Nhớ Món Cơm Nắm Mo Cau Của Mẹ
Hôm qua đi ngang một ngã tư đường phố, khi nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang lụi cụi cắt và bán những nắm cơm cho khách qua đường ghé mua, tự dưng trong tôi lại nôn nao sự thèm muốn được ăn cơm nắm mẹ làm ngày xưa.
Chứa đựng tình yêu của mẹ
Đối với những người trẻ tuổi ngày nay thì món cơm nắm là quá xa lạ, thậm chí có người chưa bao giờ từng ăn, bởi khi xã hội phát triển, kinh tế đủ đầy hơn thì đã có vô vàn những món đồ ăn chế biến sẵn được bày bán tiện lợi ở mọi nơi, mọi chỗ. Thế nhưng, với những người sinh ra từ cách đây vài ba thập kỷ trở về trước, nhất là ở thôn quê thì món cơm nắm là thứ đồ ăn rất thân quen.
Tuổi thơ tôi từng "làm bạn" với những nắm cơm gói trong mo cau của mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ khéo léo trong việc bếp núc vì vậy mà hễ trong nhà có ai đi đâu xa là bao giờ mẹ cũng dậy thật sớm để lo sửa soạn cơm nắm. Thậm chí chẳng cần phải đi đâu xa tới vài ngày, mà ngay như những hôm mấy anh chị em chúng tôi phải ở lại trường học cả ngày, mẹ cũng làm cơm nắm bỏ túi để các con ăn trưa. Rồi thì bố tôi có những buổi đi làm thuê ở làng bên, hay cày ruộng nơi xứ đồng xa, trưa không về thì mẹ cũng chu toàn lo cơm nắm để bố không phải lỡ bữa.
Có thể nhiều người nghĩ quy trình và cách chế biến nên những nắm cơm là giản đơn, dễ, mà ai cũng có thể làm được, nhưng thực tế thì nó không như vậy, mà phải là người có nghề, có kinh nghiệm mới có thể nấu cơm và nắm được những nắm cơm ngon, đạt tiêu chuẩn. Mẹ từng dạy tôi việc lựa gạo, nấu cơm rồi nắm ra sao để nắm cơm được ngon, để được lâu tới cả hai ngày mà không bị hỏng. Thế nhưng dù có làm tới nhiều lần thì tôi cũng không thể nấu và nắm được những nắm cơm ngon, đạt tiêu chuẩn như mẹ vẫn làm.
Kỷ niệm gắn với quê nhà
Từ kinh nghiệm của mẹ trong việc làm món cơm nắm thì khâu chọn gạo là khá quan trọng, gạo mang nấu cơm để nắm phải là gạo mùa trước, nghĩa là thóc được thu hoạch từ vụ mùa trước, để gạo ít nhựa, khi nắm cơm sẽ không nhanh bị chua thiu. Khi nấu, cơm cũng không được khô quá, mà phải dẻo dẻo, nhưng cũng không được quá nhão, bởi nếu cơm nhão khi nắm cơm sẽ chẳng khác gì món bánh đúc. Công đoạn nắm cơm cũng rất cầu kỳ, khi cơm chín được dỡ ra cho nguội, rồi sau đó dùng chiếc khăn mặt sạch, hoặc một miếng vải sạch, bỏ cơm vào đó theo định lượng của từng nắm và gói lại. Lúc này dùng hai tay nắm thật chặt, thật đều sao cho khối cơm quyện vào nhau thật chặt. Khi cơm đã chặt tay và tạo thành một khối đông đặc, lúc này mẹ mới bỏ vào chiếc mo cau còn tươi rói vừa tách bẹ rụng xuống sân và cuộn tròn lại như kiểu bó giò lụa. Rồi mẹ dùng lạt, dây cuộn thật chặt nắm cơm trong mo cau. Công đoạn cuối cùng là mẹ dùng dao sắc cắt xén sao cho nắm cơm gói trong tàu mo cau được gọn gàng tiện cho việc mang đi.
Với món cơm nếp, khi mang nắm và gói trong mo cau mẹ cũng làm tương tự các công đoạn như nắm cơm tẻ. Chỉ có một chút hơi khác, đó là cơm nếp có độ dính cao nên trước khi bỏ nắm cơm vào mo cau gói cuộn lại mẹ tôi thường bao bên ngoài nắm cơm một lớp nilon mỏng chống dính, để khi tháo lạt nắm cơm không bị dính vào lớp mo cau.
Ngày ấy, cơm nắm mo cau thường ăn kèm với muối vừng, muối lạc chứ làm gì có mấy ai được ăn kèm với ruốc thịt, chả giò như bây giờ. Nhiều người không có điều kiện làm muối vừng, muối lạc có khi chỉ chấm ăn với chút muối trắng cho thêm phần đậm đà.
... mang theo tình yêu của mẹ.
Suốt những năm học cấp 1, cấp 2 trường làng, thậm chí sang tới cấp 3 nơi trường huyện mẹ luôn chăm lo phần cơm nắm cho tôi mỗi khi tôi rời nhà chỉ trong khoảng một ngày. Những chuyến tham quan, hay đi du lịch, đi cắm trại cùng bạn bè, trường lớp với thời gian vài ngày thì chuyện mẹ làm dăm ba nắm cơm cho tôi mang theo ăn kèm là không thể thiếu được...
Đã xa rồi tuổi thơ, tạm biệt cái thời thiếu đói nghèo khổ và nay sống ở thành phố, dẫu cuộc sống đủ đầy, rồi cơm nắm được các bà, các chị từ một số miền quê chế biến mang lên phục vụ tận nơi, song dù có thỏa ý muốn với vài nắm cơm kèm theo giò chả hảo hạng, nhưng trong tôi vẫn luôn thèm muốn được ăn những nắm cơm gói trong mo cau thấm đượm tình quê của mẹ...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top