Lời Xin Lỗi Của Một Người Thầy
1. Trước đây, tôi đã phê vào học bạ của cô học trò: "Vô lễ với thầy cô" và hạ một bậc đạo đức. Cô học trò ôm mặt khóc. Nay, tình cờ nghe bạn của cô học trò kia nói lại sự thật hôm ấy, tôi định gọi nhưng sợ khó nói nên chỉ nhắn tin xin lỗi.
Cô học trò ngày xưa nhắn lại: "Thầy có biết em đã khóc rất nhiều khi đọc tin nhắn của thầy!".
Giọt nước mắt của cô học trò nhỏ ngày xưa và giọt nước mắt của người đàn bà trưởng thành hôm nay không cùng vị mặn nhưng dường như nó đã nhân lên trăm lần vị đắng xót, vị ray rứt nơi người thầy đã một lần nhầm lẫn.
2. Lời xin lỗi luôn muộn màng. Với thầy tôi lại là trường hợp khác. Tôi ngàn lần cúi đầu xin thầy tôi tha lỗi.
Thầy Đ.A. dạy tôi hồi còn lớp 8, lớp 9 trường xã, dáng người nhỏ nhắn nhưng đôi mắt rất sáng. Thầy dạy Toán, trọ gần nhà tôi, hằng ngày ra ngõ thưa trình. Tôi được giải học sinh giỏi, thầy vào tận nhà khen ngợi, dặn dò nhiều điều... nên hình ảnh thầy thân thuộc khó phai trong tôi.
Sau, thầy đổi về dạy ở phố. Bẵng đi thời gian khá lâu không gặp lại thầy. Tôi giờ cũng đã trở thành thầy giáo. Một lần bước vào hiệu sách ở phố, từ xa tôi đã thấy đôi vai nhỏ nhắn và đôi mắt rất sáng của thầy. Quá mừng rỡ, lách đám người đông đúc tôi nhào đến trước mặt thầy để... chào.
Không ngờ tôi bị thầy dùng hết sức mạnh của hai tay xô tôi bật ra, nhìn chăm chăm vào tôi với ánh mắt lạnh lùng, xa lạ và đầy nghi ngờ. Hai tay giữ chặt túi áo ngực, thầy quay ngoắt bỏ đi.
Tôi tiu nghỉu chôn chân tại chỗ, càng lúc lòng càng nặng nề thương tổn. Nỗi thương tổn đã nhanh chóng trở thành cơn giận hờn với vô số suy diễn bực tức. Tôi cho rằng về phố thầy đã thay đổi. Thầy thấy tôi không sáng láng, phốp pháp thành đạt gì nên không nhận học trò sợ phải xấu hổ với mọi người, thậm chí còn nghi ngờ tôi là phường đạo chích. Thầy thật tàn nhẫn khi lạnh lùng trước xúc cảm của tôi. Có học trò ở phố nên thầy đã quên học trò quê ngày nào...
Những lần gặp sau, tôi không thèm chào thầy nữa, cứ nghênh mặt đi qua và cố xua hết những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh, những lời dạy của thầy ra khỏi tâm trí mình.
Thời gian trôi đi, nghề giáo đã dạy tôi nhiều điều, nhất là rèn luyện cho tôi tính biết suy xét mọi chuyện. Điềm đạm hơn, tôi tìm cách lý giải lại câu chuyện trong hiệu sách hôm ấy. Có lẽ thầy quên tôi thật, trò nhớ thầy nhưng thầy không thể nhớ hết trò, thôi thì sự lạnh lùng của thầy cũng coi như điều bình thường.
Nhưng có một câu hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi: điều gì đã làm thầy thay đổi, trở thành người đề phòng, nghi ngờ thái quá như vậy?
3. Thầy tôi đã về phố. Câu trả lời ở đó, có lẽ vậy.
Nơi huyện xã ngày xưa, thầy cô là cha là mẹ thứ hai, đi đâu đứng đâu ai cũng biết, đi đâu đứng đâu cũng nhận sự kính trọng đúng mực của phụ huynh, của học trò. Giờ, giữa phố đông người, ai biết ai là ai, thầy cũng chỉ là người làm nghề như bao nghề khác. Ở phố, không gian cá nhân bị thu hẹp đến tối thiểu và sự đề phòng trong mỗi con người đã tăng lên tối đa. Hiểu ra vậy, lòng tôi có vơi ít nhiều sự thương tổn ngày nào.
Huyện xã ngày xưa là những miền quê hiền hòa, thầy cô sống thanh bạch, trong lòng luôn đong đầy tình nghĩa thầy trò. Học trò khúm núm đến biếu thầy con gà, con vịt hay túi bánh tét, bánh ít khi nhà có giỗ chạp, thầy nhận vui vẻ không nghĩ ngợi gì. Giờ về phố, ai mang tới cái gì cũng sợ, thậm chí một thái độ thân mật cũng không nhận dễ dàng, cũng nghĩ ngợi đề phòng trăm đường, biết có phải sự kính trọng vô tư không. Ấy là nỗi khổ của người trong sạch!
Và nữa, thói quen cũ vẫn hằn sâu trong nếp sống mới có lẽ luôn là vấn đề của thầy. Huyện xã ngày xưa, học trò, dù có làm đến ông gì bà gì, gặp thầy cô đã đứng lại từ xa, vòng tay cúi đầu. Giờ tôi sán lại đường đột như vậy, hỏi sao thầy không đẩy ra. Suy cho cùng là lỗi tại tôi.
Tôi trách mình quên rằng thầy đã về phố, tôi lại trách mình quên rằng thầy đã từng dạy ở quê.
Tôi thấy thương thầy tôi hơn, hình ảnh đôi vai nhỏ nhắn và đôi mắt rất sáng của thầy chợt hiện về trước mặt tôi rõ mồn một. Thầy ơi! Em sai rồi. Em xin lỗi! Tôi bật lên thành lời với thầy và cũng với chính mình, tôi biết đã quá muộn màng vì tôi mới hay tin thầy tôi vừa đi xa.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top