Văn học 12: Chiếc thuyền ngoài xa
[NLVH] Gía trị nhân đạo trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Bài làm
Nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi Nguyễn Minh Châu là một trong những "nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất" của nền văn học Việt Nam. "Chiếc thuyền ngoài xa" là sáng tác của ông thời kì đổi mới sau 1975; rất tiêu biểu cho khuynh hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự, đi sâu vào những vấn đề cá nhân trong mối quan hệ phức tạp của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm chứa đựng nội dung nhân đạo vô cùng sâu sắc.
Một trong những ý nghĩa quan trọng của tác phẩm văn học là góp phần nhân đạo hóa con người. Tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, bảo vệ và ca ngợi con người, đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để cuộc sống ngày được tốt đẹp cũng như hạnh phúc hơn. Đây là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người lao động, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những phẩm chất, nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hòan cảnh nào của cuộc đời. Với ý nghĩa đó, Nguyễn Minh Châu qua truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" đã gửi lại cuộc đời tấm lòng ưu ái với người phụ nữ hàng chài lam lũ, chịu nhiều đau đớn, thiệt thòi và những đứa trẻ của kiếp đò ngang rày đây mai đó trên sông, trên biển; gửi lại những hiểu biết, khám phá sâu sắc của mình về số phận, về những mảnh đời buồn, vui dang dở.
"Chiếc thuyền ngoài xa" kể về tình huống của nghệ sĩ Phùng khi anh về chụp bức tranh cảnh biển tại một bãi biển miền Trung. Tại đây anh phát hiện bức tranh thiên nhiên đẹp như "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ" mà trong cuộc đời cầm máy ảnh chưa bao giờ thấy. Đó là một chiếc thuyền ngoài xa, long lanh và kì diệu. Nhưng đằng sau bức tranh đẹp ấy là cả một sự thật nghiệt ngã về cuộc sống của một gia đình hàng chài. Cảnh người chồng vì đói nghèo thất học đã xem việc đánh vợ là phương thức giải tỏa những khổ đau cho mình. Rồi sau đó ở tòa án huyện, chứng kiến câu chuyện đầy cảm động của người đàn bà hàng chài khiến anh ngộ ra biết bao điều về cách tiếp cận cuộc sống. Tất cả được đều nhìn qua cái nhìn đầy nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Giá trị nhân đạo trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" trước nhất thể hiện ở thái độ cảm thông của nhà văn Nguyễn Minh Châu đối với cuộc sống của những con người nghèo khổ nơi vùng biển. Nhà văn đồng cảm với cuộc đời của người lao động sau chiến tranh. Ông xót xa trước cảnh nghèo khổ, đông con của những gia đình hàng chài, khi "nhà nào cũng trên dưới chục đứa" phải sống chen chúc nhau trong những chiếc thuyền lưới vó chật hẹp. Vào ngày biển động hàng tháng, thuyền không ra biển được "cả nhà vợ chồng con cái phải ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối".
Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấu và miêu tả chân thực cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực, khốn khổ của những con người lao động thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Ông dành biết bao yêu thương cho số phận bất hạnh của chị. Với cuộc sống nghèo khổ, cảnh vật vắng lặng, chỉ "vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi yên phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ", hình ảnh người đàn bà xấu xí "trạc ngoài bốn mươi tuổi" dần hiện ra với "một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch", rỗ mặt "mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ" "nửa thân dưới ướt sũng". Bên cạnh người đàn bà ấy là hình ảnh người đàn ông xuất hiện cùng "tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ", "đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rũ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ"... Tất cả đã khắc họa phần nào cuộc sống cơ cực của họ. Chính cuộc sống này làm nảy sinh ra một cảnh tượng xót xa mà đau lòng – cảnh chồng đánh vợ "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Ước mơ lớn nhất của người vợ là có một chiếc thuyền rộng hơn và được nhìn thấy đàn con được ăn no. Vậy mà trong lúc hoàn cảnh túng quẫn, người chồng thay đổi tâm tính trở nên tàn bạo, vũ phu. Người vợ vì thương con, bất lực đành cam chịu đòn chồng. Chị "khuôn mặt mệt mỏi", "tấm lưng áo bạc thếch và rách rưới", "cặp mắt nhìn xuống chân", "tay buông thõng xuống", ra vẻ nhẫn nhục. Qua chi tiết này, nhà văn lên án thói bạo hành trong cuộc sống gia đình đang diễn ra trong xã hội. Nguyễn Minh Châu miêu tả cuộc sống ấy với bao nỗi nhọc nhằn của con người lao động thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Ông cảm thương cho số phận bất hạnh của chị. Người đàn bà làng chài trong truyện chính là hiện thân cho những gì là đau khổ, bất hạnh. Chị chính là hiện thân cho biết bao số phận của những người phụ nữ miền biển lênh đênh, nhọc nhằn luôn khao khát những hạnh phúc đời thường mà ngoài tầm tay với. Chị sống lam lũ, khó nhọc cùng gia đình trên chiếc thuyền chật hẹp lại thường xuyên phải chịu đòn chồng. Bởi trong hoàn cảnh đói nghèo khi chưa có những giải pháp thiết thực để giải cứu cuộc đời chị thì chịu đòn chồng là cách duy nhất chị có thể làm để đến khi được luật pháp và cả thiện chí giúp đỡ, chị vẫn nhất định không chịu từ bỏ lão chồng vũ phu. Cuộc sống của chị chứa đựng nhiều đau khổ mà người đọc chứng kiến không khỏi xót xa.
Ngoài ra, nhà văn cũng cảm thông với tình cảnh của người chồng vũ phu. Lão chồng kia cũng là hiện thân cho những kiếp người nghèo khổ. Cũng chính vì cuộc sống quá nghèo khổ lại phải lao động vất vả để nuôi cả một gia đình đông con nên "anh con trai cục tính những hiền lành", không bao giờ biết đánh vợ xưa kia, giờ trở thành một người chồng vũ phu thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Có thể nói người đàn ông hàng chài thô bạo ấy là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, lam lũ. Lão lầm lì đánh vợ như một thói quen để giải tỏa tâm lí cũng như nỗi khổ triền miên của đời mình. Trong con mắt của người đàn bà, hắn là nạn nhân của nghèo đói, chỉ vì khó khăn, túng quẫn mà thay đổi tính nết. Cái "độc dữ" của hắn in hằn trên dáng hình thô kệch; đôi mắt hắn nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch của người đàn bà. Cả những hành động lão "dành" cho người vợ đáng thương trong những trận đòn: "lão rút trong người ra chiếc thắt lưng da của lính ngụy ngày xưa, vụt tới tấp vào người đàn bà"... Câu nói nguyền rủa của hắn bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: "Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ", "Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ" cho thấy bản tính vũ phu đáng sợ. Thế nhưng, rốt cuộc, ta thấy hắn đáng thương hơn đáng trách, bởi theo người đàn bà: "lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi...", ta thấy được rằng lão chồng cũng chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Cuộc sống thì ra còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, có nhiều góc khuất mà người đọc phải suy ngẫm để rồi ngậm ngùi, cảm thương, xa xót đến nghẹn lòng...
Tuy nhiên, Nguyễn Minh Châu vẫn phê phán mạnh mẽ hành động vũ phu của người chồng. Ông muốn giúp người đọc thấy rõ tình trạng bạo lực trong gia đình như một mảng tối còn tồn tại trong xã hội ta những năm tám mươi của thế kỉ hai mươi. Thông qua hình ảnh người chồng thường xuyên đánh vợ tàn nhẫn, tác giả báo động với mọi người về một hiện tượng nhức nhối của xã hội, rằng đâu đó trong cuộc sống chung quanh ta vẫn còn sự lộng hành của cái xấu, cái ác. Ông gióng lên một hồi chuông báo động về cái ác, và muốn đấu tranh cho cái thiện được tồn tại. Đó chính là một trong những biểu hiện về giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người ,cảnh đói nghèo, cơ cực, tình trạng bất ổn, bất trắc trong cuộc sống là nguyên nhân sâu xa của sự bạo hành và sự nhịn nhục chịu đựng, đồng thời, ông cũng bày tỏ niềm trắc trở trước cuộc sống của thế hệ tương lai. Nhà văn dấy lên trong lòng người đọc nỗi xót thương pha lẫn lo âu về tình trạng ngược đãi phụ nữ và trẻ em, về nguy cơ chúng sớm nhiễm thói vũ phu, đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Phác – một thằng bé từ "tính tình đến mặt mũi giống như lột ra từ cha nó", sống và chứng kiến cảnh cha đánh mẹ khiến tâm hồn em chất chứa những nỗi đau âm ỉ. Phác thương mẹ, hận cha; em trở nên cộc cằn, thô bạo, chẳng còn sự hồn nhiên như lũ bạn cùng tuổi. Nó từng tuyên bố "Chừng nào nó còn ở trên biển thì mẹ nó không bị đánh". Bởi vậy, nó nhất quyết chống lại hành động của cha. Mỗi khi mẹ bị cha đánh, thằng bé "giận dữ căng thẳng", nó "như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm" nhảy xổ tới cha nó "giằng lấy chiếc thắt lưng", "dướng thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng" của cha nó. Đỉnh điểm, nó đã dùng dao găm chống lại người cha hòng cứu lấy người mẹ đáng thương của nó. Tâm hồn thằng bé Phác bị vấy bẩn bởi phải chứng kiến cảnh tượng không đáng có. Tâm hồn Phác sẽ không thể lành lặn lại. Tuổi thơ của em đang bị chà đạp bởi cái xấu, cái ác. Chi tiết "sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó, mụ đã phải gửi nó lên rừng nhờ bố mình mình nuôi đã nửa năm nay" như một thông điệp khuyên mọi người nên thay đổi môi trường sống sao cho phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cuối cùng, Nguyễn Minh Châu còn chỉ ra việc dân trí thấp, đông con và nghèo khổ là nguy cơ đáng sợ hình thành hiện tượng bạo lực gia đình.
Vì thế, nhà văn muốn bênh vực cho người đàn bà, không muốn chọ bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Trong tác phẩm, ta thấy ít nhất hai lần tác giả để Phùng xông ra bênh vực cho chị đến nỗi anh phải bị thương. Qua đó, chúng ta có thể hiểu, nghệ sĩ Phùng cũng chính là hóa thân của nhà văn trong tác phẩm, là nhân vật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm nhiều suy nghĩ và hành động của mình. Bạo lực gia đình, trong mỗi chúng ta không ai không biết, nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Minh Châu, đề tài ấy lại được thể hiện một cách sinh động. Người đọc ắt chẳng thể nào quên được hình ảnh người chồng "mặt đỏ gay, hùng hổ", chẳng nói chẳng rằng "quật tới tấp vào lưng người vợ", "vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két". Đánh vợ vẫn chưa làm hắn nguôi cơn giận, lão đàn ông còn quay sang đánh cả con mình – thằng Phác. Hắn "liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát".
Hình ảnh người phụ nữ xấu xí, kham khổ; người đàn ông độc ác, vũ phu, đau đớn và bi kịch đời họ như một thứ thuốc ghê rợn, quái đản khiến những thước phim vốn huyền diệu bỗng nhuốm màu u ám khủng khiếp. Những con người ấy vừa là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, vừa là những con quỷ dữ trong một lúc nào đó mà đày dọa chính người thân vốn cũng khốn cùng của mình. Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra một chân lí, rằng nếu không giải phóng con người khỏi đói nghèo, tăm tối thì mãi mãi sẽ chẳng thể nào tiêu diệt được hiện trạng bạo lực. Đây cũng là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.
Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu còn phê phán lòng tốt hời hợt, cách hành động thiếu thiết thực của luật pháp vào đời sống con người. Dù Phùng và Đẩu có thiện chí giúp đỡ người đàn bà nhưng họ không hiểu thấu, hiểu sâu hoàn cảnh và bi kịch cuộc đời của người đàn bà kia. Từ đó, Nguyễn Minh Châu muốn phát biểu: luật pháp và lòng tốt là cần thiết nhưng luật pháp phải đi sâu vào cuộc sống con người, phải vì con người. Những người cầm cân nảy mực phải thấu hiểu cuộc sống nhân dân thì cuộc sống của những người dân vất vả kia mới có thể đổi khác đi được. Tư tưởng nhân đạo mang tính triết lí của tác phẩm còn được thể hiện ở việc nhà văn đặt ra vấn đề làm thế nào để giải phóng con người khỏi những bi kịch gia đình, bi kịch cuộc sống. Con người muốn thoát khỏi đau khổ, tăm tối, man rợ cần những giải pháp thiết thực chứ không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn, chính vì thế cần rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và hiện thực đời sống.
Điều đặc biệt làm nên giá trị nhân đạo của "Chiếc thuyền ngoài xa" khiến tác phẩm có thể phát sáng mãi là ở chỗ nhà văn biết phát hiện, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người đằng sau cuộc sống gian khổ, nghèo khó. Phẩm chất của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm chính là vẻ đẹp khuất lấp, là điểm sáng rực rỡ của truyện ngắn mà Nguyễn Minh Châu gọi đó là "hạt ngọc còn ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Tình yêu thương con hết mực, sức chịu đựng tuyệt vời chính là những vẻ đẹp dễ thấy ở người đàn bà. Câu nói "đưa tôi lên bờ mà đánh" đã thể hiện được tình yêu thương đó. Người đàn bà không muốn con mình nhìn thấy cảnh bạo lực tàn ác. Tiếng gọi "Phác, con ơi!" cùng hành động ôm chầm lấy con đã chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến chị dành cho đứa con tội nghiệp. Rồi hành động "chắp tay vái lấy vái để" thể hiện được sự hối lỗi, ăn năn khi nỡ để con nhìn thấy mình bị đánh. Điều dễ thấy ở người đàn bà chính là đức hi sinh, lòng vị tha, bao dung của một người vợ, người mẹ. Chị thấu hiểu lão chồng mình, thấu hiểu rằng lão chỉ là nạn nhân. Cách nhìn của chị về lão khác hẳn với Phùng, Đẩu và cả thằng Phác. Trong đau khổ chị vẫn chắt chiu những hạnh phúc đời thường, lấy đó làm điểm tựa để sống vững hơn. Người đàn bà thất học mà không tăm tối. Đằng sau cái vẻ lấm láp, lam lũ của người đàn bà chính là sự hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện đã cho thấy rõ điều đó. Từ thái độ rón rén, sợ sệt ban đầu, chị trở nên sắc sảo khi đưa ra những lí do không thể từ bỏ gã chồng vũ phu, độc ác. Chị cần hắn chèo chống con thuyền trong phong ba bão táp, để cùng nhau nuôi đặng một sắp con. Lí lẽ của chị đưa ra thật đúng đắn, làm nên những bước ngoặt trong nhận thức của cả Phùng và Đẩu, buộc người nghệ sĩ và vị chánh án phải nhìn cuộc sống ở góc độ đa chiều: "có gì vỡ ra trong đầu của vị boa công phố biển", còn Phùng thì nhận thấy "căn phòng lộng gió của Đẩu như bị hút hết không khí trở nên ngột ngạt". Người đọc từ đó nhận ra rằng người đàn bà ấy không cam chịu đau đớn về thể xác và tinh thần một cách ngờ nghệch mà trái lại, chị rất hiểu đời, hiểu người sâu sắc hơn cả hai vị trí thức kia. Người đàn bà là hiện thân cho tình yêu thương, đức hi sinh tuyệt vời mà Nguyễn Minh Châu hết sức trân trọng. Tác giả khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, ca ngợi vẻ đẹp nội tâm cao quý của người phụ nữ lao động nghèo khổ. Người đàn bà làng chài chính là hình ảnh đại diện của người phụ nữ Việt Nam thương yêu chồng con hết mực, sẵn sàng hy sinh nhẫn nhịn cho cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc hơn. Nhà văn ngợi ca vẻ đẹp của con người nghèo khổ, bất hạnh và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của họ; đó là vẻ đẹp của tình mẫu tử - từ những đau khổ, tủi nhục đến cùng cực, những niềm vui nhỏ nhoi tội nghiệp của người mẹ đều xuất phát từ con. Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo khó, tăm tối vẫn ngời sáng vẻ đẹp của tình yêu thương, của đức hi sinh thầm lặng.
Cách kết thúc tác phẩm đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần nhìn vào Phùng đều thấy "hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai" và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy "người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh". Vậy thì, đây đâu chỉ là ảnh nghệ thuật mà chính là hiện thực cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là ảnh nghệ thuật trắng đen thì sao lại có được "cái màu hồng hồng của ánh sương mai" do ánh mặt trời của ánh bình minh buổi sáng phản chiếu? Và nếu chỉ là ảnh thì người đàn bà hàng chài ấy làm sao "bước ra khỏi tấm ảnh" để "bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông". Thì ra, đó chính là quan điểm nghệ thuật mà tác giả muốn gởi gắm với mọi người: Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc đời, nghệ thuật phải gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời, vì con người. Mỗi một nhà văn hãy đi vào cuộc sống, hãy sống gắn bó với con người và nhìn nhận họ một cách đa dạng, nhiều chiều để phát hiện ra những hạt ngọc còn ẩn sâu trong tâm hồn họ, dù rằng ngoại hình họ xấu xí và họ đang sống trong một hoàn cảnh ngang trái, khổ đau.
Qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề để mọi người cùng suy nghĩ và giải quyết. Đó là vấn đề về số phận và hạnh phúc của con người. Cái nhìn của Nguyễn Minh Châu thật đa dạng, nhiều chiều. Ông thấy trong cuộc sống có cả ánh sáng và bóng tối, nước mắt và nụ cười, bề nổi và bề chìm, khổ đau và hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng nhất là ông vẫn tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người, tin vào bản chất tốt đẹp của xã hội sẽ làm thay đổi số phận con người.
Tinh thần nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" chính là tấm lòng yêu thương, thông cảm, băn khoăn , trăn trở của Nguyễn Minh Châu trong việc phát hiện đời sống và con người ở bình diện đạo đức thế sự. Qua đó tác phẩm thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn ở giai đọan sáng tác thứ hai : Văn học nghệ thuật phải gắn bó với cuộc sống, phải vì con người. Quan niệm ấy đã khiến tác phẩm của Nguyễn Minh Châu ở giai đọan này giàu nhân bản. Đọc tác phẩm của ông, người ta đau đớn, day dứt thay về thân phận con người nhưng cũng cùng tràn đầy khát vọng cao đẹp.
Nguyễn Minh Châu cũng đặt ra quan niệm về thiên chức của người cầm bút: nhà văn không có quyền nhìn nhận sự vật một cách phiến diện, cần phải có cái nhìn đa chiều, phát hiện sự thực đằng sau màu hồng phơn phớt của ánh ban mai kia. Nghệ thuật phải luôn vì con người và cuộc đời. Có như vậy một tác phẩm mới có giá trị vĩnh hằng. Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: "Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người". Tính cách đầy mâu thuẫn của người đàn bà hàng chài thể hiện tư tưởng nhân bản sâu sắc của nhà văn, hiện thực hóa ý định của ông khi sáng tác truyện ngắn này. Tình yêu thương con người ở Nguyễn Minh Châu lúc nào cũng nặng trĩu những suy tư, những xót xa. Vì vậy nên tư tưởng hướng nhân đạo của ông đã nghiêng về phía những thân phận bé nhỏ, nhiều đau khổ và ông đặc biệt nhạy cảm với những vẻ đẹp thầm lặng mà vững bền – những vẻ đẹp mang gương mặt phụ nữ như Liên trong Bến quê, Thai trong Cỏ lau ... hay người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này.
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu có một giá trị nhân đạo sâu sắc. Giá trị nhân đạo ấy thể hiện trên nhiều phương diện. Đó là cái nhìn yêu thương, cảm thông của nhà văn về số phận bất hạnh của con người. Đó là việc phát hiện và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của những con người lao động nghèo khổ. Đó còn là thái độ lên án nạn bạo hành trong gia đình để mọi người cùng đấu tranh chống lại hiện tượng tiêu cực này, cùng phấn đấu hướng tới việc xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Giá trị nhân đạo trong tác phẩm này còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật thật tiến bộ của ông: "Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người". Ta càng thêm thấm thía hơn về giá trị vĩnh hằng và chân chính của một tác phẩm nghệ thuật đúng như Nam Cao trong Trăng sáng từng phát biểu "Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than."
~ Rùa ~
PS: Bài viết không hoàn toàn là của mình do mình đã rút từ rất nhiều nguồn trên gg, ráp lại rồi thêm vài ý cho xuôi câu, chia sẻ lên hoàn toàn vì sở thích cá nhân. Bạn nào thích có thể lấy, chỉ cần nhớ là mình đã rất cực khổ mới gom gần chục bài mới thành vầy là được =)))
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top