Mùi Hương Nhu
Tắm Tết. Tắm chiều Ba Mươi. Tắm đêm Trừ Tịch. Tắm lá mùi miền Bắc. Tắm hương nhu miền Nam. Tẩy trần, tẩy bụi bặm trần ai, tẩy cả những phiền muộn lo âu đầy ngập bốn mùa qua.
Cởi chiếc áo cũ ra đi
Buồn vui bốn mùa phải đâu phút chốc
Kỳ cọ tâm hồn, ướp lá đường cong...
Giọt giọt mặn đắng rơi xuống. Giọt giọt thơm nồng bốc lên. Ướp mới, ướp cho tươi sạch da người, tươi sạch tuổi thơ, tươi sạch ký ức, tươi sạch cả con người luốc lem, bầm giập, sân si sau chuỗi ngày lao đi lao về như cánh chim, như vó câu, như làn gió mỏng, như thân tâm này, linh hồn này trót trao cho khổ ải, nhịn nhục, hi sinh.
Vậy đó! Chẳng biết từ lúc nào người Việt mình có thói quen tắm Tết. Tôi chập chững vào đời đã thấy má tôi tắm Tết. Má tôi sinh ra đã thấy ngoại tôi tắm Tết. Ngoại tôi bập bẹ nói cười đã thấy cố tôi tắm Tết. Cuộc tắm truyền đời. Cuộc tắm miên man để giữ cho phận sống dẫu mỏng manh cũng mong, cũng ước, cũng nguyện, cũng giữ cho muôn phần thanh sạch, thơm nguyên.
"Đói cho sạch, rách cho thơm", má tôi thường nhắc các con mình như thế. Lớn khôn tí chút tôi hiểu lời dạy của má không chỉ tắm thơm da thịt, cơ thể mà còn phải tắm táp, ướp giữ thơm tho từng ý nghĩ, từng việc làm, từng nhịp hít thở trong giây phút, trong đoạn quãng sống quý giá ở cõi đời này.
Trong vườn, gốc đất nào cũng đổi giống đổi má được nhưng tuyệt đối gốc vườn trồng hương nhu là nguyên sắc tím xanh đậm đà, nguyên mùi thân thuộc nồng nàn, nguyên loài thủy chung nhắc nhớ, những cái hạt bé xíu rơi xuống, vươn mầm thay thế giữ mãi gốc vườn thơm. Nghĩ mà thương, cái cây cái lá thân thuộc, gắn bó với người, hợp tạng hợp mùi với người, ươm chứa, giữ gìn ký ức cho người trong im lặng, trong lời thơm mà chẳng đòi hỏi gì nhiều nhặn lắm đâu.
Người cũng vậy, đi đâu về đâu, sa cơ lỡ vận đen đủi hay thành công, thành danh, hiển đạt, "giàu đổi bạn, sang đổi vợ", làm quan đổi mặt, bán buôn đổi lòng nhưng với cái mùi cây lá dân dã, mộc mạc ấy vẫn cứ trước sao sau vậy, vẫn nghiện, vẫn nhớ, vẫn tìm cho bằng được mỗi khi gió Xuân se ngoài ngõ, mỗi khi qua chặng tơ vò rối ruột cuối năm, mỗi khi gấp sổ tạm gác ba trăm sáu mươi lăm ngày bận rộn lo nghĩ, lo toan, lo sợ.
Nói đâu xa, chị hàng xóm nhà tôi người cứ như lên đồng, cuồng vì tiền, bất chấp vì tiền, vậy mà mỗi dịp cuối năm đều nhắn mẹ ở tận quê Hà Nội gửi bằng được bó mùi khô để tắm Tết. Chị nói "Ngò rí ở đây cũng thơm nhưng phải là nồi nước mùi quê mình tắm mới đúng chất, mới đã nhớ, mới gọi là ướp quê vào da thịt".
Đúng là ướp quê vào da thịt, vào tâm hồn. Hãy thử tưởng tượng mà xem, chiều Ba Mươi Tết, sau khi lau dọn bàn thờ tổ tiên, sau khi nhấn tắt nguồn điện thoại, sau khi tạm quên hết những chuyện phức tạp, những nợ nần ân oán ngoài kia, ta nhấc nồi nước hương nhu đang sôi sùng sục bê vào nhà tắm, đóng cửa mở nắp, nhắm mắt lim dim, chìm ngập trong một trời hương thơm, một vùng hơi thơm, ta co mình bé lại như giọt tinh dầu lóng lánh, xả hết, trả hết, xóa hết, tẩy hết...
Rồi lại mở lòng ra đến mênh mông ký ức ngọt ngào, đến trinh sạch những khát khao hướng thiên, hướng thiện, chợt nhớ nhung chất ngất, chợt thương yêu ngập dâng, bao nhiêu oán trách, bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu ham muốn, bao nhiêu trần thân khổ ải bỗng chốc tiêu tan, bỗng chốc trở thành vô nghĩa, bỗng chốc hiểu ra mọi sự phù phiếm đến nực cười.
Vậy hỏi sao gọi là sạch hơn, sao gọi là thơm hơn, sao gọi là người hơn?!
Tôi sống đã nửa thế kỷ, đã quá đời người, đã trượt dài bên kia dốc, tưởng cũ mèm, mốc thếch, dày cui những bụi bặm trần gian, những tan nát, tuyệt vọng, những đọa đày đau rát, những giây tàn phút lụi đứng bên miệng vực rỗng không, tê tái, vậy mà sau khi tắm Tết, sau khi để cho mùi hương nhu truyền đời chiếm ngự, lòng cứ lại phơi phới như trẻ thơ đón Tết, mắt cứ long lanh trở lại như thời trai tráng, da cứ như căng mịn xuân tràn.
Sạch trơn. Ham sống. Thấy gì cũng đẹp. Nghĩ gì cũng thương. Hương nhu mộc mạc mà cao sang lắm thay! Hương nhu xưa cũ mà mới mẻ lắm thay! Hương nhu, hương nhu, tôi nghiện mùi em mất rồi!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top