"Ăn Rằm"...!
Cuối tuần có việc về quê, tôi cảm thấy trong nhịp sống hiện đại, không ít người Bắc Bộ vẫn còn giữ nét truyền thống "ăn Rằm tháng Bảy". Các xe khách đều chật cứng. Nhiều xe không còn chỗ nhồi nhét. Nhà xe nói dịp này người về quê "ăn Rằm" quá đông. Nói "ăn Rằm" cũng được hiểu như "ăn Tết", người Việt ta có thói quen nói tắt.
Vậy là trong cái tất bật, hối hả, xô bồ của cuộc sống ngày nay, người ta vẫn hướng về các khuôn mẫu văn hóa có nét truyền thống thuở trước. Tháng Bảy âm lịch, bên Phật giáo gọi là tháng Vu Lan, là dịp để báo hiếu với cha mẹ. Trong dân gian, gọi là "tháng cô hồn", dịp "xóa tội vong nhân", nên nhiều linh hồn có cơ hội trở về với gia đình con cháu. Do đó người sống thường "hóa vàng mã" để gởi cho người chết - "người cõi âm" - có đồ dùng. Nhưng cũng từ đây, biến tướng thành mê tín, tạo ra những cuộc trao đổi thực dụng giữa "người dương" và "người âm". Người sống tốn nhiều tiền vào việc "hóa vàng mã" cho người chết, với mong muốn được người chết cảm kích, thấy được quan tâm và phù trợ lại bằng những may mắn trong làm ăn, tài, lộc cho người sống... Chuyện này năm nào cũng lặp lại.
Nhà xe được dịp tăng ca, nối ghế, tăng chuyến phục vụ đi lại của người dân. Năm nay dịp Rằm tháng Bảy vào ngày cuối tuần nên lượng khách lại tăng vọt hơn những tuần trước đó. Còn tại thành thị, những phố phục vụ hàng mã được dịp sầm uất bán hàng, phục vụ nhu cầu "đồ lễ". Các làng nghề làm vàng mã cũng cật lực lao động để cung cấp tối đa sản phẩm ra thị trường.
Những hành khách trong các chuyến xe về quê "ăn Rằm" đa phần trẻ tuổi, là lao động tự do, học sinh, sinh viên... Họ chẳng phải thiếu ăn đến mức phải về quê để có một vài bữa ăn "đủ đạm" cho cơ thể. Vậy tại sao họ vẫn đổ xô về quê trong những dịp này. Rõ ràng có một tâm thức quê rất mạnh trong những người ly hương này, được khơi lại, sống lại với những thành viên gia đình vào những ngày có tính chất cổ truyền như vậy. Cái cảm giác quây quần, đoàn tụ, cùng với các nếp sinh hoạt văn hóa từ ký ức sẽ được khơi gợi lại vào dịp này, đấy là lý do dân Bắc Bộ rất hay về quê "ăn Rằm" tháng Bảy.
Ở quê, nhiều cha mẹ có con gà, con lợn mong đám con cháu về giết thịt, cúng Rằm, cũng là liên hoan... Suy cho cùng, vào cuối của tuần Rằm tháng Bảy, gia đình nào cũng có cỗ "cúng Rằm". Nhưng rõ ràng mỗi người đều theo đuổi những cảm xúc và hành vi ưu tiên khác nhau. Người buôn và sản xuất vàng mã chỉ mong thiên hạ "hóa" thật nhiều vàng để thu lợi. Người già ở quê chỉ mong con cái về cho vui vẻ cửa nhà. Những người ly hương chỉ mong Rằm lớn để trở lại thăm gia đình, tìm lại cảm giác quá khứ và tuổi thơ...
Rằm tháng Bảy năm nào cũng vậy: vẫn khói bụi, vẫn tuyên truyền không đốt vàng mã, vẫn tấp nập, vẫn chen chúc trên những chuyến xe... Một sự kiện, nhưng mang nhiều tâm thức!
ST.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top