Không Phải Hải Âu

Sáng mùa Hè trời trong veo nhưng biển Bắc vẫn một màu nâu nhạt như cát. Ba người đàn bà Việt tuổi ngoài sáu mươi, ống quần đã cuộn lên quá gối tiến về đám chim biển còn rúc mỏ ngủ vùi. "Hải âu đấy các bà ơi", mẹ tôi reo lên. "Không phải hải âu, mòng biển thôi", tôi cãi.

Tiếng lao xao làm đàn chim tỉnh giấc bay vút lên rồi mở sải cánh rộng chao liệng hong nắng non. "Hải âu còn gì, bay đẹp thế cơ mà", mẹ tôi lẩm bẩm. Hai người bạn đi cùng mẹ tôi háo hức: "Mòng biển cũng là hải âu, một họ chim biển, cháu cứ chụp cho mẹ và các cô vài tấm kỷ niệm với biển châu Âu đi".

Hải âu của tôi lãng mạn, dũng cảm chứ đâu cướp mồi như chảo chớp kiểu mòng biển vùng này. Cuối tháng 3-2014, mòng biển ở thành cổ Bruges (thuộc Bỉ, giáp biển Bắc) đã thắng con người khi tòa án địa phương ra lệnh các công trình xây dựng ở hải cảng phải tạm hoãn vì mòng biển đang vào cuối mùa sinh sản. Thì nguyên đơn cũng là con người.

Tổ chức bảo vệ chim vùng Flanders nói với tòa rằng mùa sinh sản của 6.500 cặp mòng biển vùng này bị đe dọa bởi các thiết bị xây dựng lấn chiếm hết mặt đất. Không còn chỗ cho mòng biển ấp ổ, chúng có thể di chuyển vào phố và làm tổ trên mái nhà. Tòa án cũng ngán mòng biển rồi, để những con quỷ nhỏ này ở ngoại ô hơn là quang quác cách giường ngủ chỉ hai mét.

Chuyện về mòng biển còn dài dòng, lại chẳng có gì lãng mạn cao cả. Năm 2012, lũ mòng biển gây ra một loạt vụ tấn công kiểu du kích vì khách du lịch biển Bắc không mang đủ thức ăn tới đây. Một công nhân cảng bị mòng biển tấn công phải nhập viện. Người ta đưa ra giải pháp đặt thêm thùng đựng thức ăn dọc bờ biển, quy chúng về một mối. Mòng biển đâu có ngốc, chúng lờ các thùng rác, thích vừa đi dạo vừa nhặt rỉa kiểu truyền thống hơn.

Và trong khi con người chưa biết cách đối phó nào tốt hơn, trên bãi cát loang nước kia mòng biển đang lên kế hoạch hành động tiếp theo. Còn mẹ tôi và các bạn của mẹ sung sướng chụp ảnh với chúng vì tưởng chúng là hải âu.

Dứt khoát chúng không thể nào là hải âu - Bài ca chim báo bão của Gorki mà tôi yêu ngay lập tức khi còn chưa đặt chân đến biển. Ký ức đã có một hình ảnh quá đẹp nào đó rồi, gặp thứ đích thực là nó đấy ngoài đời, cảm giác vẫn như không thật.

Có lẽ nguyên nhân bắt đầu vào một đêm Hè năm 1980. Cơn mưa rào đổ xuống ngập đường làng, mẹ tôi và chị gái xắn quần cắp ghế lội lên sân kho hợp tác xã xem chiếu bóng. Tôi 4 tuổi phải ở nhà với bà, khóc lóc: "Cháu muốn đi xem chiếu bóng". Bà nựng: "Bà cháu mình ở nhà cũng xem chiếu bóng". Nói rồi bà cõng tôi lên lưng, vặn to ngọn đèn dầu tiến lại gần cánh tủ lồng tấm gương dài.

"Chiếu bóng này, chiếu bóng này", tôi giương to mắt, cười khanh khách ngắm hai bà cháu hiện lên trong gương rồi biến mất, biến mất rồi hiện lên. Lưng còng, bà vẫn cố đứng lên vì tôi nài: "Khi nào lớn cháu cũng cõng bà xem chiếu bóng". Vài năm sau được xem chiếu bóng thật tôi chê "màn hình quá to", lần đầu ngồi trước chiếc tivi 9 inches tôi phàn nàn "màn hình quá nhỏ".

"Con học đứng đầu lớp Hè này bố sẽ cho lên Hà Nội ăn phở", "Có phải phở trông như tuyết không hả bố?". Trong trí tưởng tượng của đứa trẻ nhà quê đầu thập kỷ 1980, phở - món ăn xa xỉ chưa bao giờ nhìn thấy - quý giá lạ lẫm khác nào tuyết trắng trên quảng trường Đỏ nước Nga qua những tấm bưu thiếp bố gửi về.

Và biển, khi ấy, cũng là một hình ảnh quá xa vời với đứa trẻ vùng đồng bằng Bắc bộ như tôi. Nên hải âu chính là vẻ đẹp của biển trong tưởng tượng. Tôi không thực hiện được lời hứa cõng bà nội xem chiếu bóng, nhưng đã đưa được mẹ đến biển Bắc. Mẹ biết đến biển muộn hơn tôi nhiều. Những tấm ảnh chụp kỷ niệm với biển Bắc mang về hẳn mẹ sẽ khoe đây là hải âu châu Âu.

Tôi không còn cãi nữa, dù vẫn không thể nghĩ lũ mòng biển đang thể hiện khía cạnh sống hết sức bản năng kia, trần trụi kia lại cũng có thể là hình ảnh chim hải âu sải cánh tự do giữa trời và biển mà tôi đã "thấy" thuở ấu thơ. Thôi, không sao, chỉ cần lòng tôi đã có hải âu cũng như trong tâm trí tôi luôn có buổi xem chiếu bóng huyền ảo cùng ngọn đèn dầu trước gương. Đã đủ đẹp rồi.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn