Về Quê Đổ Bánh Thuẩn Đón Tết

Chiếc bánh thuẩn nở đều, thơm nồng nàn mùi trứng gà quê khiến ai đi xa cũng rưng rưng nhớ về mỗi khi Tết đến.

Và điều đặc biệt hơn, đây là chiếc bánh truyền thống nên người Huế vẫn giữ nguyên cách làm hoàn toàn thủ công, nướng chín bằng than củi. Có đến và cảm nhận những ngày giáp Tết với cái lạnh se se bên ngoài, xuýt xoa bên lò than rực hồng ấm cúng, hít hà mùi hương trứng gà và bột mới thấy Tết quê kỳ diệu đến thế nào...

Mỗi khi Tết về, tôi lại nhớ những ngày thơ ấu. Với mẻ bánh thuẩn có mùi hương ngọt ngào của mẹ. Đây là loại bánh cổ truyền không thể thiếu trong ngày Tết Huế.

Ngày ấy, cả xóm chỉ có một khuôn bánh nên mọi người phải luân phiên nhau để dùng. Đổ bánh thuẩn là cách nói của người Huế chỉ việc làm bánh thuẩn. Nhà nào trong xóm đổ bánh, tụi con nít chúng tôi cũng xúm lại coi, chiêm ngưỡng những chiếc bánh mới ra lò với ánh mắt háo hức, nhưng không được ăn ngay, phải chờ đến Tết mới được ăn thỏa thích.

Khoảng 26-27 Tết, nhà tôi đổ bánh. Bột, đường, trứng đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, được chia theo tỉ lệ 1:1:1. Bột dùng đổ bánh là loại bột bình tinh trắng mịn. Trứng thì từ trứng gà kiến ở quê, tuy nhỏ nhưng thơm ngon và chất lượng. Ngày nay, có tiền cũng không dễ mua được. Ngày xưa chưa có máy đánh bột như bây giờ. Vì thế, sáng sớm, chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh bột. Chiếc que đánh bột được làm từ tre. Trứng được cho vào trước. Đánh khoảng 20 phút thì cho đường vào. Đường tan thì cho bột vào. Anh em chúng tôi phải luân phiên nhau đánh bột từ sáng đến tối. Mùi thơm của trứng và bột bao trùm không gian. Khi hỗn hợp bột trở nên đặc quánh, chúng tôi sẽ thử bằng cách lấy một tô nước và cho giọt bột vào. Nếu giọt bột không tan là được. Bột phải được đánh tới độ thì khi đổ, bánh mới ngon và nở đều.

Chiều tối, mẹ bắt đầu nhóm lửa đổ bánh. Lò than rực hồng xua bớt cái lạnh của tiết trời lạnh giá cuối năm. Chiếc khuôn đồng với 12 ô nhỏ mang hình dáng khác nhau được đặt lên bếp than. Mọi thứ đã sẵn sàng cho mẻ bánh Tết. Đợi cho khuôn nóng đều trên bếp than, mẹ quét một lớp dầu rồi đổ hỗn hợp bột vào từng ô nhỏ. Đậy nắp khuôn lại, cho than phía trên và phía dưới cho đều nhau. Bánh sẽ nhanh chín sau vài phút. Bánh chín đẹp là khi phía trên nở bung ra thành bốn cánh như đóa hoa, phía dưới vàng đều. Dùng một chiếc que nhọn để chích từng chiếc bánh ra khỏi khuôn.

Khi ấy, anh em chúng tôi vẫn co ro bên bếp lửa theo dõi từng chiếc bánh ngon lành, nóng hổi vừa đổ xong. Mùi thơm của bánh lan tỏa hương, ngạt ngào trong gian bếp. Thỉnh thoảng, mẹ cho chúng tôi những chiếc bánh không được đẹp hoặc hơi cháy để ăn. Những chiếc bánh khi ấy sao lại ngon đến thế, ngọt thơm đến kỳ lạ. Bánh không quá xốp nhưng cũng không nén chặt. Vừa đưa vào miệng, mùi thơm của trứng gà hòa với bột bình tinh đã phảng phất ở mũi rất dễ chịu.

Và cứ thế, lại quét một lớp dầu và đổ bột vào cho mẻ tiếp theo. Những chiếc bánh hình hoa, hình cá lần lượt được xếp đầy trên rổ tre. Dụng cụ sấy bánh đã sẵn sàng. Thau than phía dưới, phía trên là rổ bánh, xung quanh được bọc bởi tấm phên tre. Bánh được sấy khô nhanh chóng rồi cho vào bịch ni lông, cột kín tránh gió và đợi Tết.

Đến tận bây giờ, dù đã có bao nhiêu món ngon thì những chiếc bánh thuẩn vẫn còn nguyên giá trị đặc biệt đối với người Huế, được đặt lên bàn thờ trong ngày Tết và mời khách dùng chung với trà. Với tôi, Tết nào cũng nôn nao về quê để cảm nhận hết các mùi và không khí của việc quạt than đổ bánh thuẩn.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn