạt được vô tướng tâm tam­muội, nghĩ rằng: "Ta hãy đến chỗ
Tôn giả A­nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ­kheo đạt được vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không
chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A­nan, Thế
Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A­nan hỏi ta: 'Tỳ­kheo, ông đã đạt vô tướng tâm
tam­muội này phải không? Đáp, tôi chưa từng có'. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn
giả A­nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe."
Tỳ­kheo này đi theo Tôn giả A­nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự
hỏi Tôn giả A­nan:
"Nếu Tỳ­kheo hỏi vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát
rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A­nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công
đức gì?"
Tôn giả A­nan hỏi Tỳ­kheo này:
"Tỳ­kheo, ông đã đạt tam­muội này chưa?"
Tỳ­kheo này im lặng. Tôn giả A­nan nói với Tỳ­kheo này rằng:
"Nếu Tỳ­kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi
giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức."
Sau khi nghe Tôn giả A­nan nói pháp này xong, Tỳ­kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh quyển 20. Kinh 537. Pāli, S.52.3 Sutanu.
[2]. Thủ thành dục trì 手成浴池, tên một con sông chảy qua Xá­vệ. Pāli: Sutanu.
696
[3]. Bản Pāli: sambahulā bhikkhū, số đông Tỳ­kheo.
[4]. Hán: đại đức đại lực 大德神力. Pāli: mahābhiññāta, đại thần thông.
[5]. Pāli: katamesaṃ dhammānaṃ bhāvitattā bahalikatattā mahābhiññataṃ patto ti, do tu tập
những pháp gì, tu tập nhiều, mà chứng đắc đại thắng trí (thần thông) này?
[6]. Chỉ cần chút cố gắng.
[7]. Pāli, S.52.6 Kaṇṭakī.
[8]. Bản Pāli: ở tại Sākete Kaṇṭakivane (khu rừng gai tại Sāketa).
[9]. Pāli, S.52.23. Dibbacakkhu.
[10]. S.52.10 Bāḷagilāna (bệnh nặng).
[11]. Bản Pāli: Andhavana (Ảm lâm, khu rừng tối).
[12]. Kinh số 103 quyển 5.
[13]. Như kinh trên.
[14]. Hán: lạc trú 樂住. Pāli: sukkhavihāra.
[15]. S.52.4 Kaṇṭaki (tên khu rừng, có nhiều gai).
[16]. Bản Pāli: Sākete Kaṇṭakivane, trong rừng Kaṇṭaki, Sāketa.
[17]. Học địa 學地. Pāli: sekhabhūmi.
[18]. Xem kinh trên.
[19]. Hán: hữu kết 有結. Pāli: bhava­saṃjoyana.
[20]. Vì sao xuất gia?
[21]. Pāli, S.52.8 Salaḷāgāra (tinh xá Tòng lâm).
[22]. Hán: tùy tuấn tùy thâu 隨浚隨輸, nghĩa không rõ. Bản Pāli: gaṅgā nadī pācīnaninnā
pācīnapoṇā pācīnapabbhārā, sông Hằng hướng về Đông, xuôi về Đông, đổ về Đông.
[23]. Pāli: cittaṃ dīgharattaṃ vivekaninnaṃ vivekapoṇaṃ vivekapabbhāraṃ, "tâm thú lâu ngày
hướng viễn ly, xu hướng viễn ly, khuynh hướng viễn ly".
697
[24]. Ấn Thuận, "31. Tương ưng Đại Ca­chiên­diên", gồm các kinh Đại Chánh 546­555. – Đại
Chánh kinh 546, Pāli: A.2.4.6 Ārāmadaṇḍa.
[25]. Ô­nê trì 烏泥池. Pāli: Kaddamadaha (ao bùn).
[26]. Bạt­lan­na tụ lạc 跋蘭那聚落. Pāli: Varaṇyā.
[27]. Chấp tháo quán trượng phạm chí 執澡灌杖梵志, không rõ nghĩa (Phạm chí cầm gậy có
treo bình nước rửa tay?). Chữ quán, bản Cao­ly 澡: tưới nước; bản Tống 盥 rửa tay; bản NguyênThánh 罐: cái hủ. Pāli: Ārāmadaṇḍa brāhmaṇo.
[28]. Tham dục hệ trước 貪欲繫著. Pāli: kāmarāgābhinivesa, đam mê dục lạc.
[29]. Kiến dục hệ trước 見欲繫著. Pāli: diṭṭhirāgābhinivesa, đam mê kiến giải.
[30]. Người lớn tuổi. Pāli, A.2.4.7 Kaṇḍarāyana..
[31]. Bà­la­na 婆羅那. xem cht.25, 26, kinh 546. Pāli: Madhurāyaṃ Gundāvane, trong rừng
Gundà, vương quốc Madhura.
[32]. Chấp trượng phạm chí 執杖梵志 Madhurāyaṃ Gundāvan. Pāli: Bà­la­môn Kaṇḍarāyana.
[33]. Hán: túc sĩ 宿士. Pāli: atha kho bālo na therotveva saṅkhyaṃ gacchati, "(người bị chi phối
bởi dục vọng) người như vậy được gọi là người ngu, chứ không phải là Trưởng lão". Pāli, bāla
chỉ người ngu, cũng có nghĩa là con nít.
[34]. Pāli, M.84 Madhura­sutta.
[35]. Trù lâm 稠林. Pāli: Madhurāyaṃ Gundāvane.
[36]. Tây Phương vương tử 西方王子. Pāli, vua nước Madhurā tên là Avantiputta.
[37]. Bản Hán: Bà­la­môn tử 婆羅門子, không phân biệt brahma (Phạm thiên) với brāhmaṇa
(Bà­la­môn).
[38]. Bản Hán: thị Bà­la­môn sở hữu 是婆羅門所有. Pāli: brahmadāyādā.
[39]. Pāli: ghosoyeva kho eso, mahāraja, lokasmiṇ, đó chỉ là tiếng chào xáo trong đời.
[40]. Nên hiểu, "nếu người Bà­la­môn làm vua". So sánh các đoạn dưới.
[41]. Nên hiểu, "nếu người Sát­đế­lợi (...) làm vua".
698
[42]. A­la­ha 阿羅呵. Pāli: ārahā, tức A­la­hán; ở đây chỉ chung các bậc Thánh được tôn sùng,
không phải riêng A­la­hán trong hàng Thanh văn của Phật.
[43]. Pāli, A.10.26 Kālī.
[44]. A­bàn­đề quốc Câu­la­la­tra tinh xá 阿槃提國拘羅羅咤精舍. Pāli: Avantīsu Kuraraghare
pavatte pabbate, trong thị trấn Kuraraghara, vương quốc Avanti, trong núi Pavatta.
[45]. Hán: nhập 入. Có sự nhầm lẫn về địa danh trong bản Hán.
[46]. Ca­lê­ca 迦梨迦. Pāli: Kuraragharikā Kālī, vợ của người thợ săn chim ưng (?). Bản Pāli:
Ưu­bà­di Kālī đi đến chỗ Tôn giả.
[47]. Tăng­kỳ­đa đồng nữ sở vấn 僧耆多童女所問. Pāli: Kumāripañha, "những câu hỏi của
Đồng nữ", chỉ các con gái của Mara, trong kinh S.4.25 Dhītaro.
[48]. Hán: thật nghĩa tồn ư tâm, tịch diệt nhi bất loạn 實義存於心寂滅而不亂. Pāli: atthassa
pattiṃ hadayassa santiṃ, đạt đến mục đích (ý nghĩa) và sự tịch tĩnh của tâm.
[49]. Pāli: jetva senaṃ piyasātarūpaṃ, hàng phục quân đội sắc khả ái, khả hỷ.
[50]. Hán: địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ 地一切入處正受, môn chánh thọ (tập trung tư
tưởng) có đề mục là nhất thiết nhập (hay biến xứ: tập trung trên tính phổ biến của đối tượng) với
đối tượng là đất, một trong mười đối tượng của đề mục thiền định biến xứ. Pāli: paṭhavì­kasiṇasamāpatti.
[51]. Pāli: paṭhavīkasiṇasamāpattiparamā kho bhaginī eke samaṇabrāhmaṇā attho' ti
abhinibbattesuṃ, "Một số Sa­môn, Bà­la­môn cho rằng địa biến xứ định là mục đích (ý nghĩa)
tối thượng".
[52]. Đây chỉ vị ngọt của định. Pāli: assāda.
[53]. Pāli, A.6.26 Kaccāna.
[54]. Hán: sở tri sở kiến 所知所見. Pāli: jānatā passataṛ, danh từ tác nhân; bản Hán hiểu là phân
từ quá khứ.
[55]. Pāli: ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikitiyāya, để đạt chánh lý, chứng Niết­bàn.
[56]. Nguyên bản: tịnh 凈; Theo đoạn dưới, sửa lại là niệm 念.
[57]. Tham dục giác, sân nhuế giác, hại giác 貪欲覺瞋恚覺害覺 tức ba bất thiện tầm. Pāli: tayo
akusala­vitakkā: kāma­vitakko, vyāpāda­, vihiṃsa­vitakko.
699
[58]. Dịch sát Hán: Thế Tôn hiện tại pháp luật. Bản Hán hiểu sai. Văn chuẩn theo Huyền Trang:
Phật chánh pháp (thiện thuyết) hiện kiến 佛正法(善說)現見: Chánh pháp của Phật (được khéo
thuyết), chứng nghiệm ngay trong hiện tại. Pāli: (svākkhato) bhagavato dhammo sandiṭṭhiko.
Xem cht. dưới.
[59]. Văn chuẩn định cú về niệm pháp (Huyền Trang, Pháp Uẩn Túc Luận 3): "Phật Chánh pháp
thiện thuyết, hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng". Pāli: svākkhāto
bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opnanāyiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.
[60]. Văn chuẩn định cú về niệm Tăng, xem Pháp uẩn, đã dẫn trên.
[61]. Phi đạo thủ giới 非盜取戒. Pāli: bhujssāni (silāni): nô lệ được giải phóng, tự do; (giới) tự
tại.
[62]. Pāli: cāga, huệ thí, thí xả, từ thiện bố thí.
[63]. Pāli: devatānussati, niệm tưởng chư Thiên.
[64]. Pāli, S.22.3 Hāliddikāni.
[65]. Ha­lê Tụ lạc trưởng giả 訶梨聚落長者. Ha­lê tụ lạc chủ; xem kinh tiếp theo. Pāli:
Hāliddikāni­gahapati.
[66]. Pāli: aṭṭhakavaggiye māgandiyapañhe, trong kinh Những câu hỏi của Māgandiya, phẩm
thứ 8 (Suttanipāta).
[67]. Hán: lưu 流. Pāli: rūpadhātu gahapati viññāṇassa oko, rūpadhāturāgavinibaddhañca pana
viññāṇam okasāriti vuccati, "Sắc giới là nhà của thức. Thức bị trói buộc bởi sắc giới tham được
gọi là người ở trọ nhà". Bản Hán đọc ogho (dòng chảy) thay vì oko (nhà).
[68]. Bất lưu 不流. Pāli: anokasārī, người không ở trọ. Xem cht. trên.
[69]. Lưu nguyên 流源. Pāli: niketasārī, tiêu tướng của trú xứ.
[70]. Pāli: kathaṃ ca gāme santhavajāto hoti, "Thế nào là sự hòa thuận trong thôn xóm?"
[71]. Bản Pāli: "Thế nào là không gần gũi xóm làng?"
[72]. Bất không dục 不空欲. Pāli: kāmehi aritto, chưa dọn sạch các dục.
[73]. Giải thích câu tụng 6. Pāli: kathañca... apurakkharāno hoti, thế nào là không ước vọng?
[74]. S.22.4 Hāliddikāni.
[75]. Xem cht.65, kinh 551.
700
[76]. Nguyên Hán: 如世尊界隔山石窟中為天帝釋說. Xem kinh 505. Pāli: Kurara ghare papāte
pabbate, trên sườn núi gần thị trấn Kurara ghara.
[77]. Ái tận giải thoát 愛盡解脫. Pāli: taṇhākkhayavimutti; Cf. M.37 Cūḷataṇhāsaṇkhayasuttam.
[78]. Xem cht.61, kinh 550.
[79]. Bát thành 八城. Pāli: Aṭṭhaka­nāgara.
[80]. Đà­thí 陀施. Pāli: Dasama.
[81]. Ấn Thuận, "33. Tương ưng A­nan", gồm các kinh, Đại Chánh 556­565. Đại Chánh kinh
556, không thấy Pāli tương đương.
[82]. An­thiền lâm Pāli: Añjanavana, khu rừng gần thị trấn Sāketa.
[83]. Sa­kỳ 娑祇. Pāli: Sāketa, thị trấn phước Kosala.
[84]. Vô tướng tâm tam­muội 無相心三昧; xem kinh 566, quyển 21. Pāli: animittā
(ceto)samādhi.
[85]. Hán: bất dũng bất một 不勇不沒. Pāli: (Yāyam samādhi) na cābhinato na cāpannato, (Định
ấy) không căng lên, không chùn xuống.
[86]. Pāli: A. ix. 37. Ānanda.
[87]. Cù­sư­la viên Pāli: Ghositārāma, tinh xá do Ghosita ở Kosambī dựng.
[88]. Xà­tri­la Tỳ­kheo­ni 闍知羅比丘尼. Pāli: Jaḷilā.
[89]. Hán: bất dũng bất một 不勇不沒. Xem cht.85, kinh 556.
[90]. Pāli, A.9.37 Ānanda.
701
TẠP A-HÀM QUYỂN 21
KINH 559. CA­MA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ba­la­lợi­phất­đố­lộ[2]. Bấy giờ Tôn giả A­nan và Tôn giả Ca­ma[3]
cũng ở tại tinh xá Kê lâm[4], nước Ba­la­lợi­phất­đố­lộ.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ca­ma đi đến chỗ Tôn giả A­nan, cùng nhau chào hỏi xong, rồi ngồi lui qua
một bên, nói với Tôn giả A­nan:
"Lạ thay! Thưa Tôn giả A­nan, có mắt, có sắc[5]; có tai, có âm thanh; có mũi, có mùi; có lưỡi,
có vị; có thân, có xúc; có ý, có pháp. Nhưng có Tỳ­kheo có những pháp này mà lại không giác tri
được. Vì sao, Tôn giả A­nan, Tỳ­kheo này vì có tưởng nên không giác tri được, hay vì không có
tưởng nên không giác tri được?"
Tôn giả A­nan nói với Tôn giả Ca­ma:
"Người có tưởng cũng không giác tri được, huống chi là người không có tưởng!"
Tôn giả Ca­ma lại hỏi Tôn giả A­nan:
"Những gì là có tưởng, có pháp mà không giác tri được?"
Tôn giả A­nan bảo Tôn giả Ca­ma:
"Nếu Tỳ­kheo nào ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly,
chứng và an trụ Sơ thiền; như vậy Tỳ­kheo có tưởng có pháp mà không giác tri. Cũng vậy,
chứng và an trụ đệ Nhị thiền, đệ Tam thiền, đệ Tứ thiền, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở
hữu nhập xứ. Như vậy Tỳ­kheo có tưởng có pháp mà không giác tri."
"Thế nào là không có tưởng, có pháp mà không giác tri?"
"Tỳ­kheo như vậy không niệm tưởng hết thảy tưởng, thân tác chứng, thành tựu và an trú vô
tưởng tâm tam­muội[6]; đó gọi là Tỳ­kheo không có tưởng, có pháp mà không giác tri."
Tôn giả Ca­ma lại hỏi Tôn giả A­nan:
"Nếu Tỳ­kheo nào đạt được tâm vô tướng tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, giải
thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đây là quả gì, công đức gì?"
Tôn giả A­nan bảo Tôn giả Ca­ma:
702
"Nếu Tỳ­kheo nào đạt được tâm vô tướng tam­muội, không vọt lên, không chìm xuống, giải
thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức[7]."
Hai vị Tôn giả cùng nhau bàn luận rồi tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 560. ĐỘ LƯỢNG[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, thuộc nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan cũng ở đó.
Lúc ấy Tôn giả A­nan bảo các Tỳ­kheo:
"Nếu có Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni nào tự xác nhận[9] trước mặt tôi, tôi sẽ chào mừng ủy lạo rằng:
Lành thay! Hoặc do suy cầu bốn đạo[10]. Những gì là bốn? Đó là, Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni ngồi mà
trụ tâm như vầy: Thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, nhất tâm bình đẳng mà tiếp
thọ phân biệt chỉ quán, đối với pháp mà lượng độ, tu tập, tu tập nhiều rồi, dứt hết các sử. Nếu có
Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni trước mặt tôi tự xác nhận, thì tôi ủy dụ: 'Như vậy, lành thay!' Hoăïc suy
cầu điều này. Đó là đạo thứ nhất.
"Lại nữa, Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni ngồi thẳng tư duy, đối với pháp tuyển trạch, tư lương mà trụ tâm:
Thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, nhất tâm bình đẳng mà tiếp thọ chỉ quán. Như
thế chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử. Nếu có Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni trước mặt tôi tự xác
nhận, thì tôi ủy dụ: 'Như vậy, lành thay!' Hoăïc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ hai.
"Lại nữa, Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni bị nắm giữ bởi sự động loạn, vì để điều phục tâm mà ngồi, ngồi
ngay ngắn trụ tâm: Thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm bình
đẳng mà tiếp thọ hóa[11]. Như thế chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử. Nếu có Tỳ­kheo,
Tỳ­kheo­ni trước mặt tôi tự xác nhận, thì tôi ủy dụ: 'Như vậy, lành thay!' Hoăïc suy cầu điều
này. Đó là đạo thứ ba.
"Lại nữa, Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni chỉ và quán hòa hợp, cả hai cùng thực hành, tác ý như thế mà
chánh hướng an trụ nhiều, thì sẽ dứt hết các sử. Nếu có Tỳ­kheo, Tỳ­kheo­ni trước mặt tôi tự xác
nhận, thì tôi ủy dụ: 'Như vậy, lành thay!' Hoăïc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ tư[12]."
Sau khi các Tỳ­kheo nghe những gì Tôn giả A­nan dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
KINH 561. BÀ­LA­MÔN[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan cũng ở đó.
703
Lúc ấy, có Bà­la­môn đến chỗ Tôn giả A­nan cùng chào đón hỏi thăm, rồi ngồi lui sang một bên,
hỏi Tôn giả A­nan:
"Vì sao Tôn giả ở chỗ Sa­môn Cù­đàm tu phạm hạnh?"
Tôn giả A­nan trả lời Bà­la­môn:
"Vì đoạn trừ."
Bà­la­môn ấy lại hỏi:
"Thưa Tôn giả, đoạn dứt cái gì?"
"Đoạn dứt ái."[14]
"Thưa Tôn giả A­nan, y chỉ gì để đoạn dứt ái?"
"Này Bà­la­môn, y chỉ dục[15] để đoạn dứt ái."
"Thưa Tôn giả A­nan, há không phải không có biên tế[16]?"
"Này Bà­la­môn, không phải không có biên tế. Quả vậy, có biên tế, không phải không có biên
tế."
"Thưa Tôn giả A­nan, thế nào là có biên tế, không phải không có biên tế?"
"Này Bà­la­môn, nay tôi hỏi ông, tùy ý mà trả lời. Ông nghĩ thế nào, trước đây có ý dục đến tinh
xá không?"
Bà­la­môn đáp:
"Đúng vậy, thưa Tôn giả A­nan!"
"Như thế, Bà­la­môn, sau khi đến tinh xá, dục kia dứt phải không?
"Đúng vậy, thưa Tôn giả A­nan, kia tinh tấn, phương tiện, trù lượng mà đi đến tinh xá."
Tôn giả A­nan lại hỏi:
"Sau khi đến tinh xá thì sự tinh tấn, phương tiẹân, trù lượng có dứt không?"
"Đúng vậy."
Tôn giả A­nan lại nói với Bà­la­môn:
704
"Như thế, Bà­la­môn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, nói bốn
Như ý túc, bằng nhứt thừa đoạn mà thanh tịnh chúng sanh, diệt khổ não, đoạn ưu bi. Những gì là
bốn? Như ý túc được thành tựu với sự cần hành trên dục định[17]. Như ý túc được thành tựu với
sự cần hành trên tinh tấn định, tâm định, tư duy định[18]. Như thế Thánh đệ tử tu dục định, đoạn
tham ái, thành tựu bốn Như ý túc. Y xa lìa, y vô dục, y giải thoát, y diệt, hướng đến xả đoạn dứt
ái; tham ái dứt rồi, thì dục kia cũng dứt; tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định, đoạn tham ái,
thành tựu, y xa lìa, y vô dục, y giải thoát, y tịch diệt, hướng đến xả tham ái dứt sạch; ái dứt sạch
rồi, tư duy định liền dứt."
"Này Bà­la­môn, ý ông thế nào? Đây chẳng phải là biên tế chăng?"
Bà­la­môn thưa:
"Thưa Tôn giả A­nan, đây là biên tế chẳng phải không biên tế."
Bà­la­môn nghe Tôn giả A­nan nói, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi đi.
KINH 562. CÙ­SƯ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù­sư­la, thuộc nước Câu­diệm­di. Bấy giờ Tôn giả A­nan cũng ở đó.
Lúc ấy có trưởng giả Cù­sư­la đến chỗ Tôn giả A­nan, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả, rồi ngồi lui qua
một bên, thưa Tôn giả A­nan:
"Thưa Tôn giả A­nan, thế nào gọi là vị thuyết pháp trong thế gian? Sao gọi là thiện hướng trong
thế gian[19]? Sao gọi là thiện đáo trong thế gian[20]?"
Tôn giả A­nan bảo trưởng giả Cù­sư­la:
"Bây giờ, tôi hỏi ông, tùy ý đáp câu hỏi của tôi. Này Trưởng giả, ý ông nghĩ sao, nếu có vị thuyết
pháp để điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, được gọi là vị thuyết pháp
trong thế gian không?"
Trưởng giả đáp:
"Thưa Tôn giả A­nan, nếu có vị thuyết pháp để điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều
phục ngu si, vị ấy được gọi là vị thuyết pháp trong thế gian."
Tôn giả A­nan lại hỏi trưởng giả:
"Ý ông nghĩ sao, nếu trong đời có vị hướng đến điều phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều
phục ngu si, đó gọi là vị thiện hướng trong thế gian. Nếu trong đời có vị đã điều phục tham dục,
sân nhuế, ngu si, vị đó gọi là thiện đáo hay chẳng phải?"
705
Trưởng giả đáp:
"Thưa Tôn giả A­nan, nếu trong đời có vị đã điều phục tham dục không dư tàn; điều phục sân
nhuế, ngu si không dư tàn, vị đó gọi là thiện đáo."
Tôn giả A­nan nói:
"Tôi thử hỏi ông, ông đã chân thật trả lời nghĩa ấy như vậy, ông nên ghi nhận giữ gìn."
Trưởng giả Cù­sư­la sau khi nghe những gì Tôn giả A­nan chỉ dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui
ra.
KINH 563. NI­KIỀN[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên bờ ao Di­hầu, nước Tỳ­xá­ly. Bấy giờ Tôn giả
A­nan cũng ở đó. Lúc ấy có Vô Úy người Ly­xa[22] là đệ tử của Ni­kiền và Thông Minh đồng
tử[23] người Ly­xa là đệ tử của A­kỳ­tỳ[24], cả hai cùng đi đến chỗ Tôn giả A­nan, cùng nhau
ân cần hỏi thăm xong, rồi ngồi lui qua một bên.
Khi ấy, Ly­xa Vô Úy nói với Tôn giả A­nan:
"Thầy tôi Ni­kiền Tử đã diệt trừ pháp thiêu đốt[25], thanh tịnh siêu xuất, đã vì các đệ tử nói đạo
lý như vầy: Nghiệp của đời trước, do thực hành khổ hạnh nên chắc chắn có thể được trút bỏ[26];
thân nghiệp chẳng tạo tác, chặt đứt cầu đò, trong đời vị lai, không còn các lậu, các nghiệp vĩnh
viễn đoạn tận. Vì nghiệp đã vĩnh viễn đoạn tận nên các khổ vĩnh viễn chấm dứt; vì khổ vĩnh viễn
chấm dứt nên cứu cánh biên tế khổ. Thưa Tôn giả A­nan, nghĩa này như thế nào?"
Tôn giả A­nan bảo Vô­úy:
"Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bâïc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu
đốt, thanh tịnh siêu xuất[27], bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua
khổ não, được pháp chân như[28]. Những gì là ba? Như vậy, Thánh đệ tử sống an trụ trong tịnh
giới, thọ trì Ba­la­đề­mộc­xoa, oai nghi đầy đủ, tín nơi các tội lỗi mà sanh ý tưởng sợ hãi[29].
Giữ gìn tịnh giới đầy đủ như vậy; nghiệp cũ dần dần trút sạch, ngay trong hiện tại được lìa nhiệt
não, không đợi thời tiết, chứng đắc Chánh pháp, quán sát thông đạt bằng sự hiện thấy, tự giác
ngộ bằng trí tuệ[30]. Này trưởng giả Ly­xa, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là
bâïc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh siêu xuất, bằng nhất thừa
đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não, được pháp chân như."
Lại nữa Vô Úy, với tịnh giới đã đầy đủ như thế, mà ly dục, lìa pháp ác bất thiện... cho đến, chứng
và an trụ đệ Tứ thiền. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác nói lìa nhiệt não được
pháp như thật.
706
Lại có tam­muội chánh thọ, đối với Khổ Thánh đế này biết như thật: Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt
Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế biết như thật. Thành tựu một cách đầy đủ tâm trí tuệ như thế,
nghiệp mới chẳng tạo, nghiệp cũ dần dần dứt sạch, ngay trong hiện tại được lìa nhiệt não, không
đợi thời tiết, chứng đắc Chánh pháp, quán sát thông đạt bằng sự hiện thấy, tự giác ngộ bằng trí
tuệ[31]. Này trưởng giả Ly­xa, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bâïc Tri giả,
Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh siêu xuất, bằng nhất thừa đạo mà thanh
tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não, được pháp như thật."
Bấy giờ, đệ tử của Ni­kiền Tử là Ly­xa Vô Úy, im lặng trong giây lâu. Đệ tử của A­kỳ­tỳ là Lyxa Thông Minh lặp lại với Vô Úy rằng:
"Lạ thay, Vô Úy! Sao im lặng như vậy? Pháp được khéo giảng nói bởi Như Lai, Ứng Cúng,
Đẳng Chánh Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, ông nghe mà không tùy hỷ chăng?"
Ly­xa Vô Úy đáp:
"Vì tôi đang suy nghĩ nghĩa ấy nên im lặng. Ai nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn Samôn Cù­đàm, mà không tùy hỷ? Nếu có người nào nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn
Sa­môn Cù­đàm mà không tùy hỷ thì đó là kẻ ngu si, sẽ lâu dài cam chịu khổ quả, không phải
nghĩa lợi, không phải hữu ích."
Bấy giờ, đệ tử của Ni­kiền Tử là Ly­xa Vô Úy và đệ tử của A­kỳ­tỳ là Ly­xa Thông Minh nghe
lại lời nói pháp của Phật do Tôn giả A­nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
KINH 564. TỲ­KHEO­NI[32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ­đà, nước Xá­vệ. Bấy giờ Tôn giả A­nan cũng ở đó.
Lúc ấy có một Tỳ­kheo­ni khởi tâm nhiễm trước đối với Tôn giả A­nan, sai người đến thưa Tôn
giả A­nan:
"Thân con bị bệnh khổ, xin Tôn giả thương xót đến thăm."
Tôn giả A­nan sáng sớm đắp y mang bát đến chỗ Tỳ­kheo­ni kia. Tỳ­kheo­ni kia từ xa trông thấy
Tôn giả A­nan đi đến, để thân thể lõa lồ nằm trên giường. Tôn giả A­nan từ xa trông thấy thân
thể của Tỳ­kheo­ni liền thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại. Tỳ­kheo­ni kia trông thấy Tôn giả
A­nan thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại, liền tự cảm thấy hổ thẹn. Cô đứng lên khoác lại y
phục, trải tọa cụ, đón tiếp Tôn giả A­nan, mời ngồi, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả, rồi lui đứng
sang một bên.
Lúc ấy, Tôn giả A­nan liền vì Tỳ­kheo­ni này nói pháp:
707
"Này cô, như cái thân này là do thức ăn uế tạp nuôi lớn, do kiêu mạn nuôi lớn, do ái nuôi lớn, do
dâm dục nuôi lớn. Này cô, nương nơi thức ăn uế tạp thì nên dứt các thức ăn uế tạp. Nếu nương
nơi kiêu mạn, thì nên dứt kiêu mạn. Nương nơi ái dục, hãy dứt ái dục.
"Này cô, thế nào gọi là nương nơi thức ăn uế tạp thì dứt thức ăn uế tạp? Thánh đệ tử đối với sự
ăn uống, phải xét lường, suy nghĩ mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý
tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp, mà chỉ vì duy
trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các
cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sanh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng; hoặc lực, hoặc
lạc, hoặc xúc nên trụ như thế. Thí như khách buôn dùng dầu tô hay dầu nấu đặc để bôi xe, không
có ý tưởng nhiễm trước, không có ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không ý
tưởng làm đẹp mà chỉ vì chuyên chở. Lại như người bị bệnh ghẻ bôi dầu không ý tưởng nhiễm
trước hay ưa thích, không ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không có ý tưởng làm
đẹp mà vì lành bệnh ghẻ. Như thế Thánh đệ tử xét lường mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối
lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng
làm đẹp; mà chỉ vì duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh,
vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát sanh, nuôi lớn theo tập quán cao
thượng; hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc, không lỗi lầm, trụ an ổn. Này cô, đó gọi là nương thức ăn
thì dứt ăn.
"Nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn. Thế nào là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn? Thánh đệ tử
nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia, sạch hết các hữu lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải
thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: 'Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm
đã xong, tự biết không còn tái sanh nữa.' Nghe rồi liền nghĩ rằng: 'Thánh đệ tử kia hết sạch hữu
lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn ta ngày nay, vì sao không hết hữu lậu, vì sao không tự
biết không còn tái sanh nữa?' Ngay lúc đó chắc chắn sẽ có thể dứt các hữu lậu, tự biết không còn
tái sanh nữa. Này cô, đó gọi là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.
"Này cô, thế nào là nương ái thì dứt ái? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia,
hết sạch các pháp hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn chúng ta sao chẳng hết hữu lậu, tự
biết không còn tái sanh nữa. Ngay lúc ấy có thể dứt các hữu lậu tự biết không còn tái sanh nữa
Này cô, đó gọi là nương ái thì ái dứt. Này cô, người không còn việc để làm, tức là người đã cắt
đứt cầu đò, đoạn tuyệt dâm dục."
Khi Tôn giả A­nan nói pháp, Tỳ­kheo­ni xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ­kheo­ni
ấy thấy pháp đắc pháp, giác pháp, nhập pháp, không còn hồ nghi, chẳng do người khác, đối với
Chánh pháp luật tâm không sợ hãi.
Tỳ­kheo­ni đến đảnh lễ dưới chân Tôn giả A­nan và thưa:
"Ngày nay con xin phát lồ sám hối. Con ngu si, không tốt, làm ra chuyện xấu xa như thế. Nay ở
nơi Tôn giả A­nan, con tự thấy lỗi lầm, tự biết lỗi, con xin phát lồ sám hối, mong Tôn giả thương
xót."
Tôn giả A­nan bảo Tỳ­kheo­ni:
708
"Bây giờ cô đã chân thật tự thấy tội, biết lỗi, ngu si, bất thiện. Cô tự biết đã tạo tội xấu xa. Cô tự
biết, tự thấy và ăn năn lỗi lầm, ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới. Nay tôi nhận sự sám hối của cô,
vì thương xót muốn khiến cô được tăng trưởng pháp lành trọn không thoái giảm. Vì sao? Vì nếu
người tự thấy tội, tự biết tội, luôn sám hối thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới, pháp lành tăng
trưởng, trọn không thoái giảm."
Sau khi Tỳ­kheo­ni này nghe Tôn giả A­nan nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan
hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 565. BÀ­ĐẦU[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật cùng Tôn giả A­nan ở tại Kiều­trì[34], du hành trong nhân gian, đi đến rừng
Thân­thứ[35], phía Bắc làng Bà­đầu[36].
Bấy giờ các thiếu niên tại làng Bà­đầu nghe nói Tôn giả A­nan ở tại Kiều­trì, du hành trong nhân
gian, đi đến rừng Thân­thứ, phía Bắc làng Bà­đầu, bèn kêu gọi nhau tập hợp lại, rồi cùng nhau đi
đến chỗ Tôn giả A­nan, đảnh lễ Tôn giả, ngồi lui qua một bên. Lúc ấy Tôn giả A­nan bảo các
thiếu niên:
"Này các Hổ chủng[37], Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, nói bốn thứ thanh tịnh[38]:
Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh, Giải thoát thanh tịnh.
"Thế nào là Giới thanh tịnh? Thánh đệ tử trụ nơi Ba­la­đề­mộc­xoa, giới tăng trưởng, oai nghi
đầy đủ, đối với tội vi tế cũng sanh sợ hãi, giữ gìn các học giới, giới thân chưa trọn vẹn có thể làm
cho đầy đủ hoàn toàn, đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn. Dục, tinh tấn phương tiện siêu xuất, siêng
năng dũng mãnh, thân, tâm pháp luôn luôn nhiếp thọ[39]; đó gọi là Giới tịnh đoạn.
"Này các Hổ chủng? Thế nào là Tâm tịnh đoạn? Thánh đệ tử ly dục, lìa pháp ác bất thiện chứng
và an trụ đệ Tứ thiền; định thân chưa đầy đủ thì làm cho được đầy đủ, đã đầy đủ rồi thì tùy thuận
giữ gìn. Dục, tinh tấn, cho đến luôn luôn nhiếp thọ; đó gọi là Tâm tịnh đoạn[40].
"Này các Hổ chủng, thế nào gọi là Kiến tịnh đoạn? Thánh đệ tử nghe Đại Sư nói pháp; với pháp
được nói như vậy, như vậy, thì như vậy, như vậy mà nhập chánh quán như thật, như vậy, như
vậy mà được hoan hỷ, được tùy hỷ, được theo Phật.
"Lại nữa, Thánh đệ tử tuy chẳng nghe Đại Sư nói pháp, nhưng nghe từ bậc minh trí được các vị
phạm hạnh tôn trọng. Nghe các vị phạm hạnh được tôn trọng nói như vậy, như vậy, thì như vậy,
như vậy mà nhập chánh quán như thật, như vậy, như vậy mà được hoan hỷ, được tùy hỷ, có tín
đối với Chánh pháp.
"Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng được nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được
các vị phạm hạnh tôn trọng nói. Chỉ nghe những điều đã nghe và thọ trì trước kia, đọc đi đọc lại
709
tập quen. Sau khi thọ trì những điều đã nghe trước kia mà đọc đi đọc lại như vậy, như vậy rồi,
như vậy mà thâm nhập có tín đối với Chánh pháp.
"Lại nữa Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các vị
phạm hạnh tôn trọng nói lại, cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia,
nhưng với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; với pháp đã được nghe
trước kia mà nói rộng cho người khác như vậy, như vậy rồi, như vậy mà thâm nhập có tín đối với
Chánh pháp.
"Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các vị
phạm hạnh tôn trọng nói lại, cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia, cũng
chẳng có thể với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; nhưng đối với pháp
đã được nghe trước kia một mình ở chỗ vắng vẻ tư duy quán sát. Tư duy quán sát như vậy, như
vậy rồi, như vậy mà thâm nhập có tín đối với Chánh pháp.
"Như thế từ người khác được nghe, bên trong chánh tư duy. Đó gọi là chánh kiến chưa khởi
khiến khởi; chánh kiến đã khởi làm cho rộng thêm. Đó gọi là tuệ thân[41] chưa đầy đủ làm cho
đầy đủ; tuệ thân đã đầy đủ rồi, tùy thuận giữ gìn. Dục, tinh tấn, cho đến luôn luôn nhiếp thọ; đó
gọi là Kiến tịnh đoạn[42].
"Này các Hổ chủng, thế nào gọi là Giải thoát thanh tịnh đoạn? Thánh đệ tử đối với tâm tham mà
vô dục được giải thoát; đối với tâm sân, si mà vô dục được giải thoát. Giải thoát như thế chưa
đầy đủ khiến cho đầy đủ; đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn. Dục, tinh tấn, cho đến luôn luôn nhiếp
thọ; đó gọi là Giải thoát tịnh đoạn[43]."
Sau khi nghe Tôn giả A­nan chỉ dạy xong, các thiếu niên làng Bà­đầu, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi
lui.
KINH 566. NA­GIÀ­ĐẠT­ĐA (1)[44]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la[45], cùng với các Tỳ­kheo Thượng tọa. Bấy
giờ có trưởng giả Chất­đa­la[46] đến chỗ các Tỳ­kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi
ngồi lui qua một bên. Các Tỳ­kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất­đa­la nói pháp bằng nhiều
hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi nói pháp bằng nhiều hình thức,
khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các Thượng tọa ngồi im lặng. Trưởng giả Chất­đala liền cúi đầu đảnh lễ các Tỳ­kheo Thượng tọa, rồi đi đến phòng Tỳ­kheo Na­già­đạt­đa; đảnh lễ
Tỳ­kheo Na­già­đạt­đa, rồi ngồi lui qua một bên. Tỳ­kheo Na­già­đạt­đa hỏi trưởng giả Chất­đala:
"Có lời nói như vầy:
Chi xanh[47] được phủ trắng[48]
710
Xe một bánh lăn quay;
Lìa kết, đến quán sát,
Cắt dòng, chẳng còn trói.
"Này Trưởng giả, bài kệ này có nghĩa gì?"
Trưởng giả Chất­đa­la thưa:
"Tôn giả Na­già­đạt­đa, có phải Đức Thế Tôn nói bài kệ này không?"
"Phải."
Chất­đa­la thưa Tôn giả Na­già­đạt­đa:
"Xin Tôn giả im lặng chốc lát, tôi sẽ suy nghĩ ý nghĩa này."
Sau một hồi im lặng suy nghĩ, Chất­đa­la nói với Tôn giả Na­già­đạt­đa:
"Xanh nghĩa là Giới[49]. Phủ trắng[50] là giải thoát. Một bánh là thân niệm. Quay là quay ra. Xe
là chỉ quán[51]. Lìa kết[52], có ba thứ kết là tham, sân, si. A­la­hán kia đã dứt sạch các lậu, đã
diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa­la không sanh trở lại nữa, đời vị lai thành
pháp bất sanh.
"Quán sát[53] nghĩa là thấy. Đến, là người đến[54].
"Cắt dòng[55], nghĩa là dòng ái nơi sanh tử. Tỳ­kheo A­la­hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt,
đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa­la không sanh trở lại nữa, đời vị lai thành pháp
bất sanh.
"Chẳng còn trói[56], là ba hệ phược: tham dục phược, sân nhuế phược, ngu si phược. Tỳ­kheo
A­la­hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa­la không
sanh trở lại nữa, đời vị lai thành pháp bất sanh.
"Thế nên, này Tôn giả Na­già­đạt­đa, Thế Tôn nói bài kệ này:
"Chi xanh được phủ trắng
Xe một bánh lăn quay;
Lìa kết, quán sát đến,
Cắt dòng, chẳng còn trói."
711
"Thế Tôn nói bài kệ này, tôi đã phân biệt rồi."
Tôn giả Na­già­đạt­đa hỏi trưởng giả Chất­đa­la:
"Ông đã nghe nghĩa này trước rồi chăng?"
"Thưa, không được nghe."
Tôn giả Na­già­đạt­đa nói:
"Này Trưởng giả, ông được lợi ích tốt lành, ở nơi Phật pháp sâu xa này mà được thâm nhập bằng
tuệ nhãn của Hiền thánh."
Trưởng giả Chất­đa­la sau khi nghe Tôn giả Na­già­đạt­đa nói xong, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi
lui.
KINH 567. NA­GIÀ­ĐẠT­ĐA (2)[57]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la, cùng với các Tỳ­kheo Thượng tọa. Bấy giờ có
trưởng giả Chất­đa­la đến chỗ các Tỳ­kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui
qua một bên. Các Tỳ­kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất­đa­la nói pháp bằng nhiều hình thức,
khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi nói pháp bằng nhiều hình thức, khai thị, chỉ
giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các Thượng tọa ngồi im lặng. Trưởng giả Chất­đa­la liền cúi
đầu đảnh lễ các Tỳ­kheo Thượng tọa, rồi đi đến phòng Tỳ­kheo Na­già­đạt­đa; đảnh lễ Tỳ­kheo
Na­già­đạt­đa, rồi ngồi lui qua một bên. Tỳ­kheo Na­già­đạt­đa hỏi trưởng giả Chất­đa­la:
"Có vô lượng tâm tam­muội, vô tướng tâm tam­muội, vô sở hữu tâm tam­muội, không tâm tammuội. Thế nào, trưởng giả, các pháp này vì có nhiều nghĩa khác nhau nên có nhiều tên khác
nhau, hay là chỉ có một nghĩa mà có nhiều tên?"
Trưởng giả Chất­đa­la hỏi Tôn giả Na­già­đạt­đa:
"Các tam­muội này là do Thế Tôn nói hay Tôn giả tự ý nói?"
Tôn giả Na­già­đạt­đa đáp:
"Đây là do Thế Tôn nói."
Trưởng giả Chất­đa­la thưa Tôn giả Na­già­đạt­đa:
"Xin cho tôi được suy nghĩ một chút nghĩa này, rồi sẽ trả lời."
Sau giây lát suy nghĩ, trưởng giả nói với Tôn giả Na­già­đạt­đa:
712
"Có pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị khác nhau, có pháp chỉ một nghĩa mà nhiều vị."
Tôn giả Na­già­đạt­đa lại hỏi trưởng giả:
"Thế nào là có pháp nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị khác nhau?"
Trưởng giả Chất­đa­la đáp:
"Vô lượng tâm tam­muội[58], nghĩa là tâm của Thánh đệ tử câu hữu với từ, không oán, không
hận, không sân, khoan dung, rộng lớn, tu tập vô lượng, duyên khắp mọi phương. Cũng thế
phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, trên dưới tất cả tâm câu hữu với từ, không oán,
không hận, không sân, khoan dung, rộng lớn, tu tập vô lượng, sung mãn khắp mọi phương,
duyên khắp tất cả thế gian mà an trú. Đó gọi là vô lượng tâm tam­muội.
"Thế nào là vô tướng tâm tam­muội[59]? Thánh đệ tử đối với tất cả tướng đều không niệm
tưởng, tự thân tác chứng vô tướng tâm tam­muội. Đó gọi là vô tướng tâm tam­muội.
"Thế nào gọi là vô sở hữu tâm tam­muội[60]? Thánh đệ tử vượt qua tất cả vô lượng thức nhập
xứ, vô sở hữu, trụ vô sở hữu. Đó gọi là vô sở hữu tâm tam­muội.
"Thế nào gọi là không tâm tam­muội[61]? Thánh đệ tử, thế gian trống rỗng[62], quan sát như
thật rằng thế gian trống rỗng, thường trụ, không biến đổi, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đó
gọi là không tâm tam­muội.
"Đó gọi là pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị."
Tôn giả Na­già­đạt­đa hỏi trưởng giả:
"Thế nào là pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều vị?"
"Thưa Tôn giả, tham là có lượng[63]. Nếu vô tránh, là đệ nhất vô lượng[64]. Nghĩa là, tham là
có tướng; nhuế, si là có tướng; vô tránh là vô tướng. Tham là sở hữu, sân nhuế là sở hữu, vô
tránh là vô sở hữu. Lại nữa, vô tránh là trống không, không có tham, không có sân, không có si,
trống không thường trụ chẳng biến đổi, không phải ngã, không phải ngã sở. Đó là pháp chỉ có
một nghĩa mà có nhiều vị."
Tôn giả Na­già­đạt­đa hỏi:
"Thế nào, trưởng giả, nghĩa này ông đã nghe trước rồi phải không?
"Thưa Tôn giả con không nghe."
Tôn giả Na­già­đạt­đa lại bảo trưởng giả:
713
"Này Trưởng giả, ông được lợi ích lớn, ở nơi Phật pháp sâu xa này mà được thâm nhập bằng tuệ
nhãn của Hiền thánh."
Trưởng giả Chất­đa­la sau khi nghe Tôn giả Na­già­đạt­đa nói xong, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi
lui.
Sau khi trưởng giả nghe Tôn giả Na­già­đạt­đa nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
KINH 568. GIÀ­MA[65]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la cùng với các Tỳ­kheo Thượng tọa. Bấy giờ,
trưởng giả Chất­đa­la đến đảnh lễ các Tỳ­kheo Thượng tọa, rồi đến đảnh lễ Tỳ­kheo Già­ma[66],
rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tỳ­kheo Già­ma:
"Hành, thế nào gọi là hành[67]?"
Tỳ­kheo Già­ma đáp:
"Hành, nghĩa là có ba hành: thân hành, khẩu hành và ý hành."
"Thế nào là thân hành, thế nào là khẩu hành, thế nào là ý hành?"
"Này Trưởng giả, hơi thở ra vào là thân hành; có giác, có quán gọi là khẩu hành; tưởng, tư gọi là
ý hành."
"Vì sao hơi thở ra vào gọi là thân hành; có giác, có quán[68] gọi là khẩu hành; có tưởng, tư[69]
gọi là ý hành? Này Trưởng giả, hơi thở ra vào là pháp của thân, y nơi thân, thuộc nơi thân, nương
nơi thân mà chuyển, do đó hơi thở ra vào gọi là thân hành. Vì có giác, có quán nên miệng nói
năng, thế nên có giác, có quán gọi là khẩu hành. Tưởng, tư là ý hành. Nương nơi tâm, thuộc về
tâm, y tâm mà chuyển, do đó tưởng, tư là ý hành."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Giác, quán rồi phát ra miêïng nói, thế nên giác, quán thuộc về khẩu hành. Tưởng, tư là tâm sở
pháp, nương nơi tâm, thuộc nơi tâm mà tưởng chuyển, thế nên tưởng, tư gọi là ý hành."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả có bao nhiêu pháp:
Lúc người bỏ thân này,
Thân xác nằm trên đất,
Ném vào trong gò mả,
714
Vô tâm như gỗ đá?
Tôn giả đáp lại:
Hơi ấm, thọ và thức,
Lúc xả thân đều bỏ,
Thân kia trong gò mả,
Vô tri như gỗ đá.
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Người chết và người nhập chánh thọ Diệt tận[70] có khác nhau không?"
"­ Xả thọ và hơi ấm, các căn hư hoại, thân mạng phân ly, đó gọi là chết. Người Diệt tận định,
thân, khẩu, ý hành diệt, nhưng không xả thọ mạng, chẳng lìa hơi ấm, các căn không hoại, thân
mạng thuộc nhau. Đó là tướng sai khác giữa người chết và người nhập Diệt tận định."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Thế nào là nhập Diệt tận chánh thọ?"
"­ Trưởng giả, người nhập Diệt tận chánh thọ không nói, 'ta đang nhập Diệt tận chánh thọ, ta sẽ
nhập Diệt tận chánh thọ'. Nhưng trước đó đã làm phương tiện tắt dần như thế; như phương tiện
từ trước, hướng đến nhập Diệt tận chánh thọ."
"Lúc nhập Diệt tận chánh thọ, trước hết diệt pháp gì, là diệt thân hành, khẩu hành hay ý hành?"
"­ Này Trưởng giả, người nhập Diệt tận chánh thọ trước hết diệt khẩu hành, kế đến thân hành,
sau đó là ý hành."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Thế nào là xuất Diệt tận chánh thọ?"
Tôn giả đáp:
"Trưởng giả, người xuất Diệt tận chánh thọ cũng không nghĩ rằng: 'Ta nay xuất chánh thọ, ta sẽ
xuất chánh thọ'. Nhưng trước kia đã tác thành tâm phương tiện; như tâm trước kia mà khởi."
"Khởi Diệt tận chánh thọ, pháp nào khởi trước, là thân hành, khẩu hành hay ý hành?"
715
"­ Này Trưởng giả, từ Diệt tận chánh thọ khởi, ý hành khởi trước, kế đến thân hành, rồi đến khẩu
hành."
"Tôn giả, sự nhập Diệt tận định, thế nào là thuận xuôi, chảy xuôi, chảy sâu[71]?"
"­ Này Trưởng giả, sự nhập Diệt tận chánh thọ thuận xuôi về viễn ly, chảy xuôi về viễn ly, chảy
sâu về viễn ly; thuận xuôi về xuất ly, chảy xuôi về xuất ly, chảy sâu về xuất ly; thuận xuôi Niếtbàn, chảy xuôi Niết­bàn, chảy sâu vào Niết­bàn."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Lúc trụ Diệt tận chánh thọ, được xúc bởi bao nhiêu xúc?"
Tôn giả đáp:
"­ Này Trưởng giả, xúc bất động, xúc vô tướng, xúc vô sở hữu."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Lúc nhập Diệt tận chánh thọ, tác thành bao nhiêu pháp?"
Tôn giả đáp:
"Này Trưởng giả, điều ấy nên hỏi trước, sao đến bây giờ mới hỏi? Nhưng tôi cũng nói cho ông
biết. Tỳ­kheo nhập Diệt tận chánh thọ tu hai pháp: Chỉ và quán."
Sau khi trưởng giả Chất­đa­la nghe Tôn giả nói xong, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ rồi đi.
KINH 569. LÊ­TÊ­ĐẠT­ĐA (1)[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la, cùng với các Tỳ­kheo Thượng tọa. Bấy giờ,
có trưởng giả Chất­đa­la đến chỗ các Tỳ­kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi
lui qua một bên. Các Tỳ­kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất­đa­la nói pháp bằng nhiều hình
thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi nói pháp bằng nhiều hình thức, khai
thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các Thượng tọa ngồi im lặng.
Trưởng giả Chất­đa­la liền rời khỏi chỗ ngồi, trịch vai áo bên phải, quỳ gối chắp tay thưa thỉnh
các Thượng tọa:
"Con cúi xin chư tôn nhận lễ cúng dường, bữa ăn đạm bạc của con."
Khi ấy các Thượng tọa im lặng nhận lời. Trưởng giả biết các Thượng tọa đã im lặng nhận lời
mời, vội vã đảnh lễ rồi lui. Về nhà, sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống, trải chỗ ngồi. Sáng sớm,
716
sai người đến báo đã đến giờ. Các Thượng tọa đều đắp y mang bát đến nhà trưởng giả, ngồi vào
chỗ ngồi dọn sẵn. Trưởng giả cúi đầu đảnh lễ các Thượng tọa, rồi ngồi lui qua một bên thưa
rằng:
"Thưa các Thượng tọa, gọi là đa dạng giới[73]. Vậy thế nào là đa dạng giới?"
Bấy giờ, các Thượng tọa im lặng. Ba lần thưa như vậy. Lúc ấy Tôn giả Lê­tê­đạt­đa[74] ngồi hạ
tọa trong chúng, thưa với các Tỳ­kheo Thượng tọa:
"Thưa các Tôn giả, con muốn đáp câu hỏi của trưởng giả này."
Các Thượng tọa đáp:
"Được."
Trưởng giả Chất­đa­la liền hỏi:
"Thưa Tôn giả, đa dạng giới; những gì là đa dạng giới?"
Lê­tê­đạt­đa đáp:
"Này trưởng giả, nhãn giới khác, sắc giới khác, nhãn thức giới khác; nhĩ giới khác, thanh giới
khác, nhĩ thức giới khác; tỷ giới khác, hương giới khác, tỷ thức giới khác; thiệt giới khác, vị giới
khác, thiệt thức giới khác; thân giới khác, xúc giới khác, thân thức giới khác; ý giới khác, pháp
giới khác, ý thức giới khác. Như vậy, Trưởng giả, đó gọi là đa dạng giới."
Bấy giờ, trưởng giả Chất­đa­la đem các thứ thức ăn ngon lành, tinh khiết cúng dường. Sau khi
chúng Tăng thọ thực, súc miệng, cất y bát xong, trưởng giả Chất­đa­la trải một chỗ ngồi thấp ở
trước các Thượng tọa để nghe pháp.
Các Thượng tọa vì trưởng giả nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, sau đó các
Thượng tọa rời chỗ ngồi mà đi. Dọc đường các Thượng tọa nói với Lê­tê­đạt­đa:
"Lành thay, lành thay! Tỳ­kheo Lê­tê­đạt­đa, ông thật khéo biện tài và nói rất đúng lúc. Nếu ở
trường hợp khác, ông cũng nên ứng đáp như vậy."
Các Thượng tọa sau khi nghe những lời của Lê­tê­đạt­đa, hoan hỷ phụng hành.
KINH 570. LÊ­TÊ­ĐẠT­ĐA (2)[75]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la cùng với chúng Tăng gồm các Tỳ­kheo
Thượng tọa. Bấy giờ, trưởng giả Chất­đa­la đến chỗ các Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân,
rồi ngồi lui qua một bên, thưa các Thượng tọa:
717
"Theo cái thấy của thế gian, có người nói có ngã, hoặc nói chúng sanh, hoặc nói thọ mạng, hoặc
nói việc tốt xấu ở thế gian. Thế nào, thưa Tôn giả, có sở kiến khác nhau đó là do gốc gì, tập gì,
sanh gì, chuyển gì[76]?"
Các Thượng tọa im lặng chẳng đáp. Được hỏi ba lần như vậy, các Thượng tọa vẫn im lặng. Bấy
giờ, có Tỳ­kheo hạ tọa là Lê­tê­đạt­đa thưa với các Thượng tọa:
"Thưa các Thượng tọa, con muốn đáp câu hỏi của Trưởng giả này."
Các Thượng tọa bảo:
"Khéo đáp được thì đáp."
Trưởng giả liền hỏi Tôn giả Lê­tê­đạt­đa:
"Những sở kiến của thế gian do gốc gì, tập gì, sanh gì, chuyển gì?"
Tôn giả Lê­tê­đạt­đa đáp:
"Này Trưởng giả, những gì là sở kiến của thế gian, hoặc nói có ngã, hoặc nói chúng sanh, hoặc
nói thọ mạng, hoặc nói việc tốt xấu của thế gian; các sở kiến ấy đều lấy thân kiến làm gốc, thân
kiến tập, thân kiến sanh, thân kiến chuyển."
Trưởng giả lại hỏi:
"Thế nào là thân kiến[77]?"
Tôn giả đáp:
"Này Trưởng giả, phàm phu ngu si không học thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, ngã ở trong sắc, sắc
ở trong ngã; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thức khác ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong
thức. Này Trưởng giả, đó gọi là thân kiến."
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
"Làm thế nào để không có thân kiến này?"
Tôn giả đáp:
"Này Trưởng giả, đa văn Thánh đệ tử chẳng thấy sắc là ngã, chẳng thấy sắc khác ngã, chẳng thấy
sắc trong ngã, ngã trong sắc[78]; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng thấy thức khác
ngã, chẳng thấy thức trong ngã, ngã trong thức; đó gọi là không có thân kiến."
"Cha của Tôn giả tên gì? Sanh ở đâu?"
718
"Tôi sanh ở phía sau nhà trưởng giả."
Trưởng giả Chất­đa­la bảo Tôn giả Lê­tê­đạt­đa:
"Hai cụ thân sanh của con và Tôn giả vốn là chỗ quen biết."
Tôn giả Lê­tê­đạt­đa đáp:
"Vâng, đúng như thế."
Trưởng giả Chất­đa­la bảo Lê­tê­đạt­đa:
"Nếu Tôn giả ở trong vườn Am­la này, suốt đời con xin cúng dường y phục, thức ăn và thuốc
men."
Tôn giả Lê­tê­đạt­đa im lặng nhận lời. Vì Tôn giả Lê­tê­đạt­đa đã nhận sự cúng dường rồi nên
thường bị chướng ngại, lâu ngày không đến chỗ Thế Tôn.
Bấy giờ, các Thượng tọa vì trưởng giả Chất­đa­la nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho
hoan hỷ.
Sau khi được sự khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, trưởng giả Chất­đa­la tùy hỷ hoan
hỷ làm lễ rồi lui.
KINH 571. MA­HA­CA[79]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la, cùng chúng Tăng gồm các vị Tỳ­kheo
Thượng tọa. Bấy giờ trưởng giả Chất­đa­la đến chỗ các Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân,
rồi ngồi lui qua một bên, thưa với các Thượng tọa:
"Xin thỉnh các Tôn giả nhận lời mời của con đến trại bò[80] thọ thực."
Các Thượng tọa im lặng nhận lời mời. Trưởng giả Chất­đa­la biết các Thượng tọa im lặng nhận
lời rồi, liền vội vàng trở về nhà. Suốt đêm trưởng giả chuẩn bị đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống,
sáng sớm sắp xếp chỗ ngồi, rồi sai người đến thưa với các Thượng tọa biết đã đến giờ. Các
Thượng tọa đắp y mang bát đến nhà trưởng giả Chất­đa­la trong thôn trại bò. Khi đã ngồi xong,
trưởng giả Chất­đa­la tự tay dâng các thứ đồ ăn thức uống cúng dường. Sau khi các Thượng tọa
thọ trai, súc miệng, rửa bát xong, trưởng giả Chất­đa­la trải một chỗ ngồi thấp trước các Thượng
tọa để nghe pháp.
Bấy giờ, các Thượng tọa vì trưởng giả mà nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ.
Sau khi khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các Thượng tọa rời chỗ ngồi đứng dậy ra
719
đi. Trưởng giả Chất­đa­la cũng đi theo sau. Các Thượng tọa vì ăn mật, tô, lạc, quá no, lúc ấy vào
tháng cuối xuân, trời nóng bức, nên đi đường rất mệt nhọc.
Bấy giờ có Tỳ­kheo hạ tọa tên là Ma­ha­ca[81] thưa với các vị Thượng tọa:
"Hôm nay trời quá oi bức, con muốn nổi mây mưa và gió mát có được không?"
Các Thượng tọa đáp:
"Ngươi có thể làm như vậy thì tốt lắm."
Ma­ha­ca liền nhập tam­muội, bằng chánh thọ như vậy[82], liền khi đó mây nổi, mưa nhẹ và gió
mát từ bốn phương thổi tới. Đến cửa tinh xá, Tôn giả Ma­ha­ca hỏi các Thượng tọa:
"Việc làm này có thể dừng lại được chưa?"
Các Thượng tọa đáp:
"Hãy dừng đi."
Lúc ấy, Ma­ha­ca liền ngưng thần thông, rồi trở về phòng riêng. Trong khi đó trưởng giả Chất­
đa­la nghĩ thầm: Vị Tỳ­kheo tối hạ tọa mà có thể có sức thần thông lớn như thế, huống chi là các
bậc trung tọa, thượng tọa. Nghĩ như thế liền đảnh lễ chân các Tỳ­kheo Thượng tọa, rồi đi theo
Tỳ­kheo Ma­ha­ca đến phòng của Tỳ­kheo này, làm lễ Tôn giả Ma­ha­ca, rồi ngồi lui qua một
bên thưa:
"Thưa Tôn giả, con muốn được thấy sự hóa hiện thần túc siêu quá người thường của Tôn
giả[83]."
Tôn giả Ma­ha­ca nói:
"Trưởng giả chớ nên thấy, sẽ sợ hãi!"
Ba lần thỉnh, ba lần Tôn giả đều từ chối. Trưởng giả lại thỉnh nữa:
"Xin Tôn giả cho xem thần thông biến hóa."
Tôn giả Ma­ha­ca bảo trưởng giả:
"Thôi ông hãy ra ngoài, lấy cỏ khô và củi gom lại một đống, rồi đem tấm đệm trùm lên trên."
Trưởng giả Chất­đa­la y theo lời dạy của Tôn giả, ra ngoài gom củi thành đống, rồi đến thưa Tôn
giả:
"Đống củi đã có và con đã phủ lên bằng một tấm đệm."
720
Tôn giả Ma­ha­ca liền nhập tam­muội hỏa quang, từ lỗ trống then cửa phát ra ngọn lửa. Lửa đốt
trụi đống củi, chỉ có tấm đệm trắng không cháy. Tôn giả bảo trưởng giả:
"Nay ông thấy không?"
"Đã thấy, thưa Tôn giả, thật là kỳ diệu!"
Tôn giả Ma­ha­ca bảo trưởng giả:
"Ông nên biết, đây đều do không buông lung làm gốc, không buông lung mà tập khởi, không
buông lung mà sanh, không buông lung mà chuyển. Do không buông lung nên được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác. Này Trưởng giả, thế nên việc này cùng với công đức khác, tất cả đều do
không buông lung làm gốc, không buông lung mà tập khởi, không buông lung mà sanh, không
buông lung mà chuyển. Do không buông lung nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và
những pháp đạo phẩm khác."
Trưởng giả Chất­đa­la thưa với Tôn giả Ma­ha­ca:
"Xin Tôn giả ở luôn trong rừng này, con sẽ trọn đời cúng dường y phục, thức ăn và thuốc men
tùy bệnh."
Tôn giả Ma­ha­ca vì có việc phải đi nên không nhận lời mời của trưởng giả.
Trưởng giả Chất­đa­la nghe pháp xong, tùy hỷ, hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng lên làm lễ rồi đi.
Tôn giả Ma­ha­ca không muốn làm cho người cúng dường lợi dưỡng trở thành tội chướng, nên
Tôn giả vội vã từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi không trở lại.
KINH 572. HỆ[84]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la, cùng số đông các vị Tỳ­kheo Thượng tọa.
Bấy giờ các Tỳ­kheo Thượng tọa tụ tập ở nhà ăn, cùng bàn luận như sau:
"Các vị nghĩ thế nào, mắt trói buộc sắc chăng? Sắc trói buộc mắt chăng? Cũng thế, tai với âm
thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp, là ý trói buộc chăng? Hay pháp trói
buộc ý?"
Trong khi đó, trưởng giả Chất­đa­la đang đi lo công việc, ngang qua tinh xá, trông thấy các Tỳ­
kheo Thượng tọa tụ tập tại nhà ăn, liền đến trước đảnh lễ các Thượng tọa và thưa hỏi:
"Chư Tôn giả tụ tập tại nhà ăn đang bàn luận điều gì vậy?"
721
Các Thượng tọa đáp:
"Này Trưởng giả, chúng tôi hôm nay tụ tập tại nhà ăn này, bàn luận rằng: Có phải mắt trói buộc
sắc, hay sắc trói buộc mắt? Cũng như vậy, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với
xúc, ý với pháp, là ý trói buộc chăng? Hay pháp trói buộc ý?"
Trưởng giả hỏi:
"Thưa các Tôn giả, các Tôn giả sẽ nói thế nào về nghĩa này?"
Các Thượng tọa nói:
"Còn đối với trưởng giả, ông nghĩ sao?"
Trưởng giả thưa các Thượng tọa:
"Theo ý con, mắt chẳng trói buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt; cho đến chẳng phải ý trói
buộc pháp, chẳng phải pháp trói buộc ý. Nhưng ở khoảng giữa có dục tham[85], theo đó mà trói
buộc. Ví như hai con bò, một đen, một trắng, mang cái ách. Có người hỏi: bò đen trói buộc bò
trắng hay bò trắng trói buộc bò đen? Hỏi như thế có đúng không?"
Các Thượng tọa đáp:
"Này Trưởng giả, hỏi như thế không đúng. Vì sao? Vì chẳng phải bò đen trói buộc bò trắng và
cũng không phải bò trắng trói buộc bò đen. Cái ách kia là vật trói buộc cả hai."
"Cũng vậy, thưa các Tôn giả, chẳng phải mắt trói buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt cho đến
không phải ý trói buộc pháp, không phải pháp trói buộc ý, nhưng ở giữa đó, tham dục là sự trói
buộc."
Trưởng giả Chất­đa­la nghe các Tỳ­kheo Thượng tọa nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
KINH 573. A­KỲ­TỲ­CA[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la.
Bấy giờ có ngoại đạo A­kỳ­tỳ­ca[87], là chỗ thân hậu của tiên nhân của trưởng giả Chất­đa­la, đi
đến chỗ Chất­đa­la, cùng nhau chào hỏi ân cần, rồi đứng một bên. Trưởng giả Chất­đa­la hỏi
ngoại đạo A­kỳ­tỳ­ca:
"Nhân giả xuất gia được bao lâu rồi?"
"Trưởng giả, tôi xuất gia đến nay đã hơn hai mươi năm[88]."
722
Trưởng giả Chất­đa­la hỏi:
"Nhân giả xuất gia đã hơn hai mươi năm, có được pháp siêu quá người thường[89], tột cùng tri
kiến và an lạc trụ không?"
A­kỳ­tỳ­ca đáp:
"Này Trưởng giả, tuy tôi đã xuất gia hơn hai mươi năm mà chẳng được pháp siêu quá người
thường, tột cùng tri kiến và an lạc trụ. Chỉ có lõa hình, nhổ tóc, khất thực, du hành trong nhân
gian, nằm trên tro đất."
Trưởng giả Chất­đa­la bảo:
"Đây không phải là pháp luật đúng danh xưng. Đây là ác tri kiến; chẳng phải là con đường xuất
yếu, chẳng gọi là Đẳng giác, chỗ chẳng đáng khen ngợi, chẳng có thể nương tựa. Luống gọi là
người xuất gia hơn hai mươi năm, lõa hình, nhổ tóc, du hành khất thực trong nhân gian, nằm trên
tro đất."
A­kỳ­tỳ­ca hỏi trưởng giả Chất­đa­la:
"Ông làm đệ tử của Sa­môn Cù­đàm đã được bao lâu?"
Trưởng giả Chất­đa­la đáp:
"Tôi làm đệ tử của Thế Tôn hơn hai mươi năm."
Lại hỏi trưởng giả Chất­đa­la:
"Ông là đệ tử của Sa­môn Cù­đàm đã hơn hai mươi năm, có được pháp siêu quá người thường,
tột cùng tri kiến và an lạc trụ không?"
Trưởng giả Chất­đa­la đáp:
"Ông nên biết, trưởng giả Chất­đa­la sẽ không còn thọ sanh vào bào thai nữa, không còn tăng
thêm mồ mả, không còn sanh khởi từ khí huyết. Như Thế Tôn nói: 'Năm hạ phần kết sử, Ta
không còn thấy một kết nào mà không đoạn. Nếu có một kết nào chưa đoạn, sẽ còn trở lại sau
đời này'."
Trong lúc trưởng giả nói như vậy, A­kỳ­tỳ­ca càng thêm buồn bã, than thở rơi lệ, lấy áo lau mặt
và nói với trưởng giả Chất­đa­la:
"Tôi phải tính sao bây giờ?"
Trưởng giả Chất­đa­la đáp:
723
"Nếu ông có thể ở trong Chánh pháp luật xuất gia, tôi sẽ cung cấp y bát và những vật cần thiết."
A­kỳ­tỳ­ca suy nghĩ giây lát, rồi nói với trưởng giả Chất­đa­la:
"Tôi nay tùy theo anh, xin chỉ dạy tôi việc cần làm."
Trưởng giả Chất­đa­la liền đưa A­kỳ­tỳ­ca đế chỗ các Thượng tọa, rồi ngồi lui qua một bên, thưa
các Tỳ­kheo Thượng tọa:
"A­kỳ­tỳ­ca này là chỗ thân hậu của tiên nhân của con, ngày nay xin được xuất gia làm Tỳ­kheo.
Mong các Thượng tọa độ cho xuất gia. Con sẽ cung cấp y bát và các vật dụng cần thiết."
Các Thượng tọa liền cho xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa. Xuất gia xong, A­kỳ­tỳ­ca suy
nghĩ những lý do mà người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca­sa, xuất gia tăng tiến học đạo,
tịnh tu phạm hạnh, đắc quả A­la­hán.
KINH 574. NI­KIỀN[90]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am­la tại làng Am­la, cùng các vị Tỳ­kheo Thượng tọa. Bấy giờ có
Ni­kiền Nhã­đề Tử[91] cùng với năm trăm quyến thuộc đi đến rừng Am­la, muốn dụ trưởng giả
Chất­đa­la làm đệ tử. Trưởng giả Chất­đa­la nghe tin Ni­kiền Nhã­đề Tử cùng với năm trăm
quyến thuộc đến rừng Am­la muốn dụ mình làm đệ tử. Sau khi nghe như vậy rồi, ông liền đi đến
chỗ Ni­kiền Nhã­đề Tử. Hai bên cùng nhau chào hỏi, rồi mỗi người ngồi lui qua một bên. Bấy
giờ Ni­kiền Nhã­đề Tử nói với trưởng giả Chất­đa­la:
"Ông có tin Sa­môn Cù­đàm được tam­muội không giác không quán[92] chăng[93]?"
Trưởng giả Chất­đa­la đáp:
"Tôi không vì tin mà đến đây[94]."
A­kỳ­tỳ­ca[95] nói:
"Này Trưởng giả, ông không quanh co, không dối trá, chất thực, bản chất chất trực. Này Trưởng
giả, nếu người có thể dứt được hữu giác hữu quán, cũng có thể dùng dây buộc gió; hoặc người
dứt hữu giác hữu quán, cũng có thể lấy một nắm đất ngăn được dòng nước sông Hằng. Ta trong
lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tri kiến thường sanh."
Trưởng giả Chất­đa­la hỏi Ni­kiền Nhã­đề Tử:
"Tín được đặt trước hay trí được đặt trước? Tín và trí cái nào trước, cái nào hơn?"
724
Ni­kiền Nhã­đề Tử đáp:
"Tín nên đặt trước, sau đó có trí. Tín và trí so sánh nhau thì trí là hơn."
Trưởng giả Chất­đa­la nói với Ni­kiền Nhã­đề Tử:
"Tôi đã cầu được dứt hữu giác hữu quán, nội tịnh, nhất, không giác không quán, có hỷ lạc do
tam­muội sanh, chứng và an trụ đệ Nhị thiền. Ban ngày tôi cũng ở trong tam­muội này. Ban đêm
tôi cũng ở trong tam­muội này. Có trí như vậy thì cần gì tin Thế Tôn!"
Ni­kiền Nhã­đề Tử nói:
"Ngươi quanh co, dối trá, không chất trực, bản chất không chất trực."
Trưởng giả Chất­đa­la nói:
"Lúc nãy ông đã nói là tôi không quanh co, không dối trá, chất thực, bản chất chất trực, vì sao
bây giờ lại nói là tôi quanh co, dối trá, không chất thực, bản chất không chất trực? Nếu như lời
trước của ông là thật, thì lời sau là dối trá; hoặc lời sau thật thì lời trước dối trá! Trước ông đã
nói: 'Ta trong đi, đứng, nằm, ngồi tri kiến thường sanh, đối với trước sau, việc nhỏ như vậy mà
còn không rõ thì làm sao biết được pháp siêu quá người thường, hoặc tri kiến, hoặc việc trụ an
lạc?'"
Trưởng giả lại hỏi Ni­kiền Nhã­đề Tử:
"Có người hỏi một liền đáp một, cho đến hỏi mười đáp mười, ông có như vậy không? Nếu không
hỏi một đáp một, hỏi mười đáp mười, mà đến rừng Am­la này hòng mong dụ dỗ tôi sao?"
Ngay lúc ấy Ni­kiền Nhã­đề Tử nghẹn thở, lắc đầu, chắp tay chào và đi thẳng không nhìn lại.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­
[1]. Đại Chánh quyển 21, kinh 559; Pāli, S.35.192 Kāmanhū.
[2]. Ba­la­lợi­phất­đố­lộ 波羅利弗妒路. Bản Pāli: Phật trú tại tinh xá Ghositārāma, Kosambī.
[3]. Ca­ma 波羅. Pāli: Kāmabhū.
[4]. Kê lâm tinh xá 雞林精舍, Pāli: Kukkuṭārāma? Bản Pāli: tính xá Ghositārāma.
[5]. Bản Pāli, S.35.192: "Con mắt là hệ phược của sắc, hay sắc là hệ phược của con mắt?" Nội
dung Hán và Pāli không đồng nhất.
[6]. Vô tưởng tâm tam­muội 無想心三昧: tức vô tướng tâm tam­muội. Xem các kinh 556 và
tiếp.
725
[7]. Xem kinh 556 trên.
[8]. Pāli, A.4.170 Yuganandha.
[9]. Tự ký thuyết 自記說. Bản Pāli: arahattapattiṃ vyākaroti, tự xác nhận đắc quả A­la­hán.
[10]. Bản Pāli: sabbo so catuhi aṅgehi etesaṃ vā aññatarena, "(tự ký thuyết) bằng bốn chi, hay
một trong bốn chi".
[11]. Hán: nhất tâm đẳng thọ hóa 一心等受化; không rõ nghĩa. Ấn Thuận cho là dư chữ hóa 化 .
[12]. Bốn chi (Hán: tứ đạo 四道), bản Pāli: 1. samathapubaṅgamaṃ vipassanaṃ bhāveti, tu
quán với chỉ đi trước. 2. vipassanāpubbaṅgamaṃ samathaṃ bhāveti, tu chỉ với quán đi trước. 3.
samathavipassanaṃ yuganaddhaṃ bhāveti, chỉ quán song hành. 4. dhammuddhaccaviggahitaṃ
mānasaṃ hoti, tác ý để diệt trừ sự loạn động đối với pháp.
[13]. Pāli, S.51.15 Brāhmaịa.
[14]. Pāli: chandappahānattham, mục đích đoạn trừ dục.
[15]. Bản Pāli: y chỉ dục tam­ma­địa cần hành thần túc (chandasamādhi­padhāna­saṃkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ). Tức tu bốn thần túc (iddhipāda).
[16]. Pāli: "Lấy dục để đoạn dục, như thế thì không cùng tận (... santakaṃ hoti no asantakaṃ).
[17]. Bốn Như ý túc, hay thần túc, xem cht.15, kinh 561.
[18]. Dục, tinh tấn định, tâm định, tư duy định; thứ tự này không đồng với các bản khác: dục,
tâm, tinh tấn, tư duy. Pāli: chanda­samādhi­, citta­samādhi­, viriya­samādhi­, vīmaṃsā­samādhi.
[19]. Thế gian thiện hướng; xem cht.11, kinh 490(2).
[20]. Thế gian thiện đáo; chỗ khác: thế gian thiện thệ. Xem cht.12, kinh 490(2).
[21]. Pāli, A.3.74 Nigaṇṭha.
[22]. Vô Úy Ly­xa 無畏離車. Pāli: Abhaya­licchavi.
[23]. Thông Minh đồng tử 聰明童子. Pāli: Paṇḍita Kumarāka.
[24]. A­kỳ­tỳ 阿耆毘. Có lẽ Pāli: Ājivika, tà mạng ngoại đạo. Xem kinh 573.
[25]. Hán: xí nhiên pháp 熾然法.
726
[26]. Pāli: so purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā vyantībhāvaṃ paññapeti, "Ngài chủ trương phá trừ
nghiệp quá khứ bằng sự nhiệt hành (khổ hành)".
[27]. Pāli: tisso nijjarā visuddhiyo, ba sự diệt tận, thanh tịnh.
[28]. Hán: đắc chân như pháp 得真如法. Pāli: ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya,
để chứng đắc như lý; để thân chứng Niết­bàn.
[29]. Pāli thường gặp về giới: pātimokkhasaṃvarasaṃvutto viharati ācāragocarasampanno
aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī, "sống phòng hộ với sự phòng hộ bằng Ba­la­đề­mộc­xoa, đầy
đủ oai nghi chánh hạnh; thấy sợ hãi trong những lỗi lầm nhỏ nhặt".
[30]. Pāli: sandiṭṭhikā nijjarā akālikā ehipassikā opaneyyikā paccattaṃ veditabbā viññūhī'ti, "sự
diệt tận ngay hiện thời, phi thời gian, được thấy do đến gần, có tính tùy thuận, được nhận biết
bằng nội tâm bởi những bậc trí.
[31]. Pāli: so bhikkhu evaṃ sīlasampanno ... āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ ditth'eva
dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati, "Tỳ­kheo ấy thành tựu giới như vậy,
đoạn tận hữu lậu, ngay trong đời hiện tại, bằng thắng trí, vô lậu tâm giải thoát tự mình thân
chứng, thành tựu và an trú."
[32]. Pāli, A.4.159 Bhikkhunī.
[33]. Pāli, A.4.194 Sāpūgī.
[34]. Kiều­trì 橋池. Pāli: Koliyesu Sāpūgan nāma nigame, giữa những người Koliya, trong một
xón tên là Sāpūga.
[35]. Thân­thứ lâm 身恕林, rừng cây siṃsapa.
[36]. Bà­đầu tụ lạc quốc 婆頭聚落國. Pāli: Sāpūga.
[37]. Hổ chủng, tên gọi một dòng họ. Bản Cao­ly chép đế 帝; bản Tống­Nguyên­Minh: khổ 苦.
Y theo bản Pāli, sửa lại là "hổ" 虎. Pāli: Vyagghapajja.
[38]. Pāli: bốn thanh tịnh cần chi; pāriuddhipadhānyaṅga.
[39]. Dục tinh tấn... 欲精進. Pāli: yo tattha chando ca vayāmo ca ussāho ca appaṭivāni ca sati ca
sampajaññañca idaṃ vuccati... sīlapārisuddhipadhāni­yaṅgaṃ, ở đây, ý dục, tinh cần, dũng
mãnh, nổ lực, không thoái thất, chánh niệm, chánh trí, đều được gọi là giới thanh tịnh tinh cần.
[40]. Pāli: cittapārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, tâm thanh tịnh cần chi. Pāli: Padhāna, bản Hán đọc là
Pahāna.
[41]. Nguyên Hán chép nhầm là giới thân 戒身.
727
[42]. Pāli: diṭṭhipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, kiến thanh tịnh cần chi.
[43]. Pāli: vimuttipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ, giải thoát thanh tịnh cần chi.
[44]. Ấn Thuận, "33. Tương ưng Chất­đa­la" gồm các kinh, Đại Chánh 566­575. phần lớn
tương đương Pāli S.41. Cittasaṃyutta. Đại Chánh kinh 566, Pāli, S.41.5 Kāmabhū.
[45]. Am­la tụ lạc Am­la lâm 菴羅聚落菴羅林. Pāli: Macchikāsaṇḍe Ambāṭakavane.
[46]. Chất­đa­la trưởng giả 質多羅長者. Pāli: Citta­gahapati.
[47]. Xem cht.49 dưới.
[48]. Xem cht.50 dưới.
[49]. Hán: chi thanh 枝青 (cành cây xanh). Pāli: nelaṅga, chi phần không khuyết điểm. Bản
Hán đọc: nīla: mau xanh, thay vì nela: không khuyết điểm, không tội lỗi.
[50]. Hán: bạch phú 白覆. Pāli: setapacchāda, lọng trắng.
[51]. Pāli: ratho...imasseta cātumahābhūtikassa kāyassa adhivacanaṃ, xe đồng nghĩa với thân
bốn đại này.
[52]. Ly kết 離結. Pāli: anīgham, không khổ, không động chuyển.
[53]. Pāli: passa, hãy nhìn!
[54]. Pāli: āyantam, người đang đến.
[55]. Hán: đoạn lưu 斷流. Pāli: chinnasotam.
[56]. Hán: bất phục phược 不復縛. Pāli: abandhana, không bị cột trói.
[57]. Pāli, S.41.7 Godatta.
[58]. Vô lượng tâm tam­muội 無量心三昧. Pāli: appamānā cetovimutti, tâm giải thoát không
hạn lượng.
[59]. Vô tướng tâm tam muội 無相心三昧. Pāli: animittā cetovimutti, tâm giải thoát vô tướng.
[60]. Vô sở hữu tâm tam­muội 無所有心三昧. Pāli: akiñcaññā cetovimutti.
[61]. Không tâm tam­muội 空心三昧. Pāli: sūññā cetovimutti.
728
[62]. Bản Pāli: Tỳ­kheo vào rừng,... hay nhà trống, tư duy, "Cái này trống không; không có ngã
và ngã sở".
[63]. Pāli: rāgo bhante pamāṇakaraṇo, tham là cái làm ra hạn lượng.
[64]. Pāli: trong tất cả vô lượng tâm giải thoát, bất đọâng tâm giải thoát là bậc nhất: akuppā
tāsaṃ cetovimutti aggam akkhāyati.
[65]. Pāli, S.41.6 Kāmabhū (2).
[66]. Nguyên bản viết già 伽. Trên kia, kinh 559, viết là ca 迦.
[67]. Hành 行. Pāli: saṅkhāra; ở đây chỉ hành vi.
[68]. Hán: giác hữu quán 覺有觀. Pāli: (sa)vitakka­(sa)vicārā.
[69]. Hán: tưởng tư 想思. Pāli: saññā ca vedanā.
[70]. Diệt tận chánh thọ 滅盡正受, tức diệt tận định, hay tưởng tri diệt tận định. Pāli:
saññvedayita­norodhasamāpatti.
[71]. Hán: thuận thú, lưu chú, tuấn thâu 順趣,流注,浚輸. Pāli:... kiṃnaṃ cittam hoti, kiṃpoṇaṃ
kiṃpabbhāran'ti, tâm hướng đến cái già, nghiêng về cái gì, xuôi theo cái gì.
[72]. Pāli, S.41.2 Isidatta (1).
[73]. Chủng chủng giới 種種界. Pāli: dhātunānattaṃ.
[74]. Lê­tê­đạt­đa 梨犀達多. Pāli: Isidatta.
[75]. Pāli, S.41.3 Isidatta (2).
[76]. Hà bản, hà tập, hà sanh, hà chuyển 何本, 何集, 何生, 何轉xem cht.104, kinh 57. ;
[77]. Thân kiến 身見, đây chỉ hữu thân kiến. Pāli: sakkāgadiṭṭhi.
[78]. Pāli: rūpam attato samanupassati, rūpavantaṃ và attānaṃ attanivā rūpaṃ rūpasmiṃ vā
attānam, quán sát sắc là tự ngã, tự ngã có sắc, chính tự ngã là sắc, tự ngã ở trong sắc.
[79]. S.41.4 Mahaka.
[80]. Hán: ngưu mục 牛牧. Pāli: gokula, ngưu xá, nhà cho bò ở, hay trại bò.
[81]. Ma­ha­ca 摩訶迦. Pāli: Mahaka.
729
[82]. Như kỳ chánh thọ 如其正受. Pāli: tathārūpaṃ iddhābhisaṅkhāraṃ abhisaṅkhati, thực hiện
thắng hành thần thông như vậy.
[83]. Quá nhân pháp thần túc hiện hóa 過人法神足現化. Pāli: uttarimanussadhamma
iddhipāṭihāriya.
[84]. Hệ phược, hay kết. Pāli, S.41.1 Saññojana.
[85]. Dục tham 欲貪. Pāli: chandarāga.
[86]. S.41.9 Acela.
[87]. A­kỳ­tỳ­ca 阿耆毘迦, bản Cao ly không có chữ ca 迦. Pāli: ājivika. Bản Pāli, S.41.9:
Acela Kassapa, lõa thể ngoại đạo, bạn cũ của Citta trước khi tu lõa thể.
[88]. Bản Pāli, 30 năm.
[89]. Quá nhân pháp 過人法. Pāli: uttarimanussa­dhamma, nhân thượng pháp, hay thượng nhân
pháp, pháp của bậc thượng nhân.
[90]. Pāli, S.41.8 Nigaṇṭha.
[91]. Ni­kiền Nhã­đề Tử 尼犍若提子. Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.
[92]. Vô giác vô quán tam muôi 無覺無觀三昧, định không tầm và tứ, từ Nhị thiền trở lên.
Pāli: saddahasi tvam gahapati samanassa gotamassa atthi avitakko avicāro samādhi, atthi
vitakkavicārānaṃ nirodho'ti, gia chủ có tin lời Sa­môn Cù­đàm rằng có định không tầm không
tứ và có sự diệt tận của tầm và tứ?
[93]. Bản Pāli: "Ông có tin lời Phật về định không tầm không tứ?
[94]. Pāli: na khvāhaṃ ettha, bhante, bhegavato saddhāya gacchāmi, atthi avitakko avicāro,
atthi vitakkavicārāṇaṃ nirodho'ti, tôi không đến đây để tin Thế Tôn nói rằng có định không tầm
không tứ và có sự diệt tận của tầm và tứ.
[95]. Bản Minh chép là Ni­kiền Nhã­đề Tử.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kinhtapaham