Tản mạn về những người lái đò không tên


 Lang thang trên mạng tìm cho mình cảm hứng để viết bài, tôi bắt gặp hàng loạt những bài báo nói về nghề giáo, là những lời tâm sự của chính những người trong nghề bao năm, bên cạnh những niềm vui, cũng có biết bao nỗi phiền muộn. Giật mình, tôi rơi nước mắt. Hơn 12 năm cắp sách đến trường, trải qua biết bao niềm vui, nỗi buồn, gặp biết bao người, được bao thầy cô dạy dỗ, mà cho đến giờ tôi vẫn chưa thể hiểu hết nỗi lòng của người thầy. Và tự hỏi, bao học trò được tiếng là "trò giỏi", có bao nhiêu người thấu hiểu hết tâm tư những người lái đò một thời gắn bó với mình.

 Tôi tự xấu hổ với chính mình và thấy buồn với bao thế hệ học trò. Nghĩ lại, tôi đau lòng, khi người học trò gọi thầy cô giáo bằng những cái tên, những biệt danh, cách xưng hô không "hay" trong những câu chuyện phiếm giờ ra chơi. Buồn thay khi biết bao thế hệ học trò không ngừng trách hay "bằng mặt không bằng lòng" với thầy cô của mình. Chắc hẳn sẽ còn nhiều hơn thế những lời oán thán, trách móc... Thế nhưng, phải ở vị trí của thầy cô, ta mới có thể hiểu và thông cảm cho họ. Hãy một lần, đặt mình vào vị trí của một "người làm nghề gõ đầu trẻ", để trải nghiệm và thấu hiểu. Bởi không chỉ là học trò, mà còn có không ít những phụ huynh, trao con mình cho người giáo viên dạy dỗ, có những hiểu biết sai lệch về "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" này.

 Người ta nói, làm nghề giáo thì rất nhàn.

________________________________________

 Có những quan điểm hết sức nông cạn rằng, làm giáo viên thì "sướng thế cơ mà, chỉ đi dạy có vài tiết một tuần". Thì đúng là như thế, nếu như thầy cô không cần trăn trở làm sao để có những trang giáo án, những bài giảng hay; rồi không cần chấm bài, sửa bài một cách tỉ mỉ và cẩn thận; chẳng cần suy nghĩ làm thế nào để học trò hứng thú với bài học; còn học trò không có những bài kiểm tra, thi cử. Sẽ là rất nhàn nếu như họ chỉ có mỗi công việc là đến tiết thì lên lớp và giảng bài, hết giờ thì về nhà hoặc mỗi lớp không có một thầy cô đứng đầu với nhận hai chữ "chủ nhiệm"; và mỗi lớp, mỗi năm học không thi đua; mỗi trường học mỗi năm học không có bất kì một phong trào nào, không thanh tra, kiểm tra, không cạnh tranh, thi đua. Đúng là nhàn thật, nếu như lớp nào cũng như lớp nào trong trường, học sinh nào cũng như nhau trong tập thể lớp, đều chăm ngoan, học giỏi, không quậy phá; biết sửa sai khi được nhắc nhở và không bị những môi trường xấu bên ngoài xã hội bão hòa tính cách. Nhàn, nếu như trong mỗi ngôi trường mỗi trường, ở mỗi lớp, người giáo viên chỉ dạy và dạy, không phải gánh vác thêm trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở, quản lý, giúp đỡ học sinh.

 Người ta nói, làm nghề giáo có thu nhập ổn định. Nhưng có mấy ai để ý đến con số ấy ra sao. Lương tháng của giáo viên, có khi không bằng lương tháng của một công nhân. Nhất là những giáo viên mới vào nghề, nếu ở xa trường, với đồng lương đứng lớp, có lẽ chỉ đủ duy trì chi phí đi lại. Tuy nhiên, tôi không muốn đi sâu về vấn đề này, vì vật chất không nên là vấn đề được kể đến nhiều trong nghề giáo.

 Người ta quan niệm người giáo viên thì phải "hoàn hảo" và "toàn diện" để là tấm gương cho học sinh, thì mới giáo dục được học trò. Quan niệm về người thầy phải như thế nào dường như nhiều lên cùng với sự phát triển của xã hội đi liền với sự tăng lên của tệ nạn. Cứ như thế, người giáo viên phải gánh thêm bao trách nhiệm, áp lực nặng nề. Học sinh ra đường không tuân thủ giao thông, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp mất thi đua. Học sinh học tập yếu kém, thầy cô cũng mang tiếng là giáo dục không đến nơi đến chốn. Học sinh ra ngoài nghịch phá, người dân phê phán giáo dục trường học xuống cấp. Là giáo viên, trách nhiệm của thầy cô là đào tạo những thế hệ học trò có ích cho xã hội. Vì thế, thầy cô phiền lòng và lo lắng biết bao những khi khó khăn "vật lộn" với những cô cậu học trò tinh nghịch, phá lớp, mất trật tự. Đáng sợ hơn là có cả những trường hợp, không tôn trọng, không "lùi bước" trước sự giáo dục của thầy cô. Thực tế là đâu phải học trò nào cũng ham học, và đâu phải thầy cô luôn luôn có thể "canh chừng", "để ý" hết học trò của mình mọi nơi mọi lúc. Một người học trò tốt thì luôn cần có sự giáo dục kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Không thể để đến khi học sinh sai lầm rồi mang hết trách nhiệm quy lên nhà trường và giáo viên được. Ngày nay, không thể phủ nhận rằng có những "điểm đen" trong giáo dục, là con sâu làm rầu nồi canh, tuy nhiên, không thể nào lấy đó là thước đo cho toàn bộ những thế hệ giáo viên tâm huyết, trăn trở với nghề giáo.

 Đúng là, đối với người gánh vác trách nhiệm giáo dục, phải là những con người ưu tú về phẩm chất đạo đức, có kiến thức, kĩ năng về chuyên môn nghiệp vụ nhất định; nhất là, phải là tấm gương cho học trò noi theo, học hỏi. Vì thế mà khi họ phạm sai lầm, họ phải gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm nặng nề; thậm chí là những lời rèm pha, chỉ trích. Trên đất nước Việt Nam, dẫn chứng về việc thầy cô giáo bị hành hung không phải là không có, nhưng điều đó, không đau đớn bằng việc bị xúc phạm đến danh dự người làm thầy. Danh dự đối với người bình thường khác đã là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống, huống chi là một người giáo viên, có thể nói danh dự và tiếng tăm của người thầy cũng là "phương tiện lao động" của họ. Thầy giáo, cô giáo, họ cũng là con người, cũng như bao người bình thường khác, cũng lớn lên từ những người con bé bỏng trong vòng tay cha mẹ chở che, cũng trưởng thành từ những cô cậu học trò một thời cắp sách đến trường biết bao kỉ niệm buồn vui, và cũng đang ngày đêm miệt mài lao động trí óc để mưu sinh với vai trò người làm cha, làm mẹ. Mọi người khi mắc sai lầm, đều mong cơ hội được tha thứ và sửa chữa; vậy vì cớ gì lại đem những lỗi lầm của người làm thầy ra mà so sánh, chỉ trích, quay lưng với họ hay có những hành vi thiếu tôn trọng dù chỉ là phía sau lưng. Và đừng chỉ nhìn một phía phiến diện mà đánh đồng nhân phẩm của bao thế hệ "người lái đò"; cũng đừng vì nghe những lời đồn đại vô căn cứ, hay chỉ vì một phút bất bình, tự ái, mà hiểu lầm tấm lòng người thầy.

 Tôi tin chắc một điều rằng, thầy cô giáo ai cũng hiểu tâm lý học sinh, bởi họ cũng đã từng là học sinh. Nhưng, trong nghề giáo, có những nguyên tắc, quy định chung buộc họ phải đôi lúc trở nên khó tính, khắt khe hơn. Vì thế mà đôi khi bị gắn mác "lạnh lùng", "bà chằn" hay "không tâm lý"... Thế mà nếu chịu để ý một chút thôi, chúng ta sẽ thấy, thầy cô không chỉ đáng kính mà còn rất đáng yêu nữa. Tôi đã và đang là một cô học trò, khá nghịch ngợm, nhưng tôi đủ tỉnh táo để cảm nhận bao tình cảm thầy cô dành cho những đứa con do mình giáo dục nhưng không do mình sinh ra. Tôi muốn nói đến trước hết là thầy cô giáo chủ nhiệm của tôi. Khi chúng tôi mắc lỗi, không tránh khỏi những khi thầy cô khiển trách, thậm chí trách mắng và hẳn nhiều người cảm thấy tự ái. Nhưng, thầy cô cũng hết sức dễ thương và siêu tâm lý nữa, và mỗi người thầy, người cô từng chủ nhiệm của tôi đều có những cách biểu hiện riêng. Thầy cô tuy rằng bên ngoài răn đe, nhưng luôn âm thầm giúp đỡ, quan sát học trò của mình, luôn có những lời khuyên chân thành, tỉ mỉ sẵn sàng gửi đến học trò. Thậm chí, thầy cô cũng từng "bênh" chúng tôi, nâng đỡ chúng tôi, sẵn sàng bỏ qua hoặc xin những thầy cô khác bỏ qua những sai phạm nhỏ của chúng tôi. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo bộ môn, cũng là những "người cha người mẹ thứ hai" rất quan tâm và không ít lần "dễ dãi", tha thứ cho những lỗi lầm của chúng tôi. Đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo từng gắn bó với tôi trong quá trình học đội tuyển, tôi đặc biệt dành cho họ tình cảm gắn bó sâu sắc. Tôi cảm thấy may mắn bởi được thầy cô dạy đội tuyển ưu ái, tận tình chỉ dạy, giúp đỡ, không bao giờ tạo áp lực cho tôi dù kết quả có thể nào. Thầy cô có những cử chỉ, hành động thật gần gũi, thậm chí là cả "mắng yêu" hay pha trò, cũng có cả những tâm sự thật lòng nữa. Khi đó, tôi cảm thấy hơn bao giờ hết là sự ấm áp như người bố, người mẹ thực sự lan tỏa từ họ, khoảng cách không còn xa như giữa thầy và trò nữa, mà nhẹ nhàng, thân ái như giữa những người thân trong gia đình. Tôi tin rằng, những ai từng học đội tuyển, nếu bỏ ra một chút quan tâm đều có cảm nhận giống tôi, và đều là những học trò may mắn hơn người khác, không phải vì học giỏi hơn, mà là vì có cơ hội được thấu hiểu hơn thầy giáo, cô giáo của mình. Ai đó hãy thử một lần, ngồi lại, và suy nghĩ lại những lời thầy cô; thử một lần lặng lẽ quan sát thầy cô, và thực sự lắng nghe những gì thầy cô chỉ dạy.

 Có lẽ nên dành một dòng nhỏ, để đặc biệt tôn vinh những thầy giáo, cô giáo, cũng giống như bố mẹ mỗi chúng ta, đều là những "anh hùng" không tên nhưng cả đời tận tâm, tận trí, tận lực chứ không chỉ là những người lái đò âm thầm trên dòng sông tri thức.

 Đứng ở vị trí là một cô học trò chưa rời ghế nhà trường để cảm nhận, tôi hiểu rằng những gì tôi thấy chưa thể là đầy đủ về nghề giáo và những người làm thầy làm cô. Tôi còn cần thêm nhiều thời gian, thậm chí là phải ở vào vị trí của một giáo viên thực thụ, có lẽ tôi mới hiểu hết được. Nhưng như vậy là đủ để tôi có cái nhìn thân ái và kính trọng hơn nữa dành cho những người lái đò đưa tôi qua dòng sông tri thức. Bản thân tôi đã có những khi trách móc thầy cô, và đó chỉ là những phút nông nổi, nhất thời không làm chủ được mình. Khi suy nghĩ lại, hình ảnh tận tụy, nhiệt tình, hết lòng của thầy cô hiện lên xóa tan đi mọi nghi ngờ và giận hờn trong tôi, nhường chỗ cho sự kính trọng và yêu thương. Trong đời học trò, tôi chỉ có hai lời muốn trực tiếp nói với thầy cô. Thứ nhất là lời xin lỗi, dành cho những khi tôi làm thầy cô phiền lòng. Thứ hai là lời cảm ơn, dành cho tấm lòng cao cả, tận tụy và hi sinh của thầy cô để mang đến cho tôi, cho bao thế hệ người đi đò những tri thức vô tận và những yêu thương vô giá.

 Bản thân tôi là một người may mắn bởi trong quãng đời học sinh của mình, tôi luôn có những người thầy, người cô hiểu, thương yêu và có chút ưu ái hơn những người khác. Họ đã cho tôi cả một bầu trời kiến thức, chắp cánh những ước mơ và khiến cho tuổi học trò của tôi thật đẹp. Những người thầy ấy, mãi mãi là một phần tuyệt đẹp trong ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi hôm nay vô cùng nhớ, vô cùng biết ơn vì những điều đó.

 "Em xin gửi đến tất cả các thầy giáo, cô giáo bó hoa rực rỡ nhất tạo thành từ lòng biết ơn và sự kính trọng của mình. Em hứa sẽ là một người học trò xứng đáng với mong mỏi của thầy cô".

 Ai đã từng đi qua chuyến đò ấy

 Có hẹn ngày trở lại với bến xưa

 Thăm người lái đò trong nhọc nhằn, gian khó

 Vẫn miệt mài chèo lái những ước mơ.

_Red Cloud_


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: