Tảo Giải - Hồ Chí Minh
Nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch những năm 1942-1943 có lối đày đọa con người hiếm thấy. Bọn chúng cứ giải người tù quanh quẹo hết nhà lao này đến nhà lao khác. Đi bất cứ lúc nào, trong nắng, trong mưa… nửa đêm, gà gáy… "53 cây số một ngày". Từ lúc bắt đầu đi đến lúc đến một nhà lao khác mới biết đó là chuyến chuyển lao. Nguy hiểm, đày đọa, nhọc nhằn. "Giải đi sớm" là một trong những bài thơ ra đời trong cảnh ngộ như thế.
Nhưng lạ kỳ thay, bài thơ bắt đầu của một chuyến đi đày lại mở ra trong cảm xúc của một tâm hồn nghệ sĩ trước vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên. Câu thơ thứ nhất là chuyện dưới đất "gà gáy một lần". Câu thơ thứ hai là chuyện trên trời "chòm sao nâng nguyệt". Không gian đất trời bát ngát thanh vắng bàng bạc trong ánh trăng thu. "Gà gáy một lần" báo hiệu đêm đang chuyển dần về sáng. Chòm sao nâng ánh trăng cùng vượt lên đỉnh núi mùa thu. Người đi cùng với trăng sao trong không gian diệu vợi ấy. Tất cả đều chuyển động hướng về ánh sáng, vẻ đẹp, sự sống. Trong hiểm nguy, cay cực, Người đã vẽ trăng sao, đem âm thanh tiếng gà vào bức tranh cuộc sống, tìm về, hướng đến những vẻ đẹp cao sang, những ý nghĩa tích cực để bước qua những gian khổ khó khăn mà tồn tại. Bức tranh thiên nhiên đẹp hóa thành triết lý đầy trí tuệ về một lối sống. Bài thơ lại tiếp tục mở ra với một không gian khác. Trong không gian vô cùng lạnh giá, một con đường xa hút hiện ra. Từng trận, từng trận gió lạnh liên tiếp nối nhau xô tới, thổi ngược hướng người đi như nhấn chìm, ngăn chặn, đẩy lùi con người muốn dấn bước trên con đường ấy. Người đi hiện ra với dáng dấp dãi dầu, phong sương (chinh nhân) đang "cất bước", đối diện với từng trận gió rét mà đi (nghênh diện) tới. Giọng thơ rắn rỏi, khí thơ mạnh mẽ, ý thơ dường như đã vượt qua một chuyến chuyển lao cụ thể tìm đến sự khái quát rộng lớn hơn, mở ra nhiều liên tưởng. Có người cho rằng là hình ảnh người chiến sĩ đi sớm, đi trước trên con đường cách mạng. Hay là hình ảnh con người đi qua cuộc sống thế gian? Dù hiểu cách nào đi nữa, ý thơ vẫn hội tụ ở điểm then chốt: thái độ của con người trước những thử thách khó khăn của đời sống - một thái độ chấp nhận, vượt qua, chiến thắng vẫn là nét đẹp hào hùng của con người trong cuộc sống cổ kim.
Khổ thơ thứ hai, dẫn người đọc đến một không gian khác với hình ảnh một buổi bình minh đang lên. Bức tranh diễn tả bằng sự chuyển đổi của sắc màu trong bước đi lặng lẽ của thời gian. Buổi bình minh như cứ hửng sáng dần lên: từ trắng đến hồng, đến hơi ấm bao la. Từ phương Đông đến toàn vũ trụ. Kỳ diệu thay bên trong tâm hồn người đi như cũng có một buổi bình minh đang hửng sáng dần lên: từ lạnh (gió hàn) đến ấm (hơi ấm) đến "thi hứng bỗng thêm nồng". Tất cả sự chuyển đổi ấy dẫn đến sự chuyển đổi kỳ diệu này: hình ảnh người tù bị giải đi sớm đã hóa thành nhà thơ đi dưới bầu trời hồng rực rỡ với hồn thơ đang chín ở trong lòng. Không phải phép lạ, chính sức mạnh kỳ diệu của tình yêu, lý tưởng, ý chí đã khiến cho con người có thể hóa thân. Bài thơ đọng lại trong triết lý nhân sinh đầy trí tuệ ấy. Phản phất như không khí Đường thi nhưng là một bài thơ hiện đại với lớp ngoài tầng trong, với không gian ba chiều trong sự biến ảo kỳ diệu. Ở phía nào cũng được kết lại bằng những triết lý sâu sắc và đầy ý nghĩa của cuộc sống.
Bàn về câu thơ “nghênh diện thu phong…”
Ta hãy đặt câu thơ trong chỉnh thể toàn bài và trong phong cách thơ Hồ Chí Minh để hiểu cho đúng cho trúng. Hãy chú ý ba câu thơ đầu của Tảo giải ( I ). Câu thứ nhất nói đến thời gian bị giải đi sớm, bị giải đi từ rất sớm (gà gáy một, đêm chưa tàn), rất lạ là câu thơ âm vang một điển tích diễn tả sự hoang lạnh trong những cuộc ra đi của người xưa (Kê thanh mao điếm nguyệt – Nhân tích bản kiều sương, Nguyễn Du dịch trong Truyện Kiều khi tả cảnh Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư: Mịt mù dặm cát đồi cây - Canh gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương), nhưng trong câu thơ của Bác lại không có cái hoang lạnh đến ghê người của thơ xưa, bởi dường như khi người tù thi sĩ lên đường thì trăng sao, đỉnh núi mùa thu cùng khởi hành, cùng làm bạn với người. Tính hiện đại của thi phẩm có lẽ là ở chỗ trong cổ thi con người dường như bị khuất lấp vào thiên nhiên; còn trong thơ Hồ Chí Minh con người thường hiện lên ở trung tâm của bức tranh thơ. Người ta nói thơ Bác cổ điển mà không phải cổ thi, chứ không phải như một học giả Trung Quốc từng cho rằng: có những thi phẩm trong Nhật kí trong tù đặt vào Đường thi, Tống thi thì khó lòng nhận ra. Chớ lầm tưởng rằng họ khen thơ Bác. Câu thơ thứ ba hai chữ chinh nhân xuất hiện (Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng). Đó là hình ảnh người đi xa vì nghĩa lớn trên con đường đại nghĩa còn lắm gian lao. Cấu trúc ngữ nghĩa của ngôn từ thơ phải chăng cho phép ta hiểu hai chữ chinh trong nguyên tác theo tinh thần ấy. Con đường chuyển lao trong gió thu lục địa của vùng núi cao lạnh buốt, con đường gian nan đầy thử thách nên tù nhân – thi nhân phải dùng ý chí nghị lực để tự vượt lên mình, vượt lên gió rét và hạ hai chữ chinh (chinh nhân, chinh đồ) thật đích đáng. Điều quan trong nhất là ở những câu thơ trên thi ảnh và không gian đều ở trên cao vì vậy chinh nhân phải nghênh diện mới có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, thả hồn mình vào vẻ đẹp của vầng trăng thu, chòm sao và đỉnh núi mùa thu. Như vậy nghênh đích thị là một động từ đứng trước một tân ngữ (nghênh diện) chứ không phải là một hư từ đứng trước một kết cấu trạng từ. Nếu có đáng bàn thì chính là câu thơ dường như là sự cấu trúc lại không gian. Thông thường cao nhất là sao trăng, tiếp đó mới là đỉnh núi mùa thu. Nhưng trong câu thơ đỉnh núi mùa thu mới là cao nhất (Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san – Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn. Rất tiếc bản dịch đã không dịch được chữ thu trong nguyên tác và đặc biệt là chữ ủng (ôm, cầm, giữ), trong câu thơ buộc phải hiểu là ôm ấp nâng đỡ. Trong cái nhìn của thi nhân thiên nhiên thân ái chan hòa trong tình bầu bạn. Sau này Người còn viết: Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân, hay Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân. Cũng có người hiểu ủng là quần chúng công kênh lãnh tụ, hay chòm sao là bọn lính giải người tù còn vầng trăng là người tù vĩ đại (!). Thật là một sự suy diễn thoát li văn bản, tưởng là đề cao lãnh tụ hóa ra ngược lại, lực bất tòng tâm, quả là lòng yêu vô ý gây nên tội.). Nhà thơ không thách thức thiên nhiên khắc nghiệt mà chấp nhận gió rét để được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, thả hồn mình theo chòm sao, vầng trăng, đỉnh núi mùa thu. Người chấp nhận giá rét về thể xác để được làm bạn với thiên nhiên diễm lệ để tâm hồn được sưởi ấm. Bài tứ tuyệt thú nhất kết thúc bằng chữ hàn mà cả bài thơ không lạnh giá, bởi có sự nồng ấm của tình yêu thiên nhiên của thi hứng. Chữ hàn này khác hẳn chữ nồng kết thúc bài thơ. Nó là thi nhãn làn ấm cả thi phẩm bởi có sự nồng ấm của cảm xúc cộng hưởng với sự nồng ấm của đất trời. (Ta hiểu vì sao sang bài tứ tuyệt thứ hai khi không gian và thời gian có sự vận động từ đêm tối ra ánh sáng, từ giá rét sang ấm áp, Bác lại viết Hành nhân thi hứng hốt gia nồng (Người đi thi hừng bỗng thêm nồng). Từ chinh nhân trong câu thơ đang bàn đến hành nhân ở cuối bài thơ, con đường chuyển lao đã ngắn lại, bình minh của đất trời đã trở về: Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng, – U ám tàn dư tảo nhất không; – Noãn khí bao la toàn vũ trụ, dịch nghĩa: Phương đông màu trắng chuyển thành hồng,- Bóng tối còn rơi rớt sớm đã hết sạch; - Hơi ấm bao la khắp vũ trụ, dịch thơ: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, - Bóng tối đêm tàn sớm sạch không; - Hơi ấm bao la toàn vũ trụ,). Đây là cách vượt ngục bằng tinh thần của Bác. Khi bị trói treo ngược lên giàn thuyền như tội hình treo cổ, Người vẫn ngắm cảnh đẹp ven sông:
Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;
Làng xóm ven sông đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.
(Giữa đường đáp thuyền điUng Ninh,NamTrân dịch)
Hay như bài Trên đường (Lộ thượng):
Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,
Khắp rừng hương ngát với chim kêu;
Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được,
Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều.
(Huệ Chi dịch)
Quả đúng như Hoàng Trung Thông viết khi đọc Nhật kí trong tù:
Ngục tối trái tim càng tỏa sáng
Xích xiềng không khóa nổi lời ca
Trăm sông nghìn núi chân không nghỉ
Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.
3. Tôi muốn mượn lời nhà thơ Liên Xô cũ Ra-un Gam-za-tôp viết trong Đaghextan của tôi để kết thúc bài viết nhỏ này:
Thơ không phải là hoa trong chậu cảnh, Ở đó tất cả đều hiện ra trước mắt anh, anh không cần phải tìm đâu thêm, thơ giống như hoa trên đồng nội, trên rặng núi An-pơ. Nơi mỗi bước đi lại hứa hẹn thêm một bông hoa mới, kì diệu hơn.
Tiếng gà trong Tảo giải
Trở lại "Tảo giải", ta có thể hiểu, người tù cộng sản bắt đầu bài thơ đi đày của mình bằng cách giới thiệu một tín hiệu thời gian. Một lối vào đầu đậm chất ước lệ cổ điển.
Nhưng hình ảnh mở đầu này chắc chắn là không đơn giản như thế. Nguyên tác câu thơ là Nhất thứ kê đề, dạ vị lan. Diễn dịch ý của câu có nghĩa là, gà gáy một lần - lần thứ nhất, đêm vẫn chưa tan. Như vậy thời điểm gà gáy được người tù ghi lại cùng với khoảnh khắc vắng lặng, tối tăm, lạnh lẽo của một chuyến áp tải tù nhân từ rất sớm. Đêm vẫn chưa tan, tức là đất trời vẫn còn chìm ngập trong một màu đen tối. Trong không gian mà bóng tối của màn đêm vẫn còn bao phủ ấy, tiếng gà vừa như xé toạc đi sự yên tĩnh nhưng cũng vừa nhấn mạnh rằng vạn vật vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Lòng người dễ trở nên se sắt, tê tái hơn khi ở thời điểm khắc nghiệt kia, người tù bị buộc phải lên đường. Hình ảnh thật đắt đã khắc họa sức chịu đựng phi thường của một phẩm chất cộng sản đáng quý.
Tuy nhiên, tiếng gà gáy còn gắn liền với chi tiết dạ vị lan. Ở đây là dạ vị lan chứ không phải dạ bất lan. Đêm chưa tan không có nghĩa là đêm sẽ không bao giờ tan như những cách nhìn bi quan trong những hoàn cảnh khốn khó thường thấy. Tiếng gà như một bước đi âm thầm nhưng quyết liệt của thời gian. Đọc câu thơ ta như nhận ra ý nghĩa hàm ẩn sâu sắc của nó. Rằng dưới mắt người tù cộng sản, thời gian đang vận động - tất nhiên rồi. Nhưng vận động theo hướng lạc quan tươi sáng. Chỉ có thể hiểu theo hướng đó khi đọc câu thơ, dù đêm tối đang bao phủ nhưng ta đã thấy đêm đang chuyển sang ngày, bóng tối đang sắp được thay thế bằng ánh sáng, lạnh lẽo đang dần bị xua đi bởi sự ấm áp, hoàn cảnh khắc nghiệt này rồi cũng chỉ là "đông tàn" để thay thế bằng cảnh "huy hoàng ngày xuân" mà thôi. Chi tiết như một khúc dạo đầu để kéo theo một loạt sự vận động khác trong toàn bài. Đó là vận động từ thấp lên cao của trăng sao, là trắng sang hồng của bầu trời, là hàn (lạnh) sang noãn khí (hơi nóng) của vũ trụ, là u ám sang thanh khiết của không gian, là tù nhân bị giải thành một thi nhân với cảm hứng nồng nàn.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã đúc kết phong cách thơ Bác là vừa đậm đà chất cổ điển vừa phơi phới tính hiện đại. Tiếng gà trong bài thơ trước hết là một yếu tố nghệ thuật mang màu sắc cổ điển. Ta thấy, tiếng gà gáy sáng thường không chỉ là một chi tiết đơn thuần mang tính xác định thời khắc như chiếc đồng hồ đã nói ở trên. Người xưa còn sử dụng tiếng gà như một sự báo hiệu đã đến "giờ G" - giờ lên đường, giờ hành động. Chẳng hạn, sử chép rằng thời chiến quốc, Mạnh Thường quân là Điền Văn làm quan ở nước Tề, sang sứ nước Tần. Chiêu Vương nước Tần có ý muốn giết. Nhân đêm Mạnh Thường quân trốn về, khi đến cửa Hàm Cốc vẫn chưa mở cửa. Theo luật lệ nhà Tần, cứ nghe gà gáy báo hiệu mới được phép mở cửa ải. Lúc ấy một gia khách của Mạnh Thường quân có tài bắt chước tiếng gà gáy, làm cho gà ở chung quanh quan ải đều gáy vang. Nhờ đó cửa quan ải mở, Mạnh Thường quân mới trốn thoát. Còn Hàn thi ngoại truyện chép rằng con gà có năm đức, bên cạnh văn (Đầu đội mũ - cái mào), vũ (chân có cựa), dũng (thấy địch thủ dám đấu chọi), nhân (thấy thức ăn cùng gọi nhau) thì gà luôn gáy đúng giờ (tín) để báo hiệu cho mọi người hoạt động (làm việc, lên đường).
Trong bài thơ Vịnh con gà (Hồng Đức quốc âm thi tập), Lê Thánh Tông cũng nhắc đến việc báo hiệu vào buổi sáng của gà, bất kể nắng mưa:
Dầu nhẫn hôm nào phong vũ nữa,
Ắt chăng chẳng phụ chức tư thần
Hay Bài ca chúc tết thanh niên, cụ Phan Bội Châu đã kêu gọi mọi người hành động vì vận nước bằng tiếng gà gáy giục giã, thôi thúc:
Dậy ! Dậy ! Dậy !
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Dông dài những dẫn chứng nêu trên để thấy rằng, bài Tảo giải của Hồ Chí Minh có một ẩn ý vô cùng sâu sắc ngay từ câu thơ mở đầu - chính xác là chỉ bằng tiếng gà gáy. Chúng ta ai cũng biết trong thời gian Người bị tù đày "Quảng Tây giải khắp mười ba huyện - Mười tám nhà lao đã ở qua", "gà gáy đêm chửa tan" đã bị buộc lên đường, đi đến lúc "chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ" vẫn còn lang thang nơi núi rừng xa lạ. Chưa kể bị trói chân tay, khi thì xiềng xích thay dây trói, lúc lại lủng lẳng chân treo tựa giảo hình. Là tội đồ, người tù hoàn toàn bị động để chấp nhận sự áp giải nặng nề, sự đối xử thô bạo, kể cả những ép buộc bất công vô lý. Cụ thể là trời chỉ mới nửa đêm, vạn vật vẫn còn chìm trong giấc ngủ, người tù bị dựng dậy, trói thúc ké rồi quăng ra ngoài con đường xa thẳm với nghìn cơn gió rét. Vậy mà đọc câu thơ vẫn thấy nhẹ như không. Tiếng gà gáy vang thúc giục, báo hiệu đã đến thời khắc lên đường. Nào, ta hãy bắt đầu cuộc hành trình. Đêm tối, gió rét...? Thì đây, ta đã có trăng sao làm bạn đồng hành. Tư thế hoàn toàn chủ động mà không hề lên gân, không hề căng cứng, gượng ép. Mọi thứ thật nhẹ nhõm, ung dung, thư thái, an nhiên, tự tại.
Đó là gì nếu không phải là một cốt cách đại nhân, đại dũng ? Là gì nếu không phải là phẩm chất chiến sĩ trong một tâm hồn nghệ sĩ ? Câu thơ mở đầu trong bài thơ đặc sắc này không chỉ giúp người đọc soi sáng thêm ý nghĩa của toàn bài mà còn đưa chúng ta đến gần hơn với chất thép và chất tình trong thơ Bác, đến gần hơn với con người bình thường nhưng vĩ đại của Bác.
Bởi, với Hồ Chí Minh, ý chí luôn gắn với hành động, ý chí lớn đi liền với hành động mạnh mẽ, triệt để theo “mục đích trước sau như một” mà bản thân đã lựa chọn và nguyện theo đuổi suốt đời. Với Hồ Chí Minh, mục đích ấy không gì khác hơn là độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, thống nhất cho đất nước, và lẽ công bằng, tình thân ái cho hết thảy những người lao động trên đời. Người biết, để đạt được mục tiêu lớn lao, cao quý đó phải trải qua một con đường dài, đầy gian lao và thử thách. Nhiều lần trong tập thơ, Hồ Chí Minh xác định tâm thế ấy. Trong bài “Tảo giải”, Người viết:
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
(Người đi xa đã cất bước trên đường xa)
Người tự gọi mình là “chinh nhân” trong cuộc hành trình “chinh đồ” với“Giầy rách, đường lầy, chân lấm láp/ Vẫn còn dấn bước dặm đường xa”(Mưa lâu). Xác định như thế để tránh nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Thắng lợi của chặng này là điều kiện tạo ra thắng lợi của chặng sau lớn hơn, và tất cả đều nhằm tới thắng lợi cuối cùng nằm rất xa ở phía trước
Khổ thơ thứ hai của bài thơ mở đầu bằng một cảnh đẹp ở chân trời khi rạng đông, và nói chung cả khổ thơ bừng lên một không khí vui tươi, ấm áp.
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không:
Hai câu thơ tạo nên một sự đăng đối hài hòa. Bình minh lên, đêm ắt phải lùi dần. Dường như trong đất trời cũng có cuộc đấu tranh, màu hồng của bình minh đã quét sạch bóng tối của đêm tàn lạnh lẽo. Giờ đây, màu hồng tươi mới đã ngự trị, trùm lên sông núi, đem lại hơi ấm cho đất trời và hơi ấm ấy như dội vào lòng người:
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm hồng.
Có sức ấm của rạng đông nhưng nhiều hơn, có lẽ là nhờ sức ấm từ một trái tim cách mạng. Ta chợt nhận thấy điều lạ, dù là nói về cảnh chuyển lao mà trong một bài thơ không hề có lấy một hình ảnh người tù, một lời than vãn, trước mắt người đọc là hình ảnh một thi sĩ ung dung cất bước. Thi sĩ và chiến sĩ – hai con người ấy đã hòa làm một trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Khó khăn, nghiệt ngã là thế mà tim Người vẫn như ngọn lửa ấm nồng, vẫn nồng nàn thi hứng.
Giải đi sớm là hai bài thơ hay trong Nhật ký trong tù. Bài thơ toát lên tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống. Và trên hết, đó là thi hứng bất tận của hồn thơ Hồ Chí Minh. Có thể nói thông qua bài thơ này, chúng ta càng hiểu thêm về cuộc đời và tâm hồn Bác, người con ưu tú của dân tộc. Và ánh sáng từ thơ Người chắc chắn sẽ còn rọi sáng tâm hồn nhiều thế hệ mai sau.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top