Từ Vùng Chiêm Trũng Ngày Xưa

Hầu hết du khách khi đã tới Hà Nội thường chẳng thể bỏ qua chương trình đi xem rối nước, điều này quen thuộc tới mức giới hướng dẫn viên vẫn có câu cửa miệng nói chuyện với nhau: "Ăn tối rối nước". Điều đó có nghĩa lịch trình của khách ngày hôm đó sẽ được kết thúc trọn vẹn bằng chương trình xem rối nước bên Hồ Gươm. Sau nhiều năm phát triển, nghệ thuật rối nước đã trở thành một phần tất yếu của đời sống văn hóa của Hà Nội cũng như một số thành phố khác trong cả nước.

Có khởi nguồn từ khoảng cách đây 10 thế kỷ, rối nước là bộ môn diễn xướng dân gian, sử dụng các con rối bằng gỗ để diễn trò trên mặt nước. Điều khiển cơ học bằng que sào hoặc dây, do các nghệ nhân đứng phía sau màn tre chi phối hành động và ghép lời thoại, rối nước mang âm hưởng mạnh mẽ của một nền văn minh lúa nước với khá nhiều tích trò thú vị. Tất nhiên, các tích trò đó đều miêu tả đời sống của người Việt vùng thôn quê như cảnh đi câu cá, cảnh vợ chồng làm ruộng, rồi chuyện con cáo tinh quái mò vào vườn bắt gà sẽ bị người xua đuổi...

Nét độc đáo nhất của bộ môn này chính nằm ở cách thức điều khiển con rối. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có trò diễn rối như Trung Quốc nổi tiếng với rối bóng (con rối diễn hình sau tấm màn vải, in bóng lên vải như một kiểu màn hình đơn giản); Myanma; Ấn Độ; Thái Lan có diễn rối bằng dây, trong loại hình này người diễn xuất hiện trên sân khấu hoặc giấu mình trên cao, buộc mỗi ngón tay một sợi dây để cho con rối hoạt động... Duy chỉ có tại Việt Nam hiện hữu cách điều khiển ngầm dưới nước, người diễn dù vào mùa Hè nóng bức hay mùa Đông giá lạnh vẫn phải ngâm nửa người trong làn nước để thao tác các tiết mục khiến du khách bật lên từng tràng cười sảng khoái.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, rối nước ra đời phục vụ nhu cầu giải trí của cư dân Bắc Bộ vào những mùa nước ngập. Khi xưa, vùng chiêm trũng mỗi khi ngập lụt nước phủ trắng đồng, chia cắt từng thôn làng thành các ốc đảo lẻ loi. Không thể ra ngoài, người dân đã sáng tạo ra thú chơi cho cộng đồng với các con rối ngộ nghĩnh. Theo thời gian, bộ môn nghệ thuật này ngày càng tinh tế và phức tạp với các thiết bị điều khiển ngầm, được phân tách thành tích khác nhau, có nhạc cụ đệm và nhất là có cảnh đốt các loại pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ... đầy thú vị. Con rối thường được chạm từ gỗ sung, nhẹ và dễ nổi, sơn phết sặc sỡ và nhân vật quan trọng nhất của môn này chính là Chú Tễu, một nhân vật thể hiện tính cách hài hước, dí dỏm rất đặc trưng của các chú hề trong nghệ thuật hát chèo truyền thống. Tễu luôn khai mở chương trình bằng lời chào khán giả, Tễu giới thiệu tiết mục, Tễu tham gia các trò vui, đôi khi còn tự thân đi bắt cá, đuổi cáo chồn, trèo cây... Mỗi khi Tễu xuất hiện trên mặt nước sân khấu luôn dẫn tới hàng loạt tràng vỗ tay và tiếng cười ngả nghiêng của khán giả. Có thể nói Tễu là nhân vật được yêu mến vào bậc nhất trong đời sống văn hóa dân gian của người Việt, giống như chú bé gỗ Pinocchio với người phương Tây. Còn rất nhiều tích khác còn khiến du khách hiểu thêm về lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam, đáng kể nhất phải nhắc tới tích Lê Lợi trả gươm. Ngồi trong không gian thanh lịch bên Hồ Gươm, xem tích Rùa Vàng giúp Lê Lợi giành lại bờ cõi, sau khi lửa chiến chinh đã tắt bèn hiện lên lấy lại gươm với hàm ý từ nay bờ cõi thái bình, muôn dân an lạc, khi đó con người mới thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình và đời sống, càng thêm yêu thành phố Hà Nội với trái tim là mặt nước hồ xanh trong.

Trong số các sân khấu rối nước cổ còn lưu lại trên khắp miền Bắc thì có lẽ hồ nước dưới chân núi chùa Thầy (Quốc Oai – Hà Nội) là đặc sắc nhất, phần bởi khung cảnh hữu tình, phần bởi tòa thủy đình còn nguyên vẹn kiến trúc cổ. Còn nói về chế tác con rối, cho tới nay những nghệ nhân ở các làng Đào Xá, Đào Thục, Tế Tiêu, Tràng Sơn... vẫn còn giữ nghề và ngày càng phát huy tài khéo của mình để góp phần vinh danh bộ môn nghệ thuật độc đáo này của cha ông. Không chỉ dùng để diễn trò, các con rối nước còn là sản phẩm lưu niệm đầy ấn tượng với du khách. Đi dạo trên phố cổ, nhất là xung quanh Nhà hát rối nước TW, trong các phố Tô Tịch, Lương Văn Can..., hầu như shop nào cũng bày bán những pho tượng rối nước mang màu sắc sặc sỡ. Nụ cười tươi tắn, dáng chất phác như chính những người nông dân trên cánh đồng quê, giá cả lại rất phù hợp cho du khách, những chú rối nước có thể dù chưa xuống nước lần nào nhưng sau khi theo bước chân các vị khách đi tới phương trời xa xăm sẽ ngày đêm kể câu chuyện bằng sự tĩnh lặng của mình về một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách và ẩn chứa biết bao điều thú vị.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn