Món Dưa Kiệu Yêu Thương Của Bà

Gia đình tôi rất thích dùng dưa kiệu. Bất cứ lễ lạt hay ngày thường, trên bàn ăn vẫn có một đĩa dưa kiệu cay nồng.

Nhớ ngày trước, bà nội tôi vẫn lom khom đi chợ, mua nguyên liệu về làm món này. Sau khi ngâm trong nước tro một đêm, từ tờ mờ sáng, bà đã thức dậy cho kiệu ra rổ, xả vài gáo nước rồi bê lên trước thềm nhà ngồi lột vỏ. Thấy nội ngồi tỉ mẩn từng củ, tôi vội rủ đám bạn sang tiếp bà một tay. Chúng bạn thích lắm, ùa đến, đứa nào cũng xông xáo, nhưng chỉ được vài củ là bỏ cuộc vì mùi hăng của kiệu xông lên mũi, lên mắt. Tôi cũng thế, nước mắt, nước mũi cứ ròng ròng như đang khóc. Chỉ có nội là kiên trì nhất, ngồi lột vỏ đến hai sàng kiệu nhưng chẳng hề hấn gì.

Xong công đoạn này, mớ kiệu được nội ngâm với phèn chua một đêm, và xả vài nước cho củ thật trắng láng, rồi rải đều lên sàng, đem ra sân phơi. Sáng nào cũng vậy, tôi có nhiệm vụ mang hai chiếc ghế đẩu ra sân, chổng ngược bốn chân ghế lên, đặt mặt ghế nằm xuống đất cho nội phơi kiệu. Rồi khi mặt trời vừa khuất dạng, hai bà cháu lại bê tất cả vào nhà. Độ dăm ba ngày, khi kiệu đã teo tóp lại và giòn dai, nội bắt đầu ngâm dưa. Bà nấu một nồi nước nhỏ, thắng đường, muối, dấm và chút ít gia vị khác cho sôi lên rồi để nguội, sau đó cho kiệu vào một keo thủy tinh to, cất trong tủ bếp. Khoảng một tuần sau, dưa kiệu có thể đem ăn hay đãi khách.

Những ngày lễ Tết, bạn bè của ba tôi đến chơi đều tấm tắc khen món dưa kiệu nội làm khiến ba vui lắm. Đôi lúc thấy bà vất vả, ba không cho làm mà bảo mẹ ra chợ mua nhưng nội không chịu. "Tao già rồi, còn làm được cái gì thì làm. Tụi bây không cho tao làm là tao giận đó", nội nói lẫy. Sợ bà buồn nên cả nhà phải nghe theo. Thấy nội cứ miệt mài bên rổ kiệu, có khi mẹ tôi cũng áy náy, song nội hiểu ý, tự phân trần: "Người trẻ làm việc trẻ, người già làm việc già. Rõ chưa con!". Mẹ nghe vậy cũng nhẹ nhõm phần nào.

Tôi cũng không nhớ tôi và nội đã làm được bao nhiêu hũ dưa kiệu kể từ khi tôi lên 6 tuổi. Chỉ biết đến khi 18 tuổi, hai bà cháu phải xa nhau. Tôi lên thành thị để bước vào giảng đường Đại học. Ngày chia tay, bà xoa đầu tôi, bịn rịn nói: "Ráng học giỏi nghe cháu, đừng chơi bời lêu lổng! Khi nào rảnh nhớ về thăm bà". Rồi nội dúi vào tay tôi túi dưa kiệu vừa mới làm xong: "Để dành ăn dần mà nhớ tới bà, cha mẹ và quê nhà. Nhưng nè, chưa ăn liền được đâu nghe". Tôi suýt khóc vì điều đó.

Giờ nội đã không thể làm được món dưa kiệu ngon xuất sắc nữa rồi. Chứng tai biến khiến bà đi lại còn khó khăn, nói gì đến việc ra chợ chọn những củ kiệu to tròn. Việc ấy được mẹ tôi làm thay. Dù vậy, nội vẫn luôn quan tâm đến chất lượng của củ kiệu. Và trên hết, cứ mỗi lần mẻ kiệu hoàn thành, bà lại nhắc gởi lên vài hũ cho thằng cháu nội đang làm việc xa nhà.

Những lần về thăm nội, bà luôn quan tâm tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Còn tôi, vẫn dành thời gian đẩy xe lăn ra chợ vào mỗi sớm mai để nội hít thở khí trời và đỡ nhớ chợ quê.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn