Mùa Nước Nổi Bắt Ốc Lác Về Luộc

Miền Tây Nam Bộ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, ao đìa rải rác khắp vườn, ruộng. Đây là môi trường thuận lợi cho loài ốc sinh sôi. Hàng năm, hễ những cơn mưa đầu mùa vừa trút xuống, những cánh đồng mênh mông sau bao ngày nắng hạn giờ đây nước bắt đầu ngập xâm xấp gốc rạ. Điều kiện tự nhiên ấy thuận lợi để những con ốc lác, ốc đắng xuất hiện đẻ trứng, duy trì nòi giống.

Ốc lác con gần bằng ngón chân cái người lớn, mình đen nhánh, thịt vừa mềm vừa ngọt, ốc đắng nhỏ hơn, đít quắn hơn, thịt lại có vị nhẫn đắng,... Đây là hai loại thường được dân gian miền Tây lượm về ăn nhiều nhất. Giống như cua, mùa nước nổi, chỉ cần chống xuồng hoặc lội dọc bờ ruộng một chút là lượm được cả giỏ ốc như chơi.

Ốc đem về rửa sơ qua cho sạch rong, rêu bám ngoài vỏ rồi chắt nước gạo vo cơm vào rọng ốc. Chính nước cơm đã làm cho ốc nhả hết những cặn bã mà nó ăn được trên đồng. Vì thế, ốc sẽ rất sạch.

Nhanh nhất là cho ốc vào nồi luộc cơm mẻ với lá sả. Cho cơm mẻ vào nồi nước nấu sôi. Sả dùng phần lá xanh cuộn lại cho vào nấu. Nước sôi, sả ra màu xanh đẹp mắt, khi ấy trút ốc vào. Nước sôi lại, ốc há miệng thì đổ ra rổ xóc mạnh cho ốc ráo nước và bung hết mài, lượm lá sả bỏ đi, ăn ốc lúc còn nóng.

Dọn ốc ra tô, bên cạnh là chén muối ớt hoặc chén cơm mẻ trộn với sả, ớt để chấm. Khi ăn, người ta bẻ gai chanh, gai bưởi hoặc dùng vật nhọn để lể thịt ốc. Ốc luộc sả, cơm mẻ có sự kết hợp giữ vị ngọt từ thịt những con ốc mập tròn, với vị chua độc đáo của cơm mẻ lên men, cùng với đó là mùi đặc trưng của sả, hòa cùng vị mặn và cay của nước chấm làm cho miếng ăn thêm đậm đà không thể lẫn lộn.

Người miền quê ăn ốc luộc với cơm nóng, nhưng cũng có không ít người đem tô ốc luộc ra đãi bạn bè để anh em cùng nhâm nhi vài ba chung rượu đế hàn huyên tâm sự chuyện ruộng đồng, rẫy bái, chuyện sui gia, bà con làng trên xóm dưới,...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn