Bánh Đúc Cần Thơ
Về miền Nam thưởng thức những món ăn Đặc sản Miền Tây Nam Bộ là một trong những sở thích của nhiều người đam mê du lịch.
Miền Tây có nhiều món rất ngon và dân dã gắn liền với hình ảnh sông nước ở địa phương, tiêu biểu là món Bánh đúc - một đặc sản của đất Cần Thơ.
Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm.
Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng thời khốn khó của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung với một số biến tấu khác với nơi bánh ra đời. Và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê.
Cách làm bánh cũng khá đơn giản. Gạo được ngâm kĩ trước khi cho vào cối, xay thành bột. Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, đổ bột gạo và nước lá dứa vào nồi nấu sôi. Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu, phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay.
Nếu muốn tăng độ dai của bánh thì bỏ thêm chút nước tro tàu. Bánh đúc được ăn kèm với hai thứ nước chan. Dừa khô nạo vắt lấy nước, bỏ thêm chút bột năng, thắng lên thành nước cốt dừa. Nước đường cũng được thắng cho kẹo lại. Kèm theo là đậu phộng rang giã nhỏ để rắc lên trên bánh.
Bánh đúc được coi là thứ quà vặt, thường không kén người ăn. Nếm một miếng bánh, người ăn sẽ cảm thấy độ dai của bánh quyện với vị béo của nước cốt, vị ngọt của đường, vị bùi bùi của đậu phộng cộng với mùi thơm thoang thoảng toả ra từ lá dứa. Ngồi thưởng thức dĩa bánh đúc giữa lòng thành phố, dễ gợi ta nhớ đến thuở còn bé, mỗi lần được ăn bánh đúc là cả một niềm vui. Ở quê, bánh thường được ăn vào bữa sáng hay lúc xế xế, khi kiến đã bò bụng mà bữa cơm chiều vẫn chưa tới.
Không khó để hiểu vì sao bánh đúc lại hấp dẫn người ăn đến vậy. Bánh đúc là thứ đặc sản thôn quê, nó ẩn chứa nét tinh tế trong ẩm thực và cả cái tình của người dân xứ đồng bằng.
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top