Lọt Sàng Xuống Nia
Thấy đứa cháu con chị Hai mỗi chiều mang thức ăn đến cho chị, cô bạn đồng nghiệp trẻ kêu lên:
- Sao ngon quá vậy?
Rồi cô kể một chị bạn của cô cũng cỡ tuổi chị, không lập gia đình, cho đứa cháu gọi bằng cô ở nhờ miễn phí để tiện làm việc. Người cháu không những chẳng giúp đỡ gì cho cô mình mà như ông chủ nhỏ, được cô phục vụ tối đa, giặt giũ quần áo, nấu cơm cho ăn. Đã vậy ngày lễ Tết người cháu mua quà tặng bạn bè, người cô vô tình cầm xem cũng bị cháu quát mắng. So với cháu chị đúng là như hai thái cực. Chị im lặng. Chẳng qua do cách giáo dục mà thôi.
Chị Hai của chị chỉ có bằng Tiểu học. Thế mà chị Hai có cách giáo dục con cái rất hay. Thời Bao Cấp gạo quý chỉ thua vàng một tí, được bán theo nhân khẩu. Gia đình chị Hai và chị Tư ở chung. Chị Hai có bảy đứa con, chị Tư có một con. Mỗi lần xe gạo về phân phối, đám con nít háo hức. Và mỗi lần được lấy gạo, chị Hai chia phần bằng lon sữa bò. Chị Tư một lon, chị Hai ba lon.
Đến phần chị Tư nếu gạo còn hơn nửa lon nhưng không đủ một lon, chị Hai gom hết đổ vào bao của chị Tư. Đám con vây quanh kêu trời ơi một cách tiếc rẻ, chị Hai trừng mắt:
- Cũng dì tụi bây ăn chứ ai vào đây!
Lúc đó chị là con Út, ở ký túc xá Đại học, lâu lâu về thăm nhà, thấy chị Hai chia gạo bảo con mang lên cho chị Tư, và chị Tư không hề biết mình được cho gần một lon gạo!
Chén trong chạn còn khua, chị và chị Hai gây lộn nhau nhiều nhứt. Chị sống độc thân, nhiều lúc gây lộn, đám cháu bênh mẹ muốn nhào vô "cuộc chiến đấu khẩu", chị Hai mắng ngay:
- Chuyện của người lớn, giữa tao và dì Út, tụi bây không được hỗn.
Gây lộn xong, đến giờ cơm, chị Hai cũng bảo các cháu lên lầu nói chị xuống ăn. Chị Hai bị bệnh nan y qua đời. Chị tốt nghiệp Đại học, trôi nổi nhiều năm rồi cũng có việc làm ổn định. Các cháu khôn lớn, ra đời làm việc, kinh tế ổn định, có thể mua nhà cho chính mình và ba mẹ. Chỉ còn chị ở lại căn nhà rộng thênh thang cùng người mẹ già.
Từ nhỏ đến lớn chị chỉ lo học. Ở tập thể ăn cơm tập thể. Về nhà thì ăn ké các chị. Chị Hai qua đời thì có chị Tư nấu. Đến tuổi chị về hưu thì chị Tư phải đến nhà con gái chăm sóc cháu ngoại. Không biết nấu nướng, chị phải khổ sở với những bữa cơm mà thức ăn không hề có trong sách dạy nấu ăn của Việt Nam cũng như trên thế giới. Thấy vậy, nhỏ cháu con thứ hai của chị Hai cứ chiều chiều, sau khi đi làm về ghé nhà đưa thức ăn cho chị. Chị sợ nó tốn tiền vì phải "bù đắp" cho chị, nó tỉnh bơ:
- Dì Út ăn chứ ai ăn mà con tiếc. Chừng nào người dưng ăn con mới tiếc.
Ngày xưa học câu "lọt sàng xuống nia", giờ ở tuổi 60 chị mới thấm!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top