Hoa Sưa Vỡ

Hoa sưa, một loài hoa cánh nhỏ, thứ hoa đặc sản của Hà Nội chỉ nở vào cuối tháng Ba, những vệt trắng như màu thác khói nở thành tấm thảm ở bên kia đảo cây si, chênh vênh bên hồ Bảy Mẫu.

Mưa bụi, sương nhòe, hoa sưa như vỡ ra trong mắt tôi.

Bên này hồ sớm sớm vẫn có những đôi tình nhân, hoặc bạn, độ tuổi U-60, U-70 nhảy những điệu valse chậm, vẫn có những bông "hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu" (*). Họ, quần quần áo áo chưng diện tuổi xế chiều. Bên kia đường là cái chợ họp nhoáng nhoàng cũng lúc sớm, có một cô gái chuyên nhận nấu cơm thuê trong con ngõ gần chợ cóc khu Bách Khoa.

Quê của Thanh Lê, cô gái 37 tuổi này, ở tận Vĩnh Lộc, làng Ngọc, Thanh Hóa. Chồng Lê bỏ Lê đi theo cô thợ may thời trang trên tỉnh. Lê nuôi con từ lúc nó còn ẵm ngửa, giờ nó 13 tuổi ở nhà đi học, chăn trâu cho ông bà ngoại. Thanh Lê lên Hà Nội nhận làm ở quán cơm, một tháng kiếm 2 triệu đồng cho con và đỡ đần cha mẹ. Lúc đi chợ tay tôi xách nặng nải chuối, con cá, đi cùng đường Lê xách giúp tôi ngay.

Thanh Lê hỏi tôi cái hoa màu trắng bên đảo cây si kia là hoa gì? Hoa sưa. Cô nói cháu không thuộc đường Hà Nội nên ra công viên đi chợ sớm cho bà chủ, chỉ tranh thủ nhìn hoa sưa. Làng Ngọc của cô có suối cá Cẩm Lương, cá hát du dương của bè trầm, quê cháu có cá thần biết hát đấy. Nghe nói dân khắp nơi đổ về khấn vái cầu nguyện, xin lộc, xin đủ thứ danh phận nữa.

Lê nói: "Cháu cũng xin các Ngài để duyên phận cháu không lỡ dở mà các Ngài chưa cho, chắc số cháu nặng căn, nặng nợ, thôi cháu xin các ngài cho con cháu ăn học để không phải chăn trâu cắt cỏ mãi ở làng. Sau này cháu tính ra Hà Nội làm thuê, hôm đi ngoái lại nhìn làng Ngọc, đi qua cổng thành nhà Hồ phía Nam thấy bò vẫn gặm cỏ, héo cả ruột. May có chị cùng làng giới thiệu làm cho quán cơm.

Ngày ngày gặp toàn sinh viên bách khoa, kinh tế, xây dựng, họ hay dùng cơm bữa ở quán, để mắt cháu thấy họ có chữ mới sướng hơn cháu. Tuổi xuân cháu buồn lắm, ngồi nhìn sông Mã chảy, nhìn cá thần dưới suối tru lên, lòng cháu cứ sôi lên như nồi cám lợn. Cháu băm bèo, thái rau vơ cỏ, làm tối mắt tối mũi, có lẽ vì không chăm lo nhan sắc mới bị chồng bỏ. Nhưng bỏ chồng, cháu thấy thoát nó ở cái sự bẩn, bẩn cả trong sinh hoạt, bẩn cả trong cách chi li với vợ từng đồng lẻ.

Hắn thuộc dạng máu cá, lấy vợ thợ may, cách xa làng gần trăm cây số, hôm về thăm cha mẹ ruột, cạnh nhà hay tin con trai ốm nó cũng không thăm nổi cho con đồng quà. Cháu là vợ thì người dưng nước lã đã đành, đằng này con ruột hắn mà hắn có xót đâu nào. Cháu đã dạy con rằng trên đời này phải sống biết nghĩ đến ông bà ngoại, cha mẹ. Con không có anh em cũng thiệt thòi. Thương con, cháu đi làm thuê, sẽ tính học may nữa để sau này nhận may vá chữa quần áo.

Được cái chị chủ quán cũng mua sắm cho đủ mặc, hôm về quê có quần áo cho con. Nhiều hôm đi chợ nhìn hoa sưa mà cháu muốn khóc quá đi. Khóc ở hồ không ai nhìn thấy, chỉ có cây và cá nhìn cháu khóc thôi. Đi làm thuê ba năm rồi, để ra ít đồng cho con ăn học, quê cháu cứ có chục triệu đồng là to đấy bà ạ.

Người quê cháu sông nước, người làng thuộc cá, thuộc các loại rau nấu canh chua. Cháu nấu canh chua cá rất ngon nên sinh viên họ thích ăn cơm canh cá. Chị chủ quán gọi cháu là chuyên gia về canh cá. Gọi cho vui thôi mà cháu cũng sướng cả buổi chiều. Tối lại buồn lắm, mùa hoa phượng thì nhớ con, mùa Đông muốn kho cho con niêu cá cũng không chạy về được.

Hơn hai trăm cây số mà có lần cháu về bằng được, một đêm một ngày, chỉ kho niêu cá, ôm con hít hà chán chê rồi đi. Có hôm trên đường gặp đám ma mà cháu muốn chết quá. Nghĩ dại dột nào, chị chủ quán bảo: chịu khó làm quán cơm, lạy Phật, cho cháu gặp bạn hiền. Anh nào góa vợ hay vợ đi tây nó bỏ chồng, gặp được, thương nhau là cuộc đời nối lại dây diều. Ai đời dây diều đứt lại nối, chắc gì diều lên cao. Cứ nghĩ diều lên cao, lạc quan là sống được.

Cháu nhìn hoa sưa mà sáng nào cũng sợ nó tàn, nó tàn thì không thấy màu trắng như thác khói ở Tây nguyên. Ấy là một anh sinh viên bách khoa nói thế. Chỉ khi buồn về đêm, trên cái gác xép không đài, không tivi mà chưa muốn ngủ, cháu buồn lại nhìn thấy rất rõ hoa sưa vỡ giống như nước mắt của cháu nhớ con mà không sao chạy ùa về được".

__________

(*) Mùa hè rớt, thơ Olga Berggoltz, Bằng Việt dịch.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn