Nhớ Khói Đốt Đồng

Thời còn cắp sách đến trường, đi dọc theo những con đường làng dài hun hút, hai bên ruộng lúa vừa mới cắt, bọn trẻ thường rủ nhau ra các đống rơm rạ để tung tăng đùa giỡn.

Thời ấy bà con nông dân hay đốt đồng, rơm rạ âm ỉ cháy suốt ngày, khói bốc lên mùi hăng hắc. Vậy mà trẻ con đứa nào cũng thích thú, chạy loanh quanh để rượt đuổi những chú dế và cào cào.

Đốt đồng là một trong những biện pháp cổ truyền của bà con nông dân Nam Bộ nhằm làm cho sạch ruộng.

Trong dân gian có câu: "Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận thiên tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi đứa nào đốt rơm?". Thật ra khói đốt đồng rất thơm.

Đó là mùi thơm đặc trưng của rơm rạ pha lẫn với mùi đất, mùi cỏ và mùi khen khét. Vào những buổi chiều hoàng hôn, làn khói đốt đồng bay lững lờ, chỗ đậm chỗ nhạt tưởng chừng như một bức tranh quê huyền ảo.

Bà con nông dân miền Tây trước kia làm ruộng bằng cách phát cỏ vì chưa có máy cày, máy xới. Chỉ những chủ điền giàu có mới dùng trâu để cày, bừa và trục cho đất nhão ra rồi cấy giâm, cấy liền chứ không sạ lúa như bây giờ.

Ở các vùng đất gò, sau khi phát xong bà con thường cào gom lại thành giồng hoặc vun lên thành mô. Đợi khi lúa cắt xong, nước rút, bà con cào ra, kèm thêm với rơm rải đều lên các gốc rạ để đốt đồng chuẩn bị cho mùa sau.

Hồi còn học ở Tiểu học tôi thường theo cha ra đồng bắt cá, đuổi chuột, đuổi chim nhưng mê nhứt vẫn là đốt đồng. Sau khi chuẩn bị xong xuôi, cha tôi bắt đầu châm lửa theo chiều ngược gió. Lửa từ từ cháy lan ra, khói bốc lên mùi hăng hắc pha trộn với mùi khét lẹt của những con ốc, con cua và lũ chuột đồng bị cháy xém.

Lũ nhỏ thích nhứt là lũ dế, cào cào, châu chấu bị lửa nóng bay lên loạn xạ. Mỗi lần tóm được chúng cả bọn tưng bừng hò hét dậy đất dậy trời. Khoái chí nhất là những con cua kềnh càng từ hang bò lên bị chết cháy, bọn trẻ tranh nhau giành giựt nhặt lên bẻ càng nhai rôm rốp thật ngon lành. Chỉ có thế thôi mà cho tới sau nầy lớn lên, mùi khói đốt đồng vẫn đong đầy ký ức nhiều người, tạo thành một nỗi nhớ khôn nguôi.

Theo tập tục từ lâu đời, bà con đốt đồng không chỉ để diệt cỏ và lấy tro làm phân cho ruộng mà còn nhằm tẩy uế và làm vệ sinh cho đất để chuẩn bị mùa sau. Sau vài cơn mưa đầu mùa, một vài cánh đồng vừa đốt xong lại mọc lên một loài nấm ăn rất ngon, ngọt và vô cùng béo bổ, coi như món quà mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho những ai đã đổ mồ hôi trên mảnh ruộng nầy. Đó là nấm mỡ, nhưng loại nầy rất hiếm và xuất hiện mỗi năm chỉ có một lần.

Mấy năm gần đây tôi có dịp về miệt Trà Vinh, Trà Ôn, Cầu Kè và vùng Bảy Núi - An Giang vẫn thấy nhiều vệt khói mờ mờ ảo ảo còn sót lại trên những mảnh ruộng trơ gốc rạ đen sì. Mùi rơm rạ hăng hắc theo khói bốc lên ngun ngút rồi bảng lảng tan ra, nhạt dần trông như những làn khói lam chiều man mác tình quê khiến tôi bàng hoàng nhớ lại những ngày thơ ấu ra đồng giữ lúa và canh đìa với ba tôi.

Thời gian trôi đi rất nhanh. Ngày nay lúa làm luân canh tăng vụ, khoa học nông nghiệp đã làm thay đổi ít nhiều tập quán canh tác cũ. Ngành khuyến nông cũng khuyên bà con không nên đốt đồng, vì bên cạnh cái lợi còn có nhiều điều bất lợi, chẳng hạn như khói đốt đồng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe, đôi khi còn gây ra trở ngại đối với các phương tiện giao thông đường bộ. Ngoài ra, đốt đồng sẽ tiêu diệt hết các thiên địch có thể làm ảnh hưởng đến mùa sau.

Ngày nay, tuy không khí đốt đồng không còn nhộn nhịp như xưa, nhưng trên các cánh đồng dọc theo tuyến lộ miền Tây, đó đây vẫn còn những cuộn khói là đà, xa xa là những cánh cò sải cánh, tạo nên một bức tranh quê êm ả, thanh bình và gợi nhớ gợi thương. Đặc biệt mỗi lần nghe ai đó hát bài "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ Bắc Sơn: "Mây trôi lang thang cho Hạ buồn. Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng" càng cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết với mùi khói đốt đồng.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn