Nghe Tiếng Cửa
Làng xóm ở đây vừa giống vừa không giống những nơi khác. Cái giống rất rõ, mọi người đều là nông dân, nhà nép dưới tán cây và xóm thì cắm rễ ở nơi nó được hình thành từ mấy trăm năm nay.
Cái không giống cũng rất rõ khi so với đồng bằng Bắc bộ hay đồng bằng Nam bộ: xóm nằm dán trong thung lũng, núi thưa và đồi trọc vây quanh.
Lần này chọn thời điểm giao mùa để về đây ngắm hoa sim trên đồi và nghe mùi của gió Lào sắp sửa. Từ ngày có đường Hồ Chí Minh đi qua, giao thông làng xóm được bêtông hóa kín hơn để dân chúng có thứ mà hi vọng. Lúa xanh rì, những vạt màu cũng nhuận hơn, đồng nhiều trâu hơn và sườn đồi cũng nhiều dê hơn. Vùng này nổi tiếng với kẹo cuđơ và dê núi, dĩ nhiên gió Lào thì rất sẵn từ đầu tháng Năm. Những trái đồi với nhiều cái tên bắt đầu bằng từ rú: Rú Bụt, Rú Tháp... được tô điểm bằng rất nhiều sim. Bạn từng nhìn thấy sim cuối Xuân chưa, trắng, phớt hồng và tím lam, mỗi một cành sim thường được phối chừng ấy màu, chao ơi, vùng đất khắc nghiệt mà sao hoa sim lại tha thiết đến vậy?
Liên hồi thăm hỏi. Đường làng ngõ xóm đúng là loanh quanh như tranh họa đồ. Những sạp thịt heo bất chợt ở đầu ngõ như để chứng minh nơi đây không bị siêu nạc đâu nhá. Lá rau cọng hẹ như cũng tươi hơn trước, không hiểu vì sao. Có cả một quán cà phê bên đường với một phụ nữ Cà Mau theo chồng quay ngược ra Hà Tĩnh bắt đầu cơ nghiệp.
Tín hiệu lạ đây. Để kéo một nàng dâu gốc miền Tây giàu sản vật về với thung lũng này, chắc đâu phải chỉ vì cái gã chồng kia được tiếng giỏi? Người đàn bà trung niên ấy bảo quê giờ dễ làm ăn rồi, chỉ còn sợ gió Lào và mùa lụt thôi. Thấy bàn tay của người chồng đối phó với gió Lào bằng nhiều cây xanh và với lụt thì có hẳn một cái gác xép bằng gỗ rừng rất chắc. Ở đâu mà chẳng phải xoay xở và thích nghi? Nghe nói dân Thái Bình, Nam Định trước xuôi Nam tìm cơ hội nay đã rục rịch về lại khá nhiều. Làng quê bắt đầu một giai đoạn khác chăng?
Ở đây, nhà nào có đàn ông thường được nhấn mạnh bằng những lồng chim như thể phong trào. Mấy năm trước không có hiện tượng này. Rất nhiều nhà nuôi đến ba bốn lồng, cu gáy, sáo sậu và cả họa mi. Hồi xưa, hồi cải cách ruộng đất còn diễn ra ở bên Tàu, tức là hồi nó chưa tràn xuống miền Bắc của ta, nông thôn chiến tranh nhưng vẫn còn an lành. Rồi mọi thứ bật gốc đảo tung, nhiều người có tài sản rời đi trong tay trắng. Nhưng rồi không ai có thể sống thiếu quê, họ bỏ quá cho lịch sử và lại ra tay nghĩa hiệp với những người bám lại trong nỗi nghèo. Mỗi năm người về một đông hơn và người sống chết với thung lũng cũng đỡ chật vật hơn. Làng xóm đã lại như thời của Huy Cận xưa:
Một buổi trưa không biết của thời nào.
Một buổi trưa nhè nhẹ tựa ca dao.
Có cu gáy có bướm vàng nữa chứ.
Đêm xuống càng dễ chịu hơn. Nhà nào cũng có đèn pin để tản bộ sang nhà khác chơi. Xe máy nhẹ nhàng chạm thềm nhà nhau chứ không ré lên như cách đi của bọn trẻ thành phố. Mời nhau chè xanh chứ không mời nhau ăn nhậu. Cả xóm không có người nghiện dù Cầu Treo là một trong những cửa ngõ để ma túy từ tam giác vàng tuồn sang Việt Nam. Kỳ lạ thật. Lòng người chính là phên giậu cho tất cả.
Và lòng người bình an là nhờ được làm ăn chân chính. Rất nhiều con em của những gia đình cần cù ở đây đang học Đại học ở Hà Nội và Sài Gòn. Đã có những ông kỹ bà cử quay lại mở cửa hàng mở công ty, họ đã mang về quê sự háo hức thanh tân và điều đó lan tỏa trong xóm làng. Có lẽ vậy mà tiếng chim hót nghe thật thanh bình.
Thích nhất trong đêm sâu là tiếng khép cửa. Không cần thanh cài, cửa chỉ khép là xong. Lâu lắm rồi mới được ngủ trong ngôi nhà không cần chốt cửa. Chạnh nhớ căn hộ chung cư cũ mèm của mình ở Sài Gòn, phải tới hai lần cửa mà vẫn nơm nớp bị trộm đạo hỏi thăm (bây giờ chúng không cần kềm cộng lực mà đổ thẳng axit vào ổ khóa). Đêm thung lũng nằm nghe trâu thở, bò thở, dê thở và gà gáy rộ lên từng hồi, một gã nông dân vùng xa mà có tới bốn thứ con trong chuồng và nhà không cần cài cửa, thật kỳ diệu như thể có phép mầu.
Mừng cho nhà nông và cũng mừng cho chính mình. Đã thấy lại thời thơ bé êm đềm ngày trước. Hành trang ấy cần cho mọi lứa con em dù họ thành tài để ra đi hay là để quay về.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top