Nghịch Lý Bữa Cơm
Các chị là những người ruột thịt của cây lúa. Dân cư từng khá lên nhờ kênh xáng Xà No mà. Từng có nước ngọt mạn nam sông Hậu chảy về rửa phèn đắp màu, lúa hai vụ rồi ba vụ, kín cả năm.
Sao không có bóng dáng các anh trong câu chuyện này? Đơn giản vì chiến tranh đã đẩy đàn ông hai phía ngồi lên bàn thờ hết rồi. Những đứa con của họ thì nhất quyết không chịu ôm đất. Người đi làm thợ làm thuyền xứ lạ, kẻ đi cạo mủ cao su tận miền Đông. Các cô gái thì nhiều phương trời hơn, có việc nói công khai ra được, cũng có việc mà người thân và lối xóm chỉ có thể đoán ra thôi.
Một thời hạt lúa rẻ như bèo. Có người còn chịu khó ngồi tính thật ra nó còn rẻ hơn bèo. Bèo không tốn phân tốn thuốc, không khiến con người dãi nắng dầm mưa, không phải nợ tiền vật tư để đến kỳ phải trả bằng sản phẩm. Các chị rủ nhau phá ruộng, lên liếp trồng lại cây khóm của ngày xưa. Nhưng khóm cũng rẻ như bèo (sau khi trừ cấn hết mọi thứ thì nhà nông lõm). Lại rủ nhau trồng mía nhưng mía cũng rớt giá. Các chị tếu nhau cho đỡ buồn: "Chắc tại mình góa không có đàn ông đại diện rủ đi nhậu nhẹt, lo lót nên ông trời không thèm giúp". Hài đến thế là cùng!
Tin tức từ tứ giác Long Xuyên, từ Sóc Trăng rồi từ Rạch Giá cộm lên: làm lúa có lời rồi! Các chị hăm hở san liếp, trả lại tư thế cũ cho đồng ruộng. Nhà không có đàn ông mà bà nào cũng gan lì. Hay nói như vầy mới đúng: vì không có đàn ông nên bà nào cũng giàu tính khí đàn ông. Đắp liếp đã khó, san liếp cũng không ít công. Một hội thợ vặt ngoài thị xã được điều về hì hục ngày đêm, khi đã muốn thì ý của các chị mới là ý trời!
Ba mươi lăm năm hòa bình, giờ hết thảy các chị đều đã trên lục tuần, không còn tay cày tay phảng nhưng cũng không ai có thể điều khiển máy xới hay máy xạ được nữa. Những đứa con trai được triệu về, toàn tin giả "má đau, má bệnh" chúng nó mới chịu rời giấc mơ đổi đời bằng di cư. Những đứa con trai bất đắc chí, trở về với bộ dạng "trứng khôn hơn vịt" chỉ vì ỷ mình đi đây đi đó, biết nối mạng, biết nghe rốc riết. Một phen nữa các chị lại đứng mũi chịu sào, vỡ đất, thay giống, chọn phân, mắc nợ và lo âu. Độ rày cây lúa không phụ lòng người, sau khi trừ cấn, cầm được ít đỉnh đồng lời trong tay, các chị đã có thể giữ chân con trai mà không sợ mình đuối lý.
Từ hạt lúa vùng Xà No, muốn thành hạt gạo Việt Nam ra với thế giới, các má có biết là mình đã bị ép giá tận gốc rồi không? Đám con trai họ lớn giọng. Tính theo giá thịt, giá hàng tiêu dùng, giá rau Đà Lạt hay giá giá vàng đi, các má mới thấy mấy đồng lời đó chưa là gì cả! Các chị gạt đổ ghế đứng dậy trong bữa ăn: "Ai nói chuyện vàng, sao đi so với vàng, so vậy thì đất thì nhà đều thành bèo hết!". Quả thật vàng là thứ quá xa vời, nghĩ tới chuyện leo thang của nó thì dân công sở cũng không còn muốn đi làm nữa là.
Không khí phập phồng, bữa cơm phụng phịu. Bản tin thời giá hằng ngày trên tivi cho biết có thứ gạo giá tới 20 ngàn đồng một ký, má ơi! Đứa con bới những hột cơm trong chén của mình lẩm nhẩm: Lúa mình được chở đi xay xát rồi được sàng kỹ, lau đi mới thành gạo thương phẩm. Nhà mình toàn ăn gạo kém gạo nát mua từ chợ quê, 10 ngàn một ký đã là oai lắm. Má có biết hột gạo giá 20 ngàn một ký nó mỹ mãn như thế nào không? Cả đời má có bao giờ được bưng chén cơm với thứ gạo nhà giàu đó không, hở má?
Các chị lại đứng lên bên bữa ăn hậm hừ với những đứa con chí lý của mình. Nhà nghèo câu được con cá to thường đến trước cửa nhà giàu để gạ bán, lấy tiền mua nhiều thứ khác. Không vì vậy mà nhà nghèo thôi câu cá, vì đi câu là chân chính, cần lao, niềm vui, hạnh phúc.
Suy ra nghề ruộng cũng vậy mà thôi. Nhưng mà vẫn mơ, mơ một ngày làm ruộng bằng cơ giới và tự động hóa hết, cực khổ ít đi mà đồng lời dày lên. Và nhất định lúc đó sẽ mua những ký gạo dành cho nhà giàu về, nấu trong nồi cơm điện để ăn cho biết nó ra làm sao. Đám con trai bảo đó là nghịch lý, nghịch lý là cái chi chi, nhà nông mà cứ đem nghịch lý ra để vặn vẹo thì sao còn là nhà nông nữa?
Nhưng mà vẫn tấm tức. Ăn gì mà gạo tới 20 ngàn một ký, hở trời?
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top