Thói Quen

Trong nhà cậu tôi có đến bốn cái đồng hồ, một treo trên vách tường, một ở đầu nằm, một trên tay cậu, cái còn lại là trong điện thoại di động.

Thật ra, cậu cũng không biết dùng chúng để làm gì ngoài việc thỉnh thoảng so chúng với nhau, xem cái này chạy chậm hơn cái kia bao lâu.

Không cần đến đồng hồ nào, cậu vẫn có thể dậy vào 4g sáng, bắt đầu bằng việc tập thể dục trước nhà, ăn một cái trứng luộc, uống một ly cà phê sữa. Cậu đi hết một vòng, thăm cây cối trong vườn, thăm vuông tôm, nấu bữa ăn chiều xong coi như hết một ngày.

Nhịp sống nhàn nhã và những thói quen đó có từ khi mợ tôi qua đời, cách đây hơn chục năm. Cậu an tâm giữ thời khóa biểu này vì không thấy dấu hiệu xuống dốc nào về sức khỏe. Có thể coi như hài lòng, viên mãn cũng đúng, vì cậu cũng không thấy nhàm chán gì.

Nhưng không thể không hiểu cho con cháu cậu ở thị xã cách đó chừng 20 cây số. Trong cảnh nhà xe đề huề, họ luôn day dứt để ông già sống một mình trong vườn. Ngày này qua ngày nọ, họ cứ nhắc đi nhắc lại, từ năn nỉ đến van xin, thậm chí giận dỗi để đòi cậu về sống chung với con cháu. Cậu một mực từ chối. Họ thay phiên nhau về vườn thăm cậu hằng tuần, nhưng vẫn không sao tránh khỏi mặc cảm tội lỗi không lo được cho cha.

Rõ ràng chuyện cậu trúng gió độc vào 4g sáng trước cửa nhà (phải nằm đó cả tiếng đồng hồ mới có hàng xóm đi qua, chở cậu đi bệnh viện) là một cái cớ hợp lý để họ buộc cậu lên ở nhà thị xã.

Chỉ một ngày ra vào giữa bốn bức bêtông, leo lên leo xuống hai thang lầu (lại là bêtông), cậu nói: ngộp. Vừa bước ra khỏi giường, đi được giáp một vòng nhà là cậu có ý định tót lên xe ôm về vườn ngay.

Tôi ủng hộ chuyện cậu sống ở vườn (chuyện anh chị tôi cần làm là huấn luyện cậu dùng điện thoại di động thuần thục hơn, và nhất là phải coi đó là vật bất ly thân để có thể gọi trong những lúc khẩn cấp). Chỉ có sống ở vườn như cậu thì đến 80 tuổi mới còn tinh thần minh mẫn, da dẻ hồng hào, đi lại nhanh nhẹn, nói năng sang sảng như một ông ngoài 50 ở chợ.

Hình như đi đến đoạn này của cuộc đời, ai cũng thấy sức khỏe mới là vốn quý nhất. Nhưng nghịch lý là tích góp, giữ gìn nó thì không mấy ai thực hiện, hoặc có cơ hội thực hiện cho rốt ráo như cậu.

Tôi bàn với mẹ hay bây giờ mẹ về vườn, mua một miếng đất giá bèo như cho bên cạnh vườn của ngoại tôi (cách thị xã chừng mười cây số). Mẹ chưa thấy bệnh gì trầm trọng nhưng nhìn rất xanh xao, yếu ớt. Ở với thiên nhiên, khí hậu trong lành hẳn nhiên là hơn cảnh hằng ngày mẹ phải hít bụi xe, hay chui ra chui vào cái nhà nhỏ thó, rồi đời sống quẩn quanh với cái tivi, mấy cuốn sách... Thành ý đó của tôi được trả lời bằng cái cười nhạt nhẽo: bây giờ mà còn lo chuyện thay đổi.

"Bây giờ" có nghĩa là năm mẹ tôi 60 tuổi. Câu nói đó của mẹ làm tôi chạnh lòng nghĩ đến cái dốc mà thỉnh thoảng vẫn đọc về những người già.

Tự hỏi, có phải chẳng còn gì quan trọng với mẹ hơn những thói quen được duy trì? Đó là mỗi sáng mẹ được quét dọn phòng khách đã không còn một chút bụi bẩn nào. Là mỗi chiều tỉ mẩn tưới những cây nha đam bén rễ, nhảy tưng tưng trong mấy cái chậu trước nhà, chẳng biết dùng làm gì cho hết. Hay mỗi ngày mẹ được gặp những người bạn già, nói với nhau qua cửa sổ về chuyện phim truyền hình trên tivi? Hoặc những ngày mẹ không cần giao tiếp với ai, chỉ nằm lì trong phòng khách với những cuốn sách của mình...

Có phải với người già, chuyện ở vườn hay phố không thật quan trọng bằng việc họ được yên ổn - theo nghĩa được duy trì một nếp sống, một thói quen đã có (dù có thật tích cực, bổ ích hay không)? Có nghĩa là chuyện mẹ tôi ở đâu sẽ không quan trọng bằng chuyện mẹ tôi có được sống cuộc sống của mình? Chuyện mẹ sẽ gặp ai không quan trọng bằng bà sẽ được nói và nghe những câu chuyện mà bà muốn nói, muốn nghe? Chuyện mẹ tôi làm gì không quan trọng bằng làm việc mà mẹ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng?...

Suy cho cùng thì tôi - một đứa hết trẻ, chưa già sống ở thành thị; hằng ngày gặp bạn bè đều hỏi và nhận được câu hỏi "Có gì mới không?"; băn khoăn nhiều về đổi mới; coi đổi mới như một nhu cầu không thể thiếu - không gặp được suy nghĩ của mẹ tôi cũng đúng. Thôi thì như mẹ đã nói, có những việc chỉ khi vào tuổi của mẹ thì tôi mới hiểu được. Cái ngày đó chắc gì tôi đã chịu thay đổi việc mình dùng chỉ một loại trà vào mỗi sáng?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn