Thợ Làm Chìa Khoá

Sài Gòn có một nghề thường ngồi lề đường, không nhiều như sửa xe nhưng cũng không thể thiếu. Mỗi quận chỉ có vài người, hoặc ít ra vài ba con đường mới thấy "nơi làm việc" của họ. Đó là thợ làm chìa khóa.
Chẳng biết gọi thợ làm chìa khóa có đúng không. Họ còn kiêm luôn mở khóa. Nếu cần là bẻ... khóa luôn. Cái nghề của họ quan trọng hay... đáng ngại? Chỉ biết một khi ai làm mất chìa khóa nhà đều thuê xe ôm tìm kiếm họ nhờ mở khóa giùm. Nhiều lúc tôi nghĩ với tay nghề, họ dễ dàng bẻ khóa đột nhập vào nhà người khác.

Ngày xưa ở ký túc xá Đại học có N.T rất rành bẻ khóa. Lần đầu quen anh chàng này do tôi lên trường lại quên chìa khóa ở nhà. Tôi quýnh quáng lên và có người bảo tôi tìm N.T. Chỉ với cọng kẽm nho nhỏ, N.T đã bật được ống khóa của tôi ra...

Một ngày, phòng thí nghiệm bị mất trộm, người ta nghĩ ngay N.T. Tôi từng lên tiếng bênh vực con người hiền lành này, nhưng chị bạn cùng khóa với N.T cho biết trước đây N.T từng bẻ khóa tủ bạn bè lấy trộm cassette đi bán.

Người có tài vặt bẻ khóa cũng... lắm trò. Một lần thấy tôi buồn buồn, nhỏ bạn cùng phòng hỏi tôi có thích uống sữa chanh không. Tôi nói ở đâu mà uống. Nó tỉnh bơ:
- Trong phòng của tụi khoa công nghiệp đó!

Tôi ngơ ngác trong khi nó đi kiếm một cọng kẽm. Chỉ vài cái lắc, ống khóa bật ra, nhỏ hiên ngang vào phòng lấy hộp sữa ra đổ vào ly rồi bóp khóa lại. Mang ly sữa về phòng, nó vắt chanh khuấy một ly chanh sữa ngon lành. Tôi hồi hộp khi các bạn sau giờ học quay về. Họ hoàn toàn không phát hiện ra điều bất thường gì từ cái ống khóa. Chỉ nghe tiếng ngạc nhiên:
- Ủa, sao hộp sữa của mình mau hết vậy ta?

Nhiều lúc "ăn trộm" không cần cạy cửa vào. Đó là khi các phòng chỉ được ngăn bằng những mảnh phên mỏng manh. Lúc là giáo viên một trường miền núi, cô bạn cùng phòng rất ghét hai người phòng bên bởi mỗi khi lãnh đường, họ đều nói nho nhỏ giấu thật kỹ trên kệ, che mấy quyển sách lên để không ai biết. Cô bạn T cùng phòng chờ cả hai đứng lớp, cô nhảy qua phên, vào phòng múc đường thoải mái. Lát sau chỉ nghe tiếng la:
- Ủa, sao đường mau hết vậy?

Chẳng ai ngờ một cô giáo vì ghét tính nghi ngờ của họ mà "chôm" cho bõ ghét. Sau này họ cất hũ đường trong tủ, cô bạn cũng chỉ với cọng kẽm đã mở khóa chôm luôn nửa hũ. Thế là cả hai cô xin đổi phòng khác vì nghi... ma ăn trộm!

Tôi cũng được nghe kể tại ký túc xá một Đại học nọ, ông thầy cứ đánh rớt sinh viên. Một tối, sinh viên cúp cầu dao điện toàn trường, đón ông thầy đi chơi về, trùm mền đánh cho ông một trận. Ban trật tự sinh viên họp khẩn, chỉ có manh mối là cái mền. Mền này của ai đích thị kẻ đó là thủ phạm. Khi đèn bật lên mọi người vỡ lẽ đó chính là mền của nạn nhân! Thì ra cũng chỉ với một cọng kẽm, đám sinh viên tinh nghịch, quỷ ma đã vào phòng, lấy mền thầy và "động thủ".

Còn khá nhiều câu chuyện quản lý phòng thí nghiệm keo kiệt, sinh viên bẻ khóa vào phòng "chôm" hóa chất cho đề tài tốt nghiệp của mình... Tất cả được thực hiện bởi những "tay" không chuyên với cọng kẽm "cầu may". Vì thế mới có câu nói:
- Ống khóa, ổ khóa chỉ ngăn được người lương thiện!

Còn với thợ khóa chuyên nghiệp thì sao? Tôi nghĩ thợ làm khóa phải lương tâm lắm mới không sử dụng ngón nghề của mình làm bậy. Tuy nhiên, khi lỡ quên hoặc mất chìa khóa mới thấy sự quan trọng của người thợ khóa. Có lần tìm không ra chìa khóa phòng, tôi phải thuê xe ôm đi lòng vòng tìm cho ra thợ làm chìa khóa. Rất khó để mời chú ấy đến nhà mở khóa. Năn nỉ được chú đến nhà, chú đề nghị phải mời thêm hàng xóm đến chứng kiến vì chú sợ bị gài bẫy hoặc có người mượn tay chú mở khóa, trộm đồ người nhà. Chú nói chú không bao giờ đi mở khóa buổi tối. Tôi chỉ lờ mờ hiểu nhưng không dám hỏi rõ.

Lỡ mất chìa cũng phải nhờ họ. Tôi nghĩ nếu một ngày, nghề thợ khóa không còn, mọi người sẽ ra sao khi cần vào nhà, hoặc vào phòng riêng mà mất chìa khóa. Thợ làm chìa khóa ít thật, nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc sống.

Có người nói một ngày khóa bằng vân tay, chắc chắn thợ làm chìa sẽ thất nghiệp và họ sẽ dùng "kỹ năng bẻ khóa" mà sống. Tôi không nghĩ thế. Nghề nào cũng cần lương tâm, nghề làm khóa cũng không ngoại lệ. Nếu muốn, không cần thất nghiệp, họ sử dụng tay nghề để làm giàu bất chính cũng đâu khó khăn gì. Tuy nhiên họ vẫn sống với nghề của mình một cách lương thiện. Hằng ngày, họ ngồi bên thùng gỗ hoặc thiếc sơn màu vàng. Phía trên là những sợi dây treo những chiếc khóa cũ hoặc khóa của khách nhờ chỉnh sửa, và những chìa khóa làm cho khách. Công việc âm thầm lặng lẽ nơi góc đường nào đó trong Sài Gòn. Nếu ai hỏi sao thùng đồ nghề của họ luôn sơn màu vàng thì... tôi chịu.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn