Tản Mạn Về Kẻ Quấy Rối Trong Đêm

Cô bạn từ nước ngoài về đến nhà dùng cơm, phụ dọn dẹp... Khi thấy tôi cột bao rác lại và chuẩn bị mang ra ngoài cổng, cô la lên:
- Chết, mang rác ra ngoài chắc chắn chó mèo sẽ lục bươi tìm thức ăn cho xem!

Tôi cười:
- Chó mèo bây giờ bị nhốt trong nhà, kín cổng cao tường không còn được thả rong đâu mà bươi với móc bọc rác. Còn chó mèo hoang không thể sống với các cẩu tặc, miu tặc đâu...

Nói xong, nhìn gương mặt ngơ ngác của bạn, tôi bỗng giật mình rồi cảm thấy một nỗi buồn dâng lên. Một sự thật nhiều năm qua đã tồn tại nhưng rất ít hoặc không ai nhận ra. Đó là giờ đây các con đường, các ngõ hẻm... chẳng còn bóng dáng một con chó con mèo nào, dù là thú hoang.

Ngày trước, tôi và hàng xóm luôn khổ sở bởi sở thích bươi móc thùng rác của đám chó mèo, đặc biệt là chó. Người ta dùng thùng rác có nắp đậy hẳn hoi, vẫn bị ngay mấy "anh" chó tinh khôn dùng mõm hất nắp ra và cùng chia nhau bữa tiệc bên các thùng rác lúc nửa đêm.

Thuở đó, người ta thường thu gom rác vào sáng sớm nên chúng tôi thường bỏ rác buổi tối nếu không muốn sáng phải dậy sớm hoặc rác bị ứ đọng nhiều ngày. Và sáng nào cũng khổ sở cả người thu gom và người chủ các thùng rác khi thùng nào cũng lăn long lóc trước nhà, rác tràn ra đầy đường!

Sau cùng là thống nhất để rác trong hàng ba, khi người thu gom đi, họ sẽ la lên: "Đổ rác". Chúng tôi phải "làm siêng" rời bỏ giường chiếu để ra bỏ thùng rác ra ngoài. Nhiều sáng tôi ham ngủ, chú đổ rác trẻ phải tự mở cửa rào nhà tôi lấy thùng rác đổ giùm. Rồi bao xốp ra đời, thêm vào bao chuyên đựng rác được bán đầy chợ được mua về đựng rác nhưng vẫn chờ người thu gom la lên mới mang rác ra ngoài.

Tôi không biết ngày trước sao chó mèo nhiều thế. Thường chó người ta cho ngủ ngoài hàng ba hoặc ngoài sân để giữ nhà. Tường hàng ba thấp rất dễ cho các chú nhỏ nhảy qua và nhập bọn cùng các con chó khác đi quậy thùng rác. Chó có chủ cũng thường thả rong, có khi bị lầm tưởng chó hoang. Có nhiều con đi lạc và thành chó hoang, cũng "kiếm chác" được nơi các thùng rác. Và trở thành nỗi "ám ảnh" của cả người "sản xuất" lẫn người thu gom rác.

Bỗng một ngày nghe chó ông A mất tích, chó của bà B bị thuốc chết hoặc mèo chị C bị miu tặc bắt đi. Mọi người cẩn thận hơn, người ta đã biết cột chó trước cửa. Nhưng rồi chó cột trước nhà, lát sau ra chỉ còn sợi dây. Thế là người ta đã phải nhốt chó trong nhà, giữ gìn con chó, con mèo không thua con cái trong nhà. Bóng dáng chó mèo lạc chủ thành thú hoang không còn thấy nữa. Bởi thú trong nhà còn bị mất huống chi thả rong hoặc đi lạc. Và không biết từ bao giờ, những bọc rác được bỏ từ tối, sáng hôm sau vẫn còn nguyên vẹn, trật tự, sạch sẽ trước mọi nhà. Cũng chẳng biết từ bao giờ người thu gom rác không còn "báo động" thu gom nữa mà âm thầm xách từng bao rác đặt vào thùng xe.

Không như những nước tiên tiến, chó mèo không được thả rong. Khi chó mèo biến mất trên đường, trong hẻm để không còn quậy phá, điều này không nói lên ý thức bảo vệ môi trường của người dân như ở xứ người, mà cho thấy nạn trộm chó mèo đã đến mức báo động để không còn một con thú hoang nào được yên thân.

Như vậy câu chuyện liên quan đến chó mèo cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ như nuôi chó mèo thế nào để không làm phiền xóm giềng và ảnh hưởng vệ sinh công cộng, đồng thời chung tay ngăn chặn những hành động hạ cấp như trộm cắp thú cưng.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn