Buồn trông ngọn cỏ đằng xa
Thời xưa, có chàng nhà văn nghèo sống trong xóm làng khuất dưới lũy tre. Gọi là xưa, vì chưng nom bề ngoài anh chẳng ai nghĩ anh độ đôi mươi. Sợi cói dệt nên từng mảnh tóc lưa thưa, lốm đốm đôi ba điểm bạc trắng. Ươm mái đầu anh trên đồng lúa cùng thầy mẹ, ắt khó phân biệt đâu là "cụ non", đâu là cụ già. Xác lẫn hồn anh thả buông giữa chốn dương gian cay nghiệt, phó thác chúng vào tay thuyền đời, xuôi dòng hay ngược dòng mặc kệ. Dường như kiếp phù sinh đẩy đôi bàn tay chai cháy nắng, chai sạn sau chuỗi ngày dầm mưa dãi nắng dạt vào bến bờ. Hoặc, thời khắc làng xóm lắng tai nghe nhà bà đẻ rộn lên tiếng trẻ sơ sinh, mệnh đã định sẵn canh giờ bé chết. Bầu không khí ngột ngạt của lẽ thường – rằng ta hiện diện trên cõi đất để cuốc đất tới thí mạng – thít chặt cổ họng người dân hằng ngày, hằng tháng, hằng năm.
Sáng ra, chàng văn sĩ ưu tư ra ruộng với thầy kiếm một bữa ăn tươm tất. Đồng lúa trải dài tới một ngày tương lai xán lạn không bao giờ đến. Xa xa, vườn bắp tốt tươi xếp thành hàng, khơi nhắc rằng khi mặt trời dịu xuống, ghé ngang thăm ngọn tre cuối làng, sắc xanh sẽ dẫn đường cha con đến điểm kết thúc cả ngày nhọc công. Suốt mấy canh giờ đằng đẵng chẳng ai chịu mở nhời, cứ trút hết sức bình sinh ra cào xới cho tơi đất, đợi dăm ba bữa gieo hạt xuống thửa ruộng. Anh làm nghệ thuật, trong đó ngoại trừ nghệ thuật làm thân với thầy. Vốn dĩ anh – thanh niên hiếm hoi lấy được bằng Tú Tài Toàn Phần – nên đi khuất mắt sang địa phương khác kiếm việc, hoặc hành nghề ông giáo tại căn nhà lợp ngói che bóng anh ngót nghét mấy chục năm giời. Anh trái nhời. Khốn khổ khốn nạn nhất là anh trái nhời. Và rồi anh đắm mình dưới hồ sầu khổ với phận con nhà nông.
Đêm về, anh tỏ lòng mình lên những trang giấy kín mít chữ nghĩa. Ánh giăng treo trước mặt anh nguồn sáng vô tận, một khoảng trời rộng bao la, mở ra mấy chòm sao trĩu cành. Từng quả sao chứa hạt giống tâm hồn thi sĩ. Không thứ gì là ngoại hạng so với cuốn tập (tên tạm gọi của nó, thực chất chẳng khác chồng giấy là bao) thu gom tâm tư dù ít dù nhiều. Chỉ những lúc như thế, sinh khí trong người anh mới ngùn ngụt bốc lên. Mỗi bận gió mây thổi bay ý tưởng, anh hay ra hiên trước, ngồi trên chõng tre hút thuốc lào, những món hàng anh thường được các ông giáo chung xóm tặng và góp nhặt thành một bộ sưu tập. Lúc bấy giờ, anh muốn gạt cơn đói sang phương nào đó, rồi với tay lên màn trời hái bụi sao trĩu quả xuống ăn, húp lấy từng ngụm nước thiêng. Người người nhà nhà sang sảng nói rằng nhà anh ba đời điên loạn, từ thầy truyền nòi loạn trí sang vợ, vợ hoài thai mầm mống ấy trong đứa con cả là anh, rồi anh lây tiếp qua thằng em (mà không phải ngược lại theo đúng sự thể câu chuyện). Một số khác thầm rủa anh sao bi quan quá độ, ngày này qua tháng nọ buồn trông ngọn cỏ đằng xa như thế, sao không biết phụ thầy giúp u,... cùng nhiều câu xỉa xói khác.
Chỉ người viết truyện này thấu được tiếng bạc oan của anh. Chỉ những ai chung phận trí thức nghèo mới hiểu.
– Cứ thế này chắc tao chết mất!
Quá tam ba bận, chàng văn sĩ mới tuôn vài tràng cảu nhảu. Vòng lặp sự đời xoay anh như chong chóng; tôi, dưới thân phận nhân chứng, ngoài nhìn anh lụi tàn ra, thì chịu thua giới hạn dẫn đến chạm tay vào điều bất khả. Nào tôi có rõ ấy là lần thứ bao nhiêu anh than giời. Thường thường anh thưa đáp song thân anh bằng chất giọng đều đều hàm ẩn hiếu thuận, riêng hôm nay, nó đắng nghẹn ở cổ, phát ra độc mỗi thanh âm the thé. Cũng chẳng phải lần hiếm hoi anh trút hết tâm tình lên tứ phương, nhưng là bận đầu tôi chứng kiến sự u ẩn nơi hồn anh.
– Lúc nào cũng vòi ăn cho nhiều, cho no, mà vụ mùa thì chẳng được bao nhiêu. Sống vì tiền thế này sao chịu nổi?
Lại phải dành đôi nhời về gia cảnh anh, thì mọi chuyện bắt đầu từ buổi sớm tiếng khóc chào đời của anh cất lên. Thầy mẹ đặt anh tên Tân, nghĩa là "mới mẻ". Nếu suy xét tường tận nguồn gốc con chữ hệ trọng ấy, thì miệng lưỡi đấng sinh thành treo hai chữ "thất học" ở đầu môi, thành ra để cắt nghĩa cái danh theo anh trọn đời là điều bất khả thi. Song, họ hiền lành nức tiếng, thế nên ai ai cũng đều yêu mến, nhất là một ông giáo già gần nhà. Chính ông rủ rỉ thầy giao anh trọng trách đem luồng gió mới cho mấy miệng ăn, trước hết là qua tên tuổi. Tôi rành rọt anh nhất, bởi lẽ tôi chung dòng máu với anh. Anh là con đầu, tôi là đứa út sinh sau đẻ muộn chừng sáu năm. Trước tôi còn hai anh lớn, người thì sinh thiếu tháng rồi lăn đùng ra chết, kẻ thì bệnh tật triền miên, thành thử hy vọng đặt được lên mỗi vai tôi và vai anh cả.
Tôi xót anh lắm. Anh trẻ mà vẻ ngoài anh cằn cỗi. Đáng lý ra anh phải được hưởng cái tuổi thanh xuân cho thoả, rồi mới bạc đầu vì miếng ăn sau, thế mà đời nào chịu tha. Không muốn anh vướng mối tơ lòng chằng chịt thêm nữa, tôi ôn tồn khuyên can:
– Thôi anh ạ, anh thương lấy chúng em với. Cụ Thìn đầu ngõ xưa bảo anh đi cùng con giai cụ vào Nam lập nghiệp, nay hãy còn chờ anh đấy.
Nói đoạn, giữa chúng tôi xuất hiện khoảng cách tuy dài vừa bằng một gang tay, song ngỡ xa tận miền miên viễn. Anh ngừng hẳn nhời oán, dời hồn dõi về viễn phương, quá cao để bất cứ ai chạm tới. Dường như anh đương gửi nhời cầu cứu sau cùng tới bậc bề trên vô hình vô dạng nào đó trước lúc quay lại thực tại, chăm chăm trông bóng mình nơi đáy đồng tử tôi. Tôi hiểu hơn ai hết ước muốn quăng hết vạn sự sau lưng và rảo cẳng về đất hứa. Anh không nhất thiết phải nói, tôi cũng hiểu.
Tức thì, trong buồng vọng lại tiếng anh hai tôi quấy khóc ầm ĩ, dễ thường nổi cơn thịnh nộ với vật vô tri vô giác nào đó (như tay chân) mà anh đinh ninh rằng cãi lệnh anh. Cũng ngay lúc tôi toan quay đi, thì giọt nước mắt anh Tân tiếp đất. Đúng một giọt duy nhất. Tôi vừa kịp bắt gặp khoảnh khắc vàng son hiếm hoi ấy, bởi lẽ anh chưa bao giờ nhỏ lệ trước mặt ai, kể cả đấng sinh thành. Sau đó, anh bỏ ra ngoài hút điếu thuốc lào như mọi bận, còn tôi lủi thủi chui vô nhà làm tròn bổn phận người em mắn đẻ. Lắm lúc tôi phát bực lên vì nghĩa vụ quá đỗi cao thượng ấy. Tôi không phải bậc thánh nào trên cao để luôn luôn khoan dung. Bài vở tôi chực soạn đành phải bỏ dở. Làm sao có thể nhẫn nhịn một người tới cuối đời được chứ, nhất là khi kẻ ấy dùng danh nghĩa người nhà trói buộc mình? Tôi đến chịu, nghiến chặt răng cho khỏi bật ra vài câu khó nghe. Tôi thì khác gì anh cả đâu, đều bực bội kiếp gắn liền với đạo làm con, nghĩa làm em tới chết đi sống lại. Tôi hoài vọng tự do. Anh cũng hoài vọng tự do. Rốt cuộc chúng tôi bị trói buộc tại mảnh đất quanh năm suốt tháng bất biến, vĩnh viễn vùi mộng xuống lòng.
Lâu nay, anh cả chưa từng thăm hỏi người chung máu thịt với anh nửa nhời. Kể từ lúc u bế anh hai – người mà u âu yếm gọi là Đản – bước chân qua khỏi cửa nhà, anh đều thuỷ chung với sự tĩnh lặng thâm tâm, cũng nhất quyết không hé môi nói gì, hay thậm chí là liếc nhìn đứa bé nửa giây. Đến đời tôi, anh vẫn thế, chỉ khác ở chỗ anh đối xử với tôi dịu dàng hơn anh Đản. Những lúc mưa dông sấm sét, chớp nổ liên hoàn chục đợt thiêu cháy bụi rơm hoang đâu đó, tôi lần mò giữa vào buồng có bóng hình độc nhất còn thức. Anh đương loáy hoáy chép đôi dòng chữ lên chồng giấy ngả vàng quen thuộc, mải miết theo đuổi giấc mê bị ánh sáng mặt trời hắt vào chắn giữa. Khắp người anh phảng phất mùi thơm hạnh phúc, khác hẳn nét trầm lặng thường ngày. Bất chợt, lờ đờ ánh mắt anh lia sang phía tôi. Dường như anh biết có ai dõi theo từng nét bút mình viết. Chúng tôi bốn mắt nhìn nhau. Sau đó xảy ra chuyện gì, trí óc tôi cũng khó hình dung ra, bởi lẽ chuyện xảy ra lâu rồi, duy chỉ tình yêu văn chương ươm mầm từ hôm ấy nay đã vươn thành cây. Nhờ ơn anh đọc tôi nghe áng hùng ca của tri thức, tôi mới quyết chí học hành để nắm rõ quyền được hiểu cái đẹp, cái đẹp ẩn dưới nét mực mài nên hình chữ. Anh mở ra cả chân trời mênh mông cho tâm hồn tôi chiêm ngưỡng. Với đứa trẻ thơ ngây tựa giấy trắng khoan hãy mục rữa vì bị mọt ăn, anh là dòng hào kiệt, là ông giáo đầu của tôi. Giữa tiết trời rền vang, những con chữ lắng đọng lại trong tim tôi đắp tường thành vững chãi, chở che tôi, giữ gìn tôi...
Tôi lớn lên với khúc hát ru của u, những dòng thơ của anh cả. Anh tôi học lỏm rất nhanh, chỉ mấy chốc là thuộc vanh vách cả bài thơ. Tình yêu thi văn trong anh được di dưỡng từ tấm bé, như thể sao Thiên Cơ chọn anh làm sứ giả chứ há chẳng phải do nhà nòi. Sách Tây anh cũng đọc qua rồi. Mỗi bận tôi ngồi bên nghe anh kể chuyện sách vở, nom anh hạnh phúc thấy lạ. Hoặc giả anh Tân tôi mơ thấy ngày bầu bạn cùng ai đó trong văn chương bấy chầy, ấy mà chẳng bao giờ được mãn ý. Thế nên tôi tiếc. Tôi thương thay mộng văn chương mãi mãi không thành, của tôi lẫn của anh. Tôi ước tôi cũng học cao như anh, hiểu sâu hiểu rộng về chữ nghĩa, về thế giới đẹp dòng mực hoạ nên như anh. Rồi má tôi bị ông anh thứ tát đỏ ửng. Hoá ra hiện thực chọn cách này để trừng phạt những kẻ dám chống lệnh nó. Cực chẳng đã tôi mới nén câu thống mạ để tiễn anh một giấc về miền xa, cho tôi chút không gian cốt thở ra bao tâm sự. Bằng chất giọng ồm ồm thảm hại, tôi hát anh nghe những khúc nhạc ngày xưa. May thay, anh chịu ngủ. Cuối cùng tôi đã có thể thầm than trách ông giời bất công, đoạn bật khóc thành tiếng.
Thời gian lẳng lặng thoi đưa. Thấm thoát chiều hạ đã khẽ chuyển mình sang thu. Gió đem hương lúa chậm rãi phả vào mũi nhà nông khí giời đặc sệt âu lo về. Chiếc diều giấy của lũ trẻ cùng đồ lượn lờ trên đỉnh đầu, vô tình gặp phải luồng khí ở đâu tìm tới hất thẳng lên cành tre làng. Chúng nó mặt mũi tèm lem nước mắt chạy về mách thầy mẹ, báo hại họ bỏ phút chăm vườn hăng say hòng vỗ về khuây khoả lòng con trẻ. Một cặp mắt đen thăm thẳm trừng chằm chằm vào cảnh gia đình người ta, thở dài thườn thượt.
Chục đêm giăng nay, anh Tân đã dứt bỏ hẳn chuyện công ngoài ruộng, suốt ngày bán lưng cho trần nhà, bán mặt cho sách vở. Bàn tay anh, vốn chai sạn tự thuở mò mẫm ngoài ruộng nương, nay lại thâm đen vì ngòi mực. Thầy mẹ nói gãy lưỡi, anh chẳng buồn đếm xỉa. Anh bán mạng cho chữ, bán sức cho sách. Thần sắc anh kém tươi hẳn. Mấy buổi sớm ánh vàng treo trên mảnh mây, tôi thấy anh lùi lũi rời nhà, cả thân không dắt theo thứ gì. Tôi gặng hỏi, anh mới đáp rằng anh viết sách lấy tiền, giờ đương đi nhận nhuận bút. Ngay tức khắc, tôi biết anh dối tôi. Thời buổi này thì đào đâu ra dăm hào tiêu tạm từ sách vở? Người ta đói nghèo ngoài kia nhất quyết lánh xa nghiệp văn chương vì tiếng bạc bẽo, cớ chi anh động vào? Tại sao đến giờ anh mới động? Anh phí hoài năm tháng phơi sương chỉ để hái trái ngọt cuối đời ư? Nhưng sao trước đó anh khoan làm? Vô lý thế! Hay anh biếng khuây quá độ nên đâm liều lĩnh?
Mình anh biết câu giả nhời.
Bẵng đi một thời gian, vào đêm đầu tuần giăng khuyết dăm bảy đêm sau lần nói chuyện định mệnh nọ, anh Tân giở bệnh nặng. Tôi tìm thấy anh ngoài vườn một sớm kia, sương mai chưa kịp tan hết. Xung quanh chõng tre vương vãi nào là tàn thuốc, nào là giấy anh chưa hạ xuống giọt mực nào. Xuyên màn đêm tối mù anh khâm mạng viết hết bốn chồng giấy còn lại trong nhà tôi, các khớp ngón chưa kịp thả lỏng thì sức anh đã kiệt. Thảng hoặc tôi thấy ai mài chí sắt thép cỡ anh, sẵn lòng hiến dâng tất cả để đổi lấy khắc cuối chìm vào văn như anh. Tim tôi nhói thay anh.
Ngày qua ngày, hốc mũi anh càng đón ít khí giời, và mỗi lần cố gắng bám víu lấy sự sống, anh càng khốn khổ khốn nạn vô cùng. Anh quẫy đạp trên chiếc giường đắp độc tấm chiếu rách, đôi tay cấu xé lồng ngực gần bật máu. Đoạn, anh khò khè, ráng sức bình sinh khạc nhổ con thú gớm ghiếc nào đấy đương hành hạ cổ họng mà bất thành. Hẳn anh đau lắm. Đau đến chết đi sống lại. Thầy tôi mời cụ lang về, cụ lại bảo anh cảm mạo, ít hôm nữa là khỏi hẳn. Nhưng sao tôi lo quá! Tôi lo anh Tân tôi chết bất đắc kỳ tử, rồi ai sẽ đọc sách tôi nghe, giữ đạo làm văn sĩ trong lòng tôi nữa? Tôi phải làm sao để giữ anh lại, cho cơn gió độc của Tử Thần khỏi cuốn anh đi?
Xin giả nhời rằng: tôi chỉ có thể đứng im nhìn thân xác anh mục rữa. Tôi vô vọng trước tuyệt lộ cầm giữ linh hồn anh dưới âm phủ, khóc không thành tiếng.
Hôm anh mất, ai nấy đều ngỡ ngàng. Trừ tôi. Cách đó chừng năm canh giờ, thần trí anh hãy còn minh mẫn lắm, nói năng xởi lởi chẳng khác gì trước lúc liệt giường. Thầy u tôi lấy làm mừng rỡ, định bụng thết đãi anh một bữa no nê sau khi anh khỏi hẳn. Chao ôi, ai đoán nổi ý giời chứ! Y như rằng, ban mai chào đón thầy u bằng cái chết của anh tôi. Người ta chôn anh cùng thiên tiểu thuyết cuối cùng tìm thấy trên bàn, nằm ngay ngắn giữa đống hỗn độn nào là bút, nào là mực. Nom nét ngài anh nở nang, khuôn mặt hằn vết tích thời gian đánh mất luôn sự khốn cùng của nó. Khốn nỗi, mặt anh trắng bạch nguyệt, bởi tay Thần Chết rút lưỡi hái cắt xuyên mạch máu lâu rồi. Hơn mấy tháng liền đánh nhau với bạo bệnh đã bào mòn sinh khí của chàng nhà văn bạc mệnh. Nom xác anh cả, tim tôi quặn thắt lại. Lúc dứt bỏ sự quyến luyến với trần thế, ắt hẳn anh đã cười, cười một lần sau cùng, cười thật tươi, cười thật tình. Thế nên tôi khó thở.
Hẳn các bạn cũng đoán được tôi viết mẩu chuyện đời anh khi nào.
Tôi khóc thương thay phận anh suốt cả tháng trời. Song thân tôi dỗ dành mãi cũng chẳng ăn thua gì, tôi cứ thấy ảnh thờ anh là vô thức khóc. Hạ mộ rồi, sầu thương tim tôi, đôi mắt tôi rỉ lệ mãi chẳng dứt. Thành thử ra, tôi vùi đầu vào sách vở, y chang anh thuở sinh thời. Tôi không muốn sống một cuộc đời thiếu bóng anh dìu dắt. Tôi chưa muốn chấp nhận rằng anh cả tôi đã vĩnh viễn ra đi. Cả nhà được mỗi tôi và anh Tân còn tỉnh táo, còn được cắp sách đến trường. Mất anh rồi, hy vọng từ hai tia nhập làm một. Còn đâu ước mơ rời bỏ xóm làng hủ lậu, tìm tới suối nguồn nghệ thuật trường cửu? Còn đâu một tôi toàn vẹn, vô khuyết, đứng ngả mình vào trời lộng gió, uống từng ngụm trà thưởng thức cái đẹp thực tại?
Tôi muốn hét thật to: "Anh cả ơi, về với em đi! Về làm nhà văn của em đi" mà đã muộn quá rồi, ranh giới u hiển chia cắt chúng tôi vĩnh viễn, đả thương cả sừng giăng trên cao. Nó buồn rầu tới nỗi núp sau áng mây ngả xám, thầm nhỏ bi lệ xuống trần gian. Nó cùng phận với tôi, chung một kiếp ngầm than mà há dám chống giả mệnh giời.
Đêm giăng trước ngày giỗ bốn mươi chín ngày, anh cuối cùng cũng đã chịu nghe tiếng tôi nài xin, hiện về báo mộng cho tôi. Anh hãy còn tuyệt đẹp tựa ngày anh rời dương gian tới thủ phủ linh hồn, khác hẳn cái hôm hạ huyệt. "Anh khổ lắm, bây ơi" là câu chào khởi đề rời khỏi môi anh. Nghe giọng anh đoạn, đứa em này muốn bước chân vào cấm địa, ôm chầm lấy anh. Tôi ước ao níu chặt anh, không để anh đi nữa, nhưng trước hết, tôi phải thuật chuyện anh đã chết.
Trong giấc mê cận chết, ý chừng anh đã thấy lắm sự phì nhiêu mà buông lơi hiện thực, oà khóc trong vòng tay Tử Thần. Bằng chất giọng nỉ non như con trẻ làm nũng với u, anh cầu xin cùng Đấng sai khiến u hiển kia rằng: anh không muốn sống mãi cuộc đời này nữa. Anh hoài vọng ngày kia, khi hai cụ thân sinh thoát cảnh mạt kiếp, khi cơn bạo bệnh thôi hành xác đứa em yểu mệnh, khi tôi và anh cùng nhau chấp bút viết ra kiệt tác thời đại. Hoá ra không phải anh gạt bỏ sự hiện diện của anh hai, mà con tim anh chịu không nổi đả kích quá lớn, thành thử anh tưởng cố tình phớt lờ sẽ nguôi ngoai cơn đau tâm hồn một chút.
Rồi anh về với văn, về với thời anh giữ hồn trinh nguyên. Những con chữ hát anh nghe nhời ru thiết tha u từng thoa lên trái tim, ấp ủ nó trong sự ấm áp tình mẫu tử. Nơi thiên đường bao quanh bởi những đoá hoa biếc, những dòng suối mát lịm chữa cổ họng khỏi cơn khát, cô gái trẻ nắm tay người thương rảo bước quanh chốn diệu kỳ. Cô đẹp một vẻ thắm tươi xuân về; người cô thương là cơn gió hạ kề kề bên cạnh trinh thục xuân thì. Hương ngòn ngọt từ ái tình, từ niềm hạnh phúc của hai đời người quyến dỗ anh ruồng rẫy hiện thực cốt chìm đắm trong men say nghệ thuật – điều anh hằng hoài vọng.
Chợt tôi nhớ ra mình từng thấy cảnh tượng nên thơ ấy ở đâu: trong tác phẩm cuối cùng của đời anh.
Anh kể, quãng thời gian ngừng ra đồng với thầy mà chỉ chuyên chú tắm trong suối văn, anh hạnh phúc lắm! Anh cứ mải miết chìm sâu vào biển chữ. Anh quên mất rằng anh đã từng bị đại dương sầu khổ nhấn chìm, đã từng nén u uẩn khuất dưới đáy lòng hòng đổi một bữa ăn đủ đầy, đã từng vắt kiệt sức sống cho những sự phù du tới nhường nào. Thế giới mộng tưởng ban anh hồng ân mà trước giờ anh chưa từng nếm thử. Đó là hồng ân được tận hưởng sự lãng mạn của cuộc đời nên thơ. Không cơm áo gạo tiền, không bị ràng buộc bởi chữ hiếu, bởi nghĩa vụ làm anh, nơi ấy chỉ có mình anh và nghệ thuật. Nó ngọt vị thanh thanh lưng chừng ở cổ họng, khiến thế nhân đói khổ thèm khát thêm nữa, thêm nữa... Dần dà anh lún sâu vào đó, trong nẻo Phù Vân tuyệt diệu xiết bao, và ước muốn trở lại dòng đời tắt nguội. Bởi anh buồn quá, anh cứ buồn quanh năm, chút ít sự vui làm tim anh gợn sóng...
Tôi sai rồi. Thầy u sai cả rồi. Anh không phải hy vọng của ai cả. Anh chỉ sống hết mình vì bản thân. Thứ gọi là "hy vọng" ấy khiến thân anh héo úa, bất lực chịu tra tấn trước gió mùa khốc hại.
Họ bảo: "Anh chết vì buồn."
Còn tôi bảo: "Anh chết vì tình văn."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top