Nỗi Nhớ Từ Mưa

Sài Gòn mấy hôm nay mưa lành lạnh. Cái lạnh chỉ mơn man nhẹ nhàng ngoài da. Mưa ào xuống thành những dòng sông. Rồi quang mây, trời lại le lói nắng. Đơn giản và rất bình thường như tấm lòng rộng thoáng của người miền Nam.

Thế nhưng những cơn mưa một thoáng của Sài Gòn lại làm tôi nhớ mưa Quảng Trị, dù chẳng giống nhau về khối lượng, thời gian vì lúc Sài Gòn mưa thì quê tôi lại vào mùa nắng nóng. Cái lạnh se se, chẳng bù cái giá buốt thấu xương của mùa Đông quê nhà. Sài Gòn lạnh chưa đủ để mang chiếc áo len dày, khăn ấm. Mưa thì đáo qua chỉ vài giờ rồi đột ngột bỏ đi, nào có dầm dề suốt ngày, có khi cả tháng đến thúi đất như mưa ngoài ấy. Vậy mà mưa về vẫn làm tôi nhớ, rất nhớ...

Mâm cơm đầy ý nghĩa trong gia đình bây giờ thật hiếm. Người này có mặt, lại vắng người kia. Nếp sống công nghiệp lôi con người vào vòng lốc xoáy. Mâm cơm lúc nào cũng toàn những thức ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho khả năng làm việc, nhưng lại thiếu "gia vị" quan trọng là tình yêu thương, là hơi ấm sum họp gia đình. Tôi cô đơn bên mâm cơm hằng ngày. Tụi trẻ mải mê công việc, thường mua cơm hộp qua bữa, đến khuya mới về. Có vài hôm về được buổi trưa, cũng tranh thủ và nhanh vài chén, không kịp ngả lưng đã vội dắt xe ra đi làm vì sợ tắc đường, trễ giờ làm bị trừ lương, kiểm điểm dù cơ quan chỉ cách nhà non cây số. Khi bà cháu ăn uống xong xuôi, cháu vào giường ngủ còn bà cắm cúi trên chiếc máy vi tính, bố mẹ bé mới về. Tranh thủ tắm táp, bưng tô cơm ra ngồi uể oải múc từng muỗng, mắt dán lên màn hình tivi: Ôi! Ăn để mà sống... Còn sống chẳng qua chỉ là một kiếp người... (Nói nhỏ chỉ tôi và bạn nghe, nhiều khi tôi chạnh nghĩ: Chẳng biết tụi nó yêu nhau giờ nào khi thời gian như một quy trình khép kín! Tôi đi lạc rồi, đúng không? Nhưng cũng làm tôi băn khoăn đó chứ).

Mâm cơm ê hề cá thịt, nhưng nhạt nhẽo cả lòng. Tôi quay quắt nhớ bữa cơm ngày xưa, nhất là vào những ngày đông tháng rét. Hồi ấy, dân Quảng Trị hồi cư, thị xã chưa hoàn hồn sau cơn binh biến, điện chưa kéo về nên ánh sáng hằng đêm là ngọn đèn dầu nhỏ. Ba tôi phải lấy muối sống phủ đầy miệng đèn, vì họng làm thô sơ quá thường hở, lửa sẽ cháy lan. Ánh sáng bóng hột vịt, chỉ đủ chiếu sáng cái mâm tròn, lỏng chỏng dĩa khế kho ruốc. Họa hoằn mới có cá cấn, cá mại kho gừng, hay tép sông kho rim.

Nồi cơm thì hai phần khoai khô, một phần gạo hẩm. Vậy mà ngon đến tê tái cõi lòng, vừa ăn vừa hít hà, vừa xì xụp uống từng muỗng canh nóng.

Ôi chao! Sao mà ngon đến thế... Bây giờ tôi mới hiểu lý do đơn giản, vì gia đình quây quần ít khi thiếu một ai. Qua chiến tranh còn sống sót đầy đủ, là một hạnh phúc vô cùng lớn lao, không gì sánh bằng. Về xây dựng lại nhà cửa trên chính mảnh vườn xưa. Lặn ngụp trong khung cảnh vừa mơ vừa thực. Mơ là mơ về kỷ niệm của một Đinh gia giàu có, nhà ngói khang trang, vườn tược thênh thang cây cối. Thực là thực tế, căn nhà tạm bợ bằng những miếng tôn lỗ chỗ vết đạn, là cuộc sống muôn vàn khó khăn, khi phải đứng trên đôi chân chưa quen bỏ dép, khi phải vận dụng đôi tay mềm mại chỉ quen cầm bút , buộc chúng thích nghi theo hoàn cảnh.

Miên man cũng không quên được cây khế nhà tôi, nằm dịu dàng bên cạnh giếng. Cây khế gắn liền tuổi thơ của mấy anh em, màu hoa tím li ti đi vào cuộc đời tôi từ lúc còn ở truồng tắm mưa, cho đến tuổi cập kê kiêu hãnh của một tiểu thơ con ông Đội xếp.

Thuở ấy, ba chị em thường kéo nhau ra giếng tắm, có lần cô em gái kế rớt theo gàu xuống giếng, may mắn không sao. Nhưng hơn một tuần, em phải lọ mọ theo sau mạ đích, bỏ những nắm cơm trên chiếc lá mít, thắp hương gọi hồn. Mạ tôi nói làm thế để em tôi lớn lên không ngớ ngẩn. Từ đó, mấy chị em sợ cái giếng, sợ luôn cây khế, đi ngang đó gáy lạnh toát, sờ cổ thấy mồ hôi tươm rịn,(chắc đó là mồ hôi lạnh người ta thường nói). Mỗi lần xuống nhà thờ, gần đến giếng là tôi co giò cắm đầu chạy, nghe như có tiếng chân ai đó chạy theo sau... nên lại càng vắt hết sức mà chạy.

Ngày về cây khế và giếng nước còn nguyên, những cây khác cùng nhà cửa đổ nát. Vào mùa đông lạnh, ba tôi hái những trái khế to và bóng loáng, mọng nước. Nắng nôi thì kèm vả, rau thơm chấm ruốc. Mưa thì xắt mỏng, vắt kiệt, đánh ruốc kho cô lại. Ớt bột thật cay. Trời lạnh. Nồi cơm thơm mùi khoai sắn nóng hôi hổi. Miếng khế vừa chua chua dịu dịu, vừa cay vừa mặn mà vị ruốc. Lại do chính tay ba làm bếp trưởng nên "Ngon ơi là ngon".

Ngồi buồn lại nhớ ngày xưa, nhớ ba nhớ mạ, nhớ cây khế bên giếng. Nghĩ cũng lạ kỳ, nệm ấm chăn êm, ăn sung mặc sướng không nhớ, lại đi nhớ những ngày vất vả, thiếu thốn sau chiến tranh. Ừ mà phải rồi, lúc ấy ba mạ suốt ngày lo tính toán buôn bán, sinh hoạt của ba anh em giao phó hoàn toàn cho người ăn kẻ ở. Sau này mất mát tất cả, mạ tôi sáng đi bán, chiều về nhà. Ba thì quanh quẩn trong nhà nên bữa cơm tối bao giờ cũng rộn ràng, ấm áp.

Bây giờ có gia đình riêng, có con cái càng ngộ ra điều giản dị nhất, và cũng quan trọng nhất đem đến hương vị ngọt ngào, chính là sự đoàn viên bên mâm cơm, dù chỉ là một bữa ăn đạm bạc. Đó là một loại gia vị quý nhất, nếu thiếu tất cả thức ăn trở nên khô xảm trên miệng, đắng chát trên môi.... Tất cả nay không thể tìm lại được dù một giây phút nhỏ nhoi.

Mùa mưa lại về, ngồi thèm được ăn chén cơm và với lát khế đậm đà chua mặn. Thèm tiếng cười rộn rã của hai cô em gái ngây thơ. Thèm nghe tiếng ba, lời mạ bên ngọn đèn hiu hiu gió. Nhớ đến nao lòng từ phương Nam xa xôi... về mùi vị món ăn quá ư đơn giản: Khế kho mắm ruốc.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #tảnmạn