Trích Đoạn Xuân

Nhật kí Tết 2011

Mình yêu Tết, trước trong và sau gì đều yêu cả. 25 năm cũng đã có 25 cái Tết qua rồi, kí ức cứ thế mà nhiều lên nhưng chỉ có vài khoảnh khắc là còn lưu đọng lại mãi. Hổng biết có phải là trí nhớ có khả năng tự chọn lọc hay không mà có lúc thì nhớ chuyện xa rất là xa, chuyện mới hôm qua thì quên từ lúc nó vừa hết. Ngộ.

Tết của mình, gói gọn trong vài cảnh thôi, vài đoạn thôi, năm nào cũng lặp lại như thế, mà không hiểu sao chẳng thấy nhàm chán mấy.

—–

Đoạn 1: nhớ Tết cũ!

Là ngồi hàn huyên lúc thì với ba, với mẹ, khi thì với chị, với bạn những chuyện xa lưa xưa lắc.

Chuyện xưa, là hồi năm mình lớp 2 lớp 3, nửa đêm tỉnh giấc với mùi bánh thửng (bánh thuẫn) mẹ làm thơm phức mũi đủ sức đánh thức cơn say ngủ của con nhỏ mới 9, 10 tuổi. Cái bánh có hai tầng màu vàng thẫm ngả đen phía dưới và vàng nhạt nở bung như hoa hồng phía trên, cưng cứng cắn vào kêu rốp rốp. Cái bánh thơm ơi là thơm, thơm mùi trứng gà quyện với bột. Mỗi lần thức dậy thấy ba mẹ ngồi đánh trứng đổ khuôn là nuốt nước miếng ừng ực, công thức canh me là được mẹ cho ăn mỗi khi có bánh nào bị hỏng, nhưng thường là không được quá hai lần, còn bao nhiêu để sáng hôm sau ba mẹ đãi khách.

Dân Quảng Ngãi như nhà mình, ngoài bánh thửng này thì Tết còn có cả món bánh nổ nữa, nhưng vài năm rồi không còn thấy. Mình không mặn mà chi lắm với món bánh này hồi còn nhỏ, nhưng giờ lớn rồi lâu lâu nghĩ lại vẫn thấy thèm thèm, thấy thiêu thiếu.

Chuyện xưa, là hồi cũng học Tiểu học, cảm giác "áo mới ngày Tết" hân hoan sung sướng thiệt là khó quên. Hồi mẹ mua cho áo trắng váy xanh, rồi chở xuống đường biển chụp hình. Nhìn lại cái hình hồi đó, thấy mình đáng iu hơn gấp 10 lần bây giờ. Giờ đi làm có tiền muốn mua gì thì cứ mua, nhưng mà sao không thấy vui, thấy thích, thấy nâng niu nhiều bằng khi đó.

Cũng chuyện xưa nốt, là chuyện hồi nhà bán bông, ba mẹ anh chị mỗi người trực một chỗ, có mình mình là cứ đi lên đi xuống con đường dốc để về nhà chụm nồi bánh tét. Hồi đó cái đường đá tảng gập ghềnh tối đen thui, đi lúc 10h đêm không có bóng đèn đường cũng sợ, về nhà mở cái cổng rớt lên rớt xuống nhìn vào sân rộng chỉ thấy ánh lửa bập bùng. Trời thì lành lạnh, bếp lửa thì ấm, xung quanh tĩnh mịch có mỗi một mình mình mặc bộ đồ thun ở nhà màu trắng. Cứ thấy cái cảnh đó nó tạo hình ghê ghớm, không có gì đặc biệt mà lại ấn tượng và khó quên vô cùng.

Chuyện xưa, còn là chuyện pháo nổ đì đùng, tiếng pháo theo cả vào trong giấc ngủ chập chờn đêm Giao Thừa và cơn tỉnh giấc vội vàng mỗi sớm mùng Một của mấy chị em nhà mình. Thức sớm để bịt tai đứng nhìn ba châm ngòi pháo, rồi hí ha hí hửng chạy lụm những viên pháo bị xịt để sau đó đốt tiếp. Cái mùi pháo nồng nồng diêm sinh hổng thơm tho gì mà sao thấy thích ghê, tới giờ vẫn thích. Thiếu tiếng pháo, bao nhiêu nhạc cũng không thể tạo nên nổi âm thanh mùa Xuân.

Chuyện xưa thì kể bao giờ cho hết. Chuyện xưa thì bao giờ cũng từng đó tình tiết, không có gì mới mà tới đoạn mắc cười vẫn bật cười, tới đoạn bùi ngùi vẫn bùi ngùi. Làm như mười mấy hai chục năm con người mình không có gì thay đổi hay sao đó.

—–

Đoạn 2: sơn cửa

Nhà ai cũng zậy, Tết chuẩn bị đủ kiểu từ bánh mứt củ kiệu tới sơn quét nhà cửa. Đàn ông con trai thì được phân làm mấy chuyện... của đàn ông như quét mạng nhện, sơn lại nhà cửa, đánh bóng lư đồng. Đàn bà phụ nữ thì muối dưa, quày quả đi chợ mua hoa, mua trái cây, mua dăm ba kí thịt cá về trữ ăn Tết.

Nhưng mình thì chỉ thích cái đoạn sơn cửa, vì thích cái mùi sơn mới. Mà không phải là sở thích nhất thời mới đây, cũng tại hồi xa xưa ba còn làm thợ mộc, mùi vecni đi theo cả một quãng đời tuổi thơ, in sâu trong kí ức như những vết thương ở tay ở chân mỗi khi bị té được ba thấm nước vecni vào bông gòn rồi chấm lên sát trùng, xót ơi là xót, xót gì mà chảy nước mắt nước mũi. Vậy mà sao cũng ghiền ghiền cái mùi "đau thương" đó miết tới giờ.

Thích nhất là cái cảnh này, sáng cột tóc lên cao cao, mặc cái áo ba lỗ, tay cầm hũ sơn tay cầm cây cọ. Trời vào Xuân se se lạnh lạnh thi thoảng có thêm gió phất pha phất phới, cửa sổ mở toang còn mình vừa quét sơn vừa nghêu ngao hát theo tiếng nhạc "kìa gió mới đã về đây, về trong mắt trong".

Lâu lâu lại á lên một tiếng khi thấy sơn dính tay dính tóc. Sơn được một song thì đứng ngó nghiêng ngó dọc, hít hà mùi sơn rồi cười cười khà khà khoái chí "ai sơn mà đẹp ghê!".

Thích!

—–

Đoạn 3: rửa chén

Cái đoạn này là cái đoạn mình hổng có thích mấy, nhưng mà suốt hai mươi mấy năm rồi hông có năm nào là "chạy khỏi nắng" hết.

Nhưng cái mình thích là cái sâu xa nguyên nhân vì sao mà ba mùng, mùng nào mình cũng ngập trong chén dĩa. Là vì theo như nội của mình nói, 30 Tết đón ông bà về quây quần chơi vui với con cháu thì ba mùng phải nấu cho ông bà ăn, chứ mời ông bà về mà lẽ nào để các cụ nhịn đói. Nội giải thích từ hồi mình lớp 11, 12 gì đó, hồi đó không biết sao nghe thấy ý nghĩa và thích lắm.

Chỉ có cái thắc mắc là ông bà già cả đâu có ăn nhiều, mà sao mùng nào mẹ nấu cũng quá chừng món. Cũng theo nội nói luôn, là mời ông bà cả năm có một lần, làm mâm cỗ cho nó đàng hoàng nhiều món. Hổng làm thì thôi còn đã làm làm cho nó tới. Đó đó, tại cái câu này mà không năm nào là không ê hề chén với bát.

Nói vậy chớ mình cũng thích cái suy nghĩ này, tự hứa là sau này có gia đình nhỏ cũng sẽ duy trì, nhưng nấu nướng đạm bạc thôi, hì hì.

—–

Đoạn 4: viếng mộ

Năm nào mà không đi viếng mộ đầy đủ cả nhà là năm đó mình thấy buồn sâu sắc luôn, thấy hổng có không khí Tết gì mấy. Đã từng có một năm như thế khi anh mình ở xa không kịp về.

Mình thích cái cảnh sáng sớm cả nhà kéo nhau dậy, í ới đánh răng rửa mặt sửa soạn đồ đẹp, rồi ba quần áo chỉnh tề thắp nhang vái lạy bàn thờ tổ tiên, gõ chuông gõ mõ cái boong trước bàn thờ Phật. Rồi ba mở lại cái cuốn sách tử vi năm mới để xem hướng xuất hành, mấy năm nay đã thay bằng chuyện mình... google trên mạng đêm hôm trước (tân tiến ghê không), sau đó là cả nhà sẽ gọi taxi và lên đường. Loanh quanh cũng chỉ có hai hướng: ra thẳng mộ ông bà hoặc lên chùa rồi mới đi viếng mộ.

Có năm cả nhà còn quyết định là đàn bà phụ nữ trong nhà ai đến tuổi thì mặc áo dài đi viếng mộ nữa chứ. Thú vị ghê không!

Viếng mộ cũng chỉ là đến thắp nhang khấn vái, vậy mà sao không đi là thấy thiếu dễ sợ, giống như kiểu là người Việt Nam mà không biết ăn cơm vậy đó, dị chịu không có nổi.

—–

Đoạn cuối: sòng bạc gia đình

Dạo mấy năm gần đây khi mà năm anh chị em đã lớn lớn rồi, thì nhà mình phát sinh thêm sòng bạc mỗi mùng 4, mùng 5 Tết. Thành phần tham dự đỏ đen hổng phải chỉ có mấy anh chị em, mà còn có cả ba mẹ, cô dượng, dâu rể hai bên.

Trải cái mền ra cái bàn rồi mỗi người là một cửa chơi xì lát. Vì nhà càng ngày càng đông thêm con thêm cháu nên bàn mỗi năm cũng đổi mới hơn, vừa rồi ba mẹ sửa lại bếp cũng mua luôn cái bàn trái xoài dài dài, cốt yếu để đủ mặt anh tài hội tụ casino những ngày Xuân này.

Ngồi chơi bài ở nhà mới thấy bài bạc cũng vui, không đỏ đen máu me ăn thua gì cả. Chị Hải nhà mình mỗi lần cầm cái chơi thua là cứ kêu "bà nội về phù hộ con" – vậy mà không hiểu sao nội thương chị Hải hay sao mà hễ kêu là chị lại thắng. Cô của mình thì lúc cầm cái ăn quá chừng tiền, nhưng làm con thì đặt ít ơi là ít vì sợ thua. Còn mình năm nào cũng như năm nào, hiệp đầu thắng là hiệp sau lại thua. Mẹ thì có năm hùng hổ vào hùn hạp với ba chung một cửa, có năm chỉ bắc võng nằm ngoài cười nói theo thôi. Sung nhất là các chị mình, bình thường bồng con chăm con ầu ơ, lúc ngồi vô bàn rồi thì giao hết cho các anh chồng lo luôn, còn lại là "để em chơi cho". Dữ thế không biết!

Năm nào cũng chơi miết từ giữa buổi sáng tới chiều tối mà vẫn cười hớn ha hớn hở người già cũng như người trẻ. Dù không chơi đi chăng nữa thì mình cũng chẳng muốn đi đâu, cứ ở nhà thấy cảnh cả nhà quây quần bên nhau là dứt đi đâu cũng không đặng. Cả năm trời hiếm có mấy khi đông đủ thế này đâu chứ. Phải chi cứ được sum họp vui vẻ mãi như thế cả năm, thì có lẽ không cần Tết nữa làm gì.

Nhưng mà mỗi năm, có một cái Tết thôi!

—-

Xuân rồi, Tết rồi, chúc mừng năm mới thôi!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn