Cái Bánh Men Của Má
Ngày còn nhỏ bánh men có lẽ là thứ bánh mà chị em tôi được ăn nhiều nhất, và có lẽ vì bánh ở nhà má làm và ngoài ra không có các thứ khác nên đứa nào cũng thấy bánh men là ngon nhất, và cái cảm giác ngon đó vẫn còn khi mỗi lần nhắc đến bánh men, dù cũng có mấy mươi năm rồi tôi không có lần nếm lại chiếc bánh của thuở ấu thơ đầy kỷ niệm nầy.
Cái bánh men được làm từ bột gạo và bột năng với nước dừa, ngoài ra hoàn toàn không có một viên men nào trong đó. Vậy mà có cái tên là bánh men. Người VN là thế , nhìn hình dáng bánh và đặt tên.
Có lẽ nó tròn tròn nhỏ nhỏ xinh xinh như viên men làm cơm rượu nên được gọi là bánh men chăng? Ai là tác giả và làm ra cái bánh nầy tôi không biết song tôi nghĩ bánh có lẽ được chế biến từ một loại bánh của người Pháp na ná có hình dáng như vậy. Đó là bánh Macaron.
Theo một số tài liệu sưu tầm, với kích thước hình tròn, đường kính cỡ bằng hai đốt ngón tay, nhưng macaron lại có uy tín hàng đầu trong ngành chế biến bánh ngọt thượng hạng của Pháp. Bánh ngọt macaron của Pháp được làm với lòng trắng trứng gà, đường cát, bột hạnh nhân xay nhuyễn và thêm một chút màu thực phẩm. Nhụy bánh được làm với kem bơ, mứt trái cây hay kem tươi trộn chocolat (thuật ngữ chuyên ngành gọi là ganache).
Theo quyển tự điển ẩm thực Larousse Gastronomique, nguồn gốc của bánh macaron đã có từ thời Trung Cổ, xuất phát vào năm 791 (thế kỷ thứ VIII) từ một tu viện ở Cormery, vùng Indre et Loire miền Trung nước Pháp. Nhưng cũng có một số nhà ngôn ngữ học cho rằng nguồn gốc của macaron đến từ nước Ý, chữ macherone có nghĩa là nghiền nát xay nhuyễn. Loại bánh này có thể là do các nhà đầu bếp làm việc cho hoàng hậu Catherine de Médicis du nhập vào Pháp vào thời Phục Hưng, thế kỷ thứ XVI (1533), khi bà thành hôn với vua Henri Đệ nhị.
Dù gì đi nữa, truyền thống làm bánh hạnh nhân đã có từ xưa. Nhưng kiểu bánh macaron với hình dáng y như bây giờ tức là hai mẫu bánh tròn giống như tai nấm, có kẹp nhụy ở giữa, là do gia đình ông Louis Ernest Ladurée sáng chế vào giữa thế kỷ thứ XIX. Tiệm bánh Ladurée đầu tiên được khánh thành vào năm 1862, và tính đến nay có khoảng 30 cửa hiệu trên khắp thế giới. Sau gia đình Ladurée, đến phiên ông Gaston Lenôtre từ năm 1947 trở đi cũng bán macaron trong số các loại bánh ngọt. Gần đây hơn nữa, có các thương hiệu nổi tiếng như Pierre Hermé, Dalloyau, Fauchon, Hédiard đều khai thác sản phẩm này.
Lần đầu tiên đi dự Party sinh nhật ở nhà một người bạn có chồng Pháp, bạn tôi khoe mới làm được loại bánh đặc biệt của bà mẹ chồng người Pháp truyền lại. Tôi nhớ bạn tôi bảo:
- Mi ăn thử bánh nầy nghe và nói cho ta nghe giống bánh gì của mình ở VN?
Đưa tay bốc chiếc bánh từ dĩa của người bạn trao màu hồng hồng, xanh xanh phơn phớt tôi bỏ ngay vào miệng. Nó tan ngay dưới đầu lưỡi của tôi. Tôi reo lên:
- Sao bột giống bánh men quá vậy.
Tôi bốc luôn hai ba cái bỏ vào miệng mà kêu nho nhỏ:
- Ta nhớ bánh men của má ta hồi xưa quá nhỏ ạ.
Tự nhiên lúc nầy có giọt nước mắt nào ứa ra... Xa nhà đã hơn 30 năm tôi cũng có dịp ăn bánh men bên nầy trong tiệm bán nhập cảng từ VN song chẳng có cái bánh men nào ngon như của Má. Cái bánh của má không biết làm sao mà khi bánh nướng xong cái nào cái nấy cục bột vò nhỏ xíu mà nở tròn xoe trông thấy mà mê, bỏ vào miệng nó tan dần cho đến cái lớp giòn giòn sau cùng. Mấy chị em tôi mà xúm lại không đầy 20 phút là thanh toán hết thùng bánh của má. Trời ơi cái mùi nước dừa béo ngậy thơm phức nó quyến rũ làm sao.
Bên tôi con nhỏ bạn vẫn tía lia, líu lo:
- Thèm bánh men ăn bánh nầy cũng đỡ ghiền phải không mi, mà nè không ai làm bánh men ngon mà khéo như mẹ của mi nhỏ ạ, cái bánh phau phau nhỏ xíu thấy mà mê luôn.
Tôi nghe một niềm hãnh diện nào đó vô cùng trong câu nói của bạn. Má tôi mê làm bánh lắm, hồi còn con gái Ngoại cho tiền là Má để dành để đi học làm bánh. Má làm bánh thửng thấy mà thương, ba cánh nở đều đặn trắng muốt như một đóa hoa. Tôi mê bánh bò khoai tím của Má làm sao. Bây giờ nhớ lại ngày ấy sao mà thương quá đỗi.
Con nhỏ bạn nhắc Má làm tôi bùi ngùi. Nhà đông con với đồng lương khiêm tốn của công chức phải tằn tiện lắm má mới nuôi nổi một bầy con 9 đứa. Cái gì má cũng nấu lấy ở nhà cho đỡ tốn. Còn cái chuyện bánh men cũng vậy. Má làm nhiều và lặn lội đi hỏi các tiệm tạp hóa gần nhà bỏ mối để lấy vốn lại. Có bánh dư cho gia đình ăn mà không phải chi tiêu tiền quà bánh cho con. Rồi bánh men của Má lan truyền có tiệm đến nhà đặt, tôi lúc đó khoảng 12 tuổi thôi, hàng ngày sau khi đi học về tôi phụ má đạp xe đạp đem bánh giao đến tiệm cho người ta. Ngày ấy tôi nhỏ xíu như con ốc tiêu, chiếc xe máy đầm cao quá không ngồi tới trên yên để đạp được, tôi ngồi lọt thỏm ở cái sườn xe, hai tay hai thùng bánh tôi đạp cà thọt thế mà cũng tới tiệm giao được cho các tiệm. Đôi khi thấy con bé nhỏ xíu mà có vẻ bươn chải, dễ thương chủ tiệm thường nhét thêm vào túi cho vài đồng tiền lẻ để ăn quà.
Trong khoảng thời gian đó má có mang em tôi và đang lúc nướng bánh má lại chuyển bụng sanh. Chị em tôi quýnh quáng không biết làm sao bèn chạy kêu bà mụ vườn trong xóm sang đỡ đẻ cho Má. Thế rồi tôi nghe tiếng khóc oa oa, em tôi chào đời giữa lúc thau bột làm bánh men còn đầy ắp chưa nướng xong. Tôi chỉ biết ăn bánh và phụ má đi bỏ bánh thôi chớ tôi biết nướng làm sao nè trời, chả lẽ bỏ thau bột đi, tôi cũng làm liều ngồi xuống điều binh khiển tướng mấy chị em vo vo nắn nắn tròn tròn như má mà sao không biết sao kết quả là một thùng bánh xẹp lép trông mà buồn cười. Cả buổi chiều hôm đó mấy chị em ăn bánh men thay cơm. Lớn lên em tôi nghe thuật lại chuyện nầy con bé cười khoái chí lắm. Những khi chị em đùa giỡn tôi hay bảo em:
- Hèn chi cái mặt mi tròn như cái bánh men của má vậy.
Cho đến bây giờ tôi nghiệm ra một điều mà ngày còn nhỏ không biết. Sở dĩ cái bánh men của má ngon nhứt thế giới như vậy vì trong đó đã gói trọn cả tình Mẹ thương con. Nó có mùi của Mẹ. Tôi nhớ có lần tôi dắt các con đến quán ăn VN có tiếng ở thành phố nầy mà chủ nhân là một người bạn thân. Thấy mấy mẹ con đến bạn tôi mừng lắm và bày ra mấy bát bún riêu mới nấu cho mẹ con tôi ăn. Con nhỏ bạn đon đả lại bên các con tôi hỏi:
- Bún riêu bác nấu ngon không con?
Con tôi trả lời một câu mà tôi không bụm miệng nó kịp.
Con bé lắc đầu nguây nguẩy và bảo:
- Dạ. Không ngon bằng của Mẹ Ty đâu.
Bà chủ nhà hàng hơi ngỡ ngàng, có vẻ buồn, mình là chủ nhà hàng, là dân Bắc Kỳ được báo chí đánh giá là nhà hàng 5 sao mà bị con bé chê nấu bún riêu thua mẹ nó là dân Nam Kỳ. Tôi phải tiếp lời con:
- Thì Mẹ hát con vỗ tay đấy mà mi ạ. Mẹ nấu mà chê thì có nước là đói...
Thì ra tình mẹ nó đầy cả phảng phất trong từng miếng bánh, từng chén cơm, bát bún mà.
Mấy mươi năm trôi qua, chị em tôi tản mát khắp nơi, đứa chân trời người góc bể, mái nhà xưa Má còn đó vò võ một mình mà thương mà nhớ bóng hình xưa ngày tháng cũ, và tôi biết trong tôi hình ảnh cái bánh men của má vẫn là hình ảnh thật tuyệt vời nói lên cái đức tính cần kiệm và khéo léo của Má tôi nói riêng và của người đàn bà VN nói chung. Cái bánh men ân tình của má qua bao năm vẫn còn đó, mãi mãi như một câu chuyện cổ tích thần thoại mà tôi hay kể lại cho các con tôi nghe và tôi nghĩ sau nầy câu chuyện nầy sẽ được truyền đến đời sau, kể đến cho cháu tôi nghe, mà má tôi là một bà tiên nhân hậu vô cùng trên cõi đời nầy.
Và hơn lúc nào hết tôi thèm một lần nào đó trở lại quê nhà cùng Má làm lại cái bánh men kỷ niệm năm xưa...
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top