Lão Khởi

Mấy hộ đấu chung khu đồng Cây Đa để mở trang trại phát triển kinh tế, đã mượn lão Khởi lên trông nom. Đồng vẫn còn cấy lúa, đang bị vịt các nơi đến phá.

Lão Khởi tuy đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn khỏe. Vợ chết đã lâu, ở một mình. Ba đứa con, đứa lấy chồng, đứa đi lập nghiệp xa, ít chú ý đến lão. Từ lâu chúng vẫn nghĩ bố chưa yếu lắm. Mùa cấy vài sào ruộng là đủ gạo ăn. Còn đồng dưa, đồng mắm thì trông vào tài vặt của bố kiếm cũng đủ.

Thời trai trẻ, lão Khởi rất khỏe và chăm làm. Ngày hợp tác xã mới thành lập có vài ba chục hộ, ban quản trị ba người, đều là chân đảng viên kỳ cựu và liêm chính, chưa ai nghĩ đến tham ô, lợi dụng. Mọi người thực hiện đầy đủ khẩu hiệu "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ" thì lão Khởi cũng được bầu là cá nhân xuất sắc.

Hợp tác xã dần lên to, việc quản lý vượt quá trình độ cán bộ, ban quản trị xuất hiện một số người đánh mất phẩm chất đảng viên, bòn rút của công làm của riêng. Việc làm ăn chung cũng đánh mất đi nền nếp cần cù, cẩn thận của cha ông để lại. Người "làm thật thì ăn cháo, kẻ làm láo thì ăn cơm", khiến nhiều xã viên nản lòng, trong đó có lão Khởi. Lão sinh lười, gọi lấy thóc chia, lão ra; gọi đi làm, lão cáo ốm. Mức ăn có thấp nhưng nhàn. Rỗi rãi, khi lão câu ếch, đơm đó, lúc thả rọ lươn. Hợp tác xã lập khu nuôi cá, thì lão đến câu trộm. Lão rất tài, chả mấy ngày không có cá ăn!

Khi hợp tác xã tổ chức nhà ăn tập thể, lão xin vào làm trong đội quân "dao thớt". Lão xào nấu ngon, được khách khen. Một số vị chức sắc địa phương khi nhà có công to việc lớn đều gọi lão đến phục vụ.

Sang thời kỳ đổi mới, địa phương xóa bỏ lối làm ăn cũ, thì ao cá, trại lợn, vườn cây và cả cái nhà ăn tập thể cũng xóa bỏ. Lão Khởi chuyển nghề. Nhà ai có nái lợn, ổ chó đẻ, con bê giống, lò gạch vừa ra... muốn bán được giá, lão nhận "chỉ trỏ" kiếm tiền "hoa hồng".

Gần đây, xã bên cạnh có một số người nuôi vịt thả đồng. Đàn vịt đẻ. Đàn vịt thịt. Vịt nào cũng cần nhiều mồi, nhất là mồi tanh. Họ lén lút lùa vịt sang các đồng xa, trong đó có cánh Cây Đa kiếm mồi.

Quy ước chăn nuôi đề ra chặt chẽ, một số nơi thực hiện nghiêm chỉnh. Còn không ít nơi làm láo, báo cáo hay, nên dịch bệnh mới lan tràn. Trông coi đồng ruộng là việc của đội bảo vệ. Song thù lao có hạn, đồng lại rộng và xa, anh em không coi xuể. Hỏng lúa bắt đền thì mang tiếng quá khắc nghiệt mà bỏ qua lại thiệt thòi! Vì thế mấy nhà có ruộng đến nhờ lão Khởi trông coi.

Thấy thái độ họ có vẻ cần thiết đến mình, lão phát giá 40 nghìn đồng một công. Giờ mượn người đâu dễ! Vả lại, công cấy còn 5 – 6 chục nghìn một sào, huống hồ công coi đồng, nhất là coi vịt trong lúc dịch "hắt năm" (H5N1) đang hoành hành. Sơ suất một chút là toi mạng. Thấy người thuê phải "chịu trận", lão Khởi nhẩm tính "lương" mình kém gì lương hưu đại úy!

Nhận việc, sáng bảnh mắt, lão đã có mặt trên đồng. Lão đội nón lá, mặc sơ mi xanh và chiếc quần lửng để dễ bề hoạt động. Tay cầm một chiếc roi tre thật dài, mắt lão liếc ngang, liếc dọc như một chiến sĩ trinh sát theo dõi địch tình. Nhìn tận phía xa, chẳng thấy bóng một đàn vịt nào, lão nghĩ mình khéo "thất nghiệp". Kia rồi, mấy "thằng lỏi con" dắt trâu đến.

Chưa có vịt thì "trị" trâu vậy. Thấy bọn trẻ chăn trâu tới gần, lão vụt chiếc roi tre veo véo vào không khí:
- "Chúng mày" đứa nào đưa trâu sang cánh đồng này, tao chặt chân!
Có đứa hỏi:
- Sao ông cấm chúng tôi?
- Ai ông cũng cấm tuốt! - Mắt lão quắc lên – Ông nhận bảo vệ cánh đồng này. Trâu "chúng mày" sang, trước là ăn hại lúa, sau dẫm nát bờ, nên cấm, nghe chửa?
Nhìn cái roi vẫn vụt veo véo, bọn trẻ lôi trâu sang cánh đồng khác.

Ngồi mãi chồn chân, hôm sau lão nảy ra sáng kiến: mang theo cái võng dù mắc vào trạc cây nằm. Nằm đu võng, lão ngẫm số lão thế mà sướng. Từ hôm nhận coi đồng, lão chẳng phải đầu tắt mặt tối gì, mà ngày xơi ngon mấy chục nghìn. Suy ra thì anh cấy ruộng cũng khổ. Chả biết rồi làm gia trại, trang trại sẽ giàu có thế nào, chứ giờ làm ra được tấn thóc mệt sức lắm. Còn anh nuôi vịt cũng chẳng nhàn nhã gì. Nón mê, quần đùi, suốt ngày đánh vật với đàn vịt. Da thì đen cháy, chân thì nứt toác. Mua vịt cũng phải mua trộm. Rồi về chăn trộm. Nhưng sao che mắt được các ông thú y và chính quyền địa phương. Thế là lại phải đút lót để đàn vịt được công nhận là tiêm chích phòng bệnh rồi. Gian dối hết. Một đàn dăm ba trăm con vịt, mỗi con bằng nắm tay, ai bắt được lên mà tiêm cho hết? Cứ như lão đi làm thuê lại sướng. Ngày ba bữa cơm rượu. Tối đánh một giấc tới sáng bạch. Không phải nói phét giường "mô đét" sao êm bằng võng mắc chạc cây, còn máy điều hòa nhiệt độ sao thoáng mát bằng anh gió nồm Nam giữa đồng?

Lão Khởi nhún nhảy trên võng rồi khoái chí hát: "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở..." (bài lão học mót được của cựu chiến binh trong cuộc họp). Tiếng lão ồm ồm như gõ ống bơ gỉ, nhưng đầy hứng khởi.

Mặt trời chếch qua đầu, lão bỗng thấy thấp thoáng bóng người ở lũy tre làng bên, chiếc gậy dài tua rua chốc chốc lại huơ lên. A, quân chăn vịt! Mẹ mày, sang đây! Bố chờ hết nước hết cái, hôm nay thì biết đời mày "quân hắt năm" ạ. Lão lủng bủng như rên.

Cái gậy tua rua đã sang đến con mương giáp ranh cánh đồng. Đàn vịt rào rào lội xuống nước. Bì bõm, bì bõm! Lão Khởi rút chân khỏi võng, rê dần xuống đất. Vịt càng đến gần, trống ngực lão càng đập rộn. Thì ra, lão hồi hộp. Ai mà không hồi hộp cơ chứ. Nhưng cứ bình tâm Khởi ạ. Việc đếch gì phải run? Lão tự trấn an như vậy. Cái gậy tre lăm lăm trong tay, chỉ chờ cự ly "kẻ thù" rút ngắn là lão vùng lên "chiến đấu".

Kể ra không nên đánh chết vịt của người ta. Ai cũng của đau con xót! Nhưng đây là loại bất trị. Chúng đã bao lần sang phá đồng rồi. Giải thích mãi không chuyển, mới phải dùng biện pháp "quân sự". Mặt khác, đang lúc dịch bệnh lan tràn mà họ vẫn ngang nhiên nuôi vịt chạy đồng để gieo rắc mầm bệnh thì không "xử nhẹ" được. Phải kiên quyết mà làm.

Tiếng chân lội, tiếng lách mỏ vào những gốc lúa của đàn vịt nghe rúc rích, khiến lão sôi gan. Lão nín thở. Rón rén xê dịch. Đàn vịt đã "trêu ngươi" ngay trước mắt. Lão xổm người rồi đánh loáng, bổ vào đàn vịt vụt lia lịa. Vừa vụt, lão vừa gầm lên: "Này phá lúa, này phá lúa! Đánh chết giống "hắt năm" đi!".

Bị đòn bất ngờ, đàn vịt tản loạn. Tiếng gào của người, tiếng kêu của vịt vang về tận làng. Lão Khởi hăng máu. Đuổi, hét, vụt tơi tới. Đến khi đàn vịt lội té xuống mương, chuồn về bên kia cánh đồng mới thôi. Người chăn vịt lúng túng đi sau, khi thấy lão nhảy bổ lên vụt như điên thì hãi mất mật, chạy như ma đuổi.

Lão toan dướn theo tóm lấy tên chủ vịt, trói lại đem nộp xã, nhưng anh ta chân dài lại khỏe, lão không đuổi kịp. Như vậy là chiến công cũng "vang dội" rồi, tha cho nó.

Khi "kẻ địch" rút chạy hết, lão Khởi thu dọn chiến trường. Tám con vịt đẻ tử thương. Mấy con ngắc ngoải, con nào cũng béo múp, bầu trứng xô xệ. Lão nghĩ đến một bữa nhậu, xào măng tươi, vịt luộc chấm nước mắm tỏi thì nửa lít "cuốc lủi" vẫn còn ít. Nhưng lão chợt thấy mấy con vịt máu me đầy mình, tanh tưởi nồng nặc, thì lại ớn sống lưng. Biết rằng miếng ăn là quý, nhưng cao lương mĩ vị "quá khẩu cũng thành tàn", huống hồ miếng thịt vịt? Thôi cứ thu mấy xác vịt chết này về trình xã, để xã đưa giấy sang xã bạn bắt họ phải kiên quyết thực hiện lệnh cấp trên cấm nuôi vịt chạy đồng trong lúc dịch bệnh hoành hành này...!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn