Mỗi Người Đều Có Một Giá Trị Riêng

Tôi sinh thiếu tháng. Nghe mẹ kể lúc mang bầu hơn tám tháng, mẹ gánh lúa phụ ba và nghe đau quặn ở bụng. May là thửa ruộng nhà gần trạm xá, tôi được cứu kịp thời.

Rồi đến tuổi đi học, cũng đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác song tôi học môn nào cũng dở dù là ở ngôi trường nhỏ trong ấp. Lên cấp Hai, tôi cũng thuộc vào hàng yếu nhất nhì lớp. Đâu phải tôi lười biếng cho cam, mà ngược lại, rất chăm chỉ, thường học bài đến khuya mới đi ngủ, ấy vậy mà sáng hôm sau lên bảng trả bài cũng ngập ngừng.

Ba mẹ buồn lắm, thầy cô chán nản với đứa học trò phải nói là "ngu dốt" như tôi. Tất cả những điểm yếu trong học bạ, mọi người đều đổ cho nguyên nhân do tôi sinh thiếu tháng!

Chật vật lắm tôi mới tốt nghiệp THCS, nhưng không vào được trường cấp Ba công lập. Chú tôi sống ở Sài Gòn không có con, đề nghị ba mẹ cho chú đưa tôi lên thành phố học bổ túc văn hóa buổi tối, may ra tôi có thể tốt nghiệp THPT, và như thế cũng để ba mẹ bớt xấu hổ với người trong ấp.

Phần lớn học viên trong lớp không có điều kiện học chính quy hoặc cũng thuộc dạng "chậm hiểu" nên thầy cô rất thông cảm và không tạo nhiều áp lực với chúng tôi. Biết học lực hạn chế của mình nên có lần tôi tâm sự với thầy dạy Toán một cách chân tình: "Thầy ơi, em học trường ấp dưới Long An còn không nổi, không thể vào trường cấp Ba của xã được. Em không biết sẽ làm gì trong cuộc đời...". Nhìn cái tướng nhỏ bé của tôi, thầy cười, lắc đầu: "Thầy đạo Công giáo nên tin Chúa không sinh ra cái gì vô dụng cả, con người cũng vậy. Mỗi người đều có một giá trị riêng. Em không học chữ được, không có nghĩa em là người vô dụng. Em có thử học nghề chưa? Biết đâu em sẽ là một người thợ xuất sắc thì sao?".

Thầy khuyên tôi gắng lấy bằng tốt nghiệp THPT bổ túc rồi đi học nghề. Sau hai năm trầy trật, tôi cũng "lận lưng" được mảnh bằng ấy. Nhớ lời thầy, tôi xin chú cho đi học nghề. Sẵn buôn bán xe máy tại đường Lý Tự Trọng, chú gởi tôi tới một khách hàng của chú để học sửa xe gắn máy, xe tay ga.

Không ngờ tôi học sửa xe rất nhanh. Từ xe gắn máy thông thường đến xe tay ga, xe đạp điện..., chỉ học và thực hành qua một lần, tôi đã nhớ và sửa rất "mát tay". Sau sáu tháng, từ anh thợ học việc, tôi đã có thể được giao riêng chiếc xe để sửa lấy công. Nhờ nhanh nhẹn, được việc nên ngoài tiền công, tôi còn được các chủ xe "bo" thêm.

Thu nhập bình quân mỗi ngày trên 300 ngàn đồng, tôi đã có thể gởi tiền về giúp ba mẹ lợp lại mái nhà, mua thêm bầy heo... Ba mẹ tôi cũng an tâm hơn với thằng con út nay là người thợ máy cao tay nghề, làm việc ở Sài Gòn.

Tôi vẫn để dành tiền và ấp ủ ước mơ mở một cửa tiệm riêng cho mình. Với thu nhập như hiện tại và sống căn cơ, tôi tin một ngày mình sẽ làm được điều đó.

Tôi nhớ đến người thầy dạy Toán ngày trước, nếu như không gặp thầy với lời động viên đầy ý nghĩa ấy, hẳn tôi đã không được như hôm nay.
"Không ai vô dụng cả, mỗi người đều có giá trị riêng, tại em chưa biết đó thôi", câu nói của thầy vẫn theo tôi đến hôm nay. Giờ tôi đã biết giá trị của chính mình.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn