Những Bàn Chân Toẽ

Cô là người tuyệt vời trong mắt bà con, nhà chồng và lối xóm. Có bao nhiêu phụ nữ thôn quê thất học được ghi nhận như cô? Chắc là nhiều, nhiều lắm, có điều mình không được tiếp xúc đó thôi. Từ trời và từ đất, như hoa, như trái, lặng lẽ và dâng hiến.

Sống vào thời con gái cần công dung ngôn hạnh chứ không cần biết chữ, cô lấy chồng theo xếp đặt. Nhà chồng ruộng trăm lúa ngàn, đám cháu đến chơi nhà cô chỉ thấy những thúng xôi đủ màu cô gánh ra đồng cho thợ cày thợ cấy. Cô bày tỏ thơm thảo và tâm hồn mình qua những thúng xôi màu: xanh lá dứa, tím lá cẩm, trắng nước cốt dừa và vàng đậu xanh. Tôi trẻ con, tôi đói con mắt, tôi vui cũng từ con mắt, lần nào tôi cũng vừa vắt xôi vừa trầm trồ trong khi ngắm nghía gương mặt chữ điền hồn hậu của cô mình.

Rồi cô đột quỵ khi cúi xuống bưng một thúng lúa đầy. Cô hôn mê trên giường, hai chân thả dài ngơi nghỉ. Bấy giờ tôi mới để ý đến hai bàn chân giao chỉ của cô. Giao chỉ đích thực, giao chỉ như bị lời nguyền, giao chỉ như bước ra từ một trang sử tối. Ông bà nội tôi, ba tôi và cô út tôi đâu có dáng bàn chân tõe ra như nan quạt vậy. Chắc cô bị di truyền, từ ông bà cụ kỵ gì đó, tôi nghĩ thầm. Lúc đặt cô vào áo quan, hóa ra cô không có dép guốc gì cả, không có loại dép nào cho kiểu chân cô. May là trong cái rương xưa rất là xưa còn giữ được đôi hài cườm ngày cưới, hài mốc, những sợi dây kết mục ra làm cườm rơi lả tả. Dù sao đó cũng là đôi hài quý để cô có thể mang theo xuống mồ.

Những người con gái của cô già theo năm tháng. Tôi cũng già nên tôi hay nhìn xuống để thấm thía sự đời. Có tới phân nửa đám con gái nhà cô có bàn chân tõe ra như mẹ. Người trẻ nhất hoàn toàn thuộc về thời bình cũng có bàn chân như vậy. Đừng đổ cho di truyền, di truyền sao chỉ những người bám với thôn quê mới bị tõe? Thì ra là đất. Tại đất sông nước, đất sình bùn, đất vùng sâu vùng trũng đây mà.

Con người sinh ra chân đã không quen dép guốc, lúc nào đi cũng như chạy mà thật sự muốn chạy thì không có chỗ. Chạy làm chạy thời giá, chạy học, chạy việc cho con chứ chạy trốn thì không thể. Lúc nào bàn chân cũng bấu vào đất để sinh tồn, trên sạp xuồng hay vỏ lãi cũng phải ấn chân xuống mới vững chãi được. Và cũng như cô tôi, các chị của tôi không có số dép cho mình.

Các chị dặn quà gì thì quà đừng quà dép nghen. Tôi buột miệng: Hay là tặng ủng, mùa nào đi ủng cũng tốt, vừa vững vừa bảo vệ được chân? Các chị xoải chân ra trước mặt tôi cười ngất: Có hãng sản xuất riêng cho thứ chân này không mà ủng với iệc!

Tôi bắt đầu có thói quen nhìn chân những con người không may phải gắn bó với nông thôn. Chua xót quá phải không? Ngày xưa, ai có vườn tược điền sản là phong lưu, được liệt vào hàng có dư có để. Ngày nay nghe nói đến thôn quê là người phố thị chạnh lòng ngay, sình bùn, bấp bênh và cầm chắc bị lãng quên. Quả tình, có để ý thì sẽ thấy các bà chị họ của tôi không di truyền gì cả, ngay cô tôi cũng không bị di truyền. Nhưng bàn chân tõe vẫn phổ biến, quá nhiều, đàn ông và đàn bà, nếu tuyển họ thành một đội quân để chân trần diễu hành thì chắc là đông vô tận.

Mới đây, trong một bữa chợ ở Sài Gòn, khi người phụ nữ bán cá đồng nhanh chân tháo chạy trước tiếng còi của cánh trật tự, tôi nhìn thấy bàn chân của cô tôi. Chân trần hình nan quạt, những đường gân chằng chịt màu lục, gan góc và lam lũ. Quá nhiều người miền Tây tưởng ruộng đồng mới là ngụp lặn, chặc lưỡi lên phố xem sao. Thân phận đó, bàn chân đó làm sao chen lấn được với phố phường trong khi một đôi dép cho nó còn không thể?

Một người Âu, một người Mỹ hay một người Nhật chắc không để cho bàn chân biến dạng nếu họ sở hữu đất đai và sông nước như vậy. Thương phải thương, xót vẫn xót, ám ảnh vẫn cứ ám ảnh nhưng tôi vẫn nghĩ đến sự tôn vinh. Một bức tượng chăng? Một bức tượng cho đôi bàn chân người phụ nữ tõe ra vì sình bùn.

Chân phụ nữ tõe nặng hơn nam giới có lẽ vì xương cốt mỏng, hay họ lắm việc hơn, hay họ chịu đựng nhiều hơn? Những bàn chân ấy đã góp phần làm nên lịch sử và tương lai, chúng vẫn sẽ như vậy khi nước mỗi ngày một bủa vây và con người mỗi ngày cứ phải trì chân mà bám lại.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn