Đầu Sóng Ngọn Gió
Rạo lòng nghe rễ lên tận cuống
Lá chợt xanh um mát cả hồn
Là mượn lá xanh nói chuyện bên trong tâm hồn mát rượi tràn trề nhựa sống của người. Trước biển, có gì đó kỳ diệu làm cho người mình như vừa nhẹ tênh vừa mạnh mẽ, cứ hình dung được sạc lại dòng điện no tràn sau những tháng ngày túi phổi teo lép, óc não bức bí, mở mắt đã công việc là công việc, khép mắt vào giấc ngủ rồi mà vẫn còn chóng mặt thấy bàn chân hối hả của chính mình.
Có gì đó cuốn, quyến tôi mơ màng đến tận chân trời, bỏ lại hết những sai khiến, những quy định, định kiến, những giờ giờ giấc giấc, tiền tiền bạc bạc sau lưng, hạnh phúc nghe một tiếng trời thênh thang gió, thênh thang sóng, hít mấy hơi liền cho căng, cho đã, cho hả hê lồng ngực.
Gió biển. Sóng biển. Nếp đời gắn với biển. Hồi nhỏ tôi có tật đi xa nhà là "say đất bằng". Có lần cùng má đi thăm bà con ở xa, tôi cứ như bị rơi vào chỗ không trọng lực, chân này đá chân kia không làm chủ được, thấy đất dưới chân cứ nghiêng nghiêng, cái bàn cái ghế cứ đang chuyển động, vấp đầu vào cột nhà mấy lần sưng vều cả trán. Người bà con lo lắng, má chỉ cười rồi giải thích: Nhà gần biển, thức với tiếng sóng, ngủ cũng với tiếng sóng, hít thở cùng gió biển, lúc nào cũng chao nên đi tới chỗ phẳng lặng yên yên bị say chút đỉnh, không sao đâu.
Chẳng biết có phải cái chứng "say đất bằng" ấy đã vận vào tôi không mà cho tới giờ này dường như lúc nào tôi cũng sống với ba đào, với những trần ai chênh chao bầm dập, lúc thì ngẫu lực cuộc đời, lúc thì tự mình ngờ nghệch gây ra, chưa bao giờ được yên. Cũng tâm cũng tính cũng tình như mọi người lương thiện chớ dám khác chi đâu mà rồi... cứ rớ chuyện gì thì y như rằng... sự sinh. Khổ!
Không ai khổ ba đời, vậy mà dân biển cứ phải khổ mãn kiếp. Khổ tôi là chuyện nhỏ, cả làng biển thân thương của tôi còn khổ hơn trăm lần. Sau mấy cơn bão dập, trắng khăn tang cả bãi, làng biển của tôi mấy năm nay làm ăn hơi khấm khá, có người xây nhà mới, tậu tàu ghe mới, ai nấy khấp khởi mừng thầm. Nụ cười rạng rỡ chưa kịp khép lại đã đối mặt với vấn nạn mới. Những chuyến ra khơi thật sự bất an bởi đã có hàng chục trường hợp bị bắt, bị mất ghe tàu, bị đòi tiền chuộc người.
Bán nhà thì con cái nheo nhóc lấy chỗ đâu núp nắng núp mưa, mà bán cũng chưa đủ tiền chuộc người mới đau. Mất ghe tàu tức là bị "chặt tay" lấy gì sinh sống, mà đâu phải chỉ "của đi thay người" cho cam! Biển cả sóng to gió lớn bất chợt đã đáng sợ, giờ thêm đại nạn kiểu này hỏi sao cả làng không dao động. Chồng lên tàu là vợ ở nhà phấp phỏng lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Con lên tàu là cha mẹ run rẩy thắp nhang khấn vái suốt đêm, suốt ngày.
Tàu ghe không yên, nhà cũng không yên. Nạn đãi cát đen vô tội vạ làm hoang hóa, mặn hóa, sa mạc hóa... khắp nơi. Những ngọn cát bay nối đuôi thi nhau dâng cao, dịch chuyển, phủ lấp, chùa chiền đứt mống nứt vách, chỗ thờ Ông Nam Hải cát cũng chẳng tha, cây khô chết đứng, một nhúm lá xanh cũng chẳng còn.
Dang tay trước biển hít thở, mơ màng rồi nghĩ đến nỗi khổ riêng mình, tôi thấy mình thật ích kỷ, thật không phải với bà con làng nước, với những con người đang đối mặt với quá nhiều vấn nạn nơi đầu sóng ngọn gió này.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top