Một Niềm Vui Khác

Trong một buổi ca nhạc ở phòng trà, người ta yêu cầu ông trở lại, ông ngại ngùng hỏi: "Tôi trở lại, mà toàn bài cũ có được không?". Khán giả đồng thanh đồng ý. Ông xúc động bảo: "Tôi thấy hình như mình vẫn còn cần cho một công việc nào đấy".

Không thể không nhớ lần đầu tôi gặp ông cách đây chừng sáu năm - ông nhạc sĩ đã ngoài năm mươi, mặc áo linen màu hồng ngồi ở quán bar, vừa uống rượu vừa trả lời phỏng vấn nhân "ngày trở lại".

... Sáu năm dưỡng bệnh, ông hầu như không còn sức khỏe để nghĩ đến âm nhạc. Lâu lâu ông chỉ làm công việc là ghi chép lại những ý tưởng của mình...

Live show của ông có ba bài hát mới, bài nào cũng yêu là tâm trạng của kẻ ngoài hai mươi đang yêu, si tình, dại khờ; lại thấy thêm bóng dáng của mấy chân dài nóng bỏng trên clip minh họa cho chuyện kể cuộc đời ông, tôi có ghé tai: "Cháu thấy chú còn "hot" quá".

Ông tếu táo bảo: "Nếu không đa tình chú đã không viết được nhạc". Nhưng mà chống chế: "Mười lăm năm sau ngày vợ mất, vẫn ở vậy nuôi con thì chú cũng thuộc dạng người chung thủy đó chứ. Chưa bao giờ yêu một phụ nữ có gia đình và cũng chưa bao giờ phản bội gia đình để yêu một phụ nữ khác, chú cũng là một công dân rất tôn trọng luật hôn nhân gia đình của Việt Nam"...

Sáu năm không gặp, hằng ngày vẫn nghe ba bài hát mới của "ông già hot" thỉnh thoảng vang lên ở đâu đó, tình cờ đều trong những không gian yên tĩnh, ấm áp. Tự nhiên tôi bỗng nhớ lúc ông tìm một góc không người trong cánh gà, cởi áo vest, nằm xuống băng ghế dài, nhắm mắt lại khi ca sĩ đang xiêm y lộng lẫy hát trong live show của mình ngoài sân khấu, khi khán giả đang vỗ tay không ngớt cho những bài hát từ cũ đến mới của ông...

Rồi nghe tin ông bị tai biến. Rồi gặp lại lúc này, ông ngồi trên xe lăn, được một người khác - vừa đẩy ông quanh các gian hàng trong siêu thị, đưa tận tay những món hàng ông chọn.

Ngược với vẻ hồ hởi, nhiệt tình của người kia, gương mặt ông không biểu lộ cảm xúc gì đặc biệt. Ông chỉ những món hàng, nhận từ tay người đẩy xe, đọc thật kỹ những dòng ghi trên đó...

Một tiếng chào thôi, tự nhiên sao tôi thấy lưỡng lự. Tôi không chắc ông còn nhớ mình. Cũng không chắc là giữa chúng tôi còn một điều gì cụ thể để nói với nhau - những câu chuyện cũ tôi còn nhớ, ông sẽ nhớ về thời lẫy lừng kia của ông, ích được gì? Tôi đứng nhìn ông một lúc, đi qua ông, rồi quay lại, rồi đi qua...

Ông vẫn tỉ mẩn chọn lựa giữa các kệ hàng sáng choang, ấm áp. Xung quanh chúng tôi, những dòng người đang đi qua, một vài người nhìn lại vài giây, ngờ ngợ ông là một "người quen"...

***

Đó là buổi sáng Chủ Nhật trời không đẹp lắm. Tin bão xa, rồi mưa dầm kéo dài từ tối thứ Sáu, chưa có dấu hiệu sẽ dừng. Hai ngày ủ ê trong nhà, người có lười đi mua sắm thì cũng nên đến siêu thị để tham gia một buổi sáng rộn ràng. Chỉ riêng việc nhìn thấy đèn điện sáng choang, hàng hóa chất đầy các kệ hàng, người qua lại tấp nập và nghe các loại thông báo réo rắt vang lên trong cái siêu thị bé xíu này cũng đủ thấy chút sinh khí.

Trong không khí đông đúc vừa phải, ồn ào vừa phải này cũng dễ chịu như lúc buồn, được thỏa mãn cảm giác nhìn thấy một cái gì đó rộn rã nhưng không thành ra chộn rộn, xô bồ. Có rất nhiều người quen, nhưng không ai động chạm và hỏi mình "đang buồn sao?"...

Người qua lại trong siêu thị không thấy vội vã, không thấy chen lấn - những gương mặt chẳng quen, nhưng không thấy lạ lẫm, lạnh lùng như đi trong các trung tâm mua sắm sang trọng. Tôi len lỏi trong đó, đi qua ông, thấy trong lòng còn lâng lâng một niềm vui - người bạn già tài hoa lừng lẫy một thời bây giờ là ông già mặc sơmi bỏ trong quần tây nghiêm chỉnh, ngồi trên xe lăn, đang tận hưởng niềm vui của một sáng Chủ Nhật trời mưa yên bình, tự tay chọn cho mình một bó rau ngon...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn