Chua Ngọt Vị Bụp Giấm Quê Nhà

Cậu xa quê dễ chừng cũng đã mười mấy mùa bụp giấm. Từ ngày ngoại mất, ba bốn năm một lần, cậu chọn đúng mùa bụp giấm để đáp chuyến bay dài về thăm quê.

Những mùa bụp giấm như một dấu ấn tuổi thơ ngọt ngào mang đậm dáng hình ngoại trong miền ký ức nhạt nhòa của cậu.

Trước nhà ngoại là bờ sông hiền hòa hai mùa con nước lớn cạn. Phía xa xa, bên kia cánh đồng lúa rộng mênh mông là một bãi đất hoang - nơi xuất hiện rất nhiều cây bụp giấm trong đám cỏ mọc lút cả người. Ban đầu chỉ vài cây mọc tự nhiên, sau đó mọc lan ra nhiều. Bụp giấm còn có tên gọi là atiso đỏ hay cây rau chua. Thuộc loại cây cỏ bụi, bụp giấm không kén đất, ưa tiết trời nóng ẩm, thân cao 1,5 - 2 m, hoa màu đỏ tía.

Ngoại tôi thường hái những chiếc lá non mơn mởn còn đọng hơi sương về ăn dặm cùng rau như một vị thuốc tăng sức đề kháng. Cứ đến độ cuối Thu, hoa bụp giấm vào mùa nở rộ. Cả một góc đồng quê không có nắng vẫn đỏ rực một màu, đây cũng là thời điểm người dân quê rủ nhau đi hái hoa bụp giấm.

Trong mắt tôi - con bé hơn mười ba tuổi ngày ấy - ngoại quả thật "siêu phàm" khi biến những bụp giấm mọc hoang thành món mứt, thức quà vặt quý mà cả tôi và cậu đều ghiền. Mỗi khi ngoại làm mứt, tôi thường mon men đến gần. Hương thơm chua ngọt nồng nàn thoảng đưa trong gió đã kéo chân tôi xuống chái bếp, nơi ngoại đang khom lưng lụi cụi canh lửa cho mẻ mứt.

Mứt bụp giấm không khó làm nhưng đòi hỏi sự tận tâm, tỉ mỉ, khéo léo của người chế biến. Hoa bụp giấm hái về rửa sạch, nhặt bỏ những cánh hoa bị dập nát rồi tách riêng cánh và nhụy hoa bằng cách cắt phần đế hoa, dùng đũa đẩy đài hoa từ dưới lên trên. Cánh hoa bụp giấm đỏ vừa tách mang đi rửa kỹ, loại bỏ hết bụi bẩn rồi để cho ráo nước. Xếp cánh hoa vào lọ thủy tinh, cứ một lớp cánh hoa là một lớp đường, làm như vậy đến khi đầy lọ, đóng chặt nắp và để yên chừng dăm ngày đến khi đường tan hết. Sau đó cho cánh hoa ngâm đường vào chảo sên với lửa nhỏ, đợi cánh hoa hơi quắt lại, ăn vào thấy thanh giòn là được. Mứt nguội có thể cho vào hũ kín bảo quản dùng dần. Theo kinh nghiệm người dân làng tôi, bụp giấm như vị thuốc dân gian, hạ huyết áp, có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.

Ngày ngoại còn khỏe, năm nào ngoại cũng chế biến bụp giấm thành món quà vặt quý để dành cho cả nhà nhâm nhi. Không chỉ vậy, mứt bụp giấm còn là món quà quê gửi đi khắp nơi. Có trong cả đống hành lý lỉnh kỉnh lúc cậu tạm biệt quê hương trở về với cuộc sống thường nhật nơi đất khách quê người. Tôi nhớ rõ ngày cậu rời quê theo người bà con đi nước ngoài lập nghiệp. Đấy cũng là thời điểm Thu đã vào độ cuối mùa, trời trở gió heo may se lạnh, ngoại lôi trong gác măng rê cũ thẩu mứt bụp giấm rồi đút vào túi xách gọi là quà đi đường cho cậu...

Và tôi cũng như cậu, ở với ngoại thời gian rồi cũng rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sống ở thị thành chộn rộn lo toan, từ ngày ngoại mất, thi thoảng mẹ vỗ về nỗi nhớ nhà trong tôi bằng những thức quà quê giản dị, trong đó không thể thiếu thẩu mứt bụp giấm mà tôi biết rằng mẹ phải thật tỉ mẩn mới chắt chiu hết mùi vị quê hương trong màu đỏ đẹp mắt, sóng sánh nước đường ấy.

Mấy hôm nay bụp giấm lại vào mùa. Tôi về thăm quê trong nắng Thu hanh vàng vắng bóng cậu và ngoại. Cậu gửi tin nhắn hẹn mùa hoa sau sẽ về. Gió từ cửa sông hắt lên làm đung đưa từng đóa bụp giấm buông chùm căng mọng như đợi người đến hái. Nhìn mẹ xách rổ vội vàng bước, lom khom nghiêng vành nón trắng nhấp nhô giữa màu đỏ hoa bụp giấm, tôi thấy lòng mình chênh chao... Lại thêm một mùa bụp giấm và từ bao giờ mẹ đã thay ngoại đợi chờ những đứa con xa quê hương như tôi, như cậu...

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn