Ăn Bánh Mùa Trăng

Mang ý nghĩa về sự đoàn viên, hạnh phúc tròn đầy, những chiếc bánh dẻo, bánh nướng Trung Thu tựa như "linh hồn" trong các bữa tiệc hay mâm cỗ đón ngày Rằm tháng Tám hằng năm. Ðối với nhiều người, nó lại còn gợi về một miền nhớ rất riêng, cũng như không ít nghĩ suy mỗi khi mùa TRĂNG về...

Chiếc bánh trong ký ức

Với chị Đặng Thị Quế (Sóc Trăng), hương vị của những chiếc bánh Trung Thu trong tuổi thơ luôn làm chị bồi hồi mỗi khi nhớ về. Xưa nhà nghèo, ba má đông con nên thường chỉ có thể mua về cho mấy anh chị em Quế một túi "bánh Trung Thu chay" để phá cỗ đêm Rằm. Gọi là bánh chay bởi nó hoàn toàn không có nhân, chỉ là chiếc bánh nướng bằng bột mì pha với đường. Chị nhớ lại: "Khi nướng mấy chiếc bánh Trung Thu lớn, thường có bột vụn dư ra, người ta tận dụng nướng loại nhỏ không nhân để bán. Bánh này thì rẻ hơn nhiều, nhỏ nhỏ thôi, không đầy đủ hương vị nhưng với mấy đứa trẻ nghèo ngày đó thì ngon ghê lắm. Lớn lên, mỗi lúc nhớ về kỷ niệm này, tôi luôn thấy thương ba má mình. Thời buổi chạy ăn từng bữa nhưng ba má vẫn cố gắng đem đến cho các con những điều tốt nhất, niềm vui tròn vẹn nhất có thể".

Đã từng đi qua những giai đoạn, thời điểm khó khăn, nhiều người vẫn còn mang theo ký ức về chiếc bánh mà một thời, mình và gia đình đã dùng để thay thế cho bánh Trung Thu. Anh Tuấn Minh (Q2, TP.HCM) nói về trải nghiệm này: "Lúc bé còn ở quê, ngày Rằm tháng Tám, mẹ tôi thường làm bánh phục linh cho tôi ăn. Nguyên liệu đơn giản lắm, chỉ có bột năng, đường, nước cốt dừa với lá dứa là đã có một mẻ bánh thơm ngon. Chiếc bánh bột trắng tinh được mẹ tôi dùng nước từ các loại rau quả quê như củ dền, lá dứa, lá cẩm... để khéo léo biến tấu thành nhiều màu sắc như đỏ, xanh, tím... Hình dáng phục linh cũng từa tựa như bánh Trung Thu, ăn lại thơm ngon lắm nên bọn trẻ chúng tôi ngày đó vẫn cảm thấy bữa tiệc Trung Thu của mình đủ đầy vô cùng".

Sinh ra và lớn lên nơi một vùng quê nghèo ở miền Trung, vị Trung Thu đã từng gắn bó với chị Trịnh Thị Thu Thủy trong suốt quãng thơ bé lại là những chiếc bánh bao không nhân, bé bằng lòng bàn tay mà gia đình hay mua ăn dịp Rằm tháng Tám. Những năm đầu khi mới rời quê, đến đất khách mưu sinh, chị cứ hay vô siêu thị mua mấy vỉ bánh bao chay về hấp ăn cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê khi mùa Trung Thu tới. Ở xa lâu rồi cũng nguôi ngoai, sau này không còn giữ thói quen ấy nữa nhưng mỗi năm vào mùa này, lòng chị vẫn dấy lên nỗi niềm nhớ nhung về ngày cũ.

Ăn bánh đón trăng, không ít người còn nhớ về những người thân trong gia đình, như ông Nguyễn Văn Thanh (Tân Bình, TP.HCM) vẫn nhắc đến ông ngoại mình với những hình ảnh đẹp: "Ông tôi hay dành tiền lương hưu của mình, đưa cho ba mẹ để chuẩn bị mâm cỗ Trung Thu cho mấy anh em tôi. Vì thế dù nhà có khó khăn thật nhưng ngày Rằm, mấy đứa cháu của ông vẫn được chia nhau ăn bánh vui trăng. Ông đã không còn lâu rồi nhưng sự yêu thương, bảo bọc đó vẫn sưởi ấm tôi suốt bao mùa đi qua".

... Và trong nhịp sống hiện đại

Theo thời gian, bánh Trung Thu không còn như một thứ quà quá đắt đỏ, chẳng cần phải là nhà có điều kiện mới có thể mua được. Cũng không còn hình ảnh các gia đình con đông, phải dùng loại bánh khác mà thay thế. Những chiếc bánh dù vẫn giữ nguyên vị truyền thống với nhân ngọt được làm từ đậu xanh, khoai môn hay nhân mặn thập cẩm nhưng giờ có thêm nhiều loại khác bởi những sáng tạo trong nguyên liệu và công thức chế biến. Thêm vào đó, về phần hình thức, bao bì cũng chỉn chu, bắt mắt hơn. Không chỉ mang niềm vui sẻ chia đến các gia đình trong mùa trăng, bánh Trung Thu còn là món quà để người ta gởi tặng, biếu nhau. Chị Ánh Loan (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "Năm ngoái, gia đình tôi được người bạn tặng một hộp bánh Trung Thu rau câu, nhìn bắt mắt, màu sắc đầy đủ, hoa văn đẹp, mỗi cái với vị khác nhau. Mình thấy là lạ thôi chứ vẫn ưng cái bánh thập cẩm truyền thống hơn. Nhưng con gái lớn và ba nó thích lắm nên chắc năm nay cũng mua loại này về. Đúng là chín người mười ý!".

Trên thị trường hiện nay, có vô số các nhãn hàng sản xuất bánh nên người tiêu dùng được thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Bên cạnh cơ sở sản xuất bánh quy mô, theo dây chuyền, cũng có không ít nhà làm bánh nhỏ lẻ, thủ công. Những năm gần đây, đến mùa, người ta còn thấy nhiều bạn trẻ tự học làm bánh Trung Thu, rồi rao bán trên các trang mạng xã hội. Ngoài việc mua bánh về để thưởng thức, có người còn chọn cách tự làm vì thích và cũng muốn đảm bảo an toàn vệ sinh. Chị Huỳnh Thị Cẩm Giang (Q10, TP.HCM) chia sẻ: "Xem tin tức trên mạng thấy giờ bánh giả, bánh Trung Quốc kém chất lượng tràn lan nên tôi cũng không dám mua về ăn. Ở nhà mình tự làm tuy không đẹp bằng nhưng được cái yên tâm hơn vì nguyên liệu mình chọn lựa có nguồn gốc đàng hoàng. Ngoài làm bánh nướng, bánh dẻo theo cách truyền thống, mấy năm rồi tôi cũng thử làm bánh dẻo bằng khoai lang cho thêm hương vị".

Vào mỗi dịp gần đến Rằm tháng Tám, trong phần quà mà các đoàn thiện nguyện đi tới vùng sâu, vùng xa cũng thường kèm theo chiếc bánh nướng, bánh dẻo, đem niềm vui đến cho trẻ em của những gia đình nghèo. Vì thế, chiếc bánh Trung Thu không chỉ xuất hiện nơi gia đình khá giả, trung lưu mà còn có mặt nơi những gia cảnh khó khăn. Rồi đây, ký ức về những mùa trăng được chia sẻ đó cũng sẽ đi theo từng đứa trẻ của các gia đình nghèo kia và trở thành một niềm ủi an dịu dàng mỗi khi nhớ về.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn