Sự May Rủi Của Thừa Kế
Trả lời vì sao không muốn Scotland tách khỏi Liên hiệp Anh, một phụ nữ nói: "Tôi vừa mua nhà, giấy tờ ngân hàng và bảo hiểm đã hoàn tất, rất sợ thay luật mới".
Chuyện nhỏ cũng gắn với quốc gia đại sự, mua được ngôi nhà mà không bảo hiểm, hệ quả: con cái phải chịu gánh nặng nếu hưởng thừa kế.
Một người bạn Đài Loan của tôi phát hiện mắc trọng bệnh. Cô bảo trong cái rủi có cái may: "Trước đó một tháng đã xong bảo hiểm nhà cho cả vợ chồng. Chẳng may mất sớm chồng con không phải gánh phần thuế nhà của mẹ".
Lại thuế, nỗi ám ảnh của người châu Âu. Nghe lời khuyên, người bạn khác tất tả đi mua bảo hiểm. Hãng bảo hiểm nhìn trọng lượng tạ ba của khách hàng, gọi bác sĩ đến đánh giá, kết luận: Xin lỗi, chúng tôi không thể bán bảo hiểm cho cô, rủi ro quá cao.
Chuyện thừa kế chưa bao giờ là sự may mắn hoàn hảo. Có người từ chối ngôi nhà chú ruột để lại vì "Phải sửa mới bán được. Tôi không phải con, thuế thừa kế địa phương có thể thu đến hơn nửa giá trị nhà. Chú tôi sống phóng túng, ai biết ông không mắc một khoản nợ nào đó mà ngân hàng chưa tìm đến đòi? Chẳng dại".
Nhưng khi khoản thừa kế quá lớn, mong có, nó lại chẳng đến. Đó là trường hợp của Leon Van Dierendock - nông dân kiêm nhà vận chuyển gia súc ở Bruges (Bỉ) vừa qua đời, để lại 3 triệu euro cho Quỹ chống ung thư vùng Flander.
Các cháu họ của Leon bức xúc: "Chúng tôi cảm thấy bị phản bội thậm tệ". Đừng buồn quá lâu, quan trọng là không phản bội chính mình. Cuộc sống vậy đấy, hôm nay được bà bán rau trả thừa vài ngàn bạc hí hửng ỉm đi, chỉ ngày mai thôi đi chợ có khi lại quên xách về con cá đã trả tiền.
Theo Testament.be (tổ chức chuyên tiếp nhận tài sản để lại bằng chúc thư cho 110 quỹ từ thiện và phi lợi nhuận), ngày càng nhiều người Bỉ để lại tài sản cho quỹ từ thiện thay vì người thân.
Tài sản hiến cho Quỹ chống ung thư từ 8,7 triệu euro năm 2008 tăng lên 14,8 triệu euro năm 2013, riêng năm ngoái Quỹ chống ung thư vùng Flander nhận 6 triệu euro, Tổ chức bác sĩ không biên giới, Unicef, làng trẻ SOS... là đối tượng nhận thừa kế hàng đầu.
Thừa kế âu cũng là cách ứng xử và tiêu tiền của mỗi người. Có lần trò chuyện với Lisa - người dạy lái xe, cô quá ngạc nhiên nghe tôi kể bố mẹ ở Việt Nam thường chia nhà cửa, đất đai cho con (trước đây chỉ chia cho con trai) rồi chọn con trưởng nương tựa tuổi già chứ không vào trung tâm dưỡng lão.
"Dại thế. Nhỡ con cái đổi thái độ thì về đâu?" - Lisa hỏi. Một cặp vợ chồng gốc Việt tôi quen ở Bỉ mới toan về già (60 tuổi) đã vội chia nhà cho con. Con thứ hai chưa lấy vợ nên chi tiền trị giá nửa căn nhà cho anh cả ra ở riêng, còn mình sống chung với bố mẹ.
Chỉ vài tháng sau con trai thứ đã than: "Người già ở nhà suốt ngày bật máy sưởi tốn điện quá. Vướng bố mẹ chứ không tôi mua chung cư đỡ hao tiền điện, tiền thuế rồi".
Đang từ chỗ chủ nhà, tiếng nói có trọng lượng, giờ hai bác phải đi nhẹ nói khẽ. Tủi thân, vợ chồng già bàn nhau xếp hàng xin cấp nhà ở xã hội (dành cho người nghèo hoặc tàn tật). Đấy là chia thừa kế kiểu Việt Nam.
Ba năm nay tôi cứ quan sát ngôi nhà nhỏ nhưng tầm nhìn thông thống vào trong của anh hàng xóm. Hồi mới dọn đến đây anh bảo mẹ sẽ giúp may rèm. Có phải nàng Bân không mà qua mấy Đông rèm đâu chẳng thấy.
Rồi có tiếng gõ cửa, xuất hiện một phụ nữ khoảng 60 tuổi khỏe mạnh, vẻ mặt lo lắng: "Tôi là mẹ P. - hàng xóm của cô. Hôm nay sinh nhật con trai P, tôi đang làm bánh rán chờ chúng nó đi chơi lát nữa về ăn thì bếp không nóng nữa. Cô làm ơn xem giúp".
Tôi lấy áo khoác bước ra cho bà yên tâm chứ nghĩ bụng bếp nhà mình hỏng chắc cũng chịu. Chiếc BMW sáng bóng đậu trước nhà P, mẹ anh sành điệu thật.
Vậy cặp vợ chồng đi chiếc xe rẻ tiền xỉn màu đến giúp P. sửa sang nhà cửa suốt mấy năm qua là ai? P. gãi đầu: "Đấy là bố mẹ cô bạn gái cũ. Tôi không hiểu vì sao bọn tôi chia tay đã lâu mà hai bác vẫn nhiệt tình giúp đỡ". Nghe đâu tên anh có cả trong di chúc của họ.
Trời đã sang Thu, đến lúc phải cào lớp lá và rêu phong trên mái để Đông đến tuyết rơi khỏi sập nhà. Bố mẹ cô bạn gái cũ lại đến giúp anh hàng xóm. Có lẽ chính họ cũng không hiểu tại sao mình quý mến một người dưng.
Nhà văn Hồ Anh Thái từng viết "Có hẳn một bộ phim Mỹ mang cái tên Đáp đền tiếp nối (Pay it forward). A giúp B không phải mong chờ để được B giúp lại, mà B sẽ giúp C, C sẽ giúp D. Cứ thế, một chuỗi những điều tốt được truyền đi, được nối thêm, dài ra mãi".
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top