Đơn Cử Một Người
Từ tháng Tư năm bảy mươi lăm tới ngày đại quân nhổ khỏi cái chiến trường xa xôi ấy, chị coi như thời đoạn vui buồn lẫn lộn của một đất nước kiệt quệ, không kể làm chi.
Tự nhẩm tính, vậy là chị lớn lên trong cuộc chiến thứ nhứt, rồi góa bụa bởi cuộc chiến thứ hai và là một bà mẹ vọng con suốt cuộc chiến thứ ba.
Mười năm trận mạc viễn chinh, ai bảo đó là công cuộc gì gì, chị thì cứ chép miệng, vẫn là đàn ông con trai xứ mình thịt nát xương tan, không là cuộc chiến thứ ba thì là cái gì! Thở dài, một thế kỷ ba cuộc chiến, phận nhà nông mà vẫn chạnh nghĩ ở đâu trên Trái đất này nhiều binh đao như ở đây, hở trời?
Đứa con may mắn trở về, không nạng gỗ, không di chứng sốt rét như bao người khác. Góa phụ mừng cho con, cho mình và cho cả đất đai. Bắt con cưới vợ liền tay, vườn đây, ruộng đó, người ta cũng thôi hợp tác hóa tập đoàn hóa, riêng rẽ làm ăn, sướng rồi. Đứa con giờ là trụ cột gia đình, phán lên liếp trồng mía, phong trào mía xen với lúa, mình đứng ngoài bồn chồn lắm.
Cánh đồng tuổi thơ của chị nát vụn, tức mắt. Mía phởn phơ đẹp thiệt nhưng người người trồng mía, mía không ai mua, làm củi cũng không được, biết sao bây giờ? Không lâu đã phải san liếp, không ai bảo mà hè nhau, ngậm đắng nuốt cay, tức tưởi.
Nhưng cánh đồng vẫn không trở lại như xưa. Cái gì đã tổn thương thì nó thành sẹo chứ không trơn da lành thịt được. Bởi đã có những người chán mía và chán cả lúa bỏ xóm ra đi. Đi làm phu hồ cho các công trình, đi làm công nhân, đi làm cu li, đi làm con ở... Đứa con trai một của chị gánh mẹ và gánh vợ không đi đâu được.
Vườn tược thời kinh tế hàng hóa, trồng cây nhỏ lẻ như thời của má chỉ có nước làm mồi cho lũ sâu đã hung dữ lên với quy luật thích nghi. Cây lúa thì khỏi nói ai cũng biết, cây lúa vẫn đẹp ở mọi thời kỳ nhưng hạt lúa không cho nhà nông no ấm.
Mười năm trôi qua cái vèo, con trai chị chán mớ đời, đi cũng dở ở cũng không xong, đêm đêm cầm đèn pin lên giữa đồng tìm quên. Ở đó có cái ngã ba kênh mới, có cái chợ vừa mở, có gội đầu thư giãn, có cà phê đèn mờ, có sát phạt, có đủ thứ, dân tình gọi là ngã ba Sung Sướng!
Bỗng dưng chợ cũng lụi tàn. Lò đường xếp xó vì không còn mía. Nhà máy xay xát đóng cửa vì ghe hàng "ăn" hết lúa mang tận những nhà xưởng có sấy khô có sàng lọc làm ra đến mấy thứ gạo thành phẩm. Con trai con gái tiếp tục cuốn đi chân trời góc biển. Chị thương con, chị không nỡ cột chân nó, đi kiếm đồng lương cho vợ cho con đi, mẹ già cạp đất quen rồi đừng vướng bận!
Được lời như cởi tấm lòng, đất ruộng cho thuê rẻ, lúa đó cả nhà sao chẳng đủ ăn, má há? Còn em, em cứ bám má bám quê, rồi sẽ có điện có đường, con mình sẽ lên ngã ba đi học bằng xe đạp!
Công thức vợ đâu chồng đó của chị đẩy nốt cô con dâu lên thành. Để chúng có nhau, đàn ông vắng vợ như ngựa thả rông, không yên không nài, quen thói. Sao không hẹn nhau mà nhà nhà của xóm ấp lại chung một cảnh: lục bình ken dày tận bến không ai thiết thông sông thông luồng, vườn tạp ngổn ngang cú rúc muỗi bầy, đàn ông đàn ang gì toàn những lão sụm lưng ôm vụ hai vụ ba (chớ không phải vợ hai vợ ba).
Làm tới ba vụ lúa mỗi năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo, vì sao, chỉ có trời mới biết!
Cháu nội đã đi học trên con đường bêtông đúng như con trai chị dự tính. Nhưng ba má nó, hai vợ chồng công nhân không trụ nổi với sự cay cực được nó mô tả là đi đái cũng dễ bị phạt nếu hôm đó lỡ bị đái gắt (tức là vừa lâu lắc vừa nhiều lần)! Chị phẫn uất như cái hồi đốt đuốc tụ tập trong xóm nghe người ta tố cáo tội ác bọn thực dân xưa.
Bảo thôi con, về lại ruộng đồng, nó cao giọng trên điện thoại, má có điên không? Nó báo tin hai đứa sẽ "nhổ sào" đi cạo mủ cao su. Ngày xưa chuyện đó là đi phu, kiếp làm phu, đêm hôm, bệnh tật, rắn rít, biết không con? Nó cười sằng sặc, má bị ám tuyên truyền hồi má trẻ người non dạ, cạo mướn chính thức ăn lương, còn đi cạo vét cạo ăn cắp thì bán riêng, dù gì cũng được cái khí trời chớ đâu như kiếp công nhân y thời phim Sạclô đó má!
Chị không biết nói sao. May còn có thằng cháu nội để hi vọng. Hi vọng nữa nó sẽ sống chết với đất đai chớ không bóc xóc như ba nó. Nhưng liệu thời cuộc có để nó yên hay là...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top