Ký Ức Chợ Quê

Dọc theo những con đường làng miền Tây Nam Bộ hiện nay vẫn còn tồn tại khá nhiều chợ quê. Tuy là chợ quê, chợ nhóm họp khiêm nhường dọc theo hai bên lề đường, nơi bến sông hoặc dưới chân cầu, nhưng đối với tôi hình như chợ có một sức hút diệu kỳ, là nét đẹp văn hóa truyền thống của một vùng quê yên ả và thanh bình.

Bao đời nay, chợ quê luôn gắn liền với nếp sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Nhiều năm trôi qua, từ khi bỏ quê ra thành phố sinh sống, tôi đã giã từ chợ quê. Bây giờ có dịp dừng chân nơi chợ quê, lắng nghe tiếng mời mọc mua hàng và ngắm nhìn những em bé, các bà các chị ngồi bên rổ rau, xề chuối toàn hương đồng cỏ nội mà lòng cảm thấy thương thương, nhớ nhớ về một vùng quê êm ả ngày nào.

Phải chăng cái chợ quê mộc mạc thân thương nầy là hình ảnh còn sót lại của một góc hồn quê Nam Bộ? Thuở còn đi học, mẹ tôi thường dẫn tôi vào chợ ngồi ăn bánh chuối, bánh tằm.

Không ngờ, mới đó mà đã mấy chục năm rồi! Giờ đây, những con đường hanh nắng ngày xưa đã mọc lên những dãy nhà khang trang, hàng quán sum vầy.

Tất cả đã bừng lên sức sống mới, tuy nhiên đó đây vẫn còn cái chợ quê thật gần gũi như một dấu ấn của miền quê.

Chợ quê là chợ nghèo nhưng người mua cần thứ gì cũng có, từ bánh trái, cá thịt đến rau củ và hàng công nghệ phẩm. Chợ quê ngày xưa rất bình dị và đơn sơ. Phần đông người bán hàng đều ngồi xổm, không có sạp kệ, không mái che nên còn gọi là chợ "chồm hổm".

Có lẽ do sáng họp, mặt trời lên khỏi ngọn chuối là tan chợ nên tất cả hàng hóa đều đựng trong thúng rổ hoặc bày biện sơ sài, thậm chí bày hàng trên những tấm nylon nhầu nát. Ai cần thứ gì cứ tha hồ mà chọn, giá cả thuận mua vừa bán.

Sau một hồi quanh quẩn gần chợ, tôi lần bước vào trong mà lòng cảm thấy bồi hồi. Cái gì cũng thân quen, cũng đầy ắp những kỷ niệm vui, buồn, tiếc, nhớ cái thời ấu thơ đi chợ với mẹ mình. Bạn hàng mua bán ở chợ quê rất thật thà, khiêm tốn. Người mua và người bán không bon chen, cũng không mặc cả hơn thua hoặc ngoa ngoắt như bạn hàng ở các chợ tỉnh, chợ thành.

Ở chợ quê, có một số mặt hàng như rau cải, trái cây, bà con thường bán mớ bán nhắm mà không cần đong đo cân đếm. Họ quan hệ ứng xử với nhau một cách thân tình.

Chợ quê bây giờ vẫn là chợ nhỏ nhưng hàng hóa phong phú và đa dạng hơn nhiều. Cũng mắm muối, dưa cà, cá khô, rau cải, nhưng những mặt hàng thủ công như rổ tre, nồi đất, cà ràng, thúng nia... thì hầu như thưa dần.

Tất cả được thay thế bằng hàng công nghệ. Đặc điểm của chợ quê hôm nay là các thức ăn đều tươi ngon mới hái như rau cải, trái cây. Còn gà vịt đều là loại nuôi thả vườn. Cá sông cá rạch, dù là lòng tong, rô, sặt, mè cũng đều tươi rói, không như ở siêu thị, tất cả đều đông lạnh.

Đã là chợ quê nên có người chỉ mang ra vài ba nải chuối, trái mít hoặc rổ rau vườn. Hình ảnh đập vào mắt tôi là một bé gái khoảng 10 tuổi có nước da sạm nắng, thân hình gầy gò, lem luốc đang cầm hai xâu cua đồng chờ khách.

Gần đó lại là một bà lão miệng nhai trầu móm mém, trước mặt là rổ rau cải trời tươi rói, nếu bán được cũng chỉ năm mười ngàn, tương đương với một ly cà phê đá. Nhìn họ, lòng tôi bỗng dưng se lại vì ngoài kia có biết bao người đua chen kiếm tiền bạc tỷ, còn bà và em bé sao mà trần trụi đến thế, suốt ngày chỉ chắt mót từng đồng!

Dòng đời lặng lẽ trôi đi, chợ quê bây giờ không còn mang sắc thái hương đồng cỏ nội nguyên sơ như ngày nào, tuy xu hướng văn minh đô thị đã len lỏi vào các chợ truyền thống, đặc biệt là "hàng Việt Nam chất lượng cao" đã dần dần chiếm vị thế "thượng phong", nhưng "nét quê" vẫn không hề thay đổi.

Chợ vẫn còn đó tiếng rao hàng, tiếng mời mọc và giọng cười hồn nhiên rôm rả, vẫn còn những em bé đầu trần chân đất ngồi bán cua, bán ốc và những bà lão ngồi têm trầu bên rổ rau nơi góc chợ. Có lẽ đó là những hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trong tâm trí mỗi người về một chợ quê êm đềm và sâu lắng.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn