Về Ăn Cơm!

1. Mỗi khi có ai hỏi nhà có bao nhiêu người, mười lần như chục, tôi đều xòe tay nhẩm tính chứ không sẽ bỏ sót như chơi.

Má tôi có mười ba lần mang nặng đẻ đau. Mười ba đứa con đồng nghĩa với mười ba lần nằm cữ, mặt trời ở trên, lò than bên dưới, mong về già xương cốt bớt mỏi, để bầu sữa luôn ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Và má cũng có hai đứa con chưa kịp mở mắt chào đời đã lặng lẽ bỏ đi khi còn là bào thai trong bụng. Ai hỏi đẻ chi mà dữ? Má cười, con cái là lộc của trời, ổng cho nhiêu mình nhận bấy nhiêu. Nuôi con ngàn ngày để nương tựa về sau.

Má gần như toàn sanh năm một. Và chúng tôi cứ lũ lượt ra đời. Ngày anh Phước dẫn chị dâu tôi về ra mắt, lúc đó tôi đang trong bụng má. Ngày chị Hiệp đi lấy chồng, tôi còn ẵm ngửa. Chị giao thằng út cho lũ em chăm sóc rồi cất bước sang ngang. Má bán buôn ngoài chợ cả ngày, nên tôi chủ yếu lớn lên trong vòng tay anh chị. Anh này ẵm, chị kia bồng, cõng trên lưng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi ỷ mình nhỏ nhất, được lắm người thương, nên ai đi đâu cũng lẽo đẽo đòi theo. Nhiều khi nửa đêm, anh chị tụm năm tụm ba chơi núp lùm trong bụi rậm, vậy mà tôi cũng nằng nặc đòi đi theo. Có lần bị hàng rào kẽm gai móc một đường ngay mắt, máu chảy ướt cả áo. Mặt anh chị xanh như tàu lá vì sợ ba má đánh, vậy mà tôi cắn răng không khóc, tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì, nói xạo là vấp té để anh chị không bị đòn, hôm sau còn dẫn tôi đi tiếp.

2. Cả đời má chẳng lúc nào ngơi tay lo cho chồng con, cháu chắt. Má là đại diện tiêu biểu của những người đàn bà quê, không vòng vàng đeo đỏ tay, quần là áo lượt, chỉ quanh quẩn trong nhà, ra chợ bán buôn, chẳng than thở một lời khi đau yếu. Má lúc nào cũng chở che đàn con bé nhỏ. Tụi tôi lớn hết rồi, hai mươi, ba mươi, thậm chí là bốn mươi đi nữa, với má, vẫn bé bỏng như ngày nằm trong nôi, mân mê tìm bầu sữa. Má chẳng muốn con cái đi làm đâu xa, sợ con mình khờ khạo không chống chọi nổi với cuộc đời đen bạc, muốn khư khư giữ trong nhà, để dắt dìu, bảo bọc những lúc khó khăn. Rốt cục má giỏi giang, tháo vát bao nhiêu thì tụi tôi dở ẹt, đớt đát bấy nhiêu. Chẳng đứa nào bằng má.

Mỗi lần tới giờ cơm, tất cả phải về nhà cho đủ mặt. Tôi nhỏ nhất nên lãnh phần đi kêu anh chị về bởi đó là lúc hiếm hoi tụ họp. Nhưng cái chính là sợ... thiếu đồ ăn. Mười mấy người ngồi bên mâm cơm, nhường nhịn nhau chén cơm, con cá, miếng rau thì trước sau cũng đủ. Chứ người trước, người sau, phải nhín lại múc bỏ gạc-măng-rê để dành, không sớm thì muộn đồ ăn cũng thiếu. Cơm nước xong, dọn ra nền nhà, chén đĩa chất đầy mâm, má nói Tài ơi Tài hỡi, kêu tụi nó về ăn cơm cho nóng.

Bữa ăn chẳng có chi nhiều, lúc thì nồi canh cá liệt nấu ngọt, vò lá me, khi thì chả cá cơm kho tiêu, hay xoong cá ồ nấu mẳn. Những khi sông êm gió lặng, ba đi thả lưới về, cá sông, cá đồng ăn thả giàn. Cứ cá trắng tương gừng, canh chua cá trầu, lươn xào sả ớt, chình um, tép ram tiêu làm miết. Còn không thì canh trời mưa, ngâm gạo đúc bánh xèo không với giá. Trời ơi, nó ấm, nó sướng, nó ngon, nó đã.

Và đặc biệt bữa ăn nào cũng có mắm. Hết mắm nêm tới mắm ruột, chuyển qua mắm ruốc, mắm chưng. Còn không cứ mắm nhĩ dầm ớt, nặn thêm miếng chanh chua, chan cơm ăn cũng thấm. Má tự mua cá cơm về làm mắm ăn cho sạch, hay xách chai xuống nhà bà Chín đong một lần cả lít. Hồi nội tôi còn khỏe, bà bắt xe đò, băng băng gánh đôi mắm từ Hòn Chồng ra Ninh Hòa cho con cháu. Sau này má bị cao huyết áp, vào viện mấy lần, bác sĩ dặn phải ăn lạt, không có mỡ và muối mặn. Nhưng có bao giờ má chịu nghe lời đâu. Cứ bảo giờ thèm tụi bây không cho ăn, mai mốt tao chết thì cúng kiếng rình rang, tao cũng chẳng được hưởng. Có đời nào tụi tôi đành lòng để má buồn vì thèm ăn mắm. Thế là cả nhà ngồi ngó má quết mắm ăn ngon mà lo ngay ngáy, sợ có chuyện gì xảy ra chắc ân hận cả đời.

Cuộc đời đâu lúc nào cũng bằng phẳng, khi gặp thời, tiền vô như nước, thịt cá ê hề, nửa ăn nửa bỏ, lúc hết thời bán buôn ế ẩm, bữa cơm teo tóp thấy thảm thương. Nhưng có bao giờ tụi tôi quên, có khi nào tụi tôi thôi nhớ mâm cơm giữa trưa và lúc chiều chập choạng? Mấy mươi năm trôi qua vèo vèo vẫn chưa một lần phai nhạt. Và những đêm mưa đất trời vần vũ, gió luồn khe cửa, dột trước hụt sau, kéo tôi vào lòng tìm hơi ấm, má thì thầm, ước gì mình có nhiều tiền để cất lại cái nhà, chia tụi bây mỗi đứa một gian cho có chỗ chui ra chui vô, thay vì vá chằng vá chịt, chẳng đâu ra đâu hết. Vậy mà khi tụi tôi dư dả bạc tiền để cất nhà cao cửa rộng, đủ mua cả tấn gạo về xay bột đúc bánh xèo cho má ăn mỗi bữa, thì má lại lặng lẽ bỏ cuộc đời đi biền biệt, mãi mãi không về. Để cả đời tụi con mang hoài một cục nợ. Mà nợ tiền, nợ bạc, thậm chí nợ tình tụi con còn trả nổi, nhưng nợ nghĩa, nợ ân, nợ êm ấm, sum vầy thì làm sao tụi con trả cho tròn, hả má, hả ba?

3. Trong cơn mơ chập chờn, chắp vá, tôi vẫn hay thấy má da dẻ trắng hồng, tóc búi cao, mặc áo dài xanh thiệt đẹp, cầm tay tôi băng băng qua những ruộng lúa mênh mông, không thấy đâu bờ bãi. Đi đâu vậy má? Hỏi vợ cho bây chứ đi đâu. Trời, con còn nhỏ mà vợ con chi sớm. Nhỏ cái đầu bây. Từng tuổi này mà cứ lông bông hoài, tao chẳng yên dạ. Phải kiếm con nào đặng về trói chân lại, lo cho bây cơm nước đủ đầy, sanh con đẻ cái, mai sau có người nối dõi tông đường. Sao má không tính cho anh Minh, anh Hậu trước mà lo chi tới con. Tụi nó để ba bây lo. Tao với ổng chia phần hết rồi. Đi mau đi, dưới xóm có đám này ưng lắm, coi rất hợp với bây. Mà lần nào cũng vậy, cứ miễn cưỡng tới trước cửa nhà ý trung nhân là tôi giật mình thức dậy, nên cả đời cũng chẳng biết người mà má dẫn đi coi mắt mặt mũi tròn méo ra sao.

Giữa những ngày miên viễn xót xa, khi bữa cơm nhà là một món quà xa xỉ, đi làm về, nấu vội bữa ăn thoang thoảng mùi mắm, bới một tô cơm, phòng ai nấy ở, máy tính ai nấy xài, thế giới ai nấy sống; hay những khi vác ba lô lang thang, ăn quán, ngủ đường, cùng trời cuối đất, bỗng buột miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh ba má năm tháng khổ nghèo, để mười mấy người chia nhau từng chút canh chua cá bớp và mấy con mực mặn nướng than. Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viển vông gì nữa hết. Nhưng ước mơ mãi chỉ là mơ ước, cứ mãi trêu ngươi.

Rồi chợt thèm có ai ra đầu ngõ, ngó ngược ngó xuôi, hai mắt láo liên, vừa thấy mặt đã chống nạnh la làng, trưa trờ trưa trật mà còn ham chơi, chưa chịu về ăn cơm nữa hả? Muốn bị tao bỏ đói phải hông?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn