Tết Con Về
Con trai đỡ đầu Wesley nay đã là chàng trai 20 tuổi du học Phần Lan, gửi về Bỉ cho chồng tôi một tấm thiệp mừng năm mới 2014 lấp lánh thông xanh và tuyết trắng. Người trẻ nào chẳng hào hứng đi xa, nhưng Tết đến hóa ra vẫn nhớ nhà.
Wesley viết vào thiệp: "Ở đây ổn, ông già Noel cực kỳ thân thiện, chỉ cái lạnh Bắc Âu hơi phiền toái. Con mong sớm về nhà dự tiệc sum họp".
Tết rõ ràng là Tết Tây đấy, nhưng cảm giác rất ta ở chỗ cũng có tiệc sum họp gia đình, người thân trong nhà hối hả tặng quà, lì xì mừng năm mới. Nếp xưa còn nhiều gia đình Bỉ muốn giữ, người con trai trưởng và vợ bày tiệc mời ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột cùng các cháu đến nhà. Thế là mặt ai cũng hồng rực vì mật độ trao nhận quà và những cái ôm hôn mừng đoàn tụ. Tết nào cũng là Tết, ở đâu cũng mang hồn cốt sum vầy.
Nhưng đây là năm thứ năm người châu Âu đón Tết trong khủng hoảng kinh tế. Đồng hồ có thể đếm ngược mừng đón Giao Thừa song kim chỉ thời gian khó khăn về việc làm vẫn thuận vòng tịnh tiến. Những người may mắn giữ được việc làm ổn định như chồng tôi thì lo cứ đà này phải làm việc đến 70 tuổi mới được về hưu, còn biết bao người thất nghiệp tăng vọt năm qua, bước sang Xuân mới thật chẳng dễ dàng!
Ở đây tôi có người bạn gái gốc Việt sinh nhật đúng ngày 20-3 - Ngày hạnh phúc thế giới. Ngày hôm sau lập Xuân, thật đẹp!
Nhưng ngay từ thời điểm Tết Dương lịch này, bạn bảo không thấy hạnh phúc, sinh nhật tới đây chắc ảm đạm lắm vì lo tiền Tết cho nhân viên quá mệt mỏi: "Không thể vì khủng hoảng kinh tế, thu nhập cửa hàng kém đi mà cắt giảm tiền thưởng cuối năm. Luật quy định hẳn hoi, phải chi cho nhân viên một tháng lương nghỉ Tết và thêm suất lương tháng 13 sau Tết, tổng cộng hai tháng lương".
Ngẫm ra các doanh nghiệp nước mình còn sướng chán, chưa Tết ta đã la làng giảm tiền thưởng.
Đèn hoa đã chăng lên rực rỡ Amstelveen, một thị trấn nhỏ giáp thủ đô Amsterdam (Hà Lan). Dòng người và xe hơi hối hả vào ra các trung tâm thương mại mua sắm quà tặng cuối năm, săn hàng giá rẻ. Phòng khám tư của anh Quang, một bác sĩ gốc Việt tại Hà Lan, cũng vào thời điểm đông bệnh nhân nhất trong năm.
Không phải vì tháng 12 có tiền thưởng mới dám đi khám bệnh mà vì tuyết bắt đầu rơi, trời trở màu xám lạnh mang theo vô số căn bệnh mùa Đông điển hình quật ngã cả những người Thổ Nhĩ Kỳ bán buôn ngoài chợ trời dẻo dai nhất, đánh gục những người Ba Lan khỏe mạnh nhất đang làm thuê xa nhà.
"Không thở nổi hoặc mệt chẳng đứng vững nữa họ mới dám tìm đến phòng khám. Lao động nhập cư làm gì có bảo hiểm y tế, mỗi lần gặp bác sĩ là tiêu hao khoản tiền tích cóp cả năm để mang về nhà" - anh Quang kể.
Tôi sang thăm vợ chồng anh cuối tuần trước, đúng lúc anh mang về nhà một túi nilông lớn. Chẳng cần mở ra, vợ anh - bạn gái thân thiết của tôi từ hồi còn ở Sài Gòn - than thở: "Em dặn anh bao lần rồi, đừng nhận quà biếu của họ nữa. Mang về không ai ăn, em đổ đi hoài chắc kiếp sau phải làm con chuột chui cống kiếm cơm thừa canh cặn".
Đông đến Tết về, các gia đình gốc Việt như vợ chồng anh Quang chỉ thích bún bò, hủ tiếu nóng sốt, gói quà người Thổ - bệnh nhân phòng khám tặng anh Quang - mấy khi động tới. Tôi bóc thử một gói giấy bạc đặt trên bàn ăn nhà bạn đã mấy ngày nay.
Một phần tư góc bánh mì tròn điển hình Doner Kebab lộ ra, ruột vẫn trắng mềm nhưng bên ngoài lớp vỏ nâu vàng đã lốm đốm mốc xanh. Hẳn khi mới ra lò miếng bánh này giòn thơm lắm. Thật ra anh Quang cũng gặp tình huống khó: "Đôi khi họ không đủ tiền, mình vẫn khám bệnh nên họ nướng bánh mang tặng, từ chối không được, biết làm sao".
Trở về nhà, tôi thấy chồng và Arthur, chàng trai Ba Lan sang Bỉ làm thêm tháng cuối năm, đang hì hục san đất, đặt gạch lên con đường dẫn vào kho củi. Việc này đâu cần gấp, nhất là năm hết Tết đến rồi.
Nhưng nhìn mắt Arthur lấp lánh khi nhận tiền công và thốt lên: "Ngày mai tôi mua ngay chiếc máy matxa lưng làm quà tặng bố mẹ và đủ tiền về nhà đón Tết được rồi", tôi hiểu ra thiện ý của chồng. Arthur 28 tuổi, con trai đầu của cặp vợ chồng nông dân Ba Lan bị đau lưng mãn tính. Ừ, về nhà sum họp bình an nhé, Arthur.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top