Chiếc Điện Thoại Bàn

Thế là chị đã cắt thuê bao điện thoại bàn. Từ nay đỡ tốn tiền hằng tháng để giữ số mà chẳng ai gọi đến và chị cũng chẳng gọi cho ai. Bởi khi cần đã có hai chiếc điện thoại di động. Và ai gọi cho chị cứ số di động mà liên hệ. Vậy mà trở về nhà chị cảm thấy bồi hồi, một cảm giác thật khó tả.

Nhìn lại tờ hợp đồng, chị đã gắn bó cùng chiếc điện thoại bàn hơn hai mươi năm, với không ít kỷ niệm. Nhìn lui vào quá khứ từ trước 1975, chị thường vào văn phòng cha xứ để xem cha điện thoại. Cha bảo điện trong Sài Gòn thì được, ra đến Thủ Đức phải qua tổng đài phiền vô cùng. Điện thoại lúc đó với chị là một vật xa xỉ và xa lạ.

Vào Đại học, có lần đứng trước văn phòng, nghe tiếng điện thoại reo, Hương Duyên đã nhún vai nói với Thảo:
- Điện thoại này tiếng reo không hay bằng điện thoại nhà tao.

Trong đám bạn của chị có Thu Cúc làm ở kho. Chị thường gọi nhờ điện thoại kho đến phòng thí nghiệm nơi chị học để trao đổi chuyên môn khi tra cứu sách thấy có vấn đề gì hay hay.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, phải nhận công tác xa, mỗi lần muốn gọi về cho Thu Cúc phải ra bưu điện vì điện thoại ở trường cổ quá không xài được hoặc kết nối rất khó.

Cuộc đời đưa đẩy chị làm kế toán hợp tác xã. Chuyện không có gì nếu trong văn phòng không có chiếc điện thoại bàn xài chung với văn phòng ủy ban. Các cô bé ở hợp tác xã xem chị như người chị cả không ngại kể cho chị biết thú vui tìm bạn của họ trên điện thoại. Thú vui này các cô chỉ dám làm lúc khuya. Cứ nhấc điện thoại lên bấm đại rồi hỏi làm quen. Tuy nhiên đa số xem các cô như trò đùa. Gọi qua lại hẹn hò và cho các cô... leo cây. Thậm chí có anh còn để vợ đến "dằn mặt" các cô tại văn phòng hợp tác xã. Một lần tối đó ủy ban họp, một người bạn điện thoại gọi đến hỏi Thủy, nhân viên hợp tác xã. Người bắt là chủ tịch phường. Thế là từ đó trước khi về, cô chủ tịch gỡ phích điện thoại và cũng từ dạo ấy buổi tối với Thủy và các bạn không còn vui như trước nữa.

Cuối thập niên 1990, đất nước mở cửa, nhu cầu giao dịch tăng, điện thoại phổ biến hơn. Tuy nhiên muốn đăng ký thuê bao điện thoại lúc đó xét duyệt cả năm trời mà giá lắp đặt rất cao. Vàng lúc ấy 400.000đ/lượng, người muốn lắp điện thoại phải đóng 7 triệu! Làm sao chị có số tiền to như thế để gọi điện cho học trò và các bạn người nước ngoài?

Thuở đó, tiện lợi nhất là máy nhắn tin (phonelink). Chỉ cần gọi đến tổng đài phonelink nhờ nhắn tin vào số máy thuê bao, tức thì nhân viên sẽ chuyển lời nhắn giúp. Nhiều lúc cần nhắn tin hoặc điện thoại chị phải ra các điểm điện thoại công cộng hay gọi nhờ điện thoại học trò. Học trò chị toàn là giám đốc, trưởng phòng các công ty Nhà nước, bắt đầu làm ăn với nước ngoài. Sau giờ dạy, chị tranh thủ xin nhắn một tin qua phonelink hay gọi một cuộc.

Tiền lắp đặt điện thoại giảm xuống còn 1.700.000đ, chị mượn tiền trả góp hằng tháng để đăng ký. Và chờ đợi mòn mỏi. Chị nhớ hoài cảnh mình và thằng em kết nghĩa chầu chực ở công ty điện thoại hỏi chừng nào gia đình mới được lắp đây. Người tiếp khách hàng chẳng buồn trả lời. Một chiều, sau nhiều tháng chờ đợi, nhân viên công ty đến lắp điện thoại. Thật là một sự kiện lớn cho cả xóm. Các cháu chị vui mừng và đề nghị chị "kinh doanh". Hễ nghe trả 500đ, còn gọi một cuộc 2000đ. Nhiều lúc tiền thu đóng cước tháng đó vẫn còn dư.

Dần dần, nhiều người vào điện thoại vì giá lắp ráp giảm. Từ 7 triệu xuống từ từ còn 500.000đ. Có công ty miễn luôn tiền lắp đặt lại còn tặng thêm chiếc điện thoại. Chị không còn "kinh doanh" được nữa. Cùng thời điểm điện thoại di động ra đời có thêm chức năng nhắn tin nên hệ thống phonelink giải thể.

Rồi đến lúc điện thoại di động cũng rẻ bèo thì điện thoại bàn chẳng ai xài nữa. Để liên lạc, ai cũng hỏi số điện thoại di động. Chiếc điện thoại bàn ngày nào kiêu hãnh trong phòng khách giờ được chuyển lên phòng chị để tiện cho chị gọi và nhận điện. Rồi một ngày chị phát hiện mình ngoan ngoãn đóng thuê bao nhưng chiếc điện thoại bàn đóng bụi và... hư đường dây từ bao giờ!

Chị chuyển hệ thống mạng internet mới nhanh hơn rồi tiện thể cắt luôn điện thoại bàn. Mạng mới đã được thay, nhanh hơn gấp mấy lần hệ thống mạng cũ... Nhưng điện thoại bàn mất đi chị bỗng nghe buồn buồn. Điện thoại bàn đã được thay bằng di động hay các cuộc gọi qua mạng như Zalo, Viber... Nhưng những phương tiện mới không cho chị những kỷ niệm dễ thương như khi chị mới bước vào cuộc sống hiện đại bên những người học trò cũ, những người bạn thân thương, mà giờ đây chị không biết họ ở phương nào.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn